Tapchienmong - Thật lòng mà nói, cho tới giờ, tôi hiếm khi có dịp được chứng kiến một cuộc tranh luận nào mà khi kết thúc cả hai phía đều thật sự cảm thấy hài lòng vì được phát biểu ý kiến riêng của mình. Ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng nhiều người chưa có thói quen hoặc có thể nói là chưa biết lắng nghe những ý kiến khác với ý kiến của mình. Thường là bằng sự ngoan cố hoặc nếu có là quyền uy của mình, họ thường từ chối lắng nghe và sẵn sàng ép buộc người khác phải tin rằng ý kiến của họ mới là ý kiến đúng, còn ý kiến của người kia rất có thể là sai lầm, thậm chí là nguy hại.


Ảnh minh họa


Trước khi đi tiếp vào vấn đề, tôi cần xác định rõ rằng mục tiêu của bài tùybút không hướng đến việc xác định tính đúng sai xác thực của vấn đề và trong giới hạn của một bài viết ngắn, nó cũng không hướng đến việc bàn luận quá nhiều về quyền tự do ngôn luận khi một người nào đó bị tước đoạt quyền phát biểu ý kiến riêng của mình. Mục tiêu của tùy bút này chỉ gợi cho người đọc cách nhìn nhận về những ý kiến khác khi so với ý kiến mà họ tin là đúng.

Như đã nói ở trên, việc lắng nghe những ý kiến khác với ý kiến của mình là việc mà ít người có thể làm được. Nhiều người chưa sẵn sàng làm quen tính có thể sai lầm của một ý kiến hay một nhận định mà họ tin là đúng. Trong thế giới quan của họ, ý kiến và nhận định của họ luôn là chân lý, là không thể sai lầm và cách tốt nhất để bảo vệ chân lý đó là khước từ lắng nghe những ý kiến khác. Niềm tin mù quáng vào điều mà họ cho là chân lý cũng như nỗi sợ chân lý đó sẽ lung lay là điều tôi tin là nhiều người có thể hình dung và giải thích cho hành động khước từ lắng nghe những ý kiến khác.

Thế nhưng, bất chấp những giả định mà những người khác có thể nghĩ ra để phê phán việc họ khước từ lắng nghe những ý kiến khác, họ không những chỉ ôm khư khư cái chân lý mù quáng, không xét đoán yên phận trong phạm vi thế giới của mình bao gồm những người có ý kiến giống họ mà họ còn ôm mộng áp đặt cái chân lý đó lên những người mà họ cho rằng là có những ý kiến sai lệch, dị biệt. Họ không nghĩ rằng những người có ý kiến khác đó, cùng một cung cách như họ, cũng có thể áp đặt, buộc họ phải xem cái mà những người đó tin là chân lý là chân lý. Và nếu như tất cả mọi người, ai ai cũng hành động như họ thì chân lý có lẽ sẽ là một thứ gì đó tầm thường, ngụy tạo phụ thuộc vào nhóm người có số lượng áp đảo hoặc có quyền uy nào đó.

Hành động khước từ lắng nghe những ý kiến khác với ý kiến của mình không những tước đoạt quyền biểu đạt ý kiến, nhận định của người khác mà còn tước đoạt cơ hội để đạt tới cái chân lý thật sự. Rõ ràng nếu ý kiến khác đó là đúng, họ sẽ có cơ hội để bỏ sai mà theo đúng. Còn giả như ý kiến khác đó là sai thì họ có thể tạm tin rằng ý kiến của mình đang đúng hướng để tiến tới chân lý.

Lắng nghe những phê phán của người khác về ý kiến của mình là điều hết sức cần thiết nếu người nào đó muốn tìm đến chân lý. Đó là cơ hội để họ nhìn rõ vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau để thực hiện việc suy xét ý kiến mà họ tin là chân lý. Tiếp nhận nghe những ý kiến khác, trái chiều với ý kiến của họ là cách duy nhất để họ phát hiện sai lầm, thiếu sót nếu có trong ý kiến của mình. Nó cũng là cách duy nhất để trui rèn tính đúng đắn của ý kiến mà họ tin là chân lý. Sự suy xét là cách duy nhất để họ hiệu chỉnh ý kiến của mình ngày càng tiệm cận chân lý.

Hành động suy xét không thể khẳng định một cách quyết đoán ý kiến nào là chân lý bởi vì sự suy xét, xét cho cùng, cũng có thể sai lầm. Tuy nhiên một khi ý kiến của họ đã trải qua nhiều cuộc suy xét, được hiệu chỉnh đủ để đứng vững vàng trước những phản bác, họ có thể tự tin rằng ý kiến của mình đúng đắn hơn ý kiến của một ai đó chưa trải qua quá trình suy xét. Phải chăng đây mới thật sự là mục đích của những cuộc tranh luận, cuộc chơi của những người trưởng thành?

Nguồn Tùy bút của Tạp chí Én mỏng