TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 6 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 30

Chủ đề: Cốc Họa Nan Đồ - Tác giả Vụ Xuân - Truyện Việt Hoàn Thành

  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    47
    Xu
    0

    Mặc định Cốc Họa Nan Đồ - Tác giả Vụ Xuân - Truyện Việt Hoàn Thành

    Mình tham gia Tàng Thư Viện cách đây năm năm, giờ nhắc lại chả nhớ tại sao lại hồi đó lại đăng ký. Thú thực mình không đọc convert, không đọc ngôn tình, tóm lại là chưa từng đọc truyện trên Tàng Thư Viện bao giờ (Nói thật hoàn toàn) *cười*

    Trước giờ mình chỉ đọc truyện của lão Kim, mấy quyển Tru Tiên của anh gì gì đó (Phần 1 thôi, phần hai mở ra chán òm) và của Phượng Ca. Trong đó không bàn đến lão Kim, thì Phượng Ca phải nói để lại cho mình một ấn tượng sâu sắc, có thể nói thay đổi một phần nào đó cách nhìn của mình về trào lưu kiếm hiệp hiện đại.

    Mình là fan dòng kiếm hiệp thuần chủng, cũng từng thử qua mấy truyện huyền huyễn, tiên phàm gì đó nhưng không có ấn tượng. Có lẽ do đầu mình nhảy số chậm, đọc liên hệ với đời sống thực tế thì được chứ cứ ba hoa nhảy qua nhảy lại mấy thế giới mình không có thấm. Từng đọc hết quyển Thần Mộ, quả thực là đánh vật, bây giờ bắt nói lại chắc chẳng nhớ gì.

    Ba năm trước mình bắt đầu viết truyện để tự đọc, mãi chẳng dám khoe ai, bạn bè mình thực tế không thích dòng truyện này lắm. (Lũ bọn mình sinh trưởng trong môi trường văn hóa du nhập, mỹ mủng lủng củng, mấy cái huynh huynh muội muội sến sủa không phải ai cũng nuốt được). Truyện mình viết tùy hứng, không phải "hứng" kiểu "à, rảnh quá, viết tí cho đời nó sáng sủa" mà là thực sự có lòng mới viết. Mình quan niệm cái gì mình thích thú trong quá trình làm ra thì người khác mới thích thú trong quá trình sử dụng. Kiểu mấy ông làm phim, cứ tồ tồ mỗi năm một phim mà không có kế hoạch xem nhàm chết mất. *cười*

    Lẽ dĩ nhiên, bạn nào đã chịu khó đọc hết từ nãy đến giờ mà không than "bố này khùng xừ nó rồi" thì chắc đã đoán được truyện mình viết không nằm ngoài khuôn khổ kiếm hiệp. Mình đã, đang và sẽ chỉ viết kiếm hiệp (trừ khi một sáng đẹp trời mình tỉnh dậy thấy có thằng dí súng vào đầu mình bảo "mầy viết tao ba chục trang Tiên hiệp" thì mình cung kính không bằng tuân lệnh).

    Không đúng, truyện mình viết là Hiệp kiếm. Chữ Hiệp được đặt lên trên đầu, không phải là kiếm. Kiếm chỉ đóng góp một phần, trong đó lớn mạnh hơn vẫn là chữ Hiệp. Mình quan điểm Hiệp là cách đối nhân xử thế, là nghĩa khí kinh vân, là tình cảm nam nữ. Thế giới của Kim Dung vẽ ra muôn vàn màu sắc, khiến con người ta thêm mở mang tầm mắt, phần lớn chính là nhờ vào chữ Hiệp. Mãi đến mấy chục năm sau, không ít người vẫn còn ngồi chén trà chén nước mà bình phẩm một Anh hùng xạ điêu, một Thiên Long Bát Bộ, đó chính là vì Kim Dung khi viết cũng đã để chữ Hiệp lên trước. Mấy ai bàn trong Hàm Long Thập Bát Chưởng chiêu nào đứng đầu, lại càng không ai nói về anh Đoàn Dự đi xe máy (Lăng Ba Vi Bộ) bắn súng tiểu liên ra sao (Lục Mạch Thần Kiếm).

    Tản mạn một chút về bản thân, mình chỉ muốn nói mình cũng giống biết bao nhiêu thằng thanh niên khác, khi lớn lên không may cầm vào mấy quyển sách của lão Kim, mà từ đó mắc một căn bệnh cả đời không sao dứt được. Có là đôi khi tạm quên đi, lao đầu vào buôn bán học hành, để đến khi rảnh rỗi nhìn lên trời lại tự hỏi, không biết ngày đó Dương Quá đi cầu tiêu kiểu gì.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Truyện này của mình thực chất là tiền truyện cho một truyện khác dài hơi hơn. Truyện dài khoảng bảy tám vạn chữ, mình viết hết tổng cộng ba tháng, là do viết chính truyện nản quay sang viết tiền truyện giải trí. Các bạn đọc không sợ mình drop, vì mình đã viết xong rồi.

    Trong truyện mình có nêu các địa danh, mặc dù dựa trên na ná Việt Nam và người láng giềng Trung Quốc nhưng thực chất đều là bịa đặt, không có gì đúng với sự thật. Mình ban đầu định dựa theo sử Việt Nam, nhưng nhớ ra hồi trung học phổ thông ba năm liền mất học sinh giỏi vì môn sử nên thôi. Hơn nữa Sử Việt Nam đụng chạm nhiều tới người nọ người kia, viết phải ngó tới ngó lui thì không sao mà vui được.

    Trong truyện vẫn còn nhiều từ Hán Việt, mình cũng định sửa, xong nghe dù sao thì nó vẫn thân thiết hơn, thêm vào đó qua tìm hiểu của mình, quả thực nhiều từ ngữ hay cách xưng hô trước đây đã được người Việt cổ sử dụng, chẳng qua mấy ông viết truyện hay bem vào, mọi người lại tưởng học hỏi từ anh Tàu.

    Hè hè, viết đã dài, chẳng biết có nên cơm nên cháo gì không, cứ xin lỗi trước.
    Chúc các bạn khi đọc có nhiều niềm vui, ít ra cũng được như lúc mình viết!

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi thtgiang, ngày 18-10-2015 lúc 19:45.
    ---QC---


  2. Bài viết được 33 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    aliking,ankiemkhach,aruzedragon,Băng Thiên Tuyết Địa,chimxanh,client_ideas,daicavit,DocChoi,dtthanh4321,haiau090,hiepyhp,hoangcowboy,hothan710,Kiếm Du Thái Hư,kydanhlagi,lamlai123,Lâm Kính Vũ,lKai,long17111995,Macbeth0308,Miên Lý Tàng Châm,netwalker,ngocnghechvn,saintduren,sexylove,Tà thần,Túy Kiếm Phong Trần,Terror189,Thủy Nguyệt,trangminhtrang,trung1223,vanduy_96,Zoro_NDK,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    47
    Xu
    0

    Mặc định Chương một

    Cốc Họa Nan Đồ
    Tác giả: Vụ Xuân


    Chương 1: Quán nước giảng hòa

    Thảo luận, góp ý cho mình


    “Kiệt Thổ chướng khí đáng sợ, núi cao hồ sâu, là mảnh đất bị thần linh nguyền rủa, tuy cảnh thế đẹp đẽ nhưng không phải là nơi dành cho người ở. Nghĩ lại Hạo châu chúng ta vừa mới thống nhất, nhà Yên chưa tan, con cháu họ Triệu còn chưa ngồi vững vương vị, thay vì hồ đồ đem xương máu con dân Triệu quốc đổ vào Kiệt Thổ, chi bằng giữ người giữ của, dừng lại công việc chinh phạt mảnh đất phía nam này. Có như vậy mới là vì đại cục, có như vậy mới là an dân. Chỉ mong Triệu vương tính toán vì nhân dân trăm họ, cẩn thận xem xét lời nói của bậc trung thần, đây âu cũng là vì cái phước của Hạo Châu ngàn đời sau.”

    Trích tấu chương Thượng Quan Lại Côn, gửi vị vua trẻ Triệu Can Sương, can gián việc đem quân xuống phía nam chinh phạt.


    Chương 1: Quán nước giảng hòa

    Mảnh đất phía nam Hạo Châu gọi là Kiệt Thổ, từ xưa đến nay luôn được coi là vùng đất dữ. Kiệt Thổ rừng thiêng nước độc, người đi khai hoang ba tuần không về thì ở nhà lúc đó tự khắc phải biết mà lập hương đàn dựng án, gọi thầy cầu siêu. Chưa kể đến hổ báo rắn rết đàn đàn lũ lũ, cứ đêm đến đi khua loạn thôn xóm, Kiệt Thổ còn nổi tiếng bởi thuồng luồng giao long, đủ mọi loại yêu tinh quỉ quái, con người vốn sức chân lực tay có hạn, chỉ dám tồn tại một cách vật vờ yếu ớt. Người của Hạo Châu dăm ba lần xuống phía Nam, thấy cây cỏ nước Nam vừa lạ vừa độc, cũng đã từ lâu bỏ ý định xâm chiếm.

    Trước đây Kiệt Thổ cũng có vua, vua của Kiệt Thổ tên Đoàn Kinh Luân, sau vì bệnh nặng chết sớm, con cái lại đều còn nhỏ, đứa lớn nhất cũng chưa quá mười hai, dẫn đến việc tình hình đất nước chia năm xẻ bảy, cực kỳ loạn lạc. Các cánh quân thay nhau dưới danh nghĩa phò vua trợ quốc phất cờ nổi dậy, kẻ thì chiếm đóng phía Đông, vơ vét tài nguyên, chế tạo vũ khí, người thì hùng bá phía Tây, thu gom nông phu, mở rộng binh lực.

    Người dân Kiệt Thổ trước lo đối phó với dã thú thiên nhiên đã chật vật khốn khổ, nay lại thêm loạn sứ quân, đời sống càng khó khăn trắc trở. Nhiều nơi nhân dân cực khổ lầm than, có thế mới thấm thía câu nói làm chó thời bình còn hơn làm người thời loạn.

    Con cái họ Đoàn cũng vì mưu sinh mà từ bỏ hoàng thành, mỗi người một ngả. Sau bốn năm trốn chui trốn lủi, người anh cả lúc bấy giờ vừa tròn mười sáu bị phiến quân bắt được, đem lên làm bù nhìn, xong vì trong tay không có thực quyền, suốt ngày chỉ biết chìm đắm trong tửu sắc, sáu năm sau, mới hai mươi hai tuổi đã trúng thượng mã phong mà chết.

    Những người con họ Đoàn còn lại sợ bị phiến quân phát hiện, thay tên đổi họ, du nhập vào dân gian sống dưới vỏ bọc thường dân khố vải. Các phiến quân liên tục đấu đá, có thắng có thua, có được có mất, xong rốt cục vẫn là không ai hơn ai, ngỡ tưởng cảnh này không biết đến bao giờ mới hết.

    Quán nhỏ ven rừng, mặc dù đứng giữa thiên nhiên yên bình nhưng không khí nơi đây lại ồn ào nhiệt náo khác thường.

    Số là ở ngoài cửa quán có hai đại nam to lớn đang trợn mắt nhìn nhau, ai nấy mặt mày đỏ ửng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tay áo xắn cao, tựa hồ sắp quyết một phen sống mái. Xung quanh có tầm mười sáu mười bảy người chỉ trỏ đứng xem, nghe qua thì vốn hai lão là anh em đồng sanh cộng tử từ nhỏ, xong hôm nay rượu vào lời ra, chén chú chén anh nảy sinh xích mích, nói vài ba câu không vừa tai lập tức đập bàn đập ghế, quyết định phải trái bằng nắm đấm. Lại có người bảo hai lão là kẻ thù không đội trời chung, hôm nay đến uống nước ở quán này, vô tình đụng độ, thành ra đem mối ân oán bất hòa bấy lâu ra giải quyết. Lại có nguồn tin cho biết vốn hai lão này chả quen biết gì nhau cả, chỉ là người này nhìn không thuận mắt nên đến gây sự với người kia. Tam sao thất bản, phải trái trắng đen chẳng biết đường nào mà lần.

    Chủ quán mặt mày khó coi, không biết làm thế nào cho phải, cả hai người ai nấy đều chân to tay lớn, mặt mày bặm trợn, người ta nói “cản người say”, chủ quán bé nhỏ nhẹ cân, chỉ sợ chưa chen vào được đã bươu đầu mẻ chán.

    Đại nam bên phải râu dài mày rậm, cởi toang ngực áo, để lộ bộ ngực lông lá màu đồng đất rắn chắc, hét lớn:

    - Tao nhường mày nhiều lắm rồi, chuyện khác thì được, lần này mày không nghe tao, đừng trách sau này đến phân cũng không có mà bốc bỏ vào mồm.

    Người kia đầu tròn trọc lốc, xong cũng không trắng trẻo hơn đại nam râu quai nón bao nhiêu, chỉ tay quát lại:

    - Nói nhẹ không nghe lại phải nặng lời mới chịu. Tao đã nói hết lý hết lẽ với mày, nhưng quả thật mày đầu óc ngu độn, tính toán sâu sắc cũng chỉ đến bằng một con đàn bà mà thôi, cứ như nước đổ đầu vịt.

    Nhiều người đứng đợi từ lâu, trời trưa nắng gắt, nghe hai bên mắng đi mắng lại đã nhàm cả tai, bắt đầu giục:

    - Thôi đánh đi! Đánh xong để chúng ta còn về chặt củi tiếp nào!

    Người đầu trọc quay phắt lại, hai mắt lườm xéo:

    - Thằng nào dẻo miệng tao cho vào đây đánh trước.

    Thấy y hung tợn, lại chẳng ai dám nói lời nào. Chủ quán bị hai người quấy rầy không buôn bán gì được, chỉ sợ một lát nữa qua giờ nghỉ trưa, mọi người bắt đầu đi làm, y đóng quán cũng chẳng kiếm đâu ra khách, đồng ra đồng vào cái gì cũng mất, rất sốt ruột:

    - Ôi hai vị đại nhân bỏ qua đi, chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau giải quyết…

    Đại nam râu quai nón phẩy tay:

    - Đừng có xen vào, mày yên tâm, gẫy một cái ghế tao đền một cái ghế, gãy một cái bàn tao trả một cái bàn.
    Chủ quán mặt mày như đưa đám. Hai tên này gây sự cũng vô cùng khôn ngoan, không đánh trong quán, thành ra chủ quán chẳng thể bắt bẻ y đền tiền chuyện đồ đạc đổ vỡ được.

    Tình thế căng như dây đàn xong mãi không chịu đứt, chủ quán chỉ thiếu một nước vào nhà cầm dao ra đuổi hai tên thô lỗ này đi, đúng lúc đó từ sau lưng chủ quán một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai y, hỏi nhỏ vào tai:

    - Có chuyện gì mà đông vui thế này?

    Chủ quán quay đầu nhìn lại, thấy người vừa hỏi là một cậu thanh niên dáng vẻ nho nhã, lưng đeo túi lớn. Giả dụ như khuôn mặt trắng trẻo một chút, bàn tay bớt thô ráp một chút, mái tóc trải gọn gàng lại, thì rõ ràng là con nhà quyền quý, một trang tuấn tú, xong đó là giá mà, chàng thanh niên này xem ra cũng chỉ là con nhà nông bình thường, chẳng qua sinh ra với khuôn mặt đẹp đẽ hơn người mà thôi.

    - Hai tên hỗn đản này cứ đứng đây cãi nhau từ sáng, dọa đánh dọa giết, khiến ta chẳng làm ăn gì được.

    Thư sinh nọ mỉm cười, mặc dù niên kỷ còn trẻ xong ẩn giấu trong nụ cười sự từng trải, giãi dầu mưa gió của cả một đời người. Quán chủ làm ăn ở đây bao năm, cũng từng gặp không ít chuyện, vui có buồn có, xong nhìn vị thư sinh kia tiếu y còn hơn y ba bốn chục năm trên đời.

    - Vậy theo ông là hai người này nên đánh hay nên hòa?

    Quán chủ chỉ muốn nhanh chóng quay lại làm ăn, đánh hay hòa là chuyện của người ta, y đã chẳng còn quan tâm nữa.

    - Nói khéo để bọn y bỏ đi được thì tốt, xong không được thì thà để chúng lao vào đánh nhau sứt đầu mẻ chán cũng còn hơn ở đây quấy phá ta làm ăn.

    Thư sinh nọ gật đầu:

    - Phải rồi, phải rồi. Việc làm ăn là trên hết, để ta giúp ông, sau ông trả công ta nhé.

    Dứt lời đi ra đằng trước, quán chủ thấy y muốn giúp mình thì rất vui mừng, xong nhìn thân hình y mảnh khảnh yếu ớt, so với hai đại nam kia thật chẳng thấm vào đâu, lại có phần lo cho y:

    - Thư sinh cẩn thận.

    Chàng thư sinh đến giữa hai người, dùng hai tay vỗ vào vai mỗi người một cái, tựa hồ quen biết đã lâu:

    - Hai anh em rốt cục có chuyện gì mà ra đây mặt nặng mày nhẹ vậy?

    Cái vỗ không nhẹ, nghe hai tiếng đôm đốp vang lên. Hai vị đại nam kia lại tuyệt đối chẳng xi nhê gì, khua tay đẩy thư sinh sang một bên, nói:

    - Đứng sang một bên, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, mày đứng lớ xớ ở đây tí ăn đấm ăn đạp đừng có gào mồm lên mà kiện cáo.

    Thư sinh bị đẩy loạng choạng suýt ngã, xong y đứng vững lại được, vuốt tay qua trán cảm tưởng rất mệt mỏi, thở dốc:

    - Ui chà chà, người khôn ngoan bình tĩnh một chút là việc gì cũng có thể giải quyết được. Vừa hay ta có giấy mực ở đây, hay là hai người nghỉ một chút, kể lại sự tình cho ta, ta ghi vào giấy, lúc đó nhờ mọi người ở đây phân giải, ai đúng ai sai biết ngay mà.

    Đại nam đầu trọc nhìn y chằm chằm, lại quay sang râu rậm, vỗ ngực:

    - Được! Tao sợ cái cóc khô gì mà không nói.

    Râu rậm thấy đầu trọc đồng ý với lời khuyên của thư sinh, cũng không muốn tỏ ra núng thế:

    - Con bà nhà thằng trọc sợ tao nói trước thì lộ cái ngu ra chứ gì? Để ông nội mày cho mày thấy mày sai ở đâu.
    Thư sinh kê một chiếc bàn ra giữa nhà, gọi lớn:

    - Vào đây ngồi xuống cho mát, trời nắng nóng ta không viết được.

    Mọi người thấy hai đại nam không đánh nhau nữa thì cũng lục đục bỏ vào nhà, một mặt muốn xem thư sinh nọ giải quyết ra sao, mặt khác lại càng muốn xem hai đại nam này sinh sự là vì nguyên cớ gì.

    Thư sinh lấy nước pha mực, trải giấy trên bàn, chấm chấm bút, hỏi:

    - Nào vị đại ca râu tóc này nói trước.

    Đầu trọc đập bàn đứng dậy:

    - Rõ ràng là tao đồng ý viết giấy trước, bây giờ thằng lỏi này trở mặt, mời lão rậm râu mà không mời tao, có phải hai thằng nhà mày vào hùa với nhau không?

    Đại nam râu quai nón cười lớn:

    - Theo ta là trắng đen rõ mẹ rồi, thằng lỏi này còn thấy được, mày ngu lắm cơ.

    Thư sinh mặt không đổi sắc, nói:

    - Tại ta thấy y râu tóc lồm xồm thế kia đoán y lớn tuổi hơn, kính lão đắc thọ, cái gì cũng phải có tôn ti trật tự. Nếu vị đại ca này không thích thì có thể bỏ về, coi như chấp nhận để râu rậm đây một mình kể nể, đến lúc đó người thiệt chỉ có đại ca mà thôi. Về sau đi lại, gặp ai trên đường cũng bị người ta chỉ trỏ nói xấu, bảo rằng là một kẻ thất phu.

    Đầu trọc giận lắm, xong thư sinh không phải là không có lý, ở đây đông người không tiện đánh y, thêm vào râu rậm vẫn còn ngồi đây, gây sự thì đúng là để người khác chê cười, gật đầu:

    - Đúng là nó lớn tuổi hơn tao. Ừ thì cho nó nói trước.

    Thư sinh nói với chủ quán:

    - Chủ quán cho hai vị đại ca mỗi người một cốc nhân trần để nhấp giọng, coi như ta mời.

    Chủ quán cun cút chạy đi lấy ấm nước rót cho hai người. Hai người này vừa ở giữa trời nắng quát tháo mắng mỏ, đương nhiên là khát, bát nước vừa đến tay là cạn. Mọi người trong quán nhìn thấy hai đại nam uống nước như giếng lập tức cổ họng cũng khô ran, lại phải gọi nước, thành ra quán chủ một lúc làm không kịp xuể, hết ấm này đến ấm khác được mang ra.

    Thư sinh giơ tay mời râu rậm:

    - Đại ca nói đi.

    Râu rậm ôn tồn nói:

    - Tao với cái thằng trọc này trước đây làm tiều phu trên núi, sống với nhau từ nhỏ. Xong cuộc sống khó khăn, càng ngày củi kiếm được càng ít, công lao làm lụng cả ngày chẳng đủ mua đồ ăn một bữa, quyết định xuống núi kiếm một phiến quân nào đó để ra nhập. Nghe nói vào phiến quân rồi hàng tháng được phát quân lương, không những không phải lo cái ăn cái mặc lại còn được học võ, bọn tao vốn khỏe mạnh, nếu quả thực chú tâm luyện tập, nhất định có ngày thành công. Xong thằng trọc ngu si không nghe tao nói, tham lam chút bổng lộc nhỏ nhoi trước mắt mà không có suy nghĩ sau này. Nó muốn gia nhập quân của Ngụy Tam Gia, ừ thì Ngụy Tam Gia quân to binh lớn, tiền tiêu hàng tháng cũng được phát không ít, nhưng vị Ngụy Tam Gia này không có chí lớn, suốt ngày bo bo giữ đất, sớm muộn gì cũng bị người khác đánh bại.

    Đầu trọc cười ha hả, nói xen vào:

    - Mày thì hay. Mở miệng ra là muốn sửa váy cho thằng Viên Hổ. Nói cho mà biết, thằng Viên Hổ cả đội quân của nó chưa đến một trăm người, đừng nói đánh đông dẹp bắc, chỉ sợ kéo một trăm người đi qua núi thì thú rừng cũng lấy xỉa răng sạch cả đám.

    Râu rậm tức tối:

    - Thằng chết bằm, Viên Hổ rõ ràng là người trời, quân đội một trăm người nhưng khỏe gấp ngàn vạn lần cái thằng Ngụy Tam Gia Ngụy Tứ Gia của mày.

    Thư sinh nọ không để hai người lại tiếp tục cãi nhau gây sự, phẩy phẩy tờ giấy đang cầm trong tay cho khô mực, nói:

    - Thế này nhé, ta viết xong giấy rồi, hai người theo ta thì tốt nhất ai đi đường nấy, người theo Viên Hổ kẻ theo Ngụy Tam Gia.

    Cả hai người nhìn nhau, không bảo mà đồng thanh:

    - Không được!

    Thư sinh tròn mắt ngạc nhiên:

    - Sao lại không được? Rõ ràng như thế là hợp tình hợp lý còn gì. Sau này biết đâu Viên Hổ và Ngụy Tam Gia gặp nhau trên chiến trường, hai người lúc đó mỗi người thờ một chủ, chỉ sợ không có sức mà đánh, chứ không ai cấm hai người dùng mũi thương ngọn giáo để giải quyết nhau cả.

    Râu rậm nắm tay nắm chân, ra vẻ rất tức giận:

    - Ý mày bảo là bọn tao anh em trong nhà đi giết nhau chứ gì? Mày coi bọn tao là cầm thú chắc? Đừng tưởng biết một chút chữ nghĩa là hay, tin tao lóc thịt mày ăn sống không?

    Đầu trọc tán thành:

    - Đúng! Thằng lỏi này ăn nói thì ra vẻ quân tử khôn ngoan, chẳng ra cái mẹ gì hết.

    Thư sinh thở dài:

    - Thế này cũng không phải thế kia cũng không được, theo ta thấy thì hai người tốt nhất lên núi săn bắn chặt củi mà sống tiếp qua ngày, dù có gia nhập Viên Hổ hay Ngụy Tam Gia thì sớm muộn cũng phải giết người. Kẻ bị giết không phải anh em của hai người nhưng cũng là anh em người khác, hai người có nghĩ đến những việc này không?
    Rậm râu đứng bật dậy, quát:

    - Tao chẳng ở đây đôi co với mày, em à, chúng ta đi, Viên Hổ hay Ngụy Tam Gia gì cũng được, miễn là hai chúng ta hợp sức, nhất định không ai dám coi thường.

    Đầu trọc bật cười:

    - Anh vẫn là thông minh, hơn cái thằng thư sinh rởm này trăm lần.

    Hai người vui vẻ bỏ đi, thư sinh thở dài, gấp tờ giấy lại bỏ vào trong túi. Mọi người thấy y giải quyết sự tình xong xuôi thì tản đi, trả tiền nước cho chủ quán rồi quay lại với công việc.

    Chủ quán từ vắng khách tự nhiên cả quán đông nghịt người, hai tên hỗn đản gây sự cũng bỏ đi hòa thuận, rất vui mừng, đem mười mấy đồng tặng cho thư sinh nọ, nói:

    - Có chút tiền lẻ coi như là phí giấy mực và thay lời cảm ơn. Hôm nay không có cậu thì ta đến phải khổ với bọn chúng.

    Thư sinh không chê bai ít nhiều, cũng chẳng buồn từ chối, nhận tiền đút vào túi, đáp:

    - Là chút chuyện phải làm thôi, không ai bị thương là tốt rồi.

    Sắp xếp xong đống giấy bút thì thư sinh nọ bỏ đi, chủ quán nhìn theo y, lâu lắm rồi mới gặp người tốt như vậy.

    Thư sinh đi được một đoạn bắt gặp hai đại nam ban nãy ở quán nước đứng chờ mình, hai đại nam nọ thấy y thì cười cợt, hỏi:

    - Thư sinh sao làm gì ở đó mà lâu vậy?

    Thư sinh nọ lắc đầu, đáp:

    - Ông chủ quán tốt bụng, ta không nỡ lấy tiền của ông ấy.

    Hai đại nam nhìn nhau cười lớn, hỏi:

    - Lần này thu hoạch tốt không?

    Thư sinh gật đầu:

    - Cũng khá, chắc do nhiều người uống nước, ông chủ cũng xông xênh hẳn lên.

    Dứt lời lấy ra xâu tiền, chia làm ba phần, cho hai anh em kia mỗi người một phần. Đại nam đầu trọc lấy làm lạ, hỏi:
    - Sao hôm nay lại chia đều? Chẳng phải mọi khi ngươi vẫn lấy phần hơn sao?

    Thư sinh đếm đếm tiền, đáp:

    - Sau hôm nay hai ngươi phải tự đi rồi.

    Đại nam râu rậm ngạc nhiên:

    - Sao vậy? Lúc nãy bọn ta làm gì sai à?

    Thư sinh lắc đầu:

    - Không phải, nhưng ta hỏi đường thì được biết trước mặt có một nơi gọi là Đại Thục Cốc. Nơi này trước đây ta chưa nghe qua, thành ra muốn ghé thử, nhân tiện bổ sung vào bản đồ ta đang vẽ luôn. Thời gian chắc mất ít nhất là một hai tháng, các người cứ tùy nghi di tản.

    Đại nam đầu trọc bất mãn:

    - Đang kiếm được như vậy, bảo đi là đi sao? Hay chúng ta kiếm một thôn xóm nào quanh đây đợi ngươi? Khi nào xong việc chúng ta lại tiếp tục.

    Thư sinh không đồng tình, giải thích:

    - Ngươi xem quanh đây còn nơi nào chưa bị các người trấn lột hết? Tự dưng đến đó nghỉ, người ta không đuổi các ngươi đi mới lạ. Hơn nữa ta cũng không đoán được khi nào thì xong việc, lúc đi ra lại phải tìm các người, tốt nhất là thôi.

    Đầu trọc tiến lại gần thư sinh, tay gồng lên gân guốc:

    - Tức là sao? Nhà ngươi thì tốt rồi, là thư sinh giải quyết mọi việc, ai cũng quý mến. Chúng ta suốt ngày vào vai lục lâm thảo khấu, quấy rối gây sự, bây giờ nơi đâu cũng không đi được.

    Thư sinh nọ lườm y, mắt lộ sát ý, râu rậm đứng ra ngăn cản người em trai của mình:

    - Thôi được rồi. Nếu không thể hợp tác thì dừng ở đây vậy. Dù sao chúng ta cũng để dành được không ít, cho dù không có thư sinh cũng tự khắc tìm ra được kế sinh nhai.

    Thư sinh nọ lấy trong bọc ra một quyển sách đưa cho đầu trọc, cười:

    - Ngươi không muốn làm người ác nữa thì học thuộc quyển kinh phật này, dù sao hiện tại nhà ngươi cũng đã giống sư tăng đến quá nửa rồi.

    Đầu trọc tức giận đập rơi quyển sách. Thư sinh nhún vai:

    - Lại bảo ta không giúp, hễ việc gì cần động não là ngươi lại giãy nảy, có muốn thoát cái cảnh suốt ngày vào vai ác nhân cũng khó.

    Râu rậm đẩy em trai lùi lại, nhặt quyển sách lên, chắp tay chào:

    - Vậy chúng ta xin cáo từ, sau này có duyên nhất định gặp lại.

    Thư sinh cười cợt:

    - Sau này không gặp lại thì hay hơn.

    Ba người từ con đường đó chia tiền xong thì rẽ sang hai ngả. Thư sinh lên đường đến Đại Thục Cốc, hai anh em nọ chưa biết chừng tính toán thế nào lại làm đúng như vở kịch ban nãy, có thể nghĩ đến việc đi đầu quân cho một người nào đó, họ có sức khỏe, thời gian qua ở với thư sinh cũng khôn khéo lên nhiều, ai bảo họ không thể thành công?

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Miên Lý Tàng Châm, ngày 30-09-2015 lúc 15:29. Lý do: Lần đầu làm cái gì cũng không tránh được một vài lỗi nhỏ, sigh*

  4. Bài viết được 23 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    ankiemkhach,aruzedragon,Băng Thiên Tuyết Địa,client_ideas,hiepyhp,kangkien,kei_269,kira,lamlai123,Lâm Kính Vũ,lKai,long17111995,Miên Lý Tàng Châm,Minh Đức Long,ngocnghechvn,peskock,phiêu!,Ruka,tongcocls,travinh19,trung1223,Vampire97,vanduy_96,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    47
    Xu
    0

    Mặc định

    Cốc Họa Nan Đồ
    Tác giả: Vụ Xuân


    Chương hai: Ven hồ Đại Thục

    Thảo luận, góp ý cho mình



    Đường vào Đại Thục ngoằn nghoèo hiểm trở, nghe nói bên trong có một ngôi làng nhỏ, ấy thế mà thư sinh đi nửa ngày vẫn không thấy người, chỉ sợ bị lạc. Lương khô trong người mang đủ ăn hai bữa, nhưng đêm đến rừng thiêng nước độc, không biết xung quanh có hổ báo beo hùm những loại nào, nghĩ đến việc qua đêm ở đây rõ ràng không phải thượng sách.

    Trời về chiều, mặt trời chắc hẳn vẫn chưa khuất núi, xong trong rừng bóng cây rậm rạp, lại là nơi thâm sơn cùng cốc, đã tối hơn ban nãy rất nhiều. Thư sinh lấy một thứ thuốc bột màu đen, vỗ vỗ vào hai chân và bắp tay, đây là bí quyết đi rừng của đám tiều phu lúc trước dạy y, lấy một số thảo dược giã nhuyễn, đem ủ với tro bếp, có thể tránh được một số loại côn trùng, ruồi muỗi.

    Trong rừng chưa gì đã tối như hũ nút, thư sinh nhìn quanh quất không thấy có động tĩnh gì, đang định nhủ thầm trong bụng trèo lên cái cây nào đó đánh một giấc, đợi khi trời sáng thì đi tiếp bỗng từ phía xa thấy một cái gì sáng lóa lên. Bùn đen, đá trắng, nước sáng – Thư sinh nhủ thầm. Nếu có nghỉ ra gần nơi đó nghỉ là tốt hơn cả, vừa dễ quan sát xung quanh lại đỡ lo việc nếu ngủ quên rơi xuống đất gãy xương mà chết.

    Lò mò trong bóng tối tiến về phía nguồn nước, bầu không khí như thoáng hẳn ra, đây là một hồ nước lớn, thật không thể ngờ trong cốc lại có một cái hồ lớn như thế này. Thư sinh nhẩm tính thầm trong bụng sáng ra sẽ xem xét xung quanh khu hồ, nhất định nếu ngôi làng kia còn tồn tại thì chỉ loanh quanh gần khu hồ này mà thôi.

    Thư sinh trèo lên một cái cây, lấy lương khô ra gặm. Mặt hồ lấp lánh, tiếng côn trùng trong cốc kêu râm ran, thanh cảnh đủ cả, cuộc sống nay đây mai đó quả thực vẫn có điểm khiến người ta phải ghen tị.

    Thư sinh lấy trong túi ra con dao và một khúc gỗ, khắc nhẹ lên thân gỗ một vạch. Đây xem ra là cách tính ngày của thư sinh, nhìn thân gỗ chi chít vết cứa, có thể thấy thư sinh đã lưu lạc trong giang hồ được một thời gian dài, không biết trước kia vị thư sinh này người ở đâu? Con dao trong tay y bằng ngà bịt bạc rất đẹp, không phải con nhà quyền quý sợ rằng không sở hữu được.

    Thư sinh ngả lưng tựa vào thân cây, nghĩ ngợi mông lung. Đúng lúc này từ dưới nghe tiếng nước lõm bõm, thư sinh giật mình sợ hãi, nghiêng người ngó xuống dưới. Có khi nào là thú ăn thịt ngửi thấy mùi người tìm đến không? Hay là giao long? Hồ này nếu mà có giao long thật thì thư sinh xem ra đành phải tạm biệt trần gian sớm một chút rồi.
    Cũng may vừa cúi đầu nhìn xuống thì thấy một bóng người bì bõm dưới hồ, không phải giao long cũng chẳng phải thứ ăn thịt gì đáng sợ. Xong thư sinh vẫn đề cao cảnh giác, giữa đêm giữa hôm lại có chuyện người nào đó mát dây thần kinh nhảy ra hồ bơi lội, quả thật ngược đời.

    Thư sinh tuột từ trên thân cây xuống, túi đồ nắm chắc trong tay, nhẹ nhàng bước đến gần hồ nước.

    Ở trên bờ thư sinh để ý thấy quần áo của người kia được gấp gọn gàng, xem ra đúng là nửa đêm đi tắm. Vốn không có ý định nhìn trộm, thư sinh ngồi cạnh đống quần áo, chờ người kia đi lên thì nói chuyện.

    Xưa nghe nói ở Hạo Châu có chuyện người đốn củi nhặt được quần áo của tiên nữ đang tắm, tiên nữ mất áo cánh không thể bay về trời, đành ở lại làm vợ người ta. Thư sinh kia chưa có mảnh tình vắt vai, không phải vì không có người để ý, mà tại vì trong thâm tâm thư sinh vẫn chưa thực sự rung động với ai, con người trải qua nhiều gian khổ cũng trở lên chai lì, thậm chí chuyện tình cảm nam nữ cũng bỗng nhiên có những yêu cầu khắt khe hơn.

    Nghĩ đến đây thư sinh lấy đống quần áo ngồi lên, mặt mày đỏ ửng.

    - Ai da, không phải ta tin vào mấy chuyện cổ tích, nhưng nếu quả thực được lấy tiên nữ về làm vợ thì kiếp này đúng là có phúc mà.

    Một lúc sau thì tiếng nước khua động đến gần, thư sinh mím môi chờ đợi. Người ở dưới nước tóc dài ngang vai, xong không phải là một cô nương khả ái đáng yêu, mà lại là một lão già mặt mày nhăn nhúm.

    - Ối cha mẹ ơi! – Lão già hét lớn.

    Thư sinh trên bờ há mồm, đáp:

    - Câu này ta nói mới đúng. Già như lão đêm đến không ở nhà nghỉ ngơi lại ra đây tắm táp, cảm gió chết thì sao.
    Lão già nhìn quanh quất khong thấy đống quần áo của mình ở đâu, quát thư sinh nọ:

    - Cái thứ biến thái ở đâu, nhà ngươi đem quần áo của ta vứt đi đâu rồi?

    Thư sinh mặt mày ửng hồng xấu hổ, muốn chui xuống lỗ cho bớt nhục, mắng trả:

    - Ta biết đâu được. Lão xem lại lão đi, đầu óc lũ lẫn, đến chỗ để quần áo cũng không nhớ.

    Lão già không nói gì, lùi lại qua khóm cây. Thư sinh vội vàng đem đống quần áo vứt vào trong lùm cỏ, định đứng lên bỏ đi thì lại sợ sau này khi đến ngôi làng kia gặp lại lão già này, lúc đó tự nhiên mình thành kẻ ăn cắp quần áo lão, có phải là mất mặt không? Nghĩ đến đây nên đành phải ngồi lại.

    Lão già đi một hồi trở lại, nói:

    - Không đúng, rõ ràng là khóm cây thứ ba, lúc nào ta cũng để quần áo ở đây.

    Thư sinh đứng dậy, vỗ vỗ quanh người:

    - Lão xem, trên người ta không có quần áo của lão nhé.

    Bỗng nhiên lão già bật cười, thư sinh không hiểu chuyện gì. Lão già chỉ tay vào mông thư sinh:

    - Thế kia là cái gì?

    Thư sinh nhìn theo tay lão chỉ, thấy một sợi dây óng ánh dính vào cạp quần mình, kéo ra thì thấy giống như dây câu cá. Lão già nói:

    - Đó là sợi dây trên lưới đánh cá của lão, lão để trên đống quần áo, đang định khi nào rảnh rỗi thì khâu lại lưới. Nhà ngươi nói xem, không dưng tự nhiên nó trên người ngươi là sao? Thôi trả quần áo cho lão, lão lạnh rồi, cho lão về làng.

    Thư sinh nhăn nhó như khỉ ăn ớt, nhưng đến nước này rồi thì vì danh dự bản thân mà phải nói cứng, hất cằm:

    - Vô lý, rõ là vô lý. Bằng vào sợi dây này mà bảo ta lấy đồ của lão. Thôi ta không biết, lão tự đi mà giải quyết.

    Lão già tức giận, từ dưới nước phóng vọt lên. Thư sinh thất thanh, né sang một bên. Lão già trần như nhộng, hoa chân múa tay trông vừa dị vừa kinh, thư sinh không muốn qua lại chiêu thức với lão, xua tay:

    - Ghê quá, người gì như con bọ gậy chết trương, đừng qua đây!

    Lão già giọng nói run run:

    - Trả ta quần áo, nếu không coi chừng ta giết ngươi lấy quần áo mặc đấy.

    Thư sinh thấy lão không đùa, ném túi đồ xuống đất, cười:

    - Để xem lão có tài cán gì mà đòi giết ta.

    Lão già quát một tiếng lao vào thư sinh nọ, hai tay chụm lại thành chỉ, nhằm vào hai huyệt Đản Trung (giữa ngực) và Thạch Môn (rốn) đánh tới. Thư sinh căn bản trong võ công không rõ phép đả huyệt, xong cũng nhận ra được lão già kia đang muốn đánh vào huyệt đạo của mình, giơ đầu gối chắn trước Đản Trung, đồng thời quyền kình từ hai tay phóng ra, che kín thượng vị.

    Lão già võ công tinh diệu, chiếu số biến hóa hơn hẳn thư sinh nọ, thoắt cái tay lập tức biến từ chỉ thành trảo, vỗ mạnh vào bắp chân thư sinh, đồng thời toàn thân hụp xuống. Thư sinh mấy quyền xuất ra không phải là nhẹ, xong đánh vào khoảng không, tự biết không hay, nhìn xuống thấy lão già mỉm cười độc địa, xoẹt xoẹt xé rách ống quần mình. Thư sinh tức giận gạt chân xuống, lão già uốn người né qua. Thư sinh bực tức quát:

    - Cái trò gì vậy, không ăn được thì đạp đổ, lại phá cả đồ ta đang mặc nữa!

    Lão già không đáp, chân trái từ dưới phóng lên, nhanh như thiểm điện. Thư sinh nhìn thấy chân của lão còn cách cằm mình nửa tấc thì giật đầu ra sau né được, thoát khỏi cảnh nằm một chỗ giãy đùng đùng.

    Xương cằm rất cứng, nối liền lên với xương vỏ não. Lúc bị đánh trúng cằm, xương cằm bị chấn động làm vỏ não bị rung và va chạm vào thành não gây choáng váng, có thể gây chấn thương sọ não. Đây là cú đánh mà hầu hết toàn bộ lực đều dồn vào não, mặc dù khống để lại thương tích bên ngoài (dập, vỡ xương) nhưng vô cùng nguy hiểm. (Đây cũng là vị trí mà các cao thủ tra tấn hay dùng, vô cùng nguy hiểm mà không để lại dấu vết).

    Thư sinh mắng tiếp:

    - Lão điên rồi….

    Chưa kịp nói hết câu lại phải nhảy lùi về sau liên tiếp ba bốn bước mới hoàn toàn tránh khỏi kình khí dư thừa từ cú đá ban nãy.

    Xuất thủ thông thường không cần vận lực mà cứ thế phát động được cả kình khí, xem ra lão già không phải dạng vừa. Phải biết thư sinh nọ đi lại trên giang hồ mặc dù tiếng tăm chưa có nhưng không phải ai muốn bắt nạt cũng được, hai anh em đại nam to lớn lúc sáng hợp sức lại cũng không đánh nổi y, ấy thế mà đối với một lão già lại lúng túng đủ đường, thật là hết sức mất mặt.

    Thư sinh tránh xong cước tận dụng thời cơ lão già vừa xuất kình đột ngột đang phải điều tức lại nội lực để đánh tới. Ba quyền trước sau trái phải thi nhau thay đổi phương vị, lão già lại dường như chẳng để mấy quyền này vào mắt, tay giơ ra cơ hồ muốn chụp lấy đầu quyền. Thư sinh biết lão nội công thâm hậu, xong tự phụ quyền lực của mình cũng chẳng sợ ai, tay lão già không phải sắt đá, cùng lắm thì bản thân bị nội lực chấn lại, xong ắt lão già cũng phải nếm mùi đau khổ. Lão già vừa chạm mu bàn tay thư sinh thì lòng bàn tay tựa như bôi trơn, trượt qua quyền khí của thư sinh. Ba đầu ngón tay lão bám chặt vào cổ tay thư sinh nọ, lập tức thư sinh cảm thấy khí huyết ở tay nhộn nhạo, bàn tay tê dần, mỏi nhừ.

    - Thôi hỏng!

    Thư sinh than thầm, không ngờ ở nơi thâm sơn cùng cốc lại có lão già quái dị với võ công cao cường thế này, tự trách bản thân ban nãy nói xàm nói bậy, cho dù thư sinh có sinh sớm thêm chục năm học võ cũng quyết chẳng phải đối thủ của lão già.

    Lão già nhún chân nhảy lên, cả cái của nợ cũng lúc la lúc lắc một đống ở hạ bộ của lão, thư sinh mặt mũi biến dạng, đánh cũng dở mà né cũng giở, cái môn Khỏa Thân Quyền này là gặp lần đầu, dị dị dạng dạng, khó chịu vô cùng. Lão già chết bằm võ công đã cao lại cộng thêm cái trò dọa nạt người khác, thư sinh chỉ hận không thể cứ thế quay đầu bỏ chạy.

    Như người khác không để ý đến mấy chuyện này, vẫn có thể đi quyền đánh cước được bình thường, nhưng thư sinh nho nhã, không muốn đụng tay chân vào những chỗ giơ bẩn, chẳng biết như thế nào mới là phải. Kết cục lão già chẳng khó khăn gì bám được vào vai thư sinh, toạc một tiếng, một mảng áo bị xé dưới bàn tay của lão già.

    Lão xem ra không muốn ngay lập tức hạ gục thư sinh, cũng chẳng có ý giết hại y, chỉ là vũ nhục để hả giận. Cứ từ từ xé bộ quần áo thư sinh đang mặc trên người.

    Thư sinh nọ lần này tức lắm, bỏ cả việc giữ gìn thân thể sạch sẽ, nhảy vào ôm chặt lão. Thư sinh tuyệt học là vật, món này tiếp xúc cơ thể nhiều, lúc trước còn e ngại xong một khi đã bị lão già khi dễ như vậy thì đành phải đem ra dùng.

    Lão già đột ngột bị tóm ngang hông, loạng choạng lùi ra sau. Thư sinh không để thời gian cho lão tĩnh tâm, hai chân chạy trên mặt đất vòng ra sau lưng lão, kéo mạnh lão ngã xuống. Lão già xuất chiêu tinh tế nhưng tóm lại cũng đã có tuổi, bị thanh niên đương sức kéo ắt phải ngã. Cả hai người sõng xoài ra mặt đất. Nội công không trụ được vào môn vật này của thư sinh, hai tay y ôm chặt quanh bụng lão già, dùng sức thít chặt. Đây chính là cách bế khí tại đan điền của địch nhân, nội lực tản mác, không tập trung sử dụng được.

    Đúng lúc này từ xa có tiếng người gọi:

    - Gia gia!

    Lão già hoảng sợ hét lên:

    - Hân nhi, con đừng qua đây!

    Xong đã quá muộn, một cô nương tầm hai mươi hai mốt tuổi đứng từ trên cao nhìn xuống. Một già một trẻ, người thì khỏa thân, người thì áo quần luộm thuộm đang vật nhau bên cạnh bờ sông. Cô nương nọ mặt mũi đỏ ửng, vội quay lưng lại quát:

    - Gia gia ở đây làm cái trò ô uế gì thế này?

    Lão già thúc khuỷu trỏ vào mặt thư sinh, lúc này thư sinh cũng đã lỏng tay, ăn cùi trỏ vào sống mũi khiến máu me chảy lênh láng, hít thở khó khăn đành phải bỏ lão ra. Lão cũng chả tính toán với tiểu tử, đứng dậy lấy một nhành cây che chắn hạ bộ, tới gần cô cháu gái của mình giải thích:

    - Hân nhi nghe ta, không phải như con nghĩ đâu.

    Thư sinh nằm dưới đất chỉ tức không đem lão già kia vặt trụi râu tóc đi được, mắng:

    - Cái gì mà giải thích? Ta mới là người bị oan uổng đây này.

    Hân nhi bỏ đi, nói:

    - Con chẳng biết, thấy gia gia đi mãi chưa về nên mới lo lắng đi tìm, nào ngờ gia gia ở đây làm trò đồi bại với thanh niên lạ mặt, để sáng mai con đem chuyện này nói cho cả làng biết.

    Lão già mếu máo:

    - Hân nhi à, con đừng làm gì dại dột, cả làng nghe không rõ sự tình thì ta và con đều phải bỏ cốc mà đi đấy.
    Hai người đi được một đoạn, lão già quay lại bảo với thư sinh:

    - Tiểu tử nhớ đấy, nhà ngươi nợ ta một bộ quần áo!

    Xong lão lật đà lật đật bỏ chạy theo cô cháu gái. Hai người đi dọc theo bờ sông, một lúc sau mất hút vào bóng tối.
    Thư sinh ở dưới đất nhìn lên trên trời, máu mũi chảy dòng dòng, chửi thiên chửi địa:

    - Mẹ kiếp! Tự dưng đâu ra mấy cái chuyện này.

    Nghĩ lại vừa buồn cười vừa xấu hổ.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Miên Lý Tàng Châm, ngày 30-09-2015 lúc 15:35. Lý do: Sửa sứa sửa

  6. Bài viết được 13 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    aruzedragon,Băng Thiên Tuyết Địa,client_ideas,kei_269,Lâm Kính Vũ,lKai,long17111995,Miên Lý Tàng Châm,phiêu!,Ruka,tongcocls,Trần Thanh Lân,Vampire97,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    47
    Xu
    0

    Mặc định

    Cốc Họa Nan Đồ
    Tác giả: Vụ Xuân


    Chương ba: Thầy đồ thôn nhỏ

    Thảo luận, góp ý cho mình

    Sáng ra thư sinh nọ thu dọn lại đồ đạc vương vãi trên mặt đất bỏ vào túi, thực ra cũng đã định bụng lùng kiếm đống quần áo trả cho lão già xong do tối qua bản thân luông cuống vứt vội, chẳng nhớ được đã ném đi đâu, tìm mãi không thấy. Một lúc sau mồ hôi đầm đìa, thư sinh chán nản tặc lưỡi bỏ qua, thay cho mình sang một bộ quần áo lành lặn rồi lần theo con đường hai người kỳ lạ đêm qua đi về để tìm đến ngôi làng y được nghe kể.

    Không mất nhiều thời gian, thư sinh đến được một ngôi làng nhỏ không tên, nằm bên cạnh hồ, cách nơi thư sinh và lão già giao đấu không xa lắm về phía Bắc. Thư sinh vào trong ngôi làng, thấy mọi người nhìn mình bằng ánh mắt kỳ lạ, hỏi thăm:

    - Không biết đây có phải ngôi làng nổi tiếng ở trong Đại Thục Cốc không?

    Một người phụ nữ đang ngồi làm thịt cá, thấy y đứng mãi không mà không ai trả lời y, cuối cùng cũng lên tiếng đáp:

    - Là làng, là ở trong Đại Thục Cốc, nhưng không nổi tiếng, không biết có phải là nơi cậu đang tìm không?

    Thư sinh nọ vui mừng gật đầu, hỏi tiếp:

    - Trưởng làng không biết ở đâu? Tại hạ mới đến, không biết có cần ra mắt người không?

    Người phụ nữ đáp:

    - Ngươi đi thẳng về phía trước nam sáu nhà nữa là đến, tìm căn nhà to nhất trong kia, nhìn qua là nhận ra ngay. Làng ta trước nay ít người lạ, để xem trưởng làng có chấp nhận chứa ngươi không đã. Nếu không nhanh chân, không may gặp phải đám trai làng, lúc đó cẩn thận kẻo bị đánh què chân đuổi đi đấy.

    Thư sinh cảm tạ rồi chạy nhanh theo hướng người phụ nữ chỉ cho mình. Quả thực nhà của trưởng làng dễ tìm, nằm ở trung tâm ngôi làng, mái nhà lợp ngói đàng hoàng, cao to đẹp đẽ, ai bảo ở trong cốc không tìm được nơi nào ra dáng nhà ở?

    Cửa nhà không đóng, xem ra ngôi làng này quả thật khép kín, ban ngày ban mặt cũng không sợ trộm cắp.

    Thư sinh hít dài một hơi bước vào, để lại dép ở ngoài cho đúng lễ nghi.

    Trong căn phòng chính giữa chỉ có đám trẻ tầm mười một tuổi đang ngồi nghịch đất sét, thư sinh cúi xuống hỏi:

    - Nhóc con! Trưởng làng đâu rồi?

    Một thằng bé ngẩng đầu nhìn thư sinh nọ, ánh mắt đen láy láy ngạc nhiên, nhưng không hề ra vẻ sợ hãi, đáp:

    - Là ở sau nhà, đang đan lưới.

    Nghe đến đây tự dưng một cảm giác bất an dâng lên trong lòng thư sinh nọ, y từ từ theo hướng thằng bé chỉ đi đến. Quả nhiên mở cửa bước ra, trong sân có một lão già đang ngồi đan lưới. Thấy có người từ sau lưng đi tới, trưởng làng quay lưng lại nhìn.
    Bốn mắt nhìn nhau, tóc giống tóc, miệng giống miệng, mũi giống mũi, chính là lão già biến thái hôm qua. Lão già cũng nhận ra thư sinh, chỉ tay:

    - Ngươi! Ngươi!

    Thư sinh chắp tay chào:

    - Trưởng làng!

    Lão già tức giận, mắng thư sinh xong không dám nói to:

    - Ngươi đến trả ta quần áo phải không?

    Thư sinh cười khổ, chối:

    - Trưởng làng nói gì tại hạ không hiểu.

    Lão già chửi:

    - Hôm qua ngươi lấy trộm quần áo của ta, hôm nay lại giả bộ không biết. Đúng là cầm thú, mở miệng nói dối không biết ngượng.

    Thư sinh đáp:

    - Trưởng làng nói gì tại hạ không hiểu. Hôm qua quả thật tại hạ có thấy một lão già trần như nhộng chạy nhảy quanh hồ, nhưng trời tối không nhận ra đó là ai. Phải chăng người trưởng làng tìm là hắn? Để chốc nữa tại hạ đi quanh làng hỏi thử xem, có ai biết hắn là ai không?

    Mặc dù lời nói nhẹ nhàng nhưng ánh mắt thư sinh nhìn lão già chằm chằm, ra vẻ đe dọa. Lão già cũng không đến mức lú lẫn, biết thư sinh lấy chuyện hôm qua ra bêu xấu mình, thở dài:

    - Ngươi rốt cục là muốn gì đây?

    Thư sinh thấy lão già chịu lùi một bước, đắc ý:

    - Chỉ là sắp tới tại hạ muốn tá túc ở làng một thời gian, nhanh thì một tháng, muộn thì sáu bảy tuần, quyết không hơn.

    Trưởng làng trợn mắt:

    - Như thế là lâu lắm. Làng ta trước nay ít chứa chấp người lạ, thử hỏi làm sao ta dám để ngươi...

    Thư sinh nói tiếp:

    - Vậy không biết xung quanh còn có ngôi làng nào khác không? Lão già chạy quanh hồ hôm qua nhất định là trưởng làng đó, hi vọng ta có thể kiếm được một chỗ trú chân.

    Lão trưởng làng thấy y dồn ép mình như vậy, thở dài:

    - Thôi được rồi! Đừng nói nữa! Ngươi tên họ là gì?

    Thư sinh đáp:

    - Tại hạ họ Đoạn, tên chỉ có một chữ Liên. Trưởng làng có thể gọi tại hạ là Liên cho gọn cũng được.

    Trưởng làng gật đầu:

    - Ta là Đỗ Trọng, ngươi gọi ta là lão Trọng như mọi người trong làng là được, không cần gọi trưởng làng trưởng liếc gì cả, khó nghe lắm. Liên ngươi ở đây đợi đến chiều, không được đi đâu, nếu không nghe ta bị đánh ráng chịu.

    Đoạn Liên lúc trước nghe người phụ nữ nói về việc đám trai làng này ưa bạo lực, việc này tự nhiên đã thông, vui vẻ đồng ý. Trưởng làng bỗng nhiên nghĩ ra một chuyện, nói tiếp:

    - Ngươi thời gian này không thể ở không trong làng ta mãi được, ngươi có biết làm gì không?

    Đoạn Liên chỉ vào trong bọc của mình, lấy ra một cái bút và tờ giấy nói:

    - Tại hạ ngoài việc đánh nhau với mấy lão biến thái thì còn có thể dạy học dạy viết, trong làng đã có ông đồ nào chưa?

    Trưởng làng nhìn Đoạn Liên khoa tay múa bút, nét chữ như rồng bay phượng múa, cả mừng:

    - Tốt quá, ngươi có thể dạy cho tụi trẻ trong làng. Hiện tại trong làng chưa có ai dạy dỗ bọn chúng cả, ông đồ già của chúng ta sức khỏe yếu quá rồi.

    Đoạn Liên chìa một tay ra, nói:

    - Việc này coi như xong!

    Trưởng làng nhìn y kỳ lạ:

    - Ý này là gì?

    Đoạn Liên đến cầm tay lão, lắc lắc:

    - Thế này là chốt lại lời nói, quân tử nhất ngôn, lão Trọng không được rút lời.

    Lão Trọng mỉm cười:

    - Được. Lão không nuốt lời đâu.

    Ngày hôm đó Đoạn Liên ở im trong phòng, đến bữa bỏ lương khô ra ăn, lão Trọng chiều đến thì bỏ đi bắt cá, mãi tận tối mịt mới về. Đoạn Liên còn tưởng lão quên lời hứa với mình, cũng may lão Trọng không lừa y, đợi đến khi mọi người ai nấy trở về làng đông đủ, lão mới đánh kẻng tại nhà lớn, gọi toàn bộ người trong làng tụ họp lại.

    Trong làng có khoảng ba bốn trăm người, già trẻ gái trai đủ cả, lão Trọng vừa đánh kẻng thì chưa đầy một canh giờ, nhà lớn đã trở nên chật ních, mọi người xem ra đều có mặt đông đủ, rõ ràng đây là một tục lệ của làng. Đám trai làng đến sau cùng, cười cười đùa đùa, ánh mắt vừa thấy Đoạn Liên thì bẻ tay răng rắc, xong vì Đoạn Liên đứng cạnh lão Trọng nên không dám manh động.
    Đoạn Liên cũng chẳng sợ, đám thanh niên làng kiểu này y không phải chưa từng gặp qua, đến lúc này chẳng còn lấy làm lạ nữa. Nhớ lúc trước ở cạnh hai đại nam hung bạo y còn tùy tiện sai bảo được, đám thanh niên trẻ tuổi này thì thấm vào đâu. Đoạn Liên trừng mắt nhìn lại.

    Lão Trọng đợi mọi người im lặng, nói:

    - Ta gọi mọi người đến hôm nay là có chút việc muốn thông báo. Đây là Đoạn Liên, mọi người không cần lo lắng, hắn là họ hàng xa với người thân của ta. Mọi người đều biết việc năm ngoái lão Nha bị ốm nặng, trẻ con trong làng không ai dạy dỗ, ta vì việc này rất đau đầu, đã gửi thư ra ngoài tìm kiếm. May sao đợt trước có người đồng ý hồi âm, nói là hứa gửi người đến giúp. Nay người đó đã đến, chính là tên Đoạn Liên này, xong mọi người cũng không cần phải bày tỏ thái độ gì cả, hắn chỉ ở tạm một hai tháng, đợi khi lão Nha khỏi bệnh hoặc có người khác có thể đứng dậy học thay lão Nha, lúc đó tên Đoạn Liên này sẽ lập tức rời đi.
    Trong căn phòng nổi lên tiếng xì xào bàn tán. Đoạn Liên Đoạn Liên, cái tên của thư sinh được nhắc đi nhắc lại, hiển nhiên là chủ đề chính mà mọi người nói tới.

    Một lúc sau lão Trọng lên tiếng:

    - Chuyện chỉ có thế, mọi người sau này ai làm khó hắn đều sẽ bị xử trí y hệt làm khó người làng, không có ngoại lệ, nghe rõ chưa?

    Mấy người ở dưới lại bắt đầu rì rầm, lão Trọng gõ kẻng:

    - Giải tán, ai về nhà nấy, đi ngủ sớm mai còn dậy làm việc.

    Đoạn Liên nhìn mọi người đi về, cúi đầu chào tỏ ra rất trọng lễ nghĩa, đám thanh niên thì y chỉ lườm một cái thách thức rồi bỏ qua. Đối đầu với bọn này nếu tỏ ra yếu đuối thì sớm muộn gì cũng bị bắt nạt, mấy bài học này thư sinh đều học được trong qua trình ngao du đây đó. Có những điều là y để ý thấy được, có những điều là không may gặp phải, sau này rút ra kinh nghiệm.

    Đợi mọi người về hết lão Trọng kéo Đoạn Liên tới một căn nhà nhỏ ở trong góc làng, nói:

    - Đây là nơi ngươi nghỉ buổi tối. Hàng sáng cũng chính là lớp học luôn, bọn trẻ con mai mốt tới học, ngươi cứ tùy theo bọn chúng biết đến đâu thì dạy đến đó, bữa bữa sẽ có người mang cơm đến cho ngươi.

    Đoạn Liên gật đầu cảm tạ:

    - Lão Trọng, ta thật cảm ơn lão quá.

    Lão Trọng xua tay:

    - Không có gì. Ngươi liệu liệu mà sau một tháng tự biết rời đi, đừng kéo dài quá, nếu không ta cũng chẳng bảo vệ được ngươi đâu.

    Đoạn Liên không nói gì, đi vào trong phòng, kê lại bàn ghế làm giường, đánh một giấc cho tới sáng.

    Lão Trọng nhìn Đoạn Liên thoải mái như vậy thì lắc đầu thở dài, đóng lại cửa cho y.

    Sáng sớm Đoạn Liên vươn vai tỉnh dậy, việc đầu tiên y làm là lấy trong bọc ra một tờ giấy lớn trải lên mặt bàn. Trên tờ giấy ghi bốn chữ nắn nón “Kiệt Thổ Họa Đồ”, có vẽ hình dáng của Kiệt Thổ, địa danh từng vùng cũng được chú giải đầy đủ, từ dân tộc đến ngôn ngữ địa phương, quả thực hết sức tỉ mỉ chi tiết. Đoạn Liên sớm đã có ý muốn vẽ lại Kiệt Thổ một cách đàng hoàng, do trước đây Kiệt Thổ không có một tấm bản đồ đúng đắn, việc quản lý và đi lại rất khó khăn.

    Mặc dù vậy tấm bản đồ vẫn còn rất nhiều chỗ trống, Đoạn Liên cầm bút lên, lấy thước đo cẩn thận phương vị góc độ, ghi vào phía Đông Bắc của Kiệt Thổ ba chữ “Đại Thục Cốc” rồi bỏ lại. Đại Thục Cốc là địa phương hẻo lánh, lần này may mắn Đoạn Liên có thể tới được, tấm bản đồ này lại càng thêm chân thực đáng giá, bây giờ chỉ cần trong thời gian một tháng sắp tới, bỏ ra chút thời gian rảnh rỗi, đi thăm thú quanh cốc, vẽ lại hình dáng của cốc lên bản đồ. Khi nào việc này hoàn thành, Đoạn Liên lập tức có thể rời đi, không làm phiền mọi người trong làng nữa.

    Đang chìm đắm trong suy nghĩ, Đoạn Liên không để ý có tiếng người đi đến. Người này đứng ở cửa không ra hiệu gì mà cứ thế bước vào, thấy tấm bản đồ to lớn trên bàn thì rất tò mò, hỏi:

    - Ngươi làm cái gì vậy?

    Đoạn Liên vội vàng gấp gấp gập gập tấm bản đồ, giấu vào trong túi:

    - Không có gì, chỉ là hết việc làm nên vẽ chơi bời vậy thôi.

    Người vừa hỏi là một cô gái xinh xắn cao ráo, tóc dài ngang vai. Đoạn Liên vừa nhìn là nhận ra, đây là cô cháu gái quý báu của lão Trọng. Cô ấy cầm trong tay một chiếc hộp nhỏ, bên trong bốc khói.

    - Thức ăn – Cô gái nói, chìa chiếc hộp trong tay ra.

    Đoạn Liên giơ tay đón lấy, gật đầu:

    - Đa tạ.

    Thức ăn trong hộp không có gì nhiều, đạm bạc một con cá nhỏ kho với chút rau xanh, ấy thế mà Đoạn Liên ăn uống cảm thấy rất vừa miệng. Cũng tại mấy ngày qua chỉ có lương khô bỏ bụng, cho dù là cơm với tương cà cũng đã đủ khiến y thấy ngon miệng.
    Cô gái chăm chú nhìn Đoạn Liên, một lúc thì thư sinh này cũng phải để ý lại, ngẩng mặt lấy tay gạt cơm trên miệng nói:

    - Gì mà nhìn ta chằm chằm vậy? Chưa thấy người khác ăn uống bao giờ sao? Trời đánh còn tránh miếng ăn, để cho ta ăn xong đã có được không?

    Cô gái hất cằm:

    - Ai nhìn ngươi.

    Đoạn Liên không chấp, lẳng lặng dùng xong bữa rồi đưa trả lại hộp cơm cho cô gái. Cô gái bỏ hộp cơm vào chiếc làn để sẵn ngoài cửa, nói:

    - Lát nữa sau khi dạy cho lũ trẻ xong, ngươi ở lại đây đợi ta.

    Đoạn Liên tò mò:

    - Chi vậy?

    Cô gái nhặt chiếc làn bỏ đi, ngoái đầu lại nói:

    - Lúc ấy khắc biết.

    Vốn định để dành buổi chiều để đi thám thính địa hình Đại Thục Cốc, nào ngờ tự dưng lại vướng chân bởi cô gái kia, thôi cũng đành chịu, để xem cô gái này muốn nói gì với mình.

    Sáng hôm đó không có ai đến lớp, Đoạn Liên hết nằm rồi bò, không dám rời khỏi căn phòng đó, sợ rằng có người đến không thấy mình lại bị chê tắc trách.

    Quá trưa cô cháu gái lão Trọng quay lại, trong tay là một hộp cơm khác. Đoạn Liên vồ lấy hộp cơm, ăn ngấu nghiến, nhìn cô gái hỏi:

    - Cô bảo ta có việc muốn nói, nói gì nói đi, ta còn có việc nữa.

    Cô gái nhìn quanh phòng, thấy bàn ghế vẫn y nguyên, hỏi:

    - Sáng nay có bao nhiêu người đến?

    Đoạn Liên mỉm cười:

    - Đông lắm, đông đến mức ta chả biết dạy ai.

    Cô gái thở dài:

    - Chắc tại bọn họ còn ngại ngươi là người lạ, để đến tối ta nói lại việc này với gia gia.

    Đoạn Liên không quan tâm đến bọn trẻ học hành gì ở mình, chỉ là muốn dành hết tâm huyết cho việc vẽ bản đồ, nói:

    - Sáng nay cô hẹn ta ở lại mà, ta còn trẻ, muốn đi chơi, đã không có gì thì đừng cản ta.

    Cô gái nhìn y, đáp:

    - Ngươi dành thời gian buổi chiều chỉ cho ta cách trở thành một thầy đồ.

    Đoạn Liên nhìn cô gái, bật cười:

    - Nữ nhân mà cũng muốn cầm bút dạy học sao?

    Cô gái thấy y coi thường mình, nổi quạu:
    - Có gì không được? Ta cũng không phải không biết chút gì, chỉ cần ngươi nói qua, ta lập tức hiểu ngay.

    Đoạn Liên nhẩm thầm, nếu sáng sớm lúc nào cũng phải trầu trực đợi bọn trẻ, chiều đến lại đến lượt bà cô này, không biết trong vòng một tháng có thể hoàn thành được tấm bản đồ của mình không? Việc này không có lợi lộc gì, Đoạn Liên đành tìm cách từ chối:

    - Lúc trước ta giao kèo với lão Trọng không có khoản này. Thứ lỗi ta không làm được.

    Cô gái cau mày:

    - Một tháng nữa ngươi bỏ đi, lão Nha vẫn cứ ốm liệt giường, thử hỏi lấy ai dạy bọn trẻ đây? Ngươi kể cả không ưa ta, không ưa gia gia của ta, cũng phải nghĩ cho lũ trẻ chứ?

    Đoạn Liên thấy cô gái bắt bẻ mình đủ điều, chợt nghĩ ra một chuyện, nói:

    - Thôi thế cũng được, xong vì đây là giao kèo mới, ta phải ra thêm điều kiện, cô đồng ý thì ta mới làm.

    Cô gái thấy y đồng ý thì vui vẻ:

    - Điều kiện gì? Nếu không có gì quá đáng quá thì được.

    Đoạn Liên đáp:

    - Ta đang cần một người hiểu biết nơi này, thỉnh thoảng dẫn ta đi quanh quẩn đây đó chơi. Vừa hay cô nương sống ở đây lâu ngày, không biết có đồng ý giúp ta việc này không?

    Cô gái nheo mắt nhìn Đoạn Liên, cố gắng nghĩ xem có phải tên thư sinh này định giở trò gì không, xong nghĩ đến việc bọn trẻ trong cốc sau này không có ai dạy dỗ, đành đánh liều gật đầu.

    Đoạn Liên chìa một tay ra, nói:

    - Nhất ngôn cửu đỉnh!

    Cô gái tròn mắt nhìn Đoạn Liên, hắn biết cô gái cũng giống gia gia của mình, không biết bắt tay nên đến gần chủ động nắm lấy tay cô. Lập tức cô gái phản xạ vung tay tát mạnh vào má Đoạn Liên. Đoạn Liên nhất thời không kịp tránh, ăn một vả vào mặt.

    - Ai chà!

    Cô gái lùi lại mấy bước:

    - Ngươi định làm gì?

    Đoạn Liên biết cú tát vừa rồi không hề đơn giản, ẩn chứa ba bốn phần khí tức giống với cách đánh của lão Trọng, đoán con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, mặc dù bản thân võ công không thấp nhưng xem ra vẫn kém hơn cô gái này một bậc, lắc đầu:

    - Thôi thôi bỏ qua vậy. Bây giờ cô dắt ta đi thăm thú nơi này trước, sau đó ta xem xét nên dạy cô cái gì.

    Cô gái dọn chiếc hộp Đoạn Liên vừa ăn bỏ vào làn, phủi tay:

    - Được, ngươi muốn ta dẫn đi đâu nào?

    Đoạn Liên suy nghĩ một lúc, trả lời:

    - Dắt ta xuống phía Nam xem. Mà trước hết cô tên Hân đúng không? Cứ gọi mãi thế này đau miệng quá.

    Đỗ Hân gật đầu.

    Hai người rời khỏi gian lớp học, cùng nhau đi về phía Nam Đại Thục Cốc. Đỗ Hân rẽ cỏ gạt cây, tự nhiên là thuộc đường đi lối lại tại Đại Thục Cốc như lòng bàn tay. Đoạn Liên vừa nhìn theo Đỗ Hân để tránh đi lạc, lại vừa nhanh chóng ghi nhớ lại đường đi, phác thảo nguệch ngoạc ra giấy.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Lần sửa cuối bởi Miên Lý Tàng Châm, ngày 30-09-2015 lúc 15:41.

  8. Bài viết được 14 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    aruzedragon,Băng Thiên Tuyết Địa,client_ideas,kira,Lâm Kính Vũ,lKai,long17111995,Miên Lý Tàng Châm,Minh Đức Long,phiêu!,Ruka,travinh19,Trần Thanh Lân,Vampire97,
  9. #5
    Ngày tham gia
    Oct 2010
    Bài viết
    47
    Xu
    0

    Mặc định

    Cốc Họa Nan Đồ
    Tác giả: Vụ Xuân


    Chương bốn: Dạy học

    Thảo luận, góp ý cho mình

    Đỗ Hân ngồi sang một bên đường nhìn Đoạn Liên chăm chú. Hai người đã đi đến tận cùng phía Nam của cốc, gặp một hòn núi lớn chắn đường, Đoạn Liên đến đây thì bảo Đỗ Hân dừng lại nghỉ chân, lấy bút thước thuật lại con đường mình vừa đi, đồng thời tính toán bổ sung diện tích của cốc.
    Đỗ Hân thấy Đoạn Liên ngồi mãi không động đậy, bắt đầu sốt ruột, bỏ cọng cỏ đang ngậm trong miệng ra, đi đến chỗ Đoạn Liên nói:
    - Vẫn còn chưa xong ư? Rốt cục đến lúc nào mới dạy ta học đây?
    Đoạn Liên giật mình, ngẩng đầu thấy Đỗ Hân đang cúi xuống nhìn bức họa bản thân đang vẽ, vội lấy tay che lại:
    - Ngươi yên tâm, ta tự khắc sẽ dậy. Ra chỗ khác đợi ta thêm một chút nữa.
    Đỗ Hân không đoán được Đoạn Liên rốt cục vẽ lại hòn núi kia để làm gì, xong cũng không giục giã nữa, tiếp tục thơ thẩn chờ y.
    Đoạn Liên vẽ đi vẽ lại xong xuôi thấy tại nơi này không còn gì để bổ sung nữa thì mới đứng dậy, nói với Đỗ Hân đang đứng ở xa:
    - Được rồi, chúng ta quay về thôi. Khi nào về đến nơi ta sẽ dạy Hân cô nương viết chữ.
    Đỗ Hân thấy cuối cùng Đoạn Liên cũng xong việc thì rất phấn khởi, dắt y quay lại con đường ban nãy về lớp học.
    Đường về cảm tưởng ngắn hơn lúc đi rất nhiều, chưa được bao lâu thì hai người đã về tới làng Đại Thục. Đoạn Liên đem những gì mình ghi lại được bỏ vào trong túi, để đến tối thì sẽ tính toán thêm thắt vào trong tấm bản đồ chính.
    Đỗ Hân nhìn Đoạn Liên thu dọn đồ đạc, lấy ra tờ giấy với nghiên mực, vừa phấn khởi vừa hồi hộp. Đoạn Liên nhìn thấy dáng vẻ Đỗ Hân kỳ lạ như thế, bật cười:
    - Làm gì mà thấp tha thấp thỏm vậy? Ta đã nói sẽ dạy cô thì nhất định sẽ dạy. Kê ghế lại gần đây.
    Đỗ Hân nghe theo lời Đoạn Liên nói, ngồi nhìn y mài mực. Đoạn Liên hỏi:
    - Cô biết được đến đâu rồi? Có đọc qua kinh thư gì chưa?
    Kiệt Thổ phát triển chậm hơn so với Hạo Châu, sĩ tử thư sinh tại Kiệt Thổ cũng là nhờ đọc qua tứ thư ngũ kinh của Hạo Châu đã được chỉnh sửa mà hình thành kiến thức, trình độ từ đó cũng chia ra các cấp độ khác nhau, chủ yếu dựa vào kinh sử mà suy xét.
    Đỗ Hân nghe y hỏi như thế thì tự phụ mỉm cười:
    - Ta cũng đọc qua được một chút, có nhiều chỗ chưa hiểu, nhiều chữ chưa biết, thế thôi. Lúc trước lão Nha còn khỏe mạnh có dạy ta, xong từ khi lão trở bệnh thì bỏ ngỏ, việc học bị đình trệ.
    Đoạn Liên nhìn quanh, hỏi:
    - Thế thì ta phải kiểm tra xem cô biết đến đâu đã. Nơi đây không có sách học nhỉ?
    Đỗ Hân đứng dậy nói:
    - Lúc trước ta có thấy lão Nha để ở đây mà, ngươi đợi chút ta đi kiếm cho.
    Hai người đều đứng dậy, vội vã lục tung cả căn phòng lên. Đoạn Liên lật dưới ngăn tủ, thấy có mấy quyển sách cũ được nhét vào dưới kệ, tựa như muốn giấu đi. Đoạn Liên không đọc được chữ viết trên mấy quyển này, vì thứ tiếng được ghi trên đó đều là tiếng Hạo Châu, có thể đó là tứ thư ngũ kinh, nhìn cách trình bày và độ dày rất giống với những quyển kinh thư lúc trước Đoạn Liên đọc qua, chỉ có điều vừa cũ vừa bẩn, xem ra rất lâu rồi.
    Đỗ Hân bỗng nhiên gọi lớn:
    - Ta tìm thấy rồi, ngươi xem!
    Quay ra nhìn thấy Đoạn Liên cầm trong tay quyển sách lạ, vội đến gần giật lấy, nói:
    - Đây là mấy quyển sách ngày xưa lão Nha dùng để kê lại đồ đạc cho đỡ kênh lên mà, nhà ngươi tìm thấy ở đâu thế?
    Rồi không đợi Đoạn Liên trả lời, ném đống sách viết bằng tiếng Hạo Châu vào lại trong tủ, nói tiếp:
    - Ta tìm thấy mấy quyển này, ngươi dùng nó để kiểm tra ta đi.
    Đoạn Liên cầm lấy đống sách từ trong tay Đỗ Hân, sách vẫn còn mới, là bài học vỡ lòng trong tứ thư ngũ kinh, xong Đoạn Liên cũng không câu nệ tiểu tiết, mở bừa một trang bảo Đỗ hân đọc lớn.
    Đỗ Hân đối với trang sách đọc làu làu như cháo chảy, Đoạn Liên mở sang trang khác, lúc này bắt đầu xuất hiện nhiều chỗ Đỗ Hân không đọc rõ được, ngắc ngứ.
    Cứ như vậy xem hết chồng sách, xác định được Đỗ Hân vẫn chưa thể sang được lớp nâng cao, Đoạn Liên quyết định dạy lại cho cô ấy lại từ quyển số hai.
    Đỗ Hân thấy y đánh giá mình thấp như vậy cũng hơi bất mãn, cho rằng lâu ngày không đọc nên bản thân còn nhiều chỗ quên mà thôi, đợi một lúc mình nhớ ra, nhất định đọc được đống sách vở kia một cách trôi chảy.
    Xong Đoạn Liên cũng cứng rắn, nói một là một, coi Đỗ Hân như học trò của mình, không xưng hô khách khí, bắt bằng được Đỗ Hân học theo những gì mình sắp xếp.
    Đỗ Hân thấy y kiên quyết như vậy thì không những không tức giận nữa mà còn có phần vui vẻ, có thể bản thân nghĩ Đoạn Liên lần này là nghiêm túc dạy dỗ mình.
    Đoạn Liên sau khi xác định được sẽ dạy Đỗ Hân ở đâu xong thì Đỗ Hân nói:
    - Ngươi dạy ta viết tên ta trước đi!
    Đoạn Liên nhìn Đỗ Hân, đáp:
    - Không được, dạy học phải có thứ tự, đâu phải muốn học cái gì thì học cái đấy ngay được.
    Đỗ Hân lườm y:
    - Gì mà khó khăn thế? Chỉ là hai chữ Đỗ Hân thôi, có chết đâu mà sợ?
    Đoạn Liên đành phải chịu cô gái này:
    - Được, chỉ hai chữ này thôi đấy, xong chúng ta lại bắt đầu từ những thứ cơ bản trước.
    Đoạn Liên vì trong lòng khó chịu, nên dạy cho Đỗ Hân viết chữ Đỗ thiếu một nét, nghĩ rằng sau này khi nào dạy đến sẽ sửa lại, giả vờ là ngày xưa Đỗ Hân nhớ nhầm, là do mình đã bảo mà không nghe, cứ thích cầm đèn chạy trước xe ngựa.
    Hai người một thầy một trò đọc đọc viết viết đến tận khi mặt trời lặn hẳn, trong phòng ánh sáng không đủ để học nữa mới dừng lại. Đỗ Hân tuy không thực sự thông minh lanh lợi, nhưng bù lại rất tập trung, chăm chú lắng nghe Đoạn Liên. Đoạn Liên trước đây cũng từng đóng giả thầy đồ để lấy tiền của nhiều người, xong đây là lần đầu tiên gặp được một người học trò thú vị như vậy, cũng thấy hay hay.
    Đỗ Hân nhìn thấy trời đã tối, vội giật mình đứng lên, chỉ trách bản thân mải mê quên mất thời gian, nói:
    - Thôi hỏng rồi, ta phải về chuẩn bị bữa tối cho gia gia. Ngươi cứ đợi ở đây, khi nào chúng ta dùng xong bữa sẽ mang thức ăn ra cho ngươi.
    Đoạn Liên thấy Đỗ Hân vội vàng như vậy, cũng không muốn mất nhiều thời gian của cô, xua tay:
    - Được rồi không lo. Cô cứ về nấu nướng cho lão Trọng xong đi.
    Lúc này Đoạn Liên cũng muốn tranh thủ ít ánh sáng cuối ngày để quay lại với công việc vẽ bản đồ của mình. Cả căn phòng học này có mỗi nửa cây nến, chỉ sợ đến tối không đủ dùng để soi sáng, công việc coi như bị trì trệ.
    Tối hôm đó Đỗ Hân quay lại, xong chỉ đưa cho Đoạn Liên chiếc hộp thức ăn rồi đi ngay, nói với y rằng ăn uống xong cứ để thức ăn vào làn ở ngoài cửa, sáng sớm sẽ quay lại dọn. Thực ra Đoạn Liên cũng hiểu rằng lão Trọng không muốn để cháu gái mình nửa đêm nửa hôm đến đợi chờ ở cửa phòng Đoạn Liên, dẫu sao Đoạn Liên cũng là người lạ, trai chưa vợ gái chưa chồng, ắt có lý do để mọi người bàn tán, làm hỏng thanh danh sau này của Đỗ Hân.
    Đoạn Liên gật đầu, nói với Đỗ Hân:
    - Cô cứ để đây. Về nhà mau không lão Trọng lại đến trách ta.
    Đỗ Hân ngây thơ không hiểu ý tứ Đoạn Liên, cứ thế bỏ đi.
    Ngày hôm sau trong lớp Đoạn Liên ngay từ sáng sớm đã có hai đứa trẻ xuất hiện. Một nam một nữ. Xem ra hôm qua Đỗ Hân đem việc ở lớp học nói với lão Trọng, lão Trọng ngay lập tức đi khuyên nhủ mọi người, đã có kết quả.
    Đoạn Liên kê bàn cho hai đứa trẻ ngồi, bản thân thì cũng cứ ngồi im như phỗng, số là đang chờ Đỗ Hân tới mang bữa sáng. Thầy thì thầy, đói bụng là không thể làm việc được.
    Lần này người xuất hiện không phải Đỗ Hân mà là lão già biến thái Đỗ Trọng. Mặc dù sự việc bên hồ cũng xảy ra được hai ba hôm rồi nhưng không hiểu sao nhìn mặt lão già này Đoạn Liên cứ không ngừng liên tưởng đến cảnh lão trần truồng lao vào mình, tởm đến lợm giọng. Nhìn lão mắt ti ha ti hí đến đưa cơm mà trong bụng lúc trước còn cồn cào vì đói tự nhiên cảm thấy no ngang, chẳng muốn đụng đũa.
    Đỗ Trọng bước vào trong lớp, đặt hộp thức ăn lên bàn trước mặt Đoạn Liên, lại tới xoa đầu hai đứa trẻ, khen:
    - Ngoan lắm, ngoan lắm. Hiếu học như vậy là tốt, nhất định sau này khiến người Đại Thục Cốc chúng ta mở mày mở mặt.
    Đoạn Liên cười khẩy, lão Trọng cũng chẳng để ý, nói với y:
    - Thầy hôm qua ngủ có ngon giấc không?
    Đoạn Liên lắc đầu:
    - Không tốt lắm. Cả đêm ta cứ bị con gì đó đốt khắp người, ngứa ngáy khó chịu. Sáng ra thì nổi mẩn.
    Lão Trọng nhìn Đoạn Liên một hồi, nói:
    - Thôi được rồi, để lát nữa ta bảo Đỗ Hân đem cho người chút hương chống muỗi.
    Đoạn Liên nghĩ thầm:
    - Mình đã bôi đến cả tro đen mấy lão tiều phu nói còn không ăn thua, cái hương chống muỗi của lão thì thấm mẹ gì.
    Xong chỉ nghĩ trong đầu, không muốn văng tục trước mặt bọn trẻ, thái độ ôn hòa đáp lại:
    - Được thế thì cảm ơn lão Trọng quá.
    Lão Trọng hai mắt cười tít, có vẻ rất khoái chí, xua tay:
    - Không có gì, không có gì. Chỉ là một chút tôn sư trọng đạo, đạo nghĩa cơ bản thôi mà, phải không?
    Câu phải không này không dùng để nói với Đoạn Liên, lão Trọng quay sang đám trẻ con hỏi.
    Lũ trẻ thấy lão hỏi mình, tự nhiên cũng đồng thanh:
    - Phải ạ.
    Xong lão Trọng lùi ra cửa, nói:
    - Thôi không quấy rầy thầy dạy lũ trẻ nữa. Để mai mốt ta đi vận động tiếp, trẻ con làng này ngồi phải đầy cái lớp này ấy chứ.
    Đoạn Liên đang đóng kịch nên phải đóng cho trọn vai, vỗ bàn nói:
    - Được! Việc này phải nhờ lão Trọng rồi, lớp càng đông càng vui, học thầy không tày học bạn mà.
    Đây quả thực đúng là cái lớp học gương mẫu nhất Kiệt Thổ, là tấm gương sáng cho thầy trò mọi nơi học tập. Mở miệng là nói đạo lý, lý tưởng ngời ngời, kẻ tung người hứng quả thực vô cùng hợp cạ. Chỉ có điều thầy đồ Đoạn Liên trong đầu nghĩ đến một lớp học nhung nhúc trẻ con thì trong lòng ngấm ngầm than khổ. Hai đứa trẻ thì là vì bị lão Trọng kéo đến đây, trong khi bọn bạn đồng trang lứa khác thì trốn kịp, hôm nay vẫn ở ngoài tự do vui đùa, cảm thấy hết sức bất công.
    Còn lão Trọng, có trời phật mới biết trong đầu lão đang nghĩ gì, không biết có phải đem mười tám đời tổ tông của Đoạn Liên ra mà chửi không. Mà lão có chửi cũng phải thôi, gì mà vào lớp thấy ngay cái bản mặt đáng ghét của thầy đồ đang ngồi lỳ thần cụ một đống trên bàn, học trò ở dưới lơ ngơ chẳng biết làm gì. Không biết có phải là thằng thư sinh này đến lừa cả làng không nữa, không biết y có phải là thầy đồ thật không, hay chỉ kiếm cớ để ở lại làng này, tốn cơm tốn gạo nhà lão Trọng.
    Đoạn Liên nhìn lão Trọng rời đi, trong đầu nghĩ:
    - Chửi ta à, có phải đang chửi ta không? Chửi cũng được, chửi là ngươi phạm húy lắm.
    Cũng thật thần kỳ, lão Trọng vừa không còn trong phòng thì hộp thức ăn cũng hấp dẫn hẳn lên, Đoạn Liên và một hơi hết sạch nửa hộp. Hai đứa trẻ ở dưới thấy thầy của mình ăn uống thô lỗ hơn cả đám trai làng thì bụm miệng cười.
    Đoạn Liên lần trước ăn cơm thì bị Đỗ Hân nhìn, lần này lại thêm hai đứa nhóc vô duyên này, Đoạn Liên giơ đũa mắng:
    - Hai đứa không kính trọng bậc trên gì cả. Có thấy lão biến... à không lão Trọng vừa dạy tôn sư trọng đạo thế nào không hả? Đứng lên úp mặt vào trong góc nhanh lên, khi nào thầy ăn xong mới được ra.
    Cơm trong miệng văng đầy ra bàn, hai đứa trẻ thấy y tức giận thì cũng sợ hãi, theo lời y đứng úp mặt vào tường.
    Đoạn Liên thấy trẻ con trong cốc ngoan hơn ở ngoài, vừa nói đã nghe theo, cả mừng, xem ra làm thầy đồ ở Đại Thục Cốc không đến nỗi tệ.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Lần sửa cuối bởi Miên Lý Tàng Châm, ngày 30-09-2015 lúc 15:47.

    ---QC---


  10. Bài viết được 11 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    Băng Thiên Tuyết Địa,Kiếm Du Thái Hư,Lâm Kính Vũ,lKai,long17111995,Miên Lý Tàng Châm,phiêu!,Ruka,tongcocls,travinh19,Trần Thanh Lân,
Trang 1 của 6 123 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status