TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 10 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 49

Chủ đề: [Tiên hiệp] Trần Triều thần chiến

  1. #1
    Ngày tham gia
    Aug 2008
    Đang ở
    Á Đông Quốc
    Bài viết
    201
    Xu
    2,988

    Mặc định [Tiên hiệp] Trần Triều thần chiến

    GIỚI THIỆU TRUYỆN



    Truyện ra cách đây đã lâu nhưng dừng lại do mình chỉnh sửa lại toàn bộ phong cách viết.
    Các chương cũ đã được edit và viết lại toàn bộ
    Hiện tại truyện có tên mới là "Thần Chiến triều Trần", nay xin đăng lại với tóm tắt nội dung như sau:



    Vào năm Canh Thìn, Thiệu Bảo năm thứ hai (tức năm 1280), triều đình Đại Việt cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lên làm chỉ huy sứ đạo Đà Giang để điều tra, tìm hiểu sự việc xích mích giữa người Việt và người Man trên vùng này dẫn đến hệ quả là Trịnh Giác Mật, thủ lĩnh đạo Đà Giang nổi lên chống lại quan quân.

    Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật với tài trí của mình, đã dùng kế thu phục lòng người để khuyên giải Trịnh Giác Mật bãi binh, trở lại làm phiên dậu cho triều đình. Tuy nhiên sau khi giải quyết xong vụ Trịnh Giác Mật, Chiêu Văn Vương lại bất ngờ bị cuốn vào cuộc trà thù đẫm máu của các thầy phép trên vùng núi Tây Bắc.

    Sự xuất hiện đột ngột của sứ giả phủ Cao Sơn, của một bản người Man đầy những thầy phép cao tay ấn, rồi của con hổ tinh mò về trả thù, đã đẩy Chiêu Văn Vương vào một cuộc phiêu lưu mới. Cuộc phiêu lưu trong thế giới phép thuật, trải qua cả sáu cõi Luân Hồi với nhiệm vụ giải cứu Đại Việt trước cơn bão tố chiến tranh với phương Bắc đang ùn ùn kéo tới đã biến Chiêu Văn Vương từ một người thường trở thành kẻ có phép thuật cao siêu, khống chế được những thế lực to lớn nhất trong khắp sáu cõi như thế nào, mời các bạn theo dõi "Thần Chiến triều Trần" để biết thêm chi tiết


    Góp ý cho truyện xin gửi về : http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=137945
    Lần sửa cuối bởi ankiemkhach, ngày 22-10-2019 lúc 15:19.
    ---QC---


  2. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    21302766,hbk_123,Khinh Vũ 2020,Mành trúc mùa hạ,Nanhtrang3000,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Aug 2008
    Đang ở
    Á Đông Quốc
    Bài viết
    201
    Xu
    2,988

    Mặc định

    Thần Chiến triều Trần
    Tập 1 - Sương mờ Tây Bắc


    Chương 1
    Chiêu Văn Vương


    Canh Thìn, Thiệu Bảo năm thứ hai (tức năm 1280 dương lịch), tại đạo Đà Giang, vùng Tây Bắc Đại Việt;

    Sương sớm vùng núi rừng càng làm cho cái rét mướt đầu đông thêm se sắt, đã cuối giờ Mão mà đất trời vẫn chưa thoát hẳn cơn ngái ngủ. Trong cái màn tù mù đó, có một đoàn người ngựa phi nước kiệu về khu doanh trại bề thế của người Man nằm ở thung lũng dưới chân dãy núi xanh ngắt.

    Dẫn đầu đoàn người là một thanh niên nét mặt tuấn tú, mi thanh, mắt sáng, dáng người cân đối, khỏe mạnh. Đi theo người thanh niên là đội tám người gồm cả người hầu, phu khuân vác cưỡi chung trên năm con ngựa. Ngoài lũ người hầu và phu phen ra còn có hai rương gỗ nặng trĩu buộc hai bên lưng con chiến mã to khỏe nhất đoàn.

    Đoàn người và ngựa đông đảo nhanh chóng bị chặn lại bởi những người lính dân tộc trong bộ áo xanh nai nịt gọn ghẽ, tay lăm lăm thanh mã tấu gác ở cổng doanh trại. Thanh niên đầu đoàn ghìm cương con ngựa ô lông bóng mượt rồi nhảy xuống, bước về phía gã râu ria xồm xoàm áng chừng là thủ lĩnh đám lính gác.

    - Phiền vị tráng sĩ đây vào báo cho chúa đạo Đà Giang có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật(1) của triều đình đến gặp gỡ theo lời ước hẹn.

    Nghe thấy sáu từ “Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật”, gã thủ lĩnh giật mình ngạc nhiên. Y vội quay lại nói xì xồ với tên lính áo xanh đứng bên cạnh. Tên lính “vâng, dạ” liên mồm rồi lật đật chạy vào. Một lát sau, từ phía trong vọng ra tiếng trống “thùng thùng”, tiếp nối bằng hồi kèn đón khách đặc trưng của người Man.

    Gã thủ lĩnh nghe thấy hồi kèn thì khoát tay ra lệnh cho bọn lính đứng dẹp thành hai hàng, còn y đích thân giơ tay mời người khách trẻ có thân phận khác thường đi theo mình.

    Người trẻ tuổi mỉm cười quay lại hạ lệnh cho bọn phu phen tháo hai rương đồ, lồng đòn gánh và khênh vào. Cùng lúc đó, đám lính trong trại Man nghe tiếng trống và kèn đã úa ra đứng thành hàng lối nghiêm chỉnh. Dù mới tảng sáng mà trang phục bọn họ đều gọn gàng, mã tấu dắt ngay ngắn bên hông, tác phong nhanh nhẹn, hàng lối chỉnh tề. Trong chốc lát cả trại Man bừng tỉnh giấc, đón tiếp người khách bất ngờ bằng sự cẩn thận thái quá có đôi phần đe dọa.

    Người thanh niên trước cảnh trang nghiêm thì vẫn ung dung như không, chàng nhẹ nhàng cất bước theo chân tên thủ lĩnh. Vừa đi người thanh niên vừa trò chuyện với gã râu ria bằng tiếng Man rất chuẩn, thăm hỏi gia cảnh nhà y và tán gẫu về thời tiết, đặc sản của vùng thung lũng bên bờ sông Đà. Tên thủ lĩnh ban đầu chỉ trả lời qua loa nhưng bằng vào sự hiểu biết và thông thạo của người thanh niên, chỉ lát sau y đã tâm sự sôi nổi với chàng như người bạn tâm giao lâu ngày gặp lại.

    Hai người mải trò chuyện nên chẳng mấy chốc đã đi tới căn nhà sàn bề thế nhất trại được dựng sát lưng vào vách núi dựng đứng.

    Người thanh niên ngước mắt nhìn lên, không khỏi kêu lên trầm trồ thán phục. Chàng thân làm vương gia Đại Việt, các phủ đệ xa hoa cũng biết tới nhiều nhưng căn nhà sàn của chúa đạo dân tộc lại có nét đẹp rất riêng. Nó không những lớn tới mức vô lý so với các căn nhà sàn thông thường khác, mà còn được trang trí bằng rất nhiều các tấm da báo hoa, báo đốm và cả da hổ treo đầy ở mặt đằng trước.

    - Chà, nhà đẹp thật. – Người thanh niên vừa cười nói vừa bước lên thang, mặc kệ hàng lính gác mặt mày bặm trợn đang nhìn chằm chằm.

    Bên trong nhà sàn rộng rãi, thoáng khí, nền gỗ được phủ kín bằng các mảnh da thú. Còn trên các cột, các tường là đủ thể loại cồng, chiêng, đầu thú dữ, thậm chí còn có một đôi đao dài. Ngồi ngay bên dưới đôi đao là một trung niên mắt sâu, mũi to, râu ria xồm xoàm trông hung dữ như tượng hộ pháp canh đền. Trung niên mặc áo da hổ tay trần, để lộ ra cơ bắp cuồn cuộn, rắn chắc của vị chúa tể vùng sơn cước. Ngồi thành hai hàng bên dưới trung niên là hơn chục tay tù trưởng dáng vẻ hùm sói không thua gì vị chúa đạo của bọn họ. Chàng thanh niên bước vào giữa đám người hung dữ đó, thật hơi giống như khuê nữ nhà lành bất chợt bị rơi vào giữa ổ trộm cướp.

    Người thanh niên trước các ánh mắt muốn ăn tươi nuốt sống thì vẫn điềm nhiên như không, chàng vẫy tay ra hiệu cho bọn phu phen khiêng hai hòm đồ để sang một bên. Sau khi lũ người chuyên khuân vác xong việc và lục tục kéo xuống khỏi nhà sàn, còn hai đứa hầu đi theo thì ngoan ngoãn quỳ sau lưng, người thanh niên mới ngồi xuống tấm nệm thêu hoa văn ở vị trí đối diện vị chúa tể người Man.

    - Tôi là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, nay theo lời ước hẹn với chúa đạo nên tới đây gặp gỡ.

    Tay chúa đạo nghe vậy thì nheo mắt đánh giá người thanh niên. Rồi gã bất chợt cười lên ha hả, giọng oang oang như tiếng cồng chiêng gióng lên khi xung trận, hào sảng mà đầy uy hiếp.

    - Ha ha ha… Trịnh Giác Mật ta vốn nghe đồn Chiêu Văn Vương là người trí dũng, văn võ toàn tài. Bây giờ thấy vương còn có dạ can đảm khác thường, đi vào chỗ chết mà coi như không.

    Bọn người Man trong trướng tuy đều dũng mãnh oai phong nhưng câu nói của gã trung niên ngoài âm thanh vang rền còn chứa cả nội lực hùng hậu. Chúng Man đều thấy ù tai hoa mắt, phải vội vã trấn định lại tinh thần.

    Tuy nhiên người thanh niên chẳng bị ảnh hưởng gì trước lời uy hiếp. Chàng nở nụ cười tươi rói, rồi dùng tiếng Man rất chuẩn đáp lại tay trung niên.

    - Nhật Duật tôi tuy mới lên vùng này đóng quân được ít lâu nhưng từ xưa khi còn ở kinh thành đã rất yêu thích tập tục, lối sống của người miền ngược. Được biết người dân tộc ở suốt một giải Đà Giang cực kỳ can trường, hào sảng, lại vô cùng hiếu khách. Các đức tính quý báu đó làm tôi rất ngưỡng mộ. Vì thế khi chúa đạo có lời ước hẹn gặp gỡ nhưng phải đi một mình, không được có binh lính theo hộ tống, Nhật Duật vội vàng sửa soạn quà lễ lên đường mà không cần suy tính. Vì tôi quan niệm tới gặp các vị chẳng khác nào đi gặp anh em ruột thịt trong nhà, vậy mà cớ sao chúa đạo lại bảo tôi đi vào chỗ chết?

    Giác Mật nghe như vậy, lại thấy người thanh niên mặc bộ quần áo tía, đầu quấn khăn tía và trên cổ có đeo một chiếc vòng đính đầy răng hổ theo đúng lề lối trang phục sang trọng nhất của người Man chỉ dùng khi có dịp quan trọng hoặc để tỏ lòng tôn kính lúc gặp gỡ khách quý, liền vỗ đùi khen “hay” rồi đáp.

    - Vương nói phải lắm, những lời vừa rồi coi như ta sai. Vậy Giác Mật này xin kính người anh em bình rượu để tạ tội.

    Lời vừa dứt, chúa đạo liền sai một tên tù trưởng chạy xuống nhà sàn hạ lệnh cho bọn người hầu mang rượu thịt lên mở tiệc. Chỉ nghe hàng loạt các tiếng bước chân rầm rập, rồi lũ lính áo xanh lần lượt bê lên các đĩa thịt trâu bò, hươu nai và cả những bình rượu tròn lẳn, nâu bóng, miệng vẫn còn được bịt kín bởi các mảnh da thú để tràn đầy khoảng sàn nhà trước mặt mọi người.

    Sau khi lũ lính bày biện xong xuôi, chúa đạo Giác Mật ngay trước mặt vị khách quý vẫn điềm nhiên thò tay vào đĩa thức ăn, bốc nắm thịt to bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm. Đối diện với cảnh ăn uống thô lỗ, Chiêu Văn Vương hoàn toàn thoải mái. Chàng giơ tay ra phía trước ngỏ ý muốn xin lại đĩa thịt của chúa đạo. Giác Mật thoáng ngạc nhiên nhưng vẫn cầm lên đưa cho chàng. Trần Nhật Duật đón lấy, rồi giống hệt chúa đạo, chàng cũng dùng tay không bốc nắm thịt to bỏ vào mồm nhai nuốt.

    Chúa đạo Giác Mật và các tù trưởng người Man trông thấy cảnh đó thì cùng “ồ” lên thích thú. Hóa ra theo tập tục của người Man, việc ăn chung một đĩa thức ăn, và phải ăn bốc bằng tay, có ý nghĩa tỏ rõ sự cùng chung hoạn nạn của anh em, bạn bè thân thiết.

    - Hay lắm, chẳng ngờ việc ăn uống phàm tục của chúng ta mà vương cũng rất tỏ tường. Vậy còn cách uống rượu thể hiện chí khí nam nhi, chẳng hay vương có biết?

    Nhật Duật nghe chúa đạo nói thế thì mỉm cười gật đầu. Rồi chàng lấy bình rượu để bên cạnh, mở tấm da thú bịt miệng ra. Mùi rượu thơm ngát tỏa khắp căn nhà sàn. Nhật Duật dùng tay nâng bình lên, rồi nghển cổ, hếch đầu, dùng mũi hứng lấy vòi rượu trong vắt đang chảy xuống.

    Trông thấy Chiêu Văn Vương uống rượu bằng mũi, tất cả người Man trong trướng đều trầm trồ thán phục. Lát sau, Nhật Duật uống xong cầm bình rượu đưa về phía chúa đạo. Giác Mật gật gù tỏ vẻ hài lòng, rồi cùng với cách mà chàng vừa dùng, gã cũng nâng bình lên cao và uống bằng mũi.

    Uống xong, Giác Mật đặt bình rượu xuống thở ra một hơi, vòng tay thi lễ với Nhật Duật đoạn nói.

    - Vương gia tỏ tường phong tục của chúng tôi như thế, đích thị kiếp trước cũng là người miền ngược chẳng sai. Người dân tộc chúng tôi đối với anh em trong nhà luôn luôn tôn trọng, vì thế lần này tới đây vương có điều gì cần trao đổi xin mời nói thẳng ra.

    Chiêu Văn Vương nghe vậy thì mừng rỡ, vòng tay đáp lễ Giác Mật.

    - Chúa đạo đã nói vậy thì Nhật Duật tôi xin được bày tỏ hết cõi lòng. Từ xưa khi đức Thái Tông chúng tôi lập ra nhà Trần, đã mấy chục năm nay triều đình luôn để cho đạo Đà Giang tự chủ. Ngay cả khi đức quan gia(2) có phân công chỉ huy sứ lên vùng này cũng chỉ để cai quản đám con dân Đại Việt, còn lại các dân tộc khác chúng tôi luôn tôn trọng, để cho các vị sinh sống tự do và tự trị trong sắc dân của mình. Thế nhưng không hiểu sao trong thời gian gần đây, người dân tộc nổi lên chống lại triều đình, cướp phá các bản làng, thành thị của Đại Việt dọc khu vực thung lũng ven bờ sông Đà. Do lo ngại an ninh và cũng không muốn động binh đao làm mất tình cảm gắn bó bền chặt qua bao đời nay giữa miền xuôi và miền ngược nên đức quan gia mới lệnh cho tôi lên vùng này tìm hiểu, khuyên giải chúa đạo dẹp bớt các việc đao thương. Có thù oán, hiềm khích gì thì hai bên cùng nhau giãi bày, chia sẻ.

    Nghe tới đây, Giác Mật thở ra một hơi đáp.

    - Nếu ai cũng có tấm lòng như đức quan gia và Chiêu Văn Vương thì chúng tôi nào có dạ làm phản. Chẳng qua chỉ huy sứ cũ ở vùng này kiêu căng phách lối, lại hay ỷ thế quan binh triều đình đến quấy rầy các bản làng của chúng tôi. Giác Mật thấy anh em chung dòng máu bị hà hiếp thì không chịu nổi mới dấy binh làm loạn, nay nghĩ lại thấy quả là lỗ mãng.

    - Chỉ huy sứ cũ đã bị triệu về Thăng Long xử tội theo quân pháp. Giờ tôi lên chỉ huy vùng này, các việc quấy rối người dân tộc sẽ chấm dứt triệt để. Xin chúa đạo chớ lo.

    Giác Mật nghe vậy liền vòng tay thi lễ.

    - Có những lời này của Chiêu Văn Vương, Giác Mật xin lập tức bãi binh, trở lại làm phiên dậu cho triều đình.

    Nhật Duật nghe thế thì mừng rỡ, nói.

    - Chúa đạo nghĩ thế là phải lắm. Và để tỏ lòng yêu quý đức quan gia có nhờ tôi chuyển tặng chúa đạo hai thùng lễ vật. Mong chúa đạo nhận cho.

    - Quà tặng của đức quan gia, Giác Mật nào dám chối từ.

    Chúa đạo Đà Giang nói xong liền ra lệnh cho bọn lính lên nhà sàn khiêng hai rương quà tặng đem cất đi. Chờ cho lũ lính xong việc, Nhật Duật lại nói tiếp.

    - Ngoài những việc vừa nói ra, chắc chúa đạo cũng biết người Thát Đát(3) ở phương Bắc đang sắm sửa khí giới, huấn luyện binh sĩ, chờ thời cơ cất quân sang xâm lược nước ta. Trước nay người Việt cùng với người dân tộc ở dọc một giải Đà Giang thân thiết với nhau như anh em trong nhà. Nay có kẻ từ phương Bắc tới, nếu anh em không giúp nhau để kẻ kia chiếm được bờ cõi thì e rằng tất cả chúng ta đều phải chịu khổ đau dưới sự thống trị của bọn ngoại bang. Chính vì việc này, đức quan gia đã cho soạn một đạo chiếu chỉ dành riêng cho chúa đạo và nhờ tôi đích thân mang lên đây.

    - Việc này Giác Mật hiểu rõ. Vậy chiếu chỉ của đức quan gia ra sao kính thỉnh vương cứ đọc, Giác Mật tôi xin rửa tai lắng nghe.

    Trần Nhật Duật nghe vậy thì mừng rỡ, đưa tay ra hiệu cho một tên hầu đang quỳ sau lưng. Tên hầu này dáng người thanh mảnh, mắt răm mày liễu mười phần đẹp đẽ. Y thấy chủ nhân ra hiệu thì rút từ trong tay áo ra tờ chiếu thư màu vàng dâng lên chủ nhân.

    Nhật Duật giở chiếu thư ra. Chàng bình thường nét mặt hòa nhã, lúc nào cũng tươi cười nhưng khi cầm chiếu thư trên tay lại tỏ ra rất cung kính, nghiêm túc. Giọng Nhật Duật cất lên sang sảng trong trướng. Chàng nội lực hùng hậu, tiếng đọc lại trầm bổng nên từng câu từng chữ vang lên rõ rệt in vào lòng người.

    -… Người dưới xuôi hay người miền ngược đều là anh em một nhà, môi hở thì răng lạnh, em ngã thì anh đau. Nay quân Thát Đát luôn nhòm ngó bờ cõi phía Nam. Chúng là quân hung dữ, ác độc, vó ngựa đi đến đâu giày xéo bờ cõi giang sơn, tàn phá làng mạc gia đình, giết hại người già, trẻ nhỏ, ngay cả cỏ cây cũng chết rạp. Giặc tuy tàn bạo nhưng chỉ cần anh em đồng thuận, đồng lòng, gia đình trên dưới như một, cả nước trước sau như nhất thì đủ khả năng lấp bể dời non huống hồ là đuổi bọn hổ lang sài báo. Vậy nay phong chúa đạo Giác Mật trấn thủ xứ Đà Giang, chung tay cùng trẫm bảo vệ biên thùy trước sự dòm ngó của quân điểu ác. Mọi tập tục sinh hoạt của người dân tộc đều duy trì như cũ, xứ Đà Giang là khu tự trị của người dân tộc không phải tô phu nộp cống, khi có giặc thì cùng quân triều đình bảo vệ bờ cõi giang sơn. Khâm thử!

    Nhật Duật đọc xong trao lại chiếu thư cho Giác Mật. Chúa đạo cầm tờ chiếu lạy tạ, đoạn nói.

    - Đức quan gia đã tin tưởng như vậy thì không có lý gì chúng tôi không một lòng với triều đình. Xin Chiêu Văn Vương cứ yên tâm, tôi nay thay mặt cho người dân tộc ở Đà Giang hứa nguyện ra công gắng sức bảo vệ bờ cõi nước nhà.

    Nhật Duật thấy gã nói vậy thì vô cùng mừng rỡ.

    - Chúa đạo thật sáng suốt.

    Giác Mật cười lên ha hả, đoạn quay xuống cất giọng sang sảng hạ lệnh cho thuộc hạ bên dưới.

    - Bay đâu mau cho nổi nhạc lên, để ta cùng Chiêu Văn Vương ăn mừng tình anh em bền chặt giữa triều đình và vùng Đà Giang.

    Toàn bộ doanh trại hò reo ầm ĩ, cung nhạc nổi lên réo rắt cả góc trời.

    * * * * *


    Trần Nhật Duật ra khỏi trại của người Man một đoạn thì thấy trước mặt xuất hiện rừng người ngựa, cờ xí rợp trời. Giữa đám cung, tên, giáo, mác, có một lá cờ vàng lớn thêu ba chữ “Chiêu Văn Quân” tung bay trong gió.

    Đoàn quân nhác thấy bóng chàng thì reo to mừng rỡ. Từ trong đội ngũ rẽ ra một tướng trẻ diện mạo oai phong phi ngựa cấp tốc về phía chàng. Cách phái đoàn chừng nửa trượng, viên tướng nhảy từ trên lưng ngựa xuống rồi chạy đến trước mặt Nhật Duật hành lễ.

    - Đức ông, người đã bình an trở về. Thật may quá!

    Nhật Duật xuống ngựa đỡ viên tướng dậy, nói.

    - Lê Thạch, chuyến này đi hết sức nhẹ nhàng. Ngươi làm gì mà lo lắng vậy.

    Viên tướng đứng lên, thở phào rồi nói.

    - Đức ông một mình đi vào sào huyệt quân địch, nhỡ chẳng may có mệnh hệ gì thì bọn thuộc hạ không biết phải làm sao.

    Nhật Duật nghe thế thì cười lớn.

    - Mệnh hệ làm sao được, ngươi thừa hiểu ta còn gì. Giờ ngươi mau truyền lệnh cho đội Báo Hoang rút lui, nếu để bọn Giác Mật phát hiện ra thì không hay chút nào.

    - Vâng, thuộc hạ xin làm ngay.

    Nhật Duật chợt nhớ ra một chuyện, nói thêm.

    - À, ngươi mang thêm ngựa cho hai tên hầu này đã. Để bọn chúng cưỡi chung một con hơi bất tiện.

    Viên tướng nghe thế thì ngạc nhiên.

    - Bẩm đức ông, hai tên này chỉ là hầu, có ngựa cưỡi không phải chạy bộ đã là may lắm rồi. Sao lại phải tốn thêm ngựa cho chúng làm gì?

    Nhật Duật trừng mắt, mắng.

    - Ta bảo thì cứ làm đi, Lê Thạch ngươi định cãi lệnh hả.

    Viên tướng trẻ rụt đầu lẽ lưỡi vâng dạ luôn mồm rồi lật đật chạy đi.

    * * * * *

    Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoáng chốc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã lên trấn thủ đạo Đà Giang được hai năm. Trong hai năm đó, chàng đã vỗ yên các sắc dân tộc thiểu số ở dọc hai bên bờ dòng sông Đà. Đồng thời, chàng cũng giúp cho người Việt và người dân tộc sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau.

    Vào một tối mùa đông Nhâm Ngọ, Thiệu Bảo năm thứ tư (tức năm 1282 dương lịch), từ khu doanh trại của quân Đại Việt đóng tại trấn Đà Bắc, trấn thành thị xa nhất của Đại Việt về phía Tây, có vọng ra tiếng đàn du dương, thánh thót. Tiếng đàn da diết, trong trẻo, lúc thì như giọng hát của mẹ hiền ru con, khi lại giống tiếng thủ thỉ, nũng nịu của người thương vào một đêm trăng sáng.

    Tiếng đàn xuất phát từ căn nhà sàn to nhất khu doanh trại, vốn là căn nhà của chỉ huy sứ đạo Đà Giang khi xưa giờ được sửa lại qua loa làm nơi ở cho Chiêu Văn Vương hai năm nay.

    Bên trong căn nhà, vị vương gia trẻ đang ngồi gảy đàn một mình. Cây nguyệt cầm(4) là thứ duy nhất chàng mang theo từ Thăng Long, trừ đống trang phục cá nhân và thanh gươm quý luôn dắt bên người. Tối tối mỗi khi rảnh rang, chàng đều tranh thủ ngồi gảy đàn. Tiếng đàn là liều thuốc hữu hiệu giúp xoa dịu nỗi nhớ nhà, nỗi nhờ vùng đất kinh kỳ phồn hoa cùng bạn bè, cố nhân phải chia xa khi đi trấn thủ vùng miền ngược.

    Giai điệu du dương đột ngột bị ngắt quãng bởi tiếng cười khẩy, cùng câu nói có phần mỉa mai.

    - Không ngờ Chiêu Văn Vương oai võ là thế mà đêm nào cũng đàn địch mấy cái bài nhạc ẻo lả của bọn đàn bà.

    Người vừa cất lời mi thanh, mục tú, khuôn mặt nhỏ nhắn, làn da tương đối trắng trẻo. Tuy y mặc quần áo người hầu nhưng giọng nói cao vút cùng dáng vẻ khinh bạc không hề giống như thái độ của kẻ nô bộc đối với chủ nhân.

    Trần Nhật Duật chả ừ chả hữ, chàng lại gảy thêm nửa khúc đàn. Tiếng nhạc vang lên dặt dìu như kèm theo lời hát.

    “Vắt tay nằm nghĩ canh dài

    Phong lưu dễ được mấy người xưa nay

    Gió trăng vô tận kho đầy

    Những vui cảnh đẹp mà khuây lòng phiền.”(5)

    Nhật Duật gảy xong buông đàn xuống, đoạn nói.

    - Đã nửa năm rồi nàng mới quay lại thăm tôi. Nhân lúc đêm nay trăng thanh gió mát, hay là nàng cùng tôi hợp xướng một canh cho trọn ca ý.

    Chàng vừa nói xong đã thấy thanh dao găm chĩa vào trước mặt.

    - Ngươi… ngươi dám kêu ta hát hầu ngươi như mấy con ả đào mua vui cho bọn đàn ông ư? Ta cho ngươi chết không toàn thây bây giờ!

    Tên hầu nổi giận làm đôi mày cau vào, cuối mắt xếch lên, hiện ra vẻ ghê gớm đến độ tàn nhẫn. Nhật Duật đối phó với sự hung hãn đó bằng nụ cười nhẹ nhàng và vẻ mặt bình tĩnh như không.

    - Chị Ban đừng nổi nóng, Chiêu Văn Vương chỉ đang đùa chị chút thôi mà. – Có giọng nói trong trẻo chợt cất lên từ phía góc nhà.

    Nhật Duật nhìn sang phía tay tả, thấy một tên hầu khác đã đứng đấy từ bao giờ. Chiêu Văn Vương hồ hởi hẳn lên, nói.

    - Hóa ra cô Mai cũng tới. Cô Ban có vẻ không thích ca hát hay là cô Mai chịu khó ra đây tiếp kẻ thô lậu này vài canh giờ.

    Tên hầu thứ hai nghe thế thì bước lại gần. Ánh nến bập bùng trên cột gỗ soi tỏ dáng vẻ tha thướt, khuôn mặt trái xoan, cùng ánh mắt long lanh như nước hồ thu của tên hầu. Nhật Duật trông rõ nàng ta thì hít vào một hơi. Thật không ngờ miền sơn cước mà có người đẹp tới vậy. Dù không phải lần đầu gặp gỡ mà chàng vẫn thấy bất ngờ. Cũng may bộ quần áo của kẻ hạ tiện đã che dấu nét mỹ lệ đi nhiều, không thì dáng vẻ này sẽ dễ làm toàn quân đại loạn.

    - Chắc Chiêu Văn Vương biết chúng tôi tới đây không phải để ca hát. Vốn vương bận nhiều việc, tôi cũng không dông dài. Chị em tôi nhận được tin Trịnh Giác Mật đã tìm ra kẻ kia nên đường đột xông vào đây để hỏi vương khi nào có thể lên đường?

    Nhật Duật nghe nàng ta nói vậy thì cười, đáp.

    - Quả là Giác Mật đã biết chỗ trốn của kẻ mà các nàng muốn tìm. Nhưng hắn ta ở một bản làng trong nơi thâm sơn cùng cốc tít trên núi cao. Nếu hai nàng muốn, tôi sẽ cho người báo Giác Mật mai xuất phát lên bản kia sớm.

    Tên hầu thứ hai gật đầu.

    - Vậy phải phiền Chiêu Văn Vương rồi. Có gì sáng mai lúc gà gáy chị em tôi sẽ quay lại đây và hộ tống vương tới tận trại của Giác Mật. Chị Ban, chúng ta về thôi để Chiêu Văn Vương nghỉ ngơi.

    Tên hầu đầu tiên nghe vậy thì phản đối.

    - Sao lại đi dễ vậy? Tên Chiêu Văn Vương này nhiều mưu kế lắm, có khi sáng mai hắn lại dở trò.

    Tên hầu thứ hai lắc đầu, đáp.

    - Chiêu Văn Vương ở nơi miền ngược đã được một thời gian, vương chắc hiểu rõ có một số việc và một số người không nên đùa cợt.

    Tên hầu thứ hai vừa dứt lời, Nhật Duật tự dưng thấy mát lạnh trước trán, rồi một lọn tóc của chàng không hiểu bị thứ gì chém đứt rơi ngay xuống cây đàn nguyệt đang ôm trong lòng. Nhật Duật khẽ giật mình nhưng lấy lại vẻ bình thản rất nhanh. Tuy nhiên thái độ của chàng đã lọt vào mắt tên hầu đầu tiên, nàng ta cười lên “ha ha” mấy tiếng rồi bước lại chỗ tên hầu thứ hai.

    - Mai, ngươi cắt có một tí tóc của hắn thì ăn thua gì? Để ta khoét cho hắn vài lỗ trên người rồi đốt nến châm vào cho hắn đau đớn ba ngày, ba đêm. Lúc đó xem hắn có dám đùa bỡn chúng ta nữa không?

    Tên hầu thứ hai lắc đầu.

    - Những việc thừa thãi thì đừng nên làm, chị Ban chúng ta đi thôi.

    Tên hầu đầu tiên hậm hực nói.

    - Mai, ngươi là em sao cứ ra lệnh cho ta mãi thế.

    - Chị Ban, chúng ta cùng nhau làm nhiệm vụ, làm gì có ai ra lệnh cho ai. Chiêu Văn Vương lắm mưu nhiều kế, như lần trước đi dụ hàng Giác Mật, vương giả vờ tới một mình nhưng đằng sau lưng thì cho đội quân tinh nhuệ Báo Hoang mai phục tại ngọn núi bên trên, sẵn sàng đột kích vào trại khi có biến. Với một người đảm lược như thế, nếu hai chị em ta không hỗ trợ cho nhau thì sẽ dễ bị vương lừa gạt lắm.

    - Hừ, những kẻ dám lừa gạt Vi Ban này đều phải chịu kết quả thảm khốc.

    Tên hầu đầu tiên nói xong thì vung tay lên. Chỉ nghe “phập” một tiếng, chiếc đầu hươu trang trí trên cột nhà đã bị nàng ta ném thanh dao găm vào cắm ngập tới tận chuôi.

    - Ta gửi tạm con dao này thay cho lời cảnh cáo.

    Nói vừa dứt lời, nàng ta theo chân tên hầu thứ hai bước ra khỏi cửa. Hai cô gái nhanh chóng biến mất vào nơi màn đêm đen bao phủ.

    Chiêu Văn Vương nhìn theo một lúc rồi đặt đàn xuống, thở dài đứng dậy. Chàng tiến lại chỗ cột gỗ giữa nhà, lấy tay gõ vào đó ba phát. Lát sau, tấm phiên che cầu thang hậu của căn nhà sàn được dịch sang một bên, viên tướng trẻ Lê Thạch vội vã bước lên.

    - Thưa đức ông, bọn chúng đến chưa?

    Trần Nhật Duật cười buồn, đáp.

    - Đã đi được một lúc rồi.

    Lê Thạch nghe thế thì giật mình, hoảng hốt nói.

    - Sao có thể thế được? Thuộc hạ đã cho đội Báo Hoang canh gác rất kỹ. Bọn họ không hề phát hiện ra động tĩnh gì.

    - Ngươi nhìn kia kìa. – Nhật Duật nói đoạn chỉ vào chiếc đầu hươu bị cô gái tên Ban ném dao vào lúc trước. Chỉ thấy giữa trán hươu, nơi con dao găm cắm ngập có rỉ ra dòng nước đen. Dòng nước đó không những đốt cháy một mảnh da thú mà còn chảy xuống sàn nhà, khoét thành cái lỗ to tướng.

    - Đức ông… thứ này…

    Nhật Duật thở dài, nói.

    - Cả đội Báo Hoang cũng không phát hiện ra nổi các nàng. Xem ra lần này ta nên đi một mình.

    - Đức ông, bọn chúng ghê gớm như vậy. Xin đức ông đừng mạo hiểm.

    Nhật Duật cười rồi vỗ vai viên tướng trẻ.

    - Lê Thạch, ngươi quên là ta có thứ pháp bảo thần kỳ do đích thân đức quan gia tặng cho ư? Có thứ đó yêu ma, quỷ quái còn không thể hại ta được chứ nói gì tới bọn họ. Chắc ta lại phải phiền ngươi quản lý Chiêu Văn Quân một thời gian rồi.

    Lê Thạch nghe thế thì đành cúi đầu “vâng, dạ”. Gã hiểu quá rõ tính tình vị chủ tướng của mình. Chiêu Văn Vương tuy còn trẻ tuổi nhưng võ công cao cường, đảm lược lại lớn. Vương từng có lúc một mình cưỡi voi, xông thẳng vào phá tan hang ổ bọn cướp gốc Chiêm ở ngoài thành Thăng Long. Ngay như lần này khi vừa nhận được nhiệm vụ lên trấn thủ xứ Đà Giang, vương liền đóng giả kẻ lang thang, tự đi vào ở bản Man hai tháng để tìm hiểu về ngôn ngữ và tập tính của bọn họ. Nhờ vậy đợt trước vương mới có thể chiêu hàng Giác Mật dễ dàng. Và dù chỉ là phó tướng, nhưng Lê Thạch đã quen việc quản lý Chiêu Văn Quân thay cho vị chủ tướng liều lĩnh của mình. Lần này Chiêu Văn Vương đã quyết định đi một mình thì ngay cả thượng hoàng và quan gia còn không cản được, Lê Thạch dù có khuyên can đến đâu cũng chỉ vô ích.

    Trần Nhật Duật dặn dò thêm Lê Thạch vài điều rồi cho viên phó tướng lui xuống để đi chuẩn bị đồ đạc ngày mai lên đường. Chiêu Văn Vương tính vốn đơn giản, chỉ cho vài bộ trang phục vào tay nải. Sau đó chàng mang thanh gươm báu ra lau chùi cho cẩn thận. Lau gươm chán chê đến tận khi đêm đã rất khuya, chỉ còn tiếng côn trùng rả rích từ các bụi cỏ cao xung quanh nhà vọng lên, Nhật Duật mới lôi từ trong đáy tay nải ra một vòng tràng hạt đen.

    - Tống Thiết Phật Châu, ta lại phải trông cậy vào ngươi rồi.

    Chiêu Văn Vương vừa nói vừa giơ vòng tràng hạt lên ngắm dưới ánh nến. Chỉ thấy từng hạt của chiếc vòng nặng chịch, không hiểu làm bằng chất liệu gì mà đen sẫm, đầy vẻ cổ kính.

    Ở ngoài cửa, tiếng côn trùng vọng vào càng lúc càng dầy hơn, báo hiệu cho việc trời đất sắp chuyển mình bước sang ngày mới.

    * * * * *

    * Chú thích:

    (1) Chiêu Văn Vương: tên thật là Trần Nhật Duật, là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần.

    (2) Quan gia: Thời Trần vua được gọi là quan gia.

    (3) Thát Đát: Là cách triều Trần gọi người Mông Cổ và các dân tộc du mục ở phía bắc Trung Quốc thời bấy giờ.

    (4) Nguyệt cầm: tức cây đàn nguyệt.

    (5) Lời bài thơ “Mối tơ tình”, khuyết danh tác giả.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi ankiemkhach, ngày 22-10-2019 lúc 15:26.

  4. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    Khinh Vũ 2020,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2008
    Đang ở
    Á Đông Quốc
    Bài viết
    201
    Xu
    2,988

    Mặc định

    Chương 2
    Ma Thị Cao Sơn



    Để đến được bản Man, đoàn người phải trèo đèo, lội suối, tiến sâu vào trong vùng núi rừng trùng điệp nhất ở bên bờ Đông dòng sông Đà. Đường đi quanh co, khúc khuỷu, khi lên núi thì mệt nhọc, lúc xuống thì hiểm nguy. Hai bên đường đá sắc như dao, dốc đứng như vực. Ngay cả bờ cây, bụi cỏ cũng sẵn rắn độc ẩn nấp chỉ chực cắn người.

    Đi đường mệt nhọc lại luôn bị hai nàng Ban Mai kè kè hai bên như lính canh áp giải tù nhân, Nhật Duật tức mình quyết tìm cách đối phó. Chàng kiếm cớ trò chuyện với lũ người Man về phong cảnh sản vật rồi bất ngờ xoay sang nói về những điều thô tục của cánh đàn ông khiến hai chị em Ban Mai phải vội vã bịt tai. Thấy vậy Chiêu Văn Vương được đà lấn tới, nói tiếp về những chuyện à ơi với mấy nàng vũ công Chiêm Thành khi còn ở Thăng Long. Bọn người Man được nghe kể về gái đẹp thì mắt sáng rực, cười hố hố thay nhau bình phẩm tục tĩu. Hai chị em Ban Mai vừa tức vừa ngượng mà không làm gì được, đành phải bỏ đi chỗ khác. Ban định rút dao găm khoét cho Chiêu Văn Vương mấy lỗ nhưng Mai đã kịp can thiệp, khuyên can chị chịu khó đóng vai người hầu cho trọn. Và từ sau vụ đó, hai nàng không dám bám theo Nhật Duật sát sao quá nữa.

    Sau năm ngày đường gian khổ, đoàn người mới tới gần dãy núi nơi bản Man kia cư ngụ. Khác với các bản Man thông thường hay ở chỗ gần sông suối hoặc khu thung lũng dưới chân núi, cái bản Man mà đoàn người tìm đến lại nằm trên đỉnh một trong những ngọn núi cao nhất vùng.

    Chiều hôm đó, đoàn người vào nghỉ trong một bản Man khác dưới chân ngọn núi kia. Khi nhìn thấy bọn bộ hạ của Trịnh Giác Mật tiến vào, cả bản như náo loạn, đích thân quan tạo(1) già lụ khụ phải ra tận nơi tiếp đón. Nhưng dù vô cùng sợ sệt và e ngại Giác Mật cũng như bọn thủ hạ của y, khi nhắc tới việc sáng mai đoàn người muốn tìm lên bản lạ ở trên núi, người dân dưới chân núi đều lắc đầu quầy quậy. Và chỉ tới khi lũ thủ hạ của Giác Mật rút đao sáng choang kề cổ quan tạo, cả bản mới cùng nhau bàn tính và cử ra tay thanh niên gan dạ nhất để lúc sáng sớm đưa đoàn người lên núi.

    Sáng hôm sau, cả đoàn lại tiếp tục lên đường. Đường lên núi dốc dựng đứng, đoàn người phải bỏ lại lũ ngựa bên dưới. Sau nửa ngày trời leo trèo mệt nhọc, cuối cùng cái bản Man kỳ lạ nọ cũng hiện ra trong tầm mắt.

    Bản Man có vài chục nóc nhà sàn nằm trên sườn ngọn núi hình móng ngựa trông xuống bên dưới thung lũng. Đoàn người tới bản lúc cuối giờ Thìn(2), khi mà dù nắng đã lên vàng rực rỡ vẫn không thể xua hết sương mờ và mây ở trên núi. Nắng hòa lẫn mây, ánh vàng chiếu qua sương trắng tạo thành một vẻ đẹp ma mị thần tiên.

    Giác Mật trông thấy bản làng thì vô cùng mừng rỡ, vội vã sai bọn thủ hạ vào bên trong gọi người tiếp đón. Tên thanh niên dẫn đường thấy vậy khuyên can, bảo không nên vô lễ với dân bản này nhưng chúa đạo Đà Giang nào có nghe, gã giơ chân đạp tên thanh niên ngã lăn sang một bên.

    Sau thời gian độ tàn nửa nén hương, bọn thủ hạ của Giác Mật quay trở lại dẫn theo một lũ tầm chục người. Đám người chủ yếu là trung niên và già lão, thoạt trông thì bình thường như bất kỳ người Man nào khác nhưng Nhật Duật nhận ra ngay có sự lạ. Đó là đám người tuy bị lũ thủ hạ hung dữ của Giác Mật với mã tấu và đao dài áp tải hai bên mà nét mặt vẫn bình thản như không, khác hẳn với thái độ khiếp sợ của dân Man ở dưới chân núi.

    Đứng đầu đám dân bản là một trung niên dáng người cân đối với đôi vai rộng ngang. Trên khuôn mặt rám nắng của ông ta có vết vuốt thú cào sâu ở gò má trái khiến cho khóe miệng bị kéo lệch về một bên, hợp cùng những vết chân chim đoạn cuối đôi mắt và mái tóc muối tiêu khiến người khác dễ mường tượng ra một đời sống thăng trầm nhiều biến cố.

    “Đây hẳn là kẻ mà hai nàng Ban Mai bắt ta cùng Giác Mật vất vả tìm kiếm”, Nhật Duật đang nghĩ thầm trong bụng thì trung niên bất chợt lên tiếng.

    -Tôi là quan tạo của bản này. Chẳng hay các vị tìm tới nơi nghèo túng có việc gì?

    Trung niên vừa nói dứt lời, Trịnh Giác Mật mặt mũi đã tối xầm. Giác Mật vốn xưng hùng xưng bá xứ Đà Giang kể ra cũng là một kẻ có thực tài. Gã tính tình hung dữ, thủ đoạn ghê gớm, tay không có thể đấm cả hổ. Không ít bản làng hứng chịu cơn thịnh nộ của gã đã tan hoang trong một buổi. Suốt cả vùng Đà Giang, không ai nghe đến tên Trịnh Giác Mật mà không sợ mất hồn mất vía. Khi chúa đạo và quân thuộc hạ xuống đến bản dù bất kể là dân tộc nào đều phải ra chào hỏi từ xa, nói năng khúm núm lễ độ. Nếu không đón tiếp chúa đạo ân cần thì rất có thể phải hứng chịu cơn thịnh nộ khủng khiếp của Giác Mật bất cứ lúc nào. Tại Đà Giang, Mật là vua, là chúa thậm chí còn là thiên lôi, thần thánh. Vậy mà quan tạo của cái bản Man con con này lại dám hỏi ông thiên lôi bằng thái độ dửng dưng không mấy quan tâm.

    Mật nén giận, trước mặt Chiêu Văn Vương gã cũng không muốn gây thêm chuyện.

    - Hừ, chúng ta có việc mới tới tìm các ngươi. Sao các ngươi không lo chuẩn bị tiếp đón?

    - Xin các vị thứ lỗi, hiện tại bản nghèo này đang có việc quan trọng. Mời các vị khách rời bước, chúng tôi thực không thể đón tiếp.

    Giác Mật vốn đã nhẫn nhịn lắm rồi, nay nghe quan tạo nói thế thì lập tức nổi cơn tam bành. Nhưng không phải chỉ mình gã nổi tam bành, chúng thuộc hạ của gã vốn hung dữ và ngang ngạnh thành tính. Nay thấy một tên quan tạo cỏn con mà dám cãi lời chúa đạo thì bọn thuộc hạ đứng gần liền bước tới, vung đao hươ trước mặt người đứng đầu bản Man đe dọa.

    Quan tạo thấy thái độ của bọn thuộc hạ Giác Mật thì cười khẩy. Ông lấy từ trong chiếc túi vải thổ cẩm đeo ở trước ngực ra mấy mảnh giấy con rồi ném về phía trước. Mấy mảnh giấy như bị thứ gì đó hút mạnh, bay thẳng về phía lũ hung thần ác sát rồi dính chặt lên trán chúng. Bọn này chợt cả người đờ ra, thả rơi đao và mã tấu xuống đất tạo thành một tràng loảng xoảng. Rồi sau đó cả lũ như bị ma làm, đồng loạt ngã ngồi xuống, thi nhau vò đầu bứt tóc, gào rú khóc lóc ầm ĩ.

    Trịnh Giác Mật trông thấy cảnh đấy thì tái mặt. Mấy mảnh giấy mà quan tạo vừa ném ra hẳn là bùa phép không sai. Mật tuy thế lực lớn mạnh, là chúa đạo hùng cứ một phương nhưng đối với bùa phép và huyền thuật(3) thì vô cùng úy kị. Ở vùng thâm sơn cùng cốc này có khá nhiều người luyện bùa ngải, âm binh và phép thuật nên cũng nhiều truyền kỳ và sự tích. Tự nhiên người Man luôn coi những người này như thần thánh.

    - Chúa đạo, mời người dời bước. Tôi sẽ giải bùa cho mấy tên này. - Quan tạo điềm nhiên nói.

    Giác Mật thầm tính toán trong đầu. Nếu như là việc quan trọng, gã có thể huy động toàn quân thì dù một bản nhiều thầy phép cũng khó lòng chống cự. Nhưng hiện tại do tính bí mật của sự việc nên gã chỉ mang theo chưa đầy chục người. Hơn nữa dù sao đây là việc của Chiêu Văn Vương nhờ, vốn không phải việc riêng của Mật nên gã cũng không muốn liều mạng vì người khác. Tuy thế theo triều đình được một thời gian mà nhiệm vụ đầu tiên Chiêu Văn Vương giao phó đã làm không xong thì gã cũng mất hết mặt mũi. Giác Mật tính tới tính lui không biết làm thế nào. Vốn là chúa đạo quyết đoán, nóng tính, hét ra lửa mà lần này Mật lại lẫn lữa đứng đực mặt ra trông rất hài hước.

    Giữa lúc Giác Mật đang luống cuồng thì trong đoàn người lại vang lên tiếng cười mỉa mai. Tiếng cười vừa cất lên, tức thì mọi ánh mắt đều đổ dồn vào tên hầu nhỏ bé mặc áo nâu, chân đi đất đứng bên cạnh một tay thanh niên tuấn tú tướng mạo vương giả.

    - Hừ, không ngờ thầy Luông lại dùng đến cái loại bùa loạn trí hạng bét này.

    Tên hầu nói dứt lời thì vung tay. Một vật màu đen từ lòng bàn tay của tên hầu phóng ra bắn thẳng vào mặt quan tạo. Quan tạo thấy vậy thì vội vàng lầm rầm đọc lời chú. Ngay lập tức từ trong túi thổ cẩm của ông bay ra một đạo bùa vàng chặn lại vật đen giữa không trung. Vật đen bị cản thì phát ra tràng tiếng rít chói tai. Quan tạo nghe vậy vội phẩy tay, khiến cả vật đen lẫn đạo bùa đổi hướng cắm thẳng vào thân cây gần đó. Mọi người định thần nhìn kỹ, chỉ thấy vật đen kia là một thanh dao găm. Con dao ghim đạo bùa vàng ngập sâu vào thân cây gần đến chuôi.

    Quan tạo nhìn vào con dao găm rồi e dè hỏi tên hầu kỳ lạ.

    - Không hiểu quý thầy đây từ đâu tới? Tại sao lại biết cái tên thầy Luông?

    Tên hầu nghe quan tạo nói vậy thì cười dài, rồi đáp bằng giọng đầy kiêu ngạo.

    - Ma Thị Cao Sơn, bốn từ này chắc thầy Luông chưa quên chứ?

    Tên hầu vừa nói ra bốn từ “Ma Thị Cao Sơn” tức thì trên mặt ai nấy đều lộ vẻ khiếp đảm. Theo truyền thuyết của người Man, bà Ma Thị vốn là chúa các động Man có phép thuật cao siêu nên được người Man suy tôn làm tổ mẫu. Bao đời nay, người Man thờ cúng bà Ma Thị và coi bà như người bảo hộ cho dân tộc Man. Nhiều dân tộc tại vùng núi Tây Bắc cũng xem bà Ma Thị như thần thánh. Đối với người Man, bà Ma Thị không những là đấng siêu nhiên ở trên cõi trời mà còn có thể hiển linh thực sự. Bà với phép thuật cao cường thường cứu giúp dân nghèo, trừ yêu diệt ma. Ngoài ra dưới tay bà còn có phủ Cao Sơn gồm các thầy phép huyền thuật siêu phàm có thể hô mưa gọi gió, dời non lấp bể. Mấy chục năm nay tuy người Man chưa được thấy bà Ma Thị hiển linh lần nào nhưng những câu truyện thần bí về phủ Cao Sơn thì lại đầy rẫy. Những câu truyện huyền ảo và lạ thường này khiến cho bất kỳ ai có thể nói ra bốn từ “Ma Thị Cao Sơn” đều được coi như sứ giả nhà trời.

    - Tên nhãi kia, ngươi đừng tưởng tùy tiện nói ra mấy từ “Ma Thị Cao Sơn” là có thể dọa bọn ta. Ta không tin tên ranh tí tuổi đầu như ngươi mà cũng là người của phủ Cao Sơn.

    Người vừa nói là một trong bốn trung niên luôn đứng đằng sau lưng quan tạo. Trung niên trên tay hữu có cầm cây gậy gỗ hình thù uốn éo rất lạ mắt. Nói dứt lời trung niên liền ném cây gậy xuống đất. Gậy gỗ phình to và dài ra, biến hình thành một con trăn lớn. Con trăn ngóc đầu bò tới trước, chính là hướng về phía tên hầu kỳ lạ. Tên hầu thấy vậy cười khẩy.

    - Hóa ra là ngươi biết dùng phép gọi trăn? Được, để xem trăn của ngươi và rắn của ta con nào hơn.

    Tên hầu nói đoạn rút từ trong áo ra ba thanh dao găm, phi thẳng về phía con trăn. Ba thanh dao găm bay tới trước lại đột nhiên biến thành ba con rắn đen, nhắm hướng con trăn dưới đất mà mổ. Con trăn bất ngờ, chưa kịp phản ứng thì đã bị lũ rắn đen, dù bé hơn nhưng nhanh nhẹn hơn nhiều, cắm ngập răng nanh lên người. Con trăn rít lên đau đớn, vặn vẹo thân thể hòng né tránh. Bọn rắn đen được đà càng cắn mạnh hơn. Trăn to trúng đòn quằn quại lăn lộn trên mặt đất. Tay trung niên chủ của con trăn cũng bị ảnh hưởng lây. Chỉ thấy y sùi bọt mép, người giật đùng đùng. Bọn xung quanh phải vội vàng đỡ lấy tránh cho y ngã lăn ra đất. Quan tạo bản Man trông thấy trung niên nguy cấp thì sợ hãi hô.

    - Xin quý thầy hãy nương tay!

    Tên hầu điều khiển rắn đen mặc kệ quan tạo, chỉ đứng cười khành khạch. Quan tạo thấy vậy vội vã lấy trong túi thổ cẩm ra một quả bầu khô. Ông ngửa đầu lên, dốc ngược quả bầu vào mồm tu một hơi rồi lầm rầm niệm chú. Sau đó ông phun ngụm nước đang ngậm trong mồm vào lũ trăn và rắn ở dưới đất. Đám chất lỏng vừa đổ xuống, bọn bò sát liền như bị tạt nước sôi, rít lên những tiếng đau đớn rồi tách rời nhau ra, co quắp uốn éo trên mặt đất. Lát sau lũ bò sát đã hóa trở lại thành cây gậy gỗ và ba chiếc dao găm. Quan tạo phun nước xong thì quát lớn.

    - Quý thầy đã không nể mặt thì đừng trách tôi!

    Nói xong quan tạo rút từ trong túi ra một lá cờ vàng tung lên cao. Lá cờ đón gió, tự động trải rộng ra. Chỉ thấy giữa lá cờ có thêu hình một khuôn mặt dữ tợn bằng chỉ kim tuyến. Khuôn mặt có sừng, có nanh, miệng há rộng thè chiếc lưỡi dài thòng đầy đe dọa. Từ khuôn mặt phát ra những tia sáng rất chói mắt hắt về phía đám người vừa lên núi. Mọi người tự dưng thấy đầu đau như bị dùi trống gõ vào, mắt thì bị tia sáng kia chiếu phải khiến cho nhức nhối khôn tả.

    Đúng lúc đó chợt có tiếng gió như có người cầm gươm chém mạnh vào không khí, sau đó là tiếng gào thét rất chói tai. Tiếng gào thét chấm dứt cũng là lúc ánh sáng khó chịu kia tắt hẳn. Mọi người mở mắt ra nhìn thì thấy lá cờ vàng của quan tạo đã bị chém đứt làm đôi, rơi xuống đất cháy phừng phừng. Và ở bên cạnh tay tả tên hầu ném dao găm đã có thêm một tên hầu khác cầm trong tay thanh gươm lưỡi xanh biếc trông rất lạ mắt.

    Tên hầu ném dao găm trông thấy tên hầu cầm gươm thì cất lời, giọng bực tức.

    - Mai, ai cho ngươi can thiệp vào?

    - Ban, chị làm mất nhiều thời gian quá. - Tên hầu mới xuất hiện chẳng cần chờ tên hầu đầu tiên trả lời. Y nói xong liền giơ gươm lên chém về phía đám người Man.

    Thanh gươm trên tay tên hầu rạch một đường trong không trung. Và mặc dù cả thanh gươm lẫn cái đường đó cách bọn dân bản Man một quãng xa, quan tạo vẫn tỏ vẻ sợ hãi. Ông vột rút từ trong túi vải ra một đạo bùa vàng chi chít chữ đỏ ném về phía trước. Đạo bùa vàng hóa lớn, che chắn trước mặt đoàn người bản Man. Rồi một tiếng nổ lớn vang lên, đạo bùa bị đường gươm kia phá tan thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Quan tạo sau khi ném bùa ra cản phá đường gươm thì bị vụ nổ quật lại, loạng choạng suýt ngã may được bọn dân bản đứng đằng sau đỡ.

    Quan tạo mặt mày tím tái, ông thở hổn hển rồi sợ hãi kêu lên.

    - Thanh gươm trong tay vị thầy phép này… phải chăng chính là gươm Thanh Bạch?

    - Chính là nó, thầy Luông thật tinh tường. -Tên hầu mới xuất hiện thản nhiên nói, đoạn thu gươm lại đút vào trong ống tay áo. Thanh gươm dài hơn cả cánh tay của tên hầu mà y vẫn nhét được vào trong một cách gọn gàng, trọn vẹn, không để lộ ra tí nào kể cả phần chuôi gươm được đính hai viên ngọc to, một xanh một trắng.

    - Bây giờ các vị đã tin chúng ta là người của phủ Cao Sơn chưa? – Tên hầu nhẹ hàng hỏi.

    Quan tạo thở dài, đáp.

    - Gươm Thanh Bạch là báu vật rất nổi tiếng của phủ Cao Sơn. Các vị phép thuật cao cường, mang theo vật báu thì chắc trong phủ phải giữ vị trí quan trọng. Xin hỏi hai vị tên gọi là gì để tiện xưng hô?

    - Ta là Vi Mai, đây là chị Vi Ban. - Tên hầu có thanh gươm xanh vừa nói vừa chỉ vào tên hầu đầu tiên. - Bọn ta gọi là Ban Mai sứ giả.

    Quan tạo nghe vậy thì gật đầu.

    - Các vị ở phủ Cao Sơn đến tìm tôi chắc chắn chỉ vì vật kia mà thôi. Quả là tôi đang giữ nó, nhưng bản tôi cũng đang có việc quan trọng. Nếu hai vị có thể giúp tôi việc trong bản, tôi nguyện hai tay dâng lại vật kia để hai vị mang trở về phủ.

    Ban và Mai đưa mắt nhìn nhau rồi cùng gật đầu. Ban nói.

    - Thầy Luông khi xưa có chút thanh danh trong phủ, lời nói kể cũng đáng tin. Chúng ta đồng ý cùng thầy thương lượng.

    - Được, vậy tôi thay mặt bản xin cảm ơn hai vị trước. – Quan tạo nói đoạn phẩy tay. Mấy đạo bùa nhỏ dính trên trán lũ thủ hạ của Trịnh Giác Mật liền rơi xuống đất rồi cháy phừng phừng. Lát sau bọn này lồm cồm bò dậy, mặt mày ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.

    - Mời mọi người theo tôi vào bản bàn chuyện. - Quan tạo nói đoạn quay người bước về phía mấy nóc nhà sàn.

    Bọn Giác Mật và bộ hạ đang đứng lừng khừng thì bị Vi Ban lườm cho một cái liền cun cút đi theo đoàn người Man. Còn về phần Trần Nhật Duật thì sau khi thấy hai nàng Ban Mai thể hiện tài phép thái độ cũng trở nên cẩn thận hơn, không còn trêu chọc quá đà như trước. Chiêu Văn Vương lẳng lặng vác gươm lên vai, đi cùng cả bọn vào trong bản.

    * * * * *

    Nhà sàn của quan tạo trong bản Man này cũng giống như mọi căn nhà sàn bình thường khác của người Man. Nghĩa là có hai cầu thang ở hai đầu hồi. Cầu thang chính ở bên quản(4), cầu thang phụ ở bên chan(5). Mái nhà lợp cỏ gianh, bên dưới có năm gian, đầy đủ sàn phơi, bếp núc bên trong. Hướng nhà làm quay vào trong bản, lưng dựa lên ngọn đồi nhỏ. Khác biệt duy nhất là trên ngọn đồi sau nhà có dăm ba hàng rẫy trống huơ trống hoác đã lên màu bạc phếch.

    Nhật Duật biết người Man ở trên núi cao thường có tập tục du canh, du cư. Họ phát nương, làm rẫy ở một nơi trong khoảng ba tới năm năm, đến khi đất bạc màu thì lại đi nơi khác. Giờ nhìn vào mấy hàng nương rẫy của chủ nhà là đủ biết bản này ở cố định nơi đây đã lâu lắm rồi.

    Mọi người lục tục đi theo cầu thang chính lên nhà. Trên nhà có treo đầy đủ cung, nỏ và khá nhiều đầu mèo, đầu hươu. Nhật Duật đoán rằng bản Man này lấy săn bắn làm chính, chứ không phải trồng trọt như những chỗ khác.

    Chủ, khách chia làm hai bên rõ ràng rồi lần lượt ngồi xuống. Khi vẫn còn chưa ấm chỗ, Vi Ban đã sỗ sàng nói thẳng.

    - Thầy Luông, mau trả lại vật mà ngày xưa ngươi lấy của phủ Cao Sơn.

    Bốn trung niên ngồi hai bên quan tạo tỏ ra khó chịu, định phản ứng. Nhưng quan tạo đã kịp thời xua tay, ông cũng không đáp lời Vi Ban ngay mà chỉ lẳng lặng lấy chiếc ấm to treo trên bếp lửa xuống, rót thứ nước lá óng ả ra hơn chục chiếc bát gỗ xếp thành chồng ngay sát đó.

    - Mau mang mời khách. - Quan tạo nói đoạn vẫy tay ra hiệu cho cô gái nhỏ đang trốn trong góc nhà từ khi mọi người ùn ùn kéo vào.

    Cô gái vội vàng đứng dậy, ra chỗ bếp lớn cuối nhà lấy cái khay gỗ rồi bê lại chỗ quan tạo, lẳng lặng xếp các bát nước vào khay.

    - Các vị xin mời uống nước đã. Việc này không thể nói một, hai lời là xong được. – Quan tạo từ tốn nói.

    Vi Ban nghe thế thì cười nhạt một tiếng, không nói gì thêm. Lúc này, cô gái nhỏ mang chén nước đặt xuống trước mặt Nhật Duật. Chàng đột nhiên ngửi thấy mùi u hương, mùi lá thơm thoang thoảng trong không khí.

    - Chà sao dạo này gặp lắm người đẹp thế, nhưng mà ai cũng kỳ dị. – Nhật Duật vừa tự nhủ thầm, vừa hớp một ngụm nước lá.

    Chiêu Văn Vương tuy là người trân trọng cái đẹp và rất có hứng thú đối với các mỹ nữ, nhưng sự thận trọng có được từ kinh nghiệm phiêu lưu khắp chốn làm cho chàng hiểu được rằng những cô gái xung quanh hiện giờ đều không có ai đơn giản.

    Cô gái nhỏ lẳng lặng mang hết toàn bộ chén nước lá cho tất cả mọi người, sau đó quay về sau lưng quan tạo ngồi yên ổn. Từ đầu đến cuối cô không hề hé răng một lời. Nhật Duật thấy cô gái mặt xoan tròn trịa, môi đỏ má hồng và sâu trong đáy mắt lại có nét láu lỉnh rất riêng. Cô gái biết Nhật Duật nhìn mình thì bất ngờ lè lưỡi ra trêu.

    - Ban Mai sứ giả, các ngài để nhiều người nghe chuyện vậy chẳng hay là có ý giết người bịt miệng? - Quan tạo lạnh lùng hỏi.

    Tất cả đám người đều sực tỉnh. Quả thật vật mà phủ Cao Sơn tốn bao nhiêu công sức tìm kiếm sao có thể để cho nhiều người biết như vậy.

    - Chuyện này không khiến người phải quản. Rốt cục là ngươi có giao vật đó ra không? - Vi Ban nói, bắt đầu lên giọng.

    Lời này của Vi Ban chả khác gì thừa nhận sự buộc tội của quan tạo, bọn Trịnh Giác Mật nghe vậy liền nhao nhao chửi bới nhưng vì sợ tài phép của phủ Cao Sơn nên chưa dám động tay động chân.

    - Chị Ban từ từ đã. - Vi Mai nhẹ nhàng nói. Giọng nàng nhỏ nhẹ, trong trẻo nhưng ngữ điệu dứt khoát nên khiến người khác phải chăm chú lắng nghe. - Thầy Luông, từ khi vào bản tôi thấy tràn ngập mùi chết chóc, không biết có chuyện gì đang xảy ra vậy?

    Nghe Vi Mai nói bốn trung niên thảy đều tái mặt, riêng quan tạo vẫn bình thản như không, đáp.

    - Sứ giả có con mắt thật tinh tường.

    Vi Mai nghe ông ta nói thế thì mỉm cười, đoạn tiếp.

    - Nếu bản đang có chuyện thì nể tình thầy Luông cống hiến cho phủ Cao Sơn bao nhiêu năm, chúng tôi có thể giúp. Xong việc thầy Luông chỉ cần trả lại vật kia cho phủ, chúng ta coi như không ai nợ ai. Tội lỗi ngày xưa của thầy, phủ cũng sẽ không nhắc đến nữa. Còn việc giết người bịt miệng tôi đảm bảo không xảy ra. Xưa nay người của phủ bao giờ cũng giữ lời, thầy Luông thấy thế nào?

    Quan tạo nghe thế thì trầm ngâm hồi lâu. Phủ Cao Sơn tuy phép thuật ghê gớm, hành động nhiều lúc độc ác nhưng lời của người trong phủ nói ra thì lại rất đáng tin.

    - Thôi được, tôi đồng ý. Nhưng các vị phải giúp bản tôi trước đã. - Quan tạo thở ra một hơi, đáp.

    Vi Mai nghe thế thì gật đầu, nói.

    - Được, vậy rốt cục bản này đang xảy ra việc gì?

    - Bản tôi đang bị một con hổ tinh tàn sát.

    Nghe nhắc đến hổ tinh, bọn Trịnh Giác Mật sợ hết cả hồn. Cả chủ lẫn tớ đều muốn chuồn khỏi cái bản đáng nguyền rủa này càng sớm càng tốt. Riêng Nhật Duật vốn ở chốn kinh thành từ bé nên ít khi được gặp hổ thường chứ đừng nói hổ tinh nên chàng chỉ thấy tò mò là chính.

    Vi Mai cau mày.

    - Trình độ luyện bùa của mọi người không tệ, sao không đặt bùa chú xung quanh để phòng yêu?

    - Bọn tôi đã đặt không biết bao nhiêu bùa phép nhưng đều bị hổ tinh phá hết. Cứ qua độ vài ba đêm là lại có một người trong bản bị nó bắt đi.

    - Thế còn bùa cảnh báo thì sao?

    Quan tạo lắc đầu, đáp.

    - Cũng đều bị nó dùng phép yêu phá nát, tôi có cảm giác con hổ tinh này phép thuật cao cường hơn chúng tôi rất nhiều. Nó chưa giết hết cả bản chỉ là vì muốn chơi trò mèo vờn chuột.

    Vi Mai suy nghĩ một hồi, đoạn nói.

    - Được, vậy mọi người có thể đặt bao nhiêu bùa cảnh báo thì đặt hết đi. Để chúng tôi xem con yêu này tài phép được bao lăm.

    - Còn vật kia thì sao? - Vi Ban chen vào hỏi.

    - Nếu con mèo chúng ta còn giết được thì lo gì con chuột không tạ ơn chứ? - Vi Mai mỉm cười tươi như một đóa hoa buổi xuân sớm.

    Quan tạo thì lại thấy trong lòng lạnh buốt. Ông thở dài rồi nói.

    - Các vị yên tâm, tâm nguyện của tôi cũng tính là hoàn thành. Vật kia đã đến lúc trả về cho chủ cũ.

    Vi Mai gật đầu.

    - Thầy Luông nói thế là được rồi. Giờ cũng không còn sớm, phiền thầy Luông kêu mọi người đi đặt bùa thôi.

    Quan tạo lẳng lặng gật đầu. Ánh nắng ban trưa chiếu qua cửa nhà hợp cùng nền gỗ trên sàn tạo thành một vệt vàng rực rỡ.

    * * * * *

    * Chú thích:

    - (1) Quan tạo: chức trưởng làng hoặc trưởng bản trên vùng cao;

    - (2) Giờ Thìn: tức từ 7 – 9h sáng;

    - (3) Huyền thuật: tức là phép thuật hoặc ma thuật.

    - (4) & (5): Bên quản và bên chan tức là hai bên trong căn nhà sàn của người Man. Bên quản là bên chính là nơi sinh hoạt và tiếp khách của cánh đàn ông trong khi bên chan là bên phụ gồm bếp núc, sàn phơi, gian trang điểm của phụ nữ.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi ankiemkhach, ngày 22-10-2019 lúc 15:28.

  6. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    Khinh Vũ 2020,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Aug 2008
    Đang ở
    Á Đông Quốc
    Bài viết
    201
    Xu
    2,988

    Mặc định

    Chương 2
    ma thị cao sơn (1)
    Lần sửa cuối bởi ankiemkhach, ngày 24-10-2017 lúc 15:11.

  8. #5
    Ngày tham gia
    Aug 2008
    Đang ở
    Á Đông Quốc
    Bài viết
    201
    Xu
    2,988

    Mặc định

    Chương 2
    ma thị cao sơn (2)



    [/spoiler]
    Lần sửa cuối bởi ankiemkhach, ngày 24-10-2017 lúc 15:11.

    ---QC---


Trang 1 của 10 123 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status