TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 3 của 5 Đầu tiênĐầu tiên 12345 CuốiCuối
Kết quả 11 đến 15 của 23

Chủ đề: [Lịch sử quân sự] Sơn Hà Xã Tắc

  1. #11
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 11: Đêm thơ hội Tao Đàn




    *****
    Chiều tối ngày rằm tháng sáu, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho gọi Phúc Hải đến để cùng đi tham dự đêm thơ hội Tao Đàn. Nguyễn Bỉnh Khiêm là tân khoa trạng nguyên nên sự kiện lần này không thể thiếu ông. Ông cũng muốn Phúc Hải quen biết giới văn sĩ, hy vọng sau này văn đàn sẽ ủng hộ Phúc Hải một tay trong công cuộc thống nhất sơn hà.

    Đêm thơ hội Tao Đàn được tổ chức ở Thi Âm quán cạnh hồ Hoàn Kiếm. Nếu như Anh Hùng Quán nổi tiếng là nơi anh hùng hào kiệt không thể không đến ở thành Tây thì Thi Âm quán nổi tiếng là địa điểm tụ tập nổi tiếng của giới văn sĩ ở thành Đông. Đặc biệt lão chủ quán Thi Âm rất tinh ranh nắm bắt thời cơ Anh Hùng tửu bán ra ngoài để mua vào số lượng lớn phục vụ khách khứa làm cho việc làm ăn của quán ngày càng phát đạt. Đêm nay hội Tao Đàn cho bao trọn cả Thi Âm quán. Bình thường họ cũng không cần nhiều chỗ như vậy nhưng lần này được tin triều đình chuẩn bị trùng tu lại Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhà Thái Học nên hội Tao Đàn quyết định mở rộng cho mọi người tham gia miễn là họ chịu đóng góp ít nhất một nghìn lạng bạc cho việc trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhà Thái Học.

    Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phúc Hải đến Thi Âm quán thì đã thấy có khá đông khách khứa. Những văn nhân nổi tiếng như Nguyễn Thiến, Phạm Quỳnh, Giáp Hải *1... đều đã có mặt. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng được Nguyễn Thiến kéo vào bàn cùng với những người bạn thân để Phúc Hải tự mình tìm bàn trống bên ngoài. Sau một hồi dạo quanh, Phúc Hải tiến lại ngồi cùng bàn với những người đóng góp ít nhất một nghìn lạng bạc, Phúc Hải cũng muốn biết họ vì sao chịu đóng góp cho việc trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhà Thái Học. Thật trùng hợp cô gái đến từ Tây Bắc hôm trước bị Trần Bá trêu ghẹo cũng có mặt. Phúc Hải mở lời:

    - Lão bá lần trước không đi cùng cô sao?

    Cô gái không còn giữ vẻ lạnh lùng trả lời:

    - Đa tạ Phạm công tử hôm trước cứu giúp! Tiểu nữ họ Võ *2. Lão bá hôm nay bận công chuyện làm ăn nên không tham dự được.

    Phúc Hải lại nói:

    - Võ cô nương cũng có hứng thú với văn chương!

    Cô gái trả lời:

    - Ta từ nhỏ cũng có học qua chữ nghĩa, nay được dịp đến kinh thành cũng muốn được mở rộng tầm mắt. Không ngờ Phạm công tử là người văn võ song toàn!

    Phúc Hải vội lảng tránh:

    - Võ cô nương đừng nhầm lẫn, tôi chỉ theo sư phụ đến học hỏi mà thôi!

    Đang lúc Phúc Hải và cô gái họ Võ chuyện trò thì Nguyễn Thiến đã đại diện hội Tao Đàn khai mạc đêm thơ và mời Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt đầu. Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy ngay cảm hứng mùa hạ ngâm:

    Nhật trường Tân quán tiểu song minh,

    Phong nạp hà hương viễn ích thanh.

    Vô hạn ngâm tình thuỳ hội đắc,

    Tịch dương lâu thượng vãn thiền thanh *3.

    Dịch thơ (bản dịch của Đinh Gia Khánh):

    Trung Tân, cửa nhỏ, sáng ngày trường,

    Gió đượm mùi sen, xa ngát hương.

    Vô hạn tình thơ, ai kẻ hiểu,

    Lầu cao, chiều xế, tiếng ve vang.

    Khi tiếng vỗ tay còn chưa dứt, Nguyễn Thiến đề nghị đêm nay lấy mùa hạ và ánh trăng ngày rằm làm chủ đề, lần lượt mỗi bàn cử một người làm một bài thơ. Đêm thơ dần trôi mà mỗi thi nhân thì vừa chuyếnh choáng vừa cao hứng những câu thơ hay ý đẹp. Cô gái họ Võ đến từ Tây Bắc miên man suy nghĩ về những điều cô được nghe ở Tuyên Hóa *4 và những gì cô được thấy trong những ngày qua. Trên đường xuống Đông Kinh *5 cô thấy dân chúng miền xuôi an ổn làm ăn, cuộc sống đất kinh kỳ thì càng nhộn nhịp. Hôm nay lại thấy văn nhân uống rượu làm thơ vui cảnh thanh bình khác xa với những gì cô được nghe ở Tuyên Hóa. Cô chợt thắc mắc không hiểu sao bác và cha cô luôn nói xấu triều đình nhà Mạc, nhất quyết theo nhà Lê chống đối nhà Mạc.

    Đến lượt bàn của cô làm một bài thơ. Tuy bàn dành cho những người đóng góp ít nhất một nghìn lượng bạc cho việc trùng tu Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhà Thái Học nhưng Nguyễn Thiến, Giáp Hải... vẫn khá chờ mong vì họ biết Đức Nguyên đệ tử của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ngồi bàn này. Phúc Hải nhìn quanh những thương nhân thì thấy họ đều dồn ánh mắt vào Phúc Hải và cô gái họ Võ. Cô gái họ Võ xin ngâm bài thơ “Cảnh ngày hè” của cụ Ức Trai *6:

    Rồi hóng mát thuở ngày trường

    Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

    Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

    Dân giàu đủ khắp đòi phương.

    Bài thơ chính là sự ca ngợi cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở những nơi cô đi qua và là niềm mong mỏi cô muốn tạo dựng ở miền Tuyên Hóa. Ngâm xong, cô nhìn sang Phúc Hải như chờ mong điều gì. Phúc Hải thấy không thể tránh, đành mặt dầy ngâm:

    Trăng vào cửa sổ đòi thơ

    Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.

    Chuông lầu chợt tỉnh giấc mơ,

    Ấy tin thắng trận Nam phương báo về *7.

    Lời ngâm vừa dứt, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phải tấm tắc khen hay. Lời thơ vừa tao nhã, thể hiện tình yêu trăng vừa làm tròn trách nhiệm với xã tắc. Đặc biệt câu cuối là hoài bão, là kỳ vọng thống nhất sơn hà. Từ lúc Phúc Hải đứng dậy ngâm, cô gái họ Võ chăm chú lắng nghe, khi nghe xong cô biết không có hy vọng thu phục vị tướng trẻ trượng nghĩa này.

    Hết chương 11

    *****

    *1 Giáp Hải (1515-1585): sau đổi tên là Giáp Trừng, tự Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), còn gọi là Trạng Kế hay Trạng Ác- do tính ông rất ngay thẳng. Ông đỗ Trạng nguyên năm Đại Chính thứ chín, Mậu Tuất (1538), đời Mạc Thái Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Kế Khê Bá, Luân Quận Công. Ông là bạn vong niên của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và nổi tiếng với bài thơ “Vịnh bèo” đối đáp lại với Mao Bá Ôn.

    *2 họ Võ: nói chệch của họ Vũ

    *3 bài thơ “Hạ Cảnh” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

    *4 Tuyên Hóa: gọi tắt trấn Tuyên Quang, Hưng Hóa tức vùng Tuyên Quang, Lào Cai ngày nay.

    *5 Đông Kinh: tên gọi khác của kinh thành Thăng Long.

    *6 Ức Trai: Tên chữ của cụ Nguyễn Trãi.

    *7 dựa vào bài thơ "Tin Thắng Trận" của Bác Hồ .

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 11-03-2017 lúc 20:46.
    ---QC---


  2. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,hailam1991,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  3. #12
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    Chúc mừng năm mới 2017! Chúc cả nhà một năm mới vui vẻ và măy mắn!


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 12: Chiến dịch sông Lô (1)




    *****

    Đầu tháng mười năm Đại Chính thứ sáu (1535), chúa Bầu cử em trai là Vũ Văn Mật tấn công các phủ Đoan Hùng, Đà Dương, Lâm Thao trấn Sơn Tây *1. Binh lính nhà Mạc ở Sơn Tây không kịp trở tay liên tục bại trận, tin khẩn cấp báo gửi về triều đình Thăng Long nhiều như lá mùa thu. Trung tuần tháng mười, nhà Mạc đã chính thức mất quyền kiểm soát ngã ba Đoan Hùng nơi con sông Chảy hợp lưu với sông Gâm đổ nước vào sông Lô, các huyện Đoan Hùng, Lâm Thao đều đã lọt vào tay chúa Bầu. Chúa Bầu còn đang tiếp tục tấn công phủ Tam Đới *2 hòng chiếm lĩnh đỉnh đầu của tam giác châu thổ sông Hồng nơi ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Trong điện Cần Chính, Mạc Đăng Doanh đang cùng các trọng thần bàn đối sách với cuộc tấn công của chúa Bầu. Tây quận công Nguyễn Kính lên tiếng đầu tiên:

    - Khởi bẩm hoàng thượng, Chúa Bầu tấn công một dải Sơn Tây trọng điểm là ngã ba Đoan Hùng, ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Thần cho rằng chúa Bầu muốn khống chế mạch máu lưu thông đường thủy lên Tây Bắc.

    Thượng thư bộ Hộ Phạm Quỳnh cũng đồng ý:

    - Trước kia triều đình đã cấm buôn bán sắt và vũ khí với trấn Tuyên Hoá. Hơn nửa năm nay triều đình lại cấm buôn bán lương thực và muối, vùng Tuyên Hoá e là không thể chống đỡ nổi. Nếu không chúa Bầu không đến mức liều lĩnh tấn công Sơn Tây. Thần chỉ không rõ chúa Bầu có phối hợp với Ngụy triều ở Sầm Châu hay không? Sao họ không mở rộng thông thương với Vân Nam hoặc Lan Xang *3?

    Nguyễn Kính liền ngắt lời:

    - Thượng thư Phạm Quỳnh, nay là lúc chúng ta lo đối sách với chúa Bầu, ông cứ đợi chúng ta đánh được Tuyên Hoá thì sẽ biết lý do.

    Phạm Quỳnh nghe ra trong lời nói của Nguyễn Kính có ý bất mãn liền tâu:

    - Khởi bẩm hoàng thượng, mấy năm nay được mùa lớn, tuy dành một phần cho tướng quân Mạc Đăng Lượng vào Nghệ An và mở mang đường xá cầu cống phát triển công thương nghiệp nhưng quốc khố vẫn còn dồi dào, đủ sức cung cấp cho Tây Quân phủ tấn công chúa Bầu.

    Nguyễn Kính vui mừng nói:

    - Khởi bẩm hoàng thượng, lão thần xin dốc sức thu phục miền Tuyên Hoá ổn định một mặt Tây Bắc.

    Phúc Hải cũng tâu:

    - Khởi bẩm phụ hoàng, nhi thần cũng xin dốc sức khuyển mã, phân ưu với phụ hoàng.

    Tiếp theo đó, các tướng đều đồng thanh xin ra trận. Mạc Đăng Doanh vui mừng nói:

    - Trẫm có binh hùng tướng mạnh, quốc khố đầy đủ, lo gì không bình định miền Tuyên Hoá. Trẫm chỉ hiềm chúa Bầu rút lui vào vùng rừng núi, khi quân triều đình rời đi lại về cát cứ miền Tuyên Hoá. Các khanh có kế sách gì lưỡng toàn hay không?

    Các trọng thần đều trầm mặc. Ngày trước Nguyễn Bỉnh Khiêm hiến kế lâu dài bình định miền Thanh Hoa, Nghệ An và Tuyên Hoá nên lần này cũng được đặc cách vào bàn đại sự. Nguyễn Bỉnh Khiêm tâu:

    - Thần cho rằng miền Tuyên Hoá đang thiếu thốn lương thực và muối trầm trọng nên chúa Bầu phải mở cuộc tấn công xuống ngã ba Đoan Hùng, ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng nhằm mở rộng giao thương. Thần đã hỏi Tây quận công về số thuyền buôn muối và lượng thực lên miền Tuyên Hoá bị chặn lại tăng lên chóng mặt trong những tháng gần đây. Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật vẫn phản đối triều đình Sầm Châu cầu viện nhà Minh nên có thể họ cũng gặp vấn đề buôn bán với Vân Nam. Dù chúa Bầu có phối hợp quân sự với triều đình Sầm Châu hay không, theo thiển ý của thần, triều đình nên tấn công chiếm lại ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng khống chế mạch máu lưu thông đường thủy, đồng thời đẩy mạnh phân hoá chia rẽ các thủ lĩnh dân tộc thiểu số bằng cách cung cấp cho họ lợi ích kinh tế để làm kế lâu dài thu phục miền Tuyên Hoá.

    Nguyễn Kính sốt ruột:

    - Vậy theo ông thì bao giờ chúng ta mới tấn công Đại Đồng?

    Nguyễn Bỉnh Khiêm đáp:

    - Khởi bẩm hoàng thượng, Tây quận công, tháng mười một sắp đến trời trở rét không thích hợp cho đánh trận lớn. Cuối mùa xuân sang năm khi các đạo tân binh luyện tập kỹ càng là thời điểm thuận lợi để tổng tấn công chúa Bầu.

    Sau một hồi thảo luận, Mạc Đăng Doanh quyết định cử Phúc Hải làm tiên phong, phong Tây quận công Nguyễn Kính làm Bình Tây đại tướng quân chủ trì việc tấn công chúa Bầu chiếm lại ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Các lộ quân khác tích cực luyện tập, cuối mùa xuân sang năm sẽ tổng tấn công thành Đại Đồng của chúa Bầu. Mạc Đăng Doanh dặn đi dặn lại Nguyễn Kính và Phúc Hải không được ham chiến, trước mắt chiếm lại ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng, nếu có thể thì chiếm lại ngã ba Đoan Hùng nhưng sau đó thì dừng lại không được đánh sâu lên mạn ngược.

    Cuối tháng mười, Phúc Hải dẫn theo bọn Đặng Phục, Nguyễn Cảnh Hồng, Cao Tiễn, Trần Quốc Bản và binh lính sở Thần Vũ và sở Định Nam theo Nguyễn Kính đi đánh chúa Bầu. Đoạn sông Hồng từ Thăng Long lên phủ Tam Đới tấp nập các loại thuyền chiến, thuyền chở lương thực vũ khí phục vụ cho quân đội. Đầu tháng mười một, Nguyễn Kính cho đóng doanh trại thủy quân cách ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng khoảng mười dặm và cử nhiều binh sĩ đi do thám tình hình trú quân của chúa Bầu ở hai nhánh sông Đà và sông Lô.

    Hôm nay Nguyễn Kính sang doanh trại của sở Thần Vũ kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu và muốn bàn bạc với Phúc Hải việc tấn công chúa Bầu ở ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Phúc Hải kéo tấm màn để lộ sa bàn vùng sông Đà, sông Lô. Đây là sản phẩm của thợ thủ công và tin tức của Anh Hùng quán gấp rút làm trong nửa năm với đầy đủ địa hình các nhánh sông ngòi, núi non. Nguyễn Kính thường dùng bản đồ nên lần đầu tiên xem sa bàn không khỏi tấm tắc khen ngợi. Ông chỉ tay vào nhánh sông Đà nói:

    - Theo tin thám báo, chúa Bầu trú quân khoảng bảy nghìn ở nhánh sông Đà, ba nghìn ở nhánh sông Lô. Ta nghĩ chúng sẽ dùng nhánh sông Lô làm mồi nhử quân ta vào trận địa rồi dùng nhánh quân sông Đà kéo lên bao vây quân ta vào giữa.

    Phúc Hải nói:

    - Vũ Văn Mật chia quân hai nhánh thì chúng ta cũng chia binh làm hai đường. Tướng quân hãy cho ta năm nghìn binh sĩ, ta sẽ tấn công nhánh sông Lô.

    Nguyễn Kính nhìn Phúc Hải và phó tướng Nguyễn Áng nói:

    - Ý ta cũng vậy, hoàng tử hãy dẫn năm nghìn binh sĩ tấn công nhánh sông Lô. Tướng quân Nguyễn Áng hãy dẫn một vạn quân tấn công nhánh sông Đà. Ta giữ lại năm nghìn quân chờ tiếp ứng khi cần thiết. Mùa này nước cạn, cây cỏ xác xơ hai bên bờ sông và những bãi đất cạn. Các vị hãy cho phóng tên lửa đốt cháy cây cỏ đề phòng quân địch đặt phục binh hai bên bờ sông. Các vị biết đấy, mục tiêu lần này là chiếm lại ngã ba sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Nếu thuận lợi sẽ chiếm luôn ngã ba Đoan Hùng. Ta sẽ thông báo cho hoàng tử biết khi nào có thể kéo quân tấn công ngã ba Đoan Hùng.

    Y hẹn, sáng sớm một ngày cuối tháng mười một, Phúc Hải và Nguyễn Áng đồng loạt tổ chức tấn công vào hai nhánh thủy quân của chúa Bầu ở sông Đà và sông Lô. Binh lính sở Thần Vũ và sở Định Nam được chia làm hai: nhóm tấn công nhánh sông Đà do Cao Tiễn chỉ huy; nhóm tấn công nhánh sông Lô đi cùng với Phúc Hải do Trần Quốc Bản chỉ huy. Vừa vào trận, Cao Lỗ hỏa thương đã phát huy năng lực tấn công xa bắn tên lửa vào hai bên bờ sông và những bãi đất cạn giữa sông. Trời đầu đông hanh khô nên lửa bén rất nhanh. Mất đi cây cỏ bao bọc, các công sự phòng ngự của quân đội chúa Bầu trợ trọi làm mồi cho những đợt tên tiếp theo. Phía trước, lực lượng chủ lực của hai bên ở nhánh sông Lô sắp chạm mặt nhau. Khoảng cách ngày càng gần, năm trăm bước, bốn trăm bước... Khi chỉ còn ba trăm năm mươi bước thì Trần Quốc Bản hạ lệnh phóng Cao Lỗ hỏa thương. Do tốc độ của chiến thuyền tiến lại gần nhau nên đây là khoảng cách vừa phải cho đợt phóng tên đầu tiên. Lợi dụng ưu thế của Cao Lỗ hỏa thương có thể bắn ra liên tiếp, quân đội nhà Mạc liên tiếp trút những trận mưa tên về phía quân đội chúa Bầu. Khi hai quân chạm mặt nhau thì thủy quân chúa Bầu ở nhánh sông Lô đã tổn thất đến ba phần. Lúc này súng thần công, máy bắn đá ở bãi giữa của quân đội chúa Bầu cũng phát huy tác dụng, đã có bốn năm chiến thuyền của Phúc Hải trúng đạn chìm xuống mặt sông, quân đội nhà Mạc đã xuất hiện thương vong. Phúc Hải nhìn súng thần công của chúa Bầu hoành hành mà tiếc nuối vì chiến thuyền khá nhỏ, không trang bị được súng thần công. Phúc Hải đành hạ lệnh cho Trần Quốc Bản chỉ huy binh lính sở Thần Vũ tập trung bắn tên vào bãi giữa, đồng thời hạ lệnh cho hơn mười chiến thuyền cập bến để bộ binh tiến vào bãi giữa tiêu diệt đội phục binh và súng thần công của chúa Bầu tại đây. Tuy có ưu thế về súng thần công nhưng do địa hình bằng phẳng, Cao Lỗ hỏa thương bắn rất rát nên cuối cùng đội phục binh và súng thần công của chúa Bầu cũng bị bao vây. Trong lúc đó, do không còn uy hiếp nhiều của Cao Lỗ hỏa thương, thủy quân chúa Bầu lợi dụng dòng nước đồng loạt húc mạnh về phía thủy quân nhà Mạc gây cho thủy quân nhà Mạc những tổn thất không nhỏ. Tiếng thuyền vỡ, tiếng binh khí chạm nhau và tiếng la hét vang trời. Chỉ đến khi đội phục binh và súng thần công, máy bắn đá phần lớn bị tiêu diệt, nhánh thủy quân chúa Bầu ở sông Lô mới bắt đầu rút lui. Phúc Hải liền cho người về báo cáo tình hình với Nguyễn Kính và chậm rãi bám theo.

    Tình hình chiến sự ở nhánh sông Đà diễn ra phức tạp hơn nhưng Nguyễn Áng dưới sự trợ giúp của Cao Tiễn cũng đang dần ổn định được tình hình. Người đưa tin của Phúc Hải còn chưa đến nơi, Nguyễn Kính đã cử người ra lệnh cho Phúc Hải gấp rút truy kích nhánh thủy quân của chúa Bầu đang rút lui dọc sông Lô.

    Hết chương 12

    ****

    *1 sử sách không ghi rõ năm nào chúa Bầu tấn công trấn Sơn Tây nên sự kiện này được biết lại cho phù hợp với cốt truyện.

    *2 phủ Tam Đới: nơi gặp nhau của sông Đà và sông Lô tạo thành sông Hồng (ngã ba Việt Trì ngày nay).

    *3 Lan Xang: Lào ngày nay.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 03-02-2017 lúc 20:47.

  4. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,hailam1991,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  5. #13
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    Chúc mừng năm mới 2017! Chúc cả nhà một năm mới vui vẻ và măy mắn!


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 13: Chiến dịch sông Lô (2)




    *****

    Mùa này nước cạn, thủy quân của chúa Bầu lại quen địa hình nên nhanh chóng bỏ xa binh lính nhà Mạc. Trong khi Phúc Hải còn đang lưỡng lự có thúc quân đuổi gấp hay không thì người đưa tin của Nguyễn Kính đã đuổi kịp và xin vào gặp Phúc Hải:

    - Khởi bẩm hoàng tử, Bình Tây đại tướng quân có lệnh hoàng tử truy kích nhánh quân của chúa Bầu đang rút lui dọc sông Lô. Tuy quân ta đã đánh bại thủy quân của chúa Bầu nhưng quân giặc thương vong không quá lớn, Bình Tây đại tướng quân sẽ trực tiếp dẫn theo viện binh tiến vào sông Lô, hợp quân với hoàng tử cùng tấn công ngã ba Đoan Hùng.

    Phúc Hải hỏi han tình hình chiến sự ở nhánh sông Đà. Khi biết được Nguyễn Áng và Cao Tiễn đã đánh bại nhánh thủy quân của chúa Bầu ở sông Đà, Phúc Hải rất mừng. Càng tiến lên phía thượng nguồn, binh lính nhà Mạc càng gặp nhiều chiến thuyền rách nát trôi tự do về hạ du. Nguyễn Cảnh Hồng tâu:

    - Thủy quân của chúa Bầu đã vứt thuyền, bỏ đội ngũ. Chúa công, xin hãy nhân đà thắng lợi nhanh chóng tiêu diệt nhánh thủy quân bại trận này rồi chiếm lại ngã ba Đoan Hùng.

    Phúc Hải cũng gật đầu, cho là phải. Cuối tháng mười một, hai bên bờ sông Lô cây cối đã rụng lá, xác xơ, tiêu điều. Trời cũng tối nhanh hơn nên Phúc Hải càng nóng lòng đuổi gấp, hòng đuổi kịp nhánh thủy quân của chúa Bầu trước ngã ba Đoan Hùng. Khi đoàn chiến thuyền của Phúc Hải vào sâu nhánh sông Lô chừng năm mươi dặm, mực nước càng hạ thấp, mặt nước khá hẹp, hai bên bờ sông chỉ còn là những dãy núi đá vôi nhấp nhô. Trần Quốc Bản lại tâu:

    - Chúa công, xin hãy cho hai đội kỵ binh lên bờ dò xét. Nếu chúa Bầu đặt phục binh ở trên đỉnh núi đá vôi, bắn súng thần công sẽ gây cho chúng ta thiệt hại lớn.

    Phúc Hải trầm ngâm một lát rồi nói:

    - Được, ngươi hãy điều hai đội kỵ binh lên bờ tuần tra dọc hai bờ sông, nếu phát hiện có phục binh thì nhanh chóng báo về cho thủy quân.

    Mặc dù thám báo của Nguyễn Kính liên tục dò xét tình hình đóng quân của chúa Bầu nhưng khi vào sâu sông Lô địa hình phức tạp nên tin tức không được thông suốt. Phúc Hải cũng khá lo lắng chúa Bầu sẽ đặt phục binh trên đỉnh nủi đá vôi nhưng nhìn thấy nhiều xác thuyền chiến trôi tự do từ thượng nguồn nên tự trấn an rằng thủy quân chúa Bầu đã loạn, chỉ cốt tháo chạy thoát thân.

    Đúng lúc hai chiếc chiến thuyền chuẩn bị cập bờ để kỵ binh lên bờ dò xét thì có một tiếng nổ vang rất lớn. Trên đỉnh núi đá vôi, đồng loạt mấy chục chiếc máy bắn đá và súng thần công bắn về hậu quân của Phúc Hải. Phía đầu nguồn, rất nhiều bè nổi chứa chất dẫn cháy đang lao vào tiền quân của Phúc Hải. Trên đỉnh núi đá vôi, Vũ Văn Mật *1 cười to:

    - Trịnh Kiểm *2 tướng quân liệu sự như thần! Thủy quân ngụy triều đã mắc mưu tưởng lầm thủy quân ta đã loạn. Tiền quân hậu quân ngụy triều đầu đuôi đã không ứng cứu được cho nhau rồi.

    Trái ngược với vẻ đắc ý của Vũ Văn Mật, Trịnh Kiểm tỏ ra khá điềm tĩnh cầm ống nhòm quan sát diễn biến dưới sông. Đây là lần đầu tiên chạm trán với quân nhà Mạc ở Bắc Hà nên Trịnh Kiểm tỏ ra khá thận trọng. Dù mắt thấy thủy quân nhà Mạc đã mắc mưu nhưng Trịnh Kiểm vẫn tập trung quan sát, sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết. Trong lúc này, Phúc Hải cũng không hề nao núng ra lệnh:

    - Nguyễn Cảnh Hồng, ngươi hãy dẫn binh lính sở Thần Vũ và sở Định Nam cảm tử xông lên chặn lại bè lửa, cố gắng tạo thời gian để hậu quân củng cố quay đầu thuyền rút lui.

    Trong quân tiên phong của Phúc Hải, binh linh sở Thần Vũ và sở Định Nam chiếm số lượng không nhỏ nên trong lúc nguy cấp mà không loạn. Nguyễn Cảnh Hồng dẫn mấy đội binh lính sở Thần Vũ và sở Định Nam tiến về phía trước quyết chặn lại bè lửa. Ngay sau đó, Phúc Hải lại lệnh cho Trần Quốc Bản dùng cờ hiệu ra lệnh cho hậu quân quay đầu biến thành tiền quân chuẩn bị rút lui.

    Trịnh Kiểm quan sát chuyển biến vội hạ lệnh cho thủy quân quay ngược trở lại tấn công vào tiền quân của Phúc Hải, đồng thời cho giăng xích sắt ngang mặt nước chặn đường rút lui của thủy quân nhà Mạc. Hai bên đỉnh núi máy bắn đá và súng thần công bắn rất rát, đã xuất hiện chiến thuyền hậu quân nhà Mạc bị bắn chìm. Mặt sông khá hẹp nên những chiến thuyền nửa nổi nửa chìm lại trở thành chướng ngại vật không cho hậu quân nhà Mạc thoải mái rút lui. Xích sắt cũng cản bước thủy quân nhà Mạc lùi lại. Do địa thế bất lợi, Cao Lỗ thần thương của quân nhà Mạc cũng không phát huy được sức mạnh vốn có. Phía trước thủy quân chúa Bầu đã quay lại tấn công vào tiền quân của Phúc Hải. Tên lửa bay vù vù, đốt cháy rất nhiều chiến thuyền . Lửa găp gió lại lan từ thuyền này sang thuyền khác. Mặc dù binh lính sở Thần Vũ và sở Định Nam đã rất cố gắng chiến đấu nhưng những binh lính khác từ Tây quân phủ đã loạn thành một bầy. Nguyễn Cảnh Hồng thấy tình thế nguy cấp bèn gọi một tên đội trưởng sở Thần Vũ đến dặn dò hắn quay trở lại thuyền chỉ huy xin Phúc Hải mở đường máu rút lui. Dặn xong, Nguyễn Cảnh Hồng quát to:

    - Nuôi binh ngàn ngày dùng trong giờ khắc này. Binh lính sở Thần Vũ, sở Định Nam, hãy theo ta đền nợ nước, báo ơn chúa công!

    Binh lính sở Thần Vũ và sở Định Nam dạ ran, theo Nguyễn Cảnh Hồng vượt qua bè nổi áp sát chiến thuyền của chúa Bầu đánh giáp la cà. Nguyễn Cảnh Hồng tự mình xông lên đầu thuyền địch, liên tục đâm trái đâm phải, giết một mạch mấy chục tên thủy quân địch. Đầu thương đã hơi cong lại nhưng thủy quân chúa Bầu vẫn không dứt tiến lên!

    Phúc Hải nhận thấy đại thế đã mất nhưng không đồng ý để Nguyễn Cảnh Hồng và tiền quân ở lại chặn thủy quân chúa Bầu, còn hậu quân và trung quân tập trung phá xích sắt rút lui. Phúc Hải hỏi tên đội trưởng:

    - Lúc ngươi trở về báo tin, tình huống của tướng quân Nguyễn Cảnh Hồng và các huynh đệ thế nào?

    Sau khi nghe đội trưởng kể sơ qua, Đặng Phục và Trần Quốc Bản liền quỳ xuống tâu:

    - Chúa công, xin hãy mở đường máu rút lui! Nếu không chúng thần e sự hy sinh của Nguyễn Cảnh Hồng và tiền quân là vô ích.

    Sau một hồi do dự, Phúc Hải nén đau buồn, quỳ xuống vái lạy tiền quân rồi hạ lệnh cho trung quân, hậu quân đồng loạt rút lui. Khi thuyền chỉ huy của Phúc Hải tiến gần về phía hậu quân, hai đội thuyền hộ vệ vội ép sát nhằm che chắn cho thuyền chỉ huy khỏi sự tấn công của máy bắn đá và súng thần công. Tuy nhiên sai lầm chết người này đã bị Trịnh Kiểm nhìn thấu. Sau khi quan sát khá lâu, Trịnh Kiểm đã nhận ra thuyền chỉ huy của Phúc Hải nên lập tức hạ lệnh cho máy bắn đá và súng thần công hai bên sông tập trung bắn vào thuyền chỉ huy. Súng thần công đã bắn nát mạn thuyền, thuyền chỉ huy có dấu hiệu không chống nổi nữa. Đặng Phục vội khuyên Phúc Hải bỏ thuyền chỉ huy sang thuyền hộ vệ. Khi Phúc Hải chuẩn bị bước ra khỏi khoang chỉ huy thì lại thêm một tảng đá lớn bắn trúng khoang chỉ huy, thanh xà ngang bị gãy đôi quật ngang đầu Phúc Hải khiến hắn bất tỉnh.

    Hết chương 13

    *****

    *1: Vũ Văn Mật (không rõ năm sinh năm mất): là em của Vũ Văn Uyên, vị chúa Bầu thứ hai.

    *2: Trịnh Kiểm (1503-1570): là người mở đầu sự nghiệp nắm quyền của họ Trịnh và gián tiếp tạo ra tình trạng vua Lê chúa Trịnh ở Bắc Hà cũng như chiến tranh Trịnh Nguyễn sau này. Lịch sử không có ghi chép Trịnh Kiểm và nhà Lê có giúp đỡ chúa Bầu chống lại cuộc tấn công của nhà Mạc hay không nhưng truyện này hư cấu Trịnh Kiểm bày mưu đặt phục binh tiêu diệt nhánh thủy quân của Phúc Hải.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 03-02-2017 lúc 20:49.

  6. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,hailam1991,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  7. #14
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    Chúc mừng năm mới 2017! Chúc cả nhà một năm mới vui vẻ và măy mắn!


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 14: Gặp lại cố nhân




    *****
    Không biết bao lâu sau Phúc Hải nghe hai người to tiếng cãi vã làm tỉnh lại. Giọng người con gái rất gay gắt:

    - Bác Chính *1, ta rất kính trọng bác chăm sóc ta từ nhỏ đến lớn nhưng hắn là tướng nhà Mạc, lần này lại lên tấn công ngã ba sông Hồng giết chết và làm bị thương rất nhiều anh em của chúng ta.

    Giọng người đàn ông phản bác lại:

    - Quận chúa, ta biết cô rất đau lòng khi thấy bao nhiêu anh em bị giết, bị thương nhưng cô xem hắn cũng đang bị thương có khác gì các anh em của chúng ta đang quằn quại trong lán thương binh đâu? Ta không phải anh hùng cầm quân ra trận nhưng ta biết làm người có ơn tất phải báo đáp!

    Cô gái tiếp tục gay gắt:

    - Ta không thể vì ơn nghĩa cá nhân mà tha cho hắn được! Ta thà mang tiếng vô ơn vô nghĩa cũng phải giết hắn trả thù cho các anh em bị chết, bị thương và không để các anh em khác sau này bị hại vào tay hắn nữa.

    Người đàn ông nghe thế khá lo lắng nói:

    - Chúa công *2 và cha cô *3 là anh hùng cái thế, nhất quyết sẽ không giết người gặp nạn. Họ muốn giết hắn thì sẽ giết hắn trên chiến trường chứ không phải ở trên giường bệnh.

    Rồi lại tiếp giọng hòa hoãn:

    - Hắn bị thương rất nặng không chạy đi đâu được, cô hãy để hắn lành vết thương rồi hãy nói tiếp được không?

    Cô gái định nói gì tiếp nhưng nghe giọng khẩn khoản của người đàn ông thì lại thôi và bỏ đi. Một lúc không nghe thấy tiếng cãi vã, Phúc Hải mới kêu:

    - Nước, nước...

    Người đàn ông thấy vậy liền chạy vào mang nước cho Phúc Hải. Uống xong, Phúc Hải định ngồi dậy vái tạ ơn cứu mạng nhưng không thể lật mình lên được. Thì ra hắn đã quấn đầy băng ở đầu, ở thân và cả ở đùi. Người đàn ông thấy thế liền nói:

    - Phạm công tử, à không ta phải gọi là Phạm tướng quân mới đúng. Ngươi không cần khách khí, ngươi đã hôn mê ba ngày ba đêm, trên mình đầy vết thương rồi, hãy cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

    Nói rồi ông đi ra ngoài mang cho Phúc Hải một bát cháo nóng. Cháo nóng ấm bụng làm Phúc Hải tỉnh lại rất nhiều, hắn nói:

    - Cảm ơn bác Chính! Nếu không có bác, ta đã làm mồi cho cá hoặc chết dưới đao của cô gái lúc nãy rồi.

    Người đàn ông biết Phúc Hải đã nghe thấy hết đoạn hội thoại vừa rồi nên không dấu giếm nói:

    - Quận chúa muốn giết ngươi, ta cũng không cản được. Ngươi hãy cố gắng dưỡng thương cho tốt, có cơ hội ta sẽ giúp ngươi trốn đi.

    Bác Chính ngoài việc chăm sóc cho Phúc Hải thì vẫn luôn bận rộn giúp cô gái vận chuyển lương thực, điều trị cho binh lính ở lán thương binh. Hôm sau ông về với gương mặt ủ rũ vì lại có nhiều thương binh không chịu nổi vết thương đã chết. Phúc Hải thấy vậy liền hỏi nguyên do rồi đưa ra gợi ý:

    - Có phải các người dùng vải băng cho bính lính bị thương giống như ta không? Bác thấy đấy, vết thương của ta mưng mủ cả rồi. Trên vải băng có độc, phải khử độc và đảm bảo sạch sẽ trước khi dùng. Mỗi tấm vải băng chỉ nên dùng một lần. Ngoài ra hãy dùng nước muối hoặc rượu rửa vết thương trước khi băng bó.

    Phúc Hải biết thời kỳ này, y học đã có tiến bộ với những bài thuốc Bắc thuốc Nam nhưng cách khử trùng vẫn chưa tốt. Binh lính chết trên chiến trường thì ít mà chết vì mất máu và nhiễm trùng thì nhiều. Hắn lại nói tiếp:

    - Muốn khử độc thì phải đun nước sôi rồi cho vải băng vào. Sau đó phơi khô ở nơi sạch sẽ, thoáng mát thì có thể dùng được.

    Một lát sau, bác Chính đem một nồi nước sôi đến, bỏ thêm ít muối vào rửa vết thương cho Phúc Hải. Phúc Hải lại xin một ít nước muối loãng để uống.

    Hai ngày sau nhận thấy vết thương của Phúc Hải đã có chuyến biến tốt, bác Chính liền báo cho cô gái họ Võ để cô ta áp dụng điều trị cho thương binh. Cô gái từng thỉnh giáo y học với các nhà sư ở chùa Đại Cại nên cũng hiểu phần nào tác dụng của những biện pháp bác Chính nói. Mấy ngày nay Bình Tây đại tướng quân Nguyễn Kính tiếp tục tấn công mạnh mẽ ở ngã ba Đoan Hùng nên số lượng thương binh của chúa Bầu ngày càng nhiều. Cô gái lo lắng nói:

    - Có nhiều thương binh bị mất máu quá nhiều mà chết. Bác có biết làm sao để cầm máu hiệu quả không?

    Bác Chính ấp a ấp úng một hồi rồi đành hẹn tối nay sẽ báo cho cô biết cách cầm máu hiệu quả. Vừa về đến lều, bác Chính đã hỏi Phúc Hải:

    - Phạm tướng quân, cậu có biết làm sao để cầm máu cho thương binh hiệu quả không?

    Phúc Hải sau vài ngày dưỡng thương đã có thể ngồi dậy nhưng vẫn chưa đi lại được. Thấy bác Chính về liền ngồi dậy chào rồi trả lời:

    - Nếu vết thương nhỏ thì dùng thuốc để đắp. Nếu vết thương quá lớn thì dùng kim và sợi tơ khâu vết thương lại rồi mới đắp thuốc.

    Bác Chính sững sờ:

    - Có thể dùng kim và sợi tơ khâu vết thương lại hay sao? Nếu vậy thì thương binh đau chết, làm sao có thể chịu nổi?

    Phúc Hải lại trả lời:

    - Bác hãy dùng thuốc giảm đau. Ta biết vùng Tây Bắc có loài hoa gọi là hoa anh túc. Có thể dùng mủ hoa anh túc để làm thuốc giảm đau.

    Hết chương 14

    *****

    *1: bác Chính: Nhân vật hư cấu trong truyện này, chính là lão bá đi theo cô gái họ Võ đến từ Tây Bắc.

    *2: chỉ chúa Bầu Vũ Văn Uyên.

    *3: chỉ Vũ Văn Mật.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 03-02-2017 lúc 20:50.

  8. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,hailam1991,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  9. #15
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    Chúc mừng năm mới 2017! Chúc cả nhà một năm mới vui vẻ và măy mắn!


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 15: Bà chúa Bầu họ Vũ *1 (1)




    *****

    Buổi tối hôm đó, khi nghe bác Chính hướng dẫn cách cầm máu vết thương cho hiệu quả, cô gái họ Võ trầm ngâm một hồi rồi nói:

    - Trong quân hiện không có sẵn mủ hoa anh túc. Ta sẽ lập tức phái người về Nghị Lang tìm kiếm. Bác có cách nào khác giúp thương binh giảm đau đớn khi bị khâu vết thương hay không?

    Thấy Bác Chính lại ậm ừ một hồi, cô gái liền nói tiếp:

    - Ta biết bác có cao nhân chỉ điểm. Bác hãy để ta đi gặp trực tiếp cao nhân của bác nhé!

    Bác Chính biết cô gái đã đoán được phần nào nên chần chừ một lúc rồi nói:

    - Được, cao nhân chỉ điểm cho ta chính là Phạm Đức Nguyên *2 tướng quân. Để ta về xem trước cậu ta đã nghỉ chưa, cô hãy đến trực tiếp hỏi cậu ta về vấn đề này.

    Khi bác Chính quay lại lều, đèn đuốc vẫn sáng. Phúc Hải cũng vừa mới luyện xong tâm pháp Thiên Lôi. Mấy hôm nay, Phúc Hải vẫn suy nghĩ sắp xếp lại những sai lầm của đợt hành quân lần này. Hắn cũng rất lo cho Nguyễn Cảnh Hồng, Trần Quốc Bản và Đặng Phục, không hiểu họ có may mắn thoát chết như hắn không? Buổi tối hắn lại luyện tập tâm pháp Thiên Lôi của sư phụ Phạm Tử Nghi. Thấy bác Chính vào trước, cô gái họ Võ theo sau, Phúc Hải hơi khẩn trương nhưng cố trấn tĩnh nói:

    - Chào bác, chào quận chúa! Không biết ta nên gọi cô là Võ tiểu thư hay gọi là Vũ quận chúa?

    Cô gái họ Võ trả lời:

    - Mọi người ở đây đều gọi ta là quận chúa. Ngươi cứ gọi ta là quận chúa cũng được.

    Rồi cô lại nói tiếp:

    - Ta có một vấn đề muốn hỏi ngươi. Chúng ta hiện không có sẵn mủ hoa anh túc, ngươi có cách nào khác để giảm đau cho thương binh và binh sĩ phải khâu vết thương không?

    Phúc Hải trả lời:

    - Quận chúa có biết loại thuốc mê mà bọn trộm đường cướp chợ thường hòa vào rượu để gây mê cướp tiền tài của khách thương hay không? Quận chúa có thể dùng loại thuốc mê này cho binh sĩ uống trước khi khâu vết thương nhưng phải nhớ không cho họ uống cùng với rượu. Rượu cũng có tác dụng làm binh sĩ hưng phấn quên đi đau đớn nhưng máu sẽ lưu thông tốt hơn khiến binh lính bị thương mất nhiều máu hơn.

    Cô gái họ Võ chợt bừng tỉnh. Tại sao biện pháp đơn giản như thế cô lại không nghĩ ra? Trong lán thương binh có nhiều binh sĩ ngày đêm rên rỉ. Nếu có thể cho họ uống thuốc mê nhẹ để họ chìm vào giấc ngủ sâu thì cũng là một biện pháp tốt!

    Phúc Hải vốn là lính cứu hộ nên hắn rất am hiểu những phương pháp sơ cứu khẩn cấp. Hắn liền chọn ra vài biện pháp hiệu quả có thể thực hiện được rồi chỉ dẫn cho cô gái họ Võ. Cô gái họ Võ chăm chú lắng nghe hắn nói. Không biết từ lúc nào cô đã không còn vẻ kiêu kỳ, tức giận như lần trước đòi giết Phúc Hải nữa. Dưới ánh đèn, Phúc Hải có cơ hội ngắm nhìn cô thật kỹ. Cô gái họ Võ hôm nay mặc một bộ cánh màu hồng bó sát người, phía dưới mặc một chiếc váy dài màu xanh lá non, thắt lưng đeo trường kiếm. Dáng người nàng rất cao, hai mắt đen láy, ánh mắt sắc bén. Như nhận ra vẻ khác lạ của Phúc Hải, nhưng vì đang cần giúp đỡ nên cô gái không nổi giận, chỉ đổi giọng không vui nói:

    - Ngươi đang nhìn cái gì? Thăng Long không phải có nhiều cô gái xinh đẹp lắm hay sao!

    Như ăn trộm bị bắt quả tang, Phúc Hải khá lúng túng. Trong đầu hắn chợt hiện ra hình ảnh những nữ y tá dịu dàng chăm sóc bệnh nhân trong trạm cứu hộ nên vội lảng tránh:

    - Nếu có được nhiều cô gái xinh đẹp, dịu dàng như cô chăm sóc thì binh lính bị thương sẽ mau khỏi hơn!

    Cô gái họ Võ đang định nói gì thì chợt dừng lại. Cô cũng nhận ra đây là một biện pháp không tồi. Chỉ cần nghiêm cấm binh lính có hành vi không đúng mực thì biện pháp này có thể thực hiện được.

    Ngày hôm sau, cô gái họ Võ đã kiếm được thuốc mê và bắt tay vào việc giảm đau, khâu vết thương cho binh sĩ bị thương. Hôm qua cô vừa gặp Lê Tần nhà ở ngoại thành Nghị Lang. Hắn bị đâm một đao ngang hông. Vết thương không sâu nhưng khá rộng, mất máu nhiều. Cô muốn bắt tay vào thử nghiệm chữa trị cầm máu bằng phương pháp mới cho hắn đầu tiên. Vừa vào lán thương binh, đã nghe Lê Tần rên rỉ:

    - Quận chúa, hãy cho ta một đao để ta được chết sảng khoái!

    Cô gái họ Võ nhìn khuôn mặt tái mét vì mất máu của Lê Tần, cô tiến lại nắm lấy tay hắn rồi nghiêm giọng nói:

    - Ngươi còn trẻ, còn phải lấy vợ đẻ con, còn phải chăm sóc cha già. Là họ Vũ chúng ta đã hại ngươi bị thương đến mức này!

    Lê Tần nén đau nói:

    - Quận chúa đừng nói vậy. Là chúa công đã cho cha ta ruộng đất, là quận chúa đã giúp chúng ta cấy cầy. Nếu không có chúa công và cô thì cả nhà ta đã chết đói lâu rồi!

    Cô gái họ Võ ra hiệu cho hắn đừng nói nữa, hãy nghỉ ngơi đi. Rồi cô lại nói:

    - Ta và đại sư Tuệ Nam sẽ dùng thuốc mê chữa trị cho ngươi. Thuốc mê sẽ giúp ngươi bớt đau đớn!

    Sư Tuệ Nam vốn là thầy thuốc ở chùa Đại Cại *3, lần này theo quân chúa Bầu giúp trị bệnh cho binh sĩ. Tuy không có kinh nghiệm phẫu thuật nhưng vốn là thầy thuốc lâu năm nên sư nhanh chóng nắm bắt được cách chữa trị. Ca phẫu thuật đầu tiên dùng thuốc mê kéo dài gần một canh giờ đã thành công mỹ mãn! Nhìn Lê Tần vẫn chìm trong cơn mê, cô gái họ Võ nở nụ cười mãn nguyện quên cả vất vả mệt mỏi. Cô đắp thêm thuốc và khăn lạnh nên vết thương cho hắn. Ngay lúc này, thân binh của Vũ Văn Mật đã đến gọi cô về lều chính bàn việc.

    Hết chương 15

    *****

    *1: Bà chúa Bầu Vũ Thị Ngọc Anh (không rõ năm sinh năm mất): là con gái chúa Bầu Vũ Văn Mật. Dân gian gọi là bà chúa Bầu họ Vũ để phân biệt với bà chúa Bầu thời Hai Bà Trưng. Vùng Yên Bái, Tuyên Quang thời nhà Mạc là một vùng rừng núi hiểm trở, hầu hết dân bản xứ là tộc người thiểu số, trình độ canh tác thấp. Bà đã đem kinh nghiệm canh tác miền xuôi phổ biến cho dân, binh trong vùng khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải, trồng thảo dược chữa bệnh. Từ đó hình thành nên hàng chục cánh đồng tại miền Thu Vật, Lục Yên.

    *2 Phạm Đức Nguyên: Phúc Hải vẫn dùng tên này để ra ngoài vi hành. Lần trước gặp cô gái họ Võ và bác Chính ở Anh Hùng Quán, Phúc Hải cũng xưng tên này.

    *3 chùa Đại Cại: nay thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 80km. Sư Tuệ Nam là nhân vật hư cấu trong truyện này.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123

    ---QC---


  10. Bài viết được 7 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,Dã Thảo Hoang Sơn,hailam1991,phongvuthanhtrieu,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
Trang 3 của 5 Đầu tiênĐầu tiên 12345 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status