TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 5 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 23

Chủ đề: [Lịch sử quân sự] Sơn Hà Xã Tắc

  1. #1
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định [Lịch sử quân sự] Sơn Hà Xã Tắc


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ



    Mạc Đăng Doanh không phải là vị hoàng đế nhiều võ công nhưng giỏi về văn trị. Ông không có được những chiến công đánh dẹp hiển hách như vua cha Mạc Đăng Dung nhưng đã mang lại cuộc sống no ấm, yên ổn cho nhân dân Đại Việt, nhất là vùng Bắc Bộ sau nhiều năm loạn lạc, binh lửa cuối thời Lê sơ. Những cảnh thịnh trị thời ông cai trị - khiến các sử sách sau này cũng phải ghi nhận - là rất hiếm có trong lịch sử Việt Nam, ngay cả thời được coi là "hoàng kim" của chế độ phong kiến như Lê Thánh Tông cũng không thấy chép những cảnh tương tự. Tuy nhiên, do sự trỗi dậy của các lực lượng ủng hộ nhà Hậu Lê, nền thái bình mà ông gây dựng không được kéo dài... *1

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Chương 1: Điềm lạ giáng, cư sĩ quyết ý xuất môn




    *****
    Năm Đại Chính thứ năm (1534, đời vua Mạc Đăng Doanh *2), làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng)

    *****
    Tháng nào đến ngày rằm Phùng Khắc Khoan *3 cũng mài mực, chuẩn bị sẵn giấy bút cho thầy. Khoan chưa đọc được hết những chữ thầy viết nhưng mỗi lần trăng tròn Khoan lại thấy thầy phóng bút, lúc thì viết hai, ba câu thơ, lúc thì cả một đoạn dài. Hôm nay lại là một ngày trăng sáng, Nguyễn Bỉnh Khiêm *4 vung bút viết:

    - "Bảo giang thiên tử xuất,
    Bất chiến tự nhiên thành." *5

    Đột nhiên phía góc trời có một ngôi sao sáng vụt lên cả bầu trời. Nguyễn Bỉnh Khiêm vội buông bút quan sát, phát hiện sao tướng đột ngột sáng rực, sao đế mờ nhạt dần, sao tướng phát ra ánh sáng thuần khiết rồi từ từ lấn át hoàn toàn ánh sáng phát ra từ sao đế. Lát sau, chỉ còn nhìn thấy duy nhất ngôi sao tướng ban đầu bao trùm cả sao đế như thể ngôi sao này là đại diện cho cả sao tướng và sao đế. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã quan sát thiên tượng khá lâu, ông thấy sao tướng càng ngày càng sáng như sự nghiệp của cha con Mạc Đăng Dung *6, Mạc Đăng Doanh ngày càng phát triển, sao đế ngày càng mờ nhạt như nhà Lê sơ đã ở bên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, từ trước đến giờ sao đế vẫn không tắt hẳn, dù yếu ớt vẫn tỏa ánh sáng le lói như điềm báo nhà Lê sơ chưa dứt mạch từ đây. Hôm trước Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được tin An Thanh Hầu Nguyễn Kim *7 năm ngoái đã ủng lập vua Nguyên Hòa *8 ở Ai Lao để chống đối với nhà Mạc, vậy sao giờ sao đế lại bị tắt hẳn?
    Đã hơn chục năm kể từ khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, thiên hạ đã đi vào ổn định nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không vội vã, năm kia đã là khoa thi thứ hai dưới triều Mạc mà ông không ra ứng thí. Ông muốn quan sát xem cha con Mạc Đăng Dung có xứng để ông ra phò giúp hay không. Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay lập tức tính toán theo Thái Ất Thần Kinh mà ông đã học được từ thầy Lương Đắc Bằng *9, kết quả là dường như nhà Mạc đã xuất minh quân. Nguyễn Bỉnh Khiêm đắn đo hồi lâu rồi mỉm cười quyết định năm tới năm Đại Chính thứ sáu (1535), ông sẽ ra ứng thí mong được phò giúp minh quân, cống hiến cho xã tắc *10.

    *****
    Năm 2015, trên vùng biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

    *****
    Mười lăm chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đang gào thét bằng cả ba thứ tiếng Anh, Trung, Việt yêu cầu chiếc tàu cứu nạn duy nhất của Việt Nam phải tránh ra khỏi vùng biển quanh đảo Tri Tôn. Trên chiếc tàu cứu hộ Việt Nam, các chiến sĩ cứu hộ đang gấp rút ném phao cứu sinh cho ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu và ném dây móc để kéo ngư dân lên tàu. Đột ngột, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc xông lên với tốc độ cao đâm thẳng vào mạn tàu cứu hộ Việt Nam đang cứu ngư dân. Một chiến sĩ cứu hộ vẫn đang cố gắng kéo ngư dân thật nhanh nhưng không kịp nữa rồi, chiếc tàu cứu hộ đã bị vỡ vụn, chiến sĩ cứu hộ không còn nghe thấy gì trong tiếng gào thét của đồng đội và tiếng gầm rú của tàu hải cảnh Trung Quốc.

    *****
    Năm Đại Chính thứ năm (1534, đời vua Mạc Đăng Doanh), Hoàng thành Thăng Long

    *****
    - Đức Nguyên *11, Đức Nguyên....

    Phúc Hải mở mắt nhìn quanh thấy hơn chục người đang bao quanh mình, bên cạnh là một mỹ phụ đang nước mắt lưng tròng, chính bà là người kêu gọi Đức Nguyên, Đức Nguyên. Đức Nguyên là ai? Mỹ phụ là ai? Phúc Hải chỉ nhớ lúc anh đang chuẩn bị về quê ăn tết thì nhận được tin khẩn gọi cứu hộ từ ngư dân. Không kịp liên lạc báo gia đình sẽ về ăn tết muộn anh đã tất bật cùng các anh em tiến ra vùng biển gần đảo Tri Tôn cứu hộ ngư dân. Phúc Hải thầm nghĩ sao lại có y tá xinh đẹp thế này, trạm cứu hộ mới tuyển được y tá mới hay sao, gần tết nhân viên y tế trong trạm đang tập văn nghệ táo quân hay sao mà tất cả ăn mặc theo kiểu cổ trang thế này.
    Thấy Phúc Hải mở mắt, mỹ phụ liền kêu lên:

    - Đức Nguyên, hoàng nhi tỉnh lại rồi. May quá, tạ ơn trời phật đã giúp hoàng nhi tỉnh lại!

    Tiếp theo đó, ba, bốn ông lão tiến lại xin phép Phúc Hải rồi thì người bắt mạch, người xoa bóp cho Phúc Hải. Phúc Hải thấy hơi khó chịu vì không quen được phục vụ như thế này bao giờ nhưng cũng không nỡ từ chối lòng tốt của mấy ông lão. Lát sau, Phúc Hải tỉnh táo nhìn quanh và phát hiện ra thân hình mình không hiểu sao lại bé thế này, căn phòng hoàn toàn bài trí theo lối phong kiến không có chút dấu vết gì của bê tông cốt thép như trong trạm cứu hộ. Phải chăng mình đang lạc về quá khứ vào hình hài đứa bé được gọi là hoàng tử này? Phúc Hải thầm nghĩ. Ông lão bên trái dừng bắt mạch và quay sang bẩm báo với mỹ phụ:

    - Khởi bẩm hoàng phi, hoàng tử đã qua cơn nguy kịch, chỉ cần điều dưỡng ít ngày thì sẽ lành hẳn.
    Mỹ phụ lao đến ôm chầm lấy Phúc Hải, vừa khóc vừa cảm tạ trời phật. Phúc Hải không biết bà là ai nhưng suy đoán có lẽ bà là hoàng phi, mẹ của đứa trẻ trong hình hài hiện tại của Phúc Hải.

    Hết chương 1.

    *****
    *1: trích nhận xét từ wikipedia tiếng Việt về Mạc Thái Tông Mạc Đăng Doanh.

    *2: Mạc Đăng Doanh: vị vua thứ hai của nhà Mạc, con của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung, ông sinh năm 1500 mất năm 1540.

    *3: Phùng Khắc Khoan: sinh năm 1528 mất năm 1613, dân gian gọi là trạng Bùng, ông nổi tiếng với việc đi sứ Trung Quốc đã học cách dệt the lượt mỏng, cách trồng ngô (bắp), vừng (mè) và truyền dạy cho nhân dân Đại Việt.

    *4: Nguyễn Bỉnh Khiêm: trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 mất năm 1585 đỗ Trạng nguyên năm 1535, là danh thần lỗi lạc nhà Mạc nhưng cũng được các tập đoàn phong kiến khác như Trịnh, Nguyễn kính trọng và hay hỏi ý kiến. Ông am hiểu thuật lý số nên được vua phong là Trình Tuyền Hầu, dân gian theo đó gọi là trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là thầy của trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

    *5: sấm Trạng Trình

    *6: Mạc Đăng Dung: là võ tướng nhà Lê sơ, vua khai triều nhà Mạc, ông sinh năm 1483 mất năm 1541.

    *7: Nguyễn Kim: là cha của Nguyễn Hoàng, ông tổ của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này. Ông sinh năm 1468 mất năm 1545, là công thần đầu triều nhà Lê trung hưng.

    *8: vua Nguyên Hòa: tên thật là Lê Duy Ninh, được Nguyễn Kim và các đại thần cựu trào nhà Lê sơ dựng lên làm vua năm 1533 tại Ai Lao (Lào).

    *9: Lương Đắc Bằng: sinh năm 1472 mất năm 1522, ông làm quan cho nhà Lê sơ một đại thần rất cương trực, không ưa bè phái, nên được triều đình và nhân dân trọng vọng. Năm 1510 ông dâng "Trị bình thập tứ sách" 14 điều cho vua Tương Dực nhưng không được thi hành nên ông cáo lão về quê. Lương Đắc Bằng chính là thầy của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    *10: trong lịch sử trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng là bỏ qua hai kỳ thi nhà Mạc và chỉ thi từ khóa thi thứ ba năm 1535.

    *11: Đức Nguyên là tên của Mạc Hiến Tông Mạc Phúc Hải thời niên thiếu.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Ảnh đính kèm Ảnh đính kèm
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 25-04-2020 lúc 07:01.
    ---QC---


  2. Bài viết được 8 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    ComradeH,crazyboy74,Dã Thảo Hoang Sơn,HoangThiênLong,lamduy1230,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 2: Gặp mặt tam đại danh thần




    *****

    Sau một hồi được mấy ông lão bắt mạch, xoa bóp, Phúc Hải đã thấy khá hơn rất nhiều. Lúc này, cái bụng của Phúc Hải bắt đầu sôi ùng ục, mỹ phụ thấy vậy liền kêu người hầu chuẩn bị cơm nước cho Phúc Hải. Phúc Hải nhìn mỹ phụ rồi quyết tâm nói như thể chính thức chấp nhận mỹ phụ tốt bụng trước mắt là mẹ của mình:

    - Con cảm ơn mẹ!

    Mỹ phụ thoáng chốc sững sờ, hiếm khi thấy Phúc Hải nói năng giản dị, nhẹ nhàng như thế nhưng niềm vui con mình qua khỏi cơn hoạn nạn đã làm bà ngay lập tức quên đi. Bà vừa nhìn con ăn cơm, vừa trò chuyện với Phúc Hải những ngày hắn hôn mê làm Phúc Hải biết được thì ra đứa bé trong hình hài hiện tại của Phúc Hải là hoàng trưởng tử Mạc Đức Nguyên của vị vua thứ hai nhà Mạc là Mạc Đăng Doanh và hoàng phi Phạm thị. Theo lời Phạm hoàng phi, Phúc Hải cùng bạn bè sau khi học xong ở Quốc Tử Giám ra sông Nhĩ Hà *1 chơi đùa rồi bị rơi xuống nước, đã bị hôn mê năm ngày đêm. Phúc Hải kiếp trước vốn yêu thích lịch sử, dù trong sách giáo khoa không nói nhiều về nhà Mạc nhưng Phúc Hải có tìm hiểu và đọc về nhà Mạc, về Nam Bắc phân tranh *2... Chợt Phúc Hải nhớ ra việc vị vua thứ ba nhà Mạc là Mạc Phúc Hải vắn số, cơ nghiệp nhà Mạc tan nát chỉ sau mấy chục năm, đặc biệt là thời thịnh trị Mạc Thái Tông chỉ kéo dài được gần chục năm rồi nước Đại Việt lại lâm vào cảnh chiến loạn làm Mạc Phúc Hải thở dài: liệu mình có giống như trong lịch sử chết yểu hay không, liệu nhà Mạc có mất ngôi sau mấy chục năm nữa hay không? Mỹ phụ nhìn Phúc Hải thở dài thì cực kỳ sửng sốt, đứa trẻ mười ba mười bốn tuổi đã biết thở dài hay sao? Ngày thường Phúc Hải chỉ ham chơi, lần trước vì ham chơi mà rớt xuống sông Nhĩ Hà đến nỗi mê man năm ngày giờ mới tỉnh, sao hôm nay lại hay hỏi han đủ điều về tình hình triều chính. Tuy nhiên bà cũng rất mừng, mừng cho con đã biết thay đổi, biết suy nghĩ cho xã tắc, mừng cho chồng có người chia sẻ gánh nặng. Từ hồi Nguyễn Kim nổi lên chống lại nhà Mạc, chồng bà ngày nào cũng phải làm việc thật khuya, ngoài việc lo nội trị thì phải lo việc quân sự cùng với Thái thượng hoàng. Chợt ngoài cửa cung có tiếng thái giám truyền vào:

    - Hoàng thượng giá lâm!

    Phúc Hải khựng người lại, nhanh vậy sao, nhanh vậy đã gặp vị hoàng đế Mạc Đăng Doanh nổi tiếng trong lịch sử. Sau một hồi trò chuyện với mẹ là hoàng phi Phạm thị, Phúc Hải đã biết sơ sơ về cách xưng hô thời đại này nên nhanh chóng quỳ xuống tâu:

    - Nhi thần vấn an phụ hoàng! Cầu phụ hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

    Mạc Đăng Doanh khẽ cười, đưa tay nâng Phúc Hải đứng dậy nói:

    - Miễn lễ, thần nhi mạnh rồi a!

    Lúc này Phúc Hải mới có dịp nhìn thẳng vào vị vua cha nổi tiếng này. Mạc Đăng Doanh dáng người nho nhã, trong mắt có sự uy nghiêm nhưng không thiếu trìu mến thương con. Ông hỏi han một hồi, dặn dò ngự y và người hầu chăm sóc cho Phúc Hải rồi kéo hoàng phi Phạm thị đi để cho Phúc Hải nghỉ ngơi. Phúc Hải mới ốm dậy nên cũng mệt mỏi, phụ hoàng và mẫu phi rời đi liền nhanh chóng lăn ra ngủ.
    Trong mấy ngày tĩnh dưỡng, Phúc Hải suy nghĩ miên man về việc liệu mình có giống như trong lịch sử chết yểu hay không, liệu nhà Mạc có mất ngôi sau mấy chục năm nữa hay không? Không, kiếp trước hắn đã chết yểu một lần, kiếp này hắn không thể chết yểu thêm lần nữa, cơ nghiệp ông cha hắn dành được hắn nhất định phải phát triển lên đem lại ấm no cho con dân Đại Việt. Hơn nữa Phúc Hải mong muốn có thể đánh bại Trung Quốc, đánh nó dập đầu để sau này không còn bắt nạt Việt Nam, không còn có những ngư dân bỏ mình ngay trên ngư trường của cha ông mình. Phúc Hải cố gắng nhớ và sắp xếp lại những nhân vật lịch sử thời Lê Mạc, nào là Trình Tuyền Hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thường quốc công Nguyễn Quyện *3, trạng bùng Phùng Khắc Khoan, Thiên Lôi tướng quân Phạm Tử Nghi *4, thủy tổ của các chúa Nguyễn Nguyễn Hoàng *5... Các hiền thần, mãnh tướng này đâu rồi, hắn phải tìm cho được các hiền thần mãnh tướng này để xây dựng vương triều nhà Mạc. Suy nghĩ một lúc Phúc Hải thấy quá uể oải, mệt mỏi. Thì ra thằng bé Đức Nguyên này thể nhược yếu đuối, bảo sao lớn lên lại vắn số như vậy. Nghĩ vậy Phúc Hải nghĩ ngay đến việc phải cải thiện thân thể, luyện tập võ nghệ để tăng cường sức khỏe.

    Sau khi ăn sáng, lão thái giám Dương Chấp Nhị *6 nhắc nhở Phúc Hải đi học. Ngày thường thằng bé Đức Nguyên ham chơi, không chịu đi học thường hay viện cớ đau bụng, đau đầu để trốn học nên lão thái giám Dương Chấp Nhị cũng thấy thành quen không nài nỉ nữa. Tuy nhiên điều lạ là hôm nay Đức Nguyên sau khi suy nghĩ một chút liền nhận lời đi học.

    Thời hoàng đế Đại Chính *7 thi hành chính sự khoan hòa, vua tôi đồng lòng, các hoàng tử cũng đi học cùng với con em quan lại cao cấp ở Quốc Tử Giám nên Phúc Hải cũng phải xuất cung đến Quốc Tử Giám đi học. Lần đầu tiên đến Quốc Tử Giám thời đại này Phúc Hải thấy Quốc Tử Giám thời này to rộng, bề thế hơn hậu thế rất nhiều, bia tiến sĩ vẫn còn ít nhưng những người đỗ đạt cao đã được vinh danh tại đây *8. Vừa vào Quốc Tử Giám, đã thấy ba đứa trẻ ùa ra chào hỏi Phúc Hải. Đứa bé nhất nói vừa quan tâm, vừa trách móc:

    - Đại ca, đại ca khỏe rồi thì may quá, đệ tưởng không còn được chơi với đại ca nữa! Đại ca rơi xuống sông làm đệ bị phụ hoàng nhốt đến lúc đại ca tỉnh mới được thả.

    Hai đứa khác đồng thanh quát nói:

    - Kính Điển *9!

    Thì ra đứa bé nhất chính là em thứ ba của hắn Mạc Kính Điển. Sau một hồi trò chuyện hắn mới biết hai đứa lớn hơn là Nguyễn Quyện, con trai của trạng nguyên Nguyễn Thiến *10, và Nguyễn Ngọc Liễn *11 con trai của tướng quân Nguyễn Kính *12. Kính Điển là đứa nhỏ nhất nhưng thật thà, trung hậu nhất. Nguyễn Quyện và Nguyễn Ngọc Liễn thì vũ dũng hơn người, mới mười hai tuổi mà đã cao gần một mét sáu. Ngày thường bốn đứa trẻ này hay cùng nhau chơi đùa, cả bọn thường ngày đều tin phục Đức Nguyên dù hắn ốm yếu một phần là vì hắn hay nghĩ được nhiều trò chơi mới lạ, một phần là vì hắn là con trưởng của đương kim hoàng thượng. Phúc Hải thầm nghĩ Nguyễn Quyện và Nguyễn Ngọc Liễn to khỏe thế này, bảo sao sau này thành danh tướng, thật may không phải đi đâu xa cũng có thể thu phục được hai danh tướng này và hoàng đệ Kính Điển để sau này sử dụng. Nghe nói Nguyễn Quyện là con trai của trạng nguyên Nguyễn Thiến, sau này phải thử xem Nguyễn Quyện có văn tài hay không, nếu có văn tài thì sẽ có một tướng lĩnh văn võ song toàn.

    Vào giờ học, lão sư Lê Quang Bí *13 giảng giải về đạo an dân, ca ngợi đương kim hoàng thượng ra lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và binh khí đi ngoài đường, ai trái lệnh sẽ bị trị tội. Từ đó những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải mang khí giới tự vệ. Mấy năm gần đây trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng chỉ cần một lần kiểm điểm lại *14. Phúc Hải nghe lão sư giải thích cũng hiểu gần hết nhưng những ký tự chữ Hán này thì quả là khó học, khó đọc, cả buổi mà Phúc Hải vẫn chưa nhớ được mấy chữ. Nhìn những đứa trẻ bên cạnh ê a đọc và viết chữ Hán, Phúc Hải giờ mới thấm thía cái lợi của chữ quốc ngữ, hắn nghĩ phải nhanh chóng phổ biến chữ quốc ngữ đem lại cái lợi to lớn cho Đại Việt.

    Hết chương 2.

    *****

    *1: Nhĩ Hà: tên gọi đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Thăng Long

    *2: Nam Bắc phân tranh: chỉ giai đoạn nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến nhà Mạc (miền Bắc) và nhà Lê Trung Hưng (từ Thanh Hóa vào Nam). Ngoài ra thời kỳ này còn có chúa Bầu cát cứ ở vùng Tuyên Quang ngày nay.

    *3: Thường Quốc Công Nguyễn Quyện là con của Thư Quận Công Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Trong lịch sử ông sinh năm 1511 mất năm 1593, là danh tướng nhà Mạc, đặc biệt có nhiều đóng góp cho nhà Mạc sau khi Khiêm Vương Mạc Kính Điển qua đời. Trong truyện này Nguyễn Quyện được hư cấu sinh năm 1522.

    *4: Thiên lôi tướng quân Phạm Tử Nghi sinh năm 1509 mất năm 1551 nổi tiếng vũ dũng. Trong lịch sử vì bất đồng ý kiến với Khiêm Vương Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính trong việc chọn người thừa kế Mạc Hiến Tông mà ông sinh bất hòa đem Hoằng Vương Mạc Chính Trung đi cát cứ vùng đông bắc Việt Nam. Trong truyện này sẽ hư cấu nhiều chi tiết, ví dụ như việc ông sang đánh phá các vùng ở Quảng Đông Trung Quốc là tuân theo lệnh của Mạc Hiến Tông Mạc Phúc Hải.

    *5: Nguyễn Hoàng: Là con của Nguyễn Kim, ông tổ của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này. Ông sinh năm 1525 mất năm 1613 là người có công lớn trong việc mở nước về phương Nam.

    *6: Dương Chấp Nhị: Nhân vật hư cấu trong truyện là em của Trung Hậu hầu, tổng trấn vùng Thanh Hoa Dương Chấp Nhất. Dương Chấp Nhất trong lịch sử trá hàng vua Lê Trang Tông và đầu độc chết Nguyễn Kim.

    *7 Đại Chính: niên hiệu vua Mạc Thái Tông Mạc Đăng Doanh

    *8: Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời nhà Lý, bia văn miếu được khởi xướng từ thời vua Lê Thánh Tông nhà Lê sơ.

    *9: Mạc Kính Điển: tước Khiêm Vương, không rõ năm sinh, mất năm 1580. Ông là em thứ ba của vua vua Mạc Hiến Tông Mạc Phúc Hải và trở thành trụ cột nhà Mạc sau khi vua Mạc Hiến Tông Mạc Phúc Hải mất.

    *10: Nguyễn Thiến: là trạng nguyên Thượng Thư, Thư quận công, trong lịch sử ông là danh thần nhà Mạc cũng như nhà Lê trung hưng. Ông chính là cha của Nguyễn Quyện.

    *11: Nguyễn Ngọc Liễn: không rõ năm sinh, mất năm 1594, là phò mã nhà Mạc (sau được ban quốc tính đổi sang họ Mạc), trong lịch sử ông cùng với Nguyễn Quyện trờ thành hai trụ cột của nhà Mạc sau khi Khiêm Vương Mạc Kính Điển mất. Nguyễn Ngọc Liễn nổi tiếng với lời dặn con cháu nhà họ Mạc không được mang rắn nhà Minh về cắn gà nhà.

    *12: Nguyễn Kính: danh tướng cuối thời Lê sơ và nhà Mạc.

    *13: Lê Quang Bí: ông sinh năm 1506, không rõ năm mất, là con trai của trạng nguyên Lê Nại. Năm 1528 khi mới hai mươi hai tuổi ông được phong Tô Xuyên hầu, sau khi đi sứ mười chín năm ở nhà Minh ông được phong là Tô quận công.

    *14: Trích Đại Việt Thông Sử - tác giả Lê Quý Đôn.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 25-04-2020 lúc 07:07.

  4. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    HoangThiênLong,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 3: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh




    *****
    Sau buổi học ở Quốc Tử Giám, hoàng phi Phạm thị cử người đi đón Phúc Hải về cung gấp, bà không muốn con mình lại tiếp tục chơi bời, đặc biệt là bà được tin Thái thượng hoàng mới từ Dương kinh *1 quay trở lại kinh thành sáng nay. Hoàng phi Phạm thị vốn là con gái của Hoằng Lễ Hầu Phạm Gia Mô - trước từng làm thượng thư bộ Lễ trong triều Lê sơ sau theo về với Mạc Thái Tổ có công giúp Mạc Đăng Dung lên ngôi nên được phong hầu. Dù sinh ra trong gia đình truyền thống Nho học, bà vẫn được cha yêu quý dạy đọc sách, viết chữ từ thủa nhỏ, cũng có thể coi là người tri thư đạt lễ. Vừa thấy Phúc Hải về đến cửa cung, bà đã đi ra nói giọng đầy quan tâm:

    - Hoàng nhi thấy khỏe nhiều chưa?

    Đối với người mẹ săn sóc suốt năm ngày mê man này Phúc Hải có mười phần cảm kích và kính yêu. Phúc Hải trả lời:

    - Nhi thần vấn an mẫu phi. Thân thể nhi thần đa khỏe lại nhiều nhưng vẫn còn hơi đau đầu ạ!

    Trên đường hồi cung, Phúc Hải đã kịp hỏi han lão thái giám Dương Chấp Nhị về hoàng phi Phạm thị. Mặc dù muốn đưa chữ Quốc ngữ vào Đại Việt nhưng Phúc Hải hiểu bây giờ chưa phải điều kiện chín muồi, trước mắt Phúc Hải vẫn phải học chữ Hán để thu phục tầng lớp tri thức Nho giáo. Phúc Hải vội tiếp lời:

    - Nhi thần từ lúc mê man, đầu óc mê muội nên không nhớ rõ nhiều chữ Hán nữa, mong mẫu phi chỉ bảo!

    Hoàng phi Phạm thị vốn nghĩ con mình mới ốm dậy nên đầu óc mê muội cũng phải, chỉ vài ngày nữa khỏe mạnh là ổn thôi nhưng hiếm khi thấy con mình chăm chỉ như vậy nên trìu mến nói:

    - Được, được... Từ giờ vào mỗi buổi chiều con lại đến đây ta sẽ dạy con viết chữ.

    Nói là làm, sau bữa cơm trưa, Phúc Hải nằng nặc đòi mẹ dạy chữ Hán. Hoàng phi Phạm thị thấy con mình cả những chữ cơ bản như Nhất Nhị Tam Tứ cũng không biết cách viết thì hơi lạ, thầm trách lão sư Lê Quang Bí dậy dỗ con mình không đến nơi đến chốn nhưng cũng trách mình không sát sao dậy dỗ để con chơi bời lêu lổng. Từ đó, mỗi ngày bà đều bắt Phúc Hải học thuộc hơn một chục chữ Hán.

    Buổi chiều tối hôm đó, Phúc Hải được dẫn đến vấn an vua cha và Thái thượng hoàng. Hắn rất háo hức được gặp vị anh hùng cái thế Mạc Đăng Dung, đặc biệt muốn xem vị anh hùng này là người thế nào mà có thể dùng thanh Định Nam đao *2 nổi tiếng. Phúc Hải đến gặp Mạc Đăng Dung Mạc Đăng Doanh khi các quan lại đã rời đi gần hết, chỉ còn thái sư Mạc Quốc Trinh, Thiên Lôi tướng quân Phạm Tử Nghi, Tây Quận Công Nguyễn Kính ở lại bàn việc quân sự.

    Lúc này Đại Việt đang ở vào thời kỳ Nam Bắc phân tranh, các cựu thần nhà Lê như An Thanh Hầu Nguyễn Kim, Lý Quốc Công Trịnh Duy Noãn, Phúc Hưng Hầu Trịnh Duy Duyệt, và Tả đô đốc Trịnh Duy Liệu dựng vua Nguyên Hòa lên ngôi vua tại nước Ai Lao, cả một dải từ Thanh Hoa *3 vào Nam dân chúng nhớ công đánh giặc Minh của Lê Thái Tổ Lê Lợi và công ơn Lê Thánh Tông mở đất nên đều hướng về vua Lê Nguyên Hòa. Phía bắc chúa Bầu Vũ Văn Uyên cát cứ trấn Hưng Hóa *4. Vua Mạc Mạc Đăng Dung cất quân đánh dẹp nhiều lần nhưng vẫn chưa tiêu diệt được hết tàn dư nhà Lê sơ. Năm 1533, vua Lê Nguyên Hòa còn sai Tả đô đốc Trịnh Duy Liệu vượt biển sang nhà Minh, tâu cáo tội trạng của Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, và xin nhà Minh đánh dẹp. Trước tình hình thù trong giặc ngoài Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh không hề nao núng, một mặt hối lộ các quan lại gần biên giới nhà Minh để giấu nhẹm chuyện với vua nhà Minh, bên trong thì tổ chức huấn luyện quân đội đem đi đánh dẹp nhà Lê trung hưng và chúa Bầu. Hôm nay đúng là lúc Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh bàn bạc với các đại thần về việc tấn công nhà Lê trung hưng.

    Phúc Hải biết đây là cơ hội ghi điểm trước mặt Mạc Đăng Dung và các cận thần của ông nên nhanh chóng bái kiến hoàng tổ phụ, phụ hoàng và các vị lão thần. Phúc Hải đoán được Mạc Đăng Dung vì thấy rõ Mạc Đăng Dung đang ở chủ vị, còn các vị lão thần thì đành chịu chỉ xin vấn an các vị lão thần. Tuy vậy, Phúc Hải vẫn thấy được trong mắt phụ hoàng ánh lên sự vui mừng vì thấy con mình hiểu lễ. Quả thật Mạc Đăng Doanh là người nho nhã, luôn nghĩ cho dân được ấm no chứ không phải là vị minh quân với nhiều võ công như vua cha Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung chợt hạ giọng hỏi han:

    - Đức Nguyên, cháu rớt xuống sông Nhĩ Hà hôn mê năm ngày mà không chết, tai qua nạn khỏi sau này tất có phúc báo.

    Ông quay sang nói với Mạc Đăng Doanh:

    - Ta muốn đổi tên Đức Nguyên thành Phúc Hà. Hoàng thượng thấy sao?

    Mạc Đăng Doanh suy nghĩ một lát rồi tâu xin thuận ý Thái thượng hoàng. Mạc Đăng Doanh liền quay sang hỏi Phúc Hải:

    - Cháu thấy cái tên Phúc Hà thế nào?

    Phúc Hải suy nghĩ một lát rồi trả lời:

    - Cháu xin đa tạ hoàng tổ phụ đã ban tên mới, nhưng cháu muốn được thỏa chí vẫy vùng không chỉ giới hạn sông ngòi nội địa mà muốn ra biển lớn. Cháu xin hoàng tổ phụ ban tên Phúc Hải.

    Mạc Đăng Dung thấy cháu nội trả lời như vậy rất thích thú, liền hỏi thêm:

    - Cháu muốn ra biển lớn làm gì?

    Phúc Hải đã chuẩn bị trước liền nhanh chóng trả lời:

    - Cháu muốn ra biển lớn đi khắp các nước Nam Dương *5, Nhật Bản... buôn bán làm giàu mạnh, ấm no cho đất nước. Và... cháu còn muốn tiến xuống phía Nam mở rộng cương thổ Đại Việt ta.

    Mạc Đăng Doanh nghe ra trong lời nói của Phúc Hải có ý hiếu chiến nhưng vẫn biết lo cho đất nước giàu mạnh, dân được ấm no. Ông nói:

    - Hoàng nhi có biết chúng ta đang gặp thù trong giặc ngoài, dân chúng chỉ mới đươc an cư vài năm mà năm ngoái Lê Duy Ninh đã được dựng lên ở Sầm Châu *6, dân chúng các châu từ Thanh Hoa vào Nam đều theo giúp, chúa Bầu Vũ Văn Uyên cát cứ trấn Hưng Hóa không chịu quy thuận chúng ta, lai còn quân Minh đang rục rịch tiến xuống phía Nam hay không?

    Phúc Hải không nói gì, chỉ cúi đầu, hắn biết lúc này nếu thể hiện quá nhiều sẽ bị nghi ngờ vì dù sao Đức Nguyên cũng mới chỉ có mười ba mười bốn tuổi, khó có thể bàn chuyện chiến lược quốc gia. Tuy vậy, Phúc Hải vẫn lên tiếng:

    - Hoàng tổ phụ, phụ hoàng, nhi thần muốn được cường thân kiện thể, mong phụ hoàng cho Thiên Lôi tướng quân Phạm Tử Nghi dạy võ công cho nhi thần.

    Mạc Đăng Dung nhìn Phúc Hải, ông như thấy được hoài bão của ông nên đặt vào đứa cháu trai này. Phụ hoàng của nó là Mạc Đăng Doanh tuy nhận hậu, khoan hòa, cần chính thương dân nhưng thù trong giặc ngoài như lúc này còn cần một vị minh quân võ công cái thế. Ông nói:

    - Được, ta đồng ý từ nay gọi cháu là Phúc Hải.

    Ông lại quay sang nói với Phạm Tử Nghi:

    - Phạm Tử Nghi tướng quân, ta biết ông có bộ bí kíp cường thân kiện thể, mong ông nể mặt ta mà truyền thụ cho Phúc Hải.

    Ông thấy Phúc Hải dáng người nho nhã giống cha, không được vũ dũng như ông để học tập đao pháp Mạc gia nên quay sang thị vệ bên trái:

    - Tuy nhiên ta muốn cho ngự tiền thị vệ Đặng Phục *7 đi theo bảo vệ cháu và dạy cháu kiếm pháp. Cháu nên biết Đặng Phục là cháu bốn đời của danh tướng Đặng Dung *8, nổi tiếng tinh thông kiếm pháp nhà họ Đặng.

    Phúc Hải mừng rỡ vừa được ban tên mới, vừa được thụ giáo Phạm Tử Nghi và Đặng Phục liền tạ ơn hoàng tổ phụ, phụ hoàng và hai vị lão sư.

    Kể từ đó, Phúc Hải sáng sáng đi học ở Quốc Tử Giám nghe giảng đạo lý Nho gia từ vị lão sư Lý Quang Bí, củng cố tình huynh đệ với đám Nguyễn Quyện, Nguyễn Ngọc Liễn và Mạc Kính Điển, chiều chiều lại học thêm chữ Hán với mẫu phi Phạm thị, luyện kiếm pháp với Đặng Phục, tối tối lại luyện môn nội công cường thân kiện thể của Phạm Tử Nghi. Phạm Tử Nghi bận chinh chiến quanh năm nên không có thời gian chỉ bảo Phúc Hải nhiều nhưng mỗi lần ông chỉ bảo đều rất nghiêm khắc. Phạm Tử Nghi biết mình học võ hơi muộn nên võ công chưa đột phá cảnh giới đăng phong tạo cực. Tuy nhiên ông trời sinh thần lực nên luôn là mãnh tướng số một trên chiến trường thời Lê Mạc. Ông quyết định truyền dạy cho Phúc Hải cơ bản nội công, hy vọng một năm sau Phúc Hải có căn cơ sẽ truyền thụ yếu lĩnh cao nhất của tâm pháp Thiên Lôi.

    Hết chương 3.

    *****
    *1 Dương kinh: Thời nhà Mạc đặt tỉnh Hải Dương (nay là địa phận tỉnh Hải Dương, Hải Phòng) là Dương kinh.

    *2 Định Nam đao: Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng gần 30 kg, lưỡi đao dài 0,95 m, cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60 m. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao (trông như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao), chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao.

    *3 Thanh Hoa: khu vực Thanh Hóa ngày nay.

    *4 Hưng Hóa: nay là vung Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

    *5 Nam Dương: chỉ vùng lãnh thổ Malaysia, Indonesia ngày nay.

    *6 Sầm Châu: vùng đất gần với Thanh Hóa Nghệ An thuộc Lào ngày nay

    *7 Đặng Phục: Nhân vật hư cấu là cháu bốn đời của danh tướng thời hậu Trần Đặng Dung. Đặng Phục giỏi kiếm pháp, vừa là thầy dạy kiếm pháp, vừa là thị vệ thân tín của Phúc Hải.

    *8 Đặng Dung (1373-1414): là danh tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai của Đặng Tất, người theo phò vua Giản Định đế của nhà Hậu Trần, sau bị Giản Định đế giết chết cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rời đi, lập Trần Quý Khoáng tức vua Trùng Quang tiếp tục khởi nghĩa. Khởi nghĩa thất bại, Đặng Dung bị bắt và bị Trương Phụ giết chết.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 25-04-2020 lúc 07:12.

  6. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    hailam1991,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 4: Trong Anh Hùng Quán




    *****
    Phúc Hải thường cùng bọn Đặng Phục và thị vệ cải trang xuất cung thăm thú cuộc sống của dân thường bên ngoài. Do có ngự tiền thị vệ Đặng Phục bảo vệ nên Mạc Đăng Doanh khá an tâm cho an toàn của Phúc Hải. Ông cũng muốn cho con thấu hiểu cuộc sống của dân chúng để sau này trở thành bậc minh quân biết lo cho dân cho nước nên ngầm đồng ý cho Phúc Hải xuất cung.

    Hôm nay Phúc Hải dẫn Đặng Phục và mấy thị vệ cải trang đến Anh Hùng Quán ở thành Tây. Đây là một trong những nơi ưa thích của Phúc Hải vì ở đây Phúc Hải có thể ngắm nhìn hồ Tây, gặp gỡ đủ loại anh hùng hào kiệt từ bốn phương đến kinh thành. Anh Hùng Quán còn nổi tiếng với Anh Hùng tửu. Anh Hùng tửu có mùi thơm nồng, uống vào thấy êm êm và tê đầu lưỡi, nhưng không cay xè, thích hợp cho cả tao nhân mặc khách. Loại rượu này do Anh Hùng Quán nấu ra, số lượng bán ra bên ngoài có hạn, chủ yếu chỉ để phục vụ khách khứa đến Anh Hùng Quán. Phúc Hải tuy không uống rượu nhưng Đặng Phục và bọn thị vệ đi theo thì lần nào cũng vui vẻ ra mặt khi được Phúc Hải dẫn đến Anh Hùng Quán. Mấy hôm nay Anh Hùng Quán khá đông khách vì chỉ còn nửa tháng nữa là đến ngày thi hội năm Đại Chính thứ sáu (1535) ba năm một lần. Sĩ tử khắp thiên hạ ùn ùn kéo về kinh thành, người thì thích ngắm cảnh hồ Tây, người thì thích thưởng thức Anh Hùng tửu. Phúc Hải đến Anh Hùng Quán khi bàn ở tầng hai đã đầy, chiếc bàn hắn vẫn hay ngồi nhìn thẳng ra hồ Tây hôm nay đã có một vị tiên sinh đặt trước.

    Người phục vụ áy náy với khách quen, nói với Đặng Phục:

    - Xin quý khách vui lòng đợt một khắc, tiểu nhân sẽ sắp xếp phòng trên tầng ba.

    Phúc Hải thường ngày không thích ngồi phòng riêng trên tầng ba, hắn muốn nghe các vị anh hùng hào kiệt hay các vị tiên sinh đàm đạo nên thường ngồi phòng lớn tầng hai. Đang lúc lưỡng lự nhìn quanh thì thư đồng của vị tiên sinh kia đã tiến lại mời Phúc Hải đến ngồi cũng bàn.

    Phúc Hải mỉm cười, tiến lên chào hỏi:

    - Tiểu tử là Phạm Đức Nguyên *1, cảm ơn tiên sinh đã cho ngồi cùng bàn!

    Vị tiên sinh trả lời:

    - Tiểu huynh đệ khách sáo rồi! Gặp nhau là hữu duyên, ta xem tiểu huynh đệ còn nhỏ tuổi mà khí phách thật bất phàm...

    Phúc Hải vội trả lời:

    - Tiên sinh quá khen! Không biết tiên sinh xưng hô thế nào?

    Thư đồng của vị tiên sinh xen vào:

    - Tiên sinh nhà ta là Bạch Vân cư sĩ *2.

    Vị tiên sinh cũng mỉm cười nói:

    - Tiểu huynh đệ nếu không chê cứ gọi ta là Bạch Vân.

    Trong khi Phúc Hải đang nói chuyện với Bạch Vân cư sĩ thì khách khứa trong Anh Hùng Quán sôi nổi bàn luận về đề tài triều đình nhà Lê ở Sầm Châu. Một tráng sĩ cao giọng nói:

    - Nếu cho ta một vạn tinh binh, ta sẽ quét sạch cả Thanh Hoa, Nghệ An, và Sầm Châu.

    Một thư sinh đứng dậy phản bác:

    - Thái thượng hoàng và hoàng thượng nhiều lần đánh dẹp còn không được. Ngươi có tài cán gì mà đòi quét sạch cả Thanh Hoa, Nghệ An và Sầm Châu?

    Tráng sĩ liền nói:

    - Năm Tân Mão (1531), Tây Quận Công Nguyễn Kính chẳng phải đã đánh tan Nguyễn Kim đấy sao!

    Thư sinh nghe vậy thở dài nói:

    - Dân chúng trấn Thanh Hoa còn nhớ công đánh giặc Minh của Lê Thái Tổ nên lòng vẫn còn hướng về tiền triều. Ài..., nếu dân chúng vùng Thanh Hoa, Nghệ An thấy được cuộc sống tốt đẹp của chúng ta có lẽ họ đã tin phục đương kim hoàng thượng và thái thượng hoàng.

    Mọi người trong quán nghe vậy đều lâm vào trầm mặc. Phúc Hải vừa gặp Bạch Vân cư sĩ mà như đã quen từ lâu, nói chuyện rất hợp ý. Thấy vậy, Phúc Hải mạnh dạn thỉnh giáo Bạch Vân cư sĩ:

    - Tiên sinh có cách nào thu phục nhân tâm dân chúng trấn Thanh Hoa, Nghệ An không?

    Vị tiên sinh ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:

    - Dân chúng cũng chỉ mong có cơm ăn áo mặc. Theo ta thấy thì bình dân bá tánh đã chán ngán tiền triều, chỉ còn một bộ phận cường hào trấn Thanh Hoa, Nghệ An, một bộ phận nho sĩ và con cháu cựu thần nhà Lê là còn vấn vương tiền triều. Đối với đám cường hào trấn Thanh Hoa, Nghệ An, ta thấy triều đình nên ép họ di dời ra Bắc, còn với lão bách tính trấn Thanh Hoa, Nghệ An và nho sĩ trong thiên hạ thì không ngừng ban ơn mưa móc để diệt đi cái tâm hướng về tiền triều của họ.

    Phúc Hải trầm trồ khen:

    - Diệu kế, diệu kế! Chỉ trách là chúa Bầu còn đó, nhà Minh còn lăm le ngoài cửa ải Nam Quan, triều đình chưa thể toàn tâm toàn ý bình định châu Hoan, châu Ái.

    Đoạn Phúc Hải đứng dậy nói to:

    - Các vị anh hùng hào kiệt, các vị tiên sinh, vua Quỷ *3 vua Lợn *4 u mê quấy nhiễu dân chúng, thiên hạ loạn lạc triền miên. Thái thượng hoàng là bậc anh hùng cái thế, chỉ trong khoảng mười năm đã dẹp xong loạn lạc. Hoàng thượng cần chính thương dân, mấy năm nay mưa thuận gió hòa, dân chúng Bắc hà đều được ấm no. Vậy mà Vũ Văn Uyên, Nguyễn Kim và những cựu thần tiền triều vẫn tham quyền cố vị, gây nạn binh đao, làm hại dân chúng trấn Hưng Hóa, Thanh Hoa, Nghệ An. Các vị anh hùng hào kiệt, các vị tiên sinh, đây chính là lúc giúp nước, giúp dân, kiến công lập nghiệp!

    Sau gần một năm học bí kíp võ công của Phạm Tử Nghi, Phúc Hải dần khỏe mạnh lên, thân hình cao lớn như thiếu niên mười sáu mười bảy đã không còn vẻ ốm yếu như trước nên mọi người không giật mình vì người nói ra những lời này là thiếu niên mười ba mười bốn tuổi. Mọi người nghe Phúc Hải nói thế đều vỗ bàn khen phải.

    Vị Bạch Vân cư sĩ thì liên tục gật đầu. Từ lúc nhìn thấy Phúc Hải vào quán, ông đã nhìn tướng của Phúc Hải nhưng không thể đoán được rõ ràng. Ông bấm quẻ đoán Phúc Hải phải chết yểu khi chưa đến hai mươi tuổi nhưng tính đi tính lại thì lại thấy quẻ có nhiều biến hóa, không thể đoán được tiền hung hậu vận của Phúc Hải. Lúc này thấy Phúc Hải thuyết phục đám đông ông lờ mờ đoán được đây có lẽ chính là sao đế mới mà ông đang tìm kiếm. Chờ cho không khí lắng xuống, ông liền thử Phúc Hải:

    - Tiểu huynh đệ, ta thấy tiểu huynh đệ còn trẻ tuổi mà đã am hiểu thế cuộc. Không biết tiểu huynh đệ đánh giá thế nào về việc phá bỏ chế độ ức thương của triều đình?

    Phúc Hải vội đáp:

    - Tiểu tử chỉ học lỏm của cha anh, không dám múa rìu qua mắt thợ. Mong tiên sinh chỉ giáo thêm cho!

    Ngừng một lát, Phúc Hải lại nói:

    - Tiểu tử thấy đương kim hoàng thượng cần chính thương dân, chú trọng nông nghiệp khiến lão bách tính được ấm no. Việc phá bỏ chế độ ức thương làm hàng hóa được lưu thông tự do, đời sống dân chúng càng khấm khá. Theo tiểu tử, triều đình nên khuyến khích mở rộng sản xuất thủ công, cung cấp hàng hóa cho các thuyền buôn đến từ Chiêm Thành, Nam Dương, Nhật Bản... và mua lại những sản vật của họ để làm giàu cho đất nước. Chỉ có quốc phú binh cường thì mới không lo giặc phương Bắc.

    Bạch Vân cư sĩ trầm ngâm. Từ trước đến giờ Nho giáo đều đề cao Sĩ Nông mà coi nhẹ Công Thương nhưng không ngờ vị tiểu huynh đệ này lại có cái nhìn đề cao Công Thương như vậy. Phúc Hải thấy vị tiên sinh trầm ngâm liền đổi chủ đề nói chuyện thi ca. Một lúc trời gần tối liền cáo từ về cung. Trước khi hồi cung, Phúc Hải không quên dặn dò thị vệ điều tra vị Bạch Vân cư sĩ và vị thư sinh đã tranh luận với tráng sĩ trong Anh Hùng Quán.

    Hết chương 4

    *****

    *1 Phạm Đức Nguyên: tên ghép họ Phạm của mẹ và tên thủa bé Đức Nguyên của Phúc Hải.

    *2 Bạch Vân cư sĩ: là hiệu của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những năm trí sĩ và ở ẩn ở quê nhà.

    *3 vua Quỷ: chỉ vua Lê Uy Mục (1505-1509).

    *4 vua Lợn: chỉ vua Lê Tương Dực (1495 - 1516).

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 25-04-2020 lúc 07:17.

  8. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    hailam1991,sai1000,thanaret25,VoDienSu,
  9. #5
    Ngày tham gia
    Jan 2017
    Bài viết
    45
    Xu
    0

    Mặc định


    TRUYỆN: SƠN HÀ XÃ TẮC

    THỂ LOẠI: LỊCH SỬ QUÂN SỰ, XUYÊN KHÔNG

    TÁC GIẢ: KHINH VŨ


    Chương 5: Nguyễn Bỉnh Khiêm bị ám sát




    *****
    Đi một đoạn từ thành Tây về gần đến hoàng cung, Phúc Hải chợt nhớ ra Bạch Vân cư sĩ chính là hiệu của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những năm trí sĩ và ở ẩn ở quê nhà, hắn vỗ trán tự trách mình sao lại quên chi tiết quan trọng như thế. Nghĩ lại quả thật chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đưa được ra kế sách vẹn toàn để thu phục nhân tâm dân chúng trấn Thanh Hoa, Nghệ An như vậy. Đúng lúc này tên thị vệ Phúc Hải phái đi điều tra vị Bạch Vân cư sĩ cũng trở về báo cáo trùng khớp với nhận định của hắn. Trời còn chưa tối hẳn nên Phúc Hải quyết định đến thẳng quán trọ của Nguyễn Bỉnh Khiêm để bái sư cầu học, gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm một ngày thì hắn có thêm một ngày để thực hiện ước mơ, hoài bão. Nếu đúng như lịch sử, chỉ còn năm năm nữa thôi là hắn sẽ lên ngôi, hắn không muốn hoàng tổ phụ của hắn phải chịu khuất tất, chịu tiếng xấu người đời sau nguyền rủa *1 .

    Phúc Hải và đoàn tùy tùng quay lại thì bắt gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm và thư đồng vừa rẽ vào ngõ nhỏ về quán trọ. Từ đằng xa Phúc Hải định tiến lên chào hỏi thì xuất hiện ba kẻ lạ mặt, một kẻ đã rút kiếm tiến lại gần Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phúc Hải vội kêu to:

    - Tiên sinh cẩn thận! Có kẻ đang ám sát tiên sinh...

    Nguyễn Bỉnh Khiêm nghe Phúc Hải kêu to vội lé sang một bên, vừa kịp làm thanh kiếm của kẻ ám sát chém vào khoảng không. Trong lúc đó, Đặng Phục và đám thị vệ cũng nhanh chóng tiến lên áp sát ba kẻ lạ mặt. Với sự áp đảo về nhân số và kiếm pháp tinh diệu của Đặng Phục, bên Phúc Hải nhanh chóng đánh lui ba kẻ lạ mặt về phía cuối ngõ. Lúc này lại xuất hiện thêm hai kẻ lạ mặt khác, một kẻ dùng đao tấn công đột ngột Đặng Phục, một kẻ dùng kiếm tiến lên tấn công Phúc Hải. Nói thì chậm, đao ra thì nhanh vô cùng, nếu thân pháp Đặng Phục không cao siêu thì chắc đã bị trúng một đao. Kẻ dùng kiếm tấn công Phúc Hải bật cao xuất ra một kiếm như bao trọn cả người Phúc Hải. Đây chính là chiêu Thương Tùng Nghênh Khách trong kiếm pháp phái Hoa Sơn. Phúc Hải không hề nao núng, xuất ngay một kiếm tấn công vào hạ bàn đối phương. Đối phương không ngờ Phúc Hải vừa bị tấn công mà lại đột ngột phản kích nên vội đạp vào bờ tường lộn qua đầu Phúc Hải tránh né. Kiếm pháp của Đặng gia không hoa mỹ nhưng thực dụng, thích hợp cả cận chiến và chiến đấu trên chiến trường. Một chiêu vừa rồi của Phúc Hải chính là chiêu năm xưa tướng quân Đặng Dung suýt giết chết Trương Phụ *2. Vừa trụ thân hình, kẻ lạ mặt lại xuất chiêu Hữu Phụng Lai Nghi. Phúc Hải liền thuận thế gạt kiếm đối phương nhưng cánh tay tê rần, lùi liên tiếp hai ba bước. Phúc Hải tự nhủ công lực của mình còn kém đối phương quá xa.

    Phía bên kia Đặng Phục có vẻ nhỉnh hơn kẻ lạ mặt dùng đao nhưng do phải chiếu cố cho đám thị vệ đối phó ba tên lạ mặt ban đầu nên không rảnh tay quay về trợ giúp cho Phúc Hải. Đặng Phục quan sát thấy Phúc Hải lùi liên tiếp hai ba bước thì khá lo lắng. Dù sao Phúc Hải còn chưa học hết yếu quyết của tâm pháp Thiên Lôi, công lực chưa đủ, khó có thể là đối thủ của kẻ lạ mặt. Đặng Phục quét ngang một kiếm định tách kẻ lạ mặt dung đao ra để về hỗ trợ cho Phúc Hải nhưng gặp phải kẻ liều mạng, bám riết không chịu rời.

    Kẻ lạ mặt dùng kiếm đang tấn công Phúc Hải thấy hắn lùi liên tiếp hai ba bước liền phóng ra tám chín nhát kiếm đâm tới tấp về phía Phúc Hải. Phúc Hải chưa biết hóa giải thế nào chỉ liên tiếp lùi thêm tám chín bước nữa. Đặng Phục kinh hãi nhận ra kẻ đang tấn công Phúc Hải vừa xuất chiêu Kinh Đào Mạn Phách trong kiếm pháp phái Hoa Sơn. Đang trong tình thế cấp bách, chợt cuối ngõ có kẻ dùng thương phóng ra chặn lại từng nhát kiếm đang tấn công Phúc Hải. Thương pháp mới nhìn thấy rất chậm chạp mà thực ra cực kỳ xảo diệu. Bề ngoài coi như yếu ớt, kỳ thực mãnh liệt vô cùng, chiêu chiêu khắc chế kiếm pháp Hoa Sơn. Vừa thấy nhóm tráng sĩ mới xuất hiện, năm kẻ lạ mặt biết không thể cự lại. Kẻ dùng kiếm và kẻ dùng đao quát to ra hiệu kéo theo cả ba kẻ đồng bọn rút lui về phía cửa thành Tây. Đặng Phục và mấy tráng sĩ vừa ra tay cứu Phúc Hải định truy đuổi gấp nhưng Phúc Hải ngăn lại, việc quan trọng trước mắt là phải lo an toàn cho Nguyễn Bỉnh Khiêm.

    Nguyễn Bỉnh Khiêm tiến lên nói:

    - Tạ ơn các vị tráng sĩ!

    Phúc Hải cũng cúi tạ vị tráng sĩ dùng thương:

    - Đa tạ tráng sĩ! Không biết tráng sĩ tên gọi là gì?

    Vị tráng sĩ trả lời:

    - Tại hạ là Nguyễn Cảnh Hồng *3. Nếu các vị không chê xin mời về Anh Hùng Quán tạm nghỉ ngơi.

    Thì ra Nguyễn Cảnh Hồng chính là thiếu chủ của Anh Hùng Quán. Phúc Hải lo cho an toàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm nên cũng thuyết phục ông đến tạm trú ở Anh Hùng Quán. Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa được cứu mạng nên cũng vui vẻ nhận lời. Nguyễn Cảnh Hồng thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đồng ý liền phái người đến quán trọ lấy hành lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi dẫn cả đám người quay lại Anh Hùng Quán. Phúc Hải cũng phái thị vệ đi báo cho tướng quân Mạc Đăng Lượng *4 truy xét năm kẻ lạ mặt vừa trốn theo hướng cửa thành Tây.

    Đặng Phục quan sát Nguyễn Cảnh Hồng hồi lâu rồi đột ngột hỏi:

    - Không biết Cảnh Hồng huynh có quan hệ thế nào với tướng quân Nguyễn Cảnh Dị *5?

    Thì ra Đặng Phục đã nhìn ra thương pháp nhà họ Nguyễn. Hai nhà Đặng Nguyễn ngày xưa cùng theo phò các vua hậu Trần, quan hệ khá thân thiết nên thường trao đổi võ học với nhau. Đặng Phục cũng biết vài đường thương nhà họ Nguyễn. Ngược lại Nguyễn Cảnh Hồng cũng biết vài đường kiếm nhà họ Đặng nên họ mau chóng nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng. Trên đường đi về Anh Hùng Quán, Đặng Phục được Phúc Hải ngầm đồng ý đã cho Cảnh Hồng biết anh đang làm thị vệ cho Phúc Hải và có ý mong Cảnh Hồng cùng góp sức cho Phúc Hải.

    Về đến Anh Hùng Quán, Cảnh Hồng sắp xếp phòng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm và thư đồng ở hậu viên, rồi mời cha là Nguyễn Cảnh Giang *6 đến thương lượng. Nguyễn Cảnh Giang là người hào sảng, vừa mới gặp lại được con cháu nhà họ Đặng liền rất vui vẻ nhận lời góp sức cho Phúc Hải. Hai cha con ông đồng thanh bái lạy Phúc Hải:

    - Xin chúa công nhận của Giang (Hồng) một lễ!

    Thật ra Nguyễn Cảnh Giang đã gặp Phúc Hải nhiều lần nên cũng biết đây là thiếu niên bất phàm, chuyện chiều nay trong Anh Hùng Quán cũng không thoát khỏi tầm mắt của ông. Phúc Hải mừng rỡ nói:

    - Hai vị chớ đa lễ! Hải được lão bá và Cảnh Hồng huynh giúp sức thì sau này lo gì không nhất thống thiên hạ.

    Nguyễn Cảnh Giang, Nguyễn Cảnh Hồng thấy Phúc Hải coi trọng mình như vậy thì rất vui mừng. Sau một hồi hàn huyên, Nguyễn Cảnh Giang hỏi:

    - Chúa công có biết lai lịch năm kẻ lạ mặt hôm nay không?

    Phúc Hải lắc đầu nhìn Đặng Phục. Đặng Phục liền trả lời:

    - Cháu thấy kẻ sử kiếm dùng chiêu Kinh Đào Mạn Phách trong kiếm pháp phái Hoa Sơn tấn công chúa công. Đao pháp của kẻ giao thủ với cháu rất nhanh, khác với đao pháp Đại Việt ta, có lẽ nào chúng đến từ phương Bắc?

    Mọi người trầm ngâm không hiểu lý do nào mà người phương Bắc lại xuống ám sát Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phúc Hải ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

    - Cũng không loại trừ khả năng triều đình Sầm Châu phái người ám sát Bạch Vân cư sĩ để đả kích sĩ phu chịu góp sức cho triều đình. Giang lão bá, Cảnh Hồng huynh, nếu điều tra được tin tức năm kẻ lạ mặt hôm nay, xin báo ngay với tướng quân Mạc Đăng Lượng.

    Trời cũng đã tối hẳn và thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm khá mệt mỏi nên Phúc Hải vội chào từ biệt rồi hồi cung. Trên đường về cung hắn lại miên man suy ngẫm về năm kẻ lạ mặt, về nguyên nhân chúng ám sát Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng cũng khá hài lòng với thu hoạch ngày hôm nay.

    Hết chương 5

    *****
    *1: chỉ sự kiện Mạc Thái Tổ cùng các bầy tôi Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Trị lên cửa ải, ông tự trói mình đến dâng biểu xin hàng quân Minh. Các sử gia đời sau có nhiều cách nhìn nhận trái chiều nhưng quan điểm gần đây được nhiều nhà sử học lật lại đều cho rằng nếu có thật thì việc này cũng đáng khen, đáng phục vì Mạc Thái Tổ đã hy sinh danh dự bản thân để tránh cái họa mất nước.

    *2 Trương Phụ: kẻ dẫn quân Minh xâm lược nhà Hồ.

    *3 Nguyễn Cảnh Hồng: nhân vật hư cấu trong truyện, là thiếu chủ của Anh Hùng Quán, đồng thời cũng là cháu bốn đời của tướng Nguyễn Cảnh Dị thời hậu Trần.

    *4 Mạc Đăng Lượng: là một tướng lĩnh hoàng tộc nhà Mạc, tước Hoàng quận công. Mạc Đăng Lượng cùng em Mạc Tuấn Ngạn được Mạc Thái Tông phái vào trấn thủ châu Hoan (Nghệ An) năm 1535. Ông được ghi nhận là người có công mở đất ở vùng Nghệ An.

    *5 Nguyễn Cảnh Dị: là danh tướng thời hậu Trần. Sau khi cha là Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất bị Giản Định Đế Trần Ngỗi giết, ông cùng con Đặng Tất là Đặng Dung tôn Trần Quý Khoáng lên làm vua, chống quân Minh. Mặc dù tương quan lực lượng giữa quân Hậu Trần và địch là rất chênh lệch, ông cùng Đặng Dung, Nguyễn Suý đã nhiều lần đánh bại quân Minh, nhiều phen khiến cho quân Minh phải lao đao. Về sau, lực lượng nhà Hậu Trần không chống nổi quân Minh dưới quyền chỉ huy của Trương Phụ và Mộc Thạnh. Thái bảo Nguyễn Cảnh Dị cùng vua Trùng Quang Đế, Đồng bình chương sự Đặng Dung, Thái phó Nguyễn Suý đều bị bắt. Theo Đại Việt sử kí toàn thư khi bị giặc bắt ông đã mắng vào mặt Trương Phụ. Trương Phụ tức giận đã cho mổ bụng, moi gan ông để ăn.

    *6 Nguyễn Cảnh Giang: nhân vật hư cấu trong truyện, là chủ nhân của Anh Hùng Quán, cha của Nguyễn Cảnh Hồng.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Topic góp ý thảo luận ở đây nhé: http://www.tangthuvien.vn/forum/showthread.php?t=140123
    Lần sửa cuối bởi Khinh Vũ 2020, ngày 01-02-2017 lúc 17:29.

    ---QC---


  10. Bài viết được 3 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    hailam1991,thanaret25,VoDienSu,
Trang 1 của 5 123 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status