TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 18 của 22 Đầu tiênĐầu tiên ... 81617181920 ... CuốiCuối
Kết quả 86 đến 90 của 106

Chủ đề: Giống Rồng

  1. #86
    Ngày tham gia
    May 2017
    Bài viết
    111
    Xu
    4,150

    Mặc định

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười bảy

    Trống giục Tống Bình, Hàn Ước xua quân

    Cờ reo Tạc Khẩu, Sĩ Giao giết giặc

    Chương 17.5 Giương cao ngọn cờ người Nam Việt

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười bảy

    Trống giục Tống Bình, Hàn Ước xua quân

    Cờ reo Tạc Khẩu, Sĩ Giao giết giặc

    Chương 17.5 Giương cao ngọn cờ người Nam Việt

    Súng mang Thôi Thị rời khỏi quân doanh đi về phía Nam, dọc theo bờ tây sông Đáy về tới Động Đỗ. Chỗ đất này, chính Súng và các anh em đã nhiều lần giành giật từng bao lương, từng mũi giáo với quân lính triều đình từ bờ đông sông Đáy. Cũng chính tại chỗ này, Phạm Đan đã từng bắt được cả Dương Thanh và Triệu Cường thuở mới từ đất Man Hoàng về Trường Châu chiếm đất.

    Từ Suối Yến đi vào phía trong động nay đã đổi khác rất nhiều, lính tráng thường xuyên cởi bỏ giáp phục, mang theo vợ con xuống núi dựng nhà ở phía hai bên suối. Chử Thị vợ của Phạm Đan lập dịch trạm ở bờ đông sông Đáy để giao thương với đất đồng bằng, chẳng thế mà bao nhiêu sản vật xứ Man Hoàng đều được đem đổi lấy lương thực một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Sau này vùng đất xung quanh Động Đỗ trở thành cứ địa vững trãi, nguồn cấp lương thảo chủ lực cho đội quân Dương – Đỗ.

    Trời đã về cuối đông, dòng suối Yến hiền hòa và dịu êm, từng chuyến đò ngược xuôi tấp nập chở theo biết bao nhiêu cân thóc, hạt gạo từ Động Đỗ ra chiến trường phía Đông, phía Bắc. Chử Thị từ trong dịch trạm nhìn về phía xa xăm, mặt trời đỏ tía, gió bấc hiu hiu, nàng ngồi lặng lẽ se từng sợi chỉ, đường kim may cho Phạm Đan một chiếc áo ấm để kịp gửi cho Phạm Đan trước khi chiến đấu với quân Hàn một trận đánh thật lớn. Trong dịch trạm có một đám quân nhu đang chuẩn bị chở lương ra Vũ Bình tiếp tế cho đội quân của Dương Chí Liệt ngoan cường chống lại sức địch còn rất hung hăng khi chiếm được thành Đỗ Động.

    Chử Minh, con trai của nàng sau sáu năm, nay cậu bé đã trở thành một thiếu niên khôi ngô. Cậu cầm đầu một toán thiếu niên thường xuyên đò dọc thuyền ngang theo dòng sông Đáy để thám thính đám dân buôn, điều tra bọn ấy xem kẻ thẳng người ngay để báo cho đám hộ vệ dịch trạm. Nhiều lần Minh bắt được đến cả chục tên do thám giao cho quân lính ở phía tây Động Đỗ xử tội. Ma Cao Dực nhiều lần ghé tới quân doanh ở Động Đỗ thường có ý khen Minh tặng cho Minh và em trai rất nhiều sừng trâu và ngà voi.

    Em trai của Minh là Phạm Đình, cậu bé năm nay lên mười, cậu bé này là một cậu bé cứng đầu, không phải một người thuần tính như Chử Minh. Ấy thế nên mấy lần Chử Thị mang Phạm Đình gửi cho tướng Đào Tung trấn giữ cửa biển Đại An nhưng họ Đào mấy lần đều lắc đầu ngao ngán. Phụng Quán có ý muốn dạy dỗ Đình cũng sai tướng Đổng Hùng mang về dạy bảo nhưng giữa đường đi về đất Trường Yên thì cậu ta nhảy xuống sông tự mình tìm về với mẹ và anh trai.

    Sau đó Nguyễn Bẻm được lệnh đến dịch trạm cùng quân lính cởi bỏ mũ giáp trồng dâu nuôi tằm cùng xới đất làm ruộng cả trăm mẫu đất xung quanh dịch trạm mới nhận Phạm Đình làm học trò. Nguyễn Bẻm tính tình bộc trực nhưng lại tềnh toàng, Bẻm cũng hay trêu trọc trẻ con nhưng lại được đám trẻ con xung quanh suối Yến rất yêu mến.

    Chẳng là có lần Ma Cao Dực mang hai tải sừng trâu và ngà voi sai đám ngụ binh cư nông mang đi bán. Bẻm định mang tặng cho hai anh em họ Phạm, nhưng Bẻm chợt nhớ đến nhà ấy có một thằng nhỏ cứng đầu nên mới nghĩ ra cách để dạy cho Đình một bài học.

    Bẻm lựa lúc hai anh em Minh, Đình ở dịch trạm, tướng quân họ Nguyễn sai lính đi dặn dò các nhà ven suối Yến trước, sau đó mang theo hai chục chiếc sừng trâu đến dịch trạm nói chuyện với Chử Thị. Thị bấy giờ đi vắng không có ở nhà. Minh ân cần hỏi han vị tướng người Trường Châu. Bẻm liền nói nhỏ vào tai Minh điều gì đó, Minh khẽ gật đầu đồng ý.

    Bẻm quay ra nói với hai đứa trẻ:

    - Bao sừng trâu này ta có ý tặng cho hai đứa em gái của các cháu, nhưng hai đứa còn nhỏ nên ta định mang lại cho mẹ các cháu để bán, đổi lấy lương thực cho quân ta.

    Đình mặt câng câng, cọ hai hàm răng vào nhau như để Bẻm chú ý đến nó. Bẻm quay ra cười với Đình:

    - Cháu là Phạm Đình phải không?

    Phạm Đình trề môi, mắt mở to nhìn Bẻm rồi gật đầu. Chử Minh vỗ lưng nhắc nó tỏ ra lễ phép hơn với người lớn. Đình lập tức vênh váo:

    - Cháu là Phạm Đình, con trai của Nhất Dạ Trạch Thủy tướng quân Phạm Đan, người bắt sống được Dương tù trưởng và Phong Châu mục Triệu Cường ở suối Yến này.

    Lời nói huênh hoang của đứa trẻ lên mười khiến Bẻm cau mày rồi quay ra hỏi Đình:

    - Ta nghe Phạm Đình bán hàng khéo léo, người ta bán giá bốn giá năm, Đình cháu đứng cạnh bán giá sáu giá bảy mà hết phăng có phải chăng ?
    Đình chống tay dưới hông đáp:

    - Phải.

    Bẻm cúi thấp người vỗ vào vai cậu bé:

    - Tốt lắm. Vậy chỗ sừng này ta nhờ cháu bán hết cho ta. Ta sẽ mua tặng cho cháu món đồ mà cháu thích nhất.

    Đình không tỏ ra có chút hào hứng như những đứa trẻ khác, mặt cậu bé vẫn lạnh tanh, cậu bé đáp lời:

    - Không cần. Con trai của tướng tài đâu cần mấy đồng bạc lẻ. Chỉ có vợ của tướng mới cần bạc để mua quân lương thôi.

    Bẻm vỗ tay tán thưởng:

    - Hay lắm. Mà cháu nghe ta dặn đây. Mang đi bán, cháu gặp ai thì giao là "Sừng này chẳng của mẹ cha. Mà ông Nguyễn Bẻm bán cho mọi người." Nói như vậy mọi người sẽ nể ta mà mua sừng, sẽ nhanh hết hơn.

    Cậu bé lẩm nhẩm trong miệng vài lần cho nhớ rồi nghe lời đi ngay. Vốn cậu ta chẳng ngại ngùng chuyện bán mua nên cậu ta nằng nặc đòi anh nó cho nó đi một mình. Phạm Đình cầm một mái chèo, dùng một chiếc thuyền độc mộc đi dọc cửa suối Yến đến tận chân Động Đỗ, cậu vừa chèo lái vừa giao:

    "Sừng này là của mẹ cha.
    Trâu to trên núi ai ra mua nào."

    Suốt dọc sông cậu bé khàn cổ lớn tiếng lênh đênh trên con thuyền độc mộc mà chỉ bán được có hai chiếc sừng. Cậu nghĩ trong đầu chắc do mọi người đi làm đồng chưa về nên không có ai. Cậu lại xua đò trở về dịch trạm đợi cho đến sẩm tối thấy mọi người xung quanh dịch trạm ai nấy trở về nhà, cậu bé lại lẽo đẽo mang đò và mái chèo đi theo hai bờ suối Yến để giao bán chỗ sừng trâu ấy.

    Cậu bé giao theo hai câu khi chiều cậu giao nhưng có vẻ mọi người vẫn hờ hững, cậu lại giao thêm hai câu mà mọi khi anh trai cậu lúc đi cùng cậu vẫn thường giao:

    "Phạm gia có bán sừng nào
    Ai ơi làm lược thì vào mua đây."

    Giã họng mà chẳng bán được thêm chiếc nào, cậu đói lả trên chiếc đò. Cậu ghé vào một căn nhà bên bờ suối Yến để xin bát cơm nguội. Chủ nhà ấy là một người phụ nữ không chồng, thấy Đình đói lả cũng thương xót mang ra một bát cơm suộm màu. Cậu bé cầm bát cơm màu tối trong chiếc bát mẻ và đôi đũa tre đã cũ. Cậu bé trộm nhìn rồi hỏi người phụ nữ:

    - Bác gì ơi. Bác có mắm không? Cho cháu xin chút đển ăn cho đỡ nhạt.

    - Không có đâu. Thời buổi này có cơm ăn là tốt rồi. Có ít cá tôm bác đem bán lấy tiền đong gạo chứ không giữ lại làm mắm.

    Cậu ta sụng sịu, ghè bát xuống nền đất cứng. Chiếc bát vỡ vụn, cơm bắn tung tóe lên mặt. Người phụ nữ hốt hoảng:

    - Ôi. Cháu ơi. Cháu làm rơi vỡ bát của bác rồi. Nhà bác có mỗi cái bát duy nhất đấy thôi.

    Đình quay ra mặt lầm lì nói:

    - Nhà cháu đầy. Cháu không ăn cơm nguội nhà bác đâu. Gạo thì thâm xì, chẳng có mùi vị gì. Ai mà ăn nổi.

    - Mày nói gì? Đã xin ăn lại còn lớn tiếng quát nạt bà đây hả. Đừng có cậy là con tướng, con tá mà hênh hoang ở đây. Nghe cái giọng điệu giao bán sừng trâu mà bà đã ngứa tai, thương mày nhóc con đói lả chứ không thì bà đã xé xác mày ra rồi.

    Bà cô già quay ra nổi khùng với cậu bé. Đình chẳng biết được cái tính khó ở của người phụ nữ ấy nổi tiếng đến nỗi nỗi cho đến tận bây giờ cô ta vẫn chưa có một mảnh tình. Những lời mắng nhiếc, những câu chửi bới từ khuôn miệng khi nãy vẫn còn ân cần với cậu bé cứ thế ám ảnh Phạm Đình. Đình cũng chẳng phải của vừa, cậu ta vừa chạy ra phía bờ suối vừa quay vào nửa câu cãi một với bà cô già ấy.

    Đình đói bụng nằm lễnh đễnh trên con thuyền xuôi nước về sông Đáy. Cậu lẩm nhẩm lại lời giao mà Nguyễn Bẻm nói với cậu. Lời nói gió bay, tiếng của cậu lanh lảnh, bỗng từ hai bờ suối mọi người í ới gọi nhau ra suối xin mua sừng trâu của cậu bé. Cậu lại còn được một cụ già mang cho một bát cơm nóng cùng với cá khô. Cậu đánh một bát thật no, ăn xong sừng trâu cũng đã bán hết.

    Cậu vội vàng mang theo số bạc vụn về tới dịch trạm. Chử Thị đã ngồi sẵn với Nguyễn Bẻm ở đó. Cậu bé cúi đầu chào hai người, Bẻm thấy mặt mũi Đình nhem nhuốc liền mở vòng tay đón lấy cậu bé vào lòng:

    - Nay bán được nhiều có vui không cháu?

    - Có. Nhưng sợ.

    - Sợ gì? Có tiền rồi thì phải vui chứ. Cháu có giao theo lời ta dặn không?

    - Không.

    - Thế sao mà bán được.

    - Thì không bán được nên cháu mới đọc lẩm nhẩm, ai dè mọi người nghe thấy.

    - Đấy. Phải nghe lời ta.

    Chử Thị thêm lời:

    - Thế dọc đường có chuyện gì hay sao?

    - Có bà cô già khó tính khó nết, chửi mắng con
    Nguyễn Bẻm cười lớn:

    - Cháu có thích nghe người khác mắng chửi hay không?

    - Không. Điên à.

    Chử Thị tét vào mông Đình một cái. Cậu bé co người suýt soa. Bẻm nói thêm:

    - Cháu cứ theo ta. Rồi ta sẽ bày thêm cho cháu nhiều điều hay hơn. Sau này muốn bán gì cũng được, mà cũng không phải sợ người khác chửi mắng mình.

    Cậu bé nhìn mẹ, vòng tay ấm áp và âu yếm của Nguyễn Bẻm trong lúc cậu bé vẫn đang còn lởn vởn những câu mắng chửi khi nãy của người phụ nữ già kia làm cho cậu bé cảm thấy đỡ tủi thân hơn. Từ bấy giờ, cậu bé theo Nguyễn Bẻm luyện binh, chăm chỉ rèn đọc sách kinh thư chỉ có cái tính nết ương bướng của cậu bé thì vẫn không hề thay đổi.

    Lại kể vể buổi chiều đông trước ngày Phạm Đan lâm trận lớn đánh nhau với họ Hàn, Chử Thị đang ngồi may áo để gửi đám quân nhu thì có tiếng gọi lớn khiến nàng đâm kim trúng ngón tay trỏ, máu chảy thành hai giọt dính trên ngực áo. Chử Thị ngước mắt lên nhìn thì trông thấy Súng và Thôi Thị đang đứng ở bực cửa dịch trạm. Hớt ha hớt hải, Súng vội vàng xin bát canh ấm uống cho đỡ đói và rét.

    Chử Thị hỏi han quân tình và người con gái đi cùng, Súng thẳng thắn đáp lời và giới thiệu cho Chử Thị về gia thế cô gái đi cùng. Hai người trò chuyện một lát thì đám quân nhu rục rịch rời dịch trạm. Nàng nhớ đến chiếc áo còn đang may dở gói ghém vội vàng để gửi cho chồng.

    Súng nhìn qua một lượt dịch trạm, nhìn vào bên trong thấy Phạm Đình cùng hai đứa trẻ đang nô nghịch liền gọi bọn chúng ra. Trông thấy Súng tập tễnh, Chử Thị an ủi:

    - Chân chú bị như vậy, cứ nghỉ ngơi ở đây một thời gian. Đánh xong trận lớn sắp tới, chắc anh nhà chị cũng được lãnh một huyện ở Giao Châu, bấy giờ khỏi cái chân rồi để chị bảo anh nhà chị sắp xếp cho chú một chỗ trong huyện nha. Rồi cũng lo mà cưới vợ đi.

    Súng gãi đầu gãi tai, mặt đỏ ửng:

    - Ai lấy em đâu mà chị.

    - Thế đây còn gì. Cô ấy xinh xắn, chú còn định chê sao?

    Cô gái kia chẳng nói chẳng rằng, Súng cũng lặng im chẳng nói thêm lời nào. Gió đông heo hắt thổi mỗi ngày một lớn, năm căn nhà phía bờ đông sông Đáy trống tếch trống toác ôi sao mà giá buốt. Đám quân nhu cũng đã rời đi, Chử Thị cũng kịp gửi cho Phạm Đan chiếc ao mà nàng vừa mới may xong, nàng chỉ mong sau sau đêm nay, trời sẽ không còn lạnh để cho Phạm Đan cùng nghĩa quân người Việt sớm thắng trận trở về.

    Chử Minh vừa đi thám thính xung quanh, quanh dịch trạm trong vòng hơn chục dặm không còn lấy một bóng thanh niên trai tráng. Chẳng vậy mà Phạm Đình mấy ngày nay ở nhà không lui tới chỗ tướng quân Nguyễn Bẻm nữa. Minh vẫn ghé mà trong gian nhà tranh ở phía sau bụi tre gần bãi sông chỉ còn cái xác nhà tềnh toàng, đám trẻ con hay đến nhà Bẻm vốn là học trò như Phạm Đình cũng chỉ có thằng Duân, thằng Hưng đến để dọn dẹp cho căn nhà khỏi gió bụi.

    Ngoài bãi sông chỉ có hai cụ ông đầu bạc hoa râm đang ngồi trên đám có xanh phía dốc xuống bến đò bên cạnh có ấm trà đã nguội từ bao giờ. Đó là hai người cha của hai chú lái đò, họ cũng đi theo Nguyễn Bẻm cầm giáo mác xông pha chiến trường. Mấy con đò nhỏ mọi khi xôn xao tấp nập nay cũng chỉ còn lác đác một hai chiếc với bàn tay của các dì các cô cùng bọn trẻ con xóm chài đang cố kéo lên những mẻ lưới nặng trĩu đầy thân cá bạc, tôm lớn nhảy tanh tách.

    Hai bờ sông mọi ngày những giọng âm trầm, những câu ca dao đối đáp giữa các chú, các anh hòa cùng những lời thánh thót, trong trẻo hôm nay cũng chỉ còn tiếng nhí nháu của mấy chị mấy cô đang cắp nách chiếc sảo thu hái lá dâu, hạt đậu để nay mai trời nắng lên sẽ mang phơi cho ráo.

    Thi thoảng lại có một toán quân chạy dọc bờ sông từ phía Trường Châu, giày rơm, khăn vấn tóc củ hành, người đóng khố, người mặc chiếc quần ống thấp ống cao, hoặc là cởi trần hoặc có chiếc áo vá đụm vá vai, mang trên mình mảnh áo tơi bằng dạ đang cầm giáo mác vội vã đi về phía bắc. Dẫu ngoài trời giá rét căm căm nhưng không ngăn được những ý chí sục sôi, những trái tim lửa cháy muốn cùng nghĩa quân đánh một trận cho đám quan tướng Tống Bình người Hoa Hạ phải cút xéo khỏi đất Nam này.

    Chử Minh cùng đám thiếu niên đi dò thám vẫy tay chào họ gửi những lời chúc thắng trận trở về. Minh nghe lời mẹ mang theo vải đỏ cắt thành thật nhiều sợi dây buộc và thật nhiều hạt đậu, hễ có đám quân hành quân đi qua thì tặng mỗi người lính một sợi dây buộc màu đỏ và chín hạt đậu tượng trưng, với hy vọng thắng trận trở về.

    Trời đã sẩm tối, Chử Minh trở về dịch trạm, trong trạm chẳng có lấy một bóng khách qua đường, chỉ có tiếng Phạm Đình đang hò hét bên trong đánh trận giả cùng với Súng và hai em. Chử Thị đang gói ghém đồ đạc và nấu sẵn một nồi cháo lớn. Nàng trông thấy con trai trở về thì dặn dò rằng:

    - Con trai! Sắp xảy ra trận chiến lớn, chắc quân lính của bác Nguyễn Bẻm đi hết cả rồi phải không. Cũng kịp may vụ này hạt đậu được, ấy là điềm báo cho chiến thắng sắp tới của quân ta. Con hãy bảo đội của con đến đây ăn bữa cháo ở dịch trạm rồi chuẩn bị qua bên kia sông tránh trận càn quét khốc liệt sắp tới.

    Chử Minh xoa tay cho khỏi buốt giá rồi lấy một bát cháo ngồi cạnh bếp lửa đang lom đom cho khỏi tê buốt. Ăn xong bát cháo đậu ngon lành, Minh lập tức đi gọi đội của cậu đến rồi bàn bạc đầu cuối để mang theo dân vùng này vượt sông, đi theo dòng suối Yến tới Động Đỗ trên lưng chừng núi cao lánh nạn.

    Canh hai, toàn bộ đám dân ở phía bờ đông sông Đáy đã chuẩn bị xong tư trang, lương thực chờ sẵn ở bãi sông. Một đoàn quân chừng hơn một nghìn người từ phía Động Đỗ đi tới giúp đỡ người dân qua sông vượt núi sang bên kia núi, tiếng nói cười í ới thôi thúc quân dân đồng lòng.

    Chẳng mấy chốc mà dân lánh nạn đã kịp qua sông hết thảy. Lương thực, đồ đoàn ngược dòng suối Yến lênh đênh ngược về Động Đỗ, người trên mặt nước, người trên bờ hơi ấm lan tỏa xóa tan đi cái giá buốt của trời đông năm ấy.

    Chỉ trong một đêm phía bờ đông tấp nập nay đã hoang vu đến lạ kỳ, những căn nhà mọi ngày tiếng cười nói quây quần được thay vào đó là một vài lính gác của nghĩa quân họ Dương. Bãi sông, bến đò cũng đã đóng cửa từ ban tối. Mọi động tĩnh đều được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Kẻ ra người vào không chót lọt được lấy một người.

    Lúc bấy giờ, quân đội họ Dương ở Trường Châu do Đỗ Phụng Quán chỉ huy đã bắt đầu phản công vào những cứ điểm ở vùng đồng bằng Giao Châu. Phía sau Trường Châu là châu Ái, Dương Thanh đã sai tám nghìn lính giữ chặt các cửa ải đi vào đất Trường Yên, cửa biển Đại An. Đỗ Sĩ Giao nhận lệnh trở về Tạc Khẩu cũng đã kịp dặn dò các tướng ở các huyện Thái Bình, Vũ Bình đang đồn trú ở trong các núi cao, động lớn chỉ chờ lệnh giết giặc.

    Ở Tống bình khi ấy, Trần Khôn thảo hịch, Hàn Ước ban khắp ba quân, khí thế lên cao lắm. Các ngả Phong Châu, Vũ Bình, Luy Lâu, Cổ Loa đều có tin thắng trận báo về. Trần Khôn mừng rỡ gửi cho họ Hàn bài thơ rằng:

    "An Nam đô hộ phủ nhà Đường

    Ai oán phận nghèo nỗi xót thương

    Giặc cỏ bao năm không tủi hổ

    Hàn Công độ thế cứu dân thường"

    Lời thơ lan tỏa trong quân lính Tống Bình, chẳng mấy chốc tới tai quân đội Đỗ Dương. Ở Tạc Khẩu, Sĩ Giao nghe quân báo về mà lòng nóng như lửa đốt, tính tới tính lui Sĩ Giao cùng hai tướng Đào Tung, Hà Bình Xuyên bàn bạc kế sách rồi dâng lên Dương Thanh. Trong đêm, Dương Thanh từ Câu Lậu sớm chuẩn y kế sách lệnh toàn quân theo kế sách họ Đỗ, các tướng dưới quyền Chí Liệt ở các châu cơ mi phía tây bắc được tự quyết kế sách. Các tướng nắm đội quân phía tây Tống Bình được theo kế hoạch ban đầu do Đặng Hoài chỉ huy.

    Sáng sớm ngày Tân Mão, trời gió heo may khô nứt da nứt thịt, những ngọn cờ phần phật bay cao. Sĩ Giao mở cờ trong bụng liền sai quân sửa soạn mũ áo, bắt một tên tù binh người Hoa Hạ đứng trước toàn quân, Sĩ Giao ban lệnh:

    "Hỡi toàn quân!

    Giao Châu đang thế loạn.

    Hàn Ước đang ngạo nghễ.

    Dân Nam ta đói khổ

    Ấy là tội lớn ở Tống Bình

    Những kẻ khua trống, đánh chiêng

    Mị dân ta bằng những lời giả dối, điêu ngoa

    Dương chủ tướng giương ngọn cờ đầu

    Họ Vương gương sau còn đó

    Bấy nhiêu lần dẹp bỏ tham quan

    Nhưng thế giặc khi ấy còn thịnh

    Chưa thể toàn tâm toàn ý cứu dân

    Nay Tống Bình hỗn độn bòng bong

    Dương chủ tướng một lần nữa đứng lên

    Giữ chắc lá cờ tiên phong giết giặc thù

    Nhiều đêm trăn trở nỗi nhục quốc thể

    Bao công luyện binh chỉ mong chờ ngày giết giặc

    Nay ta dâng đầu kẻ thù tế đất trời

    Tế anh linh những bậc tiền nhân

    Trận này đánh cho kinh thiên động địa

    Sống lại những oai hùng người Việt

    Làm rạng rỡ những trang vàng lịch sử

    Hỡi tướng sĩ ba quân, thề một lòng đánh giặc trả thù xưa."

    Ba quân đồng thanh lớn tiếng lời nói năm nào:

    "Việt thắng Đường, Dương thắng Lý! Quyết giết giặc trả thù xưa!"

    Sĩ Giao rút kiếm sắc nhọn nhìn trời cao rồi chém mạnh xuống sàn. Đầu giặc rơi khí thế ba quân cao ngun ngút. Ầm vang Tạc Khẩu ba tiếng "Giết quân Hàn!"

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


  2. #87
    Ngày tham gia
    May 2017
    Bài viết
    111
    Xu
    4,150

    Mặc định

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.1 Quân Tống Bình kiêu ngạo

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.1 Quân Tống Bình kiêu ngạo

    Tháng chạp năm Mậu Thân, nhằm tiết đông chí trời giá buốt Hàn Ước bắt đầu phong tỏa khắp các ngả viện quân của quân đội Dương Thanh từ Trường Châu. Ở Giao Châu, Hàn Lâm dần lấy lại thế trận cho quân đội Tống Bình ở các ngả phỉa đông nam, phía tây. Khu vực phía bắc sông Tam Đái, Thi Nguyên cùng Quách Thôi đã bất ngờ tấn công thành Bạch Hạc, hạ được thành. Triệu Cường buộc phải rút về trấn thủ huyện Gia Ninh. Trên mọi mặt trận, đội quân của Hàn Ước chiếm thế thượng phong.

    Về phía quân đội Man Hoàng, nghe họ Dương bị thất thế, Ma Cao Dực liền tức tốc tăng cường tám nghìn binh mã đồn trú ở các châu cơ mi ở gần hạ lưu sông Đà cho Chí Liệt gia cố binh mã ở các châu huyện phía tây Giao Châu. Dương Chí Liệt bỏ thành Đỗ Động lui về phía nam chờ viện quân tới phản công quân Hàn. Chỉ có phần đất từ phía nam thành Bạch Hạc đến phía bắc thành Đỗ Động, quân của Hàn Ước không thể giành lại được do sự chống cự quyết liệt của Cao Văn Trác và Đặng Hoài.

    Trước tình thế ấy, ở Tống Bình, Trần Khôn vẫn tỏ ra ung dung ngồi đánh cờ với Hàn Ước bàn mấy lời với họ Hàn trước trận đánh lớn với nghĩa quân Nam Việt sắp tới. Lời bàn đầy khinh rẻ đám quân của họ Dương rằng:

    - Nghe dân chúng Tống Bình kháo nhau rằng, chưa năm nao Giao Châu lại gặp tiết trời giá buốt đến vậy. Lại nghe bọn quân lính người Nam không có đủ áo ấm để mặc, thiếu thốn cùng cực. Bọn quân lính Trường Châu đến phân nửa là dân bản địa không ưa tiết trời khô rét, vội vã hành quân tới đất Giao Châu dưới tiết trời thấu xương sẽ là lợi thế lớn cho quân ta. Nay xét thấy phía tây đã bình định được, chỉ còn huyện Thái Bình, đất Đường Lâm và châu La Phục chỉ là đám tàn binh đang ngoan cố chống cự, việc quân ta thắng trận chỉ là vấn đề về thời gian. Quân chủ lực họ Dương đang dồn toàn lực phía hạ lưu sông Đáy. Nay đại nhân cầm đại binh phá được quân chủ lực của họ Dương, đám giặc cỏ người man ấy sẽ tự tan rã.

    Hàn Ước suy nghĩ hồi lâu hỏi:

    - Ta thấy lời của tiên sinh có ý rất hay. Ta cũng từng nghe vùng Giao Châu chưa bao giờ giá rét đến độ giá tuyết. Nay đất trấn Hải Môn băng giá khắp dọc đường hành quân của ta, hẳn là mùa đông năm nay rất khắc nghiệt. Ta cũng được nghe quân mật thám báo về lính tráng người nam chỉ đóng khố, kẻ khá hơn thì có quần mỏng, sức nào mà chiến đấu với quân ta gần hai phần ba là quân viễn trinh từ các châu quận Kinh Tương, Giang Nam. Tuy ta vẫn còn e ngại đôi chút.

    - Chẳng hay quan đô hộ còn e ngại điều gì?

    Hàn Ước nhăn mặt, giơ hai bàn tay hơ qua lò đốt cho khỏi giá:

    - Quả nhiên tiết trời đất nam thật khó chịu, dẫu không lạnh bằng Trung thổ nhưng sao mà tê tái đến gai người. Ta thấy rằng quân chủ lực người man đứng đầu là Dương Thanh, kẻ đã từng giết Tượng Cổ giữa La Thành này, uy trấn của hắn chắc hẳn vẫn còn nguyên đó. Lại thêm một viên tướng họ Đỗ tên là Phụng Quán, sức lực người này không thể xem thường. Hắn từng trấn áp cả một đội cướp biển mấy nghìn người ở cửa biển Đại An, theo quân họ Dương xông pha giết địch giữa nghìn người nổi danh huyện Chu Diên. Vì hiềm khích mà về với người bác hắn ở Trường Châu, sau lại quy phục tên họ Dương ấy. Xem ra trong quân ta, không có kẻ ngang tầm. Cùng với đó là tên Đỗ Sĩ Giao…

    Trần Khôn nghe lời lắng lo của Hàn Ước liền ngắt lời thưa:

    - Bẩm đại nhân. Xin đại nhân thứ cho. Trần Khôn tôi chẳng lo ngại điều ấy. Nếu Dương Thanh uy trấn đất An Nam, thì đã không bị người nam phản trắc, đất Ái, Hoan, Diễn, Phúc nào còn kẻ dám tuân lời hắn. Tên Phụng Quán đó được thêu dệt như thánh thần, so bì với Cam Ninh nước Ngô thời Tam Quốc. Há chỉ là miệng lưỡi của đám quân không biết tự lượng sức. Cái tên Sĩ Giao mưu dày nhưng hiểm độc như lá xoan đào, lừa họ Vương, lợi dụng họ Triệu, không đáng để lưu tâm. Trong quân ta nhiều binh hay tướng giỏi, kể ra như Hàn Lâm tướng quân, Đỗ Phụng Quán chẳng đáng để so bì. Về kế mưu, Trần Khôn tôi không dám nhận, nhưng bọn Hạ Trung Hùng, Trình Thảo Cứu cũng ăn đứt tên hèn sĩ họ Đỗ. Chưa kể đến các tướng Quách Thôi, Thi Nguyên, Cao Sâm, Trịnh Đồ…

    Hàn Ước nghe lời Trần Khôn phân giải mà thấy mừng trong lòng, tấm tắc ngợi khen cái khí chất của Trần Khôn, biết mình biết ta mà không tự hạ thấp bản thân mình. Họ Hàn hỏi tiếp:

    - Theo tiên sinh, ta nên sắp xếp các tướng thế nào?

    Trần Khôn lẩm nhẩm trong miệng điểm mặt qua các tướng rồi bẩm lại với Hàn Ước rằng:

    "Quân Nam tuy không đông nhưng cái chí được thui rèn, không thể đánh trận một trận hai thấy bọn chúng lui mà tự mãn được. Nay xét ra các tướng lĩnh ta đã bố phòng hợp lý. Tiểu nhân thiết nghĩ chỉ điều chỉnh đôi chút sắp xếp lại thế này.

    Đất Mê Linh giáp với châu Phong, Thi Nguyên và Quách Thôi đã nắm trong tay tám phần chiến thắng họ Triệu. Họ Thi kia vốn người Nam Việt, ta nên cho gọi Thi Nguyên về giữ mặt phía nam dọc theo sông Xích Đằng hướng ra biển lớn. Mặt này ít địch người Nam, cho Thi Nguyên giữ sẽ ổn hơn cả. Châu Phong không nhiều tướng giỏi, nội tình lục đục suốt mấy tháng nay kể từ khi họ Vương bị chết, lại mới nghe viên công tử Thăng Hùng cũng vì loạn ở Bạch Hạc mà ấm ức sinh bệnh rồi đột tử. Một mình Quách Thôi là đủ dẹp họ Triệu.

    Mặt phía tây, quân ta đã giành được Vũ Bình, tướng Hàn Lâm không quá phải lưu tâm. Đặng Hoài chỉ là một tên nho hủ, kiếm thuật không thông, võ nghệ chẳng tài. Cao Văn Trác là một tên hữu dũng, không đáng lo. Trong quân có viên tướng Thủy quân đầm Nhất Dạ họ Phạm tên là Đan là dạng dân chài lưới theo Chí Liệt mà được phong, cũng chỉ là hạng thường thường, xét ra để cho phó tướng của Hàn tướng quân là Từ Huyền, cháu trai của huyện lịnh Tống Bình Từ Hãn Xương thời đô hộ phủ Lý Nguyên Gia. Từ Huyền rắn giỏi, lại được thao binh ở Lục Châu gần ba năm, đã từng trải đánh với quân Man Hoàng và Hoàn Vương. Người này sẽ át chế được bọn Đặng Hoài.

    Tiểu nhân còn nghe, lão già Đặng Khả cha của Đặng Hoài vẫn đang ở đất Tống Bình. Hai cha con lão mỗi kẻ thờ một chủ. Thuở Dương Thanh tưởng như bị bắt giết, Đặng Khả theo họ Quế, sau đó từ khi biết Đặng Hoài theo Dương Thanh tới Man Hoàng, lão sinh trầm tư u uất, nhiều lần viết thư khuyên răn con trai trở về. Nay ta có thể dùng lão để dụ con trai về."

    Hàn Ước gật gà gật gù nhưng nghe đến Đặng Khả, Ước lại sởn gai khắp người. Họ Hàn nói:

    - Cái lão già lắm điều đó, ta không ưa. Đừng có lôi lão vào trận này. Mà nhà ngươi tính toán thế nào. Hai cha con lão thuở xưa dưới quyền quan đô hộ, con trai thì phản, cha thì bị Dương Thanh nhốt vào ngục lao vì gì ấy nhỉ. À, đúng rồi lão bị nhốt vào ngục lao vì tội nói lời khó nghe, làm lung lạc ý chí ba quân. Nào cái tên bất hiếu ấy có lo cho lão? Mà ta thấy lão ấy mấy lần trên điện nói lời như có ý châm chọc người khác, nói cứ như dạy đời cho quan trên. Ta chỉ muốn giết quách lão đi cho xong.

    Trần Khôn cười trừ, cúi đầu bẩm tiếp:

    "Bẩm đại nhân. Vậy thì thôi vậy. Vẫn còn kế để ly gián đám Đặng Hoài đó. Ở Tống Bình, ngày trước có hai kẻ cùng làm quan như Mã Tước, Mã Tước từng là đô đốc Thang châu dưới thời Tượng Cổ. Một tên là Hoành Trinh, cựu Tăng Thống huyện Tống Bình, một tên là Quản Đồ vốn từng là Quận châu mục.

    Ba người này trước thoát được tội chết, đút lót Đặng Khả bấy giờ dưới trướng của Dương Thanh tới Đại Đường Nam tự, sau đó Mã Tước trốn khỏi đó cứu được Dương Thanh khỏi nạn tử. Nay ta dùng hai tên đó để khuyên nhủ họ Mã, dùng châu báu lụa là hòng dụ dỗ hắn ngả theo ta.

    Về phía quân Man Hoàng, theo ngu ý của tiểu nhân, đại nhân gửi một lá thư tức tốc tới quan thứ sử Ung Châu sai quân nhiễu loạn vùng Bình Nguyên Châu thì há chẳng phải bọn ấy sẽ nơm nớp lo sợ. Chúng cũng còn đang bị lung lay bởi triều đình Nam Chiếu đất Quy Nghĩa. Chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể khiến bọn chúng lay lòng, sẽ không phải lo đến bọn chúng.

    Đất phía nam Trường Châu, thủy quân Quỳnh Châu đã cho thuyền cập cửa biển Y Bích vào tới đất Cổ Chiến, viết thư khuyên bọn Đoàn Uyển đánh giặc họ Dương từ phía nam. Các châu Hoan, Diễn, Phúc Lộc bọn quan lại nhiều kẻ thuộc hạ cũ của họ Dương nhưng bọn này tham vàng bạc, lụa là, tiểu nhân cũng đã cho hai thuyền lớn chở lụa là, gấm vóc tới cửa Xích Lỗ hòng khích cho bọn ấy không gây nhiễu cho Đoàn Uyển ở châu Ái. "

    Hàn Ước ngậm tách trà, rồi quay ra vểnh râu nhếch mép cười:

    - Đám giặc man người Nam xem ra cũng chỉ có vậy. Có Trần Khôn lo liệu việc trước sau chu toàn, ta thật an tâm biết nhường nào.

    Trần Khôn ánh mắt gian xảo nhìn Hàn Ước, kéo vạt áo vuốt râu nghễnh ngãng, cầm quân cờ đặt lên bàn cờ đầy những quân trắng đen. Khôn đặt xuống rồi cau mày đắn đo, sắc mặt Khôn xấu hẳn đi khi họ Hàn mở miệng cười khoái trá:

    - Cờ này thế khó phân định trắng thắng hay đen làm chủ. Tiên sinh thường ngày tính toán nước đi chu toàn, có chăng ta cũng chỉ giữ hòa được với tiên sinh. Nay có ý nhường Ước tôi hay sao mà lại để quân đen ấy ở chỗ hiểm yếu này. Vậy là thế cục thuộc về quân trắng rồi.

    Trần Khôn cúi đầu chăm chú nhìn bàn cờ, bất động nghe hết lời Ước nói thì ngước mắt lên trong cái thế cúi đầu ấy trộm nhìn Ước. Họ Hàn vẫn còn đương đắc trí, Trần Khôn trông vậy cũng cười theo xua tay:

    - Hôm nay tiểu nhân còn lo việc quân, chơi cờ không được tập trung. Tiểu nhân lấy giấy bút ra soạn quân lệnh cho đại nhân, chẳng hay ý đại nhân thế nào.

    Hàn Ước vẫn còn đang đắc trí cười nắc nẻ, nghiêng ngả quan sát bàn cờ từ bên trái, bên phải suýt soa về thế cục bàn cờ mà Ước vừa giải trước một tay luôn cho mình là đại cao thủ đất Giang Nam. Ước nghe chưa rõ lời Trần Khôn, lắp bắp hỏi lại:

    - Tiên sinh vừa nói gì? Ta nghe chưa rõ.

    - Bẩm đại nhân. Chuyện đại sự trước mắt, tiểu nhân mạn phép được thảo thư lệnh gửi các tướng thi triển kế sách mà chúng ta vừa mới bàn cho toàn quân để sớm ổn định binh tình. Quyết trận này quét sạch bọn mầm mống tai họa ở Giao Châu.

    Hàn Ước chưa kịp thỏa cơn vui liền cùng họ Trần kia sửa soạn quân lệnh rồi đích thân mặc áo giáp, cưỡi "Tiểu Hoàng Mã" dẫn quân đi về phía tây nam bọc hậu cho người cháu hiếu thắng Hàn Lâm. Trần Khôn vẫn được tin tưởng giữ Tống Bình và sai các bộ hạ thủ chặt ở các thành Luy Lâu, Long Biên, Cổ Loa, Liên Hựu.

    Hàn Ước buổi chiều muộn đã vượt qua sông Hát đi tới đất huyện Thái Bình, dọc đường đi Ước nghe đám quân bàn tán về quân nam đã rút lui vào trong núi gần hết. Hàn Lâm cũng đã chiếm được thành Đỗ Động chỉ chờ đại quân của Hàn Ước đến cùng hội quân phá các huyện Thái Bình, chiếm lại đất Đường Lâm và châu La Phục. Hàn Ước mừng rỡ chắc bẩm trong lòng "Quả không phụ lòng tin tưởng của ta, cái tên Trần Khôn đó cũng biết nhìn người đấy chứ."

    Đám lính nháo nhác, một tên lính chạy rẽ đất, chân khuỵu ngã trước mặt họ Hàn hổn hển nói:

    - Bẩm đại nhân. Hàn tướng quân nghe tin đại quân tới sai tiểu nhân tới báo cho đại nhân mang đại quân đi về phía tây nam thay vì đánh vào huyện Thái Bình.

    Hàn Ước không khỏi ngạc nhiên hỏi:

    - Tại sao lại là phía tây nam?

    - Bẩm. Hàn tướng quân nói huyện Thái Bình đã nằm trong tay của ngài ấy. Việc quan trọng nhất bây giờ là dồn quân đánh quân chủ lực họ Dương đang ở phía nam Đỗ Động.

    Viên liễu tá mới nhậm chức thay cho ông già Đặng Khả, thường ngày trong trướng soạn sớ sửa văn ở La Thành nay được tham chiến cũng có lời góp với họ Hàn:

    - Ý này của Hàn tướng quân thật là hay! Khi sáng, đại nhân cùng tiên sinh Trần Khôn bàn chuyện quân, tôi có nghe việc chiếm lại Thái Bình dễ như trở bàn tay quả nhiên không sai. Thay vì đánh vào Thái Bình, nay quân ta lập tức chuyển binh tới phía nam thành Đỗ Động khiến quân chủ lực họ Dương bất ngờ sẽ chẳng thể kịp trở tay. Chắc hẳn bọn chúng đã tập trung để giữ các thành huyện Thái Bình, đất Đường Lâm mà không nghĩ rằng những chỗ ấy Hàn tướng quân chỉ cần hắt xì cũng có thể chiếm được.

    Hàn Ước trên ngựa đắc ý giật cương ngựa khiến ngựa lồng lên, Ước ngã dúi dụi xuống dưới đất. Bọn lính tráng đứa nào đứa nấy đều cố nhịn cười mà không kìm được phải khúc khích che miệng nhìn nhau. Hàn Ước ngượng đỏ mặt như lá tía, vội vàng đứng dậy chỉnh lại mũ mão rồi hẹm giọng, sau đó tự dưng Ước cười vang:

    - Mẹ cha cái con ngựa ngu dốt. Bọn chuột nhắt Dương Thanh! Có mười tên Sĩ Giao cũng không thể có cái tài biến trên chiến trận như cháu ta.

    Nói rồi Ước lại nghĩ thầm trong bụng: "Phen này, đánh thắng trận này, dẹp được cái gai trong mắt triều đình Trường An, ta sẽ lại có món hậu hĩnh mà thăng chức, thăng quan rồi."

    Tay liễu tá cũng hô hào bọn lính:

    - Giết chết Dương Thanh, rửa thù họ Lý. Dẹp loạn giặc Man, Trường An thưởng lớn!

    Toàn quân khí thế hô hào, tức tốc hành binh về phía tây nam. Duy chỉ có tướng Từ Huyền đi được một đoạn chừng chục dặm thì bỗng nhớ lời của Trần Khôn chạy lên phía trước mặt Hàn Ước khiến Ước thất kinh dừng ngựa gần ngã nhào xuống đất. Huyền vội xuống trước mặt Ước quỳ gối bẩm với họ Hàn:

    - Bẩm đại nhân. Từ Huyền trẻ người non dạ khiến ngài kinh hãi. Có điều này Huyền tôi muốn được tham gia với đại nhân.

    Hàn Ước vuốt ngực, giữ chắc cương, khua môi múa mép:

    - Cái tên họ Từ nhà ngươi, ngươi định dọa chết ta đấy hả. Có chuyện gì cứ nói, đừng làm mất thời gian của quân ta.

    Từ Huyền cởi mũ, đứng dậy nói:

    - Đại nhân. Bọn giặc Man không thể khinh thường. Trần quân sư có ý muốn ta phải giành được trận địa phía tây. Theo ngu ý của tiểu nhân thì quân ta hãy…

    Hàn Ước cười ồ lên khiến toàn quân cũng cười theo:

    - Hay chưa. Đúng là họ Từ các ngươi bị ám ảnh bởi cái đám giặc cỏ ấy rồi. Từ chú bác ngươi Từ Nguyên Hãn nay đến nhà ngươi nữa. Làm tướng mà cái gan bé như chuột nhắt vậy ấy thế mà Trần Khôn kia lại cắt cử ngươi đối phó với tên Đan Đan gì đấy. E là Trần Khôn không có mắt nhìn người rồi.

    Hàn Ước đang cười bỗng tắt giọng nhìn Huyền. Ước lẩm nhẩm trong miệng điều gì đó, Ước quay ra nói lớn:

    - Thôi được. Ta cử ngươi cùng năm mươi lính kỵ, một nghìn bộ binh quay lại đi về huyện Thái Bình, gặp quân ta thì hợp binh chiếm lấy Thái Bình. Trong tay ta vẫn còn các tướng Trình Mậu, Cao Sâm, Trịnh Đồ và cả cháu ta Hàn Lâm nữa chắc chắn cái tên giặc họ Đỗ sẽ bị bọn ta bắt giết.

    Các tướng Trình Mậu, Cao Sâm, Trịnh Đồ cưỡi ngựa tiến lên bẩm với Hàn Ước:

    - Đại nhân. Ngài cứ cho hắn hai nghìn binh chứ một nghìn e hắn vãi hết ra quần khi thấy quân địch mất.

    Cả đám tướng sĩ cười hả hê. Hàn Ước quay ra vỗ về họ Từ:

    - Ta cấp thêm cho người năm trăm lính. Nhớ lời Trần Khôn đã dặn dò trong thư quân lệnh.

    Đại quân Tống Bình hướng về nam Đỗ Động chia làm hai ngả, một ngả theo dọc sông Đáy xuôi về nam do Hàn Ước cầm binh, một ngả đi theo đường bằng tiến về Đỗ Động hợp với binh mã Hàn Lâm hẹn cùng đánh quân Dương Chí Liệt và Đỗ Phụng Quán.

    Từ Huyền không mang theo hậm hực mà nhận lệnh ngược về phía tây bắc hướng thành huyện Thái Bình hợp với một đạo quân của Hàn Lâm do Trình Thảo Cứu dẫn năm nghìn binh đi từ Đỗ Động đánh lên phía bắc.

    Tới đoạn qua chân núi Ninh, Từ Huyền trông thấy một toán người đang cầm liềm vội vã vác từng bó dạ đi về phía thành huyện Thái Bình. Một tên vạm vỡ lực lưỡng đang cầm chiếc ba chạc, bộ râu sồm soàm làm cho kẻ khác nghĩ rằng gã đã tuổi ngoài tứ tuần. Thấy binh mã đến, có một vài người chân tay lẩy bẩy, run sợ. Từ Huyền trông bộ dạng chất phác mà thấy lính thì sợ hãi liền xuống ngựa hỏi:

    - Này các chàng trai. Không việc gì phải sợ. Ai là người đứng đầu ở đây.

    Người cầm chiếc gậy chạc ba, râu dậm mắt quắc tiến tới giọng vang vang:

    - Là tôi. Tướng quân có việc gì nhờ đến.

    Từ Huyền rút kiếm, gã kia giật mình dùng gậy chạc ba hất kiếm của Huyền đi. Đám lính nháo nhác, Từ Huyền chạy tới một tên lính đi đầu cầm chắc chiếc thương tiến tới chỗ của gã râu rậm. Từng bước mon men rồi đột ngột ra đòn, gã râu rậm bị họ Từ khống chế, bỏ chiếc gậy chạc ba xuống mặt đất.

    Gã râu rậm cầm cây chạc ba kia là ai? Từ Huyền có làm nên trò trống gì hay không? Quân Tống Bình kiêu binh tất bại? Mời quý vị đón đọc Chương tiếp theo của Giống Rồng...

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  3. #88
    Ngày tham gia
    May 2017
    Bài viết
    111
    Xu
    4,150

    Mặc định

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc


    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.2 Tiểu đồ lọc lõi khinh rẻ kẻ cầm binh


    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc


    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.2 Tiểu đồ lọc lõi khinh rẻ kẻ cầm binh

    Gã râu rậm kia thở dốc, Từ Huyền dùng sức trói gã lại. Huyền hỏi:

    - Các ngươi muốn chết hay sao mà dám chống lại quân triều đình?

    Gã râu rậm kia ra dấu, cả đám trai tráng quỳ sụp xuống bái lạy:

    - Mong các quan tha mạng. Mong các quan tha mạng.

    Từ Huyền ghì chặt đòn thương siết càng mạnh vào cổ gã râu rậm, Huyền hét lớn vào tai gã:

    - Nói! Các ngươi trai tráng? Giọng nói không phải người vùng này. Có phải là lính đào ngũ hay không?

    Gã râu rậm mặt mày đỏ tía, cố chống cự trước uy lực của viên tướng quân họ Từ. Gã nghiến răng, cố phát ra âm thanh từ miệng gã:

    - Bẩm tướng quân. Bọn tiểu nhân là đám ngư chài vùng Xích Đằng, vì nạn cướp và giặc man chiếm lấy sông mà tới vùng sông hát kiếm cá sống qua ngày. Mấy ngày qua lại bị bọn giặc man từ Trường Châu tới dễ đến cả vạn quân giày xéo, đám chài lưới chúng tôi chẳng thể sống nổi. Đi ngược sông Đáy thấy chỗ này có núi, có đầm mượn tạm ít đất của đám người bản địa mà dựng nhà tránh tai ương.

    Từ Huyền dần nới lỏng đòn thương, mặt gã nguội dần vừa nói vừa sặc sụa ho. Từ Huyền trông tầm mắt về phía tây con sông Đáy có một đầm nước lớn, bên cạnh là một núi thấp, cây lá xum xuê được tỉa gọt gọn ghẽ, thoáng lối đi vào. Từ Huyền bỗng nhiên trong người cảm thấy khác lạ liền thả gã râu rậm đi.

    Gã râu rậm đứng ra trước mặt hô đám lâu la mình trần đóng khố trong cái rét căm căm của tiết trời đông chí. Gã bở hơi tai, lắc đầu cho khỏi choáng vái rồi sai cả đám lính quỳ xuống. Hắn chắp tay cúi đầu từ tốn thưa khi Huyền mở lời hỏi.

    Đây vốn là đất Ninh Kiều, trên có núi Phượng Hoàng, tục gọi là núi Ninh, cạnh có đầm nước mát lành thông ra sông Đáy ấy là Vực Ninh. Nước sâu thăm thẳm lại nhiều cá tôm, dân bản địa ở đấy đã ở đây cả nghìn năm rồi. Dân đất ấy kể rằng, ngày trước Phụ tín Đại vương có ghé qua đất ấy, trông thấy chim Phượng Hoàng đậu trên núi cao, cúi đầu xuống vực nước bên cạnh nên xứ ấy mới có tên như vậy. Phụ tín dạy dân vùng ấy xảo thuật, chẳng mấy mà làng ấp xứ ấy nổi tiếng với nghề đẽo đá, chạm trổ, tiếng thơm nức vùng.

    Gã râu rậm sai một tên nói giọng xứ Đoài, giọng nghe nặng trĩu dẫn đường cho đám quân lính Tống Bình bước vào trong làng nhỏ phía chân núi nằm cạnh Vực Ninh. Xung quanh đây đồng trũng, đất nhấp nhô, thấy đám con gái đang be bờ đắp đất, dẫn nước từ con suối nhỏ từ trong hốc núi chảy ra. Một đám trung niên đang khơi mương mang nước từ đồng trũng đổ vào đầm nước.

    Từ Huyền sai quân lính nghỉ chân ở dưới chân núi, có chiếc đình làng bóng cây phủ khắp phía trước sân được lát bằng đá xanh. Đình được dựng theo hình chuôi vồ, tiền đường rộng ba gian chái, mặt trước là cửa gỗ chạm khắc điêu luyện. Mái đình được lợp ngói nung già, từng vẩy mái được đan xen kín đặc, trong không nhìn ra, ngoài chẳng thấy. Địa thế khuôn viên của đình thật hiếm thấy, cổng nghi môn nhìn ra Vực Ninh. Phía phải là bến tắm, có đám trẻ con còn đang nô nghịch hái sen bắt cá. Phía trái là hai chiếc cầu tre dẫn lối ra thủy đình cột xà chắc nịch bằng gỗ lim ngâm mình dưới nước sâu của đầm như đôi tay dang rộng ôm lấy bờ.

    Từ Huyền ngủ thiếp đi khi canh gà vừa điểm, phía trong đình gió nhẹ hiu hiu, hương hoa bưởi sớm nở quyện cùng khói nhang khiến người ta dễ chịu biết nhường nào. Có tiếng trống quân, Từ huyền choáng váng trong đầu nhìn thấy mờ mờ trong sương giá một lão thần uy nghi, cưỡi ngựa trắng, mặt đỏ hồng hào, giọng nói rền vang:

    - Các ngươi bậc quân tướng mà không biết thương xót nỗi đau của dân ấy là tội lớn, chỉ vì tranh giành vinh hoa phú quý mà giết hại dân mình, để cho đám tham quan ung dung nơi phủ điện mà đằm mình trong biển máu của dân nam.

    Một trận mưa giữa đêm đông giá buốt, nước mưa hắt trúng mặt họ Từ. Huyền giật mình tỉnh giấc ú ớ:

    - Hỡi thần nhân! Con xin người chỉ dạy.

    Hỏi ra mới biết, chính đình ấy thờ Phụ tín đại vương. Xưa nghe gương hiền nhân giúp nhà Tần đánh giặc mà không cướp một hạt thóc của dân. Thấy Tần đế tàn ác hại dân mà Ông Trong đành dứt quan về đất mẹ An Nam. Từ Huyền vội vã sắp lễ vật, dâng nén nhang lẩm nhẩm mấy lời cầu thỉnh:

    "Bẩm thần nhân trên cao chứng giám

    Con người trần nào dám nói sai

    Dân ca dân thán bi ai

    Làm thân tướng sĩ hiến tài xả thân

    Bao năm gian khổ bần sang ấy

    Nuốt trăm hận sao thấy đắng cay

    Mong sao qua được những ngày

    Không còn đói rét, thẳng ngay dạ này."

    Nói rồi một đàn chim cú kêu ầm vang xóm nhỏ làm xao động khắp mặt nước Vực Ninh. Tiếng ếch nhái kêu hoảng loạn trong đêm, một vài ánh đuốc phập phù dưới dưới trận mưa tàn cơn. Huyền chạy ra phía ngoài cửa đình sai lính tráng tập trung, chuẩn bị hành quân tới thành huyện Thái Bình.

    Bỗng có ánh sáng từ phía đình hắt ra chói lòa khiến Huyền không khỏi giật mình. Lại một bát hương trong đình làng người Nam nữa cháy. Ngọn lửa rực rỡ bốc cao ngun ngút, vài người dân đang ở sân đình cùng hoảng hốt. Gã râu rậm cầm chạc ba xông tới, hò hét đám quân dân dập lửa trong đình.

    Từ Huyền bước chậm vào trong, trong lòng canh cánh mối lo rằng "Chẳng hay đình làng có bát hương bị cháy, liệu có phải điềm không tốt xảy ra?"

    Gã râu rậm nhìn Huyền đầy âu lo liền vỗ vai cười hề hề với viên tướng người Nam:

    - Tướng quân chớ có lo. Thường là điềm tốt thì mới vậy. Xem ra ngài sắp gặp được niềm vui. Thắng trận này hoặc gặp người chi kỷ, cũng có thể gặp được người có duyên…

    Từ Huyền nhếch mép cười, hồn vẫn chưa hoàn nhập xác. Huyền ngồi nghĩ vẩn vơ, ngắt một cành đa già rồi vò vò bối rối. Từ phía tây có tiếng ngựa rào rào, Huyền sực tỉnh nhận ra Trình Thảo Cứu.

    Người này vốn là một viên tiểu đồ người Thang Châu, dáng người thấp nhỏ, tóc cứng như rễ tre chỉ mọc đến vai thì không dài ra nữa nên khi ở Thang Châu, bọn quan ở đấy vẫn gọi là hắn là thằng Đồ Tre. Năm nay Cứu tuổi mới hai lăm, xưa theo Mã Tước học việc ở phủ đô hộ khi Tước được Tượng Cổ tin dùng, sau đó do có ý chống đối họ Dương mà bị đày ở miền nam Phúc Lộc.

    Ở Phúc Lộc nhờ khéo ăn khéo nói lại khéo nuôi gà đá hắn được ưu ái trong trại Phúc Lộc. Tiếng đá gà của Đồ Tre lan ra khắp vùng đất xa xôi miền biên ải ấy khiến hắn được lòng đám cường hào đất Phúc Lộc. Hắn được giới thiệu làm giám hộ cho một viên phú hộ. Sau này, Dương Thanh ở Tống Bình bị Quế Trọng Vũ dẹp bỏ thì tên này phất lên như diều gặp gió.

    Trang trại của viên phú hộ năm ấy nuôi rất nhiều gà chọi, một lần viên huyện lịnh huyện Nhu Viễn ghé thăm, thấy Đồ Tre nhanh nhẹn và giỏi lựa gà có nhờ hắn lựa cho một con. Gà này sau được viên quan huyện mang đi thách đấu khắp châu Phúc Lộc đều thắng cả. Bấy giờ Đồ Tre được cất nhắc làm Lính lệ trong huyện nha. Sau theo viên huyện lịnh đá gà được lòng viên huyện lịnh, hắn đút lót quan huyện bằng tiền thắng cược đá gà để lo lót quan thứ sử châu Phúc Lộc. Đồ Tre được ban cho chức huyện thừa.

    Làm huyện thừa được nửa năm, Lý Nguyên Gia dựng La Thành muốn các địa phương vùng biên ải đóng góp nhân lực và tiền của. Huyện Nhu Viễn vốn là một huyện nhỏ nghèo ở châu Phúc Lộc, dân ở đấy không hay chữ, thanh niên phần nhiều đều bị bắt đi lính. Số trai tráng còn lại trong châu chưa đủ vẫn bị thiếu mất hai người. Ấy nên quan thứ sử châu ấy buộc phải sai các quan huyện tìm trong đám con cháu các huyện quan đang làm trong các nha huyện.

    Huyện Nhu Viễn thiếu một người nữa, quan huyện xét thấy chỉ còn mỗi Đồ Tre không thân thích lại còn trẻ nên rót mật vào tai họ Trình. Trình gói ghém tích được một lượng vàng cũng mới vừa thua đá gà, quan huyện cũng bị mất một khoản kha khá nên Trình ngậm ngùi phải đi ra Tống Bình làm chân nha dịch.

    Dựng xong La Thành, Lý Nguyên Hỷ cho giải giáp đám người huy động từ các vùng biên ải. Nhờ mối quen cũ ngày trước, Đồ Tre ở nhờ ở quán trọ trong La thành. Quán này vốn đông đúc nhiều khách qua lại. Đồ Tre nhận làm con buôn gà đá cho quán, từ bấy quán phất lên. Đồ Tre được giữ lại trông coi việc đá gà.

    Thi Nguyên có lần ghé tới xem đá gà trông thấy Đồ Tre thì ưng mắt, liền dạm hỏi họ Trình. Họ Trình lanh lẹ mà được lòng Thi Nguyên, Nguyên gả đứa em họ người Đỗ Động cho.

    Sau này loạn lạc, Vương Thăng Triều cất binh chiếm Tống Bình, quán ấy buộc phải đóng cửa. Họ Trình được Thi Nguyên cho làm giám quân, sau trận đánh ở sông Cái dẹp bỏ được họ Vương thì Trình được cất nhắc phò tá cho Hàn Lâm.

    Trận chiến sắp tới, đánh với quân họ Dương, Thảo Cứu bày kế mà chiếm được thành Đỗ Động. Hàn Lâm giữ quân ở trong thành rồi xuất binh tiến về phía nam. Thảo Cứu mang binh hợp với một phần quân Tống Bình đánh vào các huyện phía tây.

    Buổi tối giá rét lại có cơn mưa trái mùa, quân của Trình Thảo Cứu thấy chỗ đất rộng dựa núi lại có mặt đầm phía trước chắn che nên ghé vào. Gặp quân của Từ Huyền, Thảo Cứu thấy mừng lắm. Hai người vội vào phía trong đình bàn bạc việc quân.

    Thảo cứu châm đuốc nhìn qua gian đình rộng rãi, bỗng giật mình Thảo Cứu ném đuốc xuống, giọng nói run run, chân tay bủn rủn:

    - Thần nhân chốn nào? Xin ngài xá tội cho kẻ trần mắt thịt.

    Gã râu rậm cười lớn từ phía cửa đình:

    - Đình này thờ Phụ tín Đại vương, người ở đất Chèm nổi danh đất bắc dưới thời Tần Đế.

    Thảo Cứu chưa khỏi hoảng hồn, giọng vẫn còn lập bập:

    - Các anh có vừa trông thấy không ? Bức tượng trừng mắt khiến Cứu tôi kinh hãi.

    Từ Huyền kéo Đồ Tre, phủi chút vẩn bụi rồi vỗ về:

    - Danh tiếng của Phụ tín ta đây đã từng nghe. Ngài là một viên tướng giỏi lại rất thương dân, không mang cái uy để đi dọa nạt kẻ khác.

    Gã râu rậm thoáng qua trong đầu nghĩ rằng "Bọn giặc tham quan cũng chỉ là mấy kẻ nhát gan, xem ra ta phải cho bọn tham quan ấy một bài học." Gã râu rậm hồ hởi:

    - Đúng vậy, đúng vậy. Chắc vị đại nhân này có hơi chút bất an nên mới ra như vậy. Chứ Phụ tín ngài chẳng bao giờ nạt ai.

    - Anh ta là ai? – Thảo Cứu quát lớn chỉ về phía cửa.

    Gã râu rậm cúi đầu bẩm lại:

    - Bẩm đại nhân. Con dân có mắt như mù, đã xen vào việc lớn của các quan. Con là thằng Lợn ạ. Mới chuyển về đây kéo chài bên sông Đáy. Thấy các tướng quân uy phong lẫm liệt mà ghé xem đã làm phiền các tướng.

    Từ Huyền xua tay cho gã đi ra, nói với họ Trình rằng:

    - Bọn này là dân thiện lương. Không có điều gì đáng ngờ cả. Tôi đã sai bọn lính đi tra khảo đám dân ở đây, đúng là bọn này mới đến đây dựng nhà. Khi chiều vẫn còn thấy bọn ấy đi cắt gốc dạ để dựng nhà.

    Đồ Tre tỏ vẻ nghi ngại:

    - Bọn này trai tráng, hà cớ gì lại không phải xung quân? Có chắc là đám dân thiện lương? Thấy kẻ nào cũng săm một hình lớn ở chân.

    Từ Huyền cười khẩy, lắc đầu:

    - Thảo Cứu không biết đấy thôi. Dân Giao Chỉ thường có tục săm mình, nhất là bọn ngư chài, để chúng đuổi thủy quái, yêu tinh.

    Họ Trình vẫn còn chút nghi ngại:

    - Ừ, tôi biết. Chỉ có điều, quan đô hộ đã ban lệnh bỏ hết tục cũ của người Nam, bắt được kẻ nào sẽ giáng tội. Mà bọn này…

    Huyền nhếch mép:

    - Anh ở Phúc Lộc châu cũng thừa biết, bọn dân chúng ở trong thành thì có tuân theo, chứ ở ngoài, đám thổ phỉ ấy đâu nào có ai quản nổi chúng. Đánh chúng thì chúng chống trả, phạt chúng thì chẳng có tiền nên các quan địa phương cũng ơi à làm ngơ ấy thôi.

    Họ Trình nghe lời phân giải của Huyền cũng bớt phần nghi ngại. Thảo Cứu ngậm tách trà rồi còn đang nóng làm dịu đi cái tê buốt của trận mưa giữa đông.

    Từ Huyền cầm thư quân lệnh gửi cho Thảo Cứu. Họ Trình nhìn nét chữ nhận ra ngay chữ của họ Trần, Thảo Cứu bỗng cười phá lên. Huyền lấy làm ngạc nhiên hỏi:

    - Có điều gì khiến Đồ Tre buồn cười.

    Thảo Cứu đặt lá thư lên bàn, rồi đập tay thật mạnh xuống Huyền giật mình:

    - Cái tên họ Trần ấy thường ngày khua môi múa mép ở trong trướng phủ, nào có biết cầm gươm cầm giáo mà cũng bày kế nọ kia. Ta thấy Đô hộ đại nhân hơi nuông chiều hắn.

    Huyền thắc mắc:

    - Cớ sao anh lại chê cười quân sư?

    - Vừa nói rồi đó.

    - À, ừ… - Từ Huyền ấp úng.

    Quân mật thám báo về, có binh sĩ người nam sáng sớm ngày hôm nay có khoảng hai trăm người đi từ huyện Thái Bình về phía đông nam chưa thấy quay trở lại. Phạm Đan cầm hơn một nghìn lính đang ở phía bắc cách Vực Ninh chừng hai chục dặm đường. Còn lại đám quân của Đặng Hoài đang tỏa ra từ phía châu La Phục.

    Bấy giờ Đồ Tre hăm hở giáo mác, chưa uống hết tách trà mới pha, bát cháo còn chưa kịp nguội đã hất đi sai quân sĩ:

    - Địch ở phía trước, các ngươi mau mau chờ lệnh nghênh địch. Các ngươi điểm danh trong quân đề phòng có người của địch trà trộn trong quân ta. Phát hiện ra kẻ khả nghi chém chết không tha.

    Nói rồi quân sĩ của họ Trình điểm binh tướng ngay tức thì. Tất thảy bảy nghìn lính đã đủ, không thừa một ai.

    Họ Trình sai quân lính chia làm hai ngả. Một ngả đi theo hữu ngạn sông Đáy đi về phía bắc. Ba nghìn quân lính do Đồ Tre và hai viên tướng chỉ huy sẽ dụ quân lính của Phạm Đan đang đóng ở chân núi Đồng Lư kéo về phía nam đi qua núi Tiên Lữ, rồi tiếp tục đi qua khoảng giữa núi Trầm và dãy đồi ở phía tây.

    Cánh quân còn lại Từ Huyền sai quân lính đi về phía tây vòng qua núi Phượng Hoàng. Một nghìn binh mã sẽ mai phục từ trên núi Tiên Lữ hòng chờ quân lính của Phạm Đan đi qua thì lao ra chém giết, ba nghìn binh còn lại sẽ mai phục từ hai bên tả hữu chỗ đất bằng giữa núi Trầm và dãy đồi phía tây.

    Ba nghìn binh mã khẩn trương hành quân tới núi Đồng Lư. Đoạn giữa đường gặp một trăm lính của Phạm Đan đang cầm đuốc bên bờ sông Đáy đang cố gắng vượt sông. Trình Thảo Cứu lập tức cho quân cầm cung tên ra bắn xối xả xuống phía dưới sông. Quân của Phạm Đan dính tên đến phân nửa.

    Từ phía sau, đội quân của Trình Thảo Cứu xông lên chém giết, quân lính Phạm Đan vội vã bỏ thuyền, bỏ mái chạy về phía núi Đồng Lư. Đám quân chạy vào trong núi thì trong núi im ắng đến lạ thường. Đồ Tre sai quân dừng chân chia làm hai ngả đông tây thám thính quanh núi.

    Thảo Cứu sai quân chỉnh tề rồi hò hét để quân Phạm Đan nghe thấy xông ra đánh thì từ dưới mặt sông Đáy đi lên có đến hai chục chiếc thuyền nhỏ chở theo năm trăm lính cầm đuốc hò reo. Cánh quân phía đông của Thảo Cứu hoảng loạn vội vã quay ra chống trả. Thảo Cứu nghe tiếng hò reo liền sai quân từ ngả phía tây vòng qua phía đông yểm trợ.

    Lính của Phạm Đan ồ ạt nhảy lên bờ sông đánh một trận quyết liệt với cánh quân phía đông. Khi cánh phía tây do Thảo Cứu cầm đầu tới thì từ phía bắc núi, hơn một nghìn lính kèm theo cây lớn, đá lớn lăn từ phía lưng núi xuống, hò hét, khí thế lên rất cao.

    Trình Thảo Cứu liền sai quân rút ra xa chân núi đi về phía sát bờ sông, hai bên giao chiến quyết liệt mà không thấy Phạm Đan. Thảo Cứu e có chuyện không hay lập tức sai quân rút về theo kế hoạch.

    Quân lính của Thảo Cứu chạy được hai dặm thì từ một bãi lau xuất hiện thêm một đoàn quân xông ra. Một viên tướng mặc áo vải, tóc tém gọn gàng, chân đi giày rơm, mặc chiếc áo tơi bằng dạ, dáng người cao lớn, cũng râu rậm, mặt vuông, ngược tầm thước, đôi mày sâu róm cầm chiếc gậy chạc ba đón sẵn quân của Thảo Cứu.

    Thảo Cứu không khỏi bất ngờ, ánh đuốc hắt vào khuôn mặt của viên tướng người nam kia. Họ Trình hét lớn:

    - Thì ra mày chính là thằng Lợn râu rậm ở Ninh Sơn. Tao phải giết mày.

    Gã râu rậm này là kẻ thế nào? Phải chăng bọn Thảo Cứu, Từ Huyền bị mắc mưu của quân Nam Việt. Chương sau sẽ tỏ.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  4. #89
    Ngày tham gia
    May 2017
    Bài viết
    111
    Xu
    4,150

    Mặc định

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.3 Nước mắt chảy ngược trời xanh

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.3 Nước mắt chảy ngược trời xanh

    Phạm Đan cầm gậy chạc ba xông lên thúc vào cổ con ngựa chiến, Thảo Cứu ngã ngựa. Vốn kẻ học trò không quen đánh trên lưng ngựa, Thảo Cứu chạy tới giành một con ngựa từ một viên phó tướng rồi lệnh toàn quân rút lui.

    Phạm Đan nhảy lên lưng một con ngựa, vặn cổ một tay giám quân giành lấy ngựa của hắn. Phạm Đan thúc ngựa đuổi theo Thảo Cứu mặc cho quân lính bủa vây. Đội quân bọc hậu của họ Trình xua giáo mác chặn Phạm Đan nhưng không cản nổi sức quân người Nam cầm gậy gộc mái chèo đang hừng hực khí thế.

    Hơn ba nghìn lính của Phạm Đan trên bờ dưới sông theo lời chủ tướng đuổi họ Trình về phía nam. Nửa đêm giá buốt, quân lính của Phạm Đan phân nửa chỉ có chiếc áo tơi bằng dạ vẫn hùng hục đuổi theo quân đội Tống Bình.

    Đoạn đi qua núi Tiên Lữ, Trình Thảo Cứu cho quân hô hét đốt cỏ khô cháy sáng rực phía chân núi. Quân từ trên núi xông ra chặn đường quân của Phạm Đan. Nhân lúc quân khí thế cao ngút, Phạm Đan tiếp tục cho quân giao chiến.

    Bọn quân Tống Bình bất ngờ trước sức chiến đấu của quân Nam Việt, dẫu cho đội quân ấy thiếu thốn cực cùng nhưng uy võ chẳng hề kém cạnh quân Tống Bình. Quân đội Tống Bình bị bắt giết lên đến cả trăm người, bị thương vô số.

    Quân của Trình Thảo Cứu tiếp tục xuôi về phía nam do kế hoạch chặn đánh quân họ Phạm ở núi Tiên Lữ bị đổ bể. Chạy được chừng năm dặm, quân đội của Phạm Đan đột nhiên không đuổi theo nữa.

    Sương muối mỗi ngày một giá, tiếng gà gáy đêm le te báo đã canh tư. Trình Thảo Cứu cũng đã thấm mệt nghĩ rằng quân Phạm Đan chắc có kẻ báo tin nên không thấy đuổi theo liền sai quân bỏ giáo mác lấy gạo ra nấu cháo.

    Đám quân nhu vừa mang gạo ra khỏi những bị lớn thì từ phía nam đi lên, một ngả từ cánh đồi bên trái cũng đã kéo tới. Thảo Cứu đang hì hụi nướng củ khoai lang nghe tiếng quân lính liền giật mình đứng dậy. Vết nhọ lem nhem vẫn còn dính trên mặt, họ Trình quát tháo:

    - Đám quân ăn hại. Lúc bọn ta bị rượt thì chẳng thấy đứa nào. Bây giờ bọn giặc ấy chạy về phía bắc rồi thì lại tới đây. Mà đứa nào sai các ngươi rời khỏi đồi ấy?

    Một tên lính hớt hải quỳ xuống bẩm lại:

    - Bẩm đại nhân. Tướng quân Từ Huyền sai người cấp báo cho bọn tôi phải rời khỏi đồi ngay lập tức. Quân của đại nhân bị vây hãm ở núi Tiên Lữ khẩn cấp cần giải nguy.

    Thảo Cứu nhòe nhoẹt mắt vì khói cay sống mũi, lấy vạt áo kéo cao lên rồi lau đi vết nhọ trên mặt. Thảo Cứu xông tới đạp vào vai tên lính báo. Hắn ngã ngửa, mặt mũi xổ ra đầy máu đỏ. Đồ Tre ăn miếng khoai rồi nghẹn ứ trong cổ họng nói không ra hơi, trợn mắt xua kiếm nhìn cố quát nạt đám ngu binh:

    - Bọn dốt nát các ngươi. Lại bị bọn quân người nam lừa cả rồi. Mau mau rút quân về núi Trầm yểm trợ cho Từ Huyền.

    Bọn quân nhu vội thu bát cháo còn đang dở trên miệng đám lính. Cả đám quân lao nhao giận lắm nhưng chẳng kẻ nào dám mở miệng phản đối.

    Quân phía nam nghe lệnh của họ Trình tiên phong dẫn binh đi tới núi Trầm. Đồ Tre uống hai vại nước ấm mới thông được cổ họng lập tức sai toàn quân hành quân phía sau tiến về núi Trầm, họ Trình vẫn nghĩ trong đầu rằng Từ Huyền đang bị bao vây.

    Đám quân tiên phong đi qua một ngôi chùa dưới chân núi nghe tiếng chuông điểm giữa canh liền dừng lại. Cả đám quân núp phía ngoài ngôi chùa trông lên núi thấy vẫn lặng như tờ.

    Một tên cưỡi ngựa quay lại báo cho họ Trình. Đồ Tre nghe tin biết núi vẫn an liền sai người tới báo cho họ Từ biết quân của họ Trình đã về dưới chân núi, quân Phạm Đan không đuổi theo nữa.

    Phía trong gian chùa thoang thoảng mùi nhang thơm đưa theo làn gió tới đám quân Tống Bình đang phục phía ngoài. Trình Thảo Cứu thong dong bước vào cửa chùa, vãn cảnh ảo mờ trong tiết giá đông. Phía trong chùa có tiếng mõ tụng kinh, ánh sáng lập lòe từ chiếc đèn dầu phụng làm cho tâm dạ của họ Trình bỗng nhẹ tênh, dựa vào gốc thị mà mở gáy hồn bay.

    Thảo Cứu nhớ lại khi trước ở Đại Đường Nam tự, họ Trình vẫn thường ngày lén lút mang thư, mang gạo vào cho họ Mã. Biết sau gian lớn đại tự là một ngôi chùa nhỏ có gốc thị trước cổng, mấy lần Thảo Cứu ngủ quên ở đấy. Cũng nhờ may được vị tiểu hòa thượng chùa ấy độ lượng thương tình cùng sư Cảm Thành bao dung cho ghé ở chùa mà thoát tội mấy lần.

    Sau này chiến trận liên miên, Thảo Cứu cũng chưa từng ghé lại chùa ấy tìm viên tiểu hòa thượng và hai vị thiền sư ở chùa ấy. Đang lơ mơ dựa gốc thị vãn cảnh, họ Trình nghe tiếng chân thình thịch từ gian chùa trong bước ra cửa.

    Có bóng người ngó trước nhìn sau, Thảo Cứu liền núp vào phía sau gốc thị. Tiếng thì thào theo gió vọng ra:

    - Nói khẽ thôi. Trên núi có quân Tống Bình. Cẩn thận kẻo lộ hết cả bây giờ.

    - Lúc canh ba bọn ta bắt được một tên đi tuần, lấy mũ áo đến dãy đồi phía tây lừa đám quân ở đấy đi về phía bắc hết cả rồi. Bọn Từ Huyền nhát như thỏ đế, khi nãy ta lên núi báo với hắn hắn lập tức sai quân thủ chặt núi. Phen này ta sẽ đốt cả quả núi này cho bọn chúng thành đám chuột quay hết cả lũ với nhau.

    - Vậy Phạm Đan anh ấy thì sao? Nguyễn Hợi đợi ở Ninh Sơn đang tập hợp anh em chuẩn bị phản kích.

    - Phạm Đan ta đã cho người vượt sông đi theo bờ phía đông để báo tin. Quân Tống Bình phía bờ ấy đã rút hết về nam nên không bị phát hiện ra, chắc chỉ nửa canh nữa là sẽ tới.

    Trình Thảo Cứu vò tay, nắm thật chặt rồi đấm mạnh vào gốc cây. Đồ Tre hậm hực trong lòng "Bọn giặc chó dám lừa quân ta. Ta sẽ cho bọn mày phải chết!"

    Tiếng huýt sáo bỗng xua đi âm thanh tĩnh lặng trong đêm. Năm mươi tên lính cầm giáo mác vây chặt chùa rồi xông vào bắt giữ cả thảy tám người. Thảo Cứu chặt đứt một thân cây mây, tước lớp vỏ gai làm chuôi rồi vút mạnh vào mặt hai gã đứng đầu:

    - Bọn chó má gian manh. Khai mau, trong quân ta còn kẻ nào trà trộn? Không từng đứa sẽ máu chảy đầu rơi.

    Từng vết lằn vết xước trên lưng và cả những khuôn mặt má hóp gò cao đầy những vết bầm tím. Ngất đi rồi tỉnh lại bằng nước lạnh buốt giá.

    Không cậy được lời nào từ tám người ấy, Thảo Cứu lập tức hội quân, chém đầu tất cả tám người treo lên cây thị để giương uy. Đám sư tăng chỉ biết lẩm nhẩm niệm kinh "Nam mô a di đà phật. Thiện tai!" mà chẳng dám hé răng một lời.

    Thảo Cứu sai một viên bộ tướng cùng hai mươi lính canh gác ngôi chùa. Đồ Tre tự dẫn binh hướng về tây mai phục quân Phạm Đan đi tới. Cứu sai hai trăm lính giả bị thương lê lết ở bãi đất hoang, đốt lửa sưởi ấm và cháo lão lúc canh năm.

    Ba trăm quân mai phục phía đông nam núi Trầm cùng với Từ Huyền giữ chặt núi. Năm trăm lính khác đi về phía đông men theo bờ sông Đáy tới Vực Ninh hòng bao vây đám dân làng ở đấy.

    Hai khắc từ lúc Thảo Cứu sai hai trăm lính đốt lửa dưới chân đồi. Quân của Phạm Đan đúng như lời bọn người kia nói đã xông tới hò hét giết họ Trình.

    Hai trăm quân của Thảo Cứu nháo nhác, Phạm Đan xua quân truy quét quân họ Trình. Đứng giữa dãy đồi phía tây và núi Trầm bên trái, Phạm Đan quay ngựa một vòng cảm giác lặng thinh đến gai người.

    Phạm Đan cho quân rón rén từng bước đuổi theo, hai trăm quân đứng phía sau bọc hậu. Một mũi tên bắt trượt qua gáy, quấn vào đuôi ngựa khiến ngựa hí vang. Phạm Đan hò hét quân cẩn trọng. Từ bốn phía nỏ bắn ra như mưa, quân họ Phạm trúng tên vô số.

    Từ núi Trầm, Từ Huyền xông ra, đồi phía tây Thảo Cứu hô hào. Phạm Đan giữ quân không bị loạn, chống trả quyết liệt. Quân của họ Phạm bị chia làm ba đoạn. Đoạn phía nam Phạm Đan phá vòng vây thoát được sai quân lính đi theo hướng về Ninh Sơn.

    Đoạn phía bắc, quân lính không có người cầm đầu nên người nào người nấy thục thân chạy về núi Tiên Lữ. Tới chân núi dừng được một khắc, quân của Từ Huyền đuổi theo bắt kịp. Nhiều quân lính bị kiệt sức chống trả đều bị giết chết. Phần còn lại hơn bốn trăm người chạy về phía bắc thì gặp quân của Đặng Hoài tiếp viện.

    Đoạn quân ở giữa không sao thoát khỏi được vòng vây quân Tống Bình quá đông nên liều chết đến cùng. Hơn sáu trăm lính bị giết, gần ba trăm người bị thương đầu hàng quân Tống Bình.

    Phạm Đan dẫn binh đi, vừa chạy vừa ngoái đầu trở lại trông theo. Tới Ninh Sơn, Phạm Đan hồ hởi ra chạy tới đón người anh em đang đứng chắp tay sau hông, oai nghiêm ở phía gốc cây đa lớn trước đình làng. Nguyễn Hợi cắn râu, lắc đầu mà không nói được lời nào như ý muốn cản Đan không chạy tới. Đan không hiểu ý vẫn lao tới, mặt nhem nhuốc hăm hở:

    - Thằng Lợn Nguyễn Hợi đây rồi. Chú làm gì mà cứ ư ử trong miệng mà lại không chịu chạy ra đón ta. Trời rét như thế này mà không chịu mặc chiếc áo tơi vào. Chú chê áo tơi của quân ta làm từ gốc dạ có phải không. Cứ đứng chắp tay phía sau hông như vậy mà không mỏi à. Bọn quân Tống Bình phen này sẽ trúng kế mà đuổi theo quân ta về phía bắc. Tới huyện Thái Bình rồi bọn chúng sẽ bị họ Đặng bày mưu bắt giết hết cả thôi.

    Một tiếng hét lớn khiến Phạm Đan giật mình lùi về phía sau:

    - Anh Đan lùi lại.

    Từ phía dưới chân Hợi hai bên có hai tay võ sỹ người đô con, khá thấp nhưng thân thủ nhanh nhẹn cầm kiếm hất tung đám dạ lao về phía họ Phạm. Họ Phạm tránh được một mũi kiếm nhưng bị trúng một chém bên vai trái. Chàng ôm vai lùi lại.

    Trong cơn giận dữ, chàng gào thét, máu càng chảy ra nhiều hơn. Một tên lính cầm mảnh vải xé từ chiếc quần mỏng tang trên người hắn vội vàng quấn lấy vết thương cho Đan. Đan chậm rãi lui lại phía sau, cầm chiếc gậy chạc ba.

    Từ trong đình đi ra, cả chục ngọn đuốc được thắp lên. Mấy chục anh em người đầm Nhất Dạ ngày trước theo Phạm Đan bị bắt trói được dẫn ra. Phía trước mặt Nguyễn Hợi là một hố lớn ở dưới đầy chông tre, phía trên đan đầy cành khô và cỏ khô. Một tên từ phía sau Nguyễn Hợi cầm thanh kiếm sắc chỉ trỏ:

    - Họ Phạm ngươi số chưa chết thì anh em ngươi sẽ phải chết.

    Nói rồi, hắn đạp trúng lưng Nguyễn Hợi, Nguyễn Hợi ngã ra phía trước rơi xuống hố chông sắc nhọn. Cả mấy chục anh em người đầm Nhất Dạ cũng bị đám quân Tống Bình hất cả xuống phía dưới hố ấy. Già trẻ gái trai trong làng vì mang tội chứa chấp quân phản loạn cũng bị đám lính đó dùng đuốc thiêu rụi hết thảy. Không một mạng người sống sót trong bão lửa hung tàn.

    Bọn chúng châm lửa đốt hò reo nhảy múa, tươi cười trước mặt toàn quân họ Phạm. Đan lúc ấy mất máu nhiều, ra công ra sức hò hét đám quân xông lên chiến đấu mà chẳng kẻ nào dám xông lên. Phía đình làng, cây đa lớn cũng đổ rầm xuống chắn ngọn lửa dữ dội kia hắt vào trong đình.

    Nước mặt nhòe nhoẹt, sống mũi còn nhức không sao mà thở được. Phạm Đan gắng gượng cố níu chân bọn tàn quân quay lại chống trả bọn lính Tống Bình. Viên hộ tướng người Đỗ Động ôm lấy Phạm Đan, cố giữ Đan trên lưng ngựa rồi thúc ngựa về phía tây đi theo lối mòn phía bắc thành Đỗ Động. Nhờ người ấy thông thuộc đường đi mà Đan thoát được mũi giáo của quân Tống Bình.

    Suốt từ lúc bấy cho đến canh Tỵ gần trưa ngày hôm sau, Đan luôn miệng gào thét giữa quân doanh. Chàng ngất lên ngất xuống đòi gặp lại những người anh em suốt cả chục năm nay gắn bó với nhau nay lại bị giết bởi đám quân hung bạo.

    Viên hộ tướng an lòng họ Phạm:

    - Mong tướng quân hãy nguôi cơn thương tiếc. Những người anh em đó vì nghĩa dũng diệt thân, tinh thần đáng khâm phục. Mong tướng quân hãy bình tâm, vượt qua tiếc thương mà lấy lại khí thế ba quân cùng các tướng khác đuổi quân địch báo thù.

    Phạm Đan sai quân lính mặc áo tang, chặt ba cây trầm hương trên núi để thắp lửa tưởng nhớ những anh em đã khuất. Hết canh Ngọ, củi cháy đã tàn. Phạm Đan sai quân đi về huyện Thái Bình.

    Đan thất thần vắt vẻo trên lưng ngựa, nhìn mây trắng bay trên bầu trời như đang đùa vui giữa cái nắng hanh của giữa mùa đông giá. Khi ấy chàng lại nhìn về phía đông, vết thương dấm máu, giọt lệ lăn trên gò má sạm rồi tự nhủ lòng mình:

    "Nam nhi chí lớn khắp muôn nơi

    Lòng thắt quặn nhìn mây trắng trôi

    Dũng sĩ bao năm chia đói rét

    Anh hùng những tháng sẻ buồn vui

    Đông kia buốt giá nào đâu tỏ

    Tâm dạ thân hồn máu sục sôi

    Giận lắm anh em nơi cực lạc

    Chẳng lời giã biệt lúc chia phôi…"

    Đám tàn binh của Phạm Đan đi về phía bắc, đến canh dậu thì về tới thành huyện Thái Bình. Phạm Đan xuống ngựa, cúi gằm mặt bước vào. Cái giá rét chẳng khiến chàng để tâm, chàng đi mà hồn ở nơi nào. Mã Tước trên cổng thành nhìn thấy Phạm Đan đi từ phía nam tới mà không khỏi lắng lo.

    Mã Tước trong thành ngóng tin quân của Đặng Hoài suốt cả ngày qua mà canh cánh trong lòng chẳng ăn chẳng uống. Lúc tối trời ngày hôm qua, Tước còn trúng phong hàn nhưng vẫn chẳng chịu dưỡng bệnh. Trong người cảm thấy nóng ruột suốt cả đêm qua e có chuyện chẳng lành. Tước hỏi Đan đang thất thểu tiến lại gần:

    - Anh Đan. Có chuyện gì chẳng lành rồi phải không ? Trông bộ dạng anh quân tướng nào còn nghĩ đến chuyện giết địch.

    - Phải. Ta vô dụng, chẳng có tài cán gì cả.

    Tước cau mày trách giận:

    - Phạm Nô Đan. Anh nói vậy là ý gì? Đặng Hoài đâu? Sao quân anh lại chỉ còn có vài trăm người? Mà lại đi từ phía nam tới.

    Đan hất cổ xuống dưới chân thành:

    - Thì chỉ còn có chừng ấy thôi. Chết hết cả rồi.

    - Thế còn Đặng Hoài?

    Phạm Đan ho sụ sụ, mảnh vải quấn vai lại bị xộc xệch, máu dấm qua áo giáp giấy và áo choàng vai. Tước nhăn nhó mặt mày quay ngang quay dọc nhìn về phía đông xem chờ tin quân của Đặng Hoài. Biết Đan bị thương, Tước biết chuyện chẳng hay đã xảy ra rồi sai người cho Đan vào phía trong huyện nha nằm dưỡng thương.

    Nghe hộ tướng của Phạm Đan bẩm lại, Mã Tước càng thêm lo lắng. Suốt cả buổi chiều Tước quay ra quay vào sai người đi thám thính liên tục nhưng chưa thấy kẻ nào về.

    Chỉ có tin từ phía bắc, La Phục Châu quân lính của Quách Thôi tiếp tục công phá. Phía quân Man Hoàng, Ma Cao Dực vẫn chưa có động tĩnh gì để tiếp viện. Các cánh quân của Dương Chí Liệt đang chống trả lại với quân chủ lực họ Hàn do Hàn Ước cùng người cháu Hàn Lâm đang liên tiếp tấn công. Châu Nam Từ, sau khi Bạch Hạc thất thủ, Hỏa Cước Tốc Đinh Tráng buộc phải giữ binh ở đấy. Gia Ninh cũng rất nguy cấp, Triệu Cường bị đám người cũ của họ Vương lật lọng e sẽ chẳng thể chống cự lại sức quân của Triều Đình.

    Tình thế rất bất lợi cho quân đội họ Dương. Trận ở huyện Thái Bình này sẽ là nút thắt cho thế cục lúc bấy giờ nên Mã Tước càng không thể tĩnh tâm mà có thể chờ đợi.

    Sốt sắng về tin từ quân của Đặng Hoài, Mã Tước quyết định sai năm trăm lính mở cửa thành đi về phía đông. Tiếng cổng thành vừa mở, Mã Tước trông ra xa thấy khói bụi mịt mùng. Đúng lúc đó hai tên viễn thám trở về thành cấp báo:

    - Báo! Quân của tướng quân Đặng Hoài rạng sáng nay đánh nhau với quân Tống Bình một trận quyết liệt bên bờ sông Đáy. Quân của tướng quân Phạm Đan bị bắt giết phân nửa, tướng quân Đặng Hoài không hay biết Phạm tướng quân đã bị chết hay chưa nên tướng quân Đặng Hoài buộc phải lui binh về thành huyện Thái Bình. Phía sau thế quân địch rất mạnh, không thể chống cự được.

    Mã Tước mừng rỡ:

    - Hay lắm! Quá hay rồi.

    Cớ sao Mã Tước lại mừng vui trước thế địch rất hung hãn? Liệu kế hoạch của Đặng Hoài có thể hỏa thiêu đám quân Tống Bình hung hãn kia vẫn còn đương ngỏ. Chương sau sẽ tỏ.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  5. #90
    Ngày tham gia
    May 2017
    Bài viết
    111
    Xu
    4,150

    Mặc định

    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.4 Nhất Dạ Trạch thủy tướng phóng hỏa thiêu vạn binh


    Giống Rồng

    Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

    Hồi thứ mười tám

    Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn

    Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội

    Chương 18.4 Nhất Dạ Trạch thủy tướng phóng hỏa thiêu vạn binh

    Bọn bộ hầu thấy thấy Mã Tước phản ứng trước thế địch mà lấy làm lạ. Mã Tước tắt nụ cười rồi lắp bắp giải thích:

    - Ý ta là quân địch không biết Phạm Đan vẫn còn ở đây. Bọn chúng sẽ càng dễ bại.

    Tước sai người đóng chặt cổng thành, sai bọn lính tinh nhuệ trốn nấp trên những kèo nhà dân và các mái dạ trọng thành. Còn đám quân già yếu đứng trên thành và giữ cửa thành để chuẩn bị thực hiện kế sách đã định từ trước.

    Đặng Hoài chạy tới phía chân cổng thành cùng với hơn bốn nghìn quân xin được vào thành. Quân của Từ Huyền và Trình Thảo Cứu áp sát ngay phía sau đứng cách xa chừng một dặm hô hào. Mã Tước trên thành nói vọng xuống chối lời của họ Đặng. Hoài dưới thành phân trần:

    - Mã Tước chớ có lo, với hai nghìn quân trong thành chi bằng mở cổng thành cho quân ta vào hợp thành sáu nghìn binh mã sẽ giữ được chắc thành.

    Đặng Hoài ra dấu cho họ Mã, họ Mã hiểu ý càng nói lời kiên quyết:

    - Thôi khỏi. Mở cổng thành quân địch phía sau áp sát sẽ rước họa vào thân. Chi bằng tướng quân chạy về phía tây, có viện quân từ Man Hoàng và Trường Châu tới sẽ cứu được. Thành huyện Thái Bình này cứ để tôi lo. Sức địch vạn quân không phá nổi thành huống chi địch chỉ có hơn nửa vạn.

    Đặng Hoài tỏ ra hậm hực đành cho quân chay men theo chiếc hào đi vòng qua phía nam. Quân vừa rút về phía tây thì quân đội Tống Bình cũng vừa cập tới. Từ Huyền phía dưới thành cười lớn, chỉ mũi giáo lên thành nói:

    - Bọn giặc cỏ người Nam các ngươi xem ra cũng chỉ là một lũ ham sống sợ chết. Thành lớn như vậy mà lại bo bo giữ quân mình, đuổi quân đồng minh đi không cần biết sống chết.

    Mã Tước từ trên thành nói vọng xuống:

    - Mặc xác quân bay chửi bới. Ông không màng đến. Có giỏi thì xông lên đây.

    Dáng người tầm thước vừa phải, giọng nói đặc sệt xứ Thang Châu, một người từ trong đội binh mã Tống Bình bước lên nói vọng lên:

    - Mã tiền bối. Lâu ngày không gặp anh. Hóa ra anh vẫn còn sống, lại là tướng cho giặc man.

    Mã Tước nheo mắt dưới ánh nắng chiều đông, gió heo may thổi khiến nhòe cay con mắt. Tước sực nhớ ra viên tiểu đồ theo Tước học việc ở Tống Bình. Tước bối rối, lắp bắp giữa ba quân:

    - Nhà… nhà ngươi là kẻ nào?

    - Đại ca quên tôi rồi sao. Thằng tiểu đồ Thảo Cứu, mà đại ca vẫn gọi là thằng Đồ Tre đây.

    Tước toát mồ hôi giữa ngày đông, cả người ngứa ngáy. Tước cố gắng định thần lại rồi nói xuống:

    - Ra là Đồ Tre, Thảo Cứu. Ngươi theo ta học điều hay lẽ phải, cớ sao lại đi theo đám tham quan?

    - Kẻ khiến dân oán thán ở Tống Bình là họ Dương. Đâu đâu đám dân ấy cũng nói vì họ Dương mà Đại La tàn tạ. Nếu không phải triều đình Trường An thì đám dân Tống Bình đã bị họ Dương đó giết sạch vì nghi ngờ bọn chúng.

    Họ Mã lui vào phía trong, không đối đáp với những người quen cũ. Viên hộ tướng nghe lệnh sai quân bắn nỏ xuống dưới thành. Quân đội Tống Bình lùi ra xa.

    Từ Huyền bàn với Trình Thảo Cứu định đuổi theo Đặng Hoài thì Đồ Tre cản lại:

    - Bọn giặc ấy không có gì đáng ngại. Dẹp châu Phong, dẹp Đỗ Động rồi thì ắt sẽ tự tan. Nay ta được giao phó huyện Thái Bình, cứ hạ trại ở đây. Nội sớm mai sẽ chiếm được huyện thành. Thành này tuy không phải là thành bé nhưng lương thảo ở đây phải chờ cấp viện từ châu La Phục. Mà La Phục lại bị quân Quách Thôi đánh phá cả tuần nay. Lương trong thành chắc chắn sẽ chỉ đủ hết ngày mai.

    Từ Huyền nghe theo, sai quân hạ trại bao vây tứ phía thành huyện Thái Bình. Chập choạng tối, Thảo Cứu cho gọi hai người Hoành Trinh và Quản Đồ tới trại. Đồ Tre nói:

    - Hai anh trước cùng với Mã Tước được quan đô hộ tin cậy cũng là chỗ thân quen. Nay ở trên thành nghe sắc mặt anh ấy không tốt khi gặp những người từng thân quen với anh ấy như tôi. Giờ hai anh có thể giúp Đồ Tre tôi vào trong thành thuyết phục anh ấy hàng quân ta để tránh khỏi tội phản nghịch, cũng là tránh cái tội chết.

    Hoành Trinh nhìn Quản Đồ rồi nói:

    - Là chúng tôi sao?

    - Chẳng nhẽ lại là Đồ Tre. Ở trước ba quân, bọn chúng thấy rõ cái mặt của Thảo Cứu rồi, bọn gác thành trông thấy có khi đã giương nỏ mà bắn chết ta rồi. Hoành Trinh và Quản Đồ hai anh hãy cố nói cho khéo mà vào trong thành khuyên nhủ anh ấy.

    Hai người đó gật đầu nhưng trong lòng không khỏi bồn chồn. Đoạn đi ra khỏi trại, Đồ Tre chạy tới đưa cho hai người đó một lá thư. Đồ Tre dặn dò:

    - Thảo Cứu đưa cho hai anh lá thư này. Hai anh đi về phía tây, ở đó có cổng thành nhỏ, chỗ ấy không có quân của ta bao vây nên sẽ bớt bị bọn lính ở chỗ ấy nghi ngờ.

    Quản Đồ gật đầu rồi ghẹm lá thư vào trong tay áo. Hoành Trinh cũng dắt ngựa đi theo. Đi được nửa canh giờ, hai người đã tới được cổng thành phía tây. Hai người đập cổng thành xin vào. Dù nghe thấy giọng Giao Châu nhưng quân của Mã Tước vẫn dò xét rất kỹ. Một tên lính lệ trên cổng thành ném đuốc xuống.

    Trinh nhặt soi từ trên xuống dưới, hai người lếch thếch mũ áo, miệng lắp bắp:

    - Bọn chúng tôi là người quen cũ của Mã đại nhân. Mong các anh thưa với đại nhân cho chúng tôi vào trong thành trú nhờ. Ngoài kia hai bên đánh nhau bọn chúng tôi chẳng còn chỗ trú thân.

    Tên lính gác thành nói nhỏ với một tên lính đang đi tuần ở phía bên trong thành đi báo họ Mã. Hai người kia vẫn đứng dưới co ro, hơ lửa trên đuốc cho khỏi tê tái thi thoảng lại liếc lên nhìn bọn lính đang trợn trừng nhìn hai người.

    Thêm nửa canh giờ nữa trôi qua, có giọng nói đã từ rất lâu mới được nghe lại từ phía trên cổng thành đang đứng giữa hai tên lính cầm khiên gỗ nói vọng xuống:

    - Hai người phía dưới đó là ai? Có việc gì cần gặp ta?

    - Là bọn tôi đây. Hoành Trinh và Quản Đồ đây.

    Mã Tước trong thoáng lát chưa nhớ ra nhưng rồi nhìn hai khuôn mặt phía dưới Tước đã nhớ ra. Tước sai người ném đuốc bắn nỏ ra xung quanh, không có động tĩnh gì Tước mới sai người mở cổng thành cho vào.

    Ba người hàn huyên hồi lâu, kể lại chuyện cũ từ thời quan đô hộ Tượng Cổ. Sau đó loạn loạc họ Hoành và họ Quản đến Đại Nam tự, Mã Tước trốn được ra ngoài còn hai người kia ở bên trong tự ấy. Dẫu biết kế của bọn Long Trạch, Giả Thường tiếp tay cho họ Quế vào Tống Bình nhưng hai người ấy cũng buộc phải đi theo.

    Trong lúc ngà say câu chuyện, Quản Đồ lấy lá thư trong tay áo ra đọc qua một lượt rồi cười phá lên. Mã Tước hỏi Đồ cười có ý gì. Đồ đọc lớn lá thư :

    "Đại ca Mã Tước – đô đốc Thang Châu!

    Năm xưa, kẻ học trò có đức hiếu học mà được đại ca nâng đỡ, tình cảm thắm thiết suốt cả một quãng đời. Nhớ có lúc kẻ học trò này trái tính trái nết mà đại ca khuyên răn chỉ bảo nhiều điều hay lẽ phải ấy thế mà tránh được thị phi.

    Thuở đại ca về Tống Bình phục dịch cho quan đô hộ, kẻ học trò non kém lẽo đẽo khắp mặt nước sông Cái theo quan huyện Tống Bình đi thu tô, vào núi Nùng tìm bọn nợ sưu. Sau giặc nam nổi dậy, anh em ta thoát được cái tội chết. Nhờ anh khôn khéo mà được bọn ấy tin dùng tới Đại Đường Nam tự làm mật thám. Bấy giờ gian nan biết nhường nào.

    Trăm trận đòn roi, suốt cả tuần bị bỏ đói, nhờ phúc đức dày mà em tìm được lối vào trong ấy bón cơm cho anh. Anh thoát ra được cũng là lúc anh em ta mất sợi dây liên lạc bởi trước đó em đã bị đày về Phúc Lộc.

    Mấy năm sau có cơ hội về đất Tống Bình, em nghe người ta nói anh tìm thằng Đồ Tre nhưng đã chẳng còn ở chỗ quán rượu cũ anh vẫn hay ghé tới, khi đến Tống Bình anh nhờ người quen gửi em ở đó. Nghe tin ấy mà cổ họng sao nghẹn ngào, nước mắt chẳng thể cầm được.

    Ấy vậy mà đã gần chục năm rồi, em cố gắng dò hỏi tin tức về anh. Người ta chỉ nói anh theo giặc phản loạn. Nay đứng trên thành trông anh thật oai dũng, dáng người chẳng khác ngày anh làm đô đốc ở Thang Châu. Chỉ có điều mái tóc anh chấm bạc, đôi mắt nhăn nhìn thằng Đồ Tre ở dưới. Chắc anh cũng thấy như em vậy, nghẹn đắng trong cổ họng này mà chẳng thể nói ra.

    Đồ Tre rút gan rút ruột, nói lời chân tình với đại ca. Mong anh hiểu cho nỗi tâm tình của ngu đệ. Hay quay đầu, Cứu em không muốn trông thấy người anh cả rơi đầu trước toàn quân.

    Hai người Hoành Trinh và Quản Đồ cũng tâm can ấy mà tới khuyên nhủ anh. Anh có giận cũng đừng trách mắng họ. Mong tin đại ca như ngày xưa ngóng ngu đệ ở Tống Bình.

    Ngu đệ, Đồ Tre Trình Thảo Cứu."

    Mã Tước mắt mở mắt nhắm, rượu òng ọc từ vò rượu đổ ra. Ba người rượu ôm nhau cười khanh khách, nói vu vơ ngâm thơ rồi nói tục vang vang.

    Nghe thấy huyên náo, Phạm Đan choàng tỉnh giấc, cầm kiếm sắc xông thẳng tới điện phủ. Thấy hai người lạ mặt Đan quắc mắt mắng:

    - Hai tên kia các người là kẻ nào? Dám chuốc say chủ tướng của quân ta?

    Hai người mở mắt xua tay nói:

    - Anh chàng kia râu rậm trông thật kỳ lạ. Lại bó vải trắng ở quanh vai?

    Mã Tước gàn tay, mắt lờ đờ đứng dậy trong hơi men. Người chếnh choáng, họ Mã chỉ thẳng mặt Phạm Đan:

    - Cái tên dân chài đáng ghét. Ngươi ăn gan hùm gan hổ à? Dám vào phủ của ta nói lớn.

    Chẳng cần đôi co thêm một lời, Phạm Đan liền lấy thừng trói hai tên kia vào cột nhà. Đan sai bọn lính lệ kéo Mã Tước vào phía trong điện. Người Tước mềm nhũn như bún, chẳng có chút sức lực nào. Phạm Đan lẩm nhẩm "Cái tên họ Mã này, đang chiến trận căng thẳng, địch trước mặt vây chặt tứ phía ấy vậy mà uống say với kẻ lạ mặt đến độ như thế này. Thật chẳng đáng mặt kẻ làm tướng."

    Phạm Đan ngồi chiếc ghế chủ tọa trên điện chỉn chu lại vết thương ở vai. Đan nhìn quanh thấy có mảnh vải dưới sàn liền nhặt lên. Đọc từng nét chữ thanh thoát, Đan hoảng hốt sai quân trói cả ba người lại.

    Viên phó tướng dưới quyền họ Mã là Chu Hồng được Phạm Đan cho đọc lá thư lại thấy Mã Tước say mèm cùng hai tên mật thám kia nên đành tuân theo lời Phạm Đan. Đan nói với Hồng:

    - Giặc ngay trước mắt, giặc ở trong thành. Nay nhà anh hãy cắt đầu một đứa, sai một tên lính tráng ra khỏi thành ném vào doanh trại quân Tống Bình để cho cái thằng Đồ Tre ấy biết quân ta không ngu muội như bọn chúng nghĩ.

    Chu Hồng nghe theo sai lính cắt đầu Hoành Trinh đang ngái ngủ rồi sai một tên lính dũng cảm ra ngoài thành ném vào doanh trại họ Trình. Quân Tống Bình nhặt được đầu lâu, đứa nào đứa nấy thất kinh.

    Từ Huyền bàn với Thảo Cứu, Cứu hay tin giận lắm liền sai toàn quân tập kích công thành ngay trong đêm. Cứu nói trước toàn quân:

    - Giặc man gian ác, ta sai sứ giảng hòa, chúng cho giết chết lại còn mang đầu lâu ném vào doanh trại quân ta. Coi quân ta không ra gì. Ta đã có ý khuyên bọn chúng đầu hàng nhưng bọn chúng ngu muội làm ra cái tội ác đáng căm giận ấy.

    Đoạn nói tới đó, toàn quân hừng hực hô vang:

    - Quyết dẹp giặc nam, phá huyện Thái Bình. Giết.

    Gần một vạn quân khí thế xông lên. Từ trên thành, quân đội người Nam bắn nỏ như mưa xuống dưới thành, chỉ trong nửa canh giờ, mũi tên đã hết mà đội quân Tống Bình không tổn hao là bao. Phạm Đan buộc phải sai quân lính đổ dầu xuống chân thành phóng lửa thiêu cháy quân Tống Bình. Từ Huyền sai lính chạy từ cổng đông sang cổng nam, đi tới đâu dầu đổ, lửa bắt theo đến đấy.

    Được thêm nửa canh giờ, quân Tống Bình vẫn tiếp tục xông lên dẫu cho dầu liên tiếp đổ xuống. Dầu cũng đã cạn, Phạm Đan buộc phải lệnh toàn quân trong thành chống cự quyết liệt trước sức công phá liên tục từ hai phía cổng thành.

    Hai cây gỗ lớn, đầu bọc sắt nhọn được quân Tống Bình liên tiếp nhồi vào hai phía cổng thành. Trong vòng một canh giờ từ canh ba tới canh tư, quân Tống Bình phá được cả hai cửa thành ồ ạt xông vào trong thành.

    Phạm Đan sai lính chống trả được thêm nửa canh giờ thì thế yếu hơn rõ rệt sai quân rút lui về cổng phía tây và phía bắc phá vòng vây của quân Tống Bình mà tháo chạy. Chẳng mấy chốc cả thành huyện Thái Bình tan hoang.

    Từ Huyền sai lính lùng sục khắp thành, quyết không kẻ nào sót lại trong thành còn sống sót. Trình Thảo Cứu trong trận đánh không thấy Mã Tước và Quản Đồ nên đã nghĩ hai người đó bị Phạm Đan trừ khử mà trong lòng giận dữ khôn ta xiết.

    Đồ Tre gào thét trong đêm, tìm khắp ngõ ngách, từng gian nhà không thấy một bóng người. Cơn giận dữ khiến Đồ Tre không còn sáng suốt, sai lính phá nát toàn bộ những gì còn sót lại, từ mái nhà tranh cho đến từng vách đất đã xiêu ngả từ bao giờ.

    Mùi dầu cháy khét vẫn còn nồng nặc, quân Tống Bình không hề hay biết Phạm Đan kia có mưu đồ gì. Từ Huyền sai quân nghỉ ngơi, lệnh đóng chặt cửa thành chờ tin chiến thắng từ các mặt trận khác.

    Rạng sáng canh năm ba khắc, tiếng gà gáy vang khiến Đồ Tre chợt tỉnh giấc, họ Trình nghĩ tới Mã Tước vẫn còn canh cánh trong lòng. Trình tiến vào điện phủ với hy vọng có chút manh mối về họ Mã nhưng chẳng thấy. Đồ Tre nhặt được lá thư mà mình viết cho Mã Tước vẫn còn nồng nặc mùi rượu.

    Thoáng chốc, Thảo Cứu cũng kiếm cho mình vò rượu uống cho ấm trong tiết trời đông giá. Từ trên nóc nhà có tiếng lách cách, họ Trình đi ra ngoài dò xét. Từ phía tây, quân chạy tới báo:

    - Bẩm tướng quân. Góc thành phía tây bỗng nhiên có lửa bốc lên. Gió heo may thổi cháy lan sang cả phía nam rồi ạ.

    Trình Thảo Cứu giận dữ quát tháo :

    - Bọn chúng bay đứa nào bất cẩn gây hỏa hoạn, còn không mau dập lửa?

    Tin liên tiếp báo về, các nhà phía bắc, phía đông từ đâu lửa bốc cháy dữ dội. Phía nam thành rất nhiều củi khô dạ nỏ bắt lửa rất nhanh, quân không sao dập tắt kịp do nước trong thành không đủ. Bấy giờ Trình Thảo Cứu mới giật mình nhìn lên nóc nhà.

    Trên mái nhà phủ điện họ Trình nghỉ ngơi có đến năm tên lính chỉ mặc áo tơi bằng dạ, đóng khố đang cố châm lửa. Từ Huyền chạy tới báo lại cho Thảo Cứu rằng trong thành mỗi nóc nhà có hai đến ba quân lính người Nam châm lửa cháy rồi gây láo loạn trong thành.

    Gió heo may thổi mỗi ngày một lớn, cả thành huyện Thái Bình như một chiếc lò thiêu cả nghìn quân lính Tống Bình. Bọn lính tha hồ giẫm đạp lên nhau, cố dội ướt cả thân mình để thoát khỏi chiếc lò thiêu ấy.

    Từ Huyền cố gắng sắp xếp đội hình đội ngũ trong khi đó Trình Thảo Cứu lầm lũi đi từ phủ điện đi ra chém lấy đầu năm tên lính người Nam. Hai tên hộ tướng ôm lấy Cứu tháo chạy ra khỏi thành.

    Chạy thoát khỏi bão lửa, Cứu bị cháy mất một cánh tay. Thảo Cứu dặn bọn bộ tướng phế đi, đứa nào đứa nấy không dám. Từ Huyền đành phải rút kiếm chặt rời cánh tay bị cháy của Đồ Tre. Đồ Tre kêu gào thảm thiết, nước mắt chảy ròng nhìn đám quân sĩ đang cố sống cố chết thoát khỏi bão lửa.

    Ở phía ngoài, quân của Đặng Hoài đã chờ sẵn hai cổng phía bắc và phía đông. Quân lính Tống Bình chín phần thương vong đến tám. Còn lại đám tàn binh theo Từ Huyền chạy về phía nam. Một đám người ngựa khoảng ba mười người theo Thảo Cứu chạy về bắc hòng chờ viện binh từ châu La Phục và châu Phong.

    Phạm Đan sai quân mai phục suốt dọc đường đi. Hơn chín trăm tàn binh còn lại hơn nửa chạy thoát khỏi vòng vây của nghĩa quân người Nam. Từ Huyền cắm đầu cắm cổ chạy vẫn ngoái đầu lại hỏi bọn bộ tướng:

    - Quân Nam còn đuổi theo nữa hay không? Hai bên còn mai phục nữa không?

    Sau trận Thái Bình, Từ Huyền bị ám ảnh bởi lửa. Hễ ngửi thấy mùi dầu hay đám quân châm lửa Huyền lập tức sai dập đi. Từ Huyền bị bọn bộ tướng Hàn Ước đuổi khỏi quân ngũ về đất Chu Diên sống thêm được vài năm. Nghe dân chúng huyện ấy kể lại, vợ Huyền đốt rơm trong nhà đun cháo cho chồng ăn, Huyền thấy lửa kinh hãi vội chạy ra bờ sông Luộc, hương Đa Cương dìm mình dưới sông rồi chết đuối.

    Trình Thảo Cứu sau trận thua trước quân đội người Nam cố đi tìm viện quân, trong vô vọng đã bỏ trốn vào rừng sâu. Theo vết máu, người ta tìm thấy một cái xác chỉ còn một cánh tay ở bìa rừng núi Tản.

    Nghe dân vùng ấy kháo nhau rằng bọn chúng đi qua chỗ ấy hay trông thấy một người thấp nhỏ đang lúi húi chặt cây cứ thấy người là biến mất. Sau đó dân ở núi ấy dựng bia mà thờ thì mới hết.

    Sau này nhắc đến trận đánh ở huyện Thái Bình mùa đông năm Mậu Tuất, dân Nam vẫn thường hồ hởi đọc mấy vần thơ:

    "Gió heo phương bắc thổi về nam

    Trám trắng đầy sân, sen úa tàn

    Đông đã đi qua hay mới đến?

    Lá thời xanh mướt ngả vàng cam

    "Kiêu binh tất bại" xưa nay đúng

    "Thấu ngã tri thù" phá giặc tan

    Vạn kiếp thiên thu chẳng gột hết

    Thái Bình ngọn lửa giết gian tham

    ---

    Văn Lang đất thuở hồng hoang

    Vạn Xuân, Âu Lạc, Lĩnh Nam oai hùng

    Ngàn năm đói khổ bần cùng

    Bao nhiêu trận đánh lẫy lừng sử xanh

    Mê Linh nữ tướng tung hoành

    Liên Châu Hợp Phố ghi danh anh tài

    Hùng Sơn Hắc Đế giương oai

    Đường Lâm Bố Cái nào ai sánh bằng

    Giặc kia tham ác hung hăng

    Vạn quân kéo tới cuốn phăng đất trời

    Bạo gian chẳng được lòng người

    Trời xanh thấu tỏ, đất thời chẳng dung

    Một đêm sương gió mịt mùng

    Thành cao lũy đất bỏ không cho thù

    Canh năm gà gáy âm u

    Tiếng kêu thảng thiết hỏa thiêu Thái Bình

    Vạn quân hùng mạnh kiêu binh

    Lưỡi khua ba tấc họ Trình trá gian

    Nào ngờ nghĩa tướng Phạm Đan

    Dùng mưu họ Đặng quân Hàn thua to

    Đại quân triều Bắc lắng lo

    Nghĩa quân Nam Việt chẳng cho lối về…"

    Liệu rằng cánh quân phía tây thất bại ê trề có làm cho đám quân Tống Bình sợ hãi? Chuyện còn đang bỏ ngỏ, chương sau sẽ tỏ.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


Trang 18 của 22 Đầu tiênĐầu tiên ... 81617181920 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status