TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 2 của 4 Đầu tiênĐầu tiên 1234 CuốiCuối
Kết quả 6 đến 10 của 17

Chủ đề: [Cổ đại] Trần Chân - Búp Bê

  1. #6
    Ngày tham gia
    Jun 2017
    Bài viết
    17
    Xu
    0

    Mặc định [Cổ đại] Trần Chân - Búp Bê - Chương 5

    Chương 5: Mợ ba nhà họ Huỳnh​



    Sau ba ngày ở tại nhà mẹ, cuối cùng tôi và Cát cũng lên thuyền quay về Hải Đông. Lần này theo tôi chỉ còn mỗi Nhược Lan chứ không phải ba nàng hầu như trước nữa. Cát sau khi chia tay với Tú Bình thì càng lúc càng buồn hơn. Chỉ có mỗi Xuân Mai trước sau vẫn giữ vẻ mặt không cảm xúc.

    Chúng tôi vẫn ở hai phòng khác nhau. Hằng ngày anh Cát theo anh cả ra các xưởng dệt, ruộng trồng dâu để học cách làm ăn. Tôi thì ở lại nhà, ngoan ngoãn tập tành nội trợ, quán xuyến chuyện gia đình cùng với chị cả. Có khi tôi và Cát gặp nhau ở buổi cơm chiều, có khi gặp nhau vào buổi tối lúc anh về nhà sớm…tổng lại, một tuần cũng không quá ba lần.

    Nhược Lan ngày nào cũng càm ràm tôi về chuyện này. Chị ấy khuyên tôi nên chủ động nói chuyện cùng Cát để giảm dần khoảng cách giữa chúng tôi. Những khi như vậy tôi cũng chỉ cười xuề xòa: “Chị à, hôn nhân là chuyện cả đời chứ đâu phải một ngày một bữa. Em đây không gấp thì chị gấp gì.”

    Nhưng không phải chỉ mình Nhược Lan quan tâm đến chuyện của tôi và Cát, chị cả cũng cực kỳ quan tâm đến chuyện này. Một hôm, trong lúc đang phụ chị làm bánh nếp, chị đề cập đến chuyện của tôi: “Chân à, chú ba vẫn chưa chịu dọn về phòng em sao?”

    Tôi thật thà trả lời: “Chưa chị ạ, chắc anh ấy vẫn chưa quen với sự có mặt của em trong nhà này.” Nhưng tôi vẫn vẽ vời thêm lí do biện hộ Cát: “Nhưng anh ấy đi làm về khuya như vậy, tính em ngủ cũng không yên nên nếu nằm chung giường với em chắc anh ấy ngủ không ngon được đâu. Em thấy anh ở riêng vậy cũng tốt.”

    Chị cả nghe tôi giãi bày, tức giận gõ gầu tôi: “Tốt gì mà tốt. Vợ chồng là phải ngủ chung, dù ban đầu không yêu nhau nhưng khi đã nằm cạnh nhau, quen hơi rồi sợ gì không phát sinh tình cảm. Đến lúc đó thậm chí bắt xa nhau một đêm thôi cũng chịu không nổi rồi.”

    Tôi xoa xoa đầu, trêu chị cả: “Giống như anh cả và chị có đúng không?”

    “Cái cô này..” Chị định gõ tôi thêm một cái nhưng tôi nhanh trí tránh kịp. Có lẽ chị nghĩ đến anh nên ánh mắt ngập tràn hạnh phúc, nhỏ nhẹ bảo tôi: “Trước sau gì thì hai đứa cũng phải nghĩ đến việc sinh con nối dõi cho nhà họ Huỳnh, đâu thể tránh mãi được. Nghe lời chị, chốc nữa bánh chín, đích thân em mang đến xưởng dệt cho chú ba một ít đi. Tình cảm vợ chồng phải bồi đắp từ những việc đơn giản nhất em ạ!”

    Tôi nghe theo lời chị cả, bánh vừa chín tôi liền lựa đĩa đẹp nhất do đích thân tôi làm bỏ vào giỏ để mang đến cho Cát. Dọc đường Nhược Lan lẽo đẽo theo tôi, năn nỉ tôi đưa giỏ bánh cho chị ấy xách nhưng tôi nhất quyết không đưa. Phải cho anh Cát thấy tôi bõ công dưới trời nắng nóng đem bánh đến cho anh thì anh mới cảm động chứ.

    Nhưng trái với dự tính của tôi, Cát đón tôi bằng một ánh mắt thăm dò: “Cô đến đây làm gì?”

    Tôi không biết anh ấy có bị gì trong đầu không mà còn hỏi tôi câu đó. Rõ ràng tôi là mợ ba, tay bưng tay xách cái giỏ đồ ăn đi giữa trưa đến đây, chẳng lẽ lại cho tên Mười ăn. Nếu anh ngốc như vậy, hẳn anh cả chỉ anh làm ăn chắc khó khăn lắm. Nhưng gác qua chuyện đó, tôi giơ giỏ bánh ra trước mặt, cố gắng nặn ra nụ cười tươi như hoa đào mỗi độ xuân sang: “Anh à, em mang bánh đến cho anh nè.”

    Huỳnh Cát ngạc nhiên nhìn tôi rồi chau mày: “Ai biểu cô làm mấy chuyện này. Mai mốt cứ giao cho Xuân Mai là được. Cô không cần đến đây nữa đâu.”

    Tôi cười hề hề: “Hì, được rồi được rồi, mai mốt em không đến nữa. Nhưng lần này nể mặt em, anh ăn một cái đi.”

    Cát càng từ chối tôi càng chịu khó dày mặt. Cuối cùng anh ấy cũng chịu đem bánh ra bàn để chuẩn bị ăn. Nhưng vừa mở nắp giỏ ra, anh đã đau khổ nhìn tôi: “Cô nói cái này là cái gì?”

    “Bánh nếp” Tôi tự hào vỗ ngực: “Do chính tay em làm.”

    “Cô lại đây nhìn thử xem cái này có phải bánh nếp hay không?” Cát chán nản đề nghị. Tôi cũng thật thà tiến lại gần nhìn vô…dường như có gì đó hiểu lầm. Rõ ràng lúc tôi lấy bánh từ trong xửng hấp chúng nhìn còn đẹp mắt lắm, nhưng không hiểu sao đem đến đây tất cả quện vào nhau như một mớ bòng bong không hình thù. Tôi đành nhìn Cát cười trừ: “Ừm…chỉ là hình thức thôi mà…trông nó xấu vậy thôi chứ ăn cũng được lắm. Em nếm thử rồi, anh cứ tin ở em.”

    Lại một lần nữa Huỳnh Cát nể mặt tôi gấp một ít bánh nếp bỏ vào miệng, rồi nhanh chóng phun ra không một chút thương tình: “Nhà mình dư muối à? Tôi nuốt không nổi đâu, cô cứ giữ lại mà ăn đi.”

    Nói rồi Cát trở lại làm việc, mặc tôi đứng đó với đĩa bánh thảm hại của mình. Có lẽ tay nghề tôi chưa tới, mặc dù làm y hệt chị cả nhưng mọi thứ vẫn không suôn sẻ lắm. Nhược Lan từ phía sau tiến đến trấn an tôi: “Cô hai đã đã rất cố gắng rồi, chỉ tại cậu không không biết thưởng thức thôi. Để chút nữa về nhà em ăn hết phần này.”

    Tôi nghe chị Lan nói mà thầm cảm ơn trong lòng, ít ra bên cạnh tôi luôn có chị. Dù tôi tốt hay xấu, có làm chuyện điên rồ gì nữa thì chị ấy vẫn luôn ở cạnh cổ vũ tôi. Về nhà họ Huỳnh làm dâu, nếu không có chị Lan ở cạnh an ủi vỗ về chắc tôi đã tủi thân bỏ về nhà mẹ đẻ lâu rồi. Mặc dù trong lòng buồn lắm nhưng tôi vẫn cố gắng mỉm cười với Nhược Lan: “Em không sao đâu, lần đầu vô bếp dĩ nhiên không tránh khỏi việc thức ăn khó nuốt. Nhưng chị cứ chờ xem, mai mốt tay nghề em khá hơn, bảo đảm anh Cát không thể nào không khen em.”

    Vậy là trưa đó, chúng tôi một chủ một tớ lại lỉnh kỉnh dắt nhau về. Giỏ thức ăn kia dĩ nhiên tôi đưa cho Nhược Lan xách rồi.

    Đi được nửa đường tôi lại đổi ý, không muốn về nhà sớm. Dù gì đã đến Hải Đông này mấy tháng rồi nhưng tôi cũng chưa ra ngoài lần nào. Hẹn ngày không bằng đúng ngày, tôi kéo Nhược Lan đi lân la khắp chốn, tò mò quan sát mọi thứ diễn ra xung quanh mình.

    Người ở Hải Đông có vẻ trắng hơn người Diễn Châu, sau khi quan sát một hồi lâu tôi rút ra kết luận đó. Tôi nhìn những cô gái trên đường, không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ. Họ da trắng, tóc dài, mặt mũi thanh tú, cơ thể nở nang, mỗi bước đi đều thắm đẵm hương vị…hương vị gì nhỉ? Thôi tôi tạm gọi là hương vị thiếu nữ đi, tôi không thể ngưng dõi mắt theo bọn họ thì thử hỏi những người đàn ông kia làm sao có thể làm lơ.

    Nhược Lan đi cạnh tôi, thỉnh thoảng lại khẽ hắng giọng: “Cô hai, nhìn người ta ít thôi, không khéo họ lại nghĩ cô có ý đồ nữa.”

    Tôi cười trừ: “Chị này, hình như người ở đây đẹp hơn quê mình thì phải. Mấy cô gái vùng nay quả thật rất xinh đẹp. Không biết em ở đây vài năm thì có đẹp được như họ không?”

    Nhược Lan cũng nhìn tôi cười trừ. Ừ thì tôi hiểu ý chị mà. Dáng người tôi nhỏ bé, đôi mắt tuy to nhưng chỉ có một mí, cặp mày nhạt nhạt, mũi không cao, điểm nhấn duy nhất có lẽ là đôi môi chúm chím như đánh son và gò má lúc nào cũng ửng hồng. Trước giờ người khác gặp tôi, chỉ thốt lên: “Đứa bé dễ thương quá” chứ tuyệt nhiên chưa có ai khen tôi rằng: “Cô gái này đẹp quá” . Nhiều khi tôi tủi thân lắm, nhưng mẹ hay an ủi tôi rằng sau khi làm lễ trưởng thành chắc chắn tôi sẽ đẹp hơn. Nhưng lễ trưởng thành đi qua, lễ thành hôn đi tới, bây giờ tôi an nhiên làm mợ ba nhà họ Huỳnh rồi mà vẫn chưa thấy mình đẹp hơn như lời mẹ nói tí nào.

    Tôi cùng Nhược Lan đi đến nơi mà theo tôi là tinh túy của miền Hải Đông, chính là khu ăn uống trong chợ. Là vùng biển nên các loại tôm của cá mực không thiếu món nào. Đây là mực hấp gừng, kia là tôm nướng, đằng đó là ốc luộc sả…toàn những món ngon mà tôi thích. Hàng bánh thì nào là bánh chuối, bánh nếp, bánh chưng,…Tôi cùng Nhược Lan gom hết tiền mang theo trong người mua đủ loại bánh chất đầy cả chiếc giỏ Nhược Lan đang cầm. Thỉnh thoảng có những bà lão bán bánh hỏi tôi: “Nhìn cô lạ quá, cô là con gái nhà ai vùng này hay từ nơi khác đến?” Tôi cười trừ lấy lệ, không biết nói thật tôi là con dâu nhà họ Huỳnh thì có ảnh hưởng gì không, mà lỡ nói dối thì cũng ngại nên trả lời một câu chung chung: “Cháu mới dọn đến đây hơn một tháng thôi” rồi co giò chạy mất.

    Tôi về đến nhà thì thấy có hai xe chất đầy hàng dựng trước cổng nhà, mọi người đang nhốn nháo chuyển đồ vào trong. Nào là lồng đèn, giấy đỏ, đôi liễn,…tôi ngớ người một hồi, mới sực nhớ hôm nay đã là cuối tháng bảy, còn nửa tháng nữa là đến trung thu. Vậy là tết tôi đón tết trung thu đầu tiên ở Hải Đông, trong lòng cảm thấy phấn khích vô cùng. Tôi chạy ùa vào trong, bất chấp Nhược Lan ở phía sau gọi theo í ới.

    Vừa thấy dáng tôi vào trong, chị cả đã mắng: “Con bé này, chạy đâu mà gấp gáp dữ vậy. Lỡ té rồi làm sao?”

    Tôi không sợ hãi mà còn vui vẻ hỏi: “Chị ơi, nhà mình đang chuẩn bị trung thu hả?”

    Chị cả đang dở tay cắt giấy đỏ để dán lên lồng đèn, mỉm cười: “Ừm, năm nào nhà mình cũng tổ chức trung thu rất lớn, từ lúc cha mẹ còn sống đã như vậy rồi.”

    “Giống nhà em quá, cha mẹ em năm nào cũng tổ chức trung thu.” Tôi luyên thuyên cùng chị cả “Chị cho em phụ với, mấy cái thủ công này em làm khá lắm.”

    Nói rồi tôi ngay lập tức ngồi xuống cạnh chị cả, cùng chị cắt những hình thù cá chép, ngôi sao còn Nhược Lan cùng một số cô hầu khác thì quét bột hồ dán lên lồng đèn. Ngày hôm đó tôi ngồi đến tận khuya, lúc trở về phòng lưng cứng như có đá đè. Nhược Lan xoa xoa bóp bóp cho tôi, miệng liên tục nhắc về những khi còn ở Diễn Châu. Đêm đó tôi ngủ rất ngon, thậm chí còn mơ giấc mơ đẹp, trong mơ thấy tôi vẫn còn nhỏ, ngồi vào lòng cha cùng ăn ăn bánh trung thu và uống trà. Nhưng không hiểu sao sáng dậy trên gối lại có vệt nước mắt!

    *
    * *

    Ngày hôm sau tôi vẫn phụ chị cả cắt dán giấy đỏ.

    Ngày thứ ba đèn lồng được treo lên khắp nhà.

    Ngày thứ tư không còn việc gì để làm, tôi chống cằm ngồi chờ thời gian trôi qua để mau đến trung thu.

    Ngày thứ năm, chị cả thấy tôi không còn việc gì để làm bèn chỉ tôi làm bánh trung thu. Cắm cúi cả buổi sáng, đến trưa thành quả của tôi cũng ra đời. Dĩ nhiên anh Cát cũng sẽ có phần. Lần này tôi cẩn thận ăn thử trước khi đem đến cho anh. Cũng cuốc bộ giữa trưa, nhưng tôi không tự tay cầm giỏ bánh nữa. Tôi đưa Nhược Lan cầm, đợi gần đến xưởng dệt tôi mới nhận lại, đỏng đảnh xách vào xưởng. Mấy người thợ trong đó thấy tôi, nhận ra liền cúi đầu chào “Mợ ba”. Tôi thấy tâm trạng vui vẻ, lấy mấy đĩa bánh ra mời mọi người dùng. Lần này có sự nhúng tay của chị cả nên dĩ nhiên là ngon rồi. Nhưng tôi vẫn không thấy anh cả và chồng tôi đâu nên hỏi chú Thiệu quản đốc. Chú còn chưa kịp nuốt hết miếng bánh, ngạc nhiên nhìn tôi: “Sáng nay có người truyền tin về chuyến hàng chuyển lên kinh gặp vấn đề, ông chủ và cậu ba lên kinh gấp rồi.”

    Chuyến hàng ở kinh đô gặp sự cố. Không biết sự cố đó là gì, có nghiêm trọng lắm không. Anh Cát mới học việc làm ăn của gia đình mà lại xảy ra chuyện như vậy, không biết có ảnh hưởng không. Tôi lững thững trở về, trong lòng không khỏi lo lắng.

    Lúc tôi đi ngoài đường có một đoàn người đi ngang, làm huyên náo cả khu chợ. Tôi và Nhược Lan cũng nép vào hai bên vệ đường, chờ cho đến khi đoàn quân ấy đi qua hết mới đi tiếp về nhà được. Đoàn quân không đông lắm, chỉ khoảng vài trăm người, đi chừng nửa nén nhang đã biến mất theo hướng về kinh đô. Tôi tò mò hỏi tên tiểu nhị cũng đang đứng xem đoàn người cạnh tôi: “Anh trai à, anh có biết đoàn binh đó của ai không?”

    Tên tiểu nhị vênh ngực lên, tỏ vẻ đầy hiểu biết giải thích cho tôi: “Đoàn binh đó là của Thái tử, mấy năm nay vẫn ở biên giới giữa nước ta với Chiêm Thành. Lần này có lẽ về cung để mừng thọ hoàng thượng”.

    “Sao anh biết đó là của thái tử?” Tôi nghi hoặc hỏi hắn ta.

    Hắn nhìn tôi vẻ bực dọc nhưng cũng trả lời: “Sao lại không biết. Thái tử mặc áo giáp có vân màu vàng. Đoàn binh đi theo người thì cột một mảnh vải màu xanh dương ở cổ. Một năm ngài đi ngang đây hai lần, lần thứ nhất là về mừng thọ hoàng thượng ngày hai mươi chín tháng bảy; lần thứ hai là là về trong dịp Tết nguyên đán. Mấy năm nay thông lệ điều như vậy, làm sao tôi lại không biết được.”

    Tôi à ừ mấy tiếng như đã thông suốt vấn đề. Tên tiểu nhị dè biểu nhìn tôi: “Hỏi nhiều vậy, có vào quán ăn gì không?”

    Tôi đâu có hỏi nhiều, chỉ là anh ta tự nói nhiều thôi. Nhưng tôi cũng khách sáo lắc đầu, dúi vào tay anh một cái bánh trung thu: “Tôi không ăn đâu, nhưng anh cầm lấy cái này ăn đi nhé!”

    Nói xong tôi lập tức bỏ đi trong sự ngơ ngác của tên tiểu nhị.

    Đoàn binh vừa qua khí thế thật hào hùng.

    Tôi chợt nghĩ đến một người. Không biết anh ta có ở trong đoàn người đó hay không…

    *
    * *

    Đúng như lời tên tiểu nhị nói, ngày hai mười chín tháng bảy là thọ của hoàng thượng. Những khúc vải đẹp nhất, dệt tỉ mỉ nhất nhà tôi chuyển vào cung là mừng thọ người. Tính ra thì hoàng thượng và tôi có coi như anh rể - em dâu cùng nhà hay không?

    Trước đó anh cả gửi thư về, báo rằng trên đường vận chuyển có khoảng hai mươi khúc vải bị hư, may mà thủ kho ở kinh đô phát hiện báo sớm. Hai ngày sau đó, chị cả bận rộn đi đi lại lại giữa các kho vải của nhà tôi để chọn ra gần ba mươi khúc vải khác để thay thế chỗ vải hư hại đó. Tất cả hàng này là để mừng thọ hoàng thượng, may mà không chậm trễ.

    Lúc nhận được thư thứ hai từ anh cả, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nguyên phi nói rằng hoàng thượng rất thích những thước lụa này, đặc biệt ân chuẩn cho cả gia đình tôi vào hoàng cung tham dự tết trung thu.

    Còn năm ngày nữa là đến mười bốn, đường lên kinh cũng mất hai ngày đi xe ngựa, vậy nên chị cả và tôi chỉ còn ba ngày để chuẩn bị tất cả quần áo, vật dụng cần thiết. Lần này, nơi đến là hoàng cung chứ không phải tiệc tùng bình thường, nhà tôi lại là bên ngoại của Nguyên phi nên càng không thể qua loa sơ sài. Chị cả dắt tôi đến hiệu may nổi tiếng nhất Hải Đông, yêu cầu may gấp cho tôi và chị mỗi người hai bộ yếm đẹp nhất. Ngoài ra chị còn định ghé tiệm kim hoàn để mua trang sức, nhưng tôi nhớ ra lúc tôi xuất giá cha có chuẩn bị cho tôi tận hai rương trang sức, vừa có hàng trong nước, vừa có hàng của Đại Tống, Chiêm Thành. Tôi xởi lởi bày ra hết cho chị cả chọn. Chị ưng ý nhất là chuỗi ngọc trai nhập từ Đại Tống, tôi hào phóng tặng luôn, nhưng chị cũng trả lễ tôi bằng một miếng ngọc như ý hai mươi năm, tôi sợ chị ngại nên cũng nhận lấy.

    Còn về phần tôi, tôi không quen đeo trang sức rườm rà, nhưng trên người nhất định phải có hoa tai và trâm cài tóc. Trong đó tôi đặc biệt thích đôi hoa tai ngọc bích cha tặng lúc tôi làm lễ trưởng thành. Tôi định đeo đôi hoa tai ấy trong ngày dự tiệc tại hoàng cung nhưng lục tung hết đống trang sức chỉ thấy còn lại một chiếc. Tôi bực mình gọi Nhược Lan vào hỏi: “Chị Lan, sao em không tìm thấy chiếc bông còn lại?”

    Nhược Lan ngẩn ra nhìn tôi: “Cô à, lần trước về nhà, trong cái đêm trời sắp mưa cô đi ra ngoài, khi trở về chỉ còn một chiếc bông. Em hỏi chiếc kia đâu thì cô chỉ nói mất rồi. Sao bây giờ cô lại hỏi em?”

    Tôi nhớ lại đêm hôm ấy, có khi nào hoa tai tôi rơi mất khi người ấy bế tôi lên?

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


  2. #7
    Ngày tham gia
    Jun 2017
    Bài viết
    17
    Xu
    0

    Mặc định [Cổ đại] Trần Chân - Búp Bê - Chương 6

    Chương 6: Lên kinh dự tiệc​



    Trên dọc đường đi tôi tò mò quan sát xung quanh như một đứa trẻ lần đầu tiên ra khỏi nhà. Xuyên qua mấy cánh đồng bậc thang trồng cheo leo trên núi tôi thầm thán phục người dân nơi đây. Ở quê tôi người ta chỉ trồng lúa thành từng mẫu đất, không giống như những bậc thang ngút ngàn này. Có lẽ họ chăm sóc chúng sẽ rất cực. Càng gần đến kinh đô không khí càng nhộn nhịp hơn. Ngay cả binh lính canh ở cổng thành dường như cũng oai vệ hơn ở Diễn Châu và Hải Đông.

    Trong kinh thành người mua kẻ bán, hàng hóa lạ lẫm tôi chưa từng thấy bao giờ. Nhược Lan cũng tò mò như tôi, lần này chị ấy và tôi đúng là mở mang tầm mắt.

    Chị cả thì không có vẻ gì là lạ lẫm. Tôi nhìn phong thái ung dung của chị cứ như đang trở về nhà mà không khỏi thắc mắc: “Chị cả lên kinh nhiều lần lắm rồi sao?”

    Xuân Đào – hầu gái của chị cả lễ phép trả lời tôi: “Dạ mợ ba không biết sao, nhà mẹ của bà chủ là ở Thăng Long này đó. Cha bà chủ là Lưu đại nhân – Hàn lâm học sĩ, đứng đầu Hàn lâm viện trong triều đình. Lần này trở về đây, bà chủ cũng xem như trở về nhà thôi.”

    Tôi nghe Xuân Đào nói mà không khỏi thấy kinh ngạc. Thì ra thân phận chị cả cao cấp như vậy, tính ra cũng là thiên kim đại tiểu thư rồi. Chẳng trách sao từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói của chị cả đều tỏa ra phong thái quyền quý cao sang. Trước nay tôi còn tưởng chắc gia đình chị cả cũng là phú hộ, nên chị có khí chất của một tiểu thư nhà giàu, nay mới biết được cái khí chất ấy không phải nhà giàu nào cũng có thể có – điển hình là tôi đây. Nhưng nếu thân phận cao như vậy sao chị cả không tiến cung hoặc lấy một vị quan nào đó cho môn đăng hộ đối? Gả về Hải Đông cho nhà họ Huỳnh chẳng phải là hạ mình hay sao.

    Tôi tò mò nhìn chị cả, thắc mắc đủ điều cũng không dám hỏi. Chị cả dường như hiểu ý tôi, ôn hòa nói: “Năm đó Kim Thành công chúa, con của Nguyên phi được năm tuổi, chị theo cha đến tặng lễ vật chúc mừng. Lần đó cũng tình cờ chạm mặt anh Phú. Chị thấy anh dáng vẻ đường hoàng, lại nghe về chuyện cha mẹ mất sớm, một tay anh phát triển sự nghiệp nhà họ Huỳnh lớn mạnh như vậy nên không khỏi cảm thấy mến phục. Nguyên phi thấy chị có vẻ hài lòng anh, nên mở lời với cha chị hỏi chị về cho anh Phú.”

    Tôi nghe mà không khỏi cảm thấy ngưỡng mộ chị cả. Chị phải lòng anh, anh liền cưới chị về làm vợ. Tôi gả về đây gần hai tháng rồi mà luôn thấy anh chị đối đãi với nhau như vợ chồng son, khiến bao người ghen tị. Chỉ có mỗi một điều còn chưa hoàn hảo là anh chị ở với nhau đã năm năm rồi mà chưa có một mụn con nào. Tôi sợ điều ấy khiến chị không vui nên chưa bao giờ dám hỏi tới. Nhưng dù chưa có con thì sao? Ngày nào anh cả cũng về nhà ăn cơm do chị nấu, chị thì khi nhắc đến anh ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. Tôi nghĩ nghĩa phu thê như thế cũng là viên mãn lắm rồi.

    Tôi với chị cả đến Thăng Long vào sáng ngày mười bốn. Chúng tôi không trực tiếp vào cung mà nghỉ ngơi tại phủ riêng hoàng thượng ban cho Nguyên phi. Anh cả và chồng tôi mấy ngày nay cũng ở tại nơi này. Vừa đến nơi, anh chị cả cùng nhau đến Lưu phủ chào hỏi cha mẹ chị. Anh Cát thì đi đâu không thấy mặt, cả phủ rộng lớn chỉ có mỗi mình tôi cùng với cả đám người hầu. Bây giờ mới là giờ ngọ (khoảng 11 – 13 giờ trưa), yến tiệc tại hoàng cung lại đến tận giờ Dậu (17 – 19 giờ tối) mới bắt đầu, từ đây vào hoàng cung chỉ mất một canh giờ nên tôi quá dư dả thời gian. Buồn chán quá không biết làm gì, tôi sai Xuân Mai chuẩn bị cho tôi cần câu, kêu tên Mười đào đất bắt giun còn tôi thì ra giữa hồ sen câu cá. Câu khoảng một canh giờ, chiến lợi phẩm của tôi là hai con cua!

    Đến giờ Mùi Nhược Lan chuẩn bị nước tắm cho tôi, rắc đầy cánh hoa thơm nức mũi. Tôi tắm xong tự cảm thấy mình đẹp ra ba phần.

    Tôi mặc bộ yếm màu xanh ngọc, cài trâm ngọc bích. Chỉ tiếc thiếu đôi hoa tay mà tôi yêu thích thì bộ xiêm y có vẻ hoàn hảo hơn. Nhược Lan thay thế bằng đôi hoa tai cẩm thạch, tôi thì không thích cẩm thạch lắm nên để lỗ tai trống luôn.

    Anh chị cả ngồi một xe, tôi và Cát ngồi một xe, nô bộc không được phép đi theo. Hai chiếc xe ngựa chậm chậm chạy qua các lớp cổng của hoàng cung. Cát không nói chuyện với tôi, tôi không được phép nhìn ra ngoài. Cứ thế chúng tôi ngồi yên trong xe như hai pho tượng gỗ tôi hay vái lạy trong chùa. Sẵn dịp tôi nhìn kỹ Cát hơn. Gương mặt xương xương, đường nét rõ ràng, tóc búi cao khiến vẻ ngoài càng bắt mắt. Anh bây giờ so với lúc tôi gặp ở Diễn Châu lần đầu, dường như trưởng thành hơn.

    “Cô nhìn đủ chưa?” Anh mở miệng hỏi. Tôi dĩ nhiên là nhìn chưa đủ. Trong xe chỉ có hai chúng tôi, không nhìn anh chẳng lẽ tôi nhìn đầu gối mình? Nhưng tôi vẫn giữ thái độ hòa hảo cùng anh: “Anh hình như đen hơn trước phải không?”

    Cát thở mạnh một hơi rồi nhắm mắt lại. Chẳng lẽ tôi nói sai gì sao?

    *
    * *

    Xe ngựa đến lớp cổng cuối cùng của hoàng cung chúng tôi phải xuống xe để đi bộ. Đón chúng tôi là một ông công công già mặt trét phấn trắng bệch, giọng bán nam bán nữ. Chúng tôi đi theo ông ấy, băng qua các lỗi hành lang giữa các tẩm cung, một khu vườn rồi mới đến chỗ diễn ra đại tiệc. Chị cả thì thào nói cho tôi biết, nơi chúng tôi đang đứng là điện Thiên Khánh, được xây dựng theo hình bát quái và cực kỳ rộng lớn.

    Nói là vào dự tiệc cung đình nhưng rõ ràng tôi chẳng thể thấy được mặt vua, cùng lắm chỉ là một hình ảnh uy nghi mặc áo màu vàng. Hoàng thượng, hoàng hậu, các vị phi tần, thái tử, hoàng tử thì ngồi tít trên cao. Dưới điện là các quan cấp bậc nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm,…cùng gia đình. Sau đó mới đến các phú thương có giao dịch với triều đình được ban ân dự tiệc. Hoàng thượng ngồi trên cao, mỗi câu nói đều được các thái giám truyền tải lại, khi hoàng thượng cười thì chúng tôi cười theo, khi người nâng chung rượu thì chúng tôi nâng chung theo, cứ như vậy đến suốt buổi tiệc. Hoàng thượng nói vài câu đại loại cầu chúc cho đất nước, cho bá tánh được hưởng ấm no rồi sau đó nhạc nổi lên, mấy ả vũ công thướt tha trong bộ yếm hồng hồng xanh xanh ra múa vũ điệu Liên Hoa Khai Nhụy. Không lâu sau, hoàng thượng cùng hoàng hậu lui về tẩm cung, chỉ còn bá quan văn võ cùng dân thường như chúng tôi ở lại ăn mừng trung thu.

    Tôi không mấy hứng thú với không khí náo nhiệt gượng ép nơi đây nơi xin phép anh chị cả cho tôi ra khu vườn phía tây ngắm cảnh. Anh chị cả mải mê nâng chung với người quen nên cũng chẳng buồn để ý đến tôi. Cứ thể tôi tự mình bước đi, ra đến khu vườn có tấm bảng gỗ ghi tên “Quỳnh Lâm thượng uyển”.

    Cả khu vườn rộng lớn trồng nhiều hoa đến mức tôi không đếm xuể có bao nhiêu loài. Chỉ tiếc là trời tối quá, tôi không nhìn rõ được tất cả hoa ấy có màu gì, cũng như có những loại đến đêm thì làm giá không chịu nở. Tôi đi lanh quanh vài vòng, phát hiện mình quên mất đường về!

    Tôi đi thêm vài chục bước nữa thì đến một cây cổ thụ to, cành lá um tùm, trong ánh đèn nhập nhòe càng thêm đáng sợ. Trước đây mấy cụ ông quê tôi hay kể, cây đa, cây cổ thụ là nơi âm khí tụ tập nhiều nhất, đợi đến đêm tối thì chúng thoát ra hù dọa những người yếu bóng vía như tôi chẳng hạn. Chưa kể trong hoàng cung, oán hận nhiều vô kể, chết chóc nhiều vô kể, biết đâu cây cổ thụ này trở thành quỷ mộc cũng không chừng. Gió luồng qua các kẽ lá phát ra tiếng rì rào. Tôi sợ quá quay đâu định bỏ chạy, nhưng y phục vướng víu quá khiến tôi ngã nhào xuống đất, lăn mấy vòng rồi mới dừng lại. Tôi muốn ngồi dậy thật nhanh nhưng chân tay luống cuống không chịu nghe lời. Chợt có một giọng nói vang lên phía sau: “Kẻ nào to gan đến đây giờ này?”

    Tôi còn ngỡ mình nghe nhầm…giọng nói ấy sao thật quen. Linh cảm cho tôi biết người tôi từng muốn gặp lại đích thị đang ở nơi này. Tôi ngẩng mặt lên, có lẽ anh cũng bàng hoàng khi nhìn thấy tôi: “Có phải là em không?”

    Tôi gật đầu, không biết trong bóng tối anh có thấy được hay không.

    Anh vội vàng chạy đến đỡ tôi dậy: “Sao lần nào ta gặp em thì em cũng có chuyện vậy?” Giọng anh nửa đùa nửa thật, tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi định bước cách xa anh vài bước, nhưng vừa đi đã nghe nhói ở cổ chân.

    “Em bị trật chân rồi!” Nói rồi không đợi tôi phản ứng, anh đã bế tôi lên, tiến đến chiếc ghế đá ở một góc vườn rồi đặt tôi ngồi xuống. Tôi đã định vùng vẫy thoát khỏi anh, nhưng không hiểu sao toàn bộ sức lực của tôi đã tan biến tự bao giờ.

    “Đưa chân ta xem!” Anh nói mà cũng như ra lệnh. Lần này thì tôi lắc đầu. Nam nữ thọ thọ bất thân, huống chi tôi đã là gái có chồng, năm lần bảy lượt bị anh chạm vào người, nếu anh Cát mà biết cũng đủ để anh viết thư thôi vợ rồi. Lần này anh mà còn xem chân tôi có bị làm sao không, sợ rằng có ai đó trông thấy, tôi mới thật sự là có làm sao. Tôi cười cười từ chối: “Em không sao, chắc bị trầy chút thôi. Tối về em kêu người hầu thoa dầu là ổn.”

    Anh nhìn tôi nghi hoặc, rồi chẳng cần bận tâm gì nữa, ngồi luôn xuống cỏ nắm lấy chân tôi xoay xoay rồi kéo một cái thật mạnh. Tôi đau đến chảy cả nước mắt, muốn đem anh ra đánh một trận cho bõ ghét. Nhưng vài phút trôi qua, chân tôi đỡ đau hơn, tôi dụi dụi đôi mắt đỏ hoe còn rưng rưng của mình: “Ai cần anh chữa chứ.”

    Anh ngồi lên chiếc ghế khác cùng bàn, hỏi tôi: “Em đến đây dự yến tiệc đúng không? Là đi cùng nhà họ Huỳnh?”

    Tôi nhớ chúng tôi chỉ gặp nhau hai lần ở Diễn Châu, cả hai lần đó anh còn chưa biết tên tôi, vậy mà hôm nay lại còn biết tôi đi cùng với nhà họ Huỳnh. Chẳng lẽ đêm đó anh đã nghe những gì tôi nói lúc đưa ô cho anh. Hoặc cũng có thể anh cho người điều tra tôi chăng. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn, anh cười cười nói tiếp: “Đêm đó anh có việc gấp nên không đợi em được. Sáng hôm sau anh quay lại nhà em hỏi thăm thì biết em tên là Trần Chân, từ mấy tháng trước đã gả cho nhà họ Huỳnh ở Hải Đông.”

    Tôi bồi hồi nhớ lại đêm hôm đó. Nhớ lại cảm giác trống trải của chính mình khi ra khỏi cổng mà không thấy anh đâu. Nhưng tôi thầm cảm ơn vì anh đã không đợi tôi, chứ nếu không tôi không biết mình có bỏ nhà mà chạy theo anh hay không. Tôi ôn tồn nói với anh, như thể chẳng quan tâm đến chuyện đêm đó: “Em thấy trời mưa nên định mang ô ra cho anh, sẵn trả anh luôn chiếc áo anh đắp cho em lúc em té xuống sông. Nhưng khi ra thì anh đã không còn. Sáng hôm sau em cũng theo chồng trở về Hải Đông.”

    Tôi nhấn mạnh chữ “Chồng” như để tự cảnh tỉnh mình. Tôi đã là gái có chồng.

    Tôi chỉ nhìn thấy một ánh mắt luyến tiếc của anh vài giây thôi thì anh đã nhanh chóng bật cười sảng khoái: “Em còn nhỏ vậy đã có chồng. Về nhà họ Huỳnh không khéo người khác lại nghĩ em là con gái của Huỳnh Phú.”

    Tôi biết trông mình không giống một thiếu nữ lắm, nhưng khi anh nói ra cũng làm tôi bực mình. Tôi giận dỗi đứng dậy, giọng đanh lại: “Lần nào gặp cũng phiền tới anh, khi nào có dịp sẽ trả ơn. Bây giờ anh chỉ tôi đường nào ra lại điện Tuyên Đức đi.”

    Anh còn định nói gì nữa nhưng có một tên lính chạy đến, nói điều gì đó vào tai anh, thế là anh vội vã từ biệt tôi, giao việc dẫn đường cho tên lính ấy. Trước khi đi anh còn tiện tay rút luôn cây trâm ngọc bích trên tóc tôi, bỡn cợt: “Món thứ hai, đợi đến khi uyên ương đủ cặp, người hữu duyên sẽ thuộc về người hữu duyên.” Tôi không hiểu anh có ý gì khi lấy đi trâm cài tóc của tôi. Nó là món thứ hai trong bộ trang sức hoa tai, trâm cài ngọc bích tôi yêu thích. Một chiếc hoa tai tôi đã làm mất, bây giờ đến cả cây trâm cũng bị lấy đi. Tôi ảo não bước theo tên lính chỉ đường, vừa đi được một đoạn ngắn thì có một cô cung nữ chạy đến trước mắt tôi.

    “Huỳnh phu nhân, Nguyên phi muốn gặp người.”

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi septvn, ngày 11-06-2017 lúc 10:14.

  3. #8
    Ngày tham gia
    Jun 2017
    Bài viết
    17
    Xu
    0

    Mặc định [Cổ đại] Trần Chân - Búp Bê - Chương 7

    Chương 7: Nguyên phi Huỳnh Phúc​




    Tôi đi theo cô cung nữ ấy đến tẩm cung của Nguyên phi. Lần trước khi anh Cát cưới tôi Nguyên phi không về nhà nên tôi trước sau chưa từng biết mặt của nàng ấy. Nhưng theo những gì tôi nghe được từ tôi tớ trong nhà thì Nguyên phi là cô gái đẹp nhất miền Hải Đông, thậm chí nói đẹp nhất Đại Cồ Việt này cũng không ngoa. Trước giờ tôi gặp không nhiều người, không hình dung được đẹp như thế nào là nhiều, chỉ biết Tú Bình quả thật là một người xinh đẹp, chị cả cũng đẹp, vậy chắc Nguyên phi cũng sẽ đẹp như vậy.

    Nhưng đến khi trông thấy người phụ nữ uy nghi ngồi trên ghế tôi mới hình dung ra hết chữ “Đẹp” mà bọn tôi tớ nói lại. Tú Bình xinh đẹp nhưng nhìn có vẻ tự do và hoang dại, chị cả đẹp một cách dịu dàng còn Nguyên phi thì thật sự giống như một con chim phượng hoàng. Gương mặt người nhỏ nhắn, làn da trắng mịn như trứng gà bóc, mắt phượng lúng liếng, môi đỏ thắm như son. Người mặc bộ xiêm y màu mận chín càng tỏa ra khí chất vương giả đến rợn người. Người không cười nhưng gương mặt không mang nét bi ai, khi người cười thì mọi loài hoa cũng phải khép mình. Trên người Nguyên phi có một cảm giác khiến người khác vừa kính phục vừa sợ hãi. Tôi không biết do là Nguyên phi nên người có khí chất như vậy, hay do chính bản thân người có khí chất như thế nên mới trở thành Nguyên phi.

    Tôi quỳ xuống, dập đầu hành lễ: “Thần thiếp tham kiến Nguyên phi nương nương.”

    Chị ấy chìa một tay ra trước mặt tôi, ngón ngọc thon dài, đầy vẻ kiêu sa: “Là người một nhà không cần lễ nghi rườm rà. Em ngồi lên ghế đi, ta có vài chuyện cần hỏi.”

    Không hiểu sao tôi có cảm giác trong lời nói của Nguyên phi có điều gì không ổn lắm. Nhưng tôi cũng không dám trái lệnh, ngồi lên ghế theo chỉ dẫn của cô cung nữ kia. Đoạn, Nguyên phi nhìn cô cung nữ ấy: “Thu Cúc, ngươi đi ra ngoài đi, ta có chuyện cần nói với Huỳnh phu nhân.”

    Cô cung nữ tên Thu Cúc ấy dạ một tiếng rồi nhanh chóng lui ra. Trong phòng chỉ còn lại tôi và Nguyên phi – một cảm giác ngột ngạt đến khó tả.

    Nguyên phi hỏi tôi: “Em gả vào nhà họ Huỳnh rồi, thế đã quen với cuộc sống ở đây chưa?”

    Tôi thành thật trả lời: “Dạ bẩm thiếp đang tập làm quen. Anh chị cả và mọi người bảo ban thần thiếp nhiều điều lắm.”

    “Ừm, anh chị cả có ức hiếp em không?”

    “Dạ không thưa nương nương, anh chị thương yêu thiếp như em gái ruột vậy.”

    “Ý em là xem em như ta?” Nguyên phi hỏi một câu khiến tôi cứng họng. Có vẻ sở thích của nàng ta là bắt bẻ người khác. Tôi ngập ngừng, không biết trả lời sao cho hợp lí. Nhưng Nguyên phi bật cười: “Đã là người nhà, em hay ta cũng như nhau, có gì mà em ngại.”

    Tôi vội vã quỳ xuống: “Dạ bẩm nương nương, tuyệt không giống nhau được. Người là phượng hoàng trên cao còn thiếp là con gà dưới đất. Không thể nào đem ra so sánh được.”

    “Ta chỉ đùa thôi, em ngồi lại ghế đi.”

    Tôi tuân lệnh ngồi lên ghế, nhưng trong lòng thấp thỏm không yên. Chị ấy lại hỏi tiếp: “Vậy Huỳnh Cát đối với em như thế nào?”

    Lần này mới thật sự khó trả lời. Tôi không biết chị ấy có biết chuyện xảy ra trong nhà hay không, nếu tôi trả lời có gì sai sót, chỉ e là rước họa vào thân. Thôi thì cứ nói tốt, biết đâu mọi chuyện sẽ tốt: “Dạ bẩm…anh Cát đối với thiếp cũng rất tôn trọng, chưa bao giờ hành xử quá đáng.”

    Nguyên phi im lặng lắng nghe, xong chị ấy hớp một ngụm trà rồi mới nói tiếp: “Ta cũng không phải không biết chuyện đã xảy ra. Nhưng tất cả đã qua rồi, ai trước lúc thành thân lại không tránh khỏi việc tâm tư có để ý người nào đó. Nhưng đến cuối cùng người nằm chung giường, đắp chung chăn mới là người cùng đi đến hết cuộc đời. Ta đã răn đe Huỳnh Cát, loại bỏ tạp niệm mà chấp nhận những gì mình đang có. Em cũng đừng vì chuyện đó mà nặng lòng, thời gian trôi qua, vết thương nào cũng lành, quan trọng là hai đứa sống với nhau cho phải đạo vợ chồng.”

    Tôi nghe những lời Nguyên phi nói như rót mật vào tai. Không ngờ chị ấy sống xa như vậy mà vẫn biết mọi chuyện đang diễn ra tại nhà họ Huỳnh. Ai nói con gái gả đi không còn là con trong nhà, chị ấy gả đi, nhưng gả cho hoàng thượng, địa vị cao sang, cũng chẳng khác nào vẫn làm chủ nhà họ Huỳnh.

    “Dạ thiếp đã hiểu, thưa nương nương.”

    “Hiểu thì tốt…Vậy…khi ở vườn Quỳnh Lâm, em đã gặp ai? Hai người quen nhau từ trước à?”

    Tôi nghĩ đi một vòng thật xa, giờ đây chị ấy mới chính thức vào vấn đề. Dĩ nhiên người mà nàng ta hỏi đến không phải là tên thị vệ đã đắt đường ta mà chính là Lý Trung. Có lẽ chị ấy đã trông thấy những gì diễn ra tại vườn Quỳnh Lâm chăng. Tôi không biết việc ấy có ảnh hưởng gì đến anh ta không nên vội vã quỳ xuống cầu xin.

    “Nương nương, chuyện là trước đây thiếp có gặp anh ta ở Diễn Châu và mang ơn cứu mạng. Lần này vào cung không ngờ lại gặp lại nên chỉ muốn lời cảm ơn. Xin nương nương phán xét.”

    Ta có thể nghe tiếng Nguyên phi đập nhẹ xuống bàn: “Ta có nói gì đâu, sao em lại luống cuống lên như vậy, khác nào ngầm ám chỉ là giữa hai người có gì đó không trong sáng?”

    Tôi nhận ra thái độ của mình chẳng khác nào đưa Lý Trung vào chỗ nguy hiểm, nhưng lời lỡ nói ra làm sao có thể thu lại được, chỉ còn cách phóng lao thì phải theo lao: “Nương nương, thật sự chỉ là mang ơn, không có ý gì khác, xin nương nương đừng hiểu lầm.”

    “Có thật chỉ là mang ơn hay không?” Nguyên phi nhấn mạnh từng chữ với tôi.

    “Thật sự chỉ có vậy, nếu có nửa lời sai sự thật thiếp nguyện để nương nương xử phạt.” Tôi sợ hãi đến mức mếu máo. Nguyên phi lại chất vấn tiếp: “Hắn ta là ai, thân thế ra sao?”

    Việc này thật là tôi cũng không biết rõ, nên chỉ có thể trả lời những gì mình đã biết: “Thiếp chỉ biết anh ta tên gọi Lý Trung, xung quân cho triều đình. Ngoài ra gia thế, thân phận cụ thể ra sao thiếp hoàn toàn không biết.”

    Đến lúc này Nguyên phi có vẻ đã tạm tin tôi, gương mặt chị ấy dãn ra một ít, nhưng không lâu sau lại tiếp tục chau mày lại: “Xem ra là ngươi cũng không biết gì. Lần này người mà ngươi đụng đến, thân phận không nhỏ đâu.”

    Tôi giật mình, tự nhủ mình ngốc nghếch. Nguyên phi ở trong triều đình, đại yến hôm nay toàn mời những viên quan quyền cao chức trọng, không thì những người đặc biệt được hoàng thưởng ban thưởng thì làm sao Nguyên phi lại không kiểm soát được. Chị ấy hỏi tôi về người ấy, thực chất chỉ để kiểm tra xem tôi thành thật đến đâu. Nói thật nếu tôi biết nhiều hơn tôi cũng không nói ra hết đâu, chỉ là những gì tôi có thể nói, chung quy lại cũng chỉ là những gì tôi biết. Lần này nghe chị ấy nói Lý Trung tôi quen, thân phận không nhỏ thì tôi nghĩ nó còn vượt xa hơn những gì tôi tưởng tượng. Tôi mở to mắt nhìn Nguyên phi: “Nương nương…”

    Chị ấy ra hiệu cho tôi đứng lên, chậm rãi nói tiếp: “Đó chính là Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, cũng chính là tứ hoàng tử.”

    Chị ấy vừa nói xong tôi thấy chân mình bủn rủn, như có thể khụy xuống bất cứ lúc nào. Người đàn ông mà tôi quen, thậm chí để lại bao nhiêu vương vấn trong tôi lại chính là hoàng tử đương triều. Tôi đúng là không biết tốt xấu, thân phận thấp kém mà còn dám tơ tưởng đến người ở xa vời. Tôi chợt nhớ đến những khi tôi cau có giận dỗi với anh, thậm chí chỉ đạo anh phải làm theo ý mình…những điều ấy, chỉ khiến tôi trở nên kệch cõm hơn. Dù tôi đã từng nhủ trong lòng sẽ không để tình cảm này sinh sôi nảy nở nhiều hơn, nhưng giờ đây, khi ngọn ngành mọi chuyện, tôi mới biết dù tôi có chưa gả đi, thì cũng không có khả năng mơ tưởng đến con người kia.

    Nguyên phi lại nói tiếp: “Không phải vì ngươi đã gả về nhà nên ta nói việc này, mà cho dù ngươi chưa gả đi thì cũng xem như ta chân thành khuyên ngươi, đàn ông chốn cung cấm, tuyệt đối không thể đụng vào. Tứ hoàng tử chỉ có một, còn những cô gái như ngươi thì bên ngoài có cả ngàn, cả vạn. Ngươi có đủ dũng khí chiến đấu với họ, ngươi có đủ thâm hiểm để tồn tại trên mạng sống người khác, ngươi có đủ bao dung để chịu cảnh một chồng mười vợ? Gả cho một người bình thường, cùng lắm chỉ chia sẻ người chồng với một hai người nữa, nhưng ít ra ngươi cũng là mợ cả. Còn gả vào vương thất, thậm chí cả cuộc đời ngươi cũng không được gặp mặt chồng mình…”

    Tôi hầu như cũng chẳng còn tâm trạng nghe xem chị ta nói những gì. Trong đầu tôi lúc này hoàn toàn trống rỗng: “Thiếp hiểu rồi, thưa nương nương!”

    “Hiểu thì tốt. Không hiểu thì cũng ráng mà hiểu. Ngươi gả vào nhà họ Huỳnh, bên trên còn ta và anh cả. Trên ta vẫn còn hoàng thượng. Nếu ngươi mà lỗi đạo với Cát, đừng trách ta không niệm tình với gia đình ngươi.”

    Tôi nghe mà nghẹn đắng ở cổ. Muốn khóc nhưng cũng không dám khóc. Chỉ đứng yên lặng, mặc cho chị ta nói gì thì nói. Rồi chị ta có vẻ dịu giọng, tiến đến cầm lấy tay tôi: “Ta cũng không muốn lấy danh nghĩa chị chồng ra để hà khắc với em dâu. Ta nghe nói em sinh năm Canh Thân (1034) đến nay cũng chỉ mới mười ba, chẳng lớn hơn con gái ta là bao nhiêu mà đã phải theo chồng. Ngày thành hôn của hai em ta không tham dự được, cũng chưa tặng riêng em lễ vật gì. Đây là hộp trang sức ta đặc biệt yêu quý, vàng bạc châu báu không nói đến, toàn bộ đều là những chế tác của những bậc thầy hoàng kim khắp nơi, mỗi mẫu không quá hai món, giá trị tuyệt nhiên không nhỏ. Em cứ lại chọn một cây trâm em thích, để thay thế cho cây trâm em đã đánh rơi ngoài vườn.”

    Tôi đã định từ chối nhưng Nguyên phi cứ như nhấn mạnh việc chị ta đã trông thấy tứ hoàng tử lấy cây trâm trên tóc tôi, nhưng chị xem đó như là tôi đánh rơi. Tôi đành phải tuân lệnh, tiến đến bàn trang điểm của chị ấy, chọn một món cho không phật ý.

    Nói là một hộp nhưng theo tôi thì đó là cả một ngăn tủ có vẻ đúng hơn. Số trâm trong đó tôi ước tính chắc khoảng mấy trăm, vàng bạc ngọc ngà không thiếu món gì. Ngăn ngoài cùng tôi thấy toàn là trâm phượng, rất giống phong cách mà Nguyên phi đang cài trên tóc, cây nào cũng được bảo quản cẩn thận, không một vết xước trên thân. Tôi vốn là thường dân, cài cây trâm ấy lên đầu chẳng khác nào ăn mày mặc áo hoa, thô lỗ kệch cỡm. Ngăn tiếp theo là những cây trâm có vẻ trẻ trung hơn, nhưng vẫn không phù hợp với tôi. Còn ngăn trong cùng tôi có thể nhận ra, chúng na ná những cây trâm tôi hay thấy ở tiệm kim hoàn, có lẽ đây là vật dụng năm xưa Nguyên phi mang theo khi tiến cung. Dù chúng đã sờn nhưng vẫn được cất giữ chung với những loại trâm quý giá khác, đủ thấy chủ nhân cũng rất trân trọng. Tôi còn đang bối rối không biết nên chọn cây nào thì một cây trâm bạc vô cùng đơn giản đập vào mắt tôi. Trên cây trâm ấy chẳng có gì ngoài một viên ngọc bích được gọt giũa thành hình hoa đào. Nhìn trâm tuy đã cũ nhưng không sờn, có lẽ ít được sử dụng. Tôi mừng rỡ cầm nó lên, dâng bằng hai tay lên Nguyên phi.

    “Thưa nương nương, thiếp chọn cái này.”

    Nguyên phi thoáng sửng sốt nhìn tôi, rồi lại nhanh chóng lấy lại vẻ mặt điềm tĩnh vốn có của người. Nàng ta cầm lấy cây trâm, cài lên tóc cho tôi.

    “Sở thích của em cũng thật đặc biệt, suýt chút là ta đã quên đi sự tồn tại của vật này. Bây giờ ta tặng nó cho em, hãy bảo quản cho thật tốt, đừng vì nó đơn giản mà chê bai, có hiểu không?”

    “Tạ ơn nương nương đã ban thưởng.”

    Nguyên phi còn định nói gì với tôi nhưng cung nữ bên ngoài gõ cửa rồi nói vọng vào: “Bẩm nương nương, ông bà Huỳnh đang đợi Huỳnh phu nhân để quay về.”

    Trước khi tôi rời khỏi cung Tuyên Đức, Nguyên phi còn siết chặt lấy tay tôi dặn dò: “Nhớ những gì ta đã nói.”

    Tôi lặng lẽ bước theo cô cung nữ ấy để trở ra xe ngựa. Đoạn đường đi lúc quay ra sao mới thật nặng nề. Chợt cô cung nữ thủ thỉ vào tai tôi: “Thái tử đang trên đường đến chỗ chúng ta, phu nhân mau quỳ xuống, đừng ngẩng mặt lên nhé!”

    Tôi nghe lời cô ấy quỳ mọp xuống nền gạch lạnh băng. Một thân ảnh cường tráng lướt ngang qua chỗ chúng tôi rồi chợt dừng lại. Tiếng vị công công vang lên, không lớn không nhỏ: “Thu Cúc, đó là ai?”

    Thu Cúc lễ phép đáp lại: “Dạ bẩm, đây là phu nhân của em trai của Nguyên phi. Hôm nay có lệnh hoàng thượng vào cung dự tiệc, bây giờ nô tì đang đưa phu nhân ra lại xe ngựa để quay về.”

    Vị công công ấy không trả lời. Đoàn người của Thái tử lại tiếp tục rời đi. Lúc này tôi mới đứng dậy, tiếp tục theo chân Thu Cúc ra đến nơi hai chiếc xe ngựa đang chờ sẵn.

    Tôi lại ngồi cùng Cát trở về. Anh đưa mắt nhìn tôi, nhưng không hỏi gì cả. Tôi cũng chẳng còn tâm trạng để nói chuyện với anh.

    Xe chạy chầm chậm, tôi có thể nghe tiếng gió rít từng cơn bên ngoài.

    Hoàng cung rộng lớn là vậy, nhưng sao quá cô liêu.

    Trong lòng tôi, một cảm giác chưa được gọi tên đã vội vã chết đi.

    Đã bao nhiêu lần tự nhủ quên anh ta đi, nhưng chưa có lần nào tôi thấy tuyệt vọng như lúc này. Quên anh ta không phải việc tôi được lựa chọn, mà giờ như một mệnh lệnh.

    Ngược lại, với địa vị như thế, chắc gì anh ấy đã từng để tôi vào lòng. Cớ sao lại hết lần này đến lần khác trêu đùa tôi?

    “Món thứ hai, đợi đến khi uyên ương đủ cặp, người hữu duyên sẽ thuộc về người hữu duyên.”

    Câu nói trước lúc anh rời đi vẫn lảng vảng quanh tôi. Tôi còn bõ công ra suy nghĩ anh có ý gì. Giờ thì, anh có ý gì không quan trọng, quan trọng là tôi không được có ý gì.

    Tôi bất chợt run lên, muốn khóc cũng không thể khóc trước mặt Huỳnh Cát.

    “Yêu nhau không đặng​
    Bỏ nhau không đành
    Nuốt giọt lệ đắng
    Tiếc cho lương duyên chẳng thành!”

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  4. #9
    Ngày tham gia
    Jun 2017
    Bài viết
    17
    Xu
    0

    Mặc định [Cổ đại] Trần Chân - Búp Bê - Chương 8

    Chương 8: Tôi bị bệnh​



    Thấm thoát ba tháng nữa cũng trôi qua, từ lúc rời xa bức tường thành lạnh lẽo tôi cũng dần quên những cảm xúc đã trải qua đêm ấy. Cả nhà tôi về lại Hải Đông, mọi thứ nhanh chóng trở lại bình thường. Anh cả vẫn đi đi về về đúng giờ giữa xưởng và nhà để không làm chị cả buồn lòng. Chị cả thì vẫn tiếp tục công việc của mình, chăm chút cho anh, cho gia đình này. Cát thì vẫn không có gì thay đổi, mấy ngày tôi mới thấy anh một lần, hầu như lần nào cũng không quá năm phút. Chỉ có tôi là thỉnh thoảng vẫn ngồi trong phòng, nhìn ra trời, buông vài tiếng thở dài.

    Tôi vẫn chăm chỉ theo chị cả họ nấu ăn, tay nghề có chút khá hơn. Những lần đem bánh đến xưởng dệt, anh cả tấm tắc khen ngon, còn Cát không tỏ thái độ nhưng cũng hợp tác ăn hết những gì tôi làm. Chiếc giỏ tôi mang đến càng lúc càng nhẹ dần trên đường về.

    Vẫn như thường lệ, tôi mang cơm trưa đến cho Cát. Hôm đó trời se se lạnh nhưng không hiểu sao đi có một đoạn ngắn từ nhà đến xưởng mà trán tôi ướt đẫm mồ hôi. Lúc tôi đến xưởng mọi người đã nghỉ trưa, chỉ có Cát là vẫn làm việc. Anh hết đi tới đi lui kiểm tra mấy khung dệt, từng sợi chỉ xem có phát sinh vấn đề gì không. Tôi ở trong bày biện thức ăn ra bàn, dặn Nhược Lan ra ngoài gọi Cát vào dùng. Anh vừa bước vào, trông thấy mồ hôi trên trán tôi liền quay qua trách cứ Nhược Lan: “Cô không chăm sóc cho mợ ba hay sao?”

    Nhược Lan lung túng lấy khăn lau cho tôi. Không hiểu sao tôi thấy vui vui trong lòng, anh Cát hôm nay còn biết quan tâm cho đến tôi. Dù sự quan tâm ấy nhỏ tí tí, nhưng cũng đủ khiến tôi cười suốt buổi chiều hôm đó.

    Tôi không ngần ngại kể lại mọi chuyện với chị cả. Chị nghe xong cũng mừng cho tôi. Vẻ mặt chị ấy không khác gì người mẹ hiền từ nghe con gái mình kể về ý trung nhân.

    Ngày hôm sau tôi thấy sắp hết giờ Thìn (7 – 9 giờ sáng) rồi mà Cát vẫn chưa đến xưởng dệt nên ngạc nhiên hỏi Xuân Mai: “Sao giờ này anh Cát vẫn chưa đi làm?”

    Xuân Mai cũng ngạc nhiên nhìn tôi: “Hai hôm trước ông định đi đến Diễn Châu đàm phán, nhưng dạo này sức khỏe bà chủ không được tốt nên cậu ba nói sẽ đi thay ông. Cậu không nói lại việc này với mợ sao?”

    Tôi nghe anh trở về Diễn Châu liền hồ hởi chạy đến phòng anh. Cửa không khép, tôi chạy ùa vào trong thì đúng lúc anh đang thay áo. Thấy vậy tôi ngượng ngùng quay ra cửa đứng chờ, một lúc sau đi ra, khó chịu nhìn tôi: “Sao vào phòng tôi không gõ cửa?”

    Tôi bối rối xin lỗi: “Xin lỗi em quên mất. Nhưng em nghe Xuân Mai nói anh sắp đến Diễn Châu có đúng không? Sao anh không nói gì với em hết?”

    Cát nhét thêm vài thứ linh tinh vô tai nải, chẳng buồn ngó ngàng đến tôi vẫn còn đang đứng ở cửa: “Nói với cô làm gì.”

    Tôi mặc kệ anh đang nghĩ gì, một hai năn nỉ: “Anh cho em theo với. Em nhớ nhà quá, em về thăm nhà ít hôm có được không?”

    “Tôi đi làm ăn, cô đi theo làm gì.”

    “Em chỉ đi nhờ thuyền của anh thôi. Đến Diễn Châu em ghé nhà, thăm cha mẹ còn anh cứ lo việc làm ăn của anh đi, em tuyệt đối không làm phiền đâu.”

    “Tùy cô.”

    Cát vừa nói xong tôi như mở cờ trong bụng. Lần này tôi được về nhà thăm cha mẹ rồi. Tôi luống cuống nói với anh: “Em đi xin phép anh chị cả với xếp ít đồ, anh chờ em nhé!”

    Nói rồi tôi ba chân bốn cẳng chạy áo đến phòng anh chị cả. Dạo gần đây anh cũng đi ra xưởng dệt trễ hơn một chút để ở bên chị cả nhiều hơn. Thấy tôi vào, anh cả ngạc nhiên: “Em làm gì mà lúc nào cũng gấp gáp vậy?”

    Tôi ngay lập tức vào thẳng vấn đề: “Anh cả ơi em nghe nói anh Cát đi đến Diễn Châu, anh cho phép em về thăm nhà ít hôm có được không?”

    Anh cả chau mày nhìn tôi: “Hôm trước anh có nói với Cát dắt em về Diễn Châu cùng rồi, sao hôm nay lại chạy đến hỏi anh?”

    Tôi nghe anh cả nói mà thấy giận Cát ghê gớm. Rõ ràng anh cả đã cho phép tôi cùng đi về Diễn Châu nhưng anh ấy lại chẳng nói với tôi lời nào. Nhưng chuyện đó đợi đến khi xuống thuyền tôi sẽ hỏi anh sau, còn trước mắt tôi phải về phòng soạn ít bộ quần áo để ảnh không phải chờ lâu.

    Tôi gom đại hai ba bộ nhét vô tai nải rồi nhanh chóng chạy đến phòng Cát, chỉ thấy Xuân Mai đang quét dọn phòng: “Cậu đã ra bến thuyền trước rồi thưa mợ.”

    Vậy là tôi cùng Nhược Lan hối hả chạy ra bến thuyền. Lúc đến được đến thuyền thì chiếc thuyền của nhà tôi cũng đã nhổ neo, chèo được một đoạn khá xa. Nhược Lan ra tận đầu cầu, hét to lên: “Này, đợi đã, mợ ba còn chưa lên mà. Sao các người lại đi như vậy.”

    Chị ấy có hét khan cả cổ thì chiếc thuyền ấy cũng không quay lại. Tôi buông tay, tai nải rơi xuống đất, mắt dõi theo chiếc thuyền ấy nhỏ dần, nhỏ dần.

    Nhược Lan tức đến rơi nước mắt: “Cậu sao lại quá đáng như vậy. Rõ ràng đã hứa cho cô theo mà lại không chờ. Tội cho cô quá.”

    Tôi đưa tay vịn lên thành cầu, lần từng bước một đi vào bờ. Nhược Lan thấy vậy cũng nhặt lại tai nải rồi chạy theo tôi.

    Lúc tôi lững lững về đến nhà chị cả vô cùng ngạc nhiên. Chị có hỏi tôi điều gì đó mà tôi nghe không rõ, thậm chí tôi cũng không nhớ mình có trả lời lại chị hay không?!

    *
    * *

    Ngày hôm sau tôi dậy không nổi, trong người vừa nóng vừa lạnh. Nhược Lan đưa tay sờ trán tôi rồi phán một câu xanh rờn: “Cô hai bị sốt rồi.”

    Có lẽ do mấy hôm trước tôi đã mang sẵn mầm bệnh, lại gặp hôm qua chạy bộ ra bến cảng một quãng xa nên hôm nay phát bệnh. Thầy thuốc đến, bắt mạch cho tôi xong rồi kêu Nhược Lan đi theo hốt thuốc về. Thuốc sắc ra đen lòm đắng nghét, tôi vừa hớp một ngụm đã phun ra phèo phèo.

    “Cô à, không uống thuốc thì làm sao khỏi bệnh.” Nhược Lan bên cạnh, trăm phương ngàn kế tìm lời dụ dỗ tôi. Thật chất là thuốc đó rất khó nuốt, nhưng dưới lời dụ dỗ của Nhược Lan cuối cùng tôi cũng uống. Vài chén thuốc sau đó tôi cũng uống cạn, nhưng lần nào cũng ăn thêm một viên mứt gừng.

    Thuốc thì vẫn uống đều đặn nhưng không hiểu sao bệnh của tôi kéo dài đến không ngờ. Tôi nằm trên giường gần nửa tháng trời, đến khi bước chân ra khỏi cổng thì trời đã gần vào xuân. Cái lạnh se thắt của mùa đông vẫn chưa bớt chút nào nhưng cũng không làm lộc non trên cành sợ hãi. Mấy cành hoa đào bắt đầu e ấp nhụy, đường xá có vẻ đông đúc ồn ào hơn. Cách nhà tôi ở trước nay nào có ai buôn bán gì, nay tự dưng thím chín bày mâm bán mứt, chú hai bên kia thì treo mấy dây thịt khô mời gọi người qua đường. Tôi vỗ trán thầm trách mình hồ đồ, còn tầm mười ngày nữa là đến Tết nguyên đán rồi.

    Tôi vội vã quay vào nhà, chạy ra sau bếp tìm chị cả: “Chị ơi gần tết rồi, sao nhà mình chưa chuẩn bị gì hết vậy?”

    Chị đang canh lửa cho nồi chè, phì cười với tôi: “Chuẩn bị gì cơ? Lúc em còn nằm bệnh là chị đã chuẩn bị xong hết rồi.”

    Tôi phụng phịu: “Nếu vậy sao chị không gọi em phụ. Em nằm trên giường chẳng biết gì cả.”

    Chị cả nhún vai: “Em bệnh nặng như vậy làm sao chị nở bắt em làm gì. Với lại nhà mình đâu thiếu người làm, em không cần thiết phải đụng tay vô những chuyện như vậy.”

    Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn còn luyến tiếc lắm…năm đầu tiên tôi ăn tết ở Hải Đông nhưng lại không được ra chợ chọn từng miếng thịt, cọng rau, không được chính tay thắng đường làm mứt. Lúc ở Diễn Châu có khi nào tôi quan tâm đến những chuyện này, không hiểu sao khi đến đây lại đâm ra siêng năng hơn hẳn.

    Chị cả thấy tôi không cam tâm nên hứa sẽ đưa tôi cùng đi chợ, mua bánh trái, thịt heo về để nấu ăn, đưa ông táo về trời ngày hai mươi ba tháng Chạp. Tôi nghe mà thấy trong người như lấy lại sức sống, khỏe còn hơn lúc chưa bị bệnh nữa cơ.

    Hôm hai mươi hai tôi đi chợ cùng với chị cả. Chị tận tình hướng dẫn tôi chọn thịt heo sao cho tươi, chọn rau sao cho ngon, chọn những món nào ăn vào sẽ tốt cho sức khỏe. Nhìn chị cả thuần thục như vậy, tôi bỗng nhớ đến việc trước kia chị đường đường là thiên kim tiểu thư con của Hàn lâm học sỹ, nay lại chẳng khác nào một người phụ nữ thôn quê hết lòng vì chồng. Không biết điều gì khiến chị hy sinh và thay đổi nhiều như thế? Đó có phải chăng là “Tình yêu” ?

    Vẫn là một điều khiến mọi chuyện chưa hoàn hảo, chính là thêm một năm nữa làm dâu họ Huỳnh mà chị cả vẫn chưa sinh con. Tôi thấy chị nhiều lần cầm thúng vải ra đan đan móc nào là bao tay bao chân và nón em bé. Nhưng có lẽ ông trời quá ganh tị với chị nên vẫn chưa chịu cho chị một đứa con hủ hỉ. May sao tôi thấy anh cả không vì điều ấy mà đâm ra chán chường hay có thái độ lạnh nhạt với chị. Nhìn anh cả, tôi thầm ước mong anh Cát cũng được một phần như vậy là tôi vui rồi.

    Nhắc đến anh Cát, không biết sao lần này anh đi lâu như vậy, hơn nửa tháng vẫn chưa quay về.

    Tôi còn nghĩ anh Cát chuyến này chắc ăn tết ở Diễn Châu luôn rồi thì anh lại trở về nhà vào đêm hai mươi chín. Chỉ không gặp anh có một ít thời gian nhưng dường như anh trông gầy và đen hơn. Công việc ở Diễn Châu chắc nặng nhọc lắm! Tôi bỏ qua chuyện hôm trước anh bỏ tôi lại ở bến thuyền, hết tíu tít kêu Xuân Mai đi làm vài món cho anh lót dạ, rồi lại kêu Nhược Lan chuẩn bị nước ấm cho anh tắm rửa. Anh nhìn tôi ngại ngùng nói tiếng “Cảm ơn”.

    *
    * *

    Ngày ba mươi cả nhà chúng tôi cùng nhau chuẩn bị mọi thứ cho năm mới. Chị cả hướng dẫn mấy cô hầu bày biện thức ăn lên bàn thờ để anh cả khấn vái tổ tiên. Anh cả cầm hương, miệng lẩm bẩm những điều đại loại cảm ơn tổ tiên phù hộ cho năm qua mọi việc suôn sẻ, gia đạo bình an, lại còn cưới vợ cho anh Cát – là tôi. Anh còn cầu xin cho năm nay mọi thứ vẫn tốt lành như thế, và cả chuyện tôi mau sinh con để nối dòng nối dõi họ Huỳnh.

    Tôi với cương vị là con dâu mới cũng cấm nén hương lên bàn thờ cha mẹ. Trong đầu tôi thầm tưởng tượng ra dung mạo của cha mẹ lúc còn sống, có lẽ cũng sẽ có nét giống như anh cả, anh Cát và Nguyên phi. Chỉ tiếc là cha mẹ mất quá sớm, tôi không có duyên được hầu hạ cha mẹ ngày nào.

    Đêm hôm đó nhà chúng tôi đãi khách, toàn là bạn làm ăn của anh cả. Mọi người nói cười rôm rả, tôi ngồi nghe cũng cảm thấy vui theo. Cho đến gần nửa đêm tiệc mới tàn, ai về nhà nấy.

    Sáng mồng một tôi dậy thật sớm, cùng anh Cát chúc tết anh chị cả và nhận bao đỏ may mắn. Tất cả nô bộc trong phủ mọi năm chỉ nhận được từ ông chủ, năm nay còn được thêm phong bao của cậu mợ ba, ai nấy đều vui mừng.

    Mồng hai, một ít tôi tớ luân phiên cùng nhau về quê, nhà tôi vì thế cũng vắng vẻ hẳn. Từng tốp người thay nhau đến, toàn là người làm tại các phân xưởng đến chúc mừng năm mới và biếu lễ lộc, vì thế không khí cũng không kém phần nhộn nhịp.

    Sáng mùng ba, tất cả các cửa hiệu bán vải của nhà họ Huỳnh đồng loạt khai trương lại, giảm giá hai phần cho vải thứ phẩm, một phần cho vải nhất phẩm. Người dân trong vùng kéo đến, mỗi bà mỗi cô tay cầm mấy khúc đem về nhà. Tôi và anh Cát được giao hẳn một của hàng để trông coi, đứng tư vấn cho mấy dì mấy cô chọn được khúc vải ưng ý, tôi cũng lấy làm vui theo.

    Đến chập tối, lúc vợ chồng tôi bước vào cửa thì thấy nhà cửa tối thui. Có lẽ anh chị cả chưa về nên mấy nô bộc cũng lười biếng chăng? Anh Cát khó chịu quát lên: “Người đâu hết rồi, sao không thấp đèn lên để nhà của tối tăm thế này.”

    Ngay sau đó ánh đèn vụt sáng, chiếu rọi từng ngóc ngách của gian phòng được bày biện vô cùng bắt mắt. Trên vách dán chữ thọ to đùng, trên bàn thì đầy một măm thức ăn tôi thích cùng mấy đĩa bánh thọ. Vốn dĩ hôm nay bận bịu, tôi còn tưởng mọi người quên mất sanh thần của mình, không ngờ mọi người đều nhớ và âm thầm chuẩn bị. Tôi vui đến nổi rơi nước mắt, chạy đến ôm lấy anh chị cả. Ai nấy đều nhìn tôi bật cười.

    Quà của chị cả là một hộp phấn của Đại Tống. Cha chị cả đi sứ sang đó đem về hai hộp, một hộp tặng vợ còn một hộp làm quà cho con gái, chị cả thương tôi nên tặng cho tôi. Anh cả thì cho tôi bằng khoán và giấy tờ của cửa hiệu mà tôi và anh Cát cùng trông coi sáng hôm nay. Tôi thấy quà lớn quá định không nhận nhưng anh cả một hai bắt tôi phải nhận, còn nói thấy tôi buồn vì ở nhà nhiều nên tặng tôi, tôi có thể đến đó phụ anh làm quản lí. Nhược Lan thì may cho tôi đôi tất, ngay cả Xuân Mai bình thường lãnh đạm cũng đích thân làm cho tôi chiếc túi thơm xinh xắn. Tôi nhìn mọi người cảm động, nước mắt lại liên tục trào ra.

    Chỉ có anh Cát là ngồi im lìm. Tôi cũng không dám hỏi han gì anh ấy. Có thể hổm rày do quá bận rộn nên anh quên mất ngày sinh của tôi, cũng như tôi mém quên ngày sinh của chính mình đó thôi. Cho đến lúc tôi đi về phòng, anh gõ cửa, đưa cho tôi một cặp hoa tai cẩm thạch: “Tôi không biết hôm nay là sinh nhật cô nên không chuẩn bị quà kịp. Đây là tôi mua lúc đi đến Diễn Châu, hy vọng cô thích.”

    Tôi dĩ nhiên là không thích cẩm thạch, nhưng tôi thích quà của anh. Đây là món quà đầu tiên anh tặng tôi với danh nghĩa vợ chồng. Đêm hôn đó tôi đeo luôn đôi hoa tai ấy để đi ngủ và cũng không có dự định tháo ra. Đáng lẽ mọi chuyện đến với tôi sẽ êm đẹp như thế, nếu như không có một ngày tôi phát hiện ra một sự thật mà anh chôn giấu, khiến bao nhiêu kỳ vọng trong tôi vỡ tan tành. Nhưng đó là một ngày xa lắm, còn lúc này đây, tôi hạnh phúc nằm trên giường, ôm gối mỉm cười chìm vào giấc ngủ. Thầm mơ mộng đến viễn cảnh vợ chồng hạnh phúc những tháng ngày tiếp theo.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  5. #10
    Ngày tham gia
    Jun 2017
    Bài viết
    17
    Xu
    0

    Mặc định [Cổ đại] Trần Chân - Búp Bê - Chương 9

    Chương 9: Hôn sự cùng Bát vương gia​



    Tôi cùng anh Cát trở lại Diễn Châu vào một ngày tháng ba, khi những cây bằng lăng hai bên đường nhuộm tím cả bầu trời. Lần này con nước không cao nên chúng tôi đi bằng xe ngựa, chạy ròng rã mười ngày đường mới về đến nhà, mông tôi gần như ê ẩm. Trước cổng nhà, hai chiếc đèn lồng đỏ đã được treo lên, phía dưới còn gắn hai câu đối.

    “Thọ đồng tùng bách thiên niên bích ​
    Phẩm tự chi lan nhất vị thanh​


    (Thọ như tùng bách ngàn năm biếc​
    Đức tựa chi lan một đời trong)”​

    Lần này, đích thị tôi về quê để mừng tuổi cha tôi. Đó là chưa kể anh chị cả cho phép tôi ở lại nhà một tháng. Mọi chuyện đều tốt đẹp như vậy, suốt cả dọc đường miệng tôi hầu như không bao giờ khép lại. Đến mức anh Cát phải lên tiếng: “Cô có cần thiết phải cười suốt như vậy không?”

    Thấy tôi cha mẹ mừng lắm, chứ không khóc như lần tôi trở về sau Tứ hỷ, có lẽ mẹ cũng đã quen với việc con gái gả ra ngoài. Nhà tôi vẫn không có gì thay đổi, cha mẹ vẫn hạnh phúc, anh Tự Khải vẫn đam mê kinh sử của anh, chỉ khác là có một vài gia nô đã nghỉ việc, thay thế bằng một số người khác…tất cả cũng không ảnh hưởng đến công việc của mọi người từ trước đến giờ.

    Chiều hôm đó cả nhà Tú Bình cũng từ Diễn Hoa đến đây. Nói là cả nhà nhưng thực chất cũng chỉ có chú ba, anh Tự Mai và chị Tú Bình. Chú ba lâu ngày mới gặp lại tôi, hỏi thăm một câu khiến tôi méo mặt: “Hai đứa định khi nào mới cho ông bà ngoại bồng cháu đây?”

    Tôi ngượng ngùng nhìn mẹ, mẹ có vẻ nhiều tâm sự. Chắc mẹ cũng đang nghĩ đến việc đó. Chỉ có cha tôi là nói đỡ cho tôi: “Tụi nó vẫn còn trẻ, chuyện con cái không gấp.”

    Anh tôi cũng đùa: “Ít nhất nhà cháu cũng có con Chân đi lấy chồng, còn bên kia chú có hai người con vẫn chưa tính chuyện gì sao?”

    Chú ba nghe đến đây bật cười sảng khoái: “Ai nói chưa tính gì. Con Bình dạo này có mối đến hỏi rồi, có vẻ nó cũng ưng bụng. Bây giờ chỉ lo tìm một ngày đẹp trời để gả đi thôi.”

    Cả nhà tôi đều ngạc nhiên nhìn chú ba. Từ đó đến giờ có rất nhiều mối đến cầu hôn nhưng chị Bình nếu không chạy đến nhà tôi để lẩn tránh thì cũng từ chối người ta thẳng thừng. Lần này không biết người ấy tài năng đứ độ đến đâu mà có thể khiến chị ấy hồi tâm suy nghĩ. Tôi len lén nhìn qua Cát, thấy anh trân trối nhìn chị Bình.

    Mẹ tôi hỏi tiếp: “Không biết nhà nào mà có phước cưới được con Bình vậy chú ba?”

    Chú ba khoái chí cười khà khà: “Không biết lần này nhà họ có phước hay nhà mình có phước. Con Bình nó có chi đâu mà lại lọt vào mắt của Bát vương gia, ngài ấy đã cho người sang nhà tôi nói chuyện rồi.”

    Như không tin vào tai mình, mẹ tôi lập lại câu hỏi: “Bát vương gia, đó chẳng phải là tri phủ vùng này hay sao?”

    Chú ba đầy tự hào gật đầu. Cha tôi cũng xuýt xoa: “Bát vương gia là một vị quan tốt, vừa lo phát triển kinh tế vừa giải quyết ổn thỏa các vụ kiện tụng, chưa để ai hàm oan bao giờ, nhưng năm nay đã ba mươi vẫn chưa chịu thành hôn. Tôi có mấy người bạn cậy bà mối đến để giới thiệu con gái cho ngài nhưng đều bị từ chối. Lần này con Bình được ngài để ý, dòng họ nhà Trần chúng ta xem như nở mày nở mặt.”

    Chị Tú Bình có vẻ không thích mọi người bàn tán đến chuyện của mình nên dùng dằng: “Cha mẹ à, việc hôn sự này là do cha con tự nói thôi, con đã bằng lòng đâu.”

    Tự Khải bật cười: “Em bằng lòng đi chứ. Sau này làm Bát vương phi rồi thì tiến cử anh với vương gia để anh có được một chức quan cho nở mày nở mặt tổ tiên dòng họ.”

    Anh Tự Mai có vẻ không đồng ý với Tự Khải: “Anh cứ mê đắm cái chuyện làm quan để làm gì. Cứ như em, học võ cho cường tráng, trừ gian diệt ác, giúp đỡ mọi người.”

    Tự Khải lắc đầu: “Anh làm quan cũng là một cách để giúp đỡ bá tánh, đâu phải cứ giơ nắm đấm lên là giải quyết được vấn đề.”

    Cứ thế mọi chuyện lại cứ được tiếp tục. Ban đầu chỉ từ chuyện chị Tú Bình sắp được gả đi mà bây giờ thành chủ đề bàn luận về võ công, về quan lại,…Anh Cát có vẻ trầm tính hơn hẳn, mỗi khi ai hỏi gì cũng đều vâng vâng dạ dạ, còn lại thì đều ngồi im dùng cơm. Thỉnh thoảng tôi lén nhìn sang anh, thấy ánh mắt anh xa xăm, thâm trầm. Tôi nhìn Tú Bình, Tú Bình cũng ngại ngùng mỗi khi chạm mặt Cát. Có khi nào lần này chị Bình đồng ý thành hôn cũng một phần vì muốn thoát khỏi mớ bòng bong ba người chúng tôi?

    *
    * *

    Đêm đó dùng cơm xong tôi cùng Tú Bình ra vườn trò chuyện. Trước khi tôi đi lấy chồng hầu như tháng nào chị Bình cũng đến nhà tôi ở vài ngày, chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cùng nhau. Còn bây giờ tôi về Hải Châu, một năm về nhà được một, hai lần, mai mốt đến phiên chị Bình gả đi, có thể lâu lắm chúng tôi mới có dịp hội ngộ. Tôi chợt nhớ đến những tháng ngày trước đây, hai chúng tôi vô lo vô nghĩ, chỉ biết cùng nhau rong chơi, cùng nhau tận hưởng thời thiếu nữ oanh liệt. Tôi chưa bao giờ giấu chị Bình việc gì…cho đến khi Lý Nhật Trung xuất hiện, không hiểu sao tôi lại giữ việc gặp anh ấy trong lòng. Nếu Nhược Lan không chứng kiến việc đó, tôi e đến giờ cũng sẽ không có người nào biết chuyện này – trừ Nguyên phi.

    Hai chúng tôi cùng nhau ăn bánh chuối và ngắm sao. Sao đêm nay thật nhiều, y hệt lúc tôi còn ở dưới thuyền đi đến Hải Châu thành thân. Nếu là trước đây, chắc hẳn hai chúng tôi sẽ huyên thuyên đủ mọi chuyện, không e ngại điều gì. Nhưng giờ đây, dù chị không biểu thị ý gì nhưng tôi tin chị vẫn còn để bụng chuyện tôi và anh Cát cưới nhau, và chính tôi cũng ngại đối mặt với chị vì điều đó. Sau một hồi lưỡng lự, tôi cũng lên tiếng phá tan không gian im lặng giữa hai chúng tôi: “Chị có thật là sẽ lấy Bát vương gia không?”

    Tú Bình nhai nốt miếng bánh còn dang dở, vô tư trả lời tôi: “Có thể. Dù gì chị cũng đến tuổi phải gả đi rồi.”

    “Chị có thích Bát vương gia không?”

    Tú Bình nhún vai: “Chị không biết mình có thích ông ta hay không. Qua tiếp xúc vài lần, chị cảm giác được ông ấy là người tốt, có thể nương tựa cả cuộc đời này. Ông ta có vẻ rất quý mến chị, gả về đó chắc không đến nổi khổ.”

    Tôi ngập ngừng giây lát rồi hỏi tiếp: “Chị à, trả lời thật cho em biết đi, chị vội vàng đồng ý hôn sự này, có phải là do em. Nếu không có em xen vào chuyện tình cảm giữa chị và anh Cát, có lẽ bây giờ hai người sẽ rất hạnh phúc.”

    Tú Bình như suy nghĩ điều gì đó một lúc lâu, rồi quay sang nắm lấy tay tôi, vỗ nhẹ: “Lần trước em về đây, quả thực chị rất giận. Chị giận mọi thứ tại sao nên nông nỗi như vậy, chứ hoàn toàn không giận em, bởi chị nghĩ em cũng chỉ là một nạn nhân trong vòng lẩn quẩn này. Chị thậm chí đã từng nghĩ có khi nào vì chuyện này mà mình sẽ chết luôn hay không…”

    Tôi nghe chị Bình nói mà thấy sợ hãi, vội vã kêu lên: “Chị đừng suy nghĩ như vậy!”

    Tú Bình mỉm cười: “Dĩ nhiên rồi. Em nghĩ chị là ai mà có thể hy sinh mạng sống chỉ vì một người đàn ông. Nếu chị yêu anh ta nhiều đến như vậy, có thể chị sẽ tranh giành với em, cùng lắm là nhất phu hữu thê. Nhưng đến cuối cùng chị phát hiện chị thương em nhiều hơn chị yêu Huỳnh Cát. Sau đó chị tiếp tục mọi thứ như từ trước đến nay, dần dần cũng không còn đau khổ như trước đây.”



    “Rồi một lần tình cờ khi đi chùa chị và Bát vương gia gặp nhau. Ông ta quả thực là một trang hảo hán. Tuy rằng lúc này chị đối với ông ấy chưa hẳn là yêu, nhưng biết đâu sau khi đã là vợ, là mẹ, tình cảm lại bồi đắp từ từ mà nên. Yêu hay không yêu có quan trọng bằng việc có thể bên nhau yên ổn mà sống cả cuộc đời hay sao.”

    Tôi nghe Tú Bình nói mà không khỏi chạnh lòng. Rõ ràng hôn sự lần này là chị tự nguyện chứ nào ai ép buộc, nhưng sao tôi cảm thấy sự tự nguyện của chị giống như cố tìm một lối thoát giữa sa mạc, càng đi càng bức bí. Tính tôi vốn vô tư an phận, dù Huỳnh Cát không yêu thương nhưng tôi vẫn tìm được niềm vui để tiếp tục cuộc sống của mình. Còn một người tự do phóng khoáng như Tú Bình, liệu sống với Bát vương gia trên danh nghĩa nhưng không có tình yêu thì chị có chịu nổi? Đó là chưa kể Bát vương gia lại là hoàng thân quốc thích, địa vị cao xa vời vợi.

    Tôi chợt nhớ đến lời Nguyên phi, đem tất cả ra nói cùng Tú Bình: “Nhưng dù gì Bát vương gia cũng là thân phận cao quý, đâu thể cả cuộc đời chỉ có mỗi mình chị là vợ. Bây giờ người yêu thương chị, nhưng mai mốt lỡ như người có người khác, không phải chị sẽ bất hạnh lắm sao?”

    Tú Bình bật cười: “Em Chân nhà ta lớn rồi, có thể suy nghĩ được những điều như vậy. Chị đã nói rõ với ông ấy chị sẽ không bao giờ chấp nhận cảnh chung chồng với bất kỳ ai. Nếu ông ấy có yêu thương người nào khác ngoài chị thì chị sẽ ra đi cho ông ấy toại nguyện.”

    Những điều Tú Bình nói thật quá mông lung, tôi nhìn chị ấy, nữa như đề nghị, cũng như nửa van nài: “Chị à, hay chị gả cho anh Cát đi. Khi về nhà rồi thì em có làm vợ hai cũng được. Em không muốn chị đi con đường mà cả bản thân chị cũng không chắc chắn được điều gì.”

    Tú Bình nghe tôi nói đột ngột thay đổi sắc mặt. Nhưng sau đó chị liền lấy lại bình tĩnh: “Chị không muốn nghe em nói những chuyện như vậy. Đối với Huỳnh Cát, chị không đủ yêu thương để chịu cảnh chung chồng. Đối với em, chị quá thương em nên không thể nhẫn tâm tranh giành hạnh phúc của em. Duyên là do trời định. Em đừng bao suy nghĩ những điều đó nữa, biết không?”

    Tú Bình đã nói như vậy tôi cũng không có ý kiến gì thêm, trong lòng chỉ cầu mong sao mọi chuyện diễn ra thật yên bình. Đêm đó hai chúng tôi ngồi với nhau rất lâu, ôn lại kỉ niệm lúc hai đứa từ khi còn nhỏ, rồi khi tôi gả về Hải Đông,…Nhưng chị không hỏi gì đến chuyện riêng của tôi và Huỳnh Cát, tôi cũng không đề cập đến việc ấy lần nào.

    Lúc tôi về phòng đã thấy Nhược Lan đứng ở cửa, điệu bộ thấp thỏm không yên. Tôi thầm nghĩ trong đầu không biết lại xảy ra chuyện gì. Nhác thấy tôi, Nhược Lan vội vàng chạy lại, thì thầm: “Cô hai, đêm nay cậu ngủ ở phòng cô.”

    Tôi nghe Nhược Lan nói mà chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Cả ngày hôm nay mải mê quản chuyện Tú Bình mà tôi quên mất hiện tại chúng tôi đang ở Diễn Châu. Nếu là ở nhà họ Huỳnh thì chúng tôi còn có thể tìm lí do để trì hoãn chuyện ngủ chung, nhưng hiện tại đây là nhà tôi, nếu có bất kỳ sự khác biệt nào sẽ khiến cha mẹ nghi ngờ. Có lẽ anh Cát cũng biết điều đó nên tối nay dọn đến phòng tôi.

    Tôi gõ cửa – điều nực cười là gõ cửa phòng của chính mình. Bên trong không trả lời, tôi nhè nhẹ đẩy cửa bước vào. Cát ngồi trầm ngâm trên ghế. Ngọn nến trên bàn sắp tàn, không gian vì anh mà càng thêm ảm đạm!

    “Em kêu Nhược Lan thay cây nến khác cho sáng nhé!” – Tôi lên tiếng.

    “Không cần đâu, đã khuya lắm rồi, cũng sắp đi ngủ.”

    Từ “Ngủ” Cát nói ra nhẹ tênh nhưng sao tôi thấy thật nặng nề. Tôi vốn đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng lâu đến mức giờ đây tôi quên mất mình cần phải làm gì. Mấy tháng nay tôi an nhiên làm mợ ba trên danh nghĩa, ngoài việc không chung phòng với Cát ra thì mọi thứ khác đều ổn thỏa. Hôm nay, mọi chuyện lại đến quá bất ngờ, tôi biết phải làm sao?

    Anh Cát bỗng nhiên đứng dậy, từ từ cởi áo khoác. Tôi hoảng hốt kêu lên: “Anh làm gì vậy?”

    Trái với sự sốt ruột của tôi, anh chỉ đáp một cách đầy tự nhiên: “Cô mặc cả quần áo ngoài để ngủ, không nóng à?”

    Tôi quýnh quáng xua tay: “Không…không em không nóng. Hôm nay em thấy trời hơi lạnh…anh nóng thì để chăn em đắp nhé.”

    Tôi nói rồi vội vã cuốn hết chăn vào người, nằm quay mặt vào vách. Không biết lúc đó Cát đã nhìn tôi như thế nào, tôi lặng lẽ chờ đợi xem tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì, cho đến khi ngọn nến vụt tắt, tôi giật thót mình.

    Cả không gian chìm đắm trong bóng tối. Màn đêm tĩnh mịch đến mức tôi nghe rõ cả nhịp tim đang đập liên hồi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, và rồi như ngưng lại khi Cát nhẹ nhàng nằm xuống cạnh tôi.

    Chưa bao giờ các giác quan của tôi lại hoạt động tốt như lúc này. Trong bóng đêm nhưng mắt tôi như có thể thấy khuôn mặt anh, tai nghe từng hơi thở của anh, mũi cảm nhận mùi hương nhè nhẹ từ anh và da thịt như phát giác được sự xa lạ nên lông tơ trên người cứ dựng đứng lên hết. Mồ hôi tôi túa ra ướt đẫm cả chiếc chăn đang quấn lấy mình.

    Tôi cứ chờ mãi nhưng chẳng nghe thêm âm thanh hay bất kỳ hành động nào từ Cát nên len lén quay lại. Anh nhắm mắt, hơi thở đều đặn. Trước nay tuy ở chung nhưng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy anh trong khoảng cách gần như lúc này. Màn đêm không che được hết vẻ đẹp của Cát. Da anh bình thường hồng hào mịn màng không thua gì da phụ nữ, thậm chí còn đẹp hơn cả tôi. Tôi muốn đưa tay lên sờ thử xem nó mịn như thế nào.

    Thế nhưng chưa kịp làm gì thì Cát đã lên tiếng, mắt vẫn không mở: “Đừng nhìn nữa, ngủ đi.”

    Sự tò mò của tôi bị kìm hãm sinh ra ức chế. Tôi phụng phịu quay vô tường, vừa nhắm mắt, vừa lẩm bẩm trong đầu mình hai chữ “Đáng ghét” hàng ngàn lần.

    Giữa đêm dường như tôi có cảm giác chỗ bên cạnh tôi thật trống trải. Tôi không biết anh Cát có còn nằm lại chỗ đó không hay đã đi đâu, nhưng tôi lười biếng mở mắt ra. Đến gần sáng, tôi quá buồn tiểu nên mắt nhắm mắt mở thều thào: “Nhược Lan, lấy cho em cái bô đi.” Rồi chợt giật mình phát hiện anh Cát đang trân trối nhìn mình. Sau đó tôi lại quay vô tường, cố nhịn đau ngủ tiếp cho đến khi trời sáng hẳn.

    Đêm đầu tiên yên ả trôi qua. Khi Nhược Lan vào phòng đánh thức tôi thì Cát đã rời khỏi phòng tự bao giờ. Nhược Lan cứ tò mò hỏi tôi đêm qua đã xảy ra chuyện gì chưa, tôi thật muốn kể lại cái chuyện tôi buồn tiểu đến mức sáng nay lũ tràn nhà xí!

    Tôi qua phòng Tú Bình định rủ chị cùng tôi đi chợ, khi đi ngang qua giếng nước tôi tình cờ nghe hai cô hầu nói chuyện với nhau.

    “Bà à, đêm qua dường như tôi thấy ma hay sao ấy. Tối qua nóng quá, tôi định đi ra giếng múc gáo nước rửa mặt cho mát, ai ngờ đi gần tới phòng cô Bình tôi phát hiện bóng người đứng ở ngoài cửa sổ nhìn vô bên trong. Tôi sợ quá kêu lên một tiếng rồi dụi mắt nhìn lại thì không thấy ai hết. Chắc là ma thiệt rồi bà.”

    “Ghê vậy sao? Đó giờ tôi ở đây chưa thấy những thứ ấy bao giờ. Nhưng thôi mai mốt nếu không có chuyện gì đừng ra khỏi phòng ban đêm nữa nhé!”

    Tôi nghe hai cô ấy trò chuyện mà lòng cứ nghi hoặc, chẳng lẽ nhà tôi có mà thật? Không biết đêm qua Cát có ra khỏi phòng hay không, có gặp phải thứ ấy giống như cô hầu kia không nữa?....

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


Trang 2 của 4 Đầu tiênĐầu tiên 1234 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status