TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 8

Chủ đề: Truyện Cổ Việt Nam - VI (1987)

  1. #1
    Ngày tham gia
    Jul 2008
    Bài viết
    59
    Xu
    0

    Mặc định Truyện Cổ Việt Nam - VI (1987)

    Lời nói đầu: Đây là một trong những quyển sách gắn liền với tuổi thơ tôi, sau bao nhiêu năm, sách đã sờn, giấy đã tệ.

    Với mong muốn lưu giữ chút gì đó lại cho con cháu, mặc dù vẫn biết có thể đâu đó những mẩu chuyện này đã có, tôi xin đả tự lại quyển sách này như là một cách để hệ thống lại, cũng là để ngẫm lại những bài học trong đó.

    Ý định này đã có từ rất lâu, nhưng năm nay tôi sẽ cố gắng làm và hoàn tất.

    Mong chư vị sư huynh đệ tỷ muội ủng hộ và gìn giữ nó như là một nét Văn Hóa Việt để truyền đến mai sau.

    Saigon, mồng 1 tháng giêng năm Mậu Tuất.
    ---QC---
    Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết.


  2. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    gautruc01,Trường Minh,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Jul 2008
    Bài viết
    59
    Xu
    0

    Mặc định Bợm già mắc bẫy

    BỢM GIÀ MẮC BẪY
    HAY LÀ MƯU TRÍ ĐÀN BÀ

    (Dân Tộc Kinh)

    Ngày xưa có một anh chàng nhà giàu có, nhưng phải cái ngu ngốc thì không ai bằng. Một hôm, nghe nói trong vùng có đám hội lớn mở luôn mười đêm ngày, hắn vội vã thắng bộ cánh rất sang: áo gấm, quần lụa, khăn điều, nón lông, giày hạ. Hắn lại cưỡi một con ngựa có yên khấu trang sức đắt tiền. Dọc đường gặp ai hắn cũng hỏi: – « Ông (hay bà) xem tôi có đẹp hay không! » và hắn lấy làm đắc chí khi thấy người ta trầm trồ khen ngợi mình.
    Lúc đến dãy quán quanh đám hội, hắn gặp một tay đại bợm đang tránh ngựa, đứng bên vệ đường. Cũng như mấy lần trước, hắn dừng lại hỏi:
    - Ông xem tôi có đẹp hay không?
    Hắn không ngờ người kia lại đáp lời:
    - Đẹp thì đẹp đấy, nhưng chưa biết cách ăn mặc ra lối nhà quan.
    Nghe nói thế, hắn bèn dừng ngựa, cầu khẩn:
    - Ông vui lòng bảo giúp cho tôi một tý, tôi sẽ không quên ơn ông.
    Bợm ta lớn tiếng:
    - Thế thì hãy xuống ngựa đi! Cởi áo quần ngoài ra đưa đây ta bày vẽ cho!
    Ngốc ta không ngại, lần lượt cởi mọi thứ đang mặc trao cho hắn. Còn tên bợm mỗi lần mặc một cái vào người, hắn lại nói :
    - Hãy nhìn đây! Như thế này mới là lối nhà quan.
    Cuối cùng hắn nắm lấy cương ngựa, vừa trèo lên yên vừa nói:
    - Mở mắt ra mà nhìn cho kỹ cách người nhà quan họ cưỡi ngựa!
    Hẳn cho ngựa tế quanh vài vòng, rồi sau đó ra roi cho ngựa tếch thẳng.
    Ngốc ta vùng chạy theo la làng. Nhưng chảng có ai lại tin lời hắn cả, vì không thể nào có một tên cướp lại đủ thì giờ thắng bộ cánh đã cướp được vào người một cách chững chạc như thế kia.
    Thế là anh chàng ngốc mất hết cả ngựa nghẽo và bộ cánh, đành khoác bộ quần áo tàng của tên bợm bỏ lại mà kéo bộ trở về nhà.
    Nghe hắn kể chuyện, vợ hắn mắng cho một trận. Qua hôm sau, người đàn bà bắt chồng phải đưa mình đến đám hội tìm cho ra tên bợm, Nhưng nàng dặn chồng hễ bắt gặp nó thì đừng có hô hoán, chỉ ra hiệu cho mình biết mặt là đủ.
    Lại nói chuyện tên bợm từ hôm được ngựa và áo quần thì đắc chí, cho là dầu kẻ bị mất có thấy hắn cũng không thể làm gì được nữa. Bởi vậy, hắn ung dung cưỡi ngựa và mặc đồ lễ vào, đi dự hội.
    Khi gặp tên bợm, người đàn bà theo hút không rời. Nàng đã có chủ ý mang sẵn trong người một gói trong đó có một chiếc hoa tai, một vòng tay bằng vàng. Rồi nàng đứng chực sẵn ở một cái giếng, chờ lúc tên bợm sắp đi qua, lên tiếng khóc rưng rức. Nghe tiếng khóc, hắn bỗng để ý đến nàng, vội dừng ngựa lại hỏi : – « Tại sao lại khóc? ». Nàng giơ cho hắn xem những đồ trang sức bằng vàng lóng lánh, rồi đáp: – « Trời ôi! Khổ thân tôi quá! Tôi vuột tay để rơi xuống giếng một chiếc hoa tai và một chiếc vòng. Biết làm sao bây giờ? ». Rồi nàng nói tiếp: – « Chồng tôi mà biết thì nó làm tội tôi đến khổ. Chàng có biết lội làm ơn mà giúp cho tôi một tý. Rồi tôi xin trả ơn chàng! ».
    Bợm ta thấy nàng đẹp, lại đánh hơi thấy việc có thể kiếm chác được, bèn xuống ngựa, rồi cởi quần áo ngoài ra. Sắp lội xuống giếng, hắn còn hỏi tên người đàn bà. Nàng bảo hắn:
    Chồng tôi là Ngộ Văn Quá, tôi là Lại Thị Coi cũng người ở miền này cả thôi!
    Đáp xong, chờ lúc hắn ta hụp xuống nước, người đàn bà lập tức vơ lấy tất cả áo quần của tên bợm rồi nhảy lên ngựa phi nước đại về nhà. Bợm vừa nhoi lên thấy mất hút cả người lẫn ngựa chỉ còn biết hai tay che lấy hạ bộ rồi chạy theo ngưa kêu van inh ỏi.
    - Ôi làng nước! Bắt hộ tên Ngộ Quá, Lại Coi!
    Nghe thế, những người đi đường xúm lại mắng cho hắn một trận. Hắn biết dại, đành câm miệng lủi về nhà.


    Nguyễn Đổng Chi
    (Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam –Tập III
    Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1976)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi SemiNoob, ngày 17-02-2018 lúc 00:22.
    Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết.

  4. Bài viết được 3 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    gautruc01,Trường Minh,tui,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Jul 2008
    Bài viết
    59
    Xu
    0

    Mặc định Kẻ trộm dạy học trò

    KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ
    (Dân Tộc Kinh)

    Ngày xưa có một tay ăn trộm lành nghề. Lão ta thấy mình tuổi già sức yếu nên muốn truyền cái bí quyết của lối sinh nhai « trèo tường khoét vách » cho một vài đồ đệ. Có nhiều người tới xin nhập môn, nhưng đối với ai lão cũng buộc một điều kiện là phải chịu một cuộc thử thách bằng cách đi « ăn sương » với lão một đêm để cho lão xem thử bản lĩnh ra sao rồi mới chịu dạy.
    Cách xã có một anh chàng tên là Được mang một mâm xôi gà tới xin theo học. Thấy hắn có vẻ khờ khạo, chậm chạp, lão ăn trộm không muốn nhận. Nhưng vì hắn nài nỉ dữ quá nên lão bảo:
    - Thôi được! Tối nay con đến đây, chúng ta cùng đi một chuyến. Có thế nào sẽ hay.
    Tối hôm ấy, thầy bảo trò nai nịt chỉnh tề rồi dẫn nhau sang thôn bên cạnh. Sau khi cắt giậu, hai người lẻn vào một nhà nọ. Thầy ghé vào tai trò:
    - Đây là nhà một người đàn bà góa. Nhà có buôn vải. Hôm nay chúng nó đi vắng cả, chỉ có một người con gái giữ nhà. Cái bọc vải để ở đầu giường, con tha hồ mà chọn.
    Thế rồi thầy khoét vách cho trò chui vào. Được ta quả tìm thấy chỗ cất vải. Nhưng giữa khi hắn đang sờ soạng để phân biệt giá trị từng tấm, thì bỗng nghe tiếng thầy ở ngoài cổng kêu toáng lên « Có trộm! Có trộm! » Hắn hết hồn, toan tìm đường tháo thân thì cô gái đã choàng dậy ôm chặt lấy hắn. Hắn chống cự lại, nhưng cô gái đã kịp thời nắm lấy búi tóc hắn vừa xõa ra, đồng thời kêu cứu rất dữ dội.
    Được bối rối không biết làm thế nào cả, đành mếu máo gọi thầy.
    - Thầy ơi! Nó nắm lấy tóc con rồi!
    - Con đừng sợ! – tiếng lão ăn trộm trả lời – chỉ sợ nó nắm lấy mũi không cắt được, còn như nắm tóc, con cứ cắt phăng đi là thoát.
    Nghe nói thế, cô gái vội buông tóc mà nắm lấy mũi. Nhưng cũng chính nhờ thế, Được đã giật ra được ngày, và hắn vùng trốn thoát một cách dễ dàng.
    Bấy giờ, nghe tiếng kêu cứu, bốn phía đổ ra rất đông đuổi theo tên trộm. Trong lúc nguy cấp, Được không quản gai góc chạy tuông vào một bụi tre bên vệ đường. Tuy bị gai tre cào rách cả da thịt nhưng Được yên tâm vì chẳng một ai tìm thấy mình cả.
    Khi yêu lặng đã trở lại với hắn, hắn tìm lối ra, nhưng bụi tre kín quá không tài nào lách mình được. Mấy lần hắn toan liều chui ra, nhưng thấy gai tre tua tủa đâm rất đau, lại thụt trở vào. Cuối cùng hắn đành chịu nằm chết dí trong đó suốt đêm.
    Tờ mờ sang hôm sau, hắn vẫn không dám chui ra. May làm sao bỗng thấy vợ thầy học đi chợ qua đó, hắn bèn ra hiệu cho vợ thầy lại gần, rồi nói nhỏ nhờ về báo tin cho thầy biết để tìm cách cứu mình một tý. Chẳng ngờ lão ăn trộm tới, đã chẳng giúp được hắn chút gì, lại còn đột ngột la làng mấy tiếng: « Ối làng! Có tên trộm trốn ở đây! ». Thấy thế, Được không còn hồn vía nào nữa, chui nhào ra khỏi bụi tre và lủi về nhà một mạch.
    Người thứ hai thứ giáo với lão ăn trộm là một chàng thông minh lanh lợi tên là Lâu. Tuân theo đúng thể lệ của thầy, hắn vui lòng chịu trải qua một cuộc thử thách như những kẻ khác. Đêm ấy, hai thầy trò dắt nhau đến rình ở nhà một phú ông gần miền. Nhờ có tài nghệ của thầy nên mặc dầu nhà phú ông tường cao cửa kín, Lâu cũng lọt vào buồng một cách dễ dàng. Khi đã vào đến nơi, Lâu thấy thầy cầm chiếc chìa khóa mở một cái rương sập (chú thích: Một thứ hòm lớn trên mặt rộng bằng tấm phản có thể nằm để giữ, bề dưới có bốn bánh xe để đi chuyển nên cũng gọi là: rương xe) rồi bào mình chui vào: « Đấy! Đồ quí vật lạ của nhà nó đều để ở trong đó cả, con muốn chọn thứ gì thì chọn! ». Lâu nghe lời chui vào. Nhưng khi Lâu đang sờ soạng thì bỗng nhiên thầy đã đậy nắp rương lại. Hắn chưa hiểu thế nào cả thì đã nghe tiếng chìa khóa rút khỏi ổ và tiếng chân thầy lui gót. Không ngờ thầy lại thử mình một cách ngược đời như thế, Lâu điếng người, thầm nghĩ đến những hình phạt sẽ đón chờ mình chỉ vì ông thầy lập tâm chơi ác.
    Nhưng sau một lúc lâu ngồi thừ trong rương, hắn bỗng nghĩ ra được một kế để thoát khỏi chốn nguy hiểm. Hắn bèn lấy một cái thụng mặc vào, trên đầu trùm một cái mũ quan viên che lấp cả mặt. Thế rồi Lâu co chân đạp đùng đùng vào thành rương, vừa đạp vừa thét theo bộ điệu của con đồng bị thánh ốp:
    - Hỡi hỡi gia chủ! Mau mau dậy cho ta truyền bảo.
    Nghe tiếng động cả nhà phú ông hoảng hốt tỉnh dậy và chạy đến một bên rương. Họ rất lấy làm kinh ngạc khi nghe trong đó có tiếng nói huyền bí phát ra « Ta là thần tài từ lâu nay đã làm cho chúng mày giàu có… Nay ta hiện về đây ban lộc cho chúng mày… Chúng mày hãy mở khóa rương đón ta ra… ». Phú ông chưa bao giờ lại thấy có sự lạ lùng như thế, vừa sợ vừa mừng, vội vái lấy vái để, khấn xin tài thần hãy lưu lại một chốc để mình biện cỗ bàn rước đi.
    Nói xong, một mặt hắn hối hả giục người nhà giết lợn, đồ xôi, một mặt cho con đi mời làng tới dự. Người ta đổ xô tới đông nghịt. Ai nấy đều hồi hộp đợi chờ, trong lúc cả nhà phú ông mỗi người một nén hương cầm tay hướng về phía rương mà vái lạy xì xụp. Và khi nắp rương vừa mở, thì anh chàng Lâu khăn đỏ trùm kín mặt, nhảy phóc ra, thét với mọi người « Hãy theo ta ra đình! ». Đoạn hắn khoa chân mua tay rồi chạy một mạch ra khỏi cổng, có cả đoàn người theo sau với một dáng điệu vô cùng kính cẩn.
    Đến đình làng, Lâu ung dung bước vào thượng điện, rồi nhảy lên ngồi trên ngai thờ, mặt vẫn trùm khăn kín mít. Hắn phán: « Đặt cổ xuống đấy, rồi lui ra ngoài ăn. Đứa nào vào trong điện sẽ phạt hộc máu tức khắc! ».
    Nghe nói thế, mọi người chen nhau ra ngoài. Bấy giờ trong đám đông có anh chàng Được thấy chuyện lại cũng tìm đến xem. Nhưng khi nghe giọng nói tài thần thì hắn lấy làm ngờ, đoán chắn là bạn học của mình ở đây thôi, mới chạy vào để xem cho biết. Tuy mọi người can gián, nhưng Được không nghe, quyết vào cho được. Khi thấy rõ tài thần chẳng phải ai khác, mà là Lâu, hắn cười hì hì, đòi chia phần. Lâu ra hiệu bảo im và nói: – « Được rồi. Anh đừng làm ầm ĩ lên. Tôi thề rằng thế nào cũng chia cho anh một phần » – « Thề thế nào? » – « Anh thè lưỡi tôi liến, rồi tôi thè lưỡi anh liếm. Nếu kẻ nào làm sai thì trời chu đất diệt ».
    Nhưng Được vừa kịp trèo lên bệ và thè lưỡi ra thì đã bị Lâu dung răng cắn cho hắn một cái rất mạnh. Mọi người thấy hắn hốt hoảng từ trong điện chạy ra mồm nói ú ớ, máu trào đỏ ngầu, thì lại càng bội phần sợ hãi, cho là thần rất thiêng, vội chạy tản tác mỗi người một nơi. Nhờ thế Lâu thừa cơ trống về nhà vô sự.

    Nguyễn Đổng Chi
    (Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam –Tập III
    Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1976)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết.

  6. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    Trường Minh,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Jul 2008
    Bài viết
    59
    Xu
    0

    Mặc định Chưa Đỗ Ông Nghè Đã Đe Hàng Tổng

    CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG
    (Dân Tộc Kinh)

    Ngày xưa, có một người học trò nghèo, nhưng học giỏi, được Thiên đình rất chú ý. Trong sổ thiên tào hồi đó đã ghi cho anh chàng đậu tiếng sĩ làm quan đến Thượng thư. Mỗi lần anh ta đi học thường qua một ngôi đền thờ thần ờ làng bên cạnh. Vị Thần làng đó vốn đã có đọc ở sổ thiên tào, nên tỏ vẻ cung kính đối với người học trò ấy. Những khi anh ta đi qua đền thì tượng thần đang ngồi trên bệ lật đật đứng dậy rất lễ phép.
    Một hôm người từ giữ đền nằm mơ thấy thần bảo: – « Ngày mai ngươi phải quét dọn đền cho sạch sẽ tử tế, vì có quan lớn đến chơi nhà ta ». Người từ làm y như lời và suốt ngày hôm ấy hắn đứng chực ở cổng đền chờ đón vị khách quý của ông thần. Nhưng đợi mãi, hắn ta chả thấy một ai cả, chỉ có anh học trò nói trên, ngày hôm đó vô tình có ghé vào đền nghỉ chân một lúc. Người từ coi thường, không để ý gì đến anh ta.
    Ít lâu sau, người từ cũng lại chiêm bao thấy ông thần dặn dò như trước. Lần này, hắn cũng chả thấy ai lạ hơn là anh học trò hôm nọ đến đây ngâm một bài phú rồi lại đi. Nhưng hắn vẫn không tin. Đến lượt thứ ba cũng thế. Bấy giờ người từ mới cho là quả phù hợp với lời thần dặn, bèn kể chuyên cho người học trò nọ nghe và bảo: – « Đã ba lần như thế, nên tôi chắc rằng nhà thầy sau này sẽ đỗ đạt làm quan to chứ chẳng chơi ».
    Nghe nói, người học trò như mở cờ trong bụng. Anh ta quyết chắc cầm sự vinh hoa phú quý trong tay. Hắn nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai của mình. Một hôm khi ngắm lại nhan sắc vợ mình, hắn thấy không được đẹp tí nào cả. Thế rồi đêm hôm ấy, nằm dưới bóng trăng hắn mơ tưởng một người đẹp như chị Hằng. Hắn bụng bảo dạ: « Rồi ta sẽ cho vợ ta về đi thôi. Một khi đỗ đạt thì thiếu gì nơi ngấp nghé muốn làm bà. Lúc đó ta sẽ tìm những đám con vua cháu chúa: đã da trắng, môi son, lại vừa lắm của ». Nghĩ thế, qua ngày hôm sau hắn kiếm cớ gây sự với vợ và đòi bỏ cho kỳ được. Moi người đều lấy làm lạ và tỏ vẻ khinh bỉ một người có học như hắn mà lại có thể nhẫn tâm đến thế được. Nhưng hắn chỉ cười khảy mà không kể gì dư luận.
    Một hôm khác, có một người đến đòi nợ hắn. Vừa mới bước vào sân, người ta đã bị hắn chỉ tay vào mặt mắng cho một trận: « Ta chưa có trả. Không khéo này mai ta sẽ cắm đất vào vườn ở của mày biết mặt » (1). Hắn còn đe dọa nhiều người nữa. Gặp ai không vừa ý, hắn nói: – « Rồi chúng mày sẽ biết tay ông ».
    Tất cả những hành động của người học trò đều được tâu báo về Thiên đình. Ngọc Hoàng nghe nói rất phật ý. Cho nên ít lúc sau đó, người từ giữ đền lại nằm mơ thấy ông thần tin cho biết là không phải kính sợ đối với người học trò nọ nữa, vì trên Thiên đình đã tước sổ mất rồi, không cho đỗ đạt nữa. Ông Từ hỏi: – « Tội của nó như thế nào? » – « Nó bị kết án là « dưới trăng bỏ vợ, trước sân đòi nhà, chưa làm nên đã thất đức » (2). Bây giờ nó không được hưởng phúc nữa ».
    Quả nhiên người học trò ấy từ đó thi mãi không đỗ, muốn nối duyên lại với vợ cũng cũng không được. Cửa nhà hắn ngày một sa sút dần. Do đó mà có câu tục ngữ: Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.

    Nguyễn Đổng Chi
    (Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam –Tập III
    Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1976)

    (1) Ngày xưa ai đỗ tiến sĩ được phép lấy ba mẫu đất làm nhà ở, muốn cắm vào đâu cũng được.
    (2) Nguyên văn « Nguyệt hạ phóng thê, đình tiền tì trạch, vị đắc ý cố thất đức »
    (3) Theo Nguyễn Văn Ngọc

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi SemiNoob, ngày 19-02-2018 lúc 22:43.
    Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết.

  8. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    Trường Minh,
  9. #5
    Ngày tham gia
    Jul 2008
    Bài viết
    59
    Xu
    0

    Mặc định Con chim khách màu nhiệm

    CON CHIM KHÁCH MÀU NHIỆM
    (Dân Tộc Kinh)



    Vào một ngày xa xưa, có hai anh em con một nhà quan nọ, một hôm đi chơi thấy có một nhà đạo sĩ ngồi bên vệ đường. Trước mặt đạo sĩ có đặt một cái lồng trong có một con chim khách. Hai anh em sán lại xem và hỏi:
    - Chim gì mà trông chẳng đẹp. Nó có hót được không?
    - Chim này không phải dùng để hót đâu. Đạo sĩ trả lười.
    - Thế dùng để làm gì?
    - Đây là một con chim khách màu nhiệm. Ai ăn được thịt nó thì sẽ trở thành bậc vương giả.
    - Có bán không?
    - Chỉ bán cho người nào mang tới đây bốn ngàn quan tiền. Đưa về nuôi đúng ba tháng mười ngày, sau đó mới làm thịt. Chỉ cần ăn một miếng thịt chim này tự khắc có ngày phú quý sẽ đến, đứng trùm lên thiên hạ,
    - Có chắc thế không?
    - Đã mua thì đừng ngờ. Đã ngờ thì đừng mua. Nhưng hãy nhớ, không phải bất kỳ ai có tiền là mua được chim, cũng không phải bất kỳ ai mua được chim là ăn được thịt. Phải có số, lại phải có tài.
    Tin tưởng lời nói của nhà đạo sĩ, hai anh em liền chạy về nhà lấy trộm của mẹ mình đủ số tiền mang tới cho đạo sĩ để được làm chủ con chim quý.
    Trở về, hai anh em giao chim cho ba người thị tì, bắt mỗi người phải nhận một việc: người thứ nhất choc him ăn, người thứ hai tắn rửa dọn lồng choc him, còn người thứ ba trông nom săn sóc chim. Hai người chủ còn dặn:
    - Tính mạng cả ba người gắn liền với con chim đó. Ta hứa sẽ cho các ngươi mỗi người một ngàn quan nếu nuôi chim và giữ chim được tốt. Nhưng nếu để chim chết, hoặc bay mất, nhất định sẽ trị tội không tha!
    Dặn đoạn, hai anh em trở lại ngôi trường cách xa một ngày đường, tiếp tục học tập.
    Hồi đó, ở một nước ngoài có một người học được phép độn rất tài tình. Ở đâu có mất cái gì, hắn cũng có thể dùng phép lạ tìm ra được. Nhờ phép lạ, hắn biết rằng ở nước Nam có một con chim khách màu nhiệm: ai ăn thịt nó thì sẽ được làm vua. Thấy vậy, hắn bèn bán tất cả gia tài điền sản đóng một chiếc tàu, quyết sang tận nơi để tìm bằng được.
    Sau những ngày lần mò, dò hỏi, hắn đã tìm đến đúng nhà có con chim khách. Nhà rất kín cổng cao tường, lại có nhiều đầy tớ canh gác, không dễ gì vào lọt. Nhưng khi biết chủ nhân ngôi nhà chỉ là một người đàn bà góa, hai đứa con trai đều đi học vắng, hầu hạ bên mình chỉ có ba cô gái trẻ, thì hắn rất mừng, quyết lập kế lọt vào cho được. Hắn nhờ môi giới giới thiệu mình là khách buôn nước ngoài bán rất nhiều hàng nữ trang và lụa là với giả rẻ chưa từng có. Quả nhiên, mưu sân đã đạt, khi gặp chủ nhân, hắn đưa tặng một chiếc nhẫn ngọc để làm quen. Chỉ một thời gian đi lại, dần dần hắn đã bắt nhân tình được với người đàn bà ấy. Nhưng khi hỏi dò dến con chim khách, hắn mới biết rằng chim được bảo vệ hết sức cẩn mật, do ba người thị tỳ chia nhau đêm ngày canh giữ.
    Túng thế, người khách buôn lại phải giở một thủ đoạn khác. Một hôm, hắn làm bộ sửa soạn cho tàu về nước. Người đàn bà góa ăn phải bả tình, hết lời dỗ dành để cầu mong hắn ở lại với mình. Hắn liền ngỏ ý sẽ ở lại suốt đời, nếu được ăn thịt con chim khách nuôi trong nhà này. – « Tưởng thế nào, chứ muốn việc ấy thì có gì là khó khăn ». Đoạn người đàn bà bèn ra lệnh cho mấy người thị tỳ phải đưa nộp con chim khách. Nhưng cả ba người nhất định không chịu. Họ trả lời:
    - Thưa bà chúng con không thể trái lệnh của hai công tử đã căn dặn trước khi lên đường.
    Để buộc mấy người thị tỳ phải tuân lời mình, người đàn bà nọ bèn hành hạ họ một cách tàn khốc. Cuối cùng họ không thể kiên gan được nữa.
    Lại nói chuyện một ngày nọ hai an hem đang ngồi làm bài thì tự nhiên ruồi ở đâu kéo tới vây kín lấy đầu ngọn bút không cho nhúng vào mực. Nghĩ là ở nhà có chuyện chẳng lành xảy ra, hai an hem bèn xin phép thầy về thăm nhà.
    Khi họ vừa bước vào cửa thì ba người thị tỳ đã chạy tới dắt họ vào buồng kín rồi quỳ xuống, kể hết những chuyện xảy ra ở nhà cho họ nghe: nào là người lái buôn nước ngoài đi lại không chính đáng với phu nhân, nào là họ bị đánh đập như thế nào chỉ vì không chịu nộp con chim quý, v.v…
    Hai anh em hỏi:
    - Thế chim hiện giờ ở đâu?
    - Đã giết, thịt còn kho trên bếp. Chốc nữa ông ấy sẽ đến ăn.
    Hai anh em bèn vào bếp chén cho kỳ hết thịt chim khách. Ăn xong, họ lấy trộm tiền của mẹ thưởng cho ba người thị tỳ như lời đã hứa và dặn họ hãy trốn mau đừng để mẹ mình bắt được. Rồi đó hai anh em cũng bỏ nhà ra đi. Khi trèo lên một ngọn đồi thì trời vừa tối, anh em ngồi lại nghỉ sức, rồi vì mệt quá nên ngủ quên trên bãi cỏ.
    Đang ngủ ngon giấc thì bỗng trên không trung có hai vị thần bay qua chốn này. Nhìn thấy hai chàng trẻ tuổi, nằm giữa cánh rừng hoang, một vị vốn là thần Thiện nói:
    - Này này, có hai gã xinh trai lại có tướng làm vua, mà sao lại nằm ở đây không sợ thú dữ ăn thịt? Chúng ta hãy mang họ đến kinh thành giúp cho họ sớm lên ngôi báu.
    Nhưng vị kia vốn là thần Ác, đáp:
    - Không nên! Không nên! Hãy đưa chúng nó đến những nơi trăm sóng ngàn gió để xem chúng nó chống chèo với số mệnh ra sao đã mới được.
    Hai vị thần tranh cãi nhau mãi không ai chịu ai. Mãi đến gần sang, một vị thần cắp người anh đi sang nước Tề, một vị cắp người em đi sang nước Sở, thả xuống vào lúc mặt trời chưa mọc.
    Lại nói chuyện người anh được thần Thiện thả vào nhà một người dân nghèo. Gia đình ấy hàng ngày đi làm thuê, bữa hôm không biết có bữa mai. Thấy người con trai mặt mũi sáng sủa, lại chữ tốt văn hay, người chủ nhà coi như trời đưa đền cho mình một đứa con. Nên tuy nhà thiếu ăn, ông cũng không nỡ đuổi. Chàng trai trẻ cũng lao vào làm bất cứ công việc gì để sống. Vùng này vừa bị mất mùa trong mấy năm liền, miếng ăn kiếm rất chật vật. Chàng trẻ tuổi hết làm thuê, đến kiếm củi, đào củ mài … quần quật suốt ngày vẫn không đủ bỏ miệng. Nạn đói ngày một dữ dội, người chết đói đầy đường, đầy chợ. Trong một vài làng đã xảy ra những vụ cướp thóc. Người chủ nhà đi theo đám đông. Chàng trẻ tuổi cũng hăng hái đi đầu. Thấy anh có tài, người ta tôn anh làm đại vương. Triều đình nghe tin dân đói nổi loạn vội điều quân tới đánh. Máu chảy khắp nơi. Nhưng bên phía dân đói cũng tập hợp thành những đội quân do anh chỉ huy. Quân của anh ngày một đông: từ hàng ngàn, chẳng mấy chốc lên hàng chục vạn. Quân triều đình kéo tới lớp nào, bị đánh tan tành lớp ấy. Quân của anh kéo về kinh không một ai dám chống lại. Cuối cùng trong một trận kịch chiến, bọn vua quan nước Tề đều bị tiêu diệt. Cõi bờ nước Tề đều giao lại cho nghĩa binh. Người ta tôn anh lên ngài vàng, gọi là Tề Vương.
    Người em được thần Ác thả vào trong một cái thành. Hồi này ở nước Sở đang bị nạn mãng xà. Mãng xà vốn thích ăn thịt người. Ngày nào nó cũng phải thịt một mạng người mới đủ no. Từ trong hoang dã, cứ đúng giờ ngọ, thì nó bò ra đi tìm mồi. Xong bữa tiệc, nó lại trở về hang ngằm nghỉ. Vì vậy, cứ vào khoảng nửa buổi, mọi người thi nhau chạy đi tìm nơi ẩn náu. Nhưng mãng xà cũng rất tinh khôn, không bao giờ chịu nhịn đói. Suốt mấy năm trời nó đã ăn hết không biết bao nhiêu mạng người. Nhà vua vô cùng lo lắn, hứa gả công chúa cho người nào có thể trừ được con quái vật.
    Chàng trẻ tuổi rơi xuống đúng vào lúc mãng xà tìm đến kiếm ăn ở cái thành này. Anh đang đi dao chơi các phố bỗng chốc thấy mọi người đều biến đi đâu mất cả. Đang lúc ngạc nhiên thì mãng xà ở đâu xông lại. Thấy thế nguy, anh tuốt gươm đánh trả. Trận đánh diễn ra rất lâu, mấy lần anh đâm trúng vào đầu con vật, một mũi gươm bị gẫy giắt vào trong đó. Nhưng tuy bị thương, mãng xà vẫn còn rất khỏe. Nó quần anh mệt nhoài. Cuối cùng, anh cũng chếm được con quái vật. Nhưng vì mệt quá, anh lăn ra nằm ngất bên vệ đường.
    Khi cơn nguy hiểm đã qua, mọi người lục đục ra khỏi chỗ nấp. Một viên quan nhờ phi ngựa đén được chỗ xác mãng xà trước tiên, liền chém lấy cái đầu đưa lên nộp vua, tự xung mình là người giết được quái vật. Vua y ước gả công chúa cho hắn. Lễ cưới tổ chức rất linh đình. Nhưng giữa lúc mọi người đang tiệc tùng thì chàng trẻ tuổi bỗng xuất hiện ở cửa thành. Anh xin vào gặp vua để đòi lại mũi gươm gẫy. Bọn thị vệ đưa đầu mãng xà ra, quả là tìm được ngày. Thấy chứng cớ sờ sờ, vua sai bắt viên quan bỏ ngục và phong cho chàng trẻ tuổi chức phò mã.
    Sau đó ít lâu vua chết không có con nối dõi, phò mã được mọi người tôn làm vua gọi là Sở Vương.
    Trong một cuộc hội kiến, Tề Vương và Sở Vương gặp nhau ở biên giới hai nước. Hai anh em nhận ra nhau ngày, và từ đấy hai nước giữ hòa hiếu lâu dài. Nhân dân nước Tề và nước Sở được hưởng thái bình thịnh trị chưa từng có.


    Nguyễn Đổng Chi
    (Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam –Tập III
    Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1976)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi SemiNoob, ngày 19-02-2018 lúc 22:48.
    Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết.

    ---QC---


  10. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    ngoclinhvu,Trường Minh,
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status