TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 7

Chủ đề: Đoản ca Thành Đá

  1. #1
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định Đoản ca Thành Đá

    Đoản ca Thành Đá




    Giới thiệu:

    Đoản ca Thành Đá là dự án mới viết về đề tài lịch sử Việt Nam, tập trung vào giai đoạn Đinh - Tiền Lê. Do sử liệu về đời này rất ít nên truyện dựa cả vào chính sử, dã sử hay các thần tích và được cải biên sao cho phù hợp với không khí cũng như chủ đề truyện. Bởi lý do này nên tác giả chỉ gọi đây là "truyện", chứ không dám gọi là "truyện lịch sử" hay "truyện dã sử". Vì vậy trong quá trình viết có thể phát sinh sai sót, vậy nên mong các độc giả hoặc người am hiểu góp ý để truyện ngày một hoàn thiện hơn. Xin cảm ơn!

    Truyện dựa trên nhiều nguồn tham khảo. Đặc biệt cảm ơn web Đại Việt Cổ Phong đã public những thông tin quý giá về kiến trúc, trang phục và văn hóa. Đặc biệt cảm ơn anh Long (Nguyen Duc Long), người biên tập quen thuộc, đang dành hầu hết thời gian nghiên cứu sử Việt Nam đã tư vấn và chỉ bảo trong quá trình viết.

    Truyện cần thời gian nghiên cứu nhiều nên sẽ không quá nhanh, dù sao thì tốc độ của mình vẫn luôn là con rùa, mong độc giả thông cảm.

    Hiện giờ truyện chưa có fanpage, đợi thời gian nữa, mình sẽ lập sau. Rất mong nhận được sự ủng hộ!

    Và giờ chúng ta bắt đầu.

    Hiện tại truyện đã có fanpage tại: https://www.facebook.com/thanhdadoanca

    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:51.
    ---QC---


  2. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    quangheo,SpaceWolf,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Đoản ca Thành Đá

    Mở đầu


    Tháng 11 năm nay trái mùa, mưa liên miên mãi không dứt.

    Đại tướng quân nhớ rằng cứ độ này, dân chúng bắt đầu sắm sửa đồ Tết. Người ở miền ngược thì phải đi từ bây giờ, xuống mấy chợ lớn quanh Thành Đá mua hàng, lớn nhất là chợ bên sông Hoàng Long, sau đấy quay trở lại thì đúng ngày ông Công ông Táo. Khắp nơi, lũ trẻ con đã nhao nhao kháo nhau bánh chưng bánh tét, trong khi cha mẹ chúng còn bạc mặt cấy ngoài đồng. Trẻ con thích Tết. Đại tướng quân nhớ ngày xưa mình cũng vậy.

    Nhưng Tết năm nay với đại tướng quân khác hơn. Hoặc có Tết, hoặc vĩnh viễn không bao giờ thấy Tết nữa, y đã dồn tất cả cho đêm nay, một đêm tháng 11 mưa tầm tã trái mùa.

    Phía Long Lâu Điện chợt có tiếng pháo nổ. Tiếng nổ lọt thỏm giữa màn mưa nhưng đủ để đại tướng quân nghe thấy. Y liền cất bước. Phía sau, hàng trăm người khác mặc áo lá đội nón rơm, nai nịt gọn gàng bước theo y. Chiến dịch bắt đầu.

    Mưa tầm tã, đêm đen đặc, quân đoàn áo lá ngậm thanh tre nối đuôi nhau mà đi. Chẳng ai hay biết họ đang từ Thành Tây tiến về khu cung điện trung tâm Thành Đá.

    Đại tướng quân không thấy đường mà đi dựa theo trí nhớ. Y bước trên đường này cả trăm lần, nhớ từng ngóc ngách nhỏ. Y đang tiến về điện chính, thẳng hướng Long Lâu Điện. Y không lầm. Y không thể lầm.

    Và rồi y đến nơi. Ở đó ngọ môn quan đã mở, tiếng đao kiếm rộ vang lên mơ hồ. Đại tướng quân thúc lính, hàng trăm người mặc áo lá nhanh chân hơn. Họ chạy nhưng không một tiếng thét. Thời cơ chưa đến.

    Qua đoạn đường lát đá trải dài, đoàn quân đi qua nghi môn ngoại, tiếng đao kiếm rõ ràng hơn. Họ chạy tiếp, xông qua nghi môn nội, lúc này âm thanh chiến trường đã rõ ràng. Nó đinh tai nhức óc, át cả tiếng mưa lẫn tiếng sấm. Ngay trước đại tướng quân là cổng dẫn lên Long Lâu Điện. Đại tướng quân hét lớn:

    -Lên!

    Quân đoàn áo lá gầm thét. Họ rút kiếm, cởi nón làm khiên. Tất cả xông qua cửa, vòng quanh hồ Câu Nguyệt rồi tràn lên ba đoạn cầu thang đá. Họ tản ra, chống đỡ thiên tử quân và đám chiến binh nội hầu. Chỉ còn đại tướng quân một mình. Y không chạy nữa mà đi chậm rãi, rà từng bước chân chắc chắn. Bởi vì ở đỉnh cầu thang đá, một người khác đang chờ đại tướng quân.

    Dưới ánh lửa ám dầu và những ánh chớp sáng lòa, người nọ khi ẩn khi hiện. Đại tướng quân nhìn không ra. Nhưng y có thể đoán, thậm chí đoán không sai một chi tiết. Người ấy tóc ngắn, vai rộng, da ngăm đen, khoác một chiếc áo cổ bẻ của dân man di miền núi có khuy cài sổ thẳng từ ngực xuống thắt lưng, cánh tay dài mang theo một cây rìu nặng. Rìu ấy từng đoạt không biết bao nhiêu mạng người thời chinh chiến, đã chặt tung chân của Tướng Một Tai, khuất phục Hổ Trắng, bổ chết chiến binh Ma Tộc và suýt chém rụng đầu Thần Tướng Ma Tộc. Cây rìu ấy dựng lên Thành Đá, dựng lên xứ Nam này. Đại tướng quân nhìn nó, trong lòng sinh khiếp nhược. Bởi lẽ phía trước y là một con hổ già. Hổ già. Nhưng vẫn là hổ.

    -Thập Đạo Tướng Quân đến rồi à? – Người cầm rìu cất lời.

    -Tôi đã tới, thưa ngài. – Đại tướng quân trả lời.

    -Trả lời ta một câu. Anh là người Nam hay người Bắc? – Người cầm rìu tiếp lời.

    Tiếng nói như tiếng sấm, Đại tướng quân cả kinh. Nhưng đã tới nước này, y dằn lòng nỗi sợ hãi:

    -Thưa, tôi sinh đất Nam, chết làm ma đất Nam. Tôi làm tất cả vì người Nam ta!

    Người nọ gật gù đoạn nâng rìu, cười lớn, trong ánh chớp còn thấy răng nanh bên trái lóe sáng:

    -Thế thì anh đánh với ta được! Lại đây, chứng minh cho ta xem! Chứng minh đi, Hoàn! Chứng minh là anh đúng!

    Nỗi sợ dâng cao cực điểm nhưng đại tướng quân không nao núng. Đây mới là chiến trường y mong đợi từ lâu. Tướng Một Tai, Hổ Trắng hay Ma Tộc không thể sánh bằng thời khắc này. Y rút đôi kiếm, chạy ba bậc một, quyết sống mái với người cầm rìu. Y yêu quý người đó, tôn sùng người đó. Bởi thế mà y phải giết người đó.

    Sau đổ máu, thường không có Tết.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Phản hồi, bình luận và ủng hộ tại fanpage: https://www.facebook.com/thanhdadoanca
    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:52.

  4. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    quangheo,SpaceWolf,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Đoản ca Thành Đá

    Chương 1
    Mộng đồng lau




    “Nín đi thôi, nín đi thôi! Một vai gánh vác cả đôi sơn hà!”

    Dương hậu tỉnh giấc. Bị giật mình lúc ngủ rất khó chịu, muốn thức nhưng hai mi sụm xuống, mọi thứ trong tầm nhìn thành kèm nhèm đọng nước, mà hễ nhắm mắt thì cơn ngủ ở đẩu ở đâu. Dương hậu mắc chứng này từ lúc thiếu thời, mỗi tháng đôi ba lần, tới giờ vẫn chưa khỏi. Những lúc thế này, nàng bứt rứt chẳng yên, tâm tình hay cáu gắt.

    Chúa thượng có biết bệnh của nàng. Thuở chinh chiến, ngài bận rộn liên miên nhưng hễ rảnh rỗi lại hỏi rồi tìm thầy lang về bắt bệnh cho nàng, khốn nỗi chẳng ăn thua. Ngài từng mời cả anh em Trần Quý, Trần Kiên – mà giờ là quan đại phu trong triều – chữa cho Dương hậu. Anh em Quý, Kiên đến từ đất Cao Bình, vừa tinh thông y thuật của dân miền núi lại biết cả y thuật của người phương Bắc. Nhờ họ, Dương hậu ngủ ngon. Nàng vui lắm, ngờ đâu sau hai tháng bệnh tái phát. Anh em Quý, Kiên bó tay. “Họa may đại phu phương Bắc mới chữa được!” – Họ lắc đầu nói.

    Chúa thượng lên ngôi, quyền uy tột đỉnh, vời được cả đại phu phương Bắc. Đại phu đến mang theo thuốc nọ thang kia, toàn loại đại bổ, an tâm dưỡng thần, đem tất cả nghiền tán sắc đun, công phu cầu kỳ vô cùng. Đợt ấy bọn nữ tì chia nhau ba ca sáng – trưa – chiều chỉ để quạt một siêu thuốc, đứa nào đứa nấy quạt đến dão cả tay, hai mắt khóc ròng ròng vì khói. Dương hậu uống nửa năm, bệnh chuyển thành mất ngủ luôn. Thấy thế, đại phu vội xin về phương Bắc lấy thêm thuốc bổ. Chúa thượng ưng thuận, từ đó đại phu một ra đi không quay trở lại, có lẽ sợ chúa thượng bắt vạ. Thuốc còn mà dở dang, làm quà biếu chẳng tiện mà mình dùng thì không đâu ra đâu, Dương hậu thấy phí quá, bèn bảo bọn tì nữ đem cho hai cụ thân sinh. Chừng ba tháng sau hai cụ báo thư, bảo từ ngày dùng thì ngủ ngon hẳn, khen ngợi nức lời. Dương hậu đọc thư mà ngẩn người. “Thuốc phương Bắc sao đến lạ!” – Nàng tự nhủ.

    “Anh em tôi nghĩ đó chẳng phải là bệnh. Có lẽ do lệnh bà nghĩ ngợi nhiều quá! Xin giữ tinh thần an lạc, biết đâu chứng ấy tự nhiên hết?!” – Anh em Quý, Kiên nói với Dương hậu. Về điểm này, nàng khen họ nói phải. Nhưng sao mà hết nghĩ được? – Nàng tự vấn. Chúa thượng lên ngôi chưa lâu, triều đình trăm công nghìn việc, nàng cũng phải xắn tay áo. Hành cung dang dở gạch ngói, bọn tì nữ chưa thạo việc, lũ nội hầu còn lóng ngóng, thực đơn mỗi ngày vẫn sơ sài, chưa có cả lịch biểu chăm nom sức khỏe chúa thượng… ngày nào Dương hậu cũng tất bật, làm nhiều, nghĩ nhiều theo. Thành Đá này do chúa thượng đổ máu hơn hai mươi năm mới có, giờ làm mấy việc cỏn con để giữ thể diện cho chúa thượng cũng không xong, làm hậu cái nỗi gì? – Nàng xăn văn như thế mỗi ngày, tâm trí thảnh thơi không nổi.

    Dù sao giật mình lúc ngủ chẳng phải chuyện lớn lắm. Đời người ai cũng cũng mắc tật bệnh, không bệnh ngoài da thì trong tâm. Dương hậu bằng lòng chấp nhận. Nàng cũng không kể với chúa thượng nữa, sợ ngài xao nhãng vì mấy chuyện cỏn con.

    Mà cái tật bệnh ấy không phải lúc nào cũng phiền phức, chẳng hạn như vừa nãy. Dương hậu nhớ trong những mảnh ký ức rời rạc thời trẻ con, tiếng mẹ hát ru chợt cất lên và lôi nàng khỏi cơn mộng mị. Đã lâu nàng chưa nghe lời ru đó, có lẽ từ hồi theo chúa thượng ra sa trường. Giặc giã hết, lòng người quy mối, chúa thượng lên ngôi; nàng về thăm cha mẹ được một lần, bẵng đi một năm chưa có dịp trở lại. Thực tình từ hoàng thành tới nhà hai cụ giỏi lắm được hai con dao quăng, nàng khỏi mượn bọn lính khiêng kiệu ì ạch, cứ cởi hài cắp nách, chân trần cuốc bộ non buổi sáng là về nhà. Nhưng thuyền theo lái gái theo chồng, huống hồ làm mẫu nghi thiên hạ, đi mà dễ thế, nàng đã không có những đêm thở ngắn than dài.

    Sau chiến tranh, ai cũng muốn về nhà.

    Mà kể cả được chúa thượng cho đi, Dương hậu cũng không đi. Bởi vì nàng lo chúa thượng ở một mình. Có lúc nàng tự cười cái lo không đâu ấy. Chúa thượng có phúc được hai con trai, năm con gái, năm hoàng hậu tính cả nàng. Bốn công chúa đều sinh con, chúa thượng lên chức ông ngoại từ lâu, đợi vài năm nữa lại thêm chắt. Bảo chúa thượng “ở một mình” thì khiên cưỡng, hoặc vì quan tâm ngài mà nàng nghĩ vậy.

    Dương hậu tỉnh giấc, nhận ra mình vừa gục xuống bàn. Nàng bóp trán, nhớ rằng đang đọc sách thì tinh thần đờ đẫn rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay. Tiết tháng 6 hết nắng lại mưa, người dễ uể oải. Bọn tì nữ chầu chực quanh nàng nãy giờ, chẳng đứa nào dám nhặt quyển sách dưới chân hay gỡ cốc nước vối nguội ngắt trong tay nàng, vừa sợ mạo phạm vừa sợ nàng thức giấc. Đợi Dương hậu tỉnh hẳn, đám tì nữ mới lật đật nhặt sách pha nước, vuốt phẳng nếp nhăn trên áo lụa khoác ngoài của nàng, chỉnh lại trâm cài buộc tóc. Chúng làm mà cúi gằm mặt, lấm lét như sợ sai mà bị quở mắng. Đám này học lễ nghi cung cấm cả năm chưa thông, nhưng riêng khoản sợ bề trên thì chẳng cần ai dạy cũng biết. Đôi lúc Dương hậu phát mệt với chúng. Nhưng chốn cung đình là vậy, mọi thứ phải có tôn nghiêm trật tự. Huấn luyện bọn tì nữ nội hầu, nếu phải khắt khe, nàng sẽ khắt khe gấp đôi. Bởi lẽ thể diện chúa thượng nằm ở đó.

    -Giờ nào rồi, Xuân? – Dương hậu hỏi.

    Con tì nữ tên Xuân đứng ra trả lời. Trong đám tì nữ, chỉ riêng nó mới được phép mở lời với Dương hậu. Mặc định là nàng hỏi, Xuân nói:

    -Bẩm lệnh bà, đã giờ Mùi.

    -Ta ngủ được bao lâu? – Dương hậu hỏi tiếp.

    -Dạ, chưa được một canh. – Xuân đáp.

    Dương hậu gật đầu đoạn ngó ra ngoài. Chỗ nàng ngồi gần cửa, từ đây có thể thấy nóc tòa Đan Cung – nơi ở của hoàng hậu Đan Gia. Nàng thích nhìn tòa cung này, thuộc làu thiềm mái cung đó có bốn trăm chín mươi bảy viên ngói mũi hài màu đỏ cam, hễ trời mưa thì gạch chuyển màu đỏ đậm, nom thích mắt. Dương hậu từng qua Đan Cung mấy lần, thích không khí trầm mặc chốn ấy, thích cả tính hòa ái nhỏ nhẹ của Đan Gia.

    Đan Cung phía bên phải. Còn nếu hướng tầm mắt sang trái rồi tiếp tục nhìn xa hơn, xa hơn nữa, dưới cái bóng khổng lồ của núi Mã Yên là một tòa điện hai tầng. Điện bề thế nguy nga, các thiềm mái lợp không biết bao nhiêu ngói vàng mà kể, đều tăm tắp, ngày nắng thì rực rỡ như da cá chép vàng. Làm xương sống nối liền những tấm da cá chép đó là đường bờ nóc và bờ guột ốp gạch bạc, hễ đêm trăng thanh thì sáng lên, nổi bật giữa bóng tối. Ở hai đầu bờ nóc, chỗ giao bờ guột rồi chạy xuống tàu đao đều tạc đá chạm trổ hình rồng quay mặt về trung tâm tòa điện. Điện ấy tên Long Lâu Điện, nơi chúa thượng thiết triều.

    Phía sau Long Lâu Điện là cung chúa thượng nằm trên mô đất cao hơn, cung ấy cũng lợp gạch vàng và chạm đá hình rồng, uy nghi hơn cả Long Lâu Điện. Nghĩ tới đó, Dương hậu bèn qua thăm chúa thượng.

    Nhưng mới đi mươi bước thì Dương hậu quay lại vì chợt nhớ mình chưa thay y phục. Nàng tự đặt quy định cho mình mỗi lần gặp chúa thượng phải sắm diện mạo mới. Hoàng hậu thay đồ, các tì nữ chạy đi đóng hết cửa bức bàn, đóng phiên cửa sổ, kéo rèm che phòng. Cùng lúc, đám tì nữ khác mang ra y phục lẫn hộp trang sức, đứng dàn hàng ngang cho Dương hậu ngắm nghía. Nàng chọn tới lui rồi lựa mấy bộ, đám tì nữ lập tức quay mặt vào tường, chỉ còn Xuân giúp nàng mặc. Ngoài mẹ, chúa thượng, có lẽ Xuân là người thứ ba trên cõi đời này trông thấy thân thể nàng. Dương hậu chợt nhớ chuyện cũ. Hồi theo chúa thượng chinh chiến, nàng có lần bị dao chém toác thịt mấy chỗ. Lần ấy nàng phải cởi hết áo để Xuân băng bó cả đêm, may sao vẫn giữ nổi mạng.

    Cơn đau năm nào đã hết nhưng sẹo còn nguyên, một trong số đó ngay trên xương quai xanh. Bởi vậy Dương hậu chẳng bao giờ khoe cổ áo yếm dù rất muốn. Đàn bà con gái nào không muốn khoe cổ yếm? Phiền nỗi kéo yếm lên cao, vận cùng áo giao lĩnh lại không đẹp. Thế nên mỗi lần giúp Dương hậu vận y phục, con Xuân biết ý, cứ đem hai vạt giao lĩnh mà che hết ngực, chẳng đợi nàng nhắc. Dáng nàng đẹp, mặc gì cũng đẹp, thiếu cái cổ yếm chẳng sao. Bởi vóc dáng ấy, Cồ Quốc Hoàng Hậu hễ dệt được váy áo kiểu mới lại tìm nàng, ngỏ ý mặc thử. “Ca Ông hậu mặc đẹp lắm! Để ta ngắm thêm lúc nữa được không?” – Hoàng hậu Cồ Quốc hay nói thế với nàng, hôm nào cao hứng còn tặng nguyên cả bộ. Ai cũng mong được Cồ Quốc Hoàng Hậu tặng một bộ xiêm y, riêng nàng có hẳn năm sáu chiếc, kể cũng lấy đó làm tự hào.

    Nhưng cái cổ áo yếm làm Dương hậu nghĩ mãi, thành thử nàng khó tính chuyện ăn mặc. Tính đàn bà! Nàng biết mình tính đàn bà. Nhưng sinh ra là đàn bà, nàng biết sao? Đang ưng bộ y phục mới, Dương hậu chợt đổi ý:

    -Xấu nhỉ? – Nàng xoay chân một vòng trước gương đồng – Mày thấy xấu không, Xuân? Thôi, đổi bộ khác. Lấy bộ của Cồ Quốc hậu tặng hôm trước ấy.

    Con Xuân lấy y phục từ chỗ tì nữ, hai tay dâng lên như nâng báu vật. Trong tay nó là bộ áo giao lĩnh màu xanh lá, vạt áo thêu họa tiết cánh lá sen, diềm áo đen thêu những bông sen màu đỏ. Bình sinh hoàng hậu Cồ Quốc thích thứ hoa này, đặt tên con gái cũng là Liên Hoa. Con Xuân nhìn bộ áo, phụng phịu:

    -Áo đẹp lắm, bà nỡ mặc sao, bà ơi? Con mà được tặng cái này thì phải cất thật kĩ, mỗi tối đem ra ngắm, chẳng dám mặc đâu!

    Dương hậu bật cười. Lại tính đàn bà! – Nàng tự nhủ đoạn nói:

    -Để nó mốc ra, rồi khi thành bà lão còng lưng mới mặc chắc? Phải diện khi áo còn đẹp và khi mình còn đẹp. Nhanh lên, quá giờ là không thể qua chỗ chúa thượng đâu!

    Con Xuân vội cúi đầu vâng lời. Dải lụa thắt lưng được tháo, áo cũ thay ra, áo mới khoác vào. Nhìn mình trong gương đồng với sắc màu mới, họa tiết mới, Dương hậu hài lòng hơn chút ít. Nàng ngó con Xuân, nghĩ ngợi hồi lâu, bỗng hỏi:

    -Sắp tới giỗ của Thu chưa?

    -Dạ chưa, phải non tuần nữa mới tới giỗ của chị con, thưa bà. – Con Xuân trả lời.

    -Nếu còn sống, chắc Thu cũng vào cung và ở bên chúng ta. – Dương hậu tiếp lời – Nếu còn sống, hẳn nó giờ đẹp lắm, đẹp hơn cả ta.

    -Dạ vâng, thưa lệnh bà.

    Xuân đáp, không nói thêm nữa, chỉ cặm cụi làm. Dương hậu cũng chẳng gợi thêm chuyện cũ. Ngoài cung nghe đâu sậm sùi tiếng sấm. Tháng 6, mùa mưa đang đến, nước sắp tràn lên trắng ruộng đồng. Dương hậu nhớ lại nhiều năm trước, cũng tầm tháng 6, nước lên ngập thành Đỗ Động của Tướng Một Tai. Đó là lần cuối cùng nàng thấy Thu giữa biển nước.

    Sau chiến tranh, người ta hay nhớ chuyện cũ.

    Đợi con Xuân xong xuôi, Dương hậu quay sang chỉnh lại cái mũ đen nhỏ trên đầu nó, nắn lại dải lụa thắt lưng rồi vuốt phẳng vai áo. Váy áo của bọn tì nữ làm bằng vải thô, màu sắc loanh quanh chỉ nâu, đen hoặc dăm màu nhợt nhạt, dễ nhăn nhúm. Nhưng với Dương hậu, kể cả tì nữ cũng phải chỉn chu, vai áo không phẳng thì cố làm cho nó phẳng. Nếu là đứa khác, nàng đã cau mày, mà sẵn bực bội thì quát mắng luôn.

    Nhưng Xuân đặc biệt hơn. Nó quấn chân nàng từ bé. Nàng theo chúa thượng chinh chiến, nó cũng theo luôn mà không hỏi han thắc mắc. Tính Xuân đoảng nhiều lúc vấp chỗ nọ chỗ kia, hay buột mồm thiếu chừng mực, nàng chỉ nhắc nhở, ít khi to tiếng. Nàng nhớ như in cái đêm bị chém, Xuân ở bên cạnh, mặt mũi con bé lem nhem nước mắt vì sợ máu mà tay vẫn làm. Tính ra nàng còn ngồi đây, đứng đây là nhờ Xuân. Nàng chiếu cố nó nhiều.

    Xong đâu đấy, Dương hậu sang chỗ chúa thượng. Con Xuân cùng hai đứa tì nữ theo sau, đứa mang tráp, đứa mang ô. Trời tháng 6 hay mưa, ô phải sẵn ngay. Dương hậu rời cung đi hướng nam, mảng trời bên ấy vẫn trong xanh và còn nắng rọi xuống đỉnh Mã Yên. Nhưng sau lưng nàng, một mảng mây đen lớn từ núi Phi Vân đang lù lù tràn đến, lặng lẽ nhưng đầy cơn mưa nặng hạt. Dương hậu bước nhanh hơn. Dọc đường, đám tì nữ áo đen và bọn nội hầu áo xám qua lại, thấy nàng thì cúi lưng thật thấp hô to “Đợi lệnh bà!”.

    Thành Đá quay mặt về hướng nam nhìn về đỉnh núi Mã Yên, hầu hết tòa cung tòa điện bên trong cũng quay hướng ấy. Từ cung của Dương hậu – Ca Cung – sang chỗ chúa thượng không xa, phải tội hơi dài. Đường đi chạy bên hông Đan Cung, ngoặt sang trái tức hướng đông nam, sau đấy mới rẽ vuông góc thẳng tới cung chúa thượng. Đường vuông góc như thế vì phía bên kia là sân rồng của Long Lâu Điện, ngày thường không được vào trừ phi chúa thượng cho phép. Sân ấy có một hồ nhỏ nằm gần cửa chính gọi là hồ Câu Vũ đặt các hòn non bộ phủ rêu xanh, sau hồ có ba đoạn cầu thang đá xám chạm khảm hình rồng dẫn lên sân chính Long Lâu Điện. Sân lớn, đi trên một trăm bước chân mới hết chiều rộng và trên bốn trăm bước mới hết chiều dài, bốn góc sân điện đặt tháp nhỏ cho lính canh mà từ đấy có thể trông ra bốn bề Thành Đá, thậm chí thấy được dải mờ mờ xao động của sông Hoàng Long ở phía tây bắc, mãi bên ngoài thành. Cung điện vốn nằm trên đất đồi cao, đứng có thể bao quát hầu hết Thành Đá, mà đứng tại sân rồng Long Lâu Điện là nhìn rõ nhất.

    Dương hậu hình dung sân rồng bằng trí nhớ. Từ hồi chúa thượng lên ngôi, số lần nàng qua Long Lâu Điện chưa đủ mười đầu ngón tay. Giờ muốn nhìn cũng không được vì tường bao bên đường đã che hết tầm mắt. Nàng ngước lên, cùng lắm chỉ thấy hai đầu hồi tam giác cùng những yếm gỗ thếp vàng trên nóc Long Lâu Điện. Tận thâm tâm, nàng muốn sang điện vui chơi thỏa thích, đi lại chạy nhảy. Khi nào mỏi chân thì nàng ngồi dưới thềm long sàng, nhỏng mắt trông lên những bức trướng thêu chữ rủ xuống từ xà nách, ngắm những đoạn xà tử hạ chạm khắc hình rồng; đếm xem có bao nhiêu vết chạm hình mây trên những đoạn chồng rường. Nàng có thể làm vậy cả ngày.

    Nhưng đây là cung cấm, nàng chỉ biết mơ ước thôi.

    Cung chúa thượng ngay phía sau Long Lâu Điện. Đi thêm quãng nữa, Dương hậu tới nơi. Nàng bảo một tên nội hầu báo tin, đoán rằng phải chờ ít nhất nửa canh giờ. Giờ này chúa thượng làm việc, không rảnh tiếp ai. Nhưng lát sau, đứa nội hầu chạy lại bẩm lại rằng chúa thượng cho gặp. Dương hậu vui hơn một chút, liền rảo chân bước vào.

    Cung của chúa thượng rất rộng, gấp đôi gấp ba cung thường. Dương hậu phải qua một cổng gác rồi bước qua một cổng nữa mới đến thượng uyển. Trong thượng uyển cố nhiên nhiều hoa khoe sắc, nhiều nhất hoa lau. Chúa thượng thích thứ này. Khi bắt tay xây dựng Thành Đá, quan đại thần Ninh Hữu Hưng gợi ý một danh sách dài những hoa phù hợp với bậc đế vương. Nhưng chúa thượng chẳng ưng thứ nào. Ngài hỏi: “Trồng được hoa lau không? Được thì đem vào, không cần hoa khác, hoa lau được rồi!”. Quan đại thần Hữu Hưng lấy làm ngại; hoa lau sắc trắng, không hợp chốn cung đình, chưa kể phẩm chất hoa thấp kém. Nhưng ý chúa thượng vậy, đại quan đành chiều theo.

    Tính chúa thượng kỳ lạ, người ngoài ít ai kiểu, kể cả Dương hậu lắm khi cũng không hiểu.

    Qua thượng uyển, Dương hậu đã thấy chúa thượng, lòng vừa mừng cũng vừa thấy kỳ lạ. Chúa thượng luôn khiến người ta bất ngờ, đôi lúc ngỡ ngàng.

    Lúc này, trước mắt Dương hậu, hoàng đế đang ngồi trên xà ngưỡng cửa cung, lưng dựa cửa bức bàn, tay cầm bút duyệt tấu trình. Một xấp tấu khác nằm trên xà ngưỡng, vừa tầm tay của ngài. Bàn ghế không phải thiếu nhưng tính chúa thượng thích như vậy, chẳng ai khuyên nổi. Ngài không mặc long bào mà khoác chiếc áo tía dài tới gối, cổ bẻ, có những khuy cài bằng nút vải chạy dọc từ cổ xuống thắt lưng, gần hông có túi. Dương hậu biết kiểu áo này. Hồi chinh chiến, nàng vẫn hay khoác những chiếc áo tương tự cho chúa thượng. Có lần chúa thượng kể cho nàng nghe rằng thời trẻ ngài phiêu bạt tứ xứ, có dịp gặp gỡ người man di từ các châu ki mi, được họ tặng một chiếc áo như vậy. Áo dễ mặc dễ cởi, tiện lợi, đựng được nhiều đồ, nhất là khi ra trận, ngài đâm thích rồi mặc suốt.

    Dương hậu chẳng thích thứ áo đó, xưa cũng thế, giờ vẫn vậy. “Áo gì chẳng cài bên tả cũng chẳng cài bên hữu! Xổ dọc một đường ở giữa, ấy là trung dung, cũng như tính lật lọng của đám dân châu ki mi vậy! Anh mặc thế mà coi được à?” – Nàng từng xẵng giọng với chúa thượng như thế. Ngài chỉ cười. Ấy là chuyện thời trẻ, khi nàng mới mười bảy tuổi, gan to bằng trời. Chúa thượng hồi đó mới ngoài tam tuần…

    -Chúa thượng, thần đến thăm người.

    Dương hậu cúi gập người thi lễ, hai bàn tay đan ngón lẫn nhau. Hoàng đế trông thấy, bèn cười, giọng trầm nhưng vang:

    -Hậu đấy à? Chờ ta một chút.

    Rồi ngài sai nội hầu mang ghế cho nàng ngồi, sau bảo lũ nội hầu lẫn tì nữ lui ra, để ngài ở riêng với Dương hậu. Chúa thượng ngồi ở xà ngưỡng, còn nàng ngồi ghế nên cả sợ cúi đầu xin thôi. Hoàng đế cười rung vai, giọng vang như bi sắt rơi mâm đồng:

    -Vân Nga mà ta biết đâu rồi? Sao hậu giữ kẽ thế? Được rồi, hậu cứ ngồi, ta cho phép.

    Dương hậu ngập ngừng ngồi ghế, hai tay thu vén trong lòng. Cái cảnh ngồi cao hơn chúa thượng làm nàng khổ sở vô cùng. Nhưng từ vị trí này, nàng có thể quan sát hoàng đế rõ hơn. Chúa thượng đã ngoài tứ tuần, cơ thể vẫn nhanh nhẹn rắn chắc như thời chinh chiến. Chẳng có dấu hiệu nào bất thường ở gương mặt ngăm đen sạm nắng, thân hình khỏe khoắn và quai hàm vuông vức của ngài. Mỗi ngày, hoàng đế vẫn dậy sớm luyện tập như binh sĩ.

    Nhưng sự thật là chúa thượng có tuổi. Mái tóc ngắn của ngài đã lốm đốm sợi bạc. Giả dụ ngài để tóc dài như người phương Bắc, khuyết điểm ấy sẽ được che đi phần nào. Song ngài không thích tóc dài. “Từ bé ta thấy cha ta để tóc ngắn, đàn ông xứ Nam hay ai cũng tóc ngắn, hà cớ phải nuôi dài luộm thuộm như người phương Bắc?” – Chúa thượng có lần nói thế. Ngài vẫn khỏe mạnh nhưng quanh mắt lũng xuống nhiều vệt chân chim. Mỗi lần hoàng đế suy nghĩ, bờ trán ngài xô nếp nhăn, nổi rõ từng đường rãnh như bánh xe lún đường đất ẩm. Cách đây mấy năm, Dương hậu thấy mấy đường rãnh ấy chỉ mờ nhạt tựa sóng lăn tăn mặt hồ.

    Hết bản tấu trình này, hoàng đế mở bản tấu trình khác. Đang đọc, ngài chợt thừ người, ánh mắt ngoảnh sang thượng uyển. Dường như ngài ngắm hoa lau, nhưng Dương hậu nhận ra đôi mắt chúa thượng không có cánh hoa trắng xiêu xiêu gió nào. Ngài đang nhìn thứ mà nàng không thấy, hoặc ngài chẳng hề để tâm điều gì cả. Dương hậu để ý từ ngày lên ngôi, chúa thượng hay thừ người như thế.

    Dương hậu nhớ hồi chiến tranh, chúa thượng giao chiến với Tướng Một Tai, có lúc suýt mất mạng, quân thua tan tác. Ấy thế mà chúa thượng chẳng buồn phiền, vẫn cười tươi. Xưa vậy, giờ khác. Có lúc nàng bắt gặp chúa thượng ngồi dưới bậc thềm dưới chân long sàng, mũ xung thiên không đội, áo long cổn phanh cổ. Tưởng ngài trúng gió, nàng tá hỏa tri hô bọn nội hầu. Thấy thế, chúa thượng bật cười bảo mình ổn rồi chỉnh lại tác phong y phục. Ngài lại cười, lại nói sang sảng như chưa có việc gì xảy ra.

    Mà không chỉ mình Dương hậu, người khác cũng bắt gặp ngài như vậy. Trinh Minh Hoàng Hậu có lần ghé chỗ nàng, nói: “Ta qua thăm chúa thượng, gọi mấy lần mà ngài không nghe, như mất hồn vậy! Ta hỏi chúa thượng, ngài bảo chỉ đang suy nghĩ. Suy nghĩ gì kỳ cục! Ca Ông gần gũi chúa thượng, hôm nào thử hỏi xem?”. Tính hoàng hậu Trinh Minh thẳng đuột, thành ra lắm chuyện tiếu lâm. Nhưng hoàng đế quả thực có vấn đề.

    -Chúa thượng, ngài ổn chứ? – Dương hậu lên tiếng.

    Hoàng đế hơi giật mình. Ngài cười, xua tay tỏ ý rằng ngài chỉ đang suy nghĩ rồi lại tiếp tục phê duyệt tấu trình. Dương hậu thở phào. Chúa thượng nhiều việc, nghĩ ngợi mông lung âu cũng bình thường. Chúa thượng lắc đầu:

    -Tháng 6 rồi, mưa sắp về. Nhiều nơi cần trai tráng đắp và giữ đê, mà người không đủ. Nước năm ngoái không dữ, năm nay chưa biết ra sao…

    -Đầu năm chúa thượng đã tế đàn thiên địa, năm nay mưa gió tất thuận hòa. – Dương hậu đáp lời.

    Hoàng đế chống tay lên trán, cười mỉm:

    -Hậu sống ở đất Trường An này chục năm, còn lạ gì? Năm nào nước ở đây cũng lớn, mưa sà sã, ngập trắng đồng, cả vùng thành biển, chả thế nhà ai cũng phải sắm thuyền trên nóc hoặc xây gian cao trữ lúa. Chỉ tế đàn thiên địa thôi sao đủ? Trời xanh có bao giờ thấu nhân tâm?

    Dương hậu im lặng, không dám vọng động những vấn đề của chúa thượng. Phận đàn bà biết sao nghe vậy. Hoàng đế đọc tấu trình một lúc, bỗng đưa một bản tấu cho nàng:

    -Hậu đọc thử xem thế nào?

    -Thưa, không dám! Thiếp không dám! – Dương hậu vội nhào khỏi ghế – Việc quốc sự không đến lượt đàn bà!

    Hoàng đế cười lớn. Dương hậu cảm giác rõ tiếng cười làm rung nền đá, xà ngưỡng và những cánh cửa bức bàn. Ngài nhổm dậy kéo nàng ngồi xuống ghế, sau nói:

    -Việc quốc sự không đến lượt đàn bà là thế nào? Hậu nói ta nghe thử?

    -“Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”, “phụ nữ và tiểu nhân khó giáo dưỡng, gần thì họ khinh nhờn, xa thì họ oán trách”, đức thánh hiền Khổng Tử đã nói thế. – Dương hậu đáp – Đàn bà tuân theo tam tòng tứ đức đã là đem phúc cho thiên hạ, việc quân cơ quốc sự không đến lần, thưa chúa thượng!

    Hoàng đế gật gù. Ngài chống cằm cười mỉm, lại nói:

    -Vậy cứ như ý hậu, ta là người không ra thể thống gì?!

    -Thiếp không có ý đó! – Dương hậu lại cúi đầu, người sắp nhào khỏi ghế lần hai, chỉ thiếu nước quỳ xuống – Mong chúa thượng soi xét!

    -Được rồi, ta đâu dọa gì hậu nào? Sao phải thế? – Hoàng đế cười rồi vỗ vai Dương hậu trấn an – Thế này nhé, hậu theo ta chinh chiến không ít, chắc cũng biết gần hết các tướng. Hậu biết Hoàng Đậu chứ? Thị ấy trước dốc hết của nả mua lương thực cho quân ta, giờ làm giám sát ngự sử trong triều. Biết Trịnh Khang chứ? Không có thị ấy, đánh Tướng Một Tai bao giờ mới xong? Không có Trịnh Khang, bao giờ ta mới hạ thành Đỗ Động? Cả triều đình tướng nào cũng vỗ ngực biết đánh thủy, cuối cùng núp váy Trịnh Khang cả! Biết Phan Nương, phu nhân Đinh Điền tướng quân chứ? Không có thị ấy dẫn dắt đội thám báo, làm sao ta biết tin tức các vùng? Thuở ấy không có thám báo, coi như sự nghiệp không có gì! Giờ Phan Nương là thị lang Viện Cơ Mật. Rồi cũng Đặng Nương, phu nhân thứ hai của Đinh Điền, không có thị ấy, sao ta tính được quân lương khí giới? Giờ thị ấy làm chưởng quản quốc khố. Vợ ta Trinh Minh Hoàng Hậu đánh kiếm bắn cung đâu thua ai? Cái anh Thập Đạo Tướng Quân còn chưa dám nói mình hơn nàng ấy. Con ta công chúa Liên Hoa, giữa đêm cưỡi ngựa đánh vào trận tiền Tướng Một Tai, không có nó, mạng ta đã chẳng còn. Vậy cứ theo cái ý của đức thánh hiền Khổng Tử, mấy thị ấy mà nhất nhất tam tòng tứ đức, ta đã làm ma dưới âm phủ rồi.

    -Xin chúa thượng đừng nói vậy! – Dương hậu nói – Tất cả là nhờ phúc của chúa thượng!

    -Không phải ta có phúc, mà vì ta được giúp đỡ. – Hoàng đế trả lời đoạn rướn người nhìn Dương hậu – Không có nàng, ta đã chẳng ngồi đây và làm đế ở Thành Đá này.

    Dương hậu cúi đầu không dám nhận lời khen. Hoàng đế tiếp lời:

    -Khi còn bé, ta nghe cha kể rằng nước Nam chúng ta đứng lên nhờ hai người đàn bà. Cưỡi ngựa bắn cung, đánh kiếm giết giặc, đào đê đắp đất, cấy lúa gieo mạ – đàn bà xứ này làm được mọi thứ, chẳng thua ai. Cứ lấy phong tục phương Bắc áp dụng, ta thấy thật không phải. Chẳng phải bây giờ hậu lo việc cung cấm cho ta sao?

    -Dạ thưa, việc cung cấm không thể coi là quốc sự.

    -Như nhau cả! – Hoàng đế cười – Nàng thử đọc tấu xem, ta cho phép. Làm hậu thì phải biết nhiều thứ, kể cả quốc sự.

    Lệnh từ chúa thượng, Dương hậu không dám trái. Nàng nhận bản tấu, đọc một hồi rồi nói:

    -Thưa, đây là tấu báo cáo vấn đề… đúc tiền?

    -Phải. – Hoàng đế gật đầu – Ta dự định năm sau sẽ công bố tiền mới trước bá quan. Nước Nam ta sắp có tiền riêng, nàng thấy sao?

    Trong bản tấu có vẽ hình đồng tiền tròn có lỗ vuông, một mặt khắc bốn chữ “Thái Bình Hưng Bảo”, mặt sau khắc chữ “Đinh” – họ của chúa thượng. Tấu của chưởng quản quốc khố Đặng Nương báo rằng những đồng tiền đầu tiên vừa rời khuôn đúc. Dương hậu đáp lời:

    -Chúa thượng anh minh, con dân đều được nhờ.

    -Đừng sáo rỗng vậy! – Hoàng đế phẩy tay – Ta biết nàng thông minh. Thử nói chủ kiến của nàng xem, giống như ngày trước nàng thường khuyên can ta. Nói đi, ta cho phép!

    Dương hậu ngẫm nghĩ, lựa từng lời từng chữ kĩ càng mới dám thỏ thẻ:

    -Chúa thượng làm mọi việc đều vì xã tắc. Có điều thần thiếp không hiểu… Trước nay nước Nam ta dùng tiền phương Bắc, thời Ngô Vương cũng vậy. Phương Bắc rộng lớn, lễ nghi đạo học đều thâm sâu, bao trùm cả thiên hạ, là nơi đáng học hỏi, nước Nam ta học theo là lẽ thường. Cớ sao chúa thượng không dùng tiền phương Bắc nữa? Hay ngài thấy Tống triều bên đó không được như người xưa?

    Hoàng đế vừa nhìn nàng vừa cười. Dù đã làm hoàng đế nhưng ánh mắt hoang dã của ngài còn nguyên, thứ ánh mắt khiến nàng ấn tượng ngay từ thuở đầu gặp gỡ. Chúa thượng nhìn lâu khiến nàng đỏ mặt. Im lặng một lúc, hoàng đế cất lời:

    -Không phải vì Tống triều yếu kém. Mà vì chúng ta là người Nam, sống trên đất Nam, mọi thứ đều phải vì người Nam, phải do người Nam làm ra.

    Chúa thượng nhìn vườn lau, không nói thêm nữa. Dương hậu nghe vậy, thực tâm cũng không hiểu. Nàng không biết tại sao chúa thượng lại coi trọng chữ “Nam” đến thế. Người đương thời đều lấy “Bắc” làm khuôn vàng thước ngọc, duy chúa thượng lại coi trọng “Nam” hơn cả. Nàng không hiểu, có lẽ ý tứ các quân vương xưa nay thâm sâu khó dò.

    Mây đen từ phía núi Phi Sơn tràn đến, mang theo gió lớn cùng hơi ẩm. Trời sắp mưa. Vườn lau trong thượng uyển nghiêng ngả dưới những cơn phong cuồng. Hoàng đế ghé sát bên tai Dương hậu:

    -Sắp mưa rồi, hậu ở lại dùng cơm tối với ta. Nhé?

    Nàng gật đầu vâng mệnh. Hoàng đế vỗ vai nàng rồi bước ra vườn lau nhìn trời nhìn mây như đang đón đợi bão tố. Gió lớn thổi mạnh kéo vạt áo tía lẫn vào những bông lau trắng. Trong mắt Dương hậu, sắc trắng của lau bỗng trải dài thành mảng màu vô tận chiếm trọn Thành Đá. Bé nhỏ và lọt thỏm giữa biển trắng vô tận ấy là hoàng đế. Ở khoảnh khắc ấy, hoàng đế bỗng trở nên xa cách với tất thảy, dường như không thuộc về hiện thực và có lẽ chỉ thêm một chút nữa thôi, ngài sẽ biến mất vào biển lau trắng. Dương hậu vội chạy ra, chẳng còn quan tâm khi quân trọng tội, vội nắm chặt tay hoàng đế:

    -Chúa thượng, trời sắp mưa, xin ngài giữ gìn!

    Hoàng đế cười lớn. Quân vương khi cười phải che long khẩu, chúa thượng thì không. Ngài vẫn như thuở trước, không biết câu nệ, không quan tâm lễ nghi. Ngài cao hơn nàng hẳn một cái đầu. Đứng từ đây, nàng có thể nhận ra răng nanh bên trái của chúa thượng. Nó dài hơn răng nanh thường, và cũng bởi vậy mà có thời gian chúa thượng bị gọi là “thằng rái cá”. Nàng biết biệt danh tức cười ấy vì chính chúa thượng kể cho nàng. Có đận nàng cười đến nỗi chúa thượng phải gắt lên không cho cười nữa. Mấy ký ức vui vẻ làm nàng nhớ lại chuyện xưa cũ…

    Thuở ấy nàng mới lên mười tuổi, còn mải cưỡi trâu dẫn bọn trẻ đánh phá bọn trẻ con làng khác, chiếm từng bãi cỏ để trâu được thêm chỗ ăn, có thêm cỏ mang về cho làng. Một ngày nọ, nàng gặp chúa thượng ở đồng cỏ lau. Chúa thượng khi ấy cởi trần để lộ thân thể đen sạm, tóc ngắn đẫm nước sông, quần vải vá lỗ chỗ, sau thắt lưng giắt một chiếc rìu chặt củi. Ngài nhìn Vân Nga mười tuổi, mắt nhíu mày nhăn:

    “Bé con muốn đánh ta à? Cho xin, con gái sao đánh con trai được!”

    Rồi ngài ngửa mặt cười to, lộ cả cái răng nanh dài. Lúc đó cô bé muốn đánh một trận đã đời để gã con trai kia không thể cười chê mình nữa. Suốt năm tháng đó, nàng ghét tên con trai ấy kinh khủng, hễ tới đồng lau Động Hoa Lư lại gào lên “Thằng rái cá! Ra đây đánh nhau!”

    Rồi nàng cũng chẳng ngờ nhiều năm sau, nhiều năm sau nữa, nàng ở bên người mà mình ghét nhất, ngay tại Thành Đá này. Chuyện năm xưa ngỡ như giấc mộng.

    Cuộc đời như con tạo xoay vần, chẳng ai biết trước điều gì…

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile




    Chú giải: “thiềm mái” là mặt mái nhà, “bờ nóc” là đường gạch chạy ngang mái nhà, “bờ guột” là là đường gạch từ chỗ đỉnh bờ nóc chạy xuống, “tàu đao” hay còn gọi là “đao quật” là phần cong lên ở mái. “Đầu hồi tam giác” là phần tam giác nhô ra bên mái, người Việt gọi nôm na là “khu đĩ”; để trang trí phần đầu hồi, người ta thường gắn thêm “yếm gỗ” hay còn gọi là “vỉ ruồi”. “Xà nách” là đoạn nối cột cái (cột to nhất) với cột quân (cột con, bé hơn cột cái). “Xà tử hạ” là phần gỗ liên kết cột quân với khung nhà. “Chồng rường” là tập hợp cái đoạn gỗ chồng lên nhau, đỡ phần hoành mái nhà.

    ____________

    Phản hồi, bình luận và ủng hộ tại fanpage: https://www.facebook.com/thanhdadoanca
    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:52.

  6. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    SpaceWolf,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Đoản ca Thành Đá

    Chương 2
    Trùng tang


    Bản đồ Thành Đá Hoa Lư, đã có sự tham khảo từ nhiều nguồn:



    Tháng 6 là mùa nước lên. Ngày nào mây đen cũng kéo về xứ Trường An; hôm sậm sụi tối sầm cả trời mà chỉ lác đác mấy hạt mưa, hôm quang đãng nắng nỏ thì bỗng ầm ầm tiếng sấm rồi trút nước nửa ngày. Mưa lắm, nắng ít, trừ lúc thỉnh an chúa thượng thì Dương hậu ở Ca Cung suốt. Hậu cung nhiều việc, nàng không dư thời gian qua những cung hoàng hậu khác. Vả lại các hoàng hậu cũng không rảnh rỗi mà trách móc nàng trễ nải thăm nom. Mùa nước lên, ai cũng tất bật bận rộn, lễ nghi đôi khi được châm chước. Tháng 7 – tháng 8 sắp đến, lũ sắp về, xứ Trường An không còn nhiều thời giờ.

    Cuối tháng 6, giấy tờ thay nhau về Ca Cung, chủ yếu là hóa đơn thanh toán nhu yếu phẩm cho hậu cung. Gạo, muối, mắm, than, củi, vải, giấy, mực, thuốc, kim chỉ, lá vối, lá chè… đủ loại hóa đơn xếp thành chồng lớn nhỏ. Chồng này của các cung hoàng hậu, xấp kia của cung hoàng tử Hạng Lang, tập hóa đơn nhiều nhất thuộc về đám nội hậu và nữ tì. Đa số hàng hóa chuyển tới kinh đô đều đi qua sông Hoàng Long phía tây bắc. Nhưng đang mùa nước lên, sông dâng cao, hôm gió lớn thì nổi sóng to, thuyền bè lắm bận treo mái chèo. Hậu cung vì thế phải chuẩn bị sớm. Dương hậu quán xuyến tất cả; trong số năm hoàng hậu, nàng giỏi việc này nhất.

    Mấy ngày đó, Dương hậu ở gian chính Ca Cung. Đám nội hầu chạy qua chạy lại nghe nàng phân phó giấy tờ. Hoàng cung dựng nên chưa lâu, lễ nghi còn sơ sài, công vụ còn rối rắm, Dương hậu phải vừa làm vừa hướng dẫn bọn nội hầu. Nàng tính hai năm nữa hẵng giao việc cho đám này, lúc ấy mới tạm nhàn.

    -Ba tháng tới mưa nhiều, dễ lụt, phải có kho chứa thức ăn khô. Các hậu, hoàng tử và công chúa luôn dùng đồ tươi nhưng vẫn phải có đồ khô dự trữ. – Dương hậu dặn dò hai gã nội hầu – Cá phơi khô; thịt phơi khô, hoặc đem luộc rồi vùi muối; gạo để trên kệ, giữ kho gạo thật ráo, lau dọn thường xuyên; mắm cất kín trong hũ có nắp, bọc lá hai lớp, buộc lạt thật chặt, không là bốc mùi; muối cũng tương tự mắm, không là chảy nước. Các loại mật ong, mật gấu, nhung hươu, cao hổ, thuốc bổ… cũng bọc kín, cất nơi khô ráo. Số lượng mỗi thứ cho từng cung, ta đã ghi trong này, chúng bay cứ theo thế mà làm. Đầu tuần, cuối giờ Sửu thì giao hàng cho các cung, đầu bếp mỗi cung sẽ tự biết cách xử lý. Thắc mắc gì không?

    Hai gã nội hầu đọc danh sách nhu yếu phẩm. Một người cúi đầu hỏi:

    -Dạ thưa lệnh bà, con thấy số lượng mỗi thứ của mỗi cung mỗi khác, sao không để tất cả bằng nhau?

    -Vì khẩu vị của các hậu, công chúa và hoàng tử khác nhau. – Dương hậu nói – Tỉ như Đan Gia hậu ít ưa thịt cá, ăn nhạt, thích nhất rau xanh nên không cần nhiều đồ khô. Trinh Minh hậu và công chúa Phù Dung thường xuyên tập võ nghệ, thích cả thịt tươi lẫn khô, nên cần nhiều hơn. Hoàng tử Lang rất thích thịt nai khô, cần đặc biệt để dành cho hoàng tử. Ai cần gì thêm thì bổ sung. Chuẩn bị thức ăn không đúng vừa phí phạm thức ăn, vừa bất kính vì không quan tâm khẩu vị mỗi người. Chúng bay làm nô tài phải biết mấy thứ đó, hiểu chưa?

    Hai gã nội hầu gật đầu vâng dạ. Dương hậu tiếp lời:

    -Cũng cần chú ý thức ăn cho nội hầu và nữ tì. Cất giữ gạo, muối như trên. Đã thu gom khoai lang và sắn như ta bảo chưa? Tốt, đem cắt nhỏ, phơi khô ăn dần; hai tháng tới mưa nhiều, khoai sắn không có mà đào. Rau thì xuống chợ Khu Thành Tây mua, ở đấy đất cao ít ngập, rau sẵn nhưng đắt hơn ngày thường, nhớ mặc cả. Bến Muối vẫn là chủ cũ hay đổi rồi?

    Ai nấy trong Thành Đá đều biết Bến Muối trên sông Sào Khê. Sông Sào Khê vốn rẽ nhánh từ sông Hoàng Long, chảy từ hướng tây bắc rồi vòng sang đông bắc, luồn vào Khu Thành Đông của Thành Đá, tiếp tục chảy xuống phía nam vào tạo thành một vùng hồ lớn ở Khu Thành Nam của Thành Đá. Trên vùng hồ ấy có một bến đò gần núi Hang Muối, người ta quen gọi là Bến Muối. Đáp lại Dương hậu, một nội hầu trả lời:

    -Dạ thưa lệnh bà, vẫn là chủ cũ.

    -Thế thì vẫn như mọi năm. – Dương hậu gật gù – Tháng lũ, thuyền chài sẽ vào đó bán cá bán tép, thành chợ tạm. Sông Sào Khê trong núi, ít gió, sóng không dữ, thuyền đi được. Mùa lũ chẳng lãi gì ngoài cá với tép, rẻ bèo, mà dễ khi có cá to. Đem cá kho mặn, ăn cả tuần chưa chắc hết. Vậy thế này: ta sẽ dâng biểu trình chúa thượng, xin chúa thượng cấp ít tiền cho chúng bay, cứ năm người một cá nhỏ và một vợt tép, nếu có cá to thì chia cho mười người.

    Nói rồi Dương hậu đặt bút viết, những con chữ Hán nhỏ nhắn vuông vức dần hiện lên trên mảnh giấy màu nâu vàng. Nàng vừa soạn bản tấu, vừa hỏi tiếp:

    -Mấy tháng trước, ta bảo chúng bay đến chỗ xây dựng cung xin mùn cưa. Làm tới đâu rồi?

    -Dạ, đã thu được mười hộc đầy, thưa lệnh bà. – Viên nội hầu trả lời.

    -Mùa này ẩm, giấy mực dễ hỏng; soạn tấu, viết khải, dâng biểu, trình thư không xong. Đem giấy mực đặt vào hộp, rải thêm mùn cưa, không sợ ẩm nữa. Nhớ chia một phần mùn cưa cho nhà bếp; củi than ẩm, khó nhóm bếp, lấy mùn cưa rắc vào thì dễ đánh lửa hơn. Còn nếu mùn ẩm rồi thì phải thay hoặc vứt đi… à khoan… tại sao ta phải nói nhỉ? Việc này thì chúng bay biết rõ nhất chứ?

    -Dạ, lệnh bà dặn dò không thừa, chúng con xin nghe. – Đám nội hầu nói.

    Soạn xong tấu, Dương hậu bỏ vào phong bao, niêm phong bằng sáp nến rồi đóng một con dấu lên đó. Sáp lõm xuống in hình chim phượng cách điệu. Nàng dặn bọn nội hầu:

    -Đầu giờ Sửu ngày mai, đem biểu này trình ban nội viện. Nếu chúa thượng chuẩn y, quốc khố sẽ mở, ta gọi chúng bay lấy tiền sau. Lúc đó chúng bay xuống Bến Muối mua cá, bảo ông chủ bến đò điểm chỉ vào đơn mua hàng. Ông ta biết chữ, có thể đọc được. Đơn mua thế nào, ta sẽ soạn.

    Hai gã nội hầu ghi chép công vụ, không lúc nào ngơi tay. Cuối buổi, họ cùng vài nội hầu nữa mang sổ sách giấy tờ rời Ca Cung, không quên đem thư gửi quốc khố. Lúc này tiếng chuông báo giờ Thân vừa tới, Dương hậu ngả xuống bàn, hai mắt lim dim muốn ngủ. Nàng hơi mệt.

    Trong cơn buồn ngủ, Dương hậu nhớ chuyện cũ. So với hồi chinh chiến bên chúa thượng, ngày nào cũng phải tính chi tiêu quân lương, khí giới, chiến mã… mấy thứ thịt thà dưa cà kể trên chẳng đáng mấy. Nhưng thuở chinh chiến, nàng mới đôi mươi, giờ khác. Nghĩ tới đó, nàng hơi run. Đàn bà sợ thời gian, nhất là đàn bà đẹp. Nàng cũng không ngoại lệ.

    Dương hậu chỉ hết gà gật khi con Xuân mang nước vối tới. Nước vừa đun xong, còn ấm nóng, nàng uống một ngụm mà tỉnh người. Con Xuân xun xoe bên nàng:

    -Bà ơi, vậy là có cá ăn hả? Mấy tháng rồi con chưa được ăn cá, chỉ ăn mỗi cà muối thôi, chắc giờ bụng con mọc đầy cà với rau muống! Bọn con được ăn cá sao? Vậy là năm nay có cá ăn rồi!

    Trông con nữ tì một câu “cá” hai câu “cá”, suýt làm rớt mũ trên đầu, Dương hậu bật cười. Nàng lại nằm dài, gối mặt lên cánh tay rồi nói:

    -Không phải năm nay mà năm sau, năm sau nữa, về sau nữa sẽ có cá. Một năm, cố gắng ba tháng lũ cho chúng bay ăn cá, cộng thêm mấy tháng Tết, tính ra cứ nửa năm là chúng bay có thịt ăn.

    Con Xuân đấm bóp cho nàng, mặt mũi ngơ ngác:

    -Tại sao bà làm thế, bà ơi? Bọn hạ nhân nô tài chúng con đâu được ăn cá? Cá thịt dành cho nhà giàu, quan lớn và bề trên mà! Con không hiểu?!

    Có đứa đấm bóp, cơ thể khoan khoái hẳn, Dương hậu lim dim mơ màng:

    -Trong cung cấm, đám nội hầu mệt mỏi nhất. Đưa thư, chuyển tấu trình, truyền tin, thông báo… chạy qua chạy lại trong cung rồi các thành, mỗi ngày ước chừng chục dặm, đấy là chưa kể khiêng đồ hay nấu ăn. Bọn nữ tì chúng bay thì giặt giũ, gánh nước, lau dọn, đứng chầu hẫu cả ngày không ngồi. So ra cực hơn cả làm đồng, chỉ kém mỗi việc nhà binh. Quanh năm như thế mà chỉ cơm muối, dưa cà thì sức đâu? Chúng bay ngã lăn ra, chẳng phải công vụ chậm trễ sao? Đừng nghĩ ta lo cho đám hạ nhân nô tài chúng bay, ta chỉ làm vì chúa thượng và việc cung thôi.

    Con Xuân quỳ bên chân Dương hậu, ngước khuôn mặt nhỏ đen sạm, mắt long lanh:

    -Con không biết mấy chuyện sâu xa vậy đâu, bà ơi. Con chỉ biết là sắp có cá ăn thôi, đội ơn bà lắm!

    Dương hậu chống cằm nhìn con Xuân, hết bẹo má lại xoa đầu nó, lấy làm vui thích. Các hoàng hậu khác chẳng quan tâm đám nội hầu nữ tì ăn uống ra sao; phận nô tài ăn bát mẻ nằm chiếu manh, xưa nay vốn vậy. Nhưng Dương hậu thì khác. Có lẽ nàng vì cái Xuân mà chiếu cố lũ hạ nhân, hoặc biết đâu lại vì mấy chuyện cũ thuở chinh chiến. Nàng không chắc là lý do nào.

    Nhưng quả thực hồi chiến tranh, thịt quý hơn vàng. Binh sĩ tập luyện hay ra trận, cơm no chắc dạ chưa đủ, phải có thịt ăn mới tăng cường sức khỏe. Nơi chiến trường máu tanh, mưu sâu kế hiểm hay võ nghệ đầy mình không bằng một tấm thân bền bỉ. Bởi lẽ ấy, thịt đắt hơn cả khí giới quân bị, mang cả mâm vàng chưa chắc mua nổi. Đồ tươi đắt hơn đồ khô, lại phân cấp mấy loại: thịt cá – gà xếp cuối, kế đến thịt lợn, thịt trâu – bò chỉ dành cho chủ tướng, riêng thịt hươu – nai phải dâng chúa thượng. Đôi khi lính tráng bên nào được ăn nhiều thịt hơn mà quyết định vận mệnh cuộc chiến. Ngày đó sa trường ầm ầm tiếng đao kiếm, còn hậu tuyến rền vang tiếng bạc nén mua quân lương. Ít ai hiểu chuyện này bằng Dương hậu, họa chăng có chưởng quản quốc khố Đặng Nương.

    Thẩn thơ trong cố sự, Dương hậu phần nào quên thực tại. Chợt tiếng sấm đằng xa đánh thức nàng. Tháng 6 mưa nhiều, nghe sấm cũng thành quen. Nàng ghé tai Xuân nói nhỏ:

    -Lúc nào hai đứa nội hầu xuống Bến Muối, mày đi theo chúng nó. Nếu chúng biển thủ tiền hoặc mua đi bán lại thì báo cho ta.

    -Giống ngày trước ạ, lệnh bà? – Xuân hỏi.

    -Ừ, như ngày trước. – Dương hậu gật đầu.

    Xuân nhoẻn miệng cười rồi tiếp tục đấm bóp. Riêng việc này, Dương hậu không giải thích nhiều, chỉ cần nói “như ngày trước” là Xuân tự hiểu. Năm tháng binh đao, con Xuân còn ít tuổi, thường tận dụng vóc dáng nhỏ bé luồn lách vào vùng địch thăm dò tin tức. Nó rèn luyện những ngón nghề thám báo từ bé, cũng là một trong số ít thám báo vẫn sống sau chiến tranh.

    Việc cung tạm xong, Dương hậu trông ra cửa, nhìn tảng mây xám đang tham lam ngốn ngấu ánh nắng. Người đã chuẩn bị hết, chỉ còn mong trời thương xót. Nhưng đợi trời bớt tai ác mấy tháng này chẳng khác nào con dâu cầu mẹ chồng bớt khó tính. Dương hậu trộm nghĩ trời nghiệt ngã là có nguyên do. Nàng chỉ nghe “ông trời” chứ chưa nghe “bà trời” bao giờ. Đàn bà ở vậy chẳng sao, đàn ông ở vậy leo sào bắn chim – tính nết y hệt trẻ con. Đằng này ông trời ở vậy từ xa xưa, hỉ nộ bất thường âu cũng… bình thường.

    Trường An là trái tim mới của nước Nam. Tên vậy nhưng vốn đất cũ, gắn liền với nhiều người, trong đó có Dương hậu. Thuở xưa nó có tên là “Trường Châu”. Ngày lên ngôi, chúa thượng đổi tên đất này thành Trường An, cấm mọi người nhắc lại tên ngày trước. Trong mắt Dương hậu, Trường An hay châu Trường Châu giống nhau, cứ bắt đầu tháng 6 là trắng trời nước mưa rồi trắng đất nước lũ tháng 7, tháng 8. Những ngày trắng nước mênh mông ấy, đâu đấy trên nẻo đường, màu trắng áo tang nối đuôi nhau đưa người chết vì lũ về với đất. Năm nào cũng vậy.

    Mùa lũ, đám trai tráng khổ nhất vì giữ đê, kế tiếp là đàn bà có chồng. Mùa lũ, đàn bà có chồng đứng dưới mái hiên ngấn nước của nhà chồng trông quê cha mẹ, lòng thấp thỏm sợ nghe tin dữ. Mà phải ba tháng hoặc nửa năm sau mới biết cha mẹ còn hay bị nước cuốn rồi. Dương hậu theo hoàng đế ra trận gần mười năm, cũng là ngần ấy năm nàng âu lo mỗi dịp lũ về. Còn tính từ ngày nàng trở thành hoàng hậu, nỗi lo âu đã bước sang năm thứ hai.

    Dương hậu gỡ tay con Xuân đoạn bước ra ngoài. Sấm động, mùi ẩm nồng xộc cánh mũi. Mưa trút bóc màu đỏ tươi của mái Ca Cung và để lại một màu đỏ sậm. Mưa từ đầu tháng, một tuần dăm ba trận, bụi bẩn trên mái cũng chẳng còn. Dương hậu ngồi trên xà ngưỡng cửa, quay về hướng đông bắc rồi tìm nhà cha mẹ qua màn mưa. Nàng vẫn nhớ rõ nhà ấy ở thôn Nga My, thuộc đất chiêm trũng và nằm ngoài đê. Ngày nhỏ, mỗi mùa lũ lên, nàng lại theo cha lên thuyền sơ tán lúa thóc lẫn đồ đạc. Có khi gia nhân làm không kịp, tự tay nàng phải dắt trâu hoặc bế lợn con mà chạy. Nước lên nhanh, trâu còn biết lội, gà còn biết quẫy, lợn thì chịu chết và phải nhờ tay người cứu. Nước ngập, người ta cứu lúa cứu vật nuôi cả đêm, mãi lúc tờ mờ sáng mới nằm vật trên thuyền mà thở. Cũng chỉ sau một đêm, cả vùng biến thành biển. Dương hậu không bao giờ quên cảnh tượng đó.

    Sống trên đời gần ba mươi năm, Dương hậu vẫn không quên cảnh tượng đó.

    Tháng 6 hết, tháng 7 đến, mưa trút xối xả. Có hôm mưa dữ, nước ào ạt tụ lại như cái chày khổng lồ giã xuống đất Trường An. Thành thử hoàng đế ra chỉ dụ cho các hậu, các công chúa và hoàng tử Lang ở yên trong cung, tạm thời không cần thỉnh an hay làm các lễ nghi thủ tục khác. Dương hậu mấy ngày quanh quẩn trong cung, không rớ chân xuống bậc thềm nửa bước. Nhưng nàng đoán được giờ này lính tráng rồi đám hạ nhân gia cố cửa nẻo cung điện, dựng lều che chắn những công trình dang dở. Nàng cũng biết đám đàn ông Trường An đang thay nhau giữ đê, nhất là con đê chắn sông Hoàng Long. Nước gầm, gió thét, sông ùng ục nước như ngàn chiến mã hí vang; còn phía bên kia, hàng chục người đàn ông nhỏ bé giữa mưa bão, chân lội bùn, chuyền tay nhau những bao đất hoặc rọ đá giữ đê. Dương hậu từng ước mình là đàn ông, mà khi thấy cảnh giữ đê, lại hạnh phúc sao khi trời cho sinh làm đàn bà.

    Tháng 7, mưa dai. Dương hậu đôi lần bước ra ngoài, ở mãi trong cung làm nàng bí bách. Từ đây nàng có thể trông thấy một góc Khu Thành Tây. Đất ấy cao nhưng cũng ngập nhiều, người ta phải dùng thuyền đi lại. Mưa nhiều, không gian đặc sính một màn ẩm dày đặc che hết khoảng trời phía đông bắc. Dương hậu chẳng thấy gì ngoài cái bóng núi Phi Vân mờ nhạt, chẳng thấy cả đất chiêm trũng quê nhà. Mưa sà sã, nàng nghĩ chốn ấy đã thành biển nước như mọi khi.

    Bão về, gió giật đùng đùng át cả tiếng sấm. Nhưng bão năm ấy qua nhanh, không dai dẳng, gió chỉ gào đôi ba trận rồi thôi. Cuối tháng 7, mưa vẫn xuống song chỉ lất phất, chừng như đã dồn hết nước vào đợt trung tuần, chỉ còn sót một ít để làm khó con người. Giờ người ta chờ nước rút, chờ đường bớt lầy lội và chờ tin người thân. Dương hậu cũng ngóng tin người nhà. Đợi ngày tạnh ráo, nàng bảo một đứa nội hầu về thôn cũ hỏi thăm hai cụ thân sinh. Đường về nơi ấy xa, đang mùa lũ nên đi lại bất tiện, gã nội hầu đi hai ngày chưa về. Dương hậu đâm lo.

    Mấy ngày đó, nàng nghe có đám tang ở Khu Thành Tây. Bão lớn hay nhỏ thì vẫn có tang, đất Trường An là vậy. Dương hậu nghĩ là tang anh lính nào đó. Mùa lũ, lính ra giữ đê, năm nào cũng có người chết, không ít thì nhiều. Nhưng năm đó chẳng ai chết vì giữ đê. Con Xuân bảo rằng tang này của mẹ một anh lính. “Bà ấy tham, đang đêm còn mang vợt đi vớt tép ở ruộng, chẳng may trượt chân ngã, không ai biết. Nước ngập ruộng sâu lắm! Sáng hôm sau, người ta mới thấy xác nổi!” – Con Xuân kể. Nghe thế, Dương hậu chột dạ. Đêm tối, nàng thu mình trong am thờ Phật rồi lần tràng hạt cầu kinh, hương khói nghi ngút. Nàng chẳng biết làm thế nào ngoài nương nhờ ngài Thích Ca, các ngài Bồ Tát và mẫu Quan Âm.

    Mùa lũ, người nước Nam khổ.

    Sang ngày thứ ba, đứa nội hầu trở về, báo rằng hai cụ thân sinh Dương hậu vẫn ổn. Vùng ấy vẫn ngập nhưng nước lên chỉ chớm mái hiên, thấp hơn mọi năm, không thiệt hại nhiều, chỉ trôi mất mấy con gà. Dương hậu cả mừng. Nhờ hoàng thượng tế đàn thiên địa đầu năm, con dân được nhờ. Nàng liền sang cung chúa thượng thỉnh an.

    Cung hoàng đế vẫn như mọi khi, khác chăng là đám hạ nhân đang cật lực lau dọn. Chúa thượng cũng chẳng đổi khác. Ngài chưa bao giờ mặc long bào, cứ khoác tấm áo dân man di, ngồi trên xà ngưỡng, dựa lưng vào cửa bức bàn và phê duyệt tấu biểu. Nhưng nay Dương hậu thấy chuyện lạ lùng. Hoàng đế không duyệt tấu mà thẫn thờ nhìn trông ra thượng uyển, bút lông rơi bên chân vương vãi mực. Nàng vội chạy tới:

    -Chúa thượng! Chúa thượng?! Ngài ổn chứ?

    Nhận ra Dương hậu, hoàng đế gượng cười. Ngài chợt thở dài:

    -Chú nhà ta chết rồi.

    -Hoàng thúc? Hoàng thúc mất rồi? – Dương hậu hoảng hốt – Tại sao vậy, thưa ngài?

    -Chết đuối. – Hoàng đế trả lời.

    Từ đấy ngài im lặng, đôi mắt tìm kiếm điều gì đó trong vườn thượng uyển. Hoàng đế thẫn thờ cả chiều, bỏ luôn bữa tối. Dương hậu dâng cơm lên, ngài chỉ húp bát canh rồi thôi, cứ bất động tựa tượng đá cho đến khi sương xuống. Đám nội hầu phải đỡ vai đưa ngài về giường ngủ. Dương hậu chưa thấy hoàng đế như vậy bao giờ.

    Cuối tháng 7 năm đó, hoàng thúc Đinh Dự mất.

    Người ta kể rằng hoàng thúc có công chuyện nên qua sông Hoàng Long. Lúc ấy vẫn ngập nhưng mưa ngớt. Lúc hoàng thúc về thì trời nổi gió to, sông Hoàng Long dềnh sóng. Người ta khuyên hoàng thúc nghỉ chân, đợi hôm sau hẵng đi nhưng ông không nghe. Dân Trường An sống với lũ quen, nhiều lúc đâm khinh nhờn hà bá. Hoàng thúc cũng vậy. Mặc mọi người can, hoàng thúc lên thuyền con tự chèo sang. Chẳng may gió lớn quá, sóng chồm lên đánh lật thuyền. Hai ngày sau, dân chúng tìm thấy xác ông dạt vào chỗ giao giữa sông Hoàng Long và sông Sào Khê.

    Sau mùa trắng nước là mùa trắng áo tang.

    Hoàng thúc chỉ có một người con trai tên Đinh Hoàn, lúc nhỏ từng theo hoàng đế chinh chiến. Sau ngày hoàng đế lên ngôi, Đinh Hoàn được phong tước thăng quan, thường đi lại giữa các “Đạo” để phác thảo địa đồ sông ngòi. Hoàng thúc mất đúng lúc Đinh Hoàn vắng mặt, hoàng đế đứng ra chủ trì tang sự. Năm hoàng hậu cũng theo chúa thượng làm tang.

    Dân chúng Thành Đá chưa từng thấy đám ma to như thế. Đầu tháng 8, nhà hoàng thúc phát tang, binh lính dựng vải đăng cáo phó to bằng lá cờ rồi bao bọc trong ngoài nhà hoàng thúc, không cho người lạ bước vào. Người ta thấy cả thiên tử quân đội mũ đen đeo kiếm sắt – vốn là cấm quân bảo vệ hoàng đế. Con dân chẳng ai rõ tang lễ ra sao, chỉ nghe tiếng kèn trống từ sáng sớm tới đêm khuya, không lúc nào ngơi nghỉ. Người ra vào phúng điếu toàn quan lớn hoặc tướng quân, có cả một đoàn sư sãi từ châu Vũ Ninh cũng tới. Những ngày đó, dân chúng đổ dồn về Khu Thành Tây coi tang ma hoàng thúc. Chẳng ai muốn bỏ lỡ sự kiện quan trọng như thế.

    Con trai hoàng thúc chưa về, hoàng đế vừa chủ trì tang ma vừa thay mặt gia chủ. Ngài đi chân trần, mặc áo sô gai, tay chống gậy tre đứng bên bàn thờ bài vị hoàng thúc; các hoàng hậu mặc áo thụng trắng. Người đi phúng điếu lạy bài vị, ngài cúi người tạ lễ. Quan tướng sợ, khuyên chúa thượng không cần lạy. Ngài gạt đi, bảo thế là vô phép, vẫn tạ lễ không thiếu một ai, đứng suốt một chỗ từ sáng đến xẩm tối, không ăn không nghỉ. Hoàng hậu Đan Gia thấy thế thì xót quá, bèn bảo lính đóng cửa, dẫn người đến phúng sang gian khác tạm chờ để chúa thượng nghỉ ngơi. Hoàng hậu Trinh Minh nóng tính, ra ra vào vào, miệng lẩm bẩm: “Cái thằng Đinh Hoàn chưa về à? Bộ nó bị chặt chân chắc? Ai mang ngựa vác nó về đi!”. Dương hậu nghe thấy, chỉ biết cười khổ.

    Dương hậu nghĩ chuyện cũ, thấy đời như con tạo, chẳng biết đâu mà lần. Thuở hoàng đế còn bé, hoàng thúc cay nghiệt đuổi ngài lẫn Đàm hoàng thái hậu ra khỏi nhà, không cho sống cùng. Dăm lần hoàng thúc cầm giáo muốn đâm chết, hoàng đế may tránh được. Ngài hận người chú từ đó. Rồi khi chúa thượng khởi binh, ngay ở chính Thành Đá này, ngài dẫn quân đánh hoàng thúc một trận nảy lửa. Máu chảy đẫm chân núi Mã Yên, tưởng chừng cạn cả máu mủ chú cháu. Nhưng may sao lưỡi rìu của hoàng đế còn lưu lại tình thân. Ngày lên ngôi, hoàng đế không tính thù xưa, còn ban cho hoàng thúc nhà cửa bổng lộc. Dương hậu nghĩ chúa thượng muốn giữ yên triều chính nên làm vậy.

    Nhưng có lẽ nàng lầm. Nếu quả thực hoàng đế chỉ muốn giữ yên triều chính, giờ ngài đã chẳng nhọc công chống gậy thế chỗ Đinh Hoàn. Ngài đang làm bổn phận của người con.

    Sinh ở đất Trường An, anh em chú cháu đánh nhau chảy máu đầu, nhưng cuối cùng vẫn lo cho nhau cái tang ma chu đáo. Sống ở đất này, nghĩa tử là nghĩa tận.

    Đêm xuống, gian chính nhà hoàng thúc vang tiếng tụng kinh. Các sư từ chùa Đài, châu Vũ Ninh được cử tới đây làm lễ cầu siêu cho hoàng thúc. Cùng lúc ấy ở gian trong, Dương hậu mang đồ ăn dâng chúa thượng. Trong ánh nến leo lét và tiếng kinh mõ, hoàng đế ngồi một mình. Đàm hoàng thái hậu tạ thế từ lâu, giờ đến lượt hoàng thúc ra đi. Những bậc bề trên từng chứng kiến hoàng đế trưởng thành, chinh chiến hay bước lên ngai vàng – đều chẳng còn nữa. Chúa thượng chỉ có một mình. Dương hậu biết cảm giác đó, có thể hình dung ra nó dù chưa trải qua.

    Thấy Dương hậu, hoàng đế cười mệt mỏi đoạn vỗ vỗ lên chiếc ghế kế bên, ý bảo nàng ngồi xuống. Nàng tuân lệnh rồi nhắc hoàng đế dùng bữa. Ngài từ chối, chỉ hỏi:

    -Có tin thằng Hoàn không?

    -Dạ thưa, hoàng đệ chưa về. – Dương hậu đáp.

    -Liệm thì đã liệm rồi, nhập quan đã xong rồi, phúng điếu tạm gọi là ổn. Nếu thằng Hoàn không về kịp, sớm mai nên di quan.

    Dương hậu hỏi:

    -Dạ thưa, ngài không chờ hoàng đệ sao? Hoàng đệ chưa về mà đã đem hoàng thúc di quan, có sợ…

    -Chuyện bất đắc dĩ, tổ tiên hiển linh thì không nỡ trách phạt. – Hoàng đế nói – Ta sai người liệm bằng lụa, ướp nước thơm, liên tục nhang khói nhưng vẫn không kìm được mùi tử thi. Xác chết đuối không thể để lâu, phải di quan sớm. Đợi thằng Hoàn về thì phúng điếu thêm lần nữa, để bà con làng xóm vào viếng, sau làm cơm canh mời họ. Sáng mai các hậu hãy hồi cung, không cần ở đây nữa. Sớm mai ta thiết triều, chiều mai ta quay về đây, hậu bảo các hậu khác không cần qua thỉnh an.

    Dương hậu nghe thế thì không yên. Nhưng nàng chưa kịp mở lời thì thiên tử quân báo có nhà sư xin gặp hoàng đế. Chúa thượng hỏi sư nào, thiên tử quân đáp rằng là một nhà sư trong đoàn sư chùa Đài. Hoàng đế nghĩ ngợi một lúc rồi gật đầu chấp thuận. Dương hậu xin phép rời đi nhưng ngài nắm tay nàng, bảo rằng cứ ở lại.

    Lát sau, nhà sư nọ bước vào. Sư này không trẻ không già, vóc người tầm thước, mặt trắng mày trơn, khác hẳn hoàng đế cao lớn cùng nước da đen sạm. Sư chắp tay cúi đầu, hoàng đế cũng chắp tay đáp lễ rồi hỏi:

    -Thầy muốn gặp ta? Chẳng hay thầy là…

    -Dạ thưa chúa thượng, tôi là học trò của sư thầy Thiền Ông. Sư Thiền Ông vẫn đang làm lễ.

    -Ra vậy, thế Thiền Ông muốn dặn dò ta điều gì?

    -Thưa không, Thiền Ông không dặn dò gì, chỉ là tôi muốn hỏi chúa thượng vài điều nên mới mạo muội xin gặp. Mong ngài thứ tội.

    Nói rồi sư chắp tay cúi đầu lần nữa. Hoàng đế gật đầu đoạn sai nội hầu mang ghế cho sư ngồi. Ngài hỏi:

    -Thầy muốn hỏi gì, xin cứ nói?

    -Thưa, tôi muốn hỏi chúa thượng về ngày sinh tháng đẻ của hoàng thúc. Hoàng thúc sinh năm Thìn, nhưng sao tôi nghe vợ hoàng thúc nói ngài ấy sinh năm Tỵ?

    Hoàng đế bật cười như tìm được chuyện vui. Ngài kể:

    -Là thế này, chuyện hơi tiếu lâm một chút! Cha ta kể rằng bà nội sinh chú Dự hôm ba mươi Tết, lúc chú sinh ra thì người ta chưa đánh mõ báo Giao Thừa, nên bảo chú sinh năm Thìn. Thế mà hôm sau người ta bảo ông giữ mõ làng uống rượu say nên quên đánh mõ khoảng một khắc, ông giữ mõ thì khăng khăng là đánh đúng giờ, chẳng ai chịu ai cả. Cuối cùng ông bà nội bảo rằng chưa nghe tiếng mõ giao thừa thì tức là chưa phải năm mới, chú Dự vẫn là tuổi Thìn.

    Trái ngược hoàng đế, nhà sư chau mày rồi lẩm nhẩm tính toán trên các đốt ngón tay. Được một lúc, sư dè dặt nói, giọng nhỏ ri:

    -Thưa, nếu hoàng thúc sinh năm Thìn thì tốt. Nhưng nếu sinh năm Tỵ thì… Tôi tính lại ngày hoàng thúc mất trên sông, hôm đó là ngày Kỷ Tỵ, cuối tháng Nhâm Thân, năm nay lại là năm Kỷ Tỵ. Mà hoàng thúc mất buổi sáng, lúc ấy chưa có mõ báo giờ Ngọ, vậy thì hoàng thúc mất đúng vào giờ Tỵ. Giờ mất, ngày mất, năm mất vào ngay bộ tứ hành xung Dần – Thân – Tỵ – Hợi. Cái này…

    Dương hậu không hiểu lắm lời nhà sư, nhưng từng nghe cái sự người mất tạ thế trùng năm sinh. Mặt nàng chuyển màu trắng bệch. Hoàng đế nhíu mày:

    -Ý sư là… trùng tang?

    Nhà sư gật đầu:

    -Thưa, đúng là như vậy. Tôi sợ là vậy.

    -Nếu thật là hoàng thúc sinh năm Tỵ thì sao? Thầy có nói chuyện này với Thiền Ông không? – Hoàng đế hỏi.

    Nhà sư trầm ngâm chút đỉnh, hai bờ mày mịn nhăn lại thành một rãnh nhỏ giữa sống mũi, chừng như suy nghĩ lung lắm. Vẫn giọng nói dè dặt, nhà sư đáp:

    -Thưa, tôi có hỏi sư thầy Thiền Ông. Sư thầy nói vạn vật đều có vận hành của riêng nó. Đôi khi cái ta “nghĩ là vậy” thực ra chỉ là cái “ta muốn vậy”. Vì vài sự trùng hợp mà người ta làm quá lên. Trời có thiên cơ, nhưng vận mệnh do tay người quyết định chứ không phải trời xanh. Nếu các tổ phụ của chúa thượng nói hoàng thúc sinh năm Thìn, tức là ngài ấy sinh năm Thìn, không nên đổi khác. Tôi học thiên văn rồi tính toán thiên cơ, nhưng có lẽ chỉ biết mặt ngoài của nó mà chưa hiểu được cái huyền cơ. Nay đã hiểu chuyện, vậy xin phép cáo lui.

    -Nếu thầy đã nói vậy thì ta không cần lo lắng nữa. – Hoàng đế cười.

    Nhà sư liền cúi đầu xin lui. Lúc sư ra cửa, hoàng đế sực nhớ điều gì, vội gọi:

    -Quên mất! Ta chưa hỏi tên thầy?

    -Dạ thưa, tôi lúc trước tên Vạn. Khi theo Thiền Ông thì đổi tên, lấy pháp danh Vạn Hạnh. – Sư trả lời.

    Sư chắp tay cúi đầu lần nữa, bóng dáng dần khuất vào bóng tối. Trong gian, Dương hậu cả sợ, vội nắm tay hoàng đế trong vô thức. Nàng từng nghe những chuyện khủng khiếp về trùng tang, trong lòng lo sợ cho an nguy của chúa thượng. Hoàng đế trấn an nàng, cười:

    -Ta sẽ hỏi lại Thiền Ông, hậu không cần lo.

    Nhìn chúa thượng tự tin, Dương hậu bớt lo phần nào. Ngày trước, vẫn cái cười tự tin đó, chúa thượng vào sinh ra tử không biết bao lần. Mỗi lần ngài ra trận, trái tim nàng thắt lại để tới lúc ngài về, nó lại bung ra trong hân hoan vui sướng. Nàng tin lần này cũng vậy.

    Sáng hôm sau, Đinh Hoàn vẫn chưa về, hoàng đế đành làm lễ di quan. Xác người chết đuối không thể để lâu. Từ Khu Thành Tây, đoàn di quan áo trắng nối đuôi nhau đi, kèn trống rợp trời, tiền vàng mã rơi trên ruộng, trên bờ cỏ, trên những con đường chưa ráo. Hoàng đế mang bài vị hoàng thúc đi đầu, chầm chậm dẫn đoàn tang rời Thành Đá. Theo sau hoàng đế, Dương hậu thấy ngài vừa khổ ải vừa cô đơn. Là vóc dáng ấy trong ngày dẫn quân, ngài uy nghi lẫm liệt. Cũng là vóc dáng ấy trong ngày cất đám, ngài xụm xọ như khối đá lầm lũi biết di chuyển.

    Lúc ấy không có mưa.

    Khi đoàn tang ra ngoài cổng thành Tây, Dương hậu chợt nghe tiếng vó ngựa phía xa. Ngựa ấy hướng về đoàn tang, bụng lẫn bốn chân lấm đầy bùn đất, chừng như đi từ tờ mờ sáng. Đám thiên tử quân bước lên cạnh hoàng đế nhưng chúa thượng bảo họ lui xuống. Mãi khi ngựa dừng bước, ai nấy mới nhận ra đó là ngựa của lính truyền tin. Ngựa chạy sùi bọt mép, anh lính truyền tin cũng chẳng khá hơn, vừa bước xuống thì hai gối sụm xuống, miệng thở không ra hơi:

    -Chúa thượng… chúa thượng…

    -Sao thế? – Hoàng đế hỏi – Chuyện gì, nói nghe xem?

    -Dạ thưa… dạ thưa… – Người lính nói gấp – Đại quan Đinh Hoàn mất rồi! Ngài ấy ngã sông, chết đuối!

    Mấy lời ấy chỉ có hoàng đế, các hoàng hậu và thiên tử quân nghe thấy. Dương hậu sợ run, thần hồn nát thần tính, cả người bủn rủn đổ sụp xuống. Trước mắt nàng, hoàng đế vẫn đứng vững. Trong một thoáng, ngài ngửa mặt nhìn bầu trời đất Trường An.

    Lúc này, mưa lại rơi. Ướt đất, ướt đồng ruộng, ướt Thành Đá, ướt cả gương mặt hoàng đế.

    Mùa lũ, đất Trường An trắng nước, trắng khăn tang.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile




    Giờ Sửu: từ 1h – 3h sáng

    Giờ Tỵ: từ 9h - 11h sáng

    Trường An: là đất Ninh Bình ngày nay

    Châu Vũ Ninh: đất Bắc Ninh ngày nay

    Chùa Đài: chùa ở Bắc Ninh, còn gọi là chùa Lục Tổ

    Liệm là cuốn người chết trong vải; nhập quan là đặt người chết vào quan tài; phúng điếu là đến viếng đám ma; di quan là đưa quan tài ra chỗ chôn; cất đám gần giống di quan, là đưa quan tài và đám ma ra chỗ chôn

    ____________

    Phản hồi, bình luận và ủng hộ tại fanpage: https://www.facebook.com/thanhdadoanca
    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:52.

  8. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    SpaceWolf,tieudieutu,
  9. #5
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Đoản ca Thành Đá

    Chương 3
    Lửa cháy


    Có một lưu ý nhỏ với mọi người trước khi đọc là ngày tháng trong truyện đều dùng Âm lịch, mình đã chú giải bên dưới theo Dương lịch để tiện theo dõi.


    Tháng 8, lũ rút dần. Nước rút, nắng lên, ấy là lúc bệnh dịch sinh sôi trên xác động vật hoặc vũng tù ao đọng. Độ này thường hết mưa nhưng thi thoảng xuất hiện bão trái mùa, đùng một cái sông dâng cao, dân trở tay không kịp. Mấy ngày đó, dân chúng chèo thuyền vớt xác chết gia súc hoặc phát quang bụi rậm, số khác cùng binh lính ra đê tu sửa. Người ta cũng chưa vội dỡ các lán lều trên nền đất cao, sợ lụt thêm trận nữa thì tốn công dựng lại. Con người xứ Trường An sống với lũ quen, tạm gọi là biết đọc vị ông trời.

    Quanh năm gặp lũ, riết dân chúng chẳng buồn kể chuyện mùa nước. Có nhiều thứ đáng nói hơn. Người ta vừa làm vừa bàn Tết Trung Thu, vì chỉ mươi ngày nữa là đến Rằm. Năm nay lũ lành, mất mát ít, mùa trung thu sẽ tươm tất hơn. Nhưng như thế cũng chưa xôm bằng chuyện đám ma hồi đầu tháng. Từ đồng ruộng, bờ đê, khu chợ dựng tạm tới bến đò sông Hoàng Long, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán đám ma hoàng thúc Đinh Dự.

    Sau ngày nhập mộ, hoàng đế vẫn mở cửa nhà hoàng thúc tiếp người phúng viếng. Trên khoảnh sân nhà vừa ráo nước lũ, chúa thượng thết cỗ mời đại tướng cùng quan viên. Người vào ra nườm nượp nguyên một ngày. Hôm sau, chúa thượng lại mở cỗ mời thân bằng cố hữu của hoàng thúc, các bậc phụ lão và hàng xóm chung quanh, cho mỗi người một đùm xôi nếp trắng; riêng các cụ cao niên và đám trẻ con có thêm nắm xôi đậu. Ai từng làm ơn với hoàng thúc được thưởng: ơn to một hộc gạo, ơn nhỏ một đấu. Chúa thượng còn ra lệnh mở kho, phát cho mỗi hộ trong Thành Đá một bát gạo đầy. Ở Trường An chưa từng có đám ma to như thế. Chuyện loanh quanh vậy nhưng dân chúng Trường An kể mãi, nhất là dân Thành Đá. Được hoàng đế ban ơn phát gạo, người ta tự hào âu cũng bình thường.

    Nhưng trong đám con dân, vài người nhận ra chuyện bất thường. Đám ma hoàng thúc đã hơn một tuần mà con trai ông – đại quan Đinh Hoàn – chưa về làm cư tang, mọi việc đều do chúa thượng chủ sự. Ngay cả hôm làm lễ mở cửa mả, quan cũng không xuất hiện. Bọn sai nha tỏ vẻ hiểu biết bảo rằng đại quan phụ trách vẽ địa đồ, thường xuyên qua các “Đạo” dạo các châu, hiếm khi ở nhà. Công việc bề bộn, quan khó giữ trung hiếu vẹn toàn. Nhưng vì cái khó mà đám tang ma có chúa thượng đứng ra chủ sự, hoàng thúc Đinh Dự dưới suối vàng cũng mát lòng mát dạ.

    Dân chúng rôm rả suốt. Mọi người kháo nhau khi nào đại quan Đinh Hoàn về, khéo chừng lại mở cỗ to. Tất nhiên đấy chỉ là lời bông đùa. Dân xứ Nam thích tếu táo với những điều kiêng kị chứ kỳ thực cái bụng không có ác ý, và cũng chẳng ai chầu chực bữa cỗ đám ma. Chỉ là tang ma cha đẻ, đại quan nên về sớm cho trọn đạo làm con. Ở xóm làng xứ Nam, láng giềng hay nghĩ cho nhau như thế.

    Nhưng cái nghĩa láng giềng đó đang gây rắc rối cho hoàng đế. Sớm hay muộn, người ta sẽ biết đại quan Đinh Hoàn đi biền biệt mãi không về. Đúng hơn là không thể về.

    Người chết còn đang sắp hàng dưới âm tào địa phủ đợi Diêm Vương xướng tên, sao đã về được?

    Nhà chúa thượng gặp trùng tang.

    Hoàng thúc Đinh Dự phát tang chưa được ba ngày thì đại quan Đinh Hoàn – con trai hoàng thúc – vong mạng. Lính truyền tin báo đại quan chết đuối. Chết ở đâu chưa rõ. Lúc nhận tin dữ, chúa thượng kéo anh lính truyền tin ra một chỗ rồi hỏi han cặn kẽ. Chúa thượng rất kín tiếng, sự thể thế nào, những người đứng gần đấy không nghe được.

    Năm hoàng hậu, đám nội hầu và thiên tử quân đều biết chuyện. Nhưng tất thảy đều giữ mồm miệng dù chúa thượng không ban lệnh. Ngay cả đứa nội hầu cũng biết hé môi nửa câu là lập tức bị chém bay đầu, thảm hơn là bị luộc trong vạc dầu hay bị hùm beo xơi tái. Không ai dám thử lòng kiên nhẫn của hoàng đế.

    Vả lại chuyện mà lộ ra, nước Nam tất đại loạn.



    Một ngày tháng 8, nắng mờ tô nóc Ca Cung bằng những màu bệnh bạc như bàn tay đứa trẻ cầm bút chưa vững. Dưới mái hiên tòa cung, Dương hậu ngồi trên xà ngưỡng, tay chống cằm nhìn khoảnh trời sạm mây xám đằng tây. Làm hoàng hậu khi nhiều công chuyện chẳng kịp ngơi nghỉ, khi nhàn rỗi không có việc gì. Lúc rảnh rang như thế này, nàng lại ngồi đây nhìn trời ngắm mây, lòng nhớ chuyện cũ. Chiến tranh đã qua gần hai năm nhưng nàng vẫn cảm giác khí thế binh đao bủa vây mình. Lần mò trong những trảng mây ù ụ góc trời, nàng bỗng nhớ tới Đinh Hoàn.

    Từ ngày chúa thượng đăng cơ, Dương hậu gặp đại quan Đinh Hoàn hai lần. Một là Tết Trung Thu năm ngoái, hai là Tết Nguyên Đán đầu năm nay, lần nào cũng là Đinh Hoàn đến thăm. Đại quan kém chúa thượng bốn, năm tuổi, trông hao hao chúa thượng từ vóc dáng cao cao, nước da đen sạm cho tới gương mặt vuông vức góc cạnh, khác mỗi giọng nói và chiếc răng nanh dài bên trái. Xét tuổi tác, nàng chỉ là hậu bối so với Đinh Hoàn. Nhưng lần nào ghé thăm Ca Cung, đại quan cũng thi lễ trang nghiêm, gọi nàng là “chị dâu” không chút ngượng ngùng. Còn nàng vẫn gọi đại quan là “anh Hoàn” như hồi đầu gặp gỡ. Nàng luôn tuân thủ lễ nghi hoàng cung, riêng với Đinh Hoàn có chút xuề xòa. Cái sự xuề xòa ấy là có nguyên do.

    Hồi về bên chúa thượng, Dương hậu chỉ biết ngài có em họ tên Đinh Hoàn, phụ trách thăm dò địa lý và phác họa địa đồ. Anh ta làm việc cả ngày, hiếm khi rời trướng. Nếu ra ngoài, Đinh Hoàn luôn mang theo khăn bịt mặt, chỉ hở mỗi hai con mắt. Thuở ấy, quân lính truyền tai nhau anh ta bị hủi nên không ai dám tiếp xúc. Rồi tới khi đụng độ quân Kiều Lệnh Công, chúa thượng lệnh nàng cùng Đinh Hoàn bí mật ra tiền tuyến nghị đàm với tướng địch. Bấy giờ nàng mới thấy dung diện của Đinh Hoàn, chợt hiểu rằng anh ta là thế thân cho chúa thượng, bởi thế phải luôn che giấu thân phận. Nghị đàm thất bại, tướng địch trở mặt, Đinh Hoàn mở đường máu mang Dương hậu trở về. Nàng nợ Đinh Hoàn một mạng, từ ấy về sau luôn gọi “anh Hoàn”.

    Mà không chỉ nàng. Hoàng đế cũng nợ ơn cứu mạng từ Đinh Hoàn. Dương hậu nghe kể thưở mới khởi binh, chúa thượng bị Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương tiến đánh. Binh mỏng quân yếu, chúa thượng thua chạy, Đinh Hoàn phải giả làm ngài thu hút quân hai vương tạo kẽ hở cho chúa thượng trốn thoát. Ơn cứu giá không gì sánh được.

    Vậy mà lúc luận công ban thưởng, Đinh Hoàn chỉ nhận chức lang trung rồi đi khắp xứ Nam vẽ địa đồ, không cai quản châu hương nào, tiếng là đại quan mà cực nhọc hơn quân lính. Mãi ngày đó, Đinh Hoàn mới công khai diện mạo. Chúa thượng mưu nghiệp lớn hai mươi năm, cũng từng ấy năm Đinh Hoàn đeo khăn bịt mặt, sống sót qua trăm trận sinh tử…

    …mà bỏ khăn chưa được hai năm thì chết đuối.

    Trong ký ức của Dương hậu, Đinh Hoàn ít cười, tác phong nhẫn nại, sắc thái nghiêm nghị, lời lẽ nghiêm cẩn, trái hẳn chúa thượng hay cười lớn nói to. Người như thế nên sống lâu…

    …mà chết như thế thì bất công.

    Mây đen sà bóng đổ mưa gõ lộp độp mái Ca Cung. Tháng 8 mưa ào một trận thật to rồi rả rích, rủ những dòng nước dài trên thiềm mái, rủ những dòng nước dài trong mắt người.

    Gia quyến chúa thượng có trùng tang, hậu cung lo lắng khôn tả. Phàm đụng chuyện tâm linh, đàn bà hay cuống nhất.

    Đêm hôm trước, Đan Gia cho người vời các hậu khác đến Đan Cung bàn chuyện. Dương hậu, Trinh Minh hậu và Cồ Quốc hậu đều tới, duy nhất hoàng hậu Kiều Quốc vắng mặt nhưng gửi thư xin tùy nghi các hậu định đoạt. Buổi gặp mặt ấy toàn những lo lắng và chẳng bói nổi một tiếng cười, trầu cau nước vối còn nguyên vì không ai buồn đụng. Đan Gia nhiều tuổi nhất trong năm hoàng hậu, thậm chí lớn hơn chúa thượng hai tuổi, gương mặt bắt đầu hằn nếp nhăn. Nay gặp chuyện dữ, trông Đan Gia xuống sắc hẳn. Bà vẫn đẹp nhưng là cái đẹp sầu muộn ảo não, nhìn vào chỉ thêm nao lòng.

    “Ta hỏi vài đạo sĩ, họ đều bảo hoàng thúc mất ngày đại kỵ, dễ có trùng tang…” – Đan Gia cất lời – “…Các đạo sĩ nói trong trùng tang có quỷ Thần Trùng, cả thảy mười hai loại. Quỷ Thần Trùng ngày Tỵ bắt người tuổi Tỵ, sau đó sẽ lôi người tuổi Thân đi cùng, chúa thượng lại sinh đúng năm Giáp Thân. Ta lo lắm, muốn mời tăng ni đạo sĩ cúng bái trừ trùng mà chưa dám nói. Mọi người biết chúa thượng xưa nay trừ lễ lạt hương khói, còn đâu chẳng tin quỷ thần tà ma. Ta nói, chưa chắc chúa thượng nghe, nhưng nếu tất cả các hậu cùng nói, biết đâu ngài đổi ý? Các hậu thấy sao?”

    Mọi người đều cho Đan Gia nói phải, bèn mượn Dương hậu văn hay chữ tốt thảo một bức tư biểu, phía dưới đề dòng chữ “Ngũ Hậu khom lưng cúi đầu dâng biểu”, sau lại nhờ nàng đưa tận tay hoàng đế. Cái sự nhờ vả nhiều căn nguyên chứ không phải các hậu thoái thác trách nhiệm. Đan Gia thỏ thẻ với Dương hậu:

    “Ta vốn trọng đạo vợ chồng, ít dám mở lời vì sợ mang tiếng đàn bà lộng ngôn. Trinh Minh hậu thì… hậu biết rồi đấy! Cồ Quốc hậu nói năng thanh nhã, nhưng gặp chuyện lớn thì dễ hoảng hốt, khó nên lời. Kiều Quốc hậu tính nết khác lạ, hành xử dị thường, e không thích hợp lúc này. Tính ra chỉ còn hậu là thích hợp…” – Đan Gia nắm tay nàng cùng ánh mắt khẩn cầu – “…hậu hợp tính chúa thượng, biết lựa lời, biết lúc nào cần nói lúc nào không. Nên trăm sự nhờ hậu cả!”

    Đan Gia có ý, Dương hậu nhận lời, nhưng nàng không chắc chúa thượng sẽ vì bức tư biểu mà lập đàn trừ tà ma. Hoàng đế từ xưa đã ghét chuyện huyền bí, hễ nhắc thiên thần thánh phật là tỏ vẻ khinh ngạo, khiến thuộc hạ quan tướng lắm bận sợ xanh mặt. Dân nước Nam chăm chỉ kiêng kỵ cầu an, chỉ riêng chúa thượng trễ nải coi thường.

    Ấy là chuyện tối qua, còn giờ Dương hậu ngồi trước cửa Ca Cung đợi thời gian trôi. Nàng ước chừng nửa canh nữa mới sang giờ Thân để thỉnh an chúa thượng. Bức tư biểu đã sẵn sàng và nàng đang sắp xếp lời lẽ để mở đường cho nó. Nhưng ngôn từ chưa thành hàng lối, Dương hậu chợt thấy một gã nội hầu chạy vào, áo quần ướt sòng sòng vì mưa. Tên nội hầu khom lưng tâu:

    -Dạ thưa lệnh bà, chúa thượng cho gọi bà sang.

    Nghe thế, Dương hậu bèn đi ngay, chữ nghĩa trong đầu rớt lổng cổng thành đống. May sao trời vừa tạnh, con Xuân đi sau đỡ phải xòe ô che dập dìu vướng víu. Hai người theo đứa nội hầu qua cung hoàng đế.

    Đường đi vẫn vậy, cung hoàng đế vẫn thế. Vườn thượng uyển hay thiềm mái cung lợp gạch vàng chẳng đổi khác, nhưng chủ nhân chốn này không ngồi trên xà ngưỡng phê duyệt tấu trình như mọi khi. Song đứa nội hầu cũng không dừng lại mà vòng qua cung chính, dẫn Dương hậu cùng con Xuân đi sâu hơn. Dương hậu thấy lạ liền hỏi:

    -Mày dẫn ta đi đâu thế? Chúa thượng đâu? Giờ này là giờ ngài phê tấu trình, sao lại không có ở cung?

    -Dạ thưa lệnh bà, cái này thật là… – Đứa nội hầu ngập ngừng – …việc cũng kỳ cục lắm, lệnh bà tới xem sẽ biết.

    Dương hậu nhíu mày, gắt:

    -Cái gì mà “sẽ biết” với “không biết”? Mày đánh đố ta đấy à?

    -Dạ con không dám, thưa lệnh bà! – Đứa nội hầu vội nói – Việc kỳ cục lắm! Chúa thượng đang ở dưới bếp.

    Nghe thế, Dương hậu ngẩn mặt. Nàng nghĩ có thể thức ăn lạt lẽo nên chúa thượng xuống đó trách phạt đầu bếp. Dương hậu ngẫm lại, nhận ra chúa thượng có tuổi, ăn uống khó tính là bình thường.

    Cách cung hoàng đế một đoạn đường lát đá dài khoảng hai trăm bước chân là khu bếp. Bếp gồm một căn nhà lớn gồm bảy gian hai chái, một kho trữ lúa và thực phẩm. Gần kho có máng cùng chum vại hứng nước mưa. Nơi đây phục vụ bữa ăn cho chúa thượng hoặc yến tiệc nhỏ, phụ trách nấu nướng lẫn giúp việc tổng cộng hai chục người. Nhưng lúc này, đám đầu bếp và nội hầu đang đứng ngoài sân, nghển cổ nghến ngó vào trong. Dương hậu đến, họ vội dạt sang nhường đường rồi trở lại chỗ cũ, nhốn nháo suốt. Dương hậu không cần hỏi, cũng không mất quá nhiều thời gian để lý giải cái sự nhốn nháo ấy. Trước mắt nàng, hoàng đế đang ngồi xổm chặt cá ở gian bếp chính. Không chỉ có cá, chúa thượng đã nhồi xong dồi lợn – món mà ngài ưa thích nhất. Trông vậy, Dương hậu vội xua đám hạ nhân ra chỗ khác, sau chạy tới bên hoàng đế thì thào:

    -Chúa thượng, thế này không được! Xin buông tay, để cho thiếp. Thế này là không được!

    Bấy giờ hoàng đế mới ngẩng đầu, cười:

    -Hậu đấy à? Ngồi đằng kia, đợi ta một chút. Mà hậu nói cái gì được với không được?

    -Người chữ nghĩa, bậc quân tử và quân vương không xuống bếp. Chỗ ấy dành cho dân đen và hạ nhân. Xin ngài buông tay, hãy để thiếp làm.

    Đương chặt cá, hoàng đế phì cười. Ngài nháy mắt:

    -Hậu lại viện dẫn ông Khổng Tử đấy à? Nghe nói ông ta cả đời chưa bao giờ biết mặt cái bếp là gì. Này, hậu biết tại sao Khổng Tử chết không? Vì vợ ổng đi vắng một tuần, ổng không biết nấu ăn nên lăn ra chết!

    Nói rồi ngài lại cười lớn. Dương hậu nhíu mày nhắc chúa thượng không nên phạm thượng thánh nhân. Hoàng đế tiếp lời, vừa chặt cá vừa nói:

    -Hôm nay, Lưu Cơ về kinh, một lát nữa sẽ tới đây. Ta làm đồ nhắm rượu, bàn chuyện và hàn huyên với anh này một lúc. “Khách đến nhà, đàn bà tránh xa bếp”, đàn ông phải tự tay làm cơm đãi khách, xứ Nam này là thế. Huống hồ Lưu Cơ là chỗ anh em nối khố, ta làm cơm đãi cậu ta, có gì lạ?

    -Dạ thưa, đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ về kinh sao? Ra vậy. Nhưng chúa thượng có thể sai bọn hạ nhân làm bếp, không nên để thân thể tôn quý vấy bẩn. – Dương hậu đáp.

    Hoàng đế mổ bụng cá, lôi ra lòng mật, tay dao nhanh thoăn thoắt cắt những đường thẳng thớm đều tăm tắp:

    -Ta dân Nam, không phải người phương Bắc, càng không phải người Nho gia. Cha ta dạy làm trai cái gì cũng nên biết, việc bếp núc càng phải biết. Ma chay cỗ chạp, giết gà chọc tiết lợn, đàn ông không làm, chẳng lẽ đùn việc cho đàn bà? Người Nho gia toàn giáo huấn cái gì đâu đâu, mà cái việc “muốn ăn thì lăn vào bếp” lại không dạy!

    Biết tính tình hoàng đế xưa nay lạ thường, Dương hậu không nói thêm, chỉ cúi đầu lắng nghe. Chúa thượng bảo nàng ngồi ghế, sau tiếp lời:

    -Đứng bếp là kỹ năng quan trọng, lâu ngày không rèn luyện, dễ mòn đi. Hồi trẻ ta lên phủ Đại La theo học phường đánh thuê, được dạy rằng đánh võ cưỡi ngựa có thể bừa phứa, riêng đứng bếp phải thành thục thông thạo. Làm cơm sống cơm khê, thịt đầy mùi hôi, cá còn tanh thì không ai nhá nổi, chẳng có sức đi đường cũng chẳng có sức đánh trận. Làm bếp không sạch sẽ, để ruồi nhặng bu đầy, quân lính ăn xong đau bụng tiêu chảy, địch đánh chỉ có nước bỏ chạy. Luyện binh tốt không bằng nuôi binh khỏe, cốt yếu phải nhờ đầu bếp. Hậu từng quản lý chuyện quân lương bếp núc, đâu lạ?

    Dương hậu gật đầu mỉm cười, trong lòng cũng thôi câu nệ chuyện bếp núc với chúa thượng. Lúc hoàng đế chinh chiến, vài cánh quân về dưới trướng ngài vì nghe tiếng ngài nấu ăn ngon quá, không để lính đói bữa nào, chứ hoàn toàn không phải cảm phục ơn đức của ngài như người đời đồn thổi. Thuở trước Dương hậu có diễm phúc ăn đồ do ngài nấu, ngon tê lưỡi, đến giờ vẫn nhớ. Ngài biết nhiều món lạ lùng, bọn đầu bếp phải chạy theo học dài dài.

    Mổ xong cá, hoàng đế lia dao đánh vảy. Dương hậu mở lời:

    -Dạ thưa, chúa thượng gọi thiếp chẳng hay có việc sai bảo?

    -Ừ, ta gọi hậu có việc. – Hoàng đế đáp – Nhưng hình như hậu cũng có điều muốn nói? Nếu vậy thì hậu nói trước, ta nói sau.

    Hoàng đế tinh mắt tinh ý, nhìn qua đã biết người đối diện nghĩ gì. Dương hậu liền đứng dậy, hai tay dâng bức tư biểu:

    -Dạ thưa, thiếp muốn dâng biểu. Biểu này do cả năm hoàng hậu soạn ra. Chuyện khó nói… nhưng mọi điều cần tâu, thiếp đã viết trong đây, mong chúa thượng soi xét.

    -Ta chưa đọc, nhưng để ta đoán, các hậu muốn ta mời đạo sĩ tăng ni lập đàn trừ Thần Trùng, phải chứ? – Hoàng đế vẫn mải miết đánh vảy cá – Được thôi, ta sẽ làm. Lát nữa sang cung chính, cứ để tư biểu trên bàn, ta phê sau. Hậu mang về, bảo hậu cung không cần lo lắng.

    Dương hậu mừng rỡ:

    -Thật vậy sao, thưa chúa thượng? Ngài đồng ý lập đàn?

    -Để các hậu an tâm thì cũng là việc nên làm. – Hoàng đế đáp – Tăng ni đạo sĩ cần thiết cho mấy việc như vậy. Chờ ta một chút…

    Làm cá sạch sẽ xong xuôi, hoàng đế gọi nội hầu mang cá và bộ đồ lòng đi, đợi khi nào đô hộ phủ sĩ sư đến thì đặt bếp nấu. Sau đấy ngài đem nướng một mớ tôm đồng. Tôm to, lửa nóng rang giòn, ám chút khói cháy thơm phưng phức. Hoàng đế tiện tay nhón lấy con tôm chín đưa tới trước mặt Dương hậu. Xung quanh không có bát có đĩa, nàng vội đưa tay đỡ. Hoàng đế lắc đầu:

    -Khỏi! Cứ há miệng ra, ta là chồng của hậu, ngại cái gì?

    Dương hậu đành ngậm lấy miếng tôm nướng trong tay hoàng đế. Tôm ngọt, vỏ giòn đã miệng, phải tội nóng bỏng lưỡi. Hoàng đế hỏi:

    -Ngon chứ?

    Dương hậu không nói nổi vì tôm nóng quá, đành gật gật đầu, hai tay khua loạn lên. Hoàng đế mím miệng cười khùng khục như tìm được trò vui. Ngài nướng thêm vài mẻ tôm rồi xâu vào que xiên, đưa cho Dương hậu một xiên, tự mình lấy một xiên đoạn kéo ghế ngồi gần hoàng hậu. Ngài ăn vài miếng, bất thình lình quay sang hôn má trái Dương hậu một cái, sau lại ăn tiếp. Dương hậu há hốc miệng nhìn ngài, mà ngài điềm nhiên nhìn trời ngó mây như không. Nàng còn lắp bắp, ngài lại ngoảnh sang hôn má phải của Dương hậu, tiện tay vỗ mông nàng đánh đét một cái. Nàng giật nảy mình cả kinh, còn hoàng đế nháy mắt trong khi mặt vẫn tỉnh rụi. Dương hậu cúi gằm, mặt đỏ bừng, tay ôm bàn tọa. Hoàng đế được thể cười to trêu tức nàng.

    Đã lâu lắm Dương hậu mới gần gũi chúa thượng, cảm giác vừa vui vừa hồi hộp. Lý trí nàng muốn chúa thượng ngồi trên ngai vàng vung tay hành khiển cả thiên hạ, nhưng trái tim nàng thuộc về người đàn ông ít câu nệ lễ tiết này. Thứ cảm xúc thời trẻ trong nàng vẫn còn nguyên, chưa hề sứt mẻ hay di hình đổi dạng.

    -Ta gọi hậu là có việc. – Hoàng đế ghé đầu nói nhỏ – Lát nữa ta đón Lưu Cơ ở cung chính. Cung chính có gác mái, hậu leo lên đó nghe ta bàn chuyện với Lưu Cơ.

    -Chúa thượng muốn thiếp nghe chuyện cơ mật? – Dương hậu ngạc nhiên.

    -Chính là như vậy. – Hoàng đế gật đầu – Ta nói rồi, làm hậu phải biết nhiều thứ, kể cả chuyện quốc gia đại sự. Nhưng ta dặn trước: hai thằng đàn ông nói chuyện với nhau dễ buông lời bậy bạ xúc xiểm, nên hậu chịu khó một chút vậy.

    -Dạ thưa, ngài có lệnh thì thiếp xin vâng. Nhưng… tại sao vậy, thưa ngài? Thiếp đàn bà, tư chất thấp kém, có nghe cũng không hiểu, sao chúa thượng muốn thiếp nghe đại sự?

    Hoàng đế ngoảnh xuống nhìn que xiên tôm, trầm ngâm:

    -Không cần khiêm nhường. Ta biết nàng thông minh, nghe rồi sẽ hiểu. Ta muốn khi thời khắc quan trọng xảy ra, nàng sẽ biết cách xử sự. Mà muốn xử sự đúng cách thì phải học, học từ hôm nay để chuẩn bị cho ngày mai.

    -Dạ thưa, thiếp không hiểu thời khắc quan trọng là gì? Mong chúa thượng chỉ bảo.

    -Ta cũng không biết nó trông như thế nào. – Hoàng đế lắc đầu rồi ăn nốt xiên tôm nướng – Nhưng làm hoàng đế, những thời khắc quan trọng sẽ đến thôi. Chúng sẽ đến. Hậu chỉ cần biết vậy là được.

    Bên ngoài gian bếp, một gã nội hầu nói vọng vào, báo rằng quan đô hộ phủ sĩ sư đã đến, đang chờ ngoài cung. Hoàng đế liền đi thay y phục, không quên dặn bọn nội hầu bắc thang đưa Dương hậu lên gác mái cung chính. Dương hậu nhìn bóng lưng chúa thượng khuất dần, trong lòng nhiều điều nghi hoặc. Thời khắc quan trọng là sao? Chúa thượng có ý gì? – Nàng tự hỏi.

    Gác mái cung chính khá bé, trần thấp, không đứng được nhưng ngồi thì vừa. Hiện tại Dương hậu đã yên vị trên gác mái, phải cái chân nàng dài nên ngồi lâu khó chịu. Dưới sàn gác đục bảy lỗ thông hơi, có thể nhìn xuống dưới rõ ràng mà kín đáo. Dương hậu nghe kể chỗ này vốn dành cho nội hầu võ sĩ trú ngụ, chuyên trông coi giấc ngủ của hoàng đế hoặc phản ứng ngay nếu xảy ra biến sự.

    Đương mải tìm tư thế thoải mái trong không gian chật hẹp, Dương hậu chợt nghe tiếng nội hầu hô vang ngoài cửa:

    -Đô hộ phủ sĩ sư tới!

    Ngồi trên gác, Dương hậu không thể thấy Lưu Cơ hay chúa thượng ngoài sân thượng uyển. Nhưng dựa vào những âm thanh vọng lại, nàng có thể mường tượng đại quan Lưu Cơ quỳ một chân thi lễ trước hoàng đế, còn chúa thượng bá vai bá cổ vỗ lưng đại quan thùm thụp. Nàng nghe rõ chúa thượng cười hỉ hả “Lưu đuôi dế về rồi hả? Ta mong anh mãi! Nay có lòng lợn, cá nướng, uống rượu với ta!”.

    Sau đấy, chúa thượng cùng Lưu Cơ vào cung chính. Qua lỗ thông hơi, Dương hậu nhận ra quan đô hộ phủ sĩ sư đã đổi khác. Một năm trước, Lưu Cơ vóc dáng dong dỏng, mặt trắng thư sinh ưa nhìn. Vậy mà qua một năm, chàng thư sinh Lưu Cơ thuở nào đã mọc râu đầy cằm, da đen vì dang nắng nhiều, vóc người cũng đầy đặn hơn. Đại quan mặc một áo bào dày màu tía may bằng vải bố ôm sát người, dài tới gối, cố định bằng thắt lưng da; bên trong áo bào là giáp da đen đeo hộ tâm kính bằng đồng. Ống tay áo của đại quan bó lại bằng giáp da, bàn tay bọc găng vải, cầu vai phải làm bằng da đẽo mặt hoa văn tô màu tía, giống màu áo bào. Đây là trang phục chung của tất cả đại quan triều đình, ai cũng vậy.

    Hồi đặt triều nghi, chúa thượng muốn đặt quy định y phục, ngặt nỗi giặc giã còn đông, nhiều nơi còn loạn, các đại quan ngoài việc triều chính còn phải ra trận, hoặc đi đường đề phòng giặc cướp. Thành thử các đại quan mặc áo bào bên ngoài giáp, lấy màu sắc làm thứ tự phân biệt phẩm trật. Hầu hết đại quan là võ tướng hoặc can dự ít nhiều việc nhà binh, nên không lấy chuyện mặc áo giáp làm bất tiện. Tùy cấp bậc, mỗi người mặc áo bào khác nhau, cầu vai cũng đẽo mặt hoa văn khác nhau. Trong triều có ba đại quan hàng Chánh Nhất Phẩm mặc áo bào tía, Lưu Cơ nằm trong số ba người này đồng thời là người trẻ nhất. So với Dương hậu, đại quan chỉ hơn nàng ba tuổi.

    Cũng giống chúa thượng và đàn ông xứ Nam, Lưu Cơ để tóc ngắn, nhưng dị biệt là có tóc đuôi dế khá dài. Bởi thế nên chỗ thân thiết như chúa thượng thường gọi đại quan là “Lưu đuôi dế”. Trong trí nhớ của Dương hậu, Lưu Cơ học rộng biết nhiều, luôn để người khác nói hết mới tiếp lời, nói năng chậm rãi mà cũng hay khôi hài, gặp đàn bà thì đỏ mặt không nói nên lời, uống rượu dễ say. Lúc bàn tính đại sự, chúa thượng hay vời Lưu Cơ.

    Lúc này, bọn nội hầu lui ra hết, để chúa thượng một mình với Lưu Cơ tại gian chính tòa cung. Nếu tính cả Dương hậu trên gác mái, nơi đây chỉ còn ba người. Dương hậu nhìn qua lỗ thông hơi, thấy hoàng đế tự tay rót trà mời đại quan đoạn mở lời:

    -Đường xa mệt hả? Anh muốn ăn không? Ta vừa làm lòng lợn với cá nướng, ta bảo bọn hạ nhân mang lên ngay nhé?

    Lưu Cơ cúi đầu, giọng trầm ấm:

    -Tạ ơn chúa thượng quan tâm, tôi không đói lắm. Mà ngài đứng bếp sao? Việc đó nên để hạ nhân làm mới phải.

    -Một năm không gặp nhau, giờ ta làm cơm mời anh là thường tình. – Hoàng đế nói – Ở đây chỉ có chúng ta, cứ nói chuyện thoải mái. Phiên phiến đi, cứ “bẩm” rồi “tâu” rồi “tạ ơn” có hết ngày! Em trai anh dạo này thế nào, vẫn khỏe chứ?

    Đại quan cúi đầu:

    -Dạ, em tôi vẫn khỏe, thưa chúa thượng. Mấy hôm trước trở trời có ốm đau một chút, nhưng không đáng lo.

    Chúa thượng gật đầu hài lòng. Sau đấy hai người hỏi thăm nhau chuyện gia quyến, hỏi về những người mà họ quen biết ở đất Trường An. Chuyện vui, trà nhiều, lúc thì hoàng đế rót trà, lúc thì đại quan têm miếng trầu mời chúa thượng, thân thiết như anh em cùng nhà. Xét theo chừng mực nào đó, Lưu Cơ chẳng khác em ruột hoàng đế.

    Mào đầu chuyện đã xong, hai người bàn việc chính sự. Hoàng đế hỏi:

    -Phủ Đại La thế nào? Chỗ ấy ổn chứ?

    -Dạ thưa, rất tốt. – Lưu Cơ cúi đầu trả lời – Ngày xưa chiến loạn liên miên, dân buôn và người phương Bắc chạy gần hết, tôi sợ Phủ bị hoang hóa, xập xệ. Nhưng khi chúa thượng lên ngôi, nhờ…

    Hoàng đế xua tay:

    -Bỏ cái điệp khúc “hồng phúc của chúa thượng” cho ta nhờ, tập trung vấn đề chính!

    -Dạ vâng. – Lưu Cơ ém miệng cười – Đại khái là dân buôn thấy tình hình ổn thỏa, giặc cướp bị đuổi đi hết nên quay về buôn bán. Chợ đã mở lại, hàng quán khai trương nhiều hơn, người phương Bắc cũng đang trở lại Phủ. Cứ tình hình này, tiền thuế cuối năm sẽ dồi dào. Nếu được, chúa thượng nên vi hành tới Phủ một chuyến.

    -Phủ Đại La là thế, dân buôn kẻ bán sẽ về đó thôi, không khác được. Mà anh thấy Phủ thế nào? – Hoàng đế hỏi – Giả như sau này ta muốn dời đô về Phủ Đại La, liệu có nên?

    Đại quan Lưu Cơ nghiêng đầu ngẫm nghĩ, trầm ngâm:

    -Chỗ ấy tập hợp nhiều sắc dân, cả người Nam ta, người phương Bắc, dân phương Tây quấn khăn đầu, dân vùng Viễn Nam xa xôi mặc áo trắng… buôn bán tấp nập, dễ thành đất Kinh Kỳ. Nhưng hiềm nỗi cây cối um tùm quá, lại có hai hồ rất lớn, hễ mưa xuống là ngập hết cả. Đất ấy có một vùng bằng phẳng, khá cao, làm nơi xây hoàng cung được, nhưng nước lên e rằng ngập luôn cả cung. Vả lại Phủ Đại La gần phương Bắc, không phòng thủ được, địch đến đánh chỉ có nước bỏ chạy làm kế thanh dã, may ra thắng. Mà thắng rồi lại phải xây dựng mọi thứ từ đầu, tốn công tốn của. Tất nhiên là có thể cải tạo đất ấy, nhưng mất nhiều thời gian. Muốn chọn nơi ấy làm kinh đô, không thể làm trong ngày mốt ngày hai.

    Ngồi trên gác mái, Dương hậu tập trung lắng nghe, tuy không hiểu chi tiết nhưng cũng nắm được đại ý. Nàng lại thấy hoàng đế hỏi tiếp:

    -Vậy các sĩ phu ngoài đó thế nào? Họ có ý kiến gì không?

    Nghe vậy, Lưu Cơ liền thẳng lưng, gương mặt đăm chiêu như đang tìm lời lẽ thích hợp. Lát sau, đại quan trả lời:

    -Tăng ni hay đạo sĩ không có ý kiến, thưa ngài. Nhưng các sĩ phu Nho gia có vẻ không hài lòng. Họ có nghe chuyện về ngài rồi…

    Nói rồi đại quan đưa mắt nhìn chiếc áo man di cổ đứng có hàng khuy xổ dọc của chúa thượng. Hoàng đế nhìn xuống, hiểu ý, bèn nói:

    -Họ bảo ta mặc đồ dân man di, không biết lễ giáo tác phong triều chính làm gương cho thiên hạ, phỏng?

    -Dạ thưa, không chỉ có vậy. – Lưu Cơ dè dặt ướm lời – Họ nói ngài không đặt Lục Bộ cai quản quốc gia, ấy là yếu kém. Họ nói ngài chẳng phân biệt đâu là hoàng hậu, đâu là phi tần, tự tiện đặt năm hoàng hậu, ấy là thiếu lễ giáo. Họ cũng nói các đại quan triều đình toàn đám võ gia, rặt những kẻ xây thành đắp đá đào mương bừa ruộng, chẳng có lấy văn nhân biết xướng thi nhạc họa, ấy là thiếu phong hóa. Còn nhiều điều lắm…

    -Họ phản đối công khai à? – Hoàng đế nhướn mặt.

    Lưu Cơ lắc đầu:

    -Tất nhiên các sĩ phu không dám nói thẳng, chỉ nói ve vuốt, nhưng khi tụ tập nhau lại thì họ nói rất khó nghe…

    -Nôm na là “Dạ trước mặt còn trỏ cặc sau lưng” đấy hả?

    Đại quan phì cười. Trên gác mái, Dương hậu đỏ bừng mặt. Chúa thượng không giỡn với nàng. Đàn ông nói chuyện với nhau thường xổ từ ngữ bỗ bã khó nghe, chúa thượng cũng không ngoại lệ. Hoàng đế thở dài:

    -Đặt Lục Bộ thì không thể đặt ngay. Cả xứ Nam ta, tính đi tính lại cùng lắm trên một trăm vạn người, đặt Lục Bộ thì lắm ban bệ, tốn kém mà vô dụng. Lúc ấy quốc khố chăm lo dân thì ít, mà nuôi quan thì nhiều. Đợi thêm nhiều năm nữa, hẵng tính chuyện Lục Bộ. Còn chuyện văn nhân thì loạn lạc mới qua chưa lâu, giặc cướp còn nhiều, giờ không có người võ gia cai quản chỉ sinh loạn. Chưa kể một lượng lớn lính đánh thuê tồn dư từ thời chiến tranh, hết đánh thuê thì làm trộm cướp kiếm ăn. Mà lũ này tinh nhuệ chẳng kém quân triều đình, không lấy người võ gia trị, sao dẹp được? Chuyện cái áo man di, đây là quà của một người bạn thân thiết, ta thích mặc sao thì mặc, đám Nho gia chỉ vớ vẩn! Còn chuyện hoàng hậu…

    Nói tới đây, hoàng đế ngập ngừng. Lưu Cơ mỉm cười:

    -Dạ thưa, tôi hiểu cái khó của ngài.

    -Lưu đuôi dế hiểu ta. – Hoàng đế gật gù – Ta tuổi trẻ nông nổi, trót lỡ lăng nhăng, mà nhiều khi đặng chẳng đừng phải cưới. Cả năm hậu, ai cũng có công lao, giờ đặt người này trên người kia… e chừng… Này, anh chưa lấy vợ phải không? Lấy một người thôi, đừng như ta, khổ lắm! Đàn ông xứ Nam sợ vợ, ta có năm bà, sợ gấp năm lần!

    Nói rồi hoàng đế rùng mình diễn tả nỗi sợ ấy. Lưu Cơ bật cười. Ngồi trên gác mái, Dương hậu cảm giác hơi bất công, tự hỏi là ai vừa nãy làm trò khỉ trong bếp.

    Ngập ngừng một lúc, Lưu Cơ tiếp lời, giọng nhỏ hơn trước. Dương hậu phải căng tai ra mới nghe được:

    -Chúa thượng đã biết tôi nhặt được xác lang trung Đinh Hoàn. Lang trung chết ở dòng Hát Giang, hôm sau người ta vớt được xác. Tôi cùng vài đại phu khám nghiệm di hài của lang trung, phát hiện vài điều lạ.

    -Chết đuối… thì lạ điểm gì? – Hoàng đế hỏi.

    -Dạ thưa, nghi rằng không phải chết đuối, mà bị giết. – Lưu Cơ đáp.

    Dứt lời, đại quan đưa ra một mảnh giấy và trải lên bàn. Dưới ánh sáng mờ mờ chiều tàn, Dương hậu chỉ thấy giấy đó vẽ hình người cùng một đống chú dẫn bên cạnh. Hoàng đế đọc:

    -“Đồng tử di hài bị co giãn, lưỡi hơi thè ra, hậu môn chảy phân”. Nói thế này… thằng Hoàn bị ám sát bằng cách siết cổ?

    Lưu Cơ gật đầu. Hoàng đế chống tay lên bàn, trầm ngâm:

    -Trong nghề lính đánh thuê có nói việc ám sát. Ám sát gồm bốn thủ đoạn chính: dao găm, thuốc độc, siết cổ và đàn bà. Thiên Sách Vương chết vì thượng mã phong; tiết độ sứ Dương Đình Nghệ bị đâm từ sau lưng; Ngô Vương bị đầu độc từ từ mà chết; hổ trắng Phạm Phòng Át năm xưa suýt vong mạng vì dây gai siết cổ. Thủ đoạn siết cổ làm người ta không kêu được, không để dấu máu, nhưng sẽ để lại vết hằn quanh cổ. Ta đọc trong này, không thấy vết hằn. Có chắc Đinh Hoàn bị siết cổ không? Anh hỏi đại tướng Nguyễn Đoàn chưa? Nguyễn Đoàn là tiền bối của ta, từng dạy ta làm nghề đánh thuê, chắc sẽ biết.

    -Dạ thưa, tôi hỏi tướng Đoàn rồi. – Lưu Cơ đáp – Tướng Đoàn nói siết cổ thường để lại dấu vết, nhưng có một thứ thì không, ấy là khăn lụa. Tướng Đoàn nói nếu dùng khăn lụa, khi siết thì vải nghiến vào rất sâu, mỏng dính, áp lực mạnh đến nỗi khiến kẻ bị giết chảy phân ngoài hậu môn. Dùng cách này, đến đàn bà chân yếu tay mềm cũng giết được người mà không cần tốn sức. Nhưng lụa dễ đứt rách, phải dùng lụa thượng hạng vừa mềm vừa dai mới xong. Thủ thuật siết cổ khăn lụa này vốn do dân phương Bắc nghĩ ra.

    -Ý anh người phương Bắc nhắm vào Đinh Hoàn? – Hoàng đế nhăn trán.

    Lưu Cơ gật đầu:

    -Dạ thưa, tôi chưa dám nói. Có điều lang trung nắm trong tay địa đồ xứ Nam, vẽ rất nhiều khu vực. Khi tôi kiểm tra thuyền của lang trung, thấy đã mất vài tập địa đồ. Còn quá sớm để khẳng định là người phương Bắc làm hay không. Nhưng chúng ta nên chuẩn bị chiến tranh, thưa ngài.

    Hoàng đế nhướn mày đoạn ngó lên lỗ thông hơi trên trần. Mắt của ngài chạm mắt Dương hậu, chừng như muốn nói điều gì đó. Dương hậu sợ run, không phải vì cái họa trùng tang lơ lửng trên đầu chúa thượng, mà bởi Đinh Hoàn bị người ta giết.

    Lửa binh đao mới tắt được hơn một năm, nay lại âm ỉ cháy trên cái xác của Đinh Hoàn.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile





    Chú giải:

    -Lễ mở cửa mả: lễ ba ngày, tục gọi là lễ mở cửa mả, sau khi chôn người chết 3 ngày, con cháu sẽ ra chỗ mả khơi rãnh, thoát nước, cắt cỏ quanh ngôi mộ cho thông thoáng

    -Kiều Lệnh Công: tên là Kiều Thuận, 1 trong 12 sứ quân, thời "Loạn 12 sứ quân"

    -Phạm Phòng Át: tên là Phạm Bạch Hổ, biệt danh “hổ trắng”, 1 trong 12 sứ quân. thời "Loạn 12 sứ quân"

    -Thiên Sách Vương: tên là Ngô Xương Ngập, con cả của Ngô Quyền

    -Nam Tấn Vương: tên là Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền

    -Hát Giang: là một đoạn sông từ sông Hồng chảy ra tiếp nước vào sông Đáy, nằm giữa huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, Hà Nội ngày nay. Hiện nay khúc sông không còn do đã bị bồi lấp

    -Phủ Đại La: là quận Ba Đình ngày nay, thuộc thủ đô Hà Nội

    -Lục Bộ: ban bệ quan chế thời xưa, gồm 6 bộ: Bộ Lễ - Bộ Lại - Bộ Hộ - Bộ Binh - Bộ Hình - Bộ Công.

    -Năm Giáp Thân: năm 924

    -Ngày chết của Đinh Thúc Dự là ngày Kỷ Tỵ, tháng Nhâm Thân, năm Kỷ Tỵ, tức là ngày 29/7/969 (Âm lịch) đổi sang Dương lịch là ngày 13/9/969

    ______________

    Phản hồi, bình luận và ủng hộ tại fanpage: https://www.facebook.com/thanhdadoanca
    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:52.

    ---QC---


  10. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    tieudieutu,
Trang 1 của 2 12 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status