TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12
Kết quả 6 đến 7 của 7

Chủ đề: Đoản ca Thành Đá

  1. #6
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Đoản ca Thành Đá

    Chương 4
    Chuyện không thể quản



    Hai ngày nữa là Tết Trung Thu. Tuy chưa hết mùa lũ nhưng dân chúng nước Nam cố gắng làm một cái Tết đầy đủ. Từ phủ Đại La, kinh đô Hoa Lư tới chốn xa xôi như châu Hoan châu Diễn, người Nam xay bột gạo làm bánh, ai khéo tay thì nặn tò he đợi sáng ngày Rằm đem bán. Mỗi đất mỗi xứ có bánh nọ hội kia nhưng đều rộn rã tiếng cười của lũ con nít, tựu chung không khác nhau nhiều. Con trẻ mong ngóng dịp này chẳng kém Tết Nguyên Đán, nếu vì chuyện nắng mưa mà phải bỏ, nghĩ cũng tội cho chúng, nên người lớn đành tạm gác phiền muộn mà gắng sức.

    Tết từ xửa từ xưa, ông bà làm sao thì con cháu thuận vậy, không ai thắc mắc Tết đến từ đâu. Nhưng Dương hậu thì có. Thuở nhỏ nàng hay tò mò, thích làm khó người lớn. Thay vì đòi bánh đòi quà như bọn trẻ con khác, nàng toàn căn vặn mấy chuyện kỳ khôi. Nàng hỏi “Tết Trung Thu có tự bao giờ?”, người lớn ít ai trả lời được. Chú bác nói là tục của người phương Bắc, cụ cao niên bảo các tổ khảo tổ tỉ của cụ ăn Tết từ lâu lắm, trước cả khi người phương Bắc xuống đây. Mỗi người một ý, nàng đành hỏi cha:

    “Thầy ơi, Trung Thu có tự bao giờ? Sao lại có Trung Thu?”

    “Thầy không biết nữa…” – Cha trả lời – “…nhưng tại sao phải có ấy à? Mưa lũ mất lợn mất lúa, ai chẳng mệt, ai chẳng buồn? Nhưng có Trung Thu là bọn chúng mày cười, thầy u cũng cười. Vậy là vui! Người ta cũng phải cười chứ? Ai khóc mãi được?”

    Dương hậu nhớ chuyện cũ. Cha nói đúng: không ai khóc mãi, rồi người ta phải cười.

    Mà dịp Tết Trung Thu là lúc triều đình cười với muôn dân.

    Cận ngày Rằm, đám nội hầu nữ tì trang trí hoàng cung bằng đèn lồng. Từ Long Lâu Điện, cung hoàng đế tới các phủ viện ở thành Bắc, đâu đâu cũng thấy ánh đèn rực rỡ. Có các loại đèn tứ diện, lục diện, đèn tròn… đủ hình dáng, phần lớn do dân Nam làm, một số nhập về từ phương Bắc. Bên cung hoàng tử Lang, người ta còn treo vài đèn kéo quân to gấp đôi đèn thường, bên ngoài thêu dán nhiều họa tiết bắt mắt sặc sỡ, cốt làm hoàng tử vui. Dưới nhà bếp, tiếng giã gạo làm bánh vang lên không ngớt để chuẩn bị hội yến đêm Rằm. Những ngày ấy, cung nhân vào ra qua lại suốt.

    Cũng thời gian ấy, Dương hậu chẳng mấy khi ở tư dinh. Ban ngày nàng hoặc cùng bọn nữ tì làm bánh, hoặc với đám nội hầu kiểm kê thực phẩm, tối muộn mới trở lại hành cung. Hội yến lớn, nhiều đại quan tề tựu về triều nên nàng sắp đặt mọi thứ chu đáo. Tính Dương hậu cầu toàn. Một năm dài đằng đẵng chỉ có hai dịp như thế, mà hầu hết đại quan là bạn bè chí cốt hoặc minh hữu thân thiết, hội yến không thể không hoàn hảo. Vì cái hoàn hảo đó, Dương hậu phải ra sức cố gắng.

    Vả lại chỉ có hoàn hảo mới làm người ta quên đi sự vắng mặt của Đinh Hoàn ở hội yến.

    Ngoại trừ chúa thượng, đại quan Lưu Cơ, năm hoàng hậu và vài lính Thiên Tử Quân thì chưa ai biết Đinh Hoàn tử nạn.

    Hơn một tuần trước, tức là sau lễ mở cửa mả vài ngày, hoàng đế cho người đóng giả đại quan Đinh Hoàn trở về nhà lúc giờ Dần. Bản thân ngài tới sớm hơn để sai binh lính đốt đuốc chặn các ngả đường, ngăn hàng xóm sang thăm và những kẻ hiếu kỳ. Hễ ai thắc mắc, lính canh trả lời “Chúa thượng lệnh cấm vào!”. Dân đen không biết sự tình cụ thể, chỉ nghe tiếng “Đinh Hoàn” khóc váng trời. Thủ tục lệ bộ xong xuôi, kẻ thế thân cưỡi ngựa rời thành đi ngay, chúa thượng bố cáo rằng đại quan Đinh Hoàn vì bận việc đại sự nên không thể lưu lại, sau mở cửa cho người thăm viếng. Có đám sĩ phu hiểu biết thì bảo là chuyện lạ, vì dẫu công chuyện lớn đến đâu, quan to thế nào vẫn phải làm cư tang giữ trọn đạo hiếu. Bên nước phương Bắc là thế, mà từ thời Ngô Vương cũng thế.

    Nhưng hoàng đế bảo sao, dân đen nghe vậy. “Đại quan Đinh Hoàn” đã về, trung hiếu toàn vẹn, nếu không thể cư tang thì ấy là ý trời, chẳng phải đại quan muốn thế. Chỉ trong một ngày, người người Thành Đá đều biết chuyện. Về cơ bản, hoàng đế đã làm yên dân. Vả lại dân đen xưa nay chỉ cần cơm no áo ấm, chẳng muốn phiền phức.

    Nhưng hoàng đế không thể lừa phỉnh bá quan triều đình và càng không thể bày trò như với dân đen. Một lúc nào đấy họ sẽ biết Đinh Hoàn về cõi âm, nhưng hoàng đế không muốn là lúc này. Ngài đã chuẩn bị lời giải thích trước các quan, mà giải thích hợp lý hay không thì phụ thuộc hội yến trọng thể ra sao. Dương hậu không thể làm chúa thượng thất vọng. Ngài đã nhờ vả, nàng phải tận lực.

    “Việc tới nước này, đành nhờ hậu lo lắng…” – Hoàng đế nói với nàng – “…hôm ấy đợi rượu ngà ngà, ta sẽ đem chuyện Đinh Hoàn nói với bá quan. Rượu vào, người ta dễ nói năng, cũng dễ cảm thông. Nhưng đừng say quá, nói tai trái lại sang tai phải. Bảo bọn hầu châm tửu thế nào, hậu lo giùm ta. Nhé?!”

    Ngài cười tươi nhưng đôi mắt không cười. Dương hậu đoán chúa thượng khổ tâm vì làm quân vương mà phải giấu chuyện nọ chuyện kia. Ngặt nỗi sự đời lắm rối ren, ngay hoàng đế cũng không thể quản.

    Sau tin Đinh Hoàn mất vài hôm, chúa thượng cho vời đoàn tăng ni chùa Đài lưu lại kinh thành mấy hôm. Sau ngài lại mời đạo sĩ tới, cốt để hỏi hai bên Phật – Đạo chuyện trừ trùng tang. Dương hậu biết tính hoàng đế không phải vậy bởi ngài xưa nay cười trời nhạo đất làm vui, vốn chẳng đặt nặng tâm tình vào những điều huyền bí. Nhưng các hoàng hậu không phải đàn ông và càng không phải là ngài, mới nghe “trùng tang” đã bủn rủn tay chân. Cực chẳng đã, hoàng đế phải làm lễ trừ trùng nhằm vỗ về hậu cung. Ngài quản quốc gia nhưng không thể quản nỗi sợ của người khác.

    Rồi tới ngày hành lễ trừ trùng, các hậu lẫn gia quyến hoàng thúc có mặt đông đủ. Hôm ấy hoàng đế ăn vận trang nghiêm, cử chỉ cẩn trọng, nhất mực tôn kính chư thần chúng thánh. Lễ từ sáng sớm đến chiều muộn mà ngài ngồi nguyên một chỗ chẳng kém thiền sư. Trong trí nhớ của Dương hậu, hoàng đế hiếm khi chịu yên như vậy. Ngài thích vận động, thích tập luyện võ nghệ, thích cưỡi ngựa rong ruổi trên những trảng đồi hoặc nẻo đường vắng lặng. Nhưng nàng cảm giác chúa thượng đã thay đổi, có lẽ vì tuổi tác, có lẽ vì chưa quên hoàng thúc và người em họ.

    Ngay cả hoàng đế cũng không thể quản tuổi tác, không thể quản mệnh trời.

    Năm tháng qua đi, nước chảy đá mòn, vật đổi sao dời, huống hồ con người. Chúa thượng không thể sống mãi như thủ lĩnh bách chiến bách thắng năm xưa hay “Quỷ Rái Cá” khiến người đời kinh sợ. Giờ ngài là quân vương. Chuyện xưa cũ thật đẹp thật vui, mỗi lần nhắc lại đều chộn rộn bồi hồi nhưng tất cả sẽ lần lượt bước vào quá khứ. Tỉ như Ngô Vương đại phá quân Nam Hán trên Bạch Đằng giang, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn ba mươi năm. Tỉ như Bố Cái Đại Vương thuở nào giết hổ, tính ra đã gần hai trăm năm. Tỉ như Mai Hắc Đế khởi binh đánh Đường triều, nhẩm tính được hơn hai trăm năm có lẻ. Còn nhiều chuyện nữa, mà cuối cùng cũng thành chuyện cũ.

    Hoàng đế quản nước Nam, quản thiên địa nhưng chẳng thể quản thời gian.

    Dương hậu thở dài. Một lúc nào đấy… phải, một lúc nào đấy, chúa thượng sẽ tề tựu cùng tiền nhân. Ngài sẽ bước giữa hai hàng binh lính gươm giáo chỉnh tề, rồi cúi đầu trước những Ngô Vương, Bố Cái Đại Vương, Mai Hắc Đế và tất cả anh hùng. Ngài sẽ quỳ gối thắp hương cho các bậc tiên tổ, sau đấy cùng nâng bát uống rượu với tiền nhân, cùng đánh những hồi trống xuất trận. Ở đó ngài không còn lo âu phiền muộn, có thể vĩnh viễn uống rượu mà không say, có thể cưỡi ngựa tham gia những cuộc chiến bất tận vốn chỉ tồn tại trong mộng tưởng. Và khi đó, ngài sẽ vĩnh viễn ở lại ngôi đền thiêng liêng nhất trong tâm tưởng người nước Nam.

    Ngay cả hoàng đế cũng không thể quản vòng quay sinh lão bệnh tử. Người phương Bắc xưa nay luôn tin tưởng có phương thuốc trường sinh bất tử, nhưng người nước Nam từ xa xưa đã coi là chuyện nhảm nhí.

    Dương hậu thở dài, tự trách mình thói đàn bà suy nghĩ linh tinh. Vì chúa thượng, nàng sẽ làm tất cả. Nhưng sâu trong lòng, nàng biết người đàn ông từng khiến mình cuồng nhiệt sắp biến mất. Đạo quân vương vốn dĩ không chừa chỗ cho những cảm xúc bốc đồng. Nàng phải học cách yêu một quân vương.

    Gần đây Dương hậu hay tâm trạng như thế. Lúc này nàng không hiểu tại sao mình đang đứng tại nhà bếp, mà trước đó còn ở dưới kho lương. Nàng lọt thỏm giữa tiếng giã gạo thùm thụp, tiếng củi lửa tí tách lẫn tiếng đun nấu xì xèo, cũng chẳng biết mình vừa nói gì mà lũ nội hầu chạy đôn chạy đáo. Chỉ khổ con Xuân đứng bên gọi mãi nhưng nàng chẳng nghe.

    -Bà… bà ơi… có việc… thưa lệnh bà…

    Hạ nhân không được to tiếng, thành ra con Xuân nói đến méo cả miệng. May cho nó, Dương hậu rốt cục cũng nghe thấy, bèn hỏi:

    -Sao thế?

    -Đan Gia hoàng hậu mời bà sang Đan Cung, nói là có việc cần bàn. – Con Xuân trả lời.

    Nghe vậy, Dương hậu gật đầu rồi đi ngay. Nhưng nàng không qua Đan Cung vội mà trở về tư dinh trước, tắm rửa sạch sẽ cho hết mùi bếp núc. Cả năm hậu vốn không phân biệt thứ tự vai vế nhưng Đan Gia lớn tuổi nhất, xuất thân danh giá nhất đồng thời là người hiểu lễ nghĩa nhất, lại sinh con trai là hoàng tử Hạng Lang cho chúa thượng, thế nên được mặc định đứng đầu. Dương hậu ít tuổi hơn, xét số năm làm hoàng hậu thì nhỏ nhất, cố nhiên kính trọng Đan Gia như kính trọng chúa thượng.

    Đầu giờ Thân, Dương hậu sang Đan Cung. Mới bước qua cửa, nàng đã nghe thấy tiếng trẻ con đùa giỡn ở sân vườn tòa cung. Nàng đoán là hoàng tử Lang. Ngoài giờ học tập, Hạng Lang thường xuyên ghé lại Đan Cung, đêm khuya mới chịu về. Hạng Lang còn bé, nhớ mẹ, quấn mẹ âu cũng bình thường. Từ lúc sinh ra, hoàng tử chỉ quấn quýt bên Đan Gia được mười năm; từ ngày chúa thượng lên ngôi, hoàng tử phải ở riêng và học cách sống một mình. Dương hậu nhớ tầm tuổi ấy nàng không dám ngủ một mình vì sợ ma, toàn rúc nách mẹ.

    Đương nô đùa, Hạng Lang bỗng dừng lại khi thấy Dương hậu. Như bao đứa trẻ con nước Nam, hoàng tử cạo trọc, chỉ để một chỏm tóc trên đỉnh đầu. Và cũng giống lũ trẻ nước Nam, hoàng tử hiếm khi mang giày dép, cứ chân trần leo trèo chạy nhảy. Có khác chăng là hoàng tử mặc chiếc áo viên lĩnh màu vàng thêu hình họa rồng. Tìm khắp trời đất xứ này, duy nhất Hạng Lang được mặc chiếc áo đó. Hoàng tử chạy tới trước Dương hậu, mặt mày hớn hở, ríu rít như con chim chích:

    -Mẹ Năm tới chơi! Sao lâu rồi con không thấy Mẹ Năm tới?

    Dương hậu chưa kịp nói, từ trong tòa cung vọng ra giọng Đan Gia, gần như quát:

    -HỖN HÀO! Gặp mẫu hậu mà chưa thi lễ là sao? Không lẽ hậu đây dạy con chưa tốt?

    Hạng Lang giật mình cả sợ, vội vã khom lưng, miệng líu ríu “Tham kiến mẫu hẫu!” như con chim nhỏ vừa bị dọa. Dương hậu cười tươi đoạn cúi xuống phủi bụi bặm dính trên y phục của hoàng tử, vỗ về:

    -Con cứ chơi trước, ta trò chuyện với mẹ con một lúc rồi chơi với con sau. Nếu thích, lát nữa ta sẽ dẫn con qua chỗ ta chơi, được chứ?

    Hoàng tử gật đầu đồng ý, sau lại tót đi nghịch ngợm làm bọn nội hầu tất tả chạy theo. Trong hoàng cung im lìm và ít nhiều lặng lẽ, hoàng tử Lang gần như là nguồn cơn của mọi tiếng cười. Thiếu hoàng tử, hoàng cung chỉ như chốn đền đài đợi người đời tới dâng lễ thắp hương. Bởi lẽ ấy, chúa thượng thường gọi Hạng Lang đến hoặc tự mình thăm nom hoàng tử, có lúc hai cha con quấn nhau cả ngày. Chúa thượng đã nhiều tuổi, thích vui vầy bên con trẻ là chuyện thường tình.

    Phía trong tòa cung, Đan Gia hậu đang chờ sẵn. Dương hậu qua đây nhiều nhưng Đan Gia chưa bao giờ xuề xòa đại khái và cũng không có ý định đại khái xuề xòa trong tương lai. Lần nào nàng tới, Đan Gia cũng ăn vận chỉnh tề, vạt áo trâm cài ngay ngắn chỉn chu, tóc không xổ một sợi, hài không dính một hạt bụi bẩn. Trên bàn, nước vối và trà còn nghi ngút khói, từng miếng trầu têm ngay ngắn gọn gàng chỉ đợi người đưa vào miệng. Dù không thấy nhà bếp nhưng Dương hậu đoán rằng Đan Gia đã cho người chuẩn bị, chỉ cần nàng đồng ý ở lại ăn cơm thì đám hạ nhân sẽ làm bữa tối ngay lập tức. Đan Gia có tiếng khó tính nghiêm khắc, bởi thế mà mặt mũi bọn hạ nhân ở đây lúc nào cũng căng thẳng như dây đàn.

    -Ca Ông chịu ghé qua, thật quý hóa! – Đan Gia cười nói – Hậu ngồi đi! Chúng ta nói chuyện chút!

    Hai hoàng hậu thi lễ chào hỏi nhau rồi Đan Gia kéo tay Ca Ông ngồi xuống. Kể từ ngày nhập cung, Dương hậu luôn thúc ép bản thân vào khuôn phép lễ nghi. Nhưng khi đối diện Đan Gia, nàng cảm giác mình cố gắng chưa đủ. Đan Gia ăn nói tự nhiên, mà ăn không thành tiếng, nói vừa đủ nghe, cử chỉ nhất mực khiêm cung song không miễn cưỡng, tựa thể thiên tính của bà là vậy. Hồi Dương hậu còn là đứa nặc nô cưỡi trâu đi đánh nhau với bọn con trai ở đất Hoa Lư, Đan Gia đã là con nhà lá ngọc cành vàng danh giá ở đất Đường Lâm. Nghe tiếng thơm, Ngô Vương cắt cử người đến dạm hỏi cho đứa cháu. Sau Đan Gia trở thành người nhà Ngô Vương, địa vị tôn quý vô cùng. Vật đổi sao dời, Ngô triều tàn lụi, chúa thượng lên ngôi, lại lấy Đan Gia làm hoàng hậu. Chung quy một đời Đan Gia từ xưa tới nay luôn rạng danh vinh hiển, tính cách cố nhiên cao sang hơn người thường.

    Hỏi thăm sức khỏe Dương hậu vài câu, Đan Gia bảo đứa nữ tì mang một tráp nhỏ lên. Đan Gia mở tráp, Dương hậu thấy bên trong đầy ắp những khuyên tai vòng đá lạ mắt, chưa từng xuất hiện ở nước Nam và càng không giống trang sức của phương Bắc. Thấy nàng tò mò, Đan Gia mỉm cười:

    -Con trai ta vừa rồi theo lệnh chúa thượng làm vài chuyến công cán ở phía Nam xa xôi. Xa lắm, xa hơn cả châu Hoan, châu Diễn! Ta đàn bà, chẳng hiểu công vụ triều đình, chỉ nghe con nó bảo rằng dưới phương nam ấy có một nước gọi là Chiêm Thành. Họ tặng nhiều vật báu làm quà, chúa thượng ban cho ta chừng này. Ta có tuổi, hạn chế trang sức diêm dúa. Hậu còn trẻ, mang những thứ này thì hợp hơn. Hậu xem cái nào đẹp thì chọn lấy.

    Dương hậu cúi đầu từ chối:

    -Thưa, đây là ơn của chúa thượng ban cho Đan Gia, tôi không dám lấy!

    -Chúa thượng nói ta được tùy nghi tặng bất cứ ai, ngài cho phép. Con trai ta cũng bảo Ca Ông hậu xưa nay đảm đang, giúp Đan Cung nhiều chuyện, mấy quà này chỉ là lễ mọn. – Đan Gia đáp – Để ta lựa thử cho hậu nhé?

    Đan Gia có nhã ý, Dương hậu không thể chối từ. Đám nữ tì mang gương lược đến, đích thân Đan Gia chải tóc và trang điểm cho nàng. Trang sức từ Chiêm Thành thật lạ, có vòng cổ to trái ngược hẳn vòng nhỏ của người Nam hoặc dân phương Bắc, có khuyên tai ba mấu trông vừa đẹp vừa lạ mắt, có vòng tay đá trong suốt và lấp lánh màu dưới nắng, gọi là “vòng lưu ly”. Dương hậu có biết Chiêm Thành, từng chứng kiến chúa thượng tiếp kiến người xứ ấy nhiều lần. Nhưng nàng không hề biết nơi đó cũng nhiều vật báu chẳng kém nước Nam, mà lại toàn đồ trang sức. Đàn bà xưa nay vốn mê mẩn trang sức. Dương hậu vui hơn hẳn, bèn hỏi:

    -Thưa, Ngô phò mã và công chúa Phất Kim vẫn khỏe chứ ạ?

    -Vâng, con nó và công chúa vẫn khỏe. – Đan Gia trả lời – Chỉ là lâu quá chưa có tin vui. Ta bảo con trai lấy thêm vợ nữa nhưng nó không chịu.

    -Vậy phò mã giống Nam Việt Vương! – Dương hậu cười – Chúa thượng cùng mọi người khuyên mấy lần nhưng Nam Việt Vương vẫn vậy, nghe chừng không muốn lấy thêm vợ nữa.

    -Thế thì hai ông này chẳng bù cho chúa thượng! – Đan Gia tiếp lời.

    Hai người không hẹn mà cười to, rồi lại dấm dúi nhau khúc khích từng tràng. Đan Gia đổi mấy chiếc khuyên tai mới cho Dương hậu, đoạn hỏi:

    -Ca Ông năm nay đã bao nhiêu niên kỷ?

    -Thưa, tôi đã hai mươi chín tuổi. – Dương hậu trả lời.

    -Vậy hậu biết ta bao nhiêu niên kỷ chứ?

    Dương hậu nhìn vào gương. Nàng thấy Đan Gia tuy lớn tuổi nhưng dung diện vẫn trẻ trung, môi đỏ son, khóe mắt chưa xuất hiện dấu chân chim; nét quyền quý cao sang hiển hiện trên cái cằm tròn đầy đặn và những ngón tay dài thanh tú. Nàng từng nghe Đan Gia ít hơn chúa thượng một, hai niên, tức giờ là khoảng bốn mươi ba tuổi. Nhưng trông Đan Gia chẳng khác nào mới qua tam tuần chưa lâu. Dương hậu dè dặt không dám nói. Đan Gia trả lời:

    -Đích xác là bốn mươi bảy tuổi. Ta hơn chúa thượng hai niên.

    Nghe thế, Dương hậu há hốc miệng ngạc nhiên, tưởng chừng trên gương mặt vừa xuất hiện một vết rạn nứt. Đan Gia vừa nói vừa đeo cho Dương hậu một chuỗi vòng cổ bạc:

    -Thật đấy, ta đã bốn mươi bảy. Chuyện này không mấy người biết. Năm ta sinh ra Hạng Lang tưởng như chết đi sống lại, chắc hậu cũng biết. Tuổi tác cao, sinh đẻ khó. Từ rày tới lúc chết, ta không thể sinh con cho chúa thượng nữa.

    -Đan Gia có phúc, nhất định sẽ sinh thêm hoàng tử và công chúa cho chúa thượng. – Dương hậu nói.

    Đan Gia cười, không đồng ý cũng chẳng phản bác. Bà ngẫm nghĩ một chút, sau tiếp tục:

    -Trong năm hậu, ai cũng có con, chỉ mình Ca Ông là chưa. Chúa thượng hay gần gũi hậu, hôm nào thử gợi ý xem, biết đâu chúa thượng sẽ lâm hạnh? Thế hậu và chúa thượng đã…?

    Đan Gia bỏ lửng câu nói. Dương hậu đỏ mặt:

    -Dạ… cũng mấy lần rồi… nhưng chưa có tin vui.

    -Vậy thì hậu nhắc khéo chúa thượng đi chứ! – Đan Gia vỗ lưng Dương hậu – Đừng để lâu như ta, sau này sinh nở khổ lắm! Ta sẽ thắp nhang khấn Phật cầu chư thần cho hậu sinh được hoàng tử.

    Lời đề nghị đường đột khiến Dương hậu ngượng ngùng. Đan Gia lớn tuổi, đã có con nên thấy bình thường với mấy chuyện kiểu này. Nàng thì khác. Nhưng quả thực giữa nàng và chúa thượng còn thiếu một đứa con. Nhìn các hậu đều có hoàng tử hoặc công chúa, đôi lúc nàng hơi tủi thân. Đàn bà sợ nhất là cô quạnh.

    -Kỳ thực, ta không muốn Hạng Lang cô đơn. – Đan Gia tiếp tục – Hạng Lang ở chốn hoàng cung này ít người chơi cùng, may lắm có công chúa Phương Dung con hậu Trinh Minh, nhưng ít nhất có thêm em trai thì càng vui, phải chứ?

    -Nhưng chẳng phải hoàng tử Lang cũng có anh trai là Nam Việt Vương sao, thưa Đan Gia? – Dương hậu nói.

    Nghe tới đó, Đan Gia im lặng, ngẫm nghĩ hồi lâu mới nói:

    -Quả đúng là vậy! Nhưng hậu biết đấy, Nam Việt Vương nhiều tuổi, so với hậu thì chẳng kém mấy, mà so với Kiều Quốc hậu thậm chí còn lớn hơn. Trời đất nước Nam sau đều thuộc về Nam Việt Vương cả, mà làm quân vương bận rộn, không thể quản hết mọi sự. Hạng Lang sau này cũng không thể phiền lụy anh mình nhiều. Vậy nên nếu hậu sinh được hoàng tử và kết thân với Hạng Lang, thực là ta vui lắm!

    Dương hậu gật đầu. Nàng để ý từ sau cái chết của đại quan Đinh Hoàn, Đan Gia thường phiền muộn bất an. Thậm chí Đan Gia xin chúa thượng cho hoàng tử Lang về bên mình một thời gian, tiện đường dạy dỗ chăm sóc. Lễ trừ trùng đã xong rồi nhưng có vẻ Đan Gia chưa yên.

    Hoặc là chưa yên vì một lý do nào khác.

    Cuối giờ Thân, Dương hậu trở về cung cùng những món quà trong tráp nhỏ. Đan Gia xưa nay luôn tốt với nàng, lúc khó khăn thì chia nhau miếng thịt miếng cá, lúc công danh thành toại thì gửi nhau tấm lụa miếng gấm. Nhưng lần này, nàng cảm giác Đan Gia có gì đấy khang khác. Nàng không muốn nghĩ những chuyện xa hơn, giống như những gì mà đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ từng nói…

    *
    * *

    Trở lại nhiều ngày trước, khi Dương hậu đang thu mình trên gác mái cung hoàng đế. Nàng vẫn theo dõi cuộc trò chuyện giữa hoàng đế và đại quan Lưu Cơ. Lúc này, hai người đã uống rượu và dùng đồ nhắm. Nhưng đó không phải là một bữa nhậu say sưa như thường lệ. Cả hoàng đế lẫn đại quan đều trầm ngâm, rượu đong đầy chén nhưng ai nấy uống cầm chừng, chừng như tâm trí còn mải miết với thế sự và chưa muốn chìm vào cuộc vui.

    -Ban nãy anh nói vài tập địa đồ mà Đinh Hoàn vẽ đã mất, và chúng ta cần chuẩn bị chiến tranh. – Hoàng đế hỏi Lưu Cơ – Liệu có cơ sở không? Tống triều? Nước Đại Lý? Chiêm Thành? Chân Lạp? Ai Lao? Là ai muốn chiến tranh?

    -Thưa, cũng khó nói. Xưa nay gây chiến giành đất là chuyện thường tình, nhưng xét ra đều khó có khả năng. Đại Lý và Chân Lập xa xôi cách trở, vài năm gần đây mới giao thương với nước Nam ta. Chiêm Thành và Ai Lao từng bán vũ khí cho chúng ta, quan hệ khá tốt, không có xung đột. Tống triều mới lập chưa lâu, quốc khố cạn rỗng, lại rất thích thể diện, cố nhiên sẽ tránh binh đao. Nên nếu có chiến tranh thì khởi phát từ chính nước Nam ta.

    Hoàng đế nâng chén, Lưu Cơ đáp lại. Hai người uống một hơi cạn sạch. Lưu Cơ vừa rót rượu vừa nói:

    -Như ngài biết, hồi kết thúc chiến cuộc, bọn lính đánh thuê không chịu giải giáp mà trốn lên núi lập sơn trại, hoặc làm đạo tặc thảo khấu, hoặc ra biển làm hải tặc. Đấy là chưa kể các bộ tướng thời loạn lạc còn sót lại. Năm xưa chúng ta không giết được Ma Tộc Thần Tướng cùng Ma tộc, họ trốn lên châu Quảng Nguyên, làm chủ vùng sơn cước, luôn tỏ thái độ đối nghịch triều đình. Ai cũng có thể là thủ phạm giết Đinh Hoàn, tất nhiên tôi cũng không loại trừ người phương Bắc. À… mọi việc là thế, thưa ngài…

    Lưu Cơ cúi đầu. Hoàng đế nhìn đại quan, nói:

    -Còn gì nữa?

    -Dạ thưa, tôi không hiểu ý chúa thượng?!

    -Ta biết tính anh, Lưu đuôi dế! – Hoàng đế cười – Trong năm anh em chúng ta, anh trẻ nhất nhưng suy nghĩ thấu đáo nhất. Mọi việc anh nói thường có ba mặt vấn đề. Ta nghe nãy giờ mới thấy hai, còn một mặt nữa đâu? Cứ nói, không cần ngại. Lưu đuôi dế là anh em chân tay với ta, có gì thì anh em giãi bày, không cần giấu giếm.

    Lưu Cơ nhún vai:

    -Dạ thưa… cái này chỉ là kẻ nhiễu sự như tôi nghĩ đến. Nhưng quả thực nó bất kính phạm thượng.

    -Ta lệnh cho anh nói. – Hoàng đế khẳng định – Kể cả anh chửi ta, ta cũng không tính. Nói xem!

    Nói rồi hoàng đế điềm nhiên ăn uống, ánh mắt trông đợi người anh em mở lời. Đại quan Lưu Cơ chặc lưỡi, dè dặt:

    -Nếu chúa thượng đã lệnh, tôi xin nói. Tôi nhận thấy trong dòng họ chúa thượng, chi thứ bên hoàng thúc đã mất cả. Hoàng thúc không còn, Đinh Hoàn cũng mất. Đinh Hoàn không có con trai, chỉ sinh con gái. Nay kế nghiệp chúa thượng chỉ còn mỗi Nam Việt Vương và hoàng tử Lang mà thôi. Triều đình mới lập, loạn lạc còn nhiều, chúa thượng lẫn Nam Việt Vương phải chinh chiến, ngộ nhỡ có bề gì…

    -Thì chỉ còn thằng Lang nối nghiệp. – Hoàng đế tiếp lời – Nếu cả ta và thằng Liễn chết, thằng Lang sẽ lên ngôi. Mà ấu chúa thì dễ bị chèn ép. Năm xưa Dương Bình Vương chèn ép Nam Tấn Vương cũng vì lẽ ấy. Rủi may biến loạn, thằng Lang chết nốt thì cơ nghiệp họ Đinh ta cũng không còn.

    Hoàng đế nói như không, trong khi Dương hậu giật mình thon thót. Như biết nàng hốt hoảng, trong một khoảnh khắc chúa thượng ngó lên trần nhà với ánh nhìn trêu chọc. Lưu Cơ nói:

    -Tôi biết tính Đinh hoàng thúc. Ông ấy hay cáu bẳn, khó tính nhưng thận trọng. Giờ nghĩ lại, tôi không hiểu hoàng thúc ra ngoài ngày mưa gió làm gì?! Trừ việc khẩn thiết, chẳng ai phơi mình ra ngoài mưa bão. Hoàng thúc ở đất này hơn bảy chục năm, lẽ nào không biết?

    -Ý anh là có chuyện khuất tất?

    -E là vậy, thưa ngài. Giờ ngài là hoàng đế, hoàng đế thì phải tính chuyện kế vị. Theo lẽ thường thì Nam Việt Vương lên ngôi, nhưng không có nghĩa là hoàng tử Lang hết cơ hội. Thân mẫu Nam Việt Vương không còn, mà Đan Gia lại là hoàng hậu có vị thế nhất. E rằng…

    Hoàng đế nhíu mày:

    -Anh nghi ngờ Đan Gia?

    -Thưa, tôi không dám chắc. Sự việc phức tạp dễ làm người ta mờ mắt, tôi không ngoại lệ. Nhưng ngài hiểu Đan Gia hơn ai hết. Ngô phò mã năm xưa hùng cứ đất Đường Lâm, yên ổn nhiều năm cũng đều nhờ tay Đan Gia cả. Đó không phải hạng đàn bà tầm thường, mà cái tâm cái chí chẳng kém trượng phu là mấy.

    Hoàng đế trầm tư:

    -Ta trước nay vừa yêu vừa kính Đan Gia. Anh nói thế, chẳng khác đổ vấy. Ta tin rằng Đan Gia tuyệt đối không phải người như thế.

    -Tôi cũng không muốn nghĩ. Nhưng thời xưa, các bậc trí giả ở phương Bắc như Hàn Phi, Thương Ưởng đều nói “người mong vua chết sớm nhất không phải kẻ thù mà là hoàng hậu và thái tử”, “kẻ phản loạn muốn lật vua nhất không phải dân đen thảo khấu mà là quan đại thần”. Lời lẽ khó lọt tai nhưng là sự thật. Tôi làm quan cho ngài, là anh em của ngài, nên phải theo cái đạo quân vương ấy mà đề phòng.

    -Ta nhớ mãi cái đêm đánh thành Đỗ Động, đêm ấy ta ngồi uống rượu, xung quanh có cả năm bà vợ nâng khăn sửa túi, nghĩ rằng cuộc đời không còn gì tuyệt diệu hơn thế! – Hoàng đế bật cười.

    -Thưa, được như vậy, trên đời chỉ có mình ngài. – Lưu Cơ nói – Nhưng đó là chuyện cũ. Giờ ngài là quân vương.

    Hoàng đế gật đầu đoạn cùng Lưu Cơ uống rượu đến tối. Đợi vị đại quan xỉn quắc cần câu, ngài bảo lũ nội hầu đưa Lưu Cơ vào trong nghỉ ngơi, sau đấy đỡ Dương hậu từ gác mái xuống. Hôm đó Dương hậu thấy đôi mắt chúa thượng nhiều tâm sự hơn trước. Cái đêm mà ngài nói, nàng cũng nhớ tường tận. Nhưng Lưu Cơ chẳng sai, mọi thứ giờ đã khác.

    Có nhiều chuyện mà hoàng đế không thể quản.

    *
    * *

    Đương mông lung, Dương hậu chợt nhận ra mình đã về Ca Cung từ lúc nào. Trời đã xẩm tối, nàng chưa ăn và cũng không thấy đói, định bụng ngủ một giấc đến sáng. Cả ngày bận rộn làm nàng mệt rã rời. Nhưng Dương hậu chưa kịp bảo đám nữ tì pha nước tắm, con Xuân đã chạy ra báo:

    -Bà ơi, có đại quan muốn gặp bà!

    Dương hậu thấy lạ vì quan lại xưa nay không được vào cung cấm. Nàng bước qua cửa thì thấy một người đã chờ sẵn. Người đó mặc áo tía, tóc ngắn có đuôi dế phất phơ bên vai, ánh mắt thận trọng và đầy dò xét. Thấy nàng, người đó vội đứng dậy, cúi đầu thi lễ:

    -Lưu Cơ tham kiến Ca Ông hoàng hậu. Lâu quá không được gặp lệnh bà! Chúa thượng bảo tôi đến đây nhờ lệnh bà giúp đỡ vài chuyện.

    Dương hậu cúi đầu đáp lễ. Nàng không nghĩ sẽ gặp lại Lưu Cơ trong hoàn cảnh này. Nhiều năm trước, khi nàng mới gia nhập quân đội của chúa thượng, Lưu Cơ từng ngỏ lời tình cảm. Nàng quý Lưu Cơ, nhưng trái tim nàng đã dành cho người đàn ông khác.

    Vốn sự đời có nhiều việc không thể quản.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile





    Chú giải:

    -Cư tang: theo luật xưa, quan to cỡ nào nếu có tang cha mẹ thì phải treo ấn, về chịu đủ tang cha mẹ ba năm mới tính tiếp. Ai trốn tránh nhiệm vụ này để hưởng thêm bổng lộc thì sẽ bị xử phạt nặng.

    -Châu Hoan, châu Diễn: hai châu thuộc phần Nghệ An ngày nay. Nước Đại Cồ Việt có đường biên giới đến hai nơi này là hết, phía dưới là Chiêm Thành.

    -Bố Cái Đại Vương: tên thật là Phùng Hưng

    -Mai Hắc Đế: tên thật là Mai Thúc Loan

    -Ngô phò mã: ở đây chỉ Ngô Nhật Khánh. Đinh Tiên Hoàng cưới mẹ của Ngô Nhật Khánh là bà Đan Gia, lại gả con gái là công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh. Quan hệ vừa là bố dượng – bố vợ.

    -Công chúa Phất Kim: con gái của Đinh Tiên Hoàng, sử không nói rõ là con bà hoàng hậu nào.

    -Hoàng tử Lang: tên thật là Đinh Hạng Lang, con thứ hai của Đinh Tiên Hoàng.

    -Nam Việt Vương: tên thật là Đinh Liễn, con cả của Đinh Tiên Hoàng, chức vị này có ngay sau khi Tiên Hoàng lên ngôi

    -Dương Bình Vương: tên thật là Dương Tam Kha

    -Ai Lao: quốc gia cổ của người Lào

    -Đại Lý: quốc gia cổ của nhiều sắc dân vùng tây nam Trung Quốc, kế thừa từ nước Nam Chiếu

    -Chiêm Thành: quốc gia cổ ở phía nam Việt Nam

    -Chân Lạp: quốc gia cổ của người Campuchia, và được biết đến là Đế Chế Khmer, một trong những đế chế lớn nhất lịch sử loài người

    -Châu Quảng Nguyên: là địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… ngày nay

    -Ma tộc: tộc họ Ma, một trong những dòng họ (được cho là) cổ nhất của người Việt, có nguồn gốc từ thời Hùng Vương

    ___________

    Phản hồi, bình luận và ủng hộ tại fanpage: https://www.facebook.com/thanhdadoanca
    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:51.
    ---QC---


  2. #7
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Đoản ca Thành Đá

    Chương 5
    Chuyện dang dở


    Ngày đầu tiên trông thấy nàng, ta vẫn nhớ.

    Ngày ấy chúa thượng vừa tử chiến với Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương. Hai vương đánh ngài không được vì cái đất Hoa Lư hiểm trở. Nhưng anh em chết nhiều vô kể, máu vấy núi xanh, con trai của chúa thượng bị hai vương bắt đi, sống mà coi như đã chết. Mọi người rã đám. Anh em vốn chỉ theo chúa thượng tìm một cõi kiếm ăn, chưa biết mùi vị chiến tranh thực sự. Chúa thượng khi ấy chưa phải là Quỷ Rái Cá khiến người ta kinh sợ, còn Thiên Sách Vương đã là thủy quái tung hoành xứ Nam. Người ta nói trận Bạch Đằng Giang, Thiên Sách Vương giết người phương Bắc như đồ tể làm thịt cá. Gặp Thiên Sách Vương, thằng nào thằng nấy tiểu tiện ra quần. Ai cũng bảo Thiên Sách Vương sẽ quay lại, đất Hoa Lư hiểm trở gấp mười cũng không cứu nổi cục diện.

    Giữa lúc khó khăn, nàng xuất hiện.

    Lúc ấy nàng mới chỉ là một đứa trẻ mười hai tuổi, còn ta chỉ là thằng nhóc mười một tuổi lăng xăng chạy theo anh Điền, anh Bặc.

    Không ai biết con bé mười hai tuổi đó tới đất Hoa Lư làm gì. Ta chỉ nghe anh Điền nói lại rằng đứa nhỏ là người của Dương Bình Vương, không, nói đúng hơn là Dương Tam Kha. Ông ta khi đó không còn là vua nữa, chỉ còn là một phú hào giữ lấy mấy mảnh đất mà đợi ngày chết già.

    Và ông phú hào đợi ngày chết già đó mang đến cho chúa thượng một đứa con gái mười hai tuổi. Giữa chiến trường máu tanh, một đứa con gái bé xíu xuất hiện. Chuyện kỳ quặc.

    Không ai rõ đứa nhỏ ấy là con Dương Tam Kha hay con cái nhà nào. Có người bảo nó là con Dương Tam Kha, người khác kêu không phải. Có người bảo nó là quà hứa hôn dành cho chúa thượng, kể cũng đúng vì con bé chả mấy là đến tuổi cập kê. Có người bảo nó tới lo việc hậu cần, cũng chẳng sai, chúa thượng dựng nghiệp chưa lâu, thiếu thốn trăm bề, chẳng có ai ở tuyến sau trông nom sắm sửa lương thực khí giới. Nhưng mười hai tuổi quản việc quân? Mà lại là con gái? Chuyện kỳ quặc.

    Đến giờ ta vẫn nhớ dáng vẻ của nàng. Một con bé tóc ngắn, màu hơi nâu vì cháy nắng, đen nhẻm vì dãi mặt ngoài đồng nhiều, hệt lũ trẻ chăn trâu thường thấy. Ta chẳng nghĩ nàng là con gái Dương Tam Kha. Con nhà giàu thì không thể giống lũ chăn trâu. Duy chỉ có đôi mắt khác biệt. Nó sáng, thật sáng. Giữa khói tàn Hoa Lư, đôi mắt ấy vẫn rực lên như đốm lửa trong đêm đen, không sáng quắc như mắt loài dã thú mà ấm áp, đẹp đẽ.

    Không mấy đứa nhà giàu sở hữu đôi mắt đó.

    “Ê, nhóc con đuôi dế, ta đang tìm chủ trại. Chủ trại của mày đâu?”

    Nàng hỏi ta. Con bé mười hai tuổi, cao hơn ta nửa cái đầu, cúi xuống hỏi ta như vậy. Gương mặt con bé thận trọng nhưng không sợ sệt. Đứng giữa một đám đàn ông người đầy máu tanh, sát khí chưa vơi sau trận tử chiến, con bé chẳng biết sợ. Ta thấy lạ.

    Không mấy đứa nhà giàu có biểu hiện đó.

    Ta đưa nàng đi gặp chúa thượng. Chúa thượng đang bị thương, tâm trạng bực bội, không ai dám lại gần. Ấy thế mà khi gặp chúa thượng, nàng lại làm việc mà chẳng ai dám nghĩ. Trước mặt ba quân, con bé mười hai tuổi chỉ mặt chúa thượng, nói rõ to:

    “Thằng rái cá?! Sao lại là mi?! Sao mi lại là chủ trại?!”

    Ta cứng họng. Đinh Điền cứng họng. Toàn quân cứng họng. Ai đó cười khúc khích, rồi tới lượt cả đám ôm bụng cười. Chúa thượng ngây mặt nhìn đứa trẻ con mười hai tuổi, sau cũng ngửa mặt cười ha hả. Ngày nàng đến, mọi nỗi buồn phiền vơi bớt. Nói mới nhớ, trại Hoa Lư bị vây hơn một tháng, mọi người vì đánh mà quên mất cách cười.

    Ta thì không cười, bởi lúc ấy ta còn mải ngơ ngác trước nàng.

    Không mấy đứa nhà giàu dám nói năng như thế.

    Rồi nàng ở lại trại, làm đủ việc. Giặt giũ, lau chùi binh khí, sửa quần áo hỏng, đủ thứ chuyện quân, nàng làm cả. Quá sức với một đứa bé mười hai tuổi. Nhưng nàng theo chúa thượng một năm, hai năm, năm năm rồi mười năm. Con bé mười hai tuổi lớn như thổi. Mái tóc ngắn ngày nào dài ra, dài tiếp, dài quá thắt lưng, bồng bềnh như dòng suối nhỏ chảy giữa khe núi Hoa Lư. Nhưng đôi mắt nàng vẫn vẹn nguyên, vẫn là đốm lửa ấm áp trong năm tháng rối ren này.

    Thiên Sách Vương chết vì đàn bà. Nam Tấn Vương chết vì trúng mai phục. Nước Nam bước vào lửa chiến loạn. Ta nhận lệnh thu thập tin tình báo, nàng đi theo. Đàn bà dễ xâm nhập lãnh địa kẻ địch hơn. Ngày đó đám tình báo lẫn quân đánh thuê tỏa khắp nước Nam, giữa đường đụng độ giết nhau là thường. Có lúc giữa rừng vắng, chúng ta phải tựa lưng nhau mà ngủ, lửa không dám đốt vì sợ lộ vị trí, tay vẫn cầm rìu phòng thú hoang hay kẻ địch bất ngờ. Khoảng thời gian đẹp. Hiểm nguy, nhưng đẹp. Bởi lúc đó ta có dịp ngắm nàng kĩ hơn, chuyện trò nhiều hơn, còn ở trại ta chỉ được thấy bóng lưng nàng ở gian bếp, hay trông thấy những giọt mồ hôi lấm tấm khắp mặt nàng trong lán quân nhu.

    Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Ta thân nam nhi. Nam nhi thích đàn bà đẹp. Nàng cao hơn đám đồng trang lứa, vóc người dong dỏng nhưng quật cường như cây tre giữa mưa gió. Một ngày nọ, ta dạm hỏi nàng, khi ấy ta đã cao hơn nàng một cái đầu:

    “Ngày mốt đánh thành, sinh tử chẳng rõ, tôi phải nói điều này, sợ muộn mất. Nếu tôi sống sót trở về, chị theo tôi về chứ?”

    “Về đâu?”

    “Nhà tôi. Nhà tôi nghèo, chẳng có gì. Nhưng chị chịu theo chứ?”

    “Cậu đuôi dế có tài, tiền đồ xán lạn, đàn bà khôn chắc chắn chọn cậu. Nhưng xin lỗi... thực lòng xin lỗi. Tim ta có người khác rồi.”

    Ta nhìn thật lâu vào mắt nàng, sau hỏi:

    “Là anh cả?”

    “Phải, anh cả của cậu đuôi dế.”

    Khi đó ta mới biết Dương Tam Kha đã sắp đặt nàng theo chúa thượng từ năm mười hai tuổi. Ông vua thất thế đó cần sự đảm bảo cho đồng ruộng cùng những chuyến hàng buôn bán của họ Dương. Và nàng là một món quà: vừa giúp việc, vừa là quà hứa hôn.

    Nhiều năm sau, chúa thượng lên ngôi và nàng trở thành một trong năm hoàng hậu. Địa vị họ Dương nhờ thế được đôn cao, chẳng kém thời Ngô Vương là bao, không ai có thể động vào. Ta chợt hiểu Dương Tam Kha năm xưa không mua sự bảo hộ từ một chủ trại. Ông ta đầu tư cho một hoàng đế. Ta chỉ biết khen Dương Tam Kha có con mắt tinh đời.

    Ngay từ đầu, ta đã chẳng có cơ hội nào cả.

    Giờ đây, nàng đã là Ca Ông hoàng hậu, là mẫu nghi thiên hạ. Ta vĩnh viễn chỉ có thể nhìn nàng từ xa, không thể chạm đến. Ta chợt hiểu một cái đẹp không thể chạm, không thể vươn tới, chính là vẻ đẹp vĩnh cửu.

    *
    * *

    Con Xuân tất tả nào dầu nào nến thắp sáng Ca Cung. Cung trước giờ không tiếp khách ban tối, nay đô hộ phủ sĩ sư tới, thực là chuyện lạ lùng. Con Xuân giờ này vốn ngáp ngắn ngáp dài, nay phải vận động nên tay chân luống cuống. Lưu Cơ thấy vậy thì thắp nến giùm nó, hỏi:

    - Lâu quá không gặp mày, bao năm rồi nhỉ, Xuân? Cái chân của mày khỏi rồi chứ? Còn đau không?

    - Dạ, con hết đau rồi, thưa ông! – Con Xuân rối rít trả lời – Đội ơn ông nên con vẫn còn cái mạng nhỏ này!

    Lưu Cơ bật cười, xoa đầu con bé, lòng nhớ chuyện cũ. Thuở anh cùng Dương hậu ra ngoài thu thập tin tức, con Xuân cũng hay bám theo, nhiều tới độ quen mặt. Trẻ con ít bị để ý, dễ làm thám báo. Ngày đánh thành Đỗ Động, con Xuân bị lộ rồi bị địch bám theo đánh què chân, anh và Dương hậu phải liều thân cứu nó. Anh liếc xuống, nhác thấy con Xuân có chút cà nhắc. Di chứng năm xưa vẫn còn, vĩnh viễn không rời con bé.

    - Có quà cho mày. – Lưu Cơ đưa một bọc lá cho con Xuân – Kẹo hồ lô của người phương Bắc. Ăn mau chóng lớn!

    Nghe thế, con Xuân tí nữa nhảy cẫng. Thấy Dương hậu lừ mắt, nó cả kinh, vội từ chối. Lưu Cơ phì cười đoạn dúi bọc lá vào tay con bé, sau đẩy nó đi. Con Xuân vừa sợ vừa mừng, ra cửa lập cập vấp chân đau nhưng vẫn rú lên vui sướng. Dương hậu và Lưu Cơ ngồi trong mà nghe rõ mồn một. Dương hậu lắc đầu:

    - Mai phải cho nó ăn roi thôi. Giống bất trị.

    - Nó sống tới giờ đã là điều may, lệnh bà chớ nghiêm khắc quá. – Lưu Cơ nói – Cung đình sau này sẽ chẳng còn người như nó nữa.

    - Nó vẫn nhớ ngài, thi thoảng lại nhắc. – Dương hậu nói – Ngài dùng gì? Trà hay nước vối?

    - Nước vối, thưa lệnh bà. – Lưu Cơ đáp.

    - Vẫn như cũ?

    Dương hậu hỏi, miệng mỉm cười. Lưu Cơ nhận ra nét cười ấy, bèn quay đi, đáp khẽ:

    - Vâng, vẫn như cũ, thưa lệnh bà.

    Dương hậu rót nước vối, nước gần tràn miệng cốc. Chẳng ai bất nhã như vậy, hạ nhân cũng không uống như thế. Nhưng đó là thói quen của Lưu Cơ, nàng vẫn nhớ rõ. Một thói quen sinh ra từ nỗi ám ảnh. Những ngày nàng cùng Lưu Cơ thu thập tin tình báo phía bắc, có đợt khát cháy cổ ba ngày mà không tìm ra nước. Tới khi tìm được nước, Lưu Cơ uống một chặp dài tưởng chừng muốn vỡ bụng. Sau bận ấy, nỗi sợ khát bám theo Lưu Cơ, thành thử mỗi lần uống nước phải rót thật đầy.

    Sống sót sau chiến tranh, ai cũng mang nỗi sợ.

    Uống hết nước vối, Lưu Cơ đặt cốc lên bàn, khẽ đẩy về phía trước rồi chụm bàn tay trong lòng. Ngoại trừ thói quen bất nhã, anh đều cân nhắc cẩn thận mọi cử chỉ. Dương hậu nén cái thở dài. Nàng quen anh quá lâu, không gần gũi giống chúa thượng nhưng là đồng cam cộng khổ, mọi sự đều cùng nhau nếm trải. Nàng muốn gọi anh là “cậu đuôi dế” như ngày trước. Những thứ “lệnh bà” hay “ngài” giữa hai người thực tình chẳng quen, thậm chí gai mồm. Nhưng trông Lưu Cơ như thế, nàng đành bỏ ý định. Làm quan phải nghiêm cẩn. Cái chức đô hộ phủ sĩ sư dưới một người trên vạn người lại càng phải nghiêm cẩn. Nàng không thể làm Lưu Cơ khó xử. Thời chiến đã xa lắm rồi.

    Thời gian đẹp cũng qua lâu rồi.

    - Đại quan dạo này thế nào? Em trai của ngài...

    - Thưa, mấy chuyện này, lệnh bà đã nghe cả rồi. – Lưu Cơ đáp – Chúa thượng nói với tôi rằng khi tôi gặp ngài, lệnh bà ở trên gác mái đã nghe tất cả.

    - Ồ, vậy sao? – Dương hậu ngạc nhiên – Thật ngại quá! Mong ngài hiểu, đây là chủ ý của chúa thượng.

    - Vâng, thưa lệnh bà, là chủ ý của chúa thượng. Ngài ấy làm vậy là có lý do. Sự thể thế nào, lệnh bà đã nghe cả. Nay tôi đến quấy quả vài chuyện, mong lệnh bà không phiền. Xin hỏi trong cung dạo gần đây có chuyện bất thường không? Lệnh bà cai quản việc cung, hẳn sẽ rõ phần nào.

    Dương hậu nhác thấy Lưu Cơ đã thay đổi thái độ. Người đàn ông đó gặp đàn bà thì hiếm khi nhìn thẳng thậm chí bối rối, nhưng vào việc thì khác hẳn. Trước mặt nàng là một đô hộ phủ sĩ sư cai quản toàn bộ nội sự xứ Nam, nắm quyền sinh sát toàn bộ dân chúng lẫn quan lại. Hít một hơi, Dương hậu đáp lời:

    - Ta ở đây không thấy chuyện bất thường. Các hậu hằng ngày an tọa trong cung, gặp việc thì chung tay giúp đỡ. Duy chỉ có Kiều Quốc tính nết khác thường, thường đi lại trong cung ban đêm. Chúa thượng biết chuyện này. Đám hạ nhân cũng báo lại hậu ấy chỉ dạo bộ, không có gì khác thường. Chắc ngài cũng không lạ hậu ấy. Xưa nay Kiều Quốc hậu cổ quái, trừ chúa thượng ra, mọi người đều khó lại gần.

    - Vâng, tôi vẫn nhớ. Vậy việc cung hoàn toàn bình thường? Không điểm sơ sót?

    Dương hậu thở dài. Nàng bèn gọi con Xuân thắp đuốc kiểm tra cửa nẻo, lại gọi đám nô tì nội hầu đi tuần quanh cung. Thấy khoảnh sân rực sáng ánh lửa, Dương hậu bấy giờ mới tạm an tâm, sau nói khẽ:

    - Thói quen cũ, mong ngài bỏ qua. Ngài vẫn nhớ chứ? Những năm làm thám báo, chúng ta vẫn thường ẩn thân ở gác mái hoặc xó nhà để nghe lỏm tin tức. Giờ hãy thẳng thắn với nhau. Ngài nghi ngờ Đan Gia?

    Lưu Cưu cúi đầu trả lời:

    - Làm bầy tôi cho chúa thượng, tôi phải tận sức. Một chút nghi ngờ cũng không bỏ qua. Như lệnh bà biết, Đinh Hoàn chết không bình thường. Cậu ấy bị người ta giết. Tôi cũng không dám chắc hoàng thúc chết đuối hay bị người ta ám toán. Tôi đã cử người điều tra. Nếu hoàng thúc bị ám toán thì đây không phải trùng tang mà là một âm mưu nào đó.

    - Vậy cớ gì lại là Đan Gia? – Dương hậu hỏi.

    Lưu Cơ đặt tay lên bàn, cúi người nói:

    - Tôi được phúc phận theo lệnh bà thời chinh chiến, chúng ta đều biết rõ nhau, vậy xin nói thẳng. Đan Gia vốn là vợ Nam Tấn Vương. Con trai hậu ấy, Ngô phò mã là con đẻ của vương. Chúa thượng vốn là đánh thiên hạ của họ Ngô mà giành lấy, chuyện ai cũng rõ. Nói khí không phải, người họ Ngô ngoài mặt quy thuận chứ tâm can chẳng phục triều đình. Dù rằng chúa thượng đã lấy Đan Gia, lại gả con gái cho Ngô phò mã, nhưng hôn nhân là không đủ. Bất hòa là có. Người ta bây giờ vẫn nhớ tiền triều, kể cả các tướng các quan.

    - Ngài nhớ tiền triều không?

    - Thưa, chỉ nghe các tiền bối kể lại, thực tình không nhớ nhung. Nhưng cái ơn của Ngô Vương, nào ai dám quên? – Lưu Cơ lắc đầu – Nhờ Ngô Vương đại phá quân Nam Hán, người Nam ta mới ngẩng đầu.

    Dương hậu ngẫm nghĩ. Nàng cũng như Lưu Cơ, không biết nhiều về tiền triều, chỉ được nghe các bậc lão phụ kể về Ngô Vương. Ơn của Ngô Vương lớn, người Nam ghi tạc vào tim rồi thề phải nói cho con cháu nghe đời này qua kiếp khác. Bây giờ thiên hạ là của hoàng đế nhưng người ta vẫn nhớ Ngô Vương. Chẳng vậy mà bá quan triều đình nhất loạt tôn kính Đan Gia, không một lời mạo phạm. Chiến tranh qua đi, họ Ngô vẫn được địa vị lẫn tiếng thơm.

    - Đan Gia có khí lượng đáng nể, chỉ bằng lời nói mà trấn an con em họ Ngô. – Lưu Cơ tiếp tục – Bà ấy năm xưa biết cân nhắc nặng nhẹ, nên tránh giao tranh với chúa thượng. Nhược bằng với tiềm lực họ Ngô, đánh với chúa thượng thêm nhiều năm cũng không ngại. Hồi đó Ngô phò mã quản Ngô thị nhưng người đứng đầu thực chất là Đan Gia. Xét cái chí cái tâm, bọn đàn ông xách dép chạy theo Đan Gia không kịp. Còn nữa, Ngô phò mã là con đẻ Nam Tấn Vương, đích xác là cháu ruột Ngô Vương. Thiên hạ của cha ông bị mất, há nào Ngô phò mã chịu phục?

    - Nói vậy, ngài thực sự nghi ngờ Đan Gia và Ngô phò mã?

    Lưu Cơ hơi gật đầu xác nhận. Anh tự mình rót nước, lại rót cho Dương hậu, đoạn nói:

    - Dạo gần đây, thương nhân phương Bắc bắt đầu quay lại phủ Đại La. Tôi trấn phủ, cũng nghe được dăm ba chuyện. Họ nói vua nước Nam khinh mạn, dám tự xưng hoàng đế, thiên tử biết chuyện nên rất tức giận nhưng mải việc nội trị nên chưa hạch tội. Tống triều bên đó thanh thế đang cao, lại thích sĩ diện. Năm năm tới họ không đánh, mười năm tới cũng không đánh, nhưng sau đó thì chưa chắc. Người phương bắc làm chủ xứ Nam lâu, từ khi bị Ngô Vương hất cẳng đã tỏ ra khó chịu.

    - Ý ngài là sao? Ta thực chưa hiểu lắm? Nó liên quan gì tới Đan Gia và Ngô phò mã?

    - Lúc còn tại thế, Ngô Vương từng qua lại thư từ với Nam Hán. Tuy không phải các công văn chính thức nhưng cũng bàn việc công, tính ra Nam Hán đã thừa nhận Ngô Vương. Tướng Phòng Át đã xác nhận với tôi chuyện này, ông ấy phục vụ tiền triều, lời đáng tin. Nam Hán nay đã mất, Tống triều lên nhưng hẳn vẫn giữ lại thư từ văn bản cũ. Tống triều có thể lấy cớ đó để gán danh “phản tặc” cho chúa thượng. Chinh phạt chư hầu để gìn giữ lễ tiết, người phương Bắc xưa nay luôn giỏi chuyện này.

    - Ta ngu muội, không biết việc nước. – Dương hậu đáp – Nhưng chuyện này... có lẽ chúa thượng cần sự chính danh.

    Lưu Cơ gật đầu:

    - Lệnh bà sáng suốt. Tôi cũng tâu với chúa thượng rằng trong những năm tới phải đưa người qua giao hảo với Tống triều. Ngài đã chuẩn y. Có danh chính ngôn thuận, người họ Ngô không thể nói gì nữa. Nhưng cho tới lúc đó thì nguy cơ vẫn còn. Vậy nên mong lệnh bà để ý chốn hậu cung, nếu có điều bất thường, xin hãy báo cho tôi.

    Dương hậu chẳng biết nói sao. Nàng vừa kính vừa yêu Đan Gia, hai bên qua lại rất tốt, nay phải làm việc khuất tất, thực tâm chẳng đành lòng. Nhưng Lưu Cơ đã ngỏ lời tất chuyện không nhỏ, mà lại liên quan tới hoàng đế. Suy tính kĩ, nàng trả lời:

    - Hai ngày nữa là Tết Trung Thu, xin đại quan đợi tới lúc đó, ta sẽ hồi báo.

    - Đội ơn lệnh bà. – Lưu Cơ nói – Còn một việc nữa tôi muốn thỉnh cầu. Tôi đang điều tra vụ án của Đinh Hoàn, cần người thu thập tin tức thành thạo. Dùng người của phủ thì không tiện, mà dùng lính đánh thuê hay thám báo khác thì không tin tưởng. Tôi muốn mượn đội thám báo cũ của lệnh bà.

    Dương hậu thở dài, ánh mắt lạc ra ngoài cửa cung. Nàng nói:

    - Giờ chỉ còn con Xuân theo ta. Thu chết lâu rồi, trận thành Đỗ Động. Đông thì bỏ đi đâu không rõ, ta cho người tìm mà không được. Giờ chỉ còn Hạ, nhưng Hạ lấy chồng rồi, ta không muốn phiền nó. Cơ mà việc trọng đại, ta sẽ gửi thư cho Hạ, chỉ là không hứa với ngài rằng con bé sẽ đồng ý. Đợi Tết Trung Thu, ta sẽ báo lại cho ngài.

    - Đội ơn lệnh bà. Tất cả chỉ vậy thôi, không dám phiền lệnh bà nữa.

    Dương hậu cười:

    - Đại quan cần, ta sẽ giúp. Ấy là việc phải làm. Mà ta nghe nói ngài vẫn chưa lập thất?! Vậy ngài tính bao giờ mời ta và chúa thượng ăn cỗ?

    Lưu Cơ lặng thinh. Không còn là đô hộ phủ sĩ sư nắm quyền sinh sát, anh quay lại dáng vẻ bối rối. Người Nam xưa nay thích hỏi chuyện vợ chồng con cái, bản thân anh lại ít khi đề cập. Nó bắt nguồn từ chính Lưu Cơ khi bản thân anh có một giấc mộng không thành. Sau ngày giấc mộng bất thành đó, anh không còn hỏi người ta việc lập thất sinh con nữa. Chuyện riêng tư, anh nghĩ vậy.

    - Tạ ơn lệnh bà hỏi thăm. Tôi nhiều công lắm việc, tư chất cũng kém cỏi, chưa tính chuyện lập thất. – Lưu Cơ đáp.

    - Ta từng nói tiền đồ của đại quan xán lạn, đàn bà khôn chắc chắn chọn ngài. Hay ta hỏi thử chúa thượng tìm cho ngài, nhé?

    - Thưa, không dám. – Lưu Cơ cúi đầu – Việc còn nhiều lắm, tôi xin phép đi ngay, không phiền lệnh bà nữa.

    Nói rồi anh cúi đầu tạ từ. Dương hậu gật đầu rồi tiễn anh ra cửa. Lúc đi, nàng vô tình ngước lên bầu trời. Trời đêm xứ Nam đầy sao, rực rỡ hơn cả những ánh đuốc đang thắp sáng dưới Ca Cung. Nàng chợt nhớ những năm tháng binh đao, khi mình cùng Lưu Cơ băng rừng lội suối trong đêm. Cũng bầu trời thế này. Năm tháng thay đổi, chỉ duy trời không đổi.

    - Khi nào cậu đuôi dế lấy vợ, ta nhất định sẽ đến. – Dương hậu buột miệng – Ốm liệt giường cũng đến!

    Nghe thế, Lưu Cơ dừng chân. Anh không nhớ lần cuối nghe tên “cậu đuôi dế” là khi nào. Cũng chẳng còn ai gọi anh như vậy. Giờ người ta cúi rạp trước anh, kính cẩn thi lễ, lời lẽ rặt những ngôn từ khô cứng. Anh ngửa mặt nhìn bầu trời đầy sao. Trời vẫn không đổi sau bao năm tháng.

    - Thưa, lòng nhiều chuyện cũ, chưa dứt được. – Lưu Cơ đáp – Lấy vợ rồi chỉ sợ khổ người ta.

    - Chuyện cũ lâu dần sẽ quên thôi. – Dương hậu nói.

    - Thưa, e rằng cả đời khó quên. Tôi kiếp này vướng nợ rồi, thôi đành đợi kiếp khác.

    Lần này tới lượt Dương hậu lặng thinh. Lưu Cơ cúi đầu chào trả rồi lui bước. Anh bước vào màn đêm, chân nặng như chì, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu ngắm trời đêm. Trời trêu ngươi anh, cho anh gặp cố nhân, tặng anh màn đêm đẹp nhưng lại khiến anh mơ giấc mộng bất thành. Trời xứ Nam chưa bao giờ hết đẹp cho những câu chuyện dang dở.

    “Có bao giờ chị nhìn tôi không? Dù chỉ một lần thôi?”

    “Chiến tranh, đàn bà chỉ thấy lưng đàn ông. Cậu cũng vậy, chỉ quay lưng về phía tôi thôi, cậu đuôi dế. Cậu đi miết, đã bao giờ ngoảnh đầu nhìn người ta ra sao? Người ta khóc, có lẽ cậu cũng chẳng biết.”

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Phản hồi, bình luận và ủng hộ tại fanpage: https://www.facebook.com/thanhdadoanca
    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-08-2019 lúc 14:51.

    ---QC---


Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status