TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 3 của 3 Đầu tiênĐầu tiên 123
Kết quả 11 đến 15 của 15

Chủ đề: [Việt Nam] Sừng Rượu Thề - Nghiêm Đa Văn

  1. #11
    Ngày tham gia
    Aug 2014
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    11,219
    Xu
    29,733

    Mặc định


    Chương 8




    Biên thuỳ Hoa Hạ một lần nữa lại xáo động vì tin sứ thần Giao Chỉ sang báo tin buồn về việc vua Lý Thánh Tông băng hà và xin cầu phong kết hiếu của vua Nhân Tông, có mang theo làm cống vật những hai con kỳ lân trắng. Kỳ lân đã là con vật huyền thoại thần thánh chỉ thấy có ghi trong kinh truyện cổ từ đời Tam hoàng ngũ đế, Xuân thu chiến quốc. Mà đó là loại kỳ lân thường mà thôi. Nói thế chứ những kẻ hậu học sau này, học sách thánh hiền thấy có nói là kỳ lần da dày như áo giáp, só sừng giữa trán, đứng oai nghiêm, chân to như cột cung điện, cứng như đúc bằng thép nguyên khối…. Đó là sách nói, chứ thật ra chẳng ai được tận mắt nhìn thấy hình thù con kỳ lân như thế nào cả. Mà ngay cả người chép sách cũng chưa chắc được tận mắt nhìn thấy con kỳ lân để mà tả đâu. Họ chỉ mới nghe lời đồn đại của những bậc lão thành, những kẻ viễn thương, và đọc trên các chữ ghi ở mai rùa xương thú, hay trên những chữ khắc tre khắc trúc gọi là thanh sử, thanh kinh.

    Kỳ Lân quý như thế, hiếm đến thế lạ lùng kỳ ảo đến thế, thì hỏi tại sao khi nghe tin đoàn sứ giả Giao Châu có mang cống kỳ lân cho triều đình mà dân dã và các nhà nho khứp nơi không kéo nhau lũ lượt về trảy kinh để rình đón xem cho bằng được. Các nhà trạm trên dọc con đường thiên lý từ châu Vĩnh Bình hướng về Biện Kinh, không nhà trạm nào không tụ tập có đến hàng ngàn người đón đường đoàn sứ giả Giao Chỉ…

    Chánh sứ lần nàylà quan thị lang Lý Hoài Tố… Tòng chánh sứ là một vị hoà thượng có pháp hiệu là Cần Giác thiền tông. Đoàn sứ giả đông đến hơn một trăm người ngựa. Đoàn sứ giả kỳ này là đoàn sứ giả đông nhất, hùng hậu nhất kể từ khi vua Lý Công Uẩn lập nước và đặt mối quan hệ bang giao đối với nhà Tống. Trước đoàn sứ giả này tính tất cả các nhà vua Lý đã cắt cử đến hai mươi ba đoàn sứ giả khi thì kết hiếu, xin cầu phong khi thì báo thắng trận, khi thì báo tin buồn, khi lại tạ ơn… Chừng ấy đoàn sứ giả đoàn nào nhà Lý cũng soạn đồ cống chu đáo, nào ngọc vải vàng lụa, nào châu báu kim cương, khi thì ngựa quý, khi lại voi trắng… Đã mấy lần vua Lý định cống kỳ lân, nhưng khi đưa tín thư ra qua biên ải để xin vào nội địa, thì nhà vua Tống nghe lời các quần thần tâu bày đều hạ chỉ không cho mang kỳ lân vào nội địa Trung Nguyên.

    Mặc dù vua Tống các đời cứ nghe thấy kỳ lân trong danh mục các vật cống là lại thèm khát tò mò, muốn tận mắt xem hình thù cái con vật mà sách vở thánh hiền coi như vật thiêng cứ sáu trăm năm may ra mới xuất hiện một lần. Quái sao, cái xứ Giao Châu nhỏ bé làm vật thiêng đến thế. Nghe nói ta dùng con rồng làm biểu tượng thiên tử thì bên kia cứ mỗi lúc có việc gì là lại tin báo sang triều Tống rằng nhà vua Lý gặp rồng vàng xuất hiện. Rời đô, gặp rồng vàng, cày ruộng tịch điền cũng gặp rồng vàng, đi tuần, đi đánh giặc cũng gặp rồng vàng… Rồng ở bên ấy có nhẽ nhiều như cá chép, cá anh vũ hay sao mà gặp dễ đến như thế… Hay là bọn tôi con nhà Lý có chân mạng thiên tử cũng nên, có như thế thì trời mới báo điềm lành liên tiếp như thế chứ… Nghĩ vậy, cả vua đến quan nhà Tống đều bán tín bán nghi, nửa lo nửa tức… Hết rồng vàng lại kỳ lân… Trong sáu mươi năm qua, ít nhất cũng đã ba lần đoàn sứ bộ Giao Chỉ xin cống kỳ lân. Nhưng không lần nào vua Tống nhận cả. Lần này, bàn về các vật cần mang sang cống, Tiết chế tể chấp Lý Thường Kiệt cho gọi lái buôn Lý Chăm vào phủ đệ và dạy rằng:

    - Ngươi là dân buôn, lắm mưu nhiều mẹo, ngươi thử nghĩ xem có kế gì đưa được cặp kỳ lân trắng vào đất Trung Nguyên như một vật cống hay không?

    - Dạ thưa, kỳ lân trắng nào ạ?

    - Đôi kỳ lân trắng mà dân đình ba châu Ma, Bố, Đại mới nhập vào biên thùy nước ta cống hiến triều đình ấy mà…

    - Theo tôi biết, thì kỳ lân là loại tê ngưu, dân trong vùng miệt nam thuỳ nước ta còn gọi là con tê giác, hay con tây ngưu. Gọi là tê giác, vì nó có sừng ở giữa trán. Còn gọi là tây ngưu vì người ta cho nó là trâu rừng phía tây. Mà gọi là tê ngưu vì là ý gọi theo lối gọi tượng hình, chỉ một con có hình dáng hơi giống con trâu, nhưng ở trên mình lại có vẩy như vẩy tê tê… Nếu đúng là loại này, thì đó là loại thú cô độc, không bao giờ đi kiếm ăn đôi hay kiếm ăn đàn. Vì lẽ đó không thể bắt được một đôi tê ngưu… Vậy khi cống hiến ta cũng không nên cống hiến thành cặp, không gọi là một đôi mà phải gọi là hai con tê ngưu, hiện ra ở hai nơi khác nhau như thế mới đúng.

    Lý Thường Kiệt gật gù thầm khen sự hiểu biết quảng bác của gã lái buôn phiêu lãng này, ông chậm rãi trả lời:

    - Ừ thì ta sẽ dặn dò các quan lo việc tu cống tham bác ý của nhà ngươi… Nhưng đó không phải là điều ta cần hỏi nhà ngươi, Điều ta muốn nhà ngươi trả lời ta là làm thế nào để đưa cống vật vào đất Trung Nguyên được. Có thế thôi…

    Lái buôn Lý Chăm tươi ngay nét mặt:

    - Thế là kẻ hèn này hiểu rồi… Chắc hẳn triều Lý ta đã ít nhiều lần gửi kỳ lân sang cống, nhưng không được nhận.

    - Đã ba lần… ba lần triều ta xin cống kỳ lân…

    - Vâng kẻ hèn này cũng đoán ra rằng, ba lần triều cống kỳ lân cũng với ý ngầm bảo cho nhà Tống biết rằng phương Nam sinh ra thánh nhân nên mới có kỳ lân xuất hiện có phải không ạ…

    Lý Thường Kiệt im lặng nhìn sâu vào đáy mắt ranh mãnh của gã lái buôn rồi lắc đầu:

    - Đoán già đoán non là việc của nhà ngươi… đâu phải việc đại sự của triều đình.

    Lý Chăm lắc đầu cười tinh quái:

    - Tướng quân không muốn trả lời là có hay là không, đó là quyền của bậc làm tướng… Còn kẻ hèn này đâu dám nài được phép biết… Nhưng việc này chắc … tướng quân không dè xẻn lời để cho kẻ này biết rằng có lần nào nhà Tống nhận kỳ lân hay không ạ?

    - Không một lần nào…

    - Bên triều Tống không nhận có nói ra nguyên cớ hay không…

    - Cũng có nại ra 1 nguyên cớ… như là…

    - Xin tướng quân cho kẻ hèn này được đoán chăng… (rồi không chờ được cho phép, Lý Chăm nói luôn) : Chắc hẳn lần nào sứ nhà Tống cũng trả lời là chưa chắc đã phải kỳ lân thật hiện lên, nên bản triều không nhận… Có đúng thế không, thưa tướng quân.

    - Nhà ngươi đoán đúng… đoán đúng… Họ không cho là kỳ lân có thật hiện ở phương nam, vì nếu họ cho là có thật thì các bậc thâm nho đã từng tin ở sách thánh hiền sẽ tin là ở phương Nam đang có điềm lành sinh thánh…

    Lúc này Lý Chăm mới chậm rãi khẳng định theo ý riêng của mình ngay trước mặt vị quan đứng đầu triều, không chút kiêng nể:

    - Như thế là lần này, ý tướng công muốn bằng cách nào mang con kỳ lân trắng của ta, đặt vào giữa Trung Nguyên để chứng tỏ cho người Trung Nguyên và các văn thần triều Tống biết rằng ở phương Nam ta đây đang có điềm hưng thịnh… Nếu đúng là kỳ lân hiện báo điềm sinh thánh thì đừng có chê Càn Đức tám tuổi làm vua… Biết đâu vua Càn Đức ra đời là do điềm báo của kỳ lân trắng hiện… Có phải thâm ý của tướng công muốn làm cho tâm trí đám hủ nho bên triều Tống vốn quen điều ngụy tín phải bối rối trước con tê giác trắng xuất hiện ở phương Nam mà nhụt một phần nào cái mộng bành trướng.

    - Nhà ngươi nói đúng… như vậy nhà ngươi có cách nào mang con kỳ lân vượt qua quan ải đi vào nội địa Trung Nguyên hay không?

    Lý Chăm trầm ngâm:

    - Kỳ lân là một con vật quá to, không thể giấu như giấu một thanh gươm… kể cũng khó thật… khó thật. Nhưng nếu con kỳ lân của chúng ta mà vào được đất Trung Nguyên làm xôn xao trong dân chúng thì vui biết mấy… vui biết mấy… khoái biết mấy…

    Lý Thường Kiệt trầm giọng:

    - Nhà ngươi đừng nên vui vội… vì nhà ngươi sắp phải gánh một gánh nặng trách vụ mà bao người chưa hề một lần làm nổi… Đó là nhà ngươi phải bằng cách nào mặc nhà ngươi phải đưa bằng được con kỳ lân vào đất Trung Nguyên, làm náo động Trung Hoa vì tin có kỳ lân trắng xuất hiện ở phương Nam, đó là việc của nhà ngươi… Để làm việc này, ta có thể thăng cho nhà ngươi chức phó sứ, tòng chánh sứ… Đó là điều duy nhất ta có thể giúp nhà ngươi trong cái phận sự vô cùng khó khăn này…

    Và bây giờ, thì đúng như điều mong muốn của Tể chấp tiết chế Lý Thường Kiệt, cả miền Hoa Hạ đất Trung Nguyên bị rung động vì cái tin ở phương Nam xuất hiện kỳ lân trắng. Và con lỳ lân trắng xuất hiện cả đôi đang được sứ thần Giao Chỉ dẫn sang cống vua nhà Tống… Người ta lũ lượt đi đón đường đoàn sứ giả Giao Chỉ để được tận mắt xem hình thù con kỳ lân huyền thoại ra sao. Nó có giống thật cái con kỳ lân mà các sử sách thi thư mô tả hay không? Tin này truyền về triều đình làm cả bá quan văn võ vô cùng bối rối. Phe cựu học rất mê tín, nghe thấy đúng là sứ giả Giao Chỉ mang cống kỳ lân cộng thêm với sự xuất hiện của ngôi sao chổi lớn: Xuất hiện ở chòm sao Chẩn, đuôi sao lại trỏ về chòm sao Thái Bạch; Tất cả những triệu chứng này các nhà nho tin ở điều dị đoan đều đoán là phương Nam có điềm sinh thánh và sẽ gây ra những biến động dữ dội và sẽ thắng…

    Vua Tống Thần Tông hốt hoảng sai bắt tên quan coi việc sứ quán hạch tội, bắt phải trình mọi việc. Viên này thưa rằng:

    - Việc sứ đoàn của Giao Chỉ đến, kẻ hạ thần này vẫn giữ đúng lệ của bệ hạ truyền, nghĩa là bắt đợi ở ngoài quan ải, rồi bắt đệ trình danh tính sứ giả và tùy tòng cùng danh mục các thứ vật cống để xét duyệt…

    - Thế ngươi xét duyệt thế nào để cho chúng nó mang lọt con tê giác kỳ lân vào đất Trung Nguyên gây nên bao điều dị đoan rối loạn.

    - Bẩm muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần có thấy tên tê giác kỳ lân trong danh mục các vật cống đâu ạ… Trong danh mục chỉ có để là cống hai con tây ngưu… là một loài trâu lạ, da dày, có sừng, lông trắng… Sống trong rừng phía tây của xứ Đại Việt… mới xuất hiện, nay bắt được dâng lên thiên tử để tỏ lòng hiếu thuận… Chính chúng con đã để vào sớ tâu lên, và bệ hạ phê chuẩn cho mang vào nội địa cùng sứ đoàn.

    Vua Tống Thần Tông sững người… Thế ra chính mình đã y chuẩn để cho bọn sứ giả Man Giao kia mang con vật lạ vào trong nước. Tư Mã Quang thì cứ lẩm bẩm:

    - Nó tả hình dạng thì có vẻ tả một con trâu rừng… da dày, có sừng… Nhưng da dày như thế nào chứ… Sao chúng mày không hỏi… Da dày mọc thành vảy như vẩy tê tê như áo giáp sắt, có sừng nhưng sừng mọc ở giữa trán và cứng mạnh thì đúng là kỳ lân đứt đuôi rồi còn gì nữa… Việc này thật thậm tai thậm hại… Bọn man dân lừa ta rồi…

    Tống Thần Tông lo lắng:

    - Thế bây giờ phải làm ra sao đây để dẹp cơn xôn xao như sóng biển tràn… vì cái sự việc kỳ lân xuất hiện ở phương Nam… Rối loạn nhân tâm tín… rối loạn nhân tâm lắm.

    Tư Mã Quang vã mồ hôi than thở rằng:

    - Việc này thật sự nguy hiểm… nguy hiểm… Chí có Vương tể tướng mới có thể khu sử một cách êm thấm kín nhẹm mà thôi, chứ đám chúng tôi, sở kiến hẹp hòi làm sao mà xử đối với việc lớn thế này. Từ lâu chúng ta tin vào kinh sách nói rằng kỳ lân hiện thì có điềm lành, tất điềm sinh thánh nhân… Kỳ lân ở xứ ta ít khi hiện lên lắm. Bảy trăm hai mươi năm mới may ra có một lần hiện kỳ lân… một lần hiện rồng vàng… Lần trước đây hơn ngàn năm một lần ký lân đã xuất hiện trên cánh đồng cỏ chi nước Lỗ… Nhưng đó là một con kỳ lân què… Ứng với điềm này Khổng phu tử 2 ra đời… sinh thánh… Đấy mới chỉ là kỳ lân què thôi… Đằng này kỳ lân chúng mang sang ta, có đủ cả bốn chân… Không những không què mà lại là kỳ lân trắng… Không những một con mà lại là hai con… Cứ đà này, chúng dám bắt cả rồng vàng nhốt vào cũi mang sang đây cống ta để cho dân Tống phải hoảng hồn khiếp sợ mất… Kẻ hạ thần mong bệ hạ xuống chỉ đòi Vương An Thạch về triều phục chức đó đặc trách khu xử việc này cho êm… Dù họ Vương đã giũ tay khỏi việc triều chính…

    Thế là anh chàng nhà buôn Lý Chăm cạo trọc đầu giả trang làm nhà sư Cần Giác thiền tông đã thắng một mẹo nhỏ chỉ có những lái buôn chuyên lo việc khai man lậu thuế, trốn thuế mới láu lỉnh nghĩ ra mà thôi. Trước đây khi xin cống kỳ lân, triều đình nhà Tống biết nên ngăn cấm bằng cách không nhận và không cho là thật. Lần này, dựa trên cơ sở những người dân Trung Hoa chưa một lần trông thấy con kỳ lân thật ra sao, chỉ nghe phong thanh trong huyền thoại và trong sách vở thánh hiền. Vì thế muốn đưa kỳ lân thật vào đất Trung Nguyên, Lý Chăm nghĩ ra kế đổi tên của con kỳ lân đi. Không gọi là kỳ lân nữa, mà gọi là con tây ngưu. Những tên mọt sách nho thần và những viên lại thuộc yên trí là Giao Chỉ bắt được một loại trâu rừng lạ ở rừng tây mà thôi. Đến các quan đầu triều và cả Thần Tông cũng bị anh chàng lái buôn người kẻ Cời lừa. Khi con trâu rừng tây vào đến trạm Uất Giang cạnh thành Ung Châu thì nhà sư Cần Giác thiền tông mới mở cỗ chay mời các nhà sư và các vị hòa thượng trong vùng thết đãi sang trọng… Trong tiệc rượu, nhà sư Cần Giác thiền tông mới hé lộ ra là trong các cống vật của mình có một con thú lạ. Dân miền sơn cước quen gọi là con tây ngưu, tức trâu rừng tây. Nhưng càng ngắm nó càng đọc sách của đạo nho càng thấy nó có hình dáng đúng in như con kỳ lân hiện ờ cánh đồng nước Lỗ báo điềm sinh thánh Khổng Tử… Các nhà sư không uống rượu mấy, nay dự cỗ chay theo phái tiểu thừa, cũng nhấp một vài giọt cho nên quá say sưa. Và vì thế mà khi kéo nhau ra xem con tê giác thì tròn mắt dẹt hoảng hốt. Nhà sư vốn là gã lái buôn ranh mãnh cải trang, lại bày trò đốt trầm quanh cũi, xát gỗ mục lên vảy da phản chiếu ánh lân tinh huyền ảo… Thế là một đồn mười, mười đốn trăm cứ loang ra mãi… cái tin người Giao Châu thấy kỳ lân hiện ở phương Nam bắt về nộp cống triều nhà Tống mà không biết đó là kỳ lân thật… Các nhà sư nước Đại Tống cứ tranh nhau vỗ ngực đôm đốp mà cãi rằng, nếu mà không có mỗ đây am hiểu, mách bảo cho mà biết thì đám sứ giả Man Giao làm sao biết được chính chúng đã bắt được kỳ lân…

    Kỳ lân hiện cùng bao nhiêu huyền thoại về thánh sinh ở phương Nam cũng được tung ra làm náo động đám dân Hoa Hạ tràn lên khắp Trung Nguyên làm nao núng lòng người…

    Phải triệu nguyên Tể tướng Vương An Thạch ra mới dẹp được cơn sóng nguy hiểm về chuyện kỳ lân xuất hiện ở phương Nam, phương Nam hưng thịnh, phương Nam sinh thánh… Vương An Thạch đã xin vua Tống coi như không phải cái con vật mà dân gian gọi là kỳ lân đúng là kỳ lân thật. Đó chỉ là một thứ thú lạ, một thứ dị thú… không được phép đưa đến kinh đô… Sai quan kinh lược Hồ Nam phải nhận con thú lạ ấy nhốt lại để tránh hậu họa cho dân Trung Nguyên…

    Tin này được truyền đến Thăng Long. Tiết chế Lý Thường Kiệt xoa cái đầu trọc của nhà sư giả họ Lý tên Chăm mà cười ha hả:

    - Thế là con thú một sừng đã mở cuộc tấn công đầu tiên vào triều đình nhà Tống…

    Lý Chăm cau có:

    - Xin tướng công chớ cười… khi tôi phải khóc… tôi khóc vì biết bao giờ tóc tôi mới mọc dài như cũ để tiếp tục bôn ba hồ hải buôn bán đây đó… Bây giờ như anh chàng nhà sư phá giới buôn bán với cái bộ dạng này thì ai tin cơ chứ… Mà buôn bán có luật lệ riêng của nó, bao giờ cũng lấy chữ tín làm trọng…

    Lý Thường Kiệt vẫn cười ha hả:

    - Ta cũng cần chữ tín của nhà ngươi… và cần cả cái đầu trọc của nhà ngươi nữa… Vì nhà ngươi còn phải sang Tống lần này dưới lớp áo cà sa… Ta cần nhà ngươi… cần nhà ngươi… Nếu nhà ngươi nuôi tóc dài thì đầu nhà ngươi sẽ mất chứ không phải chỉ có mấy sợi tóc mà thôi đâu, bởi là người Tống sẽ nhận ngay ra nhà ngươi là gã lái buôn Lý Chăm đã bị truy nã từ mấy năm nay…

    --------------------------------
    1 Nại ra: tiếng cổ, có nghĩa như đưa ra.
    2 Khổng Tử: nhà tư tưởng cổ Trung Quốc.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---
    Nhân sinh vô hối nhập Touhou
    Kiếp sau nguyện sinh Gensokyo


  2. #12
    Ngày tham gia
    Aug 2014
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    11,219
    Xu
    29,733

    Mặc định


    Chương 9




    Có một bức mật thư, bọc trong sáp ong, thời đó gọi là lạp thư, được một thủ hạ của phò mã Thân Cảnh Phúc là Nùng Tông Đản cưỡi ngựa suốt đêm ngày từ biên thùy đất động Thất về kinh đô Thăng Long. Thư gửi thẳng cho nhà vua triều Lý. Nhưng vua cho đòi Lý Thường Kiệt và nhiếp chính Ỷ Lan vào thương nghị. Lá được bóc khỏi vỏ sáp vàng. Thư được viết trên một vuông lụa bạch. Trong thư viết rằng: “Tiên đế của đại vương là người Man Bách Việt. Tôi nghe nói các công hầu khanh tướng người Giao chỉ nhiều người cũng có gốc tích từ đất Bách Việt. Bá Tường này tài lược không kém người, nhưng không được vua Tống trọng dụng. Vậy xin quay đầu giúp đại vương. Bá Tường nay ở trong lòng đất Tống, nghe biết vua quan nhà Tống đang ráo riết tụ quân tích lương thảo để phát binh đánh diệt Giao Chỉ. Chẳng lẽ Giao Chỉ nằm yên như con mồi chờ thợ săn đến đánh bắt giết chết ư?”

    Lúc ấy, vua Nhân Tông đã xấp xỉ mười tuổi và đã tỏ ra là một cậu bé có khí chất thiên tử. Nghe đọc thư, cậu vỗ tay reo lên:

    - Thế thì ta xuất quân đánh ngay thôi… còn chờ gì nữa nào.

    Ỷ Lan phu nhân đưa mắt nhìn Lý Thường Kiệt, như để dò hỏi xem điều con mình nói có thể thực hiện được hay không. Tiết chế lắc đầu tâu rằng:

    - Muôn tâu hoàng thượng, tâu lệnh bà nhiếp chính, lá mật thư này nói đến cái điều mà ta biết từ trước rồi. Vì từ lâu người Tống vẫn có ý định tràn quân sang cướp nước ta… biến cả vùng Hoa Hạ thành kho lương thảo rộng lớn, đủ sức chu cấp cho đạo quân vài chục vạn người vài vạn ngựa… Chúng còn tìm cách chia rẽ các thủ lĩnh sách động ở vùng núi rừng biên thùy hai nước… Ta đã phá được một phần nào mũi dao thứ hai chém ngang lưng ta. Vùng sách động nào từ lâu có quan hệ mật thiết với ta đã trở thành phên giậu của triều đình ta… Còn quân giặc tụ lương trong vùng Hoa Hạ ta biết nhưng chưa đến lúc tính… Lá thư nói đến một điều các thám tử của ta đã cho ta biết khá đầy đủ, thật không có giá trị gì… Còn chuyện mà y xui giục thì… ta cũng đã đôi lần nghĩ đến, nhưng còn phải cân đi nhắc lại xem có nên hay không… Lại nữa, việc ý tự xưng mình có tài trí hơn người và hứa hẹn nội ứng thì càng phải xét kỹ xem sao đã… Xin bệ hạ cứ giao việc này cho khu mật viện trù tính tùy cơ mà định liệu…

    Nhà vua còn ít tuổi, tuy có chí, nhưng thấy vị tể tướng trình bày rắc rối vòng vo thì cũng đành ừ theo. Lý Thường Kiệt bèn sai cơ mật viện cử thám tử dò xét thêm về tình hình Hoa Hạ và bản thân cái con người có tên là Từ Bá Tường…

    Thế là kể từ ngày tiến quân lên Siêu Loại chủ trương việc giành quyền phụ chính vương triều đến nay đã hơn hai năm. Hai năm Lý Thường Kiệt canh cánh nỗi lo hàn gắn tấm áo giáp ngoại biên tái phương bắc và sức hung hăng của Vương An Thạch cùng Tống Thần Tông trong giấc mộng nam chinh. Tay chân viên tể tướng bị buộc phải từ chức còn đầy trong triều và tỏa khắp nơi nhất là vùng biên thùy Hoa Hạ. Ở đây ngày ngày chúng đưa những tin kích động về triều để nuôi cho Tống Thần Tông không thể nguôi được khát vọng xuất binh về phương nam. Vào tháng ba năm Giáp Dần (1074), sau cái vụ con kỳ lân một sừng đi cặp đôi tấn công vào triều đình nhà Tống, thì tay chân của Vương An Thạch đưa tin về triều báo rằng: Theo tin của thám tử và khách thương người Trung Hoa ra vào nơi Thăng Long thì năm nay, Giao Chỉ tụ binh muốn phạm đất ta…

    Tống Thần Tông lo lắng bảo các thượng thư lục bộ rằng:

    - Trẫm sợ các biên thần không biết lượng sức mình, không liệt định được sức giặc mà đưa quân ra xa thành trại, ham đánh bắt có khi mang vạ… Vậy các người phải cấp báo cho viên quan coi thành Ung Châu là Tô Giàm biết rõ. Và phải dặn rằng nếu quân man dám phạm đến ngoại vi thành Ung, thì phải kiềm quân mà cố thủ. Chớ có tham lập công mà khinh địch.

    Tay chân Vương An Thạch là Lưu Di, tuy chủ của mình buộc phải rời ngôi tể tướng, nhưng ra biên ải vẫn trung thành với các chính sách của chủ. Y xin nhà vua mở kho lúa gạo, không những thế, vào năm Giáp Dần vùng biên thùy hạn hán lớn, Lưu Di đã xin với triều đình hoãn thuế cho khắp các miền khê động thuộc Hoa Hạ. Vua đã y theo. Được cái thế với dân, Lưu Di lấy tiền mộ quân và dân lưu tán mở nhiều đồn điền. Tung tước lộc và lúa gạo để phủ dụ, vỗ an lòng dân man động, tìm cách chia rẽ các khê động nằm trong phạm vi ảnh hưởng của triều Lý…

    Tình hình biên thùy phương nam biến động, vua Tống Thần Tông bối rối vì tể tướng Vương An Thạch đã vắng mặt gần mười tháng trời. Phe cựu thần không có phương cách gì gỡ đám rối do tể tướng họ Vương đã tung ra, và các tay chân còn lưu lại trong triều ngoài ải càng ráo riết làm cho rối thêm. Đó là áp lực giúp Tống Thần Tống có điều kiện triệu Vương An Thạch ra giữ chức cũ, vào tháng hai năm Ất Mão. Vừa nắm lại chính quyền, Vương An Thạch đã quyết đoán việc phương Nam. Họ Vương chủ trương nhường đất cho Liêu Hạ, để tránh phải dồn quân giao tranh phía bắc, rồi tập trung sức lực đánh lấy vùng đất rộng lớn phía nam. Đánh nước yếu để dọa nước mạnh vẫn là phương sách cố hữu của Vương An Thạch. Tống Thần Tông có một chút chần chừ, thì Vương An Thạch tâu ngay:

    - Muốn lấy thì trước phải nhường cho… Muốn bắt cá phải mất mồi câu… Câu cá to thì mồi phải là con cá nhỏ… Lưỡi câu có sắc mấy, nhưng không thể bắt được cá nếu không mắc mồi vào lưới câu.

    Cái mồi mà Tống Thần Tông phải chấp nhận theo ý của Vương An Thạch là bảy trăm dặm đất Hà Đông phải cắt ra để biếu nước Liêu. Thật là cực chẳng đã. Nhưng đổi lại là biên thùy phía bắc tạm yên. Rảnh tay bắc thùy, Vương An Thạch lệnh cho Lưu Di tụ binh tụ lương gấp rút. Vương An Thạch thác mệnh vua viết chiếu bắt miền Hoa Hạ thay thế quân thường thủ già yếu bằng thổ binh bảo giáp. Cứ ba đinh bắt một. Nhưng Lưu Di ở miền biên tái sợ rằng quân chưa đông nên không những bắt thêm quân lại còn giữ lại đám quân thường thủ không cho về như lệnh của tể tướng vì y nại cớ rằng: “Bản chức tiếp tin mật từ xứ Man cấp báo, vì sợ có nguy cơ chúng tràn lên cướp phá”. Tình hình biên thùy trở nên cháy bỏng vì những hành động ráo riết của Lưu Di. Tô Giàm từ thành Ung Châu thấy thế nguy của một cuộc động binh nên đã vội viết thư khuyên can Lưu Di rằng: “Ta tụ quân ở bên này, ắt người Giao Chỉ tụ quân ở bên kia. Nạn binh đao khó tránh. Nay, xin đại nhân xem xét lợi hại, và phải bỏ ngay ba việc đang làm là rèn tập binh sĩ, đóng chiến thuyền thủy trấn, cấm chợ quan ải đóng cửa bạc dịch trường, để cho người Giao Châu nếu có muốn cất quân cũng không tìm được danh nghĩa nữa”.

    Ỷ thế nâng đỡ của Tể tướng Vương An Thạch, Lưu Di viết lệnh hặc Tô Giàm, trách viên coi thành Ung Châu này can tội bàn ngang nói nhảm. Và đe rằng nếu Tô Giàm còn bàn việc biên sự nữa thì sẽ bắt về đến tận triều đình để tể tướng tâu vua trị tội. Tống đang dụ binh tuyển ngựa, và chia ngựa cho các thổ đinh và động đinh nhận bảo giáp nuôi. Lý Thường Kiệt nghĩ ra một phương kế hữu hiệu nhất là sai lái buôn Lý Chăm xuất quỹ tung tiền mua ngựa. Công khố sẵn sàng mở rộng, nhưng Lý Chăm lắc đầu:

    - Bẩm tướng công tiền của ta không sánh được với tiền của vua quan nhà Tống tung xuống miền Hoa Hạ này… và tướng quan hẳn chưa quên rằng miền biên tái hai nước có nhiều mỏ kim sản, nhiều bạc vàng và đồng để đúc tiền hay sao… Ta mở công khố làm sao mua xuể ngựa để phá được chính sách bảo mã của tể tướng họ Vương.

    Lý Thường Kiệt quắc mắt:

    - Thế ta đành bó tay hay sao?

    - Bẩm tướng công… Lý Chăm này đã cất hàng thì phải lãi chứ đời nào chịu bó tay ạ…

    - Thế nhà ngươi có phương kế gì?

    - Dạ, tôi chợt nghĩ đến chuyện mang muối đổi ngựa…

    - Mang muối… sao ta lại cấp muối cho chúng nó… Ngươi nên nhớ rằng muối ở miền sơn cước còn quý hơn cả máu…

    Lý Chăm cười lớn:

    - Chăm này nhớ lắm chứ… nhớ lắm chứ… nhưng xin tướng quân cứ bình tâm để Chăm này phân giải tường tận… Trước đây mười phần muối dùng cho khắp miền Hoa Hạ thì bảy tám phần là muối do lái buôn Giao Chỉ mang lên chu cấp trao đổi… Nhưng nay vì chính Lưu Di nghe lệnh Vương An Thạch cấm chợ nên ải đóng bạc dịch trường, thì cái bảy tám phần muối ấy mất đi… Hơn nữa việc tụ lương tích cốc của các quan tướng của Tống ở Hoa Hạ cũng tích cả muối làm sự khan hiếm muối lại càng tăng… Đã thế, Lưu Di theo cách của Thẩm Khởi bắt thuyền chở muối thuyền buôn tập thủy trận, vì lẽ ấy việc chở muối ngược lên các sách động lại càng cản trở… Nghe nói muối bên kia đã nặng bằng sức nặng của đồng khối, nghĩa là một cân muối nặng bằng một cân đồng… sắp sửa nặng bằng bạc khối… Dân ở các sách động đang đói muối… nay ta chở muối lên đổi, dân các sách động phía bắc thùy bên kia sẽ đều hướng vào ta và với muối ta có thể làm tán loạn đàn ngựa bảo giáp của chúng… Xin tướng quân cứ cho Lý Chăm này lo liệu việc lớn này…

    - Được, ta sẽ mở quốc khố cấp vốn cho nhà ngươi, cho nhà ngươi tùy nghi sử dụng…

    Thế là hàng trăm thuyền đinh chở muối được chở ngược từ miệt đồng chiếng ngược lên miền giáp ranh biên ải, trữ sẵn ở Thất. Phò mã Thân Cảnh Phúc thân đem quân từ động Kép lên đóng ở đó để bảo vệ, và cho các dũng sĩ dũng cảm thân tín đi xuyên vào châu Quảng Nguyên để tìm tù trưởng Lưu Kỷ. Tù trưởng Lưu Kỷ vốn là một chúa động ở vùng Quảng Nguyên và trước đây đã từng là một thủ túc của Nùng Trí Cao. Khi Trí Cao bại, Lưu Kỷ nổi lên thúc ước một số sách động tiếp tục chí của người chủ tướng cũ, nhưng việc làm có ý biệt lập này làm cho cả hai bên nam bắc thùy không ưa. Vì thế mà Lưu Kỷ lúc ngả bên này lúc ngã bên kia, có khi chạy sang hẳn phía Tống nhưng bên Tống cũng không thu nạp… Lúc này mà không thu nạp thì nhất định bị đói muối to… Biết lẽ ấy, và lại biết Lưu Kỷ vốn người động Thất lưu tán đi, mà dân động Thất là dân nuôi ngựa và buôn ngựa nổi tiếng khắp mọi vùng, nên Lý Chăm bàn với Thân Cảnh Phúc lôi kéo Lưu Kỷ đến kho muối lớn. Táo gan đến như Lý Chăm cũng không dám ở lại kho muối với đám lính tráng và mã phu của mình, ông ta phải yêu cầu phò mã Thân Cảnh Phúc cử đại binh canh giữ. Vì cái bọn đói muối bên kia có thể liều chết mà đánh cướp rất táo tợn.

    Khi Lưu Kỷ được biếu muối và mời sang, cũng là lúc Kỷ đang ở cái thế tuyệt vọng nhất. Vì thế, Kỷ sang ngay. Lý Chăm mang muối gạ đổi ngựa. Kỷ đổi ngay. Lý Chăm dẫn Kỷ đi xem kho muối lớn và gạ Kỷ mang muối đổi ngựa hộ cho mình… Muối là vàng mà ngựa cũng là món hàng một vốn bốn lời, rất sở trường của Lưu Kỷ và những tay chân thuộc hạ của mình, vì thế Lưu Kỷ nhận lời ngay… Thế là những thủ hạ thân tín của Lưu Kỷ chia nhỏ từng mươi mười lăm người thồ muối đi xuyên vào nội địa các động giáp Hoa Hạ đổi muối lấy ngựa. Đàn ngựa bảo giáp suy suyển, rung động… Đám tay chân thủ hạ vốn là những tù trưởng cũ như Hoàng Trọng Khanh, Lư Báo táo tợn hơn, tiến sâu hẳn vào các động giáp thành Ung, thành Khâm để phá đàn ngựa bảo mã dựng trong quân. Vì ở đó tình cảnh đói muối vô cùng khủng khiếp… Việc này làm Lưu Di bối rối. Để kiềm chế Lưu Kỷ và đám bộ hạ, Lưu Di chưa dám động binh mà chỉ sai mấy tên tù trưởng khê động giữ chức đô bảo giáp ngăn cản việc buôn bán phá đàn ngựa bảo mã theo tân pháp của Vương An Thạch. Con đường buôn muối đổi ngựa của Lưu Kỷ phải tất yếu xuyên qua động Quí Hóa. Nùng Trí Hội vốn là con Trí Cao, nhưng đã đầu hàng quân Tống và chịu qui phục. Được lệnh Trí Hội cản con đường Lưu Kỷ buôn ngựa. Từ phía sau động Thất, phò mã Thân Cảnh Phúc giúp Lưu Kỷ vũ khí lương thực và giáp mã kén đủ ba ngàn quân tiến lên đánh vào động Quí. Trí Hội cùng con là Tiền An cũng được Lưu Di cử quân các động giáp khác nằm trong số quân đội bảo giáp hỗ trợ cự lại…

    Từ kinh đô, Lý Thường Kiệt lên tận sông Như Nguyệt để điều hành mọi việc. Thấy việc tiến quân chưa lợi, Lý Thường Kiệt bảo công chúa Thiên thành viết thư thả theo cánh chim nhắn phò mã Thân Cảnh Phúc hối thúc việc lui binh của Lưu Kỷ. Ngầm ý của Lý Thường Kiệt không muốn việc này động đến tận cung đình nhà Tống. Vì lẽ đó ông cố giữ quy mô của việc xô xát gươm đao như một vụ xô xát gươm đao bình thường giữa các giáp động biên thùy.

    Nhưng Lưu Di đã tâu ngay việc này với triều, coi như một triệu chứng bắt đầu có biến động giữa hai phía Tống Lý ở biên thùy. Riêng về việc Nùng Trí Hội thì Lưu Di lại tâu thêm rằng: Thật ra Trí Hội chưa theo hẳn ta, nên để hai bên cứ đánh nhau như thế, thua được đều có lợi cho triều đình.

    Lúc này tại Biện kinh, Tống Thần Tông nôn nóng phát binh nam tiến lắm rồi, nên nhà vua không thể chịu được cách cư xử có vẻ dửng dưng đối với những tướng tiên phong như cách cư xử của quan kinh lược Hoa hạ Lưu Di. Nhà vua hạ chiếu khiển trách rằng: “Sao nhà ngươi lại nói thế. Nếu ta không dung kẻ theo ta, thì kẻ không theo ta được đắc chí. Bày phương kế như thế là bậy”.

    Tể tướng Vương An Thạch phụ họa theo:

    - Quả thực hoàng thượng chí phải. Chí phải. Nếu quả thật Nùng Trí Hội chưa thật bụng theo ta như lời Lưu Di nói, thì cũng nên nhân cơ hội này mà mua chuộc dỗ dành nó… Vả nay Càn Đức còn nhỏ. Nếu Lưu Kỷ đánh được Trí Hội, rồi thừa thắng quay lại đánh lấy Giao Chỉ, thì đó lại là cái họa cho ta. Nay ta nên giúp Trí Hội để khắc chế Lưu Kỷ…

    Thế là Lưu Di được lệnh mở kho Hoa Hạ cấp lương bổng và tiền bạc cho Trí Hội rất hậu, và chuyển cho con trai Trí Hội là Tiến An giữ chức Tây đầu cung phụng tướng quân. Đồng thời chiếu chỉ của vua Tống Thần Tông được truyền đi khắp các khê động biên thùy phải gấp rút mộ đinh tráng, sẵn sàng gươm giáo cung tên để làm thanh viện cho Nùng Trí Hội. Vua lại hẹn rằng sẽ trọng thưởng cho các tù trưởng khê động nào có công giúp Trí Hội đánh giặc. Mặt khác vua Tống Thần Tông sai Lưu Di sửa sang đường sá trên các trục đường từ Trung Nguyên nhằm xuống Giao Chỉ gấp rút, kiểm điểm các kho lương thảo vũ khí dọc đường… Cả biên thùy phía bắc rung động vì những cuộc diễu võ giương oai ráo riết của các động giáp thuộc sự khống chế của triều Tống. Các động đinh, thổ đinh trong các khê động bị điểm thành lính tráng tràn sang cướp phá biên thùy. Trong khi ấy thì các kho đụn dọc các tuyến đường tấn công từ trung châu xuống biên thùy phía nam đầy ắp quân lương. Thành Ung, thành Khâm, thành Liêm trở thành những cứ điểm quân sự đông đặc lính tráng.

    Lúc đó trong cung điện Thăng Long, Thái phi nhiếp chính ngày đêm vắt của trong quốc khố và dân gian để dựng đủ bẩy mươi hai ngôi chùa lớn nhỏ và một ngôi chùa vô cùng nguy nga để thờ những người bị chết trong cung Thượng Dương. Tiền bạc đổ vào như nước lũ làm hao tán ngân sách triều chính không ít. Nhưng không ai có thể can được việc này, kể cả vua và Tiết chế Lý Thường Kiệt. Thấy bà Thái phi nhiếp chính chìm đắm trong việc cầu nguyện, Lý Thường Kiệt hết sức lo ngại. Ông càng tìm hết cách để tập trung quyền hành cho mình. Vua bằng lòng và phong thêm cho ông là Đôn quốc thái úy, đại tướng quân, đại Tư đồ thâu tóm cả việc triều chính việc quân sự, kiêm việc văn việc võ. Người đời sau nói rằng, ông trong thì nắm đại chính, ngoài thì coi sư lữ, dốc một lòng lấy sự yên xã tắc làm vui… Nhưng lúc ấy xã tắc như đang nấu nung trên ngọn lửa của chiến tranh. Phía nam thì Chiêm Thành đang quật khởi nhăm nhe đánh vào biên thùy, phía bắc thì quân Tống đang tụ khắp cả miền Hoa Hạ chuẩn bị tràn xuống…

    Lý Thường Kiệt xin vua trao chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự cho viên tể tướng bị biếm chức trong châu Hoan là bậc đại nho Lý Đạo Thành. Việc này làm bà Thái phi nhiếp chính Ỷ Lan giật mình kinh hãi. Bà Thái phi vội can ngăn:

    - Khanh không nhớ Lý Đạo Thành là kẻ thù của ta, kẻ thù của con ta ư?

    Lý Thường Kiệt lắc đầu:

    - Tâu lệnh bà, tôi rất nhớ… nhưng càng nhớ càng phải cố mà quên, tìm mọi cách để không những mình quên mà mọi người đều quên. Quên cái mối thù riêng để lo đến thù chung của nước.

    - Nhưng liệu Lý Đạo Thành có chịu quên không?

    Lý Thường Kiệt trừng mắt:

    - Không quên cũng không được… không được…

    Bà Thái phi lo lắng:

    - Nhưng ngộ nhỡ người ta cố tình không chịu quên… Trong khi khanh bận việc chinh chiến ở ngoài cõi, người ta có manh tâm làm phản thì làm sao bây giờ…

    Lý Thường Kiệt nghiến răng:

    - Đã đến nước ấy, thì việc không thể dùng lưỡi mà nói điều phải trái với nhau, thì cũng đành phải dùng đến lưỡi gươm… Lệnh bà cứ yên tâm, vì sự an nguy của xã tắc, vì ngai vàng của chúa, tôi không bao giờ dám rời tay kiếm… Nhưng lệnh bà cũng chớ nên quá lo xa… Tôi vẫn tin ở đức ông Lý Đạo Thành. Đức ông là một bão thần, đã trọn đời giúp giập ba đời vua triều Lý ta. Tấm lòng trung quân ái quốc của người vằng vặc sáng như vầng nhật nguyệt… Tuy đức ông vì câu nệ chuyện danh nghĩa mà chống lại ta, nhưng cũng là vì giường mối xã tắc mà phải làm như thế chứ đâu phải vì một chuyện yêu ghét riêng tư… Việc đức ông bị biếm ở châu Hoan cho đến nay vẫn âm ỉ gây mầm chia rẽ trong triều ngoài nội. Các bậc nho giả vốn trọng đạo thánh hiền vẫn ngoảnh đầu về phương ấy chưa thực bụng theo ta. Lúc này xã tắc ở thế ngàn cân treo sợi tóc… ta phải tìm mọi cách mà kết thành một mối. Tự tôi, tôi sẽ thân hành mang đại quân vào kinh lý nam thùy rồi đón rước bậc đại nho được tất cả sĩ phu ngưỡng vọng về triều để ngưỡng vọng của trăm họ đều hướng cả về ta…

    Trước khi cử đại binh để gây thanh thế vỗ yên biên thùy ở phía Nam, Lý Thường Kiệt xin nhà vua Nhân Tông hạ chiếu cầu hiền, tuyển những người tài giỏi còn ở trong dân gian ra giúp nước và đặt định lệ mở khoa thi đầu tiên về nho học trong nước ta. Lý Thường Kiệt mang kiệu cánh phượng vào tận đất châu Hoan để rước vị đại nho nguyên tể tướng ra đứng tên chủ khảo cho kỳ thi quan trọng này.

    Sau hơn hai năm ẩn thân suy ngẫm về lẽ hưng vong của triều vua và đất nước, vị đại nho đã ngoài tám mươi tuổi nhìn viên quan hoạn đắc thời hiện nắm trọn quyền triều chính lại chịu bỏ thân đến trước mình với con mắt khác… Tuy cái oán, cái thù riêng vẫn khó có thể xóa mờ được, nhưng ngọn lửa chiến tranh ngùn ngụt trên bắc thùy đã làm cho bậc đại nho giàu lòng yêu nước kia nén lại nỗi niềm riêng.

    Vị đại lão thần bị biếm run run hỏi:

    - Quan đại tư đồ nghĩ gì mà giữa lúc nạn binh lửa đang lan tràn phương bắc lại đứng ra lo việc thi cử ở giữa kinh đô?

    Lý Thường Kiệt cúi đầu thưa rằng:

    - Nước càng trong nguy cơ đại loạn, nhân tài càng phải liên kết, tất cả những người tài trí trong nước phải được mời ra để giúp vua cùng ghé vai gánh vác gánh nặng giang sơn…

    Vị đại nho gật gù:

    - Quan tư đồ nghĩ thế cũng chí phải… nhưng liệu binh lửa ngút trời có còn thời gian mà làm được việc hệ trọng đến là nhường ấy hay không…

    - Chỉ cần lão trượng vén tay bước lên kiệu về kinh thành Thăng Long… mọi việc cứ để kẻ hậu sinh này lo toan chu tất.

    Khoa thi đầu tiên của đất nước Đại Việt được tổ chức giữa những ngày nước sôi lửa bỏng ấy. Nhà vua mới vừa mười tuổi. Hàng vạn thạch lương thảo của nhà Tống đang tụ tập lại ở thành Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu chuẩn bị cho hàng chục vạn quân tràn xuống cướp phá Thăng Long, và biên thùy phương bắc đang ngút lửa của các cuộc dấy loạn giao tranh vùng giáp ranh hai nước… Vốn đức thận trọng, vị đại nho Lý Đạo thành vẫn bình tĩnh chấm từng quyển văn bài của các thí sinh, lấy đỗ bọn nhà nho trẻ tuổi là Lê Văn Thịnh… Và chọn Thịnh vào cung dạy vua học hành… Các người đỗ khoa ấy là những người được tuyển chọn đều được cử gấp rút đi trị nhậm các cung viện và các phủ huyện châu động trong nước…

    Khi Thăng Long tưng bừng mở khoa thi dưới quyền chủ tọa của vị Thái phó bình chương quân quốc trọng sự Lý Đạo Thành thì viên Tể chấp đại tư đồ Lý Thường Kiệt dẫn quân lên sông Như Nguyệt…

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Nhân sinh vô hối nhập Touhou
    Kiếp sau nguyện sinh Gensokyo

  3. #13
    Ngày tham gia
    Aug 2014
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    11,219
    Xu
    29,733

    Mặc định


    Chương 10 (1)




    Dòng sông Như Nguyệt mấy hôm nay mất vẻ êm đềm thơ mộng vốn có của nó từ ngàn đời, với dòng nước thanh bình êm ả, với bãi mía nương dâu xanh biếc, với bóng núi uy nghiêm in trên mặt sông mờ mờ sương khói huyền ảo… Mấy hôm nay dòng sông sáng lấp lóa ánh thép lạnh của gươm đao. Các đạo quân từ mọi miền kéo về đây hội sư. Dưới sông san sát thuyền chiến. Trên bờ tiếng ngựa hý vang động, các lều trại đóng quân dựng lên san sát.

    Nhà cầu quán bên sông lại một lần nữa được dùng làm nơi đóng hành doanh của Tiết chế Lý Thường Kiệt. Phò mã Thân Cảnh Phúc luôn cắp gươm đứng hầu ngay bên tả tướng hổ. Cả công chúa Thiên Thành cũng theo chồng về đây cùng chín kiệu lồng chim mà vua ban từ buổi cất bước đi lấy chồng. Công chúa đã sinh hạ được đứa con trai đầu lòng. Đứa bé mới đầy tuổi tôi mà đã được nhà vua phong tước hầu. Bây giờ cậu hầu tước vẫn còn nằm ngủ thiu thiu trên lưng mẹ. Thật khó mà còn có thể nhận ra nàng công chúa năm xưa trong cái chức vụ khó khăn truân chuyên của bà chúa trại khê động hôm nay. Nhập gia tùy tục. Tục lệ của người động Giáp là quý con cái hơn quý tính mạng mình. Vì thế người mẹ ở vùng động này dù là mẹ thứ dân hay mẹ bậc vương giả đều có thói quen địu con lên lưng bằng cái địu tự mình dệt vải từ sợi gai, tự mình nhuộm hoa, tự mình thêu màu hình hoa rừng chim thú. Không tự tay làm là không thương con. Không tự nuôi con cũng là không thương con. Bởi lẽ ấy mà nàng công chúa Thiên Thành năm xưa đã thành bà áp trại, làm dâu họ Thân, đi theo chồng đến hội quân tuy có quân quyền phục dịch, nàng hầu đầy tớ đầy đủ nhưng vẫn địu đứa con trai yêu dấu trên lưng…

    Cũng như tất cả các vợ con tù trưởng và dân khê động, nàng công chúa tập sống quen với nếp sống luôn luôn theo chồng mỗi khi cất quân đánh dẹp ở bất cứ nơi đâu. Dân các khê động vốn còn giữ thói quen của những bộ lạc du mục mặc dù đã bắt đầu định cư một phần nào. Vì lẽ đó mà khi cần cất quân đi chiến đấu là họ đưa cả gia đình vợ con đi theo. Ngay cả người mới chết chưa làm xong lễ an táng, họ cũng quàn lại và đưa theo trong quân. Vì thế khi hội sư ở dòng Như Nguyệt này nàng công chúa Thiên Thành năm xưa đã đi sát bên phò mã. Nàng ở ngay chiếc lều áp trại dựng đằng sau cái cầu quán dùng làm hành doanh của quan Tiết Chế.

    Lý Thường Kiệt gọi công chúa đến và dạy rằng:

    - Đàn chim của công chúa đã thuộc hết núi rừng biên tái rộng lớn này chưa?

    - Thưa tướng công, không nơi nào cánh chim này không đã từng bay đến… Mỗi con thuộc đường đến một khê động…

    Lý Thường Kiệt gật đầu bằng lòng, rồi sai gọi tất cả đám nho sĩ trẻ tuổi mà ông mới gọi theo quân. Tiết chế tướng quân đại tư đồ sung những người viết chữ đẹp vào trong quân giữ chức nho lại hiệu úy. Ông sai tất cả viết hàng trăm bức thư truyền lệnh hội các thủ lĩnh của tất cả các khê, các động dọc biên thùy về bản doanh Như Nguyệt. Hàng trăm cánh chim đưa thư bay xuyên qua mây núi. Những thủ lĩnh các nơi cùng với đoàn vệ sĩ tùy tòng lục tục nối tiếp nhau về mỗi lúc một đông.

    Từ Thăng Long, Thái phi nhiếp chính Ỷ Lan đã xin vua xuống chiếu huy động sương quân ở khắp các làng chạ tứ chiếng và châu Hoan – Diễn. Quân ùn ùn kéo lên vùng lăng miếu của vua các triều Lý phía nam ngạn sông Nguyệt Đức và sông Như Nguyệt. Chỉ của vua sai các quan lộ, châu huy động thuyền chiến và thuyền buồm của dân vẫn thường dùng để đánh cá, để chở gạo muối dùng tạm vào việc chở quân. Vì thế quân trẩy lên đông đặc khắp các con sông quanh vùng đất thang mộc… Khi các chư tướng đã hội đủ, Tiết chế tướng quân Lý Thường Kiệt dẫn tất cả các tướng vào lễ lăng miếu của các tiên đế nhà Lý, rồi tuyên đọc hội thề, ra lệnh phát binh. Các tù trưởng lớn và hùng mạnh được trao ấn tiên phong. Phía sau các đạo quân tập trung là đạo quân lớn của phò mã Thân Cảnh Phúc thống lĩnh toàn lực lượng quân kinh và quân động đóng suốt dọc Lạng Châu…

    Tiết chế Lý Thường Kiệt sai điểm binh và cử tướng cùng cắt những thớt voi trận của triều đình đến làm chủ lực cho đạo binh của các động đặt dưới quyền chỉ huy của các tù trưởng. Cùng với voi trận và quân tinh nhuệ Lý Thường Kiệt còn cử các viên nho lại hiệu úy theo từng cánh quân để tiện việc thông tin bằng cách gửi chiến thư theo chim về động Kép. Và từ động Kép tâu trình về bản doanh Như Nguyệt và Thăng Long.

    Hội thề trước cửa Thái miếu dứt. Lý Thường Kiệt đứng trước hàng chục các thủ lĩnh biên thùy và các tướng triều được cử cầm quân có voi chiến, máy bắn đá đi kèm phối hợp với quan thổ đinh khê động mà truyền rằng:

    - Nhà Lý chúng ta từ khi dựng nghiệp, bao giờ nhà vua cũng thân chinh cầm quân chinh phạt giữ yên bờ cõi… Nay vua ta còn nhỏ tuổi, việc chinh phạt giao quyền cho các tướng. Ta giao cờ tiết cho các tướng quân. Hẹn trong một tuần trăng nữa, tất cả các thủ lĩnh đều một lượt dẫn quân tràn sang đất Tống. Phá các trại dọc biên thùy, đốt cháy các kho cỏ, cướp các kho lương thực, tước các võ khí… Người Tống đang tụ binh, tụ lương thảo định đánh ta, nay ta phát binh, phải đánh vào tất cả các kho lương thảo từ đây đến thành Ung Châu, kho lương thảo lớn nhất, nơi tụ binh đông nhất của quân nhà Tống. Có quân triều đình đi cùng, các người phải gương cao cờ Đại Việt mà tiến, làm sao cho quân Tống tưởng rằng đại quân của ta sẽ đánh bằng đường bộ tới Ung Châu… Quyền điều động ở đây ta giao hổ phù cho phó tướng thân vương phò mã Thân Cảnh Phúc… Trước lăng miếu tôn nghiêm của tổ tiên nhà Lý ta, các người có thề chết phá giặc hay không?

    Tất cả các tướng lĩnh tù trưởng đều gầm lên hai tiếng: “Xin thề… xin thề…” vang động.

    Hội thề vừa dứt, Lý Thường Kiệt mở tiệc khao các tù trưởng và quân sĩ ngay trong rừng Báng, rồi tiễn từng thủ lĩnh một lên đường ra ngoài biên ải. Chỉ lưu lại vợ chồng phò mã Thân Cảnh Phúc để bàn tiếp việc điều binh sau này.

    Mũi nhọn tiến công đầu tiên do thủ lĩnh Vi Thủ An dẫn sáu trăm thổ binh động Tô Mậu cùng với một đội voi chiến Châu Hoan gồm một trăm lính đánh câu liêm và mười voi, vượt biên thùy đánh thẳng vào trại Cổ Vạn. Có voi chiến mở đường các thổ binh của thủ lĩnh Vi Thủ An đánh như vũ bão. Đô bảo giáp Cổ Vạn không thể nào chống cự nối đã bỏ thành chạy trốn để lại hàng chục kho chứa hàng ngàn thạch thóc. Vi Thủ An cho người già và đàn bà theo quân dùng ngựa cướp được thồ chở về động mình. Hàng trăm đống cỏ trong các kho cỏ thì theo như lệnh, thủ lĩnh Vi Thủ An nổi lửa đốt; ngọn lửa châm ngòi từ những kho cỏ lớn ở động trại Cổ Vạn bốc ngút trời cao… Biết chắc bên cánh tả của mình đã có quân yểm trợ để mình vào sâu trong đất địch là không bị bọc hậu cô lập, thủ lĩnh Vi Thủ An gương cờ Đại Việt thừa thắng đánh thẳng về hướng thành Ung Châu… Từ biên thùy đến thành Ung Châu xa chừng gần hai trăm dặm. Mũi gươm nhọn của đạo quân Vi Thủ An có voi chiến mở đường tiến như vũ bão. Đi đến đâu các kho đụn tích tụ từ lâu của giặc đều bị đốt phá cháy rừng rực…

    Ngọn lửa bùng lên ở trại Cổ Vạn như một hiệu lệnh phát binh.

    Chỉ trong vòng hạ tuần tháng chín (1075), toàn bộ biên thùy Hoa Hạ rung động, và ngùn ngụt lửa chiến tranh… Các tướng của Tống vốn là các tù trưởng các động vùng biên tái không thể nào chống cự được những cuộc tấn công vũ bão có tổ chức của quân đội triều đình nhà Lý có lực lượng thổ binh các khê động làm nòng cốt. Chúa trại Hoành Sơn là Lâm Mậu Thăng, viên quản bạt Vĩnh Bình là Tô Tá, viên quản bạt Thái Bình là Ngũ Cử, viên giám áp trại Thái Bình là Quách Vĩnh đều bị giết tại trận…

    Lúc này viên kinh lược Lưu Di còn chưa tin là quân nhà Lý dám đánh vào Trung Nguyên, hắn còn điên cuồng lo tích tụ lương thảo vũ khí. Hắn viết tấu về triều xin mở quốc khố xuất bốn vạn quan tiền để mua thêm lương thảo tích trữ ở Ung Châu và các động dọc đường nam chinh…

    Những cánh chim đưa thư bay tới tấp về báo tin thắng trận. Nhưng đạo quân thủy rất lớn của Tiết chế Lý Thường Kiệt, vẫn đóng dài suốt từ sông Như Nguyệt ra đến bến Lục Đầu chưa nhổ neo. Phò mã Thân Cảnh Phúc nóng ruột từ động Kép phi ngựa về Như Nguyệt xin yết kiến Tiết chế. Lý Thường Kiệt chỉ cười:

    - Phò mã cầm quân, nhất là cầm đại quân, sao lại cứ nôn nóng vậy… Bây giờ phò mã hãy trở về ngay động Kép điểm lại binh mã, và ta cử thêm cho phò mã một ngàn bộ binh đánh khiên, một ngàn bộ binh đánh câu liêm đi kèm với năm mươi thớt voi trân. Phò mã chỉ được điều binh tiến lên vùng biên thùy chứ không được tham chiến.

    - Thưa Tiết chế, sao đạo quân lớn của tôi lại không được tung ngay vào trận chiến đánh thẳng đến Ung Châu?

    Lý Thường Kiệt cười:

    - Thường ngày phò mã có đi săn lợn lòi không?

    Phò mã Thân Cảnh Phúc ngạc nhiên:

    - Sao Tiết chế lại hỏi tôi điều đó… Săn bắn là nghề của dân tộc chúng tôi mà..

    - Thế lợn lòi khi bị thương thì điều nguy hiểm nhất cho người đi săn là gì nào…

    - Điều này thì tôi biết rất rõ. Khi bị thương, lợn lòi thường quay đầu về phía người đi săn và phóng như một tia chớp khủng khiếp… Nếu người đi săn thiếu đề phòng là thiệt mạng như bỡn.

    - Thế người động Kép đề phòng lợn lòi húc bằng cách nào.

    - Thường chúng tôi nấp sau một gốc cây cổ thụ lớn để khi lợn lòi lao đầu phóng như điên thì húc đúng vào cây lớn mà vỡ óc chết. Sức lợn lòi bị thương sặc tiết có thể húc đổ cả cây lim một vòng tay người ôm…

    Lúc ấy Lý Thường Kiệt mới cười mà giảng giải rằng:

    - Khi ta phát binh đánh vào biên thùy, thì quân Tống đóng ở Hoa Hạ là gần mười vạn binh, kể cả chính binh và binh bảo giáp. Đó là một con lợn lòi điên cuồng nhất. Ta đánh vào các trại dọc biên thùy chính là làm cho nó bị thương… Nếu cả mười vạn quân nó đúng là lợn lòi, và nếu nó tin chắc là ta đánh thẳng vào Ung Châu bằng đường bộ vượt qua biên giới, thì nó sẽ tụ binh mà đánh thốc xuống đối mặt với ta… Ta phải có một cây lim cổ thụ để con lợn lòi điên cuồng kia húc vào mà vỡ tan sọ… Đạo quân của phò mã phải làm cái cây cổ thụ ấy… Còn nếu, quân Tống bị tê liệt thì phò mã có thể tùy nghi tiến dần cử binh đánh sâu vào đất Tống… Điều cốt yếu là phải làm sao cho quân Tống chỉ nhìn về phía đại quân của phò mã mà thôi…

    Phò mã Thân Cảnh Phúc lúc đó mới vỡ lẽ và hiểu được mưu cao của viên Tiết chế thống lĩnh ba quân vóc người uy nghi kỳ vĩ nhưng ăn nói lại nhỏ nhẹ như đàn bà này. Chàng trai động Kép vòng tay chào vị Tiết chế của mình:

    - Tôi xin mang đại binh lên biên thùy hư trương thanh thế để quân Tống tưởng như chính Tiết chế dẫn toàn bộ quân vượt biên tái. Xin chúc Tiết chế xuôi buồm từ sông Như Nguyệt này qua sông Lục Đầu đến biển. Men dọc Đồng Kênh… Chúng tôi chờ tin hạ thành Khâm Châu và Liêm Châu của tướng quân Tiết chế…

    Vợ chồng Thân Cảnh Phúc tiến quân lên biên thùy và gương cờ Đại Việt. Toàn miền Hoa Hạ rung động thực sự vì tin đại quân đã lên đường. Trước đây việc các khê động hai bên biên giới giao tranh nhau như vụ Nùng Tông Đản, Lưu Kỷ đánh nhau với Nùng Trí Hội về chuyện mở đường buôn ngựa vẫn thường xảy ra, như độ tháng tư vừa rồi. Vì thế việc thủ lĩnh Vi Thủ An tiến vào Cổ vạn chưa gây cho Lưu Di một sự hoảng hốt thực sự… Hơn nữa đường giao thông bấy giờ chưa thuận tiện, các dịch trạm từ Biện Kinh xuống phía nam chưa được hoàn bị. Trại Cổ vạn mất vào rằm tháng chín âm lịch (tức 27 tháng 10 năm 1075), nhưng mãi sáu ngày sau tin đó mới đến tại Lưu Di ở thủ phủ Quế Châu. Và phải đến ngày 28 tháng 10 thì tin dữ mới phi báo về đến kinh đô. Tin này làm cho quần thần không tin nên Vương An Thạch hạ lệnh kiểm chứng lại, khi mọi chuyện đã rõ ràng thì đến mãi ngày 11 tháng 11 năm ấy (tức vào ngày 21 tháng 12 năm 1075) mới tâu lên vua Tống để xin chiếu chỉ khu xử công việc nam thùy, cùng với tin thêm là vùng Quảng Nguyên có nhiều thổ binh được vua Lý xúi giục chuẩn bị vào cướp phá. Như thế là tin từ biên thùy đến Biện Kinh nhà Tống nhanh nhất cũng phải mất một tháng rưỡi nên các biến cố dồn dập và lửa khói ngút trời suốt dọc miền Hoa hạ mà chính Vương An Thạch và vua Tống Thần Tông vẫn tưởng như chỉ là những cuộc xô xát tranh cướp nhỏ giữa các thủ lĩnh khê động ở hai bên biên thùy. Chiếu chỉ đầu tiên cho Lưu Di sai các tuần kiểm đề phòng cho nghiêm, không được khinh chiến. Lệnh chưa xuống đến nơi thì hầu hết các quan tuần kiểm các động dọc biên thùy Hoa Hạ hoặc đã bị quân Lý chém chết, hoặc đã cắm đầu chạy dài về đến tận Biện Kinh. Chẳng còn ai thực hiện cái việc mà Vương An Thạch căn dặn phải kê tên những người có quân công đánh dẹp và những người có công giúp đỡ những người có nhà cửa bị giặc ngoại biên cướp phá, đốt cháy, để triều đình định lệ ban thưởng.

    Đến lúc tin tức dồn dập vì hàng chục khê động man trại bị đánh phá dồn đến kinh đô thì quan Khâm Thiên giám hốt hoảng báo tin cuất hiện một chòm sao chổi vào đêm mồng bảy rạng ngày mồng tám tháng mười năm Ất Mão. Ngày mồng chín vua Tống Thần Tông hoảng sợ lên đài theo dõi trời, đất. Quan Khâm Thiên giám, cầm thước vàng nheo mắt giương thẳng tay lên trời để đo, và run run tâu rằng:

    - Muôn tâu hoàng thượng, điềm này là điềm dữ rồi. Đêm qua sao chổi mới xuất hiện, đuôi dài chưa được một thước. Hôm nay đuôi đã dài đến ba thước… Mà rõ ràng là đuôi sao trở về phương chòm sao Thái Bạch. Ứng chiếu điềm trời với động dưới đất theo các sách từ xưa để lại thì sao chổi hiện là điềm báo trước có nạn binh đao. Chòm sao Thái Bạch là ứng với đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vì lẽ đó, chắc rằng có việc dữ xảy ra từ đất Giao Chỉ này… Xin bệ hạ đề phòng…

    Và cứ thế mỗi đêm tin dữ trên trời lại thêm khủng khiếp. Tòa Khâm Thiên giám liên tiếp tâu lên nhà vua Tống Thần Tông biết là đêm mồng chín đuôi sao chổi đã dài năm thước. Sang đêm mồng mười sao chổi đã dài bảy thước… Vua Tống Thần Tông vốn có óc mê tín nghe tin phương nam biến động biên thùy bèn gắn với điềm sao chổi hiện, nên hoang mang vô cùng… Vương An Thạch là một nho sĩ trẻ thuộc phái mới, giàu óc thực tế, bài xích dị đoan. Nghiêm giọng đe nẹt các quan trong triều:

    - Ta đang tụ binh để tiến xuống trừng phạt Giao Chỉ… Biến động nam thùy là như thế… nếu điềm sao chổi hiện là đúng, cũng là ứng với ý muốn của hoàng đế của ta mà thôi… Ta sẽ mang việc đao binh đến tận hang ổ của quận vương Giao Chỉ, để tỏ uy đức của triều Đại Tống chúng ta. Các quan không một ai được làm rối lòng vua.

    Vương An Thạch còn lệnh cho quan Khâm thiên giám không được làm náo động dân tình và nhà vua bằng cách giơ thước lên trời mà đo đuôi sao chổi nữa. Sao chổi dài hay ngắn thì ghi vào sổ sách mà thôi, không được cứ ngày ngày tâu lên hoàng thượng. Ngài còn bận trù liệu việc đánh phương nam.

    Vì triều đình quá mải mê việc tụ lương tụ quân cho cuộc nam tiến hùng hổ nên không tin rằng triều Lý cả gan đánh vào đất mình. Đánh vào lúc miền nam thùy đầy chặt quân sĩ và chất đống binh lương.

    Lúc đó, Tiết chế Lý Thường Kiệt đã hội đạo thuyền chiến chở hai vạn binh tinh nhuệ ở bờ biển châu Vĩnh An. Giữ bí mật đến cùng, đêm ngày mậu dần 20 tháng 11 năm Ất Mão, lúc trăng hạ huyền chưa lên cùng nước thủy triều, Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho hạm đội ào ạt đổ bộ lên bờ biển Khâm Châu, ngay lập tức công kích như vũ bão vào thành này. Thành Khâm Châu bị đánh bất ngờ, nên mấy ngàn quân đóng trong thành không kịp trở giáo chống cự. Quan Thừa chỉ coi Khâm Châu Trần Vĩnh thái là một viên quan lại bản tính kiêu ngạo, khinh miệt các dân tộc nào không phải là dân tộc Hán. Vĩnh Thái coi dân Đại việt như đám dân man động mọi rợ ngu dốt. Vì nhẽ ấy, khi quân Đại Việt tràn qua biên giới, thì Trần Vĩnh Thái vô cùng bực tức. Y lập tức đòi gởi bớt quân của thành Khâm Châu tiến ra tiễu trừ cái đám giặc có man động láo xược. Vĩnh Thái không thể nào tin được rằng đám dân Đại Việt mọi rợ kia dám bén mảng đến thành lũy kiên cố của mình. Đám thám tử mấy hôm trước đã nói hở cho nhau nghe cái tin quân Đại Việt có thể từ đường biển tràn sang đánh phá thành Khâm Châu. Lập tức quan Thừa chỉ mắng rằng:

    - Bọn chúng bay là bọn nhát gan, chỉ thấy hơi gió thổi là đã tưởng gặp cơn bão lớn, thần hồn nát thần tính. Quân Đại Việt nào dám bén mảng đến đây. Chẳng qua cái đám dân man động quen cái thói ăn cướp tràn vào cướp phá mấy trại biên. Lại may, gặp toàn những tên tuần kiểm bất tài nên thắng mấy trận nhỏ. Chẳng phải tay ta cầm quân… Nếu ta cầm quân thì chỉ một trận thôi đám giặc cỏ ấy phải tan như đàn kiến vỡ tổ.

    Mắng rồi, Thừa chỉ Trần Vĩnh Thái ra lệnh cấm đám thám tử không được bép xép chuyện quân Đại Việt đánh thành Khâm Châu bằng đường biển kẻo làm rối loạn lòng dân chúng.

    Đêm mười chín tháng mười một, dân đánh cá tâu rằng có nhiều chiến thuyền đánh cá ra khơi không về. Họ ngờ rằng thuyền bị một đám quân lớn đang tụ ngoài biển giữ lại. Rất có thể hạm đội Đại Việt đã đổ đầy cửa biển ngoài khơi. Nhưng quan họ Trần vẫn không thể nào tin được. Hắn mắng át đi:

    - Thuyền đánh cá đi cách đêm là chuyện thường… Khi gặp mẻ lưới nặng tay, khi đuổi theo đàn cá lớn, đi hai ba ngày ngoài khơi đâu có là chuyện lạ… Sao các người lại nghĩ ra cái chuyện có hạm đội Đại Việt được… Bọn Đại Việt lấy đâu ra nhiều thuyền bè vượt biển mà kéo nhau đến đây…

    Nói rồi quan Thừa chỉ truyền mở tiệc rượu. Nhưng rượu chưa kịp nhắp mới bày ra trên bàn thì có tin cấp báo là trên cửa bể xuất hiện hàng ngàn cánh buồm lạ cắm cờ tiết ghi rõ hai chữ Đại Việt. Trần Vĩnh Thái lật đật chạy lên mặt thành thì thuyến chiến Đại Việt đã theo thủy triều ào ạt đổ bộ vào bến cát. Thuyền chiến Đại Việt rất lớn, lớn hơn cả những thuyền mũi bằng mà dân vùng Hoa Hạ quen gọi là tàu ô. Sạp thuyền chiến Đại Việt rộng như cái sàn lớn, chở được cả voi chiến. Voi chiến Đại Việt lừng lững như những trái núi, vừa đạp nát tất cả những đồn trại tuần phòng ngoài ngọai vi bờ biển vừa kéo máy bắn đá và vân thê (thang mây) đánh thành tiến đến chân lũy.

    Máy bắn đá tạo nên một trận giông bão khủng khiếp. Những khối đá lớn bay bổng lên không trung và dội xuống thành làm vỡ tất cả các mái thành, đè chết những viên tướng đang thúc quân ra cản sự tấn công của quân Đại Việt. Các thang mây bằng gỗ đã được bắc lên thành. Và những dũng sĩ Đại Việt lưng đeo khiên mây leo lên thang thoăn thoắt dưới sự yểm hộ của những trận mưa tên rào rào. Chỉ trong khoảnh khắc, quân Đại Việt đã làm chủ mặt thành, cướp cửa chính, hạ thang treo cầu nối giữa cổng thành và bờ lũy ngoài, ngăn cách bởi hào sâu… để đón đại quân tiến vào cướp thành.

    Chưa kịp chống đỡ thì Trần Thừa chỉ đã bị bắt cùng toàn bộ đám thủ hạ, và bị dẫn đến trước mặt một vị tướng Đại Việt không có râu. Vị tướng Đại Việt bảo lũ tướng Tống bại trận rằng:

    - Lũ chúng mày tích binh, tích lương thảo để chuẩn bị kéo sang nước ta. Ta tiến binh không thèm chiếm đất, không thèm giết người. Chỉ phá tan thành quách, đốt hết lương thảo, phá tan các đạo quân đang tụ lại… Nếu các ngươi không chống cự ta, ta không cần mạng sống của các người làm bẩn gươm ta…

    Nhưng cà cuống chết đến đít vẫn cay, Thừa chỉ Trần Vĩnh Thái vẫn lên mặt ta đây là quan nước Đại Tống, coi đám man di bằng nửa con mắt, nên cao giọng mắng rằng:

    - Lũ man chúng mày dám phạm đến bờ cõi Đại Tống, chúng mày mắc vào trọng tội… Muốn sống thì phải tự bỏ giáo mà hàng, may ra ta tâu về triều đình xin tha tội chết cho. Bằng không ta dẫn đại quân sang tận sào huyệt Thăng Long, đào mả tổ tiên chúng mày lên để trừng phạt…

    Cái giọng láo xược của tên tù binh làm cho vị tướng không thể nào chịu được, vì thế ông không muốn giết cũng không được. Ông phất tay cho quân lính điệu cả bọn ra ngoài mặt thành, chém đầu bêu trên bãi chợ để làm gương cho những tên quan tướng Tống ngu xuẩn và cứng đầu.

    Từ Khâm Châu ngay ngày hôm sau Lý Thường Kiệt phát binh ra lệnh cho các tù trưởng các man động phía bắc của ta tiến quân ào ạt sang đánh phá.

    Một đám những tên tướng Tống ương ngạnh kéo nhau chạy ra các thành lẻ tìm kế chống lại, bị các tướng của Lý Thường Kiệt sai đi đánh giết. Đầu của bọn chúng bị bêu ngay vào buổi sáng hôm sau.

    Tiết chế Lý Thường Kiệt thừa thắng, chia quân làm hai đạo thủy bộ tiến thẳng xuống Liêm Châu.

    Tin mất Khâm Châu làm quân tướng giặc ở Liêm Châu rung động hoảng hốt. Tướng Tống coi Liêm Châu vội sai đóng kín cửa thành và cho quân kỵ mã tỏa về các nơi xin viện binh cùng phối hợp chống cự. Nhưng chúng không kịp bày trận đồ thì đại quân đã đến trước thành. Súng bắn đá lại dội những trận mưa đá trên mặt thành và các cỗ thang mây được voi kéo đến sát chân thành để mở lối cho những đô dũng thủ lăn khiên đánh đại lao, mã tấu và lính đánh câu liêm ào ạt leo lên chiếm các đài cao. Quân ở Liêm Châu có chuẩn bị nên chống cự mãnh liệt hơn. Vì thế cuộc chiến ở đây khá khốc liệt. Suốt một ngày giao tranh dữ dội, đại quân Lý đã chém chết tám ngàn đầu giặc, và làm chủ thành này vào đúng ngày thứ ba của cuộc đổ bộ từ biển vào… Đến lúc đó những đạo quân các nơi được phí báo nghe lệnh của tướng coi Liêm Châu là Lỗ Khánh Tôn mới lũ lượt kéo binh về định kế trong đánh ra ngoài đánh vào, ép đại quân Lý ở giữa để tiêu diệt. Nhưng quân cứu viện đông như kiến vừa tới nơi đã thấy đầu của Lỗ Khánh Tôn treo lủng lẳng trên cột cờ chính của thành Liêm Châu. Bọn chúng hồn vía rụng rời, tranh cướp đường, đạp lên nhau bỏ chạy.

    Lý Thường Kiệt tung đội voi chiến truy kích. Hàng ngàn giặc bị chân voi xéo nát.

    Bằng cách hành quân thần tốc đúng lúc bất ngờ nhất, nên chỉ trong ba ngày đại quân của Lý Thường Kiệt đã làm chủ hai thành lớn của vùng biển Hoa Hạ và hai hải cảng lớn ở đây. Tại đây, các đời vua Tống nhất là Tống Thần Tông đã sai nhiều tướng vận chuyển lương thảo tích tụ những kho lương vô cùng lớn. Để khi cần điều quân đánh Giao Chỉ thì có thể chở lương thảo từ đây đi theo đường bể tiếp tế cho đại quân. Vì một thuyền chở quân lương có thể thay cho hàng ngàn người khuân vác, hàng trăm ngựa thồ đi ròng rã vượt đèo vượt suối hàng tháng trời vất vả. Kho lương thực mà vua tôi nhà Tống trữ ở hai hải cảng lớn nhất Hoa Hạ này đủ chu cấp cho cả đạo quân mười vạn người đánh ròng rã trong một cuộc chiến kéo dài hàng năm trời… Thế mà chỉ trong ba ngày kho quân lương tích tụ hơn chục năm trời đó đã rơi vào tay quân Đại Việt.

    Lý Thường Kiệt cướp hàng trăm thuyền vận tải của quân Tống, cắt quân lo việc chở lương thảo về nước, đồng thời để cứu đói cho đám dân quanh vùng đang mất mùa, ông cũng sai trích kho lương ra phát chẩn… hàng vạn dân quanh vùng đến lĩnh chẩn của quân Đại Việt không ngớt lời ca tụng công đức của đức ông Tướng quân Tiết chế họ Lý của nước Đại Việt. Cùng với cấp gạo phát chẩn cứu đói, Lý Thường Kiệt giao vào tay từng người bản hịch có tên là Lộ bố văn. Dân đói lĩnh chẩn mang bài hịch Lộ về khắp các hang cùng ngõ hẻm và truyền nhau đọc. Trong lời Lộ bố (tức là lời tuyên bố trên đường tiến quân) Tiết chế Lý Thường Kiệt viết rằng: “Ta đến đây thấy dân đói khổ, phải phá những kho quân lương tàng trữ để gây chiến tranh, cấp phát cứu đói cho dân. Dân Trung Nguyên từ lâu nay khổ vì chuẩn bị chiến tranh lại càng khổ hơn vì những chính sách gây cảnh đói kém kéo dài… Vì lẽ ấy ta phải đem đại quân đến cứu…”

    Lời Lộ bố vừa phát đi đã làm rung động cả miền Hoa Hạ truyền nhanh đến tận triều đình vua Tống Thần Tông. Những cách quân của các tù trưởng giáp động tiến ở hướng chính nam lên chính bắc đã chụm lại, để mở một mũi nhọn đột kích vượt qua gần hai trăm dặm đường thiên lý tới thành Ung Châu. Đạo quân của tù trưởng Nùng Tông Đản đi tiên phong đã tiến tới chân thành sớm nhất. Đạo quân đó không đông, và mệt mỏi vì chặng đường dài vừa hành quân vừa đánh hết trận lớn đến trận nhỏ. Nếu Lưu Di còn đủ trí sáng suốt y sẽ nhận ra ngay đạo quân kia chỉ có vài trăm tay giáo, năm thớt voi, một trăm chiến mã. Quân số ấy không bằng một phần hai mươi đám quân đang đóng giữ thành Ung Châu và các đồn lẻ ngoại vi thành. Viên tướng già lão luyện Tô Giàm nai nịt gọn gàng xin điểm một vạn binh từ thành Ung Châu xông ra đánh cánh quân của tù trưởng Nông Tôn Đản. Tô Giàm bàn với Lưu Di rằng:

    - Xin đại nhân ở lại giữ thành. Tôi chỉ lấy nửa số quân là một vạn tay thương tay kiếm xông ra, quyết đánh một trận bắt tên tướng tiên phong của giặc, rồi kéo lên chiếm lại ngọn đèo Quỷ ở đường thương đạo ngăn giặc từ xa. Còn đại nhân truyền lệnh tập hợp quân binh tất cả các nơi khắp vùng Hoa Hạ, chắc chắn cũng thu được mười vạn người ngựa, như thế lo gì ta không chặn được giắc từ xa, để đợi quân triều đình tới cùng ta phản công giặc đuổi chúng về tận hang ổ để trừng trị.

    Nếu Lưu Di bình tĩnh thì đã nghe theo lời của viên lão tướng Tô Giàm. Nhưng lúc này Lưu Di thần hồn nát thần tính, nên đã kiên quyết không cho viên lão tướng xuất quân. Không những thế hắn còn mang theo một số quân hộ tống rút về Quế Châu, và dặn Tô Giàm rằng:

    - Tướng quân chớ mắc mưu giặc… Giặc đến ít là để nhử ta ra khỏi thành, khinh địch ham đánh đuổi theo chúng, rồi chúng kéo đại binh vào đánh úp thì tính lành sao? Hay tốt nhất tướng quân cứ đóng cố thủ trong thành, còn tôi về gấp Quế Châu kén binh mã, xin quân cứu viện của triều đình… Đến lúc đó ta đánh quật lại nắm lấy cái thắng chắc như nhặt quan tiền ở sẵn trong túi áo.

    Nói rồi không cho Tô Giàm bàm thêm một câu nào nữa, Lưu Di mang một ngàn quân kỵ mã hộ tống chạy bán sống bán chết về thành Quế Châu.

    Thế là thành Ung Châu đông đặc quân sĩ, trữ lương có thể cố thủ đến ba năm không cạn; thành cao hào sâu bỗng nhiên đóng cửa thành cố thủ trước đạo quân có vài trăm người.

    Cùng lúc đó, đại quân của Tiết chế Lý Thường Kiệt chính thức phát binh tiến về phía nội địa. Lý Thường Kiệt chia đại quân của mình làm hai đạo. Đạo quân chính là quân vẫn đóng tại Khâm Châu do chính Lý Thường Kiệt chỉ huy, thì hành quân ào ạt tiến về Ung Châu. Còn đạo quân chiếm thành Liêm Châu lại đánh quặt lên hướng đông bắc. Nhằm đánh vào thành Châu Bạch. Viên đô tuần kiểm quân Tống là Thẩm Tông Cổ cố thủ trong thành, nhưng thành không giữ nổi trước sức công phá mãnh liệt. Thẩm Tông Cổ bị chém giữa trận. Thừa thắng đạo quân đó lại được lệnh tiến lên châu Dung. Viên đô thống tuần kiểm suốt các châu Bạch, châu Dung là Phan Nhược Cốc đã đốc thúc hai viên chỉ sứ là Vương Đạt và Tào Quang vét tất cả quân lính trong hai châu đưa vào thành châu Dung cố thủ. Nhưng đạo quân gương cờ Đại Việt đã san phẳng thành này giết chết tươi tất cả ba viên tướng cầm đầu là Phan Nhược Cốc, Vương Đạt và Tào Quang… Cả một vùng Hoa Trung phía đông đều rung động. Quân các thành các châu đóng cửa thành cố thủ nơm nớp chờ đợi quân Đại Việt đến đánh nhưng đạo quân Đại Việt này đóng lại ở thành châu Dung hư trương thanh thế chứ không ham thắng mà tiến lên nữa. Ngầm ý của Tiết chế Lý Thường Kiệt dùng đạo quân này để cắt đứt con đường cứu viện từ phía đông của quân Tống đến cứu thành Ung Châu

    Những tin tức của của hành binh quy mô của Đại Việt tràn vào vùng Hoa Hạ và tiến sâu hai trăm dặm trong lòng nội địa đến tận thành Ung Châu liên tiếp dồn về gây rồi loạn tinh thần của vua tôi nhà Tống. Ngay từ khi tin mất thành Khâm Châu, viên chỉ sứ kinh lược Quảng Nam đã tâu về triều bằng con đường hỏa tốc xin cứu viện thêm hai vạn bộ binh, ba ngàn kỵ binh và xin biện trước một tháng lương theo quân vì tất cả các kho đụn dự trữ tụ lại mười năm nay ở vùng Hoa Hạ đều có nguy cơ rơi hết vào tay quân Đại Việt. Lại xin viên chỉ sứ đặc mệnh của hoàng đế theo với đại quân… Nhưng lời tấu xin vừa gửi đi thì tin thành Liêm Châu mất cũng vừa đến… Viện kinh lược Quảng Nam Tây lộ lại lại hốt hoảng viết biểu tâu về triều xin thêm khí giới quân dụng và xin được có những đạo chỉ của vua để tùy nghi điều động quân các khê động. Rồi tấu biểu vừa gửi đi, chưa kịp có hồi âm thì lại nghe tin thành lũy châu Bạch rồi châu Dung lần lượt thất thủ… Viện kinh lược Quảng Nam tây lộ lại lật đật viết biểu xin rời ty kinh lược của mình vào thành Tượng Châu kiên cố để tiện điều binh khiển tướng vùng khê động…

    Những tin tức chậm chạp từ kinh về đến vùng Hoa Hạ làm cho Tống Thần Tông vô cùng bực tức. Nhà vua xuống lệnh cho lập gấp các trạm dịch mã, các đài lôi hỏa để thông tin chiến sự thật mau chóng. Vua và hai viên chỉ sứ Trương Thuật và Tạ Quí Thành phải đến ngay ty kinh lược Quảng Tây để chuẩn bị sẵn sàng các tướng lệnh. Thế quân của Đại Việt tiến như vũ bão làm cho Tống Thần Tông vô cùng bối rối. Vua Tống chỉ sợ thừa thắng quân Đại Việt sẽ tiến vào chiếm các vùng thuộc ty Quảng Châu kinh lược và Quảng Nam tây lộ rồi đánh thẳng vào Hoa Trung. Nhà vua vội hạ chiếu cho tất cả các thành trì, các ty kinh lược, từ Hoa Trung trở xuống phải củng cố thành lũy, phòng bị cẩn mật. Lại dặn các viên quan coi châu coi huyện coi thành trì phải lấy cố thủ làm chính… Quân lính tướng tá cứ thế là tụ cả vào trong thành lo xây thành đắp lũy tích lương, không thể nào trích đâu ra quân để ứng cứu cho những nơi bị quân Đại Việt công phá ào ạt. Nguy cơ ấy làm cho các võ tướng lo ngại, đã mấy lần rập đầu xuống bệ rồng để can gián, xin tập trung kéo xuống đánh dẹp. Nhưng Tống Thần Tông chỉ lo phòng thủ thật dày đặc, không để cho quân Đại Việt có cơ hội đánh sâu vào nội địa, nhất là đánh vào kinh đô nơi mình đang trú ngụ. Vì thế từ kinh đô, chiếu chỉ vẫn truyền cho các quan tướng biết rằng: “Quân Giao Chỉ chỉ đánh chiếm phạm vào đất Khâm Châu chưa lui. Sợ nó theo bờ bể dòm ngó Quảng Châu. Nên các ngươi phải lo mà giữ. Nay xét, thấy quân các thành trại các đồn binh ở Quảng Nam tây lộ yếu và ít ỏi, lại tản mát phân tán. Nếu không cố thủ tại các thành trì, giặc kéo đến tất tan vỡ. Mà quân ta vỡ thì tiếng tăm của giặc, uy danh của giặc càng tăng nhanh, thanh thế của giặc càng làm cho sĩ tốt của ta chỉ nghe hơi giặc đã mất hết chí khí cầm gươm hoành giáo chống cự với giặc. Vậy chiếu cho các tướng giữ Quảng Nam tây lộ phải bảo các thuộc cấp giữ thành không được khinh thường sức mạnh của giạc Giao Chỉ. Phải cố thủ trong những thành trì. Không được ham công mà đánh liều ra ngoài thành dễ bị vào thế trận bày sẵn của giặc…”

    Nhưng rồi tin tức các thành trì lớn nhỏ mất dần mất mòn cứ dồn dập bay đến kinh đô, Tống Thần Tông đổi lại chủ trương cố thủ toàn bộ thành trì. Tiết chế Tể chấp hạ chiếu bắt cá tướng sĩ vùng Hoa Hạ: “Nếu xem quân Giao Chỉ đánh tới đâu mà không đủ quân giữ, thì chỉ giữ những chỗ hiểm yếu nhất mà thôi. Nơi nào có kho tiền vải lương thực tích lũy từ trước để chuẩn bị cho việc tiến binh, thì phải lo mà chở tháo đi cất giấu, đừng để lọt vào tay giặc…”

    Lệnh này của nhà vua làm cho tất cả thành trì vùng Hoa Hạ rối loạn, tất cả các tướng run sợ trước sức mạnh tấn công của quân Đại Việt đều thấy thành mình giữ không được vững chắc lắm, thành không cao hào không sâu, thế là cứ vịn vào việc chỉ cần giữ những chỗ hiểm yếu và chở tháo lương thực quân dụng, kéo nhau bỏ thành mà thồ hàng hóa đi không cần chờ giặc đến đánh chác gì nữa. Việc này làm cho cả vùng Hoa Hạ rối loạn, các quan trong triều rất là Vương An Thạch rập đầu can ngăn, vua Tống Thần Tông lạ hạ một chiếu chỉ ngược lại hẳn hai chiếu chỉ vừa ban mấy ngày trước. Chiếu chỉ này nói rằng: “Quân mà bỏ thành chạy đi chỗ khác tất làm lòng dân biến động. Làm dân sợ mà đầu hàng giặc trước khi giặc tới. Vậy ta lệnh cho các quan phải trở lại thành của mình…”

    Vua Tống Thần Tông đã lúng túng như vậy, mà hàng ngày lại bị những biểu tấu của kinh lược sữ Lưu Di gửi về hối thúc xin viện binh, mỗi lúc một ráo riết, tin tức của viên quan này đưa về cùng những kế sách dâng lên thì cứ thay đổi từng ngày như cái chong chóng. Nhà vua lại càng bối rối… Bối rối mà chẳng biết trị tội ai, Tống Thần Tông bèn hạ lệnh cách chức Lưu Di, sai viên quan thân tín của mình là Thạch Giám cấp tốc xuống thành Quế Châu, tể tước quyền của Lưu Di và kiêm luôn cả chức kinh lược sứ Quảng Nam tây lộ. Để viên quan bị đẩy vào đất chết có thêm sức gắng gượng, vua thương tình sai mở ngân khố cấp cho Thạch Giám năm vạn quan tiền. Lại sai các vùng quanh Hoa Hạ mộ quân gấp rút và gấp rút trữ lương thảo. Bắt các đất còn lại của Quảng Nam tây lộ tích bằng đủ 57 vạn thạch ngũ cốc, lại phải tích thêm 10 vạn thạch đậu. Kinh Nam phải biện đủ 3 vạn thạch gạo. Phúc Kiến phải biện đủ 3 vạn thạch cao lương… Lệnh mộ binh gấp rút bắt cho đủ số ba ngàn hai trăm quân tại các châu Phú, châu Ung, châu Tân. Bắt cả các thổ dân các châu khác để bổ thêm vào. Không hạn định số lượng, hễ cứ thấy trai tráng có sức khỏe là lùa vào quân, không đợi điểm hộ tịch ghi tên, cứ đủ số 500 binh tráng là dẫn ngay đến Quế Châu, trên đường thì đặt gấp ngay quan chỉ huy. Tới Quế Châu thì tập trung lại, có bao nhiêu là cử ngay tướng rèn luyện võ nghệ, cấp quân khí, áo giáp rồi đưa tới các thành trì để trấn giữ, gọi là quân Tân Đằng Hải…

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Nhân sinh vô hối nhập Touhou
    Kiếp sau nguyện sinh Gensokyo

  4. #14
    Ngày tham gia
    Aug 2014
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    11,219
    Xu
    29,733

    Mặc định


    Chương 10 (2)




    Vua Tống Thần Tông đã điều động quân tràn cõi Trung Nguyên rối loạn đến mức khắp nơi thấy quân trẩy ngang dọc, khắp nơi sắm sanh vũ khí, khắp nơi tích tụ lương thực… Cả cõi Trung Hoa như chìm trong cơn biến loạn khủng khiếp.

    Tể tướng Vương An Thạch thì bình tĩnh hơn, thâm trầm hơn. Y im lặng theo dõi từng biến động ở mạn nam thùy. Y chỉ nổi điên lên khi các viên cựu thần lấy lời của lộ bố văn làm bằng chứng để đổ tội cho các chính sách gây nên loạn lạc trong nước. Vương An Thạch căm viên tướng Đại Việt dám đả kích vào chính sách của mình, và làm cho mình gặp thêm khó khăn ở ngay giữa triều vào lúc khó khăn nhất của việc nội chính này. Vương An Thạch bèn ngấm ngầm đốc thúc nhà vua tổ chức một đạo quân thật lớn đánh thẳng vào đất Đại Việt để trả hận. Nhưng việc thực hiện mưu đồ của y bây giờ không còn dễ dàng như trước nữa, vì các cựu thần nhân cơ hội này đổ tất cả mọi khó khăn của triều đình là tại Vương An Thạch, không ngừng công kích bài xích viên tể tướng ngông cuồng. Nhưng Vương An Thạch là con người có chí lại đa mưu. Y vẫn kiên trì tiến cử với vua Thần Tồn một võ quan Thiểm Tây tên là Triệu Tiết. Cuối cùng vua Tống Thần Tông đã nghe lời phong cho Triệu Tiết làm An Nam đạo hành doanh kinh lược sứ, nghiêm giữ ấn Quảng Nam tây lộ an phủ sứ… Bằng thế lực của mình, tể tướng Vương An Thạch đổ hết nhân tài vật lực để Triệu Tiết có thể có trong tay hai mươi vạn quân tiến đánh thẳng sang đất Giao Chỉ cho đúng với tướng hiệu là An Nam đạo hành doanh. Vương An Thạch đề cử những viên tướng tin cẩn nhất của mình như Yên Đạt làm phó đô tổng quản, tướng Ôn Cảo đặc trách trong coi việc kê cứu thư từ, lại xin vua cử viên nội quan thuộc ngạch quan hoạn làm phó an phủ sứ.

    Vua sai Tư Mã Quang thảo chiếu xuất binh nam phạt, nhưng tể tướng Vương An Thạch bừng bừng lửa giận giằng lấy và tự tay thảo chiếu để trả lời Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt. Trả thù cái việc viên tướng ở một nước nhỏ dám đả kích hẳn vào chính sách tâm đắc nhất của mình, gây khó khăn cho mình ở ngay chính cái sân triều đình nơi mình làm quan đầu triều với chức tể tướng…

    Thảo “Giao Chỉ chiếu” viết rằng:

    “Chúa An Nam đời đời được phong tước vương, cho nên con cháu được ta thừa nhận vỗ về. Thiên triều đã từng tha lỗi cướp ngôi họ Lê. Nay lại phạm vào nội địa, giết hại thần dân. Can tội với nước thiên tử, như thế không thể tha thứ được.

    Quân trời tới đánh thật có danh nghĩa.

    Nay trẫm sai Triệu Tiết làm An Nam đạo hành doanh, kinh lược sứ. Lê Hiển làm phó an phủ sứ, Yên Đạt làm phó đô tổng quản.

    Các người hãy cất quân thủy lực chóng đi!

    Trời tỏ muốn giúp nên có điềm sao chổi tốt, người rõ lòng gian nên căm giận quân địch ác.

    Chiếu cho quân Giao Chỉ hay, khi thấy quan quân đến thì đừng chạy. Dân chúng đã chịu khổ sở lâu ngày, nếu dỗ được chúa mày vào nội phủ, Trẫm sẽ ban tước lộc cho. Càn Đức còn trẻ, việc làm loạn không phải tự mày gây ra. Ngày nào tới chầu, Trẫm sẽ tha thứ cho…”

    Vương An Thạch vốn là người cứng mạnh, khi vua do dự chưa dám động binh, nghĩ rằng chưa phải lúc cất quân đi xa, mà là lúc giữ nhà. Vương An Thạch tâu rằng:

    - Có binh trong tay, như có tiền trong túi, không có lúc nào là không dùng được.

    Tống Thần Tông hãy có băn khoăn:

    - Dụng binh bây giờ thì lấy danh nghĩa gì?

    Vương An Thạch trả lời rằng:

    - Khi có binh trong tay, lại muốn dùng binh thì danh nghĩa tất có. Nếu bệ hạ muốn dùng binh sao lại không có danh nghĩa…

    Vương An Thạch bèn dâng thảo “Giao Chỉ chiếu” lên mà dương dương tự đắc nói rằng:

    - Danh nghĩa đây, bệ hạ cần là tất có…

    Khi vua tôi nhà Tống điều binh như đèn cù và bàn về danh nghĩa thì phò mã Thân Cảnh Phúc đã tung quân nhổ hết các thành lũy đồn trại mở đường dẫn đại đạo binh mã bao vây Ung Châu và đại quân của Lý Thường Kiệt đã tiến qua núi Thập Vạn Đại Sơn đổ xuống hợp với quân khê động, tiến công thành Ung Châu, một thành trì cứng mạnh kiên cố nhất khắp vùng Hoa Hạ.

    Danh tiếng có khối kiến trúc thành trì đồ sộ lũy cao hào sâu này làm cho tể tướng Vương An Thạch đinh ninh tin chắc rằng:

    - Các ngươi cứ yên tâm, quân man di Giao Chỉ chẳng bao giờ lấy được thành Ung Châu của Đại Tống cả đâu. Khắp trong đất nước Trung Nguyên nà, thử hỏi xem có thành nào chắc hơn, vững hơn và mạnh hơn thành Ung không? Tượng binh của địch vững mạnh, làm cho bộ binh và lính thiết kỵ của ta hoảng sợ, nhưng đứng trước tường thành Ung Châu khác nào con chuột đứng trước vách đá nghiến răng chịu chết. Máy bắn đá của Giao Chỉ cũng rất lợi hại đối với thành thấp. Nhưng phỏng nó có thể câu những viên đá tảng lên tới lưng thành Ung Châu không nào? Ta nghe sức bắn cao nhất của máy bắn đá Giao Chỉ bắn cao không quá chín trượng. Mà thành Ung cao hơn mười trượng… Đá bắn không với tới sẽ rơi xuống nghiền nát chính lũ quân vây thành… Hơn nữa ở đó ta lại có lão anh hùng Tô Giàm, một vị tướng giữ thành lão luyện, kỳ cựu trong ngạch quan văn rồi võ quan, thông minh có thừa, mưu trí tuyệt với lại có đức cứng mạnh cương quyết. Ta tin rằng lão tướng Tô Giàm sẽ không phụ lòng ta. Sẽ giúp ta giương cái bẫy lớn, làm cho quân tướng Đại Việt bu quanh Ung Châu như lũ kiến bu quanh một miếng mồi, chờ ta đến phóng hỏa thiêu chết hết… Các ngươi cứ tin vào lời ta.

    Vương An Thạch là một nhà nho tự tin. Điều mà Vương An Thạch tin là có căn cứ. Đúng là thành Ung Châu mới xây là một thành vô cùng lớn ở vùng Hoa Hạ. Đó là trung tâm rắn chắc nhất của toàn tuyến phòng thủ phía nam thùy. Thành xây bằng đá, chu vi toàn bộ là hơn một ngàn trượng. Thành xây cáo hơn mười trượng. Mặt thành rộng có thể xe chở và người ngựa tiến thoái hành quân ứng cứu dễ dàng. Trên mặt thành lúc nào cũng có hai ngàn cung thủ túc trực. Tức là cứ một trượng có đến ba cung thủ túc trực. Quanh thành laịi có hào sâu rắc đầy chông gai. Trong thành nhà ngói san sát, kế hỏa công không thể dễ dàng dùng được. Hơn nữa thành lại có nguồn nước riêng, bao vây bao nhiêu ngày tháng cũng không thể tuyệt đường nước uống được. Vả lại hơn mười năm tích cốc tụ lương vùng Hoa Hạ, thì Ung Châu đã trở thành một kho quân lương khổng lồ. Số lương hiện giữ trong thành Ung này tính theo sổ sách của ty vận chuyển thì đủ chu cấp nuôi sống cho một đạo quân mười vạn người đánh nhau kéo dài cả một năm… Theo sổ quân tịch, dưới tay Tô Giàm, quân trong thành chỉ có hai nghìn tám trăm lính thường thủ trấn giữ Nhưng từ ngày có biến động ở Hoa Hạ, nhất là khi cánh quân của các thủ lĩnh biên thùy Đại Việt ép phía đông nam thì các thành trì khác hoặc tan vỡ, hoặc nghe lệnh bỏ thành mà chạy của Tống Thần Tông nên cứ kìn kìn chở thêm quân lương vũ kéo về nấp trong cái mai cứng như mai rùa của thành này để rụt đầu nghe sấm động khắp miền Hoa Hạ. Số quân trong thành từ khi tướng quân Tô Giàm muốn xuất kích đánh mũi quân của tù trưởng Nùng Tôn Đản, đã có gần hai vạn. Cho đến khi các cánh quân kéo đến vây thành thì trong thành đã có đến gần ba vạn quân. Ấy là chưa kể có đến hơn một vạn quân ở các thành trì khác chạy về đây để mong chui vào lớp thành cứng trốn cái chết của cuộc tấn công thần tốc, đã chạy đến trước cửa thành. Nhưng Tô Giàm là một viên tướng quỷ quyệt quyết đoán, biết lo xa, đã ra lệnh cho quân mình không mở cửa thành tiếp nhận vì sợ nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất sợ quân địch mặc giả, quần áo trà trộn vào các cánh quân Tống lọt vào thành làm nội phản. Lẽ thứ hai cánh linh tráng vỡ trận ô hợp này tinh thần bất định, chí khí chiến đấu đã hết, thần hồn nát thần tính, cho chạy vào gây thêm hoang mang cho lính tráng giữ trong thành. Những còn một lẽ nữa, vốn là người có nhiều mưu ma chước quỷ lại quyết đoán lạnh lùng, nên Tô Giàm muốn lợi dụng đám quân này một bức thành thịt bảo vệ vòng ngoại thành đá vững chắc của mình…

    Bởi những lẽ ấy, Tô Giàm không cho quân chạy đến trốn vào thành mà chúng đóng lại trong các vọng lâu, những thành nhỏ ở ngoài thành. Tô Giàm sai quân cung cấp lương thực vũ khí cho đám quân này và bắt bọn họ phải dựa vào hào sâu mà chống giữ đến cùng nếu họ manh tâm muốn hàng thì cung thủ của Tô Giàm đã sắp sẵn ở trên mặt thành bất cứ lúc nào cũng nhằm thẳng lưng họ sả xuống như mưa…

    Mưu kế của Tô Giàm hiểm độc đã kéo dài tuổi thọ của thành Ung Châu không ít. Các cánh quân bị buộc vào thế phải tử chiến để giữ lấy mạng sống của mình đã cụm thành những đồn trại độc lập, dựa lưng vào thành vững chắc, quay mũi giáo đẩy dần vòng vây cỉa quân các tù trưởng Giao Chỉ.

    Các tù trưởng muốn tiêu diệt các đồn binh này, vừa phải tiến đánh vừa phải đội trên đầu những trận mưa tên những trận mưa đá từ các máy bắn đá và các lỗ châu mai trên mặt thành bắn yểm hộ.

    Khi đại quân của Lý Thường Kiệt kéo đến nơi thì các tù trưởng đang bối rối trước những hang ổ kháng cự bất ngờ này. Lý Thường Kiệt bèn hội các tù trưởng và các chư tướng lại mà truyền rằng:

    - Từ giờ phút này, ta không phải chỉ đánh bằng lưỡi gươm mà phải đấu bằng trí não với con cáo già Tô Giàm đang ẩn núp trong cái hang bằng đá kiên cố được gọi là thành Ung Châu trước mặt các ngươi đó. Để các ngươi hiểu các ngươi đang phải cầm gươm mà đấu trí với ai, ta mời một nhà sư tên là Cần Giác Thiền Tông kể về tên cáo gì này cho các ngươi nghe… Xin mời hòa thượng…

    Vị hòa thượng vén áo cà sa vàng tiến lên trước trướng hổ và bằng cái giọng rủ rỉ rù rì như giọng đọc kinh địa tạng, nhà sư Cần Giác Thiền Tông kể rằng:

    - Tôi ẩn tu ở ngôi chùa trên núi Thập Vạn Đại Sơn đã nhiều năm nay nên tôi biết rất rõ vị lão tướng Tô Giàm này. Tô Giàm không là tướng từ ngạch võ xuất thân , mà vốn là quan văn, xuất thân từ cửa Khổng sân Trình. Đã từng đỗ tiến sĩ cập đệ, được bổ đi coi một viên châu phương bắc. Rồi do chinh chiến kéo dài mà buộc phải cầm quân và nổi tiếng về tài giữ thành cố thủ. Vì vốn là thư sinh trói gà không chặt, nên Tô Giàm không đánh nhau bằng cưỡi ngựa cầm thương dẫn đầu ba quân xung trận mà đánh nhau bằng cách buông màn ngồi trong trướng hổ đấu trí với tướng địch ở ngoài tầm tên đạn. Tô Giàm vừa nhiều quỷ kế vừa là kẻ thực tiễn, Vì thế lão là một trong những cựu đại thần đại nho của phái cũ đững ra ủng hộ tể tướng trẻ tuổi ngông cuồng Vương An Thạch. Và được tể tướng họ Vương hết sức tin cậy. Vì thế Vương An Thạch mới bổ Tô Giàm về coi thành Ung Châu này đã năm năm nay. Năm năm viên võ tướng xuất thân từ ngạch mưu sĩ này đã đủ thời giờ để thuộc từng viên đá trong thành đến ngọn cỏ trước thành… Có mắt nhìn xa trông rộng, Tô Giàm đã đoán biết chuyện binh đao không tránh khỏi, mà trước thành Ung tất sẽ thành bãi chiến trường. Vì thế đã từ năm năm nay Tô Giàm suy nghĩ mưu kế để đánh nhau giữ thành…

    Lý Thường Kiệt gật đầu khen:

    - Hòa thượng đã giúp ta hiểu được tướng giặc, đó là cái lẽ biết người biết mình trăm trận đánh trăm trận thắng trong binh thư. Nhưng theo hòa thượng thì Tô Giàm sở cậy vào điều gì mà cố thủ trong thành chơ vơ này?

    - Thưa tướng công, tôi nghe nói, khi nghe tin có đạo quân đầu tiên của ta do tù trưởng Nùng Tôn Đản thống lĩnh, Tô Giàm đã tỏ ý muốn đánh đòn và bắt quân ta bằng một số quân đông gấp mười lần mà lúc đó Tô Giàm dễ dàng huy động được. Nhưng Lưu Di đã can ngăn, vì thần hồn nát thần tính. Vì thế tuy chịu cố thủ trong thành, nhưng Tô Giàm vẫn có chí chống trả quyết liệt. Đến khi các tù trưởng kéo quân man động mỗi lúc một đông đến vây thành thì lính tráng quan quân khắp nơi chạy tràn vào thành rất là đông. Tình trạng quân hồi vô phèng hỗn độn đã xảy ra. Để nghiêm quân phép, Tô Giàm bắt hú họa vài mươi người dân vu cho tội gây nhiễu loạn có ý hàng giặc lôi ra giữa chợ chính trong thành không xét xử chỉ kể tội rồi sai quân chém đầu. Ngay ở giữa pháp trường, Tô Giàm hô hào quân lính, thân hào nhân sĩ, các tướng trong quân, ai có tài dũng thì bày tỏ phương lược để chia nhau phòng thủ. Khi quân ta vây đông đặc ngoài thành thì Tô Giàm bèn họp cả dân chúng lại chém đầu thêm những kẻ hèn nhát, lập lại quân lệnh rồi bày tất cả các thứ của công của tư trước mặt mọi người mà truyền rằng: “Khí giới ta dự bị đầy đủ, lương thảo ta trữ cũng không thiếu. Bây giờ giặc đến dưới thành. Chỉ còn có cách cố thủ lấy thành để đợi triều đình quân ngoại viện. Lúc ấy trong ta mở cửa thành đánh ra, ngoài vạn vạn binh mã triều đình vây chặt, đánh một trận sống mái tất ta sẽ nắm lấy phần thắng trong tay. Nếu có ai dưới trướng ta đây mà hoảng sợ bỏ chạy, gây nên việc lòng dân náo động, lòng dân không yên thì đại sự sẽ hỏng. Nếu các ngươi nghe ta sống chết cố thủ thì sẽ được hậu thưởng. Bằng không nghe ta, sợ giặc mà bỏ chạy, ta sẽ sai chém đầu lấy lại quân luật cho ba quân”. Tô Giàm nói là giữ lấy lời như đinh đóng cột, như dao chém đá. Viên quan đại hiệu chỉ mới có ý định trốn, có người phát giác, Tô Giàm cũng sai quân bắt về đưa chém đầu. Vì thế mà trong thành ai cũng sơ, không ai dám bàn tán đến việc rút chạy. Đến ngay con trai Tô Giàm vốn làm quan ở Quế Châu, mấy tuần trước về đây thăm bố nhân ngày giỗ kỵ, nay muốn đưa cả vợ con trở lại nơi nhậm chức, Giàm cũng không cho. Và nêu việc đó làm gương trong quân ngũ. Làm cho các tướng không ai dám cho vợ con trốn ra ngoài thành. Ngay cả đám quân Tô Giàm đẩy vào cõi chết cũng không dám cưỡng lệnh… Phải liều chết chống cự. Tô Giàm lại sai quân dựng rất nhiều dàn cung, loại cung bắn một lần bay ra cả một trận mưa tên để bảo vệ cho đám quân đóng ở chân thành giữ không cho quân Lý đến gần chân thành… Vì thế mà ta đánh nó đến nay vẫn chưa vượt được vòng lũy đầu của thành trì này…

    Nghe vị hòa thượng vạch hết mưu kế của viên tướng giữ thành cố thủ, các tù trưởng đều lắc đầu giậm chân bực tức. Vị hòa thượng lại nói thêm:

    - Đường này từ đây đến thành phố Quế Châu là đường quan lộ, lại thuận tiện cho việc điều quân tiếp viện. Giữa thành Ung và thành Quế chỉ cách nhau có mười bốn ngày đường đi bộ. Cách năm ngày hành quân của quân kỵ, và bảy ngày hành quân đi bằng thuyền chiến… Tô Giàm đặc sở cậy vào con đường hành quân thuận tiện của quân cứu viện này mà cố sống cố chết chống đỡ. Hơn nữa tại thành Quế Châu theo lệnh của vua Tống Thần Tông đang gấp rút tuyển binh và huấn luyện binh để chi viện… Quân tập trung rất đông…

    Lý Thường Kiệt gật đầu ra dáng bằng lòng, nhưng ông lại hỏi tiếp một câu:

    - Chẳng hay hòa thượng đã lần nào đi từ đây theo đường quan lộ đến thành Quế chưa?

    Vị hòa thượng lần tràng hạt vẫn giữ nét mặt nghiêm trang:

    - A di đà phật… bần tăng ăn mày cửa phật đã lâu… lại có dịp đi thỉnh kinh mãi tận chùa Thái Hàng… nên cũng có lần qua lại con đường này.

    - Ta đã đọc sách dư địa chí Trung Nguyên có thấy nói về ngọn đèo dựng ải Côn Lôn ở ngay phía bắc thành Ung trên con đường nối giữa Ung Quế là vô cùng hiểm yếu, hòa thượng đã qua có thấy sách viết đúng như thế không?

    - A di đà phật… bần tăng không biết gì đến chuyện binh đao nhưng nếu phải vào sái thế đã đứng trên đỉnh đèo thì một trăm tên cướp cũng không thể cướp hồ lô rượu của bần tăng được…

    Lý Thường Kiệt cười:

    - À ra thế… ra thế… xin đội ơn hòa thượng…

    Rồi Lý Thường Kiệt quay lại vẫy tay ra hiệu cho phò mã Thân Cảnh Phúc và tù trưởng Lưu Kỷ, nói nhỏ mấy câu. Hai viên tướng hớn hở bái tạ đi ra ngay… Lập tức trong doanh trại viên tù trưởng chuyên môn buôn ngựa dọc biên giới, tiếng ngựa hý vang lừng và bản doanh của phò mã Thân Cảnh Phúc tiếng trống đồng vang động trời đất… Hai cánh quân lặng lẽ cuối cờ tiến lên phía bắc…

    Xong rồi Lý Thường Kiệt quay lại hỏi tù trưởng Vi Thủ An:

    - Làm sao quân của thủ lĩnh không tiến được vào đến chân thành để nhổ cái đồn tiền tiêu phía nam.

    - Bẩm tướng công, trên mặt thành giặc đặt nhiều cung bắn xuống như mưa. Quân ta đi vào bị tên cản lại… không thể giáp vào đồn tiền tiêu của giặc được… Mà bọn ở đồn tiền tiêu này đã bị Tô Giàm đẩy vào cái thế chỉ có đánh ra thì sống, không đánh ra tất chết… Tất cả mười hai đồn tiền tiêu dựa lưng vào tường thành đều ở cái thế như vậy cả… Ta nhổ được đủ mười hai đồn trại này thì sinh mạng binh tướng phải đổ ra không biết bao nhiêu mà kể…

    Lý Thường Kiệt lắc đầu:

    - Ta chỉ cần nhổ một đồn trại dựa vào chính cửa nam thành đúng hướng tấn công của thủ lĩnh mà thôi… Thủ lĩnh có dám liều chết hay chăng?

    Vi Thủ An đứng phắt dậy:

    - Bẩm tướng công, thân làm tướng, da ngựa bọc thây là lẽ thường tình, cái chết nhẹ tựa lông hồng, lệnh quân nặng như núi Thái… Xin tướng quân cứ ra tướng lệnh.

    Lý Thường Kiệt cười nhẹ:

    - Ta hỏi thủ lĩnh có dám liều chết không là để đưa thủ lĩnh đến chỗ sống oanh liệt chứ không phải đưa đến chỗ chết thôi đâu… Bởi vì người đã cầm ngọn thương thì chỉ có đi vào cái chết mỡi tìm được cái sống… Nhưng đi vào phải đi bằng cách nào mới được… Nay không thể tới sát được đồn trại giặc ở chân thành… Thủ lĩnh và bộ hạ của mình bị tên đạn giặc ngăn lại… Vậy đêm nay thủ lĩnh kén cho ta hai trăm võ sĩ cầm đoản đao, đầu đội khiên mây…

    - Bẩm tướng công sao lại thế…

    - Cần phải thế, làm tướng đừng hỏi tại sao… Ta bảo phải đội khiên mây lên đầu như đội nói, là các ngươi cứ đội… Nửa đêm về sáng hôm nay ta sẽ ra lệnh cho đại quân rung trống hư trương thanh thế làm như đánh tất cả các mặt thành, nhổ tất cả các đồn trại dựa lưng vào tường thành, để các dũng sĩ của nhà ngươi cưỡi ngựa mạnh lao thẳng vào đồn giặc, lao thật nhanh rồi vứt ngựa mà nhảy xuống đánh cận chiến, giáp vào giặc vai sát vai, ngực sát ngực theo cách đánh giáp lá cà… Lúc ấy các ngươi chỉ cần chém lấy một tên giặc thì cung tên trên mặt thành sẽ giết hộ các ngươi mười tên giặc… Cứ bảo với các dũng sĩ nghe lời ta mà liều chết xông vào…

    Không hiểu hết lời Lý Thường Kiệt nhưng Vi Thủ An cứ cúi đầu nhận lệnh. Đúng đến giờ sửu đêm đó, cả vùng thành Ung Châu vang rền tiếng trống đồng dữ dội… Quân triển khai tất cả bốn mặt ầm ầm tiến đánh… Máy bắn đá không bắn lên mặt thành như trước nữa mà tập trung bắn vào các đồn trại ở dưới chân thành… Tô Giàm vội đốc thúc quân từ trên mặt thành, dội mưa tên xuống bảo vệ cho các đồn trại quanh thành… Tên cắm đầy xuống đất như lông nhím mọc, như mạ mùa xuân dậy… Nhưng quân đội Đại Việt vẫn giữ ngoài tâm bay của tên, tầm rơi của đá… Suốt giờ sửu đến giờ dần quân đội trên thành mỏi mệt, đám quân bị bỏ chết dưới các đồn trại quanh thành thì cực nhọc. Đến lúc ấy, một tiếng tù và vang lên, hai trăm con ngựa mạnh của tù trưởng Vi Thủ An bỗng xuất hiện và phóng như một cơn gió lốc qua màn tên. Và chỉ trong một chớp mắt, trận cận chiến giáp lá cà đã nổ ra ngay dưới chân thành… Cửa thành phía nam có nguy cơ bị chiếm… Những dàn cung ở trên mặt thành sững lại một chút. Tô Giàm cưỡi ngựa như bay trên mặt thành ra lệnh cho tất cả các cung thủ bắn cung chúi mũi tên bắn ngay xuống chân thành, chỗ quân của mình đang vật lộn giáp lá cà với quân Đại Việt…

    Mưa tên dội ngay trên đầu lính Tống. Tiếng kêu thét vang động khắp cả mặt thành. Đến lúc ấy Vi Thủ An mới hiểu mệnh lệnh đội khiên trên đầu của Tiết chế Lý Thường Kiệt. Tù trưởng hô quân lao lên chém giết dữ dội… Đúng lúc ấy hàng vạn chiếc loa lớn đã nổi lên tứ phía đồng thanh gọi rằng:

    - Hỡi đám binh tướng bị Tô Giàm đóng cửa thành đẩy vào nơi chết hãy nhìn Tô Giàm đang dội mưa tên giết hại anh em mình ở trại đồn nam… Các ngươi còn đứng dưới chân thành thì số phận các ngươi cũng chẳng thoát được đâu… Nay Tiết chế tướng công ta mở sẵn đường sống cho các ngươi… các ngươi cứ vứt bỏ đất chết chạy ngay ra khỏi chân thành thì các ngươi sẽ tìm thấy đường sống…

    Mấy đồn trại đóng gần đồn trại ở cửa chính nam đã trông thấy mưa tên bắn xuống đầu quân mình thì hoảng sợ vì biết rằng số phận của mình rồi cũng chẳng khác gì số phận các tên trong đồn trại đóng ngoài cửa nam đó… Vì thế vừa nghe loa gọi đã bỏ đồn trại cắm đầu chạy ra chẳng khác nào đàn vịt vỡ chuồng… Và cứ như thế các đồn trại khác lâu nay binh lĩnh vẫn phẫn uất với cách bỏ liều của Tô Giàm , đều bỏ thành mà chạy dưới làn mưa tên trên mặt thành dội xuống… Chúng cũng học cách đội khiên trên đầu mà chạy ra hàng…

    Nhìn cảnh ấy, Tô Giàm đứng trên mặt thành thổ ra máu và thét lên rằng:

    - Ta thua mưu tên tướng Tiết chế Đại Việt rồi…

    Cả hệ thống đồn trại của Tô Giàm tạo nên để giữ chân thành chỉ một trận nhỏ hoàn toàn tan vỡ… Vài ngàn tên bị chết dưới chính mưa tên của quân mình làm cho cả những tên sống sót sau cuộc chạy trốn và những tên còn đứng giữ trên mặt thành đều căm oán tên tướng Tô Giàm tàn bạo…

    Mấy ngàn quân Tống vừa ra hàng và hàng vạn hàng binh còn bị nhốt ở khắp nơi được đưa về trước. Tù trưởng Hoàng Kim Mãn vâng lệnh đến phủ dụ rằng:

    - Từ nay các ngươi không phải cầm võ khí vào chỗ chết nữa. Các ngươi sẽ được ăn uống no đủ. Nhưng các ngươi muốn sống thì phải làm việc quân… Ta vâng lệnh quan Tiết chế cấp cho các ngươi quang gánh… Các ngươi phải đắp những núi đất ở các cửa thành… Các ngươi làm được thì các ngươi sẽ được sống… Các ngươi không làm được thì tướng công Tiết chế sẽ đẩy các ngươi ra cho mưa tên của chính tướng của các ngươi là Tô Giàm giết chết các ngươi… Các ngươi có làm hay không?

    Tất cả bọn chúng đều dạ ran. Kể từ hôm ấy từ bốn phía thành hơn một vạn tù binh Tống cùng mấy vạn dân phu của các nơi được điều đến gánh đất đắp bốn quả núi… Núi cứ thế cao lên dần… cao lên dần như muốn đè bẹp cả tòa thành Ung Châu hùng vĩ kiên cố. Tô Giàm hoảng hốt tuyệt vọng mấy sai tay chân liều chết nuốt lạp thư trốn qua vòng vây để cầu xin cứu viện. Lạp thư là thư mật, được viết trên giấy mỏng, viên lại thành một viên nhỏ rồi bọc lại bằng sáp. Người được cử mang lạp thư nuốt viên sáp đó vào bụng hoặc ngậm sẵn trong miện rồi trốn qua đất địch, hoặc để địch bắt làm tù binh, rồi tìm cách trốn ra ngoài...

    Ngay từ khi chạy về Quế Châu, Lưu Di đã vét quân có sẵn tại đây giao cho tướng Trương Thủ Tiết mang xuống đánh giải vây chi Tô Giàm đang cố thủ trong thành. Trương Thủ Tiết vốn là một viên đô giám lần đầu tiên được thống lĩnh một đạo quân lớn. Vừa tiến quân vừa nghe những tin hoang truyền về đạo quân Đại Việt. Vì thế mà Tiết không đi theo đường chính đạo mà đưa đạo quân rất lớn của mình đi vòng qua Quí Châu để tới Tân Châu rồi trú binh ở trại Khang Hòa. Cho thám mã đi nghe ngóng binh tình chứ không dám vội phát binh đánh giải vây ngay. Lúc đó có một tên lính cảm tử ngậm lạp thư thoát ra ngoài lần mò đến được trại Khang Hòa ra mắt viên đề ngục Tống Cầu. Đọc lá thư tuyệt mệnh cầu cứu, Tống Cầu phải đến tận trướng hổ của Thủ Tiết khóc lóc xin cắt binh, tiến lên giải vây Ung Châu. Không thể dùng dằng được nữa, Trương Thủ Tiết bèn lệnh phát binh tiến qua núi Hòa Giáp, rồi từ núi Hòa Giáp tiến lên ải Côn Lôn để đóng binh lại. Quân lên ải vừa được lệnh hạ trại thổi nấu thì bỗng rụng rời vì nghe tiếng trống đồng gầm vang rừng núi. Quân của tù trưởng Lưu Kỷ đổ từ trên các vách núi đánh xuống. Quân của phò mã Thân Cảnh Phúc từ những nơi giấu quân bí mật tràn lên cắt đứt đạo quân của đô giám Trương Thủ Tiết ra từng mảnh nhỏ. Trương Thủ Tiết không thể nào điều khiển nổi binh sĩ chống cự nữa. Các viên tướng dưới quyền lần lượt chết trận trên đèo Côn Lôn. Cuối cùng Trương Thủ Tiết cũng phải khép giáo để chịu chém đầu. Quân mất tướng nên vứt giáo xin hàng và xin theo quân Đại Việt…

    Tuy mất vỏ ngoài là các đồn trại quanh thành, những Tô Giàm vẫn kiên cường đặt ra các mưu chước giữ thành không chịu ra hàng. Tô Giàm vẫn dựa vào thành cao để cố thủ. Binh của đạo viện cứu Trương Thủ Tiết bị vỡ, quân tướng dưới quyền nao núng nhưng Tô Giàm sai chém những kẻ nào chỉ hé một lời bàn về việc hàng giặc Giao Chỉ. Tô Giàm vẫn chờ đại quân của triều đình đến cứu.

    Núi đất còn đang đắp cao dần, nhưng Lý Thường Kiệt đã sai quân tướng nối các thang mấy thêm cao để bắc lên các tường thành mở đường cho quân công phá. Tô Giàm nghĩ kế tẩm dầu cháy vào tên, tạo thành hỏa tiễn đốt cháy các thang mây. Tướng Hoàng Kim Mãn biết kế đào hầm xuyên sâu xuống đấtm xuyên qua chân thành độn thổ lên cướp thành. Nhưng đường hầm đào đến nơi, Tô Giàm sai quân dùng kế hỏa công đánh lại, đổ vạc dầu sôi sùng sục xuống các đường hầm. Đổ chì nóng bỏng để lấp các đường hầm.

    Bức thành vẫn trơ trơ trước sự tấn công của ta. Núi đất đã cao nhưng những thang mây bắc từ núi đất vào thành không thể dùng được nữa vì cư bắc là Tô Giàm sai quân bắn hỏa tiễn đốt cháy. Một tướng Tống là Triệu Tú bị bắt làm tù binh xin hiến kế hỏa công. Hắn nói trong thành ít nước, nếu ta dùng kế bắn lửa vào thành thì trong thành sẽ không đủ nước cứu lửa. Lý Thường Kiệt cho là phải, bèn sai mang các máy bắn đá lên các núi đất cao, rồi lấy các chất dẫn chay, những nhựa thông bọc quanh những hòn đá lớn, đốt lửa rồi bắn vào thành… Hàng ngày những khối lửa khổng lồ cứ thế tới tấp bay vào thành… Hàng vạn người trong thành theo lệnh của Tô Giàm phải lấy áo bông bọc cát để dập lửa… Kế đó vẫn không làm quân trong thành ngừng chiến đấu.

    Bốn mươi hai ngày vây hãm thành trì nhưng vẫn không hạ được thành, Lý Thường Kiệt bàn với quân sĩ rằng:

    - Ta mà cứ ở mãi nơi đây, không chừng Vương An Thạch tập trung đủ quân kéo xuống không khéo chính ta lại bị bao vây mất. Bây giờ chư tướng hãy cùng ta đánh một trận cuối cùng, dùng kế thổ công liên kết với kế hỏa công. Một mặt ta bắn lửa từ các núi đất để giặc tối mắt tối mũi dập lửa, một mặt sau quân mỗi người mang một bao đất chạy vào xếp thành bậc dưới chân thành. Cứ thế xếp hết bao này đến bao khác, tạo thành những bậc thang tiến thẳng lên mặt thành. Tô Giàm không có cách gì đốt được những bực thang của ta như y đã dùng hỏa tiễn đốt thang mây ngăn đường tiến của ta.

    Kế sách của Lý Thường Kiệt được hai vạn quân ta và hơn một vạn tù binh Tống cùng hai vạn dân phu bắt tay thực hiện ngay. Sau hai ngày hai đêm hàng chục vạn bao đất đã tạo thành được một bực thang rộng lên đến mặt thành. Các máy bắn đã bắn khối lửa xối xả ngày đêm yểm trợ cho quân cảm tử đông như kiến báo vào bậc thang đất mà leo lên mặt thành. Quân Tô Giàm không còn cách gì ngăn cản nổi. Biết thế đã cùng Tô Giàm yết bảng giữa chợ đổ hết tội cho Lưu Di rồi quay về tuốt gươm giết chết hết tất cả những người máu mủ thân thuộc, kể cả hai đứa con trai vào hai đứa cháu. Rồi tên cáo già điên cuồng chất tất cả các thi thể người thân thành đống, chất củi xung quanh rừng rực hắn gào lên rằng: “Tao chết không chịu chết về tay giặc…” Tô Giàm kéo theo năm mươi tám người chết theo hắn trong cuộc cố thủ tuyệt vọng này… Chưa trận nào quân Tống chết nhiều đến thế…

    Đêm ấy thành Ung Châu bị phá. Ấy là vào lúc rạng ngày hai mươi ba tháng giêng (tức ngày 1 tháng 3 năm 1076).

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Nhân sinh vô hối nhập Touhou
    Kiếp sau nguyện sinh Gensokyo

  5. #15
    Ngày tham gia
    Aug 2014
    Đang ở
    Hà Nội
    Bài viết
    11,219
    Xu
    29,733

    Mặc định


    Chương 11




    Dòng sông Như Nguyệt như một dải lụa mềm đã hiện ra ở cuối tầm nhìn con mắt. Một vài mái nhà chùa cong cong thấp thoáng sau những lũy tre ở phía bờ nam ngạn… Từ đó đến kinh đô Thăng Long chẳng còn bao xa nữa… Lý Thường Kiệt ghìm cương ngựa quay lại bảo phò mã Thân Cảnh Phúc:

    - Thế là ta đã về đến nơi rồi, phò mã và Công Chúa hãy quay lại động, kiểm lại tất cả các loại võ khí lương thảo thu được vào nhớ cất giấu thật sâu trong rừng, trong hang núi…

    Công chúa lo lắn hỏi:

    - Thưa tướng công Tiết chế, liệu quân Tống có tràn sang đất ta ngay không?

    Tiết chế Lý Thường Kiệt nheo mắt nhìn công chúa Thiên Thành. Không còn một chút bóng dáng nào của một nàng công chúa ẻo lả đài các chốn cung cấm kinh thành nữa rồi. Trước mặt ông là một bà áp trại phu nhân, cưỡi trên con ngựa bạch có bộ yên cương bạc, lục lạc vàng, ngang lưng mang kiếm lệnh cho chồng. Trên lưng vẫn dịu đứa con trai đầu lòng. Làm dâu động Kép thì dù bá chúa trại, chúa động vẫn phải địu con trên lưng và đi theo chồn chinh chiến… Nàng công chúa đã trải qua cả một cuộc viễn chinh khủng khiếp… Nàng lo lắng cuộc chiến tranh sẽ đổ ập xuống quê hương chồng mình, đổ ập vào Thăng Long yêu dấu. Một cuộc chiến tranh không thể nào tránh khỏi… Nhưng không thể nào tránh khỏi đâu có nghĩa là sẽ xảy ra ngay ngày một ngày hai. Lý Thường Kiệt lắc đầu:

    - Triều Tống có thể gõ một tiếng trống tụ được mười vạn, hai mươi vạn, ba mươi vạn binh… Nhưng gõ một tiếng trống thì cây lúa trên đồng cũng không thể sợ vì oai vua mà chín sớm hơn một ngày được… Toàn bộ binh lương Hoa Hạ tích tụ gần mười năm, thì phần ta lấy chia hết cho dân, phần ta chở bằng thuyền thồ bằng ngựa về đây, còn lại bao nhiêu ta đốt thành tro khói bay lên trời. Giờ nó muốn xuống đánh ta, nó phải chở gạo từ Hoa Trung, Hoa Bắc, đi cả ngàn dặm xuống Hoa Nam… Một phu thồ gánh năm yến gạo, đi một ngàn dặm đường xuống đến miền biên ải ăn hết bốn yến chín, còn lại một cân là may lắm… Bây giờ, Tống Thần Tông và Vương An Thạch muốn đánh ta ngay, thì cứ một lính chiến cầm giáo bước sang qua biên thùy vua Tống phải bắt năm mươi phu gánh gạo vận lương… Muốn có một vạn tên quân đánh ta, chúng phải kéo năm mươi vạn người chuyên chở… Tống Thần Tông muốn cắt quân ngay, còn Vương An Thạch càng muốn đánh ta càng sớm càng tốt… Nhưng chúng nó còn phải chờ…

    - Thưa tướng công Tiết chế, chúng phải chờ cái gì ạ?

    - Phải chờ hai hay ít ra ba mùa lúa nữa để biện được lương thảo ngay ở Hoa Hạ, nơi chỉ cần ba bốn phu vận lương là có thể nuôi được một tên lính chiến vác giáo sang đánh ta…

    Công chúa Thiên Thành bật cười:

    - Chờ thế quả cũng khi hơi lâu…

    - Tất nhiên là không chóng được… Nhưng cuộc chiến đấu khốc liệt vì thế mà càng không tránh khỏi… Phải biết lo từ bây giờ… Thôi phò mã và công chúa quay lại động đi… Có nhiều việc bề bộn đang chờ phò mã và công chúa đó…

    Trước mặt họ là dòng sông Như Nguyệt thơ mộng mở lối vào vùng đồng bằng màu mỡ và kinh thành Thăng Long mới tạo dựng. Sau lưng họ là lửa cháy ngút trời cả một vùng Hoa Hạ mênh mông. Trận san phẳng thàng Ung Châu làm cả triều đình Tống kinh hoàng. Các thành Tân Châu, Quế Châu, Quảng Châu, Quảng Nam tây lộ các quan tướng hồn siêu phách lạc kéo nhau bỏ chạy… Thế thắng không ngờ làm say máu các chiến sĩ Đại Việt… Lý Thường Kiệt phát đi các mệnh lệnh như thể sắp tiến thẳng đến Biện Kinh, nhưng rồi đột ngột rút quân trở về đất Đại Việt. Khi ấy hòa thượng Cần Giác thiền tông nằng nặc đòi theo quân trở về đất nước nhưng Lý Thường Kiệt lắc đầu:

    - Hòa thượng hãy cố mà quên là trên đời này có một tên lái buôn họ Lý tên Chăm đi. Như thế có lợi cho hòa thượng hơn… có lợi cho triều đình hơn… Ngươi phải ở lại đây… ta cấp cho ngươi tín phù để ngươi có thể liên lạc với các hòa thượng mà ta để lại trong vùng Hoa Hạ làm một công việc như nhà ngươi… An nguy của cơ đồ Đại Việt đều trông cậy vào tai mắt của các ngươi đó…

    Lý Chăm lại thành hòa thượng Cần Giác thiền tông và biến trong mảnh đất Hoa Hạ đầy khói lửa và hỗn loạn…

    Lý Thường Kiệt sai dùng tất cả ngựa chiến làm ngựa thồ để chở hết lương thảo và vũ khí cướp được. Sai quân lên bộ hành quân để lấy bốn trăm thuyền lớn của ta và hàng trăm thuyền Tống mà ta cướp được để chở mấy trăm vạn thạch thọc. Thóc gạo còn, Lý Thường Kiệt sai phát chẩn cho dân. Phát chẩn không hết thì đốt. Lửa khói không ngớt vần vũ trên bầu trời Hoa Hạ… Đến bây giờ sau lưng ông ở phía bên kia biên tái ngọn lửa vẫn còn bốc cao. Còn trước mặt ông là bầu trời trong xanh vào đầu mùa hạ của năm Bính Thìn (1076), trên nóc các cung điện của kinh thành Thăng Long chưa kịp lợp hết bằng ngói mà hãy còn lốm đốm những mái gianh mái rạ vàng ươm…

    Trên cái bầu trời xanh trong ấy, vị tướng vừa làm chấn động cả triều đình Đại Tống bằng một cuộc tấn công táo tợn bỗng thấy lòng mình lắng lại và đau tê tái… Mắt ông mờ đi vì hình như ông thấy trong bầu trời xanh mầu ngọc bích kia có một vệt khói hư không khi ẩn khi hiện… Vệt khói của trận hỏa thiêu bi thảm mang đi mối tình oan khuất của nàng Thuần Khanh chuyên nghề vẽ hoa trên men bát với hoa tay huyền diệu…

    Không một sử gia nào nhìn thấy giọt nước mắt ứa ra trên đôi mắt vốn oai nghiêm của vị dũng tướng Tiết chế oanh liệt dám mang một đạo quân nhỏ đánh thọc vào một đất nước mênh mông để phá tan từ trong trứng nước một mưu mô bành trướng… Nhưng lập xong một chiến tích oai hùng, ai cấm được người anh hùng chạnh nhớ đế nỗi niềm riêng, đến thân phận riêng của mình… Không ai cấm, nhưng không ai nhìn thấy giọt nước mắt ấy. Hoặc cố tình không nhìn thấy giọt nước mắt ấy. Vì thế mà nước mắt ứa trên mi vì những chuyện đắng cay riêng cho số phận mình của người anh hùng này không hoen trên những trang lịch sử…

    Vị Tiết chế tể chấp buông cương lỏng cho con ngựa cúi đầu xuống uống nước mát trên dòng sông Như Nguyệt…

    Và đâu đây ngân nga một tiếng chuông chùa lan trên mặt sóng và tắt lặng nơi bãi mía xa xanh…

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Nhân sinh vô hối nhập Touhou
    Kiếp sau nguyện sinh Gensokyo

    ---QC---


Trang 3 của 3 Đầu tiênĐầu tiên 123

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status