TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 14 của 15 Đầu tiênĐầu tiên ... 412131415 CuốiCuối
Kết quả 66 đến 70 của 72

Chủ đề: [Giang Hoài Ngọc] Mộng Ảo Nhân Sinh

  1. #66
    Ngày tham gia
    Jan 2008
    Bài viết
    1,251
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 8 : TIẾN QUÂN HONSHU


    Quang Minh năm thứ 2837 (Khoan Vĩnh năm thứ 8, Hòa lịch). Mùa xuân.

    Takeshi là một nông dân ở làng Aisari, lãnh địa Morioka.

    Là một Ashigaru của phiên đội Morioka, cũng như phần lớn Ashigaru khác, Takeshi đã bị cưỡng chế bắt lính chứ không phải tự nguyện tòng quân. Theo lệnh từ Mạc phủ, các phiên ở Hokurikudo (Bắc Lục Đạo), Tousando (Đông Sơn Đạo) và Toukaido (Đông Hải Đạo) phải đóng góp 15 vạn quân tham gia lực lượng quân chinh phạt Ezo. Ở Nhật Bản, 15 vạn quân là một lực lượng rất lớn. Các vị lãnh chúa đã phải triệu tập phần lớn trai tráng làm dân binh cho đủ quân số. Phiên đội Morioka của bọn Takeshi 'bị' phân vào đạo tiên phong, phụ trách chiếm lĩnh và bảo vệ điểm đổ bộ ở cảng Matsumae, mở đường cho đại quân đổ bộ vào Ezo.

    Trong lúc trận hải chiến Tsugaru đang diễn ra, đạo tiên phong của quân Mạc phủ cũng vừa đổ bộ lên bờ. Bến cảng hoang vắng không người, nên bọn họ đã đổ bộ không chút trở ngại và chiếm lĩnh khu bến cảng một cách dễ dàng, không hề có chút tổn thất nào. Takeshi dần dần cảm thấy vững tin hơn, cùng đồng đội theo các vị vũ sĩ lão gia kéo về phía lâu đài Matsumae. Đó chỉ là một thành trại bằng gỗ, cũng khá kiên cố. Các tướng lĩnh của đạo tiên phong không có ý định "Lung thành chiến" (người Tàu gọi là "Công thành chiến"), mà chỉ định cho quân dàn trận trên con đường giữa lâu đài và bến cảng, nhằm bảo vệ điểm đổ bộ trong bến cảng - nhiệm vụ chính của bọn họ. Lung thành chiến sẽ có nhiều tổn thất, bọn họ không muốn thế.

    Trong lúc cả bọn đang chuẩn bị bố trí trận địa, đột nhiên ai nấy cảm giác mặt đất chấn động, sau đó liền nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập. Mọi người nhìn về phía đó rồi lập tức sắc mặt tái xanh. Hiện ra trước mắt bọn họ là vô số kỵ binh đang rầm rộ xung phong, ánh đao sáng lòa, hừng hực khí thế, sát khí đằng đằng.

    Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng !

    Takeshi không biết gì về tam thập lục kế, nhưng cậu cũng biết rằng lúc này muốn sống sót thì phải nhanh chân chạy trốn. Ở giữa bình nguyên thế này, kỵ binh so với bộ binh có ưu thế tuyệt đối, nhất là khi số lượng kỵ binh còn đông hơn cả bộ binh. Mọi người liền bỏ trận địa chạy về phía bến cảng. Takeshi nhìn thấy các vị vũ sĩ lão gia chạy nhanh hơn cả, dẫn đầu đám đào binh, nên cũng hối hả chạy theo sau. Lúc trước khi dàn trận, đám Ashigaru pháo hôi dàn trận phía trước, các vị vũ sĩ lão gia ở phía sau, thì lúc này khi bỏ chạy, các vị vũ sĩ lão gia đã bỏ chạy trước tiên, đám Ashigaru ở phía sau cùng. Không ít người đã thầm nguyền rủa những người chạy ở hàng đầu.

    Thật không ngờ ...

    Quả báo nhãn tiền !

    Hàng loạt tiếng súng nổ vang. Các vị vũ sĩ lão gia ngã xuống tới tấp. Trên con đường rút lui về phía bến cảng đã có một đội lính bắn súng chặn đường, "tam đoạn xạ kích" (lính xếp ba hàng, luân phiên bắn để đạn bắn ra không ngừng), đạn bắn tới như mưa, xạ sát bất cứ ai đến gần. Hầu hết các vị vũ sĩ lão gia chạy ở nhóm đầu đều đã "anh dũng tựu nghĩa", giúp những người chạy sau biết đường nào an toàn, đường nào nguy hiểm - "công đức vô lượng" nha ! Tiền có cường địch, hậu có truy binh. Đám Ashigaru cả kinh thất sắc, vội chạy loạn về phía bờ biển.

    Bở biển là bãi cát, có thể cản bước kỵ binh. Chiến mã chạy trên cát tốc độ không giống như trên đất bằng và cũng dễ mất thăng bằng, dễ vấp ngã hơn. Do đó, kỵ binh không đuổi xuống bãi biển, chỉ tập trung ở phía xa. Bọn Takeshi tạm thời an toàn.

    Tuy nhiên, đó chỉ là tạm thời mà thôi !

    Quân Hokkai-Teikoku lập tức khiêng những cây gỗ lớn còn cả cành lá chuẩn bị từ trước, dựng thành các chướng ngại vật đơn giản bao vây xung quanh vị trí của địch quân. Đội tiên phong của quân Mạc phủ đã bị bao vây ngoài bãi biển. Các đội xạ thủ, cung thủ nấp sau các chướng ngại vật, sẵn sàng tiêu diệt những ai dám phá vây.

    Đến chiều, vừa mệt, vừa đói, vừa khát, vừa mất tinh thần, vừa tuyệt vọng, đám tàn binh còn lại của quân Mạc phủ đã đầu hàng.

    Lúc này, khu bến cảng đã được quân Hokkai-Teikoku chiếm lại. Bọn Takeshi bị đưa lên thuyền, chở sang đảo Kojma ở ngoài khơi Tsugaru. Đảo Kojima vốn là một hòn đảo không người, diện tích 154 hecta, cách thị trấn Tsugaru (tên cũ là Matsumae) khoảng 23km về phía tây nam, được quân đội Hokkai-Teikoku sửa sang lại làm nơi giam giữ tù binh. Ngoài ra, đảo Oshima ở gần đó, diện tích 973 hecta, cũng biến thành một trại tù binh. Đám tù binh bị giam trên đảo, xung quanh là biển cả mênh mông, chỉ cần phái vài chiếc pháo hạm tuần tra trên biển là không sợ bọn họ bỏ trốn. Việc quản lý gần 20 vạn tù binh là một vấn đề rất phức tạp, cần những biện pháp đặc thù. Narumi còn phái rất nhiều "linh mục" lên đảo chuyên trách "tẩy não" đám tù binh.

    Những gì xảy ra trên đảo Kojima hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng của bọn Takeshi. Sau khi bị bắt, mọi người đều rất tuyệt vọng. Nhưng từ khi bị đưa đến đảo Kojima, mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Bọn họ ăn ngon ngủ yên (so với ở nhà), không bị đối xử tệ bạc, thậm chí còn được nghe các vị "linh mục lão gia gia" kể chuyện đời xưa mỗi tối. Ngoài việc không được ở gần người thân, thì cuộc sống ở đây còn tốt hơn so với ở quê nhà. Qua lời kể của các vị "linh mục lão gia gia", bọn Takeshi cảm thấy người dân Hokkai-Teikoku như được sống ở thiên đường. Ở quê nhà, bọn họ cày ruộng trên đất của vũ sĩ lão gia, đóng thuế 'bát công nhị nông', lam lũ quanh năm mà vẫn không đủ ăn, cuộc đời đói khổ 'cha truyền con nối'; còn ở đây, người dân Hokkai-Teikoku ai cũng có ruộng đất riêng, tự canh nông, chỉ đóng thuế 'nhị công bát nông' (sau khi phát triển ngoại thương, triều đình đã giảm thuế nông nghiệp). "Ở đây ai cũng như vũ sĩ lão gia hết !", bọn Takeshi đôi lúc đã nghĩ thế, dần dần có cảm tình với triều đình Hokkai-Teikoku.

    Hơn tháng sau, bọn Takeshi được chuyển sang căn cứ quân sự ở đảo Okushiri. Ở đó tập trung rất nhiều tù binh xuất thân ở bắc Ouu (Áo Vũ, tức là hai 'lệnh chế quốc' cực bắc Dewa và Mutsu). Cả bọn được chia thành các tiểu đội, trung đội và đại đội. Viên chỉ huy tuyên bố khu vực Ouu đã trở thành lãnh thổ của Hokkai-Teikoku, gia đình của bọn họ đều đã trở thành thần dân của Hokkai-Teikoku, nên từ giờ trở đi bọn họ không còn là tù binh nữa, mà trở thành dân binh của quân đội Hokkai-Teikoku. Theo sắc lệnh "Phân điền chế", mỗi gia đình dân binh sẽ được chia 5 hecta đất canh tác, nếu làm lụng chăm chỉ, mỗi năm có thể sản xuất hơn trăm thạch lương thực, còn nếu lập công thăng chức, số ruộng đất sẽ nhiều hơn, thu hoạch cũng sẽ nhiều hơn. Nghe nói thế, bọn Takeshi lập tức hăng hái tham gia luyện tập quân sự. Khác với chế độ quân sự ở Mạc phủ, quân đội Hokkaiko phải trải qua huấn luyện quân sự ít nhất một tháng rồi mới được đưa ra chiến trường. Tuy nhiên, bọn Takeshi từng là binh sĩ, dù bại trận, nhưng ít nhất cũng đã từng tham gia chiến tranh, từng thấy máu, nên chỉ phải tham gia huấn luyện quân sự nửa tháng, rồi được đưa trở lại Honshu tham chiến. Không chỉ có bọn Takeshi, mỗi khi quân đội Hokkai-Teikoku chiếm được vùng nào, những tù binh xuất thân ở đó nếu cải tạo tốt đều được chuyển biến thành dân binh.


    Quân đội Hokkai-Teikoku sau khi kiểm soát được khu vực Dewa và Mutsu, đã không trực tiếp tiến thẳng về Edo, trực chỉ tâm tạng của chính quyền Mạc phủ Tokugawa, mà chia quân thành ba đạo, với sự phối hợp của Hải quân, chia nhau công lược Hokurikudo (Bắc Lục Đạo) vốn nằm dọc theo bờ nam của Bắc Hải (biển Nhật Bản). Chính sách của Mạc phủ Tokugawa đối với địa phương là 'nhất phiên nhất thành chế', mỗi phiên chỉ có một tòa lâu đài (thành bảo), nhằm giảm năng lực phòng ngự của các phiên (tương tự chính sách của nhà Nguyễn ở Việt Nam, cả nước chỉ có ba tòa thành lớn thì phá bỏ thành Gia Định, vạt bớt chiều cao thành Hà Nội, cả nước chỉ còn lại một tòa thành bằng đá duy nhất là kinh thành Huế; còn tỉnh thành xây bằng gạch, phủ thành đắp bằng đất, huyện thành làm bằng tre gỗ; khi quân Pháp đến thì ... ô hô ai tai). Chính sách đó giờ đây đã tạo thuận lợi cho quân đội Hokkai-Teikoku. Quân Hokkai-Teikoku tiến vào mỗi phiên, bao vây bức hàng, hoặc trực tiếp thiêu hủy lâu đài, tiêu diệt lực lượng chống đối (vốn chẳng mấy đông đảo) tập trung trong lâu đài, tự nhiên kiểm soát cả phiên dễ dàng. Dân chúng thời bấy giờ chỉ quan tâm cuộc sống của bọn họ, ít quan tâm người thống trị là ai.

    Người Nhật tiến hành 'lung thành chiến' rất khó khăn, chịu nhiều tổn thất, đôi khi phải vây hãm lâu đài một thời gian dài cho đến khi bên trong hết lương thực, bởi vậy có những cuộc vây thành kéo dài nhiều năm. Như cuộc vây hãm chùa Ishiyama Honganji (Thạch Sơn Bản Nguyện Tự), tổng đàn của toàn bộ môn đồ Ikkō-ikki (Nhất Hướng Nhất Quỹ), của Oda Nobunaga (người đã thống nhất Nhật Bản, kết thúc thời kỳ Chiến Quốc, nhưng thế lực của ông đã tan rã sau khi ông qua đời). Cuộc khổ chiến kéo dài 10 năm (1570 - 1580) giữa 3 vạn quân của Oda Nobunaga và 1,5 vạn Ikkō-ikki, cuối cùng trong chùa hết lương, sư trụ trì phải chấp nhận đầu hàng (Oda Nobunaga chỉ đốt chùa nhưng tha cho những người đầu hàng).

    Tuy nhiên, phương pháp 'lung thành chiến' của quân Hokkai-Teikoku tiên tiến hơn và cũng hữu hiệu hơn nhiều. Các lâu đài lãnh chúa đều rất kiên cố, dễ thủ khó công, không có đại pháo, cường công sẽ rất khó khăn. Phương pháp của quân Hokkai-Teikoku là bao vây lâu đài, rồi cho người chất đầy củi khô, củi ướt, lá cây tươi, phân động vật ở trên đầu hướng gió, sau đó phóng hỏa. Ngọn lửa không cao nhưng khói rất nhiều, bốc cao mù mịt. Gió thổi khói tràn vào trong lâu đài, thử thách sức chịu đựng của những người trong đó. Bằng cách này, hầu như các lâu đài đều không thể cầm cự quá nửa ngày. Những nơi kháng cự đến cùng, quân Hokkai-Teikoku phóng hỏa thiêu lâu đài luôn, nhờ 'Thần Lửa' tiêu diệt quân địch. Bằng cách đó, các phiên ở Hokurikudo thất thủ nhanh chóng.

    Sau khi chiếm lĩnh Hokurikudo, các đạo quân Hokkai-Teikoku lại tiến về phía nam, tấn công các phiên ở Tousando (Đông Sơn Đạo), sau đó mới đến Toukaido (Đông Hải Đạo). Quá trình này mất nhiều thời gian, tạo cơ hội cho Mạc phủ Tokugawa điều động quân đội về bảo vệ Edo. Một số nhà quân sự không biết rõ tình hình, đánh giá đấy là sai lầm chiến lược của quân đội Hokkai-Teikoku.


    Thị trấn Yachiyo.

    Do nằm ngay ranh giới giữa Edo và phiên Sakura, đây là một cửa ngõ trọng yếu trên đường đến Edo. Danh kiếm sĩ Musashi, tức chàng sinh viên Masaki Miyamoto của Học viện Thánh Francisco đến từ thế kỷ 20, hiện đang ở đấy. Sau những mưu toan tiến thân ở Edo thất bại, nghe tin chiến loạn, cậu ta đã rời Edo, đến đây tạm trú. Cậu ta tạm thời tá túc trong một đền thờ nhỏ trên một ngọn đồi nhỏ bên ngoài thị trấn. Đó là một vị trí lý tưởng vừa có thể tránh chiến loạn (người Nhật rất tôn trọng chùa miếu, đền thờ), vừa có thể quan sát quân đội Hokkai-Teikoku. Trong ký ức của cậu ta, thời kỳ Mạc phủ Tokugawa là một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng lâu dài, không hề có cuộc chiến loạn lớn thế này. Tuy nhiên, cậu ta cũng có chút ấn tượng về việc người Hokkaido thường xuyên nổi dậy phản kháng Mạc phủ Tokugawa, nhưng lịch sử Nhật Bản chỉ miêu tả bằng vài câu đơn giản. Thành ra cậu ta rất hiếu kỳ.

    Trong chính điện của đền thờ, Masaki Miyamoto cùng vị thần quan già uống trà chuyện vãn. Đền thờ quá nhỏ, thành ra chính điện vừa là nơi đặt Thần Ham, cũng là nơi tiếp khách. Masaki Miyamoto mân mê chung trà trên tay, đôi mày kiếm cau lại, trầm ngâm hồi lâu, rồi mới thở dài nói :

    - Chiến tranh lớn như thế, biết bao nhiêu người phải chịu khổ a !

    Cậu ta tỏ vẻ 'lo cho dân cho nước', tuy nhiên thần thái cho thấy cậu ta còn có tâm sự khác. Vị thần quan già có ánh mắt sáng ngời như xem thấu nhân tâm, mỉm cười bảo :

    - Chỉ có giới vũ sĩ là phải chịu khổ, còn dân chúng không hề chịu khổ. Quân Hokkai-Teikoku không quấy nhiễu dân thường. Thậm chí nhiều nơi dân chúng còn chủ động chào đón, dẫn đường cho quân Hokkai-Teikoku. Bọn họ gọi đó là "giải phóng".

    Ngài thần quan chủ trì một đền thờ nhỏ, nhưng xem ra có mối quan hệ không nhỏ, biết được nhiều tin tức. Trong dân gian vùng đông bắc Honshu tồn tại nhiều lời đồn đãi về các chính sách ưu đãi đối với dân chúng của triều đình Hokkai-Teikoku. Đó là công lao của nhóm Trinh phiên giả dạng du thương. Thêm vào đó, con em của nhiều người có thể thoát cảnh tù binh khi bọn họ trở thành thần dân của Hokkai-Teikoku. Đối với đa số người Nhật sống trong cảnh nông nô, để có được một mảnh đất riêng cho gia đình, nhiều người không tiếc cả sinh mạng, đó cũng có thể gọi là "hy sinh đời bố, cũng cố đời con". Câu này ở thởi hiện đại có nghĩa không hay, nhưng ở đây lại có nghĩa tốt.

    Ngài thần quan tỏ ra tôn trọng Hokkai-Teikoku, cho thấy giới quyền quý ở Nhật Bản đã có ít nhiều chuyển biến, chuẩn bị cho sự thất bại của Mạc phủ Tokugawa. Masaki Miyamoto lộ vẻ ngạc nhiên, nói :

    - Ngài cho rằng phía Hokkai-Teikoku là chính nghĩa ?

    - Chiến tranh không có chính nghĩa, chỉ có mạnh được yếu thua. Lịch sử là do kẻ thắng viết. Với tình hình chiến sự mấy năm nay, rõ ràng quân Hokkai-Teikoku so với quân Mạc phủ mạnh hơn rất nhiều. Sau mấy phen đại quân toàn diệt, vậy mà Mạc phủ không biết được gì về đối phương. Tôn Tử quân pháp có câu : "Tri bỉ tri kỷ" (biết người biết ta). Theo ta thấy, Mạc phủ không "tri bỉ" mà cũng không "tri kỷ".

    Người Tàu gọi là 'binh pháp' thì người Nhật lại gọi là 'quân pháp'. Còn 'binh pháp' của người Nhật là phép sử dụng binh khí, là võ thuật. Xem ra ngài thần quan của chúng ta cũng ít nhiều thông hiểu mưu lược. Thật ra thì giới tu hành ở Nhật Bản là tầng lớp tinh anh. Masaki Miyamoto lại nói :

    - Triều đình Hokkai-Teikoku kỳ thị vũ sĩ.

    Vị thần quan già chậm rãi vuốt râu, ánh mắt sáng ngời đầy trí tuệ, ung dung nói :

    - Họ chỉ không ưu đãi giới vũ sĩ.

    Một câu nói đơn giản đã nêu lên bản chất sự việc. Giới vũ sĩ được ưu đãi trong một thời gian dài, đã quen rồi, nên trước chính sách của triều đình Hokkai-Teikoku, bọn họ cảm thấy bị kỳ thị; trong khi quốc sách của Hokkai-Teikoku là "mọi người dân đều bình đẳng", và "triều đình chỉ ưu đãi người có công".

    Masaki Miyamoto hiện tại cũng là một vũ sĩ, không muốn nhắc đến vấn đề đó nữa, nên nói sang chuyện khác :

    - Quân Hokkai-Teikoku không đánh thẳng về Edo, mà chỉ lo đi chiếm địa bàn ở Hokurikudo và Tousando, thật là một sai lầm chiến lược. Mạc phủ có đủ thời gian để triệu tập quân đội. Nghe nói mới đây có cả những đội quân từ tây quốc đến Edo, quân số tăng lên đến hơn 40 vạn. Quân Mạc phủ lại cường thịnh.

    Vị thần quan già lắc đầu bảo :

    - Chỉ có chưa đến 20 vạn quân, đa số là phu phen tạp dịch bị bắt đi lính, chiến lực rất đáng nghi ngờ. Lực lượng tinh nhuệ của Mạc phủ đã bị tiêu diệt gần hết trong mấy trận chiến vừa qua rồi.

    - Nhưng bọn họ phụ trách phòng thủ, có ưu thế hơn.

    - Ta lại cảm thấy quân Hokkai-Teikoku cố ý làm thế, có vẻ như họ muốn đánh một trận quyết định, 'nhất chiến định càn khôn'.

    ...


    Shimousa no kuni.

    Đó là một "kuni" (lệnh chế quốc) ở vùng Kanto (Quan Đông), nằm ở phía đông của Musashi no kuni. Từ Mutsu no kuni chỉ cần vượt qua Hitachi no kuni là đến Shimousa no kuni. Edo (Giang Hộ) là một thành phố thuộc Musashi no kuni, do đó Shimousa no kuni kể như là vùng ngoại ô (ngày nay là Chiba, nơi có sân bay Narita; địa vị tương tự sân bay Long Thành ở Việt Nam). Sau khi trở thành Shogun, Tokugawa Ieyasu đã lần lượt tạo ra 10 phiên ở Shimousa để thưởng cho các cận thần (fudai). Đó là các phiên : Koga (8 vạn koku), Sakura (11 vạn koku), Yuuki (1,8 vạn koku), Sekiyado (4,3 vạn koku), Omigawa (1 vạn koku), Yahagi (1 vạn koku), Iwatomori (1 vạn koku), Moriya (1 vạn koku), Yamazaki (1,2 vạn koku) và Kurihara (1,6 vạn koku). Trong đó phiên Sakura án ngữ trên cửa ngõ tiến vào Edo. Sau đó, Shogun đương nhiệm còn tạo ra thêm phiên Oyumi (1 vạn thạch) để thưởng cho cận thần Morikawa. Khi quân đội Hokkaikoku tiến đến Shimousa, quân 11 phiên ở đây đã liều mạng kháng cự, cố gắng kéo dài thời gian để Mạc phủ tập hợp lực lượng, xây dựng tuyến phòng thủ Edo.

    Đầu tháng tám, quân đội Hokkai-Teikoku tiến đến Sakura.

    Phiên Sakura là phiên lớn nhất Shimousa. Lâu đài Sakura cũng là lâu đài lớn nhất vùng Boso (vùng bán đảo phía đông Tokyo ngày nay), chỉ cách thành Edo khoảng 40km về phía đông, là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Daimyo Doi Toshikatsu là cận thần của Shogun thứ nhất Tokugawa Ieyasu, trọng thần của Shogun thứ hai Tokugawa Hidetada, dù không được Shogun thứ ba Tokugawa Iemitsu ưa thích, nhưng lúc này Tokugawa Hidetada vẫn còn làm Ogosho (tương tự Thái Thượng Hoàng), nên vẫn chưa bị thất sủng. Doi Toshikatsu rất trung thành với Mạc phủ, đã quyết định tử thủ trong lâu đài Sakura. Theo thường lệ, 'lung thành chiến' rất tiêu hao thời gian, với quy mô của lâu đài Sakura có khi phải mất đến vài tháng. Nhưng khi Narumi đích thân chỉ huy chiến dịch thì không thể tính theo thường lệ được.

    Khi đại quân Hokkai-Teikoku tiến đến bên ngoài lâu đài Sakura, quân số đã đông đến hơn 10 vạn người, do Narumi đích thân làm Tổng Đại Tướng. Ngoài ra còn có vài vạn quân đang thực hiện nhiệm vụ ở các nơi khác. Bằng nhiều phương pháp, triều đình Hokkai-Teikoku đã chuyển hóa được hơn 70% tù binh thành dân binh. Hạm đội cũng được lệnh đi vòng qua bán đảo Boso, phong tỏa vịnh Edo, ngăn chặn các đường tiếp tế cho thành Edo, cũng như đề phòng Shogun chạy ra biển sau khi bại trận.



    Lâu đài ở Nhật Bản không giống các thành trì ở xứ Tàu, chỉ có một (hoặc hai) cửa ra vào, quy mô cũng không lớn, chỉ có quý tộc cư trú, còn dân chúng sống ở 'thành hạ đinh' (thị trấn bên dưới thành). Quân đội Hokkai-Teikoku chốt chặn cửa ra vào của lâu đài Sakura. Phía bên ngoài, Narumi cho đắp một số gò đất cao gấp đôi tường thành, rồi cho đặt các ống phun nước chữa cháy trên đó (ống phun nước nhưng không nhất định chỉ có thể phun nước). Phía sau còn có một số máy bắn đá thô sơ và nhiều đống gỗ lớn.

    Người châu Âu đã có lực lượng cứu hỏa từ rất sớm. Vào thế kỷ 16 đã có ống phun nước bằng đồng với tầm bắn hơn 20 mét. Sang thế kỷ 17 đã có xe chữa cháy. Ở phương đông không xuất hiện xe chữa cháy, nhưng các ống phun nước chữa cháy rất phổ biến, nhất là trên tàu thuyền để đề phòng hỏa công. Quân đội nhà Minh còn cải tiến thành một loại vũ khí bắn nước gọi là "Giao Long Xuất Thủy".

    Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, Narumi ra lệnh cho các máy bắn đá liên tục bắn gỗ tẩm mỡ cá vào trong lâu đài. Các máy bắn đá thô sơ đến mức hầu như không hề có độ chính xác, nhưng Narumi chỉ yêu cầu bắn được các khối gỗ vào những kiến trúc trong lâu đài, mục tiêu nào không quan trọng, chỉ cần gây được hỏa hoạn là tốt. Tiếp đó đến lượt cung thủ bắn tên lửa vào trong. Cuối cùng, đội Hỏa Hổ đã dùng ống phun nước phun mỡ cá vào, như tưới thêm dầu vào lửa, làm cho ngọn lửa bùng cháy dữ dội hơn. Người trong lâu đài cố gắng dùng nước chữa cháy, nhưng vô ích, lại còn làm cho ngọn lửa cháy lan ra. Chẳng mấy chốc, cả tòa lâu đài Sakura gần như chìm trong biển lửa.

    Quang cảnh thê thảm của lâu đài Sakura khiến ba quân bên ngoài hò reo vang dội. Cách 'lung thành chiến' của quân Hokkai-Teikoku vừa hữu hiệu vừa ít có thương vong, nên ba quân sĩ khí cao ngất. Với tình hình này, trận chiến sẽ sớm kết thúc, và bọn họ sẽ sớm được nghỉ ngơi ăn mừng chiến thắng. Trong các tòa lâu đài không có dân thường, nên mọi người cũng không tỏ ra thương xót gì. Vũ sĩ lấy chiến tranh làm sự nghiệp, có tử trận cũng chỉ là sinh nghề tử nghiệp mà thôi.

    Nhìn tòa lâu đài đang ngập chìm trong khói lửa, Narumi khẽ thở dài. Cậu không thích chiến tranh chút nào cả. Cậu thích yên ổn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng một quốc gia hùng cường. Nhưng không còn cách nào khác. Giờ đây vận mệnh của cậu còn gắn liền với tất cả quân dân đi theo cậu. Hiện tại triều đình Hokkai-Teikoku vẫn còn thiếu nhân tài. Chiến lược quốc gia, nhất là trong lĩnh vực quân sự, rất cần cậu vận trù duy ác, bởi chúng thủ hạ của cậu đều không hề có kinh nghiệm tổ chức chiến tranh quy mô lớn. Đó là khó khăn chủ yếu của các đội quân khởi nghĩa nông dân, cũng như sự khác biệt thường thấy giữa quý tộc và nông dân.

    Chợt nghe thấy nhiều tiếng hoan hô, cậu nhìn về phía lâu đài Sakura. Thông Thiên Các ở giữa lâu đài là nơi trọng yếu nhất, và cũng là nơi 'được' ưu tiên chiếu cố nhiều nhất. Nơi đó nằm ngoài tầm bắn của các ống phun nước. Máy bắn đá đã bắn các chum bằng gốm chứa đầy dầu mỡ vào. Khi chạm vào mục tiêu, chum gốm sẽ bị vỡ, và mục tiêu sẽ ướt đẫm dầu mỡ. Hơn một phần ba số chum gốm trên đã rơi trúng Thông Thiên Các, khiến ngọn lửa ở nơi đó bùng cháy dữ dội, không thể dập tắt nổi; nhìn từ xa cứ như một ngọn đuốc khổng lồ. Sau hơn nửa ngày hỏa hoạn, các cây cột trụ không chịu nổi nữa, Thông Thiên Các đã sụp đổ, đồng thời đánh dấu sự suy vong của phiên Sakura.

    Tinh thần của những người trong lâu đài cũng thật tốt, nhất quyết không treo cờ trắng đầu hàng. Mà thật ra bọn họ có đầu hàng cũng vô dụng, vì ngọn lửa lớn quá, Narumi không chấp nhận hy sinh binh lính đi cứu những kẻ trung thần của Mạc phủ. Dù sao thì đối với bọn họ tử trận cũng 'vinh quang' hơn đầu hàng, có thể 'danh lưu sử sách' (còn có để lại tiếng thơm hay không thì chưa biết; sử sách của Hokkai-Teikoku tất nhiên sẽ mô tả bọn họ là 'kẻ địch ngu trung').

    Nhìn thêm một lúc nữa, Narumi ra lệnh binh lính giải tán, quay về doanh trại, chỉ để lại những đội quân phụ trách trấn giữ các cửa lâu đài, chặn bắt những kẻ lọt lưới. Vài ngày sau, khi quân đội Hokkai-Teikoku dọn dẹp xong đống đổ nát trong lâu đài Sakura thì chiến dịch ở Shimousa cũng có thể xem như kết thúc. Các phiên còn lại không lớn, lâu đài không kiên cố, thấy kết cục thê thảm của phiên Sakura, đã sớm mượn danh nghĩa "cần vương" mà bỏ phiên chạy về Edo.

    Cửa ngõ vào Edo đã rộng mở.

    ...


    Doanh trại quân đội Hokkai-Teikoku. Kim trướng.

    Narumi ngồi chính giữa, phía dưới là các văn thần vũ tướng. Thống lĩnh trinh phiên Mitsushita Heiji bẩm báo :

    - Hoàng thượng. Đã có tin từ Edo.

    Để chuẩn bị cho chiến dịch Edo, Narumi đã phái rất nhiều trinh phiên đi thám thính tình hình. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng" kia mà ! Lực lượng trinh phiên đã phát triển đến hơn ba nghìn người, trở thành một quân chủng độc lập trong quân đội Hokkai-Teikoku. Thống lĩnh trinh phiên Mitsushita Heiji mang hàm thiếu tướng, là một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Hokkai-Teikoku.

    - Hoàng thượng. Iemitsu đã triệu tập dân quân từ các thân lĩnh, cộng với viện quân của các phiên trung thành, được khoảng 3 vạn, rồi bắt lính trong đám phu phen tạp dịch đang xây thành được hơn 16 vạn, tổng cộng gần 20 vạn, nói phao lên thành 40 vạn. Bọn họ xây dựng phòng tuyến ở bờ tây sông Edogawa, hô hào tử thủ. Nhìn bề ngoài thì thanh thế rất lớn, nhưng sĩ khí ba quân không cao, trang bị lạc hậu, chỉ huy hỗn loạn, là một đám ô hợp. Quân tinh nhuệ chỉ có khoảng 3.000 đến 5.000 người, là thân binh của Tokugawa Iemitsu.

    - Tình hình ở thành Edo thế nào ?

    - Dạ. Thành Edo vẫn đang trong quá trình xây dựng, thành phòng chưa hoàn thiện. Sau khi các Daimyo ở Boso chạy về Edo, Mạc phủ biết được tình trạng của lâu đài Sakura, nhắm khó thể tử thủ trong thành, nên Tokugawa Iemitsu đã dồn hết quân về phía phòng tuyến Edogawa. Tại Edo giờ chỉ còn lại vài nghìn quân phụ trách giữ gìn trật tự và bảo hộ Tokugawa Hidetada. Ông ta ở lại Edo lo hậu cần cho quân đội ở tiền tuyến.

    Thành Edo bắt đầu được xây dựng từ năm 1593, phải đến năm 1636 mới hoàn thành. Các Shogun buộc các Daimyo phải đóng góp vật liệu xây dựng (chủ yếu là đá granite), tài chính và nhân lực tùy theo số koku của phiên - một phương pháp mà Mạc phủ sử dụng để giữ sức mạnh của các Daimyo nằm trong tầm kiểm soát. Nói theo kiểu người Tàu là "lao dân thương tài, hảo đại hỷ công". Ít nhất có 1 vạn người tham gia xây dựng trong giai đoạn đầu, hơn 30 vạn người trong giai đoạn giữa và gần 20 vạn người trong giai đoạn cuối. Mạc phủ đã bắt những người còn đủ sức khỏe trong đám phu phen tạp dịch đi lính. Hành động này tương tự như Đế Tân của Nhà Thương khi quân Chu tiến đánh Triều Ca và Tần Nhị Thế của nhà Tần khi quân Hạng Vũ tiến đánh Hàm Dương.

    Thành Edo có 38 cửa, thành lũy của lâu đài cao khoảng 20 mét và tường bao bên ngoài cao 12 mét, nhưng đó chỉ là các bức tường chứ không phải tường thành theo kiểu Trung Hoa. Các bức tường và nền lâu đài bằng đá, nhưng tất cả các kiến trúc bên trong đều bằng gỗ và giấy (giấy dán cửa và dán tường), rất dễ gây hỏa hoạn. Thực tế lịch sử đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra ở Edo. Vụ việc đầu tiên được ghi chép lại là vào năm 1601, không rõ số người thiệt mạng, nhưng toàn bộ thành phố đã bị thiêu hủy. Đến năm 1641, hỏa hoạn lớn lại xảy ra, tổn thất không rõ, nhưng đội Daimyo Hikehi (đội lính cứu hỏa) đầu tiên được thành lập khẩn cấp. Năm 1657 xảy ra vụ hỏa hoạn khủng khiếp nhất trong lịch sử Edo, thiêu hủy khoảng 70% thành phố, làm 107.000 người thiệt mạng (chiếm 2/3 dân số thành phố lúc bấy giờ). Tóm lại, nếu những gì xảy ra ở Sakura tái diễn ở Edo, hậu quả sẽ đặc biệt khủng khiếp.

    Ngoài ra, một phần thành lũy còn giáp biển hoặc sông Kanda, cho phép tàu thuyền tiếp cận, đương nhiên cũng tạo thuận lợi cho Hạm đội Hokkai-Teikoku pháo kích thành phố.


    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---
    江懷玉


  2. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,
  3. #67
    Ngày tham gia
    Jan 2008
    Bài viết
    1,251
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 9 : CHIẾN DỊCH EDO

    Quang Minh năm thứ 2837 (Khoan Vĩnh năm thứ 8, Hòa lịch). Mùa thu. Phòng tuyến Edogawa.

    Sắc mặt của Shogun Tokugawa Iemitsu thật không tốt, không còn vẻ phong nhã như lúc bình thường, bởi vì hậu phương của bọn họ đã xảy ra chuyện. Mới vừa rồi, tín sứ từ Edo đến báo tin khẩn cấp : "Quân đội Hokkai-Teikoku đã đổ bộ lên bờ biển cách thành Edo không xa, đang tiến quân về phía Edo. Ngoài ra, từ sáng nay các chiến hạm của địch đã pháo kích dữ dội vào thành. Một đoạn lớn tường thành đã bị đánh sập. Edo không thể giữ nổi."

    Tình hình đặc biệt khẩn cấp. Ở Edo chỉ có vài nghìn quân lão nhược, thành tường đã bị phá hủy, chắc chắn sẽ không thể giữ nổi. Qua tấm gương từ lâu đài Sakura, Tokugawa Iemitsu cũng không nghĩ đến Lung thành chiến, nên đã bảo tín sứ về báo với lão phụ thân tùy nghi di tản. Đồng thời, anh ta khẩn cấp triệu tập gia thần bàn bạc.

    Inaba Masakatsu vẻ mặt âu sầu nói :

    - Đại điện. Nếu quân địch đã đến Edo, chúng ta ở lại đây cũng vô ích.

    Đối phương đã đến vùng hậu phương, nơi đây đã không còn là tiền tuyến nữa mà có nguy cơ trở thành tử địa. Tokugawa Iemitsu cũng biết vậy nên mới triệu tập gia thần đến bàn bạc. Aoyama Yukinari tiếp lời :

    - Đại điện. Đường tiếp tế bị cắt đứt. Quân lương của chúng ta ở đây chỉ cầm cự được khoảng năm ngày nữa.

    Quân lương cung cấp cho 20 vạn người là một con số rất lớn. Mạc phủ đã phải huy động từ rất nhiều nguồn, chia làm nhiều lượt vận chuyển ra tiền tuyến. Giờ đây hậu lộ bị cắt đứt, đường tiếp tế cũng bị cắt đứt. Nếu vẫn đóng quân ở đây, không cần địch quân đến đánh, chỉ vài ngày nữa cả bọn sẽ chết đói hết. Do đó, quan điểm chung của mọi người là phải rút quân.

    Naitou Tadashige chắp tay nói :

    - Đại điện. Thừa lúc quân lương vẫn còn, chúng ta hãy cùng địch quân quyết nhất tử chiến.

    Thấy Tokugawa Iemitsu có vẻ do dự, Inaba Masakatsu liền nói :

    - Đại điện. Địch quân chỉ có mười vạn. Bọn họ để lại bên kia sông vài vạn, cho nên ở Edo chỉ có khoảng bảy, tám vạn. Chúng ta hiện có 20 vạn quân, nếu quyết nhất tử chiến thì vẫn còn cơ hội.

    Tokugawa Iemitsu liền vỗ án quát :

    - Quyết nhất tử chiến.

    Mệnh lệnh truyền xuống, ba quân lần lượt nhổ trại, rút lui. Lúc này, sự ô hợp thể hiện rất rõ. Quá trình chuẩn bị mất đến hai ngày, phải sang ngày thứ ba đại quân mới có thể lên đường. Hành quân gần một ngày đường thì đại quân đến được ngoại vi Edo, và đụng độ với quân đội Hokkai-Tekoku ở đó. Tuy nhiên, do trời đã tối nên hai bên không giao chiến mà hạ chiến thư hẹn sáng mai sẽ quyết chiến.

    Thực sự mà nói, về chiến thuật, quân đội Hokkai-Teikoku có thể tập kích quân Mạc phủ Tokugawa khi bọn họ vừa đến nơi, chưa kịp an doanh hạ trại. Lấy khỏe đánh mệt, lấy tinh nhuệ đánh ô hợp, hoàn toàn có thể đánh bại đối phương. Chỉ có điều, Narumi không chỉ muốn đánh bại đối phương, mà định toàn diệt đối phương, 'nhất chiến định càn khôn', nên quyết định giao chiến một cách đường đường chính chính. Đương nhiên, ưu thế không thể bỏ, quân Hokkai-Teikoku sẽ đánh phòng thủ phản kích.

    Sáng hôm sau ...

    Ô ô ! Ô ô ô ! Ô ô ô !!!

    Giữa những tiếng pháp loa dồn dập, quân Mạc phủ Tokugawa lần lượt tiến ra khỏi doanh trại, bày binh bố trận, chuẩn bị tiến công. Quân Hokkai-Teikoku không chủ động tấn công, chỉ giữ vững trận địa, tổ chức phòng thủ. Không còn cách nào khác, quân Mạc phủ Tokugawa buộc phải tiến công, vì thời gian không nghiêng về phía bọn họ, quân lương chỉ còn đủ dùng đến ngày mai nữa mà thôi.

    Tu tu ! Tu tu tu ! Tu tu tu !!!

    Tiếng tù và vang vọng khắp trận địa của quân Hokkai-Teikoku. Các sĩ quan lập tức đốc xúc binh lính vào vị trí phòng thủ :

    - Quân Mạc phủ xuất trận rồi. Chú ý phòng bị !

    Trong kim trướng, Narumi đang cùng các tướng lĩnh thảo luận chiến thuật, Mitsushita Heiji chạy vào bẩm báo :

    - Hoàng thượng. Địch quân tấn công từ cả ba phương hướng : chính đông, đông bắc và đông nam. Ở chính đông khoảng 10 vạn quân, có hiệu kỳ của Tokugawa Iemitsu; ở đông bắc khoảng 5 vạn quân, có hiệu kỳ của Inaba Masakatsu; ở đông nam cũng khoảng 5 vạn quân, có hiệu kỳ của Naitou Tadashige.

    Narumi điềm đạm nói :

    - Cuối cùng cũng đến rồi. Truyền lệnh : các sư đoàn giữ vững trận địa, các sư đoàn trưởng đích thân đốc chiến. Cho dù địch quân tấn công mạnh mẽ đến mức nào cũng phải giữ vững trận địa. Ngự lâm quân và Cấm vệ quân sẵn sàng tiếp viện tiền tuyến.

    Quân chế của Hokkai-Teikoku lúc này đã đến cấp sư đoàn, gồm 3.200 người, do một viên đại tá làm sư đoàn trưởng. Thân binh của Narumi lúc này có ba sư đoàn Ngự lâm quân, Cấm vệ quân và Túc vệ quân. Hiện tại, Túc vệ quân ở lại bảo vệ kinh đô, chỉ có Ngự lâm quân và Cấm vệ quân theo hộ giá. Các sư đoàn đều có nhiệm vụ của mình. Ngự lâm quân và Cấm vệ quân trở thành lực lượng dự bị.

    Khu vực đồng cỏ phía đông thành Edo là chiến trường chính của trận hợp chiến Edo này.

    Phía quân Mạc phủ, Tokugawa Yorifusa được cử làm Zenei Shou (Tiền vệ tướng, tức tướng tiên phong). Ông ta là con trai thứ 11 của Tokugawa Ieyasu, là chú ruột của Shogun đương nhiệm, và còn có quyền thừa kế nếu dòng chính tuyệt tự; được phong làm daimyo của thân phiên Mito (35 vạn koku) ở Hitachi, đã bị quân đội Hokkai-Teikoku đuổi chạy khỏi lĩnh địa cách đây không lâu nên có lòng hận thù sâu sắc với quân Hokkai-Teikoku.

    Lúc này, Tokugawa Yorifusa đích thân thống lĩnh 1.000 Bushi và 1 vạn Ashigaru tinh nhuệ nhất tiến công chính diện vào trận địa của địch quân. Ông ta giơ cao trường kiếm, sát khí đằng đằng, quát lớn :

    - Mau theo ta. Sát !

    Vừa quát xong ông ta lập tức giục ngựa xung trận. Các Bushi liền vội soái lĩnh Ashigaru hối hả chạy theo sau. Quân Mạc phủ chính thức xung phong, bắt đầu trận chiến. Các đội quân Mạc phủ cũng theo đó tràn lên. Các Bushi phụ trách giám quân cầm trường kiếm sáng loáng trong tay, sẵn sàng chém đầu những kẻ dám lùi lại. Do đó, quân Mạc phủ chỉ biết tiến ... tiến ... tiến ...

    Chiến đấu vô cùng khốc liệt. Súng nổ vang trời, quân reo dậy đất.

    Giữa lúc ấy, bên phía trận địa của quân Hokkai-Teikoku, các sư đoàn trưởng lại nhận được mệnh lệnh mới :

    - Hoàng thượng truyền lệnh. Binh thế ở tiền tuyến tuy nhiên cần giữ vững trận địa, nhưng cũng không nên biểu lộ quá mạnh mẽ, chỉ cần cầm chân địch quân là được.

    Matsudaira Tatsuki ngẩn người, hỏi :

    - Shingoro. Hoàng thượng ra lệnh như thế là có ý gì thế ?

    Fukuyama Shingoro, cận thị của Narumi, lắc đầu nói :

    - Chuyện đó con không rõ nữa. Con chỉ phụ trách truyền lệnh. Con phải đi truyền lệnh tiếp đây.

    Nói xong lập tức chạy về phía sư đoàn gần đó. Matsudaira Tatsuki nhăn nhó gãi đầu, suy nghĩ không ra, liền giao quyền chỉ huy lại cho sư đoàn phó, rồi lên ngựa chạy sang các sư đoàn lân cận, mới phát hiện tất cả các sư đoàn đều nhận được mệnh lệnh trên.

    Các vị sư đoàn trưởng liền tập trung trên một gò đất thấp, họp nhau bàn bạc. Shinseki Tarou bảo :

    - Như vậy, theo ý của Hoàng thượng, chúng ta không nên đánh dữ quá, kẻo quân địch sợ hãi bỏ chạy hết, không thể bao vây toàn diệt được.

    Yamada Hachiro than thở :

    - Làm sao bây giờ ? Binh thế dưới quyền của ta đã đánh lui quân địch sáu lần tiến công rồi, ước tính sơ bộ tiêu diệt hơn tám trăm tên địch. Như thế có tính là trái lệnh Hoàng thượng hay không ?

    Nghe nói vậy, Yoshita Kioshi tái mặt nói :

    - Ta còn thảm hơn ! Nào chỉ đánh lui quân địch, một trung đoàn dưới quyền của ta đã bắt đầu truy sát quân địch rồi.

    Matsudaira Tatsuki cả kinh, bật dậy nói :

    - Như vậy chẳng phải ta càng thảm hơn sao !

    Nói rồi quay lại lớn tiếng bảo viên thân vệ :

    - Còn đứng đó làm gì ? Mau đi truyền lệnh, gọi binh thế của chúng ta rút về ngay.

    Mới hơn nửa giờ trước, Matsudaira Tatsuki vừa ra lệnh cho các trung đoàn dưới quyền truy sát tàn quân của địch. Lúc này có khi bọn họ đã truy sát quân địch hàng mấy dặm, đuổi đánh quân địch không còn manh giáp. Các sĩ quan trong sư đoàn của Tatsuki đa số là người gốc Ainu, mỗi khi xuất trận đều rất hung hãn.

    Trong khi đó, ở bản trận của quân Mạc phủ, Tokugawa Iemitsu và các gia thần mày chau ủ dột, than ngắn thở dài, vì tình hình chiến sự thực tế không giống như dự tưởng của bọn họ. Trên tất cả các trận tuyến, không một đơn vị tiến công nào chiếm được ưu thế, thậm chí phần lớn đều tổn thất thảm trọng, bị địch quân đuổi chạy trối chết.

    Aoyama Yukinari phân trần :

    - Đại điện. Ở tiền tuyến hiện tại, trừ binh thế của Yorifusa điện, còn lại đều là lũ lao công, tạp dịch xây thành Edo, binh thế ô hợp, nhiệm vụ chủ yếu là tiêu hao sức chiến đấu của địch quân, tổn thất thảm trọng là chuyện bình thường thôi ạ !

    Chúng cận thần đều khen phải. Ai nấy đều biết địch quân rất cường thịnh, đám lao công đó mà đánh ngang với đối phương mới là chuyện lạ kỳ. Tokugawa Iemitsu cũng bớt lo lắng, cùng quần thần bàn kế chống địch. Giữa lúc đó, một danh sử phiên từ bên ngoài hối hả chạy vào, lớn tiếng bẩm báo :

    - Báo ! Tình hình nguy cấp. Yorifusa điện thỉnh cầu viện quân.

    Nghe gã sử phiên báo lại tình hình của Tokugawa Yorifusa lúc này đang bị quân của Matsudaira Tatsuki truy sát, Tokugawa Iemitsu chỉ lưỡng lự một giây rồi bảo :

    - Aoyama. Lập tức truyền lệnh toàn quân xung phong.

    Sau đó ít lâu, chiến sự càng thêm thảm liệt, tiếng la hét kêu gào vang dội bốn phương, liên miên không dứt. Sau khi quân Mạc phủ toàn thể xung phong, chiến cục có vẻ hướng về phía quân Mạc phủ. Tuy nhiên, các tướng tá của quân đội Hokkai-Teikoku lại cảm thấy bứt rứt trong lòng vì không được toàn lực chiến đấu. Trước mắt bọn họ toàn là chiến công nha ! Đúng thế ! Trong mắt bọn họ, bên phía đối diện không phải là 20 vạn đại quân mà toàn là quân công. Ở Hokkai-Teikoku, quân công cực kỳ quan trọng ! Tướng sĩ ba quân không sợ lưu huyết, không sợ hy sinh, chỉ sợ không có quân công. Triều đình đặc biệt ưu đãi những người có quân công, dân chúng rất tôn trọng những người có quân công.

    Ở bản trận của quân Hokkai-Teikoku, Narumi cùng các cận thần đứng trên một gò đất cao nhìn về phía tiền tuyến. Cục thế có vẻ nghiêng về phía quân Mạc phủ Tokugawa, nhưng chỉ là "có vẻ" mà thôi. Quân Hokkai-Teikoku vẫn giữ vững trận địa, tạo cho đối phương "khá nhiều" tổn thất. Fukuyama Shingoro đột nhiên chỉ về một phía, nói :

    - Hoàng thượng. Tinh nhuệ của địch quân xuất trận rồi.

    - Ân ! Trẫm nhìn thấy rồi. Xem ra Tokugawa Iemitsu bắt đầu nôn nóng rồi. Quân ta cũng nên cho gã nhìn thấy "cơ hội". Shingoro. mau đi truyền lệnh ...

    Trong khi đó, ở tiền phương bọn Matsudaira Tatsuki đang 'hết sức cố gắng' chống địch. Bọn họ 'hết sức cố gắng' giảm sức sát thương để địch quân không sợ quá mà bỏ chạy, tình cảnh rất là 'khốn khổ' (theo lời của Matsudaira Tatsuki !). Khi thấy bóng dáng đám thân binh của Shogun xuất hiện ở phía lực lượng tấn công, Matsudaira Tatsuki đã hết sức mừng rỡ, lẩm bẩm :

    - Thời cơ sắp đến rồi !

    Quả nhiên, chỉ một lát sau là Shingoro đã đến truyền lệnh :

    - Đại nhân. Hoàng thượng truyền lệnh : chiếu theo kế hoạch hành sự.

    Matsudaira Tatsuki hoan hỉ nói :

    - Hay quá ! Cẩn tuân thánh mệnh !

    Mệnh lệnh nhanh chóng truyền xuống các sư đoàn, tướng sĩ ba quân ai nấy đều rất hoan hỉ. Liền đó, các lộ quân thế của Hokkai-Teikoku lần lượt rút lui về phía sau. Quân đội Mạc phủ lầm tưởng "quân ta thắng thế", nên càng hăng hái tiến công ... tiến công ... tiến công ... Hăng hái hơn cả chính là Tokugawa Yorifusa. Gã ta soái lĩnh quân bản bộ, hợp cùng đám thân binh của Shogun, tạo thành mũi nhọn chọc thủng tuyến phòng ngự của đối phương, tiến sâu về phía trước. Các tướng lĩnh phía Mạc phủ lập tức dẫn quân theo sau, ra sức mở rộng chiến quả. Quân ô hợp thích hợp nhất với tình hình thế này nên tiếng hò reo vang dội, sĩ khí cao ngất. Tokugawa Iemitsu nghe tin, vô cùng phấn khởi, vung tay quát lớn :

    - Tấn công ! Tấn công !

    Bất tri bất giác, Tokugawa Yorifusa đã tiến về phía trước rất sâu. Đến lúc này, gã ta đột nhiên hồi thần, bởi vì địa hình xung quanh có vẻ rất lạ kỳ. Nhìn những ngọn đồi thấp ở phía xa xa tạo thành một vòng cung vây lấy chỗ bọn họ, đặc biệt là nhiều ngọn đồi không hề có một ngọn cỏ, giống như là 'nhân tạo', gã ta chợt có cảm giác bất an. Trước tình hình này, một khi đối phương bố trí phục binh, cả bọn e rằng khó thoát. Thoáng nghĩ như vậy, gã ta liền vội quát to :

    - Dừng lại ! Dừng lại ngay ! Trinh phiên lập tức thám thính tình hình bốn phía, một khi phát hiện địch tình lập tức hồi báo.

    Trinh phiên lập tức xuất phát. Tokugawa Yorifusa xuống ngựa đi vào giữa đám lính Ashigaru. Ngồi trên lưng ngựa rất dễ bị ám toán, nhất là khi đối phương có súng đạn rất tiên tiến. Đó là kinh nghiệm xương máu của gã. Tình trạng nguy hiểm trên đường chạy trốn khỏi lãnh địa là một hồi ức bi thương, gã hoàn toàn không muốn tái diễn.

    Tokugawa Yorifusa vừa lẫn vào đám đông, bốn phía chợt nghe có tiếng quân reo vang dậy. Trên các ngọn đồi đột ngột xuất hiện vô số quân Hokkai-Teikoku. Các khoảng trống giữa các ngọn đồi cũng xuất hiện các chướng ngại vật bằng cây cối, đất đá. Nói tóm lại, đại bộ phận quân Mạc phủ bị bao vây trong một phạm vi khoảng 1 kilomet vuông. Biến cố quá đột ngột khiến cả bọn phải co cụm phòng thủ, đề phòng bất trắc.

    Tokugawa Yorifusa vừa cầm hồ nước uống một ngụm, chợt nghe quân reo dậy đất, liền mất bình tĩnh, dáo dát nhìn quanh, bàn tay cầm hồ nước run run làm nước tràn cả ra ngoài. Liền đó, gã cận thị loạng choạng chạy lại, run rẩy nói :

    - Chúa công. Không hay rồi. Khắp bốn phía xuất hiện vô số quân địch. Quân ta bị bao vây rồi.

    Tokugawa Yorifusa tức quá ném hồ nước xuống đất, quát :

    - Ta thấy rồi ! Làm gì mà sợ dữ vậy ? Mang khiên gỗ ra dựng lên, cố thủ tại chỗ chờ tiếp viện. Nhớ kỹ phải giữ vững trận hình, không thể loạn lên, kẻo mắc mưu quân địch.

    Gặp phải biến cố đột ngột, gã ta biết rằng trước tiên phải ổn định đội ngũ, không thể tự loạn. Vốn đã biết đối phương có vũ khí lợi hại, phía Mạc phủ trước khi ra trận đã chuẩn bị rất nhiều khiên gỗ lớn và dày để làm lá chắn phòng ngự súng đạn. Ngay sau mệnh lệnh của gã, đội ngũ nguyên bản hỗn loạn đã dần dần an tĩnh trở lại. Tuy nhiên, do lúc trước tiến công quá hăng hái, cả bọn không mang theo nhiều khiên gỗ vốn rất nặng nề, nên chỉ có các vũ sĩ lão gia được ưu tiên che chở, còn đám binh lính chỉ biết run rẩy cầu trời khẩn phật phù hộ độ trì.

    Trên một ngọn đồi cao ở hậu phương, thông qua kính viễn vọng, Narumi nhìn thấy tình hình phòng ngự của quân địch, liền truyền lệnh :

    - Đại pháo xuất kích !

    Mệnh lệnh truyền xuống. Từng viên pháo đạn nhanh chóng được pháo binh lên nòng sẵn sàng. Binh sĩ phụ trách điểm hỏa cầm ngọn đuốc đến bên cạnh dây dẫn cháy, sẫn sàng chờ lệnh. Các tiểu đội trưởng đích thân phụ trách kiểm tra độ chính xác đối với mục tiêu, rồi báo cáo :

    - Sơ bộ nhắm chuẩn mục tiêu hoàn thành.

    Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh lập tức phất mạnh lá cờ trong tay. Mấy chục khẩu đại pháo đồng loạt khai hỏa, tiếng nổ vang như sấm làm chấn động cả chiến trường.

    - Đó là tiếng gì thế ?

    - Lẽ nào là tiếng sấm ? Chẳng lẽ sắp mưa rồi hay sao ?

    - Sắp mưa rồi ! Khi trời mưa xuống, súng đạn của địch quân sẽ vô dụng. Thiên Chiếu đại thần phù hộ chúng ta a !

    Nghe thấy những âm thanh như sấm nổ đó, bọn Tokugawa Yorifusa còn tưởng là tiếng sấm, cho rằng trời sắp mưa, nên vô cùng hoan hỉ. Chỉ có điều, chỉ trong nháy mắt, bọn họ không còn hoan hỉ nổi nữa, bởi vì đã có vài viên pháo đạn rơi xuống gần chỗ bọn họ.

    Oanh ! Oanh ! Oanh !

    Hàng chục binh sĩ bị áp lực hất tung ra xa, vài gã tan xác. Tokugawa Yorifusa cũng bị hất ngã xuống đất. Gã ta còn chưa kịp có phản ứng gì thì lại có thêm vài viên pháo đạn rơi xuống gần đó, làm mặt đất chấn động dữ dội. Đội ngũ lập tức loạn cả lên.

    - Bắn thử hoàn tất. Nòng súng hướng lên nửa phân. Tiếp tục khai hỏa !

    Loạt pháo đạn đầu tiên chỉ là bắn thử để kiểm tra độ chính xác, nên điểm rơi của pháo đạn không được chuẩn lắm. Đến loạt bắn thứ hai đã bắn chuẩn hơn nhiều, ít nhất đã có một nửa pháo đạn rơi vào giữa các đội ngũ tinh nhuệ của quân Mạc phủ. Để phân biệt giữa đám ô hợp và quân tinh nhuệ của phía quân Mạc phủ rất dễ, nhìn vào vũ khí và 'cụ túc' (khôi giáp) là biết ngay. Lúc trước, để đề phòng súng đạn, bọn họ co cụm phòng thủ sau những tấm khiên gỗ lớn. Đến lúc này, chỉ một viên pháo đạn rơi xuống giữa đội ngũ lập tức gây ra vô số thương vong. Những kẻ chết tan xác vẫn còn chưa thê thảm lắm. Nhiều kẻ xấu số chưa chết ngay, nhưng mất tay mất chân, thậm chí mất cả nửa phần vai, nửa phần hông, nằm lăn lộn dưới đất kêu gào thảm thiết nghe rất thê lương. Hoàn cảnh như là "nhân gian địa ngục". Đám quân Mạc phủ có bao giờ nhìn thấy tình hình khủng khiếp thế này, trực tiếp bị nổ cho khiếp vía. Rất nhiều người phát điên, vừa gào thét vừa chạy loạn cả lên, các tướng lĩnh cố ngăn cản cũng chẳng mấy hiệu quả. Chiến trường hỗn loạn không sao tưởng nổi.

    Tokugawa Yorifusa dù sao cũng là đại nhân vật, từng nghe nói nhiều đến đại pháo của người "Nanban" (Nam Man, là cách người Nhật gọi người phương Tây), không đến nỗi 'vô tri' như đám lính, nên cố gắng bình tĩnh quan sát xung quanh, sau đó soái lĩnh số binh lính gã vẫn còn chỉ huy được, nhắm hướng đông bắc rút lui, định phá vây mà chạy.

    Nào ngờ, vòng vây của quân Hokkai-Teikoku lại rất chặt chẽ. Trên các ngọn đồi và sau các chướng ngại vật mai phục vô số lính bắn súng hỏa mai. Trên một số ngọn đồi ở vị trí chiến lược còn có cả đại pháo. Khi địch quân đến gần, pháo nổ như sấm, đạn bắn như mưa, người chết như rạ. Những kẻ còn lại hoảng sợ tháo chạy thục mạng.

    ...

    Mạc phủ quân bản trận.

    Tokugawa Iemitsu đột nhiên cảm thấy hoang mang trong lòng. Kể từ lúc ra lệnh cho toàn quân tiến công, Tokugawa Iemitsu bắt đầu có cảm giác có chuyện không hay sắp xảy ra. Ngồi giữa bản trận, hai bên có cận thị hầu hạ, án kỷ phía trước mặt có một bầu thanh tửu, Shogun ngày thường phong lưu giờ đây chẳng có chút nhàn tình dật trí mua vui cùng men rượu.

    - Báo ! Đại điện. Yorifusa điện tác chiến dũng mãnh, thế như phá trúc, chỉ trong hơn một canh giờ đã liên tiếp chọc thủng ba phòng tuyến của quân địch. Lúc này quân ta sĩ khí dâng cao, đang hướng thẳng về phía bản trận của quân địch mà tiến công.

    - Báo ! Đại điện. Inaba điện đã đánh lui cánh quân phía trái của địch, đang chuẩn bị hội hợp cùng Yorifusa điện.

    - Báo ! Đại điện. Naitou điện đã đánh lui cánh quân phía phải của địch, đang chuẩn bị hội hợp cùng Yorifusa điện.

    Bên tai liên tiếp nghe thấy những tin vui, nhưng Tokugawa Iemitsu lại không thể nào vui được. Bởi vì anh ta đã cảm giác được sự việc có chút bất thường : "Quá thuận lợi !". Chẳng lẽ chiến cục quá thuận lợi cũng là việc bất thường ? Trong trường hợp này thì đúng như thế. Dù trong lòng không muốn, nhưng Tokugawa Iemitsu cũng phải thừa nhận rằng địch quân rất mạnh, và quân Mạc phủ đa phần là một đám ô hợp. Thế mà ... Một đám ô hợp có thể đánh lui địch quân dễ dàng như thế hay sao ? Nếu bọn họ phải trải qua một phen khổ chiến, tổn thất nặng nề, rồi mới thắng được địch quân có khi còn đáng tin hơn.

    "Địch quân nhất định có âm mưu gì đó !"

    Bọn Yorifusa đang mải mê chiến đấu, là người trong cuộc nên không phát hiện được. Còn Tokugawa Iemitsu ở hậu phương, sau khi bình tâm lại đã cảm thấy không ổn. Anh ta chau mày ủ dột, rồi bỗng nhiên đứng bật dậy, bảo một gã cận thị :

    - Lập tức truyền lệnh toàn quân ngừng tiến công, ổn định chiến tuyến. Không ai được tự ý hành động khi chưa có lệnh của ta.

    Lời vừa mới dứt, gã cận thị còn chưa kịp phản ứng, bỗng nhiên có một gã sử phiên hốt hoảng xông vào báo :

    - Đại điện. Không hay rồi. Xung quanh bản trận xuất hiện rất nhiều kỵ binh của quân địch.

    Đến lúc này, Tokugawa Iemitsu đã biết được nguồn cơn của sự bất an. Quân đội Hokkai-Teikoku có rất nhiều kỵ binh, nhưng từ đầu trận chiến đến giờ chỉ thấy lác đác vài đội kỵ binh nhỏ, đại đội kỵ binh vẫn không thấy đâu, hóa ra bọn họ mai phục chờ cơ hội tập kích bản trận của quân Mạc phủ. Chỉ có điều, sự phát hiện này đã quá muộn màng.

    "Làm gì bây giờ ?"

    "Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng !"

    Tại bản trận vẫn còn hơn nghìn Hatamoto (Kỳ bản), là thân binh tinh nhuệ của Mạc phủ, tuy số lượng không nhiều, nhưng miễn cưỡng có thể hộ vệ Shogun chạy trốn. Lãnh địa trực hạt của Shogun trải dài khắp Nhật Bản, từ Honshu, Shikoku cho đến Kyushu, chỉ cần an toàn thoát khỏi đây, chạy về các lãnh địa ở tây quốc thì Mạc phủ vẫn còn hy vọng.

    Chờ cho các cận thị giúp đỡ mặc 'cụ túc' (khôi giáp) chỉnh tề, Tokugawa Iemitsu lập tức điều động đội ngũ Hatamoto lặng lẽ rút lui theo hướng tây bắc. Đại kỳ còn được hạ xuống để tránh gây chú ý. Còn các binh thế trên chiến trường ? Thân ai nấy lo. Mọi người tự cầu trời phật phù hộ vậy.

    Kayano Hori là một Trung đoàn trưởng, soái lĩnh 1.000 kỵ binh thuộc "Trung đoàn kỵ binh số 4" phụ trách mặt tây bắc. Kayano Hori là một Hokkaijin gốc Ainu, tác chiến dũng mãnh, nhưng cũng không thiếu tính cẩn thận, trong lúc chiến đấu vẫn luôn chú ý các động tĩnh bất thường bên phía địch quân. Khi phát hiện có một đội ngũ hơn nghìn quân địch, cụ túc đầy đủ, vũ khí tinh lương, đang lặng lẽ rút chạy về hướng tây bắc, Kayano Hori lập tức chú ý. Giữa đám quân Mạc phủ đa số áo vải thô (túc khinh), gậy tre (trúc thương); thì đám quân kia đáng gọi là tinh nhuệ.

    Đại nhân vật đó nha !

    Kayano Hori dùng kính viễn vọng quan sát cẩn thận một lúc, thầm tính toán trong lòng, rồi vung thanh kiếm trong tay, quát lớn :

    - Toàn thể binh thế ! Truy sát địch quân.

    Liền đó, dưới sự hộ vệ của các tùy tùng, Kayano Hori dẫn đầu Trung đoàn kỵ binh số 4 truy sát quân địch. Bọn Tokugawa Iemitsu thấy bị phát hiện truy sát, càng cố gắng chạy nhanh hơn. Bọn họ chỉ có hơn nghìn bộ binh, chiến đấu với nghìn kỵ binh thiện chiến giỏi 'kỵ xạ' sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, nếu bị giữ chân ở đây, địch quân kéo đến bao vây thì cả bọn sẽ hết đường chạy thoát. Do đó, chỉ còn cách chạy ... chạy ... chạy ... Có điều, hai chân chẳng thể nào chạy nhanh hơn bốn chân. Tokugawa Iemitsu và những cận thần thân tín cưỡi ngựa chạy phía trước. Đám Hatamoto dần dần bị rơi lại phía sau, rồi thương vong nặng nề dưới tài kỵ xạ của đám kỵ binh gốc Ainu kia.

    Kayano Hori mua tít trường kiếm trong tay, chỉ trong một thoáng đã giết chết hơn chục tên địch cản đường phía trước. Những tên còn lại kinh sợ vội vã rẽ sang hai bên né tránh. Kayano Hori cũng không luyến chiến, soái lĩnh một đại đội kỵ binh đuổi theo đám người đang giục ngựa chạy phía trước. Đây là đại đội tinh nhuệ nhất trung đoàn, rất giỏi phối hợp tác chiến trên lưng ngựa. Lúc này, hai trung đội tay cầm trường kiếm sáng lòa hộ vệ hai bên, một trung đội cầm súng hỏa mai ở giữa. Bọn họ nhồi thuốc súng ngay trên lưng ngựa, sau đó nhắm vào kẻ địch phía trước, nổ súng. Từng loạt súng nổ vang và những kẻ phía trước lần lượt ngã ngựa. Dù sao thì những kẻ quen sống phú quý ở Edo cũng không giỏi kỵ xạ bằng người Ainu thiện chiến, nên cả bọn cuối cùng đều ngã ngựa.

    Khi Kayano Hori đuổi đến nơi kiểm tra chiến quả thì mới phát hiện trong đám này có cả Shogun, giờ đang chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng vì vết thương quá nặng. Kayano Hori cả mừng, cánh tay vung lên, lưỡi kiếm chém xuống, đầu rơi khỏi cổ. Thời đại Iemitsu chấm dứt từ đây.

    Kayano Hori cầm lấy thủ cấp, lại sai thuộc hạ cởi hết 'cụ túc' của Shogun, rồi giao tất cả cho gã tùy tùng thân cận nhất, bảo :

    - Mau mang đến chỗ Hoàng thượng báo công.

    Sau đó ít lâu, tin Shogun tử trận lan truyền nhanh chóng khắp chiến trường. Thủ cấp và 'cụ túc' của Shogun cũng được mang đi 'triển lãm' khắp nơi. Quân Hokkai-Teikoku sĩ khí dâng cao, tiếng hò reo vang dội. Quân Mạc phủ sĩ khí mất hết, lại bị vây kín không còn đường thoát, dần dần hạ vũ khí đầu hàng. Các vũ sĩ thân cận với Mạc phủ quyết không đầu hàng, đã bày tỏ lòng trung thành với Shogun bằng cách tự mổ bụng theo cách thức Bushido (Vũ sĩ đạo; người Nhật gọi 'vũ sĩ' là 'bushi', còn samurai là cách gọi của người nước ngoài).

    Trận Edo kết thúc.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    江懷玉

  4. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,
  5. #68
    Ngày tham gia
    Jan 2008
    Bài viết
    1,251
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 10 : CHIẾN HẬU


    Quang Minh năm thứ 2837 (Khoan Vĩnh năm thứ 8, Hòa lịch; Sùng Trinh năm thứ 4, Hán lịch; Công Nguyên năm thứ 1631, Tây lịch).

    Mùa thu.

    Mỗ quốc. Tử Cấm thành.

    Sùng Trinh Đế đang ngồi trên long ỷ phê duyệt tấu sớ. Trên long án là một chồng tấu sớ rất cao, cho thấy vị Hoàng đế này quản rất nhiều việc, phải xử lý rất nhiều chính sự. Gia Cát Lượng thời Tam Quốc việc gì cũng quản, thức khuya dậy sớm, tiêu hao nhiều sức lực và tâm lực nên chết sớm. Sùng Trinh Đế không đi vào vết xe đổ ấy chứ ?

    Giữa lúc đó, Trương Di Hiến từ ngoài đi vào, cung kính hành lễ, tâu :

    - Bệ hạ. Có tin mới từ Đông Xưởng.

    Trương Di Hiến là một quyền hoạn (thái giám có nhiều quyền lực) rất được Sùng Trinh Đế tin dùng, được giao nhiều trọng trách. Đây là một việc bất thường trong mắt các quan sau khi "đại gian hoạn" Ngụy Trung Hiền bị trừ khử. Lúc này, có bản báo cáo của Đông Xưởng tất nhiên là có việc quan trọng. Sùng Trinh Đế giật mình, vội cầm lấy xem, rồi vỗ bàn quát lớn :

    - Thật là vô pháp vô quân mà !

    Sùng Trinh Đế rất chú trọng "thể diện Thiên Tử" nên nộ khí xung thiên. Hoàng đế nổi giận, tất có chuyện không hay cho ai đó. Và khi Sùng Trinh Đế nổi giận thì vấn đề càng nghiêm trọng hơn, nếu không có cách xử lý thích hợp có khi "huyết lưu thiên lý".

    Sùng Trinh Đế là một vị Hoàng đế tài giỏi, có nhiều ý tưởng, siêng năng, thức khuya dậy sớm, dành nhiều thời gian chăm lo quốc sự. Bình thường thì đó là việc tốt, sẽ được sử thư ca ngợi là "cần chính ái dân". Chỉ có chút không hay là Sùng Trinh Đế quá tự tin vào năng lực bản thân, có quá nhiều ý tưởng và đặc biệt đa nghi, sợ quần thần tạo phản, nên luôn tìm mọi cách đề phòng, giám sát bọn họ (Tào Tháo ???). Đông Xưởng phụ trách phần cuối cùng này.

    Công tích đầu tiên của Sùng Trinh Đế là dẹp loạn đảng Ngụy Trung Hiền ngay sau khi lên ngôi chưa đầy nửa tháng. Ngụy Trung Hiền đã chết vào tháng 10 năm 1627, nhưng đến đầu năm 1628 vẫn bị đào mồ cuốc mả, mang lên phanh thây xé xác. Gia quyến của họ Ngụy và họ Khách (nhũ mẫu của tiên hoàng Minh Hy Tông, phe cánh của Ngụy Trung Hiền) đều bị giết sạch. Những đại thần cùng phe cánh với Ngụy Trung Hiền đều bị làm tội. Đảng Đông Lâm đối nghịch với Ngụy Trung Hiền được trọng dụng.

    Tuy nhiên, việc xử lý triều chính của Sùng Trinh Đế có vẻ như một trò chơi. Để bổ nhiệm các đại thần mới, ông ta không tự mình lựa chọn, cũng không nghe theo sự tiến cử của các quan, mà dùng cách bốc thăm. Ông ta tập hợp bách quan vào Càn Thanh Cung, sai ghi tên họ từng người bỏ vào trong bình vàng, rồi vái lạy ông trời phù hộ và dùng đũa gắp thăm ra. Kết quả lần đó : Tiền Long Tích, Lại Tông Đạo, Dương Cảnh Thìn, Chu Đạo Đăng, Lưu Hồng Huấn trúng thăm và được cất nhắc vào các vị trí trọng yếu. Tuy nhiên, những người này có quan điểm trị nước hoàn toàn khác với Sùng Trinh Đế, điều đó khiến ông ta không bằng lòng và bãi chức bọn họ không lâu sau đó (lấy cớ là bè đảng của Ngụy Trung Hiền). Bọn họ được chọn bằng cách rút thăm, nếu đều là bè đảng của Ngụy Trung Hiền thì quả là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên (!!!). Lúc này, những người thuộc đảng Đông Lâm nổi lên và được trọng dụng. Có điều, đảng Đông Lâm là nhóm người "thanh lưu", nói rõ ra là những người văn hay chữ tốt, đức cao vọng trọng, nhưng 'nói giỏi hơn làm', không đáp ứng được các yêu cầu của Sùng Trinh Đế nên chỉ duy trì được hơn một năm rồi cũng bị bãi chức (lấy cớ là bè đảng của Viên Sùng Hoán !!!).

    Thất vọng với đảng Đông Lâm và nhóm "thanh lưu", Sùng Trinh Đế quay lại trọng dụng đám hoạn quan. Những "Ngụy Trung Hiền mới" xuất hiện, thâu tóm các quyền lực trong triều. Đám "Ngụy Trung Hiền mới" này tuy chuyên quyền, là gian thần trong mắt các quan, nhưng lại trung thành và nghe lời Sùng Trinh Đế. Đây mới là điều quan trọng nhất mà nhóm "thanh lưu" không có được. Đến tháng 4 năm 1631 Tây Lịch, Sùng Trinh Đế khôi phục lại chế độ giám quân do các thái giám đảm nhiệm. Bọn này có quyền hành rất lớn, được tham gia vào việc quân và được Sùng Trinh Đế sử dụng làm mật thám trong quân đội. Từ đó, sức chiến đấu của quân Minh suy yếu hẳn đi, bị quân Hậu Kim (đến năm 1636 Tây Lịch mới đổi thành Đại Thanh) áp chế trên mọi chiến trường, điều mà mới vài năm trước hoàn toàn ngược lại. Không chỉ khống chế quân sự, đám hoạn quan còn được trọng dụng vào việc kinh tế của đất nước. Trương Di Hiến được giám sát việc thu chi của Bộ Công và Bộ Hộ, có đặc quyền ngang với Tổng đốc, được xây riêng nha môn gọi là "Tổng Lý Hộ Công", đứng trên cả hai vị Thượng Thư (tương đương với Bộ Trưởng ngày nay); nên biết chức Tổng Lý ở Trung Hoa (Quốc Vụ Viện Tổng Lý), Hàn Quốc (Quốc Vụ Tổng Lý) và Nhật Bản (Nội Các Tổng Lý Đại Thần) tương đương với chức Thủ Tướng ở Việt Nam (và cũng thường bị dịch thành Thủ Tướng); thật ra chức vụ của họ Trương có thể xem là tương đương với Phó Thủ Tướng phụ trách "kinh tài". Các quan lại trong triều đều bị hoạn quan theo dõi dò xét, rồi báo cáo lên Hoàng đế. Tình hình chẳng khác gì so với thời Ngụy Trung Hiền. Việc trọng dụng hoạn quan của Sùng Trinh Đế bị một số đại thần như Cao Biêu, Ngụy Trinh Nhuận, Cao Hoàng Đỗ phản đối, nhưng Sùng Trinh Đế không nghe theo và cách chức những ai phản đối. Đông Xưởng lại khôi phục quyền lực như trước.

    Tóm lại, sự cần chính và đa nghi của Sùng Trinh Đế đã khiến Minh Đế Quốc suy yếu trên mọi phương diện. Ngoài có quân Hậu Kim uy hiếp, trong có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổi dậy. Nội ưu ngoại hoạn, Đế Quốc suy tàn. Chỉ có điều, Sùng Trinh Đế không cảm nhận được điều ấy, vẫn cho rằng Đế quốc đang bồng bột phát triển.

    Nói lại chính đề, thấy Hoàng đế nổi giận, Trương Di Hiến mừng thầm trong lòng, nhưng ngoài mặt càng tỏ ra cung kính, nói :

    - Bệ hạ. Trong phủ của các vị đại thần đều có cống phẩm của người Triều Tiên, chỉ có trong cung là không có. Ân ! Bọn thần cũng không có.

    "Bọn thần" ở đây là chỉ đám hoạn quan. Sùng Trinh Đế mắt nhìn vào lá sớ, miệng lẩm bẩm :

    - Kim Thương Bất Đảo Hoàn, Hương Thủy, Anh Hùng Huyết, Lưu Ly Kính, ...

    - Bệ hạ. Nghe nói chúng rất được ưa chuộng, bán sang tận Tây Dương.

    Sùng Trinh Đế cả giận, thật là vô pháp vô quân mà, các đại thần đều có, cả người Tây Dương cũng có, chỉ có Hoàng đế là không có. Không phải bọn họ xem thường Hoàng đế hay sao ? Hừ lạnh một tiếng, Sùng Trinh Đế gằn giọng bảo :

    - Tuyên triệu Chu Diên Nho, Hà Như Sủng, Tiền Tượng Khôn, Ôn Thể Nhân, Ngô Tông Đạt.

    Năm người bọn họ đều là thành viên của Nội Các, Chu Diên Nho là Nội Các Thủ Phụ (đứng đầu Nội Các), là những đại thần hiển hách nhất trong triều hiện nay. Không lâu sau đó, cả bọn hối hả nhập cung diện thánh. Nhìn thấy Hoàng đế có vẻ giận dữ, cả bọn nhìn nhau ngơ ngác, rồi nhìn Trương Di Hiến với ánh mắt đầy địch ý. Họ Trương chỉ cười nhạt, chẳng để vào lòng.

    Sùng Trinh Đế hừ lạnh một tiếng, nói :

    - Trẫm nghe nói các khanh đều sử dụng Kim Thương Bất Đảo Hoàn của người Triều Tiên, không biết tư vị thế nào ?

    Bọn Chu Diên Nho vừa nghe nói đã sửng sốt tái mặt, chỉ có Tiền Tượng Khôn là lộ vẻ ngơ ngác. Sùng Trinh Đế đang chăm chú nhìn cả bọn, nhận ra điều đó, lộ vẻ hứng thú hỏi :

    - Tiền khanh không biết hay sao ?

    Tiền Tượng Khôn ấp úng nói :

    - Bệ hạ ... Thần ...

    Tiền Tượng Khôn đức cao vọng trọng, không lạp bang kết phái, không y phụ kẻ có thế lực, lại biết nhượng hiền, là một hình mẫu thần tử lý tưởng nên Sùng Trinh Đế khá tôn trọng, gật đầu bảo :

    - Khanh đứng sang một bên.

    Họ Tiền cung kích vâng dạ, tránh sang một bên. Hoàng đế lại quay sang bọn Chu Diên Nho, cười lạnh hỏi :

    - Chu khanh. Trẫm đang chờ câu trả lời của khanh đó.

    Chu Diên Nho linh cơ nhất động, vội nói :

    - Bệ hạ. Đó là tặng phẩm của các sĩ phu Triều Tiên, bọn thần định dùng thử xem kết quả thế nào rồi mới dám dâng lên Bệ hạ.

    Ông ta bảo đó là tặng phẩm của đám sĩ phu Triều Tiên để chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Quà tặng của sĩ phu là xã giao, còn quà tặng của thương nhân là hối lộ, tính chất khác biệt rất lớn. Thật ra mà nói, đám cự thương đều ít nhiều liên quan với giới quan quyền, gọi là "quan thương câu kết", nên họ Chu nói thế cũng không sai. Sùng Trinh Đế hừ khẽ một tiếng, lạnh lùng bảo :

    - Các khanh đã thử xong rồi chứ ? Tư vị thế nào ?

    Chu Diên Nho nhăn nhó nói :

    - Bệ hạ. Thần chỉ mới thử qua thôi. Lão rồi ! Lão rồi !

    - Hừm !

    - Dạ. Thần sẽ cho người mang dâng vào cung ngay.

    Sùng Trinh Đế nhìn sang những người còn lại. Cả bọn vội nói theo :

    - Dạ. Chúng thần cũng sẽ cho người mang dâng vào cung ngay.

    Sùng Trinh Đế thực ra chỉ quan tâm thái độ của bọn họ, thấy cả bọn đã chịu phục, hài lòng bảo :

    - Trẫm chỉ cần một nửa thôi.

    - Dạ dạ. Chúng thần sẽ dâng vào cung ngay.

    - Lui đi.

    Sáng hôm sau, Sùng Trinh Đế thần thanh khí sảng, đầu óc hưng phấn, ban chiếu lệnh cho Triều Tiên phải tăng thêm số cống phẩm. Đến phiên các vị đại nhân ở Hồng Lư Tự (cơ quan ngoại giao của Đế quốc Minh) và triều đình Triều Tiên phải đau đầu.

    ...

    Nankaido, Shikoku, phiên Tokushima, Lâu đài Tokushima.

    Phiên Tokushima là lãnh địa của gia tộc Hachisuka, hậu duệ của Thiên Hoàng Seiwa (850 - 880), cũng tức là họ hàng xa của các Thiên Hoàng Nhật Bản. Do thân phận cao quý, chỉ cần không gây thù chuốc oán, yên phận giữ mình, thì địa vị của gia tộc Hachisuka sẽ luôn vững vàng. Nguyên bản lịch sử, bọn họ thống trị phiên Tokushima từ trước thời Edo, trải qua hết thời Edo, cho đến thời Meiji (Minh Trị), và chỉ chấm dứt khi chế độ phiên bị bãi bỏ trên toàn quốc năm 1873 (phế phiên trí huyện). Phiên Tokushima ổn định ở mức 25,6 vạn koku, cai trị các lãnh thổ của hai lệnh chế quốc Awa (17,5 vạn koku) và Awaji (8,1 vạn koku).

    Trước những biến hóa lớn lao đang diễn ra ở Honshu, Phiên chủ đương nhiệm Hachisuka Tadateru (Phong Tu Hạ Trung Anh) triệu tập chúng gia lão triển khai 'bình định hội' để thảo luận về tương lai của bản phiên. Chỉ trừ Shi-Taishou (Thị Đại Tướng) Takada Yoshiharu đang trấn thủ ở Awaji, một hòn đảo nằm giữa Honshu và Shikoku (Awaji nghĩa là "Đường đến Awa"), thì chúng gia lão đều có mặt đông đủ.

    - Bình định bắt đầu !

    Hachisuka Tadateru cao giọng tuyên bố, sau đó cầm quạt chỉ về phía Fudai (Phổ đại) là Mizuno Narimasa bảo :

    - Mizuno Narimasa. Ngươi hãy giới thiệu tình hình ở Honshu cho mọi người rõ đi.

    Mizuno Narimasa vâng dạ, hướng về chúng đồng liêu, nói :

    - Chư vị. Sau những biến cố kinh thiên động địa mấy tháng qua, hiện tại tình hình ở Honshu đã dần ổn định trở lại. Quân đội Hokkai-Teikoku giữ đúng như lời tuyên bố trước đây, chỉ chiếm lĩnh ba đạo miền đông Toukaido, Tousando và Hokurikudo, sau đó đình chỉ đại quy mô chiến tranh, chỉ tiến hành trấn áp tàn dư của quân Mạc phủ ở các nơi.

    Sau khi tiến quân về Honshu, Narumi công khai tuyên bố mục tiêu của quân đội Hokkai-Teikoku chỉ là ba đạo miền đông, bởi vì đội quân Mạc phủ tấn công Hokkaido trước đây chỉ gồm quân của ba đạo đó, giờ đây quân đội Hokkai-Teikoku sang đánh trả thù. Các nơi khác vô can. Không phải Narumi không muốn chiếm lĩnh toàn bộ Nhật Bản, chỉ vì tình hình thực tế không cho phép. Ba đạo miền đông sau mấy cuộc chiến lớn giờ đây binh nguyên cạn kiệt, lãnh địa không hư, có thể chiếm lĩnh dễ dàng, các lãnh chúa địa phương cũng có thể dễ dàng xử lý, thực hiện "phế phiên trí huyện". Còn các đạo ở miền tây thực lực gần như nguyên vẹn, lại quá xa xôi, việc chinh phạt rất khó khăn, rất mất thời gian và tình hình bất ổn sẽ kéo dài, không có lợi để phát triển đất nước. Narumi chấp nhận lãnh thổ nhỏ hơn, nhưng triều đình trung ương tập quyền vững mạnh.

    Mizuno Narimasa lại nói :

    - Trong trận Edo, Shogun Tokugawa Iemitsu đã tử trận ngay tại chiến trường, 20 vạn đại quân lớp chết lớp đầu hàng, Edo thất thủ. Ogosho Tokugawa Hidetada phải chạy về phía tây. Quân Hokkai-Teikoku đuổi sát phía sau, đến tận Kinki mới thôi. Hiện tại, Ogosho đang tạm trú tại Ngự Sở ở Kyoto, triệu tập các phiên miền tây về cần vương.

    Shogun là Tướng Quân đương nhiệm, còn Ogosho là Tướng Quân tiền nhiệm (Thái Thượng Tướng Quân), tương tự như Thái Thượng Hoàng. Ashigaru-Taishou (Túc Khinh Đại Tướng) Hachisuka Rikichi hỏi :

    - Vậy có phiên nào cử quân cần vương không ?

    Đây là vấn đề trọng yếu, liên quan đến quyết sách tương lai của bản phiên nên mọi người đều chăm chú chờ câu trả lời. Mizuno Narimasa nói :

    - Mặc dù quân đội Hokkai-Teikoku tuyên bố không có ý định chiếm lĩnh các phiên ở tây quốc, nhưng quân đội bọn họ vẫn tấn công cướp bóc các Bakufu Chokka-Tsuchi (Mạc phủ Trực hạt địa) ở tây quốc, lý do đương nhiên là đất của Shogun. Bọn họ chỉ cướp bóc chứ không chiếm lĩnh, nhưng các phiên vẫn phải cẩn thận phòng thủ lãnh địa. Đâu ai rảnh để đến Kyoto cần vương.

    Nói đến đây, Mizuno Narimasa lại nhìn về phía Hachisuka Tadateru, thấy Phiên chủ gật đầu, liền nói tiếp :

    - Hôm trước, phía Hokkai-Teikoku phái sứ giả mang công hàm đến chỗ chúng ta, vì thế Đại điện mới triệu tập mọi người đến đây nghị sự.

    Sau đó, ông ta vẫy tay ra hiệu cho các cận thị phân phát các bản sao công hàm cho mọi người xem. Trừ những ai đã biết trước, mọi người đều rất bất ngờ trước những gì trong đó, xôn xao bàn tán. Hachisuka Tadateru kiên nhẫn chờ đợi chúng cận thần thảo luận.

    Hồi lâu, Hachisuka Rikichi hỏi :

    - Đại điện. Những gì trong này là thật chứ ạ ?

    Hachisuka Tadateru gật đầu nói :

    - Đương nhiên.

    Công hàm thật ra là một bản dự thảo chế độ Liên Bang dự kiến cho Shikoku, được soạn thảo theo mô hình của Đế Quốc La Mã Thần Thánh, có tham khảo chế độ của Liên Bang Mỹ. Theo dự thảo, tương lai Shikoku sẽ trở thành một Liên Bang (Liên Hiệp Các Bang Quốc), các phiên sẽ chuyển đổi thành các bang quốc bán độc lập, có chủ quyền; Liên Bang chỉ được nhượng lại quyền ngoại giao và quyền tài phán. Đứng đầu Liên Bang dự kiến là một vị Quốc Vương hoặc Tổng Thống. Hệ thống lập pháp hai viện gồm có "Thượng Nghị Viện" là đại biểu của các quốc chủ, và "Hạ Nghị Viện" được bầu ra bởi bình dân, số đại biểu phụ thuộc vào số koku của mỗi bang quốc. Khi cả Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện cùng họp chung thì gọi là "Quốc Hội", để bầu ra Quốc Vương (hoặc Tổng Thống). Đương nhiên, Quốc Vương (hoặc Tổng Thống) sẽ có nhiệm kỳ trùng với nhiệm kỳ của Quốc Hội, chứ không ở ngôi suốt đời như ở Đế Quốc La Mã Thần Thánh. Có như thế mới hợp với câu nói của người xưa : "Hoàng Đế luân lưu tố. Kim niên đáo ngã gia" (Hoàng Đế thay phiên nhau làm. Năm nay đến lượt nhà ta).

    Trong lúc mọi người bàn tán phân vân, một thiếu niên ngồi ở hàng cuối chợt đứng bật dậy nói lớn :

    - Đại Điện. Con nghĩ mọi người không cần bàn tán nữa. Đây là quyết định của Hoàng đế Fujiwara, chắc chắn không thể thay đổi. Việc khẩn cấp trước mắt là phải triệu tập quân đội.

    Cậu ta là Hachisuka Satoshi, cháu họ của phiên chủ đại nhân. Hachisuka Rikichi trừng mắt quát :

    - Satoshi. Đừng lắm lời.

    Phiên chủ Hachisuka Tadateru xua tay, cười ôn hòa hỏi :

    - Satoshi. Tại sao chúng ta phải khẩn cấp triệu tập quân đội ?

    Xem ra Satoshi có vẻ được phiên chủ đại nhân đặc biệt ưu ái. Thân phận của gia tộc Hachisuka khá đặc thù, nếu yên ổn giữ mình, không chủ động gây chiến, không gây ra hiểu lầm, thì rất ít khả năng bị chiến tranh uy hiếp, và nếu có thì cũng rất ít có khả năng bị tước phiên, tối đa giảm phiên.

    Hachisuka Satoshi nói :

    - Đại điện. Thực lực giữa hai bên chênh lệch quá lớn, nếu chúng ta giữ trung lập sẽ đắc tội cả hai bên, không có lợi, chỉ có thể ủng hộ một trong hai bên mà thôi.

    Một trọng thần là Ishida Nobuuya nói :

    - Thực tế chúng ta chỉ có một đường mà thôi. Gia tộc Tokugawa đã suy vi, theo họ hoàn toàn không có tương lai.

    Một trọng thần khác là Nagai Takayuki hỏi :

    - Đương nhiên. Thế tại sao phải triệu tập quân đội khẩn cấp ? Chiến tranh đã kết thúc rồi mà.

    Hachisuka Satoshi lớn tiếng nói :

    - Ở Shikoku có Bakufu Chokka-Tsuchi 20 vạn koku ở Iyo, bị xem là tàn dư của Mạc phủ. Quân đội Hokkai-Teikoku chắc chắn sẽ đến đó cướp bóc. Chúng ta nên phái quân đội đến đó phối hợp với bọn họ. Con nghĩ bọn họ sẽ không phái chúng ta đi cướp bóc, mà sẽ giao cho việc giữ gìn trị an ở các địa phương. Bình thường đó là việc khổ nhọc mà chẳng có mấy lợi ích. Nhưng lúc này lại khác. Quân đội Hokkai-Teikoku sau đó sẽ rút đi. Những vùng đất đã do chúng ta kiểm soát, không có lý nào lại nhường cho kẻ khác nha !

    Iyo no kuni là một 'lệnh chế quốc' nằm ở tây bắc đảo Shikoku. Ở đó có 10 phiên lớn nhỏ, trong đó có phiên Imabari 20 vạn thạch của gia tộc Toudou. Đến năm 1608, gia tộc Toudou bị tước phiên, lãnh địa của bọn họ trở thành lãnh địa trực thuộc của Shogun.

    Phiên chủ Hachisuka Tadateru ánh mắt sáng bừng, bảo :

    - Nói phải lắm. Cứ như thế đi. Mọi người lập tức đi triệu tập quân đội, càng nhiều càng tốt. Mizuno Narimasa phụ trách dẫn quân đến Iyo phối hợp với quân đội Hokkai-Teikoku. Ân ! Satoshi làm phó tướng.

    Nagai Takayuki thắc mắc :

    - Đại điện. Chúng ta phái đi quá nhiều người, lỡ các phiên lân cận tấn công chúng ta thì sao ạ ?

    Phiên chủ Hachisuka Tadateru hừ lạnh nói :

    - Đại quân của Hokkai-Teikoku đang ở bên cạnh, kẻ nào dám làm liều ? Mà nếu có kẻ ngu xuẩn như thế thì càng tốt. Bản phiên có thể mở rộng thêm nữa.

    Quần thần đều tán thành và phiên Tokushima khẩn cấp tiến hành tổng động viên.

    ...

    Quang Minh năm thứ 2837, Trung Thu. Imabari.

    Lâu đài Imabari được Toudou Takatora cho xây dựng vào năm 1604. Lâu đài đặc biệt ở chỗ nó được xây dựng gần biển, với nước trong các vòng hào là nước biển. Imabari từ lâu đã là một vị trí chiến lược để kiểm soát biển nội địa Seto (Lại Hộ nội hải). Ở đó có cảng biển tốt và nền kinh tế khá thịnh vượng (đến thế kỷ 21, Công ty đóng tàu Imabari là công ty đóng tàu lớn nhất Nhật Bản; công nghiệp chế biến bông cũng rất lớn, đặc biệt chú trọng vào khăn tắm, chiếm 60% sản lượng khăn tắm của Nhật Bản, chứng minh vùng này có tiềm lực phát triển kinh tế cao). Sau khi lãnh địa Imabari trở thành Bakufu Chokka-Tsuchi, lâu đài Imabari đã trở thành Ngự Sở của Shogun tại Shikoku.

    Khi quân đội Hokkai-Teikoku chiếm đóng khu vực Bakufu Chokka-Tsuchi ở Iyo, không chỉ có quân Tokushima mà còn có quân đội của vài phiên lân cận cùng đến hiệp trợ, chứng tỏ các vị Phiên chủ ở đây cũng có nhiều mưu thần tài giỏi. Vì quân Tokushima đông nhất nên được giao quản lý khoảng 40% địa bàn Bakufu Chokka-Tsuchi, phần còn lại do các phiên khác chia nhau kiểm soát.

    Nhân dịp Trung Thu, các Phiên chủ trên toàn cõi Shikoku đã tụ tập về lâu đài Imabari. Khâm Sai Đại Thần Yamada Yoshita đại diện cho Hoàng Đế Fujiwara chủ trì cuộc hội minh của các Phiên chủ. Tham gia hội minh gồm có : Phiên Tokushima (25,6 vạn koku) của Awa và Awaji; Phiên Marugame (17,3 vạn koku) của Sanuki; các Phiên Uwajima (10 vạn koku), Iyo-Matsuyama (24 vạn koku), Ozu (5 vạn koku) và Niiya (1 vạn koku) của Iyo; Phiên Tosa (20,26 vạn koku) và Komatsu (1,3 vạn koku) của Tosa. Tổng cộng có 8 Phiên chủ dẫn theo hàng trăm gia thần đến hội minh.

    Trải qua nhiều ngày tranh luận căng thẳng, các vị Phiên chủ cuối cùng đã nhất trí thành lập "Liên hiệp chư Bang vùng Nankai" ("Rengou Shobou no Nankai", gọi tắt là Liên Bang Nankai, Liên Bang Nam Hải), với lãnh thổ nguyên là 5 kuni (lệnh chế quốc) Awa, Awaji, Sanuki, Iyo và Tosa. Đứng đầu Liên Bang sẽ là Quốc Vương, các vị Phiên chủ không thích cách gọi Tổng Thống (nghe không oai !).

    Về lý thuyết, các Bang quốc có địa vị "bình đẳng" (đương nhiên trong thực tế thì Bang quốc 10 vạn koku và Bang quốc 1 vạn koku sẽ có vị thế không giống nhau). Tước vị của Quốc chủ các Bang quốc tùy thuộc vào số koku của Bang quốc; cụ thể : trên 50 vạn koku là Thân vương, trên 40 vạn koku là Công tước, trên 30 vạn koku là Hầu tước, trên 20 vạn koku là Bá tước, trên 10 vạn koku là Tử tước và trên 1 vạn koku là Nam tước. Chỉ có điều, chư vị "Quốc chủ tương lai" không đồng ý sử dụng số "koku danh nghĩa" đang sử dụng phổ biến lúc bấy giờ, mà quyết định tiến hành toàn diện "kiểm địa" (kiểm tra đất đai). Do Mạc phủ Tokugawa định ra thuế phú và các khoản cống nạp rất cao, thường chiếm đến hơn 55% thu nhập của các phiên (nhằm mục đích tước giảm thực lực chư phiên), nên các phiên thường che giấu số koku thực tế. Chẳng hạn như, trải qua hơn 200 năm, xã hội không ngừng phát triển, nhưng số koku của phiên Tokushima vẫn giữ ổn định ở mức 25,6 vạn koku. Quá trình kiểm địa sẽ tiến hành trong vòng 1 năm. Để đảm bảo công chính, các Phiên có thể cử đại diện đến giám sát việc 'kiểm địa' của nhau. Đến Trung thu sang năm, các Phiên sẽ tiếp tục hội minh chính thức thành lập Liên Bang và bầu ra Quốc vương.

    Ngoài ra, Quốc Hội tương lai sẽ gồm Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Thượng Nghị Viện có các đại biểu là đại diện của các vị Quốc chủ, do Quốc chủ chỉ định, số lượng đại biểu của mỗi Bang quốc tùy thuộc vào tước vị của Quốc chủ : Thân vương có 6 đại biểu, Công tước có 5 đại biểu, Hầu tước có 4 đại biểu, Bá tước có 3 đại biểu, Tử tước có 2 đại biểu và Nam tước có 1 đại biểu. Hạ Nghị Viện có đại biểu được bầu ra bởi bình dân (những người có đóng thuế), mỗi 3 vạn koku có một đại biểu, mỗi Bang quốc phải có ít nhất một đại biểu. Hạ Nghị Viện phụ trách soạn thảo pháp luật; Thượng Nghị Viện phụ trách thông qua pháp luật, đồng thời giữ quyền tư pháp tối cao.

    Cuối cùng, thuế Liên Bang được xác định ở mức 5%, trong đó gồm cả 1% là khoản cống nạp cho Hoàng đế Fujiwara, còn lại 4% là ngân sách hoạt động của Liên Bang. Đó là khoản đóng góp rất nhẹ nhàng mà các Phiên đều có thể chấp nhận được.

    Sau khi cuộc hội minh kết thúc, các Phiên đã khẩn cấp tổ chức dân chúng đi khai hoang, quyết tâm không để một tấc đất bỏ hoang, tăng diện tích đất canh tác lên đến mức tối đa có thể, bất kể việc có đủ nhân lực để canh tác hay không, vì số koku sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến địa vị của các vị "Quốc chủ tương lai".

    Trung thu năm sau, cuộc hội minh kế tục, và số Phiên tham dự đột nhiên tăng lên đến 15, bởi một vài Phiên lớn đã chia đất thành lập Phiên mới, giao cho phân gia thống trị. Kể từ ngày này, Liên Bang Nankai chính thức thành lập, gồm 15 Bang quốc thành viên :

    1. Tokushima : 57,2 vạn koku - Thân vương - 6 Thượng nghị sĩ, 19 Hạ nghị sĩ.

    2. Iyo-Matsuyama : 51,8 vạn koku - Thân vương - 6 Thượng nghị sĩ, 17 Hạ nghị sĩ.

    3. Tosa : 45,2 vạn koku - Công tước - 5 Thượng nghị sĩ, 15 Hạ nghị sĩ.

    4. Marugame : 36,1 vạn koku - Hầu tước - 4 Thượng nghị sĩ, 12 Hạ nghị sĩ.

    5. Uwajima : 22 vạn koku - Bá tước - 3 Thượng nghị sĩ, 7 Hạ nghị sĩ.

    6. Ozu : 10,7 vạn koku - Tử tước - 2 Thượng nghị sĩ, 3 Hạ nghị sĩ.

    7. Imabari (phân gia của Tokushima) : 3,8 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    8. Tomida (phân gia của Tokushima) : 3,2 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    9. Tokuyama (phân gia của Tokushima) : 3 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    10. Matsuyama-Shinden (phân gia của Iyo-Matsuyama) : 3 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    11. Takamatsu (phân gia của Iyo-Matsuyama) : 3 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    12. Tadotsu (phân gia của Marugame) : 3 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    13. Tosa-Shinden (phân gia của Tosa) : 3 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    14. Komatsu : 2,6 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    15. Niiya : 1,8 vạn koku - Nam tước - 1 Thượng nghị sĩ, 1 Hạ nghị sĩ.

    "Tân tấn Thân vương" Hachisuka Tadateru không phụ sự kỳ vọng của mọi người, trở thành Quốc vương với số phiếu thắng áp đảo.

    ...

    Trong khi các lãnh chúa ở Shikoku vì tương lai của mình mà cạnh tranh quyết liệt, thì ở triều đình Hokkai-Teikoku cũng nổ ra một cuộc tranh luận quyết liệt không kém. Tình hình căng thẳng không chỉ ở triều đình mà dần dần lan ra các địa phương, với nhiều phe phái khác nhau, tranh chấp kịch liệt, sử gọi là "Kokubon no Shou" (Quốc bản chi tranh). Các văn thần vũ tướng vì tương lai của Đế quốc cũng như vì lợi ích phe phái mà tranh chấp gay gắt, khiến cả Hoàng đế Fujiwara cũng phải đau đầu.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    江懷玉

  6. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,
  7. #69
    Ngày tham gia
    Jan 2008
    Bài viết
    1,251
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 11 : KOKUBON NO SHOU (QUỐC BẢN CHI TRANH)

    "Quốc bản" là gì ?

    Xứ sở có đất có dân, có quyền cai trị gọi là "quốc".

    Cội nguồn, căn nguyên, nền tảng, căn cơ, gọi là "bản".

    Từ cổ chí kim, một quốc gia muốn phát triển hùng cường cần phải có một sự ổn định lâu dài, đó là điều kiện tiên quyết. Đối với một quốc gia phong kiến, việc tranh giành ngôi báu rất dễ phát sinh loạn lạc, do đó cần lập ngôi "Trữ quân" để đảm bảo quốc gia được truyền thừa ổn định.

    "Trữ quân" (儲君), hoặc "Tự quân" (嗣君), "Quốc Bản" (國本), là cách gọi trung lập tước vị dành cho người đã được chính thức chọn lựa để sau này nối ngôi vua (Hoàng đế hay Quốc vương). "Đường Đại Chiếu Lệnh Tập" viết : "Kiến lập trữ tự, sùng nghiêm quốc bản" (Thiết lập người nối dõi, sùng nghiêm nền tảng quốc gia). Do thường là con trai của vị vua đang trị vì nên ngôi "Trữ quân" hay gọi là "Thái tử", nhưng đôi khi cũng có "Thái thúc" (chú vua), "Thái đệ" (em trai vua), "Thái nữ" (con gái vua), "Thái tôn" (cháu nội vua), ...

    Vào khoảng cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, ở Đế Quốc Minh đã xuất hiện cuộc tranh chấp giữa Vạn Lịch Đế và các đại thần trong triều về ngôi Trữ quân, kéo dài 15 năm, sử gọi là "Quốc Bản chi tranh". Vạn Lịch Đế muốn lập người con trai thứ ba Chu Thường Tuấn, là con của một vị sủng phi, làm Thái tử, nhưng bị sự phản đối kịch liệt của các đại thần trong triều, lấy cớ quy củ của tổ tông là "lập trưởng bất lập thứ" (lập con trưởng không lập con nhỏ). Cuối cùng vào năm 1601, Vạn Lịch Đế chịu thua, chấp nhận lập con trưởng Chu Thường Lạc làm Thái tử. Vạn Lịch Đế chán ghét con trưởng nên đối xử hà khắc với con, thậm chí ngay cả cháu nội mình là Chu Do Hiệu (Thiên Khải Đế sau này). Vì thế khi lớn lên Chu Do Hiệu cũng không được học chữ, trở thành Hoàng Đế mù chữ, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự cai trị của triều đình nhà Minh. Rồi 24 năm sau khi Vạn Lịch Đế qua đời, Đế Quốc Minh đã vong quốc.

    Nói tóm lại, ngôi Trữ quân rất quan trọng đối với một quốc gia phong kiến. Trữ quân sau khi được lập, sẽ được cho học tập những kiến thức quan trọng đối với việc trị vì sau này. Chỉ có điều, đối với Hokkai-Teikoku, Hoàng Đế còn chưa lập hậu phi, nói gì đến ngôi Trữ quân. Do đó các đại thần đều rất lo lắng. Mọi người thảo luận, rồi tranh luận, cố gắng tìm người thích hợp tiến cử với Hoàng Đế. Bọn họ cho rằng vấn đề gia đình của Hoàng Đế không chỉ là việc riêng của Hoàng Đế mà còn là đại sự quốc gia, liên quan đến Quốc Bản. Vấn đề dần mở rộng, trở thành đề tài quan tâm hàng đầu của quan lại và dân chúng. Đương nhiên, chín người mười ý, mỗi nhóm thế lực đều có đối tượng tiến cử của riêng họ, đôi khi dẫn đến tranh cãi gay gắt. Triều đình náo loạn.

    Quang Minh năm thứ 2837 (Công Nguyên năm thứ 1631, Tây lịch).

    Mùa đông.

    Hôm nay, Narumi đi kiểm tra công tác của Viện Khoa Học Hoàng Gia. Ở Hokkai-Teikoku, cậu không thành lập Viện Hàn Lâm Khoa Học, mà chia ra thành Viện Hàn Lâm phụ trách 'khoa học xã hội - nhân văn' và Viện Khoa Học phụ trách 'khoa học tự nhiên'. Viện sĩ của Viện Hàn Lâm được gọi là Học Sĩ và Đại Học Sĩ, còn viện sĩ của Viện Khoa Học được gọi là Kỹ Sư và Đại Kỹ Sư, đều rất được trọng vọng.

    Từ hai năm trước, khi thành công kiểm soát khu vực Hokkaido, xây dựng chính quyền, Narumi đã triệu tập các thợ rèn giỏi nhất về Otobe, đa phần phụ trách cải tiến súng đạn, nhưng có một nhóm ba người được giao cho nghiên cứu chế tạo động cơ hơi nước theo 'bản vẽ thiết kế sơ khai' của cậu. Cậu nắm rõ nguyên lý của động cơ hơi nước, cũng như các bộ phận cấu tạo chính như piston, xilanh, nồi hơi, van, ... Chỉ có điều, muốn biến nó thành vật thực thì phải trải qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm nghiêm túc lâu dài. Dù đã biết trước nguyên lý và cấu tạo 'sơ khai', quá trình đó vẫn kéo dài đến hai năm.

    Nguyên bản lịch sử, động cơ hơi nước đầu tiên được cấp bằng sáng chế là phát minh của Thomas Savery vào năm 1698, được sử dụng để bơm nước từ các mỏ quặng. Năm 1707, chiếc tàu hơi nước đầu tiên do Denis Pepin chế tạo đã chạy thử nghiệm trên sông Fulda ở Vương quốc Prusia (Phổ). Phát minh của Thomas Savery được chào đón nhiệt liệt ở England (Anh), thậm chí Nghị viện đã ban hành đạo luật đặc biệt kéo dài thời gian bảo hộ quyền sáng chế từ 14 năm lên 21 năm. Trong khi đó, chiếc tàu hơi nước của Denis Pepin vừa xuất hiện đã bị người dân Prusia "tay rìu tay búa" xông đến phá tan tành.

    Nhờ sự can thiệp của Narumi, động cơ hơi nước đã xuất hiện ở Hokkai-Teikoku sớm hơn. Sự thành công này cũng có một phần nhờ vào kỹ thuật rèn của người Nhật vốn được công nhận tiên tiến nhất thế giới vào thời bấy giờ, với những thanh kiếm Nhật nổi tiếng. Lúc bấy giờ chưa có thép chuyên dụng để chế tạo nồi hơi và xilanh (chịu được áp suất cao), phải nhờ vào tay nghề gò của các thợ rèn. Kỹ thuật rèn của người Nhật tiên tiến nhất, kế đến là châu Âu, còn ở Đế Quốc Minh thì rất kém. Bằng chứng là người Minh quốc có thể chế tạo 'đại pháo' (pháo lớn thủ thành, đặt cố định trên tường thành), nhưng không thể chế tạo 'tiểu pháo' (pháo nhỏ dã chiến, đặt trên bánh xe có thể kéo đi các nơi) và súng trường, bởi vì không chế tạo được nòng pháo, nòng súng cỡ nhỏ. Với kỹ thuật rèn của người Minh quốc, nòng súng không đạt chất lượng, rất dễ phát nổ. Để chống lại quân Thanh và quân khởi nghĩa trong nước, triều đình nhà Minh đã phải mua pháo của người phương Tây, gọi là Hồng Y Đại Pháo. Trong truyện Bích Huyết Kiếm của Kim Dung cũng có đoạn nhân vật chính Viên Thừa Chí tham gia tấn công đoàn hộ tống Hồng Y Đại Pháo (Hồi 16).

    Cũng cần phải nói thêm rằng, trong mắt của người châu Âu thời bấy giờ (thế kỷ 16, 17), Nhật Bản được xem là đất nước vô cùng giàu có về các kim loại quý, với những ghi chép về các đền thờ và cung điện mạ vàng. Nhật Bản có lượng quặng bề mặt rất dồi dào, trước khi việc khai thác quặng sâu dưới lòng đất theo quy mô lớn được hiện thực hóa vào thời đại công nghiệp, thì Nhật Bản là nước xuất khẩu đồng và bạc lớn nhất thế giới. Người châu Âu thời bấy giờ cho rằng Nhật Bản có "một xã hội phong kiến phức tạp với nền văn hóa cao và công nghệ (tiền công nghiệp) hùng mạnh"; "đất nước này có dân số và dô thị hóa mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia Tây Âu nào". Vào cuối thế kỷ 16, Nhật Bản có 26 triệu dân, trong khi France (Pháp) có 16 triệu dân và England (Anh) chỉ có 4,5 triệu dân. Những nhà thám hiểm châu Âu nổi bật trong thời kỳ này đồng ý rằng người Nhật "không chỉ hơn những người phương Đông khác mà họ còn vượt trội cả người châu Âu" (Alessandro Valignano, 1584, "Historia del Principio y Progreso de la Compañía de Jesús en las Indias Orientales").

    Những vị khách châu Âu đầu tiên rất bất ngờ về chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ và thép rèn của Nhật. Điều này xuất phát từ việc bản thân nước Nhật cũng khá hiếm những tài nguyên dễ kiếm ở châu Âu, đặc biệt là sắt (nước Nhật có nhiều vàng bạc nhưng ít sắt). Do đó, người Nhật nổi tiếng tằn tiện khi sử dụng tài nguyên; họ sử dụng những gì mình có với một kĩ năng bậc thầy. Đồng và thép của họ là tốt nhất trên thế giới, vũ khí sắc bén nhất, giấy công nghiệp thì không gì có thể so sánh; người Nhật hỉ mũi vào những tờ giấy mềm mại dùng một lần làm từ washi, trong khi phần lớn thế giới phương Tây vẫn dùng tay áo. Khi "samurai" Hasekura Tsunenaga đến thăm Saint-Tropez (Pháp) năm 1615, ông thu hút sự chú ý của người châu Âu với thanh kiếm sắc bén và những giấy xì mũi dùng một lần của mình.

    Sử sách châu Âu nghi nhận rằng : "Họ không bao giờ đụng tay vào thức ăn, thay vào đó họ dùng hai que nhỏ giữ bằng ba ngón. Họ xì mũi với giấy lụa mềm mại có kích thước bằng bàn tay, họ không bao giờ dùng thứ này hai lần, vì họ vứt chúng đi sau khi dùng xong. Kiếm của họ sắc bén đến nỗi nó có thể cắt một tờ giấy mềm chỉ bằng cách đặt nó lên lưỡi kiếm và thổi." ("Relations of Mme de St-Troppez", 1615, Bibliotheque Inguimbertine, Carpentras).

    Thậm chí, một chiếu chỉ năm 1609 của vua Spain (Tây Ban Nha, cường quốc mạnh nhất ở châu Âu lúc bấy giờ) đặc biệt hướng dẫn các thuyền trưởng của họ trên Thái Bình Dương : "Chớ có liều lĩnh đem uy tín vũ khí và quốc gia chúng ta chống lại quân Nhật". Đội quân "samurai" Nhật Bản sau này còn được người Nederland (Ni Đức Lan, còn bị gọi sai là Hà Lan) trên "Quần đảo Gia Vị" ở Đông Nam Á thuê để đánh lại người England đến tranh giành địa bàn.

    Nói tóm lại, kỹ thuật của người Nhật kết hợp với kiến thức của Narumi, điều kiện cần và đủ để động cơ hơi nước của Hokkai-Teikoku ra đời.

    Trong một xưởng lớn của Viện Khoa Học Hoàng Gia, Narumi xem các Kỹ Sư khởi động chiếc động cơ hơi nước đầu tiên. Đại Kỹ Sư Hideaki Mitsuo chủ trì hạng mục phất cờ ra hiệu (động cơ hoạt động rất ồn ào, nói bằng miệng khó nghe rõ, phải dùng cờ hiệu), một Kỹ Sư châm lửa vào lò đốt phía dưới nồi hơi.

    Chiếc động cơ hơi nước này đốt than đá với các chi tiết làm bằng thép rèn. Nguyên lý hoạt động của nó rất đơn giản : lò đốt dùng lửa nấu sôi nước trong nồi hơi; khi nước sôi sẽ bay hơi, áp suất tăng lên; khi áp suất đạt đến mức nhất định sẽ đẩy van trên đỉnh nồi hơi lên, dẫn hơi nước vào xilanh, rồi đẩy piston đi lên; khi piston di chuyển đến độ cao nhất định, một cái van khác bên thành xilanh sẽ mở ra, thải hơi nước ra khỏi xilanh (theo đường ống đi qua bộ phận làm mát rồi trả về nồi hơi); áp suất trong xilanh giảm xuống, piston di chuyển trở xuống, van trên đỉnh nồi hơi cũng đóng lại. Quá trình tiếp tục tuần hoàn. Ở phía trên, piston di chuyển, thông qua một hệ thống trục thừa và bánh xe làm quay động cơ (tương tự như bàn đạp của máy may). Đây là động cơ nguyên thủy, năng suất rất thấp, mỗi phút chỉ quay được khoảng 50 vòng, không giống như động cơ hơi nước thời cận đại lên đến vài trăm vòng và thời hiện đại lên đến hàng nghìn vòng. Nhưng ... Narumi khẽ gật đầu, có thể chấp nhận được. Sau này sẽ nghiên cứu thêm bánh răng truyền động để tăng số lượng vòng quay (tương tự như xe đạp, không quá phức tạp).

    Hạng mục được thông qua. Đại Kỹ Sư và các Kỹ Sư tham gia hạng mục được trọng thưởng. Đại Kỹ Sư Hideaki Mitsuo còn được ban cho 100 điểm công huân. Ở Hokkai-Teikoku, điểm công huân rất quý, được ban cho những người có công lao đối với đất nước; khi đạt được một lượng công huân nhất định sẽ được phong tước, trở thành 'Công tộc' (quý tộc). 'Công tộc' có ba loại : thượng đẳng Công tộc gồm Vương tước, Công tước, Hầu tước; trung đẳng Công tộc gồm Bá tước, Tử tước, Nam tước; sơ đẳng Công tộc gồm Huân tước, Hiệp sĩ, Hương thân. Chỉ có điều, khác với ở châu Âu, Hokkai-Teikoku theo chế độ "truyền vị giảm tước" tương tự như ở Trung Hoa (được thừa kế tước vị, nhưng truyền qua một đời sẽ giảm một cấp, hậu duệ phải cố gắng lập công để khôi phục vinh quang của cha ông). Để được phong Hiệp sĩ chỉ cần có 100 điểm công huân, nhưng Đại Kỹ Sư Hideaki Mitsuo đã là Hiệp sĩ, đang hướng đến Huân tước mà phấn đấu.

    Ứng dụng đầu tiên của động cơ hơi nước được Narumi quyết định sẽ là máy dập kim loại, giúp giảm bớt công tác của các thợ rèn. Thay vì các thợ rèn dùng búa tay đập vào khối thép, gò đi gò lại nhiều lần (bách luyện cương, thiên luyện cương), rất mất thời gian (một số thanh bảo kiếm phải mất nhiều năm mới hoàn thành). Nay đã có động cơ hơi nước kéo búa máy dập kim loại, lực đập mạnh và đều hơn, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chất lượng thép chuyên dụng cũng tốt hơn. Khi sản lượng thép chuyên dụng tăng thì số lượng động cơ hơi nước mới tăng nhanh được.

    Sau khi được phong thưởng, Đại Kỹ Sư Hideaki Mitsuo lại hướng về Narumi cung kính nói :

    - Hoàng Thượng. Thần ... thần nghĩ ... Đế Quốc chúng ta rất cần một vị Thái Tử để an lòng dân.

    Narumi thoáng cau mày. Gần đây, rất nhiều thần tử đã tận dụng các cơ hội để tiến ngôn, xin cậu cưới vợ sinh con. Không phải cậu không muốn cưới vợ (lập hậu), nhưng thời cơ chưa đến. Trong cung không thiếu cung nữ, nhưng cậu chưa lập hậu phi vì còn chờ người thích hợp. Theo tiêu chuẩn của cậu, để trở thành Hoàng Hậu phải đạt được hai điều kiện : cậu không phản cảm và có lợi cho Đế Quốc; còn phi tần chỉ cần điều kiện thứ hai (hôn nhân chính trị). Cậu không muốn xuất hiện cảnh sủng phi như hậu cung của Vạn Lịch Đế nhà Minh. Hán Cao Tổ Lưu Bang cũng gặp cảnh này, gây ra thảm cảnh chốn hậu cung (Lữ Hậu). Thời Tống có Ly Miêu Hoán Chúa, Xử Án Bàng Phi; thời Đường có Vũ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, ... Ở Trung Hoa, hiện tượng "cung đấu" là thường lệ.

    Dưới ánh mắt chờ mong của Hideaki Mitsuo, Narumi khẽ mỉm cười, từ tốn bảo :

    - Việc này trẫm đã có quyết định.

    - Sao ạ ?

    - Trẫm cho rằng, chỉ có Công Chúa đại quốc mới thích hợp với ngôi vị Hoàng Hậu. Trước đây, trẫm sai Heiji điều tra Minh quốc. Minh Đế chỉ là đứa nhỏ, có một Công Chúa mới hai tuổi. Các Công Chúa trưởng thành chưa xuất giá có Nhạc An Trưởng Công Chúa Chu Huy Đề, 20 tuổi và Vân Đài Đại Trưởng Công Chúa Chu Hiến Dung, 22 tuổi.

    Công Chúa là con của vua, Trưởng Công Chúa là chị em của vua, còn Đại Trưởng Công Chúa là cô của vua. Vịnh Lịch Đế mất năm 1620, trị vì đến 48 năm, có nhiều con cái. Thái Xương Đế lên ngôi và mất cùng vào năm 1620, trị vì được 29 ngày, có 7 hoàng tử và 11 công chúa nhưng đa phần chết yểu, chỉ có 2 hoàng tử và 3 công chúa sống đến tuổi trưởng thành. Thiên Khải Đế (đây là vị vua không biết chữ, nên giao hết việc triều chính cho Ngụy Trung Hiền) mất năm 1627, trị vì được 7 năm, có 3 hoàng tử và 3 công chúa, nhưng đều chết non, thọ nhất cũng không quá hai tuổi. Sùng Trinh Đế lên ngôi năm 16 tuổi, lúc này mới 20 tuổi, con cái lớn nhất chỉ mới 2 tuổi. Các Hoàng Đế cuối cùng của nhà Minh hầu như có sức khỏe yếu, con cái đa phần chết yểu. Vì thế để tìm một vị Công Chúa thích hợp không phải dễ.

    - Dạ dạ. Công Chúa Minh quốc rất thích hợp đấy ạ. Chỉ sợ bọn họ không chịu gả sang đây.

    Theo quan niệm của hầu hết người phương đông lúc bấy giờ thì Đế Quốc Minh là cường quốc số một. Ngay cả các thế lực thù địch như Hậu Kim (tiền thân của Mãn Thanh) và Nhật Bản đều thừa nhận. Người Nhật cũng biết người Minh quốc kỳ thị họ; Mạc phủ Tokugawa trước đây từng phái phiên Satsuma xâm chiếm Vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) nhưng vẫn duy trì vương quốc này để làm cầu nối trong thương mại với Minh quốc (triều đình Nhà Minh cấm buôn bán với thương nhân Nhật Bản). Nhưng hiện tại mọi người đều là Hokkaijin (Bắc Hải nhân). Narumi đang cố gắng làm thay đổi quan niệm của Hokkaijin trong vấn đề đó. Cậu mỉm cười nói :

    - Đơn giản thôi. Chúng ta sẽ tăng hạn ngạch buôn bán đặc sản cho các bộ lạc Nữ Chân, khuyến khích bọn họ đến Minh quốc "đả thảo cốc". Quân đội Minh quốc rất kém, đánh nhau với người Nữ Chân thua nhiều hơn thắng. Khi không chịu nổi nữa, bọn họ phải cầu trợ chúng ta, và đến lúc đó điều kiện nào bọn họ cũng phải chấp nhận thôi.

    Trong các tướng lĩnh Minh quốc, chỉ có Viên Sùng Hoán đủ năng lực kháng cự quân đội Kim quốc (còn gọi là nhà Hậu Kim để phân biệt với nhà Kim thời Tống; đến năm 1636 Sùng Đức Đế mới đổi quốc hiệu sang "Đại Thanh", hiện tại vẫn là "Kim"). Nhưng Viên Sùng Hoán đã bị Sùng Trinh Đế giết rồi. Sau đó quân Minh đánh trận nào thua trận đó, tình thế rất bi đát, các vùng đất bên ngoài Vạn Lý Trường Thành gần như mất hẳn, Liêu Đông đã bị chiếm từ lâu, sau khi thành Ninh Viễn thất thủ thì Liêu Tây cũng trở thành vùng loạn lạc. Nên biết Vạn Lý Trường Thành chỉ ở ngoại ô Bắc Kinh mà thôi.

    Năm 1616 Tây Lịch, Nurhaci xưng Hãn tại Hetu Ala (sau được Mãn Thanh Hán hóa thành "Hưng Kinh"), chính thức dựng nước, quốc hiệu "Đại Kim", chính thức chống lại Đế Quốc Minh, kẻ thù đã giết chết cha và ông nội của ông ta. Ông ta còn tự đặt họ là Aisin Gurun (Hán hóa : "Ái Tân Giác La"), trong tiếng Nữ Chân cổ có nghĩa là "Kim", với hàm ý ông ta kế thừa chính thống đế chế của Kim quốc trước đây (nên sử sách còn gọi là "Hậu Kim"). Do ông ta đặt hãn hiệu là "Geren Gurun be Ujire Genggiyen Han" (Phúc Dục Biệt Quốc Anh Minh Hãn), nên sau này con cháu ông ta xưng hiệu bằng chữ Hán là "Phúc Dục Biệt Quốc Anh Minh Hoàng Đế". Sau đó, quân Kim đánh chiếm các nơi ở Quan Đông, thế như chẻ tre, các tướng Minh kẻ chết kẻ hàng; đến cuối năm 1618, quân Kim đã áp sát Sơn Hải Quan. Đầu năm 1619, Minh triều huy động 14 vạn liên quân Hán - Mông Cổ - Nữ Chân - Triều Tiên, nói phao lên thành 47 vạn, chia làm bốn đường chinh phạt Kim quốc. Nurhaci huy động toàn lực Bát Kỳ Quân được 6 vạn, với ưu thế kỵ binh cơ động đã lần lượt tiêu diệt từng cánh quân Minh. Chỉ trong 6 ngày, 6 vạn quân Kim đã đánh tan 14 vạn liên quân. Thừa thắng xông lên, quân Kim đã chiếm lĩnh hoàn toàn các vùng đất phía đông Liêu Hà, xâm nhiễu các vùng đất ở phía tây và thỉnh thoảng còn xuất hiện bên ngoài Sơn Hải Quan. Năm 1621, Nurhaci dời đô về Liêu Dương; sau đó đến năm 1625 lại dời đô về Thẩm Dương, đổi thành "Thịnh Kinh". Năm sau, ông ta lại dẫn 13 vạn kỵ binh tấn công Sơn Hải Quan, nhưng đến Ninh Viễn thì bị Viên Sùng Hoán đánh bại. Quân Kim thua to, phải chạy về Thịnh Kinh, đến mùa thu thì qua đời. Nhiều sử sách của người Hán cho rằng cái chết của Nurhaci là do bị thương bởi đại pháo của châu Âu mà Viên Sùng Hoán trang bị cho thành Ninh Viễn. Tuy nhiên, căn cứ theo hành trạng của ông ta sau thất bại ở Ninh Viễn đã chuyển hướng chinh phục Mông Cổ vào ba tháng sau đó, các học giả hiện đại đồng ý nguyên nhân cái chết của ông ta là do lao lực quá độ, cộng với nỗi uất ức thua trận trước một tướng lĩnh vô danh, cùng với tuổi già (68 tuổi) và thương thế.

    Do không lập Thái tử, các vị Hosoi Beile (Hòa Thạc Bối Lặc) đã tranh chấp quyết liệt để giành ngôi báu. Sau một phen cốt nhục tương tàn, Bát A Ca là Heihai (đến thời Càn Long mới Hán hóa thành "Hoàng Thái Cực") bằng các thủ pháp thỏa hiệp đã được các quý tộc Nữ Chân ủng hộ lên ngôi kế vị (Kim quốc gần như là liên minh của các bộ lạc Nữ Chân, gia tộc của Nurhaci chỉ trực tiếp quản lý 3 kỳ trong số "Bát Kỳ", nên sự ủng hộ của các quý tộc rất quan trọng). Lúc này, Đại Hãn của Kim quốc chính là Heihai, hãn hiệu Abkai Sure Han (Thiên Thông Hãn).

    Sự kiện tranh ngôi, cốt nhục tương tàn này chỉ mới diễn ra cách nay 5 năm, nên vấn đề Quốc Bản mới được chú trọng như thế. Nghe Narumi nói vậy, không chỉ Hideaki Mitsuo mà những người xung quanh đều rất phấn khởi, lớn tiếng tung hô :

    - Hoàng Thượng anh minh !

    Giữa lúc đó, chợt có viên Cận thị hối hả đến tìm Narumi, bẩm báo :

    - Hoàng Thượng. Trung Tướng Nishi no Heiji cấp báo. Thương thuyền của chúng ta đến Triều Tiên bị người Triều Tiên khấu áp, nhận hàng mà không trả tiền, lại còn yêu cầu chúng ta tăng hạn ngạch lên gấp ba lần.

    Narumi khẽ cau mày, suy tính một hồi, rồi chợt ánh mắt sáng lên. Cậu vừa nghĩ ra một kế hoạch mới, nên quay sang bảo viên Cận thị :

    - Truyền các đại thần sáng mai đến Tuyên Uy Điện nghị sự.

    ...


    Tin tức từ Viện Khoa Học Hoàng Gia truyền đi nhanh chóng. Nghe được dự tính tuyển Công Chúa Minh quốc làm Hoàng Hậu của Narumi, bách quan đều rất phấn khởi. Ngay từ sáng sớm các vị Quân Chính Đại thần đã tập hợp đông đủ ở Tuyên Uy Điện, một trong những 'Nghị Sự Điện' quan trọng của triều đình Hokkai-Teikoku.

    Không giống ở Đế Quốc Minh, khi các Hoàng Đế "cố tỏ ra cần chính", các quan phải dự triều hội từ rất sớm, triều hội ở Otobedate bắt đầu từ 8 giờ sáng (chính Thìn, giữa giờ Thìn), các công sở cũng vậy.

    Ở Hokkai-Teikoku cũng có Nội Các, nhưng không có Thủ Phụ, mà chỉ có Nội Các Đại Thần, gồm Tam Công Cửu Khanh là 12 vị Bộ trưởng của các bộ Nội Vụ, Ngoại Vụ, Tài Vụ; Văn Hóa, Giáo Dục, Y Tế, Khoa Học, Công Thương, Nông Nghiệp, Xây Dựng, Giao Thông, Xã Hội. Ba bộ đầu tiên có Bộ trưởng hàm Chính Nhất Phẩm, gọi là Tam Công; chín bộ sau có Bộ trưởng hàm Tùng Nhất Phẩm, gọi là Cửu Khanh. Tất cả đều chịu trách nhiệm trực tiếp với Hoàng Đế. Quân đội là hệ thống riêng, không thuộc Nội Các ("Quân chính phân ly"), có các vị Quân Vụ Đại Thần. Đương nhiên, khi triều hội thì các vị Quân Chính Đại Thần đều có mặt đông đủ.

    Hoàng Đế an vị, các quan triều bái, rồi phân ngôi thứ ngồi phía dưới. Triều hội ở đây theo phong cách truyền thống Nhật Bản, các quan ngồi thành các hàng ngang phía dưới, đối diện với Hoàng Đế ở phía trên (trong Bình Định Hội ở các phiên, các Gia Lão ngồi đối diện với Gia Đốc), không giống với ở Trung Hoa khi mà các quan đứng thành hai hàng dọc phía bên dưới, không nhìn về phía Hoàng Đế.

    Khởi đầu, Nội Vụ Đại Thần Nakamura no Yoshida (tức lão Tổng quản Nakamura) cung kính nói :

    - Hoàng Thượng. Không biết các vị Công Chúa Minh quốc có ai hợp ý Hoàng Thượng ? Chúng thần cần biết để chuẩn bị ạ ?

    Các quan đều nhận đồng ý tưởng cưới Công Chúa Minh quốc. Dù sao thì Đế Quốc Minh cũng là đại quốc, môn đương hộ đối. Lục quân Đại Thần, Trung Tướng Nishi no Tanaka đề nghị :

    - Hoàng Thượng. Chúng ta chọn Đại Trưởng Công Chúa đi. Khi đó Minh Đế phải gọi Hoàng Thượng là dượng đó. Hoàng Thượng là trưởng bối, Minh Đế là tiểu bối, ha ha ha ...

    Narumi mỉm cười bảo :

    - Trẫm còn chờ báo cáo của Heiji về tính cách của từng người, sau đó mới chọn người thích hợp. Hôn nhân đại sự, không thể tùy tiện.

    Trung Tướng Nishi no Heiji, Viện Trưởng Viện An Ninh Hoàng Gia, vội đứng dậy nói :

    - Hoàng Thượng. Những chuyện trong Hoàng Tộc Minh quốc chủ yếu là lời đồn, rất khó xác minh tin tức đó ạ !

    Narumi bảo :

    - Không sao ! Chỉ cần có trước mùa thu sang năm là được rồi. Cũng không cần quá chi tiết.

    Nishi no Heiji vâng dạ ngồi xuống. Lão Nakamura cười hể hả nói :

    - Bọn họ có truyền thống cho Công Chúa hòa thân với các lân bang để đổi lấy hòa bình. Chỉ cần chúng ta vận tác đắc lực, đại sự tất thành.

    - Dạ dạ. Chiêu Quân Cống Hồ chứ gì ? Cái này con biết !

    - Chiêu Quân là Phi Tần, không phải Công Chúa.

    - Như thế càng nhục nhã hơn !

    Nghe mọi người bàn tán càng lúc càng đi xa, lão Nakamura vội hắng giọng một tiếng, ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi mới nói :

    - Hoàng Thượng. Chúng ta có cần phái sứ thần sang Minh quốc không ạ ? Chúng ta và bọn họ không có quan hệ bang giao.

    Ngoại Vụ Đại Thần Oushima no Tarou nói :

    - Hoàng Thượng. Hiện chúng ta chỉ có quan hệ không chính thức với Triều Tiên và Kim quốc, chủ yếu là để giao thương. Nữ Chân chư bộ rất thích đặc sản của chúng ta. Nam Dương chư đảo là thuộc địa của người Tây Dương, mới thiết lập quan hệ thương mại trong chuyến giao thương mùa thu vừa rồi. Với Minh quốc hoàn toàn không có quan hệ bang giao.

    Narumi bảo :

    - Chúng ta chủ động phái sứ thần sang Minh quốc là nhường quyền chủ động cho bọn họ, không tốt. Hiện tại chúng ta có cơ hội tốt để phô trương lực lượng, uy hiếp bọn họ.

    - Sao ạ ?

    - Heiji vừa nhận được tin thương thuyền của chúng ta bị người Triều Tiên khấu áp hàng hóa, không chịu trả tiền, thậm chí còn yêu cầu tăng hạn ngạch lên gấp ba lần.

    Mọi người nghe xong đều rất phẫn nộ. Tổn thất tiền bạc là chuyện nhỏ, chủ yếu là thể diện. Người Triều Tiên đã chứng tỏ bọn họ không xem triều đình Hokkai-Teikoku ra gì. Tanaka lớn tiếng nói :

    - Hoàng Thượng. Chúng ta chinh phạt Triều Tiên đi ạ. Con xin làm Tiền Vệ Tướng.

    Theo quân chế truyền thống Nhật Bản, Nguyên Soái được gọi là Sou Taishou (総大将, そうたいしょう, Tổng Đại Tướng), tướng Tiên Phong gọi là Zenei Shou (前衛将, ぜんえいしょう, Tiền Vệ Tướng). Quân đội Hokkai-Teikoku vẫn giữ truyền thống đó. Các tướng lĩnh chủ chốt của quân đội Hokkai-Teikoku đa số là những dân binh đầu tiên của thời kỳ Nishi; bọn họ có thói quen xưng "con" khi nói chuyện với Narumi để tỏ ra thân mật, cũng như để chứng tỏ thân phận với những người theo về sau này. Tất cả đều lấy họ là Nishi, như Nishi no Tanaka, Nishi no Heiji, Nishi no Tatsuo, ... Narumi mỉm cười bảo :

    - Đương nhiên chúng ta không thể bỏ qua. Trẫm đã có phương án mới. Chúng ta sẽ lấy cớ đó chinh phạt Triều Tiên. Chỉ cần quân ta có uy thế áp đảo, người Triều Tiên tất phải cầu viện Minh quốc. Giống như cuộc chiến tranh của Toyotomi Hideyoshi vậy đó. Khi chúng ta đánh bại quân Minh, bắt được nhiều tù binh, bọn họ buộc phải cử sứ thần sang đây. Đó là lúc đàm điều kiện tốt nhất.

    Lão Nakamura cau mày nói :

    - Hoàng Thượng. Toyotomi Hideyoshi đánh Triều Tiên hai lần đều thất bại đó ạ. Triều Tiên là một khúc xương khó nuốt.

    Hai cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên của Toyotomi Hideyoshi chỉ mới diễn ra cách nay hơn 30 năm, nên nhiều người vẫn không quên.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    江懷玉

  8. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,
  9. #70
    Ngày tham gia
    Jan 2008
    Bài viết
    1,251
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 12 : CHIẾN TRANH TÁI KHỞI

    Lại nói, mọi người không quên thất bại trong chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên của Toyotomi Hideyoshi hơn 30 năm trước, nhưng Narumi có phương án khác, người sau cần học hỏi kinh nghiệm của tiền nhân, thất bại là mẹ thành công kia mà ! Cậu mỉm cười hỏi :

    - Quân đội Triều Tiên thế nào ?

    Lão Nakamura nói :

    - Dạ. Hải quân mạnh, trong khi lục quân chẳng ra gì.

    Những người khác cũng đều gật đầu tán đồng. Quả thật là thế ! Chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên lần thứ nhất (1592 - 1593), phía Nhật Bản có 235.000 quân thủy bộ, 300 tàu chiến và 700 tàu vận tải; phía Triều Tiên có 84.500 quân triều đình, khoảng 30.000 dân quân, 300 tàu chiến, viện binh Minh quốc có khoảng 45.000 quân. Chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên lần thứ hai (1597 - 1598), phía Nhật Bản có 220.000 quân thủy bộ, 1.000 tàu các loại; phía Triều Tiên có 30.000 quân, viện binh Minh quốc có 75.000 quân. Quân Nhật Bản thắng như chẻ tre, ngày 23/5/1592 rời đảo Tsushima (Đối Mã) thì đến ngày 10/6/1592 là đã chiếm được Seoul (Hán Thành, kinh đô), và sau bốn tháng đã đánh đến gần Mãn Châu. Trừ đạo Jeolla (Toàn La), toàn lãnh thổ Triều Tiên đã thất thủ nhanh chóng. Nhưng sau đó Đô Đốc Lý Thuấn Thần đã đánh bại hải quân Nhật Bản, cắt đứt đường vận lương và quân Nhật Bản thất bại. Đương nhiên Narumi không định đi theo vết xe đổ đó. Cậu từ tốn nói :

    - Lần này chúng ta không đi đường biển, đánh từ phía nam lên, mà đi đường bộ, đánh từ phía bắc xuống. Heiji đã phái người điều tra, phát hiện quân Triều Tiên tập trung phòng thủ ở phía nam, còn phía bắc tương đối trễ nãi, nhất là khu vực đông bắc giáp với địa bàn của người Đông Hải Nữ Chân.

    Đông Hải Nữ Chân là một trong ba nhóm sắc tộc Nữ Chân lớn gồm Kiến Châu Nữ Chân (Mãn Thanh), Hải Tây Nữ Chân và Đông Hải Nữ Chân. Do điều kiện lạc hậu, người Đông Hải Nữ Chân còn bị người Kiến Châu Nữ Chân kỳ thị, gọi là Dã Nhân Nữ Chân. Trong khi người Hải Tây Nữ Chân bị Kiến Châu Nữ Chân chinh phục và dung hợp vào Mãn tộc, thì "Dã Nhân Nữ Chân" chỉ thần phục trên danh nghĩa, không nhận mình là người Mãn tộc, sau dần phát triển thành các dân tộc Nanai, Evenks, Negidals, Oroqen, Nivkh. Người Đông Hải Nữ Chân không có các thế lực lớn, chỉ có những tiểu bộ lạc, hồi mấy năm trước phía Kiến Châu Nữ Chân chỉ phái 1.000 kỵ binh đã chinh phục được địa bàn của người Đông Hải Nữ Chân. Biên giới giữa Triều Tiên và Mãn Châu là sông Tumen (Đồ Môn), bắt đầu từ Thiên Trì trên dãy Trường Bạch Sơn (cũng là nguồn của sông Áp Lục), chảy ra phía đông đến biển Nhật Bản. Để xúc tiến việc giao thương với các bộ lạc Nữ Chân và người Triều Tiên, Narumi có cho xây dựng một thành phố trên bờ bắc vùng cửa sông Tumen, cũng lấy tên là Tumen. Sau hơn một năm phát triển, thành phố ngày càng phồn vinh, dân số đã lên đến hơn vạn, với một đại đội quân chính quy và hai trung đoàn dân binh thủ vệ. Từ đây, ảnh hưởng của Hokkai-Teikoku mở rộng dần đến miền bắc bán đảo Triều Tiên và các bộ lạc Nữ Chân, thậm chí một số người Hán ở Liêu Tây và thổ dân Trường Bạch Sơn cũng theo dòng Tumen đến đây mua bán.

    Nghe nói sẽ đánh bằng đường bộ, dùng thành phố Tumen làm hậu phương, mọi người đều rất tự tin. Thật sự mà nói, người Nhật là một dân tộc thượng vũ, dũng cảm thiện chiến. Người Hán sợ chiến tranh (nên mới có "trọng văn khinh vũ"), còn người Nhật thì không. Chỉ có điều, mọi người lại có mối quan tâm khác :

    - Hoàng Thượng. Khi nào thì chúng ta chinh phạt Triều Tiên ?

    Narumi bảo :

    - Sau kỳ xuân canh kết thúc.

    Điều đó là bình thường. Thời kỳ này nông nghiệp vô cùng quan trọng. Các tướng lĩnh lại nhao nhao xin làm Tiền Vệ Tướng. Sĩ khí khả dụng a ! Narumi rất hài lòng. Cậu khẽ vỗ án, bảo :

    - Thôi được rồi. Đến lúc đó sẽ hay. Trẫm sẽ xem biểu hiện của mỗi người rồi mới quyết định.

    Do có dự tính mở mang bờ cõi về phía tây (nhiệm vụ chính tuyến, nhiệm vụ thế giới), Narumi quyết định giải quyết an toàn ở hậu phương trước. Thành phố Tumen sẽ là đại bản doanh của quân viễn chinh. Phía tây bắc Tumen là địa bàn của người Đông Hải Nữ Chân, còn phía đông bắc là địa bàn của các bộ lạc Ainu phương bắc, đều là những nơi cần giải quyết. Sau khi chiếm được Edo, Narumi đã tổ chức một đạo kỵ binh ba vạn người (gồm cả 'kỵ mã bộ binh' sử dụng súng trường), thành lập Tập đoàn quân viễn chinh phương bắc. Theo quan điểm của Narumi, người Ainu là lương dân, có thể cho quy hóa (quy thuận và đồng hóa); còn người Nữ Chân là bạo dân, cần chinh phạt. Thật ra Narumi ghét nhất là 'thử vĩ biện', không muốn nhìn thấy những cái 'đuôi chuột' trong nước.

    Cũng cần phải nói thêm, kiểu tóc đuôi sam trong các phim Mãn Thanh chỉ cạo trọc nửa đầu, nửa sau tết thành đuôi sam chỉ xuất hiện vào thời kỳ Thanh Mạt (bắt đầu khi Bắc Kinh bị quân Anh chiếm đóng, Viên Minh Viên bị thiêu hủy, Hàm Phong Đế phải bỏ kinh thành chạy về phía bắc, các cường quốc phương Tây dần dần biến Thanh quốc thành một nước bán thuộc địa; ngoài những tô giới, nhượng địa, ngay cả hải quan và thuế xuất nhập khẩu cũng do Anh quốc phụ trách). Kiểu tóc truyền thống chân chính của Mãn Thanh được gọi là "Kim tiền thử vĩ biện", tức là cạo trọc toàn bộ đầu tóc, chỉ để lại một chỏm tóc nhỏ hình tròn trên đỉnh đầu, hình dạng giống đồng tiền ("kim tiền"), sau đó tết thành đuôi sam nhỏ nhìn giống như đuôi chuột ("thử vĩ biện"). Thời Thanh Sơ (Càn Long về trước; thời kỳ phát triển mạnh mẽ) đều như vậy. Đến giai đoạn giữa (Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong; thời kỳ suy yếu), chỏm tóc trên đỉnh đầu lớn hơn một chút, đuôi sam cũng dài hơn một chút, trở thành "Kim tiền trư vĩ". Đến thời Thanh Mạt (Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống), Mãn Thanh gần mất nước, luật lệ không còn nghiêm khắc như trước nữa, những người thích làm đẹp mới tạo ra kiểu tóc cạo nửa đầu như trong phim ảnh thường thấy, không phải truyền thống.


    Thử tưởng tượng xem, vua Càn Long và các vị A Ca cùng người yêu ôm ấp tình tứ, lời tỏ tình ngọt như mật, yêu đương chết đi sống lại, ... trong khi đầu đều trọc lóc. Sao có vẻ quái quái ! Thiện tai, thiện tai !

    Tóm lại, chính sách với người Ainu là ôn hòa, còn chính sách với người Nữ Chân là cứng rắn. Narumi có kể hoạch xử lý riêng đối với người Nữ Chân. Theo nguyên bản lịch sử, bọn họ là nhân tố thích hợp để làm giảm dân số của Minh quốc. Narumi muốn rằng trong đế quốc của cậu người Hokkai phải chiếm đa số. Ở đây, phân biệt người Hokkai không phải dựa vào huyết thống mà dựa vào văn hóa và ngôn ngữ. Chỉ cần nói tiếng Hokkai, chấp nhận văn hóa Hokkai, đều sẽ là người Hokkai. Đây là chính sách của người Đức đồng hóa các dân tộc xung quanh. Nước Prusia (Phổ) nhờ chính sách này mà trở nên hùng mạnh (dân số tăng, tổng hợp quốc lực tăng).

    Narumi lại bảo :

    - Heiji. Báo cáo tình hình các bộ lạc phương bắc.

    Nishi no Heiji đứng dậy nói :

    - Hoàng Thượng. Chư vị đại nhân. Nhờ sự hỗ trợ của bắc phương chư bộ, công cuộc bắc chinh dã tiến triển rất tốt, những kẻ ngoan cố đều đã bị tiêu diệt.

    Hồi mấy trăm năm trước, sau khi đánh bại quân xâm lược Mông Cổ, các bộ lạc Ainu phương bắc đã phát triển ổn định đến ngày nay. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thức ăn thiếu thốn, đời sống khó khăn, các bộ lạc ở đây thường không lớn, đa số chỉ vài trăm người, nếu đông đến vài nghìn đã là đại bộ lạc, quá vạn rất hiếm, là bá chủ một vùng. Do được các bộ lạc Ainu phương nam thần phục, nhiều người Ainu còn trở thành tướng lĩnh, nên Narumi có danh vọng không nhỏ trong cộng đồng người Ainu. Sau một thời gian giao thương, quan hệ giữa các tiểu bộ lạc với triều đình Hokkai-Teikoku khá tốt, một số tiểu bộ lạc còn di chuyển về phía bờ biển, thần phục triều đình, được thừa nhận là Hokkaijin giống như người Ainu phương nam. Nhờ đó, công cuộc chinh phục diễn ra rất thuận lợi. Đối với các tiểu bộ lạc mà nói, thần phục triều đình Hokkai-Teikoku còn có lợi hơn thần phục các đại bộ lạc, do đó đã hăng hái dẫn đường, cố gắng lập công.

    Nishi no Heiji lấy ra một quyển sổ nhỏ, vừa xem vừa nói :

    - Hoàng Thượng. Bắc phương chư bộ có hơn 60 vạn người, tổn thất trong chiến tranh không quá vạn. Hiện có 416 bộ lạc với khoảng 20 vạn người xin thần phục; có hơn 40 vạn người quy hóa. Khi cần chúng ta có thể triệu tập 11 vạn kỵ binh. Ngoài ra, còn có hơn 15 vạn chiến mã, 40 vạn đà mã (ngựa thồ), hơn 100 vạn bò, dê, cừu đã được chuyển giao cho Nội Các.

    Nông Nghiệp Đại Thần Nishi no Hidenori nói thêm :

    - Hoàng Thượng. Nội Các đã thành lập nhiều Mã Trường nuôi chiến mã, Mục Trường nuôi sinh súc và phái Mục dân nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Hiện tại tổng số chiến mã do triều đình quản lý đã lên đến hơn 20 vạn con. Đa số chiến mã có tình trạng tốt, khi cần có thể sử dụng ngay.

    Narumi hài lòng bảo :

    - Mọi người lo thao luyện binh mã, chuẩn bị lương thảo, vật tư, sang năm sẽ dùng đến.

    - Dạ !

    - Trẫm hy vọng sang năm chúng ta có thể huy động tối thiểu 20 vạn kỵ binh. Không có toàn kỵ binh thì dùng kỵ mã bộ binh cũng được.

    Đế Quốc chỉ có một lực lượng trọng kỵ binh nhỏ nằm trong Ngự Lâm Quân, còn lại đều là 'Khinh kỵ binh'. Yêu cầu tối thiểu của 'Khinh kỵ binh' là có thể 'kỵ xạ', tức là vừa phi ngựa vừa bắn cung (hay bắn súng). Còn 'kỵ mã bộ binh' là có thể cưỡi ngựa, nhưng mỗi khi muốn bắn cung thì phải dừng lại nhắm bắn. Bởi vì khu vực Tumen giáp với Đế Quốc Kim, Narumi muốn có một lực lượng kỵ binh lớn để đủ sức uy hiếp, ngăn bọn họ tham gia vào chiến tranh. Mục tiêu của bọn họ nên là vùng Quan Nội.

    Narumi lại quay sang Hải Quân Đại Thần, Đô Đốc Nishi no Kirimaru, hỏi :

    - Hải quản có thể điều động bao nhiêu chiến hạm.

    Kirimaru cả mừng nói ngay :

    - Hoàng Thượng. Trừ những chiến hạm có nhiệm vụ tuần hàng, chúng ta có thể điều động 12 Khu trục hạm lớp Toukaido, 16 Hộ vệ hạm, 118 Tuần duyên hạm và Hải phòng hạm các loại.

    Theo quân chế của Hải Quân Hokkai-Teikoku, Khu trục hạm là những chiến hạm có trọng lượng rẽ nước trên 1.000 tấn, trang bị nhiều khẩu đại pháo được đặt trên giá đỡ có thể xoay được. Thế hệ Khu trục hạm đầu tiên là những chiến hạm được đóng thử khi còn ở Ezo, gọi là lớp Tousando, do thiếu gỗ nguyên liệu, phải dùng gỗ hun nóng nên tuổi thọ sử dụng không cao. Sau cuộc chiến tranh Hokkai - Nippon lần thứ nhất (1630), lấy gỗ từ các tàu Atakebune chiến lợi phẩm làm nguyên liệu, Narumi đã cho đóng thế hệ Khu trục hạm thứ hai, gọi là lớp Toukaido, có nhiều điểm cải tiến so với lớp Tousando. Hộ vệ hạm là những chiến hạm có trọng lượng rẽ nước từ 500 tấn đến 1.000 tấn. Tuần duyên hạm và Hải phòng hạm đều có trọng lượng rẽ nước dưới 500 tấn, nhưng Tuần duyên hạm trọng về tấn công, trong khi Hải phòng hạm trọng về phòng thủ. Đa số Tuần duyên hạm và Hải phòng hạm là những tàu thuyền chiến lợi phẩm được sửa chữa cải tiến lại cho phù hợp với phong cách chiến đấu của Hải quân Hokkai-Teikoku. Ngoài ra còn có Trinh phiên hạm (tàu trinh sát), là những tàu nhỏ dưới 100 tấn, thân dài, tốc độ cao, dùng để trinh sát và thông tin.

    Trầm ngâm giây lát, Narumi ra lệnh :

    - Hải quân điều động 8 Khu trục hạm, 16 Hộ vệ hạm, 80 Tuần duyên hạm và Hải phòng hạm, 4 Trinh phiên hạm; thành lập hai Hạm đội, chia nhau tấn công vùng duyên hải Triều Tiên, chủ yếu tiêu diệt các tàu thuyền, phá hủy các hải cảng và xưởng đóng tàu của giặc, thừa cơ lược đoạt nhân khẩu, vật tư. Cho đến cuối mùa xuân sang năm, trẫm muốn có ít nhất một vạn dân Triều Tiên quy hóa. Quân ta cần hướng đạo và phiên dịch.

    Kirimaru vội nói :

    - Dạ. Chúng con sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng việc quy hóa phải nhờ đến Nội Các mới được.

    Lão Nakamura nói :

    - Hoàng thượng. Thần thấy để bọn họ tự nguyện quy hóa sẽ tốt hơn là cưỡng ép.

    - Ân ?

    - Dạ. Khi Hải quân giao người, bọn thần sẽ cho bọn họ làm lao dịch, đồng thời phái người dạy tiếng Hokkai. Chúng ta sẽ giao hẹn : khi nào bọn họ nói được tiếng Hokkai, chấp nhận văn hóa Hokkai, chúng ta sẽ thừa nhận bọn họ là người Hokkai, sẽ được trả tự do, miễn đi thân phận lao dịch. Nếu gia đình có người tham quân sẽ còn được cấp đất, cấp nhà.

    Heiji lại nói thêm :

    - Tiện dân ở Triều Tiên có mâu thuẫn rất lớn với đám quý tộc ở đó, là những đối tượng có thể ưu tiên. Trong cuộc chiến tranh của Toyotomi Hideyoshi, rất nhiều tiện dân đã phản lại triều đình Triều Tiên, thậm chí bọn họ còn thiêu hủy kinh đô, nhân tiện thiêu hủy nô tịch.

    - Bọn họ có đông không ?

    - Dạ. Thông thường ở Triều Tiên có khoảng 40% dân số là Tiện dân. Nhưng sau hai cuộc chiến tranh với Toyotomi Hideyoshi, số tiện dân đã tăng lên đáng kể, hiện chiếm đến gần 60% dân số, hơn 800 vạn người.

    Xã hội Triều Tiên thời bấy giờ có sự phân chia giai cấp rất nghiêm ngặt. Người dân được chia thành 4 giai cấp : Quý tộc Lưỡng ban, Trung nhân, Bình dân, Tiện dân (gần giống xã hội Ấn Độ, cũng có 4 giai cấp : Bà La Môn, Quý tộc, Bình dân, Tiện dân). Triều đình thực hành Luật Tòng Mẫu, tức đứa con sinh ra sẽ thuộc giai cấp của người mẹ (mẹ là nô tỳ thì con cũng thuộc nô tịch). Tiện dân là nô lệ, gồm nông nô và gia nô, có tính cha truyền con nối, bị xem là vật thừa kế như tài sản cá nhân, có thể mua bán, tặng cho. Sau những vụ mùa thất bát, nhiều Bình dân đã tự nguyện làm nô lệ để sinh nhai.

    Heiji lại nói :

    - Triều đình Triều Tiên còn có luật lệ : khi có chiến tranh, toàn bộ dân chúng trong vùng phải đến tập hợp ở các thành trì để tham gia phòng thủ, những ai không đến sẽ bị xem là theo giặc. Thành trì của bọn họ gần giống người Nhật, phần lớn là Sơn thành, bình thường dân chúng không sống trong thành. Trong cuộc chiến tranh với Toyotomi Hideyoshi trước đây, do quân Nhật thắng như chẻ tre, tiến quân quá thần tốc, nên nhiều người dân đã không kịp đến thành trì. Sau khi chiến tranh kết thúc, lớp Quý tộc Lưỡng ban đã dựa vào luật lệ biến những người không đến thành trì thành Tiện dân rồi chia nhau.

    Chính vì lý do đó mà số Tiện dân đã tăng lên đáng kể. Mâu thuẫn giai cấp cũng tăng cao. Lão Nakamura gật đầu nói :

    - Đó là điều có thể lợi dụng. Trước đây bọn họ có thể theo Toyotomi Hideyoshi thì hiện giờ cũng có thể theo chúng ta, đặc biệt là khi bọn họ còn có cơ hội đổi đời.

    Narumi rất hài lòng vì hiện giờ mọi người đã có thể "xuất mưu hoa sách", không giống như thuở ban đầu, không ai có kinh nghiệm trị nước trị quân. Thể chế triều đình ngày càng hoàn thiện, cậu không cần phải bận rộn chính sự như trước kia nữa, có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, phát triển.

    ...


    De Rijp là một tàu buôn vũ trang của Nederland, do thuyền trưởng Jan chỉ huy. De Rijp là một thị trấn phồn vinh trên một hòn đảo cùng tên, nổi tiếng với nghề đánh bắt cá trích. Nó cũng là một thương cảng với nhiều tàu buôn quốc tế, đặc biệt là các tàu đi viễn đông. Con tàu này được đóng ở De Rijp nên đã lấy tên quê hương đặt cho nó. Tuyến thương mại chính của tàu De Rijp là De Rijp (Nederland) - Batavia (nay là Jakarta) - Canton (Quảng Châu) - Nagasaki (Nhật Bản). Ở Nagasaki có một thương quán của người Nederland. Còn Batavia là thủ phủ của Lãnh thổ Dutch East Indies do Công ty Dutch East Indies quản lý. Thuyền trưởng Jan là con trai của viên Thống Đốc truyền kỳ Jan Pieterszoon Coen (1587 - 1629), người đã xâm chiếm đảo Java từ Vương quốc Hồi giáo Banten vào năm 1619. Sau khi đánh bại liên quân England - Banten, phá hủy các cứ điểm của người England trên đảo, xây dựng thành phố Batavia, củng cố địa vị của người Nederland trong khu vực, Jan Pieterszoon Coen đã được người Nederland xem như một anh hùng. Thuyền trưởng Jan đã kế thừa tước vị và sự nghiệp của cha, tiếp tục hoạt động ở Viễn Đông, tuy nhiên do còn trẻ nên chức vụ không cao, chỉ là thuyền trưởng của một tàu buôn vũ trang.

    Thuyền trưởng Jan đứng trên boong tàu, tay cầm hải đồ, nhìn quanh một hồi lâu, rồi gọi lớn :

    - Shindaichi. Mau ra đây xem thử, có phải chúng ta đã đến eo biển Tsushima hay không ?

    Nếu như hải đồ không sai biệt nhiều thì nơi đây đã là eo biển Tsushima, tuy nhiên, thuyền trưởng Jan vẫn gọi Shindaichi đến xác nhận cho chắc chắn. Shindaichi là một thủy thủ bản địa mới được chiêu mộ ở Nagasaki thông qua Thương quán Nederland ở đấy, vừa có nhiều kinh nghiệm đi biển vừa có thể nói được tiếng Nederland. Vì lần đầu đến vùng "biển nội địa Hokkai", thuyền trưởng Jan đã phải chiêu mộ hoa tiêu người bản địa để dẫn đường. Nhờ bản tính cẩn thận đó mà các chuyến hải trình của thuyền trưởng Jan đều thành công.

    Theo hành trình, lẽ ra tàu De Rijp chỉ đến Nagasaki rồi quay về, nhưng khi cặp cảng Batavia, linh mục Linschoten đã đến gặp thuyền trưởng Jan nhờ đưa ông ấy đến Đế Quốc Hokkai. Linh mục Linschoten là bạn của Ngài Thống Đốc truyền kỳ quá cố, nên thuyền trưởng Jan không tiện từ chối, hơn nữa, ông linh mục đã giới thiệu cho thuyền trưởng Jan những món đặc sản của Đế Quốc Hokkai vừa xuất hiện ở Batavia. Nhận thấy những món hàng mới này sẽ rất được ưa chuộng ở châu Âu, sẽ có nhiều lợi nhuận hơn các đặc sản của Đế Quốc Minh, nên thuyền trưởng Jan quyết định đến Hokkai.

    Nghe thuyền trưởng gọi, Shindaichi đang tụ tập cùng các thủy thủ khác nói chuyện phiếm, lộ vẻ miễn cưỡng đi ra boong tàu. Anh ta nhìn quanh một lượt, rồi lớn tiếng nói :

    - Đúng đó thuyền trưởng. Nơi đây chính là eo biển Tsushima. Đi thêm một lúc nữa là đến đảo Tsushima. Đó là tiền đồn của người Hokkai. Chúng ta phải đến đó làm thủ tục nhập cảnh.

    Thuyền trưởng Jan đến làm ăn buôn bán với người Hokkai, nên không có ý định phi pháp nhập cảnh, ra lệnh cho tàu đi thẳng đến đảo Tsushima. Hành trình rất thuận lợi, không phát sinh ý ngoại gì, nhưng khi đến Cục Hải Quan làm thủ tục thì quan chức ở đó bảo :

    - Vùng biển phía tây của Bắc Hải đang trong tình trạng chiến tranh, triều đình đã ra lệnh nghiêm cấm tàu thuyền qua lại.

    - Như vậy ...

    Thuyền trưởng Jan sửng sốt, thầm nghĩ chuyến đi này chẳng lẽ vô ích hay sao ? Nào ngờ viên quan kia lại bảo :

    - Trung Tâm Thương Mại Naniwa đã khai trương. Các vị có thể đến đó giao dịch.

    - Naniwa ở đâu ạ ?

    - Từ đây các vị chuyển hướng về phía nam, qua eo biển Kanmon, đi vào biển nội địa Seto. Naniwa nằm ở bờ đông nam của biển Seto.

    Naniwa (sau này là Osaka) là một cảng quan trọng của Đế Quốc Hokkai ở miền nam, vốn là cựu lĩnh của gia tộc Fujiwara, hiện tiếp giáp với Nippon (của nhà Tokugawa) và Nankai (ở Shikoku), có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế. Narumi đã cho phát triển hai thị trường ngoại thương lớn là Naniwa ở phía nam và Tumen ở phía bắc. Dù sao thì cũng không có mục đích cụ thể, thuyền trưởng Jan quyết định nghe theo đề nghị trên, đi đến Naniwa. Linh mục Linschoten cũng đồng ý như thế. Bọn họ sẽ qua đêm ở đây, ngày mai tiếp tục lên đường. Ngài linh mục đến tạm trú ở Thần Điện trên đảo và giao lưu với vị linh mục địa phương. Nhà thờ ở châu Âu thường gọi là Thánh Đường (Vương Cung Thánh Đường), còn nhà thờ ở Hokkai-Teikoku gọi là Thần Điện, bởi người châu Âu thờ các Thánh, còn người Hokkai thờ Thần. Trong khi đó, thuyền trưởng Jan và các thủy thủ nghỉ lại ở trên tàu. Đương nhiên, sau những ngày dài lênh đênh trên biển, bọn họ tận dụng cơ hội để ăn uống no say.

    Đến gần tối, khi đang ăn uống say sưa, mọi người đột nhiên nghe tiếng tù và vang vọng, rồi sau đó cả bến cảng náo nhiệt hẳn lên. Shindaichi tự động đi hỏi thăm, sau đó chạy về nói :

    - Đệ Tam Hạm Đội sắp về cảng.

    Thuyền trưởng Jan hỏi :

    - Nghe nói bọn họ phát động chiến tranh vì người Triều Tiên xúc phạm bọn họ ?

    Shindaichi nói :

    - Trong chuyến giao thương định kỳ mùa thu vừa rồi, người Triều Tiên lấy hàng hóa, đã không chịu trả tiền mà còn đòi tăng hạn ngạch giao dịch lên gấp ba lần. Hoàng Đế Fujiwara tức giận phái quân đi đánh trừng phạt. Tsushima là căn cứ của hai hạm đội Đệ Nhị và Đệ Tam, chia nhau đi tấn công các vùng duyên hải của đối phương.

    Mọi người nghe nói đều phê phán người Triều Tiên làm ăn gian dối. Đối với những người theo nghề thương mại như bọn họ mà nói, mua hàng không trả tiền là điều không thể chấp nhận được. Đó là nguyên tắc, không liên quan đến cảm tính. Mọi người bàn tán một lúc thì thấy Hạm đội nhập cảng. Ai nấy đều sửng sốt, không thể nói nên lời, khi nhìn thấy những chiến hạm "khổng lồ" đang tiến vào cảng. Những chiến hạm lớn nhất dài gần 80 mét, rộng hơn 10 mét, cao hơn 5 mét, với hai hàng đại pháo trông rất "khủng bố".

    Thủy thủ trưởng Riley Kossmann chép miệng nói :

    - Bọn họ làm sao mà chế tạo được nhiều chiếc tàu lớn như thế này chứ ? Ở châu Âu tuyệt đối không có hạm đội nào mạnh như thế này.

    Thuyền trưởng Jan gật đầu bảo :

    - Mấy năm trước người Sverige có đóng chiếc Vasa cũng lớn như thế này, nhưng đó là trường hợp cá biệt.

    "Vương Quốc Sverige" là một cường quốc ở châu Âu lúc bấy giờ, lãnh thổ bao gồm Thụy Điển, Phần Lan, cùng với một bộ phận của Na Uy, Đức, Nga, Estonia, Litva, Latvia; đứng thứ ba về diện tích (sau Nga và Spain), mà cũng đứng thứ ba về quốc lực (sau Spain và France). Khoảng một nửa số bang quốc thành viên của "Đế Quốc Roma Thần Thánh" đã trở thành chư hầu của Sverige. Quốc vương Sverige cũng trở thành "Nhà Lãnh đạo Tin Lành". Mặc dù bọn họ có chiến hạm Vasa hơn 1.000 tấn, nhưng đa số các chiến hạm chủ lực chỉ khoảng 500 tấn. Ở châu Âu lúc bấy giờ (đầu thế kỷ 17), "Vương quốc Spain" là cường quốc mạnh nhất, lãnh thổ bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Nederland, Luxembourg, phần lớn Italia, một phần Pháp, Đức. Người Nederland mặc dù đã tuyên bố độc lập vào năm 1581, nhưng vẫn phải đấu tranh giành độc lập trong vài thập kỷ (sử gọi là "Chiến tranh Tám mươi năm"); cũng giống như ở Việt Nam, tuyên bố độc lập vào năm 1945, nhưng vẫn còn chiến tranh nhiều thập kỷ sau đó.

    Riley Kossman lại nói :

    - Cũng may bọn họ ở quá xa châu Âu.

    Thuyền trưởng Jan lắc đầu :

    - Nhưng lại không xa VOC.

    VOC là từ viết tắt của "Vereenigde Oostindische Compagnie", hay còn gọi là "Công Ty Đông Ấn Hà Lan", là một công ty cổ phần có chức năng của một nhà nước thuộc địa ở châu Á. Cha của thuyền trưởng Jan từng là Thống Đốc của nó. Mặc dù công ty có nhiều tàu hàng lớn hơn nghìn tấn, nhưng các chiến hạm chủ yếu chỉ khoảng hơn trăm tấn, chẳng hạn chiếc Duyfken (110 tấn, dài 19,9 mét, rộng 6 mét, cao 2,4 mét, tốc độ 7 hải lý/giờ, có 8 khẩu pháo) là một chiến hạm tiêu biểu của VOC, từng được phục dựng vào năm 1999 theo đơn đặt hàng của Thái tử William Alexander, và được đưa đi triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.

    Sáng hôm sau, tàu De Rijp rời Tsushima đi về phía biển nội địa Seto ở phía nam. Nhà Tokugawa mới bại trận, các phiên chủ của Nippon ai nấy lo lắng bất an; còn các phiên ở Shikoku lại đang lo khai hoang để tăng số thạch cao, thành ra đường hàng hải tương đối bình tĩnh, hải khấu gần như vắng bóng. Ngay cả Shindaichi cũng phải tán thán : "Hiếm khi thấy đường biển yên ổn thế này !".

    Vịnh Naniwa.

    Mặc dù chiến tranh mới kết thúc chưa lâu, nhưng một khi nhu cầu còn vượng thịnh thì các thương nhân vẫn tích cực hoạt động. Ngoài vịnh tàu thuyền tấp nập ngược xuôi, trên cảng người xe nhộn nhịp. Dù chỉ mới thành lập chưa được một năm, nhưng nhờ vị trí địa lý ưu việt, cùng với lượng hàng hóa đặc sắc và phong phú, Naniwa nhanh chóng trở thành cảng lớn thứ ba, đồng thời là cảng thương mại quốc tế lớn nhất của Hokkai-Teikoku. Chợ Tumen chủ yếu dành cho các nhà buôn trên đất liền, còn chợ Naniwa dành cho các nhà buôn đường biển, định vị hơi khác.

    Sau khi tìm được một nơi neo đậu, thuyền trưởng Jan dẫn theo Shindaichi và vài thủy thủ thân tín lên bờ dạo phố, thăm dò cơ hội làm ăn. Mọi người đi qua khu bến cảng, thẳng đến trung tâm thương mại sầm uất ở cạnh đó. Khác với các phố thị ở châu Âu lúc bấy giờ, nhà cửa ở đây rất chỉnh tề và đường phố thì cực kỳ sạch sẽ. Shindaichi còn dặn dò cả bọn :

    - Mọi người không được xả rác, nếu không sẽ bị phạt nặng đấy, không chỉ bị phạt tiền mà còn phải đi quét rác trong một giờ nữa đấy.

    Thuyền trưởng Jan quan sát tỉ mỉ toàn cảnh những nơi đi qua, lòng thầm chấn động, đến giờ mới nói :

    - Shindaichi thân mến ! Ta không thể tin được thành phố này chỉ mới được thành lập chưa đầy một năm. Ngay cả ở châu Âu thì cũng có thể xem là một thành phố lớn.

    - Hokkai-Teikoku là một Đế Quốc giàu có và hùng mạnh.

    Shindaichi nói với một giọng đầy tự hào. Trong thâm tâm anh ta, người Hokkai và người Nhật chẳng có gì khác nhau.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    江懷玉

    ---QC---


  10. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    crazyboy74,
Trang 14 của 15 Đầu tiênĐầu tiên ... 412131415 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status