TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 19

Chủ đề: [Tiên Hiệp] Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện (Mới nhất: Hồi 20)

  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định [Tiên Hiệp] Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện (Mới nhất: Hồi 20)

    Hôm nay ngày 01 tháng 06 năm 2008 (ngày Quốc tế Thiếu nhi), tại hạ xin thay mặt nhóm dịch Hoang nhân gửi tới quý vị độc giả Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện của tác giả Hoàn Châu Lâu Chủ.

    Xin chúc quý vị độc giả vui vẻ hạnh phúc!

    Giới thiệu sơ lược

    Giới thiệu về Hoàn Châu Lâu Chủ và Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện của ông.
    (herobk13 dịch và biên soạn lại theo nguồn www.baidu.com)

    I. Sơ lược về hoàn cảnh lịch sử truyện kiếm hiệp đến Thục Sơn Kiếm hiệp truyện

    Trong sự phát triển của văn học Trung Quốc, võ hiệp tiểu thuyết chân chính bắt nguồn các tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường, từ đó các tác phẩm nổi tiếng như Cầu Nhiêm Khách, Nhiếp Ẩn Nương, Côn Lôn Nô Đẳng Hiệp Khách ra đời. Sau khi trải qua hai triều Tống Nguyên quá độ, đến đời Minh xuất hiện Thủy Hử truyện nổi tiếng, văn hóa võ hiệp được đẩy mạnh thành cao trào. Võ hiệp đời Thanh xuất hiện những phát triển mới, dần dần tách ra hai phái kì huyễn (tiên hiệp) và kĩ kích (võ hiệp truyền thống). Tiên hiệp có "Thất kiếm thập tam hiệp" làm đại biểu, họ phát dương phong cách võ hiệp đời Đường. Nhân vật tập trung vào dạng Tiên Phật thần bí, kỹ xảo của bọn họ là các loại pháp thuật và phi kiếm pháo bảo có thể giết người ngoài ngàn dặm. Võ hiệp truyền thống có các tác phẩm nổi tiếng như Thất Hiệp Ngũ Nghĩa và Vĩnh Khánh Thăng Bình toàn truyện. Trong các tác phẩm này, nhân vật đều là các hiệp khách trần gian, bản lĩnh của bọn họ cũng chỉ là mười tám ban võ nghệ mà thôi. Cuối đời Thanh đến thời kỳ Dân quốc (sau 1912), xuất hiện Vương Độ Lư, tác phẩm của ông thông thường được quy về Hải phái (kiểu Thượng Hải), bắt đầu cải tạo võ hiệp, đem kết hợp với lịch sử, miêu tả cũng tinh tế hơn. Nhưng thực sự cao trào võ hiệp ở thời kỳ Dân quốc cũng là nhờ có Hoàn Châu Lâu Chủ và Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện của ông.

    Hoàn Châu Lâu Chủ có một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có ảnh hưởng rất lớn đến các tác giả đi sau như Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long. Trên tuần báo Á châu, Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện được bình bầu đứng thứ năm mươi lăm (55) trong số một trăm tiểu thuyết Trung văn hay nhất thế kỷ hai mươi, nằm trên Sở Lưu Hương truyền kỳ của Cổ Long đứng hạng tám mươi tư (84), Bạch Phát Ma Nữ của Lương Vũ Sinh xếp thứ tám mươi bảy (87). Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện là tác phẩm nổi danh nhất của Hoàn Châu Lâu Chủ, cũng là một trong những bộ dài nhất, tuyệt đối có thể được coi là một tác phẩm bất hủ. Đặc điểm lớn nhất của ông là sự kết hợp hoàn mỹ giữa thần ma và võ hiệp.

    II. Sơ lược về tác giả

    Hoàn Châu Lâu Chủ vốn tên là Lý Thiện Cơ (28 tháng 2 năm 1902~tháng 2 năm 1961), sau đổi là Lý Thọ Dân. Sau năm 1949 lại đổi là Lý Hồng. Ông là người ở Trường Thọ, Tứ Xuyên, xuất thân trong thế gia làm quan. Bố là Lý Nguyên Phủ từng làm Tri phủ Tô Châu, một quan thanh liêm. Thuở nhỏ được theo cha du lịch các nơi, đi khắp Nam Bắc Trường Giang. Sau khi cha ông qua đời, gia đình xuống dốc, chưa hết Trung học ông đã phải bỏ. Ngày sau tỏa sáng rực rỡ tại văn đàn Trung Hoa, đều nhờ ông tự học thành tài. Ông từng nhậm chức Trung văn bí thư trong quân Phó Tác Nghĩa*, sau được phục hồi chức bí thư cục trưởng điện thoại Thiên Tân. Ông từng làm ngân hàng gia nghiệp dư và cả gia sư. Năm 1932 trên Thiên Phong báo ở Thiên Tân có đăng truyện dài kỳ Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trước lúc lâm chung ông còn hoàn thành trường thiên tiểu thuyết "Đỗ Phủ" bằng cách đọc cho người khác viết, hai ngày sau thì qua đời.

    Trong tứ đại gia Dân quốc võ hiệp tiểu thuyết Bắc phái, người đầu tiên khiến độc giả mê mệt, nhưng cũng chịu sự phê bình nhiều nhất từ giới bình luận, rồi được xưng là "hoang đản chí cực" chính là Hoàn Châu Lâu Chủ.

    III. Tóm tắt nội dung

    Tiểu thuyết xoay quanh phái Nga My chính nghĩa, kể về kinh lịch học nghệ và trảm yêu trừ ma của Nga My đệ tử, đặc biệt về các nhân vật Tam Anh, Nhị Vân, Thất Ải và tứ đại đệ tử. Những người này đều là đệ tử của phái Nga My, bọn họ đều còn rất trẻ, trong quá trình xuất ngoại tu hành, bọn họ không ngừng gặp các kỳ ngộ, tìm được rất nhiều kì trân dị bảo, bản lĩnh cũng càng ngày càng cao cường. Trong đó lại lấy Lý Anh Quỳnh (một trong Tam Anh) làm nhân vật chính, miêu tả chi tiết nàng ta từ một nữ tử bình thường, trải qua vô số cơ duyên xảo hợp, tìm được Tử Dĩnh kiếm của Trường My chân nhân, thu phục Thần điêu Phật nô (con chim thần hầu Phật) và tinh tinh Viên Tinh, ăn rất nhiều thứ quả màu đỏ hiếm thấy, lại tìm được nơi tiền bối tiên nhân lưu lại bảo vật, gồmThái Thanh Thần Diễm Soái Đâu hỏa và Định châu của Bạch My hòa thượng. Cuối cùng lại nhận được một giáp (sáu mươi năm) công lực của người bạn thân nhất kiếp trước là Thánh cô. Tóm lại rốt cuộc nàng ta trở thành nhân vật kiệt xuất nhất trong đám hậu bối phái Nga My, bởi vậy các tiền bối cao nhân đối với các kỳ ngộ của nàng đều vô cùng tự hào. Mạch truyện xoay quanh đám tiểu bối này và cuộc so kiếm lần thứ ba ở Nga My. Trong truyện luôn nói sẽ sớm bắt đầu cuộc giao tranh chính tà hay cuộc so kiếm lần thứ ba ở Nga My. Lần so kiếm đó là lần tỷ thí cuối cùng của các nhân vật chủ chốt hai bên chính tà, tất cả ân oán đều được kết thúc vào lúc này, làm rõ các oán cừu trong quá khứ. Tác giả cũng thường ranh mãnh hé lộ một chút kết quả khiến tâm lý độc giả luôn nghĩ về trường đại chiến ấy. Truyện đề cập một vấn đề khác nữa là đại kiếp thần tiên năm trăm năm trước, tác giả cho rằng những người không trở thành Kim tiên như Tán tiên, Địa tiên đều phải không ngừng trải qua thiên tai đại kiếp. Bởi vậy trong truyện rất nhiều tiền bối cao nhân đều sắp chuẩn bị đến Tam Kiếp, mà phái Nga My đúng là không ngừng trợ giúp những Tán tiên chính nghĩa khác phái, tránh cho họ gặp tai họa trong Tam Kiếp. Trong truyện có một số tiền bối rất đặc sắc như Quái Khiếu Hoa Lăng Hồn, Tung sơn nhị tẩu, Đà Thần Ất Hưu, Tàng Linh tử, vân vân. Vì dài đến năm triệu chữ nên tác giả có thể toàn diện triển khai miêu tả, điều đó khiến cho tác phẩm có phần lộn xộn, thường thường hai mạch truyện kết nối với nhau rất lâu mới bắt đầu, ở giữa tác giả bắt đầu chạm rãi thong thả kể về lai lịch bối cảnh của nhân vật chính sắp xuất hiện, mà ở lời giới thiệu ấy, tác giả cũng thường thường bắt đầu từ khi nhân vật đó sinh ra. Cho nên độc giả nóng nảy thiếu kiên nhẫn có lúc thật sự thấy rất chán nản. Điểm đáng tiếc chính là hai mạch truyện ấy đều không kết thúc, bởi vì khi tác giả chuẩn bị tiếp tục viết thì cả nước giải phóng, do hoàn cảnh chính trị lúc ấy, tiểu thuyết như vậy đương nhiên không dám viết tiếp. Vì vậy sau năm triệu từ, vẫn còn vô số nghi vấn và chi tiết dang dở, khi ta đọc sẽ thường xuyên liên tưởng đến Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Cả hai đều là kiệt tác không hoàn thành, nhưng Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện vì không nổi tiếng như Hồng Lâu Mộng, cũng không có truyện tiếp theo, thực là một điều đáng tiếc. Ở Trung Quốc tiểu thuyết như vậy thật sự rất khó tìm được trào lưu xã hội thừa nhận và hoan nghênh.

    IV. Đặc điểm tác phẩm


    Bộ tiểu thuyết này còn có một đặc điểm mà văn chương hiện đại không thể so sánh được. Vì tác giả vốn là một văn nhân truyền thống, cho nên phong cách viết luôn toát lên kiểu đó, cho dù là miêu tả nhân vật hay cảnh sắc, cũng đều mang phong cách hoa lệ vủa cổ văn truyện thống. Đối với độc giả yêu thích sắc thái cổ văn, đọc hết bộ tiểu thuyết này thực sự có thể nói là một loại hưởng thụ. Bản lĩnh của Hoàn Châu Lâu Chủ vẫn là hiểu một cách thấu triệt truyền thống Nho Thích Đạo tam giáo, cho nên pháp thuật và pháp bảo trong truyện đều có tên mỹ lệ và công dụng bao hàm tinh thần tam giáo. Tỷ như Bát Bộ Thiên Long kiếm, Lôi Âm bạt, Định Châu thần quang, Phật Hỏa Tâm đăng của Phật gia; Cửu Thiên Thập Địa Tị Ma toa, Tử Yên sừ, Thanh Linh tủy, Hồng Dục đại, pháp bảo Liên Tà Ma của Đạo gia; tất cả đều thập phần lợi hại, hay như Ngũ Quỷ Cạch Cốt chùy, Hóa Huyết thần đao, vân vân. Bộ tác phẩm này đối với các tác giả trường phái vũ hiệp mới đời sau mà Cổ Long, Kim Dung, Lương Vũ Sinh làm đại biểu có ảnh hưởng rất lớn, tỷ như những cái tên quen thuộc Hàng Long thập bát chưởng, Đàn Chỉ thần thông, Bạch Phát long nữ. Tóm lại bộ sách này tuyệt đối là một tiểu thuyết võ hiệp đỉnh cao, xứng đáng là một tuyệt tác đồ sộ bất hủ.

    V. Biên niên hệ thống các tác phẩm của Hoàn Châu Lâu Chủ

    1932

    Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện (50 tập 309 hồi 410 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.
    Vì hoàn cảnh chính trị mà không hoàn tất, sau chuyển thành "Thục Sơn Kiếm Hiệp hậu truyện".

    1934

    Man Hoang Hiệp Ẩn (5 tập 25 hồi 40 vạn từ ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1935

    Thanh Thành Thập Cửu Hiệp (25 tập 107 hồi 230 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1938

    Biên Tắc Anh Hùng Phổ (1 tập 5 hồi 9 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Vân Hải Tranh Kỳ Kí (11 tập 24 hồi 96 vạn từ), chưa hoàn thành, chuyển sang "Binh Thư Hạp". Tiểu thuyết võ hiệp.

    1941

    Luân Đề (1 tập 6 chương 6 vạn từ): Tiểu thuyết xã hội.

    1943

    Cao Lan Dị Nhân truyện (2 tập 4 hồi 15 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Thiên Sơn Phi Hiệp (3 tập 9 hồi 20 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1946

    Võ Đang Dị Nhân truyện (1 tập 2 hồi 7 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Liễu Hồ Hiệp Ẩn (6 tập 13 hồi 36 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Nga My Thất Ải (3 tập 9 hồi 17 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1947

    Thục Sơn Kiếm Hiệp tân truyện (4 tập 8 hồi 29 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Lãnh Hồn Dục (2 tập 13 hồi 27 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Bắc Hải đồ ký (2 tập 4 hồi 12 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Hổ Trảo Sơn Vương (1 tập 4 hồi 4 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Hiệp Cái Mộc Tôn Giả (1 tập 4 hồi 6 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Hắc Hài Nhi (3 tập 6 hồi 19 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1948

    Thanh Môn Thập Tứ Hiệp (4 tập 20 hồi 28 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Quan Trung Cửu Hiệp (5 tập 10 hồi 6 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Vạn Lý Cô Hiệp (2 tập 5 hồi 13 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Đại Mạc Anh Hùng (6 tập 12 hồi 35 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Đại Hiệp Địch Tử (12 tập 13 hồi 59 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Trường My Chân Nhân chuyên tập (6 tập 24 hồi 30 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp. Chưa hoàn thành.

    Chinh Luân Hiệp Anh (4 tập 24 chương 29 vạn từ): Tiểu thuyết xã hội.

    Thục Sơn Kiếm Hiệp hậu truyện (5 tập 20 hồi 25 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp. Chưa hoàn tất.

    Nữ Hiệp Dạ Minh Châu (5 tập 10 hồi 25 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1949

    Võ Đang Thất Nữ (1 tập 4 hồi 5 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Lực (8 tập 41 hồi 40 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Binh Thư Hạp (12 tập 24 hồi 61 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp. Chưa hoàn tất.

    Sơn Tứ Hữu (9 tập 39 hồi 45 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Độc Thủ Cái (14 tập 58 hồi 68 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1950

    Hắc Mã Nghĩ (7 tập 29 hồi 32 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Hắc Sâm Lâm (11 tập 36 hồi 55 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Tửu hiệp thần y (1 tập 4 hồi 5 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp. Chưa hoàn tất.

    Thiết Địch Tử (7 tập 28 hồi 35 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Dực Nhân Anh Vô Song (6 tập 24 hồi 30 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp. Chưa hoàn tất.

    1951

    Quyền Vương (3 tập 13 hồi 15 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    Bạch Khô Lâu (2 tập 8 hồi 10 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1956

    Nhạc Phi truyện (1 tập 20 hồi 17 vạn từ): Tiểu thuyết lịch sử.

    1957

    Kịch Mạnh (1 tập 7 hồi 7 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1958

    Thập Ngũ Quán (1 tập 14 hồi 14 vạn từ): Tiểu thuyết truyền kỳ.

    Du Hiệp Quách Giải (8 hồi 7 vạn từ): Tiểu thuyết võ hiệp.

    1960

    Đỗ Phủ (1 tập 11 hồi 9 vạn từ): Tiểu thuyết lịch sử.


    Chú thích

    * Phó Tác Nghĩa: Thủ lĩnh quân sự ở miền Bắc Trung Quốc đánh nhau với người Nhật những năm 1930-1940, năm 1949 đầu hàng và dâng Bắc Kinh cho phe Cộng sản.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Hồi thứ nhất
    Nguyệt dạ trạo cô chu
    Vu Hạp đề viên đăng sạn đạo
    Thiên nhai phùng tri
    Dĩ di gia kết bạn ẩn danh sơn

    Nguyên tác: Hoàn Châu Lâu Chủ
    Người dịch: damma
    Biên dịch: herobk13
    Biên tập: BH Mod

    www.tangthuvien.com

    Canh khuya khua mạn thuyền con
    Vu Hạp vượn hót, đường mòn ta đi
    Góc trời gặp kẻ kỷ tri
    Danh sơn ở ẩn, thị phi xa rời

    ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*

    Chuyện kể rằng núi Nga My ở tỉnh Tứ Xuyên là một thắng địa nổi tiếng khắp đất Thục. Người xưa nói vùng Tây Thục sơn thuỷ kỳ tú, mà Nga My là một trong những nơi đẹp nhất, câu này thực không phải giả. Ở Tây Thục, thần quyền thắng thế, trên núi có đến vài trăm chùa chiền miếu mạo, thiện nam tín nữ không ngại đường xa ngàn dặm hàng năm vẫn lên núi dâng hương. Hơn nữa, non xanh nước biếc, trùng trùng điệp điệp, cảnh quan vô cùng hùng vĩ và nguy nga tráng lệ nên người chỉ đến để du sơn ngắm cảnh cũng không phải là ít.

    Phong cảnh phía sau núi lại càng thâm u kỳ bí. Chỗ đó vốn là núi sâu chằm lớn có rất nhiều rắn rết, rừng sâu u cốc đều là nơi hổ báo sài lang náu thân. Người đến du ngoạn sau núi thường là chỉ có đi mà không có về, làm người ta suy càn đoán bậy. Có thuyết nói rằng họ bị hổ, lang, yêu ma ăn thịt. Lại có thuyết nói rằng họ được Tiên Phật siêu độ. Mỗi người một ý, mơ mơ hồ hồ không biết đâu là hư đâu là thực. Nói cho cùng thì con người là tấm thân huyết nhục, người ý chí yếu mềm chiếm đến tám, chín phần mười nên do có vết xe đổ từ trước, số người ngắm cảnh hậu sơn ngày càng ít đi so với trước. Ngược lại, việc này lại có lợi cho những cao nhân kỳ sỹ tĩnh dưỡng ẩn cư sau núi, giảm bớt sự quấy nhiễu trần tục, được phúc lành độc hưởng thắng cảnh linh sơn này. Đó là những chuyện sắp kể dưới đây.

    Tứ Xuyên sau khi trải qua loạn Trương Hiến Trung cuối thời Minh thì trong mười nhà có đến chín là bỏ hoang, làm cả một khu vực rộng lớn vài trăm dặm không hề có khói bếp bốc lên trong cảnh chiều tà, biến cả tỉnh Tứ Xuyên vốn được mệnh danh là chốn thiên đường ở hạ giới thành hoang vu lạnh lẽo, giống như chốn của quỷ. Sau khi người Mãn Thanh nhập quan, quan lại ở vùng biên cương dâng tấu trình xin cho dân các tỉnh tiếp giáp với Xuyên như Lưỡng Hồ, Giang Tây, Thiểm Tây di chuyển đến Tứ Xuyên. Thêm vào đó cũng là nhờ Tứ Xuyên đất rộng tài nguyên phong phú, mọi thứ nhu yếu phẩm đều có đủ, cho nên nhân dân di chuyển đến đây đa phần đều được an vui no đủ, không còn nhớ nhung nhiều về quê cũ nữa. Người người đều cảm thấy như về nhà mình nên dần dần khôi phục lại cảnh khói bếp yên vui trù mật.

    Bấy giờ là năm thứ hai sau khi Khang Hy lên ngôi. Có một con thuyền nhỏ từ Vu Hạp ngược dòng tiến lên. Ngoài phu chèo thuyền, trong thuyền chỉ có hai người là cha và con gái cùng một gánh hành lý xác xơ. Ngoài ra còn có một tay nải rất nặng nề, chừng như trong đó là vật làm bằng sắt thép. Lão già đó tuổi mới năm mươi mà râu tóc đã bạc phơ, lúc nào cũng ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt người ta, ánh mắt loang loáng quan sát tứ phía, mặt đầy nếp nhăn, chỉ nhìn cũng biết đó là một lão nhân đã trải qua quá khứ nhiều gian khổ. Nữ tử tuổi chừng mười hai, mười ba, mỹ lệ phi thường, đang e lệ tựa vào một bên lão già, thấp giọng cung kính chỉ trỏ cảnh sương núi, hỏi han liên tục, dáng vẻ ngây thơ quấn quít. Lúc này, sương khói bốn bề nổi lên, cảnh sắc mông lung huyền ảo, vầng trăng sáng xuất hiện trên đỉnh núi xa xa chiếu ánh sáng vàng rực khắp nơi, làm người ta ngắm hoài không chán.

    Lão già bỗng nhiên cao giọng nói: “Trở về cố quốc nhìn lại vầng trăng sáng! Giang sơn đẹp đẽ này, bao giờ mới lại trở về với ta đây!” Lời lão vô cùng thê thiết, nước mắt ròng ròng trên bộ mặt già nua.

    Nữ tử nói: “Cha lại đa cảm rồi. Việc thiên hạ đều có tiền định, dù có bi thương cũng chỉ vô ích mà thôi. Xin cha bảo trọng thân thể.”

    Lão già đang định nói thì thuyền phu đến gần lên tiếng: “Ông lão, trời không còn sớm nữa, trước mặt là mỏm Ô Nha lừng danh, gần đó có thôn trấn. Chúng ta cập bờ nghỉ ngơi, lên bờ tìm mua cơm rượu thôi.”

    Lão già đồng ý: “Được! Ngươi cứ đi đi. Hôm nay ta hơi mệt, không lên bờ đâu.”

    Nhà thuyền đang định nói gì thì đã đến nơi, liền lên bờ đi mất.

    Lúc này trăng sáng như ban ngày, hai cha con họ lấy rượu thịt mang theo ra bày ở đầu thuyền cùng ngồi đối ẩm. Đang khi nhàn nhã, bỗng thấy từ trong khu rừng xa xa một Bạch y nhân* đi tới. Dưới ánh trăng sáng, nhìn rất rõ ràng, người đó lướt tới rất mau, vừa chạy vừa ca lớn, giọng ca trong trẻo và vang xa, có thể làm tan vàng vỡ đá, dần dần đến gần con thuyền nhỏ.

    Lão già nhất thời hứng khởi, gọi với lên: “Đêm thanh trăng sáng, phong cảnh tuyệt vời không nên uổng phí. Ta ở thuyền này có rượu và đồ nhắm. Vị lão huynh kia sao không xuống đây cùng uống một chung?”

    Bạch y nhân đang hát đến lúc cao hứng, bỗng nhiên nghe thấy có người gọi mình, trong lòng thầm nghĩ: “Đây là chỗ nhiều người Xuyên, Tương ở, thật không dễ gặp người phương Bắc như vậy. Giọng nói của lão kia hoàn toàn là khẩu âm của người ở kinh thành, chắc là đồng hương với mình. Lão gọi ta, nói không chừng cũng nên quấy nhiễu lão vài chén.”

    Vừa nghĩ, hắn vừa đi, bất giác đã bước lên thuyền. Hai người đối diện, vừa nhìn nhau, bỗng nhiên lao vào ôm nhau khóc lóc. Lão già nghẹn ngào: “Mới hôm nào chia tay ở kinh thành, ai ngờ lại trùng phùng ở đây! Người cũ còn đây mà sơn hà đã mất, khiến người ta đau lòng lắm thay!”

    Bạch y nhân đỡ lời: “Ở chiến dịch Dương Châu, nghe nói đại ca đã mất rồi. Ai ngờ gặp lại ở nơi đất khách quê người này. Từ lúc đó, đệ lưu lạc khắp chân trời góc bể, thêm được một người tri kỷ thì cũng coi như không còn cô độc nữa. Vị cô nương này chắc là con gái huynh?”

    Lão già đáp: “Ta gặp lại hiền đệ, vui mừng quá đỗi nên quên cả việc bảo tiểu nữ Anh Quỳnh bái kiến.”

    Lão lại thuận miệng nói: “Anh Quỳnh lại đây chào hỏi Chu thúc thúc đi.”

    Nữ tử nghe phụ thân gọi bèn đến cúi đầu chào.

    Bạch y nhân cũng khẽ gật đầu đáp lễ rồi nói với lão già: “Đệ thấy cháu nó vẻ mặt xinh đẹp thông minh, không hổ là con nhà võ. Tuyệt nghệ của đại ca nhất định là có truyền nhân rồi.”

    Lão già nói: “Hiền đệ có chỗ không biết. Ngu huynh vì biết võ nghệ nên mới bị tan cửa nát nhà như vậy. Hơn nữa, khi nó vừa ra đời thì mẹ nó vì theo ta mà chết trong đám loạn quân. Mười năm nay ta chạy trốn khắp nơi, chẳng có chỗ nào yên thân cả. Nó cũng nhõng nhẽo đòi ta dạy võ nghệ cho nó. Ta thì lại cho rằng làm người bình thường thì hạnh phúc hơn, hơn nữa hai mắt hài tử này nộ khí quá nặng, nếu học võ nghệ thì tương lai sẽ phát sinh lắm chuyện. Võ nghệ của ta cũng chỉ thường thường bậc trung, dị nhân trong thiên hạ rất nhiều, nếu sở học không tinh thì ngược lại sẽ sinh hoạ sát thân. Ngu huynh chỉ có một mụn con gái này, thực không thể yên tâm được, vì thế chưa từng truyền thụ cho nó chút gì. Chỉ nguyện trong tương lai kiếm cho nó một tấm chồng là người đọc sách, đưa ta về Tây thiên là mãn nguyện rồi.”

    Bạch y nhân nói: “Tuy nói như vậy, nhưng đệ thấy tướng mạo của cháu nó quyết sẽ không chịu chết già đâu. Tương lai sẽ biết thôi.”

    Nữ tử nghe thấy Bạch y nhân nói thế, không nhịn được hai mắt sáng bừng lên, vui mừng ra mặt. Rồi nàng quay ra nhìn cha già, không kiềm chế được lộ ra vẻ u oán.

    Bạch y nhân lại hỏi: “Lần này đại ca nhập Xuyên là có mục đích gì?”

    Lão già đáp: “Nước mất nhà tan. Số phận đã như thế thì ta còn có mục đích gì nữa. Chỉ là đi thật xa để tránh hoạ mà thôi.”

    Bạch y nhân nghe thế mừng lắm nói: “Đệ đến Tứ Xuyên ba năm trước. Gần đây, ở hậu sơn núi Nga My tìm được một thạch động mười phần u tĩnh, phong cảnh xinh đẹp. Hôm qua đệ mới từ trong núi đi ra. Hơn nữa, đệ đang dạy dỗ mấy đứa nhỏ, lần này về thu thập chuẩn bị để đến thạch động ở hậu sơn Nga My ẩn cư, may là gặp được đại ca. Nơi đó mười phần u tĩnh, không dấu chân người, rất nhiều mãnh thú. Nếu đại ca không ngại cháu nó sợ hãi thì ba người chúng ta đồng thời đến đó ẩn cư, chờ đợi thời cơ. Tôn ý đại ca thế nào?”

    Lão già nghe nói có một chỗ tốt như thế, vô cùng cao hứng liền đáp: “Thế thì tốt quá. Nhưng không biết chỗ đó cách núi này bao xa?”

    Bạch y nhân đáp: “Nếu đi đường tắt thì không tới tám, chín mươi dặm. Đại ca sao không cho nhà thuyền quay về, đến nhà đệ ở vài ngày rồi cùng đệ đi tới đó?”

    Lão già đáp: “Vậy thì hiền đệ cứ về trước. Đêm nay ngu huynh sẽ ngủ lại trên thuyền, ngày mai cho nhà thuyền về rồi đến nhà đệ là xong. Nhưng không biết hiền đệ giờ ở chỗ nào? Hai ta đều là người đang trốn tránh, chắc là đệ đã thay đổi họ tên?”

    Bạch y nhân đáp: “Đệ tuy đổi tên nhưng không đổi họ. Ngày mai huynh cứ đến thôn trước mặt tìm đệ. Chỉ cần hỏi thầy đồ dạy trẻ Chu Thuần thì ai cũng biết. Trời không còn sớm nữa, ngày mai đệ còn có một cuộc hẹn nên không đến đón huynh được. May là không xa đây mấy, đệ sẽ ở nhà chờ đại giá.”

    Nói xong liền chia tay hai người.

    Nữ tử thấy Bạch y nhân đi rồi liền hỏi: “Vị Chu thúc phụ đó chắc là người tề danh với cha trong Tề Lỗ Tam Anh** là Chu Lang Chu thúc phụ phải không?”

    Lão già đáp: “Ai nói không phải là hắn? Nhớ ngày trước, Lý Trữ ta cùng hai vị thúc phụ của con là Dương Đạt và Chu Lang uy danh hiển hách ở một dải Tề, Lỗ, Yên, Dự***. Từ khi nhà Minh mất, Dương thúc phụ ngươi vì lòng vẫn hướng về cố quốc nên bị cừu nhân hãm hại. Giờ chỉ còn ta và Chu thúc phụ ngươi hai người mà thôi, không biết liệu có thể gánh vác trách nhiệm thủ lĩnh được không. Lần này đến Nga My sơn thật mừng là có bạn hiền, làm ta giảm bớt rất nhiều tâm sự. Chúng ta nên nghỉ ngơi cho sớm để ngày mai lên bờ.” Nói đến đó, đã thấy hai thuyền phu uống rượu say mèm trở về.

    Lý Trữ liền nói với thuyền phu: “Ta chợt nhớ ra ở đây có một người bà con. Ta tính ở đây vài tháng nên ngày mai sẽ lên bờ. Các ngươi đã vất vả đường dài, tiền công cứ theo sổ sách trả cho ngươi, ngoài ra còn thưởng cho hai người bốn lượng bạc uống rượu chơi. Các ngươi nghỉ ngơi cho sớm đi.”

    Thuyền phu nghe thấy thế vội vàng đáp tạ rồi đi ngủ.

    Sáng hôm sau, cha con Anh Quỳnh dậy sớm, tự mang hành lý, từ biệt nhà thuyền rồi đi đến thôn phía trước.

    Đi được chừng nửa dặm, thấy bên đường có một tiểu đồng tuổi chừng mười một, mười hai, mặt mũi sáng láng như ngọc, trên đầu búi thành hai bím tóc. Lúc này mới là tháng bảy, tháng tám, tiết trời nóng nực, tiểu đồng chỉ vận một chiếc khố ngắn màu xanh.
    Thấy hai người đến gần, tiểu đồng liền tiến lại đón, hỏi: “Hai vị này phải chăng đến tìm lão sư Chu Thuần của cháu?”

    Lý Trữ đáp: “Chúng ta đúng là đến tìm Chu tiên sinh đây. Làm sao cháu biết?”

    Tiểu đồng nghe thế vội vàng cúi đầu bái lạy, miệng đáp: “Sư bá có chỗ không biết. Tối qua lão sư trở về cao hứng đến không ngủ được, nói ở mỏm Ô Nha bất ngờ gặp được sư bá và sư tỷ. Sáng nay lão sư dậy rất sớm vì hôm qua có hẹn với người ta nên không thể đến đón hai vị, sai cháu đến nghênh tiếp, lại lệnh cho cháu dẫn đường cho sư bá. Phía trước là trường học của lão sư người. Lão sư đi phó ước rồi, không lâu sẽ về, mời sư bá ngồi chờ một lát, dùng cơm sáng luôn.”

    Lý Trữ thấy tiểu đồng này dáng vẻ phi phàm, miệng lưỡi linh hoạt nên vô cùng quý mến. Vừa đi vừa nói chuyện, bất giác đã tới nhà Chu Thuần. Tuy chỉ là một toà nhà bằng trúc đơn giản, nhưng rất thanh tịnh sạch sẽ. Tiểu đồng mang đến ba cái bát nhỏ, bày ra một bàn thịt khô, đậu hũ tươi, một hồ rượu rồi mời cha con họ ngồi xuống. Tự mình cũng ngồi xuống một bên bồi tiếp, gã nói “Sư bá, mời dùng bữa sáng.”

    Lý Trữ đang định hỏi thì gã lại ra sau bếp mang vào ba bát mỳ và một đĩa dưa muối. Lý Trữ thấy gã tuổi còn nhỏ, nhưng lại chiêu đãi vô cùng ân cần càng thêm vui vẻ. Lão vừa dùng cơm rượu, vừa hỏi: “Tiểu thế huynh ngươi tên là gì? Từ khi nào ngươi theo sư phụ đọc sách?”

    Tiểu đồng đáp: “Cháu tên Triệu Yến Nhi. Cha cháu vốn là Hàn lâm Học sỹ triều Minh, đã chết trong tay Lý Sấm. Mẹ và cậu cháu chạy đến đây, không ngờ cậu cũng mất. Nhà cháu rất nghèo khổ, không còn cách nào khác cháu phải chăn trâu cho mọi người, mẹ cháu lại giúp việc cho các nhà cũng đủ sống qua ngày. Ba năm trước, Chu tiên sinh đến đây, vì thương cháu là con nhà quan nên kêu cháu bái ông làm sư phụ, thường thường chu cấp cho mẹ con cháu, mỗi ngày lại dạy cháu đọc sách và tập võ. Chu lão sư không có người giúp việc, chỉ có một con gái tên là Khinh Vân. Năm ngoái bỗng có một vị đạo cô+ đến ngoài thôn, cũng muốn thu cháu làm đồ đệ. Nhưng vì có lão mẫu ở nhà nên cháu không dám đi xa. Đạo cô đó trông thấy sư muội liền đến gặp lão sư cháu nói chuyện rất lâu rồi đem sư muội cháu đi, nói rằng đến cái gì Hoàng Sơn học đạo. Cháu vạn phần không muốn thế, đã mấy lần giục lão sư đi tìm sư muội về, lão sư đều nói thời gian vẫn còn sớm. Cháu định tự đi thì lão sư lại không nói cho cháu biết đường đi Hoàng Sơn. Cháu nghĩ đợi lớn thêm một chút nữa thì cháu nhất định sẽ đi tìm sư muội về. Sư muội của cháu ngoại hình cũng giống như vị sư tỷ này, nhưng không có hai cái nốt ruồi đỏ như sư tỷ.”

    Lý Trữ nghe gã nói một hồi, lão chỉ cười nhẹ, lại hỏi gã đang học võ nghệ gì.

    Yến Nhi đáp: “Cháu thiên tư không tốt, chỉ học được một pho Lục Hợp kiếm và ném, đỡ phi tiêu. Nghe lão sư nói, bản lãnh sư bá rất cao, những ngày sau xin sư bá dạy cháu nhé!”

    Nói đến đây thì Chu Thuần về. Yến Nhi vội đứng lên cúi đầu đứng hầu một bên. Anh Quỳnh bái kiến thế thúc. Lý Trữ nói: “Chúc mừng hiền đệ, đệ thu được một đồ đệ rất tốt.”

    Chu Thuần đáp: “Đứa nhỏ này trời sinh thông minh, các khả năng thiên phú cũng không thiếu, chỉ là thích nói nhiều, gặp ai cũng luyên thuyên không ngớt. Một lúc vừa rồi chắc lý lịch nó đệ không cần phải nói nữa rồi.”

    Lý Trữ đỡ lời: “Nó đã nói thân thế của nó cho huynh biết. Nhưng hiền đệ cũng sắp năm mươi rồi, tại sao ngươi lại dễ dàng đem ái nữ giao cho người ta dạy dỗ như vậy là đạo lý gì?”

    Chu Thuần đáp: “Đệ nói Yến Nhi lắm mồm không đúng sao? Việc nó đi là cái duyên của nó. Năm ngoái Yến Nhi dẫn một đạo cô đến gặp đệ. Nói chuyện một hồi mới biết đó là Xan Hà đại sư ở Hoàng Sơn, là một kiếm tiên lừng danh. Bà ta nhìn trúng cháu gái Khinh Vân của huynh, nói nó có tiên cốt trời sinh, thương lượng với đệ, muốn đem Khinh Vân đi, thu nó làm đại đệ tử. Bà ta vốn muốn dẫn cả Yến Nhi đi, nhưng vì nó có mẹ già ở nhà cần người phục thị nên chỉ đành dẫn Khinh Vân đi trước. Cơ hội tốt như thế, cầu còn chưa được, huynh bảo làm sao đệ không đồng ý?”

    Lý Trữ nghe nói không ngừng gật đầu. Anh Quỳnh vì cha không dạy cho võ nghệ nên trong lòng luôn không vui vẻ. Nghe Chu Thuần nói chuyện, nàng không nhịn được mắt sáng rực, trong lòng thầm tính toán. Chu Thuần cũng cảm giác được, bèn nói với nàng: “Cháu gái của ta trong lòng chắc cũng mừng lắm? Nếu nói về thiên tư của thế muội ngươi thì không phải ta nói ngoa, cũng bất phàm. Nhưng nếu luận cốt cách phẩm mạo thì không được bằng một nửa của cháu. Xan Hà đại sư nếu nhìn thấy cháu tất sẽ vui mừng kêu lớn. Cháu không cần vội, sớm muộn gì thì tự sẽ có kỳ duyên đến với cháu, khi đó thì cha cháu cũng không quản được.”

    Lý Trữ nói: “Hiền đệ làm cháu gái của đệ cười rồi. Không tán dóc nữa, bao giờ thì chúng ta đi Nga My sơn? Yến Nhi có đi không?”

    Chu Thuần đáp: “Đệ còn nhiều việc phải thu xếp ở đây, nhiều thì phải mất mười ngày, chúng ta mới có thể lên đường được. Yến Nhi có mẹ già ở nhà nên chỉ còn cách tạm thời ngừng ý muốn học hỏi của nó.”

    Yến Nhi nghe thấy sư phụ không dẫn gã đi cùng, mắt đỏ lên muốn khóc. Chu Thuần nói: “Ngươi không cần phải thế. Bất kể là anh hùng Tiên, Phật cũng không được bất trung bất hiếu. Lần này ta đi không phải là vĩnh biệt, hơn nữa từ đây đến đó chỉ vài chục dặm. Mỗi tháng ta sẽ về một lần dạy ngươi học văn học võ. Chỉ là không thể sớm tối bên nhau mà thôi.”

    Yến Nhi nghe xong, tự nghĩ không có cách gì chỉ trào nước mắt.

    Lý Trữ hỏi: “Học trò trong trường của đệ chẳng lẽ chỉ có một mình Yến Nhi?”

    Chu Thuần đáp: “Sau trở về từ Nga My sơn, đệ đã có ý vào núi ở. Nhân vì lý do này mà đối nhân xử thế rất hòa hoãn, trên đường về đệ cứu được một hàn sỹ tên là Mã Tương. Người này tài đức vẹn toàn, đệ đã tìm được chỗ ở cho y tại Văn Xương các, giao tất cả học sinh cho y dạy. Ai ngờ tối qua lại gặp lại huynh.”

    Lý Trữ nói: “Thì ra là thế. Không lạ sao ngoài Yến Nhi không thấy học trò nào khác.”

    Chu Thuần đỡ lời: “Yến Nhi vốn cũng phải giới thiệu đến đó, nhưng đệ trong nhà không có người giúp việc nên chỉ còn cách làm nhọc đệ tử.”

    Trong lúc nói chuyện chơi thì mặt trời đã ngả về tây. Yến Nhi lại chuẩn bị đầy đủ giường chiếu cho hai cha con rồi mới về nhà.

    Chỉ có Anh Quỳnh vì ban ngày nghe nhiều chuyện khiến nàng trằn trọc mãi không ngủ được. Đêm đã sang canh ba, nàng nghe thấy tiếng Chu Thuần và Yến Nhi nói chuyện ở phòng bên cách một bức vách. Một lúc sau, lại nghe thấy thầy trò họ mở cửa phòng ra giữa viện. Anh Quỳnh nhẹ nhàng bò dậy, nhìn qua khe cửa sổ ra ngoài thấy hai thầy trò tay cầm trường kiếm đang luyện võ công ở giữa sân. Kiếm của Yến Nhi tuy hơi ngắn nhưng cũng dài đến ba thước. Lúc hai người mới múa kiếm thì còn nhìn thấy bóng người. Sau đó thì tốc độ tăng dần, càng múa càng nhanh, chỉ còn thấy hai đạo hàn quang, từng tràng kiếm hoa như tuyết lộn đi lộn lại trong sân viện. Bỗng nghe thấy Chu Thuần nói: “Yến Nhi, con phải nhìn cho cẩn thận.”

    Nói chưa dứt lời, chỉ thấy dưới ánh trăng bóng người tách ra, một đám bóng trắng mờ mờ kéo theo một đạo hàn quang nhanh như chảo chớp phi vọt ra ngoài đình viện đánh vào một cành hoa quế. Lại nghe một tiếng thét “sát”, một cành quế to phía nam rơi xuống. Cành cây bị chấn động mạnh, hoa quế bay lả tả như mưa. Định thần nhìn lại thì hai thầy trò họ đã đứng yên ở vị trí cũ. Bỗng một trận gió lạnh thổi qua, con ngựa sắt trên hiên nhà kêu lên đinh đang vài tiếng, làm Anh Quỳnh nhìn đến ngây người.

    Lại thấy Chu Thuần nói với Yến Nhi: “Chiêu cuối cùng vừa rồi tên là Xuyên vân nã nguyệt, là chiêu lợi hại nhất của Lục Hợp kiếm. Sau này nếu gặp phải cao thủ thì có thể dùng nó để cầu thắng trong bại. Ta vì thấy con có hiếu, lại thấy con rất thông minh hơn người nên mới truyền thụ tuyệt kỹ bình sinh đó cho con. Hai ngày nữa, ta sẽ cùng với sư bá của con vào núi, con phải sớm tối đến chỗ không người chuyên cần luyện tập. Vi sư phải đi ngủ thôi, tối mai ta lại dạy tiếp cho con.”

    Nói xong, Chu Thuần liền về phòng nghỉ ngơi. Yến Nhi đợi Chu Thuần đi rồi mới tự về ngủ.

    Cứ thế được hai ngày, Anh Quỳnh tối tối lại mò dậy ngó trộm hai thầy trò họ tập luyện. Nàng cũng năm lần bảy lượt đòi phụ thân dạy cho học kiếm pháp. Lý Trữ bị nàng lằng nhằng không chịu nổi, lại được Chu Thuần khuyên giải, trong lòng lão đã dao động, bèn nói với nàng: “Kiếm là tổ của người học võ, cực khó luyện. Thứ nhất là phải luyện tập thường xuyên không ngừng nghỉ, thứ hai là phải luyện khí ngưng thần, tâm tĩnh như mặt nước. Đạt được hai điều đó rồi thì còn cần phải có danh nhân truyền thụ. Ngươi từ nhỏ được yêu chiều quen rồi, sức khoẻ chưa từng được rèn luyện thật là khó mà dạy được. Nếu ngươi vẫn kiên trì muốn học thì đợi đến khi vào trong núi, mỗi ngày vào lúc sáng sớm trước hết là học công phu dưỡng khí và nội công công pháp. Hai, ba năm sau mới có thể truyền kiếm pháp cho ngươi. Tính khí ngươi nóng nảy như thế, sau này khéo lại làm phiền đến ta.”

    Anh Quỳnh nghe xong, thấy Yến Nhi còn ít tuổi hơn nàng mà đã học được rất khá rồi. Lời phụ thân nàng dường như là cố ý gây khó khăn, làm trong lòng nàng có chút không phục. Nàng đang định nói thì Chu Thuần lên tiếng: “Cha cháu nói rất là có lý. Muốn học kiếm pháp thượng thừa thì không thể không luyện khí quy nhất như lời ông ấy. Cháu mấy hôm nay nhìn trộm ta truyền kiếm pháp cho Yến Nhi, tưởng là rất dễ dàng, nhưng đấy là cháu chưa biết những nổi khổ sở của Yến Nhi khi học kiếm đó. Ta vì thấy cháu khi nhìn trộm tỏ ra rất thành tâm nên mới nói giúp cho cháu, khuyên cha cháu vài câu thì mới được ông ấy đáp ứng đó. Kiếm pháp của phụ thân cháu giỏi hơn ta nhiều, lời ông ấy nói không có một chút nào là giả cả. Cháu gái yêu không nên hiểu lầm.”

    Lý Trữ tiếp lời: “Quỳnh Anh ngươi không nên tự phụ rằng ngươi thông minh. Việc học kiếm quả thực không hề dễ dàng, nếu không ngưng thần dưỡng khí được thì không thể học nổi. Khi thành công rồi thì trong vòng mười trượng dù là hạt cát rơi xuống đất đều có thể nghe được rõ ràng. Ví như ngươi mỗi lần xem trộm, tại sao thế thúc lại biết? Nguyên nhân chính là như thế. Việc rõ ràng như thế mà còn không biết thì còn nói đến kiếm pháp quái gì nữa? May xem trộm là ngươi, chứ nếu là người khác muốn hành thích ở sau song cửa thì khi đang múa kiếm sẽ bị người ta ám toán sao?”

    Anh Quỳnh nghe xong lời cha nói, tuy đã phục rồi, nhưng vẫn không muốn thôi. Nàng lại ngấm ngầm đi hỏi Yến Nhi, quả nhiên được biết gã trước khi học kiếm đã phải trải qua bao nhiêu đau khổ khó khăn, sau đó lại phải khổ công luyện tập rất nhiều. Đến lúc đó thì nàng mới tâm phục khẩu phục.

    Thời gian thấm thoát thoi đưa, bất giác đã đến ngày lên đường. Một đám đông học trò cùng gia đình và cả thày giáo mới là Độc Phu tử Mã Tương cũng đều đến chia tay. Yến Nhi còn đi tiễn hơn hai mươi dặm, dùng dằng không muốn chia tay. Đến khi ba người giục quá thì gã mới gạt lệ trở về.

    Chú thích

    * Người mặc áo trắng.

    ** Tề Lỗ: Chỉ vùng Sơn Đông vì nước Tề và Lỗ thời Xuân Thu đều nằm ở tỉnh này. Tề Lỗ Tam Anh: Ba người anh hùng ở Sơn Đông.

    *** Quanh vùng Sơn Đông, Hà Nam và Hà Bắc.

    + Nguyên văn là “Lão đạo cô” tức là đạo cô theo đạo Lão. Thông thường chúng ta gọi là đạo cô.

    Hết hồi thứ nhất
    ~*~*~*~*~*~*~*~*~

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Nếu phát hiện sai sót xin bạn đọc vui lòng đến sợi Báo lỗi trong Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện này để báo lỗi. Cảm ơn nhiều.
    Lần sửa cuối bởi herobk13, ngày 08-07-2008 lúc 05:44.
    ---QC---


  2. Bài viết được 3 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    nogania,quangtri1255,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Apr 2008
    Bài viết
    134
    Xu
    410

    Mặc định

    Hồi thứ hai
    Vũ trường kiếm, sư đồ sính thân thủ  
    Thượng Nga My, yên vũ tỏa không dạng

    Nguyên tác: Hoàn Châu Lâu Chủ
    Người dịch: damma
    Biên dịch: herobk13
    Biên tập: BH Mod

    www.tangthuvien.com

    Múa trường kiếm, thày trò khoe thân thủ
    Lên Nga My, sương khói tỏa mênh mang

    ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*

    Lại nói Lý Trữ cùng Chu Thuần từ biệt mọi người trong thôn, đi vào trong núi.

    Trong ba người, trừ Anh Quỳnh muốn sớm đến thạch động trong núi để học kiếm pháp, hai người kia đều vô câu vô thúc, vừa đi vừa du sơn ngắm cảnh, đi đường rất chậm. Đến khi mặt trời xuống núi mới đến chân núi Nga My. Thấy khắp nơi khách điếm san sát, khách lên núi rất nhiều, vô cùng náo nhiệt. Ba người tìm một khách điếm, chuẩn bị đầy đủ mọi vật cần dùng để sớm ngày hôm sau lên núi hòng có thể trụ được lâu. Một đêm đó không có chuyện gì đặc biệt.

    Ngày hôm sau, ba người thương lượng ổn thoả. Lý Trữ đảm nhiệm mua sắm những vật dụng thường dùng trong nhà như dầu, muối, tương, dấm, gạo, miến, rượu, thịt… Chu Thuần đảm nhiệm việc mua sắm giấy bút, mực và những vật dụng cho nhà bếp như nồi niêu xoong chảo thùng… Lão còn mua một sợi dây thừng rất dài. Anh Quỳnh liền hỏi: “Cái đó dùng làm gì?”

    Chu Thuần đáp: “Nhiều tác dụng lắm, sau này khắc biết.”

    Tuy hành lý mà ba người mang được có giới hạn nhưng đồ đạc lủng củng mua thêm cũng không ít. Do đó một lát phải đi mướn cước phu* tốt, cùng nhau gánh lên núi. Khách hành hương đang leo núi nhìn thấy họ, lộ vẻ vô cùng kỳ quái. Ba người chẳng màng để ý, chỉ một mực trèo lên. Mới đầu, tuy phải vượt qua mấy chỗ khe núi chật hẹp khó khăn, nhưng vẫn chưa khó đi lắm. Sau đó, càng đi thì đường núi càng nguy hiểm, cảnh trí càng kỳ lạ, mây trắng cuồn cuộn dưới chân, lúc này đối diện cũng không nhìn rõ mặt. Anh Quỳnh hò reo thích thú, nhưng Chu Thuần nói: “Lúc lên núi thì không thấy có mưa, nhưng bây giờ nhiều mây mù thế này, ở dưới chân núi chắc chắn là đang mưa to. Chúng ta đang đi trong mây mù cần phải cẩn thận. Chỉ cần trượt chân một cái thì sẽ tan xương nát thịt đó.”

    Lại đi thêm được nửa dặm nữa thì đến Xả Thân nham. Quay đầu nhìn xuống chân núi chỉ thấy một đám mù mịt bềnh bồng, chẳng thấy người và chùa miếu đâu nữa. Tất cả đều đã chìm trong mây mù. Trên đầu là mặt trời chói loà, phản chiếu vào những đám mây phía trước thành những luồng ánh sáng kỳ diệu đẹp mắt. Anh Quỳnh nhìn đến xuất thần, thấy cước phu nói: “Khách quan, giờ đã đến Xả Thân nham rồi, phía trước là Quỷ Kiến Sầu, không còn đường đi, chúng tôi không thể tiến lên được nữa. Mây mù như thế này thì ở lưng chừng núi khẳng định là có mưa lớn. Nếu hôm nay không thể xuống núi, ngày mai sẽ làm lỡ một ngày làm ăn của chúng tôi, xin khách quan xem xét cho.”

    Chu Thuần đáp: “Chúng ta vốn chỉ thuê chú đến chỗ này thôi, chú cứ ở đây đợi chúng ta một lát, chúng ta lên đỉnh núi sẽ thả dây thừng xuống kéo hành lý lên rồi sẽ trả thêm chút tiền uống rượu cho chú được không?”

    Nói xong, lão búng mình vọt lên một cây bách cổ thụ ngàn năm, rồi lại từ tàng cây bách đó vọt lên đỉnh núi. Lão lấy dây thừng ra thả xuống kéo tất cả hành lý lên trên, rồi lại thả dây xuống kéo Anh Quỳnh lên. Khi đến lưng chừng, Anh Quỳnh đưa mắt nhìn quanh thấy chỗ này vô cùng hiểm trở, ngọn cô phong cao vút lên như ngọn bút, bên dưới là đầm sâu vạn trượng. Nàng tuy lớn gan, nhưng cũng hoa mắt hết hồn. Sau khi Anh Quỳnh lên rồi, Lý Trữ lấy ra hai lượng bạc thưởng cho cước phu uống rượu rồi tung mình vọt lên trên. Ba người thương lượng cách vận chuyển hành lý. Chu Thuần nói: “Đệ đã đến chỗ này nhiều lần, vô cùng quen thuộc. Đệ sẽ dẫn cha con huynh đến thạch động trước, rồi đệ trở lại mang hành lý đến sau.”

    Lý Trữ vì không biết đường nên không khách khí. Mọi người đứng dậy mang theo những vật dụng nhẹ nhàng thuận tiện. Đi qua vài sườn núi, được chừng hơn ba dặm mới đến cửa động. Thấy trên vách động phía trước có bốn chữ lớn “Sấu Thạch Tê Vân”**. Ba người vào trong động nhìn ngó, chỉ thấy trong động có bốn gian thạch thất, ba gian dùng làm phòng ngủ, một gian có ánh sáng chiếu vào rất tốt để làm phòng đọc sách và nghỉ ngơi chung. Sau đó, Chu Thuần đi vận chuyển đồ vật về, phải mất ba lần đi lại mới xong. Thu dọn ổn thoả thì ánh tịch dương đã tắt sau núi. Ba người đã mệt mỏi cả ngày, liền dùng đá bít cửa động lại rồi đi ngủ.

    Sáng sớm hôm sau, Lý Trữ nói qua về trình tự tập luyện cho Anh Quỳnh biết. Trước hết là dạy nàng luyện khí ngưng thần rồi đến các loại nội công. Anh Quỳnh vốn thiên tư thông minh mẫn tiệp dị thường, chẳng bao lâu đã luyện hết các môn công phu nhu nhuyễn. Chỉ vì nàng bản tính vốn nóng nảy nên ngày nào cũng gây phiền hà đòi Chu Thuần dạy kiếm pháp cho nàng. Chu Thuần thấy nàng tiến bộ thần tốc, nhận thấy có thể truyền thụ. Duy có Lý Trữ là nhất quyết không chịu, chỉ nói chưa đến lúc.

    Một hôm, Chu Thuần nói giúp cho Anh Quỳnh về chuyện đó thì Lý Trữ nói: “Hiền đệ chỉ biết một mà không biết hai. Chẳng lẽ là ta không biết giờ nó đã có thể bắt đầu học kiếm pháp được rồi sao? Nhưng đệ nên biết càng là người thiên tư cao thì càng cần phải có căn cơ thâm hậu. Với thiên tư của Quỳnh nhi, ta tuyệt không đủ tài để làm lão sư cho nó. Vì thế giờ ta chuyên tâm một lòng củng cố căn cơ cho nó. Một khi kỳ duyên đến, gặp được danh sư thì có thể làm được việc lớn. Nếu giờ mà khinh suất dạy nó quá sớm, mang sở học bình sinh truyền thụ cho nó thì cũng không thể nhất thời học hết được. Lại thêm tính khí nó mạnh mẽ sẽ không dễ dàng phục người khác. Trong thiên hạ này, anh hùng mạnh hơn ta rất nhiều, một khi gặp phải cường địch thì làm sao không thất bại được? Ý của ta là nó không học thì thôi, nhưng một khi đã học thì phải tinh thâm, tuy không thể siêu phàm nhập thánh như những vị Kiếm Tiên thời cổ, nhưng cũng phải đạt mức vô địch trên trần thế này mới được. Hồi trước ta không muốn dạy nó chính là vì nó thông minh mà tính khí lại vội vàng, bản lĩnh của ta chỉ có hạn nên mới lần lữa không dạy.”

    Chu Thuần nghe xong, không muốn khuyên lão thêm nữa. Chỉ có Anh Quỳnh tính nóng như lửa, làm sao nhịn được.

    Chỗ này tuy phong cảnh rất đẹp, nhưng mỹ trung bất túc***, quá xa cách với nguồn nước. May là cách thạch động khoảng hơn một dặm có một thác nước, bên dưới thác là một dòng suối nhỏ, nước trong thấy đáy, vừa ngọt vừa mát. Cứ cách một ngày, hai người Lý, Chu thay phiên nhau đến suối lấy nước. Lý, Chu hai người sợ sợ nghỉ ngơi nhàn rỗi hỏng hết gân cốt nên sáng nào cũng dậy sớm luyện tập các loại quyền cước kiếm pháp trước cửa động. Vì hai người không chịu dạy cho Anh Quỳnh nên nàng dụng tâm ngồi bên xem kỹ, đến khi không có mặt hai người thì tự mình luyện tập.

    Trên núi Nga My có rất nhiều khỉ, một hôm Anh Quỳnh nhìn đàn khỉ chạy nhảy trên sườn núi, lanh lẹ như bay, bất chợt làm nàng nảy ra ý định luyện tập khinh công. Mỗi sáng nàng dậy rất sớm, mang theo hai sợi dây thừng, đầu dây buộc vào một cội cây to, nàng tự luyện tập chạy nhảy trên dây. Nàng lại đòi Lý, Chu hai người dạy nàng các thuật khinh thân. Nàng vốn có thần lực trời sinh, lại được hai lão sư chỉ điểm nên không những luyện được thân thể nhẹ nhàng nhanh nhẹn như chim yến, mà sức lực cũng mạnh mẽ dị thường.

    Cách một tháng, Chu Thuần lại về thăm Yến Nhi một lần, nhân tiện dậy gã võ nghệ. Hôm đó là ngày Chu Thuần phải về thăm gã, vừa mới đi đến bên Xả Thân nham bỗng thấy Triệu Yến Nhi chạy như bay tới, trong tay cầm một phong thư tín.

    Chu Thuần mở ra xem, thì ra là của thầy đồ Mã Tương gửi. Trong thư viết: “Ba ngày trước có một hoà thượng đến, hình dáng hung ác dị thường, trên mình có đeo một cái mõ sắt lớn nặng tới ba bốn trăm cân, vào thôn hoá duyên. Hắn nói là tăng nhân của Ngũ Đài sơn, tên là Diệu Thông, đi chu du thiên hạ để tìm một bằng hữu họ Chu. Người trong thôn tuy thấy hắn hung ác vô cùng, nhưng vì hắn chỉ đến hoá duyên, tuyệt không có hành vi gì khác lạ nên mặc kệ hắn. Vì trong thôn không có ai họ Chu nên hôm qua hắn vốn định bỏ đi thì bỗng nhiên gặp một người mau miệng trong thôn nói đến Chu tiên sinh, hắn liền hỏi tên và tướng mạo tiên sinh. Hắn nghe xong còn nói ‘Nhất định là hắn. thật không ngờ Vân Trung Phi Hạc+ Chu lão tam lại có ngày còn có thể gặp lại.’ Khi hắn nói, sắc mặt vô cùng khó coi. Khi hắn đang hỏi Chu tiên sinh giờ ở đâu thì ta và Yến Nhi đi tới. Người mau miệng kia lại nói nếu muốn hỏi nơi hạ lạc của tiên sinh thì phải hỏi bọn ta. Tăng nhân đó liền đến hỏi ta. Ta thấy hắn đến với ý không tốt liền nói với hắn Chu tiên sinh đến Thành Đô rồi, tuyệt không nói cho hắn biết ông ngụ ở Nga My. Hôm nay không thấy hắn trong thôn nữa, chắc đã đến Thành Đô tìm ông rồi. Ta thấy hoà thượng đó nhất định có ý đồ không tốt nên mới dùng thư thông báo cho ông, để sớm chuẩn bị.”

    Chu Thuần đọc xong thư, giật mình kinh hãi, nói với Yến Nhi: “Con theo ta lên núi rồi nói tiếp.” Vừa nói, lão vừa mau chóng dắt Yến Nhi nhảy vọt lên vách núi dựng đứng, tiến vào trong động. Sau khi Yến Nhi bái kiến cha con Lý Trữ xong, liền nói với Chu Thuần: “Con thấy Mã lão sư nói hoà thượng đó có lòng bất thiện nên tối tối con đều đến khách sạn mà lão hoà thượng đó ở để trinh sát xem hắn là dạng người nào. Con đến lúc canh ba, nằm trên mái nhà chỗ phòng của hắn, dùng thế ‘Trân châu liêm quyển câu’ nhìn vào trong phòng, chỉ thấy hoà thượng đó đang ngồi xếp bằng. Ngồi một lúc, lão đứng dậy, lấy từ trong mõ sắt ra hai ngón tay, ngây người ra nhìn một lúc rồi lại thò tay phải của lão ra so đi so lại với hai ngón tay kia. Thì ra tay phải của hắn chỉ còn lại ba ngón, ngón vô danh và ngón thứ ba dường như bị binh khí chặt đứt. Lúc đó, hắn lại lấy ra một chiếc túi nhỏ, rồi lôi ra một bức tượng nhỏ bằng đất sét, dung mạo bức tượng giống như của lão sư, cũng là bạch y bội kiếm, chỉ khác là sau lưng còn có hai cái gì đó giống như là hai cánh chim vậy. Chỉ thấy lão hoà thượng đó khi nhìn tượng lão sư thì nghiến răng kèn kẹt, có vẻ rất thù hận, lại không ngừng tát vào bức tượng và chửi mắng. Con không nhịn được trong lòng vô cùng tức giận, đang định tiến vào phòng chất vấn hắn xem hắn có oán thù gì với lão sư mà lại chửi mắng sau lưng người ta như thế? Nếu hắn không muốn nói lý lẽ thì con sẽ đánh đến cùng với hắn. Ai ngờ khi con đang định vào phòng thì dường như có người nào đó túm lưng con, con cứng đờ ra không làm gì được, bỗng thấy người đang lơ lửng trong không trung. Một lúc sau mới rơi xuống đất, nhìn quanh thì ra đang ở trong miếu Tam Quan gần đó, làm con kinh hãi quá. Con vốn giấu mẫu thân mà đi, con sợ lão nhân gia tỉnh dậy đi tìm con, nên định trở về xem thử. Về nhà thì thấy mẫu thân con không hề tỉnh giấc, chỉ thấy trên bàn có một tờ giấy chữ viết đẹp vô cùng.

    Trong tờ giấy viết: “Yến Nhi quả to gan, giấu mẹ đi làm chuyện nguy hiểm. Sáng sớm mai cấp tốc lên Nga My đem tin đến cho lão sư không được trì hoãn.”

    Con xem xong tờ giấy đó, suy nghĩ cẩn thận: “Con có lão mẫu ở nhà, không thích hợp để làm liều. Theo như khẩu khí người lưu lại tờ giấy đó thì nhất định là bản lĩnh hoà thượng rất cao cường, con tuyệt không phải là đối thủ của hắn. Người bỗng nhiên nhấc bổng con lên trên mái phòng khách đó có lẽ chính là người viết thư.” Nghĩ hết cả đêm, sáng hôm sau con liền nói cho mẫu thân biết. Mẫu thân kêu con cấp tốc thông tin cho lão sư. Hôm đó chính là ngày thi, con còn sợ Mã lão sư không cho con đi. Ai ngờ con vừa vào phòng học, chưa kịp mở mồm thì Mã lão sư đã kéo con ra chỗ vắng người, lệnh cho con truyền tin cho lão sư, lại còn cấp cho con ba lượng bạc làm lộ phí. Vừa mới đi được mười mấy dặm thì thấy hai người đang cãi nhau ầm ỹ. Con định thần nhìn kỹ, thì ra một người là hoà thượng kia, một người là một đạo nhân, làm con không nhịn được sợ hãi vô cùng. May là cách một quãng xa, bọn họ không chú ý đến con nên con bỏ đường lớn, đi theo đường núi đến đây. Không biết lão sư có biết lai lịch của tên hoà thượng đó không?”

    Mới hay
    Mai danh ẩn tích tưởng yên ổn
    Thù xưa nợ cũ nào chịu buông

    Muốn biết Chu Thuần trả lời thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

    Chú thích

    * Cước phu: Cửu vạn, phu khuân vác.

    ** Sấu thạch tê vân nghĩa đen là đá mòn mây đậu.

    *** Trong cái đẹp kiểu gì cũng có nhược điểm. Hay “không có gì là hoàn hảo”.

    + Hạc bay trên mây. Đây là tên hiệu, thường chỉ người khinh công giỏi.
    Hết hồi thứ hai
    ~*~*~*~*~*~*~*~*~

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Nếu phát hiện sai sót xin bạn đọc vui lòng đến sợi Báo lỗi trong Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện này để báo lỗi. Cảm ơn nhiều.
    Lần sửa cuối bởi BH mod, ngày 02-06-2008 lúc 06:02.

  4. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    nogania,quangtri1255,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định

    Hồi thứ ba
    Vân Trung Hạc thâm sơn thoại tiền nhân
    Đa Tí Hùng tiệt giang phùng hiệp sĩ

    Nguyên tác: Hoàn Châu Lâu Chủ
    Người dịch: damma
    Biên dịch: herobk13
    Biên tập: BH Mod

    www.tangthuvien.com

    Nơi núi cao, Vân Trung Hạc kể chuyện xưa
    Giữa sông lớn, Đa Tí Hùng* gặp hiệp sĩ

    ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*

    Lại nói, Chu Thuần nghe Yến Nhi kể xong, vô cùng kinh hãi nói: “Nguy hiểm quá! Nguy hiểm quá! Yến Nhi, gan con thật không nhỏ. Ta thường nói với con là trên giang hồ, những người tuyệt đối khó trêu nhất là hoà thượng, đạo nhân, khất cái và nữ nhân đi lại một mình. Khi gặp những người đó đi một mình thì cần phải cẩn thận lắm đó. May là có người chỉ điểm cho con, ngăn không cho con làm liều, nếu không thì cái mạng nhỏ của con đã xuống Uổng Tử thành rồi.”

    Lý Trữ thuận miệng hỏi: “Những lời lẽ trong thư ta cũng không hiểu. Đệ kết oán cừu với hoà thượng đó lúc nào? Sao còn chưa nói ra nghe thử?”

    Chu Thuần đáp: “Huynh đoán xem hoà thượng đó là ai? Hắn chính là người mười năm trước danh tiếng lẫy lừng Giang Nam, Đa Tí Hùng Mao Thái đó!”

    Lý Trữ nghe thế, không nhịn được giật nẩy mình kinh hãi: “Nếu là hắn thì quả thực không hay rồi.”

    Chu Thuần nói tiếp: “Ngày đó, đệ nhất thời cẩu thả, không trảm thảo trừ căn nên mới lưu lại mối hậu hoạ này. Tiếc là vừa mới tìm được chỗ an thân thì lại phải chạy trốn, thực là chán quá!”

    Lý Trữ chưa kịp nói gì thì Anh Quỳnh và Yến Nhi hai tiểu hải tử nghé non chưa biết sợ cọp lộ vẻ không phục. Yến Nhi không dám nói gì, còn Anh Quỳnh tức giận đến mặt mũi đỏ bừng thốt: “Thế thúc đã tự làm giảm uy phong của mình, tăng nhuệ khí của người quá rồi. Hắn chỉ có một mình, còn chúng ta giờ có tới bốn người ở đây. Chỉ sợ hắn không đến chứ việc gì phải chạy trốn?”

    Chu Thuần đáp: “Cháu gái ngoan làm sao biết được. Sự việc từ nhiều năm trước, cha cháu tuy biết việc này, nhưng chưa chắc đã hiểu rõ. Để ta kể lại chuyện năm đó cho các cháu là những hài tử nhỏ tuổi được tăng thêm phần lịch duyệt. Mười năm trước, ta và phụ thân cháu, Dương thúc phụ của cháu quả thực rất có thịnh danh ở năm tỉnh phía Bắc**. Kiếm pháp của cha cháu cao nhất, lại có thể sử dụng các loại ám khí, có thể phóng bắt dễ dàng, người giang hồ tặng cho ngoại hiệu là Thông Tí Thần Viên***. Dương thúc phụ của cháu sử một cây trường đao và một món Liên Tử phiêu+, người ta tặng cho ngoại hiệu là Thần Đao Dương Đạt. Lúc đó, ba chúng ta tình thân như cốt nhục, ở chung một chỗ luyện tập võ nghệ. Vi thúc vì thấy phụ thân cháu luyện tập khinh công, ta mới dụng tâm sử dụng lụa trắng làm ra hai cái cánh như cánh chim buộc vào hai tay. Dù là núi cao hàng trăm trượng, nhưng ta có thể dùng hai cánh lụa đó mượn sức gió mà bay lượn không hề trở ngại. Ta vì muốn làm anh hùng hiệp nghĩa, hành sự luôn quang minh chính đại, khi dạ hành cũng đều mặc quần áo trắng, vì thế người ta mới gọi ta bằng ngoại hiệu là Vân Trung Phi Hạc. Lại gọi ba chúng ta là Tề Lỗ Tam Anh. Ba anh em chúng ta chuyên hành hiệp trượng nghĩa. Năm đó, Trương, Lý++ tạo phản, ta có một hảo bằng hữu là một thương nhân muốn từ Thiểm Tây về Dương Châu. Vì đường xá không được yên bình nên mời ta hộ tống, đương nhiên là ta không thể từ chối. Ai ngờ trên đường đi lại nghe nói ở phương Nam xuất hiện một tên độc cước đại đạo tên là Đa Tí Hùng Mao Thái. Trong giới lục lâm có quy củ là nếu trên đường gặp món làm ăn, hoặc được nhận tiền rồi thì chỉ cần người chủ không chống cự, hoặc không có cừu oán thì tuyệt sẽ không giết người, gian dâm phụ nữ lại càng là đại kỵ. Ai ngờ tên Mao Thái đó tâm ngoan thủ lạt, bất kể đi đến đâu cũng giết sạch đến chó gà cũng không tha, nếu gặp nữ tử xinh đẹp thì tiền gian hậu sát. Ta nghe thấy chuyện đó vô cùng tức giận. Ai ngờ, khi đến phía bắc Nam Kinh, đang nghỉ ngơi ở khách điếm thì bỗng nhiên có một tấm danh thiếp gửi đến, trên đó không đề tên, chỉ vẽ một người hình dạng như gấu, có tới tám cánh tay. Ta biết là Mao Thái đã tới, không thể không gặp hắn, liền chuẩn bị binh khí tuỳ thân đầy đủ mời hắn tới, ta biết sẽ có nhiều phiền phức. Tới khi gặp mặt, thấy hắn quả nhiên thập phần hung ác, nhưng hắn không mang theo binh khí. Hắn đem lý do đến đây nói ra, thì ra là vì mộ danh ta nên muốn kết thành huynh đệ. Ta dù bất tài, nhưng làm sao có thể kết bái với loại dâm tặc đó? Ta bèn dùng lời lẽ uyển chuyển để cự tuyệt. Hắn cũng không kiên trì thuyết phục, chỉ nói vài câu khách khí mà người lục lâm thường nói rồi cáo từ. Ta lưu tâm nhìn cước bộ hắn, quả nhiên rất có công phu, nhưng vì tửu sắc quá độ nên có chút tinh thần yếu kém. Ta đưa hắn ra đến cửa, bỗng một cơn gió mạnh nổi lên làm một cánh cửa khách điếm bật tung ra. Hắn chừng như không hề để ý, đóng cửa lại. Ý tứ của hắn rõ ràng là muốn khoe khoang trước mặt ta. Ta cũng không muốn lằng nhằng với hắn, liền giả vờ không biết. Hắn còn cho rằng ta không biết, cố ý quay đầu lại nói với chủ quán: ‘Cửa quán của các ngươi không chắc chắn, đề phòng giặc cướp vào đó.’Vừa nói, tay hắn vừa lắc lắc cánh cửa. Chỉ thấy chỗ cánh cửa mà tay hắn cầm vào vụn gỗ lả tả rơi xuống, hiện ra dấu năm đầu ngón tay. Ta thấy hắn khoe khoang như vậy, thực không nhịn được. Khi tiễn hắn ra bên ngoài, bỗng nhiên ngẩng đầu nhìn lên mái nhà phía đối diện có hai hòn ngói bị gió thổi xộc xệch sắp rơi khỏi rìa mái. Ta liền nói với hắn: ‘Hai viên ngói kia sắp bị gió thổi rơi xuống rồi, nếu như có người đi qua bên dưới chẳng phải sẽ bị thương sao?’ Khi nói, ta dùng một hơi Hỗn Nguyên khí, phùng mồm thổi phù về phía hai viên ngói, làm hai viên ngói vỡ tan rơi xuống. Hắn mới tâm phục khẩu phục, nói với ta rằng: ‘Tề Lỗ Tam Anh quả nhiên danh bất hư truyền. Ngày sau gặp lại, mong ngài không quên những lời nghĩa khí đã nói hôm nay.’ Ta lúc đó tuyệt không lưu ý.”

    Lão lại nói tiếp: “Sau khi hắn đi, chúng ta thuê thuyền đi Dương Châu, mang hành lý và gia quyến lên thuyền. Thuyền của chúng ta là một thuyền lớn, có cả một quan viên đi nhậm chức. Đến canh ba, bỗng nhiên nghe thấy tiếng nữ tử khóc lóc thảm thiết. Vì lúc đó không được yên ổn nên kể cả khi ngủ ta cũng mang binh khí tuỳ thân. Ta lập tức rời khỏi khoang thuyền kiểm tra tỷ mỷ, thì ra tiếng khóc vang ra từ thuyền bên cạnh. Ta biết có việc phát sinh, nhất thời vì nghĩa khí bị kích động nên nhảy vọt qua, chỉ thấy trên thuyền có một người nằm lăn ra. Ta nhìn vào trong thuyền thì thấy Mao Thái tay cầm một thanh cương đao sáng loáng, trong khoang thuyền có một nữ tử xinh đẹp bị trói quặt tay ra sau, áo trên đã bị xé rách, sợ quá ngất đi rồi. Khi đó, hắn đang chuẩn bị xé quần áo của nàng ta, ta tức giận quá liền lấy ra một chiếc Kim phiêu phóng ra. Hắn vốn cũng có công phu, khi mũi phiêu bay đến sau gáy thì hắn lách người dùng tay bắt lấy, thổi tắt đèn rồi phóng mũi phiêu lại, người cũng nhảy vọt ra theo, đối địch với ta. Ta thi triển võ nghệ bình sinh cũng chỉ ngang tay với hắn. Ta vì sợ trên thuyền của mình không có ai bảo vệ, lại sợ hắn có dư đảng sẽ phát sinh sự cố nên sau khi đánh vài chục chiêu, ta liền dùng tuyệt chiêu Xuyên vân nã nguyệt đâm ra một kiếm. Hắn nhất thời không kịp phòng bị, bị chặt đứt hai ngón tay, đúng ra phải giết chết tên dâm tặc đó để trừ hậu hoạn mới là đạo lý. Hắn cũng biết không địch lại ta, lập tức ném đao đi nói: ‘Bằng hữu đã quên lời nói hôm nay rồi sao? Hôm nay ta đánh không lại ngươi, muốn giết thì cứ giết đi.’ Không hiểu sao ta nhất thời mềm lòng, tiếc cho một thân võ nghệ của hắn, lại nể mặt sư phụ hắn là Hoả Nhãn Kim Sư Đặng Minh, ban ngày hắn lại chào hỏi ta, nên ta không giết hắn mà bảo hắn lập trọng thệ từ nay sửa đổi rồi tha cho hắn đi. Hắn chưa giết một ai, chỉ điểm huyệt mọi người. Ta giải cứu cho mọi người rồi trở về thuyền của mình. Từ đó, hắn cắt tóc đi tu, bái Ngũ Đài Sơn Kim Thân La Hán Pháp Nguyên làm sư phụ, luyện thành môn phi kiếm, thân kiếm hợp nhất, có thể lấy đầu người khác ngoài mười dặm. Hắn lại nói rõ ràng là muốn báo thù cũ. Ta tự biết không dịch lại hắn, đành mang con gái Khinh Vân tránh đến Tứ Xuyên. Bọn ta võ nghệ tuy cũng được, nhưng làm sao đối địch với kiếm tiên được?”

    Trong lúc nói chuyện, bỗng nghe trên không trung có tiếng hạc kêu thánh thót vang lừng, mọi người nghe đến xuất thần, ngây người ra. Chu Thuần nghe thấy liền vội chạy ra ngoài, một lúc sau mới trở lại. Yến Nhi hỏi: “Vừa rồi có tiếng hạc kêu, tại sao lão sư lại vội vàng chạy ra ngoài thế?”

    Chu Thuần đáp: “Ngươi nên biết thạch động này là sơn động cao nhất của Nga My, mây mù thường bao phủ ở lưng chừng núi, những chim chóc bình thường quyết không lên đây được. Ta thấy tiếng hạc kêu bên trên đầu chúng ta, cảm thấy kỳ quái nên mới chạy ra xem. Ai ngờ tuyệt không thấy tung tích gì, quả thực kỳ quái.”

    Anh Quỳnh liền hỏi: “Cứ như Chu thế thúc nói, chẳng lẽ Mao Thái lợi hại như thế thì ngoài việc chạy trốn không còn biện pháp nào khác sao?”

    Chu Thuần đáp: “Hắn tuy kiếm thuật cao cường, nhưng tâm thuật bất chính, không thể luyện được tới mức đăng phong tạo cực. Những người mạnh như hắn trong số kiếm tiên rất nhiều, còn nếu nói đến sư phụ của con gái Khinh Vân ta là Hoàng Sơn Xan Hà đại sư thì hắn không phải là đối thủ. Chỉ vì Hoàng Sơn cách xa đây quá, nhất thời không thể đi tìm họ được.”

    Lý Trữ nói: “Hiền đệ trốn tránh hắn cũng không phải là biện pháp hay, mà phải nghĩ ra chủ ý gì đó mới được.”

    Chu Thuần đáp: “Ai nói đệ chưa từng nghĩ? Ý đệ muốn thương lượng với mẫu thân Yến Nhi, nhờ Mã Tương trông coi sớm tối, giữ Yến Nhi bên mình. Không chờ hắn đến ước hẹn đệ mà đệ sẽ đi tìm hắn, cùng hắn ước hẹn ngày đọ kiếm, dùng kế quyền nghi hoãn binh. Sau đó tìm Hoàng Sơn Xan Hà đại sư đối địch với hắn. Tuy có chút mất mặt, nhưng không còn cách nào.”

    Lý Trữ nghe xong, cũng tán thành ý kiến của lão, rồi cùng Chu Thuần ra trước cửa động. Chu Thuần nói: “Lần này đi không phải động võ, người nhiều ngược lại lại dễ hiểu nhầm. Lệnh ái mỗi ngày luyện công đang trong cảnh giới tiến bộ mau chóng, không thể lơ là. Nếu để nó ở trên núi một mình sẽ rất bất tiện. Đại ca không đi là hơn.”

    Mọi người thương lượng ổn thoả, Chu Thuần liền từ biệt cha con Lý Trữ, cùng Yến Nhi xuống núi.

    Lúc này đã cuối thu, đầu đông, gió thổi lồng lộng, lá thu rụng lả tả. Hai thầy trò vừa đi vừa nói chuyện, đi được nửa ngày đã đến chân núi Nga My. Bỗng nhiên thấy dưới chân núi có một đạo nhân chỉ mặc một chiếc áo mỏng, vô cùng lam lũ, bên cạnh có một chiếc hồ lô lớn đỏ rực để chỏng chơ. Đạo nhân đó uống rượu say mềm, đang ngủ như chết. Yến Nhi nói: “Lão sư, người xem đạo nhân đó, bần cùng đến thế mà còn tham uống rượu. Thật đúng là một tên tửu quỷ!”

    Chu Thuần gắt: “Tiểu hài tử ngươi thì biết gì! Đất đai thần châu tốt đẹp của chúng ta đã rơi vào tay người Hồ nên rất nhiều người có chí khí, không chịu khuất thân đều mai một trong phong trần như thế đó. Ông ta phong trần, lạc lõng như thế, biết đâu chừng là người như chúng ta. Tiết trời lạnh lẽo thế này, ông ta lại say rượu nằm trên đất, khó tránh phong hàn. Chúng ta đã đi nửa ngày rồi, bụng cũng đã đói. Để ta gọi ông ta dậy cùng ăn chút cơm rồi tặng ông ta chút ngân lượng, kết chút duyên hương hoả.”

    Nói xong, liền đi nhanh đến bên cạnh đạo nhân, nhẹ nhàng gọi hai tiếng: “Đạo gia, mau tỉnh dậy.”

    Lại lay lay người lão hai lần. Nhưng đạo nhân đó vẫn ngáy như sấm, gọi mãi không tỉnh. Chu Thuần tuy thấy đạo nhân đó mặt mũi tiều tuỵ phong trần, tay đầy đất cát bẩn thỉu, nhưng hai bàn tay người đó lại trắng trẻo tinh oanh như ngọc, biết lão không phải là người bình thường. Nhưng vì phải gấp cùng Yến Nhi về nhà, lại thấy lay gọi mãi mà lão không tỉnh liền lấy từ trong bao hành lý ra một chiếc áo bào còn tốt đắp lên mình cho lão. Trước khi đi còn lay người lão vài lần nhưng lão vẫn không tỉnh. Hai thầy trò chỉ còn cách vào quán cơm gần đó ăn chút cơm rồi lại vội vã lên đường.

    Đến chỗ vắng người, hai thầy trò liền thi triển Lục địa phi hành chạy về mỏm Ô Nha, sau hai canh giờ đã không còn cách thôn nhà là mấy. Chu Thuần biết mẫu thân Yến Nhi rất hiền lành, nếu cứ thế này mà về thì tất bà ta sẽ đặc biệt khoản đãi. Lão không muốn làm phiền bà ta, định ăn uống xong rồi mới về, liền cùng Yến Nhi vào một gian phạn điếm dùng cơm tối. Quán cơm đó tên là Tri Vị lâu, mới mở chưa lâu, nấu nướng rất có phương pháp nên khách khứa đến ăn uống rất đông. Hai thầy trò nóng lòng muốn về sớm nên không để ý đến thực khách xung quanh, để mặc tửu bảo dẫn vào chỗ ngồi. Bỗng nhiên Yến Nhi nhìn thấy gì đó rất quen mắt, giật mình kinh hãi vội kéo Chu Thuần đến xem.

    Thế mới biết
    Khinh thân bay nhảy tưởng đã giỏi
    Cưỡi gió đạp mây càng tài hơn

    Muốn biết tiếp theo thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

    Chú thích

    * Đa Tí Hùng: Gấu nhiều tay.

    ** Chỉ Bắc Bình, Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Nam và Thiểm Tây.

    *** Vượn thần tay vô cùng linh hoạt.

    + Phiêu nghĩa là phi tiêu. Liên tử phiêu là một loại vũ khí có thể phóng ra như ám khí nhưng lại có dây xích gắn vào. Phi xong có thể lấy lại phi tiếp.

    ++ Trương Hiến Trung và Lý Tự Thành.
    Hết hồi thứ ba
    ~*~*~*~*~*~*~*~*~

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Nếu phát hiện sai sót xin bạn đọc vui lòng đến sợi Báo lỗi trong Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện này để báo lỗi. Cảm ơn nhiều.
    Lần sửa cuối bởi BH mod, ngày 02-06-2008 lúc 06:02.

  6. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    quangtri1255,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Bài viết
    433
    Xu
    50

    Mặc định

    Hồi thứ tư
    Kiến thủ thần long Túy đạo nhân huy kim túng ẩm
    Li sào cô sồ Triệu Yến Nhi biệt mẫu tòng sư

    Nguyên tác: Hoàn Châu Lâu Chủ
    Người dịch: damma
    Biên dịch: herobk13
    Biên tập: BH Mod

    www.tangthuvien.com

    Gặp gỡ Thần long, Tuý đạo nhân vung tiền thống ẩm
    Chim non rời ổ, Triệu Yến Nhi rời mẹ tòng sư

    ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*

    Lại nói, sư đồ hai người Chu Thuần vào Tri Vị lâu dùng cơm, bỗng nhiên nhìn thấy một thứ để trên quầy chưởng quỹ như đập vào mắt. Nhìn kỹ lại thì ra là chiếc hồ lô đỏ của đạo nhân say rượu họ đã gặp dưới chân núi Nga My. Hai người nhìn quanh không thấy bóng dáng lão đạo nhân đó đâu cả. Hai người cho rằng vật giống nhau trên thiên hạ rất nhiều, chắc cũng là một việc ngẫu nhiên, liền ngồi xuống bàn gọi cơm rượu, ăn uống thoả thích.

    Một lúc sau, Chu Thuần càng nghĩ càng thấy kỳ quái, liền gọi tửu bảo lại hỏi: “Chiếc hồ lô đỏ để trên quầy chưởng quỹ kia dùng để đựng rượu mang theo rất tiện, các ngươi có bán không?”

    Tửu bảo đáp: “Chiếc hồ lô mà hai vị khách quan hỏi tới tuyệt không phải là của nhà hàng chúng tôi. Năm ngày trước, một vị đạo gia nghèo khổ, ăn mặc vô cùng lam lũ, sau lưng đeo chiếc hồ lô này tới quán. Lão tuy bề ngoài bần cùng, nhưng tửu lượng cực cao, mỗi ngày đến quán của chúng tôi đều uống liền một lúc mười cân, không say không thôi, đã say liền ngủ, tỉnh dậy lại uống tiếp. Lúc đầu, chúng tôi thấy ông ta có vẻ nghèo khổ, còn nghi ngờ ông ta ăn quỵt uống chịu, ăn uống xong sẽ bán cái đó đi để trả tiền. Sau khi ông ta ăn uống xong, không hề trả thiếu một xu, khi đi còn lấy đầy một hồ lô đó rượu mang theo. Mỗi ngày ít nhất cũng có thể bán cho ông ta năm, sáu mươi cân rượu, ông ta trở thành một trong những vị khách quan trọng của quán chúng tôi. Ông ta uống xong chỉ ngủ, ngoại trừ việc gọi thêm rượu thì không bao giờ nói lung tung, quả là một vị tiên tửu. Vì thế, chúng tôi rất kính trọng ông ta. Sớm hôm nay, sau khi uống rượu ở quán của chúng tôi, theo lệ thường ông ta lại mang theo một hồ lô rượu đi. Sau khi đi hai, ba canh giờ thì quay lại, trên tay cầm một chiếc áo bào bình thường của tục gia. Ông ta lại uống gần một canh giờ nữa. Lần này khi đi, ông ta nói vì chưa trả tiền nên để chiếc hồ lô đó lại làm tin, lại nói không đến hai canh giờ nữa sẽ có người đến thanh toán thay cho ông ta. Bọn ta vì thấy năm, sáu hôm nay ông ta đã mua của chúng ta tới hai, ba trăm cân rượu. Bình thường, mỗi tháng quán của chúng tôi cũng chỉ bán không hơn số đó là mấy nên tình nguyện tin tưởng, không dám nhận cái gì của ông ta làm tin nhưng ông ta cứ cố chấp không nghe. Ông ta nói bình sinh chưa từng nhận không của người ta cái gì, ông ta chỉ nhất thời quên mang theo tiền, sẽ có người khác trả tiền thay cho ông ta. Cái hồ lô đó coi như là vật làm tin. Bọn ta không nài ép được, chỉ còn cách tạm thời giữ nó. Khách quan tuy thích cái hồ lô đó, nhưng quán chúng tôi không thể bán nó thay ông ta, lại cũng không biết mua cái đó ở đâu cho ông được.”

    Chu Thuần vừa nghe vừa lộ vẻ trầm tư. Lão nói với tửu bảo: “Vị đạo gia đó thiếu của các ngươi tất cả bao nhiêu tiền cứ tính hết vào phần của ta được không?”

    Tửu bảo nghi ngờ Chu Thuần vì thích cái hồ lô đó nên mới nói thế để lấy hồ lô, bèn đáp: “Vị đạo gia đó là khách quen của quán chúng tôi, ông ta sẽ không nợ tiền đâu. Khách quan không cần phí tâm nữa.”

    Yến Nhi đang định nói gì đó thì Chu Thuần vội đưa mắt ra hiệu không để gã nói. Lão hiểu dụng ý của tửu bảo, liềp tiếp: “Ngươi không cần đa nghi. Vị đạo gia đó nguyên là bằng hữu của ta, ta đã đáp ứng sẽ trả tiền rượu cho ông ta. Chiếc hồ lô đó vẫn giao cho các ngươi bảo quản, không phải chính ông ta thì đừng có giao cho người khác.”

    Tửu bảo nghe xong lời Chu Thuần mới biết đã hiểu nhầm ý lão. Hắn vốn cho rằng đạo gia nghèo khổ đó không thể trả được số tiền đó, nhưng vì ông ta mua rất nhiều của quán mình nên dù không muốn cũng phải bán chịu cho ông ta. Hắn lại sợ người khác mang hồ lô đi rồi, đạo nhân trở lại điêu ngoa xảo trá thì không thể đối phó được. Giờ thấy Chu Thuần khẳng khái như thế, tự nhiên là rất thoải mái. Hắn liền tính hết tiền vào phần của sư đồ bọn họ, tổng cộng là hai lượng một đồng cân năm phân bạc.

    Chu Thuần thanh toán hết tiền rượu, lại thưởng cho tửu bảo rồi cùng Yến Nhi về nhà gã. Yến Nhi đang định hỏi lai lịch đạo nhân đó thì Chu Thuần bảo gã đừng có nói nhiều, chỉ giục đi mau. Không bao lâu sau đã đến cửa nhà Yến Nhi. Mẹ của Yến Nhi là Triệu lão thái thái đang đứng ngoài cửa trông ngóng. Yến Nhi gặp lại mẫu thân liền rời Chu Thuần ào vào lòng mẫu thân. Chu Thuần thấy thế không ngớt gật đầu. Triệu lão thái vừa ôm Yến Nhi vừa mời Chu Thuần vào nhà. Nhà họ tuy chỉ là ba gian nhà đất nhưng rất ngăn nắp sạch sẽ. Trước cửa nhà là một chiếc khung cửi, trên đó có một tấm vải đang dệt dở dang, bên cạnh để một chiếc áo bào bằng vải bông nhăn nhúm. Bên cạnh còn có một bao nhỏ gì đó, giống như là bao đựng tiền.

    Yến Nhi liền hỏi: “Lão sư người xem, đây chẳng phải là chiếc áo bào vải bông mà người đã tặng cho đạo gia nghèo khó đó sao. Tại sao nó lại ở trong nhà con được?”

    Triệu mẫu liền nói: “Vừa nãy có một vị đạo gia đến, nói Chu tiên sinh và Yến Nhi còn đang la cà trên đường, vì mang theo nhiều tiền nên phiền phức bất tiện, mới nhờ ông ta mang về đưa cho ta trước. Lão thân biết rõ Chu tiên sinh võ công siêu quần, Yến Nhi cũng không yếu ớt, làm gì có chuyện ngại phiền phức bất tiện như thế? Nên ta không nhận. Đạo gia đó liền đem áo bào của Chu tiên sinh ra làm chứng. Chiếc áo bào này là do tự tay lão thân làm ra, đường kim mũi chỉ vẫn còn có thể nhận ra được. Tuy ta miễn cưỡng nhận lấy, nhưng vẫn còn hoài nghi. Nghe đạo gia đó nói một lát nữa tiên sinh sẽ đến nên ta mới ra trước cửa nhìn ngóng. Quả nhiên không lâu sau thì tiên sinh đã về tới.”

    Chu Thuần nghe xong lời Triệu mẫu liền mở bao tiền ra xem, thấy có tới hơn ba trăm lượng. Trong bao còn có một tờ giấy đỏ viết tám chữ như rồng bay phượng múa “Tuý đạo nhân tặng tiết phụ hiếu tử”*.

    Chu Thuần liền hỏi Yến Nhi: “Thế nào? Ta đã nói trong thiên hạ này rất nhiều dị nhân. Ngươi tưởng cước trình của chúng ta đã mau lẹ lắm rồi, nhưng vị đạo gia đó trong một thời gian ngắn đã đi hơn hai trăm dặm đường chỉ như trò đùa của con trẻ. Võ công của vị đạo gia đó cao hơn chúng ta không chỉ mười lần mà thôi đâu. May là dưới chân núi Nga My chúng ta chưa từng khinh nhờn ông ta.”

    Triệu mẫu vội hỏi nguồn cơn, Chu Thuần liền đem chuyện dưới chân núi Nga My gặp đạo nhân đó, rồi ở tửu điếm trả tiền rượu cho ông ta kể ra. Lão cũng nói ý muốn đem theo Yến Nhi đi cùng, khuyên Triệu mẫu cứ thu dùng số tiền đó, dứt khoát không có vấn đề gì.

    Triệu mẫu nói: “Hàn gia tuy chỉ có một giọt máu duy nhất là Yến Nhi, nhưng nếu không gặp được tiên sinh thì mẹ con ta đã chết đói rồi. Hơn nữa, nó tuy có chút thông minh, nhưng nếu không gặp danh sư thì cũng uổng phí. Tiên sinh văn võ toàn tài, chịu mang nó đi theo tăng phần lịch duyệt thật không gì tốt bằng.”

    Chu Thuần cảm ơn Triệu mẫu.

    Đến chiều, Chu Thuần lại đi gặp Mã Tương, dặn dò kỹ càng. Hôm sau, lão mới lên đường đến Thành Đô. Đầu tiên, lão đặc biệt ghé qua tửu điếm đó tìm Tuý đạo nhân, định kết giao với vị phong trần kỳ sỹ đó. Ai ngờ chẳng thấy đạo nhân lẫn chiếc hồ lô đó đâu.
    Lão tìm tên tửu bảo hôm trước đến hỏi, tửu bảo đáp: “Hôm qua, đạo nhân đó quay lại. Dường như có chuyện gì đó vội vã nên lấy chiếc hồ lô rồi đi luôn. Chúng tôi nói với ông ta việc khách quan đã trả tiền rượu cho ông ta rồi, ông ta nói đã sớm biết chuyện đó, lại còn dặn tôi nói với khách quan rằng đến Thành Đô gặp lại. Nói xong liền bỏ đi. Tại hạ chạy ra định hỏi thêm thì đã không thấy tung tích ông ta đâu nữa.”

    Chu Thuần thầm biết Tuý đạo nhân đã đi rồi, không thể tìm ông ta được, có chút không vui. Nhưng không còn cách nào khác, bèn cùng với Yến Nhi lên đường tới Thành Đô.


    Đi được mấy ngày, bỗng hai thầy trò đến một địa phương tên là Tam Xóa khẩu**. Nếu đi về phía tây nam thì sẽ là đường lớn đến Thành Đô. Phía chính tây có một con đường mòn nhỏ cũng thông tới Thành Đô, ngắn hơn đường lớn tới gần hai trăm dặm, chỉ là phải vượt qua rất nhiều núi non, không tiện đi lại. Chu Thuần vì nghe nói trong vùng rừng núi đó có rất nhiều kỳ cảnh, một là phải đến Thành Đô, hai là muốn du sơn ngoạn cảnh, liền cùng Yến Nhi đi theo đường nhỏ.

    Đi được nửa ngày đã vào tới đường dẫn lên một ngọn núi. Ngọn núi này tên là Vân Linh sơn, cổ thụ chọc trời, quái thạch cao chót vót, rất nhiều cảnh lạ. Hai thầy trò đi một lúc, cảm thấy khát nước bèn đi tìm một con suối. Vừa may bên đường có một dòng suối nhỏ, nước suối thanh khiết, cá lội tung tăng. Lão bèn cùng Yến Nhi dừng lại bên bờ, lấy ra chiếc bát gỗ múc một bát nước suối lên uống. Lúc này mặt trời đã lặn sau núi, hai thầy trò sợ không có chỗ nghỉ chân liền vội vàng nhanh chân bước, tiến mau về phía trước.

    Đang đi, bỗng nghe thấy tiếng hạc kêu thánh thót. Chu Thuần nói: “Ngày hôm trước, ở Nga My sơn đã nghe thấy liền hai tiếng hạc kêu, hôm nay là lần thứ ba rồi.”

    Nói xong, lão ngửa mặt nhìn trời, chỉ thấy trời không một gợn mây, không hề thấy tung tích hạc đâu. Yến Nhi bỗng kêu lớn: “Lão sư. Ở kia kìa.”

    Chu Thuần vội nhìn theo, thấy bên đường có một khối đá rất to, trên có một con tiên hạc cực lớn đang đứng, mào đỏ tươi, toàn thân nó trắng toát không hề có một chiếc lông tạp, con ngươi vàng rực, mỏ như thép nguội, móng vuốt như làm bằng đồng thau, cao đến tám, chín thước đang đứng rỉa lông rỉa cánh.
    Chu Thuần nói: “Tiên hạc to thế này thật không mấy khi được thấy.”

    Đang nói, bỗng thấy bên cạnh khối đá trườn ra một con thanh xà dài bảy tám thước. Con hạc nhìn thấy thanh xà vội dùng mỏ mổ. Ngờ đâu thanh xà trườn rất nhanh, khi mỏ hạc mổ tới nơi thì đã chui tọt vào trong thạch động không thấy đâu nữa. Mỏ sắt mổ xuống, làm đá núi vỡ vụn, tia lửa bắn tung toé. Con hạc bỗng nhiên tức giận, mỏ mổ chân đạp làm cả một khối đá rộng tới sáu, bảy thước vỡ vụn. Con rắn thấy không ẩn nấp được nữa, bèn chạy ra ngoài. Vừa mới thò đầu ra liền bị con hạc mổ trúng, giữ chặt lại. Con rắn cuộn mình, thân hình dài bảy tám xích quấn chặt lấy chân con hạc không buông. Con hạc không hề hoảng sợ, mổ mạnh một phát làm đầu rắn đứt đoạn, rồi lại dùng mỏ dài nhẹ nhàng mổ liên tục vào thân rắn ở giữa hai chân làm thân rắn đứt thành bảy tám chục mảnh. Nó lại mổ mấy phát nữa, đã nuốt hết con rắn vào trong bụng. Khẽ xù lông rũ cánh, kêu lên thánh thót một tiếng rồi vọt lên không trung. Chớp mắt đã biến mất vào trong mây.

    Lúc này trời đã mờ tối, sương khói kéo lên mù mịt. Chu Thuần vội giục Yến Nhi lên đường. Đi được ba dặm đường, trời đã tối mịt. May là bên đường có một nhà dân, liền đến gõ cửa xin tá túc. Gõ cửa hồi lâu mới thấy bên trong có người hỏi vọng ra: “Các vị từ đâu đến?”

    Chu Thuần nói rõ nguồn cơn. Người kia nói tiếp: “Ta hiện giờ sắp chết đến nơi rồi, chỗ này vạn phần nguy hiểm. Khách quan nếu muốn tá túc thì đi về phía tây nam khoảng năm dặm sẽ có một toà mao am***, trụ trì là Bạch Vân đại sư, các vị có thể xin bà ta tá túc một đêm. Nếu bà ta đồng ý thì có thể tránh được nguy hiểm.”

    Nói xong thì im luôn, không thấy tăm hơi gì nữa. Chu Thuần sinh lòng hiếu kỳ liền bảo Yến Nhi đợi bên ngoài, nói: “Nếu ta chưa ra thì con không được đi đâu.”Nói rồi tung mình vượt qua tường mà vào.

    Lúc này trăng đã nhô lên, dưới ánh trăng cảnh sắc trong viện rõ như tranh vẽ. Chu Thuần cẩn thận nhìn kỹ một lượt, chỉ thấy trên giường trong viện có một người nằm. Người đó thấy Chu Thuần vào liền hỏi: “Tại sao ngươi lại không nghe lời ta? Ngươi mau tránh xa ra đừng có lại gần ta nếu không sẽ rất bất lợi cho ngươi đó.”

    Chu Thuần đáp: “Tứ hải giai huynh đệ. Ngươi có nỗi khổ gì, chỗ này có gì nguy hiểm, tại sao ngươi không nói ra xem, ta sẽ giúp ngươi một tay. Tại sao ngươi không ngồi dậy?”

    Người kia đáp: “Ngươi còn không mau đi! Ta đã bị trúng yêu độc, lại gần ta ba thước là sẽ bị truyền nhiễm độc ngay. Ta trốn tránh ở đây đã ba ngày rồi, bụng rất đói. Nếu ngươi có lương khô, hãy cho ta một ít. Con yêu tinh đó sớm muộn gì cũng sẽ tìm đến, ta thì không cần phải nói, đến ngươi cũng khó mà giữ mạng được. Nếu ngươi có thể đi mau đến chỗ Bạch Vân đại sư thì may ra có thể giúp ta được việc. Việc của ta, ngươi chỉ cần nói với ông ta tình hình ở đây là xong.”

    Nói đến đây, người đó mệt mỏi quá không chịu nổi lại thiêp thiếp ngủ đi. Chỉ thấy trên tay người đó nổi lên những vết đỏ rực vô cùng rõ ràng.

    Chu Thuần thầm nghĩ chỗ này không phải là đất lành, liền ném một ít lương khô cho người kia rồi lập tức tung mình nhảy ra ngoài. Khi lão gọi Yến Nhi, bỗng phát giác không thấy gã đâu.

    Thật là
    Rừng thiêng nước độc nhiều yêu quái
    Thâm sơn cùng cốc lắm tà ma.


    Muốn biết về sau thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

    Chú thích

    * Túy đạo nhân tặng mẹ hiền con thảo.

    ** Tam Xoá khẩu có nghĩa là chỗ giao của ba con đường.

    *** Am lợp bằng cỏ tranh.

    Hết hồi thứ tư
    ~*~*~*~*~*~*~*~*~

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Nếu phát hiện sai sót xin bạn đọc vui lòng đến sợi Báo lỗi trong Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện này để báo lỗi. Cảm ơn nhiều.
    Lần sửa cuối bởi BH mod, ngày 08-07-2008 lúc 05:48.

  8. Bài viết được 1 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    quangtri1255,
  9. #5
    Ngày tham gia
    Apr 2008
    Bài viết
    134
    Xu
    410

    Mặc định

    Hồi thứ năm
    Hạc vũ không sơn hiệp khách kinh xà quái
    Vân mê Thục lĩnh hiếu tử bái tiên sư

    Nguyên tác: Hoàn Châu Lâu Chủ
    Người dịch: damma
    Biên dịch: herobk13
    Biên tập: BH Mod

    www.tangthuvien.com

    Núi cao hạc múa, hiệp khách gặp quái xà
    Thục lĩnh mây vờn, hiếu tử bái sư phụ

    ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*


    Lại nói, Chu Thuần nghe người kia nói xong liền chạy ra ngoài nhìn quanh, bỗng không thấy Yến Nhi đâu nữa. Lão kinh hãi vô cùng. Lúc đầu, lão còn nghĩ gã ra chỗ nào gần đó nghỉ ngơi chờ đợi, ai ngờ kêu gọi ầm ĩ bốn phía mà vẫn không thấy bóng dáng gã, lão lo đến mức toàn thân toát mồ hôi hột. Lão lại không dám rời khỏi chỗ này vì sợ nếu Yến Nhi đi đâu đó rồi trở lại không tìm thấy lão. Đang lúc bồn chồn không chịu nổi, lão bỗng nghe thấy trong nhà có tiếng người vo ve vọng ra hỏi: “Ngươi vẫn chưa đi sao?”

    Chu Thuần đáp: “Khi nãy ta một mình vào gặp ngươi. Bên ngoài ta còn có một người đồng bọn, giờ không biết gã đi đâu mất rồi. Y phục, hành trang gã đều mang theo. Có lẽ nào chính là yêu quái mà ngươi nói đã đến ăn thịt nó chăng?”

    Người kia đáp: “Con yêu quái đó thuộc âm, nếu chưa đến canh ba thì nó chưa xuất hiện. Đồng bọn của ngươi mất tích lúc nãy tuyệt không phải là do con yêu đó làm hại đâu. Ngươi mau đến chỗ Bạch Vân đại sư, cầu xin đại sư bói cho một quẻ thì sẽ biết nơi hạ lạc của gã. Ngươi không nên tự đi tìm, trời không còn sớm nữa, mau đi đi.”

    Chu Thuần không còn cách nào khác, đành theo như lời người kia đi về phía trước. Mới đi được chừng năm dặm, bỗng thấy sau lưng gió nổi ào ào, mùi tanh xộc vào mũi. Chu Thuần biết là bất diệu, vội ra sức chạy như bay về phía trước. Khi lão chạy gần tới một toà am thì tiếng gió đằng sau ngừng bặt. Chu Thuần quay đầu lại nhìn, chỉ thấy trong một đám mây đen cuồn cuộn thấp thoáng có hai ngọn đèn đỏ đang chạy tới.

    Dưới ánh trăng sáng, lão nhìn rất rõ ràng, không ngăn được toàn thân toát mồ hôi lạnh. Lão quay lại nhìn toà mao am, thấy không lớn lắm, trước cửa có hai cây liễu tha thướt, dưới ánh trăng bóng liễu rủ âm trầm, vô cùng u tĩnh. Trong am, tiếng niệm Phật liên thanh bất tuyệt, biết người chủ am này đang niệm khoá kinh khuya. Lão nhẹ nhàng gõ cửa hai tiếng, liền có tiếng một tiểu nữ hài trả lời: “Đây là am ni cô, khách quan nếu muốn tá túc qua đêm thì nên đi về phía trước.”

    Chu Thuần đáp: “Tại hạ trên đường gặp nạn nên mới chạy đến đây nương nhờ Bạch Vân đại sư.”

    Nói chưa dứt lời, cửa đã mở ra, xuất hiện một nữ ni nhỏ tuổi, niên kỷ khoảng mười ba, mười bốn, dung mạo vô cùng xinh đẹp. Thấy Chu Thuần, tiểu nữ ni nói: “Đại sư đang tụng khoá kinh khuya, mời ông đến Phật đường đợi một lát.”

    Chu Thuần liền theo sau nàng ta tiến vào trong Phật đường ngồi xuống. Tiểu nữ ni lại mang ra một bát trà và mấy chiếc bánh chay mời Chu Thuần dùng rồi đi vào trong, một lúc lâu không thấy trở lại.

    Chu Thuần đang chờ đợi đến phát phiền não, bỗng thấy trước mặt thanh quang loé lên, nhanh như chớp phóng vọt vào hậu viện. Lòng hiếu kỳ bừng lên, Chu Thuần nhẹ nhàng mò mẫm tiến vào hậu viện. Sắp tới chỗ cửa sổ, bỗng lão nghe thấy tiếng hai người đang nói chuyện, chừng như là một nam một nữ. Lão tập trung lắng nghe, thấy người nữ hỏi: “Đêm khuya thế này rồi, nhị sư huynh còn đến có việc gì chỉ giáo?”

    Người nam đáp: “Ta vừa đi qua Vân Linh sơn, thấy yêu khí xung thiên, đang định điều tra xem rốt cuộc là gì thì bỗng thấy dưới mái tranh của ngôi nhà bên đường có một tiểu đồng đang đứng. Ta thấy yêu khí chỉ cách tiểu đồng đó khoảng chừng mười trượng, lại thấy tiểu đồng đó căn cơ thâm hậu, không nhẫn tâm nhìn thấy nó bị độc thủ, bèn ôm nó lên, trước tiên là chạy thoát khỏi hiểm địa, sau đó xuất kiếm đuổi yêu vật đi. Sau đó, ta hỏi lai lịch của nó mới biết thì ra là đồ đệ của Chu Thuần trong Tề Lỗ Tam Anh. Ta thấy đứa nhỏ đó trời sinh có tiên cốt, là một hiệp khách trong trần thế, không thể bỏ rơi nó, bèn thu nó làm đồ đệ, kêu Bạch nhi mang nó về chỗ ta ở trong núi. Khi đi, nó nói sợ sư phụ, lão mẫu không yên tâm, ta đáp ứng nó sẽ truyền tin, đi tìm người họ Chu đó. Ai ngờ trong lúc vô ý, ta cũng cứu được môn đồ của thất sư đệ, tên là Thi Lâm. Hắn cũng bị trúng yêu độc, đang nằm dài chờ chết. Ta cứu hắn rồi đưa hắn về núi mới biết người họ Chu đó đã đến đây tìm ngươi rồi. Khi ta vừa mới vào thấy có có một người ngồi trong Phật đường, chắc là người đó.”

    Người nữ đáp: “Vừa rồi, Tử Quyên đến báo có một người họ Chu chạy đến chỗ này. Ta đang định ra gặp hắn thì sư huynh đến nên vẫn chưa gặp.”

    Người nam lại nói: “Con yêu quái vừa rồi xem ra mười phần lợi hại. Huyền Anh kiếm của ta mà chỉ bức nó bỏ chạy, không hề làm nó bị thương chút nào. Ta vì chưa biết căn nguyên nguồn cội nên chưa dám làm gì thêm. Ngươi ở đây, tại sao lại dung cho nó làm ác như thế?”

    Người nữ đáp: “Ta vì con yêu đó thật đã phí hết tâm lực, khó nhọc lắm mới tìm được vật có thể chế phục được nó, nhưng còn phải nhịn vì thiếu người trợ giúp. Sư huynh giá lâm thật là tốt quá.”

    Nói xong, người nữ liền hướng ra cửa sổ hỏi: “Chu tráng sỹ từ xa đến đây, tại sao không vào nói chuyện, chỉ dựa tường mà nghe thế?”

    Chu Thuần đang nghe đến xuất thần, bị người trong phòng hỏi thế, bất chợt mặt mũi đỏ bừng, đành phải đi vào phòng. Lão thấy trên bồ đoàn có một nữ ni đang ngồi, tuổi chừng bốn, năm mươi. Vị trí thủ tịch có một đạo nhân đang ngồi, râu rồng đầy mặt, hai mắt tinh quang sáng rực. Biết không phải là nhân vật tầm thường, lão bất chợt cúi đầu bái lạy.

    Tăng, đạo hai người vội đỡ lão dậy, miệng nói “không dám”.
    Chu Thuần ngồi xuống một bên, nữ ni liền hỏi: “Những lời chúng ta nói vừa rồi chắc ông cũng nghe thấy. Đây là sư huynh của ta, tên là Nhiêm Tiên* Lý Nguyên Hoá. Ta tên là Nguyên Nguyên, người ta thường gọi là Bạch Vân đại sư. Cao đồ của ông được Nhiêm sư huynh thu làm môn hạ, không biết tráng sỹ có thể thuận cho không?”

    Chu Thuần đáp: “Nó tuổi còn rất nhỏ, có thể được hưởng uy danh của các vị tiền bối kiếm tiên thực là tam sinh hữu hạnh**. Chính vì nó thiên tư thông minh, đệ tử lại tài học thấp kém nên chỉ sợ làm cản trở tiền đồ của nó. Hôm nay được gặp tiên duyên, làm sao lại không tình nguyện. Chỉ là lúc nãy, đệ tử có gặp một người bị trúng yêu độc, sắp mất mạng đến nơi, mong hai vị đại tiên thương xót mà giải cứu cho.”

    Nhiêm đạo nhân đáp: “Người đó tên Thi Lâm, là sư điệt của ta. Lúc nãy ta vừa đi qua đã cứu nó về núi rồi.”

    Chu Thuần luôn miệng bái tạ. Bạch Vân đại sư nói: “Sư huynh đến rất đúng lúc, việc không nên chậm trễ, khi trời hửng sáng hãy theo ta đi chém yêu quái.”

    Nhiêm đạo nhân hỏi: “Yêu quái đó là vật ở đâu mà lợi hại thế?”

    Bạch Vân đại sư đáp: “Núi này xưa vốn không gọi là Vân Linh sơn. Vì trong núi có một con xà yêu, mỗi sáng sớm hoặc đêm khuya nó đều thở ra sương độc kết thành một áng mây mù, khi ánh tịch dương chiếu tới lại trở thành kỳ cảnh của núi này. Người ta thấy núi này có áng mây rực rỡ kỳ lạ đó vô cùng đẹp mắt hơn trăm năm nay nên mới gọi là Vân Linh sơn. Con yêu đó hồi trước chỉ ở trên đỉnh núi nhả mây phun sương, tuyệt chưa từng hại người. Ai ngờ ba năm gần đây tình hình đại biến. Từ giờ Thìn đến giờ Dậu thì nó tu luyện trong động, người qua đường vào lúc đó sẽ không gặp chuyện gì. Nếu không thì trong mười người, thoát được độc thủ của nó chẳng đến một hai. Trong ba năm nay, ta và nó đánh đi đánh lại cũng chưa từng đả thương được nó chút nào. Nó cũng biết ta lợi hại nên khi đến gần am của ta là tự chạy về. Lúc nãy, ta nghe thấy tiếng gió biết là con yêu đó đang tới. Sau đó lại không thấy động tĩnh gì nữa, rồi nghe thấy tráng sỹ gõ cửa.”

    Lúc này Chu Thuần mới biết nguyên nhân tại sao con yêu đó lúc nãy không đuổi theo mình nữa. Bạch Vân đại sư lại tiếp: “Vật nào cũng có khắc tinh. Ta biết con yêu này rất sợ ngô công***. Lâu nay nghe nói chỗ Hoàng Sơn Xan Hà đại sư có dị vật đó nên kêu Tử Quyên đến đó mượn dùng. Lúc đầu đại sư không đồng ý, nói con Ngô công đó là bảo vật trấn động của bà ta. Sau đó, tự thân ta đến, tối hôm qua đã mượn được rồi. Vừa lúc tráng sỹ cùng sư huynh đến đây, ta nghĩ ngày mà con yêu đó bị tru diệt không còn xa nữa.”

    Than ôi...

    Yêu ma quỷ quái gây phiền nhiễu
    Thần tiên hiệp sĩ quyết lập công.

    Muốn biết xà yêu có bị tru diệt hay không, mời xem hồi sau sẽ rõ.

    Chú thích

    * Vị tiên râu tốt.

    ** Nhà Phật có nói đến kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Tam sinh là chỉ ba kiếp đó. Nghĩa câu thành ngữ này là ba kiếp đều may mắn hay vô cùng may mắn.

    *** Ngô công nghĩa là con rết.

    Hết hồi thứ năm
    ~*~*~*~*~*~*~*~*~

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Nếu phát hiện sai sót xin bạn đọc vui lòng đến sợi Báo lỗi trong Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện này để báo lỗi. Cảm ơn nhiều.
    Lần sửa cuối bởi BH mod, ngày 02-06-2008 lúc 08:58.

    ---QC---


Trang 1 của 4 123 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status