TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 2 của 3 Đầu tiênĐầu tiên 123 CuốiCuối
Kết quả 6 đến 10 của 14

Chủ đề: [Kiếm Hiệp] Kinh Sở Tranh Hùng Ký - Huỳnh Dị - Quyển 2, Chương 8 về sau

  1. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định

    Quyển hạ Kinh Sở Tranh Hùng Ký
    Nguyên tác: Huỳnh Dị
    Người dịch: herobk13

    Chương 9- Thiết Long dương uy (tiếp theo)

    ...

    Ba tháng sau Hoàn Độ quay lại nước Ngô, vì trận thắng Tương Lão mà tinh thần đại tiến, kiếm thuật của chàng cũng nhờ đó mà lên tới một cảnh giới mới. Được nghỉ ngơi ba tháng, thương thế của chàng đã hồi phục hoàn toàn. Trong lúc lưu lại nước Sở, một mặt chuyên tâm huấn luyện thủ hạ, một mặt chàng khổ tâm nghiên cứu kiếm thuật để có thể đối phó với Nang Ngõa trong tương lai.

    Hoàn Độ quay lại phủ, định ngay lập tức tắm rửa thay quần áo để nhập cung gặp Ngô vương. Chàng gặp Thư Nhã và Di Điệp đang ở bên nhau, trông họ như đôi bạn tri giao. Hai nàng trông có vẻ gầy đi đôi chút nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp rung động lòng người.

    Thư Nhã chăm chăm nhìn chàng, thần tình như trách móc, việc Hoàn Độ không cho nàng đi cùng, thật là khó mà giải thích.

    Hoàn Độ giang đôi tay cường tráng, âu yếm ôm eo hai nàng, ôn nhu nói: “Thư Nhã, nàng không vui vì ta trở về hay sao?”

    Di Điệp vội phân biện hộ nàng: “Không phải vậy đâu, Nhã muội ngày ngày mong chàng về…” Chưa nói dứt lời nàng đã đưa tay véo Thư Nhã một cái.

    Hoàn Độ đã hiểu, thì ra Thư Nhã ngày ngày tới đây, bọn họ đã cùng nhau giãi bày tâm sự, không hiểu phụ thân nàng ta là Phu Khái Vương có biết việc này không? Chàng đột nhiên bâng quơ nói: “Tốt thôi! Cả hai hãy cùng nhau bồi tiếp ta tắm rửa mau.”

    Hai nàng thẹn đỏ cả mặt, cùng nhau bỏ chạy.

    ***

    Hoàn Độ tiến nhập Ngô cung, lập tức biết có đại sự phát sinh.

    Ngô vương Hạp Lư cùng các đại thần tụ tập tại chính điện, nhìn Hoàn Độ quay lại, không hề tỏ ra vui mừng.

    Ngũ Tử Tư hướng về phía Hoàn Độ ngắn gọn thông báo tình thế hiện tại.

    Lệnh doãn nước Sở Nang Ngõa yêu cầu nước Sái cống ngọc bội và áo long cừu, nước Đường nạp ngựa. Vua hai nước thẳng thừng cự tuyệt làm cho Nang Ngõa động nộ, muốn bắt giữ vua hai nước, khiến cho các nước Trung nguyên đều bất bình.

    Sái Chiêu Hầu liền cầu Tấn, thỉnh nước Tấn với danh nghĩa minh chủ Trung nguyên chinh phạt nước Sở. Lúc ấy Phạm Hiến Tử nước Tấn chủ trì, lấy danh nghĩa nhà Chu, hiệu triệu thiên hạ, hội họp ở Triệu Lăng gồm vua các nước Tấn, Lỗ, Tống, Vệ, Trần, Sái, Trịnh, Hứa, Tào, Cử, Chu (邾khác với nhà Chu周), Đốn, Hồ, Kỷ, Tiểu Chu, Đằng, Tiết cùng đại diện nước Tề và nhà Chu cũng đến tham dự, thanh thế rất lớn không gì sánh được.
      
    Lúc ấy quyền lực nước Tấn ở trong tay Tuân Dần, hắn muốn Sái hầu đút lót nên khuyên Phạm Hiến Tử cự tuyệt xuất binh, thế mới cáo rằng: “Khi quốc gia gặp nguy khốn mới cầu chư hầu tập trung, tương trợ lẫn nhau, không phải là khó lắm sao? Nước ngập mới đóng thuyền, bệnh đến mới chữa liệu có được không? Bỏ minh kết oán, mất đi đại nghĩa lại chưa chắc đã gây tổn hại gì cho nước Sở, không bằng từ chối Sái hầu. Chúng ta cứ đắp thành cho chắc, dĩ dật đãi lao thì nước Sở cũng không làm gì được.”

    Phạm Hiến Tử vì vậy không xuất binh, kế hoạch tiến đánh Sở phải bỏ giữa chừng. Nước Tấn thành ra thất tín với thiên hạ, địa vị minh chủ bị lung lay cũng như không thể sai khiến chư hầu, biến thành một minh chủ chỉ trên danh nghĩa.
      
    Hai nước Sái, Đường không còn chỗ bấu víu chuyển sang cầu viện Ngô Vương Hạp Lư. Vua Ngô vừa mừng vừa sợ, do đó mới triệu tập mọi người để bàn bạc, vừa vặn đúng lúc Hoàn Độ trở lại.

    Mọi người thương nghị đã hai thời thần nhưng chưa có kế sách gì, nay Hoàn Độ vừa từ nước Sở trở về, mọi người rất mong nghe chủ ý của chàng.
      
    Hoàn Độ từ từ nói: “Bắt đầu từ ba năm về trước, chúng ta đã chiếm đoạt được ba vị trí trọng yếu của nước Sở ở lưu vực sông Hoài là Sào, Châu Lai và Chung Ly, qua đó toàn diện khống chế trung và hạ lưu sông Hoài. Chiến thuyền của chúng ta đã có thể tiến thẳng đến Kinh Sở. Như vậy trong cuộc chiến tranh trường kỳ với nước Sở chúng ta đã có địa lợi. Khiếm khuyết duy nhất là một cái cớ để chúng ta có thể viện vào mà phát động tổng tấn công. Do vậy hiện tại không phải là một thời cơ tốt hay sao?”  

    Mọi người đều đồng ý, Bắc thượng tranh bá vốn là quốc sách của nước Ngô. Kỳ thật cùng với việc làm cho dân giàu nước mạnh, mở mang bờ cõi chính là phương hướng của tất cả các quốc gia lớn nhỏ thời Xuân Thu Chiến Quốc, nếu không thì sớm muộn cá lớn cũng nuốt cá bé, khó mà tránh khỏi diệt vong.

    Hạp Lư nói: “Không biết Tôn tướng quân ra đi lần này có thu hoạch gì không?”

    Chúng nhân chăm chú lắng nghe, lần này tiến công nước Sở gấp gáp, chiến lược là một nhân tố tối quan trọng.  

    Hoàn Độ cười nhẹ, vẫn dò ý tứ nói: “Nếu đại vương phê chuẩn, tiểu tướng sẽ bẩm báo chi tiết sau. Hiện tại, thần muốn nghe cao kiến của mọi người.”
      
    Hạp Lư biết nhất cử nhất động của chàng đều mang thâm ý nên cũng cười nói: “Đương nhiên là được, các vị có cao kiến gì không?”

    Bạch Hỉ nói: “Như chúng ta đã phân tích, việc đánh bại nước Sở cốt ở đánh nhanh thắng nhanh. Sở dĩ như vậy bởi ta đã biết địa hình nước Sở, có thể vạch ra lộ tuyến tiến vào Dĩnh đô (kinh đô nước Sở) một cách nhanh nhất.” Nói đến đây Bạch Hỉ hết sức cao hứng, thận trọng nhìn phản ứng của chúng nhân, chỉ thấy mọi người chăm chú lắng nghe, khoái trí nói tiếp: “Thần đã có thể mường tượng ra cảnh chúng ta xuôi theo bờ nam sông Hoài nhằm phía tây thẳng tiến, xuyên qua Đại Biệt sơn, tấn công Phương thành, tiến về nam tới Dự Chương. Do Dự Chương phía Tây trải dài đến Hán Thủy, địa phương này quả thật là một nơi trọng yếu nên chiếm vì từ đây kỵ binh chỉ cần ba ngày là có thể tiến nhập Dĩnh Đô, đại vương thấy thế nào?”

    Ngũ Tử Tư nói: “Bạch tướng quân thiết kế đường hành quân đánh Sở, không nghi ngờ gì là một lộ tuyến tiến nhập Dĩnh Đô nhanh như chớp, vi thần không có gì băn khoăn, chỉ là, nếu lúc đó địch nhân chặn đường, trùng trùng vây hãm thì biết làm sao. Vì rằng: Phương Thành là nơi tập trung quân tinh nhuệ của Sở, các nước phía Bắc lại tranh thủ đánh ta, như thế sẽ rơi vào thế bị kìm kẹp, thêm nữa chủ sự nơi đó là Vũ Thành Hắc tinh thông binh pháp, lại dĩ dật đãi lao, chúng ta có thắng hay không không thể biết được.”  

    Bạch Hỉ đáp: “Tướng quân quá lo rồi, chỉ khi chúng ta kéo dài thời gian hành quân, quân địch mới có thời cơ tấn công thôi.”
      
    Phu Khái Vương nói: “Thần cũng rất đồng cảm với nỗi lo của mọi người. Lúc trước khi chúng ta liên tiếp giành thắng lợi, đoạt liền ba ấp Châu Lai, Chung Ly và Sào, vây “Huyền”, chiếm “Tiềm”, công “Lục” (đoạn này mong độc giả xem thêm lịch sử cho tỏ) bức bách nước Sở ngay trên lãnh thổ của chúng, tạo nên ưu thế bây giờ; tại vì lúc đó “địch xa ta gần”, kinh đô Sở quá xa để chi viện, tạo thành thế tất bại. Tuy nhiên lúc này đại quân Ngô chúng ta xuất chinh, tình thế đảo ngược, biến thành “địch gần ta xa”, không thể như cũ được. Quân ta gắng sức, giả như quân tinh nhuệ Sở chỉ độ ba vạn, thì ta có thể thắng Sở nhưng nếu hậu viện của chúng đổ ra liên tục, chúng ta sẽ không còn chiến thắng nữa.”

    Chúng nhân câm lặng không nói gì, Phu Khái Vương vốn chủ chiến, nhưng khi phân tích tình hình lại không ủng hộ một cuộc viễn chinh đến Sở.  

    Như vậy nhất đẳng đại thần đã biểu thị thái độ không ủng hộ cuộc xuất chinh.

    *** 

    Hạp Lư trù trừ suy nghĩ, nếu không lợi dụng cơ hội này, làm sao có thể hoàn thành đại nghiệp tranh bá. Đột nhiên nhớ tới Hoàn Độ tức Tôn Vũ, người này ở nước Ngô đức uy đều thịnh, ngang bằng với Phu Khái Vương, Bạch Hỉ dưới trướng của ông. Lúc này Tôn Vũ (Hoàn Độ) chỉ cười nhẹ không nói, trông thần tình cao thâm khó dò, khiến người người không biết anh ta đang nghĩ gì.

    Hạp Lư chợt lóe lên một ý, biết rằng Hoàn Độ thường để mọi người đưa ra những khó khăn trước, sau đó mới nhất nhất giải quyết, như vậy mới khiến chúng nhân tâm phục khẩu phục, không thắc mắc được gì. Ông liền nói: “Tôn tướng quân! Bây giờ ngài có thể nói lên cao kiến của mình được rồi đấy.”

    Trong điện ngay lập tức không một tiếng động, yên lặng lắng nghe binh pháp gia nổi danh thiên hạ, xem làm sao anh ta có thể gỡ bỏ khó khăn, xoay chuyển thế cục.

    Hoàn Độ chậm rãi cười nhẹ, nghĩ từ khi trau dồi kiếm pháp cũng như binh pháp đến mức đại thành; lúc này cùng Phu Khái Vương và Bạch Hỉ xuất quân đánh bại được quân Sở hùng mạnh thì thật thống khoái. Nếu bây giờ không làm cho chúng nhân tâm phục khẩu phục thì sau này đến Sở, mọi người sẽ không có lòng hợp tác và tin tưởng, tất yếu sẽ bại trận.

    Hoàn Độ trầm giọng nói: “Chúng ta cùng nước Sở ở thế giằng co, thần cũng không cần phải đa ngôn nhắc lại, tuy nhiên thần sẽ chỉ ra cách thức để có thể giành chiến thắng, tất cả chỉ là vận dụng chiến thuật một cách linh hoạt. Lần này thần đến nước Sở thám thính, chính xác là đã đánh giá lực lượng của ta và địch, đã nghĩ đến kế hoạch tấn công. Thần tại “Thế Thiên” (một thiên trong Tôn Tử binh pháp) có đề xuất: “Người hữu hình còn ta vô hình, ta tập trung còn địch phân chia: ta tụ làm một, địch chia mười như vậy mười đánh một thì ta sẽ đông mà địch sẽ ít, lấy đông đánh ít ta sẽ thắng, rồi lại tiếp tục đánh, và cứ như vậy.”.”

    Lúc ấy mục tiêu tiến đánh nước Sở thật rõ ràng là cần biết rõ sự phân bố binh lực. Thay vì quân Ngô cậy tài tiến binh thẳng vào Sở, họ có thể từ “hữu hình” biến thành “vô hình”, như vậy địch nhân tất nhiên vì phòng thủ nhiều chỗ mà binh lực phân tán, trong tình hình ấy sẽ có “ta tụ đối địch phân” và “ta nhiều cự địch ít”. Đạo lý ấy quả nhiên rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu thì cũng khó nói.

    Hạp Lư thay cho chúng nhân hỏi liền: “Xin cho biết chi tiết.”

    Hoàn Độ đáp: “Phía tây sông Hoài, đại tướng nước Sở là Thân Tức đóng quân ở đó đã lâu, nếu chúng ta đột nhiên tây tiến, đại chiến là không thể tránh khỏi, lấy ít địch nhiều, thắng thua thật khó dự đoán. Giả dụ qua cửa ải này, chúng ta sẽ tấn công Phương thành ở phía tây, khuấy đảo Dĩnh Đô ở phía nam, còn nếu lần lữa tiếp chiến dai dẳng, chúng ta sẽ đối đầu với trọng binh, trong thế viễn chinh ở xa, công thủ đều khó, mọi việc bất lợi thật không sao nói hết.”

    Chúng nhân tỏ vẻ đồng ý, như vậy đã phản lại kế hoạch về một lộ tuyến mà Bạch Hỉ đã đề nghị.

    Hoàn Độ thấy không ai đưa ra ý kiến gì, tiếp tục nói: “Điều quan trọng nhất là tránh Phương thành để không phải ngạnh tiếp, bỏ tây hướng nam, hành quân thật xa để bất ngờ tập kích, lấy công làm thủ, như vậy sẽ ngược với suy nghĩ của người Sở.” Nói rồi chỉ tư lự đứng đó, bất chợt cười nói: “Hỗn chiến kiệt sức.”

    Chỉ thấy trong điện chúng nhân đã khẽ cười, không khí căng thẳng đã qua đi. Bốn tiếng “hỗn chiến kiệt sức” vốn phát xuất từ Vu Thần. Ngày xưa khi Vu Thần đi sứ nước Tề, có mang theo Hạ Cơ, công tử Phản và Tương Lão vốn hận đến tận xương tủy nên đã cùng nhau sát hại gia tộc Vu Thần, cùng nhau phân chia tài sản của ông ta. Vu Thần rất tức giận, liền theo Tấn và hiến kế cùng Ngô liên minh đánh Sở, do đó mới đi sứ sang Ngô và dâng kế “hỗn chiến kiệt sức”.

    Đại thần Đấu Tân nói: “Hành quân về phía nam xuôi theo sông Hoài, không qua Phương Thành để tiến vào Dĩnh Đô mà đổi sang hướng nam, lộ tuyến là thế nào đây?”

    Hoàn Độ đáp: “Câu hỏi này chính xác hỏi về mục đích chuyến đi sang Sở của thần.” Ngữ khí thể hiện một niềm tin sắt đá, chàng đã điều tra địa hình, dưới con mắt của chuyên gia binh pháp, tự nhiên là không còn gì phải nghi ngờ.

    Hoàn Độ nói tiếp: “Xuôi theo sông Hoài đánh Sở có hai lộ trình, thứ nhất là Phương thành về phía Tây, đường khác là vượt qua Minh, Trực Viên và Đại Toại ba ải, nhằm hướng tây nam thẳng tiến, thẳng tới Hán Thủy, theo Hán Thủy tiến lên là nhanh chóng tiếp cận Dĩnh Đô.”  

    Phu Khái Vương cũng đồng tình, than rằng: “Tôn tướng quân cao kiến! Người Sở vì phòng vệ Dĩnh Đô mà đối với các quan ải phụ cận sẽ hết sức nghiêm cẩn. Với ba quan ải ở xa đó, lại có núi cao hiểm trở, không thể tiến về phía tây, chỉ có thể xuống phía nam, do đó phòng thủ sẽ thô sơ. Điều lo duy nhất là theo lộ tuyến đó thì phải đi qua nhiều đầm lầy, tam quan lại nằm trong dãy Đại Biệt sơn, đối với việc chúng ta thao tập chiến xa gần đây quả thật là đại đại bất lợi.”

    Hạp Lư và Ngũ Tử Tư cùng cười nhẹ, ngầm khen Hoàn Độ có tài nhìn xa trông rộng, từ lâu đã có kế ứng phó.

    Quả nhiên Hoàn Độ nói: “Dùng chiến xa cự chiến xa, chính thị là lấy sở đoản của ta đối sở trường của địch. Hơn nữa theo đường qua tam quan nam hạ, tuy có thông đạo để men theo, nhưng hai bên toàn núi non, thêm vào đó sông hồ chằng chịt, vận chuyển chiến xa rất bất lợi. Do vậy đó là điểm trọng yếu quyết định thành bại. Ta sẽ lấy sự linh hoạt của bộ binh, sự cơ động của kị binh cùng với sự phối hợp của vũ khí đặc biệt để chống lại chiến xa vô địch thiên hạ của nước Sở.”

    Hoàn Độ với sách lược ấy, đích thị là đã vận dụng “kế thiên” của Tôn Vũ, chính là “Lợi dụng địa hình trong chiến tranh, biết địch để thắng, lường trước khó khăn đó là thượng tướng chi đạo. Biết sử dụng những điều ấy, đánh tất thắng, không biết, đánh tất bại.” Hoàn Độ hiểu cặn kẽ địa hình nước Sở, đã từ bỏ cách thức dùng chiến xa.

    Hạp Lư nói: “Bộ binh hành quân rất chậm. Việc này phải giải quyết ra sao?”

    Bạch Hỉ xen vào: “Ngẫm thì thật dễ, hiện tại trung và hạ du sông Hoài thì chúng ta đã khống chế hạ. Lần theo sông Hoài tây tiến, đến Hoài Dương bỏ thuyền vượt qua tam quan rồi tiến về phía nam đến Hán Thủy, lần theo dòng sông đi lên, xộc thẳng đến Dĩnh Đô.”

    Hoàn Độ bổ sung: “Công thật khéo, địch sẽ không biết thế nào mà thủ. Quân đội nước Sở rất kỷ luật và được huấn luyện cẩn thận, nếu toàn quân mà giao nhau, rất bất lợi cho quân ta. Do đó phải dùng nhiều cách để gây thiệt hại cho quân Sở, phân tán lực lượng phòng thủ, khiến người Sở không biết chỗ nào nên thủ, chỗ nào nên bỏ.”

    Hạp Lư trầm ngâm, tổng kết ý kiến mọi người lại rồi nói: “Vậy kế hoạch viễn chinh lần này sẽ là theo sông Hoài ngược dòng đi lên, ở Hoài Dương bỏ thuyền lên bộ, tránh đụng độ nơi địch phòng thủ nghiêm mật là Phương thành, tiến về nam đến Hán Thủy, Sở quân phòng thủ quá nhiều nơi, binh lực phân tán, thành ra khả năng thắng trận của chúng ta tăng lớn.” Nói rồi nhìn trời cười dài, tiếng cười ấy quyết định một trận bộ binh đại chiến đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.   

    Binh Ngô với kế hoạch của Hoàn Độ, lựa chọn tam quan ở phía đông bắc nước Sở làm điểm đột phá, chính là đã đánh trúng điểm bạc nhược nhất trong tuyến phòng thủ của người Sở. Thật là “nhanh không phải ở tốc độ mà là ở sự bất ngờ”, “xa xôi khó dò, dùng kì binh mà thủ thắng.” Quả thật là đã đạt được cái mà Tôn Vũ gọi là “Chiến tranh ở nơi ta không biết, cần biết nhiều về địch. Biết nhiều về địch, ta không cần phải đánh nhiều.” Tôn Vũ ở dưới cửu tuyền nếu biết được chắc cũng cảm thấy vui vẻ.

    Hạp Lư nói: “Chúng khanh nếu không còn dị nghị, lập tức chuẩn bị, chọn ngày xuất binh.”

    Mọi người đều lớn tiếng đồng ý.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    (Hết chương 9)
    Lần sửa cuối bởi StormRaider, ngày 26-01-2008 lúc 12:58.
    ---QC---


  2. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    htluu,
  3. #7
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Bài viết
    980
    Xu
    50

    Mặc định Kinh Sở Tranh Hùng Ký - Q2, Ch10 - Quỷ Biến Chi Đạo

    Quyển 2, Chương 10 - Quỷ Biến Chi Đạo
    Tác giả : Huỳnh Dị
    dịch bởi: distantreader@gmail.com

    Cuộc hội nghị trọng yếu nhất của nước Ngô từ thời khai quốc đến nay đã hoàn tất, chúng nhân đều vội vã ra về. Phu Khái Vương cố ý đi cùng Hoàn Độ, bọn Ngũ Tử Tư biết ý nên mượn cớ bỏ đi để hai người này có cơ hội trò chuyện.

    Phu Khái Vương cười ha hả, nhập đề ngay: "Tôn tướng quân, xem ra ông sẽ sớm cải biến cách xưng hô với bản Vương rồi."

    Hoàn cảnh này rất hợp với binh pháp "Công kì vô bị" của Tôn Tử, làm Hoàn Độ tuy kinh nghiệm lão luyện cũng phải đỏ mặt vì bất ngờ không phòng bị, phải gượng cười hy vọng khỏa lấp cho qua chuyện.

    Nhưng Phu Khái Vương lại không bỏ qua, nghiêm chỉnh nói: "Chúng ta nếu là người một nhà thì ta nhất định sẽ ủng hộ ông mọi mặt." Nói xong thì ánh mắt thoáng một tia lạnh lẽo, sáng ngời lên chăm chú nhìn Hoàn Độ.

    Hoàn Độ biết y muốn mình phải biểu tỏ lập trường phe phái một cách công khai thì trong lòng tựa như có tiếng sét đánh. Phu Khái Vương có dã tâm rất lớn, lại cam tâm chỉ làm kẻ thứ nhì của nước Ngô, chỉ vì Hạp Lư có hùng tài đại lược, lại dùng người rất giỏi nên mới đàn áp được y, nhưng dù sao đi nữa, Hạp Lư có ơn với hắn, hắn tuyệt đối không thể xoay đầu mũi thương để trợ giúp Phu Khái Vương. Cho dù nếu hắn không có mối quan hệ với Thư Nhã thì hắn cũng cảm thấy Phu Khái Vương là một kẻ khó đối địch, thật là một hoàn cảnh khó xử. Trong lòng hắn chợt nảy sinh ra tư tưởng muốn lui về ẩn dật.

    Kỳ thật lý do sâu xa hơn khiến hắn có ý niệm lui về ẩn dật đã bắt nguồn từ ngày đào thoát khỏi nước Sở rồi được cùng Mặc Địch giao đàm, từng bàn đến hiện tượng bất bình đẳng nhan nhãn khắp nơi, đã làm hắn thường xuyên nghĩ ngợi, lại còn có hơn năm trăm gia tướng thủ hạ, nên đợi khi giết được Nang Ngõa hắn phải tìm một địa phương để cho họ sinh sống, một địa phương lý tưởng phải là một nơi hoang dã để hắn khai thác và thành lập một nước mới, chấn hưng gia tộc, kiến lập một chế độ theo tâm ý của hắn. Phu Khái Vương đã như vậy lại càng làm cho ý tưởng này của hắn thêm phần mạnh mẽ.

    Hoàn Độ hồi phục sự bình tĩnh như không có việc gì xảy ra: "Phu Khái Vương có lòng giúp đỡ, Tôn Vũ tất sẽ báo đáp, huống chi chúng ta vì đại Ngô xuất lực, mục tiêu tương đồng, Phu Khái Vương hãy yên lòng."

    Câu nói này thật là xảo diệu có thể nghĩ nhiều cách khác nhau, Phu Khái Vương nhất thời không có cách nào để làm khó hắn, câu chuyện giữa hai người chuyển sang việc bố trí phương diện quân sự rồi chia tay về phủ.

    Hoàn Độ về tới phủ tướng quân thì đã hừng sáng, không ngờ Thư Nhã và Di Điệp đã chờ hắn cả đêm.

    Hoàn Độ cùng hai nàng vào thư phòng. Vừa bước vào phòng thì hai cô gái đã đỏ mặt tới mang tai, cả hai đều thầm nghĩ tới những điều họ đã trải qua trong thư phòng này, không hiểu Hoàn Độ có làm lại chuyện cũ hay không, tim họ hồi hộp xao xuyến.

    Lần này Hoàn Độ lại hết sức đứng đắn, nghiêm chỉnh nói: "Giả sử ta bỏ hết tất cả mọi điều ở đây và tìm tới một địa phương xa xôi để xây dựng lại hai nàng có bỏ hết theo ta không?"

    Cả hai cô gái đồng thời bị chấn động, cùng ngẫng mặt lên. Di Điệp suy nghĩ rồi lên tiếng: "Ta chỉ có một mình trên đời, nếu chàng không chê bỏ thì ta nguyện ý bên cạnh thị phụng chàng dù chàng có đi đến nơi nào chăng nữa."

    Hoàn Độ thỏa mãn, lại nhìn Thư Nhã.

    Thư Nhã cúi đầu trầm ngâm, cô vốn thông minh, ngấm ngầm thấy điều này liên quan đến phụ thân cô. Phủ Khái Vương hết sức sủng ái cô, bảo cô phải quyết định thế nào cho phải đây? Cô ngước khuôn mặt sáng lán lúc này hiện vẻ hoang mang: "Ta không biết phải làm sao!"

    Hoàn Độ đã biết đáp án này là hợp lý nhất, một bên là phụ thân yêu quí cô, một bên là tình lang đã cùng cô luyến ái nồng nhiệt, đương nhiên cô phải lâm vào một cảnh hết sức khó xử nhưng trong lòng hắn vẫn có một chút thất vọng.

    Ba hôm sau, trời mới hừng sáng thì đại quân đã sẵn sàng xuất phát.

    Hoàn Độ nghe một luồng nhiệt hỏa dâng lên trong lòng. Hắn đã đợi bao năm hôm nay mới đến ngày quyết định sống còn, đã bao đêm mối huyết cừu gia tộc này đã trở lại trong cơn ác mộng để hắn sau đó bừng tỉnh thức giấc trong sự hãi hùng.

    Đánh bại nước Sở quả là khó còn hơn lên trời. Hắn cần phải giết cao thủ đệ nhất của nước Sở là Nang Ngõa, người này vũ công còn cao hơn Tương lão, làm vấn đề vốn khó khăn lại càng thêm gian nan. Nhưng hắn có còn cách nào khác ? Hiện tại hoàn cảnh này giống như tên đã được dương lên cung, không thể không bắn ra.

    Trường Giang tại Hồ Bắc và Tứ Xuyên bị một một mỏm núi dài ngăn lại, qua khỏi eo núi này dòng nước chảy siết về hướng đông nam đổ xuống thành Đình Hồ bao la vạn khoảnh, từ đây lại chảy gập về phía đông bắc cho tới tận Vũ Xương mới nhập với dòng Hán Thủy. Nơi dòng Trường Giang giáp giới dòng Hán Thủy là một bình nguyên rộng lớn đầy phù sa màu mỡ, đây chính là căn cứ của dân tộc Kinh Sở. Nước Sở hùng mạnh bá vương trong thời xuân thu chiến quốc đã hưng thịnh từ mảnh đất này.

    Bắt đầu thời đại Xuân Thu, người Chu đã thành lập dọc theo hạ lưu dòng Hán Thủy một tiểu quốc nhưng vì nước yếu nên không những đã không ngăn cản được nước Sở, mà còn bị gậm nhấm lần mòn.

    Phía tây của nước Sở là Ba và Dong, vốn là hai dân tộc nhược tiểu chỉ đáng làm thuộc địa của Sở. Phía nam, bên ngoài Động Đình hồ là núi rừng hoang vu vô tận, đã cung cấp đất hoang cho nước Sở khai thác.

    Phía đông là nước Ngô mới bộc phát mạnh mẽ vào thời kỳ cuối cùng của giai đoạn Xuân Thu, trước Ngô thì Sở vốn không có một kình địch nào. Từ trước đến nay nước Sở chỉ chuyên đi xâm lược nước khác, chưa hề sợ hãi vì họa bị xâm lược bao giờ.

    (còn tiếp)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi distantreader, ngày 27-01-2008 lúc 08:43.

  4. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
  5. #8
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Bài viết
    980
    Xu
    50

    Mặc định Kinh Sở Tranh Hùng Ký - Q2, Ch10 - Quỷ Biến Chi Đạo (tiếp theo)

    Quyển 2, Chương 10 - Quỷ Biến Chi Đạo (tiếp theo)
    Tác giả : Huỳnh Dị
    dịch bởi: distantreader@gmail.com

    Ngược lại, các quốc gia phía bắc của Sở đã thiếu sự an toàn này. Về mặt quân sự Sở không phải lo lắng gì, đất đai lại trù phú, mật độ dân khẩu thấp, người nước Sở so với các nước đương thời đã có một sự an toàn về kinh tế mà người nước khác không bằng, nên lúc này nước Sở là một kẻ khổng lồ về cả hai mặt quân sự và kinh tế, quân Ngô lần này muốn đánh Sở, đã phải huấn luyện ba vạn quân tinh nhuệ trong một thời gian dài mới dám khiêu chiến với kẻ khổng lồ về mặt quân sự này.

    Hoàn Độ đứng tại đầu thuyền, ngắm nhìn cảnh sắc tráng lệ hai bên bờ dòng Trường Giang. Lần này ra quân thắng bại thật khó liệu, tuy lệnh doãn nước Sở là Nang Ngõa đã làm hư hoại triều chánh, nhưng thực lực của Sở quả hơn Ngô thập bội, quốc gia cường thịnh vốn đã lâu đời, binh lính được huấn luyện tinh thục, thêm vào đó mãnh tướng nhiều như mây, mưu sĩ như mưa, vào lúc tồn vong của quốc gia tất nhiên trên dưới sẽ đều một lòng thề chống quân Ngô. Vì vậy Ngô có thể thủ thắng hay không là hoàn toàn nhờ vào phương pháp hành quân, có thể nói đây là một nỗ lực quân sự và cũng là một ván bài lớn lao nhất.

    Lần này Ngô vương Hạp Lư xuất quân đã đặt tất cả vốn liếng vào một tiếng bạc mà Hoàn Độ biết rằng phần lớn là do đã đặt tin tưởng vào bản thân Hoàn Độ hắn. Hắn đối với cuộc chiến này tuy có tín tâm tranh thắng rất mãnh liệt nhưng cũng chỉ là một ý nghĩ chủ quan, điều này cũng giống như trong kiếm pháp, mỗi một kiếm chiêu đều phải có tín tâm mạnh mẽ mới có thể phát huy được hết oai lực của kiếm thuật, còn việc có thể đạt được thắng lợi tối hậu hay không lại là một vấn đề khác. Thật ra nếu chỉ xét về lực lượng và tình hình chân thực của đôi bên thì nước Ngô xem như chắc chắc sẽ thất bại, khả quan nhất chỉ là có thể thắng nhỏ lúc đầu rồi sau cùng cũng vẫn sẽ bị đại bại. Chỉ vì quân tình nước Sở vốn đã áp đảo được Ngô dễ dàng, so với quân viễn chinh của nước Ngô thì Ngô đã bị lâm vào trường hợp chiến tranh trường kỳ rất bất lợi.

    Hoàn Độ nhìn hàng mộc thuẫn trên thuyền, trong lòng thích thú, bên cạnh mộc thuẫn là một kiện gỗ, bên trong chính là vũ khí bí mật để giết quân Sở lần này, dùng cơ quan để phát động nõ cứng bắn ra. Vũ khí này đã được thiết kế cực kỳ tinh vi chính là then chốt thắng bại của cuộc chiến, nếu vận dụng được đúng mức sẽ có oai lực kinh người.

    Từ xưa đến nay chư quốc đều quen dùng thuẫn làm bằng da.

    Hiện tại đang là mùa xuân, khí hậu ẩm ướt làm thuẫn da mềm đi dễ dàng bị cung tên xuyên thủng, thuẫn gỗ không có vấn đề này.

    Hơn ba trăm chiến thuyền lớn trên dòng Trường giang rẽ sóng tiến tới, chỉ còn khoảng hai thời thần nữa là đã tới địa điểm đổ quân.

    Đại quân viễn chinh của nước Ngô cập bến tại tại đông nam Tân Thái là nơi Nhữ Thủy và Hoài Thủy cắt nhau, đúng như lộ tuyến của Hoàn Độ đã truyền xuống, tránh trọng binh của đại tướng nước Sở là Thân Tức tại Phương Thành ở mặt tây, theo hướng nam đi xuống. Quả như sở liệu của Hoàn Độ, quân Ngô bỏ thuyền lên bờ, không cùng thủy quân của Sở giao chiến, lại bỏ hướng tây mà đi xuống nam, tránh trọng binh của Sở đang kết tập tại Phương Thành, mọi mặt đều nằm ngoài ý liệu của người nước Sở, ứng hợp với binh pháp của Tôn Vũ một cách sâu xa vốn đã nói “Cố thiện công giả, địch bất tri kì sở thủ”, khi kẻ tấn công giỏi thì địch không biết đỡ. Ở giai đoạn đầu của chiến dịch có thể nói là Ngô là "kẻ tấn công giỏi" và Sở đã "không biết đỡ" vậy.

    Ba vạn quân tinh nhuệ của Ngô lựa quân yếu kém không phòng bị của Sở ở ba cửa ải là Minh, Trực Viên và Đại Toại đánh tới thế mạnh như chẻ tre, xuyên qua núi Đại Biệt, thẳng xuống Giang Hán, vượt khỏi Chương Sơn, rồi đại quân tiến về nam để tới Dự Chương. Thế là đúng như kế hoạch của Hoàn Độ, lộ tuyến thâm viễn vòng vèo của cuộc hành quân này đúng là "Xuất kỳ sở bất xu, xu kỳ sở bất ý", khi xuất hiện thì địch có phản ứng nhanh cách mấy cũng trở tay không kịp, khi lại hành quân mau lẹ tới nơi địch không thể ngờ tới, tấn công vào nhược điểm của quân Sở. Đại quân Ngô đi hơn ngàn dậm, hoàn thành cuộc viễn chinh vĩ đại của giai đoạn cuối thời Xuân Thu.

    Quân Ngô tạm đóng tại Dự Chương, các tướng lĩnh chủ yếu đều tập trung tại trướng của Hạp Lư để nghiên cứu bàn luận về tình hình quân sự đôi bên hầu quyết định bước kế tiếp.

    Hạp Lư nhìn quanh chúng tướng rồi nói: "Quân ta hiện đang tiến sâu vào trong đất địch nên sớm muộn rồi sẽ phải cùng quân chủ lực của địch giao chiến." Nói rồi lại nhìn sang Đẩu Tân, người phụ trách về tình báo nói: "Chỉ không biết là quân địch đang bày trận như thế nào?"

    (còn tiếp)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  6. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
  7. #9
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Bài viết
    980
    Xu
    50

    Mặc định

    Quyển 2, Chương 10 - Quỷ Biến Chi Đạo (tiếp theo và hết chương 10)
    Tác giả : Huỳnh Dị
    dịch bởi: distantreader@gmail.com

    Đẩu Tân nghiêm chỉnh đáp: "Quân ta từ khi tiến vào đất Sở lúc nào cũng tránh mạnh đánh yếu, thám tử đã báo cáo rằng địch nhân đang hỗn loạn, đối với hành tung của quân ta chúng hoàn toàn không biết phải đối phó như thế nào. Nhưng Nang Ngõa đã đề phòng trường hợp chúng ta đột nhiên chuyển sang hướng tây để tấn công Dĩnh Đô, đã bày bố tuyến phòng ngự giữa nơi quân ta đang đóng và Dĩnh Thiệu, giả sử quân ta nhắm Dĩnh Đô tiến đánh thì chỉ trong ba ngày sẽ gặp phải trọng binh của Sở."

    Hạp Lư nói: "Căn cứ tình hình hiện tại ông nghĩ bước kế tiếp chúng ta nên làm gì?"

    Đẩu Tân đáp: "Hiện giờ đường vào Dĩnh không ngoài hai cách, một là tây tiến theo đường Tảo thẳng tới Dĩnh Đô; cách thứ hai là giữ nguyên kế hoạch ban đầu tiếp tục tiến về nam, một khi tới bình nguyên Giang Hán sẽ vượt Đại Hồng sơn để vào Dĩnh." Y lại nói tiếp: "Nếu quân ta thay đổi lộ trình và theo cách thứ nhất, nhắm hướng tây để vào Dĩnh, thì có lợi thế là trận cước của đối phương chưa ổn, ta dùng nhanh thắng chậm, quyết chiến trước khi chúng tưởng ta có thể tới nơi. Hiện nay sĩ khí quân ta rất cao, có thể giúp ta chỉ trong một trận đánh bại chủ lực của quân địch, quét sạch thông đạo thẳng vào Dĩnh."

    Công khanh Tử Sơn cũng phụ họa vào: "Lời Đẩu Tân tướng quân nói không phải là không có đạo lý, quân Sở muốn bảo vệ phòng tuyến vốn rất rộng dài của Dĩnh Đô dĩ nhiên quân lực khó mà tập trung được. Ngược lại nếu ta theo cách nam tiến tất phải tốn nhiều thời gian hơn, quân Sở sẽ yên tâm bố trí quân lực để lấy số đông chống số ít của ta, làm sao ta có thể thắng được?"

    Lộ tuyến hành quân do Hoàn Độ quyết định cho đến bây giờ đã đem lại thành công phi thường nhưng tới đây thì trong phía quân Ngô đã bắt đầu có điều dị nghị.

    Ngũ Tử Tư, Phu Khái Vương và Bạch Hỉ đều im lặng không nói, bọn họ biết Hoàn Độ sẽ đưa ra lý do để chi trì sách lược nam tiến của hắn.

    Lúc này mọi người đều nhìn về phía Hoàn Độ.

    Hoàn Độ biết lúc này không phải là lúc thối lui, cười nhẹ và thản nhiên nói: "Nhìn tình hình này, giả sử hai bên có thực lực ngang ngửa với nhau thì đề nghị của hai vị đúng là thượng sách." Nói rồi nhìn lại chúng nhân với ánh mắt sáng ngời khiến họ cảm nhận được sự tự tin của hắn.

    Hoàn Độ nói tiếp: "Nhưng thực lực quân Sở hơn ta thập bội, nếu ta nhắm mắt đánh liều tây tiến quyết chiến với chủ lực của quân địch chính là đem hết mọi thứ dồn vào một canh bạc, hết sức nguy hiểm và rất ít cơ hội để thắng. Địch nhân lúc đầu có thể bị thất lợi nhưng vì thế sẽ ép chúng kéo dài trận chiến, đưa quân ta vào thế chiến tranh tiêu hao, tai hại không tưởng nổi."

    Hạp Lư gật đầu nói: "Điều này chính là vấn đề mọi người đều quan tâm, Tôn tướng quân hãy giải thích thêm."

    Hoàn Độ mỉm cười khoe hàm răng trắng, thần thái ung dung đáp: "Quân ta nếu cứ tây tiến để vào Dĩnh là đã nằm trong ý liệu của địch nhân, và cũng là điều mỗi người ở đây muốn làm. Nên chúng ta phải đổi ngược lại và án binh bất động tại đây. Lấy cái lợi thế nghỉ ngơi để đợi địch nhân tấn công."

    Phu Khái Vương cười sang sảng, y vốn có tài quân sự nên lập tức nắm được cốt tủy của chiến lược này, nên lên tiếng nói: "Chiêu này dùng để dụ rắn ra khỏi hang thật tuyệt, Nang Ngõa tự phụ là tướng tài nhất đời không xem ai vào đâu, tất nhiên không muốn bọn ta ở lâu trong đất Sở, một khi tìm ra địa điểm đóng quân của ta nhất định y sẽ cấp tốc mang quân Sở đông tiến và thế là bọn ta sẽ lấy quân nghỉ ngơi chống lại quân mệt mỏi của y, bất kể chuyện gì xảy ra thì tình hình cũng hoàn toàn đảo ngược."

    Bạch Hỉ nói: "Hơn nữa nếu ta tấn công thì Sở tất phải có cứu viện, nơi này tiếp cận với Đồng Lục sơn là trọng địa sản xuất quặng đồng của nước Sở, vốn là vùng đất liệt vào hạng tài nguyên chiến lược của Sở, tất nhiên quân địch sẽ cố giữ chứ không để ta chiếm, quân Sở vì thế nhất định sẽ đông tiến chứ không có cách nào khác."

    Đẩu Tân hỏi: "Một khi địch quân đã điều tập binh lực trực diện tấn công quân ta, Tôn tướng quân có sách lược gì để đối phó?"

    Vẻ mặt của Hoàn Độ hiện lên nét cười quỷ dị, nhẹ nhàng đáp lời: "Gom lại để diệt." Chúng nhân đều ngẩn ra.

    Kẻ dùng binh phải biết cách biến hóa thần kỳ quỷ dị.

    (Hết chương 10)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


  8. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
  9. #10
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định

    Quyển hạ - Kinh Sở Tranh Hùng Ký.
    Chương 11 - Quyết thắng Hán Thủy.
    Nguyên tác: Huỳnh Dị
    Dịch giả: herobk13

    Ngô vương Hạp Lư cùng các đại tướng đứng trên cao nhìn xa xăm về phía bờ kia Hán Thủy, chỉ thấy đại quân Sở hơn 10 vạn hàng ngũ chỉnh tề trông thật tinh nhuệ.
      
    Ngoài năm đội kị binh 1000 người, bên Ngô còn có những bộ binh rất thiện chiến, lúc bấy giờ ở bờ bên này Hán Thủy triển khai thế trận, yên ắng dĩ dật đãi lao đợi quân Sở sang sông.

    Năm ngày trước bên Ngô đã do thám được Nang Ngõa sẽ đích thân thống suất đại quân tiến về hướng Đông, nên đã dời về phía Nam, tạo ra một thế trận cách sông đối địch.

    Từ đây, chiến cuộc đã toàn diện mở ra.

    Ngô vương Hạp Lư ra lệnh không được công kích khi quân Sở đang qua sông.

    Trống trận quân Sở ầm ầm vang lên, tiền quân với sự yểm hộ của thuẫn, từ hơn 10 chiếc thuyền và hai chiếc cầu gỗ vừa làm xong, quân sĩ nối đuôi nhau chầm chậm, không ngừng đi qua Hán Thủy.

    Lúc đó là buổi sáng sớm, sương mù giăng giăng, tầm nhìn rất hạn chế.

    Gió xuân từ bình nguyên thổi ra Hán Thủy làm cờ xí hai bên bay phấp phới. Tiếng chiến xa rầm rầm, tiếng ngựa hí vang trời cùng những hồi trống vang lên làm chấn động lòng người.

    Quân Sở quả không phụ với danh tiếng, hành quân vô cùng thần tốc, chưa đến một thời thần mà quá nửa đã vượt qua Hán Thủy, dàn thành thế trận. Lúc ấy dù Ngô vương Hạp Lư có đổi ý ra lệnh tấn công thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc qua sông của họ. Đó cũng là ý kiến của Hoàn Độ, hy vọng có thể cùng quân chủ lực của nước Sở chiến đấu nhanh chóng.

    Chiến xa tại tiền quân của Sở dàn hàng ngang, phía sau mỗi chiến xa là một tiểu đội bộ binh, kị binh được bố trí hai bên sườn, hậu quân giương cao lá cờ mang chữ “Nang”. Ngoài ra còn có hơn 10 lá cờ, đại diện cho các tướng nổi danh bên Sở. Quả là uy thế cường thịnh đến kinh người.

    Quân Ngô vẫn án binh bất động.

    Phu Khái Vương nói: “Tả tiên phong là Vũ Thành Hắc, hữu tiên phong là Thân Tức, trung quân là Trầm Duẫn Tuất, còn Nang Ngõa, Phí Vô Cực và Yên Tương Sư ở hậu quân, tổng binh lực là 12 vạn quân. Ít nhất có hai ngàn chiến xa, hai vạn kị binh.”

    Địch quân quá mạnh, mãnh tướng như vân, hào dũng như Phu Khái Vương cũng không dám nói mạnh.

    Ngũ Tử Tư thấy quân Sở trùng trùng, lòng cừu hận lại bộc phát, phấn khích nói: “Ngũ Tử Tư ta đã luyện binh 10 năm, chỉ chờ giây phút này đây, thật là thống khoái, thống khoái thay!”

    Chúng nhân vì hào khí của ông mà sĩ khí lập tức dâng cao.

    Tùng! Tùng! Tùng!

    Một ngàn chiến xa lừ lừ tiến tới, trên các chiến xa đầy nhóc quân lính. Hòa cùng với tiếng trống trận từ hậu quân truyền tới là tiếng trống trên từng chiến xa. Ở trên chiến xa, những võ sĩ với những chiếc kích dài nhằm hướng quân Ngô lao tới. Hàng ngàn chiến xa tăng tốc, trời đất như tràn ngập bởi tiếng vó ngựa, tiếng xe lăn bánh, sát khí tràn ngập cả chiến trường.

    Các chiến xa dàn hang ngang lao tới, sau mỗi cỗ chiến xa là một đội bộ binh độ trăm người đồng thời hô vang “Sát”.

    Người Sở hiển nhiên là tính dùng sự áp đảo về binh lực, sự uy lực sấm sét của vạn quân, đem quân tấn công nhanh chónh như nước vỡ bờ, hòng tiêu diệt hoàn toàn quân Ngô.

    Khi chiến xa cách trận địa quân Ngô độ 30 trượng, một loạt tiếng gươm giáo loảng xoảng vang lên, hai ngàn kị binh Sở ở hai bên hông cùng nhau phát xuất. Ngựa hí inh tai, bụi bay đây trời như hai cơn lốc xoáy phối hợp với chiến xa đã sớm lao lên trước chia hai hướng tả hữu hướng về phía trận địa quân Ngô.
      
    Tiền quân Ngô dùng mộc thuẫn chia làm 3 hàng kéo dài cả dặm che chắn toàn bộ Ngô quân.

    Hoàn Độ la lớn: “Nỏ thần chuẩn bị.” Trống Ngô quân vang lên gấp gấp, hai ngàn chiếc nỏ với tên sẵn sàng ở trong vùng che chắn của mộc thuẫn trước sau chia thành hai hàng nhằm hướng địch nhân, vũ khí tối tân của nước Ngô cuối cùng cũng đã được sử dụng.

    Chiến xa dần tiến lại gần, có thể thấy quân sĩ trên xe với áo giáp trang bị tận răng, lăm lăm trường kích, hung quang lấp loáng. Trên mỗi xe có một cung thủ lăm lăm trường cung, chuẩn bị bắn về phía quân Ngô.
      
    Chiến xa vào phạm vi 300 bộ, đây chính là tầm bắn của nỏ do có thể bắn xa gấp ba lần cung tên thường.

    Hoàn Độ hét lớn: “Phóng tiễn!”

    Trống trận bên Ngô vang lên ầm ầm inh tai nhức óc, một ngàn cây nỏ đầu tiên như một ngàn tia điện quang, phóng về những chiến xa đang rầm rầm lao tới, sẵn sàng tuyên chiến với xa chiến chi thuật nổi tiếng.

    Nỏ có sức mạnh rất lớn, có thể xuyên qua áo giáp ngựa, có thể xuyên thấu áo giáp lũ kích thủ, cung thủ và kị binh. Cùng một lúc toàn quân bên Sở bị uy hiếp bởi những mũi tên, chiến xa hơn nửa loạn cả lên, co cụm lại, kị binh thì đồng loạt rớt xuống ngựa, máu văng tung tóe.

    Còn khoảng vài trăm chiến xa tiếp tục xông lên. Đúng lúc này dãy thứ hai của đội nỏ kịp thời bắn ra, quân Sở thêm một lần nữa người ngựa gục ngã, máu nhuộm cát vàng.

    Quân Ngô nhất tề hò hét, Phu Khái Vương và Bạch Hỉ dẫn đầu kị quân nhằm đội kị binh Sở truy sát.

    Đội quân chiến xa uy chấn thiên hạ của nước Sở trong chốc lát đã mất sạch danh tiếng.

    Bên Sở vang lên một hồi trống, kị binh đang xông lên thối lui tức khắc, kị binh Ngô bám theo đuổi giết, quân Sở lần lượt ngã xuống dưới khí thế như chẻ tre của quân Ngô.

    Nỏ một lần nữa lại được lên dây chuẩn bị bắn.

    Toàn bộ tiền quân Ngô theo nhịp trống tay nâng mộc thuẫn, từ từ tiến gần quân Sở.

    Trước loại vũ khí lợi hại chưa từng thấy này, quân Sở hết sức kinh sợ.

    Giây phút quyết định cuối cùng đã đến.

    Dưới sự dẫn dắt của Hoàn Độ và Ngũ Tử Tư, ba vạn quân Ngô đã trở thành một lực lượng chiến đấu đáng sợ thời bấy giờ.

    Lúc toàn quân Ngô tù từ tiến về trước thì kị binh hai cách tả hữu đã sớm truy sát kị binh bên Sở đang rút lui, chia làm hai bên xâm nhập trận địa Sở khiến quân Sở thập phần hỗn loạn.

    Khi ấy ở hậu quân của Sở, Nang Ngõa trên mình ngựa với toàn thân phủ bởi áo giáp, hồng bào phấp phới trông uy phong lẫm liệt, tỏ thái độ thâm trầm, chẳng rõ hỉ nộ. Bên cạnh hắn là Phí Vô Cực và Yên Tương Sư, mặt hai người tái mét, rõ ràng đã bị tên nỏ của quân Ngô hù cho sợ chết khiếp.

    Nang Ngõa ra lệnh: “Chiến xa ngừng xuất kích, giương thuẫn phòng thủ.”

    Trống trận lại vang lên, những dãy khiên giáp dài hơn thân người được xếp thành hàng dựng đứng phía trước, che kín quân Sở, ngay cả một chút gió cũng không lọt qua được.

    Quân Ngô vẫn chậm rãi tiến lên trước, cách trận địa Sở 300 bộ.

    Nang Ngõa hét: “Cung cứng chuẩn bị.”

    Tiễn thủ ở trận tiền chuẩn bị sẵn sàng, chờ lệnh kéo cung.

    Cường cung bình thường này, uy lực chỉ tới 100 bộ, xa hơn nữa thì sẽ không còn chính xác, cái Nang Ngõa đang chờ chính là khoảng cách ấy.

    Ở hai bên, kị binh Ngô Sở đang huyết chiến kịch liệt nhưng ở giữa không gian trải rộng hàng dặm lại trầm tĩnh vô thanh, chỉ có trống trận vang lên từng đợt như thanh âm đến từ địa ngục. Tiền quân Ngô theo tiếng trống giục giã tiến nhanh lên, chỉ còn cách trận địa Sở 200 bộ.

    Hai ngàn chiến xa của Sở trước sau xếp thành hai hàng ngang, ba vạn bộ binh lăm lăm kích, chỉnh tề xếp thành hai hàng dài tới một dặm phía sau chiến xa.
      
    Tia nắng mặt trời chiếu xuống quân hai bên được phản xạ bởi binh khí làm chiến trường lấp loáng kim quang. Quân Ngô tiếp tục xông tới trận địa bên Sở, đạo hung binh tinh nhuệ với những bước chân đều đặn tạo nên một khí thế mãnh liệt, một âm hưởng như hối thúc sự chết chóc.

    Năm vạn đại quân chia thành 3 nhóm với Nang Ngõa ở giữa đang nhìn quân Ngô tiến lại gần.

    Nang Ngõa tính toán trong lòng 150 bộ, 140 bộ, 120 bộ, chỉ còn 20 bộ nữa là trong phạm vi có thể phát huy uy lực của cường cung.

    Chỉ còn 20 bộ nữa…

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


  10. Bài viết được 4 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
Trang 2 của 3 Đầu tiênĐầu tiên 123 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status