TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: Nhận xét của các Giám khảo vòng I truyện dài Kim Bút 2009

  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định

    Được sự tin tưởng của herobk13, mình đã đọc và cho điểm 12 truyện dài dự thi Kim Bút 2009 như dưới đây. Vì thời gian hạn hẹp nên mình chỉ có thể lưu lại vài dòng nhận xét chung chung cho từng tác phẩm. Chúc các bạn thí sinh vui vẻ, bút lực ngày một tăng tiến, người được giải không kiêu, người thua cuộc chẳng nản. Ai có tâm huyết với nghiệp cầm bút dù là tay trái hay tay phải rồi cũng sẽ có lúc thành công.

    1. Tân Thủy Hử: Thí sinh số 05

    Văn phong có chất cổ kính của những truyện kinh điển như Tam Quốc, Thủy Hử, tuy nhiên dường như là một sự bắt chước thuần túy. Thêm vào đó, ngoài việc văn phong và mô tả giống Thủy Hử, cách tác giả cho các tình tiết chém giết hàng loạt giống Thủy Hử cũng làm truyện thêm tính bạo lực.

    Về nội dung, tình tiết khá đơn giản, các nhân vật như con rối trong tay tác giả. Thêm vào đó việc pha trộn đủ loại lịch sử, truyện Thủy Hử rồi cả tiểu thuyết Kim Dung vào khiến tác phẩm mang tính mua vui thuần túy. Lịch sử trong truyện được nhắc đến nhưng tác giả đã phạm điều tối kỵ là thay đổi lung tung.

    Một vài điểm

    Bài thơ đầu tiên không phải tiếng Hán nhưng lại có bản dịch???

    Tác giả có vẻ sử dụng tiếng Việt không thành thạo, lỗi chính tả, lỗi sai từ quá nhiều.
    Về sau, vấn đề chính tả và câu cú của truyện có cải thiện, tuy nhiên vẫn có những lỗi rất ngô nghê, lặp lại nhiều lần, có vẻ như tác giả là một người nước ngoài học tiếng Việt vậy. Ví dụ “Mãi mới nhắc đến đạo quân của Lỗ Thể Ngân”, chỗ này nếu theo phong cách của các truyện kinh điển thì phải là “Lại nhắc đến...”

    Hạn chế tối đa việc dùng số trong câu văn.

    Một số chỗ không logic:
    - Ở Hồi 2 đang là: “Đêm đến đúng như lời hẹn hai anh em nhà họ Di tìm đến Thanh Phong lâu” thì diễn biến tiếp theo ở Hồi 3 đã thành “Ánh chiều tà rải một sắc nắng nhòa nhạt đầy thê lương trùm lên vạn vật.”.
    - Chỗ này “Họ lênh đênh trên mặt biển qua một đêm dài.”??? Đang ở sông sao ra biển lúc nào vậy?

    Vân vân.

    Điểm 5.5

    2. Nhân kiếm đấu thiên: Thí sinh số 06

    Kỹ năng viết câu còn yếu, các lỗi lặp từ, lặp ý hoặc ngược lại là cụt lủn khá nhiều. Tác giả cần chú ý việc dùng dấu câu sao cho hợp lý. Có thể nêu ra một ví dụ điển hình: “Có lẽ thường xuyên vui vẻ như thế nên y rất được việc, chuyện gì khó khăn đến đâu tưởng chừng như không thể làm được cuối cùng y vẫn làm được, dường như y giải quyết công việc chỉ bằng nụ cười chứ không phải bằng võ công.”.

    Nhìn chung tác giả có chịu khó tìm hiểu lịch sử và văn hóa, diễn biến tình tiết cũng khá hay. Rất đáng khen tác giả mạnh dạn khai thác đề tài về VN. Tuy nhiên truyện khá nhạt và hời hợt.

    Một số điểm

    Đại từ dùng cho nhân vật lẫn lộn, lúc hắn lúc chàng.

    Tác giả nên chú ý phân đoạn để độc giả đỡ ngại, nhìn một trang đặc chữ, không xuống dòng ngắt đoạn, quả thật ít người đủ kiên trì đọc hết.

    Hạn chế tối đa việc dùng số trong câu văn.

    Một số từ ngữ dùng không chuẩn. Ví dụ “mua chịu”, “uống chịu” chứ không phải là “mua thiếu”, “uống thiếu”; hoặc giả đây là những từ địa phương dùng trong văn nói, nên hạn chế dùng. “Ngái ngủ” chứ không phải “ngáy ngủ”; “giàn giụa” chứ không phải “ràn rụa”, vân vân

    Tác giả đã lấy bối cảnh Việt thì nên miêu tả võ công Việt, dùng môn phái cũng nên là môn phái Việt, chí ít là không nhái tên Tàu.

    Hình như tác giả viết quá vội, không kiểm tra lại thì phải, tình trạng râu ông nọ cắm cằm ba kia tương đối nhiều. Ví dụ: “Vô Chiêu kính cẩn đốt một nén nhang, chàng thầm cầu nguyện: Con là Lý Thanh Phong, đệ tử đời thứ tư của Thiên Sơn phái. Con cầu mong Người phù hộ cho phái Thiên Sơn sẽ vang danh trong giới giang hồ, riêng con sớm ngày khôi phục được trí nhớ….”

    Vân vân
    Điểm 6.5

    3. Đao Tài Kiếm Tuyệt: Thí sinh số 10

    Đọc qua đã thấy tác giả là một fan hâm mộ Cổ Long. Cách dùng từ, hình ảnh so sánh cũng có nét độc đáo. Tuy nhiên những câu với “phong cách Cổ Long” quá nhiều gây nhàm, làm tình tiết chậm, số lượng thông tin truyền tải ít đi.

    Truyện dùng nhân vật Phó Hồng Tuyết từ tiểu thuyết của Cổ Long, giống như Tân Thủy Hử và Nhân Kiếm Đấu Thiên với các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, làm cho tác phẩm bị hạ tầm. Dù không phải dạng tác phẩm ăn theo, nhưng cũng một phần là mượn tên, mượn danh, hoặc đánh giá khắt khe hơn là sử dụng sở hữu trí tuệ của người khác. Điều này các bạn thí sinh PHẢI tránh nếu muốn vươn lên chuyên nghiệp. Xét trên hoàn cảnh Kim Bút là cuộc thi phát hiện tài năng để giới thiệu đến các nhà xuất bản, những việc này sẽ bị trừ điểm nặng!

    Nội dung không có gì mới mẻ, nhạt, đặc biệt không hiểu ý đồ phần phi lộ của tác giả.

    Một số điểm

    Tác giả trình bày và gõ khá ẩu.

    Lỗi sai từ, chính tả khá nhiều.

    Điểm 6

    4. Tam Tuyệt Lệnh: Thí sinh số 12

    Truyện đi sao chép nhiều truyện khác. Gõ ẩu, văn phong nhiễm các bản dịch mạng nặng.

    Điểm 2

    5. Hỗn Mang: Thí sinh số 13

    Tác giả viết lách khá tốt, câu văn nhuyễn, rõ ý. Có điều bạn chọn một thể loại mà chủ quan mình không nghĩ nó phù hợp với tiêu chí của Kim Bút. Mình cũng rất lấy làm tiếc nếu tay viết của bạn không dùng để sáng tác những tác phẩm đời thực hơn. Bạn là một gamer, bạn hiểu thế giới game, như thế những cái được mất của gamer phải chăng là một đề tài tốt? Hy vọng Kim Bút từ năm sau sẽ có đất diễn cho bạn ở mảng này.

    Trở lại truyện của bạn, sau hai chương đầu là cuộc sống thực ngoài games bạn xử lý rất tốt. Khi đi vào game Hỗn Mang, mọi thứ trở nên rất tẻ nhạt. Những cái bạn viết về game thực sự chỉ là kiến thức trao đổi của các gamer, mình không nhận thấy nét văn học gì ở đó.

    Mình cũng không hiểu sao bạn lại có thể tưởng tượng ra một thế giới mà ai cũng chơi game online như thế, bạn thực sự muốn tất cả mọi người đều nghiện games ư?

    Đó là những suy nghĩ chủ quan.

    Khách quan là nếu bạn muốn thành cây bút chuyên nghiệp hay chí ít được một lần nào đó xuất bản, hiện tại những thể loại thế này mình không nghĩ có chút triển vọng nào, dù bạn có là một thiên tài viết lách. Hiện tại, có lẽ nó chỉ có thể đem đến lợi nhuận trên cộng đồng mạng thôi, tất nhiên với điều kiện là số người thích truyện thế này rất đông, và VN có những trang web đăng truyện mạng kinh doanh kiểu như Trung Quốc.

    Chú: Mình có chơi games, cả game online.

    Một số điểm:

    Hạn chế tối đa việc dùng số trong câu văn.

    Không hiểu tác giả cho ý “có trách thì trách DNA của cha hắn quá yếu, bị DNA của mẹ hắn át hết” dưới dạng văn tả là có ý muốn tạo không khí trào phúng hay nói một cách hình tượng?

    Tác giả đã tưởng tượng ra những năm rất xa, của một thế giới rất khác hiện tại, tuy nhiên những chi tiết như “Pocket PC mới cứng dòng S9 của những năm 900” lại khiến người đọc có cảm giác không ăn nhập với bối cảnh vẽ ra lúc đầu.

    Che giấu, thúc giục chứ không phải che dấu, thúc dục.

    Không nên lạm dụng các dấu câu.

    Điểm 5.5

    6. Bóng Anh Hùng: Biên Cương: Thí sinh số 14

    Tác giả viết tốt, văn phong mượt mà, có tìm hiểu văn hóa kỹ càng. Trình bày rất rõ ràng cẩn thận.

    Nội dung khá đặc sắc.

    Cách viết vẫn ảnh hưởng của văn phong dịch tràn lan trên mạng. Thể hiện ở việc dùng rất nhiều từ Hán Việt tối nghĩa. Những từ này không hề đem lại “chất kiếm hiệp”, chẳng qua nó chỉ là sự ẩu, sự bất lực của các dịch giả nghiệp dư mà thôi. Đáng buồn là những từ ngữ ấy, cung cách viết câu ấy lại ảnh hưởng khá lớn đến anh em sáng tác.

    Những từ tối nghĩa có thể kể ra: u nhàn, cổ lực lượng, cười khổ...Câu nhiễm văn phong dịch “- Ngươi không có đồng bọn?”, nên có ư hoặc sao ở cuối, đó mới đúng là cách nói thông thường của người Việt.

    Một số điểm

    Tác giả hơi sính chú thích, tuy nhiên có chú thích lại không chuẩn.

    “Núi Khạu Pha”, núi viết thường.

    Xán lạn chứ không phải sáng lạn, thủ lạt chứ không phải thủ lạc

    “họ Bạch tôi” – Hình như Bạch Hổ là hiệu, Bạch không phải là họ.

    Điểm 8

    7. Sát Thát Chiến Ca: Thí sinh số 15

    Tác giả viết khá tốt, trình bày cẩn thận, biết cách dẫn dắt lôi cuốn. Tuy nhiên đôi chỗ câu chữ còn rườm rà dài dòng, từ ngữ dùng bị nhiễm các cụm Hán Việt của các bản dịch ẩu.

    Chọn đề tài Việt Nam với những nhân vật nổi tiếng khá táo bạo. Đáng khen.

    Một số điểm

    “Đường sá” chứ không phải xá. Nên nhớ phố xá là x nhưng đường sá lại lại là s.

    Tựu trung chứ ko phải tựu chung.

    Hạn chế tối đa việc dùng số trong câu văn.

    Một số chỗ dùng từ không rõ nghĩa, do ảnh hưởng của các bản dịch ẩu, có thể thay thế bằng những cụm từ đồng nghĩa dễ hiểu hơn nhiều như

    - Nói rồi thân thủ như cơn cuồng phong, cang khí bạo phát, song quyền nhắm thẳng Trần Hàn kích tới. Đám ngục tốt, nha binh phía sau Bộ Thần lập tức giương cung, song y khẽ phất tay ra hiệu, chất giọng u lãnh hơi gằn nhẹ.--> cang khí bạo phát, u lãnh!!!
    - Y khí huyết nhộn nhạo, tiên huyết rỉ ra nơi khóe miệng, cười gằn nói.--->tiên huyết!!!
    - xích sắc quang mang đã từ từ mờ dần--> xích sắc quang mang!!!

    vân vân.

    Điểm 7.5

    8. Nhân Gian Du: Thí sinh số 16

    Kỹ năng dẫn truyện, bố cục khá. Tuy nhiên lỗi lặp từ còn nhiều, văn phong còn nhiễm các truyện dịch ẩu trên mạng.

    Ý tưởng khá, có điều nội dung và các tình tiết hơi nhạt, không hấp dẫn người đọc.

    Một số điểm

    Lời nói đã dùng “–“ thì không dùng thêm dấu gì hết. Nếu dùng dấu thì là “ chứ không phải ‘


    Nhiều chỗ dùng từ chưa chuẩn như

    “Động thủ trên đầu Thái Tuế”--> động thổ

    thế gia đệ tử--> tử đệ mới đúng, nghĩa là con cháu

    Tiểu An kẻ cao nói --> kẻ cả

    cao thâm mặc trắc--> mạc trắc, nên dùng là cao thâm khó dò hay cao thâm khôn lường

    vân vân

    Điểm 6.5

    9. Sinh Tồn: Thí sinh số 17

    Lời văn đơn giản, trong sáng, rất hợp là truyện thiếu nhi. Tuy nhiên bút lực và kỹ năng xử lý ngôn từ vẫn còn chưa tốt. Dù ngôn ngữ trong sáng nhưng vẫn có nhiều chỗ bị ảnh hưởng của từ ngữ truyện dịch võ hiệp tràn lan trên mạng, khiến cho chất thuần Việt giảm đi rất nhiều. Truyện có vẻ không hợp với tiêu chí của cuộc thi năm nay.

    Có ý tưởng tuy nhiên nếu tưởng tượng ra những cái mới hoàn toàn thì phải xây dựng khái niệm mới, tên mới. Việc vẫn dùng những đặc tính cũ như hươu có bốn chân, rắn là loài bò sát không chân thì vẫn phải tuân theo những đặc điểm vốn có của nó. Không có lý gì hươu vẫn đi bằng bốn chân mà có thể nấu cháo.

    Một số điểm

    Tuy có chút mới mẻ nhưng cảnh quần thú và việc lên cấp không mới, rất giống với những truyện tiên hiệp đầy rẫy trên mạng.

    Phần đầu truyện khi nhân vật mới sinh ra, chưa thể có bất kỳ khái niệm gì để so sánh to, nhỏ, lớn, bé, lông lá, hiền từ... như tác giả đã nêu.

    Tuy tác giả có chút giải thích về việc phân định rạch ròi hai thế giới nhưng chuyện tồn tại ở hai thế giới như nhân vật chính rất kém tính thuyết phục. Anh ta sẽ là một cá thể rất thất thường về mặt thời gian ở cả hai nơi. Lượng thông tin quá nhiều chắc chắn sẽ khiến anh trầm cảm hay phát điên.

    Một số lỗi dùng từ không chuẩn như “Đôi sừng của ông ngày càng được gột sạch khỏi bùn đất”, từ “ngày càng” được tác giả sử dụng rất nhiều nhưng không đúng ý nghĩa của nó.

    Vân vân
    Điểm 6

    10. Hỏa Hồ Điệp: Thí sinh số 18

    Văn phong mượt, viết lách tốt, câu chữ rõ ràng, mạch lạc. Dẫn truyện tốt, gõ chữ và trình bày cẩn thận.

    Tác giả mở ra bối cảnh khá tốt. Việc chọn một truyền thuyết đã từng là đề tài nóng hổi của truyện, phim ảnh theo ý cá nhân mình là không nên. Dù câu chuyện của bạn được xây dựng hoàn toàn mới nhưng vẫn đem đến cảm giác cũ kỹ, mượn hình ảnh, tên tuổi; xét trên tiêu chí giới thiệu đến các NXB của Kim Bút, mình nghĩ đây là một điểm cản trở.

    Phần dẫn truyện ban đầu khá gượng, không thuyết phục.

    Một số điểm

    Nhan hiểm --> có lẽ là nham hiểm?

    Hình ảnh so sánh ví von “trời sinh Du ắt phải sinh Lượng” trong câu văn đó không hợp lý.

    vẫn ngầm cấu xé lẫn nhau-- > từ cấu xé không hợp lý

    Một số chỗ viết hoa không cần thiết.

    Vân vân.

    Điểm 7.5

    11. Phong Vũ: Thí sinh số 19

    Dẫn truyện khá tốt, văn phong có chất, bút lực khỏe. Gõ chữ hơi ẩu, lỗi đánh máy tương đối, trình bày rối mắt.

    Bối cảnh giang hồ mở ra khá tốt. Nội dung không mới nhưng xử lý tốt.

    Tác giả có chịu khó tìm hiểu văn hóa lịch sử, lồng vào tốt.

    Một số điểm

    Sử dụng dấu câu không có cách trống ở trước!

    Điểm 8

    12. Vô Đạo - Luân Hồn: Thí sinh số 20

    Lời văn dẫn dắt, từ ngữ sử dụng tự nhiên, rất có chất riêng dù rằng kỹ năng viết, diễn đạt còn chưa tốt. Câu văn còn nhiều lỗi lặp từ và dùng từ không đúng nghĩa. Tác giả viết mà như nói như nghĩ, khá nhập tâm vào truyện nên cảm xúc tự nhiên. Tuy nhiên bối cảnh truyện và hiện thực (của tác giả) khác xa nhau nên rất nhiều từ sử dụng không hợp lý và phô; thêm vào đó việc lạm dụng văn nói giảm tính văn học của tác phẩm đi rất nhiều.

    Tác giả gõ và trình bày khá ẩu, viết hoa viết thường không theo quy chuẩn, và cũng không thống nhất trong truyện.

    Nội dung không mới nhưng được tác giả thể hiện với nét riêng

    Một số điểm

    Lộc trang gia ---> gia trang?

    Hạn chế tối đa việc dùng số trong câu văn.

    Tác giả replace all từ anh thành huynh, chắc là cho nó có vẻ kiếm hiệp, nhưng không “Find whole word only”, thế nên tất cả những từ có vần anh như danh, ranh... đều bị biến đổi.

    Tác giả có dùng “Cút, hoặc là ta sẽ cho ngươi bó bột vài tháng!” một cách rất tự nhiên như thể ở thời điểm đó, không gian đó người ta đã có khái niệm này vậy. Nếu mình nhờ không nhầm thì phương pháp bó bột dùng thạch cao chỉ xuất hiện ở phương Tây vào tầm cuối TK 18 - đầu TK 19.

    Tác giả có chú thích “( * ) tán khí: cách gọi về “ nội lực “ trong mỗi cơ thể người “ lửng lơ giữa truyện, không sắp xếp đúng chỗ. Thêm vào đó, phải chăng chú thích này có vấn đề?

    vân vân

    Điểm 6.5

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    - Phong vũ (8 điểm): Nội dung tốt, có đầu tư, văn phong trôi chảy, điểm xuyết những bài thơ thể hiện ý tứ riêng.

    - Sát Thát chiến ca (8 điểm): Văn phong độc đáo, cuốn hút. Tác giả không có ý định viết võ hiệp lịch sử, nhưng quả thực những nhân vật lịch sử mang tới cho truyện bầu không khí đặc trưng.

    - Bóng anh hùng: Biên cương (8 điểm): Một truyện chất lượng, văn mà đọc có nhịp điệu của thơ. Hơi tiếc khi những lời chú giải thường không đúng với nghĩa chủ đạo cần làm rõ.

    - Hỏa hồ điệp (7 điểm): Văn đẹp, kết hợp liền lạc một huyền thoại được rất nhiều người biết với huyền thoại và câu chuyện tự mình nghĩ ra. Cái hay là mỗi một nhân vật khi đọc vừa thấy quen vừa thấy có gì đó mới mẻ, lạ lẫm. Nhược điểm là bộ khung cũ đã làm cản trở sự phát triển tình tiết.

    - Nhân kiếm đấu thiên (6,5 điểm): Đây là điều mà kiếm hiệp phong cách Việt cần đạt được. Không phải cứ cố đưa vào một loạt thông tin liên quan tới Việt Nam là hay, quan trọng ở chỗ cốt truyện đủ hấp dẫn, gây hứng thú nơi người đọc rồi dần dần „đặt“ vào những yếu tố đặc trưng của đất nước ta. Võ công, môn phái đa phần cũng chỉ là sự sáng tạo, kể cả bối cảnh Trung Quốc. Ví như các tác phẩm của Huỳnh Dị: Biên Hoang Truyền Thuyết, Đại Đường Song Long bỏ luôn những gì liên quan tới những môn phái „thực“ như Thiếu Lâm, Võ Đang,... mà vẫn khiến người đọc „tin“.
    Tác giả sắp xếp, xâu chuỗi tình tiết rất tốt, mặc dù đoạn kết có phần hơi vội và đẹp quá. Nhân vật dù chưa được khai thác sâu về cá tính nhưng vẫn để lại một vài ấn tượng.
    Sự tìm hiểu thông tin về vùng Nam Bộ của tác giả đáng trân trọng, song vẫn cần để tâm thêm nữa, lấy ví dụ như „rượu đế“: Rượu đế là rượu lậu, giấu dưới cây đế, một loài lau sậy mọc cao để trốn thực dân Pháp nên tên gọi này không thể nào xuất hiện thời Lê mạt được (giống như „rượu cuốc lủi“ ở miền Bắc, quốc hồn quốc túy mà phải bán chui bán lủi, làm chui làm lủi). Ghi năm bằng số là không ổn, nên cho vào ngoặc tròn hoặc thay bằng niên hiệu, thuật lại lịch sử có thể tạm chấp nhận, nhưng trong lời dặn của tiền nhân mà ghi vậy thì bất hợp lý, thời điểm đó chưa có cách viết ấy.
    Văn phong cũng là điều tác giả cần lưu tâm vì còn nhiều lỗi logic, lỗi câu, sai vị trí chấm phẩy.
    Tuy nhiên, xét trên tổng thể, đây vẫn là một viên ngọc thô thật sự.

    - Vô Đạo, Luân Hồn (6,5 điểm): Tác giả chú tâm tới từng chi tiết nhỏ của truyện khiến cho nhịp độ có phần chậm rãi nhưng vẫn tạo được thiện cảm. Mỗi một nhân vật đều được dành thời lượng nhất định để chăm chút. Tuy nhiên, có một số chỗ chẳng hạn như suy nghĩ của Lộc Công trang chủ ở đầu, không cần thiết phải sử dụng từ thô tục. Những câu triết lý mang tới hiệu quả biểu đạt nhất định, song không nên quá lạm dụng. Tác phẩm có một nét độc đáo ít thấy, đó là sự phối hợp đồng đội khi làm nhiệm vụ, chiến đấu, không còn những siêu cường giả như trong nhiều bộ truyện hiện nay.

    - Sinh tồn (6 điểm): Đây thực sự là bộ truyện thú vị và đầy sáng tạo, giống như câu chuyện cổ tích về loài vật vậy. Song cũng vì thế, nó thiếu sức hấp dẫn thường gặp vì làm nhạt nhòa đi sự khốc liệt, âm mưu, đặc biệt là chuyện tình cảm. Có lẽ tại sự trong sáng của thể loại…

    - Nhân gian du (6 điểm): Bố cục tốt, văn phong và cốt truyện đủ để thu hút độc giả. Mọi thứ đều ổn thỏa, tròn trịa nhưng thiếu một cái gì đó gây ấn tượng, đi sâu vào lòng người.

    - Tân Thủy Hử (5 điểm): Truyện lúc đầu gây cảm giác như của một người nước ngoài học tiếng Việt vậy, thơ cũng lệch lạc niêm luật. Nhưng sau đó có thể thấy sự tiến bộ vượt bậc, tâm ý muốn hoàn thiện tác phẩm ở mức cao nhất này đáng được trân trọng.
    Khi chìm vào thế giới của Tân Thủy Hử, bản thân tôi có cảm giác như mình đang được gặp lại người bạn cũ, vẫn cái hào khí của các trang hảo hán, cái tư tưởng thay trời hành đạo ấy. Chỉ đáng tiếc, tác giả lại thể hiện quá rõ hành động thiên về bản năng, thiếu đi chữ nhân của những hảo hán, trong khi sự cân đối, chiều sâu của các nhân vật phe đối địch, quan điểm về thời cuộc lại quá đơn giản, thiếu sức thuyết phục. Để một loạt gian thần chết dễ dàng rồi đưa nhân vật chính lên làm vua là kết cục đẹp nhưng rất thiếu logic, xét trên bối cảnh chính trị, xã hội, lịch sử.

    - Đao tài kiếm tuyệt (5 điểm): Rất có chất Cổ Long, thể hiện được hình tượng người hiệp khách có quá khứ gian truân, tuy thế, lại sa đà vào những câu dẫn truyện lòng vòng. Tác giả còn mắc phải một nhược điểm trong truyện Cổ Long thời kỳ đầu là thiếu chăm chút cho nhân vật phụ, không xây dựng bối cảnh, tình huống để họ xuất hiện một cách tự nhiên mà thay vào những dòng giới thiệu rồi cho nhân vật hiện ra, ngay cả „trùm cuối“ cũng vậy. Thực không hay, chính Cổ gia sau này cũng tạo dựng những nghi án của mình rất bài bản, thủ phạm, chủ mưu đa phần đều góp mặt, hoặc được nói tới từ trước, phút cuối mới lộ diện thực sự. Nhân vật nữ cũng thật nhạt nhòa. Hành văn rời rạc, cố che giấu điều gì đó nhưng khi tấm màn vén lên lại không mang tới sự thỏa mãn, ngay cả bản thân bí mật cũng vậy. Có lẽ, viết theo kiểu này rất khó.

    - Hỗn mang (5 điểm): Truyện có văn phong rất tốt so với mặt bằng chung, đó là ưu điểm đáng kể. Một ưu điểm nữa thể hiện qua việc tác giả miêu tả cách nhân vật phản ứng tức thời, qua đó thấy được năng lực của nhân vật. Tuy nhiên, cá tính của nhân vật nói chung lại nhạt nhòa, nhân vật chính được tạo dựng quá hoàn hảo nhưng chưa cho thấy sự hoàn hảo đó trong từng lĩnh vực. Chơi games với đời thực là hai chuyện cách xa nhau, ở một thế giới bị hủy hoại và đang nỗ lực phục hồi, liệu người ta có rảnh tới mức 1/3 đi chơi games? Thế giới ảo mang lại lợi ích gì (thiết thực) đủ lớn mà các nhà đầu tư phải đổ xô vào?... Và còn nhiều câu hỏi nữa. Không có ý kiến gì về thể loại, song khi quyết tâm theo đuổi, tác giả cần tạo cho nó đủ sự thuyết phục, đủ chiều sâu để biểu đạt quan điểm nhân sinh, nghệ thuật. Ngay cả trong bối cảnh game online, vẫn còn thấy thiếu tính đa dạng của các classes, sự phối hợp đồng đội với số lượng lớn, ví như trận công thành, tính cá nhân vẫn được để lên quá cao thay vì miêu tả chiến trận với sự tham gia đông đảo người chơi.

    - Tam tuyệt lệnh (3 điểm): Văn phong truyện khá giống với những dịch phẩm ẩu, hay lệch khỏi ngữ pháp tiếng Việt. Trí tưởng tượng tốt mà thiếu sáng tạo. Tác giả hình dung ra được nhiều cái lạ nhưng chưa để ý tới tính logic, lại lạm dụng bối cảnh kiểu Harry Potter, thật không hay. Ở mức độ rèn luyện tay viết không sao, nhưng để dự thi thì không đạt.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    1. Tân Thuỷ Hử (7đ)
    - Bố cục truyện hợp lý. Tình tiết có thắt, có mở, có cao trào nên khá cuốn hút. Văn phong còn rườm rà, đôi chỗ diễn đạt lủng củng. Tư tưởng truyện không mới, nhân vật thiếu cá tính.
    - Nội dung tròn trịa nhưng không tạo được ấn tượng nơi người đọc.

    2. Đao tài kiếm tuyệt (7)
    - Rất nhiều lỗi chính tả và diễn đạt. Lặp từ, lặp ý nhiều. Lựa chọn cách viết câu ngắn kiểu Cổ Long phải có bút lực đủ mạnh, nếu không sẽ làm người đọc khó chịu vì những câu văn cụt lủn.
    - Xây dựng nhân vật khá, có cá tính nhưng không mới.

    3. Biên cương Bóng anh hùng (9đ)
    - Văn phong mạch lạc, diễn đạt tốt. Dùng nhiều hình ảnh đẹp, toát ra hồn Việt từ những hình ảnh rất đặc trưng. Bố cục truyện hợp lý, giải quyết các vấn đề đặt ra một cách khéo léo.
    - Kiếm chiêu, kiếm pháp độc đáo, chất hiệp rõ nét, tạo được không khí của một tác phẩm kiếm hiệp.

    4. Sát thát chiến ca (6đ)
    - Văn phong trôi chảy, đôi chỗ dùng từ ngữ làm cho người đọc bị cụt hứng, tạo cảm giác khó chịu như là đang ăn bát cơm ngon mà nhai phải sạn. ( VD : “vừa hảo sảng, vừa bỉ ổi” )
    - Tình tiết chưa hợp lý, giải quyết vấn đề còn quá đơn giản. Càng về sau bút lực càng yếu.

    5. Hỗn mang (4đ)
    - Truyện game, khá khó hiểu nếu người đọc chưa từng chơi những thể loại game này. Truyện mở đầu rất cuốn hút, nhưng càng về sau càng giảm đi độ hấp dẫn.
    - Mắc nhiều lỗi về logic và chính tả( cô gái câm lại nói lí nhí?)
    - Văn phong rườm rà, nhiều đoạn lủng củng.

    6. Sinh tồn (6đ)
    - Truyện này chắc viết cho thiếu nhi chứ không phải là kiếm hiệp.
    - Khó chịu vì cách đặt tên truyện, lấy tên VN mà không có chút gì về VN
    - Diễn đạt nhiều đoạn ngây ngô, thiếu thuyết phục.

    7. Tam Tuyệt lệnh (1đ)
    - Lấy hình ảnh, câu chữ từ những tác phẩm khác. Không có tính sáng tạo.

    8. Nhân gian du (5đ)
    - Hành văn khá
    - Cốt truyện không lạ, nhân vật không mới

    9. Vô đạo luân hồn (7đ)
    - Nhiều sáng tạo về xây dựng nhân vật và tình tiết truyện. Nhân vật độc đáo, có nét riêng.
    - Võ công tả khá hay nhưng nội dung truyện chưa hoàn chỉnh, còn những số phận bị bỏ rơi.
    - Sáng tạo tình huống độc đáo.

    10. Phong Vũ (9đ)
    - Truyện có không khí kiếm hiệp nhất.
    - Nhân vật có cá tính, sáng tạo.
    - Văn phong mạch lạc, trôi chảy dù đôi chỗ còn lủng củng ( ít )

    11. Hoả Hồ Điệp (8đ)
    - Truyện mở đầu làm người đọc lầm tưởng là viết lại thiên tình sử LSB-CAĐ. Với mở đầu này, khiến người đọc hơi thất vọng.
    - Văn phong mượt mà, tả cảnh, tả vật đẹp.
    - Tạo dựng nhân vật và tình huống khá độc đáo.

    12. Nhân kiếm đấu thiên (7đ)
    - Truyện có bố cục chỉn chu. Tuy nhiên nếu viết về VN mà chỉ đơn giản là kể lể địa danh và lịch sử thì chưa đủ.
    - Hành văn còn rườm rà. Nhiều đọan kéo dài lê thê mà không có mục đích

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Lần sửa cuối bởi herobk13, ngày 15-11-2009 lúc 19:04.
    ---QC---

    Ảnh ọt Hidden Content
    Thơ thẩn Hidden Content
    Hát hò Hidden Content


  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định

    1. Tân Thủy Hử:
    Tác giả mong muốn tạo ra một câu chuyện hoành tráng nhưng quả thật là bút lực không đủ nên gây nhiều thất vọng cho độc giả. Tác giả cần cải thiện nhiều về kỹ năng viết và phông văn hóa nền.

    2. Nhân Kiếm Đấu Thiên:
    Tác giả đã rất cố gắng mang bối cảnh Việt Nam vào câu chuyện, nhưng văn phong chưa được lôi cuốn lắm, câu chuyện nhiều lúc dài dòng, lê thê…nhân vật thật sự là chưa có sức sống, chưa tự khẳng định mình, đa số là do tác giả tự cho rằng nó là như thế…Tuy nhiên đây cõ lẽ là sự mở đầu cho những gì tốt đẹp hơn chăng?

    3. Đao tài kiếm tuyệt:
    Bạn này chắc là fan Cổ Long, nhưng theo như mình thấy thì bạn chỉ bắt được “hình” chứ chưa thấy được “ thần” của Cổ, thể văn rời rạc này rất yếu về mặt logic, nhiều khi nó dẫn ta đi xa quá, lúc muốn quay về thì quay về không được.

    4. Tam Tuyệt Lệnh:
    Càng đọc càng gặp nhiều “người quen”, ngả mũ chào liên tục. Cũng chẳng cần nói gì nhiều.

    5.Hỗn Mang:
    Quả thật là khó để đánh giá tác phẩm này. Nếu như đây là cuộc thi viết truyện cho game online chắc bạn này sẽ được đánh giá cao, rất tiếc đây lại là Kim Bút.

    6.Bóng Anh Hùng: Biên Cương:
    Văn phong mượt mà, tác giả đầu tư nghiêm túc, bút lực khá…tuy nhiên câu từ vẫn mang hơi thở hiện đại, cái tôi thích lại là dạng văn chương nhuốm màu rêu phong, cổ kính.

    Câu chuyện” Truyền kỳ về một lòai hoa” thật sự là có nhiều điều bất ổn
    Ví dụ: chỉ dựa vào 2 chiếc kiềng vàng mà đóan chắc lòai hoa kia là của 2 chị em hóa thân sao?
    Rồi còn con chim nữa: ai đóan chắc đó là người yêu của 2 cô, rồi ai đặt tên cho con chim đó? Con chim ấy ngòai tiếng kêu ríu rít thì còn có gì khác lạ?
    Lại nữa: tại sao hoa đẹp thế mà chả có ai tò mò mang về? Lại nữa ông quan kia có gì mà chỉ thì thầm trong 1 đêm thì cô em đồng ý?

    7.Sát thát chiến ca
    Tác giả có bút lực khá, văn phong lôi cuốn…tuy nhiên vẫn còn một điều gì đó chưa thóat lên được về cá tính của nhân vật.

    8.Nhân gian du

    Tác giả có suy nghĩ mới lạ, cách hành văn cũng khá, bố cục vững, cách giải quyết các vấn đề mạch lạc, tuy nhiên vẫn cón thiếu tính đột biến để gây ấn tượng cho người đọc.
    9.Sinh Tồn:
    Truyện viết không sát với chủ đề của Kim bút, tác giả cố tạo ra một sự mới mẻ nhưng với những kiến giải của mình không thuyết phục được người đọc.

    10.Hỏa Hồ Điệp

    Văn đẹp, mạch lạc, bối cảnh câu chuyện rất hay, tôi thất thích thể lọai truyện như thế này, tác giả cần thêm một chút phiêu để có câu chuyện mới thóat khỏi cái bóng cũ của nó.

    11.Phong Vũ.
    Truyện có chất kiếm hiệp nhất, văn phong có chất liệu kiếm hiệp cổ điển, rất đáng để phát huy, tuy nhiên tác giả cần cô gắng thóat ra những mô túyp cũ.

    12. Vô đạo Luân hồn:
    Viết ổn, tuy nhiên do tác giả cố theo một cái bóng trước mình về cách viết nên nhiều khi gây sự khó chịu cho người đọc, cá nhân tôi không thích đọc truyện kiếm hiệp viết theo phong cách văn học 30-45 ở VN.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Ảnh ọt Hidden Content
    Thơ thẩn Hidden Content
    Hát hò Hidden Content

  3. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150

    Mặc định



    Bóng anh hùng: Biên cương

    Đây là truyện mà tôi đánh giá cao nhất trong tất cả các truyện tham dự Kim Bút kì này, và cũng là truyện duy nhất có đủ sức hấp dẫn để tôi đọc từ đầu đến cuối trong một lần.

    Văn phong mượt mà, nhân vật có sức sống, bố cục và tình tiết chặt chẽ, những cái đó hẳn đã rõ. Điều mà tôi thấy thích thú nhất ở truyện này là sự lồng ghép các yếu tố Việt vào mà không bị gượng ép. Những nhân vật Bạch Hổ tướng quân, đức ông Trần Thành hay anh em họ Phạm hiện ra một cách tự nhiên dưới ngòi bút của tác giả. Khổ luyện võ công, phá thành cướp ngục hay đơn đả độc đấu cũng được miêu tả một cách uyển chuyển, người đọc không có cảm giác tác giả đang cố gắng nhồi nhét “chất Việt” vào trong đó. Đó là điểm hiếm có và rất đáng khen.

    Tạ Yên Vân là nhân vật mà tôi thích thú nhất, thậm chí hơn cả nhân vật chính Bạch Hổ. Cách miêu tả quá trình luyện võ của nhân vật này – với một chiêu Định Phong Vân duy nhất – tuy không phải điều gì quá mới mẻ nhưng để lại ấn tượng rất tốt, và sợi dây tình cảm giữa họ Tạ và người phụ nữ tên Hinh cũng đã thực sự “bồi xương đắp thịt” cho nhân vật. Việc tác giả bỏ nhiều công sức miêu tả nội tâm và trí lực của hai bờ chiến tuyến – Tạ Yên Vân, Côn Luân Tam Sát và Bạch Hổ, Trần Thành – khiến cho câu chuyện thêm phong phú, không còn sự đơn điệu của chính – tà bất lưỡng lập vẫn thường gặp nhan nhản.

    Đối với truyện này, có ba điểm tôi muốn góp ý:
    - Nhân vật chính – Bạch Hổ, tuy là người Việt nhưng cái tên của y ngay lập tức khiến cho người ta liên tưởng đến Tứ linh (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ).
    - Dù tác giả đã rất cố gắng miêu tả những cuộc đấu trí giữa hai bên nhưng chưa thực sự có những đoạn “đắt” khiến người đọc phải vỗ đùi khen hay. Với những nhân vật đầy trí lực như Bạch Hổ, Trần Thành hay Tạ Yên Vân, việc thiếu những đoạn đối đầu như vậy thực là đáng tiếc.
    - Dường như tác giả hơi lười trong việc tìm một cái tên tương xứng cho mỗi chương truyện. Ví dụ như chương 4: Đêm trước buổi bình mình hay như chương 7: Cục diện hỗn loạn – đây là những cái tên vừa thừa vừa thiếu. Dù đoán rằng tác giả có thâm ý nhưng tôi vẫn không tránh khỏi một cái nhăn mặt trước cách đặt tên chương như vậy. Tôi cho rằng, với bút lực của tác giả, cô/cậu ta hoàn toàn có thể khiến cho tên chương trở nên đắt giá hơn.

    Đao tài kiếm tuyệt

    Hiền nhiên người đọc truyện này đều dễ dàng nhận ra tác giả là người hâm mộ Cổ Long. Tác giả cố gắng viết giống Cổ Long từ cách chọn câu ngắn cho đến cách miêu tả võ công. Ưu điểm của cách viết này là bước đầu sẽ gây cảm tình với những ai là fan của Cổ đại hiệp, nhưng nhược điểm là cảm tình này sẽ mất đi rất nhanh, và thay vào đó là vô số cái nhăn mặt.

    1. Cổ Long trải trăm cay ngàn đắng, làm kẻ viết thuê cho các bậc đại gia bao năm ròng mới định hình được cách viết. Vì thế văn của ông chứa nhiều trải nghiệm, câu nào cũng như dao cứa vào thịt, chiêu nào cũng là nhất bộ sát nhân. Tác giả có lẽ còn trẻ, tu vi và trải nghiệm không đủ, nếu học theo cách viết này thì chẳng khác gì cây non ra trước gió, võ sinh năm thứ nhất mà cầm cây dao cùn múa may loạn xạ. Giả như ngay mấy câu mở đầu:
    “Rừng.
    Đường do người đi mà thành.
    Đường mòn.
    Trên đường có người đang đi”

    Cái này không gọi là ngắn gọn mà là rời rạc, không phải là sắc bén mà là lên gân. Đọc thấy hết sức tức cười. Và vì nó lại là đoạn mở đầu truyện nên càng tệ hơn.

    2. Cổ Long tả võ chú trọng vào thần thái, không chú trọng vào chiêu thức nhưng không phải là hoàn toàn không có chiêu thức. Và một khi ông đã đưa chiêu thức vào là nhất châm kiến huyết – Linh Tê Nhất Chỉ hay Thiên Ngoại Phi Tiên đều là cực phẩm nhân gian, và thần thái từ các nhân vật của ông đủ sức tạo không khí cho cả một câu chuyện. Không thể yêu cầu tác giả đạt đến bút lực của Cổ Long nhưng thực sự tác giả tả đấu võ quá yếu, những trận ác đấu trong truyện đều chỉ thấy một côn chém ngang, một đao chém dọc, không hấp dẫn cũng không có tính thuyết phục.

    3. Nhân vật chính Tuyệt Ngạo Hàn là một sự góp nhặt của vô số nhân vật chính trong truyện Cổ Long và người này cũng lại “lên gân” quá nhiều.

    4. Nhân vật nữ mờ mờ nhạt nhạt, không có cá tính, cũng không có sức sống.

    Hỏa Hồ Điệp

    Truyện này khá kì lạ, đoạn mở đầu văn chương lủng củng, câu cú rời rạc, nhưng càng về sau tác giả viết càng lên tay, văn phong mượt mà duyên dáng, đặc biệt đoạn tả Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài trao đổi cầm nghệ được viết khá tốt. Không hiểu có phải hai người chắp bút hay không?

    Việc dùng các nhân vật quen thuộc – Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, Mã Văn Tài..- tuy tưởng là cũ nhưng lại là sự sáng tạo của tác giả, và đó là một sáng tạo đáng khen.

    Tuy nhiên, tác giả chịu ảnh hưởng của Tru Tiên hơi nhiều, giả như thần thú Thao Thiết (không hiểu sao ai cũng dùng con thần thú này?) rõ ràng là mượn tên, hoặc Ni Sơn mang quá nhiều dáng dấp của phái Thanh Vân.

    Nguồn gốc của Tu La Đạo – kẻ đối đầu truyền kiếp với Ni Sơn - được miêu tả quá thiếu thuyết phục. Điển hình là ở đoạn sau:

    “Một số kẻ khác phản đối cách tu luyện này. Họ cho rằng phải dựa vào chính sức mình, dùng năng lực của bản thân để trui rèn tu luyện. Kính Vân tiên nhân cho rằng vậy là không khác gì so với đám quỷ quái yêu ma, những kẻ dựa vào sức mình mà tu thành yêu lực. Những kẻ phản đối đó bị truy lùng gát gao, lâu ngày tụ hợp lại với nhau, tạo thành một môn phái đối nghịch với Ni Sơn, tên gọi là Tu La Đạo, tức là tự ví mình với quỷ”

    Cá nhân tôi hoàn toàn không thấy có chút liên hệ gì giữa “dựa vào chính sức mình, dùng năng lực của bản thân” với “quỷ quái yêu ma.” Và càng vô lý hơn khi Kính Vân đạo trưởng – một người tu hành đắc đạo – lại ra sức “truy lùng gát gao” những kẻ có cách tu luyện rất hợp lý này. Theo ý tôi, đây là hạt sạt to nhất trong truyện.

    Sự kết thân của hai nhân vật chính – Lương Sơn Bá & Chúc Anh Đài – cũng quá sơ sài. Dù biết rằng giang hồ hào sĩ bốn biển đều là huynh đệ, nhưng chỉ vì việc Lương Sơn Bá đến học muộn & vấp ngã mà Chúc Anh Đài đã vội vã ra đòi kết huynh đệ thì hơi có phần vội vã quá. Theo ý tôi, đây là hạt sạn to thứ hai trong truyện.

    Điệp Hồn cũng được giới thiệu hết sức cẩu thả:

    “Ba mươi năm trước, đột nhiên trong thiên hạ xuất hiện thứ gọi là Điệp hồn, tương truyền là cổ thần vật của Kính Vân tiên nhân, có sức mạnh phi phàm”

    Không nói được sự huyền bí của Điệp Hồn, cũng không tạo được chút ấn tượng gì cho nó, đây là hạt sạn thứ ba.

    Tuy rằng khắt khe như vậy nhưng truyện lại gây cho tôi nhiều cảm tình và hứng thú. Đoạn Lương Sơn Bá tấu đàn cho Chúc Anh Đài rất đáng khen về văn phong. Đoạn xuất hiện của Tiêu Thần và tiếng tiêu của y được tả tốt. Nhân vật Tuyết Cơ, tuy rằng ngắn ngủi, nhưng gây được ấn tượng.

    Hỗn Mang

    Ngoài việc tác giả viết câu cú khá tốt ra thì không còn gì đáng nói.

    Tôi vừa đọc vừa tự hỏi: “Đây là cái gì vậy?”

    Thành thật khuyên các tác giả trẻ hãy tránh thể loại này. Vừa hại bút lực, vừa hại mắt.

    Tam Tuyệt Lệnh

    Câu văn lủng củng, lỗi ngữ pháp quá nhiều, cốt truyện chắp vá, văn phong rõ ràng bị nhiễm từ những bản dịch chưa qua biên tập.

    Nhân Gian Du

    Truyện có ý tưởng tốt nhưng vì văn phong còn quá yếu nên chưa thể khai thác tối đa ý tưởng này.

    Nội dung và tình tiết hơi nhàm, không đủ sức hấp dẫn người đọc.

    Võ công không để lại ấn tượng gì.

    Sinh Tồn

    Văn phong ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên.

    Hồn nhiên đến mức đưa tiếng Anh vào ““Crack”, tấm màng mỏng nứt ra”, hồn nhiên đến mức như kể truyện cổ tích: “Chào con trai của ba! Lạc Quân bé bỏng của ba” hay “Lần sau em phải giơ tay xin phép rồi mới được hỏi nhé”, hồn nhiên đến mức đưa những câu hết sức ngô nghê như thế này: “Thì tao kém gì mày đâu hả con chó ngu kia” (dù rằng trong truyện đang tả chó thật).

    Truyện vừa mới vừa cũ, rất tiếc là mới ở những điểm không cần mới, và cũ ở những điểm không nên cũ.

    Những điểm mới như đặt cho nhân vật một cái tên Việt – Lạc Quân, bối cảnh Việt – Trung Học Cơ Sở Tam Lương, hay tả trâu nghé thú vật đều bị gượng ép và gây phản cảm nhiều hơn. Những điểm cũ như quái thú, lên cấp hay nhân vật tồn tại ở hai thế giới cần tránh vì chúng đã xuất hiện quá nhiều ở những truyện tiên hiệp nhan nhản ngoài kia.

    Nhân kiếm đấu thiên

    Đây là một truyện mà tôi có cảm tình và tôi trân trọng công sức của tác giả.

    Tác giả có sự đầu tư kỹ lưỡng vào việc miêu tả con người và vùng đất Nam Bộ, lồng ghép khá hài hòa các yếu tố Việt Nam và thắt mở cao trào tốt. Việc cố gắng đưa các môn phái võ của Việt Nam vào truyện cũng là điều rất đáng khen.

    Tuy nhiên, văn phong còn lủng củng, rườm rà, các đoạn đối thoại thường dài quá mức cần thiết, tình trạng dùng số tràn lan và rất gây mất cảm tình. Truyện này nếu như có thể viết gọn ghẽ lại còn 2/3 thì có lẽ sẽ gây ấn tượng mạnh hơn.

    Tôi đặc biệt không thích cách đặt tên truyện này, bởi một lẽ đơn giản, có đọc và hiểu triết lý phương Đông mới biết các cụ tôn sùng Trời đến mức nào, và nếu trọn một đời có thể sống thuận theo Trời thì đó chính là điều đáng mừng nhất rồi. Cái tên truyện tạo cảm giác tác giả còn non nớt về kiến thức và nền tảng triết lý. Tuy nhiên điều này chỉ là góp ý riêng, và tôi không trừ điểm vì cái tên này.

    Vô Đạo – Luân Hồn

    Truyện lạm dụng quá nhiều ngôn ngữ đường phố, ở ngay chương đầu tiên trung bình cứ ba, bốn câu sẽ lại có một câu chửi tục, dù biết rằng tác giả có dụng ý nhưng đọc một truyện chửi bới tràn lan như vậy sẽ khiến người ta tự hỏi: nếu lược bỏ toàn bộ những câu chửi đi, cái đọng lại sẽ còn gì?

    Ưu điểm của truyện là cách viết khác lạ, sáng tạo, nhưng nên tiết chế bớt sự “sáng tạo” này bởi nó là con dao hai lưỡi. Với một người đọc đòi hỏi tác phẩm có chất văn thì truyện này chưa đạt.

    Tất cả các từ “anh” trong truyện đều biến thành “huynh”, việc đó dẫn tới vô số lỗi chính tả. Nếu như tác giả đã có ý dự thi thì nên có sự đầu tư nghiêm túc hơn một chút.

    Tình tiết và nhân vật có nét riêng, điều này đáng khen. Và tôi đặc biệt có cảm tình với đoạn miêu tả việc buôn bán vũ khí/thương nghiệp ở Ngọc Long đế quốc, tôi cho đó là một sự sáng tạo lý thú.

    Những đoạn trích của Sáng Thế Kinh Quyển được viết với nhiều cảm xúc, nhưng đọc giống tự sự nhiều hơn là kinh điển, và hình ảnh dùng trong đó cũng hơi sáo (tâm hồn như thân cây mục ruỗng v..v)

    Phong Vũ

    Đây là truyện mà tôi ưa thích.

    Truyện mang lại phong vị kiếm hiệp cổ xưa, thơ ca được đưa vào nhiều khiến cho không gian thêm phần cổ kính, và nếu như những bài Tống Từ trong truyện là của tác giả viết thì đây là điều rất đáng trân trọng.

    Chỉ mới đọc chương đầu tiên đã có thể cảm nhận tác giả đầu tư rất nhiều công sức vào truyện này. Việc sử dụng bối cảnh thời Tống mang lại cả ưu và nhược. Ưu điểm ở chỗ đây là một trong những thời kỳ loạn lạc bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, với mối hận Tĩnh – Khang, với trận chiến ở Tương Dương, và vì vậy là mảnh đất màu mỡ để khai phá. Nhược điểm ở chỗ, cả Kim Dung và Phượng Ca đều đã trồng hai cây cổ thụ trên mảnh đất này, vì thế sự so sánh là hiển nhiên. Tác giả đã phần nào tránh khỏi bằng cách đưa lịch sử vào như nét điểm xuyến chứ không đặt nhân vật thẳng vào bối cảnh lịch sử hoặc tạo nên lịch sử.

    Một vài điểm nên chú ý:
    - Sự sáng tạo còn rất hạn chế. Dù rằng truyện viết tốt, nhưng người ta vẫn chờ đợi một cái gì đó mang tính chất đột phá,
    - Võ công tuy hoa mỹ nhưng không quá đặc sắc.
    - Thơ ca là một thế mạnh của truyện, nhưng việc đưa quá nhiều thơ sẽ dẫn đến nhàm. Thủ pháp ngâm thơ trước khi xuất hiện hoặc trước khi xuất chiêu được sử dụng liên tục, cảm giác các nhân vật chính làm gì cũng đều phải đọc thơ, nhiều quá sẽ rất mệt, nên hạn chế bớt để còn giữ được cái đắt giá của câu thơ. Có lẽ tác giả học tập Kim – Cổ ở cách đưa thơ vào truyện nhưng cần có chọn lọc hơn, giả như mấy câu “mẫu đơn hoa hạ tử, tố quỷ dã phong lưu” đọc lên là biết Đoàn Chính Thuần, hay “Tòng thử Tiêu lang thị lộ nhân” thì gắn liền mãi mãi với Tiêu Thập Nhất Lang. Tác giả vì đã có thế mạnh về thơ thì nên cố gắng tạo ra được một hình tượng đặc trưng như vậy.

    Sát Thát chiến ca

    Theo tôi, tác phẩm này, cùng với Phong Vũ và Bóng Anh Hùng, sẽ tạo thành thế chân vạc tranh đấu cho ngôi vị cao nhất.

    Tác giả thể hiện rõ một văn phong chững chạc, bút lực cứng cáp, và tạo được không khí đặc trưng, từ cách đặt tên truyện cho đến cách dùng câu. Truyện dùng đan xen giữa nhân vật hư cấu và nhân vật lịch sử để đặt thẳng vào bối cảnh lịch sử. Thủ pháp này tuy được sử dụng nhiều bởi các vị Kim – Lương – Huỳnh nhưng được đọc một tác phẩm Việt với các nhân vật Việt vẫn là một điều hết sức thú vị.

    Truyện có độ dài vừa phải, bố cục tốt ngoại trừ đoạn miêu tả Vô Thanh Tử Thần – Vô Âm Tiễn quá dài dòng. Dù biết rằng làm như vậy là để nổi bật tài nghệ của ngài Trần Hưng Đạo nhưng có lẽ không nên dành đến hơn một trang để kể lể quá nhiều chi tiết không đắt giá về một nhân vật không hề quan trọng.

    Võ công trong truyện không có gì quá đặc sắc, nhưng đây cũng là điểm yếu chung của đa số tác phẩm tham dự Kim Bút lần này.

    Tân Thủy Hử

    Giữa một rừng tiên hiệp, huyễn hiệp, xxx hiệp, Tân Thủy Hử tạo được cảm tình đặc biệt với một người ưa thích cái cổ như tôi. Và cảm giác khi mới đọc cũng như vừa đào được một bình rượu cũ lên để nhâm nhi, vừa thú vị vừa háo hức.

    Tạm bỏ qua lỗi chính tả, lỗi dùng từ và lỗi diễn đạt nhiều vô số ở những chương đầu, Tân Thủy Hử thành công trong việc tạo được phong vị của các truyện chương hồi thời trước, cách đặt tên hồi bằng hai câu đối, những đoạn thơ ngắn ở giữa truyện, hay cách nấn ná ở câu chữ, nhìn qua tưởng dễ nhưng thực sự để làm được điều này đều đặn suốt mười mầy chương là điều không hề đơn giản. Tôi đánh giá rất cao tác giả ở nỗ lực này, và thực sự mà nói thì những đoạn thơ tác giả viết càng về sau càng có chất hơn.

    Tuy nhiên, cũng chỉ cần đọc một hồi đã nhận ra, bình rượu này chưa đủ đậm.

    Tân Thủy Hử thành công ở vẻ uyên bác bên ngoài, nhưng chưa đạt ở một nội dung còn quá yếu và gượng ép. Nên biết rằng Kim Thánh Thán liệt Thủy Hử vào một trong Lục tài tử thư, tề danh với Nam Hoa Kinh và thơ Đỗ Phủ, và vì thế muốn học theo Thi Nại Am thì phải biết được cái chơi của Thi Nại Am, chỉ đơn thuần sao chép về mặt hình thức sẽ dấn đến việc chuông rỗng thì kêu rất vang. Xác thì ở đó còn hồn thì bất minh.

    Vì mến người viết, tôi chép tặng một đoạn tựa của Thủy Hử, hiểu được đến đâu thôi thì tùy duyên:

    Xem vật phải rõ tên, xem người phải hiểu chí.

    Thi Nại Am làm chuyện Tống Giang, mà đề nhan sách là Thủy Hử, tức là ghét bỏ một cách quá quẩn và không cho là ở cùng với Trung Quốc vậy. Thế mà đời sau không biết nhưng hạng người nào thích loạn, lại khoác xằng cho cái mục là Trung Nghĩa ở đời. Than ôi, Trung Nghĩa mà chịu ở nơi bến nước hay sao?










    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Ảnh ọt Hidden Content
    Thơ thẩn Hidden Content
    Hát hò Hidden Content

    ---QC---


Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status