TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12
Kết quả 6 đến 7 của 7

Chủ đề: [Truyện ngắn] Nhận xét, bình luận của các Giám khảo

  1. #6
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    TX
    Bài viết
    3,401
    Xu
    3,150


  2. #7
    Ngày tham gia
    Feb 2009
    Bài viết
    627
    Xu
    0

    Mặc định

    Giám khảo số 4



    1. Tịch dương chi luyến

    Văn học võ hiệp vốn đã có một thời gian dài thâm nhập vào thị hiếu đọc của quần chúng, đủ để nó tạo nên một số nét riêng mà chỉ cần “ngửi” là đã thấy cái “chất” không lẫn vào đâu được. Những điểm đó tuy nhỏ thôi nhưng để thay đổi cũng chẳng dễ dàng gì. Lúc mới đọc “Năm 1739…” rồi “… âm vực cao vút…”, tôi đã nghĩ, phải chăng đây là một trường hợp dũng cảm, dám phá bỏ cái lớp vỏ ngoài cũ kỹ để đem tới sự thể hiện ý tưởng mới? Đáng tiếc, tác giả không những thay bình mà cả rượu cũng đã pha quá nhiều loại khác mất rồi.

    Chỉ nương tạm đôi chút vào bối cảnh võ đường với đấu đá, luyện tập, khảo thí, tranh dành ảnh hưởng,… truyện tập trung tối đa vào việc khắc họa nội tâm của một người phụ nữ không có khả năng quyết định số phận của mình trong thế giới do đàn ông làm chủ. Và tác giả đã thành công. Nhân vật chính được chăm chút kỹ lưỡng tới từng xúc cảm nhỏ, những thay đổi tế vi dựa trên tâm trạng của người phụ nữ chán ghét cuộc sống ngột ngạt hiện tại, đồng thời một mong ước gì đó vốn nằm sâu trong tâm khảm được dịp trỗi dậy, được nuôi dưỡng và thử thách. Đồng thời, khung cảnh xung quanh ở những thời điểm đó cũng được để tâm miêu tả chi tiết, tăng hiệu quả diễn đạt lên gấp bội.

    Điều này đã khiến cho các nhân vật khác ít được để tâm hơn. Tuy nhiên, do dựa trên những mẫu hình đặc trưng của gia đình đa thê quyền quý, mỗi nhân vật đều hiện ra khá tự nhiên, tạo nên cảm giác: người như vậy, trong hoàn cảnh như vậy, ắt phải làm như vậy.

    Truyện có văn phong uyển chuyển, ít lỗi, đạt được mục đích chính mà tác giả muốn truyền tải, mặc dù mục đích đó lệch khỏi trọng tâm cuộc thi. Diễn đạt về mặt võ hiệp qua loa, không đáng kể, lại chứa một số sai lệch về thông tin chuyên môn nếu đào sâu tìm hiểu nên chưa gây được hiệu ứng gì. Thực sự đây khó có thể coi là tác phẩm võ hiệp.

    Nội dung chính không mới, cách hành xử của nhân vật mang tính đặc trưng, không thiện nhưng cũng chẳng thể coi là ác. Điểm nhấn của truyện, cũng là nơi thể hiện tính nhân đạo, theo tôi nằm ở đoạn kết, khi người phụ nữ đưa ra được lựa chọn của riêng mình. Lựa chọn này có mang lại cho nàng hạnh phúc hay chăng, chính nàng cũng không biết, nhưng điều quan trọng nhất là: nàng có quyền quyết định cho tương lai của mình. Cuộc sống sau này của nàng do chính nàng tự định đoạt, không còn chịu sự áp đặt của gia cảnh hay những người đàn ông phong kiến kia nữa. Mặc dù vương lại trong tâm trí nàng vẫn còn chút lưu luyến, như số phận của mảnh giấy trong đôi mắt tĩnh lặng của người thiếu phụ, song nó không làm nàng thấy đau đớn, trái lại nó còn tạo nên lòng kiêu hãnh, nâng nàng cao lên, vượt lên hẳn khỏi cái xã hội tù túng của những con người khô khốc, vô hồn kia.

    Có điều, giá như tác giả không cố chòng vào câu “xã hội phong kiến” thì sẽ tự nhiên hơn một chút. Nếu đã viết với tư tưởng hiện thực, đâu cần lo độc giả không nhận ra.

    Đây là một truyện ngắn hay, chỉ tiếc rằng chưa kiếm hiệp.




    3. Thiên Địa Nhân

    Lần đầu đọc truyện này như một độc giả bình thường trong lúc trà dư tửu hậu, cảm giác của tôi đã có dịp đi từ mệt mỏi tới gật gù tán thưởng rồi lại trở về với sự mệt mỏi. Sau đó, quả thực cái ý muốn săm soi tới từng câu chữ rồi kết cấu của tác phẩm cũng nhạt đi, bởi vì văn phong còn mang quá nhiều sắc thái cá nhân người viết, giống như văn nói, kết cấu lại giống như một bài tập làm văn kéo dài, chi tiết và cảm nhận riêng cứ liên tục xen vào, giống như sợ thiếu thì sẽ bị trừ điểm vậy. Lẽ ra tác giả nên tập trung nhiều hơn vào mục đích chính: cái nhìn về lịch sử - văn hóa Việt Nam và sắp đặt sao cho những nét thú vị hiện ra có hiệu quả, tạo nên vài điểm nhấn nho nhỏ khiến người đọc hào hứng theo dõi tiếp.

    Điểm mạnh nhất của tác phẩm chính là biểu đạt được sự day dứt của người viết về lịch sử - chân sử, bản thân tôi cũng từng có suy nghĩ này nên đồng cảm và có thực sự thấy muốn đọc tiếp, sau cả một phần dài lê thê mệt mỏi ban đầu. Điểm mạnh thứ hai là những thành công nho nhỏ của việc nỗ lực Việt hóa truyện Võ hiệp. Tuy nhiên, cái chưa ổn cũng nằm ở đó. Cách thức bày tỏ suy nghĩ về lịch sử, tuy đưa vào lời nhân vật nhưng vẫn quá vội vàng, không khác gì tác giả trực tiếp nói ra. Thế mạnh của tiểu thuyết mất đi, đúng hơn đã không được dùng tới. Việt hóa diễn ra chưa thực sự chọn lọc mà khá tràn lan, đôi khi còn hơi phản cảm như cách đưa ra một loạt danh hiệu của nhân vật theo công thức: địa danh + chứng nhận võ công. Có hai ý tương đối tốt nhưng chưa được đi sâu thể hiện: về sự “chung sống” của võ lâm với chính phủ và việc luyện võ của nhân vật chính thuở còn thơ. Ý đầu chưa được làm rõ để thỏa mãn phần nào trí tò mò tự nhiên của người đọc. Đôi lời ví dụ về công việc cho quốc gia sử dụng tới kỹ năng đặc biệt là tối thiểu, tốt hơn chút nữa có thể xây dựng thêm vài tình tiết hấp dẫn cho truyện, chưa kể tới khả năng mở rộng vấn đề không giới hạn của nó. Còn sự đầm ấm gia đình khi nhân vật chính luyện võ với cha, lẽ ra nên quay về quá khứ để dựng câu chuyện thật, sẽ có hiệu quả lớn hơn nhiều so với lời kể.

    Lạm dụng giọng kể là điểm yếu của truyện, tạo cảm giác lê thê, làm mất đất diễn của nhân vật. Bản thân nhân vật cũng chưa được khắc họa tính cách rõ ràng, chỉ là tiện gì làm đó. Nên nhớ, đây là truyện, là tác phẩm văn học. Khi sử dụng bối cảnh hiện đại, cái lợi là nhiều đặc điểm gần gũi, thân thiện, nhưng rất khó để thuyết phục độc giả một khi chi tiết thiếu logic. Mà sự thiếu logic trong truyện lại rất nhiều, tiêu biểu nhất chính là việc nhân vật chính – một gã sinh viên thực tập quèn lại được giao một mình trông bảo tàng, ở thời điểm cực kỳ quan trọng ấy. Nếu đã viết về việc chính phủ biết tới chuyện của võ lâm, chắc chắn chính phủ phải biết sơ lược giá trị của bộ trống và cử người có năng lực thực sự bảo vệ. Đấy mới là một ví dụ nhỏ cho thấy tác giả chưa đào sâu tìm hiểu xây dựng mối liên hệ xã hội cho tác phẩm, còn những thứ khác nhỏ hơn như tình cảm, mục đích cá nhân,… thảy đều hời hợt.

    Ý tưởng của truyện tốt, nhiệt huyết và tấm lòng đáng ghi nhận. Nhưng thế thì chưa đủ. Tác giả nên xem xét việc viết lại.




    4. Mê

    Thú thực, trong suốt quá trình đọc truyện, tôi luôn thấy khó hiểu bởi không biết mình đang đọc cái gì. Cho tới tận câu cuối cùng, dường như nắm bắt được chút tư tưởng mơ hồ, thử nhắm mắt ngẫm lại nghiền ngẫm, tôi rút ra kết luận: nhận định của mình chưa hẳn đã đúng, nhưng nếu đọc nữa cũng vậy thôi. Ích gì khi đã “mê” rồi còn “mê” thêm nữa.

    “Mê” là một màn sương mù khổng lồ, dày đặc, bao trùm lên toàn bộ nhân vật. Dưới ảnh hưởng của “mê”, mỗi người tựa như khách bộ hành tội nghiệp, chỉ biết dò dẫm trong khoảng nhìn hạn hẹp của mình. Quan trọng hơn, họ không còn đủ thời gian cho người khác. Họ có thấy gì đâu ngoài “mê”, họ không chạm được tới ai để chia sẻ “mê” hay cùng dắt nhau ra khỏi “mê”. Có những lúc họ chạm vào nhau thật, nhưng không phải cái chạm của tâm hồn rộng mở mà là va chạm, cái va chạm của hai kẻ đi đường ngơ ngẩn để rồi lại ngơ ngẩn đi tiếp sau vài tiếng chửi thề. Bà bán tào phớ với A Bát, A Bát với Phan tổng quản, hay bà bán tào phớ với chủ hiệu thuốc là vài ví dụ.

    Tôi từng tự hỏi, nhân vật trong truyện có những người mang trong mình hoài bão vươn cao cùng với lòng quyết tâm, đức nhẫn nại đáng nể. Họ cũng “mê” sao? Bà bán tào phớ nghèo khổ cùng quẫn, A Bát kẻ làm công muôn đời thì không nói vì họ không có khả năng tiến xa hơn, một đặt hi vọng ở đứa con, một lấy sự thỏa mãn nhất thời để quên đi thực tại. Nhưng những nhân vật tạm xếp vào nhóm “có võ công” đa phần đều thành đạt và có mục tiêu để đi tiếp, người như vậy thời nào cũng đáng khâm phục. Tuy nhiên, cái tôi của họ quá lớn, lòng kiêu hãnh quá lớn khiến họ bị điều khiển bởi chỉ duy nhất một mục đích của cuộc đời, quên rằng họ còn có những món nợ tình cảm, những trách nhiệm nhất định với người khác. Nhưng, lại nhưng, sao có thể thành công nếu không chấp nhận hi sinh, dứt bỏ.

    Phải chăng sự hờ hững với người khác là điều bị lên án ở đây? Hay là cần phải có suy nghĩ đa chiều?

    Thế nào là “mê”, thế nào là “sáng”, đứng ở góc độ nào để định nghĩa? Rốt lại, suy nghĩ liên hệ với bản thân, tôi thấy mình không có tư cách để phê phán một nhân vật nào trong truyện. Đồng thời, tư tưởng “mê” có khả năng gây ám ảnh nhất định, mặc dầu… cốt truyện có thể hoàn toàn quên, bởi vì nó hoặc quá rời rạc lộn xộn hoặc quá cao siêu để tôi sắp xếp được vào tâm trí mình.

    Văn phong của truyện là một điểm độc đáo. Tác giả rất để ý tới việc thêm vào định ngữ và bổ ngữ, thường là từ láy. Thật lạ tai. Phải, đã đủ để nghe bằng tai, nhưng tôi không thể nói mình thích hay không, mà chỉ muốn nói một lời cảm ơn vì tác giả rất chịu khó để tâm tới việc viết.

    Nếu như phần chấm điểm hay nhận xét của tôi có không như ý, thì đó cũng bởi tôi hơi bị “mê” rồi.





    5. Đế vương bi mộng

    Truyện tập trung thể hiện thành công đặc điểm nổi bật của Trung Hoa xưa: Tranh đấu liên miên, cả kế mưu lẫn chiến đấu thực sự. Các trận đánh nhỏ có lớn có diễn ra liên tục. Âm mưu nọ đan xen âm mưu kia, cuối cùng kẻ nghĩ sâu hơn đã thắng.

    Không mới, nhưng: những trận chiến dồn dập đủ để khiến bầu máu nóng có dịp được hâm lại và đặc biệt, hình ảnh một con người kiệt xuất cô độc trên đỉnh cao vạn trượng mãi mãi là cảnh tượng bi tráng bất kể ở thời đại nào. Làm được điều này, tác phẩm xứng đáng được ghi nhận.

    Có lẽ không nên quá đi sâu vào chi tiết nữa.




    6. Hồi ức

    Đọc truyện Hồi ức mang lại cho tôi cảm giác dễ chịu, chút mộng mơ lý tưởng vượt qua hiện thực. Nhân vật trong truyện ai nấy đều khiến tôi thấy quý mến, họ cư xử thật có tình: tình bạn, tình phụ tử, cái tình của kẻ nể trọng nhau và nhất là tình yêu. Thế nên, nhân vật nào cũng thật đẹp.

    Lấy bối cảnh Nam Bộ thời Pháp thuộc, truyện có sức cuốn hút đặc biệt bởi đây là nơi ít được văn học khai thác. Thêm vào đó, tình tiết diễn biến có nhiều hiểm nguy thách thức nhưng lại xen lẫn những đoạn dễ thương trữ tình cũng khiến người đọc hài lòng.

    Văn phong của truyện chưa ổn, đặt dấu câu còn sai chỗ. Cách xưng hô cũng như miêu tả cảnh vật không gợi những đặc trưng của địa phương. Thời bấy giờ người ta sính tiếng Pháp hơn là Tàu. Truyện có điểm yếu về logic khi thể hiện cách suy nghĩ của nhân vật. Hoàng Phong lãng tử từng chinh phục nhiều thiếu nữ mà lại lúng túng trước cô gái mình yêu? Nhân vật chính nếu là người tài giỏi như vậy, lại được tin tưởng giao viết thư ắt phải có địa vị cao hơn. Anh ta cũng thật lạ khi không nhận ra sự tương đồng giữa hai người con gái. Tuy nhiên, nội dung chính của truyện là tình cảm, tình yêu, và nó đã xóa nhòa đi nhiều điểm chưa như ý.

    Việc tác giả gợi lên hình ảnh cây đàn Chapi ở cuối thật tuyệt. Họ xứng đáng được sống ở vùng đất lý tưởng dành cho tình yêu ấy. Chắc rằng, nhạc sĩ Trần Tiến và người tặng ông cây đàn cũng thấy thú vị với câu chuyện của bạn.




    7. Loạn Tình Chiến

    Với mục đích là giải trí nhẹ nhàng, vui vẻ, không cần phải phàn nàn nhiều về truyện. Văn phong, lối dẫn dắt, bố trí chi tiết của tác giả đủ để đạt tới mục đích này.

    Nhưng, cũng có những điểm cần chú ý để hoàn thiện hơn nữa. Văn phong tốt nhưng bị ảnh hưởng của kiểu kiếm hiệp dịch vội. Cốt truyện quá đơn giản và thấy rõ bàn tay xếp đặt của tác giả chứ không phải nhân vật tự thân sống theo tính cách, bản lĩnh của chính mình. Diễn biến tâm lý của nhân vật đơn điệu, tình cảm tới quá nhanh. Đành rằng để giải trí cho vui, đỡ đi một số cái nhíu mày vẫn là cần thiết.




    8. Nhật ký cụ rùa

    Tôi thấy đây giống như một bài phóng sự Người tốt việc tốt cuối năm hơn là truyện. Những nhân vật được “lựa chọn” không khác biệt nhau ở tính cách mà chỉ ở nghề nghiệp, mỗi người được sắp xếp một thời lượng ngang ngang nhau, tâm lý lại không được chú tâm khắc họa.

    Khái niệm Võ hiệp thế nào ở Trung Quốc giờ cũng đang định nghĩa lại, hoặc giả gắn cho hẳn khái niệm mới là Tân võ hiệp. Không có ý định tranh cãi về cách nghĩ của tác giả, nhưng dẫn chứng cho nó – truyện Nhật ký cụ rùa cần phải chính xác, mạnh mẽ hơn nữa.

    Một điều khiến tác phẩm văn học có giá trị, đi vào lòng người là nhờ những nhân vật biết cách vượt lên khỏi những thử thách để vươn tới những gì tốt đẹp nhất, hoặc chí ít cũng thể hiện tinh thần tranh đấu không mệt mỏi. Ở đây, điểm chung giữa các nhân vật là họ đều có ý thức tốt trong công việc, nhưng đó là công việc họ được trả tiền để làm, làm tốt thì đó là điều đương nhiên trong xã hội hiện đại, tiến bộ, chưa thành truyện; làm không tốt thì phải trách năng lực, sự thiếu linh hoạt của họ, càng không thích hợp để viết truyện (là thống kê, điều tra, phóng sự). Trước tiên, nhân vật cần phải biết làm sao để tự mình hoàn thành tốt, và tốt hơn nữa công việc, thế mới thành câu chuyện, chứ không phải mượn tới điều kỳ diệu – điểm mộng mơ thứ nhất. Thử thách trong chính công việc thường ngày đã khó khăn với họ rồi, vậy mà họ còn phải làm đại diện để đối mặt với một đối thủ đáng gờm hơn nhiều: ý thức của con người, một điều không ai, không đấng quyền năng nào có đủ khả năng thực hiện. Kẻ thù này còn được mô hình hóa, cụ thể hóa lên bởi con yêu tinh để rồi chiến đấu với phe cụ rùa – điểm mộng mơ thứ hai, đấu tranh với ý thức chỉ có giá trị nếu đặt vào thực tế. Suy nghĩ, băn khoăn, nhức nhối của tác giả trước những thực trạng của xã hội là điều đáng tôn trọng, nhưng không phải thể hiện theo cách này, quá dễ dàng và đơn điệu. Nó có thể thích hợp làm kịch bản cho một suất diễn nào đó nhân dịp hết năm, kết hợp với khả năng gợi tả của nghệ thuật nghe nhìn để làm rõ ý, còn đứng độc lập, giá trị của nó không đạt được tới mức người viết muốn.

    Người ta ở trường đã không thích học GDCD rồi, ra trường càng thấy ngán. Làm sao để người ta thấy mình cần có ý thức hơn là cả một nghệ thuật vô cùng khó khăn, không đơn giản chỉ hô hào.

    Đợt Kim Bút này, có những truyện không đặt nặng vào phần đặc trưng Võ hiệp, song chiều sâu trong đó lại rất đáng ghi nhận. Nhật ký cụ rùa chưa đạt được cả hai. Dẫu vậy, tôi đánh giá cao nhiệt huyết của tác giả cũng như sự dũng cảm thể nghiệm ý tưởng. Đây là điều cần phải phát huy.




    9. Trúc Tử

    Với Trúc Tử, trừ việc nhân vật chính Đinh Triển Bạch được tô vẽ hơi quá lố, sự vượt trội trong năng lực của anh ta hiện rõ bàn tay cố tình ép buộc của tác giả, tôi không có ý kiến gì nhiều.

    Một truyện đã có thể xem như tiêu biểu cho võ hiệp trinh thám, còn phải nhắc gì thêm nữa?




    10. Nhập thế

    “Có đôi lúc, một chuyến đi cũng là một đời người”

    Chuyến đi ấy hẳn phải là trải nghiệm không thể nào quên, đọng lại nhiều cảm xúc, bài học quý giá thì mới nói như vậy được. Suy nghĩ vậy nên tôi thấy rất tò mò về nội dung truyện.

    Đúng là với những gì trông thấy và trải qua, từ cái chết của người sư huynh, đau khổ trong mối tình câm đến những kiểm chứng võ học đủ để người trẻ tuổi như Nguyên Vũ vững bước trên con đường mới – trở thành cao thủ thực thụ giữa giang hồ, hay chí ít cũng là người trưởng thành. Tuy thế, cách thức thể hiện những điều đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục, mang nặng tính công thức nhưng lại nhiều chỗ thiếu logic.

    Suy tính của những con người để đạt mục đích mới thật đơn điệu làm sao. Phủ chúa Trịnh cử đi duy nhất một cao thủ, phó mặc hoàn toàn cho anh ta. Thái tử Lê Duy Vỹ thì sang hơn, tới bốn, nhưng đều là thuê về, lại biết trước họ sẽ không hợp tác với nhau. Hai phe đều không thèm kiểm tra để bảo đảm thu được kết quả, tác giả cho rằng người Việt từ xưa vốn không biết cách quản lý công việc chăng? Cả bốn cao thủ này đều tự mình độc lực thi hành nhiệm vụ, đều không biết chọn thời cơ địa điểm tốt nhất, chính xác hơn là tác giả đều cho họ nhảy bổ vào người của phái Lĩnh Nam.

    Bài học tình yêu của ông lão mới lạ làm sao. Nếu đã là yêu, còn phải quan tâm tới chuyện đối phương đã già, phai tàn nhan sắc sao, trong khi bản thân cũng già chừng ấy? Nếu không phải, thì còn làm bài học theo cách nào? Bài học lớn nhất cho Nguyên Vũ lẽ ra là tiên hạ thủ vi cường, yêu là bày tỏ luôn. Sư tỷ nghiêng về Vũ hơn, nhưng đại sư huynh cũng không tệ, lại đã ngỏ lời, là con gái rõ ràng sẽ chọn giải pháp nào an toàn cho mình nhất. Bài học này, tác giả định cho nhân vật học vào lúc nào đây?

    Tôi hơi tò mò chuyện vũ khí. Côn ở đây theo ý hiểu là loại gậy gỗ dài, chắc cỡ tề mi côn (cao tới ngang mày). Vũ khí này không dễ cất giấu, người mang theo nó phải cầm chắc trong tay chứ không dễ đeo bên mình như kiếm, lại không cưỡi ngựa để buộc vào hông ngựa. Vậy họ giữ bí mật kiểu gì?

    Tuy vậy, tác giả đã rất nỗ lực và đạt được thành công nhất định trong việc đưa yếu tố Việt vào kiếm hiệp qua một số nét đặc trưng, nổi bật nhất là Lĩnh Nam côn pháp. Lại một lần nữa, có một tác giả khiến tôi thấy quý mến vì lòng nhiệt huyết và cái tâm.




    11. Mỹ nhân

    Nếu ai đó bảo tôi truyện này được viết cách đây đã vài trăm năm, tôi thấy người đó hẳn có cái lý. Giọng văn có lúc tiếu lâm, có lúc trữ tình kiểu ca dao lại có thời điểm bức bối hay ranh mãnh, hợp với bốn nhân vật chủ yếu. Tư tưởng truyện xoay quanh một quy luật công bằng: Đời không cho ai quá nhiều, nhận hoặc muốn những thứ quá phận mình thì phải trả giá. Quy luật này văn học phương Đông ít thể hiện rõ mà thường xài anh em ruột của nó là luật Nhân quả, oán trả ơn đền, nhưng phương Tây dùng rất nhiều.

    Anh tiều phu nghèo khổ may mắn được vợ đẹp, cuộc sống tươm hẳn lên thì phải chịu trả giá bằng đôi mắt. Cô gái lầu xanh muốn vươn tới giấc mơ của mọi kỹ nữ: kiếm được người chồng tốt, yêu mình, khỏe mạnh cũng phải trả giá bằng nhan sắc. Hai người, một bị động, một chủ động nhưng đều đáng quý. Cái kết cũng là thời điểm cân bằng lại cho họ, để họ có điều họ thực sự cần. Lý Tam, Vạn Tích Hoa cần cuộc sống gia đình êm ấm chứ đâu phải những thứ phù phiếm như vẻ bề ngoài hay tiền bạc. Tất nhiên vẫn còn chút vướng mắc, nhưng việc chàng tiều phu bị mất đi đôi mắt là nút giải hợp lý.

    Quan huyện muốn cậy quyền để xen vào cuộc sống hạnh phúc của người khác, chiếm đoạt cơ thể một người vợ, đạt được rồi cũng phải bị trả giá bằng sự êm ấm của chính gia đình mình.

    Dư Hiền Phi xem ra là người an phận thủ thường hơn cả. Y biết chỗ đứng của mình nên thực sự mọi người đều kính trọng y ở đúng cái địa vị “tể tướng Tây Hà”. Có điều, cho dù là đúng phận trong công việc đi nữa, y cũng phải giữ đúng phận của người đọc sách thánh hiền, như thuyết Chính Danh của Khổng Tử thì lòng mới yên. Sau khi giúp vợ chồng Lý Vạn, chắc y đã phần nào đạt được điều này. Cha y là bài học giá trị, ông không phải người biết làm ăn nên không thể điều khiển cả một gia tài, hoặc thua lỗ bị lừa, hoặc bố thí làm phúc là được thôi. Gia tài với ông không phải hưởng thụ mà là áp lực. Sau này, gỡ được gánh nặng ấy (dù cách thức không hay), sống với đúng khả năng của mình khiến ông luôn vui vẻ, điều mà chính Dư Hiền Phi hồi nhỏ đã không hiểu được.

    Tóm lại, đây là một truyện ngắn hóm hỉnh mà sâu sắc, chỉ có điều: chẳng thấy một chút võ hiệp nào hết.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status