Khoát thức dậy sau một giấc ngủ dài, sâu và đau đớn. Ngày mới được cậu bé chào đón một cách mỏi mệt với những tia nắng hắt sau mái nhà tranh. Có vẻ như ông bố của cậu bé vẫn đang ngủ mê mệt sau cơn say đêm qua. Chắc hẳn ông ấy cũng không nhớ và không quan tâm đến cậu con trai mình-đứa con trai nhỏ mà ông thường lôi ra đánh đập và hành hạ. Bằng chứng là tiếng ngáy ấy vẫn vang đều trong căn nhà chật hẹp.
Khoát chạy ra ngoài hít một hơi thật sâu. Cậu biết giờ này mẹ cậu đã đi làm rồi. Bà làm cái công việc mà bọn bạn ở lớp hay lôi ra để chế giễu cậu, rằng nó bẩn thỉu và đáng ghê tởm. Nhưng có sao! Mọi người ở cái xóm nghèo này ai mà chả thế, cũng đói nghèo, cũng những công việc mà người khác khinh thường và sẵn sàng dè bỉu. Hơn nữa, bản thân Khoát chưa bao giờ xấu hổ về công việc của mẹ mình. Bà là một người đáng thương hơn là đáng khinh!
Ngẫm ngợi một lúc, Khoát nhận ra bụng mình réo lên vì đói. Ừ nhỉ, cũng đã hai ngày rồi cậu có ăn gì đâu. Mấy cái tát từ đôi bàn tay thô kệch của người bố say xỉn làm miệng cậu sưng to lên, không thể mở ra được nữa. Thế mà bây giờ, miệng đắng ngắt!
"Xoảng...xoảng!!!" Chiếc nồi méo mó, nằm chỏn lỏn trong đó là hai củ khoai lang nguội. Giá không nghĩ đến ông bố đang ngáy say sưa trên giường thì việc ăn hai củ khoai này cũng là điều hạnh phúc. Người đàn ông ấy suốt ngày uống rượu, say bí tỉ, nếu không có cái gì cho vào bụng thì hẳn cái dạ dày sẽ hành hạ ông ấy đến chết mất. Khoát chẳng buồn ăn nữa, cậu đậy vung nồi lại và bước nhanh ra khỏi con hẻm nhỏ. Con hẻm của những người lao động nghèo. Con hẻm chứa chấp cái đói và những nỗi niềm bất hạnh. Quen rồi!
_o0o_
Cậu bé nhỏ lê đôi chân trần trên những vỉa hè, hàng quán, trên tay cầm tập vé số. Công việc thường nhật của cậu là thế: sáng đi bán vé số với những tiếng mời gọi lạc vào dòng người đông đúc; chiều đến lớp với bộ quần áo sộc sệch và bạc thếch.
Mặt trời lên đến đỉnh đầu, vô tình làm mái tóc đỏ hoe thêm cháy sạm. Đôi mắt nhỏ dõi theo, kiếm tìm một vị khách hàng tốt bụng mua giúp cậu những tờ vé số cuối cùng để hy vọng về một bữa cơm no. Đôi chân bỏng rát chạy vào bóng râm để trốn nắng, Khoát nhìn thấy một đôi thanh niên ở quán cafe đối diện. Cậu trai kia có vẻ yêu chiều cô gái lắm, thế nhưng cậu bé biết anh ta là một người đạo đức giả. Vừa nãy thôi, khi Khoát chìa mấy tờ vé số còn sót lại mà chưa kịp lên tiếng mời chào đã bị gã ta gạt phắt ra một bên:
_Cút! Đồ bẩn thỉu! Đây không có chỗ cho chú mày!!!
Kèm theo đó là những câu lầm bầm tục tĩu. Thế đấy! Khi có tiền và của cải, người ta thường khinh khỉnh với những số phận đói nghèo. Những con người ấy quá đủ đầy về vật chất và sẽ chẳng bao giờ biết được mùi vị của khổ sở. Nhưng cứ thử sống vô tâm và bạc bẽo như thế đi, họ sẽ phải trả những cái giá đắt cho mà xem.
Bảng lảng trong áng nắng gắt gỏng khó chịu của trời trưa, cậu bé lặng nghe tiếng bụng réo ì ầm, tiếng bàn chân giẫm đạp lên từng chiếc lá khô. Sắp đến giờ đi học rồi mà trên tay vẫn còn những tờ vé số, cậu lo lắng cho buổi học nhưng còn lo lắng cho bữa cơm chiều hơn. Gắng sức chạy thật nhanh, đôi chân nhỏ thoăn thoắt vào công viên, nơi mà có thể sẽ có người nào đó tốt bụng mua giúp cậu.
_Con trai, lại đây bác xem nào! Chà, trời nắng thế này mà còn phải đi bán vé số sao con?
_Bác mua giúp con mấy tờ vé số....!!!...
_Được rồi. Bác mua hết chỗ này nha! Về nhà nhanh đi con!
Khoát cảm ơn người phụ nữ lớn tuổi tốt bụng. Con người phúc hậu ấy vừa ban cho Khoát một cái gì đó thật lớn lao. Không phải vì bữa cơm chiều, những tờ vé số...mà là vì tình thương và sự đồng cảm. Ít ra cậu bé cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi biết vẫn còn tồn tại đâu đó giữa cuộc sống đua chen tấp nập này những con người như bác ấy.
Bữa trưa được cứu vãn với ổ bánh mì, Khoát chạy về để lên bàn một ổ bánh, mắt nhìn vào khuôn mặt người đàn ông đang nằm ngủ. Cậu chắc mẩm là ông ấy đã dậy và ăn hai củ khoai một cách ngon lành, nhưng thế nào cũng còn đói cho mà xem. May mà về đúng lúc ông ấy đang ngủ...
Sau khi sắp xếp mọi thứ, cậu bé khẽ khàng và nhanh nhẹn đi đến lớp. Một cái cặp, một đôi dép nhựa, một cái khăn quàng, bộ quần áo đồng phục nhuốm màu cũ kĩ. Chà, hôm nay còn bị đứt thêm một cái cúc áo nữa chứ!

Trên lớp, Khoát là một cậu bé ít nói. Cậu không muốn và hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc với các bạn. Ban đầu thì Khoát cũng không định làm thế nếu không có những câu nói ác ý từ lũ bạn:
_Mẹ nó á, đi thu mua đồng nát đấy mà. Nhà nó nghèo rớt mồng tơi, đã thế lại còn có ông bố nát rượu...
_Nhìn mặt nó lì lợm quá.
_...
Khoát mặc kệ và bỏ ngoài tai những lời nói của bọn trẻ. Với Khoát, chúng không có tư cách gì để nhận xét về gia cảnh của cậu bé cả. Ừ thì đành rằng nhà chúng nó giàu, bố mẹ đều là công chức và luôn tỏ ra yêu chiều chúng hết mực. Nhưng chúng nó làm sao hiểu được thế nào là khổ? Thế nào là nghèo? Và chúng nó lại càng không thể hiểu được thế nào là đói! Chắc chắn một điều rằng bố mẹ chúng chả bao giờ để chúng phải đói. Khoát càng không thấy xấu hổ tí nào khi mà thua bọn bạn đủ thứ, từ điều kiện vật chất lẫn tinh thần nhưng cậu bé vẫn học giỏi. Các thầy cô thường nhận xét rằng Khoát là cậu bé thông minh chỉ tội...hơi trầm!
Sắp đến ngày kỷ niệm 8/3, nhà trường tổ chức giải bóng đá mini dành cho học sinh nam khối lớp 8, Khoát được cô giáo chủ nhiệm gọi vào đội bóng:
_ Thưa cô, em không tham gia được ạ.
_Lý do tại sao nhỉ? Cô nghĩ em nên tham gia với lớp trước hết là vì tinh thần tập thể.
_Em xin lỗi cô, nhưng ... em bận việc, không thể tham gia cùng các bạn được.
Một vài đứa con trai xì xồ, có đứa còn phá lên cười:
_Haha, bận gì chứ? Này, cậu lười thì có! Hay là không biết đá, sợ đá thua nên mới tìm lý do trốn?
_À, tớ biết rồi. Cậu ấy bận đi thu mua đồng nát với mẹ. Một cậu bạn béo ục ịch ngồi phía cuối lớp nói với lên.
Khoát đứng dậy và chạy vùng ra khỏi lớp học, cậu bé không biết điều gì thúc đẩy mình làm điều đó, chỉ biết một giọt nước thoáng lăn trên má...


Bãi bồi sông Hồng khi chiều tàn mang một tâm trạng gì đó giống với Khoát lúc này. Cậu bé thường ra ngồi ở bãi bồi để đợi mẹ đi làm về. Khoát sẽ được ngắm đến thích mắt khung cảnh hoàng hôn, sự náu mình của vầng mặt trời chói chang bên những áng mây chiều rám nắng ửng đỏ cả một góc trời. Và cậu bé cũng thả trôi những mệt mỏi, muộn phiền nơi có dòng nước lững lờ chảy qua. Đôi khi làn gió vô tư mang đi theo những trăn trở, tủi hổ của cậu bé để cậu lấy lại nụ cười tươi tắn, nhìn vào không gian xung quanh một cái nhìn lạc quan. Cậu không tin tưởng vào sự sắp đặt của số phận nhưng lại hoàn tin tưởng vào khả năng thay đổi số phận của mình. Cậu có một người bố nát rượu thì sao? Chả phải cậu vẫn luôn có một người mẹ hiền dịu bên cạnh còn gì! Cậu là người dân của xóm lao động nghèo thì sao? Giữa thủ đô phồn hoa này, cậu chưa bao giờ thấy mình lạc lõng và bị nhấn chìm cả. Bởi lẽ cậu vẫn luôn vươn lên đấy chứ, vươn lên bằng chính sức lao động của mình, bằng niềm tin và tất cả những hy vọng.
_Khoát! Về nhà thôi con!
_Dạ, hôm nay mẹ về sớm thế!
Mẹ Khoát đã vẫy tay gọi cậu về nhà. Trở về với căn nhà ấy, nơi có một người đàn ông luôn đắm mình trong say xỉn, trở về với xóm nghèo thân thuộc...
Trên đường về, Khoát ngập ngừng hỏi mẹ:
_Mẹ...sao mẹ không rời xa ông ấy?
Mẹ Khoát im lặng, bà chăm chú nhìn vào khuôn mặt cậu con trai và cố nén một tiếng thở dài:
_Có phải con đang nói đến bố con?
_Đó không phải là bố con, không phải là chồng mẹ đâu...ông ấy không xứng!
_Khoát!!! Con không được hỗn...
Người mẹ nghiêm khắc nhìn con, bà nói như hét lên với nó. Lúc bấy giờ, trái tim người đàn bà cùng cực như muốn vỡ nát ra. Bà nghĩ mà thương cho đứa con trai đứng trước mặt bà. Phải, từ nhỏ nó đã thiếu thốn tình cảm của một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Trong khi bà cố bươn trải, vươn đôi tay lam lũ để che chở cho con thì người đàn ông ấy-người là bố ấy chỉ biết đến chất men từng ngày đốt cháy tình cảm gia đình. Bà cũng sợ. Bà sợ con trai bà căm ghét chính bố nó. Nó đã không chấp nhận nên dường như từ khi biết suy nghĩ, nó chưa một lần gọi là "bố". Kể cả khi ông ấy đánh đập nó, nghiến chặt hai hàm răng và ném vào thân hình nhỏ bé của nó cái nhìn ghê sợ bằng đôi mắt đỏ sọng.
_Mẹ...con thương mẹ lắm...con thấy ghét ông ấy mỗi lần ông ấy giáng bàn tay to bản vào người mẹ...
_...
_Ông ấy sẽ còn làm những điều đáng sợ hơn thế..ý con là khi ông ấy không có rượu để uống...
_Về tới nhà mình rồi kìa...
Mẹ Khoát nói nhẹ và bước nhanh vào căn nhà nhỏ, tối om, bà rón rén thắp cái bóng đèn tròn giữa căn nhà đủ le lói lên ánh sáng vàng mờ nhạt.
_Mẹ thằng Khoát về đấy hả? Đưa tiền đây!
_Ông dậy ăn cơm đã, lại định uống rượu nữa sao?
Người đàn ông hung hãn bước lại gần người đàn bà gầy guộc và giang thẳng tay đánh vào mặt bà không mảy may thương tiếc "Bốp!!!"
_Ông đã bảo là đưa tiền đây mà! Ai bảo nói nhiều thế hả?
Dứt lời ông ta giằng ngay mấy đồng bạc lẻ trong tay mẹ Khoát và xô bà ngã xuống nền đất một cách thô bạo. Người đàn ông ấy bước nhanh ra cửa, khi màn mưa giăng trắng xóa, khi tiếng sấm đùng đoàng tranh nhau ném vào khoảng không vắng lặng đang bao trùm lấy con hẻm này, cả căn nhà này...
_o0o_
Đó là lần cuối cùng Khoát phải nhìn thấy mặt người đàn ông ấy. Bởi lẽ, sau ngày mưa gió ấy ông ta đã không trở về nữa. Trong căn nhà nhỏ chỉ có người đàn bà lặng lẽ chờ chồng và cậu con trai. Mẹ và Khoát không biết lý do mà ông ta bỏ đi, càng không thể biết được ông ta đang ở đâu và cuộc sống hiện giờ thế nào? Nhưng Khoát biết, mẹ cậu vẫn đang mong ngóng ông ấy về. Khoát không hiểu điều gì khiến bà trông chờ ngày ông ấy trở lại. Vì người đàn ông là trụ cột gia đình ư? Không đúng, ông ấy chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm cả. Vì Khoát cần một người làm bố ư? Không, cậu cần có một người bố thật, nhưng nếu một người bố như ông ấy thì cậu không cần.
Có lẽ vì sự lo lắng và chờ đợi làm người phụ nữ trở nên mỏi mệt. Bà ốm và phải nghỉ làm, Khoát cũng đành xin nghỉ học. Cậu cần phải đi làm để kiếm được nhiều tiền hơn lo thuốc thang cho mẹ, cậu không muốn thấy mẹ mình vì người đàn ông ấy mà đau khổ, càng không muốn nhìn thấy bà ốm đau quay quắt như thế.

Cuối cùng thì Khoát cũng tìm được một việc làm thêm buổi chiều. Bây giờ, thay cho những buổi học trên lớp, cậu sẽ đi đánh giày. Cậu bé 14 tuổi đời hòa nhập với lũ trè lang thang hè phố. Chúng có số phận đói nghèo như nhau, cùng cực và đáng thương như nhau. Đáng lẽ ra, ở độ tuổi ấy chúng phải được chở che và đùm bọc trong những mái nhà, trong tình yêu thương của bố và mẹ. Nhưng...số phận chiếu vào những khuôn mặt nhếch nhác những ngôi sao xấu-những ngôi sao côi cút ngụp lặn giữa biển đời mênh mông. Cũng có khi khuôn mặt trẻ thơ mỉm cười, những nụ cười giòn tan sau ẩn sau từng gốc bàng già cỗi. Mặc dù các em khóc nhiều hơn là cười, buồn nhiều hơn là vui! Khoát thấy mình hạnh phúc hơn những đứa trẻ đó. Chí ít cậu bé còn có mẹ để tin yêu, có mái nhà lá nhỏ để trú ẩn những ngày mưa bão và những đêm đông lạnh lẽo. Cậu thường kể về người mẹ thật hiền, tình mẹ thật ấm áp cho những người bạn nhỏ sau mỗi ngày đôi bàn chân rệu rã trên các nẻo đường Hà Nội. Chúng thường tụ tập ở một góc đường, chia nhau những niềm vui nhỏ nhặt và đâu đó có ánh sáng lấp lánh của những ước mơ. Ước mơ được đến trường, được một lần gọi bố gọi mẹ, được nghe bố mắng để rồi nũng nịu gục đầu vào lòng mẹ khóc thúc thút...Những ước mơ giản dị làm ai đó thấy chạnh lòng...
Một buổi tối, bước hăm hở trên con hẻm tối đèn, Khoát nhảy chân sáo và líu lo hát. Cậu bé vui vì ngày hôm nay kiếm được nhiều tiền hơn mọi hôm, mẹ cậu sẽ được ăn thật no, thật ngon, bà sẽ nhanh chóng khỏe trở lại.
_Thằng kia! Đưa cái mày cầm trên tay đây!!!
_Nhanh!!!
Khoát đứng sững. Trước mặt cậu là một tốp gồm năm sáu đứa trẻ lớn hơn cậu chừng một hai tuổi. Nhìn cái cách chúng hung hăng thì Khoát biết chúng là ai, muốn gì. Chỉ có điều Khoát không thể đưa cho chúng cái mà chúng muốn....
_Các anh cho em về nhà đi, mẹ em ốm ở nhà...mẹ đang đợi em...
_Không lằng nhằng, đưa đây!!!
Bọn trẻ xông tới, đứa giật đồ, đứa đấm, đứa thụi liên tục vào thân hình gầy gò của Khoát rồi nhanh như cắt, chúng bỏ chạy. Khoát nằm rên lên đau đớn, mắt cậu tối sầm lại. Nhưng cậu bé không khóc. Không một tiếng khóc, nấc cũng không! Cậu bỏ tay vào túi, móc ra những đồng bạc lẻ, có lẽ bọn trẻ kia vì đói quá mà chỉ giật lấy túi cơm. Vậy là còn tiền, đủ để mua cơm và thuốc cho mẹ. Cậu bé đứng dậy đi liêu xiêu trong bóng tối. Cái bóng cứ nhỏ dần, nhỏ dần...
Mẹ Khoát xót xa nhìn đứa con trai bị bắt nạt. Từ ngày bị ốm, bà luôn dằn vặt mình chẳng những không làm tròn nghĩa vụ của người mẹ mà còn trút lên đôi vai nhỏ gánh nặng mưu sinh. Nó nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền thuốc thang cho bà, bà biết mà không làm gì được. Nếu nó không học thì tương lai của nó chỉ là một màu xám xịt. Màu của đói khát và ngu dốt. Rồi đời nó cũng lại khổ... Bao đêm bà miên man suy nghĩ là bấy nhiêu đêm chiếc gối đẫm nước mắt. Bây giờ lại nhìn con đau đớn mà không một tiếng kêu than, nước mắt bà chỉ chực tuôn ra. Nhưng bà không bao giờ để con trẻ nhìn thấy bà khóc. Sao bà nỡ gieo vào tâm hồn trẻ thơ sự yếu đuối của người mẹ chứ! Bà sẽ giấu đi những giọt nước mắt ấy...
_o0o_
Khoát trở lại trường học, hòa mình vào bài vở và sách bút. Cô giáo chủ nhiệm đã đến nhà cậu bé để vận động cậu trở lại trường. Mẹ Khoát cũng khuyên con đi học trở lại, bà đã khỏi ốm, sẽ lại đi làm để chắt chiu cho con đủ tiền sách bút. Khoát ban đầu không nghe vì cậu muốn được ở nhà giúp mẹ, cậu sợ mẹ mình làm việc quá sức rồi sinh bệnh, nhưng nhìn vào ánh mắt nghiêm nghị của mẹ, cậu biết mình không thể làm gì khác được. Và những ngày làm học sinh ngồi trên ghế nhà trường tưởng chừng như quen thuộc nhưng lại vô cùng lạ lẫm với Khoát. Các bạn chào đón cậu, mang đến cho cậu những niềm vui được san sẻ, được hòa nhập.
_Mẹ, con thích học lắm. Con muốn được học lên nữa, rồi con sẽ làm một công việc thật tốt, kiếm thật nhiều tiền.
Khoát vẫn thường nói với mẹ như thế. Mẹ Khoát mỉm cười và xoa nhẹ mái tóc cậu. Bà đặt vào con trai một niềm tin lớn, con bà sẽ đạt được những ước mơ ấy.
_Không biết bây giờ bố con sao rồi nhỉ?
_Con bảo sao?
Mẹ Khoát ngạc nhiên khi thấy cậu bé ngồi thẫn thờ nhắc đến bố:
_Sao tự nhiên con lại hỏi bố?
_Con ... dù sao con cũng...lo cho bố!
_...
_Thật ra, con không ghét bố đâu, con chỉ ghét những khi bố uống rượu thôi. Những lúc ấy, đâu còn phải là bố nữa...là con ma rượu đấy chứ...
Người mẹ nhìn con và hiểu hết những tâm tư trên khuôn mặt ngây thơ ấy. Vậy là điều bà lo sợ đã không xảy ra, con trai bà trưởng thành và chín chắc hơn bà nghĩ:
_Con nói đúng. Thật ra, bố con rất đáng thương. Ông ấy núp sau men rượu để giấu đi vẻ yếu đuối của một người đàn ông...ông ấy khao khát được nghe con gọi là "bố"
Khoát bần thần, bố cậu đang ở một nơi nào đó, ông ấy liệu có nhớ và muốn quay về với con hẻm nghèo này, về với căn nhà nhỏ nơi bãi bồi sông Hồng, về với mẹ con Khoát...
Những quầng sáng phía cuối chân trời khép lại một ngày dài, khép lại chuỗi ngày của quá khứ để chuẩn bị cho bước chuyển biến của ngày mới, ngày của những ước mơ bay cao bay xa, của nhịp sống lao động tươi vui...

TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile