TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 12

Chủ đề: Say Mộng Giang Sơn - Nguyệt Quan - Chương 11

  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Đang ở
    Thèm - Ám Sát Đoàn
    Bài viết
    2,761
    Xu
    1,278

    Mặc định Say Mộng Giang Sơn - Nguyệt Quan - Chương 11


    Say Mộng Giang Sơn



    Dịch từ nguyên tác: Túy Chẩm Giang Sơn (醉枕江山)

    Tác giả: Nguyệt Quan (月关)







    Lời giới thiệu:

    Truyện xảy ra vào những năm vàng son của nữ hoàng đế Võ Chiếu (Võ Tắc Thiên); Thượng Quan Uyển Nhi danh chấn thiên hạ; Lý Khỏa Nhi nổi tiếng với sắc đẹp nguyệt thẹn hoa nhường; con cháu năm họ nổi tiếng lớn nhất thời đó (họ Thôi ở huyện An Bình, và huyện Thanh Hà vùng Hà Bắc; họ Lô ở Phạm Dương; họ Lý ở Lũng Tây và ở huyện Triệu vùng Hà Bắc; họ Trịnh ở Huỳnh Dương; họ Vương ở Thái Nguyên) lục đục, cấu xé lẫn nhau; Thái Bình công chúa thì chẳng có được thái bình; nhà họ Lý ba đời làm quan nền tảng thật vững chắc; Địch Nhân Kiệt, Trương Dịch Chi, Phùng Tiểu Bảo, nào tài tử, nào giai nhân, lớp lớp hào kiệt chi sĩ! Anh hùng hiệp khách, bóng hồng gọi mời, cho dù có rong chơi phiêu lãng khắp Đại Đường rồi cuối cùng cũng say đắm trong sự dịu dàng, thùy mị của mỹ nhân mà dừng bước chân giang hồ!
    Lần sửa cuối bởi Ooppss, ngày 07-02-2013 lúc 22:01.
    ---QC---



    Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân!

    Hidden Content

    Hidden Content


  2. Bài viết được 28 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    vietstars,zenusa,
  3. #2
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Đang ở
    Thèm - Ám Sát Đoàn
    Bài viết
    2,761
    Xu
    1,278

    Mặc định


    Say Mộng Giang Sơn



    Quyển 1: Phá kén hóa bướm

    Chương 1: Người trong chốn đào nguyên



    Dịch từ nguyên tác: Túy Chẩm Giang Sơn (醉枕江山)
    Tác giả: Nguyệt Quan (月关)


    Dịch: mts86vt
    Biên dịch: htph
    Biên tập: Ooppss
    Nguồn: www.tangthuvien.com










    Có một sơn cốc vô danh nằm cách Thiệu Châu vùng Lĩnh Nam hai mươi dặm về phía đông bắc, bao quanh sơn cốc bốn bề toàn là núi, ngay cả lối ra vào chật hẹp duy nhất ở trước sơn cốc cũng có một quả núi thấp chắn ngang, phải trèo qua mới giật mình phát hiện ra một thế giới thần tiên ở bên trong.

    Năm Hàm Hanh thứ ba thời Đại Đường, có mười một hộ gia đình tổng cộng hơn trăm người đột nhiên được quan phủ sai đến sơn cốc bí mật này khai hoang, phát cỏ đốn rừng dựng nhà, trong vòng mấy ngày dựng lên một thôn trang nhỏ đặt tên là thôn Đào Nguyên.

    Bởi vì địa thế bí mật của thôn Đào Nguyên, người trong thôn ít qua lại tiếp xúc với người dân miền núi xung quanh. Cư dân trong thôn đa phần là người nho nhã lịch sự, hiểu biết lễ nghĩa. Tuy rằng họ cũng chân lấm tay bùn cày cấy, gieo trồng, canh cửi, nhưng vẫn thường nghe tiếng ê a đọc sách, đôi khi còn có tiếng đàn, tiếng sáo vang ra từ trong thôn.

    Lúc đầu người dân miền núi xung quanh cảm thấy kỳ lạ, thường xì xào bàn tán với nhau, nhưng lâu ngày họ không thấy gì kỳ quái nữa.

    o0o

    Mười một năm sau. Vào một ngày cuối xuân năm Vĩnh Thuần thứ hai thời Đại Đường.

    Cây cối xum xuê tươi tốt phủ lên sơn cốc một màu xanh ngắt, vài cây táo chua nằm rải rác lẫn trong vài mảnh ruộng trên sườn núi. Trong cốc hơn mười căn nhà với hàng rào trúc bao quanh nằm đan xen vào nhau, mái nhà lợp gỗ thô thấp thoáng ẩn hiện trong rừng cây xanh biếc tạo nên khung cảnh đẹp như vẽ như thơ.

    Một thiếu nữ đeo giỏ trúc sau lưng dẫn theo một cậu bé trông có vẻ bướng bỉnh khoảng mười tuổi đang đi về phía sườn núi thấp ngoài cửa cốc. Thiếu nữ mặc một bộ quần áo gọn gàng của dân miền núi, cái áo ngắn màu xanh biếc, quần dài màu hồng cánh sen, khuôn mặt nàng cháy nắng với gò má ửng hồng của người làm việc đồng áng, nhưng lạ là toàn bộ người nàng toát ra một khí chất đặc thù mà một sơn nữ bình thường không thể có được.

    Thiếu nữ khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Nàng đang ở độ tuổi chớm nở xuân thì với vóc người thon thả, khỏe mạnh, vòng eo nhỏ gọn, dáng đi giống như ngọn trúc xanh mềm mại đong đưa theo gió. Đôi mắt nàng sáng ngời, mũi thẳng như dọc dừa, miệng nhỏ nhắn với đôi môi mọng đỏ hơi trề ra, khuôn mặt thật thanh tú xinh đẹp.

    Đi bên cạnh thiếu nữ là một cậu bé tám chín tuổi trông có vẻ ương bướng, hình như là em trai của nàng. Cậu bé mặc dù có nước da ngăm đen như những đứa bé sống trong vùng núi rừng hoang dã khác, nhưng cậu bé lại không có vóc người khỏe mạnh chắc chắn như chúng. Nhìn kỹ lại, thân thể của cậu bé đơn bạc hơn rất nhiều, khuôn mặt trái xoan có bảy tám phần giống như chị, lông mày cao và sắc thanh tú, đôi mắt thật to, cái cằm kiên nghị.

    Cô gái tên là Nguyệt Dung, cậu bé bên cạnh là em ruột của nàng, tên gọi thân mật ở nhà là A Sửu. A Sửu năm nay vừa đúng chín tuổi, cậu bé hoạt bát hiếu động từ tấm bé nên thật khó trông nom coi chừng, cậu leo trèo nghịch ngợm như khỉ như vượn, cây cổ thụ cao vài chục trượng không nhằm nhò gì với cậu, đám trẻ trong thôn tôn cậu làm đệ nhất cao thủ trèo cây leo núi.

    Người xưa có câu "bơi giỏi cho lắm cũng có lúc chết chìm, cưỡi ngựa hay bao nhiêu cũng có lúc té ngựa" quả thật đúng. Ba tháng trước A Sửu trèo lên một cây cổ thụ tìm trứng chim bị té từ trên cao năm sáu trượng xuống đất, mặc dù có những nhánh cây cản lại, hơn nữa mặt đất rất xốp mềm, tuy không bị bể đầu sứt trán nhưng A Sửu cũng bị gãy một chân.

    Cậu bé như hòn ngọc quý trong nhà, chuyện cậu bị té làm cha mẹ cậu kinh hãi quá mức. Là chị cả lại trông nom em không cẩn thận, Nguyệt Dung bị cha mẹ đánh cho một trận. A Sửu bị bắt ở trong nhà dưỡng thương hơn ba tháng, gần đây thân thể dần dần khỏe lại, đi tới đi lui tuy không có vấn đề nhưng cha mẹ cậu vẫn cấm ngặt không cho ra khỏi nhà.

    Hôm nay Nguyệt Dung lên núi hái rau dại, thấy em trai từ lúc gãy chân bị cấm rịt ở trong nhà, tù túng ủ rũ kém vui, tính tình so với lúc trước khác xa một trời một vực, nàng lo lắng nếu em rầu rĩ mãi sẽ có ảnh hưởng xấu, do vậy liền năn nỉ xin phép cha mẹ dẫn em ra ngoài cho bớt buồn. Cha mẹ nàng mãi mới đáp ứng với điều kiện A Sửu không được rời khỏi nàng nửa bước.

    Trong một căn nhà có hàng rào trúc bao quanh, một thiếu nữ lớn hơn Nguyệt Dung khoảng hai ba tuổi đang ngồi thêu thùa, trông thấy hai chị em đi tới liền cười chào:
    - Nguyệt Dung muội, tiểu A Sửu, hai đứa lên núi à?

    - Dạ, muội dẫn tiểu đệ lên núi hái nấm và một chút rau, Tú Tú tỷ đang chuẩn bị đồ cưới phải không?

    - Nói bậy gì đó, ta đang thêu thùa bậy bạ cho vui thôi.

    Tú Tú mặt đỏ lựng giấu vội cái khăn đang thêu gì đó ra sau lưng, Nguyệt Dung được một trận cười nắc nẻ.

    Một cụ già ngồi đánh cờ dưới gốc cây du cách đó không xa nghe tiếng cười nhìn sang, cao giọng cười nói:
    - Tiểu A Sửu, chân cháu lành rồi à, ha ha, từ nay về sau đừng nghịch ngợm phá phách như vậy nữa nghe không.

    Nguyệt Dung lễ phép chào hỏi:
    - Cháu chào Cừu bá bá, Phương bá bá.

    Một cụ khác ở bên kia bàn cờ muốn đánh bàn cờ cho nhanh nên mặt mày nhăn nhó thúc giục, cụ già vừa chào hai chị em Nguyệt Dung lúc này mới vuốt chòm râu quay lại.

    Được xưng làm đệ nhất cao thủ leo núi trèo cây lại bị cụ già vừa rồi nhắc khéo, mặt mày A Sửu cau có tức tối, cậu nhóc tức giận co chân sút một cục đá nhỏ, chẳng may cục đá bay đập trúng một con ngỗng trắng lớn.

    Chị ngỗng nhà ta đang ngẩng đầu ưỡn ngực, dáng dấp phảng phất giống như một vị đại tướng quân kiểm binh trước tam quân, uy phong lẫm lẫm nện bước chân trên con đường mòn đi tới, đột nhiên bị cục đá đập một phát, không khỏi giận tím mặt lập tức giương cánh vươn cổ kêu quang quác nhắm hướng A Sửu xông tới.

    - A Sửu, em lại phá phách!

    Nguyệt Dung vừa mắng vừa kéo em bỏ chạy. Chị ngỗng nhà ta nhất định không chịu buông tha cho hai chị em, vỗ hai cánh, cổ vươn dài đuổi theo ở đằng sau. Một cậu bé chăn dê ở trong lùm cỏ trông thấy cảnh này chịu không nổi cười bò lăn bò càng.

    - Ái da! Chị, chân của em vẫn còn đau.

    A Sửu ba chân bốn cẳng chạy ở đằng trước kêu đau, Nguyệt Dung tức giận mắng:
    - Tiểu tử thúi, con ngỗng tướng quân nhà Lưu thẩm là con hung dữ nhất, khi không em đi trêu chọc nó.

    Nói xong nàng cởi giỏ trúc ngồi chồm hổm xuống rồi ra lệnh:
    - Leo lên, chị cõng em.

    A Sửu từ chối:
    - Không cần, em lớn rồi, nặng lắm, lưng chị chịu không nổi đâu.

    - Thôi đi cậu nhóc, lông măng còn chưa rụng mà lớn nỗi gì, hồi nhỏ không phải chị vẫn cõng em trên lưng trèo vượt qua dãy núi lớn sao.
    Nguyệt Dung phản bác lại, sau đó đỡ em lên lưng, cầm lấy giỏ trúc rồi chạy lên núi. Con ngỗng trắng vẫn kêu quang quác kiên trì ra sức đuổi theo.

    Ở trên lưng bằng phẳng mềm mại có lấm chút mồ hôi nhưng hương vị rất dễ chịu của chị, A Sửu giãy giụa hai ba lần, nhưng lại bị chị vỗ vào mông một cái nên đành ngồi yên.

    Con ngỗng tướng quân sau một hồi rượt đuổi rốt cục khải hoàn quay về, kiêu hãnh bước trở lại thôn. Khi không thấy con ngỗng đuổi theo nữa, Nguyệt Dung lúc này mới chạy chậm lại, miệng thở hồng hộc nhưng vẫn không thả em xuống.

    - A Sửu, một hồi lên tới trên em đừng chạy loạn để cha mẹ miễn phải lo lắng cho em. Chị hái chút rau rồi cõng em về. Mẹ ở nhà hầm xương nấu súp cho em, em ăn vào nhân lúc còn nóng cho chân chóng khỏi. Em không phải thích ăn rau muối tương nhất sao, một chốc chị hái ít rau rồi trở về nấu cho em ăn.

    - ... rau muối tương phải dùng mỡ chiên sơ qua.

    - Được rồi, nghe lời A Sửu, chiên sơ qua.

    - Hơn nữa phải thả một cái trứng gà vào.

    Nguyệt Dung cười khanh khách:
    - Xong luôn, bỏ vào một cái trứng gà, em đúng là một tên chết thèm.

    Hai chị em bò lên trên ngọn núi thấp, Nguyệt Dung thả A Sửu xuống:
    - Em ngồi yên ở đây, chị đi hái... a!

    Nguyệt Dung nhìn ra phía ngoài cốc giật mình thốt:
    - Sao có nhiều quan binh tới đây vậy trời?

    A Sửu nghe vậy lật đật đứng lên ngó ra phía trước. Đứng trong đám cỏ dại, đám đậu tía cao hơn đầu người, cậu bé thấp quá nên phải kiễng chân ngóng nhìn ra ngoài. Trước sơn cốc có một đám quân lính tập trung ở đó. Đây là quân lính Đại Đường, đám binh lính mặc áo giáp, cưỡi chiến mã, lưng đeo túi tên, cung khoác chéo vai, tay cầm ngang thanh đao.

    Hơn ban trăm người cộng thêm ba trăm thớt ngựa chỉnh tề đứng đó, lặng ngắt không một tiếng động.

    Lính thì mặc áo giáp, còn tướng khoác bào. Có hai con ngựa ở phía trước đám quân lính, trên một trong hai con ngựa có một viên tướng mặc giáp khoác trường bào trên vẽ hoa văn hình hổ và sư tử, còn trên con ngựa kia là một tên quan văn mặc áo bào màu xanh. Tên quan văn ghìm ngựa quay đầu lại nói với đám quân lính điều gì đó, chỉ thấy cả đám đều rút đao khỏi vỏ, ánh mặt trời phản chiếu trên lưỡi đao lấp lóa lạnh người.

    A Sửu hơi thắc mắc, hồi trước khi đến thành Thiệu Châu với cha, cậu bé đã từng nhìn thấy đám quân lính ở đó, chỉ có dăm ba tên lính già đứng đứng gác trên tường thành, nào có loại lính đằng đằng sát khí như ở đây, hơn nữa quần áo của bọn chúng cũng không thật sự giống nhau.

    - Chị, đây là quan binh ở đâu vậy? Bọn chúng đang định làm gì?

    - Không xong rồi!

    Nguyệt Dung tuy không biết rõ ý đồ của đám quan binh kia, nhưng nàng cảm thấy nguy hiểm. Nàng căn dặn em:
    - Chị sợ đám lính này sẽ gây bất lợi cho chúng ta, A Sửu, em đi lại không tiện, trốn tạm ở đây để chị về thôn báo tin, bất kể chuyện gì xảy ra em nhất định không được xuất hiện, biết không!

    Nguyệt Dung giấu A Sửu vào trong bụi cỏ, đeo giỏ trúc lên rồi chạy đi, vừa chạy được vài bước vội lộn ngược trở lại, thuận tay kéo ít cỏ dại che trên người em.

    Đây là giang sơn Đại Đường, là con dân Đại Đường, quân lính Đại Đường tại sao phải gây hại cho dân chúng ở đây? Người trong thôn cũng không phải sơn tặc hay thổ phỉ. Trăm mối tơ vò không có câu trả lời, A Sửu đành theo lời chị dặn dò ngồi chồm hổm ở đằng kia không dám động đậy.

    Gót sắt của ngựa đạp đá vụn trong khe núi bay loạn xạ, hai con tuấn mã dẫn đầu phóng lên sườn núi thấp. Từ chỗ ẩn mình A Sửu chỉ có thể nhìn thấy thớt ngựa đen của tên quan văn áo bào xanh, viên võ tướng ở bên cạnh bị tên quan văn che khuất, A Sửu chỉ có thể nhìn thấy áo bào đỏ tươi của y thỉnh thoảng gió núi thổi bay lên.

    Nguyệt Dung chạy về thôn vừa vẫy cái khăn cột tóc màu xanh vừa la:
    - Cha! Mẹ! có quân lính tới đây, có quân lính tới đây!

    - Giết! Giết sạch! Một tên cũng không tha!

    Tiếng ra lệnh lạnh lùng làm người không rét mà run vang lên bên tai A Sửu, cậu bé dời ánh mắt đang dõi nhìn theo chị sang bên cạnh, người phát ra mệnh lệnh chính là tên quan văn đang ngồi thẳng tắp trên lưng ngựa. Gã có dáng người cao cao, gầy nhom, khuôn mặt hẹp dài như mặt ngựa, mắt lõm vào, mũi dài nhọn cong quặp xuống như mỏ chim ưng, nhìn quả đáng sợ.

    Sau khi ra lệnh cho đám binh sĩ ở đàng sau, gã quan văn vô tình quay đầu sang một bên, cả khuôn mặt lọt vào tầm mắt của A Sửu. A Sửu có thể thấy rõ mồn một khuôn mặt của gã, mũi quặp như mỏ chim ưng, hai đường nếp nhăn sâu hoắm như vết dao cắt từ hai cánh mũi kéo dài xuống miệng bao lấy đôi môi mỏng, thanh âm đằng đằng sát khí đúng là từ miệng gã phát ra.

    Người đi cùng ở bên cạnh gã, viên tướng quân mặc chiến bào có hình sư tử và hổ chậm rãi rút đao ra khỏi vỏ, thân đao cọ vào vỏ phát ra tiếng ma sát rợn tóc gáy. A Sửu nghe thấy khắp người nổi da gà lúc nào không hay. Viên tướng quân giơ cao thanh đao phóng ngựa về phía trước quát gọn:
    - Giết!
    Vó ngựa phóng như bay xuống dưới.

    A Sửu thấy chị đang chạy thục mạng ở trên đường mòn, hắn nhảy dựng lên, cả người giống như con nai cái chạy nhảy giữa rừng núi. Viên tướng quân thúc ngựa chạy như bay, nhìn y giống như tay thợ săn đang ra sức đuổi theo con mồi. Chiến mã phi như bay chẳng mấy chốc đuổi kịp Nguyệt Dung, trong bụng A Sửu phập phồng lo sợ.

    - Phụp!

    Đao giơ lên, chém xuống như chớp, máu đổ.

    - Mẹ, có quân lính...

    Tiếng la của Nguyệt Dung ngưng bặt, ánh đao lướt qua, máu bắn tung tóe như mưa sa, một vầng trăng rụng rơi.

    Viên tướng quân vung thanh đao nhuốm máu phóng qua người nàng. Ngay sau đó, vô số chiến mã giày xéo lên thân thể mềm mại của người thôn nữ, tranh nhau tiến vào thôn nhỏ.

    - Chị...!
    A Sửu mắt tối sầm, tức thì té xuống bất tỉnh nhân sự.

    Mấy trăm tên quân lính từ đường mòn trên núi phóng nhanh xuống, tiếng ngựa phi, tiếng đá vụn bay rầm rầm làm át đi tiếng thét thảm thiết nghẹn ngào của cậu bé.

    Tên quan văn dừng ngựa trên triền núi, lạnh lùng nhìn chăm chăm vào thôn trang ở trong cốc, khóe miệng nhếch nở một nụ cười ác nghiệt, gã vung roi chỉ về phía trước lặp lại mệnh lệnh:
    - Giết! Giết sạch! Một mống cũng không tha!

    o0o

    Ngày hôm sau, trước cửa phủ thành Thiệu Châu có dán một bảng cáo thị, tuyên bố một cơn đại ôn dịch phát sinh ở thôn Đào Nguyên giết chết toàn bộ dân trong thôn, để đề phòng nạn ôn dịch lây lan, quan phủ ra lệnh thiêu rụi toàn bộ thôn trang, đồng thời cũng nghiêm cấm dân chúng khắp nơi không được xâm nhập vào thôn phòng nhiễm phải ôn dịch. Thôn Đào Nguyên ly kỳ xuất hiện cũng ly kỳ biến mất.

    Kể từ đó không một ai dám tiến vào sơn cốc này.

    Sau đó vài năm, cũng không còn ai nhớ tới một cái thôn mang tên Đào Nguyên, mọi người chỉ nhớ được cách thành Thiệu Châu hai mươi dặm về phía đông bắc có một sơn cốc của ôn thần, người ta biết sự tồn tại của nó nhưng không biết tên nó là gì...



    Chú thích của tác giả:

    Xin được nói rõ một chút. Trước khi viết truyện này, Quan Quan nghiên cứu rất nhiều tư liệu lịch sử và phát hiện một số điều không thể nghiêm ngặt chiếu theo lịch sử thời đó mà viết lại y như vậy, vì làm như thế, nếu ai đọc không quen sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Ví dụ như lúc ấy cha được gọi là anh, ngôi thứ hai không có ngươi/anh, cũng không có cách xưng hô trang trọng như ngài mà gọi là mày, anh kia, ngôi thứ ba gọi là kia, ấy. Vẫn có chuyện người nữ thường dùng một chữ tự xưng là "nhi" (trẻ con), tương đương người nam tự xưng là "mỗ" (một người một vật có tên nhưng không nói ra); gọi quan viên phải gọi tên dòng họ với quan chức, đại nhân chỉ dùng để gọi người lớn thân thiết trong nhà; tiểu thư con nhà giàu sang được gọi là nương tử, gặp người con gái xa lạ trên đường cũng gọi là nương tử, vợ mình cũng gọi là nương tử; những chuyện như thế, nếu dùng y như thời xưa sẽ rất mất tự nhiên, cho nên đổi thành cách xưng hô của thời hiện đại mà độc giả quen dùng.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile




    Phòng ném đá

    Phòng chém gió
    Lần sửa cuối bởi Ooppss, ngày 24-01-2013 lúc 06:46.



    Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân!

    Hidden Content

    Hidden Content

  4. Bài viết được 33 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    vietstars,zenusa,
  5. #3
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Đang ở
    Thèm - Ám Sát Đoàn
    Bài viết
    2,761
    Xu
    1,278

    Mặc định


    Say Mộng Giang Sơn



    Quyển 1: Phá kén hóa bướm

    Chương 2: Thằng bé ăn xin trong hẻm Ba Tiêu



    Dịch từ nguyên tác: Túy Chẩm Giang Sơn (醉枕江山)
    Tác giả: Nguyệt Quan (月关)


    Dịch: htph
    Biên dịch: mts86vt
    Biên tập: Ooppss
    Nguồn: www.tangthuvien.com









    Tháng bảy năm Vĩnh Thuần thứ hai, phủ Quảng Châu.

    Trên con phố lớn người qua lại đông đúc, thương khách và những gánh hàng rong làm con phố vốn rộng rãi trở nên chật chội.

    Người kẻ sĩ mặc áo bào tay rộng, người Hồ mặc áo cổ bẻ, tay chật, người bình dân mặc áo ngắn vải thô, giòng người qua lại vô cùng náo nhiệt.

    Hai bên phố, có người Thiên Trúc khoác túi vải, đeo khuyên tai cao giọng rao bán đàn hương với tiếng Đại Đường lơ lớ. Có những đứa trẻ từ vùng Côn Luân Nam Dương đi chân trần trên phố rao bán cao giảm đau chế từ nha đam, còn có người thì không ngừng khoe miếng đinh hương của mình có thể làm hơi thở thơm mát như thế nào.

    Có người Ba Tư mặc áo ống tay nhỏ, đầu đội nón da, bán đồ hóa trang, trang điểm như táo Ba Tư, nước hoa làm từ phấn hoa hồng ở vùng ngoại biên. Đương nhiên không thể thiếu những gánh hàng rong bán gia vị như hồ tiêu đen và mù tạt nguyên chất rất được người Đại Đường hoan nghênh.

    Còn đám tiểu thương bán hạt quả hồ trăn (hạt dẻ cười) đẩy xe liên tục lớn giọng rao, quảng cáo công năng của hạt quả hồ trăn có thể giúp nam tráng dương bổ thận, nữ đạt được cao triều rên lên vì sung sướng, lời quảng cáo ngay lập tức hấp dẫn vô số chị em phụ nữ, ai mà lại không muốn đàn ông của mình to lớn dũng mãnh chứ, bất kể là ở ngoài đời hay ở trên giường.

    Phía sau những gánh hàng rong có một con sông nhỏ nước trong vắt, một cây cầu nhỏ làm bằng đá và gỗ vắt ngang sông. Bước lên cầu qua sông, bên bờ sông trồng đầy chuối ba tiêu (hay còn gọi chuối tây, chuối sứ), sau hàng chuối là một tửu quán, mùi rượu từ quán tỏa ra xung quanh rất nồng, hòa nhập vào bức ảnh phồn hoa trên con phố lớn.

    Nhưng thế giới phồn hoa sinh động trước mắt cuối cùng cũng không thể so sánh được với hình ảnh thế giới phồn hoa trên sách vở. Hình ảnh vẽ trong sách, ngươi có thể xóa đi tất cả những thứ ngươi không cần, nhưng trong thế giới hiện thực lại không thể, bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có người nghèo. Ngay lúc đó, một thằng bé ăn xin quần áo tả tơi, đi chân đất đang tháo chạy thục mạng, phía sau có hai người đàn ông trung niên hùng hổ đuổi theo.

    Thằng bé ăn xin trốn vào trong một con hẻm nhỏ, cuối cùng kiệt sức bị hai người đàn ông đuổi kịp. Dưới trận đòn tay đấm chân đạp tới tấp, thằng bé ôm đầu cuộn mình lại như một con chó nhỏ. Người của nó bị đá hết phát này đến phát khác bay bổng lên nhưng nó không xin tha, cũng không than đau, mãi đến khi bị đá một cái rơi vào trong rãnh nước bên cạnh con hẻm, nó mới la lên một tiếng đau đớn rồi ngất lịm đi.

    Hai người đàn ông trung niên phất tay áo bỏ đi miệng còn rủa xả:
    - Thằng ăn mày chết bầm dám ăn trộm đồ ăn của tao, để tao bắt được lần nữa đánh cho mày chết luôn!

    Người trên phố qua lại như mắc cửi nhưng không một ai để ý tới.

    Cũng không biết trải qua bao lâu, có một người đàn bà mặc váy và cái áo đơn cũ nát dắt theo một cô bé từ trong con hẻm nhỏ tối tăm lủi thủi đi đến, cô gái nhỏ thấy thằng bé ăn xin nằm vật ra bên rãnh nước, cô bé dừng bước. Hình như xảy ra một cuộc tranh chấp nhỏ giữa hai mẹ con, cô bé rút cục thắng. Cô bé vén cái váy rách rưới nhanh chân chạy đến bên rãnh nước.

    Cô gái nhỏ ngồi xổm xuống nhìn thằng bé đang bị ngất, sau đó cầm cái bình vỡ từ trong tay mẹ cẩn thận đút cháo cho thằng bé. Thằng bé ăn xin rõ ràng đói bụng lắm, mặc dù đang trong hôn mê nhưng khi cháo đút đến miệng nó vẫn vô ý thức vội vàng nuốt xuống.

    Thằng bé ăn xin từ từ tỉnh lại, khi mở mắt ra nó cảm thấy đau nhói. Một mắt của nó bị đánh thâm tím, xưng vù lên nhìn chỉ còn thấy một đường như sợi chỉ. Sau một hồi choáng váng, nó khẽ hí mắt nhìn cô gái nhỏ trước mặt.

    Cô bé khoảng sáu bảy tuổi, người gầy trơ xương, khuôn mặt nhỏ bẩn thỉu, mái tóc rối tung có lẽ vì thiếu dinh dưỡng nên hơi khô vàng, chỉ có cặp lông mày là vừa đen vừa rậm. Đàn ông con trai mà có cặp lông mày như thế nhất định trông rất khí phách hào hùng, nhưng với đàn bà phụ nữ thì hình như nó hơi đậm quá.

    Cô gái nhỏ mặc một chiếc áo ngắn màu xanh nhạt, chỗ đầu vai áo bị rách mờ mờ thấy cả da thịt, phía dưới cô bé mặc cái váy hình lá trúc kéo cao tới ngực. Lúc này cô bé đang ngồi xổm trước mặt thằng bé ăn xin, vì vậy chỗ rách của váy lộ ra hai cái đầu gối trắng trẻo.

    Thằng bé nhanh chóng hiểu rõ tình cảnh của mình, cũng nhìn ra thân phận của hai mẹ con kia, nó không nói lời cảm ơn, chỉ kinh ngạc nhìn cô gái nhỏ. Cô bé toét miệng cười với nó, có lẽ là do đang thay răng, hàm răng cô bé bị sún thoạt trông rất buồn cười.

    Cô bé nghiêng đầu suy nghĩ rồi móc từ trong người ra một cái bánh bao không nhân, cẩn thận bẻ thành hai nửa, so sánh một hồi mới để một nửa lớn hơn vào lòng thằng bé. Cô bé lại toét miệng cười với nó, sau đó cầm cái bình vỡ đứng lên. Người mẹ bước tới dắt tay con, thản nhiên nhìn thằng bé ăn xin một cái rồi hai mẹ con men theo con hẻm nhỏ âm u bỏ đi.

    Thằng bé ăn xin gắng gượng nặng nề đứng lên, xương cốt cả người nó đau nhức. Nó kéo kéo lại bộ quần áo rách như tổ đỉa của mình, ngỡ ngàng nhìn xung quanh rồi vô ý thức đi theo sau hai mẹ con kia.

    Cô gái nhỏ cầm tay mẹ, thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn. Cô bé nghĩ hoàn cảnh của thằng bé ăn xin cách đó không xa xem ra còn trắc trở khó khăn hơn hai mẹ con họ. Quần áo thằng bé rách tươm chỉ đủ tạm che đậy thân thể, cổ áo hở toang lộ ra bộ ngực gầy trơ xương, gương mặt nó gầy guộc xanh xao, trên mặt bầm tím, vết thương mới chồng lên vết thương cũ.

    Cô bé lại toét miệng cười với nó.

    Dần dần con đường càng lúc càng hẻo lánh, một ngôi miếu đổ nát xuất hiện ở phía trước, nửa ngôi miếu còn có tường bao quanh, nửa kia đổ ngã xiêu vẹo.

    Người phụ nữ dắt con đi vào trong miếu. Thằng bé ăn xin đứng ngoài một lát rồi cũng vào theo.

    Trong ngôi miếu đổ nát không chỉ có mỗi một tên ăn mày, một lão ăn mày già ngồi dưới ánh mặt trời, cởi tấm áo rách trên người lộ ra thân thể chỉ còn da bọc xương bắt bọ chét. Một tên ăn mày khác có da có thịt hơn một tí đang nằm trên đống cỏ khô, chân bắt chéo miệng khẽ ca hát.

    Người đàn bà dẫn con gái tìm một chỗ ngồi trong miếu, cô gái nhỏ bắt đầu ăn, còn người đàn bà lấy một nắm cỏ dại dai bền ra bện tết cái gì đó.

    Thằng bé giống như con thú nhỏ đang hoảng sợ đề phòng đánh giá xung quanh miếu, nhưng nó vẫn một mực như trước bước lại gần chỗ hai mẹ con. Nó rất ít khi được đối đãi tử tế, lòng tốt của cô bé khiến nó cảm thấy rất thân thiết, nó không nơi nương tựa, theo bản năng sẽ muốn gần gũi với thứ mà nó cảm thấy thân thiết.

    Cô gái nhỏ bị mất hai cái răng cửa nên vất vả gặm cái bánh bao không nhân, gặm thật lâu cho đến khi nước bọt thấm ướt bánh bao rồi mới dùng hết sức cắn một miếng. Cô bé vui vẻ nuốt bánh bao, nhìn thằng bé nhỏ giọng hỏi:
    - Ta tên Nữu Nữu, ngươi tên gì?

    Thằng bé hình như có vẻ ngỡ ngàng, hồi lâu, có cái gì đó chua xót trào lên khóe mắt, nó nhẹ nhàng đáp:
    - Ta. . . tên A Sửu.

    - A Sửu, ngươi ngồi xuống đây!
    Nữu Nữu vỗ vỗ đống rơm bên cạnh, A Sửu nhìn nhìn rồi ngồi xuống bên cạnh cô bé.

    Nữu Nữu cắn bánh bao, nghiêng đầu nhìn nó hỏi nhỏ:
    - Sao ngươi bị người ta đánh vậy?

    A Sửu đáp:
    - Bởi vì ta trộm đồ ăn của họ.

    - A! Thế thì không tốt đâu, đi xin cơm ăn được cơ mà, cuối cùng rồi cũng sẽ gặp được người thiện tâm thôi.

    A Sửu trầm mặc một hồi mới khẽ nói:
    - Ăn xin, ta làm không được, ta...không thò tay ra được...

    Hai chiếc răng cửa của Nữu Nữu bị gãy, cái bánh bao cũng không biết đã để mấy ngày nên cứng như đá, gặm cả buổi, gặm cho ướt nhẹp toàn nước bọt mà cô bé vẫn chưa cắn được miếng tiếp theo. Nghe A Sửu trả lời, cô bé ngừng gặm, ngạc nhiên mở to miệng hỏi:
    - Tại sao thế? Chẳng lẽ trộm đồ không mất mặt à?

    A Sửu nghiêm túc suy nghĩ một chút rồi đáp:
    - Ta không biết, mặc dù trộm cũng thò tay, nhưng. . . cảm giác hình như không giống ăn xin. Ăn trộm ta chỉ cẩn chuẩn bị tốt tư tưởng là sẽ bị đánh, còn ăn xin, ta không thò tay ra được, cũng không nói ra được lời xin xỏ...

    Nữu Nữu chớp chớp mắt, hoang mang suy nghĩ hồi lâu mới lắc đầu nói:
    - Ta không hiểu!

    A Sửu cười cay đắng, nó chậm rãi ngẩng đầu, nhìn chùm ánh nắng rọi xuống từ lỗ thủng trên nóc miếu cùng bụi bặm bay lượn trong ánh nắng, nó buồn bã nói:
    - Thật ra bản thân ta cũng không hiểu. . .

    Nữu Nữu cười khúc khích:
    - A Sửu, ngươi đúng là một tên ăn mày kỳ lạ.

    A Sửu bướng bỉnh nhấn mạnh:
    - Ta không phải tên ăn mày! Cho tới bây giờ ta chưa từng ăn xin!

    Tính tình Nữu Nữu rất tốt, cô bé nhượng bộ:
    - Được rồi được rồi, ngươi không phải ăn mày, ngươi là một tên trộm kỳ lạ, như vậy được chưa? Hì hì.

    - Ừ!
    A Sửu suy nghĩ một chút mới trịnh trọng gật đầu, chấp nhận lời đánh giá này của cô bé.

    Nữu Nữu quay đầu kéo ống tay áo mẹ cất giọng năn nỉ:
    - Mẹ, mẹ bện cho A Sửu một đôi giày được không?

    Cô bé lại quay đầu qua nháy mắt mấy cái rồi hỏi:
    - A Sửu, ngươi chịu ở lại đây không?

    . . .

    - Chịu không?

    - Ừ!

    Nữu Nữu lại nhe hàm răng sún cười rộ lên, trông rất buồn cười.

    Lúc này, một đôi giầy rơm đang dần dần thành hình trong tay mẹ Nữu Nữu. . .

    o0o

    A Sửu đúng là một đứa bè kỳ lạ.

    Nó trước sau ương bướng không chịu đi ăn xin, thà rằng đi trộm.

    Bởi vì không phải dân trộm chuyên nghiệp, A Sửu thường bị người ta đánh cho mặt mũi bầm dập, nếu không phải được mẹ Nữu Nữu giúp đỡ, có thể nó đã chết đói từ lâu.

    Trong ngôi miếu đổ nát tổng cộng có hơn mười người ăn xin sinh sống, họ nhất trí cho rằng A Sửu nên gọi là A Ngốc, nó khẳng định là một thằng ngốc, chỉ có Nữu Nữu không nghĩ như vậy.

    Khi A Sửu ăn no xong, nó chưa bao giờ cùng với mấy tên ăn mày khác ngồi dưới ánh mặt trời, vừa cởi áo bắt bọ chét vừa nói chuyện phiếm với nhau, nó luôn ngồi một mình trên nửa tảng đá to ở sân sau miếu, tay chống cằm ngây người nhìn bầu trời. Nữu Nữu cảm thấy A Sửu nhất định đang suy tư gì đó.

    Người khác có biết A Sửu biết suy nghĩ không?

    Còn có một lần, Nữu Nữu len lén thấy A Sửu cầm trong tay một cành cây, vẽ gì đó trên mặt cát. Sau khi A Sửu bỏ đi, Nữu Nữu chạy qua nhìn rồi so sánh với nửa tấm bia đá cả buổi mới nhận ra thứ A Sửu viết là chữ trên nửa tấm bia đá, nhớ tới lúc hắn viết động tác lưu loát như nước chảy, Nữu Nữu cực kỳ hâm mộ.

    Người khác có biết A Sửu biết viết chữ không?

    A Sửu còn biết leo cây lấy trứng chim, biết dùng cành cây đập chuồn chuồn, biết xuống sông bắt cá, bất kể là trứng chim, chuồn chuồn hay là cá, cuối cùng đều không ngoại lệ biến thành thức ăn thơm ngon, mặc dù chúng nó vẫn thường bị nướng cháy khét, nhưng Nữu Nữu ăn rất ngon miệng.

    Trong khoảng thời gian đó, mặt mũi A Sửu luôn bầm tím, còn môi Nữu Nữu thì luôn đen sì sì.

    Trong quãng đời tuổi thơ Nữu Nữu ăn xin để sống, Nữu Nữu nhận đủ ánh mắt ghẻ lạnh và những chuỗi ngày đói khổ lạnh lẽo, nhưng mấy ngày làm bạn với A Sửu trở thành hồi ức đẹp nhất của cô bé.

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile





    Phòng ném đá

    Phòng chém gió
    Lần sửa cuối bởi Ooppss, ngày 24-01-2013 lúc 06:47.



    Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân!

    Hidden Content

    Hidden Content

  6. Bài viết được 31 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    vietstars,zenusa,
  7. #4
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Đang ở
    Thèm - Ám Sát Đoàn
    Bài viết
    2,761
    Xu
    1,278

    Say Mộng Giang Sơn



    Quyển 1: Phá kén hóa bướm

    Chương 3: A Sửu và Nữu Nữu



    Dịch từ nguyên tác: Túy Chẩm Giang Sơn (醉枕江山)
    Tác giả: Nguyệt Quan (月关)


    Dịch: mts86vt
    Biên dịch: htph
    Biên tập: Ooppss
    Nguồn: www.tangthuvien.com






    Mùa đông năm đó mẹ của Nữu Nữu mắc bệnh. Những lần bị bệnh trước đó bà thường gắng gượng vượt qua, nhưng lần này thì không thể, bệnh tình của bà cực kỳ nghiêm trọng. Bà càng ngày càng tiều tụy, đến nỗi không thể nhấc nổi thân đi ăn xin.

    Có một hôm, ánh nắng chiếu lên thân xác ốm o gầy gò của bà đang nằm trong ngôi miếu đổ nát, ánh dương quang vẫn rực rỡ như thường lệ, và cũng như thế sắc mặt bà xám ngắt như cũ.

    Nữu Nữu nằm sấp trên người mẹ bất lực khóc, A Sửu ở bên kia nước mắt lưng tròng nhưng nó cố nén không để nước mắt rơi xuống. Từ sau khi ở thôn nhà khóc suốt một buổi chiều, khóc đến nỗi mắt sưng vù, cổ họng đau rát, nó gần như không còn khóc nữa, nước mắt dường như đã bị khô cạn.

    Mẹ của Nữu Nữu một tay nắm lấy bàn tay gầy nhỏ bé của con, tay kia kéo A Sửu, ánh mắt bà ẩn chứa bao cảm xúc: bi thương, cam chịu, thê lương, nhung nhớ, quyến luyến và thống khổ, ai trông thấy cũng phải tan nát cõi lòng.

    - A Sửu, Nữu Nữu... bác xin nhờ cháu...

    Bà biết rõ A Sửu còn nhỏ, cũng rõ tánh khí quật cường một mực nhất định không chịu đi ăn xin của nó, ngay cả nuôi sống bản thân nó còn lo không xong, nhưng bà không còn ai khác để phó thác, những tên ăn mày khác ở trong miếu đều lẩn tránh, nhìn bà chuẩn bị chết với ánh mắt thờ ơ lạnh nhạt, bà tìm không thấy một tí cảm thông hay thương xót nào trong ánh mắt của những tâm hồn chai cứng kia.

    - Nữu Nữu con...
    Bà bùi ngùi thở dài, bàn tay gầy yếu vô lực đặt trên đầu con nhẹ nhàng vuốt, rồi bà đột ngột ra đi, mắt không kịp nhắm lại, một giọt lệ từ khóe mắt khẽ khàng trượt xuống bên má.

    - Mẹ ơi! Mẹ ơi...
    Nữu Nữu ôm xác mẹ khóc rống lên.

    A Sửu mắt vằn đỏ, đầu óc mụ đi. Nó cắn răng cố không rơi nước mắt, tay nhẹ nhàng vuốt mắt mẹ Nữu Nữu rồi đứng dậy đi ra ngoài.

    Nữu Nữu phục trên thân thể mẹ khóc ròng, khóc đến độ không còn sức để khóc thành tiếng, lúc này, A Sửu quay trở lại.

    Hình ảnh A Sửu giống như con chó nhỏ bị vùi dập trong vũng bùn, cả người dơ dáy bẩn thỉu vô cùng. Nó uể oải lết về ngôi miêu đổ nát, ngồi xuống bên cạnh Nữu Nữu thở dốc. Sau đó nó lấy ra hơn nửa cái chiếu trúc, đẩy mẹ Nữu Nữu lên chiếu bó chặt lại rồi kéo ra ngoài miếu.

    Trên bãi cỏ cạnh bờ sông, có một cái hố do A Sửu cố gắng dùng gậy, dùng tay đào bới.

    Người đã chết dù gì cũng phải được chôn cất cho an lành.

    Những người thân yêu nhất của nó, cha mẹ, chị đều bị hỏa táng trong biển lửa, thi thể họ chỉ còn là một đống tro tàn. Khi đó nó cũng giống như Nữu Nữu hiện giờ, tràn ngập trong kinh hoàng, không biết làm gì hơn chỉ biết khóc, khi tinh thần tỉnh táo được một chút liền bỏ trốn ra khỏi thôn. Bây giờ nó ít ra còn có khả năng chôn cất mẹ Nữu Nữu cho đàng hoàng, không để cho bà thành cái xác trôi sông.

    A Sửu đẩy mẹ Nữu Nữu xuống hố, vùi đất với hai bàn tay rướm máu vì cào bới, sau đó cắm một miếng gỗ nhỏ trước mộ phần làm bia, làm xong nó nằm vật ra, không còn tí sức lực nào để nhấc tay nhấc chân.

    Từ đó trở đi, A Sửu và Nữu Nữu sống nương tựa vào nhau như hai anh em.

    Cô bé không còn gọi nó là A Sửu mà gọi là anh, còn nó vẫn gọi cô bé là Nữu Nữu.

    A Sửu vẫn như cũ đi ăn trộm, vẫn thường bị đánh đập cho nên hai đứa luôn bị đói.

    Nữu Nữu được mẹ chăm sóc từ nhỏ nên không rành việc đi ăn xin, thường thường khi cô bé có thể xin được gì thì lại bị đám ăn mày ở địa bàn đó lấy mất, còn không thì xin cũng không đủ để mà ăn. Có một lần cô bé bị chó dữ của một gia đình cắn bị thương nằm liệt mấy ngày liền, A Sửu lại ăn trộm không được gì, cô bé nằm chờ chết vì đói.

    A Sửu giống như một con sói tuyệt vọng ngồi bên cạnh Nữu Nữu đang hấp hối, sâu lắng nhìn cô bé. Nữu Nữu không biết anh đang suy nghĩ gì, thật ra cô bé từ trước đến giờ cũng không hiểu anh, cô bé chỉ biết anh thương mình, từ lúc mẹ qua đời anh là người thân duy nhất trên nhân thế.

    A Sửu vẫn nhìn cô bé như thế, nhìn hồi lâu liền đứng dậy lấy dây thừng bện bằng rạ bó chặt cái bụng lép kẹp vì đói rồi uể oải bước ra ngoài.

    Những tên ăn mày khác ở trong miếu lòng đầy căm phẫn, bọn chúng nói mẹ Nữu Nữu nuôi phải một đứa vô ơn, lúc khó khăn thì bỏ mặc Nữu Nữu tự sanh tự diệt, thế nhưng bọn chúng có chia xẻ cho cô bé một tí thức ăn nào mà bọn chúng xin được đâu.

    Nữu Nữu không tin lời bọn chúng, cô bé không tin người đã từng trèo lên cây cao thật cao lấy trứng chim, xuống sông bắt cá bột, dùng cành cây đánh bắt chuồn chuồn cho mình ăn, lại sẽ bỏ rơi mình. Cô bé tin tưởng anh sẽ trở về, có lẽ... anh đang đào phần mộ cho mình giống như anh đã làm để chôn cất mẹ lúc trước.

    Cô bé nghĩ, chẳng bao lâu nữa sẽ được nhìn thấy mẹ, trong lòng liền cảm thấy vui sướng thanh thản, nhưng khi nghĩ đến sẽ phải xa anh liền cảm thấy không thoải mái, muộn phiền. Cô bé không biết thế giới của người chết sẽ như thế nào. Theo bản năng, cô bé cảm thấy lưu luyến cuộc sống, đối với cái chết tràn ngập sợ hãi.

    Nữu Nữu đợi thật lâu, suy nghĩ thật nhiều, cho đến khi không còn chút hơi sức nào, khi tiếng xỉ vả đầy căm phẫn của những tên ăn mày trong miếu ngừng lại, cô bé thấy anh trở về, dáng đi thật uể oải nhưng hai tay của anh không bị trầy xướt rướm máu, người cũng không lấm bùn đất, tay bưng một cái bình sứt mẻ, trong cái bình đựng nửa bát cháo nóng.

    A Sửu đút cho Nữu Nữu ăn từng miếng từng miếng một.

    Mạng của hai đứa giống như cỏ dại trên bờ ruộng, cho dù có nhiều người qua lại chà đạp đi nữa, nó vẫn kiên cường sống sót.

    Nữu Nữu sống lại.

    o0o

    Mùa đông năm đó, những chỗ gần đống lửa đều bị đám ăn mày kia chiếm cứ, chỗ của hai đứa ở xa đống lửa nhất, đỉnh đầu chính là lỗ hổng trên nóc miếu, bông tuyết lất phất bay xuống. Hai đứa trên người đắp rơm rạ, ôm nhau thật chặt, dùng hơi ấm thân thể để chống lại cơn giá buốt.

    Đông qua xuân tới, A Sửu từ một người cảm thấy khó khăn, ngượng ngùng lắp ba lắp bắp khi đi ăn xin biến thành một tên ăn mày nhỏ rất lanh lợi, rất cừ.

    Cái tính khí quật cường ngày xưa thà rằng đi ăn trộm bị bắt bị đánh đập, hiện giờ trở thành một tên ăn mày, có lẽ cái tính khí đó vẫn như trước, có một chút quật cường, một chút kiêu ngạo, một chút kiên định, nhưng vì Nữu Nữu, A Sửu cất giấu tất cả thật sâu tận đáy lòng.

    Đang giữa mùa xuân mưa như mắc cửi, giăng mắc một màn võng giữa đất trời.

    A Sửu và Nữu Nữu chân trần chạy vui đùa tung tăng trong mưa như đôi cá trong nước.

    Giày của hai đứa đã hư nát hết chỗ nói, mẹ Nữu Nữu đã thành một nắm đất vàng, không thể bện giày rơm cho hai đứa nữa.

    A Sửu và Nữu Nữu chạy đến dưới một lùm chuối ba tiêu, tán lá chuối dài rộng tạo thành cái ô, tuy nhiên mưa vẫn theo lá cây chảy xuống thành dòng tưới thẳng vào mặt, hai đứa cảm thấy khoan khoái dễ chịu hơn nhiều.

    A Sửu lấy từ trong ngực ra một cái bánh bao không nhân giống như lấy ra một bảo bối, có lẽ nó đã bị nước mưa ngấm mềm nát, A Sửu khổ ra mặt. Nữu Nữu khôn khéo vội an ủi anh:
    - Anh, không sao đâu, hôm nay ăn dâu chua nhiều quá răng muốn rụng mất, bánh bao không nhân cứng ngắc cắn cũng chẳng mẻ miếng nào.

    Cô bé vừa nói vừa ráng nhìn anh nở nụ cười, lộ ra một hàm răng nhỏ xinh đẹp như răng mèo.

    A Sửu xoa xoa đầu cô bé, tóc cô bé rối tung như cái tổ chim.

    Hai đứa mỗi đứa một nửa cái bánh bao mềm nát, lấy lá chuối non làm chén hứng nước mưa, uống một ngụm nước mưa, cắn một miếng bánh bao lấp đầy cái bụng đói.

    Mưa vẫn rơi, mưa như tơ giăng mắc...

    o0o

    Giữa mùa hè xảy ra một chuyện, vì chuyện này A Sửu và Nữu Nữu quyết định rời khỏi ngôi miếu hoang đổ nát, hai đứa trở thành tứ cố vô thân không nơi trú ngụ.

    Vào một đêm hè ánh trăng tròn vằng vặc.

    Một loạt tiếng la khóc làm A Sửu bừng tỉnh, nó phát hiện một tên ăn mày đứng tuổi ở chung trong miếu có biệt hiệu Tiểu Lang đang nhào vào người Nữu Nữu, ra sức xé quần áo vốn đã rách bươm của cô bé, miệng hôn loạn xạ khắp người cô bé.

    Nữu Nữu còn nhỏ nên không biết tên Tiểu Lang muốn làm gì với mình, có lẽ do trực giác của con gái, cô bé biết mình đang gặp phải một chuyện hết sức đáng sợ, vì vậy cô bé khóc rống lên.

    Mấy tên ăn mày khác ở trong miếu hoang cũng bị đánh thức, bọn chúng nhìn chuyện đang xảy ra cho hai đứa với ánh mắt kỳ lạ đầy ám muội, cả đám không một ai lên tiếng ngăn cản, chỉ chực nhìn xem sự việc xảy ra, ánh mắt bọn chúng hau háu, trông rất lạ lẫm, rất đáng sợ.

    A Sửu sau khi tỉnh giấc thấy chuyện xảy ra trước mắt, bỗng chốc nó biến thành một con người khác, một con người đã tiềm ẩn rất sâu trong nó, do cừu hận và sỉ nhục giày vò, hun đúc, đó chính là một con dã thú hung dữ giờ phút này bị kích thích bộc phát ra.

    Hai con mắt A Sửu đỏ sọc, trán nổi gân xanh, nó phẫn nộ gào rú, phóng lên người tên Tiểu Lang, dùng cả người làm vũ khí cào cấu, cắn xé tên kia.

    A Sửu giờ phút này hóa thân thành một con sói thực sự, chớ không phải một con sói nhỏ với biệt hiệu Tiểu Lang.

    Tên Tiểu Lang khỏe như vâm chỉ cần hất tay, thân thể yếu ớt của A Sửu sẽ bị ném bay dập vào tường như cục thịt. Nhưng không biết sức lực từ đâu ra, A Sửu liều chết bám dính cứng lấy tên kia, điên cuồng cào cấu cắn xé. Đầu tiên nó cắn đứt nửa cái lỗ tai tên Tiểu Lang, ngay sau đó cắn lên vai tên nọ dứt ra một miếng thịt.

    Tên Tiểu Lang đau quá đấm thùm thụp vào người A Sửu. A Sửu phun một búng máu vào mặt tên Tiểu Lang, cậu nhóc có chăng chỉ còn hàm răng sắc bén làm vũ khí. Gã ăn mày kia nhìn thấy ánh mắt tàn khốc như con sói hoang của A Sửu, gã đột nhiên ý thức được thằng nhóc thường ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn đã nổi cơn điên, mạng gã chắc tiêu mất, gã lập tức bỏ chạy, vừa chạy vừa rống lên.

    Mặt, mũi, miệng A Sửu đầy máu, mắt sưng vù, cậu bé lết tới bên cạnh Nữu Nữu đang khóc thút thít ôm chặt lấy cô bé.

    Từ lỗ hổng trên nóc miếu hoang, ánh trăng sáng tỏ chiếu lên người A Sửu, mặt mày cậu bé đầy máu tươi, ánh mắt dữ tợn liếc qua mặt mấy tên ăn mày còn lại trong miếu, như con sói bị thương bảo vệ chủ quyền của mình nó gằn từng tiếng:
    - Ai muốn ăn hiếp con bé, trước hết bước qua xác tao!

    Mấy tên ăn mày quay người lại ngủ tiếp, coi như hoàn toàn chưa có chuyện gì xảy ra, trong miếu hoang đổ nát chỉ còn tiếng khóc của Nữu Nữu. A Sửu ôm chặt cô bé, ánh trăng mờ ảo chiếu lên trên người hai đứa, một lúc sau, A Sửu đột nhiên lặng lẽ chảy nước mắt giàn dụa, đây là lần đầu tiên Nữu Nữu thấy anh khóc.

    Trong lòng Nữu Nữu bấn loạn sợ hãi, cô bé nghĩ anh chắc đau lắm. Cô bé hiểu chuyện nên ngừng khóc, ghé sát lại gần thổi nhè nhẹ lên cặp mắt sưng vù, bàn tay nhỏ bé gầy khẳng kheo xoa xoa chỗ máu ứ trên má của anh. Cô bé thầm ước anh ngừng khóc, trông thấy anh rơi lệ lòng cô bé quặn thắt, nỗi đau này lấn át cơn sợ hãi.

    Nhưng anh càng lúc càng khóc nhiều hơn vì vậy Nữu Nữu cũng khóc theo anh.

    A Sửu ôm chặt cô bé nghẹn ngào thốt:
    - Nữu Nữu, anh thật sự lo sợ, sợ rằng mình sẽ biến thành một tên ăn mày! Sợ rằng... sẽ có một ngày anh cũng giống như bọn chúng, biết thành một cái xác không hồn, Nữu Nữu, anh thật sự đã trở thành một tên ăn mày!

    Nữu Nữu không hiểu anh đang nói gì, anh thường xuyên nói chuyện rất khó hiểu, nhưng cô bé biết anh rất thương mình, từ khi mẹ mất anh chính là người thân duy nhất trên thế gian, có hiểu anh nói gì hay không không quan trọng, quan trọng là anh thương yêu mình, như vậy đủ rồi.

    Cô bé ngước khuôn mặt nhỏ nhắn lên nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của anh, đôi mắt của anh sao bi thương quá, giống hệt như ánh mắt của mẹ trước khi mất, cam chịu, thê lương, đau khổ, làm người tan nát lòng.

    Nữu Nữu rất sợ sẽ mất anh giống như đã mất đi người mẹ hiền, cô bé ôm anh thật chặt, nói:
    - Anh muốn làm cái gì thì làm cái đó. Mặc kệ anh làm cái gì, Nữu Nữu sẽ luôn ở bên cạnh anh, cho dù anh là tên ăn trộm hay thằng ăn mày, chỉ cần được ở cùng với anh, tất cả mọi thứ không quan trọng!

    A Sửu và Nữu Nữu suốt đêm đó rời khỏi ngôi miếu hoang đổ nát, hai đứa lo sợ tên Tiểu Lang sẽ trở lại, chỉ dựa vào lòng can đảm hai đứa không thể bảo vệ bản thân. Hai đứa sẽ đi ăn xin như trước, bởi vì đây là phương pháp duy nhất để sinh sống, nhưng A Sửu cũng quyết tâm sẽ làm chuyện gì đó, nó phải sống, giống như một người bình thường tiếp tục tồn tại.

    Hai đứa bỏ đi, một câu truyện truyền kỳ bắt đầu.

    Từ trước đến nay truyện truyền kỳ là do những kỳ tích, kỳ công tạo thành.

    Kỳ tích là gì?

    Kỳ tích có thể là do người phi phàm làm chuyện phi phàm, cũng có thể là do nhiều điều ngẫu nhiên kết hợp với nhau tạo thành một sự trùng hợp kỳ diệu.

    Kỳ tích của A Sửu và Nữu Nữu vừa có sự trùng hợp, cũng có người phi phàm, và những sự việc phi phàm!


    Chú thích của tác giả:

    Thời kỳ Đường Tống ở Quảng Châu có tuyết rơi.


    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile




    Phòng ném đá

    Phòng chém gió
    Lần sửa cuối bởi Ooppss, ngày 24-01-2013 lúc 06:47.



    Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân!

    Hidden Content

    Hidden Content

  8. Bài viết được 27 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    vietstars,zenusa,
  9. #5
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Đang ở
    Thèm - Ám Sát Đoàn
    Bài viết
    2,761
    Xu
    1,278

    Mặc định


    Say Mộng Giang Sơn




    Quyển 1: Phá kén hóa bướm

    Chương 4: Trâm cài hình bướm

    Dịch từ nguyên tác: Túy Chẩm Giang Sơn (醉枕江山)
    Tác giả: Nguyệt Quan (月关)


    Dịch: mts86vt
    Biên dịch: htph
    Biên tập: Ooppss
    Nguồn: www.tangthuvien.com







    Bến cảng Quảng Châu, thuyền của Ba Tư, Bà La Môn (Ấn Độ hiện giờ), đảo quốc Sư Tử (Singapore hiện giờ), Hồi Cốt (Đế quốc Uyghur - 744-847), của người da trắng, da đỏ man dã, của người Đại Đường ra vào tấp nập.

    Những chiếc tàu thật lớn, ngàn vạn thuyền bè lớn nhỏ tấp nập rộn ràng lên xuống hàng.

    Trong những đội tàu thuyền của người nước ngoài, tàu thuyền của đảo quốc Sư Tử là lớn nhất, cầu thang từ bờ lên tới mạn thuyền cao mấy trượng, nhưng loại thuyền lớn nhất phải là loại thuyền "Du Đại Nương" của người Đại Đường.

    Người bấy giờ có câu: "Thủy bất tải vạn!" Ý nói thuyền bè vận tải hàng hóa không thể vượt quá một vạn thạch (đơn vị dung tích khoảng 100 lít), nhưng loại thuyền "Du Đại Nương" lại có thể chở trên vạn thạch, thuyền hoạt động rất chắc chắn bền bỉ, chống được sóng to gió lớn. Ở bến cảng trông thấy loại thuyền này cũng chưa chắc nó đã là thuyền của người Đại Đường, bởi vì rất nhiều thương nhân hàng hải ngoại quốc mua hoặc thuê nó từ người Đại Đường.

    Trên bến tàu, hàng hóa như hoa quả, rau xanh, lúa mạch, lúa mì, mía, vải vóc lụa là, đồ sứ... mới được dỡ xuống hay chuẩn bị được bốc lên chồng chất như núi.

    Một con thuyền cỡ trung vừa mới cập bến, một thương nhân buôn bán thực phẩm lớn bước ra nghênh đón, niềm nở bắt chuyện với một người Côn Luân ăn mặc kiểu nhà đò đang đứng ở đầu thuyền, hai người như bạn bè lâu ngày không gặp.

    - Ha ha, lâu quá không gặp A Cáp Nỗ Bỉ nhà ngươi, chắc ngươi không thể ngờ được trong vòng một năm Đại Đường đế quốc thay đổi tới ba vị hoàng đế, phải không?

    Viên thuyền trưởng người Côn Luân có làn da ngăm đem và người thương nhân kia nói chuyện với nhau bằng tiếng Đại Đường, loại ngôn ngữ rất phổ biến thông dụng thời đó.

    Viên thuyền trưởng nói:
    - Đúng rồi, ta nghe kể thiên hoàng bệ hạ của Đại Đường sức khỏe không được tốt, thiên hoàng băng hà, thái tử đăng cơ, nhưng tại sao thái tử vừa mới đăng cơ lại thay đổi hoàng đế mới?

    Người thương nhân đáp:
    - Phải kể lại chuyện xảy ra lúc đầu năm, thiên hoàng băng hà, thái tử đăng cơ xưng đế, thay đổi niên hiệu thừa kế ngôi vua. Nhưng vừa đăng cơ hôm trước hôm sau tân hoàng đế đã sắc phong đề bạt cha vợ của mình là Vi Huyền Trinh từ một chức tham quân nho nhỏ lên chức thứ sử Dự Châu, cái này cũng không sao, dù gì cũng là bố vợ của vua, nhưng ai nào biết vẻn vẹn chỉ một ngày sau đó, hoàng đế lại sắc phong đề bạt ông ta lên chức Thị Trung.

    Ái chà chà, nghĩ đến chuyện hoàng hậu không hài lòng với chức quan nho nhỏ của cha, đầu ấp tay gối, nỉ non tỉ tê với vua thật lợi hại quá chừng! Thị Trung chớ giỡn sao? Là đương triều tể tướng đó! Vi Huyền Trinh vốn chỉ là một tên nịnh bợ vô lại, tài đức đâu là giữ chức vị cao như vậy? Chuyện này chưa thấm tháp gì, hoàng đế còn có ý định đề bạt con trai vú em của mình làm quan ngũ phẩm, cái này thật đúng là một người đắc đạo thành tiên, gà chó cũng lên trời.

    Trung thư lệnh Bùi Viêm hết sức can ngăn rồi phản đối không chịu tuân chỉ. Hoàng đế giận tím mặt, chỉ mặt Bùi trung thư mắng: "Trẫm giao cả thiên hạ cho Vi Huyền Trinh còn được, sá gì một chức thị trung!". Bùi trung thư nghe vậy hãi quá sức, lật đật đi bẩm báo với Thiên Hậu, Thiên Hậu nghe xong cả giận liền triệu tập bá quan văn võ phế truất đương kim hoàng đế, lập Dự vương Lý Đán làm tân thiên tử.

    Hai người đang nói chuyện với nhau, một đại hán mình cao tám thước từ trong khoang thuyền bước ra. Đại hán khoảng trên dưới ba mươi tuổi, hai hàng lông mày rậm như vẩy mực, hai gò má cao, râu quai nón chạy dọc hai bên gò má xoăn lại, hàng râu hùm thật ngang tàng, nhìn rất oai phong. Y uể oải vặn eo giống như một con mãnh hổ ngái ngủ vừa tỉnh lại.

    Nhìn quang cảnh náo nhiệt trên bến tàu, đại hán mày rậm bỗng nhiên cười nói:
    - Tổ phụ đại nhân nói sai quá chừng chừng, hoàn cảnh cuộc sống ở Đại Đường thực không chê vào đâu được, đông đúc và nhộn nhịp, sầm uất phồn thịnh thiên hạ có một không hai! Mỗ muốn vào thành tham quan.

    Đại hán vừa dứt lời liền nhảy thẳng lên bờ, viên thuyền trưởng cuống quít bỏ mặc người thương nhân bước ra cản lại. Đại hán nghe y nói nhỏ vài câu, có vẻ không kiên nhẫn nói:
    - Mặc dù mỗ mới tới, quang cảnh, con người, cuộc sống ở đây cái gì cũng không rành, nhưng được cái mỗ thông thạo tiếng Đại Đường, ngươi đi lo làm công việc buôn bán của ngươi, còn mỗ, mỗ muốn đi dạo chơi đây đó mở mang kiến thức, tìm hiểu phong thổ, con người Đại Đường một phen.

    Y vỗ bội kiếm ở bên hông cất cao giọng nói:
    - Mỗ chỉ một thân một kiếm đi lại tự do thoải mái, ngươi quay lại tiếp tục trò chuyện. Mỗ đi đây.

    o0o

    A Sửu và Nữu Nữu đang đứng ăn xin cách cửa phủ đô đốc Quảng Châu không xa. Ở những chỗ như vầy rất khó xin ăn, nhưng vì để trốn tránh tên Tiểu Lang báo thù, hai đứa phải tránh đi ăn xin những chỗ mà tên Tiểu Lang có thể tìm được hai đứa.

    A Sửu một đằng đi ăn xin để sống qua ngày, đằng khác cố gắng tìm kiếm một công việc gì đó để làm, nó không muốn suốt đời làm một tên ăn mày, nó muốn tự mình tay làm hàm nhai nuôi sống bản thân. Chỉ tội cái ước mơ nhỏ nhoi đó cũng khó thực hiện, không ai dại gì đi thuê mướn một đứa nhóc mới mười tuổi đầu, lại là một tên ăn mày, hơn nữa còn cưu mang thêm một đứa em gái nhỏ.

    Cửa phủ đô đốc Quảng Châu đột nhiên mở toang, một người đàn ông trung niên trong áo bào rộng khoan thai, dáng người thẳng tắp cùng một văn sĩ trung niên mặt mày thanh tú, tác phong tiêu sái bước ra khỏi cửa, đi bên cạnh hai người có rất nhiều người hầu, hộ vệ tiền hô hậu ủng cực kỳ khoa trương.

    Người đi qua đường nhìn thấy xì xào bàn tán:
    - Mau nhìn kìa, người có bộ râu cong như móc câu kia chính là đô đốc Quảng Châu Lộ Nguyên Duệ của chúng ta! Người khách được ông ta đưa ra tới tận cửa ắt là một đại quý nhân.

    A Sửu ngước lên thấy người đàn ông trung niên kia mày rậm như kiếm, chòm râu như móc câu, cử chỉ phong thái ung dung, mang vẻ uy nghiêm có pha chút kiêu ngạo nhìn đời bằng nửa con mắt. Nó liếc nhìn sang vị văn sĩ thanh tú bên cạnh, mặt mày đột nhiên trở nên tươi tỉnh.

    Đô đốc Quảng Châu nắm trong tay sáu đạo kỳ, một đạo kỳ tượng trưng cho một đạo quân, chính là nhất phương chư hầu của triều đình, ông hoàng của đất Quảng Châu, thế mà để cho đô đốc Quảng Châu phải mặt mày hớn hở tự mình đưa tiễn ra tới tận cửa, thân phận vị khách này ắt không thể thấp hèn cho được.

    Khách là một văn sĩ trên dưới ba mươi tuổi, đầu quấn khăn, mặc áo trường bào cổ tròn tay áo may sát, eo thắt dây đeo một cây kiếm nhỏ dài khoảng trên một xích, trên vạt và tay áo bào lác đác điểm vài bông hoa mai làm tăng vẻ thanh tú tiêu sái của y, nhưng chú ý nhìn kỹ có thể nhận ra văn sĩ là nữ giả nam.

    Không cần quan sát xem cổ y có trái cấm hay không, cũng không cần ngạc nhiên vì sao cằm y lại không mọc râu, chỉ cần nhìn dung mạo, ngũ quan trên mặt: lông mày và tóc mái được chải chuốt, má thoa phấn thì có thể biết chắc y là gái giả trai.

    Con gái thời Đại Đường có tục lệ mặc quần áo đàn ông khi ra ngoài, tuy các nàng mặc quần áo khác phái, nhưng nhìn khuôn mặt và cách ăn mặc có thể nhận ra ngay.

    Đứng bên cạnh vị văn sĩ phu nhân còn có một cô gái nhỏ độ chừng sáu bảy tuổi. Phu nhân đeo bên hông một thanh kiếm nhỏ dài khoảng hơn một xích, nhưng cô bé lại đeo một thanh kiếm dài vắt chéo sau lưng, thanh trường kiếm còn muốn dài hơn cả chiều cao của cô bé, đầu vỏ kiếm gần chạm đất, còn chuôi kiếm thì cao hơn vai một khúc, cái tua màu đỏ vàng ở chuôi kiếm rủ xuống vai hắt lên khuôn mặt ngây thơ xinh xắn của cô bé.

    Hình ảnh khập khễnh kỳ lạ của hai người họ cực kỳ hấp dẫn sự chú ý của A Sửu và Nữu Nữu.

    - Đi thôi, Nữu Nữu.
    A Sửu thấy đám thị vệ tùy tùng bắt đầu xua đuổi những người xung quanh, hơn nữa thân phận lúc này của nó thuộc hạng người sẽ bị xua đuổi trước tiên, nó liền kéo Nữu Nữu bỏ đi, nhưng Nữu Nữu đột nhiên nắm chặt bàn tay nhỏ, ánh mắt nhìn chăm chăm vào cô bé đeo trường kiếm kia hưng phấn nói:
    - Anh, mau, mau nhìn kìa, trên đầu cô bé có cài cây trâm.

    - Cài trâm?
    A Sửu quay lại nhìn, lúc này mới chú ý tới búi tóc của cô bé đeo trường kiếm có cài một cây trâm hình bướm màu sắc sặc sỡ trông rất sống động.

    A Sửu lòng quặn thắt khi nhìn lại mái tóc cháy xém khô vàng rối tung như tổ quạ của Nữu Nữu. Nó theo thói quen xoa xoa đầu Nữu Nữu rồi nói thầm:
    - Ngốc ạ! Ngoan, chúng ta đi thôi.

    - Dạ
    Nữu Nữu gật đầu đồng ý đi theo anh nhưng vẫn cứ lưu luyến mãi không thôi, đi đôi ba bước lại quay đầu nhìn đứa bé gái trạc tuổi mình trên đầu có cài cái trâm hình bướm kia. Nữu Nữu có thể cũng biết bản thân không thích hợp để cài một cái trâm như thế nhưng vẫn cứ muốn ngắm nhìn. Đang định ngắm thêm một lần nữa thì đám quan sai phủ đô đốc bắt đầu xua đuổi người, cái nguyện vọng được nhìn ngắm cũng trở thành xa vời.

    A Sửu nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của Nữu Nữu, cắn cắn nhẹ môi nói:
    - Nữu Nữu, anh sẽ làm cho em một cây trâm, so với cái trâm của cô bé kia còn đẹp hơn!

    Nữu Nữu ánh mắt sáng rỡ sung sướng hói:
    - Thật không anh?

    A Sửu cười tươi rói đáp:
    - Ngốc, anh có gạt em bao giờ chưa?

    Dừng lại ở một chỗ bên đường trồng toàn chuối ba tiêu, A Sửu dặn Nữu Nữu:
    - Nữu Nữu, em đợi ở chỗ này, đừng chạy loạn nếu không tên Tiểu Lang nó bắt được, hiểu chưa?

    - Dạ, Nữu Nữu ở đây chờ anh.

    Nữu Nữu ngoan ngoãn ngồi xổm xuống dưới một gốc chuối, lỗ rách trên váy lộ ra đôi đầu gối trơn bóng. Chỉ một lát không lâu sau, A Sửu quay lại, hai tay giấu sau lưng, mặt tươi cười ra vẻ thần bí. Nữu Nữu đứng bật dậy ríu rít như chim sẻ:
    - Anh, anh làm xong cây trâm rồi à?

    A Sửu đắc ý cười nói:
    - Đó là chuyện đương nhiên, anh hứa với em có bao giờ không làm được không. Em đoán thử xem anh làm cho em cây trâm hình gì?

    - Đoán không được, anh mau lấy ra cho em xem.

    Nữu Nữu nhao nhao đòi xem, A Sửu vừa chạy trốn vừa cười to, hai đứa cười đùa ầm ĩ một hồi, Nữu Nữu cuối cùng chộp được tay A Sửu.

    - Úi cha, đẹp... con bươm bướm này đẹp quá!
    Nữu Nữu há hốc mồm ngạc nhiên, sau đó khen lấy khen để.

    A Sửu nói:
    - Anh bắt nó làm trâm cho em cài.

    Nữu Nữu thắc mắc:
    - Con bướm này còn sống làm sao làm được cây trâm?

    A Sửu mỉm cười một cách thần bí:
    - Ai nói bươm bướm sống không làm được trâm? Em tới đây.

    Nó nắm tay Nữu Nữu chạy đến một chỗ vắng rồi ngồi thụp xuống, rút một sợi chỉ từ lỗ rách trên áo rồi cẩn thận cột một đầu vào chân con bươm bướm, sau đó nói:
    - Cúi đầu xuống.

    - A!
    Nữu Nữu cúi đầu. A Sửu kéo một chùm tóc trên đầu cô bé, cột đầu kia của sợi chỉ vào đó rồi buông tay ra. Con bướm trên tóc Nữu Nữu cố hết sức bay lên.

    - Anh, có đẹp không?
    Nữu Nữu vẻ mặt mong đợi nhìn anh.

    A Sửu gật mạnh đầu:
    - Đẹp lắm! Đẹp cực kỳ! Nữu Nữu cài trâm con bướm lên tóc đẹp chẳng hề thua kém bất cứ ai!

    Nữu Nữu mỉm cười sung sướng, cô bé giằng khỏi tay anh chạy đến khe suối nhỏ bên đường soi mặt xuống nước, trên mái tóc rối bời như tổ quạ, một sợi chỉ cột dính một con bướm vào một nhúm tóc, con bướm ra sức đập cánh kéo thẳng nhúm tóc lên.

    Nữu Nữu nhìn bóng mình trong nước, hé nở nụ cười trên môi. Đây có phải là một cô bé xấu xí, khuôn mặt nhỏ nhắn vô cùng bẩn thỉu, miệng sún mất mấy cái răng...

    A Sửu nhìn cái bóng phản chiếu trong nước, một khuôn mặt tươi rói hạnh phúc, âu yếm vuốt vuốt đầu Nữu Nữu...

    - Ọt, ọt...
    Sau một hồi vui vẻ qua đi, bụng lại đói như trước, Nữu Nữu hai tay che cây trâm bươm bướm của mình như bảo bối, quay sang A Sửu nói:
    - Anh, em đói bụng...

    A Sửu đứng lên nhìn quanh quất khắp nơi:
    - Nữu Nữu, em ở chỗ này chờ anh, anh đi kiếm chút gì bỏ bụng.

    A Sửu đi qua cây cầu nhỏ, băng qua vườn chuối ba tiêu đến một cái sân, bầu không khí ở chỗ này thanh nhã yên tĩnh hơn hẳn so với vẻ náo nhiệt xô bồ của phố xá ngoài kia. Hai hàng rào giậu bao quanh cái sân nhỏ và tiệm rượu, trong sân dựng một cây "cờ vọng" (cờ hiệu cửa hàng)

    Cao chót vót trên cọc gỗ treo một cái môi múc rượu lớn, phía dưới có buộc cái tua bằng vải xanh dài. Cây cọc gỗ phơi nắng dầm sương nhiều năm, sơn tróc ra từng mảng, mặt vân của gỗ nứt lộ ra cái già cỗi của mình, cái "nét mặt già cỗi" này như muốn khoe sự tồn tại lâu đời của căn tửu điếm.

    Gió hiu hiu thổi, cái môi múc rượu lẳng lặng nằm yên trên đỉnh cột, chỉ có cái tua vải màu xanh phía dưới lười lẫm phất qua phất lại vài cái.

    Cậu bé với cái bụng đói thất thểu đi đến, tướng đi so với cái cờ hiệu bằng vải màu xanh kia còn muốn uể oải hơn. Nó cố sốc lại tinh thần, lấy cánh tay áo hết sức lau chùi khuôn mặt, vuốt vuốt lại mái tóc, cố gắng chuẩn bị bản thân nhìn sao cho gọn gàng sạch sẽ, xong đâu đó nó mới bước vào căn tửu điếm.



    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile




    Phòng ném đá

    Phòng chém gió
    Lần sửa cuối bởi Ooppss, ngày 02-02-2013 lúc 03:14.



    Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân!

    Hidden Content

    Hidden Content

    ---QC---


  10. Bài viết được 28 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    vietstars,zenusa,
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status