TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Thiên Long Bát Bộ - một áng kỳ văn của Kim Dung

  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Quỷ cốc
    Bài viết
    1,154
    Xu
    1,620

    Mặc định Thiên Long Bát Bộ - một áng kỳ văn của Kim Dung

    Thiên Long Bát Bộ là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Kim Dung.

    Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa nhiều nhân vật đến từ nhiều nơi khác nhau, trong đó ba nhân vật chính là: Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc. Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến mối quan hệ nhân - quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước. Câu truyện xảy ra vào thời Bắc Tống và còn bao gồm các cuộc chiến tranh giữa nhà Tống, Đại Lý, Đại Liêu, Thổ PhồnTây Hạ.

    Các nhân vật chính:
    • Kiều Phong - sau này được gọi là Tiêu Phong. Giới giang hồ còn gọi là "Bắc Kiều Phong". Kiều Phong là một người có võ công rất cao cường và đã từng là bang chủ Cái Bang.
    • Đoàn Dự - hoàng tử Đại Lý, anh em kết nghĩa của Tiêu Phong và Hư Trúc.
    • Hư Trúc - đầu tiên là một hòa thượng chùa Thiếu Lâm có lòng thương người nhưng về sau cũng đạt được nhiều trình độ cao và trở thành chưởng môn của phái Tiêu Dao.
    • Vương Ngữ Yên - một cô nương xinh đẹp. Đầu tiên nàng chỉ yêu Mộ Dung Phục nhưng rồi trở thành vợ Đoàn Dự vì Mộ Dung Phục chỉ lo nghĩ đến phục hồi Đại Yên.
    • A Châu - người mà Kiều Phong yêu quý nhưng để cứu cha nên nàng đã giả trang thành cha mình và đã không may bị Kiều Phong lỡ tay đánh chết.
    • A Tử - em ruột của A Châu nhưng tính tình khác hẳn nên đã gây nhiều phiền phức cho Kiều Phong.
    • Mộ Dung Phục - hay còn được gọi là "Nam Mộ Dung". Hắn là dòng dõi người Tiên Ti, người kế tiếp ngôi vị của triều đại Hậu Yên đã bị sụp đổ. Hắn tìm mọi cách để khôi phục triều đại của mình. Cuối cùng hắn trở nên điên mà luôn mơ tưởng là mình là hoàng đế.
    • Du Thản Chi - hay còn được gọi là "Thiết Sửu" - cha hắn đã bị Kiều Phong đánh chết trong một lần đại hội võ lâm. Hắn yêu A Tử và luôn phục tùng nàng. Hắn đã đeo mặt nạ để làm vui nàng, cho nàng đôi mắt. Nhưng những điều hắn làm đã không được đền đáp.
    • Cưu Ma Trí - một hòa thượng nước Thổ Phồn, bằng hữu của Mộ Dung Bác. Hắn lúc nào cũng muốn được học các bí kíp võ công cao siêu. Hắn được Mộ Dung Bác, sau khi đã lén lấy đi và học các bí kíp trong chùa Thiếu Lâm, truyền lại cho hắn. Cuối truyện hắn bị tẩu hỏa nhập ma vì chỉ học phần ác mà không học phần thiện của các môn võ công đó. Hắn đã may mắn khi Đoàn Dự hút hết nội công.
    • Đinh Xuân Thu - một đồ đệ phản bội của Tiêu Dao phái. Hắn rất giỏi dùng độc dược và đã vô tình làm mù A Tử khi đánh nhau với Mộ Dung Phục.
    • Mộ Dung Bác - cha của Mộ Dung Phục, người đã giả chết để trốn vào chùa Thiếu Lâm lén học các bí kíp võ công. Chỉ có nhà họ Đoàn và nhà sư quét rác biết hắn vẫn còn sống.
    Để đọc kiệt tác này các bạn có thể tham khảo những link sau:

    - Bản dịch mới trên Vnthuquan
    - Bản dịch cũ trên Vnthuquan

    - Bản pdf của VDCmedia

    Trong các bài sau, mình sẽ thêm thông tin cũng như bình luận của các nhà phê bình về Thiên Long Bát Bộ, mời các bạn đọc cũng như tham gia đóng góp cho topic này.
    Lần sửa cuối bởi quangnm, ngày 16-11-2007 lúc 20:43.
    ---QC---


  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Quỷ cốc
    Bài viết
    1,154
    Xu
    1,620

    Mặc định Kiều Phong - khát vọng của tự do

    Bài viết sau trích từ tuyển tập "Kim Dung giữa đời tôi" của nhà văn Vũ Đức Sao Biển, nói về người anh hùng Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ. Bài viết thể hiện sự đồng cảm của nhà văn với bi kịch cuộc đời của Kiều Phong, vốn là người Liêu song lại được người Hán nuôi dưỡng, mong muốn hòa bình nhưng lại một mình vướng giữa trong cuộc chiến tranh giữa Đại Liêu và nhà Tống. Cụ thể bi kịch anh hùng đó ra sao, xin mời bạn theo dõi bài viết:


    VŨ ĐỨC SAO BIỂN
    KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
    Kiều Phong - Khát vọng của tự do

    Trong 12 bộ võ hiệp tiểu thuyết của Kim Dung, tôi yêu nhất bộ Thiên Long bát bộ. Trong những nhân vật của Thiên Long bát bộ, tôi yêu nhất nhân vật Tiêu Phong (tức Kiều Phong), người anh hùng Khất Đan. Và trong cả chục ngàn nhân vật do Kim Dung dựng lên, tôi chọn Kiều Phong như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng.
    Văn chương tiểu thuyết không phải là văn chương báo chí. Một tác phẩm tiểu thuyết ra đời là nhằm gởi đến người đọc một thông điệp. Các thông điệp ấy đôi khi ẩn tàng đâu đó trong tác phẩm đến nỗi một người đọc với thái độ lơ là của khách qua đường không thể nhận ra nó. "Ý tại ngôn ngoại" luôn luôn là một thực tế trong sáng tạo văn học. Tôi yêu tác phẩm Kim Dung vì yếu tố "ý tại ngôn ngoại" phong phú. Tất cả tư duy của những nhân vật lớn trong tác phẩm Kim Dung đều tập trung vào 3 định đề: cuộc sống, tình yêu và cái chết. Kiều Phong là một nhân vật lớn như vậy.
    Tác giả Kim Dung không vội vàng đẩy Kiều Phong ra đầu truyện. Không. Trong 13 chương đầu của Thiên Long bát bộ, ta chỉ gặp hình ảnh của một anh nho sinh trẻ Đoàn Dự, vương tử nước Đại Lý, một tay dại gái si tình bị bắt cóc đưa từ Đại Lý xuống Giang Nam. Phải đợi đến khi theo gót chân du tử của Đoàn Dự, ta mới bắt gặp một "Hán tử thô hào, mặt vuông tai lớn", tuổi trạc 30, đôi mắt sắc như dao, ngồi uống rượu chịu trên tửu lâu bên thành Vô Tích. Thoáng nhìn nhân vật đó, Đoàn Dự đã nhận định: "Hán tử này nhất định là tráng sĩ của đất Yên, Triệu. Miệt Giang Nam quyết không thể có được nhân vật như thế này". Nhận định ban đầu của nho sinh trẻ thật chuẩn xác. Con người thô hào ấy chính là Kiều Phong, bang chúa Cái bang.
    Kiều Phong đang độ tuổi 30, cái tuổi phát triển rực rỡ nhất của đời người; lại làm Bang chúa cái bang, một bang hội lớn nhất võ lâm Trung Quốc. Với cương vị đó, gã hán tử mặt vuông tai lớn phải hành động rất cẩn trọng, rất chín chắn vì một quyết định, nhận định vội vàng của ông sẽ dẫn đến sai lầm, liên hệ đến mối nguy vong của hàng triệu hào khách võ lâm Trung Nguyên. Ngay đến khi ra đòn đánh nhau với kẻ địch, Kiều Phong cũng tính toán sao cho chỉ đánh một đòn mà khống chế được ngay đối thủ. Phía trong con người thô hào ấy ẩn tàng một bộ óc thông minh và những tính toán chuẩn xác.
    Người anh hùng Kiều Phong luôn luôn tự hào mình thuộc dòng dõi Hán tộc. Làm bang chúa Cái bang, ông chỉ có một mơ ước: tiêu diệt quan xâm lăng Khất Đan mà ông thường gọi bằng cái tên khinh bỉ "bọn Liêu cẩu", chống lại quân Tây Hạ, giữ gìn hào bình cho người Hán, bảo vệ sự trọn vẹn của võ lâm Trung Hoa. Và chính niềm mơ ước đó đã trở thành bi kịch trong đời Kiều Phong.
    Một nhóm đệ tử Cái bang, dưới sự chỉ huy của Thập phương tú tài Toàn Quan Thanh và Ôn thị, vợ của phó bang chúa Mã Đại Nguyên (đã chết), nổi lên chống lại Kiều Phong. Toàn Quan Thanh chống Kiều Phong chỉ để leo lên cái ghế quyền lực. Ôn thị lại chống Kiều Phong chỉ để trả thù. Vốn mụ là phụ nữ lẳng lơ, lại bị chứng bạo dâm. Mụ đã có chồng nhưng vẫn quan hệ tình dục với Đoàn Chính Thuần, em ruột vua Đại Lý rồi với Bạch Thế Kính, Chấp pháp trưởng lão Cái bang. Trong một lần đi dự Bách hoa đại hội, ai cũng dòm ngó đến tấm nhan sắc tương đẹp của Ôn thị. Duy chỉ có Kiều Phong nghĩ rằng Ôn thị là vợ của thuộc hạ mình, phải giữ lễ nghi. Ông chỉ ngó sơ Ôn thị một cái rồi thôi. Thái độ hững hờ đó làm cho Ôn thị nổi giận và thề sẽ trả thù. Mụ mượn tay tình nhân Bạch Thế Kính xuống tay giết chồng mình, vu cáo Kiều Phong giết Mã Đại Nguyên vì Mã Đại Nguyên biết rõ Kiều Phong không thuộc Hán tộc mà chính là người Khất Đan.
    Sự thật, Kiều Phong đúng là người Khất Đan, nhưng câu chuyện ấy đã trôi qua 30 năm, chẳng ai muốn nhắc đến nữa, bởi Kiều Phong đã được Hán hoá từ thể chất đến tinh thần. Ban đầu thì Kiều Phong cho rằng đó chỉ là lời vu cáo thiếu bằng chứng. Nhưng khi nhân chứng chính, nhà sư Trí Quan, xuất hiện và xác nhận, ông đành phải rời bỏ chức vụ Bang chúa Cái bang ra đi và cảm thấy nhục nhã vì mình mang dòng máu Khất Đan.
    Cuộc sống đưa đẩy khiến ông làm quen và kết bạn với A Châu, một cô gái Hán nhân dịu dàng. A Châu trở thành tình yêu, lẽ sống, người bạn tri âm của Kiều Phong. Khi ra Nhạn Môn Quan xác định lại lai lịch của mình, Kiều Phong mới biết được mình vốn họ Tiêu – Tiêu Phong, rằng mình đã từng chống lại tổ tiên, dân tộc mình. Tuy nhiên, cái mặc cảm dòng máu Khất Đan thấp hèn và gian ác chưa phai trong con người ông. A Châu đã khuyên ông: "Làm người Khất Đan thì có gì là xấu xa? Làm người Hán thì có gì là cao quý? Người Khất Đan hay người Hán thì vẫn có kẻ tốt, người xấu, đại gia buồn phiền làm chi". Chính lời nói đó đã giúp Tiêu Phong nhận ra quan điểm dân tộc hẹp hòi của mình bấy lâu nay. Và sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Tiêu Phong chính là sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Kim Dung.
    Như ta biết, người Trung Hoa xưa vốn coi các dân tộc khác là bốn rợ (tứ di). Cái nhìn của họ đối với các dân tộc Mông, Tạng, Hồi, Khất Đan, Tây Hạ... rất khinh bỉ. Ngay chính trong Liên thành quyết, Kim Dung cũng không giấu được cái nhìn khinh bỉ đó. Chỉ đến Thiên Long bát bộ, ông mới xác nhận rằng người Khất Đan, Nữ Chân, Tây Hạ là những giống loài bình đẳng như bao giống loài khác.
    Khát vọng tự do của Kiều Phong thể hiện rất rõ khi ông bàn với A Châu rằng làm xong vài việc ở Trung Quốc, ông sẽ đưa nàng về Nhạn Môn Quan săn chồn đuổi thỏ, sống đời ung dung khoái hoạt. Thế nhưng, một bi kịch khác xảy ra với đời ông làm tiêu tan khát vọng ấy: ông lỡ xuống tay đánh chết A Châu, đánh chết tình yêu và nguồn sống của chính mình.
    A Châu có một cô em cực kỳ gian ngoan ác độc là A Tử, đệ tử Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu. Trước khi nhắm mắt, A Châu đã nhờ ông chăm sóc, bảo vệ cho A Tử. Thế là từ đó bên cạnh một Tiêu Phong thẳng thắn, anh hùng lại có thêm một A Tử lưu manh, giảo hoạt; cả hai đi kèm nhau như bóng với hình. Cuộc đời thật lắm nỗi hoạt kê!
    Đúng là Kiều Phong đã đưa A Tử về bên kia Nhạn Môn Quan săn chồn đuổi thỏ và chữa bệnh cho cô. Ông kết bạn với Hoàn Nhan A Cốt Đả (sau này trở thành Hoàng đế Đại Kim), trở thành người bạn của bộ lạc người Nữ Chân. Nhờ vào một sự tình cờ, ông cứu được Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Đại Liêu. Hồng Cơ thật sự hạnh phúc khi khám phá được con người Khất Đan anh hùng lẫm liệt như Tiêu Phong. Ông nhận Tiêu Phong làm em kết nghĩa và phong cho Tiêu Phong làm Nam viện đại vương, cai quản toàn bộ binh lực Đại Liêu. Thế là từ một Hán tử thô hào, một tên Liêu cẩu man rợ, Tiêu Phong thoắt trở thành nguyên soái, nắm trong tay sức mạnh quân sự của một vương quốc khả dĩ đối địch với triều Tống.
    Hơn ai hết, A Tử là người đầu tiên khuyên Tiêu Phong đưa quân qua Nhạn Môn Quan, làm cỏ hết bọn Cái bang cùng bọn quần hào Trung Quốc. Tiêu Phong đã cảnh cáo A Tử về ý nghĩ tàn bạo đó. Ông vẫn nhớ ơn người Trung Quốc, nơi ông đã lớn lên, được học hành, trở thành con người. Và ông chủ trương không gây hấn với Trung Quốc, sống hoà bình cho trăm họ an cư lạc nghiệp. Ông nghiêm cấm thuộc hạ không được cướp bóc tài vật, bắt người từ đất Trung Quốc đưa về.
    Nhưng Gia Luật Hồng Cơ thì không nghĩ vậy. Gia Luật Hồng Cơ tin rằng binh lực nước Liêu đủ sức vượt qua Nhạn Môn Quan, đánh vào Lạc Dương để bắt sống tên hôn quân Triệu Hú (Tống Triết Tông). Với ý nghĩ đó, Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh cho Tiêu Phong tiến đánh Trung Quốc.
    Nhận lệnh hành quân, Tiêu Phong quyết đoán thật nhanh: không thể lấy nỗi đau của hai nước Tống – Liêu, không thể lấy sinh mạng của hàng triệu quân sĩ để làm nấc thang hạnh phúc cho mình và thỏa mãn khát vọng trả thù của Gia Luật Hồng Cơ. Vả chăng, ông là người khát vọng tự do, không hề thiết tha tới quyền lực. Cách từ chối hay nhất là của Kiều Phong là treo ấn trả lại cho Đại Liêu hoàng đế và cùng A Tử trốn đi. Mưu kế ấy bị Hồng Cơ khám phá được và gài bẫy để bắt giam giữ Tiêu Phong.
    Nguồn tin Tiêu Phong bị bắt giữ vì chống lệnh hành quân, mưu cầu hoà bình cho trăm họ khiến quần hùng Trung Quốc nhận ra được bản chất thật thà, trung hậu, tốt đẹp của Tiêu Phong. Họ huy động lực lượng Cái bang, cung Linh Thứu và nước Đại Lý vượt qua Nhạn Môn Quan để giải thoát cho Tiêu Phong. Họ đưa ông về đến Nhạn Môn Quan thì cửa thành không mở vì truy binh Khất Đan đã áp sát chân thành. Hư Trúc và Đoàn Dự bắt sống Gia Luật Hồng Cơ trước trận và buộc Hồng Cơ chuộc mạng bằng một lời hứa vĩnh viễn không bao giờ đưa quân Liêu xâm lăng Trung Quốc. Hồng Cơ đã long trọng hứa lời hứa danh dự và nhận được lời hứa đó, Kiều Phong coi là một hạnh phúc. Ông sử dụng quyền tự do cuối cùng của mình: tự tử trước Nhạn Môn Quan để tạ tội với Gia Luật Hồng Cơ.
    Bầu trời bao la, đất đai vạn dặm nhưng Tiêu Phong không tìm ra được chỗ để quay về. Về với Trung Quốc ư? Ông chỉ là một tên chó Liêu mọi rợ. Về với Liêu Quốc ư? Ông chỉ là bề tôi bất trung, đã chống lệnh vua lại làm cho nhà vua mất mặt trước ba quân. Về mặt tinh thần, A Châu chết rồi, tâm hồn ông không còn nơi nương tựa nữa. Đoàn Dự có thể yêu một lúc năm, sáu người thiếu nữ nhưng Kiều Phong chỉ yêu có mỗi một A Châu. Còn quyền lực, chức vụ, danh vọng không phải là nơi nương tựa. Kiều Phong đi tìm tự do. Ông đành chọn giải pháp cuối cùng - tự tử - để hoàn thành khát vọng tự do của chính mình. Ở chừng mực nào đó, cái chết của Kiều Phong là biểu hiện chủ nghĩa hư vô cực đoan nhưng nếu ta đi cùng với ông trong suốt Thiên Long bát bộ của Kim Dung thì ta mới thấy được giải pháp đó là con đường tất yếu.
    A Tử đui mù đã giành bồng lấy Kiều Phong và cùng với ông rớt xuống vực sâu muôn trượng. Mấy mươi năm trước, cha ông đã bồng mẹ ông nhảy xuống nơi ấy. Mấy mươi năm sau, một cô bé gọi ông là tỷ phu (anh rể) bồng ông nhảy xuống. Sự trùng hợp của lịch sử sao mà bi thương đến vậy!
    Tiêu Phong tức Kiều Phong là một nhân vật sống nhất trong những nhân vật sống, là một nhân vật có vấn đề nhất trong những nhân vật có vấn đề của Kim Dung. Có thể nói Kim Dung rất thành công khi xây dựng nhân vật Tiêu Phong - người anh hùng Khất Đan trong sáng, tiêu biểu cho những cái đẹp của con người. Và rõ ràng, Kim Dung nói với chúng ta rằng cái đẹp nhất khó có thể tồn tại giữa đời lăng xăng bát nháo này. Cái đẹp nhất phải chết. Chỉ còn lại trên đời cái tầm thường vớ vẩn, những loài cỏ đuôi chó, những điều không đẹp mấy.
    Hoặc giả, giải quyết cho cái đẹp nhất chết đi cũng là một cách hướng con người luôn nuôi khát vọng đi tìm cái đẹp?

  3. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Quỷ cốc
    Bài viết
    1,154
    Xu
    1,620

    Mặc định A Châu: nước mắt oan cừu

    Nói đến Kiều Phong mà không nhắc đến A Châu thì quả thật chưa trọn vẹn một trong hai mối tình chính nhất trong Thiên Long Bát Bộ. Nếu bạn đã đọc qua hẳn không thể quên hình ảnh nàng A Châu tình nguyện chết bởi chính tay người yêu, người anh hùng Kiều Phong. Nàng đã ra đi nhưng bóng hình vẫn hiện lên trong tâm trí Kiều Phong cho đến tận lúc cuối truyện khi chàng tự tử và rơi xuống hang sâu bên bờ vực Nhạn môn quan, kết thúc bi kịch bắt nguồn hơn 30 năm về trước.

    A Châu : nước mắt oan cừu!
    Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến

    Một người bảo tôi : nói về Tiêu Phong mà chỉ nói dăm ba trang thì chẳng nói được gì. Vấn đề thân phận con người, vấn đề thị phi thiện ác, vấn đề nghiệt oan của định mệnh, vấn đề quốc gia… chung quanh nhân vật kiêu dũng đó, dẫu có viết đến vài trăm trang cũng chưa đủ. Tôi bảo “Phải”. Nhưng có những điều, lắm khi viết một ngàn trang vẫn thiếu, mà một chữ lại thừa ! Muốn tả trăng thì phải tả mây. Đó là cách mượn mây để mà nẩy trăng của Kim Thánh Thán. Nên muốn nói đến Tiêu Phong thì phải gợi lại hình ảnh A Châu.

    Những nhân vật nữ là người yêu của các nhân vật chính trong tác phẩm Kim Dung, dẫu chính hay tà, luôn có thân phận cao sang. Đó là Nhậm Doanh Doanh – Thánh cô của ma giáo, là Triệu Mẫn - quận chúa Mông Cổ, là Hoàng Dung – con gái của Đào Hoa đảo chủ, là Nhạc Linh San - ái nữ của chưởng môn Hoa Sơn, là Mộng Cô – công chúa Tây Hạ, là Vương Ngữ Yên - kiều nữ Mạn Đà sơn trang. Chỉ riêng A Châu - người con gái dìu dắt sinh mệnh và cuộc đời của một nhân vật kiêu dũng và anh hùng là Tiêu Phong - lại là một tỳ nữ mang thân phận thấp hèn : là đứa con rơi của một hoàng thân Đại Lý, nên trở thành một cô gái mồ côi lênh đênh lưu lạc, cha mẹ phiêu tán, phải nương náu nơi nhà Mộ Dung với tư cách người hầu. Mà trong số các nhân vật chính của Kim Dung, Tiêu Phong lại trội vượt hơn hẳn về phong độ kiêu hùng, cho nên khi Kim Dung để A Châu dìu dắt sinh mệnh của Tiêu Phong, thì ta càng hiểu rằng cái phẩm chất ẩn tàng nơi A Châu là cực kỳ cao quý.

    Khách anh hùng xông pha giữa điệp trùng gươm giáo, sẵn sàng coi cái chết như một cõi đi về, nhưng một khi đối diện với những “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe" lại thường nhận chân ra nỗi hoang lương thê thiết, và cái vô nghĩa của cuộc đời. Và họ cần đến những nữ lang để tìm chút hơi ấm của đời thường, một khi phải đối diện với cõi trống rỗng hư vô. Ngay cả với Tiêu Phong – là một nhân vật gần như sống trong tự do tuyệt đối (xin hiểu chữ tuyệt đối theo nghĩa tương đối của trần gian !). Rượu và võ công đã chắp cho ông đôi cánh chim bằng để bay bổng tuyệt vời trong khoảng trời bao la tự tại, lướt trên những lợi danh tủn mủn giữa võ lâm. Thử hỏi chức vị Bang chủ Cái bang nào có nghĩa gì ? Nếu ông có quyến luyến đi nữa, thì cũng chỉ vì sự an nguy của đệ huynh trong bang hội mà thôi. Ta có cảm tưởng người anh hùng ấy thong dong đến giữa cõi đời, rồi sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng không vướng bận. Không như Lệnh Hồ Xung luôn khoái hoạt bỡn cợt, Tiêu Phong lại lẫm lẫm một khí độ kiêu hùng. Con người ấy đến với đời như ngọn lửa bùng cháy, để rồi sẽ ra đi như một tia chớp, lưu lại giữa trần gian một hình bóng uy nghi. Nhưng rồi chính A Châu, hay đúng hơn, chính cái chết của A Châu là sợi dây nối Tiêu Phong vào cõi trần gian đầy hệ luỵ. Cái giây phút cực cùng bi đát của TLBB là lúc A Châu, như một con thiên nga trúng đạn, gục ngã dưới phát chưởng oan nghiệt của Tiêu Phong. Đường bay tới một khoảng trời xanh không còn tranh chấp hận thù, không còn ân oán thị phi, khoảng trờI chỉ có đàn cừu chạy trên thảo nguyên trong tiếng sáo mục đồng dìu dặt, đường bay tưởng chừng như vô cùng bình dị đó đã vĩnh viễn khép lại với con chim thiên nga thông minh và hiền dịu A Châu. Nàng đã ngã xuống giữa những giọt nước mắt oan cừu, phủ thêm bi thương lên cõi thế.


    Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo
    Em ra đi đời ôm mặt khóc oà
    (Chiêm bao – Bùi Giáng)


    Em đã ra đi vĩnh viễn. A Châu của Kim Dung đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Tiêu Phong. Như Desdemona của Shakespeare đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Othello. Một kẻ vô tình, một người cố ý. Tất cả thảm hoạ đó đều phát sinh từ ngộ nhận. Othello ngộ nhận bởi gã Iago cực kỳ nham hiểm, Tiêu Phong ngộ nhận bởi người đàn bà ghen tuông Mã phu nhân

    Kiếp người đã quá đỗi nặng nề rồi, thế sao đời cứ đem bi kịch chất chồng lên thêm nữa ? Phải chăng để nhắc nhở con người nhìn lại chân tướng của trần gian ? Ta bước vào đời với trái tim nặng trĩu ước mơ, để rồi ra đi với một tâm hồn hoang phế. Tất cả đều bấp bênh phù động, cõi vô thường tìm đâu được chốn bình yên. Thoạt nhìn trần gian đầy những cảnh “Long lanh đáy nước in trời, Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng", để rồi ngày trùng phùng chỉ đối diện với "Bước vào chốn cũ lầu thơ, Tro than một đống nắng mưa bốn tường". Cả cõi đời đều ôm mặt khóc oà. Tiêu Phong đã khóc, chúng ta đã khóc. Và còn bao nhiêu người sẽ khóc nữa, trước những bi kịch trớ trêu của ngộ nhận giữa dâu bể cuộc đời ? Mộng hồn nàng có về vương vấn nơi Nhạn môn quan ?.


    Còn không một bận quay về,
    Nhạn môn quan khóc thăng thề vàng gieo ?


    Còn đâu nữa những đàn cừu tung tăng trên thảo nguyên mênh mông nơi quan ngoại ? Còn đâu nữa lời hẹn thề quay lại Nhạn môn quan ?

    Ta muốn ngậm ngùi thốt lên những lời thiết tha cùng nhà thơ Bùi Giáng : "Và nước dưới cầu chảy mãi ? Để huê trôi, rêu nhạt, đá mòn. Thế là người có thể gục đầu xuống khóc, và tự hỏi : ở phương trời nào xa vắng, có bến bờ nào vĩnh viễn hay không ?". Đó là những lời Bùi Giáng viết về cõi đời dâu bể, mà sao nghe như những lời nức nở của A Châu. Trong cái đêm oan nghiệt đó, dưới lốt hoá trang Đoàn Chính Thuần, nàng đến gặp gỡ Tiêu Phong, có nghĩa là chịu im lặng để tìm cái chết. Vì chữ hiếu, nàng chấp nhận tìm cái chết dưới tay người yêu dấu, giữa lúc mộng đời đang xanh thắm, và cuộc tình đang chất ngất nồng say. Tôi hình dung đêm hôm ấy, có lẽ nàng khóc nhiều ghê lắm. Vì hân hoan lẫn vì cay đắng. Nơi phương trời xa vắng, liệu có bến bờ nào vĩnh viễn hay không ? Ta không biết. Không thể nào biết được. Người bước vào đời hân hoan dệt mộng, muốn tìm cho mình một chút bình yên, còn cuộc đời luôn tìm cách phá tan những ước mơ nhỏ nhoi nhất của con người. Nên xin người cứ nhủ lòng rằng chữ tương phùng đành hẹn lại kiếp sau, và trong cõi chết xin được nối kết những mộng đầu dang dở. Điều đó tưởng chừng như hão huyền, không hiện thực, nhưng chỉ có thế con người mới tìm được chút an ủi cho hồn mình, giữa tan nát thương đau. A Châu đã ngã xuống, nhưng ta tin rằng tâm hồn nàng hân hoan lắm. Ngộ nhận giữa Tiêu Phong và Đoàn Chính Thuần chỉ được cởi mở cùng cái xác lạnh giá của A Châu !


    Linh hồn thục nữ bao dung
    Nhạn môn quan hẹn mộng trùng lai xưa
    Lệ thương biết mấy cho vừa


    Lý Hạ khóc Tô tiểu tiểu, Tố Như cùng Chu Mạnh Trinh cùng khóc Thuý Kiều, Shakespeare khóc Desdemona, chúng ta cùng khóc A Châu. Thời đạI khác nhau, nhưng giọt lệ đau thương dường như chỉ là một. Nước mắt bọn tài tử kim cổ đông tây có an ủi được chút nào không những nữ lang bạc mệnh ? Như chàng sinh viên Raskolnikov, trong kiệt tác "Tội ác và trừng phạt" của Dostoievski trân trọng quỳ trước Sonia - một cô gái giang hồ mang trái tim Bồ Tát, chúng ta cũng xin nghiêng mình trước họ, như nghiêng mình trước những khổ luỵ thiên thu, những lênh đênh vạn đại của con người. Bao oan nghiệt đoạn trường của nhân loại như chung đúc vào những nữ lang bạc mệnh, để ngàn năm đau mãi tiếng tân thanh.

    A Châu đã chết, nhưng nàng còn sống mãi trong tâm hồn Tiêu Phong, trong những chén rượu nồng "Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ” (Quang Dũng). Chính điều đó đã đẩy Tiêu Phong đối diện với nỗi cô liêu cùng cực, khiến người đọc thấy ngậm ngùi khôn xiết. Những lời trăn trốI trong nước mắt của A Châu như sợi dây trói ông vào cõi thế, mà ông luôn muốn tìm cách cắt bỏ đi. Nếu như 600 quyền kinh Đại Phẩm Bát Nhã chỉ là những lời chú giải cho một chữ Không trong tư tưởng Phật giáo đại thừa, thì mũi tên tự đâm vào ngực Tiêu Phong nơi quan ải cũng chỉ là một lời "chú giải" cho những giọt nước mắt của A Châu.
    Lần sửa cuối bởi quangnm, ngày 14-11-2007 lúc 01:50.

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Quỷ cốc
    Bài viết
    1,154
    Xu
    1,620

    Mặc định Đoàn Dự: kẻ phụng hiến trong tình yêu!

    Bên cạnh Kiều Phong-A Châu, Thiên Long Bát Bộ còn khắc họa một mối tình đẹp khác mang tên Đoàn Dự-Vương Ngữ Yên. Thế gian có được kẻ si tình như Đoàn thiếu gia quả là hiếm lắm thay, vậy mà có cô nương từ chối được "lưới tình" đó, quả cũng không kém phần đặc biệt. Bài viết sau của Huỳnh Ngọc Chiến tiên sinh sẽ giúp bạn đọc phân tích về tính cách của Đoàn Dự trong tình yêu:

    Đoàn Dự: kẻ phụng hiến trong tình yêu!

    Tục ngữ bảo: “ Con gái đôi tai, con trai đôi mắt”, nghĩa là trong tình yêu, phái nữ thường vì đôi tai mà trái tim bị chinh phục, còn phái nam thường do đôi mắt mà thần hồn bị đảo điên. Cho nên có người nói rằng: người đàn bà suốt đời chỉ khao khát nghe được câu " Anh yêu em " từ người đàn ông mà họ thương yêu, còn người đàn ông thì ngược lại, suốt đời họ cứ trăn trở mãi với câu hỏi " Ta yêu ai?". Nếu ta đem câu hỏi này để chất vấn Kim Dung, ắt hẵn ông, với nụ cười hóm hỉnh, sẽ đưa ra hình ảnh đáng yêu của vị vương tử đa tình nước Đại Lý: Đoàn Dự!

    Những nhân vật chính diện trong tác phẩm Kim Dung, cũng như trong các tác phẩm võ hiệp khác, thường là đối tượng thương yêu của nhiều trái tim kiều nữ, như Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ.... Nhưng trong tình yêu của Đoàn Dự vẫn có chỗ khác biệt: đó là sự đắm say trong tất cả mối tình với những người con gái kiều diễm trên đời, mà chàng ta yêu ngay từ lần đầu gặp gỡ. Từ Chung Linh, rồi pho thạch tượng cho đến Mộc Uyển Thanh... Chỉ đến khi gặp được Vương Ngữ Yên thì tất cả hình ảnh giai nhân trên thế gian này mới thực sự bị xoá nhoà đi như không còn nữa.Tự tòng nhất kiến khanh khanh hậu.Trần thế giai nhân tổng thị vô. (Kể từ một lần gặp được khanh khanh, thì tất cả giai nhân trên đời này coi như không còn nữa).

    Vị vương tử đa tình họ Đoàn đi đến đâu đều đắm say tình yêu đến đó, như một thỏi sắt cứ mãi mãi bị hút bởi từ lực của giai nhân. Chàng ta chỉ tôn thờ nhan sắc, chẳng thèm quan hoài chi đến võ công hay quyền lực. Được cầm cương ngựa cho giai nhân là nỗi khát khao suốt đời của chàng ta. Mà hồng nhan thì có khắp trong thiên hạ, cho nên tình yêu của chàng ta cũng bén rễ khắp chốn khắp nơi. Đối với
    chàng ta thì chỉ có tình yêu là tất cả, như một Xuân Diệu thời trai trẻ " Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì". Nhưng trong tình yêu của Xuân Diệu " Yêu là chết trong lòng một ít" vẫn ngầm chứa nỗi khát khao được yêu lại, mà không đạt được nên đâm ra khổ đau và chết một ít trong lòng. Còn Đoàn Dự thì hơn thế, chàng ta tìm đến với người đẹp dường như chỉ để chiêm ngưỡng tình yêu dưới quan điểm mỹ học thuần nhiên. Yêu chỉ để mà yêu, yêu chỉ để thoả mãn nỗi khát khao tôn thờ vẻ đẹp, yêu như một sự bột phát tuôn trào của những cảm xúc tự nhiên là muốn được phụng sự cho khách má hồng. Nhất là trong tình yêu chàng ta dành cho Vương Ngữ Yên. Suốt đời cứ mê mẫn lẽo đẽo theo nàng ta rong ruỗi khắp giang hồ, như một kẻ tuỳ tòng hờ, chỉ ước mong nàng hạ tứ ban cho một nụ cuời, một ánh mắt nhìn là mãn nguyện. Cái thiết tha say đắm đã được đẩy tới chỗ tận cùng "Ta đâu biết cõi vô tình vô tận, nhưng tình ta ta biết tận vô biên- Thơ Hồ Văn Thắng). Chàng công tử đa tình ấy như muốn tìm một chốn an tâm lập mệnh trong chút hương thừa của quốc sắc thiên hương! Vương Sóc, một nhà văn Trung Quốc chuyên bài xích Kim Dung, đã phê phán rằng nhân vật Đoàn Dự chỉ là hình ảnh lặp lại của anh chàng công tử ẻo lả đa tình Giả Bảo Ngọc trong kiệt tác Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần mà thôi. Nói thế không khỏi cho chỗ oan uổng và bất công. Đoàn Dự làm gì uỷ mị đến mức sướt mướt khóc gió than mây như Giả Bảo Ngọc? Nhưng cả hai đều rất giống nhau ở điểm: xem nhan sắc, hay đúng hơn phái nữ, là biểu trưng cho những gì đẹp đẽ nhất trên cõi đời này. Giả Bảo Ngọc cho rằng cốt cách đàn ông được cấu tạo từ đất, còn cốt cách đàn bà thì được cấu tạo từ nước. Nước thì mềm mại, nhu nhuyễn, cho nên giai nhân thì mong manh và đáng yêu vô kể!

    Khi Đoàn Dự nhìn thấy Du Thản Chi - đang là Bang chủ Cái Bang - chấp nhận quì lạy Đinh Xuân Thu và gọi lão bằng sư phụ để mong lão tha chết cho A Tỷ, một cảnh tượng làm tất cả các nhân vật võ lâm trong đương trường phải phẫn nộ vì xấu hổ cho "thân phận nam nhi", thì chàng ta lại thán phục và ngầm so sánh với mình. Chàng ta cứ ngỡ rằng tấm lòng mình dành cho Vương Ngữ Yên tưởng chừng như đã đạt đến chỗ sơn cùng thủy tận của tình yêu, đã đến mức hoan hỷ tận hiến tất cả thân tâm, nhưng ngẫm ra hãy còn thua xa Du Thản Chi, là kẻ tình nhân đã đạt đến trình độ yêu đương quỷ khốc thần sầu. Và chàng ta thầm khen Du Thản Chi mới đích thị là " bậc hiền thánh trong tình yêu" (tình trung hiền thánh)! Trong tình yêu của Đoàn Dự và Du Thản Chi không còn một chút dấu tích so đo tính toán của lý trí, còn "cái tôi" thì đã hoàn toàn biến mất để hoà tan trong đối tượng thương yêu. Hai ông " tình thánh" kia quả rất xứng đáng là những kẻ si tình vĩ đại nhất của mọi thời đại, suốt dưới vòm trời bốn bể năm châu!

    Còn môn Lăng ba vi bộ kỳ tuyệt mà chàng ta học được, khi vô tình lạc vào thạch thất của phái Tiêu Dao sau núi Vô Lượng, cũng nhờ đắm say chiêm ngưỡng bức thạch tượng tạc một phụ nữ dung nhan
    tuyệt đại trông tợ thần tiên. Những kẻ muốn đùa cợt hoặc xúc phạm bức tượng ắt phải chết vì những mũi tên tẩm độc ngầm dấu trong các cơ quan rồi. Chỉ có chàng ta vì mê mẫn bức tượng, xem đó là bậc thần tiên giáng thế, nên mới chịu khó cung kính quì lạy đủ 1000 lạy! Và chính tấm lòng đa tình lãng mạn đó vô tình cứu chàng ta khỏi hoạ sát thân. Kim Dung đã cực tả cái thần trong đôi mắt của thạch tượng(*) làm người đọc liên tưởng đến sự quyến rũ kỳ diệu trong nụ cười Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Nhan sắc ấy và đôi mắt ấy thì trách sao anh chàng đa tình Đoàn Dự không điên đảo thần hồn, hân hoan quì lạy, gọi bằng " Thần tiên nương tử, Thần tiên tỷ tỷ ", và hứa hẹn thời gian sau sẽ quay về đoàn tụ, dù vị "thần tiên nương tử" đó chỉ là pho thạch tượng! Cái tình yêu ấy đã được thăng hoa gần như thoát tục, và còn như muốn đi xa hơn cả cái khái niệm amor platonicus(**) trong văn học phương Tây. Dưới ánh sáng của tình yêu như thế, thì mọi vật dù vô tri giác cũng sẽ tràn đầy sức sống và được gán cho một linh hồn. Đó cũng là tình yêu mà sau này chàng ta mãi mãi dành cho người con gái diễm kiều thông tuệ Vương Ngữ Yên - một bản sao của pho thạch tượng thần tiên đó.

    Ngoài nhan sắc, chàng ta chẳng thiết tha gì với những cái mà thiên hạ sẵn sàng đổ máu để tranh giành nhau. Đường đường là vị hoàng thân quốc thích của nước Đại Lý, chuẩn bị kế thừa ngôi vua, nhưng vì không muốn học võ công, không ham chính trị, nên chàng ta dấn thân phiêu bạt giang hồ, kết bạn với anh hùng hảo hán. Hễ thấy nơi nào có tranh chấp là chen vào can thiệp, bằng lý lẽ của anh đồ gàn, bất chấp họ có thèm nghe theo mình hay là không. Võ công thì siêu đẳng với tuyệt kỹ Lục mạch thần kiếm độc bá võ lâm, nhưng chàng ta chẳng thèm mơ màng chi cả, nên khi thì thi thố thần diệu tuyệt luân, lúc thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn như đứa bé không biết võ công. Chỉ có một môn võ công chuyên dùng để "chạy trốn" mà chàng ta luôn sử dụng thành công, đó là những bước Lăng ba vi bộ. Chàng ta học bộ pháp kỳ tuyệt đó rất dễ dàng bởi vì nó chỉ dùng để tránh đòn mà không phải sát thương một ai..Như vậy mới hợp với tấm lòng đôn hậu của chàng ta: muốn tất cả mọi người vất bỏ hận thù, và sống chan hoà với nhau như anh em. Một anh đồ gàn rong ruỗi giữa cõi giang hồ đầy bất trắc và ân oán thị phi, để rao giảng thuyết " Tứ hải giai huynh đệ " của Khổng Tử bằng cái tâm trong sáng hồn nhiên, giống như một Don Quichotte ở phương Đông. Ấy vậy mà đôi khi những lời lẽ gàn gàn, tưởng chừng như dở hơi đó, lại cứu vãn được nhiều cục diện căng thẳng sắp đi đến chỗ bất khả vãn hồi, và võ công cũng không thể
    giải quyết được gì.

    Kim Dung để cho Đoàn Dự kết nghĩa anh em với Tiêu Phong, Hư Trúc và mối giao tình của họ, như một dòng nước ngầm chạy suốt bên dưới tác phẩm Thiên long bát bộ, như để nêu lên những mối tư lường thâm huyền cho tư tưởng.

    Nếu tạo hóa đã dùng đại lực lượng, đại ý chí để sáng tạo nên những vưu vật hiếm hoi, những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, thì con người phải biết thưởng ngoạn chiêm ngưỡng để khỏi phụ tấm lòng Hóa công, cái mà thơ Lý Hạ gọi là " Nguyên hoá tâm". Cũng vậy, khi con người đã bỏ tâm huyết cả một đời người để sáng tạo nên những công trình trác việt, như một thể cách đáp ứng lại đức Sinh của tạo hóa, thì những kiệt tác đó của con người cũng không thể bị vùi chôn trong quên lãng được. Đỗ Phủ đã từng cảm thán "Văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri"(***) (Văn chương là chuyện ngàn năm, được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi). Nặn óc vắt tim, đẻo gọt gan ruột làm ra sách là để gởi lại cho hậu thế, mà không một ai biết đến, điều đó há chẳng đáng xót xa sao? Nhưng đâu chỉ trong văn chương, mà trong tất cả những công trình nghệ thuật do con người sáng tạo, đều là chuyện đem tấc lòng gởi vào thiên cổ cả, nên con người của vạn đại mai sau không có quyền để cho mai một. Do đó, khi Đoàn Dự phát hiện ra bao võ công uyên áo của phái Tiêu Dao còn lưu trong thạch thất núi Vô Lượng, nhưng lại hờ hững bỏ qua không chịu học, (vì ấn tượng mạnh nhất đối với chàng ta là pho thạch tượng chứ không phải các bí cấp võ công), thì Kim Dung phải bố trí cho người anh kết nghĩa của Đoàn Dự là Hư Trúc hưởng được toàn bộ chân truyền của các tuyệt kỹ đó trên cung Linh Thứu. Đó cũng là cách để Hư Trúc, thay mặt anh chàng tam đệ si tình, mà tạ lỗi với cổ nhân!

    Nào phải chỉ có những cái hợp nhau mới tìm đến với nhau theo lẽ " Thanh khí ứng cầu ", mà những cái cực đoan cũng hay gặp gỡ nhau. Và chính hai cái thái cực đối nghịch, khi kết hợp lại, mới làm sáng tỏ thêm ý nghĩa đời. Ngạn ngữ phương Tây bảo " Les extrémités se touchent" cũng là ý đó. Một Đoàn Dự không thiết tha chi ngoài nhan sắc, một Tiêu Phong không thích gì ngoài rượu và võ công, hai người
    tưởng chừng như khác nhau một vực một trời đó, ở chỗ thẳm sâu lại vô cùng gần gũi nhau trong tâm hồn quãng đại. Kim Dung đã sâu sắc biết bao khi sắp xếp hai người đại diện cho hai cực đoan đó gặp nhau trên Tùng hạc lâu và kết nghĩa anh em. Để khi đối cực bên này đổ vỡ thì đối cực bên kia đi đến chỗ tựu thành, như một sự điều hoà và cứu vãn cho nhau.

    Người anh hùng Tiêu Phong lạc bước vào Mê Cung, và đã kết thúc cuộc đời trong bi hận. Mối tình ngậm ngùi đau đớn của ông với A Châu đã vỡ tan cung bậc, thì chút tâm nguyện xem như phó thác lại cho người em kết nghĩa là Doàn Dự, để chàng ta tựu thành những gì ông để dỡ, bằng khối tình si đối với Vương Ngữ Yên. Tấm lòng đó của Đoàn Dự cho dẫu không cứu vãn được, thì cũng an ủi được rất nhiều cho những tình yêu ngang trái. Đoàn Dự sinh ra chỉ để phụng hiến cho tình yêu, và đối với một kẻ đa tình như chàng ta thì có lẽ trong tình yêu, người đàn bà không bao giờ có tuổi và người đàn ông không bao giờ có mối tình đầu!

    (*) Trong đôi mắt như mơ màng có ánh sáng long lanh lưu chuyển, Sở dĩ pho tượng này giống hệt như người sống là nhờ đôi nhãn quang linh động… Thần sắc ở trong đôi mắt khó mà mô tả cho đúng: dường như mừng vui, lại dường như hờn oán; dường như chan chứa tình ý tha thiết sâu xa, lại dường như đau xót ngậm ngùi (Nhãn lý ẩn ẩn hữu quang thái lưu chuyển. Giá thạch tượng sở dĩ tự cực liễu hoạt nhân, chủ nhân đương tạ nhãn quang linh động chi cố… Nhãn quang trung đích thần sắc tiện thị nan dĩ mô tả, tư hỷ, tự vưu, tự thị tình ý thâm chí, hựu tự ảm nhiên thần thương)

    (**) Platon (427-347 BC), triết gia duy tâm lừng danh thời cổ đại Hy Lạp. Ông không hề sáng tạo hay nói đến thuật ngữ tình yêu mang tên mình, nhưng ông xem khao khát tình dục như là phương tiện để làm nảy nở một tình yêu cao thượng hơn. Vào thời Phục Hưng khoảng năm 1533, Marsilio Ficino - một môn đồ Platon - mới sử dụng thuật ngữ amorplatonicus (tình yêu kiểu Platon) để chỉ tình yêu đôi lứa thiên về tinh thần, hướng về Thượng đế, Trong khoảng thế kỷ XX, từ nay được hiểu là tình yêu gữa những người đồng giới tính!!! Trong bài này, tôi dùng từ amor platonicus theo nghĩa thông thường ban đầu của Marsilio Ficino

    (***)Thiên địa chi đại đức viết Sinh (Cái đức lớn của Trời Đất là đức Sinh – Kinh Dịch, Hệ từ thượng)
    Huỳnh Ngọc Chiến
    Lần sửa cuối bởi quangnm, ngày 16-11-2007 lúc 21:57.

    ---QC---


Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status