TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 6 của 6 Đầu tiênĐầu tiên ... 456
Kết quả 26 đến 29 của 29

Chủ đề: Tản mạn giang hồ

  1. #26
    Ngày tham gia
    Apr 2009
    Bài viết
    735
    Xu
    20

    Mặc định



    Vâng, xin lỗi nếu như tôi có hơi quá lời về bài viết này của ông Vương Sóc.

    Tuy không dám ngạo mạn so sánh mình với Kim Dung Kim lão gia, nhưng tôi cũng đã từng tập tành viết vài dòng, và cũng đã từng nhận những góp ý với văn phong mang hơi hướng flame (chê tơi bời hoa lá, gọi tôi là lố bịch, truyện của tôi là thảm họa, vớ vẩn, blah blah,... Nhưng tôi lúc nào cũng cười xòa (cái này đôi lúc hơi ... không đúng một chút) mà tiếp nhận những ý kiến đóng góp đó. Không phải vì tôi thèm + thiếu sự đóng góp. Nhưng là bản thân tôi luôn tôn trọng những con người có tâm huyết với văn học, nhất là với dòng văn học đang bị người ta cho là "bạo lực" và cấm như võ hiệp ngày nay.

    Những con người có TÂM HUYẾT với văn học như vậy, theo tôi, mới có QUYỀN phê bình về võ hiệp xưa và nay. Không dám nói cứ tâm huyết thì phải là một bài viết dài lẵng nhẵng, toàn khen với khen, hoặc khen bảy chê ba. Bởi tôi sẵn sàng tiếp nhận một bài phản hồi chỉ toàn vạch lỗi sai và bới móc đến tận góc rễ của truyện (xin không dùng từ "tác phẩm" cho mấy dòng rác của tôi), nhưng với điều kiện là bài viết phải nhắm vào truyện mà nói, nhằm vào những lỗi sai cụ thể của truyện mà đâm thọc. Chém làm sao để khi đọc xong, tôi mặc dù đôi lúc có nóng mặt mà đập bàn phím, nhưng mấy ngày sau bình tĩnh xem lại thì có thể vạch ra phuơng hướng và lấy được kinh nghiệm để lần tiếp theo viết tốt hơn nữa.

    Đó gọi là GÓP Ý.

    Quay lại với bài viết của ông Sóc.

    Ngay từ đầu, ông đã tự nhận rằng: những năm 80, ông là một con người "kiêu ngạo" và có những suy nghĩ "ngu ngốc" theo kiểu

    những thứ của các tác gia Đài Loan, Hồng Công đều không thuộc dòng văn học chính thống. Tác phẩm của họ chỉ có 2 loại lớn : tình ái và kiếm hiệp. Một thì tình cảm ướt át tràn trề, một thì bịa đặt loạn xị ngậu. Nhất là kiếm hiệp, vốn là một loại tiểu thuyết cũ
    Tức là ta đã nhìn thấy rõ ràng: ngày trước, ông vốn là một con người có cái nhìn vô cùng cực đoan về mặt chính trị. Mà ai trong chúng ta cũng phải công nhận là CỰC ĐOAN vốn chẳng phải mọt chuyện tốt lành gì, ở bất cứ nơi đâu.

    Không ngờ ông lại mang cả cái quan niệm cực đoan về chính trị đó vào VĂN HỌC, ở đây không nói về các đề tài chính trị, nhưng, một QUAN NIỆM cực đoan về bất cứ một lĩnh vực nào đó, cũng đã là 90% không mấy tốt đẹp, nhất là với một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm như chính trị.

    Quay lại với bài viết của ông.

    Ta không rõ ông đã "trưởng thành" kiểu nào trong khoảng chục năm qua, nhưng tới cuối bài (ở một thời điểm không rõ, nhưng chắc chắn phải sau những năm 80), ông lại “phán” thêm một câu khiến ta phải cau mày mà tự hỏi: “Thế lão đã tự rút ra những gì trong khoảng mười mấy năm qua?” :

    Nền nghệ thuật mà giai cấp tư sản TQ có thể đẻ ra về cơ bản đều mục ruỗng, họ có thể học tập thứ mới nhất, nhưng thế giới tinh thần thì mãi mãi chìm đắm say mê trong giấc mộng phồn hoa cũ rích ngày xưa
    Điều này có nghĩa là sao? Thứ nhất, cái cơ bản cần nói tới, phải là sai về cấu trúc của toàn văn bản. Thường khi mở đầu một văn bản mà có câu “từ ...” “ngày đó,...” , thì như một định luật đã hình thành sau hàng vạn vạn bài viết khác nhau, cuối bài cũng phải có một nhận định khác so với đầu bài. Nhận định này có thể không hoàn toàn đối nghịch hay khác biệt với ý của đầu bài, nhưng nhất định phải khác, để chứng tỏ về sự thay đổi của sự vật, sự việc đang được nói tới, mà ở bài này là tư tưởng của chính ông Sóc.

    Thế mà ngay từ đầu (tức khoảng thời gian những năm 80), ông đã mang một khái niệm nặng nề về VĂN HỌC VỚI CHÍNH TRỊ, sau một khoảng thời gian, ông tiếp tục bảo thủ cách suy nghĩ của mình. Ở những năm 80, ông cho rằng: “những thứ của các tác gia Đài Loan, Hồng Công đều không thuộc dòng văn học chính thống.”

    Thì tới thời điểm của bài này, ông cũng không khá hơn được một chút nào khi nói: “Nền nghệ thuật mà giai cấp tư sản TQ có thể đẻ ra về cơ bản đều mục ruỗng”.

    => Xin hỏi chính ông, có sự thay đổi nào trong suy nghĩ của ông từ những năm 80s cho đến thời điểm của bài viết này? Hay chẳng qua đó vẫn chỉ là quan điểm cứng nhắc, cực đoan về mặt chính trị đem áp đặt vào văn học của ông? Mà nếu đã như vậy, thì tại sao khi viết bài này, ông lại không dùng mốc thời gian hiện tại, của cái suy nghĩ hiện tại để nói, mà lại dùng một cấu trúc kỳ ... quái như vậy?

    Ông bà ta đã có câu: “Vơ đũa cả nắm”, với ý răn dạy con cháu không được “vơ đũa cả nắm”, bởi vì với kinh nghiệm đúc kết hàng ngàn năm của mình, tổ tiên đã hiểu: cứ hễ “vơ đũa cả nắm” là chắc chắn phải sai lầm. Vậy thì ta nghĩ sao khi từ những năm 80, với “khả năng văn học” tài tình của mình, ông Sóc đã đủ “trình” để quy kết toàn bộ nền văn học của các tác giả Đài Loan, Hồng Kông đều là những “thứ” này “thứ” nọ, đều không phải là “Văn học chính cống”. Có thể ông là Lord-of-the-Pure-Literature của toàn bộ văn học trên thế giới chăng? Vậy thì có thể hiểu “văn học chính cống” theo quan niệm của ông có nghĩa là “nền văn học non-Taiwan, non-HongKong”. => Tức là quan niệm của ông về văn học chính thống là dựa vào ... vị trí địa lý.

    Một thời gian sau, ông lại tiếp tục thể hiện cái “trình” bao quát của mình qua câu kết: “Nền nghệ thuật mà giai cấp tư sản TQ có thể đẻ ra về cơ bản đều mục ruỗng”. Một câu nói sặc mùi chính trị, phân biệt giai cấp. Mà xin nói thẳng, nghệ thuật chú trọng đến phân biệt giai cấp, là thể loại nghệ thuật “cao cấp” như thế nào? “Nhân đạo”, “nhân văn” như thế nào?

    Xin lỗi nếu tôi không kiềm chế được từ ngữ của mình, nhưng văn học thế quái nào mà lại được phân loại về mặt trình độ, chất lượng qua ... vị trí địa lý, qua lăng kính của chính trị?

    Có thể nhìn thấy rõ ràng, cái sai của bài này không chỉ bắt nguồn từ tư tưởng lệch lạc của một bộ phận những người “kiêu ngạo”, “ngu ngốc” (nguyên văn của từ dùng trong bài), mà còn sai lệch ở chính thao tác lập luận phản biện của tác giả.

    Đến một học sinh trung học cơ sở ngày nay, khi vừa bước chân vào lớp 6, đã được thầy cô giáo hướng dẫn rất kỹ càng về cách làm một bài văn phân tích, biện luận, nếu cao cấp hơn thì được học về phản biện. Nhưng tựu trung, cái mấu chốt ở những văn bản này, đó là phải đưa ra ít nhất là 1 dẫn chứng cho mỗi một luận điểm của mình, và dẫn chứng càng rõ ràng, thuyết phục bao nhiêu thì giá trị của bài viết càng tăng lên bấy nhiêu (theo những gì tôi được học ngày trước thì “giá trị cao” trong văn học nhà trường đồng nghĩa với “điểm cao”, nên xin phép thay đổi từ ngữ của giáo viên để hợp với ngữ cảnh trong bài này).

    Vậy mà từ đầu tới cuối bài, (không rõ được là phân tích hay phản biện) của nhà-văn-thứ-3-sau-Lỗ-Tấn, Kim-Dung này, tôi chưa thấy được một ý nào có thể tạm gọi là “dẫn chứng cụ thể”, chưa dám bàn đến độ rõ ràng, thuyết phục của dẫn chứng ấy.





    Ta tạm “lẩy” một ý ra khỏi bài của ông

    “Một người nói : cách tạo dựng nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung khác với kiếm hiệp kiểu cũ, trong tiểu thuyết kiếm hiệp cũ căn bản không thể xuất hiện được những nhân vật như Vi Tiểu Bảo, Đoàn Dự, gần với phản anh hùng trong tiểu thuyết hiện đại”

    Ý này vốn nằm trong đoạn trưng ra những điểm cần phản biện của ông Sóc, tức là ông phản biện. Vậy thì tại sao ông lại không đưa ra dẫn chứng, lý lẽ xác đáng chứng minh câu đó là sai, hay là ông phủ nhận những nhân vật như Vi Tiểu Bảo, Đoàn Dự là anti-heroes, hay ông phủ nhận luôn cả những nhân vật anti-heroes?

    Vậy xin hỏi ông, những hình tượng anti-heroes như Wolfverine, Hulk của Marvel có được thế giới công nhận và yêu thích không? Vậy thì một lão già những năm 50s của thế kỷ XX như Kim Dung lại có thể kiến tạo nên được nhân vật đến tận thế kỷ XXI, người ta vẫn còn, (và một số người) mới bắt đầu yêu thích. Như vậy thì Kim Gia há chẳng xứng với hai chữ “siêu việt” (đi trước thời đại) sao?


    Ta thử xét đoạn này của ông:

    “Cốt truyện và nhân vật thế nào, bây giờ tôi cũng chẳng nhớ ra nữa, chỉ để lại một ấn tượng là tình tiết trùng lặp, hành văn lòng thòng, các nhân vật cứ gặp nhau là choảng nhau, lẽ ra một câu là đủ nói rõ thì lại cứ không nói cho rõ, hơn nữa choảng nhau mà chẳng ai diệt được ai, nhất định là cứ mỗi lần đến lúc sắp có án mạng thì từ trên trời rơi xuống một kẻ ngáng lại. Toàn bộ nhân vật đều có những mối thâm thù đại hận loạn xị ngậu, mọi tình tiết câu chuyện đều dựa trên cái đó mà triển khai. Như thế thì có gì mới lạ nhỉ ? Những thứ tiểu thuyết cũ của Trung Quốc đều theo con đường ấy cả, nói cho đến cùng là chuyện báo ứng nhân quả..”

    Đoạn trên, rõ ràng ông chỉ toàn là đưa ra những nhận xét phiến diện, xuôi chiều, mà nếu nói theo kiểu của tôi, tức là những nhận xét suông, xét trên giá trị của một đoạn văn phản biện, là hoàn toàn vô giá trị.

    Không có dẫn chứng.

    Ông không thể nói được, tại sao ông lại đi đến cái ý tưởng là “các nhân vật cứ gặp nhau là choảng nhau”, rồi “Lẽ ra một câu là đủ nói rõ thì lại cứ không nói cho rõ, hơn nữa choảng nhau mà chẳng ai diệt được ai, nhất định là cứ mỗi lần đến lúc sắp có án mạng thì từ trên trời rơi xuống một kẻ ngáng lại.” , cộng với “Toàn bộ nhân vật đều có những mối thâm thù đại hận loạn xị ngậu, mọi tình tiết câu chuyện đều dựa trên cái đó mà triển khai” mà lại không nói được, dẫn chứng được, dù chỉ là một ý cho cái lập luận suông ấy của ông. Vậy thì thử hỏi, ai tin ông? Ai có thể tin ông được đây, khi mà ông chỉ nói khơi khơi như thế, rồi đi đến cái kết luận “Như thế thì có gì mới lạ nhỉ ? Những thứ tiểu thuyết cũ của Trung Quốc đều theo con đường ấy cả, nói cho đến cùng là chuyện báo ứng nhân quả.”. Điểm nực cười nhất là kết luận của ông cũng chẳng có cơ sở vững chắc gì sất, vậy mà đọc lên nghe vẫn đao to búa lớn, vẫn với cái kiểu bao quát, quy kết toàn bộ thành tựu của một khoảng thời gian dài đằng đẵng trong quá khứ, giọng điệu bề trên, phán xét.

    Vậy thì xin phép hỏi ông, ông không đưa được ra dẫn chứng, lý lẽ cụ thể, chắc chắn, thì làm sao có người nghe ông được, trừ những kẻ ba phải, những kẻ không ưa văn học Võ hiệp nói chung và Kim gia nói riêng?

    Hay là ông ngang hàng với Phật Tổ, với toàn bộ hệ thống tư tưởng thuần Đông Phương của Nhà Phật, vốn coi trọng “chuyện báo ứng nhân quả”, theo như lời của ông, mà có thể thoải mái coi “chuyện báo ứng nhân quả” là thứ mau hủ nát, không thích hợp để đem vào cuối truyện như một mô típ chung giúp con người ta hướng thiện, hành thiện nhiều hơn?

    Có lẽ bạn ông đã nói đúng: “ông mới xem nửa cuốn, chưa có quyền phát ngôn.” Cũng giống như tuổi làm con trong gia đình, chỉ mới 15,16, mới bắt đầu “trưởng thành” được một chút, đã đòi này đòi nọ, yêu sách này yêu sách kia với cha mẹ, trong khi đầu óc còn nông cạn kém suy nghĩ, chưa đi hết được phân nửa đường đời. Làm một công việc còn dang dở, chưa đi được đến đâu, đã chán nản mà bỏ cuộc, lại có quyền phê bình về công việc đó sao?

    Hay như là ông nói: “Một món ăn ngon hay không, đâu cần ngốn hết mới có thể nhận xét được ?” Hai cái này vốn là hai phạm trù khác nhau, ông Sóc ạ. Món ngon mà “đâu cần ngốn hết mới có thể nhận xét được” như ông nói, theo tôi, chỉ có thể là những món hầm bà lằng, nấu trộn loạn xạ như kiểu cháo lòng, những món “mì ăn liền” đại loại như hamburger, hot dogs, pizza. Bởi vì những món ấy nấu theo kiểu công nghiệp, hoàn toàn không có tính thẩm mỹ, và chỉ “ngon” đối với một số người như ông, hoặc những kẻ béo phì quá độ do bạ gì cũng ngốn mà thôi. Những món như thế, toàn bộ đều như nhau cả. Nghĩa là đầu này của bát cháo lòng, của cái Hamburger, Hotdogs, Pizza cũng y chang đầu kia, xoay kiểu nào cũng có thể ăn được “ngon” theo như từ ngữ của ông. Cho nên mới không cần phải xác định đầu đuôi, bạ đâu cũng ngốn vào được cho đầy bụng rồi phán “ngon” như lời ông nói.

    Ông thử xếp bánh pudding thành một cái tháp thật cao, rồi xắn toàn bộ phần bánh tầng cuối cùng mà ăn xem thử toà tháp có đổ hay không, rồi hẵng nói đến chuyện đầu đuôi, hay đúng hơn là “đâu cần ngốn hết mới có thể nhận xét được?” Hiển nhiên là trừ trường hợp ông là Thánh, là Thần, chỉ cần nhìn hay động chạm một chút cũng biết được toàn bộ món ngon, sách hay hoặc người tốt xấu.

    (Xin được tạm dừng bài ở đây, vì đã hơi dài, và lý do cá nhân không cho phép, hy vọng sẽ được tiếp tục vào một ngày không xa)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Thiên Phong, ngày 10-09-2009 lúc 20:03.
    ---QC---


  2. #27
    Ngày tham gia
    Apr 2009
    Bài viết
    735
    Xu
    20

    Mặc định

    Giá mà ông Sóc đọc được bài dưới đây nhỉ...

    Nguồn http://www.chungta.com/Desktop.aspx/..._nguoi_A_Dong/


    Cách ngôn luận của người Á Đông

    Phan Khôi


    Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, NXB Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006



    Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 16/1/1959 (8/12/ năm Mậu Tuất), thọ 73 tuổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng: ông thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
    1.

    Có người Tàu bẻ cái học thuyết Tôn Văn mà lại nhè kêu Tôn Văn là con heo, là ngu xuẩn. Người Á Đông ta, Tàu cũng vậy mà An Nam cũng vậy, không tinh thông luận lý học, cho nên trong khi ngôn luận, chẳng noi theo khuôn phép mà cứ nói già miệng để cầu hơn, nhiều khi lại nói hỗn ẩu vô lễ nữa. Sự đó, nói thiệt tình mà nghe, tỏ ra các dân tộc Á Đông ta còn chưa thoát hết cái tánh tình dã man, thật là một điều mà ta đáng lấy làm xấu hổ vậy.

    Sự biện luận là để mà tìm cho ra chơn lý. Muốn biện luận mà cho đạt tới cái mục đích ấy thì phải thông hiểu luận lý học. Người nghe cũng vậy, nghe lời biện luận mà nếu chẳng biết dùng luận lý học để phán đoán thì nhiều khi bị họ phỉnh mình, họ làm cho mình cũng ngu đi như họ. Người biện luận mà lại dùng đến cái giọng hàng tôm hàng cá, vọt miệng mắng chửi người ta, tỏ ra người ấy chẳng có cái óc luận lý học chút nào hết. Vì không hiểu luận lý học, nên khi muốn phản đối kẻ khác mà chẳng có dự lẽ để phản đối, phải dùng đến cái khẩu khí của “nậu rỗi” [1] . Những người ấy, không đợi ai công kích hết, tự mình cung khai ra mình là vô giáo dục, dốt nát, ngu muội, tự nhiên bị đẩy ra ngoài làng học vấn, ngoài đám người trí thức, rốt lại, nhập làm một với bọn hạ lưu xã hội.

    Vừa rồi tôi đọc một bài kêu là “Chỉ chánh những chỗ sai lầm của Tôn Văn học thuyết”, đăng trong Quần báo là một tờ báo chữ Tàu ở Chợ Lớn, ra ngày 5 Juin, mới phát ra những lời trên đó.

    Cái học thuyết Tôn Văn, độc giả chắc có nhiều người biết, ấy là một cái thuyết phản đối lại cái thuyết “tri dị hành nan” (biết dễ làm khó) của người Tàu ngày xưa. Cái học thuyết ấy chưa biết có đúng với chơn lý hay không, song Tôn Văn đã làm ra thành sách, nói có đầu có đuôi, lý sự đầy đủ, là một cái thuyết đứng được. Dầu rằng năm ngoái đây Hồ Thích, một nhà đại học giả bên Tàu, có viết một bài dài, dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu lại cái thuyết của họ Tôn đó, thì thấy có chỗ không được đúng, vậy mà nó cũng vẫn chưa mất cái giá trị của nó, vì trong đó có nhiều phần hình như gần với chơn lý.

    Cái bài đăng trong Quần báo mà tôi nói trên đây ký tên người viết là Mộng Điệp. Chẳng biết tên đó là của người nào, nhưng đọc qua cái bài thì thấy người ấy là một nhà biện luận chẳng theo khuôn phép chi cả, giống kiểu những người mà tôi vừa nói trên kia.

    Cái bài ấy dưới có để chữ số II và sau có chữ “chưa hết” nghĩa là trước đó đã có một bài rồi và sau nầy cũng còn tiếp nữa. Tuy vậy coi nội một bài II nầy cũng đủ chứng rằng tác giả nói bậy.

    Bất kỳ biện luận về vấn đề gì, cũng đều nên lấy lời lẽ mà nói, cho bình tâm tịnh khí thì mới thủng thẳng mà tìm thấy chơn lý được. Huống chi là biện luận về một vấn đề triết học của người ta, lại nên thận trọng là dường nào. Vậy mà người viết đó như là chẳng kể chi hết, nói như dùi đục chấm mắm, thiệt tôi đọc đến mà lấy làm khinh bỉ quá. Tôi trách ông chủ bút Quần báo sao lại đăng bài ấy làm chi! Vẫn biết Quần báo bây giờ phản đối họ Tưởng nên cũng phản đối luôn họ Tôn; nhưng sự phản đối thì tôi không trách chi; trách cái bài dùng giọng nậu rỗi kia mà được đăng lên thì là làm dơ tờ báo!

    Tôi trách một ông chủ bút báo Tàu thì cũng như trách một ông chủ bút báo Tây, một là vì ngôn ngữ bất đồng, hai là vì làm phách, họ có thèm nghe đến hạng mình đâu. Nhưng mặc kệ họ. Tôi nói đây là cốt muốn cho bà con Việt Nam mình nghe với nhau. Mà nghe câu chuyện họ, là có bổ ích cho mình lắm.


    Ai có đời cái ông Mộng Điệp nào đó, trong bài II của ổng bắt đầu kể một đoạn trong Tôn Văn học thuyết dẫn chứng về sự ăn uống, rồi tiếp đấy ổng viết rằng:

    “Cái ngài độc giả, nếu các ngài cũng giống như Tôn Văn là con heo, cũng giống như Tôn Văn là ngu xuẩn, thì các ngài sẽ bị Tôn Văn phỉnh mình. Song tôi tưởng các ngài chắc không đến nỗi như va vậy nếu cái thuyết của Tôn Văn chỉ đủ sắm cho các ngài một trận cười mà thôi!” (Tôi dịch đúng nguyên văn).

    Hỡi độc giả An Nam! Họ nói như vậy đó, mà liệu có nghe đặng không?

    Xin độc giả An Nam trước phải hiểu ý tôi. Tôi không nói ông Mộng Điệp nói như vậy là vô phép. Đối với Tôn Văn là một nhà thủ xướng cách mạng Tàu, là một ông cựu tổng thống của Dân quốc, không nên nói như vậy. Tôi cũng không hề coi Tôn Văn là thần thánh mà chẳng cho ai đụng chạm tới. Tôi cũng không hề tinh quyết rằng trong người của Tôn Văn chẳng còn có một chút nào thú tánh như cái tánh của con heo, và là khôn ngoan tột bậc mà chẳng còn có một chút nào ngu xuẩn đâu. Những sự trên ta hãy để riêng ra. Tôi nói đây là nói cái “láo” “xỏ lá”, cái “hèn” của người viết bài ký tên là Mộng Điệp đó.

    Người ấy không hiểu luận lý học, không đủ lẽ để biện bác cái học thuyết của Tôn Văn mà lại có cái dã tâm muốn đánh đổ cái thuyết ấy. Cho nên bắt đầu kêu Tôn Văn là con heo là ngu xuẩn rồi lại bợ độc giả của mình lên mà nói rằng: “Chắc các ngài không đến nỗi như Tôn Văn”. Như vậy là muốn cho độc giả trước có lòng khinh Tôn Văn đi và đắc ý vì Mộng Điệp khen mình, rồi sẵn đó tin luôn những lời của Mộng Điệp. Đó, cái láo, cái xỏ lá, cái hèn là ở đó.

    Cách lập ngôn như vậy là một điều cấm kỵ lớn trong luận lý học. Lấy chứng cớ gì mà kêu người ta là con heo, là ngu xuẩn? Chẳng có chứng cớ gì hết. Chỉ có ỷ rằng tờ Quần báo ở ngoài phạm vi thế lực của chánh phủ Nam Kinh và Tôn Trung Sơn chết rồi, nên nói láo cũng không ai chém! Cái tâm lý hèn mạt thay mà chó má thay!

    Bài sau tôi sẽ nói đến cái lý sự cùn của ông Mộng Điệp cho bà con nghe.

    2.

    Những lẽ mà tác giả trưng ra, chẳng đủ làm núng cái học thuyết Tôn Văn chút nào hết.

    Như bài trước đã nói, chẳng dựng ra chứng cớ gì hết mà thình lình kêu người ta là con heo, là ngu xuẩn, sự vô lễ đành rồi, chẳng nói làm chi; chỉ nói về phương diện luận lý học, cũng là phạm vào sự cấm kỵ vậy.

    Trong luận lý học kể các điều mậu vọng (les erreurs) trong sự nghị luận, có một điều kêu là “cái luận chứng hãm người”, nghĩa là nhè cái hạnh kiểm hoặc nghề nghiệp của người kia mà công kích, đặng nhơn đó công kích luôn cái lời nói của người ấy. Ví dụ: Tên Mít ghiền á phiện, một hôm làng nhóm, nó cũng ra nhà việc bàn bạc nọ kia. Ông cả Xoài nổi lên nạt nó rằng: “Thứ đồ hút xách, bàn đèn ống điếu thì hay việc bàn đèn ống điếu, nói nhằm gì mà nói!” Ấy đó là cái luận chứng hãm người, nghĩa là lấy sự hãm hiếp người ta mà làm luận chứng (argument) vậy.

    Theo lẽ thì tên Mít ghiền gập mặc kệ nó, nếu nó có quyền ăn nói giữa làng thì làng nên để mà nghe thử nó nói quấy phải làm sao. Ví bằng nó nói phải thì dẫu nó có ghiền, làng nghe nó cũng vô hại. Cái nầy ông cả Xoài lấy cớ nó hút xách mà giày đạp cả lời nói của nó đi thì là trái lẽ.

    Người viết bài trong Quần báo, ký tên Mộng Điệp, kêu Tôn Văn bằng con heo, ngu xuẩn, tức là cái lối ông cả Xoài nạt thằng cha Mít. Huống chi, tên Mít thiệt ghiền nên ông Xoài kêu là đã hút xách, dầu sai đằng nọ mà còn trúng đằng kia; chí như Tôn Văn, đã có cái gì tỏ ra là ngu xuẩn, giống con heo, mà tác giả lại dám kêu ngang như vậy, thật là vô lý quá.

    Bài trước tôi đã nói, bởi không đủ lẽ cãi, nên mới dùng cái cách cả vú lấp miệng em. Dưới đây bà con sẽ thấy cái lý sự của Mộng Điệp thế nào.

    Nguyên trong học thuyết Tôn Văn có trưng ra sự ăn uống để chứng rằng sự làm là dễ, sự biết là khó. Đại ý nói cách nấu ăn của Tàu đã khéo mà lại hiệp vệ sanh, có nhiều ông bác sĩ Tây phương đã chứng nhận điều ấy. Vậy mà người Tàu từ trước có biết đến đâu. Không biết mà vẫn làm. Bởi vậy nói làm là dễ.

    Muốn đánh đổ cái thuyết ấy, chỉ có khi nào chứng minh ra được rằng người Tàu đời xưa đã có phát minh ra cái phương pháp nấu ăn hiệp vệ sanh ấy, tỏ ra sự biết ở trước sự làm, sự biết là dễ, thì mới đánh đổ được. Cái nầy, Mộng Điệp không tìm ra được cái chứng cớ ấy, nên kiếm đường nói quanh nói quất, nói sai cái nguyên ý họ Tôn đi, để tiện bề công kích cho mình. Thế là Mộng Điệp đã bắn chỉ thiên, đã công kích đâu đâu, chớ chẳng công kích chi cái học thuyết Tôn Văn vậy.

    Nó vặn tắc vặn rì cái nguyên ý họ Tôn đi, nói họ Tôn bảo rằng người ta mới sanh ra không biết chi hết mà tự nhiên làm cái sự uống ăn được, ấy là biết khó làm dễ (!) Rồi nối tiếp rằng nếu nói như Tôn Văn thì nó nói mấy chả được, dẫn chứng mấy chả được: con mắt hay thấy, lỗ tai hay nghe, lỗi mũi hay ngửi, lỗ miệng hay nói, tay chơn hay cử động, đằng trước đằng sau hay đái ỉa (nguyên văn), đó chẳng phải là những cái chứng cớ sự làm là dễ hay sao? (!) Đó, lý sự của Mộng Điệp đó, thật chẳng những tỏ ra là dốt, mà lại tỏ ra là tiểu nhân, không có lòng ngay thật nữa.

    Nó lại nói họ Tôn nhận cho sự uống ăn là sự “làm” ấy là bậy, không biết “tri” và “hành” là gì. Tự nó thì nó cho uống ăn là sự “tri”. Song le, họ Tôn có hề nói như vậy đâu ? Theo như trên kia, nấu ăn khéo, hiệp với vệ sanh, ấy là sự “tri” trong ý họ Tôn đó. Người Tàu từ xưa không có sự “tri” ấy mà tự nhiên “hành” được, cho nên nói “hành” là dễ. Nguyên ý họ Tôn như vậy, thế mà nó cố ý xây quanh cho sai đi hầu để bác bẻ, thiệt là quỷ quái không xiết kể.

    Nguyên cái Tôn Văn học thuyết in trong sách Kiến quốc đại cương về phần đầu hết là phần “tâm lý kiến thiết”. Mộng Điệp mới lấy cớ ấy mà trách rằng sao họ Tôn lại đem việc uống ăn tầm thường nhỏ mọn mà sánh với việc dựng nước, là cái sự nghiệp to lớn khó khăn?

    Nhưng mà có phải vậy đâu. Họ Tôn cử sự ăn uống ra để làm chứng cho sự thi hành, chớ chưa hề đem sự ấy mà sánh với việc kiến thiết quốc gia. Đem sự ẩm thực mà chứng minh cho sự tri hành, thì là thiết thiệt lắm, chẳng có chỗ nào đáng chỉ trích hết. Thế mà Mộng Điệp cũng vặn câu bẻ mấu đi để mà chỉ trích. Như vậy thôi thì hết chỗ nói!

    Tóm lại, cái học thuyết Tôn Văn nếu có bị đánh đổ là bị cái tay nào kia; chớ cái tay ngu muội, dốt nát, xấc láo mà lại hèn mạt như Mộng Điệp đây thì dầu có dùng hết cái thủ đoạn chó má lung lay mấy đi nữa là nó cũng chẳng sờn một mảy. Mà con người đã mất lương tâm dám ngậm máu phun người như vậy, thì mình cũng chẳng nên nói làm chi cho uổng tiếng.

    Tôi chỉ than cho cái thời đại nầy, cái thời đại tự do, lắm điều đáng mừng mà cũng lắm điều đáng ghét. Thứ đồ còn thua con bò cặp sừng [2], ỉa không biết đàng hướng gió, mà cũng dám đứng ra lên tay xuống ngón trên chốn diễn đàn, nhè cái người đáng làm thầy dạy cả ông già nó mà nó mắng, thì thật gai con mắt mình quá! May ra còn có người nghe mà phân biện phải quấy được, chẳng nói làm chi, muôn một mà cái người ấy cũng không có đi nữa, thì nói thiệt, tôi cũng chẳng lấy làm vui gì mà sống ở cái đời tự do nầy!

    Chỉ mong một điều ở xã hội Việt Nam ta. Coi lấy đó, chúng ta nên coi lấy đó, cái sự dốt nát nó làm gương cho chúng ta là vậy đó. Bởi dốt nát không có học không có thức, muốn chê người mà không biết đường chê, nên mới đâm ra nói hỗn. Nói hỗn như vậy có được cái lợi ích gì? Chẳng lợi ích gì mà lại làm cho kẻ khác chướng tai gai mắt, sôi gan lên, ngồi đứng không yên.

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6168 (11.6.1930) ; s. 6170 (13.6.1930).

    [1] nẫu rỗi: bọn buôn cá (theo H.T. Paulus Của, sđd)
    [2] Người ta thường nói dốt như bò. Đây nói còn thua con bò cặp sừng nghĩa là còn dốt hơn bò nữa (nguyên chú của Phan Khôi).

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Banhmitrung, ngày 17-09-2009 lúc 12:31.

  3. #28
    Ngày tham gia
    May 2010
    Bài viết
    10
    Xu
    0

    Mặc định

    hello mọi người mình là thành viên mới
    mình có điều thắc mắc mong bà kon giúp nha, một truyện võ hiệp như thế nào là đạt chuẩn ! mình thấy có nhiều bạn viết cũng hay mà lại bị chê là nhân vật này giống nhân vật nọ mà họ không phán xét kĩ xem khi tác giả cho nhân vật mình " na ná" giống nhân vật kia vậy điểm nổi bật của nó ở chỗ nào ! phải chăng chúng ta quá áp đặt " khuôn mẫu" nhân vật cũ vào nhân vật mới

  4. #29
    Ngày tham gia
    Feb 2010
    Bài viết
    19
    Xu
    0

    Mặc định

    hình tượng nhân vật có thể hao hao giống nhau, nhưng chi tiết nội dung truyện thì hok thể na ná giống truyện khác đc. Nếy vậy, người đọc sẽ nhàm liền.

    Ta đang đọc Bình Tung Hiệp ảnh lục của Lương Vũ Sinh, thấy rất thích nhân vật này, vừa thông mình vừa cuồng ngạo, võ công cao lại thông minh. Ta thấy nhân vật đẩng cấp như Lục Tiểu Phụng, Sở Lưu Hương hay một số nhân vật của bác Kim kém xa phong thái của anh này.

    Theo ta một võ hiệp đạt chuẩn là một võ hiệp có nội dung chặt chẽ, các chi tiết phải thống nhất, hình tượng nhân vật phải độc đáo, giọng văn câu từ phải chuẩn mực,... cỡ như Tru Tiên đầu trâu đuôi chấu thì thấy out rồi.

    ---QC---


Trang 6 của 6 Đầu tiênĐầu tiên ... 456

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status