TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 1 của 6 123 ... CuốiCuối
Kết quả 1 đến 5 của 29

Chủ đề: Tản mạn giang hồ

  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Bài viết
    537
    Xu
    1,000

    Mặc định Tản mạn giang hồ

    Nhiệm vụ:
    • Lo vụ sưu tập truyện ngắn, các phóng sự tin tức xung quanh các tác phẩm (đặc biệt là kiếm hiệp)


    Nhân sự:
    1. rờ mọt - khách khanh Cái Bang
    Lần sửa cuối bởi Băng Quỷ, ngày 14-12-2007 lúc 19:12.
    ---QC---
    Thủy để hữu minh nguyệt - Thủy thượng minh nguyệt phù
    Thủy lưu nguyệt bất khứ - Nguyệt khứ thủy hoàn lưu


    Lĩnh Nam Tống Khuyết


  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Ngoại Đường Song Long
    Bài viết
    309
    Xu
    0

    Mặc định

    Những hậu duệ của Kim Dung

    Hai năm gần đây, có khá nhiều tiểu thuyết đề tài võ hiệp xuất bản tại Trung Quốc (TQ) mà phần lớn tác giả là những người trẻ và có trình độ văn hóa cao, có cả những người thuộc thế hệ 8X.

    Nhà nghiên cứu văn học võ hiệp Hàn Vân Ba, GS Trường đại học sư phạm Tây Nam, cho biết: nhiều người yêu thích văn học võ hiệp ở TQ ban đầu sáng tác một cách tự phát, đăng tải truyện trên mạng, sau đó in thành sách và dần dần được công chúng biết đến.

    Cho đến những năm 1990, tiểu thuyết võ hiệp đã trở thành một xu thế mạnh tại TQ. Hai năm trở lại đây, tiểu thuyết võ hiệp rất thịnh hành, có thể kể: Côn Luân của Phụng Ca, Tru Tiên của Tiêu Đỉnh, Kính của Thương Nguyệt, Mandala (Mạn Đà La) của Bộ Phi Yên, Phi Vân Kinh Lan của Vương Tình Xuyên và Loạn Trường An của Hàn Hàn....

    Trong số những tác giả này, để lại ấn tượng sâu sắc cho ông là lối viết toàn diện của Phụng Ca, cảm xúc của Thương Nguyệt, trí tưởng tượng của Bộ Phi Yên và tư tưởng triết lý của Phương Bạch Vũ. Đây là những nhà văn có lối viết hoàn toàn khác các bậc tiền bối của văn học võ hiệp, phần lớn có học lực khá cao, chính điều này đã mang lại nhiều kiến thức mới lạ cho tác phẩm của họ. GS Hàn Vân Ba gọi hiện tượng này là “sự nổi trội của tiểu thuyết tân võ hiệp TQ”.


    Kim Dung vẫn là “võ lâm minh chủ”

    Thời đại hậu Kim Dung


    Hai tác giả trẻ Phụng Ca (trái) và Bộ Phi Yên

    Có thể nói thời đại của Kim Dung là huy hoàng nhất của tiểu thuyết võ hiệp. Chỉ cần mười mấy tác phẩm, ông đã tạo ra một thế giới của riêng mình - một thế giới của chốn giang hồ - để độc giả khắp thế giới khám phá.

    Trong chốn giang hồ đấy có đao có kiếm, có yêu có hận, có sự hưng vong của nước nhà... Thế giới ấy vốn không tồn tại nhưng lại có thể đánh động lòng người. Đối với những tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp hôm nay, thời đại Kim Dung giống như cái bóng đè, bất luận họ có viết hay và nỗ lực thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi cái bóng ấy.

    Các nhân vật hư cấu của Kim Dung đã không còn là chủ đề của những buổi bàn luận trà dư tửu hậu mà trở thành những nhân vật kinh điển trên văn đàn Hoa ngữ. Năm 1972, khi viết xong Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung treo bút. Đỉnh cao của tiểu thuyết võ hiệp cũng dừng lại ở thời khắc đấy, dù sau này xuất hiện những tác phẩm của Cổ Long. Quãng trống “hậu Kim Dung” kéo dài hơn 30 năm, nhưng dòng sáng tác tiểu thuyết võ hiệp không dừng tại đó.

    "Mùi võ hiệp" hiện đại


    Bìa tiểu thuyết Tru Tiên của Tiêu Đỉnh

    Chốn giang hồ được dựng lên trong những tác phẩm võ hiệp trước đây đều không thoát khỏi môtip “trả thù - hành hiệp - hạnh ngộ - kỳ ngộ - tình yêu”. Đây cũng chính là nguyên do khiến tiểu thuyết võ hiệp mất đi khá nhiều độc giả trẻ sau này.

    Môtip này được GS Thang Triết Sinh của Trường đại học Tô Châu gọi là “mùi võ hiệp”. Theo ông, có một nghịch lý: “Tuân thủ môtip đấy, câu chuyện khó tránh khỏi cảm giác nhàm chán, nhưng một khi xa rời nó tiểu thuyết võ hiệp lại hoàn toàn mất đi mùi vị vốn có.”

    Những nhà văn sáng tác tiểu thuyết võ hiệp sau này đã ý thức được điểm này. Trong tác phẩm của họ, “mùi võ hiệp” đấy được thay thế bằng những yếu tố mang tính hiện đại hơn. Những nhà văn này phần lớn là lớp người sinh sau cuộc “cách mạng văn hóa” của TQ, quan niệm sáng tác của họ thay đổi rất nhiều, cách viết của họ là của thời đại Internet và tác phẩm của họ mang nhiều màu sắc chịu tác động từ phía độc giả.

    Theo GS Hàn Vân Ba: “Nếu những vấn đề mà Kim Dung phải đối mặt là áp bức dân tộc và ý thức phản kháng sự giam cầm nhân tính của thời đại hậu thực dân, nòng cốt của những tác phẩm Kim Dung là triết học, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa dân tộc; thì vấn đề mà những tác giả ngày nay đối mặt lại là yếu tố phát triển thế giới và hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa, nên tinh thần của các tác phẩm này là chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hòa bình.”

    Theo GS Khổng Khánh Đông, những nhà văn sáng tác tiểu thuyết võ hiệp ngày nay đang đứng trước cơ hội mà trước đây chưa từng có. Họ không những có không gian sáng tác tự do mà còn có thể tìm được chỗ thích hợp để thể hiện tài năng, điều này là không thể tưởng tượng đối với những nhà văn TQ sáng tác tiểu thuyết võ hiệp vào những năm 1980. Bởi: “Khi đấy sự khác biệt giữa văn học võ hiệp với các thể loại văn học khác rất rõ ràng, mãi cho đến khi ông Nghiêm Gia Viêm công nhận nó là “chính danh”, mới có người cho đấy là một môn học cần nghiên cứu.” Hiện nay, văn học võ hiệp đã được đưa vào giảng dạy ở trường học TQ.

    Hiện nay tại TQ, con số các nhà văn viết tiểu thuyết võ hiệp đã vượt qua 1.000 người. Tác phẩm của họ không những được đăng tải trên mạng, trên một số tạp chí văn học võ hiệp chuyên nghiệp, mà còn được xuất bản thành sách.

    Chốn giang hồ hiện đại đã phá vỡ hận thù


    Bìa tiểu thuyết Côn Luân của Phụng Ca

    Trong số những tác phẩm tân võ hiệp TQ, Côn Luân của Phụng Ca được GS Hàn Vân Ba đánh giá là một trong những đỉnh cao. Trong truyện, nhân vật chính Lương Tiêu, sống trong vào giai đoạn cuối Tống đầu Nguyên, là một nhà số học tài ba.

    Anh đã vận dụng kiến thức khoa học giúp quân Nguyên công phá thành Tương Dương, nhưng cuối cùng để phản đối sự thảm sát của quân Nguyên nên Lương Tiêu đã bỏ đi Tây Vực, du hành qua các xứ Á, Phi, Âu.

    Mặc dù tình tiết câu chuyện vẫn theo môtip huyết thù cá nhân, kỳ ngộ và tình yêu, nhưng Côn Luân lại ẩn chứa quan niệm mang tính hiện sinh. Trong quá trình giúp quân Nguyên tấn công quân Tống, Lương Tiêu nhìn thấy sự thương vong vô nghĩa của dân lành hai nước, khiến anh phát sinh ý tưởng phản chiến.

    Từ đó, anh suy ngẫm lại về tác dụng của khoa học. Khi xử lý mâu thuẫn tình cảm, tác phẩm cũng đã thoát khỏi quan điểm đa thê thường thấy trong tiểu thuyết võ hiệp, để cho hai nhân vật nữ chính tự tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. “Tiểu thuyết có thể tiếp thu tố chất của truyền thống, nhưng nhất định phải phù hợp với xu hướng thẩm mỹ của thời đại” - Phụng Ca giải thích như thế.

    Trong Tu La đạo của tác giả nữ Bộ Phi Yên, 12 nhân vật chính là 12 sát thủ tề tựu về thị trấn Tu La chém giết lẫn nhau mà mục đích là để dành lấy tự do. Bộ Phi Yên thuộc thế hệ 8X, hiển nhiên điều cô ấy nhấn mạnh hơn cả là cá tính nhân vật: “Nếu điều mà các hiệp khách trước đây phải tranh đấu là sự xâm lược của ngoại tộc và bất công của xã hội, thì các hiệp khách mà tôi dựng nên phải đấu tranh với ranh giới của lòng mình và thích tiêu dao khắp chốn”.

    Chẳng ai thay thế được Kim Dung

    Nhà nghiên cứu văn học đại chúng Thang Triết Sinh đã so sánh sự khác biệt giữa những tác giả viết tân tiểu thuyết võ hiệp với “sư tổ” Kim Dung. Theo ông, tuy về mặt sắp xếp tình tiết, tân tiểu thuyết võ hiệp có được rất nhiều bước đột phá nhưng về bản lĩnh nắm vững thế thái nhân tình và khắc họa nhân vật lại thua xa Kim tác gia. Điều này liên quan đến sự trải nghiệm và bản lĩnh văn hóa.

    Chỉ riêng Phụng Ca đã thể hiện được điều này trong tác phẩm Côn Luân. Là người sinh sau những năm 1970, “môi trường phổ cập kiến thức võ hiệp” sớm nhất của anh là thông qua phim truyền hình, tiếp đấy là làm quen với những tác phẩm võ hiệp để tạo cho mình một nền tảng kiến thức võ hiệp hoàn chỉnh.

    Sau khi xem hết những tác phẩm của Kim Dung, anh “cảm thấy không tìm ra được tác phẩm nào khác có thể xem được”. Khi lên mạng tìm đọc, Phụng Ca phát hiện ngoài Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh..., còn có nhiều tác giả sáng tác tiểu thuyết võ hiệp nhưng tất cả đều không khiến anh cảm thấy hài lòng, thế nên Phụng Ca đã nảy ý định sáng tác. Phải mất năm năm anh mới hoàn thành Côn Luân.

    Bước chân vào con đường sáng tác, Phụng Ca mới nhận ra rằng những xáo động vào thời đại mà Kim Dung trải qua, như bất hạnh gia đình, trắc trở hôn nhân và nhọc nhằn sự nghiệp đều đi vào tác phẩm của ông, như một luồng gió mang lại sinh khí cho tác phẩm. Bởi thế, sự trải nghiệm là cơ hội mà thời đại ban cho mỗi người.

    Tiểu thuyết tân võ hiệp có nhiều đề tài, phong cách thể hiện lại đa dạng thế, tác phẩm cũng đồ sộ, nhưng bên cạnh sự hưng thịnh ấy ẩn chứa nhiều điều đáng lo âu. Theo GS Hàn Vân Ba: do được sự ủng hộ của người đọc trên mạng, nhiều tác giả sớm đắm chìm trong cảm giác tự hào về chính mình, lao vào con đường thương mại hóa. Và vì thế sẽ khó mà có được những tiểu thuyết đủ khả năng thay thế tác phẩm của Kim Dung, dù chúng được quảng bá rộng rãi thế nào đi nữa trên mạng.

    (Nguồn: Tuoitre Online)
    LAN NHÃ (Theo wenxue.tom.com)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Banhmitrung, ngày 16-09-2009 lúc 12:09.
    Hidden Content Gửi bởi filo Hidden Content
    . Cứ coi rằng 4vn dịch đó là bản dịch thô, nhưng người khôn ra thì lấy cái bản đó về mà biên dịch, biên tập lại cho nó thành của mình, chắc chả ai nói đâu. Buồn cho học vấn của một con người.
    Hidden Content

    Hidden Content Gửi bởi vicent Hidden Content
    người khôn thì đem về biên dịch còn người ngu để cả cái tên halos trong bản dịch TTB
    Hidden Content

  3. #3
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Ngoại Đường Song Long
    Bài viết
    309
    Xu
    0

    Mặc định

    Không ca bài ca buồn - Cổ Long
    Dịch giả: TleKhac (Lê Khắc Tường)



    Nhà văn Cổ Long (trái)

    LÚC CÒN MƯỜI LĂM HAI MƯƠI TUỔI
    Trên đời này có nhiều hạng người, có người thích nghĩ về quá khứ, có người thích hiểu chuyện vị lai, nhưng cũng có người cho là, hồi xưa chưa chắc đã là hay, chuyện tương lai cũng không phải là chuyện suy đoán được, chỉ có "hiện tại", là chân thực, vì vậy nhất định là dễ nắm lấy. Những hạng người ấy không phải là không có chuyện để nhớ lại, chỉ bất quá thông thường không nguyện ý đi nghĩ đến nó thế thôi.

    Quá khứ như mây khói, mộng cũ khó tìm lại, cái gì mất rồi cũNg đã mất rồi, làm chuyện gì sai cũng đã làm xong rồi, một người đã học được một bài học từ đó rồi, thì cần gì phải nghĩ lại ? Nghĩ lại cũng có để làm gì ?

    Có điều mỗi khi bạn bè thân thiết tụ nhau lại, lúc mấy bình rượu từ từ vơi đi, lúc hào tình thuở thiếu niên bắt đầu từ từ ở dưới bụng đưa lên, bọn họ không khỏi đề cập đến thời xa xưa, những chuyện chỉ cần nghĩ đến sẽ làm người ta muốn phát điên lên trong lòng, mỗi chuyện đều đáng cho bọn họ uống ba ly nghiêng ngửa.

    Những chuyện làm người ta thương tâm thất vọng thống khổ, bọn họ nhất định sẽ không nghĩ đến. Vận khí của tôi cũng còn tốt lắm, hiện giờ tôi còn có thể thường thường được gặp mặt rất nhiều bạn bè hồi xưa. Trước cái lúc tôi còn chưa biết uống rượu còn xa lắc nữa, tôi đã quen biết bọn họ.


    CÁI ĐÊM Ở ĐẠM THỦY
    Uống rượu dĩ nhiên là một chuyện rất thích thú, nhưng uống say dậy lại hoàn toàn là một chuyện khác. Bạn mà say nhừ một trận, sáng hôm sau tỉnh dậy, thông thường không ở bên bờ dương liễu, cũng không có gió sớm, trăng tàn. Bạn mà say nhừ một trận, sáng hôm sau tỉnh dậy, thông thường chỉ cảm thấy cái đầu của bạn lớn hơn gấp năm gấp sáu bình thường, không những vậy còn nhức muốn chết đi được, nhất là lần đầu tiên uống say lại càng chết người. Tôi đã từng trải qua cái kinh nghiệm đó.

    Lúc đó tôi đang học trường Đạm Giang, tại Đạm Thủy, mấy người học cùng lớp bỗng đề nghị uống rượu, do đó mọi người đều rủ nhau đi kiếm mấy hủ rượu đem về. Đại khái có năm sáu người, tìm về bảy tám bình rượu, rượu Trung Quốc, rượu ngoại quốc, Hồng Lộ tửu, Ô Mai tửu, rưỢu nếp, rượu tạp nhạp đâu đó để một đống, mua chút đầu vịt, chân gà, đậu phụng, đậu hủ khô, mặt mày hứng khởi lại một gian phòng rách rưới của một người cùng lớp mướn một trăm hai mươi đồng tiền một tháng uống, uống một hồi lại chuyển qua tới bờ đê nơi gần bờ biển Đạm Thủy. Không phải bờ dương liễu, mà là bờ đê. Hôm ấy cũng không có trăng, chỉ có sao ... sao đầy trời.

    Mọi người cầm bình rượu, nằm soải ra trên bờ đê lạnh ngắt như đá, nằm dưới ánh sao lấp lánh đầy trời, nằm nghe gió biển thổi sóng đánh vào bờ đê, mi đưa bình rượu cho y, y uống một ngụm, y đưa bình rưỢu cho ta, ta uống một ngụm, lại chuyền qua người khác, mọi người bắt đầu thi đánh rắm, ai đánh không ra phải phạt uống một ngụm lớn.

    Muốn tùy thời tùy lúc đánh rắm không phải là chuyện dễ, trong mình ôm được tuyệt kỹ ấy chỉ có một người, y nói đánh là đánh, nhất định không có tý gì là trì nê đái thủy lôi thôi cả. Vì vậy y cứ đánh rắm liên tục, còn bọn tôi thì cứ liều mạng uống rượu. Hôm ấy, mọi người thật uống một trận đả đời, vì vậy mà ngày hôm sau, khó chịu muốn chết luôn. Có điều bây giờ ngồi nghĩ lại, cảm giác khó chịu đã mất tiêu không còn một chút gì, còn cái thứ lạc thú của tình bạn, cái đêm có sóng biển có sao trời đó, hình như đã bị Phi Đao của Tiểu Lý khắc vào trong trái tim, khắc một cái dấu sâu thật sâu.

    Chuyện không được như ý có tám chín phần, kiếp người cũng có quá đủ nhiều khổ đau, tại sao còn phải đi tìm thêm sầu não ? Tôi rất hiểu cái lối suy nghĩ và tâm tình của những hạng người đó, bởi vì tôi là ha/ng người đó. Những chuyện tôi đang nói đây, mỗi khi tôi nhớ đến, lại cảm thấy như mình đang ở trong cái đêm lạnh lẽo trừ tám độ đó, mạo bão tuyết về nhà, cởi áo quần ướt nhẹp lạnh băng băng ra, chui vào trong cái mền nóng hổi.

    Bạn bè và rượu đều cũ mới ngon.

    Tôi cũng hiểu cái câu đó, tôi thích bạn bè, thích uống rượu, bầu bạn với một người bạn thân bao nhiêu năm nay, uống một ly Bạch Lan Địa để tám chục năm trời, cái thứ cảm giác ấy làm sao còn hình dung ra cho nổi ? Chỉ tiếc là trong xả hội hiện đại này, cái cơ hội như thế này càng lúc càng ít đi.

    Xả hội càng tiến bộ, giao thông càng phát đạt, chân trời xa nhau như mấy thước, tối nay còn ở trong nhà ông uống mấy ly nói chuyện xa xưa với bạn bè, hôm sau rất có thể đã đi mãi chân trời xa.


    ĐÓNG VAI THÁI BẢO VÀ BẠCH SI
    Dĩ nhiên tôi không phải là cái vị trong Lưu Tinh, Hồ Điệp, Kiếm, bỗng nhiên từ Kim Đồng đổi tên thành diễn viên Cổ Long. Nhưng tôi cũng đã từng diễn kịch.

    Dĩ nhiên tôi không phải là diễn viên điện ảnh, tôi là kịch sĩ, tôi đã đóng được ba lần, đóng những vở kịch trong các đoàn kịch thời còn học sinh đấy, dĩ nhiên cũng chẳng có gì gọi là hay ho. Nhưng ba cái vị đạo diễn cho những vỡ kịch đó, mỗi vị đạo diễn đều thuộc hạng siêu đẵng. Lý Hàng, Đinh Y, Bạch Cảnh Thụy, bạn xem bọn họ có phải là hạng có thớ lắm không ?

    Vì vậy tôi rất khoái khoe khoang, ba vị đạo diễn này, vỡ kịch đầu tiên của người nào cũng đều có tôi trong đó.

    Trong hoàn cảnh đó, làm sao tôi còn không khoe khoang cho được ? Tôi có không muốn cũng không được mà.

    Lần đóng kịch đầu tiên là ở Phù Trung, lúc đó tôi là học sinh ban thứ ba mươi sáu của trường trung học sơ trung bộ phụ thuộc trường sư phạm, Lý Hàng tiên sinh còn là tổ trưởng huấn dục của chúng tôi, tiên sinh còn đang mặn nồng tình ái với vị hiện giờ là phu nhân của tiên sinh, chúng tôi đã biết chắc lúc đó là hai vị sẽ bạc đầu giai lão, trăm năm hạnh phúc đấy thôi.

    Lần đó tôi đóng làm Kim Oa, là một gã khờ, đóng xong rồi, mọi người đều cho là tôi quả thật rất giống một gã khờ.

    Cho đến bây giờ bọn họ vẫn còn có cảm giác đó.

    Chính tôi cũng vậy.

    Lần đóng kịch thứ nhì tôi đóng vai cũng không hay ho gì hơn vai đầu tiên bao nhiêu, lần đó tôi đóng vai tiểu thái bảo, một đứa bé được cha mẹ nuông chìu đến hư đốn. Lúc đó tôi đang học trường Thành Công, đến gò Phục Hưng tập, lần đầu tiên do thanh niên cứu quốc đoàn chủ biện huấn luyện. Thầy chỉ huy chúng tôi là Đinh Y tiên sinh. Hiện tại tôi vẫn còn hay gặp Đinh Y tiên sinh. Mặt ông ta có hai thứ tôi vĩnh viễn không thể nào quên được.

    ... Một cặp kiếng cận dày dặc và một nụ cười ôn hoà.

    Tôi cũng quên không nổi gò Phục Hưng.

    Hoàng hôn trên gò Phục Hưng.

    Gò Phục Hưng đẹp làm sao, hoàng hôn đẹp làm sao.

    Gò Phục Hưng dĩ nhiên không phải chỉ vào hoàng hôn mới đẹp. Sáng sớm, buổi tối, buổi trưa, buổi chiều, mỗi ngày mỗi lúc đều đẹp như vậy.

    Sáng sớm dậy, ăn hai cái bánh bao những người sợ mập không dám đụng vào xong, bèn bắt đầu chào cờ, thể thao buổi sáng và vào lớp.

    Giữa trưa ăn cơm, ăn còn hơn bình thời ở nhà ăn ít nhất là gấp bội.

    Chiều lại giải trí, ai ai cũng rất thật lòng, mỗi ngày mỗi giờ đều rất thật lòng thoải mái.

    Nhưng cái tôi không bao giờ quên được là hoàng hôn, hoàng hôn trên gò Phục Hưng.

    - Đến hoàng hôn, những lời anh nói sao hay quá, nghe như tiếng nhạc.

    Có một cô gái hơn tuổi tôi một chút, cặp mắt nho nhỏ, cái mủi nho nhỏ, cái miệng nho nhỏ, đến hoàng hôn, là cứ thích hát cái bài đó.

    Cô ta hát, tôi nghe.

    Tan học, tắm rửa xong xuôi, thân hình bao nhiêu mồ hôi mồ hám mất sạch, cái nóng của ban ngày cũng vừa tiêu đi, ráng chiều cũng vừa hiện ra thật là tráng lệ, gió chiều mát mẻ cũng vừ từ dãy núi xa xa bên kia thôi lại, gió đem theo mùi thơm của cây cỏ.

    Tôi đi với cô ấy trên con đường nhỏ đến gò Phục Hưng, tôi nghe cô ấy ca, tiếng ca nho nhỏ. Cô ca không phải chỉ là bài ca, mà là điều làm người ta không bao giờ quên nổi. Bây giờ nhớ lại, hình như là chuyện đã bảy tám chục thế kỷ về trước, mà lại như là chuyện hôm qua.

    Cho đến bây giờ tôi còn không biết lúc đó tình cảm của tôi đối với cô ấy rốt cuộc ra sao, tôi chỉ biết lúc đó tôi rất sung sướng, chúng tôi cùng không có mục đích gì, cũng không có đòi hỏi gì, chúng tôi chẳng làm chuyện gì cả, thậm chí có lúc còn không nói gì cả.

    Nhưng giữa chúng tôi, ai cũng biết người kia trong lòng đang rất sung sướng. Diễn kịch được ba ngày, ngày cuối cùng, hạ màn rồi, dưới đài ai ai cũng đã ra về, trên đài người ta cũng bắt đầu đi.

    Chúng tôi đến từ các trường học khác nhau, đết từ các địa phương khác nhau, cùng cộng đồng sinh hoạt với nhau trong năm ngày, hiện giờ, kịch đã diễn xong, chúng tôi nằm dài một hàng trên đài, đối diện với những hàng ghế trống phía dưới.

    Trong một khoảnh khắc trước đó, nơi đây còn là chỗ nhiệt náo biết bao nhiêu, nhưng bỗng dưng kịch tàn người tan, chúng tôi mỗi người cũng sẽ chia tay nhau mỗi người mỗi ngã.

    ... Những người bạn nằm trên đài bên cạnh tôi tối hôm đó ơi, trong lòng các bạn đã cảm thấy gì lúc đó ?

    Hôm đó ngay cả chúng tôi không chừng cũng không biết trong lòng mình đang có cảm giác gì. Nhưng từ hôm chia tay nhau đó. mỗi người hình như đã trưởng thành đi rất nhiều lắm.

    Lần diễn kịch thứ ba là ở trường Thành Công, người tổ trưởng huấn luyện chúng tôi là Triệu Cương tiên sinh, nhưng đạo diễn thì được mời từ trường khác lại, chính là vị "Tề công tử Tiểu Bạch" hiện giờ.


    ĐỘC GIẢ LÝ TƯỞNG
    Bạch Cảnh Thụy tiên sinh không những chỉ dẫn tôi đóng kịch mà còn chỉ tôi môn hội họa, vẽ trên bình bông và hoa quả, bình bông cuối cùng không biết về đâu, điều duy nhất xác định được là, hoa quả không thể nào bị người ta nuốc chửng vào bụng, bởi vì những thứ đó đều làm bằng sáp, ăn không được.

    Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn gọi Bạch tiên sinh là thầy, có thể nói giữa chúng tôi không hề có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Lúc tôi viết bộ tiểu thuyết vũ hiệp đầu tiên, ông ta còn làm ký giả ở tờ báo Tự Lập, ở trọ trong nhà của Lý Kính Hồng tiên sinh, thường thu=ờng bởi vì về trễ nên về không được, lúc đó tôi ở trong phòng trên dãy lầu phía sau nhà ông ta ở, tôi viết bộ tiểu thuyết đầu tiên, vừa xong hai ba vạn chữ, ông ta bỗng đêm hôm khuya khoắt lại chơi, do đó, tự nhiên trở thành người dộc giả đầu tiên của tôi.

    Hai năm trước, ông ta bỗng dưng lại đi đọc truyện của tôi, trước sau có tới mười tám năm dài, đối với một người viết tiểu thuyết vũ hiệp mà nói, độc giả như thế này, chỉ cần một người cũng đã đủ để mình cảm thấy quá sung sướng.



    TỪ HỘI HỌA ĐẾN NGÀY HÔM NAY
    Trước kia chưa viết tiểu thuyết vũ hiệp, tôi cũng như Nghê Khuông và các tác giả khác, đều rất ghiền tiểu thuyết vũ hiệp, không những vậy đều bắt đầu từ những cuốn chuyện tranh nhi đồng ("tiểu nhân" thư). Truyện tranh nhi đồng là chuyện kể bằng tranh liên hoàn, đại khái là tương đương như video recorder bây giờ, một cuốn chừng vài trăm tờ, một bộ chừng hai ba chục cuốn, nội dung bao la vạn tượng, đủ khắp thứ trên cỏi đời, trong đó có vài vị danh gia như Triệu Hùng Bản, Triệu Tam Đảo, Trần Quang Ích, Tiền Tiếu Phật, cho đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng rất rõ.

    Trần Quang Ích thích sẽ chuyện vui cười, bắt đầu từ con gà trong lồng bay ra, bay đi, trứng bể, chó sủa, người nhảy, chén bể, canh đổ, làm bọn con nít chúng tôi xem cười muốn vỡ cả bụng ra.

    Tiền Tiếu Phật thì chuyên vẽ về chuyện dạy đời, nói đến nhân quả báo ứng, khuyên người ta làm điều thiện. Triệu Hùng Bản và Triệu Tam Đảo thì vẽ vũ hiệp chính tông, Triển Chiếu và Âu Dương Xuân trong Thất Hiệp Ngũ Nghĩa, Ưng Trảo Vương và Phi Đao Viêm Ngũ do Trịnh Chứng Nhân sáng tác, những chuyện đó đến tay bọn họ, đều biến thành như những người thật. Lúc đó trong cặp của bọn học sinh, nếu không có mấy cuốn tranh nhi đồng, mới là chuyện không thể tưởng tượng được.

    Nhưng không biết rồi đến lúc nào đó, những đứa học sinh nhỏ bé đã lớn lên, chuyện nhi đồng không còn đủ sức hấp dẫn bọn chúng tôi, thần tượng của chúng tôi bèn từ Triệu Hùng Bản chuyển qua Trịnh Chứng Nhân, Châu Trinh Mộc, Bạch Vũ, Vương Độ Lư và Hoàn Châu Lâu Chủ, tác giả tiểu thuyết vũ hiệp lúc ấy được mọi người yêu chuộng nhất chính là năm vị đó. Sau đó thì là Kim Dung.

    Tiểu thuyết của Kim Dung kết cấu rất tinh vi, văn chương gọn ghẽ điêu luyện, hỗn hợp từ văn pháp của Hồng Lâu Mộng và phương tây, thành ra một hình thức mới mẽ, phong cách tân thời. Nếu trong tay tôi có mười tám bộ tiểu thuyết của Kim Dung, chỉ xem mười bảy bộ rưỡi, tôi nhất định sẽ không ngủ được yên giấc.

    Vì vậy tôi cũng bắt đầu viết. Động cơ đầu tiên thúc đẩy tôi viết tiểu thuyết vũ hiệp, không phải là lý do gì đường hoàng oai vệ cho lắm, mà chỉ là muốn kiếm tiền thế thôi.

    Lúc ấy tôi mới có mười tám mười chín tuổi, bộ đầu tiên tên là Thương Cùng Thần Kiếm. Đó là bộ chuyện rách nát, nội dung rườm rà lôi thôi, viết thiếu này thiếu kia, bởi lúc ấy tôi không hề xem đó là chuyện đứng đắn.

    Nếu ngay cả người viết chuyện còn không xem trọng tác phẩm của mình, thì còn ai coi trọng nó ?

    Viết được mười năm, tôi mới từ từ bắt đầu có tý quan niệm nhận thức mới mẻ về tiểu thuyết vũ hiệp, bởi vì đến lúc đó, tôi mới có thể tiếp xúc được cái tinh thần hàm súc trong đó. Cái tinh thần "hữu sở tất vi" (Phải làm là làm) của bậc nam tử hán, cái ý chí phấn đấu không bao giờ chịu khuất phục, cái quyết tâm có bẻ mấy cũng không gãy.

    Cái tinh thần chiến đấu "tuy thiên vạn nhân ngô vãng hỷ". (Tuy ngàn vạn người, xông vào tôi cũng xông)

    Những cái tinh thần đó làm cho người ta phấn khởi vùng lên, làm cho người ta hứng khỏi quật cường, nhất định không làm người ta nản chí tiêu trầm, không làm cho người thấy xong muốn đâm đầu tự tử.

    Do đó tôi cũng bắt đầu từ từ biến đổi, bắt đầu nhìn chính chắn lại hình thức tiểu thuyết tôi viết, hy vọng người khác cũng nhìn nó chính chắn như tôi vậy.

    Tiểu thuyết vũ hiệp cũng là một loại tiểu thuyết, nó còn tồn tại được tới bây giờ, dĩ nhiên là có cái giá trị cho nó tồn tại. Mấy năm gần đây, học giả nước ngoài từ từ đã bắt đầu thừa nhận sự tồn tại của nó, từ từ đã bắt đầu có phê bình khách quan và công bằng về lối hành văn, kết cấu, tư tưởng cá tính xung đột của các nhân vật trong truyện.

    Hai năm nay, độc giả ở Đài Loan đã từ từ thay đổi lối nhìn vào tiểu thuyết vũ hiệp, đấy dĩ nhiên là kết quả của các tác giả tiểu thuyết vũ hiệp cùng nhau nổ lực mà tạo nên. Nhưng tiểu thuyết vũ hiệp bị người ta phỉ báng, cũng không phải là hoàn toàn không có căn cứ, trong đó có những chuyện quá hoang liêu, quá cũ kỹ, nhân vật quá bị thần thoại hóa, bố cục quá lỏng lẻo, văn chương quá sơ sài, đều là những chỗ chúng ta nên phải sữa đổi.

    Muốn cho tiểu thuyết vũ hiệp được cái địa vị xứng đáng của nó, điều cần nhất là mọi người đều phải cùng nhau nổ lực.

    Từ Thương Cùng Thần Kiếm tới Ly Biệt Câu, đã qua một quá trình dài dẳng gian khổ. Một cậu con trai mười tám mười chín tuổi, đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm gian khổ, học được bao nhiêu bài học quý giá.

    Nhưng hiện tại mỗi lần nghĩ đến, những thứ đó đều có giá trị vô cùng của nó, bất kể bỏ ra bao nhiêu công sức cũng đều rất xứng đáng.

    Bởi vì chúng ta ai ai cũng đều trưởng thành qua gian nan khốn khổ.

    Một người chỉ cần còn sống đó, đã là một chuyện sung sướng rồi, huống gì còn được tiếp tục không ngừng những giây phút tiếp tục trưởng thành.

    Vì vậy chúng ta được một bài học nào, bài học đó sẽ đáng cho chúng ta trân trọng giữ lấy. Bài học nào cũng làm cho người ta phấn khởi tinh thần, tự cường bất tức (*).

    Nếu một người kúc nào cũng đều nghĩ như vậy, trong lòng y làm sao còn có thể có những kỹ niệm làm cho mình thương tâm thất vọng thống khổ hối hận cho được ?


    ---------------
    Cổ Long 21/6/1967


    --------
    (*) Trong kinh Dịch quẻ Càn, tuợng nói rằng: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức, có lẽ là chủ đề bài này của Cổ Long
    (nguồn:nhanmonquan.com)

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Banhmitrung, ngày 16-09-2009 lúc 12:10.
    Hidden Content Gửi bởi filo Hidden Content
    . Cứ coi rằng 4vn dịch đó là bản dịch thô, nhưng người khôn ra thì lấy cái bản đó về mà biên dịch, biên tập lại cho nó thành của mình, chắc chả ai nói đâu. Buồn cho học vấn của một con người.
    Hidden Content

    Hidden Content Gửi bởi vicent Hidden Content
    người khôn thì đem về biên dịch còn người ngu để cả cái tên halos trong bản dịch TTB
    Hidden Content

  4. #4
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Ngoại Đường Song Long
    Bài viết
    309
    Xu
    0

    Mặc định

    Sơ lược về nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến
    Huỳnh Ngọc Chiến (còn có các bút hiệu: Hoàng Ngọc, Hoàng Thập Di) sinh năm 1955, quê Quảng Nam, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Ông là thạc sĩ công nghệ thông tin và sinh sống bằng các nghề dạy học, viết sách, dịch thuật.

    Lai rai chén rượu giang hồ
    Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến

    ....Núi hùng vĩ điệp trùng, cao phong tiếu bích vươn đến trời xanh, nhưng núi đẹp là nhờ mây. Sông mênh mông bát ngát, uốn khúc lượn lờ hay cuồng nộ thét gầm, nhưng sông linh là nhờ có giao long, thủy quái. Rừng bạt ngàn huyền bí nhưng rừng thâm u quyến rũ là nhờ có dị sĩ cao nhân. Khách hảo hán giang hồ phiêu bồng lang bạt mang bản chất hào sảng khoáng đạt một phần là nhờ rượu.


    ...Nền văn hoá phương Đông không có một vị tửu thần như thần Dionysos trong thần thoại Hi Lạp, nhưng có lẽ chỉ ở phương Đông mới có một tửu đồ cuồng sĩ đời Tây Tấn tên là Lưu Linh ngông đến mức làm bài thơ Tửu đức tụng ca ngợi cái Đức của rượu, được lưu truyền ở đời, gây ảnh hưởng nhất định. Theo Tấn thư thì Lưu Linh, tự Bá Luân, quá ham mê uống rượu. Một hôm, vợ đập vỡ vò rượu, khóc bảo :"Ông uống rượu quá nhiều, đó không phải là cái đạo nhiếp sinh, phải bỏ bớt đi". Lưu Linh nói "Ta không thể tự cấm được, phải cầu quỉ thần lên để khấn nguyện, vậy phải đủ rượu thịt để làm lễ chứ !" Vợ nghe lời làm theo. Lưu Linh bèn qùi xuống khấn rằng :“ Thiên sinh Lưu Linh, Dĩ tửu vi danh, Nhất ẩm nhất hộc, Ngũ đẩu giải tinh, Phu nhơn chi ngôn, Thận bất khả thính (Trời sinh ra Lưu Linh, do uống rượu mà nối danh. Mỗi lần uống một hộc. Uống năm đẩu mới giải tỉnh. Lời của đàn bà nói, Xin cẩn thận đừng nghe ! )


    ...Văn học Trung quốc qua bao thời đại không thiếu thơ văn ca ngợi rượu. Thậm chí rất nhiều. Thông thường người ta chia ra làm ba cách uông rượu : tục tửu, thường tửu và tiên tửu. Tục tửu là uống đến chỗ phóng đãng bừa bãi, không làm chủ được mình. Thường tửu là uống xong cho sảng khoái, uống chỉ vì thích uống mà thôi. Tiên tửu là uống rượu như một thứ trợ hứng để bàn về thi ca, nghệ thuật nhằm di dưỡng tinh thần. Đến Kim Dung thì chén rượu lại được điểm xuyến thêm một phần ý vị nữa : đó là chén rượu lãng mạn hào hùng giữa chốn giang hồ. Đối với cuộc sống rong ruỗi phiêu bạt của khách võ lâm, có thể trong buổi tiễn đưa hoặc buổi trùng lai thiếu tiếng đàn tiếng hát nhưng chắc chắn trong nỗi buồn li biệt hay trong niềm vui hội ngộ đó luôn luôn có rượu. Chung quanh chén rượu và ngay trong chén rượu có biết bao nhiêu tâm sự của muôn vạn mãnh đời. Khắp võ lâm, từ trà đình tửu quán cho đến chốn núi thẳm rừng sâu, hễ nơi đâu có mặt hảo hán giang hồ là y như nơi đó có rượu. Một điều đáng ghi nhận là trong tác phẩm Kim Dung, hầu như những nhân vật nào đam mê rượu cũng đều có tâm hồn hào sảng, phóng khoáng. Đó là một Tiêu Phong kiêu dũng, một Hồng Thất Công cương trực, một Lệnh Hồ Xung khoáng đạt, một Đan Thanh hào phóng v..v ... Bang chủ Hồng Thất Công do tính ham rượu và nhậu nhẹt nên bị Hoàng Dung dùng mẹo lừa để ông phải truyền tuyệt kĩ “Hàng long thập bát chưởng” cho Quách Tĩnh. Đoàn Dự khi lang bạt giang hồ tìm Vương Ngọc Yến, thấy Tiêu Phong ngồi uống rượu trên Tùng hạc lâu mà sinh cảm mến, cùng nhau uống rượu rồi kết làm huynh đệ. Đó là cách uống rượu hào sảng của khách anh hùng. Đoàn Dự dùng Thiếu trạch kiếm để tiết hết rượu ra khỏi người theo đầu ngón tay út mới có thể đối ẩm với “đại tửu ... lâm cao thủ “ là Tiêu Phong. Đó là cách uống rượu đầy tiểu xảo mà Đoàn Dự vô tình phát hiện. Và chỉ trong tác phẩm Kim Dung mới có được “pha” uống rượu thú vị thế kia.


    ...Nếu chén rượu đầy mưu trí của Lệnh Hồ Xung trên Trích Tiên tửu lâu khi lừa Điền Bá Quang để cứu Nghi Lâm làm người đọc vừa buồn cười vừa thán phục thì chén rượu thương đau của gã trên đỉnh Hoa Sơn lạnh buốt lại đắm chìm trong nỗi nhớ thương cô tiểu sư muội Nhạc Linh San, làm cho người đọc ngậm ngùi. Một tên dâm tặc vô hạnh như Điền Bá Quang lại biết lẻn vào hầm rượu của Trích Tiên tửu lâu đập vỡ hết gần hai trăm vò rượu quí hiếm trên thế gian, chỉ giữ lại hai vò để mang lên đỉnh Hoa Sơn cùng đối ẩm với Lệnh Hồ Xung, đã làm cho người đọc phát sinh hảo cảm, dù gã đã bị cả hai phe hắc bạch khinh bỉ là hạng “vô ác bất tác đích dâm tặc” ( tên dâm tặc không có điều ác nào mà không làm ). Thử hỏi trong đời có mấy ai được uống một chén rượu chí tình đáng cảm động thế kia ? Một chi tiết nhỏ đó thôi chắc cũng đủ khiến cho tửu đồ khắp thiên hạ cùng nhau nâng chén rượu tha thứ phần nào tội lỗi cho Điền Bá Quang ! Đâu phải chỉ trong tiếng đàn, tiếng tiêu cao nhã mới có thể tạo nên mối đồng cảm tri âm như Khúc Dương trưởng lão và Lưu Chính Phong, mà một chén rượu đục trong chốn giang hồ vẫn đủ sức để tạo nên mối tình tri ngộ giữa một người mang tiếng bại hoại và một môn đồ phe chính giáo. Cái chân tâm trong chỗ giao tình vẫn luôn luôn nằm bên kia âm thanh cũng như luôn luôn nằm đằng sau chén rượu ! Rượu hay âm nhạc lúc đó chỉ là phương tiện để con người tìm gặp nhau ở một điểm nào đó trong chổ ý hợp tâm đầu. Khi Lệnh Hồ Xung tung chén rượu lên trời thành muôn ngàn giọt để cùng chia xẻ với quần hùng hắc đạo trên đỉnh Ngũ Bá cương, Kim Dung đã cực tả tính hào sảng của một gã tửu đồ giữa niềm thống khoái chân tình với hào kiệt giang hồ. Hình ảnh kiêu hùng của Hướng Vấn Thiên khi bị trói đôi tay mà vẫn trầm tĩnh ngồi uống rượu trong lương đình giữa vòng vây của hai phe hắc bạch, đã khiến Lệnh Hồ Xung trổi dậy hào khí, liều lĩnh chen vào ngồi đối ẩm để cùng xẻ chia hoạn nạn. Người đọc không ngạc nhiên vì sao sau này, khi Giáo chủ Nhật nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành thống lĩnh giáo chúng vây Hoa Sơn để tiêu diệt Ngũ nhạc kiếm phái, đẩy Lệnh Hồ Xung vào thế đối địch, thì Hướng Vấn Thiên là người đầu tiên bạo dạn cùng uống với Lệnh Hồ Xung một chén rượu cuối cùng ngay tại đương trường trước khi chuẩn bị cho một trận huyết chiến sắp tới, dù biết rõ Nhậm Ngã Hành đang ngấm ngầm phẫn nộ. Rồi lần lượt các tay hào kiệt khác trong Nhật nguyệt thần giáo cũng can đảm bước ra cạn chén với Lệnh Hồ Xung dù trong thâm tâm họ cũng hiểu rằng điều đó sẽ gây thịnh nộ cho Giáo chủ và cái giá phải trả đằng sau chén rượu kia có khi là cái chết. Biết bao nhiêu hào khí hùng tâm chứa chan trong một chén rượu nồng !. Lệnh Hồ Xung kết giao hào kiệt giang hồ chủ yếu bằng rượu. Gặp bất kì người nào sành rượu và thích uống rượu là giao tình nẩy nở. Đối với Lệnh Hồ Xung dường như không có chính hay tà mà chỉ có rượu ngon hay dỡ và nhất người nâng chén rượu cùng uống có đáng mặt hảo hán để giao kết hay không mà thôi. Lúc đó thì ân oán thị phi đều có thể hoà tan trong chén rượu chân tình.


    ...Nếu chén rượu của Lệnh Hồ Xung đầy tính lãng mạn thì chén rượu của Tiêu Phong lại rất mực hào hùng. Khi uống rượu vào những giây phút quyết định tư sinh thì chén rượu của Lệnh Hồ Xung vẫn mang chất khoái hoạt phiêu bồng còn chén rượu của Tiêu Phong lại tràn đầy hào khí ! Tại Tụ Hiền trang, trước khi cùng quần hùng quyết đấu, Tiêu Phong vẫn cùng họ uống rượu để tuyệt tình. Chén rượu ném đi, giao tình đứt đoạn và cuộc chơi sinh tử bắt đầu. Nhưng đến chén rượu trên chùa Thiếu Lâm mới thật chan chứa hùng tâm.
    Khi tình cờ bị vây hã m trên đỉnh Thiếu Thất bởi vô số những cao thủ cự phách, Tiêu Phong trong cảnh lâm vào tuyêỷt địa vẫn hiên ngang uống rượu. Khi đánh lùi một lúc cả ba đại cao thủ Du Thản Chi, Đinh Xuân Thu, Mộ Dung Phục, khiến Tiêu Phong hào khí ngất trời, ông hô vệ sĩ mang mấy túi rượu uống cạn một lúc gần hai mươi cân, rồi ngõ lời cùng Đoàn Dự : ”Huynh đệ, ta và người hôm nay đồng sinh tử, thật không uổng phí một phen kết nghĩa, sống cũng tốt mà chết cũng tốt, chúng ta cùng nhau uống một trận cho thật thống khoái ! “. (Huynh đệ, nễ ngã sinh tư vi cộng, bất uổng liễu kết nghĩa nhất trường, tư dã bãi, hoạt dã bãi, đại gia thống thống khoái khoái đích hát tha nhất trường !)

    Hào khí bức người của Tiêu Phong khiến nhà sư Hư Trúc cảm kích quên hết giới luật thanh qui, cùng nhau cạn chén. Cảnh tượng một tay đại hào kiệt là Tiêu Phong cùng anh chàng đồ gàn Đoàn Dự và nhà sư Hư Trúc làm lễ giao bái và uống rượu ngay trong vòng gươm đao trùng điệp để chuẩn bị mở một trường đại sát thật láng lai hào khí của võ lâm, khiến cho người đọc cảm thấy hùng tâm hứng khởi như đọc Sư kí Tư Mã Thiên đến đoạn Thái tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Đó không phải chén rượu liều lĩnh của bọn dũng phu cùng đường, mà là chén rượu của những tay hào tuấn xem cái chết như là “một cõi đi về “ khi đã cảm nhận trọn vẹn được tấm chân tình của nghĩa đệ huynh ! Sống ở nhân gian mà có được một người tri kỉ thì có chết đi cũng không đến nỗi uổng phí bình sinh ! Uống rượu hào hùng đến trình hạn ấy mới là chỗ mà thơ Lý Hạ gọi là Chân thị Kinh Kha nhất phiến tâm (đó mới thực là tấm lòng của Kinh Kha).
    Nhưng uống rượu như Tiêu Phong hay Lệnh Hồ Xung cũng chỉ là cách uống rượu hào hùng thống khoái của hảo hán giang hồ, mà cách uống rượu của Đan Thanh tiên sinh - đệ tứ trang chủ Cô sơn Mai trang - hay Tổ Thiên Thu mới đúng là hạng tửu đồ thượng thừa sành điệu. Người đọc ắt hẵn phải thâm tạ Kim Dung đã tặng cho đời những trang tuyêt bút về rượu. Uống nào phải dùng chén ấy. Chén ngọc hay chén lưu li làm rượu nổi thêm màu sắc [1], chén sừng tê làm rượu thêm hương vị. Uống rượu bồ đào phải dùng chén dạ quang [2], vì khi rót vào chén dạ quang thì rượu bồ đào sẽ có màu đỏ như máu, khiến cho quân sĩ ngoài biên tái uống vào thêm hùng khí chiến đấu. Uống rượu Thiệu hưng trạng nguyên hồng phải dùng chén cổ đời Bắc tống. Uống rượu Lê Hoa phải dùng chén Phỉ Thúy. Các quán rượu tại Hàng Châu thường treo cờ xanh trước tiệm rượu để ánh sáng chiếu màu xanh vào chén rượu Lê hoa như màu phỉ thuý [3 ]v.v... Thử hỏi mấy ai đọc Đường thi mà có thể cảm nhận ra chỗ tận diệu trong lời thơ thế kia, nếu như không có những “nhà tửu học ” như Tổ Thiên Thu ? Tổ Thiên Thu phân tích về rượu làm ta nhớ lại lão ăn mày trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân bình phẩm về trà. Họ đều là những nghệ sĩ tài hoa trong làng trà làng rượu. Với Đan Thanh và Tổ Thiên Thu thì uống rượu đã trở thành một loại nghệ thuật. Uống rượu đến mức đó là gần như nâng rượu lên thành Tửu đạo.
    Đáng tiếc thay, ở phương Đông, cái tạm gọi là Tửu đạo đó lại không được lịch sử phát triển thành một trào lưu như Trà đạo. Có lẽ vì nó giống như con dao hai lưỡi. Kẻ non nớt dùng nó ắt sẽ bị đứt tay. Tiên tửu chưa chắc đã thấy đâu mà tục tửu có thể đã ngập tràn trong thiên hạ ! Chén rượu ngày nay đã mang quá nhiều tục sắc. Tửu vị cho dẫu đã được nâng lên thêm mấy bậc nhưng tửu đạo lại bị hạ xuống thấp mấy tầng ! Giá như Tổ Thiên Thu và Đan Thanh sống lại ắt hẵn sẽ mời tất cả các tửu đồ thượng thừa trong thiên hạ đời nay tụ tập lại để giảng cho nghe về tửu đạo và cùng nhau lai rai một chén rượu giang hồ !

    -----------------------------
    [1] Lưu li chung, hổ phách nùng ( chén đựng rượu bằng ngọc lưu li làm màu hổ phách của rượu thêm đậm đà - Thơ Lý Hạ ) hay Ngọc uyển thịnh lai hổ phách quang (chén ngọc làm sáng
    thêm màu hổ phách của rượu - Thơ Lí Bạch )
    [2] Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi ( Rượu Bồ đào rót chén dạ quang, Toan uống Tỳ bà dục lên đàng - Thơ Vương Hàn)
    [3] Hồng tụ chức lăng khoa thị diêp, thanh kì cô tửu sấn Lê hoa ( Tay áo lụa hồng khoe lá thị, cờ xanh quán rượu ánh Lê hoa - Thơ Bạch Cư Dị)
    (Tài liệu nhiều nguồn)
    Lần sửa cuối bởi romas, ngày 14-11-2007 lúc 21:53.
    Hidden Content Gửi bởi filo Hidden Content
    . Cứ coi rằng 4vn dịch đó là bản dịch thô, nhưng người khôn ra thì lấy cái bản đó về mà biên dịch, biên tập lại cho nó thành của mình, chắc chả ai nói đâu. Buồn cho học vấn của một con người.
    Hidden Content

    Hidden Content Gửi bởi vicent Hidden Content
    người khôn thì đem về biên dịch còn người ngu để cả cái tên halos trong bản dịch TTB
    Hidden Content

  5. Bài viết được 2 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    blackcat_gx,dinhdoanhd,
  6. #5
    Ngày tham gia
    Nov 2007
    Đang ở
    Ngoại Đường Song Long
    Bài viết
    309
    Xu
    0

    Mặc định

    LỆNH HỒ XUNG : CHÂN DUNG GÃ TỬU ĐỒ LÃNG TỬ
    Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến

    ... Dường như có một qui luật trong sáng tạo của các thiên tài là : các tác phẩm thường đi từ bi đến lạc hoặc đi từ lạc đến bi. Nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare, sau các hài kịch Much ado about nothing, The merchant of Vernice v.v... lại sáng tạo tiếp các bi kịch như King Lear, Othello, Macbeth v.v.... Còn Kim Dung thì ngược lại, sau các tác phẩm làm tan nát lòng người như Thiên long bát bộ, thì Tiếu ngạo giang hồ là tác phẩm tương đối ít bi thương. Khung trời máu lửa của võ lâm dường như đã bắt đầu tửơi sáng hơn khi mà các thành kiến chính tà và thị phi ân oán cũng như tham vọng thống nhất giang hồ đều tiêu dung, hoá giải trong khúc cầm tiêu hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ của Nhậm Doanh Doanh và gã tửu đồ lã ng tử Lệnh Hồ Xung.


    ....Trước khi Lệnh Hồ Xung xuất hiện trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã chuẩn bị một bối cảnh khá chu đáo, dù chỉ toàn bằng lời kể. Chính sự có mặt trong vắng mặt càng làm tăng thêm vẽ hấp dẫn cho nhân vật cực kì đáng yêu này. Thoạt tiên ngưòi ta chỉ biết đến gã như tên “ bợm nhậu” khi lừa một ông lão ăn mày để uống hết vò rượu ngon bằng nội công thâm hậu của mình. Kế đó, gã lại hiện ra như là kẻ mất nết ưa gây hấn khi giao du với tên dâm tặc Điền Bá Quang và giết đệ tử phái Thanh Thành. Bao nhiêu ác cảm, ngộ nhận đều trút lên đầu gã. Chỉ từ lúc cô tiểu ni xinh đẹp Nghi Lâm xuất hiện thì mọi chuyện mới thay đổi, và qua lời kể của cô, chân dung tên tửu đồ bẻm mép, giảo hoạt đómới bắt đầu hiện rõ nét như là một người trượng nghĩa, thông minh và cực kì liều lĩnh.


    Lệnh Hồ Xung do diễn viên Lý A Bằng thủ vai

    ....Đến khi gương mặt nhợt nhạt của gã, với đôi môi mỏng dính và đôi mày hình lưỡi kiếm hiện trên giường của một kỉ viện thành Hành sơn thì độc giả đã hình thành thêm được tính cách của gã : ngang tàng, đởm lược, ứng biến cực kì mau lẹ. Có gì lí thú hơn khi chưởng môn phái Thanh Thành là Dư Thương Hải bị gã, dù toàn thân bất lực do bị trọng thương, dùng mẹo khiêu khích, lừa không cho mở tấm mền giấu Khúc Phi Yến và Nghi Lâm đang run sợ bên cạnh gã. Một dạng biến tửớng thông minh của mưu kế kiểu “ Không thành” mà Khổng Minh dùng lừa Tử Mã ý, làm người đọc vô cùng khoan khoái !
    Có lẽ tất cả các chi tiết trên chỉ là sự chuẩn bị của Kim Dung về tính cánh của Lệnh Hồ Xung để lí giải việc lí dó vì sao gã có cơ duyên được Phong Thanh Dương truyền cho môn kiếm pháp vô địch thiên hạ : Độc Cô cưu kiếm, môn học không chỉ đòi hỏi trí thông minh mà còn cần phải có một tâm hồn khoáng đạt, không câu nệ, cố chấp, và ứng biến linh hoạt. Người đọc làm sao quên được đoạn gã bị phạt trên đỉnh núi Hoa sơn và buộc phải đấu kiếm nhiều phen với Điền Bá Quang để khỏi bị họ Điền “mời” xuống núi. Cùng uống với họ Điền hai vò rượu quí hiếm duy nhất thế gian là để tạ tình tri kỉ, dù họ Điền là tên dâm tặc, đó là cái tình. Uống xong, tuốt kiếm đánh nhau, không chấp nhận xuống núi vì tuân theo sư mệnh, đó là cái lí. Khi gã dùng một mẹo vặt khá tồi bại, không xứng đáng với đệ tử danh môn chính phái, để gạt được Điền Bá Quang nhằm tranh thủ thêm thời gian học môn Độc Cô cưu kiếm, gã biện bạch với Phong Thanh Dương là : đối với bọn đê hèn vô liêm sỉ thì phải dùng thủ đoạn đê hèn vô liêm sỉ, người đọc hồi hộp biết ngần nào khi nghe vị tôn sư võ học kia nghiêm nghị hỏi lại : “Thế đối phó với bậc chính nhân quân tử thì sao ?”. Câu hỏi như một loại công án thách thức sự ứng biến chân thành. Gã đã thành thực lẫn bạo gan trả lời đúng với tính cách của mình, không một lớp sơn phù phiếm hoa hoè giả tạo của môn qui : “Cho dù bọn họ có là bậc chính nhân quân tử đi nữa, mà nếu như họ muốn giết đệ tử, thì đệ tử quyết không cam tâm để bị giết, cùng lắm đến lúc chẳng đặng đừng đó, thì thủ đoạn hèn hạ vô liêm sỉ cũng phải dùng tạm chớ biết làm sao !” ( Tựu toán tha chân thị chính nhân quân tử, thảng nhược tưởng yếu sát ngã, ngã dã bất năng cam tâm tựu lục, đáo liễu bất đắc dĩ đích thời hậu, ti bỉ vô sỉ đích thủ đoạn, dã chỉ hảo dụng thượng giá ma nhất điểm bán điểm liễu ). Người đọc lo ngại thay cho gã, sợ câu nói liều lĩnh làm phật ý vị Thái sư thúc tổ của môn phái. Ngờ đâu ta còn khoan khoái hơn khi nghe Phong Thanh Dương tươi cười rạng rỡ, nói : “ Hay lắm, hay lắm ! Câu nói của nhà ngươi đúng là khác với bọn ngụy quân tử giả mạo bịp đời. Bậc đại trượng phu hành sự thích việc gì ra việc nấy, linh hoạt như nước chảy mây bay, tuỳ ý thích mà làm. còn tất cả những thứ qui củ võ lâm, giáo điều môn phái gì gì đó đều chỉ là cái rắm chó thúi đáng vất đi mà thôi ! “ (Hảo, hảo! Nễ thuyết giá thoại, tiện bất thị giả mạo vi thiện đích ngụy quân tử. Đại trượng phu hành sự, ái chẩm dạng tiện chẩm dạng, hành vân lưu thủy, nhậm ý sở chí, thậm chẩm võ lâm qui củ, môn phái giáo điêu, toàn đô thị phóng tha ma đích cẩu xú tí !).


    ....Trong toàn bộ tác phẩm Kim Dung, tôi cho rằng không có đoạn nào làm người đọc cảm thấy thống khoái hơn đoạn đối thoại trên đây, khi nghe câu nói vô cùng khoái ý chân tình của một bậc cao nhân tiền bối của võ lâm, một vị đại tôn sư võ học, mà lại là của phe được xem là chính giáo ! ấy vậy mà người đọc vẫn kính mộ PhongThanh Dương như một con thần long phiêu hốt, ngẫu nhiên ghé về trần gian trao một tặng vật cho người hữu duyên rồi biến mất. Để rồi về sau, hình ảnh ông chỉ xuất hiện như một huyền thoại, qua hồi tưởng của hai vị đại tôn sư võ học khác là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo[1] Nhậm Ngã Hành và phương trượng chùa Thiêú lâm Phương Chứng đại sư. Kim Thánh Thán khi phê bình Tây sương kí của Vương Thực Phủ, nhân đọc đoạn biện bạch của nhân vật nữ tì tên Hồng, ông quá thích thú bèn liên tửởng đến ba mươi ba điều thống khoái trên đời [2]; tôi cho rằng đoạn đối thoại lí thú này, giữa Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung, đáng được đưa thêm vào thành điều thống khoái thứ ba mươi bốn của họ Kim !
    Đoạn đối thoại rất trung thực, phản ánh được những đặc điểm rất con người, không hoa hoè, cường điệu. Điểm quyến rũ của tác phẩm Kim Dung vẫn thường nằm ở các chi tiết rất nhỏ đó. Sẽ chán biết ngần nào khi mà các nhân vật ai ai cũng sống, cũng ăn nói, cũng hành động theo một khuôn khổ ước lệ như nhau, nhất là lúc “ lỡ “ được tiếng là thuộc danh môn chính phái ! Luôn phải cố tạo một cái gì đó khác người thường, khác với đám phàm phu tục tử, phải sống theo cái khuôn vàng thước ngọc của ngàn xưa, mà không bao giờ dám sống thực là mình !. Đó là điểm mà Trang tử chế nhạo là “ Chỉ thích cái thích của ngưòi mà không tự thích cái thích của mình“ [3]. Cái thực tại người vẫn luôn luôn tồn tại trong những điều bình dị và hết sức đời thường. Ta cũng hiểu lí do vì sao trong truyện Kiều, nhân vật đáng cảm thông nhất và gần gũi với con người nhất vẫn là Thúc Sinh. Không như Kim Trọng và Từ Hải, chỉ là những nhân vật mang tính ước lệ, quá lí tưởng đến mức hầu như không thực. Nhân vật Lệnh Hồ Xung hấp dẫn người đọc trước hết ở chổ sống rất thực và rất con người.

    ....Suốt cuộc đời hành sự của Lệnh Hồ Xung, từ lúc lừa Điền Bá Quang để cứu Nghi Lâm, bị hàm oan là giết sư đệ, lấy cắp kiếm phổ, tình cờ gặp Doanh Doanh, qua hình ảnh Bà Bà, ngoài ngõ trúc thành Lạc dương, được quần hào hắc đạo nghinh đón trên sông, bỡn cợt với giáo chủ Ngũ độc giáo Lam Phựơng Hoàng, uống rượu tại Ngũ bá cương, cho đến khi sống chung với Doanh Doanh bên suối vắng, rồi rời chùa Thiếu lâm, giúp Hướng Vấn Thiên đánh quần hùng hai phe hắc bạch, vô tình cứu Nhậm Ngã Hành, học Hấp tinh đại pháp, ám trợ phái Hằng sơn lột mặt nạ bọn Tung sơn, kéo quần hùng đại náo Thiếu lâm tự, từ chối gia nhập Nhật nguyệt thần giáo v.v... những việc làm của gã dù đúng hay sai đi nữa thì Lệnh Hồ Xung vẫn hiện chân dung là gã lã ng tư đa tình sống bạt mạng, sống say mê, sống rất chân thành và chân tình với cái Tâm hoàn toàn trong sáng. Các bậc chân nhân xưa nay đều quí trọng chữ thành [4] ! Chính vì lẽ đó mà sau này, dù mang tiếng bao tai tiếng hư đốn, bị trục xuất khỏi phái Hoa sơn thì Lệnh Hồ Xung vẫn lọt vào mắt xanh của hai bậc Thái sơn Bắc đẩu trong võ lâm là Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng. Và càng oái ăm hơn khi Định Nhàn sư thái trước lúc lâm chung lại chọn mặt gởi vàng, uỷ thác cho gã làm chưởng môn phái Hằng sơn toàn là các ni cô !.

    ....Chính nhờ bản tính hồn nhiên khoáng đạt, giỏi ứng biến mà môn Độc cô cửu kiếm trong tay Lệnh Hồ Xung còn đạt đến những thành tựu cao hơn cả vị Thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương. Ngay cả Nhậm Ngã Hành khi ngồi trong đại lao dưới đáy Tây hồ, cũng
    không tin nỗi điều đó khi nghe thuật lại việc một đại cao thủ là Nhị trang chúa Hắc Bạch tử bị gã đánh cho liểng xiểng, đến chiêu thứ bốn mươi cũng không phản kích nỗi !. Cái bản tính hồn nhiên khoáng đạt đó, một biểu hiện khác của trạng thái vô tâm, là yếu quyết để lĩnh hội kiếm ý trong Độc cô cửu kiếm, có thể có được không nếu gã không phải là một tưu đồ, đệ tử của Lưu Linh ? Vị sư mẫu gã cũng nhận định về gã : bừa bãi thành tánh, hời hợt rượu chè (hồ náo nhậm tánh, khinh phù háo tưu). Nhưng cũng chính vị sư mẫu đó lại cực kì thương yêu gã như con ruột vì bà hiểu tấm lòng của gã rất chân thành, cái tâm của gã rất trong sáng.

    ....Không phải ngẫu nhiên mà trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung để cho nhân vật Nhạc Bất Quần - với ngoại hiệu Quân tử kiếm - làm sư phụ Lệnh Hồ Xung. Kim Dung cố tình muốn làm nổi bật nét tương phản của chữ ngụy và chữ thành giữa hai thầy trò. Một bên che đậy tà tâm thâm độc dưới lớp vỏ cực kì khuôn thước qui củ, một bên cứ hồn nhiên theo ý thích mà hành sự, xét thấy không thẹn với lòng là được. Cuối cùng, khi cái mặt nạ giả dối của vị sư phụ mà gã hằng tôn kính đã rơi xuống để hiện nguyên hình là tên ngụy quân tử vô cùng gian xảo, thì hai thầy trò bị đẩy vào thế phải giao đấu với nhau bằng hai môn kiếm pháp tối cao. Rốt cuộc Độc cô cửu kiếm vẫn chiến thắng Tịch tà kiếm pháp, cũng như chữ Ngụy vẫn luôn luôn phải bị đánh bại bởi chữ Thành !.


    ....Trong Tiếu ngạo giang hồ, nói đến Lệnh Hồ Xung mà không nói đến nhóm Đào cốc lục tiên sẽ là điều thiếu sót lớn. Nhưng đó sẽ là nội dung của một bài viết khác. Đặt sáu nhân vật hồn nhiên ngây ngô bên cạnh Lệnh Hồ Xung, Kim Dung càng làm tăng thêm vẽ khoái hoạt, bỡn đời của gã. Một tay tưu đồ thuộc nòi lãng tử đa tình như Lệnh Hồ Xung thì có thiết tha gì với cái chức Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo hay cái tham vọng thống trị giang hồ ? Có lẽ các thứ đó đối với gã cũng không lí thú bằng uống một vò rượu ngon, rồi cùng người yêu rong chơi bốn biển và thả hồn theo khúc Tiếu ngạo giang hồ trong tiếng hợp tấu của cầm tiêu !

    --------------------------------------------------
    [1] Theo nguyên bản Tiếu ngạo giang hồ mà tôi được đọc qua (gồm 4 tập 28-31 trong bộ Kim Dung toàn tập) thì Ma giáo còn gọi là Nhật Nguyệt thần giáo, không hiểu sao ông Hàn Giang Nhạn, một dịch giả Kim Dung cực kì tài hoa, lại dịch là Triêu Dương thần giáo
    [2] Tây Sương Kí, bản dich Nhựơng Tống, chương Khảo hoa, nxb Tân việt, tr. 312-318
    [3] Nam hoa kinh, Ngoại thiên. chương Biền mẫu
    [4] Thành giả, vật chi chung thuỷ, bất thành vô vật (Thành thực là gốc ngọn của mọi sự. Không chân thành thì không thể có gì thành tựu được cả (Trung dung, chương XXV).
    (Nguồn:vănhocdatviet.com)
    Lần sửa cuối bởi romas, ngày 14-11-2007 lúc 22:49.
    Hidden Content Gửi bởi filo Hidden Content
    . Cứ coi rằng 4vn dịch đó là bản dịch thô, nhưng người khôn ra thì lấy cái bản đó về mà biên dịch, biên tập lại cho nó thành của mình, chắc chả ai nói đâu. Buồn cho học vấn của một con người.
    Hidden Content

    Hidden Content Gửi bởi vicent Hidden Content
    người khôn thì đem về biên dịch còn người ngu để cả cái tên halos trong bản dịch TTB
    Hidden Content

    ---QC---


  7. Bài viết được 3 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    blackcat_gx,dinhdoanhd,Great Bear,
Trang 1 của 6 123 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status