TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Truyện sử phóng tác: Anh hùng lụy bởi mỹ nhân

  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định Truyện sử phóng tác: Anh hùng lụy bởi mỹ nhân

    ANH HÙNG LUỴ BỞI MỸ NHÂN

    Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị đại tướng thiên tài của triều Trần đăm chiêu ngồi trước án văn, trong tay cầm chặt cuốn Binh thư yếu lược mình đã soạn. Cũng không phải là muốn sửa đổi điều gì trong cuốn danh tác của mình soạn ra, Trần Quốc Tuấn chính là đang đăm đăm đọc đi đọc lại lời tựa giới thiệu cuốn binh pháp của mình.

    “ Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.

    Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ Vương, Thành Vương nhà Chu làm tướng cho Văn Vương, Vũ Vương, ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu, Tôn Vũ nước Ngô đem ngươi đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu. Thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.

    Cho nên trận nghĩa là "trần", là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế. Gia Cát xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ Công sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép. Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình, những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực.

    Sách gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam cát, ngũ hung, đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô, phía nam uy hiếp Lâm Ấp……”

    Đọc đi đọc lại những lời giới thiệu ấy, trong lòng Trần Quốc Tuấn không khỏi có những suy nghĩ rối như tơ vò. Ngày mai, đúng, ngày mai thôi, hoàng thượng sẽ phải đem tác giả những lời giới thiệu có hồn đó ra xét xử, bởi một tội mà Trần Quốc Tuấn cũng khó có thể chấp nhận. Trần Khánh Dư, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư ngày mai sẽ bị xét xử vì tội “thông dâm”, mà “thông dâm” với ai, chứ lại đúng là con dâu mình, công chúa Thiên Thuỵ, vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm.

    Công bằng mà nói, với tư tưởng hôn nhân đa hệ, cũng không phải không từng xuất hiện các quan hệ bất chính trong hoàng tộc nhà Trần, chẳng phải đến mấy người trong hoàng tộc họ Trần đã từng dựa vào và lợi dụng thân xác của một cô gái họ Lý mà được thiên hạ sao? Ngay cả người vợ của Hưng Đạo Vương, công chúa Thiên Thành, chẳng phải hai người cũng đã từng có những mối quan hệ vượt ngoài lễ giáo mà người đời vẫn gọi là “loạn luân” đó sao?

    Nhưng Trần Quốc Nghiễm lại là con của Hưng Đạo Vương, cũng như công chuá Thiên Thuỵ là con dâu mà Trần Quốc Tuấn đã mất nhiều công sức xin vua ban cho cưới gả về nhà mình, chẳng bao giờ Hưng Đạo Vương nghĩ rằng sự việc này lại có lúc đổ lên đầu nhà mình. Trần Quốc Nghiễm rất yêu vợ và rất chung tình, do vậy khi sự việc đổ bể, Quốc Nghiễm đã làm rất căng để buộc cha ra mặt và Hưng Đạo Vương vì thương con đành phải lập biểu tâu vua khi con trai phát hiện Trần Khánh Dư tư thông với vợ mình. Không báo vua cũng không được, Trần Khánh Dư hiện đang nằm trong tay Nam Ám, đội tình báo đặc chủng rất trung thành của Quốc Nghiễm sau khi bắt được Khánh Dư. Nếu không vì Trần Quốc Tuấn ra nghiêm lệnh, có lẽ Quốc Nghiễm cũng bất cần vua xử mà đem Trần Khánh Dư ra chém thẳng rồi.

     

    Đời Trần, trong họ có rất nhiều người trong họ lấy lẫn nhau. Hoàng tộc họ Trần chính thức cho phép và còn khuyến khích người trong hoàng tộc lấy nhau để giữ cho huyết thống hoàng gia không bị pha trộn với những dòng máu khác vì cho rằng những cuộc hôn phối này không có hại gì cho đời sống, người cùng chung một huyết thống và giáo dục lấy nhau dễ hợp nhau hơn, như thế chỉ có lợi chứ không có hại. Ca dao có câu:
    Cháu cậu mà lấy cháu cô,
    Thóc giống đầy bồ, lúa má nhà ta.
    Trong cuốn Việt Sử Tiêu Án đời sau Ngô Thời Sỹ có phê phán về triều Trần: " nhà Trần lấy vợ người cùng họ, âm dương không phải lứa đôi nên có tai biến" chính là dựa vào một số cứ liệu hiện tượng trong lịch sử như:
    • Năm 1300 người đàn bà ở Hồng Lộ sinh con trai hai đầu.
    • Năm 1304, người dàn bà ở kinh thành sinh con gái hai đầu, bốn chân, bốn tay.
    • Năm 1350, làng Thiên Cương (Nghệ An) có người con gái hoá trai.

    Sử chép:
    1) Trần Liễu, anh Thái Tôn, con Thượng hoàng Trần Thừa, lấy Thuận Thiên công chúa, con vua Lý Huệ Tôn và Thuận Trinh. Thuận Trinh là em ruột Trần Thừa, Trần Liễu và Thuận Thiên là con cô con cậu.
    2) Năm 1225, Trần Cảnh, tức Thái Tôn, lấy Chiêu Hoàng, em Thuận Thiên.
    3) Sau khi Lý Huệ Tôn chết, giáng Huệ hậu làm Thiên Cực công chúa, gả cho Thủ Độ tức là chị em họ lấy nhau. Hai người vốn đã có tư tình với nhau từ trước.
    4) Năm 1237, vì Chiêu Hoàng không có con, Thủ Độ ép Thái Tôn lấy Thuận Thiên, lúc ấy đã có mang ba tháng với Trần Liễu. Trường hợp này vừa là con cô con cậu lấy nhau, vừa là em chồng lấy chị dâu.
    5) Vua Thái Tôn hứa gả em gái là Trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vươ) và đã cho Thiên Thành tới ở nhà Nhân Đạo vương, là cha đẻ ra Trung Thành vương, để chờ ngày cưới.
    6) Năm 1251, Hưng Đạo vương muốn lấy Thiên Thành, đang đêm lẻn vào phòng Thiên Thành thông dâm. Thụy Bà Trưởng công chúa, chị Thái Tôn và Thiên Thành, mẹ nuôi Hưng Đạo vương, đang đêm gõ cửa cung nói dối là Hưng Đạo vương đã bị Nhân Đạo vương bắt giam, xin vua cứu giúp. Sự thật, khi vua sai người tới thì Hưng Đạo vương còn trong phòng Thiên Thành và lúc ấy Nhân Đạo vương mới biết. Hôm sau Thụy Bà phải dâng mười mâm vàng sống xin cưới Thiên Thành cho Hưng Đạo. Vua bất đắc dĩ phải gả và bồi thường cho Trung Thàng vương. Như vậy Thiên Thành có họ với Trung Thành vương, lại là cô ruột Hưng Đạo, vì Hưng Đạo là con Trần Liễu, anh ruột Thiên Thành.
    7) Năm 1258, Thánh Tôn lấy Thiên Cảm là con Trần Liễu, tức là con chú con bác lấy nhau.
    8) Thụy Bảo công chúa, con vua Thái Tôn, lấy Uy Văn vương Toại.
    9) Gả công chúa tên Thúy, con Thái Tôn cho Thượng vị Văn Hưng hầu(7).
    10) Thiên Thụy công chúa, con vua Thánh Tôn và Thiên Cảm, tức cháu nội Thái Tôn và cháu ngoại Trần Liễu, lấy Hưng Vũ vương Quốc Nghiễm, là con Hưng Đạo, cháu nội Trần Liễu, vừa là con cô con cậu (Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) vừa là cháu chú cháu bác lấy nhau.
    bây giờ lại là câu chuyện “thông dâm” của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thuỵ, con dâu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

     

    Hưng Đạo Vương đọc đi đọc lại đã hơn mười lần phần giới thiệu về cuốn Binh thư yếu lược của mình. Từng chữ, từng câu đều là sự đúc rút từ thực tế thiết huyết sa trường của một thiên tài quân sự trẻ tuổi cùng với một kiến thức quân sự, lịch sử quảng bác, không một lời rườm, không một câu lẻ. Thực tế khi Hưng Đạo Vương hoàn thành cuốn Vạn Kiếp Bí Truyền Tông Thư hay còn gọi là Binh thư yếu lược này, rất nhiều tướng lĩnh, các văn thần quân sự như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật ….. đều muốn góp sức bằng cách viết lời bình hay lời dẫn, kể cả đức vua cũng ngự bút thân phê, nhưng Trần Quốc Tuấn chỉ ưng mỗi bài dẫn của viên tướng trẻ Trần Khánh Dư.

    Các tư tưởng quân sự của Trần Khánh Dư đôi khi làm cho cả Trần Quốc Tuấn cũng phải kinh ngạc, và thực ra thì Trần Khánh Dư cũng có công rất lớn trong việc giúp Hưng Đạo Vương hoàn thành cuốn binh pháp truyền kỳ này. Trần Hưng Đạo cuối cùng đã chọn bài viết của Trần Khánh Dư là lời dẫn cho cuốn binh pháp của mình. Vậy mà giờ đây!!!!!!!!
    - Hà, tuổi trẻ đúng là tuổi trẻ. Dù sao Quốc Nghiễm cũng là con ta, nhưng Khánh Dư không chỉ là một đại tướng của ta, mà còn là một nhân tài của triều đình. Thôi thì thế này vậy!!!!!!!!!!!

    Giữ kín những suy nghĩ ở trong lòng, thở dài một hơi, Hưng Đạo Vương lập tức lấy giấy bút, viết một bức tấu gửi nhà vua. Mọi khi những bài tấu đều phải tuân theo các chuẩn mực của triều quy, dài dằng dặc những kể lể, dần chiếu, nhưng bài tấu hôm nay, Hưng Đạo Vương chỉ viết có hai dòng. Niêm kín văn tấu, lại cẩn thận đóng dấu “tuyệt mật”, ngần ngừ giây lát, Hưng Đạo Vương tự tay đóng thêm vương ấn của mình và thêm một chữ “tốc khẩn” vào bìa văn, sau đó mới cao giọng:
    - Yết Kiêu, Dã Tượng!!!!!

    Yết Kiêu, Dã Tượng cùng Phạm Ngũ Lão là ba người nổi bật và có tài nhất trong số rất nhiều gia tướng của Hưng Đạo Vương, có biệt tài đánh bộ, đánh thuỷ thần khốc quỷ sầu, võ nghệ lại cao cường hiếm thấy, là người mà Hưng Đạo Vương vô cùng tin tưởng. Tiếng gọi của Hưng Đạo Vương vừa dứt, âm hưởng vẫn còn vọng trong phòng thì hai bóng thân ảnh đã nhoáng cái xuất hiện trước mặt Hưng Đạo, cả hai cung tay:
    - Chủ thượng có gì sai phái ạ?

    Đưa cuốn tấu văn đã niêm kín cẩn thận cho Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo dặn dò:
    - Hai người các ngươi lập tức mang vào cung vua cầu kiến. Văn kiện này, phải tâu rõ với lễ quan là ta muốn ngươi tận tay dâng hoàng thượng để người ngự lãm, rõ chưa.

    Một tiếng “Rõ” vang lên, thân hình hai người đã biến mất, khinh công Như Ảnh Tuỳ Phong này, cả hai đều đã luyện tới thập thành. Trần Hưng Đạo hiểu rõ, nếu sai người khác thì có thể sẽ không gặp được nhà vua, chỉ có Yết Kiêu, Dã Tượng hay Phạm Ngũ Lão là hộ vệ cung cùng quan lễ bộ tin tưởng và có thể được diện kiến nhà vua trong lúc nửa đêm gà gáy thế này.

    Mệt mỏi bóp bóp đầu, Hưng Đạo Vương ngửa mặt lên trời, nhìn sâu vào màn đêm thăm thẳm, lẩm bẩm:
    - Hy vọng ta không làm sai, thanh niên các người.., thật là. Một công đánh giặc Nguyên Mông lần trước…….. Khánh Dư, ta coi như bù lại lời dẫn của ngươi cho cuốn binh pháp của ta đấy.

    Trần Khánh Dư không biết điều đó, lúc này, viên tướng lắm tài mê gái này đang bị trói bó như con heo nằm trong hầm bí mật do đích thân đội trưởng đội Nam Ám của Trần Quốc Nghiễm canh giữ, mạng sống chỉ tính theo giờ, bởi khi trời sáng, đức vua Trần Thánh Tông sẽ thượng triều và đem vụ việc này ra xét xử theo tấu biểu tố cáo của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm và cũng theo biểu văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

     

    Trần Khánh Dư là người huyện Chí Linh (Hải Hưng), con của Thượng tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, võ nghệ cao cường, binh pháp rành mạch, những kiến thức quân sự quả trong lớp trẻ triều Trần, Trần Khánh Dư xứng danh là một trong những thiên tài. Trần Khánh Dư trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lấn lần hai vừa mới đây thôi đã lập đại công, chính vì thế được đức vua Trần Thánh Tông yêu quý lập làm "Thiên tử nghĩa nam" (con nuôi vua) và được thăng tước từ tập tước Nhân Huệ Hầu thành Nhân Huệ Vương.

    Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5 chép:

    Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu. Lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân.

    Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam. Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân.

    Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Rồi từ trật hầu thăng mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ.

     

    Khánh Dư không tài nào ngủ được, cái thừng làm bằng gân bò bện tám sợi này quả là khắc tinh của những võ tướng như Khánh Dư, gã không ngờ sẽ có ngày mình bị lâm vào tình cảnh này. Nhếch miệng cười nhạt, Khánh Dư khẽ co người cho lưng bớt mỏi, trong lòng cũng không khỏi thán phục phép điểm huyệt của đội Nam Ám.

    Cùng là người trong hoàng tộc, tuyệt kỹ của phái Đông A Thiên Trường Trần Quốc Nghiễm biết rất rõ, vì vậy những điểm yếu đều có phong toả, kinh mạch Trần Khánh Dư đều bị chế trụ, nội kình không thể vận khởi được, cộng với sợi dây gân bò tám sợi đặc chế này, e rằng hai đại hổ tướng Trần triều là Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão nếu có sa cơ thì cũng không thể thoát được. Số mình thật là đen đủi, Khánh Dư thầm nghĩ trong bụng.

    Thiên Thuỵ Công chúa, lá ngọc cành vàng, hoàng triều công chúa!. Thiên Thuỵ không phải là người có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cũng không phải là có biệt tài cầm kỳ thi hoạ gì đặc biệt. Nhưng đôi mắt lá răm lúng liếng, cái miệng hơi chu lên, đặc biệt là tướng đi như xà nữ của nàng lại làm Khánh Dư từ lần đầu diện kiến đã đem lòng si mê. Cái si mê của Khánh Dư đối với Thiên Thuỵ, như gã từng tự thú nhận với lòng mình, chẳng phải là cái gì cao sang, tình yêu tươi đẹp nam nữ cả, tất cả trong cái nhìn của Khánh Dư đối với Thiên Thuỵ đều chỉ là của con đực đối với con cái, nhưng điều đó với Khánh Dư hay đối với đa số hoàng tộc nhà Trần thì chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Khánh Dư đã thầm theo đuổi Thiên Thuỵ từ lâu rồi.

     

    Khánh Dư cũng không phải đồ bỏ đi chỉ biết lang tháng tán gái. Thế tập từ cha là Thượng Tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, từ nhỏ ngoài tuyệt kỹ tâm pháp của Đông A hoàng tộc, Trần Khánh Dư may mắn gặp được dị nhân truyền dạy võ nghệ, thập bát ban võ nghệ, không món nào không tinh thông, khinh công thần sầu, tuyệt kỹ ném phi đao bách phát bách trúng, trong lớp tướng trẻ của Trần triều, Trần Khánh Dư có thể được coi là một trong những nhân tuyển kế tục sự nghiệp của thế hệ cha anh là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải. Nhưng Khánh Dư lại có hai niềm đam mê, gái và tiền.

    Giống như truyền thống từ trước, triều Trần từ vua đến quan đều coi trọng gốc, khinh bỏ ngọn, tức là trọng nông khinh thương. Các chính sách nông nghiệp đều được khuyến khích, trong khi đó thương nghiệp, tuy không bị cấm nhưng bị xếp vào ngành mạt hạng. Khánh Dư không nghĩ thế, thương đội Toàn Nghê của Trần Khánh Dư, vừa làm công tác tình báo, vừa làm kinh tế đều đều hàng tháng đều mang về cho chủ những khoản lợi nhuận kếch xù. Mà các cô gái, điều hấp dẫn nhất đối với họ chính là tiền, vàng và những đồ mới lạ trên khắp mọi miền mà thương đội Toàn Nghê của Khánh Dư mang về. Vậy là cả hai niềm đam mê: tiền và gái, Trần Khánh Dư đều dễ dàng có được. Khánh Dư cũng không giấu điều này mà còn công khai với bàn dân thiên hạ, mặc kệ miệng lưỡi thị phi của người đời.

    Trong thời gian làm tướng Trần Khánh Dư cũng kinh doanh, đây là điểm đặc biệt ở gã, khác với nhiều quan lại chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước, không quan tâm đến sản xuất và kinh doanh. Khánh Dư nổi tiếng về tính "con buôn" khi đối xử với dân chúng và binh lính, ngay cả khi vua Trần Thánh Tông cặn vặn vì nhận được nhiều biểu tấu kêu ca của dân chúng đối với chính sách bóc lột tư túi của gã, gã chẳng ngần ngại đã trả lời "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".

    Sau này, cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chính vì thế nên nhận xét về gã như sau: “Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi.”
     
    - Mẹ kiếp! Cứ làm như nhà mình trong sạch lắm, mẹ nó, con mụ Thiên Thanh chẳng phải ngày xưa cũng loằng tằng ngoằng với Trần Hưng Đạo hay sao, lão tử nhổ vào, chẳng qua lão tử đen nên bị bắt mà thôi.

    Trần Khánh Dư người bó tròn một ngày trời thì cảm thấy khó chịu, chợt cất tiếng chửi tục. Trần Khánh Dư đã thầm luyến công chúa Thiên Thuỵ, nào ngờ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm dựa vào cha xin được cưới công chúa, nhà vua nể mặt Hưng Đạo Vương nên ban chỉ tứ hôn, vậy là giấc mộng nam kha của Khánh Dư tan thành bọt nước. Mà cái gã hám gái như hắn, thua là không chịu được, nhất là trên tình trường. Dù Thiên Thuỵ đã là dâu nhà người ta, Khánh Dư vẫn không buông tha, đầu mày cuối mắt dăm hôm, gã đã lợi dụng Trần Quốc Nghiễm đi kiểm quân mà chui vào phòng ngủ của người ta, điên loan đảo phượng. Khinh công vô ảnh vô tung của Khánh Dư giờ phát huy công hiệu trèo tường trộm hương, dù cao thủ phủ Hưng Đạo Vương nhiều như mây, nhưng Khánh Dư vấn thoát được. Thế rồi một hôm Khánh Dư đen đủi, sau một trận mây mưa, gã quên khuấy mất để quên chiếc khăn buộc đầu ở trong phòng của Thiên Thuỵ, Trần Quốc Nghiễm về tìm thấy, sinh nghi. Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm, về văn tài võ nghệ tuy không bằng được một thiên tài quân sự như Khánh Dư, nhưng là con trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quốc Nghiễm cũng học được nhiều điều từ người cha của mình, do vậy Quốc Nghiễm không làm ầm lên mà lại âm thầm tổ chức mai phục. Kết quả là hai ngày trước đây, Khánh Dư đột nhập vào khuê phòng Thiên Thuỵ, trong lúc mờ mờ tỏ tỏ bị đội trưởng đội Nam Ám cùng hơn mười cao thủ của Quốc Nghiễm điểm huyệt bắt giữ, trói gô cổ lại. Thiên Thuỵ công chúa, tuy cũng là một phương “mèo mả gà đồng” với Khánh Dư, dù là vợ nhưng vì là thân phận công chúa, Quốc Nghiễm cũng không dám làm gì quá phận, chỉ phong toả và có các hành động như giam lỏng trong phủ.

     

    Trời đã bắt đầu có những tia sáng đầu tiên. Nằm trong ngục đất, Khánh Dư với nội công cao cường dễ dàng nghe được tiếng gà gáy vang vang. Vậy là cũng đã sáng rồi, chỉ còn vài giờ nữa, phiên toà xét xử gã sẽ diễn ra. Bào chữa thế nào nhỉ? “Thông dâm” bị bắt quả tang “trai trên gái dưới”, vả lại Thiên Thuỵ công chúa cũng đã nhận tội rồi, cãi ra làm sao?

    Cái đầu thông minh của Khánh Dư không phải đến bây giờ mới xoay chuyển để nghĩ mưu mà là hắn đã nghĩ suốt trong hai ngày qua, nhưng bằng chứng, nhân chứng sờ sờ, một đống người cùng bắt quả tang gã đang “chiến đấu” với Thiên Thuỵ, cãi làm sao được. Để vạch mặt Trần Khánh Dư, Quốc Nghiễm không ngần ngại mà cho công khai hầu hết các thành viên trong đội Nam Ám của mình để đưa ra làm chứng, Trần Khánh Dư nghĩ nát hết cả óc mà vẫn không tìm ra được một lý do gì để mình thoát hiểm vụ này.

    Tiếng khoá cửa chợt vang lên lách cách, hai thành viên tinh nhuệ nhất của Nam Ám đang ngồi cạnh Khánh Dư đứng bật dậy, tay thủ sẵn đốc đao, ngưng thần nghe ngóng. Trần Khánh Dư dù không hy vọng gì, nhưng gã cũng cố lăn người ngước mắt nhìn về phía cửa hầm ngục. Trái tim gã trùng xuống khi nghe tiếng đội trưởng đội Nam Ám khẽ nói vọng vào với hai thành viên:
    - Là ta.

    Đoàn khách không mong đợi rốt cuộc cũng đã đến, một gã hoạn quan lạ mặt đi theo Trần Quốc Nghiễm, gã đội trưởng Nam Ám đội cùng hơn hai mươi kẻ thuộc Nam Ám đội có tham gia bắt gã đều đi đến trước mặt gã. Tên hoạn quan cất cái giọng eo éo truyền chỉ nhà vua gọi Trần Khánh Dư, Thiên Thuỵ và Quốc Nghiễm cùng vào triều. Thế rồi mặc kệ có thánh chỉ hay ý chỉ, Trần Quốc Nghiễm chẳng biết hay dở sai một tên Nam Ám đội viên xách ngược Khánh Dư lên như một con gà, sau đó vứt lên kiệu mang vào triều. Chiếc kiệu bên phải, Thiên Thuỵ công chúa ngồi ủ rũ như con gà mắc tóc, chỉ khẽ liếc nhìn Khánh Dư lúc hắn bị đưa ra, sau đó là ngồi im, chẳng buồn nói năng gì.

    Đoàn diễu hành kỳ quái gồm Quốc Nghiễm cưỡi ngựa đi trước, gã hoạn quan ngồi kiệu đi giữa Khắc Chân và Thiên Thuỵ, xung quanh kè kè quan binh cùng các thành viên Nam Ám đội lặng lẽ như đưa ma, chẳng ai nói câu nào cùng nhau tiến vào triều. Vui vẻ gì cơ chứ, chuyện “thông dâm” này sớm đã truyền ra ngoài, mặt mũi Quốc Nghiễm giờ sưng lên như một cái bánh đa nướng, dân chúng nhìn thấy, tuy phải vái chào xong ai cũng xì xầm bàn tán, làm một kẻ “bị cắm sừng” kể ra cũng khó mà thích nghi cho được.

     

    Hoàng cung vẫn uy nghiêm như mọi ngày, điện chầu vẫn đầy đủ bá quan văn võ, các tinh anh của Trần triều đều tụ tập nơi đây, tuy nhiên hôm nay họ ở đây không phải là để bàn kế chống giặc hay quốc sách an dân, mà là để nghe nhà vua phán xử vụ tố cáo “thông dâm” của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm đối với vợ mình, công chúa Thiên Thuỵ và Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.

    Trần Khánh Dư thân hình vẫn bị trói tròn như cái bánh tét, chỉ là giờ người xách gã không phải là tên Nam Ám đội nữa, mà là đích thân Quốc Nghiễm. Cũng là võ tướng, xách một tên như Khánh Dư không có gì khó cả. Trước sân chầu, Quốc Nghiễm ném phịch Khánh Dư xuống đất, sau đó quỳ xuống làm lễ. Nghi lễ xong, Quốc Nghiễm đứng thẳng lưng, cẩn tấu:
    - Tâu hoàng thượng, thần bắt quả tang Khánh Dư tư thông với vợ thần, trên thì nhờn kỷ cương, dưới thì phá hoại gia huy và hạnh phúc gia đình người khác, nay thần mang hắn đến đây xin bệ hạ phán xử cho thần một công đạo.

    Lễ quan nhanh chóng nộp tấu chương của Quốc Nghiễm cho hoàng đế, vua chỉ liếc qua, sau đó đặt ngay xuống long án. Thật ra một vụ nổi đình nổi đám thế này trong hoàng tộc, làm sao nhà vua lại không biết chứ, nội dung Quốc Nghiễm viết hoàn toàn là những điều mà nhà vua đã biết. Vả lại Khánh Dư – Thiên Thuỵ bị bắt quả tang, chứng cứ mười mươi, chẳng có chi tiết nào ẩn giấu, tấu chương của Quốc Nghiễm, quả thật chẳng đọc cũng biết nội dung bên trong thế nào.

    Ra hiệu cho hộ vệ quân cởi trói cho Khánh Dư, nhà vua ngồi thẳng lưng, nghiêm giọng hỏi Trần Khánh Dư và Thiên Thuỵ:
    - Khánh Dư, Thiên Thuỵ, các ngươi có còn gì để nói không?

    Thiên Thuỵ công chúa trước mặt bá quan văn võ bị nêu ra tội lỗi đáng xấu hổ này thì cũng chẳng biết giấu mặt vào đâu, nghe nhà vua hỏi cũng không biết trả lời thế nào, chỉ biết cúi gầm mặt, di di mũi chân. Khánh Dư có đôi chút lúng tung, nhưng rồi cái miệng trơn như bôi mỡ của gã lại cố gắng tìm lý do để biện hộ. Cố giữ vẻ, bình tĩnh, Khánh Dư ngước nhìn long ỷ, ra vẻ lắp bắp:
    - Nghĩa hoàng… thần nhi có tội, nhưng thần nhi yêu Thiên Thuỵ từ lâu.

    Gã cố dùng từ “nghĩa hoàng”, “thần nhi” để đánh thức lòng trắc ẩn của Trần Thánh Tông và nhắc ngài nhớ gã cũng là một trong những đứa con của ngài, dù chỉ là con nuôi. Nhưng hôm nay quả Khánh Dư gặp hạn, bởi Quốc Nghiễm cũng là thuộc hoàng tộc, mà cha Quốc Nghiễm, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lại chính là một cây trụ chống trời của nhà Trần.

    Nhà vua dù muốn bênh Khánh Dư nhưng cũng không thể làm bá quan cảm thấy mình bất công, liền gạt ngang:
    - Khánh Dư, người đừng nói những lời hồ đồ. Thiên Thuỵ là do ta gả cho Quốc Nghiễm, có mai mối, có cưới hỏi đàng hoàng, trước đó có nghe nói các ngươi yêu đương gì đâu. Vả lại danh tiếng của ngươi, hừ, cũng chẳng phải tốt đẹp gì. Đây là vụ trộm tình mà thôi, các ngươi có lý lẽ gì biện minh khác không?

    Khánh Dư nghẹn giọng, biết lý lẽ gì bây giờ. Bị bắt quả tang lần này không phải lần đầu, nhưng những lần trước, Khánh Dư chỉ là qua lại với các con hoặc vợ quan lại thì còn xí xoá được, nhưng danh tiếng “trai lơ sát gái” của gã thì ai ai cũng biết. Lần này đen đủi thế nào lại đâm đầu vào thiết bản, gặp đúng con của Hưng Đạo Vương, coi như hết đường “đàm phán”. Khánh Dư cố vắt óc nhưng trước mắt gã chỉ là một mảng trắng tinh, chẳng có một chút nào để hắn bấu víu.

    Vua Trần Thánh Tông thấy hắn vò đầu bứt tai tìm mưu thì vừa thương lại vừa giận, nhưng không thể làm khác, nhà vua hỏi:
    - Các quan, tình thế đã rõ, theo ý các khanh thì xử thế nào?

    Quan lại trong triều, người thì cương trực, người thì có con cái, vợ, thiếp cũng đã từng bị Khánh Dư cua mất, ai ai cũng lên tiếng xin vua xử theo phép nước. Nhà vua nhíu mày, tuy không nói ra nhưng cũng lộ vẻ khó xử, bởi nếu xử đúng luật, Khánh Dư sẽ phải chịu chém đầu. Bất đắc dĩ, nhà vua quay ra hỏi thượng tướng quân Trần Quang Khải:
    - Hoàng huynh ý kiến thế nào?

    Tướng quân Trần Quang Khải vừa là đại tướng, vừa là hoàng tộc nên tiếng nói rất có trọng lượng. Sau một giây ngập ngừng suy nghĩ, Trần Quang Khải nói:
    - Thần nghĩ phép nước cần công minh, hoàng tộc có tội thì cũng như thứ dân, nhưng Khánh Dư có công đánh giặc Nguyên Mông, xin bệ hạ niệm công mà giảm án.

    Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm chịu không nổi cái án “bị cắm sừng” thấy Trần Quang Khải tâu có ý xin tha cho Khánh Dư liền tiến lên tâu:
    - Tâu bệ hạ, công là công, tội là tội. Nếu bệ hạ thấy rằng công của Khánh Dư có thể đổi cho tội, thì thần xin dùng công của thần để đổi lấy công của Khánh Dư, còn lại thì tội của hắn, hắn phải chịu.

    Rõ ràng Quốc Nghiễm rất căm Khánh Dư, quyết dồn hắn đến chỗ chết. Khánh Dư dù có trăm miệng cũng không thể tự bào chữa cho mình, bởi hắn dù sao cũng là kẻ sai lè ra nên đành im lặng đứng một bên nghe ngóng xem số phận của mình thế nào. Nhà vua suy nghĩ một lát, sau đó tuyên chiếu:
    - Nay sự việc của Khánh Dư và Thiên Thuỵ đã rõ, ta quyết định cắt điền thổ của Thiên Thuỵ một nửa, bắt sám hối trong vòng nửa năm ở ãnh cung để hối về điều sai lầm của mình. Phần Khánh Dư, theo luật phải xử trảm, nhưng niệm công lao đánh giặc Nguyên Mông, nay phạt 100 Trọng Thiên Trượng, nếu còn sống thì sẽ giữ được mạng, nhưng bị phế làm thứ dân, tịch thu mọi tài sản được ân thưởng từ trước đến giờ giao cho Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễm, coi như là một khoản bồi hoàn.

    Trần Quốc Nghiễm tuy không hài lòng lắm với kết quả, nhưng lệnh vua khó cãi, vả lại Quốc Nghiễm cũng biết Trọng Thiên Trượng uy lực phi phàm mỗi trượng giáng xuống như lôi thần đả kiếp, khí lực hàng ngàn cân, đừng nói 100 trượng, cao thủ nhị lưu, tam lưu trên giang hồ cùng lắm cũng chỉ chịu được khoảng 3 trượng là thịt nát xương tan, hồn lìa khỏi xác. Trần Khánh Dư tuy võ nghệ cao cường nhưng chắc chắn không chịu được 100 trượng, như thế khác nào án trảm thủ. Nghĩ vậy, Trần Quốc Nghiễm cũng không có biểu hiện phản đối gì cả, án phạt Trần Khánh Dư do đó mà được tuyên.

     

    Sử viết:
    Trần Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ, bấy giờ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn vì là con trai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thuỵ, lại có công đánh giặc, trong phiên tòa xử tội, vua Trần Thánh Tông đã phạt Trần Khánh Dư tội đánh đến chết ở Hồ Tây, nhưng vì quá yêu người con nuôi này nên vua Thánh Tông lại ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống, nhờ thế mà qua 100 gậy Trần Khánh Dư vẫn sống, và theo luật thời đó qua 100 gậy mà không chết nghĩa là trời tha, nhờ vậy mà Trần Khánh Dư đã được miễn tội chết. Sau đó, Trần Khánh Dư bị phế truất binh quyền, tịch thu gia sản phải trở về Chí Linh làm nghề bán than.
    Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than, tác giả các bộ sử cũ, với quan điểm "sĩ, nông, công, thương", coi việc Khánh Dư buôn than, bán nón là nghề "hèn mọn".

    Một thời gian sau, nhân khi thuyền vua Trần Nhân Tông, vị vua kế vị Trần Thánh Tông đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần:
    "Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?".
    Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: "Ông lái ơi, có lệnh vua triệu".
    Khánh Dư trả lời: "Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu".
    Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: "Đúng là Nhân Huệ Vương đó, ta biết người thường tất không dám nói thế".

    Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá (đến gặp vua). Vua nói: "Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi", bèn xuống chiếu tha tội cho. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua, được vua Trần Nhân Tông phục chức, phong làm Phó tướng quân.

    Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, Trần Khánh Dư làm Phó tướng trấn giữ Vân Đồn. Khi cánh quân thủy của bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đến Vân Đồn, Trần Khánh Dư đem quân chặn đánh, không cản được giặc. Thượng hoàng nghe tin, sai bắt về kinh xử tội. Trần Khánh Dư bảo với sứ rằng "lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn vài ngày để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn". Theo dự đoán của Trần Khánh Dư, quả nhiên mấy ngày sau, Trương Văn Hổ dẫn hơn 100 thuyền chở lương kéo đến. Trần Khánh Dư đánh bắt sống được nhiều tù binh và lương thực khí giới không kể xiết. Quân Nguyên nghe tin mất hết lương thực, chỉ lo việc rút về, không còn chí chiến đấu nữa.


    Như vậy, Trần Khánh Dư là tướng có công lớn trong việc đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy vào tháng 12 năm 1287, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh.
    Tháng 5 năm 1312, Trần Khánh Dư theo vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trận này quân Đại Việt bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về. Tính ra, Trần Khánh Dư chính là chiến tướng của ba đời vua: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, góp công sức lớn vào 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và góp phần vào sự nghiệp mở mang bờ cõi ra phía Nam của nước ta.

    Cuối đời, năm 1323, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam). Một lần, Trần Khánh Dư đi chơi đến Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), qua vùng đất thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, Trần Khánh Dư bèn sai gia nhân đến khai khẩn, lập thành làng mới. Dần dần, người kéo đến làm ăn ngày càng đông. Trần Khánh Dư đặt tên là trại An Trung. Sau đó, dân các vùng khác tiếp tục đến, lập thêm trại Động Khê và trại Tịch Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng, huyện Ý Yên (Nam Định).
    Trần Khánh Dư ở lại những nơi mới khai phá này 10 năm, sau đó trở về ấp Dưỡng Hòa cũ và giao lại các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc. Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, Trần Khánh Dư đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ngoài ra còn hướng dẫn dân trại Tịnh Nhi trồng cây cói và làm nghề dệt cói.

    Năm 1340, Trần Khánh Dư mất, nhân dân trong vùng lập đền thờ ở trại An Trung, trên nền nhà xưa Trần Khánh Dư đã ở để ghi tạc công đức. Trong đền có bức đại tự: "Ẩm hà tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn) và đôi câu đối :
    Nhân Huệ Vương tân sáng giang biên, thố địa ốc nhiều kim thượng tại
    Bùi, Nguyễn tộc cựu mô kế chí, gia cư trù mật cổ do lưu.
    Tạm dịch :
    Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó
    Họ Bùi Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây.
     
    Vĩ thanh:
    Nói tới đời Trần người ta thường liên tưởng ngay đến Huyền Trân công chúa do Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong một chuyến đi thăm Chiêm Thành đã hứa gả cho quốc vương Chế Mân để kết mối giao hảo giữa hai nước; thứ nữa, người ta nghĩ đến An Tư công chúa gả cho Thoát Hoan để mong hoà giải với quân Nguyên; nàng công chúa thứ ba đời Trần còn được nhắc nhở tới là Thiên Ninh công chúa vì có dính lứu tới một vụ loạn dâm với em ruột. Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thì Sĩ đã chê trách nhà Trần về hai điểm :
    - Phải dùng "mỹ nhân kế" để giữ nước
    - Loạn luân.
    Nhưng công bình mà nhận xét thì ở nước ta "loạn luân" và dùng "mỹ nhân kế" để giữ nước không phải chỉ xảy ra ở đời Trần.
    Dù ở Âu hay Á, xưa hay nay, thì phụ nữ vẫn thường được dùng làm "vật hi sinh" trên bàn thờ tổ quốc. Riêng đời Trần không phải chỉ Huyền Trân hay An Tư công chúa mới được đem ra làm vật đổi chác. Theo thứ tự phải kể :
    1) Năm 1228, nhà vua gả Ngoạn Thiềm công chúa - em vua Trần Thánh Tông, con Trần Thái Tông - cho Nguyễn Nộn. Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng ngọc không dâng lên triều đình nên vua hạ chiếu bắt giam. Trần Tự Khánh, anh thứ hai của Linh Từ quốc mẫu - mẹ Lý Chiêu Hoàng - xin cho Nộn được đánh giặc chuộc tội, vua sai đi đánh dẹp người Mán ở Quảng Oai. Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm vùng châu Hồng (Hải Dương). Nộn giết Đoàn Thượng, chiếm quân và cướp của châu Hồng, thanh thế lừng lẫy. Trần Thủ Độ lo lắng, một mặt sắc phong cho Nộn làm Hoài đạo Hiếu vũ vương, một mặt gả Ngoạn Thiềm cho để ngầm dò la tin tức. Nộn biết ý, dọn cho công chúa ở riêng một nơi nên công chúa không làm gì được cả.
    2) Năm 1286, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh rất gấp, quân ta tan vỡ, bọn Trần Kiện, Lê Tắc đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Triều đình phải sai người đưa công chúa An Tư - em gái út của Trần Thánh Tông - đến cho Thoát Hoan để xoa dịu.
    3) Chế Mân, dựa vào lời hứa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, dâng kỳ hương cùng báu vật xin cưới Huyền Trân. Triều đình chỉ có hai người bàn nên gả là Trần Khắc Chung và Văn Đạo Tái, con Trần Quang Khải. Sau Chế Mân dâng thêm hai châu Ô, Lý, vua Trần Anh Tông mới quyết định. Tháng 6 năm 1306, vua Trần Anh Tông gả em gái là Huyền Trân cho Chế Mân. Tháng 5 năm 1307 Chế Mân chết, theo tục lệ Chiêm Thành thì Hoàng Hậu phải lên dàn hỏa thiêu chết theo. Tháng 10, vua sai Trần Khắc Chung sang điếu tang và tìm cách đem Huyền Trân cùng Thế tử Đa Gia, con Chế Mân, về. Sử chép trên đường về Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân tư thông với nhau loanh quanh mãi trên biển đến tận tháng 8 năm 1308 mới cập bến.
    4) Năm 1363, vua Trần Minh Tông gả Nguyệt Sơn công chúa cho Ngô Dẫn vì Dẫn có viên ngọc rất lớn, bán được nhiều tiền, trở nên giầu có. Dẫn cậy giầu, tư thông với người khác, khinh khi công chúa. Công chúa tâu lên, Dẫn được miễn tội chết nhưng gia sản bị tịch thu.
    Ngô Thì Sĩ viết :"Nhà Trần quen làm lối này, cốt được lợi trông thấy, đem má phấn đánh đổi lấy tràng thành, gả Ngoạm Thiềm cho Nguyễn Nộn, An Tư cho Thoát Hoan đều lối ấy cả”.
    Ở nước ta, dùng " mỹ nhân kế " nào phải chỉ nhà Trần? Sử chép rõ ràng về nhà Lý :
    1) Năm 1029, gả Bình Dương công chúa cho châu mục lang là Thân Thiệu Thái.
    2) Năm 1036, Lý Thái Tông, sợ khó khống chế các tù trưởng quản lĩnh các châu miền thượng du, kết mối giao hảo bằng hôn nhân, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiên Lãm.
    3) Năm 1082, vua Lý Thái tông gả Khâm Thánh công chúa cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh.
    4) Năm 1126, đem Diên Bình công chúa gả cho Dương Tự Minh là thủ lĩnh phủ Phú Lương.
    5) Năm 1144, lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh lúc này cai quản các khe động dọc theo biên giới đường bộ và phong Minh làm Phò mã lang.
    Thế là một mình Dương Tự Minh được cưới tới hai nàng công chúa và nhà Lý đã dùng tới 5 công chúa làm " vật hi sinh ", nhà Trần 4. Sử nhà Lê tuy không ghi chép tỉ mỉ về các công chúa như nhà Trần, nhưng cũng cho biết năm 1706 đem người tông nữ, lấy danh nghĩa quận chúa gả cho tù trưởng Triều Phúc người Ai Lao.
    Về “loạn luân”, ngoại trừ những bậc “tiền bối” trước thời Trần Khánh Dư đã nêu trên thì trong lịch sử họ Trần về sau còn có các trường hợp sau mà sử gia xếp vào trường hợp “loạn luân” khi xem xét về chính sách hôn nhân cận huyết của hoàng tộc họ Trần.
    1) Năm 1274, vua Trần Nhân Tông, con Trần Thánh Tông, lấy Bảo Thánh, rồi Tuyên Từ, đều là con Hưng Đạo Vương.
    2) Vua Trần Anh Tôn, con vua Trần Nhân Tông, cháu Trần Thánh Tông, chắt Trần Thái Tông, lấy Văn Đức phu nhân năm 1292, là con Hưng Ngượng Vương Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Hưng Đạo, chắt Trần Liễu. Thế là cháu cô cháu cậu (Trần Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) hay chắt chú chắt bác lấy nhau.
    3) Sau Trần Anh Tông lại bỏ Văn Đức phu nhân mà lấy em ruột phu nhân là Thánh Tư công chúa.
    4) Trần Anh Tông lấy Huy Tư là con Thụy Bảo công chúa và Trần Bình Trọng. Thụy Bảo là em Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông là cháu nội Trần Thánh Tông, tức cháu lấy cô.
    5) Năm 1301, Thiên Trân công chúa, con Trần Anh Tông, Trần Anh Tông là con Trần Nhân Tông, cháu Trần Thánh Tông, lấy Uy Túc công Trần Văn Bích, cháu nội Trần Quang Khải. Trần Quang Khải và Trần Thánh Tông là anh em, tức cháu chú cháu bác lấy nhau.
    6) Thiên Trân chết, Trần Uy Túc lại lấy Huy Thánh công chúa.
    7) Thượng Trân công chúa, em Trần Anh Tông, chắt Trần Thái Tông lấy Văn Huệ công Trần Quang Triều, con Trần Quốc Tảng, cháu Trần Hưng Đạo, chắt Trần Liễu, tức chắt chú chắt bác lấy nhau.
    8) Trần Minh Tông, con Trần Anh Tông, cháu Trần Nhân Tông, lấy Huy Thánh tức Lệ Thánh, con gái lớn Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn / Trẩn Quốc Chẩn là em Trần Anh Tông : Con chú con bác lấy nhau.
    9) Trần Minh Tông gả Huy Chân, con Trần Nhân Tông, cho Uy Giản hầu năm 1317.
    10) Mẹ Huy Chân là Trần Thị Thái Bình, cung tần của Thượng hoàng Trần Anh Tông.
    11) Năm 1318 Trần Minh Tông gả Thiên Chân Trưởng công chúa cho Huệ Chính vương.
    12) Năm 1337 Trần Hiến Tông, con Trần Minh Tông, lấy Hiển Trinh, con gái lớn Huệ Túc vương Trần Đại Niên.
    13) Năm 1342, Thiên Ninh công chúa, con Trần Minh Tông, lấy Hưng Chính Túc vương Trần Kham.
    14) Năm 1349, Trần Dụ Tông, con Trần Minh Tông, lấy con gái thứ tư Huệ Túc vương là Uy Từ Nghi Thánh.
    15) Năm 1351, Trần Dụ Tông loạn dâm với Thiên Ninh là chị ruột. Nguyên năm 1339 Dụ Tông bị chết đuối ở Hồ Tây, được thầy thuốc Tầu Trâu Canh dùng kim châm cứu khỏi nhưng đoán sau này lớn lên sẽ bị liệt dương. Sau quả nhiên sự việc xảy ra đúng như vậy, Trâu Canh được vời đến chữa, khuyên vua giết một đứa con trai nhỏ tuổi lấy mật hoà với thuốc dương khởi thạch mà uống rồi thông dâm với chị hay em ruột. Vua nghe theo, thông dâm với Thiên Ninh công chúa.
    16) Huy Ninh công chúa, con Trần Minh Tông, lấy Tông thất Nhân Vinh. Sau Nhân Vinh bị Dương Nhật Lễ giết, Trần Nghệ Tông là anh, lại gả Huy Ninh cho Hồ Quý Ly.
    17) Trần Duệ Tông, con Trần Minh Tông và Lê Đơn Từ, cô Hồ Quý Ly, lấy Hiền Trinh là em họ Hồ Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
    18) Trần Duệ Tông lấy Thái bảo Trần Liêu làm phi.
    19) Năm 1375 Trần Duệ Tông gả con là Trang Huy công chúa cho Nguyên Dẫn, con Cung Chính vương. Cung Chính vương và Trần Duệ Tông đều là con Trần Minh Tông, tức con chú con bác lấy nhau.
    20) Thiên Huy hay Thái Dương công chúa, con Trần Nghệ Tông, lấy Phế Đế là con Trần Duệ Tông. Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông cùng là con Trần Minh Tông, mẹ Trần Nghệ Tông là Minh Từ, mẹ Trần Duệ Tông là Đơn Từ, là hai chị em ruột, cô của Quý Ly : vừa là con chú con bác, vừa là cháu dì cháu già lấy nhau.
    21) Sau khi Trần Phế Đế chết, Thái Dương tư thông với Nguyên Uyên, con Cung Tín vương Thiên Trạch, em Trần Nghệ Tông : con chú con bác lấy nhau.
    22) Năm 1393, Trần Nghệ Tông giận đem gả Thái Dương cho Nguyên Hãng là em Nguyên Uyên để làm nhục.
    23) Tuyên Huy công chúa, con Trần Duệ Tông, lấy Quan Phục Đại vương Húc, con Nghệ Tông, giống trường hợp Thái Dương lấy Trần Phế Đế.
    24) Hồ Quý Ly gả Trang Huy công chúa, con Tông thất Nhân Vinh (bị Nhật Lễ giết) cho Mộng Dữ, con Trần Nguyên Đán, cháu bốn đời của Trần Quang Khải.
    25) Trần Thuận Tông, con út Trần Nghệ Tông, lấy Thánh Ngẫu là con gái lớn của Quý Ly và Huy Ninh công chúa. Huy Ninh là em Trần Nghệ Tông, tức là con cô con cậu lấy nhau. Trần Thuận Tông lại là cháu nội của Đơn Từ, cô của Quý Ly, lấy con gái Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
    26) Hồ Hán Thương, con của Huy Ninh và Hồ Quý Ly, lấy Trần thị.
    Tóm lại, nếu không phân biệt nội ngoại thì ít nhất cũng có gần 40 vụ người trong họ Trần lấy nhau còn ghi trong sử sách.
    Nhưng nhà Trần không phải là trường hợp duy nhất diễn ra các cuộc hôn nhân cận huyết, hay còn gọi là “loạn luân”, nếu tò mò lật sử ra sẽ thấy:
    1) Lê Thần Tông, con Lê Kính Tông và Trịnh thị Ngọc Trinh, em Trịnh Tráng, lấy Trịnh thị Ngọc Trúc, con Trịnh Tráng, tức con cô con cậu lấy nhau. Trước đó Ngọc Trúc đã lấy chú họ vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được bốn con. Trụ bị bắt giam, Trịnh Tráng đem Trúc gả cho vua, thế là cháu lấy thím họ.
    2) Lê Chân Tông, con Lê Thần Tông, lấy Trịnh thị Phương Từ, em Ngọc Trúc.
    3) Năm 1663 Lê Huyền Tông, con Lê Thần Tông, cháu ngoại Ngọc Trinh, lấy Ngọc Áng, con thứ Trịnh Tạc, cháu Trịnh Tráng, tức cháu cô cháu cậu lấy nhau (Tráng và Ngọc Trinh đều là con Trịnh Tùng).
    5) Lê Dụ Tông, con Lê Hi Tông, cháu Lê Thần Tông, chắt Ngọc Trinh, lấy Ngọc Trang là cháu 7 đời của Trịnh Tráng (Tráng sinh ra Tạc, Tạc sinh ra Căn, Căn sinh ra Vĩnh, Vĩnh sinh ra Bính, Bính sinh ra Cương, Cương sinh ra Ngọc Trang).
    6) Duy Phường, con Lê Dụ Tông và Ngọc Trang, bị Trịnh Giang tố cáo tư thông với vợ Trịnh Cương, tức cha đẻ ra Ngọc Trang.
    7) Duy Vĩ, con Lê Hiển Tông, cháu Lê Thuận Tông, chắt Lê Dụ Tông và Ngọc Trang, đính hôn với Tiên Dung quận chúa, con Trịnh Sâm, cháu Trịnh Doanh, Doanh và Ngọc Trang đều là con Trịnh Cương. Thế là cháu lấy cô họ.
    Đấy là chưa kể trường hợp Lê Tương Dực loạn dâm với vợ lẽ của cha và những vụ chưa minh định được vì sử chép quá sơ sài như :
    - Lê Thái Tổ lấy nguyên phi là Lê thị Ngọc Dao, con Thủ tướng Lê Sát. Sát người Lam Sơn, trên bảng 93 công thần được xếp hạng nhì.
    - Huệ phi của Thái Tổ là Lê thị Nhật Lễ, con Thủ tướng Lê Ngân, cũng người Lam Sơn, và được xếp hạng tư trên bảng công thần.
    - Lê Nhân Tông gả em gái là Vệ Quốc Trưởng công chúa cho con Thái úy Lê Thụ, cũng có tên trên bảng công thần.
    Xét rằng thời xưa những người nắm quyền cao phần nhiều đều trong hoàng tộc thì rất có thể Lê Thụ, Lê Ngân, Lê Sát, đều có họ với Thái Tổ, đặc biệt Sát và Ngân đều quê ở Lam Sơn. Mặt khác, 93 người có tên trên bảng công thần đều cùng họ Lê thì chắc một số vì có công lớn được ban quốc tính (được nhận họ của vua làm họ của mình) khó mà biết rõ sự thật, như Lê Lễ, cũng có tên trên bảng công thần, người ở Lam Sơn, được ban quốc tính, lại chính là cháu gọi Thái Tổ bằng cậu.
    ---QC---


  2. #2
    Ngày tham gia
    Oct 2008
    Bài viết
    348
    Xu
    0

    Mặc định

    Gánh càn khôn (sưu tầm)

    “Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
    Hỏi rằng chi đó?
    Gửi rằng than…”
    (Trần Khánh Dư)

    Đêm tháng giêng trăng mờ, bầu trời u ám. Nhân Huệ Vương Khánh Dư cùng người hầu thơ thẩn bên bờ sông phía ngoài doanh trại. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, người ta có thể nghĩ ông đang tìm cảm hứng để làm một tứ thơ vịnh tháng giêng, nhưng không, lòng ông cồn lên những cảm xúc lo âu, trăn trở sau trận thua đoàn thuyền chiến của giặc Nguyên xâm phạm cửa Vân Đồn. Phải chăng ông đã phụ lòng tin cậy của Tiết chế Hưng Đạo Vương đã giao ông toàn quyền công việc biên phòng nơi cửa ngõ đông bắc, phụ lòng thương cứu vớt của quan quân (một cách gọi nhà vua)? Nhân Huệ Vương bỏ mũ, mặt hướng ra ngoài sông hứng chịu luồng gió giá buốt phả vào. Cái buốt lạnh về thể xác đâu bằng sự tê tái ở trong lòng. Lời hứa sáng nay của ông với quan Trung sứ còn văng vẳng bên tai, âm u trong đầu ông, từng từ một: “Theo quân luật thì tôi cam chịu, nhưng tôi xin hoãn hai ba ngày để lập công, lần sau sẽ trở về chịu rìu búa cũng chưa muộn”. Đáng lý ra, sau thất bại này, ông phải chịu còng tay về chịu tội chết trước mặt quan quân, song may mà, Trung sứ là người nhân từ, hiểu biết nên đã nhân nhượng hoãn lại cho ông. Làm như thế cũng có nghĩa là quan Trung sứ đặt cược sinh mệnh của chính mình vào ông. Nếu như thuyền lương của Trương Văn Hổ không qua đây, và nếu như có qua mà ông lại thua thì điều đó có nghĩa là ông sẽ chết và Trung sứ cũng phải tội lây. Nhân Huệ Vương ngúc ngắc cái đầu tưởng tượng lúc phải vươn lên chịu chém. Thấy ớn nơi sống lưng và da gà nổi khắp người, ông cố trấn tĩnh hít đầy lồng ngực gió lạnh và từ từ thở ra. Nam nhi không sợ chết, nhưng nếu chết giữa trận tiền cho bõ. Đằng này… Chao ơi, lại còn tiếng xấu lưu vào sử sách nữa chứ. Nếu trời đất không thương ta thì hận này nghìn thu không tan! Còn nàng nữa. Lúc này, ông nghĩ đến nàng, đến tình yêu của ông với nàng và hết thảy những gì mà nàng đã dành cho ông… Người hầu khẽ thưa làm ông bừng tĩnh: “Thưa quan Phó tướng, mong người lưu tâm giữ tấm thân quý báu của mình trở vào doanh trại ngay kẻo không cảm lạnh!”. Nhân Huệ Vương khẽ ờ và mỉm cười giễu cợt trong bóng tối. Tấm thân quý báu ư, chẳng bao lâu nữa cái thân này sẽ thối rữa ra và tan vào bụi đất, còn lại có chăng là vết ố trên trang sử mà thôi?!

    Rồi ông cũng nghe lời người hầu trở vào trướng. Sai người hầu mang rượu lại và cho anh ta lui, còn lại một mình, ông tự rót rượu và nhấp từng ngụm nhỏ. Rượu đắng nghét trong cổ như nuốt phải bọ nẹt…

    Cái thời ông còn là Thiên tử nghĩa nam (tức con nuôi vua) của Thánh Tông, được ra vào cung cấm, ông đã gặp nàng. Thiên Thụy công chúa được vua cha nhất mực yêu quý và dẫu nàng không phải là một đấng sắc nước hương trời thì dung mạo nàng cũng thật tuyệt vời. Trong dáng vẻ nàng dịu dàng, hơi u buồn bên ngoài, Nhân Huệ Vương thấy được những cơn sóng ngầm cuộn lên và sự bất chấp số phận để đi theo tiếng gọi của tình yêu ở nơi nàng. Chỉ sau một lần gặp mặt, chàng Phó đồ tướng quân rồi Phiêu kỵ đại tướng quân trẻ tuổi, tài cao, tiếng tăm nổi như cồn sau những chiến công trong lần đánh quân Nguyên lần thứ nhất và đánh dẹp sơn Man đã thấy rộn lên trong trái tim một niềm phấn khích. Chàng đêm ngày tơ tưởng đến nàng và Thiên Thụy công chúa cũng chỉ ước ao đến một ngày nào đó, được sánh duyên với chàng Thiên tử nghĩa nam xuất chúng. Nhưng thật ác thay, để xoa dịu mối bất hòa giữa hai nhà và lấy lòng Hưng Đạo Vương, quan quân đã hứa gả cho con trai trưởng của Quốc Tuấn là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Biết chuyện vỡ lở sẽ nguy đến tính mạng, nhưng sóng tình nổi lên như bão gió cuốn phăng tất cả những vật cản trên đường đi, và thế là hai người bất chấp, lao vào cuộc tình mây mưa. Và không may, chuyện thông dâm giữa Thiên tử nghĩa nam và công chúa cưng của Thánh Tông, người mang tiếng đã là vợ của Hưng Vũ Vương Nghiễn bị bắt quả tang. Thánh Tông nổi giận đùng đùng, phần sợ mang tiếng, phần lo Hưng Đạo Vương phật ý bèn sai người tâm phúc đưa Khánh Dư ra Tây Hồ, trước mặt bàn dân thiên hạ đánh cho chết, nhưng bên trong lại ngầm dặn nương nhẹ tay. Ai có thấu được nỗi đau đớn trong lòng Nhân Huệ Vương khi ấy? Nếu chết được thì mới chỉ nhẹ được nỗi đau về thể xác, song Nhân Huệ Vương không thể chết, phải sống để có ngày ngửa mặt lên với đời. Bị cách hết quan tước, tha tấm thân rách nát, Khánh Dư lui về Chí Linh, trông coi sản nghiệp cũ của Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Chí Linh phong cảnh u tịch, lại cách Yên Tử không xa, nơi đây có thể xoa dịu được nỗi đau trần thế bằng cuộc sống an nhàn chốn cửa thiền, nhưng tự sâu thẳm cõi lòng, mối tình cay đắng với nàng chưa nguôi, vả lại lòng ham muốn chiến công và danh vọng cũng chưa dứt, Khánh Dư âm thầm nuôi chí đến một ngày nào đó… Hằng ngày, cũng nón lá, áo ngắn, quần cộc, Khánh Dư cùng đám thợ đốt than lên núi cưa cây, làm hầm đốt than, rồi lúc xuống núi lại quẩy trên vai gánh nặng. Những lúc đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mặt mũi đen nhẻm, bước thấp bước cao, cơm nắm muối vừng, nước suối, Khánh Dư mới thấm nỗi khổ của người dân cơ hàn. Ngẫm nghĩ, thấy ở đời, hạt gạo, giọt nước và hòn than là quý nhất, bởi ba thứ ấy nuôi sống người ta. Khánh Dư đưa ra triết lý hòn than, nó được tinh luyện từ linh khí của trời đất thành cây và rồi lại luyện thêm trong lửa khói để thành than. Nó chính như con người được nhào nặn qua sung sướng và khổ ải, như chính bản thân mình vậy. Hễ ai hỏi gánh nặng trên vao Khánh Dư là gì thì ông trả lời là gánh càn khôn. Đúng là thế: “Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn…”. Đã làm người đứng trong cõi trời đất này thì nghiệp chướng, căn quả có nặng đến mấy cũng phải gánh, è cổ, sụn lưng, dập mặt xuống bùn cũng gánh.

    Tự ngẫm, Khánh Dư thấy mình đâu có làm gì nên tội. Mình tư tình với Thiên Thụy công chúa cũng là lẽ thường tình của đấng mày râu, của một con người. Và nếu có chút tự mãn sau những chiến công thì đâu đến nỗi bị vùi dập như vậy! Ta không cam tâm trở thành nhà sư. Ta không muốn xa lánh cuộc đời. Vô lo vô nghĩ, nhàn tâm thì cứu khổ, cứu nạn được cho ai? Ta không muốn thế!

    Gầm lên thành tiếng, Nhân Huệ Vương mở choàng mắt, chống tay xuống mặt bàn, đứng phắt dậy và vô tình ông gạt đổ chén rượu. Người hầu, giật mình ngã bổ ngửa về phía sau, vì khi đó, thấy ông gục xuống bàn thiếp đi, bèn mang áo choàng lén khoác lên người ông chống lạnh. Nhân Huệ Vương nhìn trừng trừng phía trước giây lát rồi ngồi xuống, nhẹ nhàng bảo người hầu: “Ta đã làm nhà ngươi phải sợ”. Người hầu lồm cồm bò dậy, vâng dạ luôn miệng. Ông gọi: “Ta vẫn thấy khát, mang bình rượu khác ra đây cho ta”.

    Chén rượu đầy, sóng sánh trước mặt. Nhìn chăm chăm vào đấy, ông tưởng như sóng Vân Đồn đang cồn lên… Ừ phải rồi, cái ngày ta được ngẩng cao đầu, ngửa mặt lên với đời đã đến. Đó là vào cái ngày, vua Thánh Tông mở hội nghị trên bến Bình Than năm Thiệu Bảo thứ tư (1282), mùa đông. Người tâm phúc của Khánh Dư ở Thăng Long mật báo cho ông biết chuyện ấy và thế là cơ hội đã đến, ông phải chớp lấy. Giặc Nguyên hung dữ tràn vào bờ cõi, trong lúc nước sôi lửa bỏng này, nhà vua cần phải biết dùng ngưới tài, hoàng tộc cũng như thứ dân phải đoàn kết một lòng. Từ Lục đầu, ông xuất phát, cấp giong thuyền than cho kịp. Thật may sao, con thuyền của ông gặp lúc triều xuống, gió to, xuôi dòng ngang qua nơi quan quân mở hội nghị và Đức Thánh Tông đã tinh mắt thấy được. Biết có thuyền nhỏ của quan thần đuổi đằng sau để gọi lại, ông tảng lờ. Đến cửa Đại Than thì kịp, quân hiệu gọi: “Ông lái kia nhà vua có lệnh gọi”. Ông vờ làm kiêu và hiểu rằng thế nào Thánh Tông cũng nhận ra mình, nên trả lời: “Lão già này là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến? Lời nói đó, kẻ phàm trần nào dám nói, chỉ có người quân tử, chí anh hùng mới có được khẩu ngôn như thế. Quả nhiên, Thánh Tông nhận đúng là Khánh Dư. Áo ngắn, nón lá, ông quỳ trước mặt vua. Đức Thánh Tông nhìn ông độ lượng và khuyến khích, mà buông lời than: “Nam nhi phiêu bạt đến thế!”. Đó là dấu hiệu của sự mềm lòng, của trắc ẩn… Và đúng lúc ấy, chí anh hùng trỗi dậy trong lòng ông sôi sục, cộng thêm chút kiêu bạc của kẻ biết mình có tài, ông nén chặt, gồng mình lên mà kìm giữ để tránh xảy ra cử chỉ nào thất thố, và nếu có hòn sỏi ở trong tay thì ông cũng bóp vụn, chứ đâu chỉ bóp nát quả cam như cậu bé miệng còn hơi sữa Hoài Văn Hầu Quốc Toản kia!

    Trai thời loạn, chí anh hùng chưa kịp thỏa thì điều ong tiếng ve lại đến. Ra trấn thủ Vân Đồn, biên ải phía đông bắc giang san là ta chấp nhận đứng nới đầu sóng ngọn gió. Trong vùng dân cư thưa thớt, ít ruộng vườn, toàn gò đồi, sông lạch, phong tục, đời sống của cư dân toàn trông chờ vào việc làm ăn, buôn bán với người phương Bắc. Khi điểm quân, ta giật mình vì thấy đa phần quân sĩ đều đội loại nón của người phương Bắc. Thời bình dùng của người đã là không hay, lúc loạn ly, binh đao thế này lại càng không nên dùng. Ta ban lệnh quân sĩ chỉ được dùng nón Ma Lôi của Lộ Hồng là muốn tránh nhầm lẫn và cũng thể hiện lòng tự hào dân tộc, kích tướng sĩ một lòng vì nước. Thật hại thay cho ta, khi người nhà được lệnh mua nón Ma Lôi về bán chỉ được phép lấy lãi chút đỉnh bù công sức của đám thừa hành, nhưng chúng lại nổi máu tham thu giá lên cao gấp đôi, kiếm lời chia nhau. Thế là ta mang tiếng, để bọn xấu miệng hiểm lòng làm thơ cạnh khóe rằng “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (nghĩa là: Gà chó ở Vân Đồn đều kinh sợ). Lúc ấy thì ta có trừng phạt đám người nhà đến mấy thì cũng không thể nào rửa sạch được tai tiếng!

    Nhân Huệ Vương nghe tiếng gà gáy, biết đêm đã sang canh ba. Đầu ông căng lên bởi những dòng suy nghĩ chen lẫn nhau. Tính mạng ông như ngàn cân treo sợi tóc, song điều đó cũng không thật quan trọng, bởi đã từng lên voi xuống chó, ông không sợ chết, cao hơn cả là sinh mạng dân tộc, là sự tồn vong của vương triều Trần mà ông đang phụng sự. Nếu như thuyền lương của giặc không qua đây và nếu như ông không chặn nổi chúng thì khi ấy không biết điều gì sẽ xảy ra? Tự ngẫm mình trung thực, một lòng vì quan quân, vì dân tộc, cái chết chẳng có gì đáng sợ. Nhưng phải chết lúc này thì oan uổng biết bao, đáng tiếc biết bao. Và trong sâu thẳm cõi lòng, ông khát khao chiến thắng, ông nguyện dâng chiến thắng đó cho nàng, người đàn bà ông yêu thương nhất cõi đời, người mà ông đã chịu đắng cay tủi hổ, chịu ô danh với sử sách, và ông phải có cái quyền được sống để mà chiến thắng, để mà lấy chiến thắng ấy xóa đi vết nhơ trong sử sách do chính ông với nàng gây nên.

    Nhân Huệ Vương Khánh Dư đắm chìm trong hồi ức và ý nghĩ, sự mềm yếu và chí anh hùng. Ngoài cửa Vân Đồn trời biển vân vũ, nhưng đã rạn ra, hắt lên cao những tia sáng rẻ quạt…

    Nhân Huệ Vương đang gục đầu trên án thư chợt nghe tiếng người đâu đó vẳng lại, ông định thần lắng nghe, đúng là tiếng ấy nói với ông: “Hãy nghe ta, thuyền chiến đi qua, ắt thuyền lương sẽ theo sau. Hãy thu thập tàn binh đợi chúng. Ngài sẽ đánh bại chúng, bắt được quân lương, khí giới vô kể. Hãy chuẩn bị ngựa trại báo tiệp cho Thượng hoàng mà xin tha tội trước!”. Ông nhìn quanh quất mà chẳng thấy bóng dáng ai, bèn chắp tay mà hỏi vào thinh không: “Thế Ngài là ai? Không nói quở tôi chứ?”. Tiếng nói ấy lại vang lên, như rót thẳng vào tai ông, rành mạch từng câu, từng chữ: “Ngài chẳng nên biết ta là ai làm gì. Ngài sẽ phiêu du vào cõi Bồng Lai tiên cảnh vào mùa thu năm Khai Hựu thứ mười một. Quãng thời gian lưu lại với phàm trần, ngài không được hưởng vinh quang, và sẽ còn chịu thêm nhiều điều tiếng nữa. Song ngàn sau, người đời sẽ biết đến ngài qua những dòng mà các sử gia đặt bút viết thế này: “Việc đánh lui giặc Hồ (tức quân Nguyên) ở đời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo, mà không biết đến trận thắng ở Vân Đồn của Khánh Dư. Trận thắng đó rất kỳ diệu và là căn bản cho trận thắng sau đấy. Cho nên nói, trận thắng ở Vân Đồn là căn bản của việc đánh lui giặc Hồ đấy!”.

    Nhân Huệ Vương xiết bao mừng rỡ. Ông tỉnh hẳn. Thì ra vửa rồi là ông nói chuyện với người cõi mộng, vi thần tiên nào đấy. Ông chắp tay bái vọng lên trời, rồi xuống đất. Nhân Huệ Vương Khánh Dư lặng lẽ rời bàn thư, bước ra bên ngoài, hướng mắt về phía cửa Vân Đồn bình minh đang rạng!

    ---QC---


Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status