TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: [Tình cảm] Áo mưa - Thái Trí Hằng - HOÀN THÀNH

  1. #1
    Darth Athox's Avatar
    Darth Athox Đang Ngoại tuyến Tiếu Ngạo Giang Hồ Học Sĩ hậu kỳ
    Moderator
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    11,827
    Xu
    4,628

    Mặc định [Tình cảm] Áo mưa - Thái Trí Hằng - HOÀN THÀNH

    Áo mưa - Tác giả: Thái Trí Hằng
    Dịch: Bàn Xà
    Biên tập: Darth Athox




    Thời tiết, không nên oi bức như thế này chứ.
    Thời tiết thế này khiến tôi liên tưởng tới đường xá Đài Bắc giữa trưa.
    Từng hàng xe chen chúc nhau nhả khí thải, hơi nóng tỏa ra từ điều hòa nhiệt độ của những căn nhà cao tầng,
    Dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, cột thủy ngân trên nhiệt kế không ngừng dâng cao.
    Cái lòng chảo Đài bắc như biến thành Hỏa Diệm Sơn trong Tây Du Ký.
    Rất muốn nhờ Tôn Ngộ Không tới tìm quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa, quạt hết khí nóng đi.

    Nhưng tôi lại đâu có ở Đài Bắc, mà đang ở Đài Nam;
    Giờ cũng chẳng phải giữa tháng bảy, mà là cuối tháng năm.
    Đã mấy ngày liền rồi, thời tiết vẫn cứ lây dây với bạn như vậy, không hề có dấu hiệu chịu thỏa hiệp.
    Người còn có thể trốn vào phòng lạnh nghỉ mát, nhưng chó đâu có được may mắn như người.
    Nghe nói đám chó vì lè lưỡi ra quá lâu nên thường phát sinh hiện tượng chuột rút.

    Tôi trọ trên tầng cao nhất, là nơi gần với thượng đế nhất, cũng là nơi dễ cảm nhận được khí nóng của thượng đế nhất.
    Học sinh nghèo nào được quyền trang bị điều hòa nhiệt độ, chỉ đành gắng gượng coi quạt điện như quạt ba tiêu.
    Nhưng quạt điện không cách nào giảm bớt khí nóng của thượng đế, mồ hôi của tôi vẫn đổ xuống như mưa.
    Xuống phòng nghiên cứu thôi! Tôi nghĩ thầm như vậy, vì trong phòng nghiên cứu có điều hòa.
    Nếu thời tiết vẫn cứ oi bức thế này, vậy kẻ không thể không thường xuyên chạy xuống phòng nghiên cứu là tôi,
    Chắc sẽ nhanh chóng hoàn thành được luận văn tốt nghiệp của mình.

    Tắm nước lạnh một hồi, thay bộ quần áo đã ướt đẫm mồ hôi.
    Túi sách trên lưng, mang theo hai quyển sách để trang trí, tôi như trốn khỏi hiện trường hỏa hoạn chạy như điên xuống lầu.
    Lúc lên xe máy vì muốn mát mẻ hơn nên ngay cả mũ bảo hiểm cũng không đội.
    Tuy có câu nói: “Đổ hồ hôi vẫn tốt hơn đổ máu”,
    Nhưng với thời tiết thế này, tôi tình nguyện chịu phạt 500 đồng, khiến ví da đổ một đống máu,
    Cũng không muốn đổ thêm một giọt mồ hôi nào nữa.

    Cơn gió lướt qua bên mặt không ngờ cũng mang đi chút nóng nực, làm giảm tốc độ đổ mồ hôi.
    Dừng xe lại, nhìn thấy con chó Akita màu đen trong trường đang lè lưỡi nhìn lên bầu trời.
    Theo ánh mắt nó, tôi cũng ngẩng đầu lên, nhưng không hề há miệng ra.
    Thật chẳng ngờ, bầu trời vốn “không một gợn mây”, giờ lại kéo tới “một áng mây đen”.
    “Cuối cùng cũng mưa rồi!” Tôi bắt đầu mong chờ cơn mưa đầu mùa năm nay.
    (Chó Akita: một giống chó quý của Nhật, được gọi là "quốc khuyển của Nhật Bản”)

    Như đáp lại lời thỉnh cầu của tôi, bầu trời vang rền một trận sấm.
    Lũ lượt kéo tới, chẳng khác nào âm thanh khi đem bi thép trong máy pachinko ra trút hết vào chậu.
    Sau vài ngày giằng co, thần mưa rốt cuộc cũng đánh bại được Tảo Tinh nương, trút một cơn mưa lớn xuống...
    Đưa túi sách lên che kín đầu tóc, tôi lại như chạy nạn chui tọt vào phòng nghiên cứu.
    Tình cảnh lúc này, hệt như khi gặp được Tín Kiệt.
    (Máy pachinko: một trò chơi giải trí có thưởng rất phổ biến tại Nhật Bản. Trong đó “Pachin” là một từ tượng thanh chỉ âm thanh co dãn của cao su và “Ko” có nghĩa là trái bóng.
    Tảo Tinh nương là một hình nhân phụ nữ bằng giấy được treo dưới mái hiên khi cầu khẩn trời quang mây tạnh.)


    Tôi thở hổn hển, lau gọng kính bị nước mưa làm mờ.
    Tuy không có gió lớn trợ uy nhưng ngoài cửa sổ bóng cây cối vẫn lay động không ngừng.
    Thật chẳng ngờ đã không mưa thì thôi, mưa một cái lập tức kinh thiên động địa.
    Khép chặt cửa sổ có vẻ không che nổi cơn thịnh nộ của mưa, hai cái bàn sát cửa sổ dần dần bị mưa thấm ướt.
    Một giọt... hai giọt... ba giọt... dần dần thành một mảng...
    Cuối cùng biến thành một vũng.
    Tuy nước mưa làm ướt bàn học của tôi nhưng cũng khiến cho ký ức của tôi càng thêm rõ ràng.

    Hóa ra cơn mưa nà không chỉ rửa sạch bụi đất trên những con đường nhựa kia, tiêu trừ khí nóng của thượng đế,
    Mà còn phá bỏ tấm bùa chú phong ấn tất cả hồi ức giữa tôi và nàng.
    Tấm bùa bị bóc đi, những chuyện xưa như thủy triều dâng trào lên trong lòng.
    Bước khỏi phòng nghiên cứu, đứng bên ban công, thật muốn xem xem cơn mưa này lớn tới mức nào.
    Ngoài cửa sổ đã là một khoảng không trắng xóa, như bao phủ trong một màn sương mù lớn.
    Ngay cả một hơi tôi vô ý thở ra, cũng hơi hơi hóa trắng.
    Giờ mới khoảng ba bốn giờ chiều nhưng xe cộ trên đường đều đã lấp loáng ánh đèn mờ nhạt phía trước.
    Còn áo mưa đủ các loại sắc màu, trong thế giới trắng xám lại đặc biệt nổi bật, rực rỡ.

    oOo

    Nhớ lại hôm đó bước khỏi “Hollywood KTV”, mưa cũng đầm đìa như vậy.
    “Sao trời mưa lớn vậy, anh có mang áo mưa không?” Nàng hỏi tôi với vẻ quan tâm.
    “Áo mưa của anh bị gió thổi bay mất lúc phơi ngoài ban công rồi.” Tôi bất đắc dĩ trả lời.
    “Bị gió thổi bay mất rồi à? Tiếc quá. Vậy làm sao anh về được đây?”
    “Anh ở cũng gần đây thôi! Chạy nhanh một chút, chắc cũng không ướt lắm đâu.”
    “Thế... thế... thế anh có thể...” Đột nhiên nàng lại ấp a ấp úng.
    “Có thể làm sao?” Tôi lúng túng hỏi lại.

    “Anh có thể mặc áo mưa của em không?”
    Giọng nói của nàng bỗng trở nên rất nhỏ, nhất là lúc nói tới hai chữ “áo mưa”, tới mức gần như không thể nghe thấy được.
    “Không cần đâu. Em cũng cần về mà?” Tôi mỉm cười, khéo léo từ chối lời đề nghị của nàng.
    Trời mưa lớn như vậy, chẳng hề có chút dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng.
    Da mặt tôi có dày tới đâu cũng chẳng thể mặc áo mưa của nàng vào rồi để nàng ở lại chỗ này!?
    Nàng nghe câu trả lời của tôi xong, khuôn mặt lộ vẻ vô cùng thất vọng.
    Cứ như tôi vừa từ chối, không phải một chiếc áo mưa, mà là tâm ý của nàng.

    “Em sao vậy? Anh nói sai gì à?”
    “Không có gì. Anh đừng có để ướt như chuột... A-no... chuột cái gì ý nhỉ?”
    “Nó gọi là chuột lột. Anh đã dạy em rồi mà, em quên rồi à? Lúc về phạt viết ‘chuột lột’ mười lần.”
    Tôi cất giọng bông đùa.
    “Hai! Tuân lệnh. Lần sau đi học em sẽ nộp lại cho thầy, thầy Thái.”
    Nàng mỉm cười. Vậy mới đúng, hiếm hoi lắm mới có một cơn mưa, nàng nên vui lên chứ.

    Nàng lấy ra chiếc áo mưa màu tím đỏ của mình, từ từ mặc vào.
    Phảng phất như đang mặc một chiếc kimono đắt giá, từng cử chỉ của nàng đều thật nhẹ nhàng.
    Đây là lần đầu tiên tôi thấy nàng mặc chiếc áo mưa đó.
    Đội chiếc mũ áo mưa lên, nàng thật giống “cô bé quàng khăn đỏ” trong truyện cổ tích, vừa dịu dàng lại vừa đáng yêu.
    Chẳng phải nàng nói mình rất thích mặc áo mưa đi dạo trong mưa sao?
    Vì sao tôi luôn cảm thấy sắc mặt nàng nhuốm chút buồn bã vậy?

    oOo

    Đột nhiên, một tiếng sấm vang lên khiến tôi hơi giật mình một chút, ngắt đứt dòng suy nghĩ.
    Cũng khiến cho hồn phách tôi từ trong đêm mưa ngoài Hollywood KTV, trở lại bên ban công ngoài phòng nghiên cứu.
    Tôi vẫn đứng một mình.
    Còn cơn mưa, vẫn như trút nước.
    Hóa ra, cho dù bên tôi không có nàng, mưa vẫn sẽ rơi.

    “Đàn anh, mắc mưa à?” Một đàn em vừa vặn đi ngang qua, hảo tâm hỏi.
    Mắc mưa thì không đến nỗi, bởi vì sau này nàng vẫn đưa chiếc áo mưa màu tím đỏ đó cho tôi.
    Còn tôi vẫn luôn cất chiếc áo mưa này trong tủ tài liệu ở phòng nghiên cứu, chưa bao giờ mặc.
    Vì nếu trời chỉ mưa lác đác, tôi không nỡ mặc;
    Còn nếu mưa to, tôi lại không đành lòng để cơn mưa tầm tã đó vô tình vô nghĩa đánh lên chiếc áo mưa này.
    Cho nên tôi lại trở lại trong phòng nghiên cứu, pha một cốc cà phê, để hương cà phê tràn ngập cả gian phòng.
    Ngồi trước bàn đọc sách, hưởng thụ sự cô độc khi ngăn cách với cơn mưa.
    Lại để tiếng mưa rơi dẫn dắt bản thân bước vào đường hầm thời gian, trở lại những tháng ngày mới quen nàng...

    oOo

    Nàng tên Itakura Ameko, một cô gái Nhật Bản rất hay cười.
    Năm Chiêu Hòa thứ 47 (năm 1972) ra đời tại một thôn xóm nhỏ gần Wakayama, sau mười tuổi di cư tới Osaka.
    Năm Bình Thành thứ 6 (năm 1994), sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Trung Quốc và khoa văn học tại đại học Kyoto lại một mình tới Đài Loan học tiếng Trung.
    Tuy nói là tới học tiếng Trung, nhưng ngoại trừ âm điệu tiếng Nhật khá rõ ra,
    Tiếng Trung của nàng cũng đã khá lưu loát.

    Quen biết Itakura Ameko có thể coi là trùng hợp! Do Tín Kiệt giới thiệu hai người bọn tôi.
    Tín Kiệt là bạn tốt của tôi, khi đó đang học thạc sĩ tại khoa nghiên cứu lịch sử đại học Thành Công.
    Cậu ta là một quái nhân, lúc thi vào đại học chẳng ngờ lại chọn hệ lịch sử làm nguyện vọng một.
    Vì cậu ta nói mình thích lịch sử, lại thích hóa thân thành các nhân vật lịch sử.
    Thế nên có lúc cậu ta là Chu Du cười nói phá binh Tào, có lúc lại là Tô Vũ chăn dê bên biển bắc.
    Câu mà cậu ta thích nói nhất là:
    “Bài học duy nhất mà loài người học được từ lịch sử là loài người không thể học được bài học nào từ lịch sử.”
    Tôi nghĩ, rò ràng là Tín Kiệt chẳng học được bài học nào từ lịch sử, vì cha cậu ta cũng học lịch sử.

    oOo

    Trước khi gặp Itakura Ameko tầm một năm, tôi quen Tín Kiệt tại thư viện.
    Chiều hôm đó, trời bỗng đổ mưa.
    Tôi đang đi dạo trong trường, chẳng thể làm gì khác, đành chạy vội tới kiến trúc gần đó nhất trú mưa.
    Thật may mắn, đó là thư viện của trường.
    Tôi lau nước mưa đầy trên khuôn mặt, cởi chiếc áo khoác, chỉnh sửa đôi chút thần sắc chật vật.
    Sau đó tới khu sách lịch sử, tiện tay giở ra đọc giết thời gian.
    Cơn mưa rào này, đến rất nhanh nhưng đi lại chẳng nhanh, kéo dài tới vài giờ liền.
    Tôi chẳng thể làm gì khác, đành xem từ Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc tới chiến tranh nha phiến.

    Dưới đất, ở một góc giá sách, tôi nhặt được một tấm thẻ học sinh.
    Chủ nhân của tấm thẻ tên Tạ Tín Kiệt, năm đầu ban thạc sĩ khoa nghiên cứu lịch sử đại học Thành Công.
    Trong ảnh chụp, cậu ta để đầu húi cua, đeo một cái kính gọng đen, rất có dáng vẻ học giả.
    Tôi đưa tấm thẻ sinh viên vừa nhặt được này tới trả cho quầy thủ thư, nhờ bọn họ thông báo giúp.
    Nửa phút sau, Tín Kiệt thở hồng hộc chạy tới:
    “Cám ơn cậu... cám ơn cậu... vô cùng cám ơn cậu...”
    Thái độ khách khí của Tín Kiệt khiến tôi có ấn tượng rất sâu. Có thể là bởi tôi rất thích lịch sử,
    Cho nên tôi rất có hảo cảm đối với sinh viên hệ lịch sử.

    “Đừng khách khí... đừng khách khí... cậu không cần khách khí như thế đâu...”
    Tôi chỉ như con vẹt, tinh nghịch bắt chước giọng điệu của cậu ta.
    “Ơn huệ này, tiểu đệ xin khắc ghi trong lòng.”
    Quả nhiên là sinh viên tài cao của viện văn học, vừa mở miệng là lời hay ý đẹp.
    “Chỉ chút việc nhỏ, huynh đài đừng quá để ý.”
    Chúng tôi nhìn nhau, cùng mỉm cười rồi bắt tay. Tôi bước ra phía cửa.

    Mưa vẫn không ngừng trút xuống, vừa rồi chắc đã xem lướt qua chiến tranh Trung Pháp hay chiến tranh Giáp Ngọ.
    “Bạn học này, mắc mưa à?”
    Tôi quay người lại, Tín Kiệt đang bật ô, mỉm cười nói.
    Tôi cười khổ nhún vai.
    “Đi ăn nhé! Tớ mời cậu. Coi như báo đáp ân cứu mạng.”
    “Cậu khách khí quá, tớ cũng chỉ tình cờ nhặt được thẻ sinh viên của cậu thôi mà.”
    “Đối với sinh viên, thẻ còn người còn, thẻ mất người mất. Cho nên xem như cậu vừa cứu tớ một mạng. Đi chứ?”

    Tuy sắc trời thật vô “tình” nhưng Tín Kiệt lại rất nhiệt tình.
    (Tác giả chơi chữ, chữ tình này là 晴 với nghĩa trời trong, trời quang)
    Tôi không tiện từ chối ý tốt của cậu ấy, bởi vậy gật đầu đồng ý.
    Cái ô của Tín Kiệt không lớn lắm, vì vậy để tránh bị ướt, chúng tôi đành phải dựa sát vào nhau.
    Cũng may tay áo hai người đều rất chỉnh chu, không có cảnh “đoạn tụ chi phích”,
    Bằng không, đưới bầu không khí thế này, kề vai tựa má sẽ rất dễ dẫn tới súng ống phát hỏa.
    Chúng tôi tới căng tin của trường dùng bữa rồi cùng trò chuyện.
    (Đoạn tụ chi phích: điển tích này bắt nguồn từ mối tình giữa Hán Ai Đế và Đổng Hiền. Hán Ai Đế cũng từng sủng ái và phong chức rất cao trong triều cho Đổng Hiền, một người giống phụ nữ, dịu dàng và có khuôn mặt kiều diễm. Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của nhà vua ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên cắt cánh tay áo của mình. Người ta sau gọi mối tình đồng tính là mối tình cắt tay áo cũng là có nguồn gốc là điển cố này. Khi nhà vua mất, hoàng đế mới là Vương Mãng cực lực phản đối Đổng Hiền. Vì sợ gặp họa và cũng để đáp lại tình yêu của vua dành cho mình, Đổng Hiền và vợ con đã tự sát tại nhà.)

    “Bạn học, nên xưng hô với cậu ra sao?” Tín Kiệt khách khí hỏi dò.
    “Giờ tớ đang là nghiên cứu sinh năm đầu, cậu nên gọi tớ là đàn anh. Nhưng tớ lại nhỏ hơn cậu một tuổi, cậu cũng có thể gọi tớ là đàn em.
    Cho nên tốt nhất cậu cứ gọi tớ là đàn anh đàn em chứ đừng gọi là bạn học.”
    “Ha ha ha... cậu thật thú vị. Để tớ giới thiệu trước, tớ là Tạ Tín Kiệt.
    ‘Tạ’ là Tạ trong Tạ An đại phá trăm vạn đại quân của vua Tiền Tần - Phù Kiên trong trận chiến Phì Thủy.
    ‘Tín’ là Tín trong Chức Điền Tín Trường (Oda Nobunaga) đánh tan Kim Nguyên Nghĩa Xuyên (Imagawa Yoshimoto) trong trận Okehazama;
    ‘Kiệt’ là Kiệt trong Trương Thế Kiệt thua Mông Cổ trong chiến dịch Nhai Sơn dẫn tới Nam Tống diệt vong.”

    Tôi ngẩn ra một lúc, sau đó bật cười.
    Thật không ngờ Tín Kiệt tự giới thiệu lại thú vị tới vậy.
    Tôi suy nghĩ một chút rồi bắt chước giọng điệu cậu ta, cũng tự giới thiệu bản thân:
    “Tớ tên Thái Trí Hoằng. ‘Thái’là Thái trong Thái Luân phát minh ra kỹ thuật làm giấy cuối thời Đông Hán;
    ‘Trí” là Trí trong Minh Trí Quang Tú (Akechi Mitsuhide) phản bội giết chết Chức Điền Tín Trường (Oda Nobunaga);
    ‘Hoằng” là Hoằng trong Hoằng Lịch, tục danh của người tự xưng Thập Toàn Lão Nhân, Thanh Cao Tông, Càn Long Hoàng Đế.”
    Thật ra tôi thường nói với mọi người, “trí” trong trí tuệ.
    Có điều nếu Tín Kiệt đã muốn làm Chức Điền Tín Trường vậy Trí Hoằng cũng chỉ đành liều mình cùng quân tử làm Minh Trí Quang Tú thôi.

    “Ha ha ha... Sau này xin cậu cứ gọi tớ là Tín Kiệt, ngàn vạn lần đừng gọi là Chức Điền Tín Trường.”
    “Vậy cũng xin cậu gọi tớ là Trí Hoằng, không cần gọi tớ là Minh Trí Quang Tú.”
    “Trí Hoằng, không ngờ cậu cũng biết sử chiến quốc Nhật Bản.”
    “Thật ra cũng may, mới đây vừa đọc xong bộ ‘Tokugawa Ieyasu toàn tập’.”
    “Hả? Thật sao? Tớ hỏi này, cậu thích nhân vật Tokugawa Ieyasu này à?”
    “Không thể nói là thích được, có điều nếu so với Toyotomi Hideyoshi ngông cuồng muốn chiếm đoạt Minh triều, Tokugawa Ieyasu vẫn đáng yêu hơn một chút.”

    “Thật ra đánh giá những nhân vật lịch sử thường mang theo tình cảm yêu ghét chủ quan, rất khóc có tiêu chuẩn khách quan, hơn nữa có lúc còn pha lẫn nhân tố phức tạp khác như tính dân tộc.”
    “Sao lại nói vậy?”
    “Lấy Tokugawa Ieyasu làm ví dụ, cho dù người Nhật Bản trách ông ấy vì chuyện Mạc Phủ Tokugawa thiết lập chính sách bế quan tỏa cảng khiến cho cường quốc phương Tây xâm lấn, phải chịu khuất nhục; nhưng người Nhật Bản hiện giờ lại cực kỳ tôn sùng Tokugawa, nhất là tán thưởng tính cách ẩn nhẫn trong tình thế bất lợi của ông. Thậm chí người nước ngoài còn tin rằng nguyên nhân chủ yếu khiến Nhật Bản có thể nhanh chóng khôi phục sau chiến tranh chính là người Nhật Bản ít nhiều gì cũng đều có tính cách này như Tokugawa.”

    Tín Kiệt dùng ngón áp út tay phải đẩy gọng kính, nói tiếp:
    “Nhưng nếu để người Trung Quốc đánh giá Tokugawa Ieyasu thì sao? Có lẽ kẻ giết vợ như Tokugawa, sẽ giống Ngô Khởi bị cười khinh bởi hành động giết vợ cầu vinh. Có điều...” Tín Kiệt ngừng lại một chút, uống một ngụm nước.
    “Có điều làm sao?”
    “Có điều người Nhật Bản lại rất tán thưởng hành động giết vợ như ông ấy.”
    Tôi học Tín Kiệt, dùng ngón áp út tay phải đẩy đẩy gọng kính:
    “Có lẽ đơn giản là phụ nữ Nhật Bản trong thời chiến quốc vốn không có địa vị gì, cho nên giết vợ với giết chó không có gì khác biệt. Có lẽ các học giả lịch sử của Nhật Bản đều sợ vợ, cho nên trong tiềm thức tán thưởng hành động dám giết vợ của Tokugawa.”

    “Ha ha ha... Trí Hoằng, chắc chắn tương lai chúng ta sẽ là bạn tốt.”
    “Vì sao?”
    “Vì quan điểm của cậu rất thú vị, tuy hơi linh tinh nhưng cũng có thể cung cấp một cái nhìn khác về lịch sử.”
    “Tín Kiệt, giờ chúng ta đã là bạn tốt rồi mà. Chẳng phải sao?”
    “Ừ, không sai.”
    Tín Kiệt thông thái thoải mái khiến tôi có ấn tượng sâu sắc.
    Có thể trở thành bạn bè với cậu ấy, đương nhiên là chuyện cầu còn chẳng được.

    Tín Kiệt quả nhiên là người học lịch sử, khi nói tới vấn đề lịch sử, cậu ta nói rất rành mạch.
    Từ Tần Thủy Hoàng Doanh Chính tới Tuyên Thống đế Ái Tân Giác La Phổ Nghi thời nhà thanh, cậu ta đều hiểu rõ như lòng bàn tay.
    “Tín Kiệt, chắc chắn cậu không có bạn gái.”
    “Hả? Sao cậu biết?”
    “Tớ nghĩ chẳng cô gái nào chịu nổi cái tính thích bàn chuyện lịch sử Trung Quốc của cậu.”
    “Ha ha ha... Nói cũng đúng. Nhưng tớ thật sự rất thích nói về những tình tiết trong lịch sử.”
    “Vậy cậu nên đổi sang học về lịch sử nước Mỹ mới đúng, chỉ có hai trăm năm ngắn ngủi, nói một lúc là xong.”
    “Ha ha ha... Cậu đang chế giễu nước Mỹ đấy!”

    Máy hát đã được bật, Tín Kiệt thuật lại chuyện của mình:
    “Có lần nói chuyện về Đường Cao Tông Lý Trì với một cô gái, tớ nói tính cách tớ ôn hòa rất giống Lý Trì. Cô ấy lại đột nhiên bảo mình như Võ Tắc Thiên, chuẩn bị mưu đoạt giang sơn Đại Đường.”
    “Sau đó thì sao?”
    “Đương nhiên tớ không chịu thua rồi, thế nên hóa thân làm Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, phục hưng lại nhà Đường.”
    “Tín Kiệt, cậu phản ứng tốt thật.”
    “Ai ngờ cô ấy phản ứng còn nhanh hơn, cô ấy bảo mình có thể biến thành Dương Quý Phi, vẫn có thể đạp đổ giang sơn Đại Đường.”
    “He he... Cô gái này cũng thật đặc biệt! Cậu nên giữ cho chắc vào.”
    “Ài... Chỉ tiếc là trước khi tớ kịp hóa thân thành Quách Tử Nghi dẹp loạn An Sơn cô ấy đã bỏ đi rồi.”

    “Tín Kiệt, cậu quá vô vị. Cậu nên nói nhiều về chuyện phong hoa tuyết nguyệt chứ.”
    “Chẳng có cách nào, đây là bệnh nghề nghiệp của tớ rồi. Mấy cô bé đàn em khóa dưới thường giới thiệu bạn gái cho tớ, nhưng không ai chịu nổi tính khô khan này. Sở trường của tớ là có thể lập tức nói ra bất cứ chuyện lớn nào xảy ra trong một năm nào đó, nhưng lại không thể nhìn một cái lập tức đoán ra cô gái này sinh ra vào năm nào.”
    “Tớ cũng có bệnh nghề nghiệp. Tớ học thủy lợi, sở trường là có thể từ tình hình sinh trưởng của cỏ dại trong cống rãnh đoán ra được nó đã bao lâu không được nạo vét, thế nhưng không thể nhìn một cái lập tức đoán ra cô gái này đã bao lâu không có bạn trai.”

    “Trí Hoằng, chúng ta có thể coi là cùng chung cảnh ngộ.”
    “Ừ. Nhưng cảnh của cậu nặng hơn tớ.”
    “Ha ha ha... Khoa lịch sử lắm con gái lắm, để hôm nào tớ giới thiệu cho cậu vài cô.”
    “Vậy trước tiên tớ xin cảm tạ cậu đã đại nghĩa diệt ‘thân’.”
    Chúng tôi rất ăn ý nhìn nhau một cái, sau đó cùng mỉm cười. Tín Kiệt nói tình bạn như chúng tôi sẽ không có cảnh “thấy lạ tự nghiêng”. Nói cách khác, tức là không bởi thấy giới tính “lạ” mà thay đổi tình bạn.
    (Nguyên gốc: Kiến dị tư thiên ~ đứng núi này trông núi nọ; lập trường không vững)

    oOo

    Sau lần nói chuyện ở căng tin, tôi với Tín Kiệt cũng dần quen thuộc. Tôi thường tới chỗ cậu ta ở để đọc sách, phòng của cậu ấy không lớn lắm, khoảng mười sáu mười bảy mét vuông nhưng gần như chất đầy sách lịch sử. Bạn cùng nhà tôi cũng chẳng khác gì, có điều chất đầy trong phòng bạn tôi lại là tạp chí PLAYBOY, cho nên với người thích đọc sách lịch sử như tôi, phòng của Tín Kiệt là nơi giải sầu tốt nhất.

    Tín Kiệt cũng giống tôi, thuê phòng trọ ở bên ngoài, rất trùng hợp là cả hai thuê ở cùng một con đường nhưng lại không cùng ngõ. Cậu ta có hai bạn cùng phòng, một nam một nữ, nam là bạn học cùng lớp, nữ là đàn em trong trường. Đúng là “toàn gia trung liệt”, tất cả đều học lịch sử. Bạn cùng phòng của Tín Kiệt tên là Trần Doanh Chương, theo lời Tín Kiệt thì: “Trần là Trần trong ‘Trần Khang lạm điều’; Doanh là doanh trong ‘ác quán mãn doanh’, Chương là chương trong ‘ác danh liêu chương’.” Còn tên của cô nàng đàn em còn lại, Tín Kiệt đã nói mấy lần nhưng tôi vẫn không nhớ được. Tôi chỉ biết cô ấy xuất thân từ đội điền kinh, sở trường là ba môn ném, từng tham gia giải các trường đại học.
    (Trần Khang lạm điều: Cổ lỗ sĩ, không hợp thời.
    Ác quán mãn doanh: Tội ác tày trời
    Ác danh liêu chương: tiếng xấu vang xa)


    Tuy tôi thường tới chỗ Tín Kiệt nhưng không quen mấy với bạn cùng phòng của cậu ta. Tình cờ gặp mặt cũng chỉ gật nhẹ đầu, chào hỏi một câu mà thôi. Mãi tới tận lúc bốn người bọn tôi cùng chơi mạt chược, mới có thể coi là “vì bài bạc mà quen nhau”. Lần đó là bởi đàn em học lịch sử thấy một con chuột, gào toáng lên. Tín Kiệt với Trần Doanh Chương muốn bắt nó nên tìm tòi khắp phòng.

    Có điều, chuột thì không tìm được, lại phát hiện một bộ mạt chược.
    Tín Kiệt nói, thấy mạt chược mà không đánh sẽ bị trời phạt, thế nên đề nghị mọi người cùng chơi.
    “Bọn mình chỉ có ba người thôi, thiếu một sao chơi được.” Trần Doanh Chương xoa xoa bàn tay đã phát ngứa, nói.
    “Đừng nhìn em, bạn bè em quen đều là người có tiêu chuẩn đạo đức cao, không biết chơi mạt chược đâu!”
    Cô bé đàn em khoa lịch sử nói rất kiên định, có điều lại quên mất bản thân mình biết chơi mạt chược.
    “Ài... Ba người thiếu một, đúng là một trong bốn nỗi khổ lớn của cuộc đời.” Tín Kiệt cảm khái cất lời.

    Bốn chuyện vui lớn của cuộc đời, mọi người đều biết là:
    “Hạn hán lâu ngày gặp mưa dầm, đất khách quê người gặp bạn cố tri, đêm động phòng hoa chúc và lúc được ghi danh bảng vàng.”
    Còn bốn nỗi khổ lớn của cuộc đời, Tín Kiệt lại nói thành:
    “Đi xe dã ngoại gặp mưa dầm, đất khách quê người trốn kẻ thù địch, tối hè nóng nực bị cúp điện và đánh bài ba người thiếu một chân.”

    “Nghĩ ra rồi! Tớ quen một sinh viên bên kỹ thuật, chắc chắn cậu ta biết chơi.” Tín Kiệt đột nhiên nói với vẻ hưng phấn.
    “Sao cậu dám chắc cậu ta biết chơi?” Trần Doanh Dương nghi hoặc hỏi lại.
    “Sinh viên kỹ thuật toàn tiếp xúc với phương trình và chữ số, quan niệm về lễ nghĩa liêm sỉ tương đối nhẹ.”
    “Đàn anh ơi, anh nói cũng ác miệng quá.” Cô bé đàn em khoa lịch sử cười nói.

    Thế nên Tín Kiệt gọi điện cho tôi, lúc gọi cậu ta nói:
    “Muốn phá Tào công, nghi dùng hỏa công, vạn sự đã chờ, chỉ cần cơ hội.”
    “Cậu nói cái khỉ gì thế? Sao lại bắt chước lời Khổng Minh?”
    “Nói đơn giản là bọn tớ định chơi mạt chược nhưng chỉ có ba nhà tây nam bắc, cho nên muốn tìm cậu tới làm gió đông.”
    “Thật đúng là, ba người thiếu một thì cứ nói thẳng chứ.”
    “Trí Hoằng, cậu biết chơi không?”
    “Đùa gì thế? Đương nhiên là biết rồi! Đợi lúc nữa tớ chấp cậu tay trái.”

    Nhiều nhất 30 đồng, ít nhất 10 đồng, đối với sinh viên thì đây là loại đặt cược dù thua tiền cũng không phá hỏng tình bạn. Tín Kiệt hôm đó không được may mắn, một nhà nướng thịt ba nhà hưởng, còn tôi là người được hưởng nhiều nhất. Đến lượt gió bắc, Tín Kiệt phản công trong cảnh cùng đường, khiến chúng tôi thua liền bảy ván. Vốn dĩ đang từ chỗ nướng cậu ta lại đột nhiên ngửi thấy mùi thơm, tới phiên ba người chúng tôi thành thịt nướng. Tới trận thứ tám, Trần Doanh Chương vứt một cái khăn tay lên trên bàn. Tín Kiệt đang định đổ xúc sắc đột nhiên ngừng lại, quay sang hỏi: “Tiểu Trần, cậu ném khăn tay làm gì?”
    “Tỏ ý đầu hàng chứ còn gì! Khi thi đấu quyền anh, huấn luyện viên ném khăn lên sân đấu đồng nghĩa với chịu thua, ngừng đánh. Cũng tương tự như vậy, bỏ khăn tay lên bàn nghĩa là chịu thua, không đánh nữa.”

    “Ha ha ha ha...” Tín Kiệt vừa đếm tiền vừa cười nói:
    “Thắng thua trên bàn bài cũng như thịnh suy trong linh sử, đều luôn biến hóa thất thường, giữa cõi u minh tự có thiên ý. Tớ như Hán Cao Tổ Lưu bang chém rắn trắng khởi nghĩa, tuy rằng đánh đâu thua nấy, trốn đông trốn tây nhưng cuối cùng trong chiến dịch Cai Hạ lại lật ngược thế cờ, khiến Hạng Vũ phải diễn vở Bá Vương biệt Cơ.”
    Tín Kiệt gom tiền, vô cùng đắc ý nói chuyện trên trời dưới biển, lại bắt chước Lưu Bang đánh trống, hát:
    “Đại phong khởi hề vân phi dương,
    Uy gia hải nội hề quy cố hương,
    An đắc mãnh sĩ hề thủ tứ phương.”

    (Nguyên gốc: “Đại phong ca” của Lưu Bang
    大風起兮雲飛揚,
    威加海內兮歸故鄉,
    安得猛士兮守四方。

    Bản dịch của Huỳnh Minh Đức, nguồn http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=4261

    Gió lớn dậy hề, mây tỏa ra
    Uy tràn trong nước hề, về quê nhà
    Sao được tướng giỏi hề, giữ nước ta.)


    Nếu Tín Kiệt là Lưu Bang vậy tôi chắc chắn là Hạng Vũ rồi, bởi người thua nhiều tiền nhất chính là tôi.
    Tôi liên tưởng tới Hạng Vũ bị vây khốn tại Cai Hạ, cảnh tượng bi thảm cùng đường mạt lộ.
    “Lực bạt sơn hề khí cái thế,
    Thời bất lợi hề Truy bất thệ.
    Truy bất thệ hề khả nại hà,
    Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?”

    (Dịch thơ:
    Sức nhổ núi, khí thế trùm thiên hạ.
    Thời bất lợi, Ô Truy chẳng chạy nữa.
    Ô Truy chẳng chạy ta biết làm sao đây?
    Ngu Cơ nàng hỡi, biết sao đây?

    Nguồn: http://www.tiengtrung.org/doc-hieu/t...5%9A%E6%AD%8C/ )

    Tới phiên tôi học Hạng Vũ, chuẩn bị cáo biệt với Ngu Cơ.

    “Mỹ nhân Ngu Cơ đây!” Cô em khoa lịch sử đột nhiên hét lớn một tiếng khiến tôi giật nảy mình.
    Không ngờ cô ấy cũng bắt chước hát theo:
    “Hán binh dĩ lược địa,
    Tứ diện Sở ca thanh.
    Trượng phu ý khí tận,
    Tiện thiếp hà liêu sinh”

    (Dịch thơ:
    Quân Hán lấy hết đất,
    Khúc Sở vang bốn bề.
    Trượng phu chí lớn cạn,
    Tiện thiếp sống làm chi.)


    Thân hình cô nàng vốn cường tráng lại bắt chước dáng vẻ của Ngu Cơ, khiến mỹ nhân Ngu Cơ biến thành “Ngu Cơ” khách làng chơi tới tiêu khiển.
    (Tác giả chơi chữ, chữ Ngu thứ 2 là 娱 nghĩa là tiêu khiển)
    Nếu thật sự phải dẫn ả Ngu Cơ này trở lại Giang Đông, tôi thà tự vẫn bên bờ Ô Giang.

    Chỉ còn mình Trần Doanh Chương chưa phát điên.
    Bởi thế ánh mắt Tín Kiệt đẩy sang phía cậu ta, xem cậu ta sẽ trở thành nhân vật lịch sử nào từng ngã xuống dưới tay Lưu Bang.
    “Ta là Hoài Âm Hầu Hàn Tín. Lưu Bang ơi hỡi Lưu bang, không có Hàn Tín ta, nào lập nên cơ ngơi triều Hán?
    Sau khi ngươi thống nhất thiên hạ, công thần đầu tiên ngươi đối phó, thật chẳng ngờ lại là ta đây! Ài... ...”
    Trần Doanh Dương lúc vừa rồi ném khăn tay, giờ không cam lòng yếu thế, bắt chước Hàn Tín, trầm giọng ngâm lên:
    “Cao điểu tẫn hề lương cung tàng,
    Giảo thỏ tử hề tẩu cẩu phanh,
    Địch quốc diệt hề mưu thần vong.”
    (Chim kia gục rồi cất cánh cung
    Thỏ khôn chết hết nấu chó săn
    Địch quốc đã trừ diệt mưu thần)


    Sau chiến dịch Cai Hạ trên bàn cờ bạc, Lưu Bang mở lòng từ bi mời bọn tôi tới đường Đông Ninh uống bia ăn nhậu.
    “Dẫu sao đây cũng là tiền của phi nghĩa mà!” Lưu Bang đĩnh đạc nói.
    Của phi nghĩa ở đâu ra? Đây rõ ràng là tiền mồ hôi nước mắt của bọn tôi cơ mà!
    Sau một lúc ăn ăn uống uống, tôi cũng bắt đầu quen với Trần Doanh Chương coi mình như Hàn Tín,
    Với đàn em khoa lịch sử tự nhận mình là Ngu Cơ.

    oOo

    Trần Doanh Chương có hai cô bạn gái, một người ở Đài Nam, người còn lại ở Đài Bắc.
    Ở Đài Nam, mới quen nhau một thời gian ngắn; ở Đài Bắc, đã quen nhau một thời gian dài.
    Trần Doanh Chương thường nói: “Kẻ được thiên thời ắt mất địa lợi.”
    Cho nên quen nhau càng lâu thì ở càng xa.
    “Vậy cậu thích ai hơn?” Có lần tôi tò mò hỏi cậu ta.
    “Tớ thuộc cung Thiên Bình, đương nhiên công chính nghiêm minh, tuyệt đối không thiên vị.”

    Trước giờ tôi mãi tôi vẫn không nhớ nổi tên đàn em khoa lịch sử, đành phải gọi cô ấy là Ngu Cơ.
    Cô ấy lại luôn miệng, chỉ cần tôi có gan gọi Ngu Cơ, cô ấy cũng có gan nhận.
    Ngu Cơ thân cao tới 1m72, còn từng tập cử tạ, song thật ra lại là một cô gái rất tinh tế.
    Những chuyện lớn lớn nhỏ nhỏ trong phòng Tín Kiệt lúc thường đều do cô ấy quản lý.
    Ngu Cơ nói mình với bạn trai quen nhau là một chuyện “bất ngờ”.
    Chuyện là có lần cô nàng chạy bộ trong sân trường, va phải một chàng trai đạp xe nên mới quen nhau.
    Có điều, người bị ngã lại là chàng trai kia chứ không phải Ngu Cơ.
    Sau đó, cậu ta trở thành bạn trai của Ngu Cơ.
    Cho nên tôi vẫn luôn lấy chuyện đó ra răn dạy bản thân, nhắc nhở chính mình khi đi xe trong trường phải thật cẩn thận.

    oOo

    Năm 1994, một ngày tháng chín mát mẻ, Tín Kiệt gọi điện cho tôi:
    “Alo, tôi là con trai bất tài của Lưu Bị, Lưu Thiện. Trí Hoằng có đó không?”
    Thói xấu của Tín Kiệt lại nổi lên rồi, chắc tới tám phần mười cậu ta đang nghiên cứu sử tam quốc.
    “Tôi không phải Trí Hoằng, tôi là Triệu Tử Long đơn thương độc mã cứu chủ tại dốc Trường Bản, Dương Dương.”
    “Ha ha! Trí Hoằng, để cảm tạ ơn cứu mạng của cậu, tối nay mang quà tới mừng sinh nhật tớ đi!”
    Tối hôm đó, trong tiệc sinh nhật của Tín Kiệt, lần đầu tôi và Itakura Ameko gặp mặt.

    oOo

    Thật ra người đầu tiên quen Itakura Ameko không phải là tôi cũng chẳng phải Tín Kiệt, mà là Ngu Cơ.
    Kỳ hè năm 1993, Ngu Cơ đăng ký học chương trình “sử Trung Quốc hiện đại”.
    Còn Itakura Ameko tới Đài Loan vào đầu tháng 7 năm 1993, tuy vẫn luôn học tại khoa tiếng Trung,
    Nhưng cũng thường tới khoa lịch sử nghe giảng sử Trung Quốc hiện đại.

    Giáo sư giảng dạy sử Trung Quốc hiện đại là một nhà giáo già, từng tự thân trải qua chiến tranh thế giới thứ hai.
    Có một lần khi lên lớp, giảng tới quãng lịch sử này thậm chí không tự chủ được, đôi mắt hai hàng lệ.
    Ông khóc lóc than thở, lại không ngừng lên án sự hung ác tàn bạo của quân Nhật.
    Lúc đó chẳng biết Itakura Ameko lấy dũng khí từ đâu ra, không ngờ lại rụt rè giơ tay đặt câu hỏi:
    “Giáo sư, xin lỗi. Khi em học đại học tại Nhật Bản, sách lịch sử không viết như vậy.”

    Khi đó Ngu Cơ mới biết Itakura Ameko ngồi ngay bên cạnh mình là người Nhật Bản!
    Bầu không khí trong lớp học đột nhiên trở nên căng thẳng, Ngu Cơ bắt đầu lo lắng phản ứng của giáo sư.
    Kết quả giáo sư chỉ nặng nề thở dài một tiếng rồi nói:
    “Ài... Thật không ngờ, không chỉ người Trung Quốc cố quên đi quãng lịch sử này mà cả người Nhật Bản cũng vậy...
    Thôi vậy... Sau khi khai giảng học kỳ sau chuyển tới học lớp của tôi! Tôi sẽ dạy trò lịch sử chính xác.”

    Sau khi tan học, Itakura Ameko chủ động hỏi Ngu Cơ một số thủ tục chọn lớp học,
    Lòng vẫn còn canh cánh những lời lên án vừa rồi của giáo viên.
    “Hon-do?” (Có thật không?) Itakura Ameko trợn tròn hai mắt hỏi Ngu Cơ.
    “Chắc là thật!? Trên sách lịch sử Đài Loan viết thế mà. Dù sao bọn mình cũng không trải qua thời đại đó.”
    Câu trả lời của Ngu Cơ thật ra rất khách quan, cùng là một sự kiện trong lịch sử, nếu người Nhật Bản đã có cách nói riêng của mình,
    Vậy sao người Đài Loan không tự có một cách giải thích khác của bản thân?
    Chân tướng lịch sử ra sao không nên bị vặn vẹo, nhưng những người ghi chép lại lịch sử lại có lập trường riêng của mình.

    Thế là Ngu Cơ trở thành người bạn Đài Loan đầu tiên của Itakura Ameko.
    Ngu Cơ thường chủ động mời Itakura Ameko đi ăn, cũng thường dẫn cô ấy đi dạo chơi khắp nơi.
    Được Ngu Cơ giới thiệu, Itakura Ameko cũng quen Tín Kiệt và Trần Doanh Chương.
    Nhưng trước sinh nhật Tín Kiệt, tôi vẫn không có cơ hội quen Itakura Ameko.

    Sau này Ngu Cơ mới nói, nàng cũng không mấy hảo cảm với người Nhật Bản, ngoại trừ ba anh chàng đẹp trai trong “Đội thiếu niên”.
    “Vậy sao lúc đó hai người lại trở thành bạn bè?” Tôi hiếu kỳ hỏi.
    “Ừm... Cô ấy rất thân thiết!” Ngu Cơ nghĩ cả nửa ngày mới nặn ra được lý do này.
    “Thân thiết? Có phải là tự ‘thân’ trải nghiệm nên mới biết nỗi đau khi ‘thiết’?” Tôi vẫn bán tín bán nghi.
    “Anh đừng nói linh tinh nữa. Có lẽ do ánh mắt Itakura Ameko rất thành khẩn.”
    “Thành khẩn? Hai chữ này có thể dùng để tả ánh mắt à? Vậy lỗ tai tôi có phải rất thực tế hay không?”
    “Ai da! Tóm lại là em biết cô ấy là một cô gái rất tốt!”
    (Đội thiếu niên: ban nhạc đầu tiên của Nhật Bản bước ra thế giới.)

    oOo

    Hôm tiệc sinh nhật Tín Kiệt, Ngu Cơ cũng dẫn cả Itakura Ameko tham gia.
    Thế nên Tín Kiệt giới thiệu nàng:
    “Trí Hoằng, đây là đàn em khoa lịch sử mà tớ mới quen...”
    Cậu ta chỉ vào một cô gái mà từ lúc vào cửa tới giờ, nụ cười trên môi chưa bao giờ tắt.
    Cô ấy vẫn ngồi quỳ gối trên miếng đệm lót, lắng nghe cẩn thận từng người trò chuyện nhưng không hề xen vào.
    Ánh mắt trong sáng, làn da trắng trẻo, lại thêm hai chiếc răng khểnh đã gần bằng quỷ hút máu,
    Khiến nàng trông thật sự không giống người trung thổ.

    "Hai! Wa-Da-Si-Wa Itakura Ameko Des, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku."
    Nàng đột nhiên đứng dậy, khom người 90 độ thực hiện một lễ chào tiêu chuẩn với tôi,
    Đồng thời dùng tiếng Nhật lưu loát chặn lời Tín Kiệt.

    Ô! Bô lô ba la cái gì vậy? Hóa ra nàng thực sự là người ngoại quốc!
    Ta nhìn Tín Kiệt cầu viện nhưng cậu ta chỉ run run khóe miệng,
    Nhìn cái là biết đang cố nhịn cười.
    Tôi vò đầu bứt tai, không biết trả lời ra sao, vẻ mặt ngạc nhiên ngây ra tại chỗ...

    “Xin lỗi, em là Itakura Ameko. Lần đầu gặp mặt, xin anh chỉ giáo thêm.”
    Nàng nhanh chóng đổi giọng, dùng thứ tiếng Trung hơi đặc biệt của mình chào thêm một lần nữa, đồng thời lại cúi người 90 độ thi lễ.
    Như bị nàng làm ảnh hưởng, tôi cũng luống cuống chân tay cúi mình gần 90 độ chào lại.
    “Anh là Thái Trí Hoằng, cũng lần đầu gặp mặt, cũng xin chỉ giáo thêm.”

    Tín Kiệt thấy chúng tôi như vậy, cuối cùng không nhịn nổi cười phá lên.
    “Ameko, Trí Hoằng là sinh viên kỹ thuật, tính cách không tồi, sau này em có thể nhờ cậu ấy giúp đỡ.”
    Tín Kiệt chỉ vào tôi lúc này mặt đang đỏ tới tận mang tai, giới thiệu cho nàng lúc này khuôn mặt cũng đỏ chẳng kém gì tôi.
    “Hai! Thái-san, sau này mong anh giúp đỡ, A-Ri-Ga-Do."
    Nàng đỏ mặt trả lời, song vẫn không quên cúi người 90 độ thi lễ.
    Còn tôi, lần này lại ngượng ngùng gãi gãi đầu.

    “Trí Hoằng, đưa phần này cho Ameko.”
    Tín Kiệt cắt một miếng bánh gato, khóe miệng cong cong, chỉ về phía Ameko, giọng nói cũng hạ thấp xuống.
    Tôi không đoán nổi vì sao Tín Kiệt lại lộ vẻ thần bí như vậy, chẳng lẽ định chơi tôi một vố?
    Tôi buồn bực cầm miếng bánh gato, đưa tới cho nàng.
    “Tiểu thư Itakura, mời dùng.”
    “A-Ri-Ga-Do. Thái-san, anh cứ gọi em là Ameko.”
    “A┅A┅Ame┅┅”
    “A me” suốt cả nửa ngày vẫn không biết nên đọc tiếp ra sao.

    “A-me-ko. Ame nghĩa là “vũ” (mưa); Ko là “tử”, cho nên em là Ameko.”
    Nàng mỉm cười giải thích.
    “Ameko, đã quen ở Đài Loan chưa?”
    Dùng câu này để mở đầu, tuy lực thì chưa đủ nhưng tạm coi như hợp tình hợp lý.
    Nếu không thì hỏi cái gì? Chẳng lẽ hỏi sao cô ấy lại chạy tới Đài Loan học tiếng Trung?
    Câu đó chắc chắn đã bị hỏi tới phát phiền rồi, hơn nữa không khéo do người ta ăn no rửng mỡ không có chuyện gì làm thôi.

    “Mọi thứ đều rất tốt. Đài Loan là nơi rất tuyệt, em rất thích.”
    “Khi nói chuyện với mọi người không có vấn đề gì chứ?”
    “Ừm, chỉ có điều đôi lúc em không hiểu được tiếng Đài.”
    “Ở Đài Nam mà không hiểu được tiếng Đài thật cũng hơi phiền.”
    Tôi lên tiếng phụ họa, nhưng sau đó lại chẳng biết nói gì.
    Còn khi nói chuyện với tôi, Ameko luôn mỉm cười nhìn thẳng vào mắt, chăm chú lắng nghe.
    Sợ cô ấy nghe không hiểu cho nên tôi cố gắng giảm chậm tốc độ nói lại, cũng bỏ đi những câu chữ tương đối tối nghĩa.
    Nói chuyện như vậy, không mệt mới là lạ!

    “Trí Hoằng, qua đây chút.”
    Tín Kiệt lên tiếng thật đúng lúc, hóa giải nguy cơ giúp tôi.
    “Có chuyện gì vậy?” Tôi tới cạnh cậu ta hỏi.
    “Ameko trông không tệ chứ!?” Tín Kiệt cười chẳng chút hảo ý.
    “Cậu gọi tớ sang chỉ vì cái này?”
    “Đương nhiên không phải rồi! Tớ định tặng cậu một cơ hội ngàn năm có một.”
    “Cơ hội gì? Có phải bảo cậu viết tớ là người nhận trong bảo hiểm tai nạn bất ngờ không?”

    “Cậu bớt lảm nhảm đi! Là thế này, Ameko muốn tìm người dạy em ấy tiếng Trung, mà em ấy cũng có thể dạy tiếng Nhật.”
    “Thế thì sao?”
    “Cho nên sướng cho tên thối tha nhà cậu chứ sao.”
    “Xin cậu! Sao lại tìm tới tớ? Tớ đâu có học tiếng Nhật?”
    “Sao lại không học tiếng Nhật?”
    “Thứ nhất, tớ không thích Nhật Bản; thứ hai, học tiếng Nhật với tớ không có tác dụng gì.”

    “Cậu chưa từng nghe câu ‘đừng từ chối chỉ vì người nói’ à? Đừng có vì ghét người Nhật Bản mà không thích học tiếng Nhật chứ!”
    “Không phải tớ ‘ghét’, tớ chỉ ‘không thích’ người Nhật Bản thôi, hai thứ này khác nhau đấy nhé.”
    Vì sao lại không thích? Tôi cũng chẳng giải thích được. Chắc do cảm giác thành kiến!?
    Có lẽ ngoại trừ thù hận trong lịch sử ra, còn một lý do khác nảy sinh từ chuyện kinh tế Nhật Bản rất thịnh vượng,
    Đó là cảm giác bất mãn do đố kỵ lâu ngày.

    “Trí Hoằng, tớ biết cậu còn chút thù hằn dân tộc với Nhật Bản. Nhưng có câu ‘tội chẳng tới vợ con’
    Cho dù người đàn ông đã làm sai chuyện gì thì vợ con hắn cũng vẫn vô tội, đúng không?”
    Tín Kiệt nói rất có lý, chỉ có điều thành kiến này của tôi đâu phải chỉ mới một hai ngày.
    “Em ấy có thể vô tội nhưng không có nghĩa là tớ không thể không thích. Nói chung, tớ không muốn học tiếng của giặc Oa.”
    “Tớ hỏi câu này, xe máy của cậu có phải do Nhật Bản chế tạo không? Máy thu âm với tivi Sony thì sao?
    Còn cả máy tính Casio? Máy móc thí nghiệm khoa học? Những thứ đó có cái nào không phải đồ của Nhật?
    Cậu có gan thì đừng dùng đồ Nhật Bản nữa rồi hãy quay lại đây khoe tình thần dân tộc cao thượng với tớ.”
    Tín Kiệt không ưa nổi thành kiến của tôi với người Nhật, bắt đầu lên giọng dạy bảo.

    “Cái đó đâu có giống! Chính vì cuộc sống bình thường đã dùng nhiều đồ Nhật Bản như vậy cho nên càng không muốn linh hồn mình cũng bị Nhật Bản vấy bẩn.”
    “Cậu vớ vẩn nó vừa thôi! Cậu vẫn học tiếng Anh, chẳng lẽ thích bị nước Mỹ vấy bẩn?”
    “Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế thông dụng cơ mà! Sao lại đánh đồng với tiếng Nhật được. Hơn nữa tớ học tiếng Anh không tốt lắm cho nên linh hồn vẫn rất trong sạch.”
    Tôi nói không lại Tín Kiệt, đành giở giọng cưỡng từ đoạt lý.

    “Cậu đừng từ chối liên tục thế này nữa, làm hay không làm nói thẳng một câu nào!”
    “Thật ra không phải tớ quá bài xích tiếng Nhật, chỉ có điều thấy không cần phải học thôi.”
    “Cậu thật chẳng biết điều gì cả, bao nhiêu đàn em hẹn trước với tớ, tớ cho cậu, cậu lại dám không nhận!?”
    “Nếu đã nhiều người tranh cướp như vậy cậu cứ công khai tỷ văn chiêu thân là được mà! Huống hồ tớ là sinh viên kỹ thuật, trình độ tiếng Trung làm sao khá hơn đám sinh viên khoa văn bọn cậu được.”

    “Cậu không hiểu rồi. Giả sử bảo sinh viên đại học tới dạy học sinh tiểu học toán cộng là ‘dùng dao mổ trâu giết gà’.
    Nếu trình độ tiếng Trung của Ameko như con gà vậy sinh viên khoa văn bọn tớ chính là dao mổ trâu.
    Cho nên dao thái thịt như cậu lại vừa hợp lúc cần sử dụng.”
    Tín Kiệt vỗ vỗ vai tôi, nói với vẻ như cười mà chẳng phải cười.
    Quả nhiên là sinh viên khoa văn, ngay cả lúc nói mỉa người khác cũng chẳng lộ chút dấu vết nào.
    “Con dao thái thịt như tớ là đủ rồi à?”
    “Đương nhiên là đủ rồi! Hơn nữa cậu còn họ Thái, trời sinh là dao thái thịt rồi.”

    “Nhưng mà...”
    “Không có nhưng nhị gì nữa. Huống hồ cậu cũng khá thông thạo tiếng Đài! Ameko cũng muốn học tiếng Đài.
    Nói thật nhé, nếu không phải do tớ không biết dạy tiếng Đài, làm gì tới lượt cậu.”
    “Hóa ra là thế. Vì cậu không thể đảm nhiệm được nên mới nghĩ đến tớ.”
    “Đương nhiên rồi! Nếu không phải vì cậu là bạn tốt nhất của tớ, tớ đã chẳng buồn giúp đỡ cậu thế này. Cảm động không!?”
    “Được rồi! Tớ đồng ý là được chứ gì!”

    Tín Kiệt tới trước mặt Ameko, chỉ vào tôi nói:
    “Ameko, trình độ tiếng Trung của Trí Hoằng cao hơn anh, sau này em có thể học tập cậu ấy.”
    Tên chết tiệt này! Vừa rồi còn bảo tôi là dao thái thịt, mình là dao mổ trâu, giờ lại kêu dao thái thịt sắc hơn dao mổ trâu.
    Tôi thật sự không hiểu đây là khen ngợi hay là châm chọc nữa.
    “Thái-san, sau này nhờ cả vào anh.”
    Ameko mỉm cười lộ hai chiếc răng khểnh, hưng phấn nói. Đương nhiên, động tác đặc trưng kia cũng lại xuất hiện.
    “Cũng vậy cả thôi, xin đừng khách khí.”

    oOo

    Từ đó trở đi, bảy đến chín giờ tối thứ ba và thứ năm mỗi tuần, Ameko sẽ tới chỗ tôi.
    Một tiếng đầu tiên, tôi dạy nàng tiếng Trung, một tiếng sau, nàng dạy tôi tiếng Nhật.
    Trình độ tiếng Nhật của tôi, có thể nói là mười khiếu thông chín khiếu.
    Nói cách khác, tức là một chữ cũng không biết.
    Cho nên nàng buộc lòng phải dạy tôi từ đầu.
    Còn trình độ tiếng Trung của Ameko vốn không kém, cho nên không tính là tôi dạy nàng tiếng Trung.
    Nhiều lắm là dạy nàng làm sao thưởng thức thơ Đường văn Tống mà thôi.
    Thi thoảng lại xen chút tiếng Đài.

    Bởi vậy khi tôi và Ameko nói chuyện, chủ yếu là dùng tiếng Trung.
    Nếu tiếng Trung vẫn như nước đổ đầu vịt, vậy đành phải chuyển sang dùng tiếng Anh.
    Tuy tiếng Anh của tôi không tốt, nhưng cũng đủ để cười nhạo người Nhật Bản rồi.
    Tôi cũng cảm thụ thật sâu sắc câu nói mỉm cười là tiếng nói chung của loài người.
    Bởi khi chúng tôi không hiểu ý của đối phương đều sẽ nhìn nhau mỉm cười.

    Nhớ lại lần đầu tiên khi học, tôi hỏi cô ấy:
    “Ameko, sao em lại tên là “Vũ” Tử?”
    (Ameko viết theo Hán tự là Vũ Tử 雨子)
    Nàng kể cho tôi, vì mình sinh trong ngày mưa nên cha đặt tên là Vũ Tử.
    Thì ra là vậy.
    Cho nên nếu sinh ra trong ngày trời nắng sẽ tên là Tình Tử? Ngày tuyết rơi tên là Tuyết Tử?
    Vậy nếu sinh ra vào một ngày gió lớn ở Đài Loan, chẳng lẽ tên là Phong Tử?
    (Tác giả chơi chữ, Phong ở đây là gió, nhưng Phong Tử đồng âm với thằng điên)
    Xem ra lúc đặt tên người Nhật Bản cũng thật hồ đồ.

    Nàng nói cũng bởi vậy mà nàng rất thích những ngày mưa.
    Lúc trước chọn tới Đài Loan chứ không phải đại lục, có một phần là do Đài Loan nhiều mưa.
    Nàng lại nói mình rất có duyên với những ngày mưa.
    Thậm chí lúc thi đại học ở Nhật Bản cũng đúng ngay ngày mưa.
    “Cho nên kết quả thi của em rất tốt.”
    Nàng khẽ mỉm cười, không quên lộ cặp răng khểnh.

    Sau này tôi rất muốn kể cho Ameko, mùa đông ở Đài Nam rất ít mưa.
    Nếu muốn gặp mưa, nên đến Đài Bắc mới đúng.
    Có thể nói, nếu mưa mùa đông ở Đài Bắc là chuyện thường như cơm bữa,
    Vậy mưa mùa đông ở Đài Nam sẽ quý giá như vi cá bào ngư.
    Nhưng từ đầu tới cuối tôi đều không nói cho Ameko, không phải vì sợ nói ra sẽ khiến nàng thất vọng,
    Mà là sợ nàng sẽ chuyển tới học ở Đài Bắc thật, khiến tôi thất vọng.

    oOo

    Chỗ trọ của Ameko chỉ cách tôi hai con đường, có thể coi là gần.
    Nàng có hai bạn cùng phòng, Naomi Wada và Inoue Rena, đều là du học sinh Nhật Bản.
    Naomi vóc người mập mạp, làn da ngăm đen, nghe nói sau khi tới Đài Loan thường xuyên tới bãi biển tắm nắng.
    Vì quê của Naomi ở vùng Kanto Nhật Bản, một năm nhiều lắm cũng chỉ có hai tháng thật sự là mùa hè.
    Hèn gì cô ấy cực kỳ thích khí hậu nóng bức ở Đài Loan này.
    Inoue có khóe mắt hơi xếch lên, gò má cũng khá cao, hơi giống người Hàn Quốc.
    Bạn trai Naomi là sinh viên nước ngoài ở Hồng Kông, còn Inoue, nghe nói bạn trai cô ấy ở Nhật Bản.

    Thật ra ấn tượng của tôi đối với người Nhật Bản rất cứng nhắc.
    Nói là “ấn tượng” cũng không thật hợp lý, bởi trước khi quen Ameko tôi chưa từng tiếp xúc với người Nhật Bản.
    Mọi hiểu biết liên quan tới Nhật Bản hay người Nhật Bản đều đến từ tivi, sách vở, manga hay ý kiến của người khác.
    Người Nhật Bản chăm chỉ, tuân thủ pháp luật, đoàn kết, có trật tự, háo sắc và gian trá, bắt nạt kẻ yếu nhưng lại sợ kẻ mạnh, tự ti mà lại tự đại.
    Những gì tôi được biết, hay có thể nói, những thông tin không quá chính xác mà tôi lượm nhặt được là như vậy.

    Còn con gái Nhật Bản là đại biểu tốt nhất cho hai chữ hiền thục.
    Thượng đế nói, nếu có người tát lên má phải của bạn, bạn còn phải giơ má trái ra cho hắn tát tiếp.
    Nhưng nghe nói con gái Nhật Bản còn kinh khủng hơn, không chỉ để bạn tát lên má trái của mình mà còn hỏi bạn có đau tay không.
    Hay nên nói, chuyện kinh khủng hơn, không phải con gái Nhật Bản, mà là không ngờ tôi lại tin vào chuyện này,
    Khiến sau này nó trở thành ấn tượng cứng nhắc của mình.

    May là người Nhật Bản cũng có ấn tượng cứng nhắc đối với người Trung Quốc, cho nên tôi cũng không cần tự trách mình quá nhiều.
    Người Nhật Bản cảm thấy người Trung Quốc, bẩn, loạn, ích kỷ, hám tiền, để râu cá trê, tóc thắt bím, vừa gian trá lại vừa tà ác.
    Đây là đặc điểm phổ biến của người Trung Quốc trong những manga Nhật Bản mà tôi đọc.
    Xem ra, “gian trá” là điểm chung của người Trung Quốc và người Nhật Bản.

    Cho nên, khi mới quen Ameko, ấn tượng cứng nhắc của tôi đối với con gái Nhật lại càng thêm sâu sắc.
    Vì nàng luôn có vẻ thật hiền dịu, khi nói chuyện hầu như lúc nào cũng mang theo nụ cười ngại ngùng.
    Có điều sau này quen Naomi Wada với Inoue Rena, mới khiến cho ấn tượng cứng nhắc này của tôi xoay chuyển hẳn.
    Đó là một buổi tối giáng sinh, Ngu Cơ mời cả Naomi, Inoue cùng AmeKo tới chơi.
    Sau khi uống ba chén hoa hồng đỏ vô bụng, Naomi với Inoue bắt đầu thoải mái cất tiếng ca.
    May là lúc đó đang đông chứ không tôi thật sự cho rằng các nàng sẽ kích động tới mức nhảy thoát y.
    “May là” là từ mà tôi dùng, còn từ Trần Doanh Chương dùng lại là “đáng tiếc”.

    oOo

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Mời mọi người vô đây thảo luận truyện của bác Thái: http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=72822
    Lần sửa cuối bởi Kyon, ngày 18-10-2013 lúc 16:19.
    ---QC---
    ๑๑۩۞۩๑๑BÁ THIÊN BANG -PHÁCH THIÊN TÀ- ๑๑۩۞۩๑๑
    Every end is a new beginning!


  2. Bài viết được 35 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    Cáo Biết Bay,chinhememoi3,dahanhquy,htluu,Nobuno,pestie,pttduong,thefriend1122,
  3. #2
    Darth Athox's Avatar
    Darth Athox Đang Ngoại tuyến Tiếu Ngạo Giang Hồ Học Sĩ hậu kỳ
    Moderator
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    11,827
    Xu
    4,628

    Mặc định

    Áo mưa - Tác giả: Thái Trí Hằng
    Dịch: Bàn Xà
    Biên tập: Darth Athox




    Do đã trở thành giáo viên cho Ameko, cũng để tiện làm học sinh của nàng, tôi cố ý mua một chiếc bàn vuông.
    Cái bàn một mét vuông vắn, cao chỉ chừng bốn mươi centimet, cũng như bàn ăn hay bàn tivi bình thường.
    Lúc học, Ameko ở phía tay trái tôi, tôi ở phía bên phải nàng.
    Tôi phải nàng trái, vừa khéo phù hợp với quy định giao thông của hai quốc gia.
    Mỗi lần ngồi quỳ để học, máu huyết nửa thân dưới tuần hoàn không được tốt, luôn khiến hai chân tôi tê dại.
    Ameko dạy tôi yếu quyết ngồi quỳ vài lần nhưng mãi tôi vẫn không lĩnh ngộ được.
    Tôi từng hỏi Ameko, ngồi quỳ có phải thủ phạm khiến người Nhật Bản không được cao không?

    “Thái-san, đại trượng phu hơn nhau ở chí khí và tấm lòng, không liên quan gì tới chiều cao cả! Tỷ như Toyotomi Hideyoshi cũng rất lùn.”
    Câu trả lời của Ameko khiến tôi vô cùng khâm phục và kinh ngạc.
    “Tuyệt quá! Em thật đúng là sư phụ của anh.” Tôi vỗ tay khen ngợi.
    “Em chỉ tùy ý nói chút thôi mà.” Ameko ngượng ngùng đáp.
    “Không, em nói rất đúng. Người Trung Quốc luôn thích cười nhạo chiều cao của người Nhật nhưng lại quên mất bản thân trong mắt người phương Tây cũng luôn bị cười chê về chiều cao.”
    “Có người nói người Nhật Bản như chiếc đồng hổ quả lắc, lung lay giữa cảm giác tự ti và ưu việt. Chẳng lẽ người Trung Quốc không như vậy?”
    Tôi không ngừng bàn luận chuyện trên trời dưới biển, quên cả quốc tịch của Ameko, cũng chẳng hề để ý tới vẻ mặt nàng.

    “Thái-san, anh... có phải anh không quá thích người Nhật Bản không?” Ameko cẩn thận hỏi tôi.
    “Sao em lại hỏi như vậy?” Thật ra tôi cũng hơi chột dạ.
    “Vì em phát hiện hình như bạn học trong lớp không mấy thân thiện với em.”
    “Thật không?”
    “Ừm.” Ameko cúi đầu oan ức.

    “Trước kia em thấy rất hoang mang, sau này chuyển sang học sử Trung Quốc hiện đại em mới hiểu nguyên nhân.”
    Ameko ngừng một chút rồi nói tiếp: “Nhưng sách lịch sử Nhật Bản thật sự thiếu rất nhiều so với Đài Loan.”
    “Sách của bọn em viết sao?”
    “Trong sách của Nhật Bản thường nhấn mạnh rằng Nhật Bản quá nhỏ bé, dân cư chen chúc, nếu không xuất binh không cách nào sống sót được. Hay lại nói thành lập “thuyết Đại Đông Á” thực ra là vì liên hợp những dân tộc nhỏ yếu của châu Á để chống lại sự xâm lấn của người phương Tây. Rồi lại nói việc phát động chiến tranh chỉ là bất đắc dĩ, là dã tâm của một số ít quân phiệt, không liên quan gì tới Thiên Hoàng và dân chúng Nhật Bản.”

    “Em cũng đã luôn tin rằng Nhật Bản là người bị hại trong chiến tranh thế giới lần thứ hai chứ không phải kẻ gây hại. Bởi bọn em chỉ nhấn mạnh tình cảnh thê thảm khi máy bay Mỹ oanh tạc Tokyo cùng địa ngục trần gian do hai quả bom nguyên tử tạo thành.”
    Ameko thì thào tự nói với dáng vẻ vô tội:
    “Sau này khi đối mặt với những bạn học không mấy thân thiện đó, em luôn cảm thấy có chút tội lỗi.”
    Tuy tôi rất bất mãn với chuyện sách sử Nhật Bản trốn tránh hiện thực như vậy, nhưng lại càng không đành lòng với thần sắc của Ameko. Thậm chí trong lòng còn có chút hổ thẹn vì đã từng đặt Nhật Bản ngang bằng với Ameko, sau đó lại đem những từ như tàn bạo vô sỉ đặt ngang bằng với Nhật Bản.

    “Em đừng nghĩ lung tung, cho dù Nhật Bản thật sự xâm lược Trung Quốc cũng chưa chắc đã liên quan tới Đài Loan.”
    “Vì sao? Đài Loan không phải một bộ phận của Trung Quốc à?”
    “Thế này nhé!” Tôi cười khổ:
    “Đài Loan có phải một bộ phận của Trung Quốc hay không? Nói thẳng ra chính anh cũng không biết nữa. Khi anh nói mình là người Trung Quốc sẽ bị người ta mắng không tôn trọng quê hương nơi mình sinh ra và trưởng thành; còn khi anh nói mình là người Đài Loan lại bị người ta mắng là quên ngồn gốc, không biết uống nước nhớ nguồn. Chỉ một cách nói đơn giản nhưng lại nhất định phải mang một bao quần áo nặng.”

    “Vậy anh nói sao?”
    “Rất đơn giản. Anh nói mình là Hoa kiều Đài Loan, như vậy sẽ không bị mắng! Ha ha...”
    “Hoa kiều Đài Loan? Cái này thú vị thật.”
    Ameko mỉm cười, dường như không nhận ra vẻ chua chát trong tiếng cười của tôi.
    “Có lúc anh ước ao mình là người Hồng Kông. Bởi vì cho dù trên đất Hồng Kông tung bay cờ nước Anh, cho dù bọn họ rất căm ghét chính quyền Trung Cộng, lại kỳ thị người Trung Quốc đại lục, nhưng khi bọn họ tự xưng là người Trung Quốc vẫn có thể hào hùng khảng khái, lúc tự xưng là người Hồng Kông cũng vẫn lộ vẻ đương nhiên.”

    “Hình như tán gẫu hơi bị nhiều rồi. Đang trong giờ học tiếng Nhật hay học tiếng Trung thế?”
    “Đã sang giờ học tiếng Nhật rồi.” Ameko nhìn đồng hồ, mỉm cười nói.
    “Vậy hôm nay Itakura-san muốn dạy cái gì?”
    “Thái-san, có muốn lấy một cái tên Nhật Bản không?” Đột nhiên Ameko đề nghị.
    Tôi suy nghĩ một chút rồi cuối cùng vẫn lắc đầu.
    “Xin lỗi. Anh không lấy tên Nhật Bản đâu, anh kiên quyết.”

    Tôi nghĩ chắc nàng không hiểu nghĩa của từ “kiên quyết” cho lắm nên chỉ trợn tròn hai mắt nhìn tôi với vẻ khó hiểu.
    Nên giải thích với cô ấy ra sao đây? Chẳng lẽ nói với cô ấy tôi là một kẻ mang chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
    Bỏ đi, thứ thù hằn vừa xa xôi, lại vừa như có như không thế rất khó giải thích.
    Tuy tôi biết đặt thành kiến đối với người Nhật Bản lên Ameko có phần không công bằng.
    Nhưng tôi vẫn ngoan cố bảo thủ ôm chút ôn nghiêm dân tộc cuối cùng.

    “Ameko, anh giúp em đặt một cái tên tiếng Trung nhé!”
    Để tránh bầu không khí khỏi lúng túng, cũng vì sợ Ameko hiểu nhầm, tới phiên tôi đề nghị như vậy.
    “Hai! Thái-san, đã làm phiền anh rồi. Do-zo!’
    Có đôi lúc Ameko nói tiếng Trung vẫn quen miệng.

    “Em đã thích mưa như thế, vậy đặt tên là Tiểu Vũ được không, nghe cũng có cảm giác trời đổ mưa. Em thấy sao?”
    Trong thời gian ngắn cũng không nghĩ ra cái tên nào hay hơn, đành bắt chước ba ba của nàng làm bừa chút vậy.
    Hơn nữa nếu “tử” trong Vũ Tử không có ý nghĩa gì quá ghê gớm, vậy “tiểu” trong Tiểu Vũ cũng không nên quá đặc biệt.
    “Tiểu Vũ... Ừm... Tiểu Vũ...”
    Ameko nghiêng đầu, lẩm bẩm đọc lại.
    "Hai! Wa-Da-Si-Wa Tiểu Vũ Des, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku."
    Nàng đột nhiên đứng bật dậy với vẻ rất hưng phấn, khom người một góc 90 độ thi lễ với tôi rồi mỉm cười nói.
    Dường như chúng tôi đều nhớ lại cảnh tượng lúng túng lần đầu gặp nhau, không khỏi cười lên ha hả.

    “Ameko, vậy tên anh trong tiếng Nhật đọc thế nào?”
    “Thái đọc là Sai, Trí đọc là Chi, Hoằng đọc là kowu. Thế nên là Sai-Chi-Kowu.”
    Thái đọc là Sai? Phát âm thật giống chữ “thỉ” (phân) trong tiếng Đài.
    Thật chẳng ngờ “Thái” khi đọc bằng tiếng Đài đã chẳng dễ nghe, đọc bằng quốc ngữ đã là khó nghe,
    Mà đọc bằng tiếng Nhật lại càng kinh khủng.

    “Hai! Wa-Da-Si-Wa Sai-Chi-KoWu Des, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku.” Được mà không hồi báo là bất lịch sự, lần này tới phiên tôi khom người 90 độ thi lễ với nàng.
    Ameko lại mỉm cười rất vui vẻ.
    Còn tôi lại đột nhiên phát hiện mình rất thích ngắm nhìn hai chiếc răng khểnh lộ ra khi nàng mỉm cười.

    oOo

    Dần dà, tôi thích Ameko.
    Nói thiếu mấy chữ, tôi nói là tôi thích giờ học với Ameko.
    Khi làm học sinh nàng rất chăm chú, khi làm giáo viên lại càng chăm chú.
    Có lúc tôi rất muốn nói với nàng, tôi chỉ muốn biết chữ Hiragana với các câu hội thoại bình thường là được.
    Nhưng khi giảng dạy cho tôi Ameko rất chăm chú và cẩn thận, khiến tôi không thể không tập trung hết tinh thần đối phó với giờ học tiếng Nhật.

    "Wa-Da-Si-WaSei-Ko-Wu-Dai-Ka-KuNoKa-Ku-Sei.”
    Ameko bảo tôi đọc lại câu “tôi là sinh viên đại học Thành Công”.
    “Thái-san, ‘học’ phải đọc là ga-ku, ga là âm đục, không thể đọc thành ka-ku được.”
    Ameko dùng khẩu hình đọc âm ga làm mẫu, vừa khéo lộ ra cặp răng khểnh.
    “Anh biết vì sao mình không đọc tốt âm ga rồi, vì anh không có răng khểnh.”
    “Ha ha, học tập phải thật tập trung, đừng nói đùa nữa.”

    “Anh biết không? Em dạy anh là tiếng Nhật giọng Osaka chứ không phải giọng Tokyo.”
    “Vậy à? Anh hiểu rồi. Vậy thứ anh dạy em coi như là tiếng Đài giọng Đài Loan.”
    “Em nói thật đấy ne. Cho nên anh phải nhớ mình đang học tiếng Nhật giọng Osaka đấy!”
    Ameko dặn dò với vẻ rất nghiêm túc, dường như cho rằng đây là chuyện không thể làm qua loa được.
    Thậm chí còn bảo với tôi, người Osaka nói cám ơn là O-Ki-Ni chứ không phải A-Ri-Ga-Do.
    Thật ra chỉ cần có người Nhật Bản nào nghe hiểu thứ tiếng Nhật mà tôi nói tôi đã cười thầm trong bụng rồi, còn quan tâm gì tới giọng điệu!

    Khi làm thầy dạy Ameko lại là một việc rất thú vị, bởi nàng thường hỏi những câu rất khó truyền đạt.
    “Thái-san, trái vải là cái gì?”Ameko biết Dương quý phi thích ăn vải nhất, bèn hỏi tôi.
    “Một loại hoa quả.” Không thì tôi còn nói được cái gì?
    “Trông thế nào? Tiếng Anh gọi là gì?”
    “Giờ không phải mùa vải, không cách nào kiếm cho em ăn thử được. Còn tiếng Anh hả, có thể gọi là milkchicken.”
    “Milkchicken?”
    “Có em gà ấy!”
    Tôi buồn cười quá, bất kể sắc mặt mịt mờ của Ameko, tự đắc cất tiếng cười lớn.
    (Milk chicken = Sữa gà = 奶雞 (nai ji)
    Quả vải = 荔枝 (li zhi)
    Người Đài Loan khi phát âm 荔枝 (li zhi) thì thành ra 奶雞 (nai ji) )


    “Vậy ‘khứ thế’ thì sao?”
    “Khứ thế nghĩa là đã chết.”
    “Không không, ý em nói là ‘khứ thế’ này này...” Ameko viết lên giấy.
    “Cái này á! Ừm... hơi khó nói.”
    “Thế à? Có phải nghĩa là ‘không thể cứu vãn được’ không?”
    “Ha ha ha... Đúng đúng. Sau khi ‘khứ thế’ đúng là không thể cứu vãn được.”
    So với cô giáo Ameko, thầy Thái này thật đáng xấu hổ.
    (Hai từ đồng âm, từ “khứ thế” mà Ameko hỏi là去势 nghĩa là bị thiến, hoạn; còn “khứ thế” mà nhân vật chính trả lời là 去世 nghĩa là tạ thế.)

    oOo

    Mặc dù Ameko tới ở Đài Nam nhưng mùa đông ở Đài Nam cũng không bởi vậy mà nhiều mưa.
    Không khí khô ráo ấm áp trong ngày đông ở Đài Nam là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi thích Đài Nam, có điều giờ tôi lại mong trời đồ mưa.
    Cũng hệt như Ameko vậy.
    Tới tận một buổi sáng thứ ba của tháng mười một, bầu trời mới lắt rắt chút mưa.
    Hôm đó khi Ameko đến học còn đeo theo một cái ba lô màu đỏ, tôi rất bối rối.
    Tôi nhớ khi đó mình đang dạy nàng bài “Dạ Vũ Ký Bắc” của Lý Thương Ẩn:
    “...Hà đương cộng tiễn tây song trúc
    Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì.”
    (Bao giờ chung bóng song tây
    Còn bao nhiêu chuyện núi này mưa đêm!
    Nguồn: http://phiem-dam.com/1thoco_davuky.htm)


    Tuy cửa sổ phòng tôi hướng ra phía bắc, không tính là ‘tây song” được, nhưng lúc này ngoài cửa sổ đang tí tách tiếng mưa rơi.
    Như chó săn nghe thấy tiếng động, Ameko tung mình lao thẳng tới bên cửa sổ.
    "Man-Zai! Man-Zai!” (vạn tuế)
    Ameko giơ cao hai tay, tâm trạng có vẻ rất phấn khởi, như một cô bé nhận được búp bê Barbie.
    "Mo-Mo-Ta-Ro san, Mo-Mo-Ta-Ro san┅┅ "
    Ameko vừa hát vừa vỗ tay.

    “Khụ khụ... Bạn Ameko, đang giờ học cơ mà.”
    “Thế à?” Ameko giơ đồng hồ đeo tay của mình lên trước mặt tôi nói:
    “Giờ là tám giờ một phút, đến phiên em làm cô giáo. Man-Zai! Man-Zai!"
    Chẳng có cách nào, người ta thế mạnh hơn, tôi buộc phải lấy sách tiếng Nhật ra học.
    “Hôm nay chúng ta không học, em dạy anh hát tiếng Nhật nhé. Dạy luôn bài ‘Đào Thái Lang’ em hát vừa rồi.”
    “Nhưng hôm nay anh lại cực kỳ mong chờ được học ứng dụng động từ tiếng Nhật, xin rửa tai nghe cô giáo dạy bảo.”
    Tôi không muốn học hát tiếng Nhật, đành phải giả bộ muốn học thứ khác.

    “Thái-san, anh thật thích nói đùa, có lúc nào anh chăm chỉ thế đâu. Ha ha ha...”
    Ameko lập tức nhận ra tôi đang lảng tránh, lại cười khanh khách nói:
    “Hát tiếng Nhật rất có ích khi học tiếng Nhật, đây gọi là ‘Ngụ giáo vu nhạc’.”
    (Ngụ giáo vu nhạc: Thơ ca ngoài niềm vui còn phải có tác dụng giáo dục)
    “Sao em không gọi là lấy công làm tư đi.”
    “Ha ha...” Ameko ngồi lại bên bàn:
    “Em hát một câu, anh hát theo nhé. Bài hát này rất đơn giản, rất dễ học.”
    Thế là, Đào Thái Lang trở thành bài hát tiếng Nhật đầu tiên tôi biết.
    Dạy Đào Thái Lang xong, Ameko lấy cái ba lô màu đỏ của mình ra.
    “Đây là cái gì?” Tôi chỉ vào một món đồ được buộc bằng chỉ màu cam ngoài chiếc cặp.
    “Đây là bùa bình an em xin ở đền thờ Meiji (Minh Trì Thần Cung) tại Tokyo hồi thi đại học, cầu cho việc học được bình an thuận lợi.”
    Ameko cẩn thận cởi nút thắt màu cam, đưa tấm bùa binh an cho tôi xem.
    Trên tấm bùa có viết “Minh Trì Thần Cung”, bên phải có hai chữ “đỗ đạt”, bên trái lại là “thành tựu”.
    “Có hiệu quả không?”
    “Rất hiệu quả! Chờ khi em về nước em sẽ tặng nó cho anh. Chắc chắn nó sẽ phù hộ anh sớm có ngày tốt nghiệp thuận lợi.”
    “Vậy anh nguyện không được tốt nghiệp thuận lợi.”

    Ameko dường như không hiểu nghĩa bóng trong câu nói của tôi, tiếp tục mở chiếc ba lô màu đỏ.
    “Đây là Re-In-Ko-To của em, nghĩa là raincoat. Tiếng Trung gọi là gì?”
    Ameko viết ra vài chữ mà mấy chữ cái đầu đã biết ngay là tiếng Nhật lai với tiếng nước ngoài
    “Áo mưa. Đơn giản thế thôi! Sao em không đoán ra vậy?”
    “Em cũng đoán vậy. Nhưng em từng đọc một truyện cười nói áo thọ (thọ y ~ áo liệm) không phải áo chúc thọ, cho nên em nghĩ áo mặc lúc mưa cũng chưa chắc gọi là áo mưa!”
    “Đại tỷ, ngài nghĩ hơi quá rồi đấy.” Tôi cười nhẹ một tiếng.

    “Đây là áo mưa em mua hồi học đại học.” Ameko nhìn chiếc áo mưa màu đỏ tím của mình, hưng phấn nói.
    “Em thích nó lắm! Mỗi khi trời mưa em thích nhất là mặc cái áo này đi dạo khắp nơi.
    “Sao không dùng ô? Vậy chẳng tiện hơn à?”
    “Nếu dùng ô không thể cảm nhận được giọt mưa rơi xuống người, trời mưa là ông trời ban ơn đấy.”
    “Trời mưa rất bất tiện, sao lại gọi là ông trời ban ơn?”
    “Ha ha, em cũng không biết. Em chỉ biết nghe tiếng mưa rơi em thấy rất hạnh phúc.”
    Ameko chống hai tay vào eo, ưỡn ngực:
    “Hơn nữa em tên Vũ Tử cơ mà! Không thích ngày mưa chẳng hỏng cả cái tên à?”

    “Nhưng mưa sẽ nhanh chóng tạnh, em định làm sao?”
    “Không sao cả. Chỉ cần có mưa em đã rất vui rồi.”
    Ameko thò đầu ra ngoài cửa sổ, hít một hơi thật dài.
    “Mưa thật không biên giới, mưa ở Osaka với mưa ở Đại Nam cũng như nhau, đều khiến tinh thần con người sảng khoái. Anh thấy sao?”
    Ameko quay lại hỏi tôi.
    “Ừm.” Tôi gật đầu.
    Không có biên giới, ở đâu cũng chỉ là mưa. Tình cảm giữa người với người, hẳn cũng như vậy!

    oOo

    Để quán triệt lý luận “ngụ giáo vu nhạc” của cô giáo Itakura, tôi tới tiệm bán băng đĩa mua một băng nhạc.
    Mọi bài hát với tôi đều thật lạ lẫm, bởi vậy tôi cũng chẳng biết nên chọn cái nào.
    Đang định nhắm mắt lại, tùy ý lấy một băng nhạc nào đó lại phát hiện trong đống băng ghi âm nhạc Nhật,
    Không ngờ lại có “Người yêu” của Đặng Lệ Quân và “Love is over” của Âu Dương Phỉ Phỉ.
    Tôi mua nó, lúc rảnh rỗi lấy ra nghe, tuy lời ca hơi buồn bã nhưng lâu ngày cũng thành dễ nghe.

    oOo

    Sau này, khoảng cách giữa tôi và Ameko dường như không còn nữa, bất kể là văn hóa chủng tộc hay ngôn ngữ.
    Chín giờ, học xong, tôi luôn mời cô ấy ở lại xem tivi một lúc.
    “Ngụ giáo vu nhạc mà!” Tôi bắt chước giọng điệu của nàng.
    “Lấy công làm tư thì có.” Nàng cũng bắt chước câu nói của tôi.
    Có lúc tôi còn hỏi nàng có đói không, sau đó làm một bát mỳ ăn liền cho nàng ăn.
    Ameko nói nàng rất thích mỳ ăn liền của Đài Loan, không như mỳ ăn liền của Nhật có vị hơi ngọt.

    Có một thời gian, kênh truyền hình Đài Loan chiếu phim Nhật “Tình yêu Tokyo” vào 10 giờ tối thứ ba hàng tuần.
    Ameko rất thích xem phim này, mỗi khi thấy Kanji và Rika nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung,
    Nàng sẽ cười liên tục.
    Khi đó ánh mắt tôi sẽ lén lút chuyển từ màn hình tivi tới cặp răng khểnh bên môi nàng.
    Thế nên cho dù tôi đã xem rất nhiều tập trong bộ phim Nhật đó, tôi vẫn không biết nó là phim lãng mạn?
    Hay là phim hài chọc cười khán giả?
    Vì thứ duy nhất mà tôi nhớ, là tiếng cười của Ameko.
    Còn nữa, nếu tên là Vũ Tử đều thích mặc áo mưa, vậy nhân vật trong phim chắc chắn đều là Phong Tử.
    Vì bọn họ thường xuyên mặc áo gió.

    oOo

    Tối giáng sinh cuối tuần, Tín Kiệt tụ tập bạn bè tới chỗ trọ, Ngu Cơ cũng mời Ameko, Naomi với Inoue.
    Đây là lần đầu tiên tôi gặp Naomi và Inoue, sau này vì quan hệ với Ameko nên mới quen thuộc dần.
    Đương nhiên tôi vẫn luôn ngạc nhiên về sự phóng khoáng của hai cô nàng này lúc say rượu.
    Có hôm cả một chàng trai Nhật Bản cũng tới theo, có điều tôi không biết hắn bám váy cô gái nào tới nữa.
    Hắn nói mình tên là Koji Yano.

    "Wa-Da-Si-WaTa-Ko (bạch tuộc ) Des┅┅ "
    Sau khi uống chút rượu hắn ta bắt đầu chu miệng, lại còn bắt chước cách bạch tuộc bơi, vặn vẹo hai tay liên hồi.
    Ngu Cơ, Naomi và Inoue cười lăn cười bò, Ameko chỉ mỉm cười xã giao.
    “Tôi uống say rồi! Tôi muốn tìm đồ ăn! Đâu có đồ ăn nào!”
    “Nào nào” cả nửa ngày, có thể thấy trình độ tiếng Trung của hắn kém cỏi tới mức nào.
    Nếu tôi là thầy dạy tiếng Trung của hắn ta, chắc sẽ mổ bụng tự sát cho xong.

    Đầu tiên hắn chu mỏ đưa tới chỗ Naomi, Naomi chỉ cười nhẹ rồi đẩy hắn ta ra.
    Sau đó tới chỗ Inoue, Inouse cũng mỉm cười bỏ chạy.
    Nhưng sau đó hắn ta nhảy luôn qua Ngu Cơ, lao thẳng tới Ameko.
    Nhìn hắn ta còn biết tránh cao thủ ném tạ Ngu Cơ, tránh cho Ngu cơ đẩy nhẹ một cái mà chấn thương sọ não,
    Tôi mới nhận ra tên tên khốn này rõ ràng là mượn rượu giả điên.
    Ameko không dám đưa tay đẩy cậu ta ra, lại không tiện bỏ chạy, chỉ đành luống cuống chân tay miễn cưỡng né tránh tại chỗ.

    "Wa-Da-Si-Wa ngư dân Des┅┅”
    Tôi lấy một cái gối ôm ra làm lưới đánh cá.
    “Tôi uống say rồi! Tôi muốn bắt bạch tuộc! Đâu có bạch tuộc nào!”
    Tôi tới bên cạnh hắn ta, không chút khách khí đập cái gối ôm xuống đầu.
    Ai dám nói con bạch tuộc này say chứ? Bước chân hắn lúc né tránh cực kỳ nhẹ nhàng uyển chuyển, chẳng khác nào một ninja.

    “Cậu...” Hắn có vẻ bực tức, nhìn chằm chằm vào tôi.
    “Tôi uống say rồi! Để bạch tuộc chạy mất rồi!” Tôi giả bộ loạng choạng.
    “Ha ha ha... Vẫn là bạch tuộc thông minh hơn.” Tín Kiệt vội vàng cười vài tiếng:
    “Ngư dân uống say rồi thì đừng ra biển bắt cá chứ!” Tín Kiệt đẩy nhẹ tôi một cái.
    “Bạch tuộc-san, chúng ta uống một chén nào.”
    Trần Doanh Chương cũng lập tức chen vào.

    “Vừa rồi cậu sao vậy? Dẫu sao Koji cũng là khách mà.”
    Tôi giả bộ ra sân thượng hóng mát một chút, Tín Kiệt cũng bước theo ra ngoài, nhỏ giọng nói.
    “Hắn ta tên Koji (Thỉ Dã) à? Tớ còn tưởng là dã thỉ.” Giọng điệu tôi lộ rõ vẻ mất hứng.
    (Lại chơi chữ, chữ Thỉ đầu tiên là矢nghĩa là mũi tên hay lời thề, chữu Thỉ thứ 2 là屎 nghĩa là đống phân)
    “Có phải vì hắn ta bất kính với Ameko không?”
    “Không phải. Vì tớ thấy ngứa mắt thôi.” Tôi vẫn cố cãi.
    “Trí Hoằng...” Tín Kiệt nhìn tôi một cái đầy thâm ý rồi nói: “Giữ khoảng cách với Ameko đi!”
    “Còn cần giữ khoảng cách à? Chẳng lẽ Nhật Bản với Đài Loan còn chưa đủ xa?” Tôi nổi giận nói.
    Hóa ra dù tôi và Ameko có thể vượt qua những khoảng cách vô hình như chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ...
    Thì khoảng cách hữu hình, vẫn cứ tồn tại.

    oOo

    Tín Kiệt vào lại phòng, giờ tới phiên Ameko bước ra ngoài, đứng bên cạnh tôi.
    Nhưng chúng tôi không hề nói gì, chỉ sóng vai hưởng thụ làn gió khuya nhẹ nhàng phớt qua khuôn mặt.
    Một lát sau, có lẽ vì cả hai đều cảm thấy sao đối phương không nói một lời? Vì vậy cùng lúc quay đầu sang.
    Hai mắt chạm nhau, Ameko chớp chớp mắt, tôi mỉm cười.
    “Thái-san, cám ơn anh đã giải nguy cho em.”
    “Đừng khách khí. Loạn thần tặc tử, ai ai cũng muốn tru diệt. Em hiểu câu này không?”
    “Ha ha, em không hiểm lắm. Xin Thái-san chỉ giáo.”
    “Có nghĩa là khi em gặp phải con bạch tuộc không biết xấu hổ, cứ coi nó như ‘con heo’ mà dạy bảo.”
    (Tiếp tục chơi chữ:
    Câu bên trên: Loạn thần tặc tử, nhân nhân đắc tru tri
    Câu bên dưới: nguyên gốc là coi hắn như “trư trích” cách đọc gần giống “tru tri”)

    “Ha ha, Thái-san, anh cứ dạy loạn thế, em coi là thật thì sao?”

    oOo

    Sau này Koji Yano nhân lúc tụ họp dây dưa với Ameko, có điều Ameko không hề cho hắn ta chút cơ hội nào.
    Có lần Naomi không nhịn nổi nữa, khuyên Ameko:
    “Cùng là du học sinh Nhật Bản tại Đài Loan, liên lạc với nhau giữ cảm tình một chút cũng bình thường thôi mà.”
    “Tớ nói nhỏ với cậu thôi nhé...” Ameko nhịn cười nói:
    “Thái-san nói Koji là con heo, nhất định phải tru diệt.” Nói xong, Ameko không nhịn được bật cười.
    “Cậu bị tên thầy giáo tiếng Trung đó dạy hư rồi.” Tuy Naomi nói vậy nhưng vẫn cười cùng Ameko.

    oOo

    Tết âm lịch năm 1995 đến rất sớm, ngày 31 tháng 1 đã là mùng một năm mới.
    Một buổi tối năm cũ, sáng sớm hôm sau tôi sẽ về nhà. Trước khi đi, nhấc điện thoại gọi cho Ameko.
    “Ameko, anh về nhà tới hết tết, đành gửi em lời chúc mừng năm mới sớm vậy.”
    “Thế lúc nào anh mới về Đài Nam?”
    “Ít nhất cũng phải hơn một tuần nữa.”
    “Hả? Lâu thật đấy!”
    “Ừm, đúng là rất lâu.”
    Từ khi quen Ameko tới giờ, chưa bao giờ chia lìa lâu tới vậy,
    Tôi cảm giác như động tay động chân cũng thiếu tự nhiên.

    oOo

    Sáng sớm mùng hai Tết, bầu trời đổ mưa phùn, tôi không khỏi nhớ tới Ameko.
    Ameko ở Đài Loan có khỏe không? Khí hậu lác đác mưa thế này, chắc chắn nàng sẽ rất vui.
    Tôi là học sinh, cũng nên gọi điện tới chúc Tết cô giáo chứ!
    “Xin chào, tôi là Ameko. Xin hỏi tìm ai vậy?”
    “Ameko, chúc mừng năm mới!”
    “Anh... Anh là Thái-san?”
    "Hai! Happy New Year! Itakura-san.”
    “Thái-san, em... nghe giọng anh em vui lắm...” Ameko đột nhiên khóc thút thít.

    “Có chuyện gì vậy? Tâm trạng không được tốt à? Ở Đài Nam trời không mưa à?”
    “Mặc dù ở Đài Nam có mưa, nhưng chỉ có mình em ở nhà, em hơi sợ.”
    “Naomi với Inoue đâu?”
    “Hai bạn ấy tới nhà bạn bè ở Đài Loan mừng năm mới rồi.”
    “Sao em không đi theo?”
    “Em không quen mấy người Đài Loan đó. Hơn nữa em không biết năm mới người Đài Loan đều về nhà.”
    Ameko kể với giọng ấm ức.

    “Đừng sợ. Anh sẽ về Đài Nam với em ngay đây.”
    “Thế có được không? Anh không cần ở bên người nhà sao?”
    “Không sao, dẫu sao trung hiếu cũng chẳng thể vẹn toàn?”
    “Thế mà bảo trung hiếu chẳng thể vẹn toàn? Như anh phải gọi là bất trung bất hiếu ấy.”
    Cuối cùng Ameko cũng mỉm cười, song vẫn không yên lòng hỏi lại:
    “Anh có sợ bị người nhà mắng không?”
    “Không đâu! Với lại ở nhà mãi cũng chán, anh tới tìm em đi chơi.”
    “Ừm. A-Ri-Ga-Do."

    oOo

    Khi tôi trở lại Đài Nam, đã là giờ cơm tối.
    Năm mới, rất nhiều cửa hàng không mở cửa, tôi đành chạy ra siêu thị mua vài thứ,
    Sau đó rủ Ameko tới ăn lẩu.
    Đêm đó trời vẫn lác đác mưa rơi, tâm trạng Ameko rất tốt, tuy chương trình ti vi khá nhàm chán.
    Sau đó chúng tôi ra ban công nghe tiếng mưa rơi.
    Theo nhịp điệu mưa rơi, Ameko cũng nhẹ nhàng cất tiếng ca.

    “Nghe hay quá, đây là bài hát gì?”
    “Đây là bài ‘mùa mưa ở Osaka’ của Hibari Misora.”
    Nói xong, Ameko đột nhiên bắt chước vẻ mặt và hành động cường điệu của Hibari Misora lúc hát.
    "Dai-Te-Ku-Da-Sai, A┅OsakaSi-Gu-Re” (Xin hãy ôm lấy em. Ôi! Mùa mưa Osaka)
    Rất ít khi thấy Amke tinh nghịch như vậy, tôi không khỏi mỉm cười.
    Nhưng khi hát tới đoạn “So-Ne-Za-Ki”, nàng lại đột nhiên ngừng lại, thở dài một hơi.

    “Nhớ nhà à?”
    “Ừm. Nhà em ở gần Sonezaki, lúc hát đến đó bắt đầu nhớ nhà.”
    Thật ra tôi rất muốn hỏi, khi nào nàng sẽ trở lại Osaka? Có điều lại không muốn nghe đáp án, chỉ đành im lặng.
    “Thái-san...” Ameko lên tiếng xua bỏ bầu không khí trầm lắng, hưng phấn nói.
    “Osaka vui lắm đấy! Sau này em sẽ đưa anh tới tham quan thành Osaka do Toyotomi Hideyoshi xây dựng, tới thăm chùa Tứ Thiên Vương,
    Đó là ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản đấy. Sau này chúng ta còn có thể đi ăn bạch tuộc viên lớn nhất Nhật bản...”
    Ánh mắt Ameko sáng lên, cảm giác như chúng tôi đang đặt chân trên đất Osaka.
    “Nhật Bản, thật xa xôi...” Nói xong, tôi thầm thở dài một hơi.

    “12 giờ rồi, có vẻ cũng đã muộn. Em phải về đây.” Ameko nhẹ nhàng nói.
    “Đợi mưa tạnh đã!”
    “Ừm. Xem ra mưa cũng sắp tạnh rồi.”
    “Ài... Vốn là đêm dai dẳng, mưa sao tạnh quá mau.”
    “Ha ha, có phải anh bắt chước bài thơ bảy bước của Tào Thực: vốn là cùng một gốc, sao lại đốt lẫn nhau?”
    “Em đoán trúng rồi, giỏi quá, giỏi quá. Em có muốn phá kỷ lục của Tào Thực không, trong bảy bước cũng hoàn thành một bài thơ?

    “Đừng đùa thế chứ, em không làm được đâu.” Ameko cười rung cả người.
    “Cũng chưa chắc! Anh đi chậm một chút, hơn nữa có chết cũng không bước sang bước thứ bảy, chắc chắn giúp em phá được kỷ lục.”
    “ha ha... đâu thể thế được.”
    “Trên sách có nói bảy bước đó Tào Phi đi thế nào đâu, không khéo cũng là bước thật chậm.”
    Tôi giơ chân trái lên thật cao sau đó ngừng lại nói: “Ameko, mau mau lên! Anh bước đi đây này.”

    Ameko chìm vào trầm tư, tôi thì cố dùng tốc độ siêu chậm, làm như đang bước đi.
    Khi chuẩn bị bước ra bước thứ bảy, chân trái ngừng giữa không trung một lúc lâu không hạ xuống.
    Chỉ dùng chân phải chống đỡ thân thể, trước khi tôi sắp mất thăng bằng, cuối cùng cũng nghe thấy Ameko mở miệng ngâm:
    “Ngày về Đại Phản còn chưa hay
    Mưa phùn liên miên rồi cũng tạnh
    Đêm dài thức cạnh nhau năm ấy
    Châm bước ngoài hiên đủ chuyện hay”
    (Đại Phản: Osaka)
    Nghe xong “Châm bước ngoài hiên đủ chuyện hay”, tôi cười ha hả hai tiếng, cuối cùng cũng đặt chân trái xuống, bước nốt bước thứ bảy.
    “Ameko, chúc mừng em phá kỷ lục của Tào Thực, hoàn thành bài thơ sáu bước rưỡi.”
    “Ha ha... Đó là linh cảm từ bài ‘Dạ vũ ký bắc’, cám ơn Thái-san đã phối hợp và chỉ bảo.”

    Thật ra mưa đã sớm tạnh, nhưng dường như chúng tôi cũng cảm thấy “bước chậm” đi trước giờ phút ly biệt.
    “Ameko, mai mình đi xem phim nhé?”
    Lần này người phá tan bầu không khí trầm lắng lại là tôi.
    Ameko ngạc nhiên ngây ra một lát, như không nghe rõ, hỏi lại: “Cái gì cơ?”
    “Read my lips... Xem-phim. Tiếng Anh là See movie.”
    Ameko mỉm cười, sau đó gật đầu.

    oOo

    Tôi vốn định xem phim phương Tây, vì năm mới phim trong nước thường rất chán.
    Nhưng Ameko lại nói xem phim trong nước có thể tiện đó luyện tập tiếng Trung.
    "Ngụ giáo vu nhạc mà!" Ameko càng lúc càng quen thuộc với thành ngữ Trung Quốc.
    Chúng tôi xem “Tề Thiên Đại Thánh Đông Du Ký” của Châu Tinh Trì, tôi thiếu chút nữa ngủ gật.
    “Chẳng phải tên là Tây Du Ký à?”
    “Đó là cố ý đặt loạn thôi, không cần để ý. Đông du thì chỉ có nước đến Nhật Bản thôi.”

    Tuy trời râm nhưng không cảm thấy lạnh. Vì vậy tôi đưa Ameko tới An Bình ăn tôm cuộn, ngắm hoàng hôn, hóng gió biển.
    Lúc về, trời đột nhiên đổ mưa, tôi lấy chiếc áo mưa từ trong cốp xe ra nói:
    “Chỉ có một chiếc áo mưa này thôi. Anh em mình cùng mặc nhé, em phải núp kỹ sau lưng anh đấy!”
    “Hả? Anh định mặc chung áo mưa với em à?”
    Ameko như rất kinh ngạc, do dự một lúc lâu rồi mới cười ngại ngùng.
    “Đương nhiên rồi! Ơ? Sao em lại đỏ mặt?”
    “Em đâu có...” Đoạn sau tôi nghe không rõ lắm, vì nàng đã chui vào trong áo mưa.

    oOo

    Trở lại gần đại học Thành Công, mưa cũng nhỏ đi, tôi đưa Ameko đến vườn Mộng Mơ đối diện trường Quang Phục uống nước.
    “Phù... Nghỉ ngơi chút đã. Em có bị dính mưa không?” Tôi thở một hơi.
    “Không sao đâu. Áo mưa của anh to mà.” Ameko lau mồ hôi.
    “Tránh dưới áo mưa chắc cũng hơi nóng, chúng ta đi uống chút đồ lạnh nhè!”
    “Ừm. Cám ơn.”
    Ameko tặng tôi một nụ cười ấm áp.

    “Thái-san, em kể một câu chuyện lãng mạn xảy ra trong thời chiến quốc Nhật Bản, anh nghe thử nhé.”
    “Là chuyện về Takeda Shingen và Suwa Koi à?”
    Tôi gọi hai cốc sinh tố dưa hấu, đưa cốc có vẻ đầy hơn cho nàng.
    “Không phải. Đây là một truyền thuyết ở quê em, lãng mạn lắm đấy!”
    “Được rồi! Anh xin rửa tai lắng nghe.”

    “Năm 1615 sau công nguyên, năm Khánh Trường thứ 20, Tokugawa Ieyasu xuất binh từ hai thành, ba ngày sau đánh hạ thành Osaka, Toyotomi Hideyori tự sát, sử sách gọi là cuộc vây hãm mùa hè lâu đài Osaka. Sau đó chiến loạn Nhật Bản được dập tắt, khai sáng thời đại Giang Hộ Mạc Phủ...”
    “Sao em lại kể sử chiến quốc Nhật Bản vậy?” Tôi ngắt lời Ameko.
    “Hi hi, anh đừng sốt ruột chứ. Trong cuộc vây hãm mùa hẻ lâu đài Osaka, quân đội của Toyotomi Hideyori có một vị tướng tên Kimura Shigenari, cũng chết trong trận chiến này. Dưới trướng Kimura Shigenari có một vị võ sĩ họ Kato rời khỏi thành Osaka trong lúc chiến loạn, trốn về phía nam tới trong huyện Wakayama, nơi này ở gần quê em...”
    “Sao võ sĩ Nhật Bản thua trận không phải mổ bụng?”
    “Chỉ thua trận đã phải mổ bụng, võ sĩ Nhật Bản chết hết từ lâu rồi, thời chiến quốc cũng đã chẳng kéo dài tới hơn một trăm năm.”

    “Vâng vâng vâng. Cô giáo dạy chí phải.” Tôi cười trừ vì câu nói lỡ lời của mình.
    “Ha ha. Khi đó Kato bị thương, trốn trong một ngôi chùa. Cũng tại ngôi chùa đó, Kato quen một cô gái. Có điều họ của cô gái này là gì em cũng không biết, có thể là vốn không có họ.”
    “Vốn không có họ?”
    “Thời cổ đại, người Nhật Bản ngoại trừ giai cấp võ sĩ cùng quan viên triều đình ra, bình dân thông thường đều không có họ, thường chỉ gọi là A X. Đương nhiên thương nhân có tiền là ngoại lệ.”
    “Vậy sau này võ sĩ Kato và cô gái A X xảy ra chuyện gì?”

    “Ha ha ha, cô ấy không phải cô gái A X, ở quê bọn em đều gọi nàng là Vũ Cơ.”
    “Vũ Cơ? Sao lại gọi là Vũ Cơ? Cái tên này khá giống tên Vũ Tử của em.”
    Ameko khẽ mỉm cười rồi tiếp tục nói:
    “Có người nói bọn họ gặp nhau trong một cơn mưa, sau này có tình cảm với nhau. Chỉ tiếc là người nhà cô gái và thôn dân đều phản đối bọn họ đến với nhau, cho nên họ đành phải bỏ trốn trong một ngày trời mưa lớn. Có điều hành tung của họ vẫn bị phát hiện, hoảng loạn trốn tới gần một vách núi, Kato trượt chân rơi xuống, Vũ Cơ kêu to vài tiếng Kato sau đó cũng nhảy xuống vách núi theo.”
    Giọng điệu của Ameko khi kể câu chuyện này rất bình thản, nhưng tôi lại rung động trước cảnh kinh tâm động phách khi đó.

    “Sau đó trời mưa liên tục bảy ngày bảy đêm, ban ngày thế mưa mãnh liệt, buổi tối lại rả tích mưa phùn, mọi người rỉ tai nhau ban ban ngày là Kato gào khóc, buối tối lại là Vũ Cơ. Khi mưa tạnh, thôn dân phát hiện thi thể bọn họ dưới vách núi bèn hợp táng hai người cùng một chỗ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bọn em gọi cô gái đó là Vũ Cơ.”
    Tôi gật đầu một cái, ra hiệu giờ thì đã hiểu.
    “Dần dà, ở quê em có một truyền thống.”
    “Truyền thống ra sao?” Tôi uống một ngụm sinh tố dưa hấu rồi hỏi.

    Ameko nhìn tôi một cái rồi từ từ nói từng chữ một:
    “Ở quê em, nếu con trai muốn tỏ tình với con gái mà lại không dám biểu đạt trực tiếp, có thể chọn một hôm trời mưa, mời cô gái mặc chung một chiếc áo mưa.”
    Nói xong, Ameko mỉm cười vui vẻ, lộ ra cặp răng khểnh.
    Còn tôi, ngạc nhiên tới mức biến sắc, thiếu chút nữa phun cả ngụm sinh tố dưa hấu vừa uống vào ra, vội vã phân bua:
    “Ameko, anh không biết có truyền thống như vậy.”
    “Ha ha, em biết mà. Không biết không có tội! Thái-san, câu thành ngữ này đúng không!”

    “Hại anh thiếu chút nữa thổ huyết.” Tôi chỉ cốc sinh tố dưa hấu màu đỏ trên tay.
    “Có điều truyền thống này cũng lạ thật, chuyện về Kato và Vũ Cơ sao lại liên tưởng tới áo mưa? Chẳng lẽ nếu mặc áo mưa vào thì Kato sẽ không trượt chân ngã xuống vách núi?”
    “Câu chuyện này cũng cổ rồi nên em không rõ lắm, đây cũng chỉ là truyện cổ lưu truyền ở quê em thôi mà.”
    “Trí tưởng tượng của người quê em thật phong phú.”
    “Trí tưởng tượng của người Trung Quốc còn phong phú hơn, ví dụ như Khuất Nguyên vì lo cho nước cho dân mà gieo mình xuống sông Mịch La, ông ấy có bảo sau này người Trung Quốc phải ăn bánh tét mỗi dịp tết Đoan Ngọ đâu! Cũng chẳng ngờ được từ đó dân Trung Quốc lại có thêm món bánh tét.”
    “Ừm, có lý. Xem ra sau này không thể tùy ý rủ em mặc chung áo mưa được rồi.”
    Trong lúc tôi và Ameko nhìn nhau mỉm cười, mưa dường như càng lúc càng lớn.

    oOo

    Mùng bốn năm mới, thời tiết cũng trở nên trong lành, nhiệt độ cũng dần tăng trở lại.
    Đây là thời tiết tốt thích hợp cho đi du lịch, tôi dẫn Ameko đi chơi khắp nơi ở Đài Nam.
    Tuy Ameko đã tới Đài Nam được nửa năm, nhưng có vẻ như nàng vẫn đầy hiếu kỳ với mọi thứ ở nơi đây.
    Đặc biệt là chợ đêm Đài Nam, nàng rất thích tới nơi này.
    “Ở Nhật Bản gần như không có cuộc sống buổi đêm, các cửa hàng đóng cửa rất sớm, đường phố rất vắng lặng.”
    Ameko nói với vẻ ước ao: “Được tới Đài Loan thật hạnh phúc.”

    oOo

    Suốt mấy ngày liền, tôi và Ameko đi khắp các nơi.
    “Mình đi ngắm biển được không?”
    “Đương nhiên là được rồi!”
    Sau khi đi khắp Đài Nam, tôi dẫn nàng về vùng ven biển nơi tôi sinh ra, Bố Đại huyện Gia Nghĩa.
    “Trong lịch sử Bố Đại có sự kiện gì không?” Ameko đứng trước biển xanh, quay sang hỏi tôi.
    “Bố Đại chỉ là một vùng nhỏ, đâu thể xảy ra sự kiện gì.” Tôi mỉm cười lắc đầu.
    Thật ra năm 1895 lữ đoàn số bốn của Nhật đổ bộ vào cảng Bố Đại, dọc theo sông Tằng Văn, ép thẳng tới Đài Nam.
    Nhưng tôi không muốn nhắc tới xung đột dân tộc trước mặt Ameko.

    “Ngày mai Naomi sẽ về Đài Nam.” Ameko như đang thì thào tự nhủ.
    “Đây đúng là một tin xấu.” Tôi lại giả bộ bóp cổ tay.
    “Sao thế?”
    “Thế thì mai khi anh tới đón em, cô ấy chắc chắn sẽ mặt dày mày dạn theo sau.”
    “Ha ha, sao anh lại nói cô ấy như vậy chứ? Cô ấy chỉ không chừa thủ đoạn nào bám sát theo thôi mà.”
    Ameko nói xong cũng bật cười vì câu nói tinh nghịch của mình.
    “Không sai, tội ác của cô ta thật khiến người người nổi giận.”
    “Ha ha, có thể nói là tội lỗi chồng chất.”
    Hóa ra Naomi còn có điểm tốt như vậy, có thể giúp Ameko luyện tập thành ngữ.

    oOo


    Hết kỳ nghỉ đông, trường học cũng đã mở cửa trờ lại, buổi học đầu tiên của tôi và Ameko trong năm Hợi cũng nên bắt đầu.
    Rất trùng hợp, ngày đó lại vừa khéo là tết Nguyên Tiêu.
    Trời quang mây tạnh mới được vài ngày, sáng sớm hôm đó nhiệt độ đột nhiên giảm xuống sau, bảy độ.
    Buổi chiều cũng lất phất mưa phùn.
    Tôi và Ameko nói đùa với nhau, chọn hôm nay để nhập học đúng là ý trời.

    “Ameko, hôm nay là tết Nguyên Tiêu, hết giờ học anh đưa em đi xem pháo hoa nhé?”
    “Man-Zai! Thá-san, A-Ri-Ga-Do.”
    “Đang giờ học tiếng Trung, không được nói tiếng Nhật.”
    “Xin lỗi. Tại em vui quá.” Ameko lè lưỡi.
    “Hôm nay là tết Nguyên Tiêu, anh dạy em một bài thơ có liên quan tới tết Nguyên Tiêu nhé?”
    “Hay quá! Cám ơn anh! Có điều đừng khó quá đấy nhé! Em ngốc lắm, hì hì.”
    “Đừng bắt chước vẻ khiêm tốn của anh. Nếu em là ngốc, vậy anh là thiểu năng rồi.”
    “Ừm.” Ameko đỏ mặt rồi cúi đầu.

    Đương nhiên tôi không chọn bài thơ quá khó rồi, vì khó quá tôi cũng chẳng hiểu.
    Tôi đoán nguyên nhân lớn nhất khiến lúc đầu Tín Kiệt kiên quyết bảo tôi làm thầy dạy Ameko chắc cũng là điểm này.
    Vì thơ ca mà tôi biết chắc chắn đều không quá khó hiểu.
    Lấy tết Nguyên Tiêu làm ví dụ, tôi chỉ biết “Sinh tra tử” của Âu Dương Tu.
    Thế nên tôi phải dạy chậm một chút, bằng không Ameko học tới phát nghiện, kêu “encore” (nữa đi);
    Vậy tôi hố to rồi.

    “Cách phát âm ‘Sinh tra tử’ rất giống ‘sinh con gái’ trong tiếng Đài. Nhưng ‘Sinh tra tử’ là tên bài từ, không liên quan gì tới chuyện Âu Dương Tu sinh con trai hay sinh con gái, mà Âu Dương Tu viết bài từ này cũng không phải vì muốn sinh con gái, vậy đã hiểu chưa?”
    “Ừm, em hiểu rồi.”
    “Còn nữa, vì ‘tra’ đọc là ㄓㄚ, không đọc là ㄔㄚ, đồng âm với ‘tra’ trong từ ‘nhân tra’ (cặn bã). Bởi vậy ‘Sinh tra tử’ cũng không phải nghĩa là ‘Sinh ra đứa con như cặn bã’. Hiểu không?”
    “Ha ha... Anh đang nói linh tinh đấy à!”
    “Khụ khụ... Thật à? Em cũng nhận ra à?” Tôi ngượng ngùng ho khan vài tiếng.
    “Thế nên anh mới nói Ameko thật đúng là thông minh hơn cả băng tuyết.”

    “Vì sao lại so sánh ‘thông minh’ với ‘băng tuyết’? Thông minh có liên quan gì tới băng tuyết à?”
    “Em cứ đố anh. Anh chỉ biết thông minh hơn cả băng tuyết xuất phát từ câu thơ của Đỗ Phủ, đại khái Đỗ Phủ cảm thấy những hứ có liên quan tới ‘nước’ sẽ rất thông minh! Mà vì trong tên em có chữ ‘Vũ’ cho nên chắc chắn em cũng rất thông minh! Hơn nữa mưa còn thông minh hơn cả băng tuyết!”
    “Ha ha... Thái-san học thủy lợi, cũng có liên quan tới nước, vậy lại càng thông minh.”
    Ừm, hay lắm. Khen Ameko không ngờ lại tự khen cả mình, đúng là một mũi tên trúng hai đích.
    (Nguyên gốc: băng tuyết thông minh, xuất sứ từ câu thơ "”Băng tuyết tịnh thông minh, lôi đình tẩu tinh duệ" trong bài “Tống Phàn nhị thập tam thị ngự phó hán trung phán quan” của Đỗ Phủ. Người sau thường mượn câu thơ này để hình dung người con gái thông minh phi phàm.)

    Sau đó tôi lấy giấy viết lại bài từ này:

    Khứ niên nguyên dạ thì,
    Hoa thị đăng như trú.
    Nguyệt thướng liễu tiêu đầu,
    Nhân ước hoàng hôn hậu.

    Kim niên nguyên dạ thì,
    Nguyệt dữ đăng y cựu.
    Bất kiến khứ niên nhân,
    Lệ thấp xuân sam tụ.

    (Năm ngoái đêm nguyên tiêu
    Chợ hoa đèn sáng rực
    Ngọn liễu mảnh trăng treo
    Hoàng hôn người hẹn ước

    Năm nay đêm nguyên tiêu
    Trăng với đèn như trước
    Chẳng gặp người năm qua
    Tay áo đầm lệ ướt

    Người dịch: Nguyễn Xuân Tảo
    Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=1525)

    “Ồ? Bài từ này nghe rất giống thơ Đường, nó không phải thơ à?”
    “Đây là bài từ thời Tống. Tuy cách thức rất giống thơ Đường nhưng lại là bài từ. Cũng như răng khểnh của em trông như quỷ hút máu nhưng em lại không phải quỷ hút máu ấy.”
    “Thái-san, anh lại trêu em rồi...”
    Ameko nhe cặp răng khểnh ra, giả bộ định cắn tôi một cái.
    Cho dù Ameko là quỷ hút máu, nàng cũng là con quỷ hút máu đáng yêu nhất.
    Vậy nếu con quỷ hút máu này muốn hút máu tôi, tôi có đồng ý không?”

    “Đúng vậy, tôi đồng ý.” Bất tri bất giác, tôi bật thốt lên câu “tôi đồng ý”.
    “Cái gì? Anh đồng ý cái gì?” Ameko ngạc nhiên hỏi.
    “Anh nói là anh đồng ý dạy em bài từ này.”
    “Ha ha... Thai-san tâm bất tại... tạ...”
    “Tâm bất tại yên (mất tập trung). Chữ ‘yên’ ý chỉ ‘chỗ này’.”
    Đương nhiên là tâm tư tôi trên ngựa chứ không trên yên rồi, bởi nó vẫn mắc trên con ngựa Ameko này.

    “Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ dân gian của Trung Quốc, trên đường sẽ treo đèn hoa, bởi thế nên đèn đuốc rất rực rỡ, chiếu rọi buổi tối sáng như ban ngày, vừa phồn hoa lại vừa náo nhiệt. Hôm ấy lại là ngày mười lăm âm lịch, đúng thời khắc trăng tròn, ánh sáng long lanh động lòng người. Nhân lúc trăng trăng treo đầu cành liễu, đường phố bắt đầu náo nhiệt, hai người ước hẹn với nhau cùng dạo phố. Liễu trong thơ ca Trung Quốc thường là biểu tượng của tình yêu, bởi vậy
    'Ngọn liễu mảnh trăng treo
    Hoàng hôn người hẹn ước'
    Hai câu từ này bao hàm cả tình ý giữa hai người và cảm giác hạnh phúc khi hẹn ước. Đây là cảnh đêm Nguyên Tiêu năm trước ấm áp ngọt ngào trong hồi ức của tác giả."

    “Ai ngờ một năm qua đi, hai người vì một số nguyên nhân bất khả kháng đành kẻ đông người tây. Cho dù đứng giữa phố xá náo nhiệt đêm Nguyên Tiêu, nhìn ánh trăng vẫn long lanh động lòng người, đèn đuốc vẫn rực rỡ chiếu rọi khắp đường, thế nhưng trong số những người qua kẻ lại đông đúc khắp nơi kia lại chẳng hề có bóng dáng đã từng hẹn ước năm xưa. Tác giả ngắm ánh đèn hoa bảy màu trên đường phố, đột nhiên cảm thấy cô đơn và buồn bã giữa bầu không khí phồn hoa náo nhiệt ấy. Vì vậy trong lúc vô tình, nước mắt thấm đầm ống tay áo, chính từ ‘đầm’ này đã bộc lộ hết mọi tâm tư tình cảm của tác giả. Hơn nữa trọn bài thơ đều không nói tới lý do hai người chia ly, lưu lại không gian và cảm giác bất đắc dĩ cho người đọc tự tưởng tượng.
    Trọng điểm trong bài từ ‘Sinh tra tử’ của Âu Dương Tu không phải miêu tả đèn hoa và ánh trăng đêm Nguyên Tiêu, mà là so sánh giữa hai tối Nguyên Tiêu, cảnh vật tương đồng song người đã đổi thay, so sánh giữa hiện tại và quá khứ, bi thương và vui vẻ, biểu đạt tình ý và cảm xúc trong cõi lòng. Đây là một bài từ dễ hiểu nhưng lại chan chứa tình cảm.”

    Tôi giảng giải bài từ này một lượt, sau đó bảo Ameko chép lại rồi nói cho tôi những tâm đắc và cảm tưởng. Không ngờ lúc Ameko viết đến “đầm lệ”, nước mắt lại thật sự chảy xuống!
    “Ameko, sao em lại khóc.”
    “Không sao, em chỉ đột nhiên thấy cảm động thôi.”
    “Bài từ này không có những câu văn hoa lệ, chỉ có những cảm xúc bình thường nhưng chân thành, quả thật rất cảm động.”
    “Thái-san, lúc nữa chúng ta cũng sẽ đến một nơi ‘chợ hoa đèn sáng rực’ à?”

    “Đương nhiên rồi. Sẽ có rất nhiều người, rất náo nhiệt, pháo hoa cũng rất đẹp.”

    “Nhưng đã hơn chín giờ rồi, mặt trăng đã qua cả cành liễu. Chúng ta đến đó không sợ muộn à?”
    “Đừng lo, đợt này sẽ bắn pháo hoa tới tận khuya cho nên chúng ta chỉ cần ‘tan học người hẹn ước’ là đủ.”
    “Thật chứ?”
    “Ừ.”
    Xem ra tâm tư của Ameko đã bay tới tận “chợ hoa” rồi.

    “Thật ra Thôi Hộ thời nhà Đường cũng có bài thơ với ý cảnh rất giống bài từ này. Em muốn học không?”
    Nhìn đồng hồ đeo tay, vẫn còn chút thời gian, tôi cũng muốn kể cho Ameko điển cố “nhân diện đào hoa”.
    “Ừm, đương nhiên là muốn rồi!”
    “Có điều, em phải hứa với anh, không được khóc đấy.”
    “Em đâu có hay khóc thế chứ, chẳng qua lúc vừa rồi nghĩ tới một chuyện nên mới cảm động thôi.”
    “Chuyện gì vậy?”
    “Không có gì. Sau này có cơ hội sẽ kể cho anh sau, được không?”
    Giọng nói của Ameko mang theo vẻ thương tâm. Tôi nghĩ mình không nên hỏi tiếp.

    Bèn lấy giấy viết:

    “Khứ niên kim nhật thử môn trung
    Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
    Nhân diện bất tri hà xứ khứ
    Đào hoa y cựu tiếu xuân phong”

    (Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
    Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
    Mặt người chẳng biết đâu rồi
    Hoa đào còn đó vẫn cười gió xuân

    Người dịch: Trần Trọng Kim)

    “Bài thơ này cũng rất dễ hiểu, Âu Dương Tu mượn đêm Nguyên Tiêu để tôn lên cảnh vật vẫn như trước nhưng người đã nơi xa. Thôi Hộ lại mượn ‘hoa đào’, tình cảnh mà hai người biểu đạt rất giống nhau.”
    “Thơ ca Trung Quốc thật thú vị, cùng đểu biểu đạt tình cảm tương tư trong lòng mình, có người dùng ‘đầm lệ’ để biểu thị, có người lại dùng ‘cười gió xuân’ để diễn tả.”
    “Ồ! Ameko, em thật thông minh. Cho nên thơ từ tiếng Trung chú trọng ở cảnh giới chứ không phải chỉ dựa vào một số câu chữ hoa lệ. Như bài thơ sáu bước rưỡi lần trước, em làm rất tốt.”
    Ameko gật đầu rồi cầm bút chép lại bài thơ này một lượt.
    Lần này tôi học khôn, quan sát kỹ phản ứng của nàng.

    “Ameko, sao em viết tới đoạn ‘cười gió xuân’ lại không cười?”
    “Hả? Sao em lại phải cười?”
    “Vừa rồi em viết ‘đầm lệ’ đã khóc, giờ là ‘cười gió xuân’ đương nhiên phải cười chứ.”
    “Ha ha... Chỉ có anh chọc em cười thôi.”
    Cuối cùng Ameko cũng nín khóc mỉm cười, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

    “Thái-san, vừa rồi không phải em ‘khóc’ mà.”
    “Em đã nhỏ nước mắt, sao không gọi là khóc?”
    “Anh dạy em, có tiếng có nước mắt gọi là khóc, còn không có tiếng chỉ có nước mắt gọi là ‘khấp’, có tiếng không có nước mắt gọi là gào. Cho nên vừa nãy em chỉ tính là ‘khấp’ thôi.”
    “Ha ha ha... Ameko em đủ lông đủ cánh rồi! Giờ không ngờ còn chỉnh cả thầy giáo nữa.”
    “Không dám không dám.” Ameko lè lưỡi, nói tiếp:
    “Có điều giờ tới phiên em là cô giáo.”

    Hóa ra đã tới tám giờ, tới phiên tôi làm học sinh tiếng Nhật.
    “Itakura-san, hôm nay sẽ học cái gì?” Tôi lấy sách ra, cung kính đợi chỉ thị.
    “Hôm nay chúng ta ôn tập lại các hình thức của động từ là được, anh vẫn không hiểu đoạn này.”
    Ameko đề cao tôi quá, vì những thứ tôi không hiểu, đâu chỉ có đoạn đó.
    Ka-Yo-Bi ( hỏa diệu nhật, thứ ba ) và Mo-Ku-Yo-Bi (mộc diệu nhật, thứ năm),
    Tới giờ tôi vẫn còn lẫn lộn, không biết đã bị Ameko phạt chép bao nhiêu lần rồi.

    Xem thần sắc Ameko, tôi biết nàng cũng mất tập trung.
    Hóa ra bất kể là Thái-san hay Itakura-san, hôm nay đều thật rối.
    “Itakura-san, chúng ta đừng học nữa, giờ ra ngoài chơi nhé?”
    “Không được, học xong đã. Hôm nay anh hư quá!”
    Người Nhật quả nhiên vẫn là người Nhật, thật chuyên nghiệp.

    Trong lúc tôi bị thì quá khứ, thì hiện tại, thì tương lai khiến cho đầu óc choáng váng, rốt cuộc cũng tới chín giờ.
    “Man-zai! Ameko, mình đi ngắm pháo hoa thôi!”
    “Hai! Đi thôi!”
    Ameko hưng phấn đứng dậy, lộ vẻ không thể chờ đợi nổi nữa.
    Đúng là Ba-Ga (ngốc), nếu đã muốn đi như vậy sao phải kiên quyết dạy cho xong?

    oOo

    Thật ra tôi rất không thích những nơi đông người, nó khiến tôi cảm thấy quá náo nhiệt.
    Thế nhưng nếu ở lại nhà, có lẽ tôi sẽ rủ Ameko cùng xem tivi.
    Mà tiết mục tivi tết Nguyên Tiêu thường là đoán đố đèn.
    (Đố đèn một trò chơi truyền thống của Trung Quốc, các câu đố dán trên lồng đèn, treo trên dây hoặc dán trên tường)
    Tôi sợ mình còn phải phí sức giải thích cho nàng “đố đèn” là gì?
    Lại phải tìm lời giải thích đáp án cho nàng.
    Vạn nhất lúc đó gặp phải câu đố mà mình không hiểu, vậy chẳng phải thể diện của thầy dạy tiếng Trung này mất sạch không còn chút gì à?
    Cho nên, thà dẫn nàng ra ngoài xem pháo hoa cho an toàn.

    Tôi chở Ameko đi xe dọc đường Tân Hải theo hướng tới miếu Thổ thành Thánh mẫu.
    Hai bên đường Tân Hải đều không có người ở, cảm giác cực kỳ hoang vắng.
    Tuy nói giờ đã coi là vào xuân, nhưng tháng giêng âm lịch trời vẫn lạnh thấu xương, đặc biệt là đêm nay.
    Khi gió biển lọt qua khẽ hở của quần áo, chạm vào thân thể, lạnh tới mức răng run lên cầm cập.
    Trên đường cũng không có biển chỉ dẫn nào, nhưng chỉ cần đi thẳng theo dòng xe sẽ không bị lạc.
    Còn ánh pháo hoa rực rỡ giữa bầu trời đêm lại càng như sao Bắc Đẩu, dẫn lối cho chúng tôi.
    Dọc đường đi, Ameko không ngừng cười nói với tôi.

    “Em biết không? Theo lý thuyết, Tết của Trung Quốc phải qua ngày mười lăm Nguyên Tiêu mới tính là hết.”
    “Thật không? Vậy tết Nguyên Tiêu chính là đường ranh giới vui vẻ rồi?”
    “Ranh giới vui vẻ? Ngữ pháp của em có vấn đề.”
    “Không, ý em là nếu ngày tết rất vui vẻ, vậy sau Nguyên Tiêu sẽ không còn vui nữa.”
    “Không còn vui nữa? Ameko, em nói khó hiểu quá.”
    “Không có gì, em nói linh tinh thôi mà.” Ameko lại khẽ mỉm cười.

    Quảng trường của miếu Thổ Thành Thánh Mẫu đã chật ních người với người từ lâu. Lúc này thị trưởng Đài Nam - Thi Trì Minh cũng vừa làm lễ đánh trâu xuân xong.
    (Tục đánh trâu xuân (ngày trước là trâu thật, sau đổi thành trâu giả sơn màu vàng) đánh trâu để mùa màng tốt tươi, dân chúng sờ hoặc xoa được vào trâu xuân là sẽ may mắn cả năm)
    Mức độ chen chen chúc chúc của làn người, so với thời Bắc Tống của Âu Dương Tu chắc chắn chỉ hơn không kém.
    May mà ngắm pháo hoa là ngắm bên trên chứ không phải ngắm phía trước, bởi vậy cũng không quá bất tiện.
    Tiếng người cười nói huyên náo xen lẫn tiếng nổ của pháo hoa, nơi nơi ngập trần không khí vui vẻ náo nhiệt.
    Đỏ, vàng, xanh, lục, giữa bầu trời đen kịt làm nền, càng tô đậm thêm vẻ rực rỡ.

    “Anh xem, đẹp quá!”
    Ameko chỉ lên pháo hoa bảy màu trên bầu trời.
    “Ừ, đẹp thật.”
    Tôi ngẩng đầu lên ngắm bầu trời, khi ánh mắt trở lại hai gò má bị nhuộm đỏ bởi ánh sáng pháo hoa của nàng, cũng bật thốt lên tiếng khen đẹp.
    “Pháo hoa nổ giữa bầu trời, thật giống mưa rơi!”
    “Ừ, hơn nữa còn là một cơn mưa rực rỡ các sắc màu!”
    Tôi lại ngẩng đầu lên, thưởng thức cơn mưa pháo hoa giữa bầu trời đêm.
    Nhưng không khỏi thắc mắc, mưa pháp hoa trên bầu trời đẹp hơn?
    Hay cơn mưa nhỏ bên cạnh tôi đẹp hơn?

    oOo

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Mời mọi người vô đây thảo luận truyện của bác Thái: http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=72822
    Lần sửa cuối bởi Darth Athox, ngày 07-03-2013 lúc 13:03.
    ๑๑۩۞۩๑๑BÁ THIÊN BANG -PHÁCH THIÊN TÀ- ๑๑۩۞۩๑๑
    Every end is a new beginning!

  4. Bài viết được 25 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    chinhememoi3,dahanhquy,dvd91vp,Nobuno,pttduong,thefriend1122,
  5. #3
    Darth Athox's Avatar
    Darth Athox Đang Ngoại tuyến Tiếu Ngạo Giang Hồ Học Sĩ hậu kỳ
    Moderator
    Ngày tham gia
    Apr 2010
    Bài viết
    11,827
    Xu
    4,628

    Mặc định

    Áo mưa - Tác giả: Thái Trí Hằng
    Dịch: Bàn Xà
    Biên tập: Darth Athox




    Tôi dẫn nàng đi dạo xung quanh, kể tên các vị thần linh được thờ phụng trong miếu.
    Ameko tới trước tượng thánh Mụ Tổ, vỗ tay hai cái rồi nhắm mắt cúi đầu cầu khấn.
    Động tác cầu khấn của nàng vô cùng thành kính, bởi vậy tôi dừng bước, nhìn nàng:
    “Em khấn gì vậy?”
    “Em mong tết Nguyên Tiêu năm sau còn được tới đây ngắm mưa pháo hoa.”
    Ameko mở mắt, không quay đầu lại, nói với tôi bằng giọng kiên định.

    Bước ra khỏi cửa miếu, Ameko nhẹ nhàng cất tiếng hát, tôi buồn bực hỏi lại:
    “Ameko, cầu nguyện nên nói ước nguyện mà mình rất mong muốn nhưng lại không thể làm được, như vậy thần linh mới có thể giúp được. Ứớc nguyện dễ dàng vậy cần gì mượn thần linh chứ?”

    “Ước nguyện này của em quả thật rất khó làm được.”
    “Sao lại như vậy? Năm sau anh chắc chắn sẽ lại đưa em đi. Cho nên, em đâu cần cầu xin Mụ Tổ nương nương?”
    “Thái-san...” Ameko dừng bước, im lặng một lúc lâu.
    Khi tôi sắp không nhịn được định lên tiếng hỏi, nàng mới nói: “Tháng sau em sẽ về Nhật Bản.”

    Một tiếng “ầm” lớn đột nhiên vang lên không chút dấu hiệu, lại một quả pháo hoa nổ vang giữa bầu trời.
    Ameko giật mình, vô thức dựa sát vào người tôi, kéo nhẹ góc áo.
    Tôi thuận thế ôm lấy eo nàng, vỗ nhẹ lên bờ vai trấn an.
    Thực ra tôi cũng giật mình, có điều khiến tôi kinh ngạc, không phải pháo hoa đột nhiên nổ,
    Mà là những lời Ameko vừa nói.
    Pháo hoa chỉ nổ vang giữa bầu trời đêm đen kịt, nhưng câu nói của Ameko lại làm nổ tan mọi vui vẻ của tôi.
    Cuối cùng tôi cũng hiểu, vì sao khi Ameko chép bài “Sinh tra tử” lại rơi lệ.

    oOo

    “Hy vọng Mụ Tổ nương nương phù hộ.” Ameko dựa vào người tôi, ngẩng đầu lên nhẹ giọng nói.
    “Ừm... Anh cũng mong rằng Mụ Tổ nương nương có thể giúp anh hoàn thành tâm nguyện.”
    “Anh cầu gì vậy?”
    “Anh không thể nói. Vì nói ước vọng ra sẽ khó thành sự thật.”
    “Vậy sao vừa rồi anh còn hỏi em?”
    “Anh tưởng em cầu cho Nhật Bản tiếp tục giàu mạnh!”
    Ameko ngạc nhiên ngây ra một lúc rồi cười nói: “Anh thật giảo hoạt.”
    Nhân lúc vui đùa đó, chúng tôi linh hoạt rời nhau ra.
    Cũng thuận thế né tránh chuyện chia ly sắp diễn ra.

    “Anh mua đèn lồng tặng em nhé!”
    “Anh đừng tiêu pha vì em thế?”
    “Giỏi thật nhé! Ngay cả từ ‘tiêu pha’ cũng đã biết dùng, xem ra anh dạy giỏi thật.”
    “Ha ha, Thái-san vốn là thầy giáo giỏi mà.”
    Nếu đã sắp chia tay, tôi mong rằng mình có thể tặng Ameko một thứ, cũng mong rằng sau này mỗi tết Nguyên Tiêu, thi thoảng nàng sẽ lại nhớ tới tôi.

    Tôi bước tới một quầy hàng bên miếu, mua một chiếc đèn lồng hình con heo màu đỏ.
    Năm nay là năm Hợi, đèn lồng hình heo màu đỏ trôn rất đáng yêu, tuy rằng phần lớn hình dán trên đèn lồng là cậu bé bút chì.
    “Thái-san, cám ơn, A-Ri-Ga-Do, thankyou."
    “Đừng khách khí, coi như quà anh cám ơn cô giáo Itakura ‘ép học’!”
    Ameko ôm chiếc đèn lồng hình con heo, mỉm cười vui vẻ.

    “Đáng tiếc năm nay không phải năm con hổ.” Tôi nhìn hai chiếc răng khểnh của Ameko.
    (Tiếng Trung răng khểnh là 虎牙- hổ nha)
    “Em giống hổ lắm sao?”
    “Răng em như hổ, tính lại như heo.”
    “Vậy còn anh?”
    “Anh ngược lại với em, tính cách như hổ, hàm răng như heo.”
    “Ha ha... Anh thật thích đùa.”

    oOo

    Lúc tan hội là cao trào nhất, đại khái do pháo hoa trên cao của công ty Sơn Thái.
    Công ty Sơn Thái là quán quân cả hai lần thi đấu pháo hoa quốc tế trước, pháo hoa trên cao của họ rất đẹp.
    Đồng thời lại có pháo hoa xoay tròn trên không trung, bay lượn tự do, như trăm ngàn con rắn bảy bày múa giữa không trung.
    Khi chút ánh sáng cuối cùng bị bóng tối thôn tính, tôi nhìn đồng hồ đeo tay:
    “Ameko, đến lúc về rồi.”
    “Ừm. Tối nay qua đi nhanh quá, chẳng khác gì pháo hoa giữa bầu trời. Những thứ tươi đẹp đều thật ngắn ngủi.”
    “Ameko thở dài một hơi rồi nói tiếp:
    “Sakura cũng vậy, chỉ cần một cơn gió thổi qua, một cơn mưa đổ xuống, lập tức tan tác khắp bốn phương, không chút lưu luyến.”

    oOo

    Rời khỏi miếu Thánh Mẫu huyên náo rực rỡ, trên đường trở về, chúng tôi cùng giữ im lặng.
    Bầu trời rả rích mưa bụi. Rất nhỏ, như những chú muỗi luyện khinh công.
    Mưa bụi rơi xuống gò má, tích dần thành lớn, tụ thành hạt mưa, trượt xuống với tốc độ của nước mắt.
    Khi giọt nước mưa đầu tiên chảy qua khóe miệng, tôi nghĩ cũng nên mặc áo mưa vào.
    “Ameko, mình mặc áo mưa nhé?”
    “Không sao đâu. Mưa nhỏ thôi mà, rơi xuống mặt rất thoải mái.” Ameko mỉm cười, không tỏ rõ ký kiến.
    Tôi nghe được chút run rẩy xen lẫn trong tiếng cười của nàng.

    “Ameko, em có lạnh không?”
    “Ừm. Có hơi lạnh.”
    “Tốt nhất là mặc áo mưa vào thôi!”
    Ameko vẫn không trả lời tôi, tôi nghĩ chắc nàng sợ tôi nhận ra ý lạnh trong giọng nói của nàng.
    Tôi dừng xe ven đừng, quay đầu lại nói với Ameko.
    “Ameko, anh kiên quyết mặc áo mưa.”
    “Ameko, anh còn nói ‘kiên quyết’ nữa rồi.”
    “Đúng. Anh kiên quyết.”

    “Chẳng lẽ anh quên câu chuyện em kể rồi sao?”
    “Chính vì chưa quên nên anh mới kiên quyết.”
    “Anh đã biết chuyện này có ý nghĩa thế nào với em, vậy mà vẫn...”
    “Đúng vậy, đương nhiên là biết. Vũ Cơ, mặc áo mưa vào nhé.”
    Ameko nghe tới “Vũ Cơ” ngạc nhiên một lúc rồi mới nhẹ giọng nói:
    “Em là Vũ Tử, không phải Vũ Cơ.”
    “Không, em là Vũ Cơ. Hơn nữa anh cũng quyết định lấy một cái tên Nhật Bản, là Kato Chi.” (Kato Chi)

    Tôi mặc áo mưa vào, xốc phía sau lên, ra hiệu cho Ameko chui vào.
    Ameko do dự rất lâu, cuối cùng mới chui vào phía sau, đưa hai tay vào túi áo khoác tôi.
    Không bao lâu sau, mưa nặng hạt dần, rơi xuống trên mặt có cảm giác đau rát.
    Tuy thân thể lạnh đi, nhưng trong lòng tôi lại thật ấm áp.
    May là đi xe dọc theo bờ biển, không thì tôi phải thật cẩn thận kẻo xe máy rơi thẳng xuống vách núi.

    oOo

    Trở lại nội thành, tôi còn cố ý đi vòng quanh đại học Thành Công ba vòng rồi mới về dưới nhà Ameko.
    “Ngủ ngon. Tối thứ năm gặp lại.”
    “Ừm. Cám ơn anh đã dẫn em đi xem pháo hoa, còn tặng em đèn lồng nữa.”
    “Đừng khách khí.” Tôi vẫy vẫy tay, chuẩn bị về.
    “Thái-san...” Trong tiếng khởi động của động cơ, tôi mơ hồ nghe giọng Ameko.
    “Em gọi anh à? Anh đã đổi tên họ thành Kato rồi!” Tôi quay đầu xe, trở lại bên cạnh nàng.
    Ameko đỏ mặt mỉm cười, gạt nhẹ mái tóc bị ướt nước mưa:
    “Anh... Anh đợi em một chút, em cũng tặng anh một thứ.”

    Ameko nhanh chóng chạy lên lầu, khi xuống trên tay đã nhiều thêm một món đồ được bọc cẩn thận.
    “Có thể mở không?”
    Ameko gật đầu. Tôi tháo sợi dây buộc màu đỏ, phát hiện bên trong là một viên socola lớn cỡ lòng bàn tay.
    Viên socola có hình một chú heo, bên trên còn viết hai chữ nhỏ “Tiểu Vũ”.
    “Ồ! Con heo này đáng yêu quá!”
    “Hi hi, cám ơn.”
    “Thật trùng hợp, anh tặng em một con heo, em cũng tặng anh một con heo.”

    “Cái này do em tự tay làm đấy, lúc về anh nếm thử xe,.”
    “Em thật lợi hại, không ngờ còn biết làm socola cơ đấy.”
    “Cái này có gì đâu. Ở Nhật Bản, con gái làm socola trong ngày hôm nay là chuyện rất bình thường.”
    “Vì sao vậy? Chẳng lẽ con gái Nhật Bản thấy tết Nguyên Tiêu chán quá hay sao?”
    Ameko nhìn tôi một cái rồi mỉm cười, giống như tôi vừa hỏi một câu hỏi rất ngốc nghếch.
    Nếu đã là câu hỏi ngốc nghếch, vậy tốt nhất là không nên biết đáp án, nếu không sẽ khiến tôi thấy mình càng ngốc.

    oOo

    Lúc về chỗ trọ, bên tai như còn lưu lại ký ức tiếng pháo hoa nổ trên không trung, vang lên ong ong.
    Nhìn lại thời khóa biểu, mai là thứ tư ngày 15 tháng 2.
    Tiết đầu tiên là “Toán tạo hình phân dạng”, nên dậy sớm.
    Tối nay ở bên Ameko rất vui vẻ, tôi muốn nắm chặt lấy cảm giác đó,
    Lưu lại hồi ức vĩnh cửu trong nhật ký.

    Tôi bỏ cả nửa giờ, cuối cùng cũng tìm thấy quyển nhật ký bị vùi dưới đống sách báo với tạp chí.
    Mở nhật ký ra, không khỏi xấu hổ, lần gần nhất tập trung viết nhật ký đã là chuyện của ngày 10 tháng 9 năm 1994.
    Đó là ngày đầu tiên tôi gặp Ameko.
    Trên nhật ký viết:

    Thứ bảy ngày 9 tháng 10 năm 1994. Thời tiết: Chiều âm u, tối mưa, sáng sớm có gió.

    Hôm nay là sinh nhật của Tín Kiệt, buổi chiều cậu ta gọi mình tới tham gia, còn bảo mình mang quà tới. Nên mang cái khỉ gì đến đây? Thứ mà gã Kiệt này thiếu chắc chỉ có gái thôi! Ha ha. Chọn bừa một quyển ngoài hiệu sách, ngay cả giấy gói cũng chẳng buồn mua, cho nên quyển sách chỉ được bọc bởi một lớp giấy, phía trên tặng kèm một cái dây thun.

    Tới mừng sinh nhật Tín Kiệt, ngoại trừ Trần Khánh Chương, Ngu Cơ và mình ra còn cả bạn gái Trần ở Đài Nam, bạn trai đáng thương của Ngu Cơ, và một cô gái tôi chưa từng thấy bao giờ. Cô ấy có vẻ rất ngượng ngùng, ngồi yên ở một góc, không nói một lời, hệt như một người đứng ngoài nhìn vào. Thật ra tôi rất muốn biết cô ấy là ai nhưng lại ngại hỏi trực tiếp, mãi tới tận khi Tín Kiệt giới thiệu chúng tôi với nhau.

    Không giới thiệu còn đỡ, giới thiệu cái khiến tôi giật nảy mình. Hóa ra cô ta là người Nhật Bản!
    Lần đầu tiên nói chuyện cùng cô ta, miệng đầy ngoại ngữ, hại mình rối bời cả lên.
    Nhất là còn vừa nói vừa cúi chào, chẳng khác nào đám ứng cử viên câu phiếu đề cử.
    Củng chỉ có thể trách mình sinh ra tại nơi trọng lễ nghi, không thể không tuân thủ câu răn xưa: “Lai nhi vô vãng phi lễ dã”.
    Nhưng hôm nay cúi chào nhiều như vậy, mai lúc ngủ dậy có đau lưng đau eo không đây?

    Hôm nay là này tôi quen người Nhật Bản đầu tiên.

    Tôi xem xong 9/10 quyển nhật ký, lại nhớ tới tình cảnh lần đầu tiên gặp Ameko, không nhịn nổi bật cười.
    Sau đó viết rất linh tinh, lại thêm thói lười biếng, có khi cả tuần chỉ viết có một câu.
    “Ừm... Không có chuyện gì xảy ra. Cho dù có mình cũng không nhớ. Chuyện mà mình không nhớ được chắc chắn không quan trọng.”
    Tôi cười một lúc lâu, rồi mới chuẩn bị viết lại nhật ký ngày hôm nay.
    Đầu tiên đổi năm 1995 thành năm Bình Thành thứ 7, sau đó điền lên mục Date ngày 14 tháng 2.
    Hả? Ngày tháng này quen quá.
    Chẳng phải là...?

    Cuối cùng tôi cũng hiểu lý do Ameko cười tôi ngốc.
    Bởi vì hôm nay không chỉ là ngày mười lăm tháng giêng, tết Nguyên Tiêu âm lịch của Trung Quốc,
    Mà còn là ngày mười bốn tháng hai, lễ tình nhân của phương Tây.

    Trên mục thời tiết trong quyển nhật ký, tôi điền lên “mưa”.
    Rồi mới bắt đầu viết xuống mục nhật ký:
    “Năm Bình Thành thứ 7, ngày 14 tháng 2, mưa pháo hoa giữa bầu trời đêm trên miếu Thổ Thành Thánh Mẫu...”

    oOo

    Chuyện Ameko phải về Nhật Bản nhanh chóng bị Ngu Cơ biết.
    “Sao Ameko lại phải về Nhật Bản?” Ngu Cơ tới hỏi tôi.
    “You ask me, I ask who.”
    “Anh nói cái khỉ gì thế?”
    “Em hỏi anh, anh hỏi ai?” Tôi nhún vai.
    Năm 1985 người Nhật Bản đánh chiếm Đài Loan, 50 năm sau, năm 1945 người Nhật Bản rời khỏi Đài Loan.
    Lại 50 năm qua đi, Ameko cũng định rời khỏi Đài Loan vào năm 1995.
    Lịch sử có vẻ vô cùng yêu thích con số 50.

    oOo

    Tiệc chia tay Ameko, Tín Kiệt và tôi, cả Ngu Cơ cùng Naomi Wada với Inoue Rena,
    Cùng tới "Hollywood KTV" trên đường Đông Ninh.
    Trần Doanh Chương không tới, cậu ta về Đài Bắc thăm bạn gái Đài Bắc của mình.

    Ameko là cô gái rất hay thẹn thùng, dường như cảm thấy micro có điện nên không chịu cầm micro hát.
    Naomi và Inoue lại vô cùng hoạt bát, vừa hát vừa nhảy vừa vỗ tay.
    Hệt như không có ai vậy, mặc sức cười đùa, không khác gì tiệc giáng sinh năm ngoái.
    Sau đó Ngu Cơ cùng phát điên với hai cô nàng kia.
    Còn Ameko chỉ mỉm cười nhìn lên màn hình, thi thoảng mấy máy môi.

    Tôi rất muốn giúp Ameko chọn một bài hát mà chỉ mình nàng hát được.
    Nghĩ tới nghĩ lui, tôi chọn bài “Tiếng lòng sau cơn rượu” của Giang Huệ.
    Đó là bài hát đầu tiên mà tôi dạy Ameko sau khi nàng dạy tôi bài “Đào Thái Lang”.
    “Ameko, hôm nay em là nhân vật chính. Hát đi!”
    Tôi đưa micro cho nàng, tặng nàng thêm một nụ cười cổ vũ.

    Ameko rụt rè nhận lấy micro, trong ánh mắt kinh ngạc của Tín Kiệt và ba cô gái khác, bắt đầu hát một mình.

    Giọng ca của Ameko rất ngọt ngào, có hơi giống Seiko Matsuda, may là tính cách không giống. Tuy phát âm còn không thật sự rõ ràng, nhưng không đến nỗi quá tệ. Nhất là khi hát tới câu: “Ngưng tâm bất phạ tửu hậu, hùng hùng nhất chủy ẩm hồ càn, thượng hảo túy tử mạch các hoạt┅┅"
    (Con tim nghi ngờ chẳng sợ rượu nồng, uống như hổ gấu ngụm cạn khô, còn say thêm cả lúa bông này...)
    Rất chính xác! Tôi thậm chí không nhịn được hát lên thành tiếng.
    Ameko quả thật thông minh, học rất nhanh, đương nhiên cũng không thể bỏ qua công lao của thầy giáo này rồi.

    Ngu Cơ không biết hát tiếng Đài, không ngờ lại xấu hổ tới mức muốn đập đầu vào tường.
    Cái này cũng khó trách, nào có người Đài Loan nào chịu được cảnh người Nhật Bản hát được bài hát tiếng Đài còn mình thì không?
    Tôi với Tín Kiệt vờ kéo vai cô nàng lại, không phải vì quan tâm tới tính mệnh cô ấy,
    Mà là sợ phải đền cho quán tiền sửa tường phòng cách âm.

    Ameko hát xong, mỉm cười ngượng ngùng trước một tràng pháo tay.
    Sau đó nàng cũng không còn lý do từ chối nữa, đành theo các cô gái khác cùng hát những ca khúc được yêu thích.
    Nhưng nàng vẫn chỉ lặng lẽ ngồi hát, không hề đứng dậy huyên náo.
    Trong quán KTV cướp micro của con gái chẳng khác nào đoạt xương giữa miệng chó dại;
    Đều nguy hiểm tới tính mạng.
    Cho nên tôi và Tín Kiệt đều rất vô tội ngồi yên tại chỗ.
    Nhưng còn vô tội hơn, là lỗ tai bọn tôi.

    Trước khi lỗ tai tôi chuẩn bị chết trận, tôi đưa quyển danh sách bài hát cho Ameko.
    “Ameko, em vẫn chưa chọn bài nào cả. Em chọn một bài đi, anh hát với em.”
    Ameko tuy vẫn xua xua tay, nhưng tôi lên giọng thầy giáo, ra lệnh cho nàng chọn một bài.
    Nàng lật đi lật lại danh sách, cuối cùng mới nói cho tôi một mã số.
    Không bao lâu, trên màn hình xuất hiện một bài hát tên “Koibito Yo” (Người yêu dấu ơi)

    Giữa tiếng ồ kinh ngạc của mọi người, Ameko cầm micro lên.
    Dường như nàng rất thích bài hát này, bởi vậy đứng dậy, chăm chú nhìn màn hình tivi.
    "Ka-Ra-Ba- thể-Ru, Yu-Gu-Re-Ha┅┅” (Lá khô lả tả giữa hoàng hôn)
    Ồ? Điệu nhạc này thật quen thuộc. Đây rõ ràng là bài hát của Mayumi Itsuwa trong băng nhạc tiếng Nhật mà tôi mua.
    Khác với vẻ cẩn thận từng chút một khi hát “Tiếng lòng sau cơn rượu”, khi hát bằng tiếng mẹ đẻ Ameko có vẻ rất tự nhiên.
    Bài hát với giọng nữ trầm của Mayumi Itsuwa giờ lại được hát bằng giọng trong trẻo của Ameko,
    Lại khiến tôi có cảm giác khác lạ.

    Ameko hát rất chăm chú, tôi gần như quên hẳn vẻ ngượng ngùng lúc mới vào phòng của nàng.
    Còn khi nàng hát tới đoạn "Ko-I-Bi-Do-Yo┅Sa-Yo-Na-Ra┅┅",
    Ánh mắt lại từ từ chuyển từ màn hình tới chỗ tôi.
    Trong căn phòng u tối, ánh mắt Ameko lại như rực sáng.
    Có lẽ do tôi quá nhạy cảm! Dường như đã thấy ánh lệ ẩn hiện trong đôi mắt đó.

    Thật ra, Ameko đã quên mất một chuyện.
    Nàng chỉ biết tôi là một thầy giáo tiếng Trung rất giỏi,
    Mà lại quên rằng tôi cũng là một học sinh tiếng Nhật thông minh.
    Câu đó dịch sang tiếng Trung, chính là: “Người yêu ơi! Tạm biệt nhé!”

    oOo

    Ngày 27 tháng 2 năm Bình Thành thứ 7, bầu trời Đài Nam đổ mưa trọn một ngày...
    Ngày 9 tháng 3 năm Bình Thành thứ 7, thứ năm, thời tiết bắt đầu ấm lên.
    Hôm đó là ngày cuối cùng Ameko còn ở Đài Loan.
    Đài Nam không hề mưa.
    Cho dù là Đào Viên vốn nhiều mưa, hôm nay cũng trời quang mây tạnh.

    Nguyên dàn nhân mã ở Hollywood KTV lại một lần nữa tụ tập tại đại sảnh của sân bay.
    Tôi và Tín Kiệt giúp Ameko gửi hành lý,
    Còn Ameko thoải mái trò chuyện cùng ba cô gái khác.
    Bầu không khí không hề có vẻ lưu luyến khó rời như trong tưởng tượng.

    Gửi hành lý của Ameko xong, Tín Kiệt ra hiệu cho nàng chuẩn bị lên máy bay.
    Ameko nhẹ nhàng gật đầu, đeo chiếc ba lô màu đỏ lên.
    Tiếng cười của bốn cô gái tới tận lúc này mới ngưng.
    Ngu Cơ lúc ở Hollywood KTV thiếu chút nữa thì tự đập đầu vào tường, giờ cũng đã bắt đầu nhỏ lệ.
    Ameko lại không hề khóc, nàng vỗ nhẹ lên vai Ngu Cơ an ủi.
    Sau đó đi về phía tôi và Tín Kiệt.

    “Ameko, chúc em thuận buồm xuôi gió. Về Nhật Bản nhớ liên lạc với anh thường xuyên nhé.”
    Tín Kiệt bắt tay Ameko, chào tạm biệt nàng.
    Ameko chỉ mỉm cười gật đầu.
    Tới phiên tôi rồi, tôi nên nói gì đây?
    Lòng bàn tay đã bắt đầu đổ mồ hôi, chẳng lẽ lại không biết xấu hỏ nắm tay nàng?
    Còn cổ họng tôi lại đột nhiên cay cay, chẳng thốt lên nổi một lời.

    “Thái-san, cám ơn anh đã đến tiễn em. A-Ri-Ga-Do."
    Ameko đột nhiên trở nên kính cẩn, hơn nữa cái lễ cúi người 90 độ đã lâu không thấy cũng lại xuất hiện.
    “Đâu đâu, nên thế mà.”
    Ameko vẫn mỉm cười lúc tạm biệt những người khác, sao khi đối mặt với tôi lại nghiêm túc đến vậy?
    “Thái-san, nửa năm nay đã được anh chăm sóc rất nhiều. A-Ri-Ga-Do."
    “Có gì đâu, em cũng đã giúp anh nhiều mà.”
    Hệt như lần gặp mặt đầu tiên, tôi cũng bị nàng ảnh hưởng, bắt đầu khách khí dần.

    “Thái-san, sau này mong anh cố gắng nhiều lên, sớm có ngày tốt nghiệp.”
    Ameko nhìn bộ dạng bất an của tôi, không nhịn nổi bật cười.
    Lại lộ ra cặp răng khểnh đáng yêu.
    Nếu không có gì bất ngờ, tôi nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng tôi được thấy hai chiếc răng khểnh đó.
    Nhưng tôi cũng phát hiện ra, hôm nay khi Ameko mỉm cười với những người khác, không hề lộ ra hai chiếc răng khểnh.
    Còn nụ cười của nàng, như có sức đẩy, khiến tâm trạng căng thẳng nặng nề của tôi nhẹ nhàng hơn không ít.

    “Ameko, anh kiên quyết bảo bạn bè gọi anh là Trí Hoằng. Còn bạn thân nên gọi anh là A Trí.”
    Hơn nửa năm nay, nàng vẫn luôn gọi tôi là “Thái-san”, cũng như tôi vẫn luôn gọi nàng là “Ameko”.
    Tôi mong rằng trước khi nàng đi, mình có thể nghe được tiếng gọi “A Trí” của nàng.
    Cho dù chỉ là “Trí Hoằng” cũng được.
    “Em cũng kiên quyết bảo bạn bè gọi mình là Ameko. Còn bạn thân nên gọi em là Tiểu Vũ.”
    Tôi nghĩ, cuối cùng Ameko cũng hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ “kiên quyết”.

    “Tiểu Vũ – lên đường bình an, take care.”
    “A... A... A Trí.” Ameko đỏ mặt, gọi khẽ một tiếng.
    Khiến tôi nhớ lại lần đầu tiên gọi “Ameko”, cũng a a suốt nửa ngày.
    “ ‘A’ là trợ từ, không có ý nghĩa. Thường thường người Đài Loan thích dùng A để gọi người khác, cũng tương tự như người Nhật Bản cổ đại. Nhưng tốt nhất em đừng nên gọi Tín Kiệt là A Tín, vậy sẽ lẫn lộn với vai chính A Tín mà Yuko Tanaka đóng đấy.”
    Tôi đúng là bệnh rồi, giờ là lúc nào mà còn len giọng dạy Ameko được.
    “Ha ha... Cám ơn thầy giáo đã chỉ dạy.”

    “Tiểu Vũ, hôm nay là thứ năm, coi như buổi học cuối cùng, cũng tới lúc thi cuối kỳ rồi!”
    “Hai! Không vấn đề. Em cũng muốn kiểm tra anh.”
    “ ‘Non xanh còn đó’ câu tiếp theo là gì?”
    “ ‘Nước biếc chảy dài’ đúng không? Thầy Thái?”
    “Tốt lắm. Tiểu Vũ, trò đã đậu học phần tiếng Trung, chúc mừng trò.”
    “A Trí, anh nói chúc mừng, vậy em hỏi anh ‘chúc mừng’ tiếng Nhật nói thế nào?”
    "O-Me-De-Do-Go-Zai-Mas, đúng không? Cô giáo Itakura?”
    "I-Des-Yo! A Trí, học phần tiếng Nhật của trò cũng đã Pa-Su."

    Đây không phải bầu không khí ly biệt.
    Tôi đột nhiên nhớ tới bài thơ năm chữ của Lý Bạch: “Tống hữu nhân” (Tiễn bạn)
    Trong đó có hai câu:
    "Phù vân du tử ý,
    Lạc nhật cố nhân tình"

    (Du tử: lòng mây nổi,
    Cố nhân: tình bóng chiều.

    Người dịch: Khương Hữu Dụng
    Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=148)

    Không ngờ bầu không khí trong bài thơ mà Lý Bạch viết 1200 năm trước,
    Giờ đọc lên vẫn khiến người ta rung động.
    Có điều, hai chữ “lạc nhật” có hơi bất kính với tổ quốc của Tiểu Vũ.

    “Thế nhé... A Trí, em đi đây. Mong anh chú ý giữ gìn sức khỏe. Sa-Yo-Na-Ra."
    “Phù vân” dẫu sao cũng chỉ trôi dạt một chốn, còn “lạc nhật” dẫu có không muốn, cuối cũng vẫn phải lặn xuống phía tây.
    “Tiểu Vũ, em cũng giữ gìn sức khỏe nhé. Sa-Yo-Na-Ra."
    Tiểu Vũ ừ khẽ một tiếng, sau đó quay người theo lối lên máy bay.
    Trong khoảnh khắc khi nàng quay người đi khỏi, dường như có một tia sét đánh trúng trái tim tôi.
    Chẳng phải sấm sét xuất hiện trước cơn mưa sao? Sao khi Tiểu Vũ sắp rời khỏi , tôi mới cảm thấy kia chứ?
    Tôi không muốn thấy bóng lưng nàng biến mất trong cửa lên máy bay, cho nên nhanh chóng quay người sang chỗ khác.

    "A Trí! ┅ A Trí! ┅Ma-De-Ku-Da-Sai!” (xin chờ một chút )
    Sau lưng đột nhiên vang lên tiếng gọi gấp gáp của Tiểu Vũ, nàng cũng nhanh chóng chạy về phía tôi.
    “Tiểu Vũ, xảy ra chuyện gì vậy? Quên mang cái gì à?”
    Tôi nhìn nàng với vẻ khó hiểu, cũng thật sự mong rằng nàng quên mang gì đó.
    Thậm chí mong rằng thứ nàng quên mang theo đủ khiến nàng không lên chuyến máy bay này nữa.
    Tiểu Vũ lắc đầu, khi ánh mắt nàng chạm mắt tôi, lại cúi đầu xuống.
    Sau đó cắn môi dưới, như dốc hết dũng khí nói:
    “A Trí, em tặng anh một thứ.”

    Tiểu Vũ nhanh chóng lấy từ trong chiếc ba lô màu đỏ ra một món quà được bọc lại cẩn thận.
    “A Trí, mong anh vui lòng nhận lấy, Do-Zo.”
    Tôi nhận lấy món quà, áng chừng trọng lượng, chắc là quần áo gì đó!
    “Tiểu Vũ, giờ đưa đồ ‘ép học’ có hơi muộn không?”
    Tôi giả bộ đùa bỡn một chút, song Tiểu Vũ lại không trả lời.
    Tôi phát hiện, khóe mắt nàng như ẩn như hiện vài giọt lệ.

    Trước khi lệ kịp chảy xuống bên má, Tiểu Vũ đã xoay người, nhanh chóng c hạy vào cửa lên máy bay,
    Sau đó quay đầu lại vẫy tay tạm biệt tôi.
    "A Trí! ┅Sa-Yo-Na-Ra! ┅Sa-Yo-Na-Ra! ┅┅ "
    "Sa┅┅”Chữ Sa vừa rời miệng, tôi lại phát hiện mình không cách nào nói tiếp Yo-Na-Ra.
    Tiếng "Sa-Yo-Na-Ra!” vang vọng khắp đại sảnh trống rỗng của sân bay...

    Tôi về nhà, mở món quà ra xem,
    Mới biết nó chính là chiếc áo mưa màu tím đỏ đã làm bạn với Tiểu Vũ bao năm.
    Trên nút buộc của áo mưa, còn có tấm bùa bình an của đền thờ Meiji.

    oOo

    Ngày 13 tháng 5 năm Bình Thành thứ 7, một ngày trước ngày của mẹ.
    Bầu trời Đài Nam vốn u ám đã lâu, rốt cuộc cũng đổ mưa.
    Đây là cơn mưa đầu tiên sau khi Ameko rời Đài Loan.
    Osaka giờ có mưa không? Tôi rất muốn biết.
    Càng muốn biết nàng có khỏe không?
    Có phải cũng nhớ tới tôi ở Đài Nam xa xôi này không?

    Bật dù lên, tới tiệm bánh Danby trên đường Đông Ninh.
    Trời mưa rất to, cho dù đã có ô nhưng vai trái vẫn bị nước mưa làm cho ướt đẫm.
    Mẹ thích ăn khoai môn, cho nên tôi chọn một cái bánh gato vị khoai môn.
    Lâu lắm rồi không về nhà, vừa hay nhân cơ hội này về đoàn tụ với gia đình.
    Cầm theo chiếc bánh gato, giẫm lên mặt đất đầy vũng nước, từ từ cất bước về nhà.

    Ồ? Trong hòm thư không ngờ lại có thêm một bức thư đã dính chút nước.
    Tôi sơ ý quá, lúc nãy ra khỏi cửa sao không để ý chứ?
    Tôi lấy phong thư được gửi từ Osaka ra khỏi hòm thư đã đọng chút nước mưa.
    Nét chữ cong cong vẹo vẹo, vừa nhìn là biết của Ameko.
    Thư mà Ameko viết, xem ra chắc chắn phải dính chút mưa mới xứng với cái tên.

    Thu ô lại, cầm bức thư của Ameko, đi thẳng lên lầu.
    Nhưng lại bỏ quên cái bánh gato vị khoai môn ở dưới nhà.
    Trong tiếng mưa rơi rung trời, tôi cẩn thận từng chút một mở bức thư...

    oOo

    Kính gửi Thái-san.

    Tối nay Osaka đổ mưa, mưa lớn như cơn mưa mà chúng mình đã cùng mặc chung áo mưa ở Đài Nam.
    Là lần đầu tiên anh kiên quyết.
    Em không khỏi nhớ tới anh, O-Gan-Ki-De-Su-Ka? Anh có khỏe không?
    Về lại Nhật Bản, đã gần hai tháng rồi.
    Thật ra em muốn viết thư cho anh sớm hơn, đặc biệt là đầu tháng tư, khi đó hoa anh đào ở Osaka đang nở rực rỡ nhất.
    Nhưng em không nhấc bút lên nổi, thường chỉ viết được một nửa rồi không cách nào tiếp tục được.
    Có lẽ do hơi thiếu không khí!
    Hay nên nói là, hơi thiếu dũng khí.
    Mãi tới tận tối hôm nay, bầu trời đêm Osaka trút xuống cơn mưa đầu tiên kể từ khi em trở về Nhật Bản.
    Em đột nhiên nhớ lại tình cảnh khi chúng ta mới gặp nhau.
    Dáng vẻ luống cuống tay chân của anh lúc đó, giờ em vẫn còn thấy buồn cười.
    Thái-san, khi thi lễ cúi người, đầu gối không được phép cong. Hiểu không? Học sinh ngoan của cô giáo?
    Nếu đầu gối cong đi, sẽ giống câu thành ngữ tiếng Trung mà anh dạy em đấy: “khom lưng khuỵu gối”.
    Em dùng câu thành ngữ này có chuẩn không? Thầy giáo thân ái của em.
    Hóa ra, chỉ cần có mưa, cho dù ở Nhật Bản hay Đài Nam, đều sẽ khiến nỗi nhớ của con người thêm sâu đậm.
    Lúc anh nhận được thư, bầu trời Đài Nam có mưa hay không?
    Còn anh, có phải cũng đang nhớ tới cô gái Nhật Bản ngốc nghếch này không?
    Nếu bầu trời Đài Nam cũng đang mưa, vậy chiếc áo mưa em tặng anh, anh đã mặc chưa?
    Còn nữa, anh phải nhớ buộc bùa bình an đền thờ Meiji lên túi sách đấy!
    Em thật hoài niệm những ngày tháng bên chiếc bàn học của anh.
    Khi đó, em vừa là cô giáo của anh, lại vừa là học sinh của anh, vai vế thay đổi, cũng làm rộn lên không ít chuyện vui!
    Thái-san, cái bàn học của chúng ta, giờ anh đang dùng làm gì?
    Nghe Tạ-san bảo, gần đây các anh dùng nó chơi mạt chượt, em muốn nói là:
    Anh có thắng tiền không?
    Em chưa hề quên câu nói “núi xanh còn đó, nước biếc chảy dài” khi ở sân bay.
    Đương nhiên, càng không hề quên bài từ anh dạy anh hôm Tết Nguyên Tiêu:
    “Năm ngoái đêm nguyên tiêu
    Chợ hoa đèn sáng rực
    Ngọn liễu mảnh trăng treo
    Hoàng hôn người hẹn ước

    Năm nay đêm nguyên tiêu
    Trăng với đèn như trước
    Chẳng gặp người năm qua
    Tay áo đầm lệ ướt”
    Thái-san, tết Nguyên Tiêu năm sau, chúng ta còn có thể cùng đi ngắm pháo hoa nở khắp bầu trời không?
    Anh có thể lại dẫn em đi cầu Mụ Tổ nương nương không?
    Giờ đã là tháng năm, cuối xuân đầu hè, hoa anh đào cũng đã rụng hết.
    Tháng sáu, em sẽ trở thành cô dâu của Tokyo Ishihara-san.
    Con gái Nhật Bản chúng em tin rằng cô dâu tháng sáu là hạnh phúc nhất, em cũng không ngoại lệ.
    Cho nên sau tháng sáu, em sẽ đổi tên thành Ishihara Ameko, chứ không còn là Itakura Ameko.
    Nhưng em kiên quyết mong anh vẫn gọi em là Tiểu Vũ.
    Đương nhiên, anh cũng có thể gọi em là Vũ Cơ, chỉ cần anh vẫn là Kato Chi.
    Anh sẽ đến Nhật Bản chúc phúc cho em chứ? Tuy em rất mong anh sẽ tới, nhưng em cũng biết đó là chuyện không thể.
    Anh sẽ nói sao?
    Em rất muốn đưa anh về thăm quê em, tiện đó tới bên vách núi mà Kato và Vũ Cơ cùng nhảy xuống.
    Nhưng dẫu sao quan hệ giữa chúng ta chỉ là thầy trò, cho dù có đến vách núi kia thật,
    Chúng ta cũng đâu có lý do gì để cùng nhảy xuống. Phải không?
    Cho nên, anh không tới, cũng tốt.
    Mưa phùn liên miên rồi cũng tạnh. Mưa phùn dẫu có dai dẳng đến đâu rồi vẫn đến lúc tạnh. Phải không?
    Em cảm tưởng như trở lại buổi tối bên ban công ấy, nghe tiếng mưa rơi.
    Anh có nghe thấy tiếng mưa rơi không?
    Thái-san, chắc chắn anh rất tò mò, vì sao em lại đưa anh chiếc áo mưa đó phải không?
    Thật ra, hôm 27 tháng 2 tại Hollywood KTV, khi mưa như trút nước, lúc đó em đã muốn tặng anh.
    Nhưng vẫn để anh dầm mưa về nhà.
    Anh đi khỏi, một mình em ở lại, không khỏi ngâm nga những câu cuối cùng trong “mùa mưa Osaka”:
    “Để anh về trong mưa, là lỗi của em. Mưa ơi! Xin hãy trả lại anh ấy cho tôi. Ôi! Mùa mưa Osaka...”
    Anh còn nhớ truyền thuyết lãng mạn ở quê em không?
    Khi đó em chỉ nói với anh, nếu chàng trai muốn tỏ tình với cô gái, có thể chọn một hôm trời mưa, mời cô gái mặc chung một chiếc áo mưa.
    Nhưng lại không nói với anh, nếu cô gái nhận lời tỏ tình đó hay muốn tỏ tình với chàng trai,
    Sẽ đưa cho chàng trai một chiếc áo mưa mà mình từng mặc.
    Cho nên, xin anh hãy giữ kỹ chiếc áo mưa đó. A-Ri-Ga-Do-Go-Zai-Ma-Su.
    Thế nhé, Kato Chi, A Trí A-Na-Da, Sa-Yo-Na-Ra rồi!

    Itakura Ameko
    Ngày 6 tháng 5 năm Bình Thành thứ 7.

    oOo

    Giấy viết thư đã ướt đẫm,
    Là do mưa Osaka? Hay là mưa Đài Nam?
    Hay do nước mắt của Ameko?

    oOo

    Ngoài cửa sổ, mưa đã nhỏ dần,
    Mở cửa sổ, giọt mưa chạm nhẹ lên lá cây, như xin lỗi vì hành vi thô bạo lúc vừa rồi.
    Mà vũng nước mờ nhạt trên bàn kia, chẳng biết từ lúc nào cũng mờ nhạt trong mắt tôi.

    Để ước nguyện được thực hiện, từ đầu tới cuối tôi đều không nói cho Ameko ước nguyện mà tôi cầu khấn trong miếu Thổ Thành Thánh Mẫu đêm tết Nguyên Tiêu năm Bình Thành thứ 7. Thật ra tôi cũng như nàng, đều rất ngốc nghếch đối với chuyện cầu khẩn ước nguyện.
    Tôi cũng cầu xin Mụ Tổ phù hộ, hy vọng tết Nguyên Tiêu năm sau tôi và Ameko còn có thể cùng tới ngắm mưa pháo hoa. Có điều, tôi tham hơn nàng, ước cả tết Nguyên Tiêu năm sau nữa. Chỉ tiếc, tết Nguyên Tiêu năm Bình Thành thứ 8, tôi biến thành Âu Dương Tu một mình dạo bước chợ hoa. Sau đó thì tết Nguyên Tiêu hàng năm đều trốn trong nhà em đoán đố đèn trên tivi.

    Bấm tay tính toán, giờ đã là năm Bình Thành thứ 11.
    Mấy năm nay đổi thay rất nhiều, Tín Kiệt tốt nghiệp, sau dó tiếp tục học lên tiến sĩ, nhưng vẫn cứ độc thân.
    Trần Doanh Chương đi lính xong bèn kết hôn, cô dâu là bạn gái ở Đài Nam của cậu ta, kết hôn được sáu tháng đã có con.
    Đám cưới của Ngu Cơ vào tháng 7 năm nay, nếu cô dâu tháng 6 hạnh phúc nhất, vậy tháng 7 thì sao?
    Bạn trai Ngu Cơ len lén nói với tôi, chú rể tháng 7 có lẽ đáng thương nhất.
    Tôi nghĩ cũng đúng.
    Inoue năm kia đã về Nhật Bản, còn Naomi với bạn trai người Hồng Kông vẫn cứ lây dây.
    Vì mẹ bạn trai nàng kiên quyết phản đối con trai mình lấy người Nhật Bản.

    Còn tôi, lại bắt đầu thích những ngày mưa.
    Đặc biệt là mùa mưa dầm, kéo dài liên miên suốt một hai tuần liền.
    Tôi luôn đem tiếng mưa rơi liên tưởng tới tiếng hát của Ameko.
    Còn cố ý chọn mua đĩa CD tuyển chọn của Hibari Misora, chỉ vì nghe “mùa mưa Osaka”.
    Mỗi lần nghe “mùa mưa Osaka”, lại nhớ lại cảm giác ấm áp khi trên sân thương cùng nghe mưa với Ameko.
    Thi thoảng lại ngâm nga theo:
    “Yu-Me-Mo-Nu-Re-Ma-Su, A┅OsakaSi-Gu-Re┅┅ "
    “Mộng cũng sẽ trút xuống. Ôi! Mùa mưa Osaka...”

    oOo

    Ba tháng sau khi nhận được thư của Ameko, cũng là một buổi chiều mùa hè vừa mưa rào vừa sấm chớp như hôm nay.
    Tôi lấy chiếc áo mưa màu tím đỏ ra chuẩn bị mặc vào.
    Nhưng không cẩn thận làm một bức thư chưa gửi rơi xuống.
    Bức thư nhẹ nhàng bay giữa không trung, như cánh anh đào bị mưa kéo rời khỏi cây.
    Cuối thư ghi ngày 23 tháng 6 năm Bình Thành thứ 7, đó là ngày Ameko kết hôn.

    Nội dung bức thư, tôi không còn nhớ...
    Thậm chí quên cả mình có viết những lời trái với suy nghĩ, ra vẻ hào phóng như “chúc em hạnh phúc” hay không.
    Tôi chỉ nhớ mình ký tên: Kato Chi.
    Thư viết xong, mưa cũng ngừng.
    Bởi vậy tôi không có lý do để gửi nó đi, hay như Ameko nói, không có dũng khí gửi thư đi.
    Bởi vậy cất bức thư vào trong túi áo mưa.

    Tháng 4 năm Bình Thành thứ 8, Tín Kiệt sẽ tới đại học Tokyo tham gia một hội thảo nghiên cứu học thuật,
    Cậu ta bảo tiện đó sẽ tới Osaka tìm Ameko.
    Tôi lấy bức thư chưa gửi ra dán lại, ghi lên mục người nhận: Vũ Cơ.
    Sau đó nhờ cậu ta đưa bức thư này tới vách núi mà Kato và Vũ Cơ tuẫn tình, thả xuống.
    Tín Kiệt nói đó là mùa hoa anh đào rơi, thư cũng như cánh hoa, lặng lẽ rơi xuống chân núi.
    Cũng như Ameko lặng lẽ đứng bên cậu ta.
    Chỉ có điều, sau khi thả bức thư, Ameko liền quay đầu đi.

    oOo

    Tín Kiệt không biết truyền thuyết Kato và Vũ Cơ, càng không biết truyền thống ở quê Ameko.
    Vì Ameko chỉ kể cho cậu ta, dưới vách núi có mộ của một cặp nam nữ tuẫn tình và một gian miếu.
    Có điều, nàng không hề đưa Tín Kiệt tới dưới vách núi.
    Nghe cậu ta kể, lúc đó nàng kiên quyết đòi đi một mình tới dưới vách núi, một lúc lâu sau mới quay trở lại trên vách núi cheo leo.
    Tôi vẫn hy vọng bức thư này có thể rơi xuống phần mộ của Kato và Vũ Cơ, tuy cơ hội chỉ cực kỳ ít ỏi.

    Không biết vì sao, trước sau gì tôi vẫn kiên quyết không mặc áo mưa.
    Bởi tôi luôn cảm thấy, mặc áo mưa nhất định phải mặc chung cùng Ameko.
    Cũng vì cái kiên quyết đó, tôi thường “mỗi ngày trời mưa đều cảm lạnh”.
    Đã không mặc chiếc áo mưa tím đỏ đó, tôi bèn đặt nó trong tủ hồ sơ.

    Ấn nút PLAY của máy thu âm, lại vang lên giai điệu “Koibito Yo” của Mayumi Itsuwa...

    Người yêu ơi, tạm biệt nhé
    Dẫu bốn mùa qua đi
    Bên nhau đêm đó, sao băng đêm nay
    Đều rực sáng lên rồi biến mất như một giấc mộng vô hình.

    Như bị tiếng ca thôi miên, tôi lấy chìa khóa ra, mở tù hồ sơ, lại tìm thấy chiếc áo mưa màu tím đỏ.
    Nhẹ nhàng vuốt ve nó, mơ hồ thấy được cặp răng khểnh của Ameko khi cười.
    Cả cơn mưa trên khuôn mặt nàng.
    Còn như nghe lại tiếng pháo hoa đinh tai nhức ốc nơi miếu Thổ Thành Thánh Mẫu.
    Thế là, giọng nói trong trẻo mềm mại của Ameko không ngừng lặp lại bên tai tôi...

    oOo

    "Hai! Wa-Da-Si-WaITAKURAAmeKoDes, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku."

    oOo

    “Xin lỗi, em là Itakura Ameko. Lần đầu gặp mặt, xin anh chỉ giáo thêm.”

    oOo

    “Thái-san, đại trượng phu hơn nhau ở chí khí và tấm lòng, không liên quan gì tới chiều cao cả! Tỷ như Toyotomi Hideyoshi cũng rất lùn.”

    oOo

    "Hai! Wa-Da-Si-Wa tiểu vũ Des, Ha-Zi-Me-Ma-Si-Te, Do-Zo, Yo-Ro-Si-Ku."

    oOo

    "Mo-Mo-Ta-Ro san, Mo-Mo-Ta-Roấnn┅┅"

    oOo

    “Rất hiệu quả! Chờ khi em về nước em sẽ tặng nó cho anh. Chắc chắn nó sẽ phù hộ anh sớm có ngày tốt nghiệp thuận lợi.”

    oOo

    “Hơn nữa em tên Vũ Tử cơ mà! Không thích ngày mưa chẳng hỏng cả cái tên à?”

    oOo

    “Mưa thật không biên giới, mưa ở Osaka với mưa ở Đại Nam cũng như nhau, đều khiến tinh thần con người sảng khoái. Anh thấy sao?”

    oOo

    "Dai-Te-Ku-Da-Sai, A┅OsakaSi-Gu-Re” (Xin hãy ôm lấy em. Ôi! Mùa mưa Osaka)

    oOo

    “Osaka vui lắm đấy! Sau này em sẽ đưa anh tới tham quan thành Osaka do Toyotomi Hideyoshi xây dựng, tới thăm chùa Tứ Thiên Vương, đó là ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản đấy. Sau này chúng ta còn có thể đi ăn bạch tuộc viên lớn nhất Nhật bản...”

    oOo

    “Ngày về Đại Phản còn chưa hay
    Mưa phùn liên miên rồi cũng tạnh
    Đêm dài thức cạnh nhau năm ấy
    Châm bước ngoài hiên đủ chuyện hay”

    oOo

    “Ở quê em, nếu người con trai muốn tỏ tình với con gái, lại không dám biểu đạt trực tiếp, có thể chọn một hôm trời mưa, mời cô gái mặc chung một chiếc áo mưa.”

    oOo

    “Pháo hoa nổ giữa bầu trời, thật giống mưa rơi!”

    oOo

    “Em mong tết Nguyên Tiêu năm sau còn được tới đây ngắm mưa pháo hoa.”

    oOo

    “Cái này có gì đâu. Ở Nhật Bản, con gái làm socola trong ngày hôm nay là chuyện rất bình thường.”

    oOo

    “Ko-I-Bi-Do-Yo┅Sa-Yo-Na-Ra┅"

    oOo

    “A Trí! ┅ A Trí! ┅Ma-De-Ku-Da-Sai!” (xin chờ một chút )

    oOo

    “A trí! ┅Sa-Yo-Na-Ra! ┅Sa-Yo-Na-Ra! ┅┅"

    oOo

    Mưa, rồi cũng tới lúc tạnh.

    Đẩy cửa ra, sắc trời đã tối sầm từ lâu.
    Khắp mặt đất đầy những vũng nước, như minh chứng cho cơn mưa rào dữ dội vừa rồi.
    Còn không khí sau cơn mưa luôn khiến người ta cảm thấy trong lành, cũng như cảm giác Ameko tạo cho tôi.
    Xòe bàn tay ra, thử cảm thụ cảm giác mềm mại khi chạm nhẹ vào giọt mưa.
    Một lúc lâu sau, bàn tay vẫn khô ráo.

    Mưa, rồi cũng tới lúc tạnh.
    Nhưng mưa trong trái tim tôi, trước sau chưa bao giờ ngừng lại.
    “Ameko... Không... Tiểu Vũ, chúng ta cùng đi dạo dưới mưa đi!”
    Tôi thầm nhủ trong lòng, cuối cùng cũng mặc chiếc áo mưa đó vào.

    ~HẾT~

    [Ghi chú]: Sau này nghe nói có người phát hiện hai bức thư trong miếu thờ. Một bức ghi gửi cho Vũ Cơ, một bức khác lại cho Kato Chi. Có điều, đây có lẽ do tiểu thuyết gia thêm vào hay có thể do trí tưởng tượng phong phú của người dân quê Ameko.



    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile



    Mời mọi người vô đây thảo luận truyện của bác Thái: http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=72822
    Lần sửa cuối bởi Darth Athox, ngày 07-03-2013 lúc 13:03.
    ๑๑۩۞۩๑๑BÁ THIÊN BANG -PHÁCH THIÊN TÀ- ๑๑۩۞۩๑๑
    Every end is a new beginning!

    ---QC---


  6. Bài viết được 30 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    chinhememoi3,dahanhquy,dvd91vp,htluu,kht3a14,Nobuno,pttduong,thefriend1122,

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status