TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 12 của 12 Đầu tiênĐầu tiên ... 2101112
Kết quả 56 đến 57 của 57

Chủ đề: [Sưu Tầm] Ma thổi Đèn tập 7- Thi Vương Tương Tây

  1. #56
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Bài viết
    486
    Xu
    1

    Mặc định

    CHƯƠNG 55 : DỐI TRÊN GẠT DƯỚI
    Nguồn : Hội những người thích truyện Đào Mộ

    Giáo sư Tôn vì tìm kiếm bảo tàng mộ cổ thành Địa Tiên đã đổ biết bao công sức, cuối cùng lại chẳng được gì. Tư liệu về phái trộm mộ Quan Sơn thái bảo đời Minh lão thu thập chỉnh lý suốt mấy năm nay, hết thảy đều ghi trong cuốn nhật ký công tác này, nhiệt huyết đến cuối cùng đã có phần nguội lạnh.


    Nhưng trong quá trình nghiên cứu về Quan Sơn thái bảo, từ những lời đồn đại trong nhân gian và ghi chép trong sách sử, lão đã tìm hiểu được rất nhiều bí mật về hoạt động trộm mộ thời cổ đại, biết được từ xưa trên đời đã không có người bất tử, cũng không có mộ nào là không thể đào, chỉ cần là mộ cổ thì sớm muộn cũng có ngày bị quật lên. Thuật trộm mộ không nằm ngoài tứ quyết “vọng, văn, vấn, thiết”.


    “Vọng” là quan sát hình thế phong thuỷ, trên xem thiên văn dưới dò địa mạch để xác định vị trí và bố cục của mộ cổ, quyết này yêu cầu phải hiểu rõ mạch đập của dãy núi dòng sông cùng nhật nguyệt tinh tú, thực vô cùng sâu xa huyền diệu, những tay trộm mộ thông thường không thể nắm được; ngoài cách xem mộ này, còn có thể thông qua quan sát sự khác thường của mặt đất, thổ nhưỡng và cây cỏ để tìm huyệt mộ, gọi là “nhìn vết bùn phân sắc cỏ”.


    “Văn” cũng chia hai cách: nghe và ngửi, có những người được trời phú cho khứu giác vô cùng tinh nhạy, có thể dùng mũi phân biệt các mùi vị đặc thù nơi núi cao rừng sâu; lại có người thính giác nhạy bén, luyện đến trình độ “gà báo sáng, chó canh đêm”, có thể lắng nghe mọi âm thanh của thế giới tự nhiên, đoán được tình hình dưới lòng đất, nếu thính giác bình thường cũng có thể nhờ vào công cụ trợ giúp, ví như “Ung thính pháp” chôn hũ xuống đất dùng tai nghe ngóng mộ huyệt.


    “Vấn” tức thông qua “hỏi thăm” cư dân bản địa, tìm hiểu thông tin và vị trí mộ cổ từ một góc độ khác, may mắn có thể đạt được kết quả không ngờ; ngoài ra còn có một cách tương đối thần bí, đó là hỏi trời, nghe nói dân trộm mộ thời cổ có thể thông qua gieo quẻ để suy đoán, xác định kết cấu mộ cổ cũng như hung cát trong mộ, nhưng thuật này đã tuyệt tích từ lâu, đến nay không còn ai thông hiểu.


    Cuối cùng là “thiết”, chủ yếu là các phương pháp đào mồ quật mả của dân trộm mộ, như làm thế nào lợi dụng sơ hở, dùng các loại công cụ đào bới huyệt động, bao gồm Phân kim định huyệt, đào thẳng xuống địa cung, rồi xẻ núi rẽ trời bằng cuốc to xẻng lớn, lại cả dùng tê tê Huyệt Lăng đào hầm thông mộ.


    Giáo sư Tôn biết thì nhiều vậy, chứ “vọng, văn, vấn, thiết” vốn là tuyệt học đổ đấu lưu truyền đã mấy ngàn năm, dù có thể nghe ngóng trong dân gian, nhưng không được truyền thụ thực sự thì không có cách nào nắm được, huống hồ đa phần những cổ thuật trộm mộ này đều đã thất truyền từ lâu.


    Thông thường đến nước này cũng đủ để nản lòng rồi, nhưng Tôn Học Vũ tính tình bảo thủ, đã tâm niệm việc gì thì hết sức cố chấp, lão chưa đến Hoàng Hà chưa nản chí, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ, vẫn muốn đi tìm Địa Tiên đến mức quên ăn quên ngủ, đêm ngày vọng tưởng tới quẻ bói thiên cơ giấu trong Toàn Cơ lâu.


    Ông trời có lẽ không phụ người có tâm, Tôn Học Vũ trong một lần sắp xếp lại hiện vật cổ tịch vô tình biết được một bí sử. Vào thời Chu Mục vương từng có một chiếc đỉnh cổ được đúc từ long khí Nam Hải, trên đỉnh có tấm gương cổ và bốn quẻ phù, chiếc đỉnh đến từ Quy Khư được làm bằng chất liệu đồng xanh hiếm có, do hải khí ngưng tụ trong đỉnh đồng nên đồng tính vẫn nguyên vẹn sau cả ngàn năm, niên đại càng lâu thì sắc đồng xanh lục càng sậm.


    Gương cổ và quẻ phù khảm trên đỉnh đồng đều là tinh tuý của thuật soi đuốc diễn quẻ thời Tây Chu, có thể lợi dụng hải khí tích tụ trong đồng xanh mà suy diễn tượng mai táng. Người xưa mê tín tin vào hình thế lý khí trong phong thuỷ, trong đó quan trọng nhất chính là “khí”, còn gọi là “sinh khí” trong long mạch, những dị tượng ảo ảnh giữa biển khơi đa số đều do hải khí biến đổi mà thành. Hải khí trong Quy Khư tức là “long khí trong long mạch”. Bất cứ mảnh nhỏ nào trên chiếc đỉnh cổ Quy Khư cũng có thể biến một huyệt mộ vô cùng bình thường thành nơi có phong thuỷ quý sinh khí ngưng kết, còn gương cổ trên đỉnh đồng lại có thể dùng để suy đoán vị trí mộ cổ.


    Lúc đầu giáo sư Tôn hoàn toàn không tin cổ đỉnh Quy Khư có thật, nhưng qua thời gian dài khảo chứng, lão mới biết chuyện này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng đỉnh đồng từng là vật bồi táng chôn cùng Chu Mục Vương, về sau khi lăng tẩm Chu Mục Vương bị khai quật, chiếc đỉnh đồng được phát hiện đã bị sét đánh vỡ, tấm gương và bốn tấm cổ phù lần lượt bị người ta lấy mất, từ đó thất lạc bốn phương.


    Truyền thuyết dân trộm mộ gieo quẻ hỏi trời tìm cổ mộ đại táng trong lịch sử rất có thể bắt nguồn từ chiếc đỉnh cổ Quy Khư. Nghe nói gương cổ Quy Khư vô cùng phức tạp thâm ảo, thông qua chỉ dẫn của quẻ phù, có thể dựa vào biến hoá tụ tán của sinh khí xung quanh mà hiện lên các quẻ tượng khác nhau. Giáo sư Tôn biết quẻ phù Chu Thiên tổng cộng có mười sáu quẻ, trên chiếc đỉnh cổ chỉ có bốn quẻ long, quỷ, nhân, ngư, chuyên dùng để quan sát huyệt khí âm dương, dùng nó để phá giải quẻ tượng Long Cốt Tây Chu tuy là việc không thực tế lắm, nhưng đây là điểm đột phá quan trọng, dựa vào kinh nghiệm tích luỹ của lão trong mấy chục năm chuyên tâm nghiên cứu mật văn phù hiệu cổ đại, ít nhất cũng có vài phần tự tin sẽ đọc được quẻ tượng hiện ra trên bốn quẻ này, chỉ cần có trong tay chiếc gương đồng huyền cơ vô song kia là có tia hy vọng tìm ra thành Địa Tiên.


    Nhưng đến tận giờ, những giả tưởng ấy vẫn chỉ là một toà lâu trống rỗng trong đầu giáo sư Tôn. Sau khi cổ đỉnh Quy Khư nứt vỡ, đỉnh đồng liền bị nấu chảy để đúc thành lò đơn, gương cổ và quẻ phù thất lạc từ đó, chúng đều là những mật khí phong thuỷ trong mắt người xưa, có trời mới biết đã bị tay mộ chủ có con mắt tinh đời nào đó mang theo xuống suối vàng rồi. Giáo sư Tôn không tiền không thế, chỉ dựa vào mỗi sức lực, muốn tập hợp chúng lại xem chừng quá khó.


    Nhưng cổ nhân có câu ý trời khó lường, cơ duyên vừa vặn, lão quả thực đã đợi được đến lúc cơ hội tới. Cách đây hai năm, giáo sư Tôn đi công tác ở Nội Mông, ở nhờ nhà một người chăn gia súc, được nghe kể một câu chuyện vô cùng kỳ lạ, khi ấy thảo nguyên Nội Mông đã bị sa mạc hoá nghiêm trọng, nhưng có một nơi cỏ xanh vẫn tốt tươi, nhìn xa như một bãi cỏ xanh ngắt, diện tích không lớn lắm, ước khoảng vài chục mét vuông.


    Trong bãi cỏ này có nhiều chồn hôi ẩn náu, thành đàn thành lũ cứ chui ra chui vào, thần thái hết sức quỷ quái. Trước đây mục dân bản địa rất ít khi nhìn thấy chồn hôi nên cho rằng đây là điềm gở, bảo nhau dắt chó và súng săn đi giết sạch bọn chúng. Chó săn trên thảo nguyên giỏi nhất là bắt chuột đồng nên bắt chồn hôi cũng chẳng có gì khó, không tới một ngày đã cắn chết hơn trăm con chồn hôi lớn nhỏ, xác chồn la liệt mặt đất.


    Sau khi giết hết chồn hôi, mục dân bắt đầu lột da chồn, châm lửa đốt bãi cỏ xanh, có người trong số họ nhìn thấy một vật hình rồng bằng đồng xanh trong hang đất giữa bãi cỏ, trông chẳng có vẻ gì đáng tiền, cũng không biết đó là cổ vật nên tiện tay treo lên vật cưỡi làm đồ trang trí, định mấy ngày nữa tới chợ phiên của người Bát Kỳ, sẽ mang đến trạm cung tiêu đổi lấy ít thuốc lá.


    Giáo sư tôn nghe được tin này bèn chẳng nói chẳng rằng ngay trong đêm đến trạm cung tiêu mua một cây thuốc lá, đem đổi cho người nhặt được long phù không mắt, chẳng tốn mấy công đã lấy được quẻ phù thứ nhất rồi âm thầm giấu nhẹm, thực đúng mèo mù vớ cá rán.


    Sau đó giáo sư Tôn càng chú tâm hơn đến gương cổ và quẻ phù, nhưng mãi vẫn không tìm được tăm tích gì về những cái còn lại, cách đây không lâu mới có được một chút manh mối. Thì ra gương cổ vào cuối đời Thanh đã lưu lạc ra tận nước ngoài, trong một chuyến buôn lậu đã cùng tàm chìm xuống đáy biển. Tôn Học Vũ biết ông bạn cũ của mình là giáo sư Trần có nhiều mối quan hệ ngoại bang liền bịa chuyện, nói với giáo sư Trần rằng Tần Vương Chiếu Cốt kính chìm dưới đáy biển đó là một trong số Tần Vương bát kính, là Quốc bảo có giá trị liên thành, nhờ giáo sư Trần nghĩ cách tìm người trục vớt.


    Mặt sau chiếc gương cổ chi chít những hình vẽ phù hiệu, vô cùng tinh xảo phức tạp, người sưu tầm sợ bị mài mòn, vả lại muốn cho hải khí ngưng tụ trong kính đồng được lâu nên dùng xi gắn lại. Giáo sư Tôn sớm biết việc này nên gạt giáo sư Trần rằng: “Bởi là Chiếu Cốt kính trấn thi đã ngàn năm nên âm khí bên trong vẫn còn, người sống không được soi vào.”


    Con thuyền mang theo tấm gương cổ chìm giữa biển cả mênh mông, không dễ gì trục vớt, Tôn Học Vũ cũng biết vậy nên tuy lợi dụng quan hệ của giáo sư Trần để vớt quẻ phù Quy Khư, nhưng vẫn tâm niệm “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, không hy vọng lắm, nào ngờ rốt cuộc chiếc gương cổ cũng được mang về nguyên vẹn từ Nam Hải, thực là niềm vui bất ngờ. Sau khi có nó trong tay lão không hề giao nộp cấp trên mà bí mật cất giấu trong nhà, âm thầm phân tích quẻ phù sau mặt kính. Giáo sư Trần ở Mỹ chữa bệnh một thời gian dài nên lỡ nhiều công việc, sau khi về nước lại bận rộn không dứt ra được, ông hết lòng tin tưởng bạn cũ, cam tâm tình nguyện nhường hết công lao tìm ra Quốc bảo cho Tôn Học Vũ, trước sau không hề truy hỏi lão đã hiến tặng Quốc bảo hay chưa, càng không thể biết chiếc gương cổ Nam Hải đó cơ bản không phải là Tần Vương Chiếu Cốt kính gì cả.


    Đồng ngư trong bốn quẻ phù cổ có lai lịch mấy ngàn năm, vẫn khảm trên chiếc gương cổ chưa từng rơi ra, Tôn Học Vũ có nằm mơ cũng không dám nghĩ hai quẻ phù với một chiếc gương đã nằm trong tay mình, xem ra mình không làm thì thôi, đã làm cũng ra tấm ra món. Nay chỉ còn thiếu hai đồng phù một nhân một quỷ, tập hợp được những thứ này lại là có thể tới Tứ Xuyên khai quật mộ cổ Quan Sơn được rồi, bí mật quẻ số Chu Thiên dường như đã gần trong gang tấc.


    Giáo sư Tôn gần đây mới biết được, trước giải phóng đã có người mua được một lô cổ vật từ tay bọn trộm mộ Hồ Nam, truyền tay trong dân gian nhiều năm, may vẫn chưa thất lạc vật nào, cách đây không lâu được kiều bào yêu nước hiến tặng cho Quốc gia, hiện nay còn đang triển lãm lưu động khắp nơi trên toàn quốc, trong đó có cả chiếc lò đồng được đúc từ cổ đỉnh Quy Khư và hai quẻ phù bằng đồng xanh khác, hơn nữa quá trình đỉnh cổ được đào lên từ lăng tẩm Chu Mục vương và hình dáng nguyên bản của thân đỉnh, nhất nhất đều đúc thành hình ghi lại trên thân lò.


    Giáo sư Tôn khi ấy vừa về tới Bắc Kinh, thấy lô cổ vật đang được triển lãm ở Thiên Tân thì cầm lòng không đậu. Lão vốn tính khí kỳ quặc nên đến nghỉ phép cũng chẳng thèm xin, vội đến thẳng bảo tàng xem rõ đầu đuôi. Nhưng trong phòng triển lãm khoảng cách quá xa nhìn không đã, vả lại cũng không muốn ai biết mình bao năm nay vẫn miệt mài nghiên cứu cổ đỉnh Quy Khư, nên lão không thể tiếp cận với chiếc lò qua con đường chính thống, không làm thì thôi đã làm phải tới cùng, giữa đêm khuya lão lẻn vào bảo tàng, ghi chép lại tất cả những văn tự và hình vẽ khắc trên lò đơn, hy vọng từ đó có thể tìm ra phương pháp sử dụng gương cổ và quẻ phù.


    Mấy trang cuối trong cuốn sổ ghi chép đều là chữ khắc và hình vẽ trên lò đơn, nhưng chỉ có một nửa, cuốn sổ này ngoài ghi chép những bí mật của giáo sư Tôn thì chẳng có nội dung gì khác.


    Chắc lúc bị tôi phát hiện, giáo sư Tôn sợ thân phận bại lộ nên vội vàng rời khỏi bảo tàng, trong lúc cuống quýt liền đánh rơi cuốn sổ quan trọng nhất tại hiện trường.


    Tôi xem xong bèn gập cuốn sổ lại, khinh khỉnh hừ một tiếng: “Lão già này bình sinh ra vẻ đàng hoàng đạo mạo mà kỳ thực giấu mặt còn kỹ hơn Quan Sơn thái bảo, tiên sư, đúng là gian ngoan xảo quyệt, dám mang ông Nhất đây ra làm bia đỡ đạn. Cả đời tôi chưa bị ai giở trò thế này đâu, giơ đầu chịu báng, vào sinh ra tử nơi đầu sóng ngọn gió mấy bận, suýt nữa thì mất mạng ở Nam Hải, nếu hôm nay không xem cuốn sổ này thì đến giờ vẫn bị lão nhốt trong hũ tối, như thằng đần cứ tưởng mình vì nước lập công. Chó má, giấu tiếng sao giấu được mùi, âm mưu quỷ kế muốn lấy tay che trời của lão cuối cùng đã bại lộ, tôi đã nhìn rõ chân tướng, nhất định sẽ bắt lão đền tội đến cùng.”


    Shirley Dương lại lắc đầu nói: “Anh đừng nóng nảy thế, tôi thấy việc này không đơn giản vậy đâu, e là vẫn còn ẩn tình chưa biết.”


    Thực hiện

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    ---QC---


  2. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    myancongchua,nguoisaigon,
  3. #57
    Ngày tham gia
    Sep 2011
    Bài viết
    486
    Xu
    1

    Mặc định

    CHƯƠNG 56 : TỚI THĂM CHUYÊN GIA GIẢI MÊ VĂN ÁM THỊ
    Nguồn : Hội những người thích truyện Đào Mộ

    Tôi chỉ vào cuốn sổ nói với Shirley Dương: “Sự thật rành rành đây thôi, cũng không cần tìm lão ta đối chất nữa, cứ mang cuốn sổ này giơ ra trước mặt lão, thách lão còn dám nói dối, ẩn tình gì nữa chứ?”


    Shirley Dương nói: “Giáo sư Tôn trước sau đều không thuận lợi trong sự nghiệp, ông ấy thầm nghiên cứu gương cổ và quẻ phù dám chắc chỉ là bất đắc dĩ thôi, không muốn người khác xía vào thành quả nghiên cứu của mình chẳng hạn. Hơn nữa cổ vật triển lãm trong bảo tàng toàn là hàng giả, lúc đầu tôi và anh không biết việc này, nhưng có lẽ giáo sư Tôn đã biết từ lâu, ông ấy nhân lúc đêm khuya vắng người, đột nhập vào bảo tàng để xem hàng giả, cũng không phải việc to tát gì. Hai quẻ phù cổ đồng nhân đồng quỷ thực sự đều được cơ quan cổ vật cất giữ trong kho rồi, tôi nghĩ dù giáo sư Tôn mang thân phận học giả, khi không được chính thức uỷ quyền cũng khó mà tiếp xúc với những món Quốc bảo đó, ý tưởng dùng bốn quẻ một gương để tìm thôn Địa Tiên rốt cuộc không thể thực hiện, ông ấy sớm muộn cũng sẽ đem gương cổ và quả phù trả về chủ cũ thôi.”


    Tôi cười khổ, lắc đầu nói: “Cô toàn nghĩ tốt cho người khác, tôi lại thấy không phải vậy. Từ cuốn sổ này của giáo sư Tôn có thể thấy, lão âm thầm điều tra về thôn Địa Tiên đã từ rất lâu rồi, mọi tinh lực và tâm huyết lão đổ hết vào đây, người thường không thể theo kịp, thậm chí nói là phải bùa cũng không quá, cho nên lão tuyệt đối không bỏ cuộc giữa chừng đâu.”


    Shirley Dương ngạc nhiên nói: “Theo anh thì giáo sư Tôn sẽ còn tới kho báu vật trong bảo tàng Hồ Nam để trộm Quốc bảo sao? Tôi tuy không biết kho báu vật của Trung Quốc được canh phòng nghiêm mật thế nào, nhưng đoán chắc không lỏng lẻo hơn so với kho bạc ngân hàng. Giáo sư Tôn đã gần sáu mươi, lại chẳng có cả thế lực lẫn chống lưng, sao dám phạm tội tày đình này chứ?”


    Tôi nói với Shirley Dương: “Cứ cho là lão ăn phải gan hùm mật gấu, dám đi ăn cắp cổ vật trong bảo tàng đi nữa thì cũng vẫn còn thiếu bản lĩnh chạy tường đạp ngói. Nhưng trong tay lão đã có hai quẻ phù cổ đồng ngư, đồng long, lại cả một chiếc gương cổ Quy Khư, tôi thấy hoa văn mặt sau chiếc gương đượ chép lại trong cuốn nhật ký đều là hình quẻ cổ Tiên Thiên, ở giữa có hình nhật nguyệt chia làm hai đàng, hợp với số Hà Đồ Chu Thiên ba trăm sáu mươi lăm khắc, thiên biến vạn hoá, thần quỷ khó lường.”


    Tôi từng nghe Cổ Thái nói về Nam Hải long cốt, nên biết số quẻ Tiên Thiên hiện giản lược chỉ còn tám quẻ, cũng có hai cực âm dương, bắt đầu từ Chấn kết thúc ở Cấn, song quẻ cổ không chỉ có “Càn Khảm Cấn Chấn”, những ngư, long, nhân, quỷ kết hợp với gương cổ Quy Khư tạo thành một bộ đều nằm trong mười sáu quẻ Chu Thiên, mang những quẻ phù này lần lượt đặt trên khay ngọc Chu Thiên có thể sinh ra cơ biến vô cùng, cơ số hợp lại rồi thành quẻ tượng.


    Ngư, long, nhân, quỷ có thể là phù hiệu biểu thị không gian, sinh mạng trong quẻ cổ, ám thị thần bí trong chiêm bói non sông địa mạch thời xưa, quẻ phù có tổng cộng mười sáu quẻ, ít nhất cần bốn cơ số mới có thể sinh ra quẻ tượng đặc thù, thần cơ càng nhiều thì quẻ tượng hiện ra càng chuẩn xác.


    Thực ra chỉ với hai tấm quẻ phù ngư, long cũng có thể suy diễn ra một quẻ tượng đơn giản, nhưng ý nghĩa của quẻ tượng sẽ rất khó hiểu. Đối với những người biết quẻ số Tiên Thiên, đa phần đều hiểu lẽ này. Giáo sư Tôn nghiên cứu Long Cốt thiên thư đã nhiều năm, đương nhiên hiểu huyền cơ trong đó, lão đã tập hợp được hai phù một kính, chỉ cần tìm ra phương pháp dùng cổ phù suy diễn quẻ tượng trên tấm gương là có thể khởi hành tới Tứ Xuyên tìm cái bảo tàng mộ cổ kia bất cứ lúc nào.


    Nhưng dựa vào những hiểu biết trong mấy năm tiếp xúc với Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí mật, và kết giao với những người hiểu biết chút ít về sự huyền bí của quẻ bói Chu Thiên như Trương Doanh Xuyên và Cổ Thái, tôi hiểu rõ việc này hoàn toàn không đơn giản như trong tưởng tượng. Mười sáu số quẻ cổ gắn liền với vũ trụ biến hoá, hiểu rõ tạo hoá bí ẩn, đúng như câu nói của Đại sư Mô Kim thời Thanh, Trương Tam Gia: “Ai giải được bí mật trong đó, hoặc là kẻ mê muội hoặc là bậc thần tiên”, cơ bản không phải huyền cơ bọn phàm phu tục tử có thể tham ngộ, dù đem cái gọi là thiên cơ bày ra trước mắt, xem cả đời cũng không thể lĩnh ngộ được thâm ý trong đó. Theo tôi biết, quẻ cổ Chu Thiên lần lượt bao hàm bốn mục “quẻ đồ, quẻ số, quẻ phù, quẻ từ”, đến nay chiếc gương cổ có vẽ quẻ đồ và bốn quẻ phù đều đã có tung tích; ở Nam Hải tôi đã gặp được di dân Quy Khư là Cổ Thái, lại biết cổ quyết của quẻ số lưu truyền từ cổ đại, duy chỉ còn thiếu quẻ từ quan trọng nhất, không có quẻ từ thì đừng nói đến chuyện giải được quẻ tượng.


    Quẻ đồ, quẻ số, quẻ phù và quẻ từ Chu Thiên hoàn chỉnh nhất được phát hiện trong lịch sử là vào những năm cuối triều Thanh, do một Mô Kim hiệu uý có lần đào được mộ cổ Tây Chu, nhưng có lẽ sợ làm lộ thiên cơ chuốc phải tai hoạ nên không lâu sau bèn mang huỷ hết số cổ vật này.


    Theo thông tin trong cuốn sổ ghi chép của giáo sư Tôn thì đám trộm mộ Quan Sơn thái bảo thời Minh từng khai quật một ngôi mộ cổ, sau đó mang hết những quẻ bói Chu Thiên được tuỳ táng trong đó giấu ở thôn Địa Tiên, cho nên vào cuối thời Minh, bọn giặc cỏ sau khi vào Xuyên mới đào bới mộ cổ, muốn tìm kiếm đơn đỉnh long cốt và kim thư ngọc lộc trong truyền thuyết.


    Tôi căn cứ vào ghi chép trong cuốn nhật ký của giáo sư Tôn, đoán chừng lão hoàn toàn không hiểu gì về quẻ bói Chu Thiên, nhưng lại kiêu ngạo tưởng mình đã biết tương đối thủ đoạn của dân trộm mộ thời xưa, có thể chỉ căn cứ vào cơ số quẻ từ trong Hậu Thiên Bát Quái, cùng với kinh nghiệm bao năm nghiên cứu về Long Cốt Mật Văn, dựa vào gương và đồng phù trong tay là có thể đi tìm thôn Địa Tiên, chỉ e lão càng tìm lại càng xa mục tiêu, không khéo còn mất cả tính mạng.


    Shirley Dương nghe tôi phân tích xong cũng bắt đầu lo lắng: “Giả sử đúng là như vậy, chúng ta nên mau chóng tìm giáo sư Tôn, khuyên ông ấy quay đầu vẫn còn kịp.”


    Tôi nói: “Giáo sư Tôn tính tình ngang ngược, làm việc gì cũng cố chấp, lão nghiên cứu Long Cốt thiên thư đã nhiều năm mà chẳng hở ra tí nào, thế mới biết dã tâm lão lớn chừng nào, không muốn cả đời làm chuyên gia vô danh tiểu tốt, ngẫm ra thấy cũng có lý, ngày nay chuyên gia trên thế giới nhiều như lông trâu, cái hư danh này có gì hiếm lạ chứ? Lần này lão đã hạ quyết tâm đẩy cao tên tuổi, vậy phải thông qua việc phá giải câu đố ngàn năm trong quẻ bói Chu Thiên, gây ra phản ứng dây chuyền, khiến từ thành thị cho đến nông thôn đều phải biết đến cao danh của lão, đừng nói là cô với tôi, ngay cả đến giáo sư Trần ra mặt khuyên có khi còn không được nữa là.” Shirley Dương nói: “Anh nói vậy chắc tính toán cả rồi, có phải muốn nhân cơ hội này làm gì không đấy? Một kế quèn của anh cũng bằng nửa chuyên gia rồi.”


    Tôi nói: “Tôi đâu thần kinh, có điều trong thôn Địa Tiên đó có giấu mật khí đơn đỉnh, có vẻ chính là ngôi mộ cổ chúng ta đang muốn tìm. Những ghi chép tỉ mỉ về nghiên cứu bao năm nay của giáo sư Tôn đã mở sẵn con đường cho chúng ta như vậy. Ý tôi là sao chúng ta không đi Tứ Xuyên một chuyến? Thử dùng Phân kim định huyệt và Quan Sơn chỉ mê xem sao, cầu huyền trong phủ, trộm lấy đơn đỉnh trong đó, cũng là để cứu mạng Đa Linh.”


    Shirley Dương nói: “Việc này e không dễ, Quan Sơn thái bảo là đầu sỏ trộm mộ lớn thời Minh, vả lại chỉ dựa vào ghi chép của giáo sư Tôn vẫn chưa biết được vị trí thôn Địa Tiên ở đâu. Từ xưa đến nay, làm gì có cái kiểu lấy thôn trang làm chi mộ chứ? Không biết thôn Địa Tiên có giống với thôn đầu nguồn Đào Hoa mà ngư dân Vũ Lăng phát hiện ra, là một thôn xóm cách biệt với thế giới hay không? Còn những cơ quan tường sắt màn bạc và mớ yêu thuật được nhắc tới trong truyền thuyết dân gian thì sao?”


    Tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, thấy trời đã sáng bảnh tự lúc nào, bèn bảo Shirley Dương: “Việc này để sau hãy nói, trước mắt tạm gác lại chuyện thôn Địa Tiên là nơi người sống ở hay chỗ chôn người chết, trong hôm nay chúng ta phải trở về Bắc nh, đến tận nhà tóm lấy giáo sư Tôn. Cái gương cổ đó không phải Tần Vương Chiếu Cốt kính thì cũng là báu vật hiếm có trên thế gian, sao có thể để nó rơi vào tay lão ta được, lão mà mang theo gương cổ vào núi tìm mộ, nói không chừng cái gương mất tích luôn cùng lão cũng nên.”


    Nói xong tôi liền cất luôn nhật ký công tác, cũng không nghĩ đến chuyện ăn sáng, vội vã cùng Shirley Dương đáp chuyến xe đường dài sớm nhất trở về Bắc Kinh.


    Về đến nhà, việc trước tiên là lôi tên béo còn chưa tỉnh giấc nồng ra khỏi ổ. Tuyền béo ngái ngủ càu nhàu: “Cái tên Nhất này thất đức quá lắm, cậu không biết xuân mệt thu mỏi, hạ đánh giấc mơ màng, ba tháng đông không tỉnh à, ngày đông tháng giá thế này còn không cho người ta ngủ yên nữa? Thật quá vô nhân đạo, trước kia phát xít Đức cũng chả hành hạ người Do Thái đến mức này...”


    Tôi bảo cậu ta mau dậy đi, chúng ta lại có việc đấy, tôi đưa cậu đi ăn một bữa ra trò.


    Tuyền béo nghe thế lập tức tỉnh ngủ: “Thế hả, tôi cũng vừa nằm mơ còn đang ăn dở đấy, chúng ta mau đi ăn tiếp thôi, ai mời thế? Kiều Nhị gia à?”


    Nhân lúc Tuyền béo mặc quần áo, tôi hỏi cậu ta vụ làm ăn với Kiều Nhị gia làm đến đâu rồi. Lão Kiều Nhị gia đó ở Lưu ly xưởng tuy là bậc thâm niên có danh vọng, kỳ thực quá nửa chỉ là hư danh thổi phồng, chẳng có mấy phần bản lĩnh thực, thời trẻ đào được ngôi mộ giả đời Nguyên, lại cứ tưởng mình tìm được miếng dất dời thây có huyệt phong thuỷ quý, nhưng chỉ cần lão chịu chi tiền thì tôi vẫn sẽ làm ăn với lão.


    Tuyền béo nói: “Nhị gia cũng tốt lắm, rất biết nể mặt Tuyền béo tôi, quan trọng cũng vì chúng ta vẫn là nhân vật số một ở Phan Gia Viên này..” vừa nói vừa mặc vội quần áo, khoác măng tô rồi theo chúng tôi ra khỏi nhà.


    Lúc này Shirley Dương đã gọi điện thoại cho giáo sư Trần hỏi thăm địa chỉ, tôi bảo cô nàng: “Cả đêm qua không ngủ, cô mau về nghỉ đi, có tôi cùng Tuyền béo đi tìm giáo sư Tôn tâm sự là được rồi. Bọn tôi nhất định ăn nói có giáo dục, để ông ta hiểu được đại nghĩa, nhìn nhận tình thế rõ ràng mà thật lòng trả lại Quốc bảo.”


    Nhưng Shirley Dương không yên tâm, cứ nhất quyết đòi cùng đi thăm giáo sư Tôn, cô nàng hứa sẽ không nói một câu, nhưng phải theo sát kẻo chúng tôi đi quá giới hạn.


    Tôi không còn cách nào đành phải đồng ý, trên đường đi đem chuyện vừa xảy ra kể vắn tắt cho Tuyền béo nghe một lượt, bảo cậu ta không được đánh rắn động cỏ, đừng có vừa vào đã cãi nhau ỏm tỏi lên, nhất thiết phải nhìn sắc mặt tôi mà hành sự đấy.


    Tuyền béo nghiến răng nghiến lợi: “Bát Nhất, cậu biết tính tôi rồi đấy, Tuyền béo tôi lặn ngụp dưới đáy biển Nam Hải, suýt nữa thì làm mồi cho cá, tối tăm mặt mũi suốt bao lâu, rốt cuộc lại để chiếc gương đồng rơi vào tay con cáo già này. Quyết không thể bỏ qua cho lão, tí nữa nếu lão chịu khai báo thành thật, chủ động mời bọn ta một bữa ra trò ở Chính Dương Cư thì cho qua, bằng không hai người cứ cố mà cản tôi, cản không được thì đợi mà nhặt xác lão già họ Tôn ấy.”


    Tôn Học Vũ ở trong một toà nhà ống trong khuôn viên trường, cái gọi là “nhà ống” chính là mỗi tầng có một số đơn nguyên, với nhà xí, nhà bếp cùng đường nước nằm ở cuối hành lang, là công trình công cộng sử dụng chung. Hành lang nào cũng ám đen khói than, chất đầy đồ lặt vặt của các hộ, quang cảnh gần giống một cái sân chung, điều kiện sống không được tốt lắm.


    Cải cách văn hoá kết thúc, chính sách mới được thực thi, nhiều phần tử tri thức và cán bộ lão thành đều quay lại công tác, được phát bù lương, Tôn Học Vũ tuy từng ngồi trong chuồng trâu, lao động cải tạo ở nông trường, song vẫn còn một số việc chưa làm sáng tỏ, nghe nói lão đã vì bảo vệ chính mình mà bán rẻ một số người, nhưng cứ nhất định chối rằng không làm chuyện đó. Nay tạm thời khôi phục công tác, nhưng chế độ đãi ngộ vẫn lần lữa chưa được thực hiện, cho nên vẫn phải ở chung với một số giáo viên viên chức lý lịch yếu kém chưa được phân nhà trong cái nhà ống này.


    Chúng tôi đến trước nhà lão thì thấy cửa vẫn khoá, có lẽ lão đi Thiên Tân chưa về. Tôi kiên quyết cắm sào chờ nước, nên bảo Tuyền béo đi mua vài cái bánh chiên, cả bọn ngồi trong hành lang vừa ăn vừa đợi. Đến trưa thì nghe trong hành lang có tiếng người nói giọng Tứ Xuyên: “Giáo sư Tôn đã về rồi đấy à, bác đến mà xem con cá hố tôi mua trưa nay này, chẳng hiểu là cái thứ gì nữa, còn không bằng cái dải lưng quần. Xấu hổ cho Bắc Kinh của các bác lớn thế này mà ngay con cá hố ra hình ra dạng cũng không có mà mua.”


    Lại nghe một giọng khá quen đáp lại: “Ấy bác Tống, làm bữa cải thiện đấy à, bữa tối ăn cá hố nướng hả? Tôi xem nào, thế này mà còn mỏng gì, có cái ăn là tốt rồi.”


    Ba người chúng tôi nghe rõ mồn một, biết giáo sư Tôn đã về. Quả nhiên từ đầu hành lang đen ngòm xuất hiện một lão già, tóc hói lên tận đỉnh đầu, chỉ còn lại một túm loà xoà trước trán, đó chính là chuyên gia Tôn Học Vũ chuyên nghiên cứu mê văn thiên thư cổ đại. Đương nhiên lão không biết người gặp phải ở Thiên Tân chính là tôi đây, thấy chúng tôi chờ ở cửa chỉ hơi ngạc nhiên, hỏi: “Hồ Bát Nhất ở Phan Gia Viên, sao cậu biết chỗ tôi thế? Tên tiểu tử nhà cậu tìm tôi chắc chẳng có việc gì tốt rồi.” Rồi như không muốn để hàng xóm nhìn thấy lão nói chuyện với chúng tôi, nên không đợi tôi đáp lời lão đã vội móc chìa khoá mở cửa, để chúng tôi vào nhà.


    Tôi cũng không khách khí với lão, bèn dẫn Shirley Dương và Tuyền béo khệnh khạng đi vào, đưa mắt nhìn quanh thấy trong phòng toàn sách là sách, đồ đạc sinh hoạt chẳng có mấy thứ, thậm chí ngay đến chỗ ngồi cũng chẳng có, tôi đành ngồi lên trên đống sách.


    Giáo sư Tôn đóng cửa cẩn thận rồi mới quay lại nói với chúng tôi: “Nhà không có nước nóng, các cậu uống nước thì dùng nước máy, trong phòng có nhiều sách vở cổ tịch, không được hút thuốc có gì mau nói, nói xong thì đi mau cho.”


    Tuyền béo thấy lão lạnh nhạt thế, không nhịn được suýt thì khùng lên. Tôi vội ấn cậu ta xuống, đoạn nói với giáo sư Tôn: “Chúng tôi chẳng có ý gì đâu, chỉ là tiện đường ghé thăm ông thôi. Trước đây ở huyện Cổ Lam Thiểm Tây từng được ông chỉ bảo, hôm nay vội quá nên chẳng mang theo quà gì, chỉ mua cho ông được ít bánh chiên, loại hai trứng, gọi là bày tỏ tấm lòng, chưa nói hết được lòng tôn kính.”


    Giáo sư Tôn không hiểu đầu cua tai nheo thế nào: “Bánh chiên à?” lão lập tức xua tay nói: “Đừng có thấy người sang bắt quàng làm họ, tôi không bao giờ chỉ bảo cho đám người trộm mộ các cậu. Có gì thì mau nói đi, tôi rất bận, không có thời gian tiếp đám buôn cổ vật các cậu đâu.”


    Tôi ra vẻ không hiểu: “Chắc giáo sư có gì hiểu lầm tôi ư? Mới tiếp xúc với ông có mấy lần mà sao lần nào gặp tôi ông cũng nói tôi buôn cổ vật thế? Ông nhìn đâu lại thấy tôi có cổ vật nào? Cứ khăng khăng nói thế sẽ làm tổn thương tình cảm cánh yêu thích khảo cổ nghiệp dư chúng tôi đấy.”


    Giáo sư Tôn mặt lạnh như tiền bảo tôi: “Tôi thi thoảng dạo qua chợ đồ cổ Phan Gia Viên, đến đâu cũng nghe đầy lỗ tai đại danh Hồ Bát Nhất nhà cậu, ai chẳng biết trong tay cậu Nhất toàn là minh khí loại tốt chứ? Nể tình chúng ta đã từng quen biết, tôi không giấu cậu làm gì, những việc cậu làm tôi đã biết từ lâu, nhưng chưa vạch mặt là muốn cho cậu một cơ hội khoan hồng, nếu để tôi nói ra thì e dù quảng đại quần chúng nhân dân có muốn khoan hồng cho cậu cũng không tìm ra cớ gì, lúc ấy đành phải trừng trị nghiêm khắc thôi.”


    Tôi không thèm để ý vặt vãnh liền nói: “Ông thực có lòng lo cho nước cho dân, còn muốn biến cả nhà mình thành cửa nha môn đấy phỏng? Nhưng nhất định không được khoan hồng với tôi đâu, khoan hồng sẽ dễ làm tôi không giác ngộ được đường hướng lắm. Con người tôi từ nhỏ đã luôn yêu cầu nghiêm khắc với bản thân trong tất cả mọi mặt, có thể nghiêm khắc thì quyết không khoan hồng. Tôi buôn bán nhỏ ở Phan Gia Viên, thế là sai trái sao? Là do tôi ngoài giờ làm yêu thích khảo cổ, vả lại mua bán sòng phẳng không mang hàng giả lừa người, nên mới được anh em đồng nghiệp ca ngợi vài câu, lẽ nào thế cũng không được?”


    Tuyền béo nghe đến đây cũng nổi cơn tam bành: “Bát Nhất, cậu đừng phí lời với lão làm gì, trao đi đổi lại mấy món vặt vãnh đó thì nhằm nhò gì chứ? Văn hoá phẩm đồi truỵ là vô tội. Cậu mau mang chuyện chúng ta đổ đấu nói cho lão biết đi, nói ra cho lão sợ chết khiếp.”


    Giáo sư Tôn nghe thế vội nói: “Đấy cậu xem, đồng bọn của cậu đã thừa nhận rồi nhá, cậu còn già mồm hả?”


    Tôi vờ nhún nhường cười nói: “Tuyền béo không nhắc tôi lại quên béng, đấy mà cũng gọi là đổ đấu sao? Cơ bản không đáng nhắc đến, nhưng nếu ông thực bụng muốn nghe thì tôi kể cho nghe. Năm đó chính tay tôi đào được một cỗ quan tài to ở huyện Phòng Sơn, ngôi mộ cổ đó chắc đã lâu đời, không phải thời Kim thì cũng là thời Liêu gì đấy, lúc đó tôi chẳng hề đắn đo, bật tung nó ra, nhìn vào bên trong thấy đồ đạc quả nhiên không ít, bèn lấy dây gai trói xác chét kéo ra ngoài trước, phát hiện ra bên dưới cái xác có hai con cóc vàng to bằng nắm tay, vàng ròng cả nhé.”


    Giáo sư Tôn không ngờ tôi kể chuyện này, lộ rõ vẻ kinh ngạc: “Tên tiểu tử này to gan thật, dám trộm mộ ngay ở Bắc Kinh sao? Mau khai báo thành thật, sau đó thế nào? Cổ vật trong mộ tuồn đi đâu cả rồi?”


    Tôi vươn vai một cái, đoạn than thở: “Sau đó mở mắt ra nhìn, hoá ra là mộng Nam Kha, tỉnh mộng rồi thì còn sau đó với trước đó gì nữa, giấc mơ nà quả thật là dở dang chưa hết...”


    Giáo sư Tôn bị tôi chọc tức, sắc mặt lại càng khó coi, thấy lão đứng dậy ý chừng muốn tiễn khách, tôi vội nói: “Khoan hẵng, ông để tôi nói hết đã chứ. Chính vì giấc mơ trộm mộ này, lại thêm cảm giác dở dang chưa hết, cho nên tôi mới chạy đến Thiên Tân tham quan triển lãm cổ vật cho đỡ nghiền, không ngờ lại gặp phải người quen trong bảo tàng Tự nhiên, lần này thì không phải nằm mơ.”


    Giáo sư Tôn thấy tôi ăn nói nhã nhặn cũng cảm thấy có điều không ổn, thái độ lên mặt nạt người đã giảm đi quá nửa, chưng hửng quay lại ghế ngồi, đoạn hỏi dò: “Cậu... cậu nói cái gì? Người quen... người quen nào?”


    Tôi không cười nữa, nghiêm sắc mặt nói: “Nửa đêm tôi được nhân viên dẫn đường, đi cửa sau vào bảo tàng, không ngờ trong bảo tàng lúc ấy lại có trộm, tôi nhặt được một cuốn nhật ký công tác ngay tại hiện trường, bìa nhựa màu đỏ có hình quảng trường Thiên An Môn, nội dung bên trong đã xem cả đêm không sót một chữ nào, càng xem càng thấy rất quen, hoá ra là chiếc gương đồng nhắc tới trong đó chính là chiếc gương mà ba chúng tôi và một nhóm ngư dân chuyên nghề mò ngọc ở Nam Hải đã liều mạng vớt lên từ Hải Nhãn, chỉ vì việc này mà mất một mạng người, còn một người nữa nay vẫn chưa biết sống chết thế nào. Hiện này chiếc gương đó lại bị người ta nuốt mất, người này dù có phá giải được bí mật trong quẻ tượng Chu Thiên, thì ánh hào quang học thuật trên đầu ông ta cũng là được nhuộm đổ bằng máu của ngư dân Nam Hải. Tôi trải qua mười năm động loạn, học hành tử tế chả được mấy năm, không biết nhiều lý lẽ bằng ông là một giáo sư. Tôi đến đây là muốn hỏi ông, món nợ này chúng tôi phải tính sao đây?”


    Tôn Học Vũ nghe xong mặt mày xám ngắt, biết việc đến nước này không giấu nổi nữa, không chừng còn rơi vào cảnh thân bại danh liệt cũng nên. Lão im thít không ho he tiếng nào, cuối cùng không chịu được nữa, lưỡi cũng mềm đi, không dám vòng vo, bèn xin xỏ: “Xin cậu trả lại... trả lại cuốn sổ ấy cho... cho tôi, các cậu muốn gì ở tôi? Chỉ cần bản thân làm được tôi đều chấp nhận hết.”


    Tôi ra vẻ ôn hoà nói với giáo sư Tôn: “Người không phải thánh, ai mà chẳng vậy, biết sai thì sửa, vẫn là đồng chí tốt. Nay ông đã nhận ra lỗi lầm nghiêm trọng, vậy tôi cho ông một cơ hội lấy công chuộc tội, tôi muốn ông dẫn bọn tôi đi Tứ Xuyên tìm mộ cổ thôn Địa Tiên, sau đó phải đem gương cổ quẻ phù trao trả cho giáo sư Trần nguyên vẹn.”


    Tuyền béo bổ sung thêm: “Để ông được quay đầu là bờ, biết sai mà sửa, Tuyền béo tôi đã phải nghĩ nát nước, dốc hết tâm sức, mấy ngày nay ít nhất cũng sút mất mấy chục cân, cho nên ông phải mời bọn tôi đi Chính Dương Cư ăn một bữa ra trò, cũng là để tróc tận gốc rễ cái tư tưởng lỗi lầm, nhìn vào tình thế tốt đẹp trước mắt, viết bản kiểm điểm, tuyên đọc trước mọi người để bày tỏ quyết tâm sửa sai. Ông có biết Tuyền béo tôi vì lão già nhà ông tức chết bao nhiêu tế bào não không hả?”


    Giáo sư Tôn vốn già trái non hột, lại có tật giật mình, sau khi bị vạch trần gốc gác thì cũng không còn mặt mũi nào tỏ ra hách dịch, tỏ vẻ thái độ nghiêm túc hay lên giọng chính nghĩa nữa, lão cúi xuống gầm giường lôi ra mấy cái hộp giày, lấy ra chiếc gương đồng và hai miếng đồng phù, mang đến trước mặt tôi.


    Tôi cầm chiếc long phù bằng đồng xanh trên tay, lòng không khỏi xao động, không ngờ cách biệt mười mấy năm, lại một lần nữa ngẫu nhiên gặp được vật này. Miếng long phù này vẫn như xưa, chỉ có thế sự là vô thường, chiến hữu cách mạng Đinh Tư Điềm trong cùng mắt xích lớn với chúng tôi năm xưa đã âm dương cách biệt, hễ nghĩ đến cô ấy cùng Lão Dương Bì đều đã đi gặp cụ Các Mác, lòng tôi lại đau như xát muối, nhìn sang bên cạnh, thấy Tuyền béo cũng vừa nhìn thấy miếng long phù đã nước mắt nước mũi đầm đìa.


    Lúc này lại nghe giáo sư Tôn lên tiếng: “Viết kiểm điểm, Chính Dương Cư... đều không thành vấn đề, nhưng thôn Địa Tiên thì không tìm thấy đâu... bất cứ ai cũng không thể tìm thấy. Trong bốn miếng cổ phù không mắt ngư, long, nhân, quỷ này ẩn giấu một câu đ̕, tôi đã vắt kiệt óc mà vẫn không hiểu được. Không giải được ám thị của đồng phù không mắt thì quẻ phù hay gương cổ cũng chẳng tác dụng gì.”


    Tôi lấy tay áo quệt mắt một cái, định thận lại, đoạn hỏi giáo sư Tôn: “Hốc mắt của đồng phù trống rỗng, có thể là dùng để suy diễn quẻ tượng. Từ xưa phương pháp soi đuốc gieo quẻ đã được gọi là quy bốc, cổ thuật bói toán phân làm hai loại Quy, Gương; ánh đuốc rọi qua lỗ đồng, lọt tới quẻ đồ sau mặt gương, chính là phương pháp soi đuốc bói gương. Cái này cũng được miêu tả trong cuốn sổ ghi chép của ông, ông tưởng tôi đọc không hiểu đấy hả?”


    Giáo sư Tôn vội vàng giải thích: “Phương pháp chỉ là phương pháp thôi, muốn đoán được long mạch phong thuỷ, cần phải dùng đèn cầy mỡ người, chỉ cần hai quẻ đồng chú là đoán ra được quẻ tượng, nhưng nếu thực sự đơn giản như vậy thì đã tốt. Trên quẻ đồ sau mặt gương có ba trăm sáu mươi lăm cái tráp đồng Chu Thiên, mỗi tráp đề chia làm hai nghĩa âm dương, quay ra bốn phương biểu thị cho bốn tượng, trong đó đều có ẩn ý đặc biệt, nếu không nghĩ ra đồng phù ngư long nhân quỷ tại sao lại không có mắt thì làm sao chúng ta dùng nó để suy diễn quẻ tượng cho được? Tôi vốn cứ tưởng trên cái lò đơn đào được ở Hồ Nam sẽ có manh mối, nhưng sau khi tận mắt nhìn thấy tối qua vẫn không biết được gì hơn, đối mặt với câu đố thiên cổ, tôi coi như đã nản thật rồi. Bởi vì quan hệ giữa gương cổ với mộ cổ Địa Tiên cũng giống như vòng tròn nhân quả tuần hoàn, không có gương cổ sẽ không thể tìm được mộ cổ Địa Tiên, không có quẻ tượng quẻ từ Chu Thiên giấu trong mộ cổ này cũng không có cách nào sử dụng gương cổ. Cho nên các cậu đừng mong tìm được mộ cổ thôn Địa Tiên. Thực ra thôn Địa Tiên bản thân nó đã vô cùng mơ hồ, giống như một truyền thuyết trong Nghìn lẻ một đêm vậy, vả lại mấu chốt nhất là - các cậu đã không còn thời gian nữa rồi.”

    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile


    Hết tập 7

    ---QC---


  4. Bài viết được 5 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    myancongchua,nguoisaigon,
Trang 12 của 12 Đầu tiênĐầu tiên ... 2101112

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status