TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile
Hướng dẫn đăng truyện trên website mới
Đăng ký convert hoặc Thông báo ngừng
Trang 3 của 6 Đầu tiênĐầu tiên 12345 ... CuốiCuối
Kết quả 11 đến 15 của 28

Chủ đề: Anh chàng bé con - Hoàn Thành

  1. #11
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 11



    Cuộc sống năm lớp 10 của tôi cứ bình lặng như mặt hồ yên ả ngày thu. Tôi không định và cũng không muốn tạo một dấu ấn nào đó cho thời trung học phổ thông. Thằng chọi con Tùng “Teo Tóp” cấp hai đã ở lại với quá khứ, nó không muốn đồng hành cùng tôi nữa. Mất thằng chọi con đó, tôi bớt nghịch ngợm trên lớp và dần thu mình lại. Nếu phải sống như một cái bóng trong lớp cho đến hết thời cấp ba, tôi cũng không phiền. Được cầm bút vẽ, được mỗi ngày chờ đợi trước cổng nhà Linh, với tôi đã là quá đủ.

    Nhưng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn thế. Thu mình trong vỏ ốc chẳng khiến bạn hiểu mình hơn mà ngược lại. Rất may là những điều thú vị và cả phiền toái, chúng đều tự tìm đến tôi.

    Nhờ cái máy tính xịn cộng thêm Internet, thằng Cuốc được bạn bè nhờ vả liên tục (chủ yếu là bè, bạn chẳng được mấy). Khi thì đĩa game, khi thì hình ảnh tư liệu làm bài tập, khi thì download nhạc; ngày ấy đường truyền mạng chưa nhanh, download nhạc khá khó khăn, do vậy thằng Cuốc trở thành hotboy trong mấy cái vụ này. Trong số đám bạn bè nhờ vả đó có một thằng biệt danh là Sĩ, lắm khi bị gọi trại đi là Đĩ. Cái biệt danh ấy có một lịch sử dài dòng và chính nó ảnh hưởng tới quan hệ bạn bè của chúng tôi về sau này.

    Không rõ thằng hẹo nào gọi nó là Sĩ và vì sao gọi thế, nhưng đại thể trong mọi vấn đề, thằng Sĩ luôn tỏ ra mình giỏi giang hơn người khác. Chơi game thua nó, nó bảo nó giỏi hơn; chơi game thắng nó, nó bảo do may rủi hoặc hôm ấy… nó bị nhức đầu. Học hành cũng vậy, nó luôn tâm niệm “điểm thấp là do thiên tai, điểm cao là tại thiên tài Sĩ ta”. Thằng Sĩ không khinh thường người học kém hơn, cũng chẳng tị nạnh đứa học giỏi hơn, nhưng đừng bao giờ khoe điểm cao trước mặt nó, bởi lẽ nó sẽ ngay lập tức ca bài này:

    -Này, chẳng qua tao không thèm học thôi nhé! Mà điểm cao thì làm sao? Mày có chắc đỗ đại học không? Mày có chắc sau khi ra trường giàu hơn tao không? Đợi lúc ấy hẵng nói nhé!

    Nó nói không sai, từng lời từng chữ ịn vô mọi trường hợp đều ra nghiệm đúng. Nhưng bởi cách nói trịch thượng, cộng thêm bản tính mỗi khi cãi nhau là không chịu thua ai, thành ra nó bị lắm thằng ghét. Biệt danh “Sĩ” từ đó mà ra – tôi đoán thế. Nhưng thằng Cuốc khẳng định thằng Sĩ bị ghét vì… đẹp trai và nó bị gọi là “Đĩ”, không phải Sĩ.

    cause every girl is crazy ‘bout a sharp dressed man – bởi vì mọi cô gái đều phát cuồng vì những anh chàng bảnh bao!” – ZZ Top - Sharp Dressed Man.

    Ban nhạc ZZ Top đã hát như thế vào những năm 80. Và hơn hai mươi năm sau, thậm chí mãi về sau, ZZ Top vẫn đúng. Thằng Sĩ bảnh nhất lớp, lại khá chăm chút quần áo đầu tóc nên đứa con gái nào cũng khoái tấp vô nó. Con gái cấp ba chẳng thích những thằng hay bày trò hay nghịch ngu nữa, muốn thu hút chúng nó, “bảnh” là yếu tố tiên quyết. Biết mình là tâm điểm thu hút lũ sư tử cái, thằng Sĩ đâm “chảnh”. Chảnh từ kiểu đi đứng với bản mặt chếch lên trời một góc 45 độ, chảnh từ cách nói năng trịch thượng, chảnh trong việc lựa chọn dầu gội sữa tắm sao cho mềm tóc bóng da; nó chảnh trong mọi hoàn cảnh! “Bảnh” là một cái tội, “chảnh” là trọng tội, thu hút lũ con gái lại càng bất dung thứ, vì thế đa số lũ con trai ghét thằng Sĩ.

    Nhưng vì khoái điện tử, thằng Sĩ kết thân với thằng Cuốc và bằng một cách nào đó, nó kết bạn luôn với tôi. Cơ mà tìm một cái lý do khiến tôi thân quen thằng Sĩ cũng thật khó. Tôi không bảnh như nó, không có máy tính xịn như thằng Cuốc, vậy tại sao tôi quen nó? Chắc là nói chuyện hợp nhau! – Tôi đoán thế. Tin tôi đi, bạn không thể nhớ mình và thằng bạn bắt đầu quan hệ hay nảy sinh tình cảm từ khi nào đâu! He he, chớ nghĩ bậy, chớ nghĩ bậy!

    Tôi không phàn nàn nhiều lắm sự “bảnh” và “chảnh” của thằng Sĩ. Đẹp trai xinh gái tùy thuộc khâu sản xuất và chế biến, chảnh hay không là bản tính mỗi người. Những thứ mà thằng Sĩ khiến đứa khác ghét, tôi lại cảm thấy thú vị. Và bởi chấp nhận tính cách khó chiều của nó, tôi đã gặp nhiều chuyện đáng nhớ trong một thời kỳ mà cứ ngỡ là tẻ nhạt vô cùng.

    Ở tuổi mười sáu ẩm ương thích chơi trội ưa cãi bướng, duy trì quan hệ bạn bè dễ vô cùng mà cũng khó vô tận. Cũng giống cấp hai, ba thằng chúng tôi đi chơi điện tử cùng nhau, trốn học thêm cùng nhau và ăn vặt cùng nhau. Và như mọi lần, thằng nào thiếu tiền hoặc không có tiền sẽ được giúp đỡ hoặc bao thầu. Tuy nhiên, rắc rối lại nảy sinh từ đó.

    Thời ấy, thị trường game bước vào giai đoạn cực thịnh, hàng net mọc lên như nấm. Nội mấy con phố loanh quanh trường đã có hàng chục tiệm net với tấm biển quảng cáo “ADSL tốc độ cao”. Bất kể sáng, trưa, chiều hay giờ cao điểm, các quán net đều có khách. Bọn nhãi cấp hai, lũ chọi cấp ba, đám sinh viên đầu tóc rối bù, dân công sở đứng đắn, tất cả đều có mặt ở hàng net. Tất cả đều điên cuồng trong cơn bão game online, mà đỉnh cao là bộ môn Võ Lâm Truyền Kỳ. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng bàn tán môn phái nào trong game hay nhất, mấy vật phẩm ảo xanh đỏ tím vàng kinh khủng ra sao, mấy giờ ghi danh đi chiến trường Tống – Kim. Nhà nhà Võ Lâm, người người Võ Lâm nên ba thằng chúng tôi cũng đâm đầu vào Võ Lâm. Tiền chơi net thuở đó đã lên bốn “cành” một tiếng (4.000đ/h), vậy là ba thằng chúng tôi nhịn ăn sáng đồng thời xin xỏ bố mẹ, nào đóng tiền vệ sinh, nào mua quà sinh nhật (đến nỗi các cụ hỏi sinh nhật gì lắm thế). Kiếm được lý do nào nghe xuôi tai, chúng tôi bịa tất.

    Và khi đã cuốn mình vào game, thật khó để kìm hãm nó lại. Ba thằng chúng tôi luôn trong tình trạng đói game, bao nhiêu thời gian cũng không thỏa mãn cơn đói và hễ lúc nào gần về, một trong ba thằng sẽ hót bài ca “Năm phút”. “Năm phút nữa! Năm phút nữa thôi!” – Nghe quen chứ? Năm phút lần một, rồi năm phút lần hai, cuối cùng là năm phút lần thứ mười hai, bao giờ cũng một kịch bản như thế! Tỉ dụ như một lần nọ, chúng tôi ngồi ở quán net đến bảy giờ tối mới nhấc mông về. Lúc ra tính tiền, ba thằng mặt nghệt ra vì tiền chơi vượt xa dự toán. Màn cắt chỗ nọ vá chỗ kia bắt đầu:

    -Đập Muỗi, cho tao một nghìn đi mày! – Thằng Sĩ nói.

    -Đóng Muối, tao cũng thiếu một nghìn! – Thằng Cuốc nhăn mặt, tay lần hết túi quần dài lẫn quần đùi. Tôi thấy thế bèn nói:

    -Đây, tao trả cho bọn bay!

    Và tôi rút hai nghìn trả giùm bọn nó. Bữa sáng hôm sau của tôi thay vì gói xôi xéo no nê là cái bánh mì kẹp tí chả “bửn bửn” dưới căng tin. Gọi “bửn bửn” không phải do miếng chả mất vệ sinh, mà bà già chủ căng tin thái chả mỏng bay, lá lúa phải gọi bằng bố. Bánh mì bé tí, nhét được hai miếng “bửn bửn” bán với cái giá bốn cành! Nếu muốn cải thiện bữa ăn, bỏ thêm hai nghìn nữa để mua cái nem chua rán kẹp giữa nhé! Thằng Cuốc và thằng Sĩ thảm hơn khi không có cái nhét vào mồm. Tuổi mười sáu mà sáng ra chẳng có gì nhét vào mồm thì ngang thảm họa. Thấy bạn mình vêu mõm, tôi định chia ba cái bánh. Nhưng hai thằng biết ý, chỉ cắn một miếng cho dính ruột rồi uống nước lọc lấp bụng. Thằng Cuốc thở than:

    -Đập Con Muỗi, tôi thề là đếch chơi đến bảy giờ nữa ông ạ, thọt tiền quá!

    -Đánh Con Mèo là chuẩn ông ạ! – Thằng Sĩ nói với tôi rồi lại quay sang thằng Cuốc – Nhớ nhé, tao với mày không chơi quá bảy giờ nữa! (Hai thằng xưng “ông, tôi” với tôi, còn chúng nó “mày, tao” với nhau)

    Tôi gật gù tán thành:

    -Ờ, ờ, thống nhất là vậy! Hôm qua về muộn, bà già tế tao ầm nhà, điếc cả tai!

    Ba thằng mặt mũi phừng phừng hai chữ “quyết tâm”, chẳng kém cạnh bộ mặt của hảo hớn Lương Sơn Bạc khi cắt máu ăn thề. Nhưng ngay hôm sau, dớp cũ lại tái diễn, chỉ khác là lần này đổi vai: thằng Sĩ trả giùm bọn tôi và nó phải xơi món bánh mì “bửn bửn” vào sáng hôm sau. Nó rất hào phóng khi bẻ cái bánh làm ba (dĩ nhiên phần của nó to hơn xíu), chia cho tôi và thằng Cuốc, sau nói một cách rất chảnh:

    -Ăn đi bọn bay! Anh em là phải giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn!

    Tôi và thằng Cuốc phì cười. Song không thể phủ nhận rằng nhờ những lần giật gấu vá vai này, quan hệ giữa ba thằng dần khăng khít hơn. Chân lý thứ nhất: tình bạn thể hiện lúc đói khổ, không phải lúc no.

    Chúng tôi không bao giờ đòi thằng này trả thằng kia hoặc phải bao theo nghĩa vụ. Nhưng hễ cãi nhau là vấn đề tiền nong lại nảy sinh, thường thường do thằng Sĩ và thằng Cuốc khơi mào. Hai thằng hẹo này rất hay đấu khẩu nhau. Chơi game thua: cãi nhau, điểm cao điểm thấp: cãi nhau, không vấn đề gì để cãi nhau: cãi nhau tiếp. Dường như chúng nó sinh ra là để tham dự môn mồm to mồm khỏe, còn tôi sinh ra để làm trọng tài cho chúng nó. Quái gở ở chỗ mỗi khi cãi nhau, một trong hai thằng luôn tổ lái về vấn đề tiền bạc. Tỉ dụ thế này:

    -Tao đã bảo là mày cứ ném giấy qua là được. Con mụ… (tên giáo viên) lúc ấy đang quay đi, sao mày không ném? – Thằng Cuốc gân cổ cò.

    -Ném cái búa! Mụ… (tên giáo viên) đứng ngay gần đấy, ném bài cho mày để chết tao à? – Thằng Sĩ co cổ ngỗng.

    -Mày bị ngu à? Bà ấy mãi tít cửa sổ, còn đang mải nghe điện thoại, thế mà gọi là gần à?

    -Có mày ngu ấy! Ai mà biết bà ấy có quay lại hay không?

    -Thế tao mới bảo là ném xuống dưới chân! Ai bắt mày quẳng lên không trung đâu? Mày cứ vờ như là rơi bút rồi ném cho tao!

    -Tao đếch biết! Mà sao mày không học đi? Cái bài đó dễ chứ có gì đâu?

    -Tao đã nói tao ngu phần đó! Sao mày không hiểu nhỉ? Nhờ một chút cũng không được! – Thằng Cuốc thở phì phì vẻ khó chịu.

    -Mày phàn nàn đếch gì? Mà cái gì nhờ không được cơ? Lần trước mày thiếu tiền chơi điện tử, tao cho mày vay một nghìn còn gì nữa?

    -Này! Tao “xin” mày chứ “vay” mày hồi nào? Mày bảo mày cho mà!

    -Tao bảo cho bao giờ? – Thằng Sĩ nói.

    -Rõ ràng mày bảo là “cho”! Này, lúc ấy chính mồm mày nói là “cho” mày”! Ê, Tóp, ông coi tôi nói đúng không?

    Thằng Cuốc liền quay sang tôi tìm kiếm đồng minh. Lập tức thằng Sĩ cũng nhào vào tôi và liến thoắng:

    -Ông nói xem, ông đứng gần tôi mà! Rõ ràng tôi bảo cho nó vay, đúng không?

    Thực sự thì hôm đó, tôi mới “thửa” được món đồ hoàng kim trong Võ Lâm nên sướng rơn, chẳng biết hai thằng bạn hục hặc chi nữa. Một tuần rồi một tháng, hễ cãi nhau, hai thằng chúng nó lại so đo tiền nong và tôi trở thành trọng tài bất đắc dĩ. Sau cùng, bị hai cái mồm tẩn qua đá lại mãi, tôi gào lên:

    -Con bà chúng mày! Lần sau chơi, thằng nào thằng đấy tự trả!

    Từ đấy về sau, ba thằng đi chơi hay đi ăn đều tự trả tiền phần của mình. Thằng Cuốc và thằng Sĩ đến hết thời cấp ba vẫn chẳng nhường nhịn nhau và hễ cãi vã, câu chuyện một nghìn thuở nào lại được khui ra. Tôi học được chân lý thứ hai: đừng để tiền xen quá nhiều vào tình bạn.

    Ngoại trừ chuyện cãi vã, quan hệ giữa ba thằng khá tốt. Chúng tôi cùng chơi, cùng ăn quà vặt, cùng trốn học, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Tôi cũng cho thằng Sĩ biết đam mê vẽ vời của mình. Nó xem khá nhiều bức tranh và gật gù “cũng được” như một lời khen (vì chảnh nên hắn không bao giờ xuýt xoa kiểu như “đẹp thế”, “đẹp vãi”, “đẹp vãi cả…”). Một ngày nọ, thằng Sĩ gọi tôi lại và bắt đầu thủ thỉ như gái mới lớn kể chuyện thầm kín:

    -Này… tôi nhờ ông cái này được không…

    -Làm đếch gì mà ghê thế? – Tôi cười – Sao, chú muốn gì ở anh?

    -Đập Muỗi, nghiêm túc coi! Ông biết vẽ chân dung không?

    -Cũng tạm, rồi sao?

    -Ông vẽ chân dung con Châu hộ tôi được không?

    Tôi liền ngoái đầu nhìn cô bé tên Châu đang đùa nghịch với bạn bè ở cuối lớp. Tôi hỏi:

    -Là “Trâu Điên” hả?

    -Trâu Điên cái đầu ông! Tóm lại là ông vẽ được không?

    -Ờ cũng được. Cho tao hai ngày!

    Chuyện nhờ vả này của thằng Sĩ khá kỳ lạ, bởi nó quan niệm chỉ có con gái quan tâm nó chứ đừng hòng nó quan tâm con nào. Nhưng Châu là một trường hợp đặc biệt. Cô bé ấy mặt mũi bình thường, vóc dáng lại nhỏ con như học sinh lớp 6, chỉ duy một điểm nổi bật là hai má hay ửng đỏ. Bất kể vui buồn hay tức giận, mặt Châu lại đỏ như gấc. Cũng bởi cái tật ấy, em trở nên nổi bật so với lũ con gái. Đám con trai rất khoái trêu chọc Châu, thường đọc trại tên của em thành “Trâu” rồi đặt biệt danh “trâu điên”. Trong số mấy thằng con trai đó có Sĩ. Bằng cái miệng dẻo quẹo và mã ngoài bảnh bao, nó tiếp cận Châu khá dễ dàng. Tuy nhiên, cô bé má đỏ nọ chỉ coi thằng Sĩ là bạn bè, không hơn.

    -Định cưa nó hả? – Tôi hỏi.

    Thằng Sĩ trả lời kiểu rất chảnh:

    -Tặng quà sinh nhật thôi, cưa đếch gì? Tôi không quan tâm!

    Tôi nhận lời thằng bạn. Hôm đó, trong giờ học, tôi thi thoảng quay xuống nhìn Châu, tay cầm bút phác thảo gương mặt. Tối về, tôi bắt đầu đắp thêm chi tiết, nhưng vấn đề nảy sinh khi tôi không thể vẽ được đôi mắt. Trong vẽ chân dung, đôi mắt mà vô hồn thì toàn bộ bức tranh coi như vứt đi. Thực tình tôi chưa bao giờ nói chuyện với Châu nên chẳng thể nắm bắt được cái “thần” của đôi mắt.

    Độ hai ngày sau, đến lượt thằng Cuốc nhờ vả tôi. Nhưng nó không nhờ tôi vẽ mà hỏi mượn tiền:

    -Ông có hai mươi nghìn không? Tôi mượn! Cuối tuần tôi trả!

    Tôi trố mắt. Hai mươi nghìn ngày xưa to vãi đạn, đủ ăn một bát phở với quẩy cộng thêm ly trà đá, khuyến mãi thêm kẹo Cool Air cho thơm mồm. Tôi hỏi:

    -Để làm gì mày?

    -Tôi muốn mua mấy đồ, mà kẹt tiền quá! Cho tôi vay!

    -Tao sống cả tuần nhờ hai chục đấy! Giờ đi chơi điện tử với ăn sáng sao?

    Thằng Cuốc gắt:

    -Tôi bao! Bánh mì của tôi chia nửa, được chưa? Cho tôi vay, một lần thôi, cuối tuần trả!

    Vì bạn bè, tôi cho nó vay tiền. Và đúng là cuối tuần, nó trả thật. Thằng Cuốc chưa bao giờ bầy hầy chuyện tiền nong. Tôi cảm giác hai thằng bạn mình đang âm mưu kế hoạch gì đấy. Tuy nhiên, tôi chẳng thừa thời gian tìm hiểu cho tới khi chính mồm chúng nó tự phun ra.

    Một buổi sáng nọ, tôi dắt xe vào bãi thì thấy thằng Sĩ và thằng Cuốc cứ đùn đẩy nhau, không đứa nào chịu xe vào trước. Số là bãi để xe của trường phân thành từng lô, xe chỉ có thể để ngang rồi dựa vào nhau thành hàng, sau đó bảo vệ sẽ lấy dây thép luồn qua từng bánh xe rồi khóa lại. Xe nào càng ở ngoài thì càng được lấy sớm. Thế nên thằng Sĩ và thằng Cuốc… cãi nhau. Thằng Cuốc chành chọe:

    -Mày đến trước thì mày cho vào trước đi!

    -Tao không thích quay xe (xe phải dựng so le nhau)! Mày cho vào trước đi!

    -Tao đến sau, sao tao phải cho vào trước!

    -Vì tao không thích quay xe!

    -Tao cũng không thích quay xe! Sao mày lắm mồm thế nhỉ?

    -Mày lắm mồm thì có! Mày định ra sớm để đón con Châu chứ gì?

    -Thế mày thì không chắc? Mày cũng muốn đón con Châu chứ ai vào đây? – Thằng Cuốc gào lên.

    -Tao chả quan tâm! – Thằng Sĩ đáp lời kiểu chảnh – Tao cần gì phải đón nó?

    -Thế tại sao mày không cho xe vào trước?

    Tôi vừa buồn cười vừa không hiểu hai thằng cãi nhau cái gì. Tôi hỏi mấy đứa con gái hay chơi với Châu mới biết nhà cô bé đi học bằng xe buýt, từ trường ra bến xe hơi xa nên Châu thường nhờ bạn đèo. Hai thằng bạn tọc mạch của tôi biết điều đó, chúng nó thường canh me sát giờ vào lớp mới dắt xe vào trường. Mỗi khi tan học, hai thằng lại hùng hục dắt xe chạy ra đón lõng Châu. Mở đầu là thằng Cuốc, nó đỗ xịch xe trước mặt cô bé, miệng nở nụ cười toe toét (hai răng cửa to tổ bố lồ lộ):

    -Đi nhờ không Châu ơi?

    Cô bé chưa kịp trả lời, thằng Sĩ đã từ đâu phóng ra, thúc luôn vào đít xe thằng Cuốc như thể muốn tông thằng này ra chỗ khác. Thằng Sĩ liến thoắng:

    -Xe thằng này hay xịt lốp lắm! Để tớ đèo về!

    Nhưng Châu từ chối vì em đã nhờ bạn đèo. Nhưng liên tục mấy ngày sau, hai thằng hẹo này không chịu bỏ cuộc và tìm mọi cách để Châu lên yên sau của mình. Ngoài mặt, chúng nó vẫn vui vẻ cùng chơi điện tử, cùng chia sẻ cái bánh mì “bửn bửn”, nhưng sau lưng lại âm thầm chiến tranh hòng thuần phục cô bé “Trâu Điên”. Bức tranh mà thằng Sĩ nhờ tôi vẽ, hai chục nghìn mà thằng Cuốc vay; tất cả đều là quà sinh nhật mà chúng nó dành tặng Châu. Thực tình tôi không hiểu cô bé này có thứ gì mà khiến một thằng mê game, một thằng chảnh chó phải phát cuồng lên? Tôi dợm hỏi chúng nó về Châu thì hai thằng đều tỏ thái độ thờ ơ vẻ như không quan tâm. Thằng Sĩ – như thường lệ – nói một cách rất chảnh:

    -Ôi dào, Châu chẳng có gì đâu! Ông quan tâm làm gì?

    Thằng Cuốc thì phẩy phẩy tay:

    -Hồi trước tôi mượn nó mấy quyển truyện nên phải tặng quà. Coi như có qua có lại, chẳng có gì đâu, ông để ý làm gì?

    Rõ ràng câu trả lời và hành động của chúng nó chẳng đồng điệu nhau tí nào. Con bà chúng mày, sao lại vứt tao ra ngoài? – Tôi tự nhủ.

    Rồi ngày sinh nhật của Châu cũng tới. Đúng như dự đoán, khá nhiều thằng tặng quà cho em, đồng thời rủ em đi ăn. Riêng hai thằng bạn của tôi án binh bất động. Đợi lúc không có ai trong lớp, thằng Sĩ tặng cô bé bức tranh được bọc trong khung gỗ (nó sợ tặng quà trước mặt người khác sẽ mất giá “chảnh”). Thằng Cuốc thì lén lút đặt hộp quà vào ngăn bàn của Châu, sau này hỏi ra mới biết là một con gấu bông. Cái tranh do tôi vẽ, con gấu kia có “cổ phần” hai chục của tôi, tính ra cũng là tặng quà rồi! – Tôi tự cười.

    Ngày hôm ấy cứ diễn ra một cách yên bình như cái lạnh lãng đãng đầu đông. Tan trường, tôi ra nhà để xe, bỗng phát hiện xe mình không bị xâu dây thép. Trái gió trở trời, mấy ông bảo vệ già khú bỗng mắt lếch và quên mất xe tôi. Tôi liền dắt con xe ra trước sự ghen tức của lũ bạn. Ngày đó, thằng nào cũng mong xe mình không bị xâu dây để ra hàng điện tử sớm.

    Đạp xe ra khỏi trường, tôi nhìn thấy Châu đang dáo dác nhìn trước nhìn sau. Ba lô của em chất đầy quà, hai tay khệ nệ một túm quà khác, trông như dân du lịch mới đi nghỉ mát về. Tôi bật cười, bèn dừng xe và… đợi. Tôi dừng xe đợi hai thằng bạn chứ không có ý định giúp em. Nhưng run rẩy, à nhầm, run rủi thế nào, đôi mắt của Châu dừng lại ở cái mặt tôi. Em bèn vẫy vẫy tay:

    -Tùng ơi! Cho tớ đi nhờ với!

    Thấy em gọi mình, tôi đành đạp xe tới. Chưa đợi tôi lên tiếng, em đã nói, nói nhanh như súng liên thanh bắn:

    -Cái Hà hôm nay không đi xe, bố nó đèo! Cái đống này nặng quá, tớ đi ra bến xe chắc gãy tay mất! Cho đi nhờ với nhá, được không? Mà ba lô của tớ nặng lắm, đèo được không?

    Tôi thộn mặt nghe em “bắn”. Trông bản mặt đần ra của tôi, em ngừng nói, miệng nở nụ cười ngượng, màu đỏ từ bờ má lan ra khắp khuôn mặt. Em lại nói, lại bắn nhanh như súng liên thanh:

    -Tớ nói sai gì à? Sao lại nhìn như thế?

    Tôi gật gật:

    -Không, không có gì.

    -Thế thì là đồng ý rồi! – Châu nói – Chở tớ nhé, cám ơn!

    Em nhảy tót lên yên xe, chẳng cần hỏi xem tôi đồng ý cho đi hay không. Tự nhiên vãi! – Tôi tự nhủ, nhưng thực sự là tôi rất… khoái.

    Châu không nặng lắm, nhưng cái ba lô chất đầy sách vở lẫn quà muốn ép bẹp lốp xe. Tôi è cổ đèo Châu cùng đống quà ra bến xe. Em nghển cổ lên hỏi tôi:

    -Nặng không?

    -Nặng chết bà! – Tôi nói – Cô sướng nhé, bao nhiêu đứa tặng quà!

    -Sướng gì chứ? Mà nhà Tùng ở đâu? Có gần đây không?

    -Ở chỗ… cơ. Không gần lắm! Mà nhà cô ở đâu?

    -Ở đằng… trên kia, đi qua cái sân vận động là tới. Mà Tùng chơi với… (tên thằng Cuốc) và… (tên thằng Sĩ) à?

    -Ờ. Nhưng sao?

    -Hai bạn ấy tặng quà cho tớ mà Tùng không tặng cái gì à?

    Tôi ém miệng cười rồi nói:

    -Liên quan vãi cô ơi! Sao tôi phải tặng chớ?

    -Vì Tùng là bạn của… (tên thằng Cuốc) với… (tên thằng Sĩ). Cho nên Tùng phải tặng!

    Tôi cười sặc, lí luận kiểu này chắc chỉ riêng Châu mới nghĩ ra. Nghe thấy tiếng cười của tôi, cô bé nói nhanh như súng bắn:

    -È, tớ đùa thôi! Đừng kể cho ai nhé! Đừng kể đấy! Mấy đứa khác nghe được lại nói này nói nọ, phiền lắm! Đừng có kể, nghe chưa? Ê, có nghe tớ nói gì không đấy?

    -Rồi rồi! – Tôi đáp.

    Tới bến, Châu xuống xe, tay khệ nệ xách đống quà. Em cười tươi:

    -Cảm ơn nhé! À, ăn kẹo không?

    Vì em nói nhanh quá nên tôi không nghe được em nói gì, bèn hỏi lại:

    -Hả?

    -Ăn kẹo không?

    -Hả? Cái gì cơ? Nói chậm chậm lại cô ơi!

    -Ăn – kẹo – không? Trời ơi, điếc à?

    -Sao lại kẹo?

    -Thì coi như trả tiền công đi nhờ xe ấy mà! – Châu cười.

    Và chẳng đợi tôi thích hay không thích ăn kẹo, Châu đã dúi cây kẹo mút vào túi áo ngực của tôi. Vừa lúc ấy, xe buýt đến, cô bé vẫy tay chào tôi rồi nhảy lên xe, không quên gửi lại một tràng súng liên thanh:

    -Về nhé! Lần sau sinh nhật tớ nhớ tặng quà đấy! Nhớ đấy, nghe chưa?

    Xe buýt chuyển bánh, tôi thấy Châu ngồi hàng cuối xe. Em ngoái lại nhìn, sau vẫy tay chào tôi lần nữa, hai má hây hây đỏ giữa tiết trời lạnh. Tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết nhìn theo chiếc xe buýt cho đến khi nó lẫn vào dòng xe cộ ở ngã tư. Bẵng đi một lúc, tôi lôi ra cây kẹo mút, mở giấy bọc rồi bỏ tọt vào miệng. Ngọt thế! – Tôi nhăn mặt. Vừa mút cây kẹo, tôi vừa nghĩ đến Châu. Một cô bé hồn nhiên, rõ ràng chẳng phù hợp lắm với tuổi mười sáu . Thời đại nào rồi còn những cô nữ sinh vô tư như vậy chứ? Chắc lại giả nai thôi! – Tôi lắc đầu.

    Đang định quay xe về trường thì thằng Cuốc và thằng Sĩ đã xuất hiện. Trông mặt chúng nó hầm hầm như sắp nuốt sống tôi đến nơi. Thằng Sĩ nói:

    -Ông vừa đèo cái Châu hả?

    -Ờ. Nhưng mà sao?

    -Ông cố tình ra sớm để đèo Châu về, đúng không? – Thằng Cuốc hỏi.

    -Đâu có, nó gọi tao đấy chứ? Tao chẳng làm gì, thề! Tao…

    Không để tôi nói hết, hai thằng hẹo liền xông vào bóp cổ đấm lưng tôi túi bụi. Thằng Sĩ gào lên:

    -Đập Muỗi! Tại sao không phải tôi đèo Châu mà là ông đèo? Grào!

    -Đóng Muối! Ông đâm sau lưng chiến sĩ phải không? Gréc!

    Và tôi học được chân lý thứ ba: những thằng bạn không nên cùng thích một đứa con gái.

    Tối hôm đó, tôi cố gắng hoàn thành nốt bức vẽ để tặng Hoa Ngọc Linh nhưng vẫn chưa thể nghĩ cách đổ màu. Chán nản, tôi tiện tay vẽ một bức chân dung. Tôi định vẽ một cô gái đáng yêu; nét đáng yêu ấy phải hiện lên từ vóc dáng, gương mặt, đôi mắt; một cô gái mà mọi thằng con trai nhìn vào đều cảm thấy cuộc đời vui hẳn lên. Lạ thay, khi hoàn thành bức vẽ, tôi nhận ra cô gái trong tranh chẳng khác gì cô bé “Trâu Điên” cả. Tôi chợt nhớ hương vị chiếc kẹo mút hồi trưa. Nó có vị dâu, rất ngọt!

    Và cô bé hay đỏ mặt, nói nhanh như súng bắn ấy đã chen ngang cuộc đời tôi một cách ngọt ngào như thế.




    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 15-12-2013 lúc 21:45.
    ---QC---


  2. Bài viết được 7 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    haininh118,Lạc Thiên,ngocnghechvn,NguyenHoang,quangheo,Thiên Lôi,Vân Tiên Khách,
  3. #12
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 12



    Nhớ lại thời cấp hai, hình ảnh Hoa Ngọc Linh cứ dần dần xâm chiếm tâm trí tôi và rồi tôi thích em từ lúc nào chẳng hay. Nhưng chỉ một chuyến đi nhờ xe, một cái kẹo mút, cô bé Châu đã chễm chệ ở một góc lớn trong trái tim tôi. Tin tôi đi, cô bé ấy là kiểu con gái mà ngày nay, bạn chỉ có thể bắt gặp ở… trường mẫu giáo. Tôi nhớ mọi thứ về Châu: tên đầy đủ là Phạm Bảo Châu nhưng toàn bị gọi là “Trâu”, vóc dáng nhỏ nhắn, tóc đen mượt thi thoảng bị rối, đôi môi tươi tắn có thể nhả chữ với tốc độ súng bắn, đôi má lúm đồng tiền sẽ đỏ bừng vì bất cứ lý do gì và cuối cùng, em sở hữu một đôi mắt biết cười. Nhìn Châu, bất cứ thằng chán đời nào cũng phải tươi tỉnh, không ít thì nhiều. Sau này, tôi cố gắng tìm một cô gái giống em nhưng vô ích. Thật!

    Sự ấn tượng ấy đã thúc đẩy tôi tiến đến làm quen với Châu. Song hay ho ở chỗ chính cô bé là người lên tiếng trước chứ không phải tôi. Sau hôm đi nhờ xe, vào buổi sáng, trong lúc hì hụi chép bài tập, bỗng một cánh tay vỗ xuống bàn khiến tôi giật mình. Tôi ngó lên và nhận ra Châu ở ngay trước mặt; em ngậm cây kẹo mút, nở nụ cười tươi rói:

    -“Trào”!

    Tôi gật gật:

    -Ờ… ờ! Chào cô! Mới sáng ra sao đã ăn kẹo rồi?

    -Kệ tớ chứ? Ai nói sáng ra không được ăn kẹo?

    -Ăn nhiều sún răng đó! – Tôi nói.

    -Kệ tớ! Ngày đánh răng hai lần, không sợ! Mà sao lại chép bài thế? Tự làm đi chứ?

    Châu giật phắt tập vở mà tôi đang chép, mắc công tôi phải đuổi theo. Em chạy nhanh khiếp, tôi chạy bở hơi tai mới bắt kịp em. Trong khi ai cũng ngáp ngắn ngáp dài, Châu lại bắt đầu ngày mới một cách đầy năng lượng như thế. Vô tư hay giả nai đây? – Tôi tự hỏi.

    Người vô tư thường hay lo chuyện bao đồng, Châu là dạng người như thế. Thí dụ như một lần nọ, thằng Sĩ đến lớp với bộ mặt hằm hằm, khắp người tỏa ra luồng khí mang tên “cấm lại gần tao”. Tôi và thằng Cuốc nhảy tới hỏi thăm thì con hẹo này xù lông cánh:

    -Chuyện riêng của tao, chúng mày biết làm đếch gì? Biến!

    Tôi và thằng Cuốc chẳng hiểu mô tê, đành lẩm bẩm “kệ mẹ nó” và lỉnh ra chỗ khác. Suốt ngày hôm ấy, không đứa con gái nào dám bén mảng gần thằng Sĩ quá hai mét, kể cả lũ gà mái hằng ngày xun xoe quanh nó. Thề, những thằng bảnh và chảnh một khi bực bội là như con mèo cái đang đau đẻ. Sự việc càng tồi tệ hơn khi có vài thằng trêu chọc thằng Sĩ. Trong giờ ra chờ, bọn kia luôn mồm gọi nó:

    -Đĩ làm sao thế Đĩ ơi? Cười lên cho bớt đĩ hơn nào!

    Thằng Sĩ ban đầu không để ý, nhưng bị chọc mãi cũng phát điên. Nó quay lại chửi đổng:

    -Đĩ cái Đun Củi Lửa nhà chúng mày! Bố lại chả vả vỡ mồm từng thằng bây giờ!

    Hai bên lời qua tiếng lại, cuối cùng là cả lũ khoảng bốn năm đứa định xông vào hội đồng thằng Sĩ. Ông thần bảnh và chảnh này cũng chẳng vừa, tay chân vung loạn xạ (nó đấm đau kinh khủng), mồm gào to chẳng kém:

    -Con mẹ giỏi thì lần lượt vào đây! Bố đập vỡ loa từng đứa! Vào đây coi!

    Trông đám đánh nhau, tụi con gái chẳng đứa nào dám ngăn lại. Tôi và thằng Cuốc định chạy ra can, nhưng chưa cần hai đứa bọn tôi thì Châu đã đứng ở giữa đám. Em đẩy thằng Sĩ ra rồi quay ra nói với lũ kia:

    -Mọi người bình tĩnh đi! Mà mấy người đánh một người không thấy hèn à?

    Nghe Châu nói thế, mấy thằng nọ tự động rút lui. Thằng Sĩ cũng biến về chỗ, mặt hằm hằm, toàn thân bốc ra luồng khí mang tên “cấm đụng chạm”. Nhưng dường như chẳng hề cảm thấy luồng khí đáng sợ từ người thằng Sĩ, em vẫn đến bên nó và hỏi han:

    -Hôm nay Sĩ làm sao thế, ốm à? (Châu không bao giờ gọi biệt danh, nhưng tôi để thế này cho tiện)

    -Không. – Thằng Sĩ đáp cụt lủn.

    Cái mặt thằng này sàu sạu như muốn bụp thằng nào đấy cho đỡ tức. Tâm lý tình cảm của thằng con trai tuổi mới lớn phức tạp hơn đàn bà khi yêu nhiều lắm. Nhưng Châu không có ý định khuyên nhủ hay tỏ ra đồng cảm với thằng Sĩ, cô bé chỉ chìa ra cây kẹo mút và nói:

    -Kẹo không? Ăn kẹo rất tốt cho sức khỏe! Tớ đọc báo thấy người ta bảo ăn ba mươi cái kẹo trong một ngày sẽ không bị stress! Người ta bảo ăn kẹo sẽ yêu đời hơn thông minh hơn thoải mái hơn!

    Em nói nhanh như đạn bắn, không cả ngắt nghỉ. Và khi thấy thằng Sĩ nhìn mình hồi lâu, cô bé đỏ bừng mặt:

    -Tớ nói sai à?

    Thằng Sĩ cười ngặt nghẽo rồi nhận lấy cây kẹo mút của Châu. Chẳng rõ công dụng của kẹo đúng như Châu nói hay không, nhưng kể từ đó, mặt thằng Sĩ dịu đi hẳn. Giờ ra chơi, cháu nó mới gọi hai thằng bạn để… tâm sự. Mà nào phải chuyện gì to tát? Hôm chủ nhật, nó xin mẹ đi bơi nhưng bà cụ không cho mà bắt ở nhà học. Bị ngăn cấm, nó cãi nhau với mẹ và dĩ nhiên, chẳng đứa con nào thắng được mẹ mình trừ phi bà mẹ coi nó là con vàng con bạc. Chuyện đơn giản là thế song thằng Sĩ hậm hực cả ngày. Nó bức xúc:

    -Học hành cả tuần mệt mỏi rồi, giờ tao xin đi bơi cũng không được? Chúng mày thấy thế nào? Bố mẹ toàn tự cho mình là đúng, chẳng hiểu con cái gì hết!

    Thực tình, thời gian nó đi chơi điện tử cũng bù đắp cái gọi là “học hành mệt mỏi”. Dù vậy, thằng Sĩ có lý lẽ riêng và tôi không bình luận nó đúng hay mẹ nó sai.

    -Tại sao Châu lại hỏi thăm tao nhỉ? Hay… nó thích tao? – Thằng Sĩ chống cằm mơ màng.

    Tôi không phản đối ý nghĩ này của thằng Sĩ. Nó bảnh, tụi con gái thích nó âu cũng thường tình. Nhưng thằng Cuốc phản đối ngay:

    -Thích cái búa! Cái Châu lúc nào chả thế! Tưởng bở vừa thôi ông ạ!

    -Đập Muỗi, có gì sai chớ? Mà sao mày phải sồn sồn lên?

    -Đóng Muối, mày nói sai thì tao sửa, sao phải gân cổ lên?

    Hai thằng tiếp tục màn cãi vã bất tận của chúng nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ thằng Cuốc nói đúng. Khi đối xử với bất cứ ai, Châu đều vô tư như thế.

    Và bởi vì vô tư nên có lúc Châu lại vô ý. Một lần nọ, thằng Sĩ rủ được Châu đi ăn ốc luộc. Ngày ấy, ngoài cổng trường cấp ba không thiếu của ngon vật lạ, đi một tí là có ngay đồ ăn. Ngồi ăn gì không biết chứ ngồi ăn ốc luộc là cô bé “Trâu điên” cứ xả chuyện như súng xả đạn. Em nói nhanh, chuyển chủ đề cũng nhanh, như chong chóng xoay mòng mòng, thằng Sĩ và tôi còn bắt kịp chứ thằng Cuốc toàn lệch sóng. Sau một hồi lòng vòng, câu chuyện chuyển về chiếc xe đạp của thằng Cuốc và nó đã bắt được tín hiệu. Sau khi nghe cả bọn mô tả cả đống chuyện về cái xe hài hước đó, Châu bèn nói:

    -Sao Cuốc không bảo mẹ mua xe mới?

    -Bà cụ ki bo lắm! – Thằng Cuốc cười – Mọi bà già đều ki bo!

    Tôi và thằng Sĩ cùng giơ ngón cái khen thằng này phán chuẩn. Châu liền “bắn” ngay:

    -Thì xin bố! Mẹ không cho thì bố sẽ cho! Tớ toàn thế thôi, xin mẹ không được liền chạy sang xin bố, kiểu gì bố cũng cho!

    Đang hào hứng, khóe miệng thằng Cuốc chợt chùng xuống rồi cố nhếch lên một nụ cười gượng gạo. Tôi và thằng Sĩ biết ngay có chuyện không ổn – dù chưa biết nó là cái gì. Nhưng Châu không hề nhận ra mà vẫn thao thao bất tuyệt – em cũng như bao cô gái khác, hễ dính vào ốc luộc là chẳng biết trời đất chi nữa:

    -Về xin bố đi! Rình đầu tháng ấy, hôm ấy cơ quan mới phát lương! Nhá? Mua được rồi thì nhớ rửa xe, mời tớ ốc luộc!

    Tôi rướn chân khẽ đá vào chân của Châu. Em ngạc nhiên, nhưng rồi cũng nhận ra sự tình. Thằng Sĩ nhanh mồm đổi chủ đề khác:

    -Tuần sau ai đi bơi không?

    Chúng tôi vẫn nói chuyện, vẫn bàn bạc thi cử và cả kế hoạch bơi của thằng Sĩ (con bà nó giữa tháng 2 đòi đi bơi!), nhưng không khí kém vui hẳn vì Châu không nói gì nữa. Em im lặng, nghe bọn tôi đấu láo về chế độ chơi mới trong Võ Lâm Truyền Kỳ, thi thoảng nở nụ cười vì thằng Sĩ làm trò khỉ. Tới lúc nhờ đèo ra bến xe, em vẫn không nói thêm câu nào, đôi mắt cứ dán lên lưng thằng Sĩ. Trước lúc lên xe buýt, em vẫy tay chào tạm biệt ba thằng cùng một câu “về nhé” rất khẽ trong miệng. Đùa chứ mới có vài phút mà sao cô bé thay đổi nhanh thế?

    Châu về rồi, tôi và thằng Sĩ mới hỏi chuyện thằng Cuốc; cả hai đều té ngửa khi thằng Cuốc nói bố nó đã mất từ lâu. Châu quá vô tư, thành ra em vô ý đụng chạm nỗi đau của thằng Cuốc, nhưng chính sự vô ý đó lại vạch mặt tôi và Sĩ là hai thằng vô tâm. Chơi với thằng Cuốc bốn tháng, đến nhà nó tam tứ thứ lần mà bọn tôi chỉ biết cắm mặt vào chơi điện tử, chẳng thèm hỏi han gia đình nó tròn méo ra sao.

    -Không vấn đề gì đâu! – Thằng Cuốc cười với tôi – Ông cụ mất khi tôi còn bé quá, khoảng ba bốn tuổi, nên tôi chẳng ấn tượng về bố nhiều lắm.

    Lời thằng Cuốc khiến hai đứa bọn tôi bớt tội lỗi phần nào. Dù vậy, đây là bài học cho tôi tự xem lại cách đối xử bạn bè của mình.

    Nhưng Châu thì không như vậy. Chẳng biết em moi móc thông tin thế nào mà ngay ngày hôm sau đã rõ tình cảnh gia đình thằng Cuốc. Cuối giờ học, đợi cả lớp ra về hết, em gọi thằng Cuốc ở lại rồi đưa cho nó một lô một lốc kẹo mút:

    -Cho tớ xin lỗi nhé! Tại tớ không biết! Hôm qua tớ lỡ miệng! Cuốc cho tớ xin lỗi nhé! Cuối tuần này tớ sẽ mời Cuốc ăn ốc luộc! Cho tớ xin lỗi!

    Em vừa xin lỗi, vừa quệt nước mắt đang chảy ra từ khóe mắt, trong khi tay kia vẫn chìa đống kẹo mút về phía thằng Cuốc. Trông cảnh ấy, thằng Cuốc câm như hến, không thốt được từ nào. Tới khi tôi sút vào chân, nó mới lắp bắp được vài từ:

    -Ờ ờ! Không có gì đâu mà! Tớ… tớ… ờ, thôi được rồi! Tớ nhận! Được rồi, thì ốc luộc!

    Châu nhoẻn miệng cười với khuôn mặt đỏ lựng cùng những giọt nước mắt rớt trên gò má, hệt như một đứa trẻ khi được tha lỗi. Trên đường về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về biểu hiện của Châu. Em không giống những đứa con gái khác. Bọn con gái lớp tôi đại đa số không buôn dưa lê cũng bán dưa chuột, hai đứa chơi với nhau nhưng sẵn sàng nói xấu nhau khi có người thứ ba, chành chọe nhau chỉ vì cái quần cái áo. Châu vô tư quá, thành ra… tôi nghi ngờ. Tôi nghĩ em giả nai để lôi kéo càng nhiều vệ tinh càng tốt (bọn con gái, nhất con gái đẹp rất thích trò bẩn bựa này). Tôi nói với hai thằng bạn:

    -Này, chúng mày có nghĩ cái Châu giả nai không? Ý tao là cố tình tỏ ra trẻ con ấy?

    Tôi vừa dứt lời, thằng Sĩ nói ngay:

    -Không đâu! Thề, tôi suốt ngày nói chuyện với lũ con gái, đứa nào thật đứa nào giả tôi biết ngay! Cái Châu thật lòng đấy!

    -“Chuận” luôn! – Thằng Cuốc hưởng ứng – Châu không giống mấy đứa khác đâu!

    Hai thằng thường ngày cãi nhau như chó với mèo, giờ chung một chiến tuyến nhất quyết bảo vệ cô bé “Trâu điên”. Tôi ngạc nhiên:

    -Ô hay, chúng mày ăn nhiều kẹo mút quá nên lú hết à?

    Thằng Sĩ ngoạc mồm:

    -Đập Muỗi, sao ông cứ phải nhìn đời với con mắt tiêu cực thế nhỉ? Thằng điên, thằng đần, thằng… Grào!

    -Đóng Muối, cái Châu nó khóc như thế mà ông bảo giả nai à? Ông nhìn người kém lắm, còn phải học tập nhiều… Gréc!

    Bị hai cái mồm công kích, tôi đành phải chịu thua. Dù vậy, tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng Châu đang bày trò “giả nai” trước mặt lũ con trai. Tôi là kẻ hơi bảo thủ và thích áp đặt định kiến lên người khác. Nhưng thực sự, tôi đã suy nghĩ quá tiêu cực. Cuộc đời lắm sự lạ và Châu là một trong những “sự lạ” như thế.

    Có một dạo, cô bạn của Châu bị hỏng xe và em thường nhờ một trong ba đứa bọn tôi chở giùm ra bến. Thằng Sĩ nhanh miệng khéo lưỡi nên thường được em lựa chọn. Ông bạn Cuốc ít cơ hội hơn vì xe hắn hay bị xì lốp, mồm mép cũng kém khéo bằng. Tôi còn ít hơn cả thằng Cuốc do không mở miệng săn đón Châu (nói toẹt ra là nhát gái), số lần đèo em tính trên đầu ngón tay. Nhưng một ngày cuối tuần nọ, thằng Sĩ lẫn thằng Cuốc phải ở lại lớp viết bản kiểm điểm do bị ghi sổ đầu bài, Châu liền nhờ tôi đèo ra bến xe. Trên đường đi, em hỏi:

    -Tùng biết vẽ phải không?

    Tôi khá ngạc nhiên. Ngoài hai thằng bạn lẫn thằng Choác, tôi chưa từng kể bí mật này cho ai. Tôi hỏi:

    -Sao cô biết?

    -Hôm trước Cuốc kể cho tớ nghe. Cuốc bảo Tùng vẽ đẹp lắm!

    Tôi chột dạ, trong lòng chửi thầm thằng Cuốc dại gái thích ba hoa. Và nỗi lo của tôi trở thành sự thật khi Châu nói:

    -Bức tranh mà Sĩ tặng tớ là Tùng vẽ phải không?

    -Ờm… ờ. – Tôi ậm ừ.

    Châu cười, cô bé bắn tía lia:

    -Tranh đẹp lắm! Tớ treo hẳn lên tường đấy! Mấy đứa bạn đến hỏi “Ôi tranh đẹp thế, ai vẽ đấy?” thì tớ bảo “do một anh đẹp trai tặng”. Hì hì! Nhưng đừng lo, tớ không nói với Sĩ đâu, coi như đây là bí mật nhé! Mà sao tớ chưa bao giờ thấy Tùng vẽ ở lớp nhỉ?

    Tôi lắc đầu:

    -Chẳng ai thích đâu!

    Châu giãy nảy khiến xe đạp chao đảo, cái miệng xả chữ như bắn súng:

    -Tại sao lại không? Ai chẳng thích con trai vẽ đẹp? Tại sao phải giấu chứ? Này, tớ cũng vẽ đấy nhé!

    Tôi cố giữ thăng bằng tay lái trước sự “nhiễu loạn” của cô bé. Tôi nói:

    -Ngồi yên đi cô ơi! Người đi đường người ta nhìn kìa!

    -Kệ người ta chứ! – Châu hồn nhiên trả lời – Mà tại sao Tùng lại giấu?

    Lý do tôi giấu kín đam mê của mình, hẳn ai theo dõi câu chuyện này đã biết cả. Nhưng tâm sự nó trước mặt một cô gái không hề dễ dàng. Sự thực thì con gái khoái những cái gì có khả năng thể hiện ngay lập tức, ví dụ như hát. “Hát hay và các cô gái sẽ chạy đến với bạn!” – Eddie Murphy đã nói thế và anh ta đúng “chăm phần chăm”. Ở trường tôi có một gã học khóa trên khá nổi tiếng, hắn nổi tiếng vì xấu giai, xấu kinh dị luôn! Bù lại, trời ban cho hắn một giọng hát khá ngọt, mà hễ cất lên bài “Miền cát trắng” của Quang Vinh hay “Căn gác trống” của Ưng Hoàng Phúc là ối em gục. Nếu sở hữu biệt tài giống thằng cha ấy, tôi sẽ phô trương ngay. Song vẽ khác hát nhiều lắm! Dồn sức vẽ một bức tranh, đổ màu các kiểu con đà điểu, cuối cùng chỉ nhận được cái gật gù từ bạn bè “ờ, cũng được!” và chúng nó sẽ quên ngay vào sáng hôm sau. Bạn mình còn thế, huống hồ bọn con gái?

    Với suy nghĩ đó, tôi đáp lại Châu:

    -Vẽ chơi chơi vậy thôi.

    -Tùng muốn làm họa sĩ à? – Cô bé hỏi tiếp.

    Họa sĩ là chức danh mà bất cứ thằng ham vẽ nào cũng muốn đạt tới. Tôi từng nghĩ mình sẽ trở thành Picasso hoặc Van Gogh – một ý nghĩ bình thường của thằng chọi con nhiều ước mơ hoài bão. Nhưng một lần nữa, tôi lại giấu kín tâm sự:

    -Không! Đã bảo vẽ chơi thôi! Làm họa sĩ để đói mốc mồm à?

    Châu im lặng hồi lâu. Lát sau, em tiếp lời:

    -Tớ thích vẽ lắm! Tớ muốn làm họa sĩ truyện tranh, họa sĩ vẽ manga ấy!

    -Vậy hả?

    -Ừ! Tớ muốn vẽ truyện gì đấy giống “Con nhà giàu” hoặc “Nữ hoàng Ai Cập” chẳng hạn!

    Tôi phì cười. Đầu óc con gái quanh năm suốt tháng chỉ loanh quanh tình yêu và giai đẹp, tại sao không phải là “Bảy viên ngọc rồng”, “Phong Vân” hay cái gì đại loại thế? Tôi chép chép miệng:

    -Tại sao mấy cô cứ phải quằn quại những chủ đề ấy nhỉ?

    -Hay mờ! – Châu dài giọng – Tớ muốn sáng tác một truyện giống thế! Nhưng mới chỉ dừng ở vẽ phác thảo thôi, hôm nào Tùng xem hộ tớ được không? Hì!

    Tìm được người chung sở thích khó vô cùng nên nghe em nói vậy, tôi nhận lời ngay. Sáng hôm sau, em đưa tôi khá nhiều bức vẽ nhân vật truyện tranh hoặc hoạt hình. Một số bức tranh vẽ lại còn đại đa số do em tự nghĩ ra. Vẽ lại nhân vật thì đơn giản, vẽ nhân vật trong tư thế hay hành động theo trí tưởng tượng của mình mới khó. Tôi phải công nhận Châu vẽ rất đẹp và có trí tưởng tượng phong phú. Thậm chí có vài góc vẽ mà tôi vẽ rất dở như góc nhìn từ đỉnh đầu nhân vật trở xuống. Xem xong mấy bức tranh, tôi gật gù cười đểu:

    -Tốt, vẽ đẹp thế này… cho làm họa sĩ vẽ hentai được!

    Châu cấu vào tay tôi một phát rõ đau. Em nhăn mặt:

    -Đừng tưởng tớ không biết hentai là cái gì nhé! Đồ xấu xa!

    -Rồi rồi, xin lỗi! Nhưng cô muốn làm họa sĩ truyện tranh thật hả?

    Châu gật gật:

    -Ừ! Tớ muốn thi vào trường Mỹ Thuật. Ở đó, tớ sẽ học được nhiều thứ hơn rồi làm họa sĩ vẽ truyện tranh. Tập truyện của tớ sẽ được bày bán khắp nơi, rồi tớ ngồi một chỗ ký tặng cho fan hâm mộ! Nghe hay không?

    Tôi bật cười. Cười vì suy nghĩ của Châu quá đỗi vô tư. Em nhăn mũi:

    -Cười gì? Này, tớ nói thật lòng đấy nhé! Còn hơn Tùng muốn trở thành họa sĩ mà không dám nói thật!

    -Sao cô chắc chắn thế?

    Em cầm tay phải của tôi rồi chỉ vào ngón giữa. Do cầm bút vẽ lâu và một ngày vẽ rất nhiều nên đốt ngón giữa của tôi lõm rất sâu và có chai. Châu cười:

    -Vẽ chơi chơi mà thế này à? Đừng có dối nữa đi! Sao cứ phải giấu? Có gì sai khi mơ ước trở thành họa sĩ chứ?

    Tôi lại cười, cười vì… mình không bằng em. Tôi cũng có hoài bão, có ước mơ nhưng lại không dám chia sẻ. Sự thất bại của kẻ lắm ước mơ là không thể chia sẻ những ước mơ đó cho bất cứ ai. Nhưng với bản chất của một thằng cứng đầu, tôi vẫn nói:

    -Vẽ chơi thôi! Tôi không định làm họa sĩ! Họa sĩ nghèo…

    Châu gạt phăng lời tôi và chìa ra đống kẹo mút:

    -Không nói nữa, ăn kẹo không?

    Tôi lắc đầu. Em ngậm kẹo mút, gương mặt hơi hậm hực, sau lẩm bẩm rõ to:

    -Đứa nào không ăn kẹo là đứa ấy ngu!

    -Hả?

    Đó, Châu cứ sống vô tư như thế. Tất nhiên, tôi không thay đổi một sớm một chiều nhưng nhờ sự vô tư của em, tôi cởi mở lòng mình hơn. Mỗi ngày, tôi lại cho Châu xem một bức tranh cùng những ý tưởng và câu chuyện đằng sau nó. Em lắng nghe chăm chú, lúc thì khen nét vẽ đẹp, lúc thì góp ý những chỗ chưa ổn. Những lời nói của em đều xuất phát từ sự chân thành, không giống kiểu lên tiếng cho có của một cô gái phát nản khi nghe thằng con trai chém gió. Tôi cảm thấy vui, bởi lẽ tác phẩm của mình được khen ngợi hay góp ý. Ngay cả hồi cấp hai, Hoa Ngọc Linh cũng chưa từng đánh giá cao mấy hình vẽ bậy bạ trong sách giáo khoa của tôi (thực chất là hình manga).

    Sự xuất hiện của Châu đã khiến tôi xao nhãng dần cái tên Hoa Ngọc Linh. Mỗi lần ra hàng điện tử, tôi không còn đợi chờ tin nhắn Yahoo! của em nữa. Tôi cũng bỏ bẵng luôn bức tranh dang dở, thành ra quên luôn tặng quà sinh nhật cho em. Có lần, Linh nhắn tin cho tôi thế này:

    Mày khỏe chứ?
    Dạo này học hành thế nào? Ăn Tết vui không
    Mà mày chưa tặng quà sinh nhật cho tao đấy nhé! ^^
    Muốn tao tặng quà gì không?
    Tao không nghe được metal đâu, nặng đầu lắm! :P
    Nhưng nếu mày thích, tao sẽ tặng một đĩa metal thật nặng, thổi bay đầu luôn! ^^
    Trả lời tao sớm nhé!
    ”.

    Như thường lệ, tôi vẫn trả lời tin nhắn của Linh. Nhưng lần này không lê thê như mấy lần trước nữa:

    Tao quên mất đấy
    Tao sẽ tặng cho mày sau
    Khi nào gặp nhau thì mày tặng tao cái đĩa cũng được
    Thế nhé
    À quên, dạo này mày khỏe chứ?
    ”.

    Chữ ít, đồng nghĩa với việc tình cảm tôi dành cho Linh cũng vơi bớt. Thậm chí, có khi Linh nhắn tin giữa lúc tôi đang chơi điện tử nhưng tôi cũng bỏ qua. Đôi lúc nghĩ đến em, lòng tôi hơi lợn cợn, song mỗi ngày đến lớp, sự lợn cợn đều tan biến trước nụ cười của Châu. Phải chăng đàn ông là sinh vật dễ thay đổi? Có lẽ đúng thế thật!

    Cuộc sống năm lớp 10 cứ bình lặng trôi qua. Bỗng một ngày nắng tháng tư, thằng Cuốc bảo tôi:

    -Dạo này ông không hay qua nhà tôi nhỉ? Mải vẽ à? Này, qua nhà tôi rồi chơi thử Call of Duty xem, hay cực!

    Tôi nhận lời và về nhà nó. Trò chơi hay tới nỗi gần một giờ chiều tôi mới chịu nhấc mông đi về. Lúc dắt xe ra cửa, tôi định đi ngược đường để về nhà nhanh hơn. Nhưng cái nắng oi bức khiến tôi nhớ lại những ngày hè năm lớp 9. Như một phản xạ tự nhiên, tôi bèn quay xe và đạp xuôi theo con đường. Lúc đi qua ngôi nhà của Hoa Ngọc Linh, tôi lại đạp chầm chậm. Mới vài tháng trước, tôi còn chầu chực ở đây, ngay trước cổng ngôi nhà này. Nhưng thời gian thay đổi, con người cũng phải thay đổi. Tôi tự nhủ rằng câu chuyện thời cấp hai giữa tôi và em chỉ là một kỷ niệm đẹp. Kỷ niệm rồi sẽ qua đi và chẳng bao giờ quay lại nữa. Rồi tôi và em sẽ bớt nói chuyện trên Yahoo!, mỗi đứa sẽ bước theo những con đường riêng.

    Tôi cứ nghĩ như thế cho tới khi đạp xe đến đầu phố. Phố xá vẫn thế nhưng có cái gì đấy thiêu thiếu. Nhìn ngược nhìn xuôi, tôi chợt nhận ra cây phượng năm nào đã bốc hơi, chỉ còn lại một cái gốc nằm trơ thơ lơ bên vệ đường. Tôi vội vòng xe sang vệ đường để nhìn cho rõ, như chưa tin chuyện trước mắt, tôi bèn hỏi một người đi đường:

    -Bác ơi, cho cháu hỏi, cái cây phượng ở đây đi đâu rồi?

    -Người ta cưa rồi cu ạ! – Người nọ cười – Hình như họ định xây nhà ở đây nên phải cưa bớt cây đi!

    Tôi chùng xuống và hụt hẫng. Một phần tâm hồn tôi đã ở đây cùng cây phượng, nhưng người ta đã chặt đi mất. Tồn tại không ai quan tâm, mất rồi mới thấy giá trị - cây phượng đã sống trong lòng tôi như thế.

    Bần thần hồi lâu, tôi vội vã đạp xe về nhà và lôi ra bức tranh dang dở thuở trước. Nguyên cả ngày hôm ấy, tôi hết vẽ lại đổ màu, bỏ luôn cả bữa tối lẫn lời ca thán của mẹ. Rồi ngày hôm sau, tôi nhờ thằng Sĩ bọc bức tranh khung gỗ và giấy gói quà. Nó bảo tặng ai thì tôi chỉ ậm ừ “tặng bạn”. Ngoài bức tranh ra, tôi còn để lại một thiệp chúc mừng cùng lời nhắn:

    “Chúc mừng sinh nhật nhé! Hy vọng là mày thích! Xin lỗi vì thời gian qua không trả lời tin nhắn của mày! He he, tao thích vẽ lắm, khi nào vẽ xong một bức, tao sẽ cho mày xem, coi như là xin lỗi đi! Vậy nhé!”.

    Tan học, tôi chạy qua nhà Linh và chờ đợi. Song một giờ rồi hai giờ chiều vẫn chẳng thấy bóng dáng em đâu, tôi bèn luồn bức tranh qua khe cửa sắt với hy vọng em sẽ thấy nó khi đi học về. Tôi muốn níu kéo kỷ niệm, muốn chúng sống lâu hơn nữa.

    Nhưng như tôi đã nói, đến tận bây giờ, tôi chẳng biết Linh có nhận được món quà ấy hay không nữa…



    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 21-12-2013 lúc 01:36.

  4. Bài viết được 7 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    haininh118,Lạc Thiên,ngocnghechvn,NguyenHoang,quangheo,Thiên Lôi,Vân Tiên Khách,
  5. #13
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 13




    Tôi của thời cấp ba khác nhiều so với thời cấp hai, bởi lẽ một phần tâm hồn tôi đã ở lại với quá khứ. “Nó” – thứ tâm hồn ấy vẫn quẩn quanh trong những trò nghịch ngu, cái nắm tay vụng trộm giữa mùa đông và con đường trải nắng có cây phượng xòe bóng. Tôi và “nó” sẽ cùng nhau lớn, hoặc là tôi đã từng nghĩ thế.

    Nhưng tôi càng lớn bao nhiêu, “nó” càng thụt lùi bấy nhiêu. Không còn những trò nghịch ngu nữa, không còn thể hiện cái tôi trẻ trâu trước mặt người khác nữa, “nó” đang dần xa rời tôi mà chính tôi chẳng hay biết. Chỉ đến khi cây phượng năm nào bị người ta chặt mất, tôi mới giật mình. “Nó” đang biến mất. Chỉ còn cái nắm tay ấm áp thuở xưa vẫn tồn tại trong trí nhớ của tôi. Nhưng đó là tôi…

    …Linh thì sao? Liệu em còn nhớ không?

    Và để níu giữ “nó” – thứ tâm hồn đầy kỷ niệm ấy, tôi đã vẽ. Trong thiệp chúc mừng sinh nhật, tôi đã nói mỗi khi hoàn thành một bức tranh, tôi sẽ cho Linh xem. Và để thực hiện lời hứa, suốt ba tháng hè sau, tôi vẽ liên tục. Tôi vẽ trong âm thanh của rock và metal, bao nhiêu bài hát là từng ấy lần tâm trạng tôi biến đổi, chủ đề tranh vì thế khá đa dạng. Khi thì tôi vẽ tranh fantasy – thể loại sở trường, khi thì tranh tĩnh vật, cũng có lúc tôi biến tờ giấy A4 thành những trang truyện tranh hài hước. Mỗi khi hoàn thành một bức, tôi lại đạp xe sang nhà thằng Choác hoặc thằng Cuốc và nhờ chúng nó thẩm định. Nếu chúng nó bảo “cũng được” hoặc “bình thường”, tôi sẽ vẽ lại. Nếu chúng nó bảo “được” hoặc “đẹp”, tôi sẽ đạp xe thêm vài cây số nữa để mang bức tranh tới nhà Linh. Tôi muốn cho em biết đam mê của mình, muốn thanh minh rằng chỉ vì mê vẽ quá mà tôi quên mất quà sinh nhật.

    Nhưng gặp Linh khó hơn lên trời. Hễ ra hàng điện tử, việc đầu tiên tôi làm là mở Yahoo! và ngó vào nick em. Phiền nỗi mỗi khi tôi online thì em lại offline, nhắn tin nhiều thế nào, em cũng không trả lời. Nội dung tin nhắn cũng chẳng thay đổi mấy, đại khái thế này:

    “Mày có xem mấy bức tranh không? Đẹp chứ? ^^
    Cho tao xin lỗi về quà sinh nhật nhé, tại tao quên! He he!
    Thích tao vẽ cái gì thì cứ bảo nhé!
    Mà năm lớp 10 mày học hành thế nào?
    Tao được học sinh trung bình thôi, cơ mà giờ ai quan tâm mấy bằng khen nữa chứ? :))
    Mày có bị các cụ nói về chuyện thi đại học không?
    Tao bị nói suốt!
    Đ.M cứ trường này trường kia, mệt hết cả người!
    Tao khoái vẽ, chắc tao sẽ xin vào ngành mỹ thuật!
    Chẳng biết các cụ đồng ý không nữa
    Vậy thôi
    Trả lời tao sớm nhé! :D”.

    Chẳng hiểu vận số đen đủi thế nào, đã không gặp được trên mạng thì chớ, tôi cũng chẳng gặp được Linh ngoài đời. Mỗi lần qua đưa tranh, tôi lại đợi chờ trước cửa nhà em; hôm đợi một tiếng, hôm đợi hai tiếng, hôm đợi nguyên cả buổi chiều. Em cứ gieo vào lòng tôi cả thất vọng lẫn hy vọng bằng sự vắng mặt của mình. Có lẽ em giận tôi vì không trả lời tin nhắn Yahoo!, không tặng quà sinh nhật đúng hẹn, thế nên em chẳng đả động gì quà sinh nhật của tôi luôn. Nhưng tôi không nản. Tình cảnh này cũng chẳng khác sự vụ năm lớp 7 mấy, nên tôi tin rằng Linh sẽ sớm vui tươi trở lại.

    Nguyên cái vụ tặng tranh cũng phát sinh lắm chuyện bên lề. Vì không gặp được em nên tôi toàn phải luồn tranh qua khe cửa sắt. Phiền nỗi ba tháng hè ở cái xứ Hà Nội này mưa nắng thất thường; có hôm tặng tranh xong, tôi đang túc tắc về nhà thì trời nổi gió cùng mây đen rồi ào mưa xuống. “Ôi thôi Đập Con Muỗi Văng Cuốn Lịch nhà con rồiiiiiiiiii!” – Tôi lẩm bẩm. Đợi ngớt mưa, tôi cuống cuồng đạp xe quay trở lại nhà Linh và cảnh tượng đau lòng hiển hiện: bức tranh dính bét trên đất, nhoe nhoe nhoét nhoét không còn ra hình gì cả. Sau này, nhằm tránh bị mưa, tôi bọc tranh trong túi nylon, sau khi luồn nó qua khe cửa sắt, tôi lại đặt một tấm bìa các-tông lên trên. Trừ phi mưa thối đất ba bốn ngày chứ trước những cơn mưa rào ngày hạ, tranh của tôi vẫn sống khỏe.

    Do hay lượn lờ trước cổng nhà em nên một số người nghĩ tôi là quân ăn trộm. Một ngày nắng chang chang tháng bảy, lúc tôi đang lúi húi luồn tranh qua cửa sắt thì một ông trật tự phường xuất hiện và quát:

    -Thằng kia, mày làm gì đấy?

    Tôi giật mình, mồm mép luống cuống:

    -Cháu làm… làm gì đâu ạ?

    -Mày rình mò trước cửa nhà người ta làm gì? Định ăn trộm hả?

    Ông trật tự phường này cao to, đầu trọc lốc, mặt mũi bặm trợn, hai tay như máy khoan đường. Ổng mà tung chưởng, khéo tôi bắn sang tận Công Gô. Tôi thật thà khai báo:

    -Dạ, cháu chỉ tặng bạn tranh thôi! Nhà bạn ấy ở đây, hôm nay sinh nhật bạn ấy nên cháu tặng mà!

    Tôi chìa ra bức tranh cho ông trật tự phường. Ổng ngó ngó một lúc rồi phán:

    -Đ.M dăm ba cái tranh vớ vẩn! Gái giờ nó không yêu mấy thằng họa sĩ đâu, cu ạ! Về học hành tử tế, kiếm nhiều tiền rồi mày muốn cưa con nào cũng được!

    Tôi cười nhạt, mắt đảo quanh kiếm xem có viên gạch nào gần đó không. Chê tác phẩm của tôi thì được chứ chửi thì đáng bị táng gạch lắm! He he, đùa thôi. Không riêng ông trật tự phường mà nhiều người cũng nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ như thế. Cuộc sống đang thay đổi, những anh chàng trồng cây si lì cây chuối trước cổng nhà cô gái mình thích như tôi đây dần biến mất. Thế nên người ta nghi ngờ cũng phải.

    Qua ba tháng hè, tôi đã tặng Linh ba mươi lăm (35) bức tranh. Vào năm học mới, tôi vẫn vẽ, vẫn tặng em tranh, hầu như không quan tâm học hành hay áp lực thi đại học. Mặc dù tôi đã cố giấu giếm nhưng bố mẹ thừa biết tôi vẽ nhiều hơn học. Mẹ tôi thi thoảng nói bóng nói gió:

    -Con người ta hết tìm học bổng này học bổng nọ, đi du học, học tiếng Anh! Con mình thì suốt ngày vẽ vời!

    Một cách trẻ trâu và bướng bỉnh, tôi không nghe lời bố mẹ. Tôi thu mình, tránh tiếp xúc với họ. Tuổi mười bảy, tôi nghĩ đấng sinh thành không hiểu tôi, không hiểu nguyện vọng của tôi, không hiểu công việc tôi đang làm. Tôi như người mộng du lang thang trong những khát vọng của chính mình. Chẳng cần biết sau này mình làm gì, trở thành cái gì, có trách nhiệm với ai, lúc ấy, tôi chỉ biết vẽ, rock và metal. Tuổi mười bảy của tôi giống như bài hát “Only for the weak” của ban nhạc In Flames, một bài hát đầy tâm sự, bực dọc với những mối quan hệ và cuối cùng gào lên:

    No need for sympathy, the misery that is me! – chẳng cần sự cảm thông, tự tay tôi sẽ làm nên điều kỳ diệu!”.

    Dại khờ – tôi tự gọi thời đó như vậy. Dại khờ vì số tranh tôi vẽ ra xêm xêm số tóc trên đầu tôi (tôi là thằng tóc tốt), dại khờ vì quay cuồng trong những bản nhạc rock và metal…

    …và dại khờ vì trót thích một cô gái.

    Sang lớp 11, ba lớp chọn (B1, B2, B3) từ khu nhà mới chuyển về khu nhà cũ, nhường khu nhà mới cho khối 10. Lớp B3 của thằng Choác nằm ngay cạnh lớp B4 của tôi, thành ra cứ giờ ra chơi, tôi hoặc nó lại chạy sang lớp của nhau. Nhiều lần như thế, thằng Choác quen luôn hai ông bạn Sĩ và Cuốc. Bốn đứa chúng tôi lập thành nhóm chơi chung, ăn chung và cùng tâm sự. Những thằng con trai mới lớn thì đầy chuyện để tâm sự, tiêu biểu nhất là chuyện gái gú. Có một hôm, thằng Sĩ khởi xướng chủ đề “cô gái lý tưởng”, nó bắt đầu nói:

    -Tao phải yêu một con xinh, ngoan, biết nấu ăn, biết thông cảm cho tao, biết chăm sóc tao khi tao mệt mỏi hoặc đau ốm! Và quan trọng là chung thủy!

    Ba thằng còn lại châu đầu vào nhau bàn tán. Thằng Cuốc nói:

    -Cái tính chảnh của nó thì ai thông cảm được nhỉ? Họa có mẹ nó mới thông cảm cho nó!

    -Mà con nào vừa xinh vừa thảo hiền vừa nấu ăn ngon thế? – Tôi phụ họa.

    -Thôi Sĩ ơi, mày lấy tao đi, tao vừa nấu ăn ngon vừa ngoan hiền nè! – Thằng Choác tru môi hôn chụt chụt.

    Cả lũ cười khả ố rồi kết luận một câu: đứa con gái lý tưởng của thằng Sĩ không tồn tại. Xong thằng Sĩ rồi đến lượt thằng Cuốc:

    -Tao phải yêu một con biết chơi Call of Duty, Dota, tóm lại là mọi trò chơi! Nó phải am hiểu công nghệ, biết sửa chữa máy tính, biết sửa điện thoại! Đại khái thế! À mà… phải biết nấu ăn nữa!

    Ba thằng còn lại quay ra nhìn nhau. Thằng Sĩ trầm ngâm:

    -Gái đẹp thường ít chơi điện tử!

    -Chúng nó mua quần áo với make up là chủ yếu! – Tôi đế thêm.

    -Thôi mày lấy tao đây nè! – Thằng Choác cười nhăn răng – Tao không những nấu ăn ngon mà còn chơi điện tử giỏi, máy móc cái gì tao cũng sửa được hết!

    Thằng Choác giả bộ tiểu thư õng ẹo, sau tru mỏ hôn gió chùn chụt khiến thằng Cuốc sợ hết hồn. Cả đám cười lớn và kết luận cô gái trong mơ của thằng Cuốc không tồn tại. Sau nó là tới lượt thằng Choác, cả bọn đều háo hức muốn nghe con hẹo này khoái mẫu con gái thế nào. Thằng Choác vuốt vuốt cằm, ánh mắt hướng về chân trời xa xăm như vị lãnh tụ tìm đường cứu rỗi nhân loại:

    -Chúng mày yên tâm đi, một con người cao cả như tao thì gái nào cũng phải chạy đến! Tao là người trong mơ của chúng nó chứ tao việc quái gì phải mơ con nào?

    Con bà nó tự tin vãi! – Ba thằng còn lại lẩm bẩm. Thằng Sĩ bĩu môi:

    -Vậy khi nào mày làm lãnh tụ?

    -Mày mà làm lãnh tụ thì trái đất phăn-ni (funny) vãi luôn! – Tôi cười sằng sặc.

    -Đứa nào ngu mới bỏ phiếu bầu mày làm lãnh tụ! – Thằng Cuốc tiếp lời.

    Và bọn tôi thi nhau dìm hàng thằng Choác, cơ mà con hẹo này nổi tiếng lý sự nên không ai cãi được nó. Dù vậy, chúng tôi phải công nhận rằng cô nào vớ được thằng này cũng đều rảnh nợ chuyện nấu nướng lẫn việc nhà. Nói khí không phải chứ tôi mà là con gái thì tôi ốp thằng này luôn và ngay, không bao giờ để nó chạy thoát!

    Ba thằng đã nói hết, giờ đến lượt tôi. Nhưng chưa kịp mở miệng, thằng Sĩ đã vỗ vai tôi, ánh mắt đầy vẻ cảm thông:

    -Thôi ông không cần nói đâu. Bọn tôi rất hiểu và thông cảm cho ông, họa sĩ ạ! Nhưng sự thật là con gái không đứa nào thích mấy cái tranh fantasy của ông đâu. Nhưng đừng sợ, đã có bọn tôi yểm trợ cho ông!

    Thằng Cuốc cũng vỗ vai tôi và nói:

    -Các họa sĩ khi chết mới nổi tiếng. Ông cứ yên tâm, lúc ấy khối em sẽ điên đảo vì ông!

    Và tới lượt con bựa Choác phán như thánh sống:

    -Đừng sợ, Tóp ạ! Đàn ông thiếu gì người yêu! Người yêu mày sẽ nặng hơn mày khoảng ba chục cân hơi, to gấp đôi mày!

    Bị ba thằng tổng công kích, tôi gầm lên:

    -Tiên sư chúng mày nguyền rủa tao đấy à?

    Và tôi lao vào bóp cổ đấm đá từng thằng một, còn chúng nó cười hô hố muốn tốc mái nhà. Chúng nó nghĩ tôi mê vẽ quá nên chẳng bao giờ để ý con gái. Thực tình, tôi là con người, một thằng con trai, và con trai thì cần con gái. Nhưng quả thực, lúc đó, tôi không biết cô gái trong mơ của mình sẽ như thế nào. Giống mấy nhân vật nữ trong game chăng? Hay truyện tranh? Thậm chí là Hoa Ngọc Linh chăng? Có thể lắm

    Vào năm học, tôi vẫn vẽ, vẫn tặng Linh đều đều. Do muốn tặng em những bức tranh hoàn hảo nhất nên ngoài mấy thằng bạn, tôi tìm đến một người khác: cô bé “Trâu điên”. Châu biết vẽ, lại có đôi mắt tinh tế đặc trưng của phụ nữ, để em thẩm định tranh là hợp lý. Em góp ý nhiệt tình, như thể đang đóng góp công sức vào một đại tác phẩm vậy:

    -Chỗ này đổ màu đỏ đẹp hơn! Không, không phải màu đỏ! Phải là cái màu gì đó nhạt hơn tí, nhạt hơn nhưng vẫn rực rỡ! Như kiểu trộn màu ấy, hiểu ý tớ không? Còn chỗ này nữa, đổ bóng chưa đẹp lắm, sửa lại coi! Hả? Nói chậm lại á? Tớ nói thế này là chậm lắm rồi! Hả? Giời ơi, tai điếc à? Còn – phải – chậm – thế – nào – nữa?

    Kể từ đó, mỗi lần hoàn thiện bức tranh mới, tôi đều đưa cho Châu. Hai chúng tôi khá hợp nhau trong việc vẽ vời, dù rằng thỉnh thoảng có cãi nhau (đa số vì chuyện em “bắn” nhanh quá và tôi yêu cầu em nói chậm hơn). Tuy vậy, chúng tôi chỉ hợp nhau chuyện vẽ chứ vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề.

    Chẳng hạn như chuyện học hành, em thích môn tiếng Anh, tôi lại thích toán. Trong ăn uống, tôi khoái đồ mặn, em hảo đồ ngọt. Lúc đi chơi, em tìm chốn đông người, tôi chọn nơi yên tĩnh. Em nghe nhạc nhẹ nhàng và lãng mạn, tôi nghe rock và metal. Đại đa số những thằng nghe rock rất hay cho bạn bè nghe thử âm nhạc của mình và coi nó là nhất, là đỉnh cao âm nhạc. Tôi cũng cố gắng giới thiệu cho Châu nhưng em chẳng thích tí nào. Thời ấy, game Audition hoành hành khắp nơi, nhà nhà mở bài Lucky – Lucky Twice (một ngày tôi bị bài này tra tấn vài lần, hệt như bài Kiếp Đỏ Đen thời cấp hai), người người nghe nhạc hoàng tử công chúa (đi đâu cũng nghe “bong bóng” với “trà sữa”). Châu cũng chơi Audition, cũng bị cuốn vào trào lưu âm nhạc đó. Thế nên em hoàn toàn xa lạ với thứ âm nhạc ồn ào của tôi. “Only for the weak” – bài hát tôi yêu thích nhất bị em chê không thương tiếc:

    -Trời đất, đây mà là nhạc à? Hát cái gì thế? Sao chẳng giống hát gì thế? Điếc tai quá!

    Tôi cười và lắc đầu cho sự cố gắng vô ích của mình. Con gái chẳng mấy ai thích thứ nhạc ầm ĩ này hết.

    Nhưng có một điều hài hước là dù không thích rock và metal, Châu vẫn cứ tìm hiểu tại sao tôi lại thích chúng. Em hết hỏi tôi lại tỏ vẻ nghiêm trọng:

    -Tớ đọc báo thấy người ta bảo nhạc này gây ảnh hưởng thần kinh đấy! Nguy hiểm lắm!

    Tôi cười sặc:

    -Báo nào thế hả cô? Gọi thằng tác giả ra đây để tôi vả vỡ mồm nó!

    Em chống cằm, cái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt nhìn thẳng mắt tôi:

    -Vậy thì tại sao Tùng lại nghe? Tớ chẳng thấy nó hay gì sất! Có biết mấy đứa con gái bảo Tùng thế nào không? Chúng nó bảo Tùng nghe nhạc “không giống người”!

    Tôi không muốn kể cho Châu nghe sự tích thời lớp 7 xa xưa ấy. Tôi cảm giác câu chuyện ấy rất là sến súa và em sẽ nghĩ tôi chém gió chứ không phải sự thật. Hết cách, tôi đành trả lời:

    -Có đứa bạn tặng đĩa nên nghe thôi, nghe lâu thành nghiện. Tôi nghe vì… ờm, lúc đang vẽ, nghe cái đó rất là hứng! Đại loại thế!

    -Bạn trai hay bạn gái?

    -Bạn… mà sao cô hỏi nhiều thế?

    Cô bé hếch cằm:

    -Hỏi để biết, có làm sao không?

    Trông gương mặt khiêu khích của em, tôi bật cười thành tiếng. Em đấm vai tôi rồi tiếp lời:

    -Tặng quà sinh nhật cho tớ!

    Tôi ngạc nhiên:

    -Hả? Hình như… cô sinh ngày bao nhiêu nhỉ? Ờ, ờ… hai tháng nữa mới tới sinh nhật cô, sao đòi quà sớm thế? Đợi đến lúc đó thì tặng quà!

    -Nhưng hai tháng nữa lâu quá, với lại lúc ấy không hợp! – Châu lắc lắc đầu, đuôi tóc ngúng nguẩy.

    -Cái gì mà không hợp? – Tôi hỏi.

    Cô bé bắn tía lia:

    -Tớ thích kem Tràng Tiền! Kem ốc quế ấy! Hai tháng nữa mùa đông mất rồi, mùa đông ai ăn kem? Nhá? Đi mà! Tớ thích kem lắm!

    Em vừa nói vừa túm lắc tay áo tôi như đứa trẻ đòi quà. Tôi không ưa đồ ngọt, nhưng cái món ốc quế Tràng Tiền thì cũng khoái. Ngày xưa, món đó được bọn học sinh trường tôi gọi là “vãi cả xa xỉ”. Xa xỉ không phải vì tiền nong, mà vì trường tôi cách phố Tràng Tiền rất xa, đạp xe tới đó mệt phờ râu. Vả lại, ai ra Tràng Tiền cũng phải kiếm bằng được ốc quế nên nó trở thành thương hiệu nổi tiếng dù chưa chắc đã ngon hơn kem ốc quế ở khác. Mấy thằng có xe máy thường dụ khị gái bằng món này; được nó chở lên phố, được nó bao món kem ốc quế, cô nào chẳng đổ? Thời đó, cưa gái dễ vô cùng, cứ công thức xe máy (xe nào cũng được, đờ rim chiến cũng không thành vấn đề) cộng với kem ốc quế là có người yêu liền.

    Nhưng nghĩ cảnh è cổ đạp xe lên tận Tràng Tiền, tôi thấy ớn. Ăn được bát cháo lội ba quãng đồng, tôi không ham. Thở dài đánh sượt một cái, tôi trả lời Châu:

    -Mệt lắm cô ơi! Thôi, để sinh nhật tôi tặng quà cho!

    Châu xụ mặt, cặp lông mày của em vẽ thành một đường gấp khúc khó coi. Em phụng phịu:

    -Vẽ tranh, đổ màu, rồi còn đóng khung gỗ tặng người khác thì được, đây nhờ cái kem cũng không được!

    Tôi ngẩn người và mất vài giây mới hiểu em nói gì. Thằng Cuốc đã dại gái thì chớ, được thằng Sĩ cũng dại gái luôn thể! Mặc dù thằng Sĩ chỉ nói tôi tặng quà cho bạn và không nói rõ là bạn gái, nhưng bằng trực giác phụ nữ, Châu cũng lờ mờ đoán ra. Nhưng kể cả em đoán đúng đi chăng nữa thì… đã làm sao? Tại sao em phải nói bóng nói gió chuyện đó?

    Song cô bé “Trâu điên” ấy có biệt tài khiến người khác không thể chối từ đề nghị của mình. Em ngả sấp người xuống bàn, tay cầm bút bi vẽ linh tinh. Mà tưởng em vẽ linh tinh, thế nào lại hiện ra hình con mèo Kitty hoặc con Pikachu và con nào cũng ôm một cây kem to đùng. Có cần thiết phải thế không trời? – Tôi cười rồi nói với em:

    -Thôi được rồi! Thì kem! Nhưng với một điều kiện! Ờ, ai bảo cô đòi quà sớm? Xem nào, ờ… thế này nhé, hãy hát một bài hát nhạc rock! Được chứ?

    -Nhưng tớ không biết hát! – Châu lắc đầu – Tớ hát dở lắm!

    -Tôi không biết, đấy là việc của cô. Nhanh lên nhé, sắp mùa đông rồi, hết ăn kem đấy!

    Tôi cười ranh mãnh, tay xòe biểu tượng metal-horns (chi tiết xin google) chọc tức cô bé. Thực tình tôi chỉ trêu em chứ chẳng bắt em hát hò gì sất. Vả lại vì ngại đường xa để mua kem nên tôi mới bày ra yêu cầu không tưởng đó với Châu. Mà nó đúng là không tưởng thật! Suốt tháng ấy, cô bé chẳng đả động mấy cái kem nữa.

    Sang tháng, tức là khoảng đầu tháng mười một, nhà trường tổ chức đi tham quan. Tham quan giờ này hơi sớm, nhưng nhà trường muốn học sinh lớp 12 vào năm sau sẽ hoàn toàn tập trung cho kỳ thi đại học và không bị phân tán tư tưởng. Nghe tham quan, đứa nào cũng háo hức, riêng tôi thì không. Không còn ở cái tuổi trẻ trâu thích bày trò chơi trội nữa, với tôi tham quan hay không cũng thế. Nhưng tôi chẳng thể ngờ đó lại là kỳ tham quan tuyệt vời nhất mà tôi từng biết.

    Kỳ thực, toàn bộ chuyến tham quan nhạt thếch! Lớp tôi không đoàn kết lắm nên nhiều nhóm xé lẻ đi chơi riêng. Người ta nói thời cấp ba đẹp nhất đời người nhưng tôi không thấy thế. Ngó sang lớp thằng Choác, chúng nó kéo đàn kéo đống cùng vui đùa cùng phá hoại mà thèm. Hết buổi tham quan, cả lớp lên xe ô tô về Hà Nội, không khí tựu chung nhàn nhạt chẳng vui vẻ mấy. Lại một kỳ tham quan như kẹc nữa! – Tôi thở dài chán nản, mắt đăm đăm nhìn ánh đèn nhập nhoạng phía xa. Nhưng giữa lúc chán chường, cô bé “Trâu điên” lên tiếng:

    -Này, sao cả lớp mình không hát chung nhỉ?

    Hầu hết lớp không nói gì, chỉ vài đứa hưởng ứng theo lời Châu. Em nói:

    -Thế này nhé, chúng ta sẽ hát theo chữ cuối cùng. Tức là chữ cái của bài kế tiếp phải trùng với chữ cái cuối cùng của bài trước, hiểu chứ? Bắt đầu nhé! Để tớ trước! Ờm… “Tình thôi xót xa” nhé!

    Và rồi em cất tiếng hát. Em hát không hay lắm, so với cô bé Hoa Ngọc Linh năm xưa còn thua xa. Nhưng có một thứ gì đó rất đặc biệt trong giọng hát của em khiến cả lũ bị thu hút. Một đứa, năm đứa, mười đứa rồi cả lớp lắng nghe em hát. Em hát xong, lác đác tiếng vỗ tay vang lên, bỗng một thằng đứng dậy tuyên bố hùng hồn:

    -Để anh đây hát “Anh vẫn đợi chờ” của Đan Trường nhé!

    Nó hát và vài thằng bắt đầu hát theo. Khi nó kết thúc bài hát, nửa lớp vỗ tay khen nó hát hay. Rồi một thằng khác nhảy ra giữa hai hàng ghế, hắn dang tay như thể ca sĩ đón chào bầy fan hâm mộ:

    -“Ở trọ” của Trần Hiếu nhé chúng mày!

    Giọng thằng này thì vừa chua vừa rè như cái đài Liên Xô sắp hỏng. Nhưng nó bày trò uốn éo như mấy cô ca sĩ bên Mỹ nên cả bọn hưởng ứng nhiệt liệt. Từ đấy, chẳng còn phân biệt hát hay hát dở nữa, cứ thằng nào lên sâu khấu là cả lũ cổ vũ nhiệt tình. Ngay cả những đứa vốn im lặng cũng tham gia cuộc vui. Hài nhất là khi thằng Cuốc lẫn thằng Sĩ bày trò âu yếm nhau theo video clip của bài Lucky – Lucky Twice (lần đầu tiên tôi thấy lũ con trai không ghét thằng Sĩ). Chúng nó toàn hát nhạc Việt, mà tôi lại chẳng mấy khi nghe nhạc Việt. Nhưng nghe chúng nó hát, tôi cũng biết thế nào là “Công chúa bong bóng”, nào là “Trà sữa”, nào là “Xe đạp” , hay thế nào là “Tuyết yêu thương” – mấy bài hát làm mưa làm gió thuở đó. Hôm tham quan, có một thằng mang đài và hễ có sẵn bài nào trong đĩa, nó lại bật lên cho cả bọn hát cùng. Và đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy lớp mình đoàn kết đến thế. Vẫn có những hiềm khích, vẫn có những sự căm ghét, nhưng chúng là chuyện của ngày khác, còn hôm nay, trên chiếc xe này chỉ có sự hòa đồng. Lớp tôi hát hò to đến nỗi bọn học sinh trên mấy xe khác phải chú ý bằng ánh mắt ghen tị.

    Chúng tôi cứ hát hò, nhảy múa hai tiếng liên tục. Cho tới khi về Hà Nội, cả bọn đều mệt lử, không nói năng được câu nào. Cô bé “Trâu điên” lên tiếng:

    -Hay cả lớp mình hát thêm bài nữa đi?

    -Sung thế cô ơi, cho bọn tôi nghỉ đi! – Một đứa nói.

    -Mà bài nào cả lớp mình biết đây? – Đứa khác tiếp lời.

    Châu nhoẻn miệng cười. Em vớ lấy cái đài rồi nhét đĩa vào, bấm bấm một hồi, sau lấy chai nước Lavie làm “micro” rồi chỉ tay về phía trước, trông hệt như một ca sĩ chuyên nghiệp đang khuấy động khán giả. Cái đài bắt đầu phát tiếng nhạc và tôi bỗng nhổm lưng dậy. Nhạc nghe quen quá! Châu nói lớn:

    -Có một người yêu cầu tớ hát nhạc rock! Và sau đây “Tìm lại” của Microwave xin được bắt đầu!

    Tôi không nghe nhạc Việt mấy, nhưng rock Việt lại tìm hiểu kha khá. Và chẳng có lý do gì tôi lại không biết bài hát “Tìm lại” đang nổi như cồn trên đài XoneFM thuở đó. Châu mới cất giọng, chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi hát cùng em:

    Chẳng muốn nghe gì
    Chẳng muốn tìm khác…


    Năm 2006, Rock Storm chưa khởi động nhưng trên chuyến xe này, cơn bão Rock Storm đã xuất hiện. Lớp tôi có sĩ số là bốn mươi, và bạn tưởng tượng bốn mươi cái miệng cùng hò hét một giai điệu, bốn mươi đứa cùng quay cuồng theo âm thanh cuồng nhiệt, bốn mươi gương mặt đối diện nhau dưới ánh đèn tù mù của xe ô tô, nó tuyệt vời nhường nào? Lần đầu tiên tôi hát mà không phải ngượng, hát mà có người hát cùng, hát với tất cả những gì mình có trong tâm hồn. Những khoảnh khắc để bạn hết mình với tuổi mười bảy ấy không nhiều, tôi là một trong những người may mắn được tận hưởng những khoảnh khắc đó. Sau này, bọn trong khối thường lưu truyền câu chuyện về chiếc xe ồn ào nhất kỳ tham quan năm lớp 11 mang tên B4.

    Tìm lại đi hãy tìm lại trong mỗi người
    Để ta không thấy ta như lúc này
    Đường xa quá dài, rồi ta mệt nhoài
    Vì ta không đứng bên nhau nữa…


    Và người cho tôi tìm lại bản năng của mình, chẳng phải ai khác ngoài cô bé “Trâu điên” vô tư nọ. Tôi vẫn nhớ như in cô bé nhỏ nhắn cầm chai nước làm micro, đuôi tóc xõa tung cùng nét hồn nhiên bất tận trên gương mặt. Tôi tự nhận mình nghe rock, nhưng chỉ được cái vỏ mà không được cái hồn. Em không nghe rock, nhưng em “rock” hơn bất cứ ai. Tôi vẽ để tặng Hoa Ngọc Linh, nhưng người cho tôi động lực vẽ là Châu. Tôi vẽ những thứ quá xa lạ với mọi người, người đồng cảm với tôi cũng là Châu. Tôi không có ai để chia sẻ ước mơ và Châu lắng nghe những ước mơ xa vời ấy. Tôi…

    Tôi không biết nữa…

    Lúc xe về đến trường, em vỗ vai tôi rồi thì thầm:

    -Tớ hát rock rồi nhé? Vậy kem ốc quế của tớ đâu?

    Tôi cười mếu, đành trả lời:

    -Thứ bảy tuần sau nhé! Được không?

    -Được! “Chuận” luôn! – Châu giơ ngón cái – Năm giờ chiều, tớ đứng ở… nhé, đi qua sân vận động là tới, gần nhà tớ lắm! Nhớ đấy!

    Tôi và Châu giữ kín lịch hẹn hò ăn kem. Suốt một tuần sau, em chẳng đả động gì chuyện đấy. Tôi cũng im lặng, tránh để hai ông bạn tọc mạch ngửi thấy. Đèo gái đi ăn kem à? Chắc là hay lắm! – Tôi mơ màng.

    Nhưng thằng con trai vốn ham vui, mà hễ dính vào vui chơi bù khú là quên hết trời đất. Tầm giữa tuần, thằng Sĩ thông báo sẽ tổ chức sinh nhật vào thứ bảy. Mẹ thằng Sĩ vừa cho năm lít (năm trăm nghìn) nên nó sẽ bao bọn tôi từ ăn uống nhậu nhẹt, chơi điện tử cho tới đồ ăn đêm khuya. Được ăn chơi miễn phí, lại quậy phá cả đêm thì đứa nào cùng sướng; tôi cũng thế, thậm chí quên bẵng luôn lời hứa với Châu.

    Rồi thứ bảy đến, bốn thằng bọn tôi hôm ấy không về nhà mà chui vào hàng điện tử, mỗi thằng một cái bánh mì pate, vừa ăn vừa chơi vừa chửi nhau. Chơi chán, chúng tôi lại lóc cóc đạp xe đi bơi suốt cả chiều. Rồi khi trời sẩm tối, bọn tôi kéo về nhà thằng Cuốc nhậu nhẹt. Mà gọi là nhậu cho oai chứ bàn tiệc toàn bim bim, bò khô, nem chua rán, mấy món cóc ổi với coca hoặc pepsi. Chỉ ngần ấy thôi mà bốn thằng tỉ tê với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Được một lúc, chúng tôi nói về chuyến tham quan tuần trước. Thằng Choác hỏi:

    -Thấy mấy đứa lớp tao bảo xe lớp mày hôm ấy vui lắm!

    -Chuyện! – Thằng Sĩ cười – Vui vãi luôn! Cơ mà hôm ấy mà không có Châu thì chẳng vui vậy đâu!

    Thằng Cuốc hỏi:

    -Mày không rủ Châu ăn sinh nhật à?

    -Nó bảo bận cái gì đó buổi chiều nên không đi được. – Thằng Sĩ nói.

    Nghe tới đó, tôi hốt nhiên ngồi dậy, đôi mắt hoảng hốt tìm đồng hồ. Bảy giờ tối! Ôi thôi Đớp Cơm Muối Với Củ Lạc nhà con rồiiiiiiiiiiiiiiii! – Tôi gào lên, đoạn chạy ra ngoài cửa, tay dắt con xe đạp. Ba thằng bạn tưởng tôi mất cái gì bèn hỏi:

    -Sao thế? Quên đồ ở bể bơi à?

    Tôi trả lời đại:

    -Ờ! Tao quên mất quyển sách!

    Đi bơi thì chẳng ai mở sách ra đọc, nhưng trông bộ dạng hớt hải của tôi, chúng nó nghĩ tôi mất sách thật.

    Tôi không quay lại bể bơi mà xuôi thẳng đường hướng về sân vận động thành phố. Châu đã hẹn tôi đi ăn kem, vậy mà tôi quên hết. Mà khốn nạn hơn là mới đạp nửa đường, bầu trời bỗng ầm ầm tiếng sấm rồi mưa rơi như trút. Tôi ghét trời mưa vô cùng dù luôn thủ áo mưa phòng thân. Bởi lẽ tôi đeo kính, mỗi lần mưa là nước làm mờ hết mắt kính, loạng choạng đi tắt đón đầu xe tải như chơi. Tôi sẵn sàng bỏ cuộc đi chơi chỉ vì mưa. Nhưng hôm đó, tôi không quay xe về nhà mà vẫn cố đi tới chỗ hẹn. Mưa to thế này, hẳn Châu đã về. Nhưng nếu em vẫn chờ thì sao? – Tôi cả sợ, vội vàng đạp xe nhanh hơn, mặc cho mấy lần suýt xòe giữa đường.

    Đạp xe qua sân vận động, tôi đã tới chỗ hẹn. Và đúng như tôi lo sợ, cô bé “Trâu điên” vẫn đợi. Em nép mình dưới mái hiên của một ngôi nhà. Mà chủ nhà đã cuộn lại mái hiên, thành ra nó chỉ đủ che cho cô bé không bị ướt đầu, chứ lưng áo và hai cánh tay đã bết nước mưa. Trông em như thế, tôi chẳng biết nói sao, chỉ trách em sao không phũ phàng mà quay về nhà thay vì đợi tôi. Vừa thấy tôi, em vẫy tay:

    -Tớ ở đây, Tùng ơi!

    Em ngồi lên yên xe rồi chui đầu vào áo mưa. Tôi thấy mình có lỗi với em quá, bèn nói:

    -Xin lỗi, bị bọn bạn giữ lâu quá! Tôi chở cô về nhà nhé!

    Cô bé giãy giụa, miệng bắn súng liên thanh:

    -Về là về thế nào? Tới đây rồi thì phải đi ăn kem chứ? Đã hẹn thế rồi cơ mà! Đi, nhanh! Chở tớ đi ăn kem!

    -Nhưng mà muộn rồi, sợ không còn ốc quế đâu!

    -Không có ốc quế thì ăn kem cốm! Tùng trả tiền cơ mà! Được ăn miễn phí thì tội gì mình bỏ chứ?

    Tôi phì cười vì lý do rất đỗi hài hước của em. Và tôi đèo em lên tận Tràng Tiền thật. Đường xa, mưa vẫn cứ rơi táp mặt. Tôi không nghe thấy em nói gì mà chỉ im lặng. Dù vậy, tôi biết rõ là em đang giận. Chờ đợi dưới mưa hai tiếng đồng hồ, em không giận mới lạ.

    Sau một chặng đường tầm tã mưa rơi, chúng tôi đến hiệu kem Tràng Tiền lúc tám giờ. Kem ốc quế thường hết khá sớm, nhưng có lẽ nhờ cơn mưa nên người mua ít hơn thường lệ và may mắn thay, hai chiếc ốc quế cuối cùng vẫn chưa bị ai ngó tới. Tôi mua cả hai, một cho Châu, một cho tôi. Hai đứa đứng dưới mái hiên của cửa hàng, vừa ăn vừa ngắm con đường thưa người qua lại, những chiếc xe buýt vội vã đến rồi đi và những dòng nước mưa từ mái hiên chảy xuống đất. Châu cúi đầu và không nói gì, trông chẳng giống em chút nào. Tôi lục cặp, lấy ra chiếc máy nghe đĩa rồi bật nhạc của Sonata Arctica – một band mà tôi rất thích. Tôi nhét một phone vào tai em, mình đeo phone còn lại. Em lắc đầu nguây nguẩy:

    -Không nghe rock đâu! Đau đầu lắm!

    -Cái này nghe được đấy! Không đau đầu đâu! Thề, nói dối mua cái kem khác liền!

    Và chúng tôi cùng nghe nhạc, cùng ăn kem, cùng ngắm phố phường dưới cơn mưa mùa thu. Châu không bỏ tai nghe ra như trước đây em vẫn làm, em hỏi tôi:

    -Bài hát tên gì vậy?

    -Tallulah. – Tôi trả lời.

    -Tallulah nghĩa là gì?

    -Tên của một cô gái. Một anh chàng yêu Tallulah, và anh ta không thể chịu đựng nổi khi Tallulah bỏ đi.

    Em gật gật đầu, chừng như chẳng quan tâm cô nàng Tallulah nọ. Em đang giận và tôi chẳng nặn ra được từ nào khiến em nguôi giận

    -Xin lỗi nhé! Tại tôi mải chơi quá!

    Tới lúc ấy, em mới ngẩng đầu lên, gương mặt đỏ bừng ướt đẫm không biết là do nước mưa hay nước mắt. Em nói chậm, chẳng giống kiểu nói liến thoắng như mọi khi:

    -Bắt người ta chờ thế mà coi được à?

    Đứng trước một cô gái đang khóc là việc đáng sợ nhất đời. Tôi vội vàng trấn an:

    -Được rồi, được rồi! Tôi sai! Được chưa? Này, ăn kem nữa không?

    Tôi chìa chiếc kem của mình ra. Em bật cười, cười với đôi mắt đỏ hoe ngấn nước, và rồi há miệng cắn mất nửa cái kem của tôi, coi như trả thù vụ đến muộn. Em khóc ngay được, nhưng nín cũng nhanh lắm. Tôi hỏi tiếp:

    -Mà muộn thế, sao cô không về luôn?

    -Thì để xem có giữ lời hứa không. – Em trả lời.

    -Tôi giữ lời hứa rồi đó! – Tôi cười, mắt chớp chớp – Vậy thì thưởng cho tôi cái gì đi?

    Châu chẳng đáp chẳng rằng, chỉ nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Trông gương mặt em, tôi không thở nổi. Nó không giống gương mặt đã thổi bay trái tim tôi hồi cấp hai. Nhưng gương mặt ấy khiến tôi trở thành một gã trai dại khờ.

    -Nhìn gì ghê thế? – Tôi hỏi – Nói sai cái gì à?

    Bỗng nhiên em chụm tay lên môi, hôn một tiếng “chụt” rồi đặt hai ngón tay ấy lên má tôi. Tôi bần thần cả người, tay luống cuống suýt đánh rơi cây kem, miệng lắp bắp:

    -Thế… nghĩa là sao?

    -Là như thế chứ sao nữa! – Châu điềm nhiên đáp.

    -Nhưng… tôi không hiểu?!

    -Đứa nào không hiểu là đứa ấy ngu! – Em cười.

    -Hả?

    Ngoài kia mưa vẫn rơi, bài hát Tallulah vẫn vang trong tai hai đứa. Thời gian như ngừng đong đưa và tôi nhận ra mình đã tìm thấy Tallulah như anh chàng ca sĩ kia vậy.

    Cô gái trong mơ của bạn như thế nào?

    Mỗi anh chàng có một cô gái trong mơ của riêng mình. Còn tôi? Tôi sẽ trả lời rằng giữa tháng mười một năm ấy, có một cô gái đứng ăn kem cùng tôi. Đó là cô gái trong mơ của tôi, là Tallulah của tôi. Tôi sẽ không thể chịu đựng nổi khi em – Tallulah của tôi – ra đi. Tôi muốn thời gian này là mãi mãi.

    Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, và tôi cần xác định trái tim mình thuộc về nơi nào.



    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 26-12-2013 lúc 11:12.

  6. Bài viết được 7 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    haininh118,Lạc Thiên,ngocnghechvn,NguyenHoang,quangheo,Thiên Lôi,Vân Tiên Khách,
  7. #14
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 14




    Một cách vô tình có chủ đích của… ông trời, Châu đã len lỏi vào tâm hồn tôi. Trong lúc vẽ, tôi nghĩ đến gương mặt em; lúc học, tôi nhớ dáng dấp của em đang hát bài “Tìm lại”; thậm chí khi ngủ, thi thoảng tôi lại mơ về dáng vẻ đáng yêu của em dưới cơn mưa tháng mười một. Mỗi ngày tới lớp, tôi phải nhìn lén ngắm trộm em vài lần mới yên. Hôm nào Châu nghỉ ốm, tôi cứ cảm giác thiếu thiếu cái gì đó, cuộc sống cũng kém vui ít nhiều. Và khi em đi học trở lại, tâm tình tôi phấn chấn như thể hôm ấy là thứ bảy vậy.

    Dù thế, tình cảm mà tôi dành cho Châu vẫn chỉ dừng ở mức cảm mến. Tôi có thể đưa em ra bến xe buýt, chạy xuống căng tin mua giùm em hàng tá kẹo mút hoặc lắng nghe em kể những chuyện trời ơi đất hỡi của tụi con gái. Tôi không phải bạn thân của em – cái khu vực “friendzone” mà bao thằng con trai lo sợ; cũng chẳng phải một người có bờ vai để em tựa vào để tìm kiếm sự chở che. Đại khái tôi lửng lơ ở khu vực “boy-friend”, nếu mất cái dấu “-” này, tôi sẽ rơi xuống “friendzone”, hoặc cũng có thể ngoi lên thành “boyfriend” thật.

    Đôi khi, sự cảm mến ấy dâng trào và gần như đã biến thành chữ “yêu”. Gọi là gần như vì mỗi lần tôi nghĩ chuyện “yêu”, hình bóng Hoa Ngọc Linh lại xuất hiện. Suốt năm lớp 11, tôi vẫn vẽ tặng Linh, vẫn đạp xe qua nhà em sau mỗi buổi học, vẫn gửi cho em hàng đống tin nhắn dù em chẳng bao giờ trả lời. Cũng có lúc, tôi tự nhủ rằng những việc mình làm là vô ích. Thằng Choác từng khuyên tôi dẹp mấy chuyện này:

    -Tao thấy mày tặng tranh cho con Linh cứ… ngu ngu thế đếch nào! Chẳng khác gì vác đàn hát ông ổng trước cửa nhà nó cả! Bớt điên đi cu!

    Tôi ậm ừ nghe lời nó, song qua vài hôm, mọi chuyện vẫn quay về lối cũ. Một mặt, tôi mong chờ Hoa Ngọc Linh hồi đáp. Mặt khác, tình cảm tôi dành cho cô bé Châu mỗi lúc một lớn. Đứng trước ngã ba, tôi trở nên ngu ngốc và chẳng biết làm gì. Những thằng con trai mười bảy tuổi chỉ điều khiển được thân xác của mình, chứ tâm hồn lạc lối nơi đâu thì chúng nó chịu chết. Thật!

    Lừng khừng trước ngã ba, tôi chẳng biết rẽ ngã nào, thành thử quan hệ giữa tôi và Châu chẳng tiến triển gì thêm. Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi cho tới mùa Valentine năm 2007…

    Năm ấy, ngày Valentine đến sớm hơn so với Tết Nguyên Đán và thằng Cuốc nảy ra ý định kiếm chác. Một hôm, nó gọi tôi, thằng Sĩ, thằng Choác và bắt đầu trình bày ý tưởng kinh doanh. Số là nó có anh trai, ông anh này tính chuyện tặng quà bạn gái nhân dịp Valentine mà chưa nghĩ ra món thích hợp. Chẳng biết thằng Cuốc dẻo mồm ra sao mà nó thuyết phục được ông anh mua đồ handmade do chính tay nó làm. Thằng Choác hồ hởi:

    -Đâu, đâu, đâu? Cái đồ “hen mết” đâu?

    -Cho tao xem cái! – Tôi nói.

    -Ông anh mày mất tiền ngu rồi! Mà đâu? Cái đồ đó đâu? – Thằng Sĩ cười phớ lớ.

    Ba thằng dài cổ hóng món đồ của thằng Cuốc. Nó chẳng đưa món đồ handmade nào ra mà chỉ tay vào ba thằng tụi tôi:

    -Bọn mày làm hộ tao!

    -Hả?

    -Thế này nhé, khoảng hai tuần nữa là Valentine, anh em mình làm đồ handmade sau đó đem bán, ồ kế? Nhưng mà cần làm vài mẫu trước để xem thế nào, trước tiên là coi anh tao có thích hay không! Vậy ý kiến chúng mày thế nào?

    Thằng Sĩ và thằng Choác đồng thanh:

    -Đập Con Mèo là không bao giờ!

    Mặc cho thằng Cuốc than vãn lẫn ra sức dụ khị, thằng Sĩ và thằng Choác quyết không tham gia vào vụ kinh doanh mà chúng nó cho là vớ vẩn này. Sau cùng, thằng Cuốc cố gắng thuyết phục tôi:

    -Đóng Muối, hai thằng kia đếch chịu hiểu ông ạ! Cơ hội kiếm tiền đấy! Mùa Valentine, thằng đếch nào lại mặc cả chuyện quà cáp cho người yêu chứ?

    -Nhưng mà tao biết làm mấy cái đồ như thế đâu?

    -Thì thế tôi mới bảo anh em mình cần nghĩ xem đồ gì dễ làm mà bán được. Thế nhé! Còn ba tuần nữa thôi! Nghĩ hộ em đi anh, rồi em mời anh bánh xèo!

    Nghe đến bánh xèo, hai mắt tôi rực sáng như đèn pha ô tô. Nghe dân tình đồn đại món đặc sản của Sài Gòn này ngon lắm mà tôi chưa được nếm bao giờ. Vì đồ ăn, tôi nhận lời giúp thằng Cuốc. Nhưng nghĩ sao ra một món đồ handmade vừa dễ làm vừa dễ bán đây? Món đồ nào có thể khiến mọi anh chàng phải móc tiền ra tặng bạn gái? Nói đi cũng phải nói lại, xứ Việt Nam toàn du nhập văn hóa nước ngoài không tới nơi tới chốn. Đọc manga và tham khảo trên mạng, tôi thấy ngày Valentine là cơ hội để con gái tặng quà con trai. Thế mà về Việt Nam, mọi ngày lễ đều ở chế độ mặc định là con trai tặng quà con gái. Cuộc đời bất công gớm!

    Nghĩ mãi chẳng ra, tôi bèn hỏi ý kiến của Châu. Nghe xong, cô bé chống cằm suy nghĩ, que kẹo mút trên miệng đảo từ phải qua trái rồi lại từ trái sang phải. Em nói:

    -Khó nhỉ? Giờ người ta vào hàng lưu niệm là mua được, mà còn nhiều đồ nữa chứ! Mình làm thì chỉ được một mặt hàng thôi!

    -Thôi bỏ vậy! – Tôi lắc đầu – Nghe đã thấy khó rồi!

    Châu đấm vào vai tôi:

    -Ai bảo bỏ? Nói thế thôi mà đã buông xuôi à? Khó mới cần làm chứ! Bảo với Cuốc cho tớ tham gia nhé, để tớ về nhà nghĩ thêm!

    Châu khá nghiêm túc trong việc làm quà Valentine. Ngay hôm sau, em gọi tôi và thằng Cuốc ra một chỗ, tay cầm bút hí hoáy vẽ và trình bày ý tưởng:

    -Thế này nhé, chúng ta sẽ cắt miếng xốp theo hình trái tim, sau đó phủ màu rồi vẽ lên đó vài câu, đại khái như “Happy Valentine” hoặc “I love you”. Hoặc là mình sẽ đính hoa giấy lên miếng xốp. Gấp hoa giấy origami ấy? Hiểu không? Xếp hoa giấy theo tên người, chữ cái đầu thôi! Chẳng hạn người ta tên là Trang thì mình xếp chữ “T”, Vân thì là “V”, được chứ? Một nửa miếng xốp mình vẽ chữ, nửa còn lại mình gắn hoa theo tên, được chứ?

    -Ờm… nghe cũng được đấy! – Thằng Cuốc gật gù – Nhưng có mỗi thế thôi à? Sao mà thu lãi được?

    Bản tính Thằng Cuốc rất lắm ý tưởng nhưng lại hay bàn lùi. Trong kinh doanh người ta gọi là “dự báo rủi ro”, khổ nỗi ông nhõi này sợ rủi ro và lúc nào cũng sợ lỗ. Châu cười:

    -Thì tất nhiên là sẽ lỗ rồi! Cuốc tưởng buôn bán dễ lắm à? Cơ mà bọn mình làm cho vui, cho biết buôn bán là thế nào, tiện thể vui chơi luôn, tội gì chứ?

    -Sao lại có vui chơi hả cô? – Tôi hỏi.

    Châu cười:

    -Ở chợ đêm Đồng Xuân mà không đi chơi là phí hoài đó!

    Nói cho cùng, ở cái tuổi chíp hôi ấy mà muốn móc túi thiên hạ là chuyện bất khả thi, nhưng xác định làm cho vui và học thêm kinh nghiệm buôn bán cũng chẳng phải ý tưởng tồi. Song có mỗi ba đứa làm thì không ổn, tôi bèn thuyết phục thằng Sĩ và thằng Choác thêm lần nữa. Nghe tôi trình bày mục đích kinh doanh và bánh xèo (bánh xèo là chủ yếu), hai thằng gật gù tham gia.

    Sau buổi học, bốn thằng bọn tôi tập trung tại nhà thằng Cuốc và lên kế hoạch mua nguyên liệu. Để làm ra món đồ như Châu nói, bọn tôi cần cắt miếng xốp, mua giấy màu và sơn xì, bút vẽ tôi có sẵn. Nghe có vẻ đơn giản chứ lúc bắt tay vào làm, bốn thằng mới thấy khó kinh hồn. Kiếm xốp khá dễ, nhưng để cắt ra những miếng xốp hình trái tim chẳng dễ chút nào; dùng dao cắt thì miếng xốp luôn bị vỡ hoặc bị răng cưa phần viền, hơn nữa lại chẳng có khuôn. Vạn sự khởi đầu nan, gian nan nản cả lượt, thằng Cuốc lắc đầu:

    -Thôi nghỉ các ông ạ, kiểu này là đếch thể làm được đâu!

    Ông nhõi chủ trì buông xuôi, ba thằng còn lại cũng nghỉ luôn. Hôm sau, Châu hỏi tôi công việc tới đâu thì tôi trả lời:

    -Nghỉ rồi! Thằng Cuốc đếch làm nữa!

    Rồi tôi kể lại cho em chuyện cắt mấy miếng xốp. Nghe xong, Châu cười rũ:

    -Giời ạ, tự mình sao mà cắt được? Phải đem ra hàng, họ mới cắt cho! Đi, chiều nay đèo tớ xuống phố Hàng Mã!

    Chiều hôm ấy, bọn tôi đèo Châu xuống phố Hàng Mã. Đúng như Châu nói, ở đó có những cửa hàng chuyên gia công mặt hàng giấy, xốp, gỗ. Họ có thể bán cho chúng tôi cả lô xốp đồng kích cỡ, giá cả cũng không đến nỗi nào. Châu đặt mua khoảng ba chục miếng, vị chi hết khoảng sáu xịch. Tôi không thắc mắc chuyện tiền nong mà thấy số lượng xốp quá nhiều, bèn nói:

    -Nhiều thế này, làm hết được không?

    -Dôi ra mười cái hỏng ấy mà! – Châu nói – Cùng lắm mình làm hai chục cái thôi, mười cái đề phòng nhỡ hỏng còn làm lại.

    Ba thằng bạn quý hóa của tôi giơ ngón cái khen Châu nói đúng. Thằng Sĩ gật gù:

    -“Trâu” nói là chuẩn!

    -Ông còn phải học tập nhiều! – Thằng Cuốc tiếp lời.

    -Mày ngu lắm con ạ! – Thằng Choác đế thêm.

    “Tổ cha mấy thằng vì gái phản bạn!” – Tôi chửi thầm. Nhưng những lời của Châu làm tôi vỡ ra nhiều điều. Hồi đó, tôi là một gã công tử thành thị điển hình: chỉ học, chơi rồi vẽ, mấy kiến thức thường nhật hầu như mù tịt. Nhờ cô bé Trâu điên, tôi biết thêm lắm thứ hay ho của cuộc sống.

    Sau đó, bọn tôi rong ruổi xe đạp trên phố Hàng Mã mua thêm giấy màu và sơn xì. Tổng thiệt hại gần ba lít, cả năm đứa hôm ấy bị vét sạch túi. Mặc dù đã chuẩn bị tiền từ trước nhưng thằng nào cũng tiếc ngẩn tiếc ngơ; từ nay đến Tết hết chơi điện tử, hết ăn quà vặt và quay về với cái bánh mì “bửn bửn” dưới căng tin. Trông bản mặt lũ con trai chúng tôi, Châu cười:

    -Nghỉ chơi điện tử vài hôm thôi mà! Bọn mình cố gắng làm xong rồi bán hàng ở chợ đêm! Ở đấy vui hơn nhiều!

    Với những ai chưa biết thì “chợ đêm” ở đây là chỉ chợ đêm Đồng Xuân ở quận Hoàn Kiếm. Ngày đó, chợ đêm không phải thứ gì quá mới mẻ, bản thân tôi đã qua đó vài lần. Nhưng bán hàng ở chợ đêm lại là một trải nghiệm mà tôi chưa từng trải qua. Bọn thằng Sĩ, thằng Cuốc và thằng Choác cũng rứa. Nghe lời Châu, ba tuần trước ngày Valentine, bốn đứa con trai không bén mảng hàng điện tử nửa bước mà tập trung làm việc. Làm việc nhé! Nghe oai chửa? He he!

    Nhà thằng Cuốc khá rộng, lại gần trường nên bọn tôi chọn đó làm cơ sở sản xuất, cứ sau giờ học là lại tụ tập về nhà nó làm. Việc khá nhiều nên Châu rủ thêm cả cô bạn thân của em tên Hà làm cùng (cô bé ngày trước vẫn chở Châu ra bến xe buýt). Công việc đầu tiên là tạo màu cho miếng xốp; đơn giản là dùng sơn xì phun lên rồi đợi sơn khô. Tuy nhiên Châu cho rằng như vậy quá đơn điệu, em nói:

    -Mình có một mặt hàng thì phải làm nó đa dạng màu sắc. Tùng thử pha màu xem, đại khái một miếng xốp có màu đỏ là chủ yếu nhưng có thêm vài chấm màu trắng chẳng hạn? Hả? Nói – chậm – lắm – rồi – đấy!

    -Nhưng mà vẽ chữ bằng màu trắng rồi cô ơi! – Tôi nói.

    -Không, cái đó dùng để gắn hoa giấy. Còn những cái vẽ chữ thì mình để miếng xốp đơn màu cũng được, nhưng tốt nhất là đừng để nó đơn điệu.

    Tôi và Châu bàn luận khá nhiều cách phối màu sắc cho những miếng xốp. Thi thoảng chúng tôi cũng cãi nhau về việc lựa chọn màu nào cho phù hợp. Cãi nhau lắm, tôi để ý em thích những tông màu dịu như hồng nhạt, xanh nước biển hoặc xanh nõn chuối; em cũng nhận ra tôi khoái những tông mạnh và rực rỡ hơn như đỏ thẫm, tím than hoặc màu da cam. Có bận, chúng tôi cứ tranh cãi nhau về việc chọn màu phụ nào cho miếng xốp màu tím. Châu muốn tôi dùng màu vàng tươi, còn tôi lại thích xài màu trắng. Tranh cãi chán chê, tôi quay ra trêu chọc em:

    -Người lớn nói thì phải nghe, học sinh cấp hai thì biết gì?

    Châu có vóc dáng nhỏ nhắn nên tôi toàn trêu em là “học sinh cấp hai”. Nghe thế, cô bé chẳng nói chẳng rằng liền thụi tay vào be sườn của tôi. Tay em bé bé mà toàn xương, đấm đau khiếp! Tôi “á” một tiếng rồi nhe răng trợn mắt trước mặt em:

    -Đau! Cô thích giết người à?

    -Cho chết! Ai bảo chê tớ lùn? – Em bụm miệng cười.

    Và mấy thằng bạn được thể ném đá đồng đội. Bao giờ cũng là thằng Sĩ khai mào, thằng Cuốc góp mắm muối và thằng Choác chốt hạ:

    -“Trâu” nói đúng rồi, ông nghe lời “Trâu” đi!

    -Chê khuyết điểm của người khác là ngụy biện đấy!

    -Mày ti tiện lắm Tóp ạ! Lại cãi! Im đê, con tiện nhân!

    Tôi gào rú bóp cổ đấm đá từng thằng một, còn Châu cười rũ rượi.

    Sau cùng, tôi làm theo ý Châu là vẽ đường vân màu vàng tươi trên nền miếng xốp màu tím than. Mà màu vàng tươi làm miếng xốp rất nổi bật, hơn hẳn màu trắng. Về khoản màu sắc, Châu khá giỏi vì em vẽ màu thường xuyên, còn tôi trước nay chủ yếu vẽ chì nên không rành bằng em. Nhưng nhờ thế, tôi biết được nhược điểm của mình để tiến bộ.

    Qua được công đoạn phun sơn vất vả, những phần còn lại dễ thở hơn nhiều. Vì khéo tay, tôi phụ trách toàn bộ phần vẽ chữ cho mười lăm miếng xốp. Những đứa còn lại gấp giấy màu để làm hoa hồng kiểu origami. Bọn tôi phát hiện thằng Choác gấp giấy rất đỉnh, hỏi ra mới biết con vẹo này chơi origami từ năm lớp 10. Thằng Sĩ và thằng Cuốc gấp kém hơn nên cắt giấy rồi gấp đường viền sẵn (những đường gấp đơn giản trước khi gấp thành hình), hai ông thần hăng say đến nỗi số giấy cắt ra chất thành đống cao ngất. Nếu bọn tôi không ngăn lại, dám cá chúng nó cắt bằng sạch giấy mới thôi.

    Gấp giấy xong xuôi, bọn tôi bắt đầu đính hoa vào miếng xốp. Theo ý tưởng của Châu, các bông hoa sẽ xếp chữ cái đầu tiên trong tên của cô gái. Nhưng tên người nhiều vô kể, số lượng miếng xốp có hạn nên chúng tôi lựa chọn những chữ phổ biến nhất như “T”, “L” và “H”, mỗi chữ chiếm ba cái. Sáu miếng còn lại, mỗi miếng một chữ khác nhau như “V” hoặc “B”. Lúc thằng Choác xếp chữ “C”, tôi hỏi:

    -Tên con gái có ai là chữ C nhỉ?

    Thằng Choác ngẩn tò te. Nó nói:

    -Ờ… chẳng lẽ là Cún? Hay Chó?

    Tôi với nó cười sằng sặc, nhưng cả hai thằng nhất thời không nghĩ ra tên cô gái nào bắt đầu bằng chữ C. Lúc ấy Châu bỗng lên tiếng, đôi mắt lườm tôi và thằng Choác:

    -Thế tớ thì sao, bỏ đi đâu?

    “Ờ nhỉ!” – Tôi và thằng bạn bịt mồm cười. Lâu ngày gọi Châu là “Trâu” nên chúng tôi quên béng tên em. Tôi tủm tỉm cười:

    -Hình như là “Trâu” chứ có phải Châu đâu?

    Châu co tay đấm tôi vài phát. Kể cũng lạ, bọn thằng Sĩ thằng Cuốc suốt ngày gọi “Trâu” chẳng sao, hễ tôi mở miệng ra là em lại đấm. Chúng nó nói gì, em chỉ cười, còn tôi phát ngôn câu nào, em bật lại câu đó (lắm khi là cố tình). Đúng là cái số bị gái ghét! Sau này lấy vợ thế nào đây? –Tôi đã than thở như vậy.

    Sau hai tuần cật lực, bọn tôi đã hoàn thành công việc. Bỏ bốn miếng xốp bị hỏng và một miếng cho anh thằng Cuốc, tổng cộng sản phẩm là hai mươi lăm chiếc, mười hai xếp chữ hoa giấy, mười ba chiếc vẽ chữ. Dù chẳng biết bán được hàng hay không nhưng đứa nào cũng vui. Cũng giống như vẽ tranh, khi bạn bỏ công sức ra vẽ, tô màu và tới lúc hoàn thiện nó, bạn sẽ thấy vui hơn – một thứ hạnh phúc do bạn tự tay tạo ra. Chỉ khổ là nhà thằng Cuốc đợt ấy như bãi chiến trường, chúng tôi phải dọn dẹp cả chiều mới sạch sẽ. May thay mẹ nó dễ tính nên cũng không phàn nàn gì. Về phần ông anh thằng Cuốc, ổng thấy món đồn handmade này cũng đẹp nên vui vẻ bỏ ra hai mươi nghìn. Thấy ổng phản ứng thế, chúng tôi khá vui và hy vọng bán được hết số hàng này.

    Chiều hôm cúng ông Công ông Táo, chúng tôi bọc từng miếng xốp trong túi nylon rồi chở hàng ra chợ đêm Đồng Xuân. Lâu rồi tôi không đi chợ đêm nên chẳng biết nơi ấy thay đổi ra sao, chỉ nhớ ở thời của tôi, chợ chia thành hai thành phần: khu chính dành cho người buôn lâu năm, khu phụ cho dân buôn bán thời vụ. Dân buôn thời vụ thì không có sạp hàng, chỉ bán bên lề đường hoặc tự dựng những góc con con để trưng bày hàng. Trong số dân buôn thời vụ có rất nhiều các anh chị sinh viên, họ cũng bán đồ handmade, mặt nạ hoặc bóng bay. Một số sinh viên trường mỹ thuật còn vác cả giấy bút ra vẽ tranh chân dung lấy tiền. Thấy họ giống mình, chúng tôi cũng đỡ ngại ngùng hơn. Như thường lệ, Châu lại là người lên tinh thần cho cả bọn:

    -Làm thôi! Mấy ông đừng lì lì vậy chứ, trông ghê chết được! Cười lên xem nào! Cười lên đi Tùng ơi! Tớ bảo là cười cơ mà!

    Em đưa tay tóm má tôi và cố chỉnh thành nụ cười. Trông em phẫu thuật bản mặt nhăn nhó của tôi, cả lũ cười theo rồi bắt tay vào làm. Chúng tôi dựng hàng gần một cột điện, treo một tấm xốp cỡ bự lên thân cây, sau đó đính các miếng xốp lên đó để trưng bày. Tôi không thể nhớ chính xác cột điện ấy nằm chỗ nào trong chợ đêm, chỉ nhớ nếu từ cột điện ấy đi lên khoảng chục bước sẽ gặp hội hát xẩm khá nổi tiếng ở Đồng Xuân. Họ thường hát vào tối thứ bảy, song độ ấy gần Tết nên ngày nào cũng có hội xẩm. Phải, Tết sắp về. Trên mọi nẻo đường, tôi thấy những cành đào tươi sắc hồng thắm, những chậu quất lớn trên yên xe máy thi thoảng tạt qua. Không khí Tết khiến tôi lợn cợn suy nghĩ về Hoa Ngọc Linh. Tháng vừa rồi tôi vừa tặng em một bức tranh khác, cũng đóng khung gỗ, cũng đổ màu và cẩn thận từng nét vẽ. Chẳng biết em có thích không? Giờ này em đang làm gì? – Tôi tự hỏi.

    Những suy nghĩ vẩn vơ ấy của tôi nhanh chóng tan biến khi đêm xuống. Cuộc sống khu chợ náo nhiệt và sôi động khiến tôi nhanh chóng quên đi những phiền muộn. Thực tình, nếu đi chơi ở đó, bạn chẳng có thời gian đâu nghĩ chuyện quá khứ. Chen chân vào dòng người đông đúc, ngắm nghía đủ thứ mặt hàng thập cẩm tạp pí lù hay khư khư ôm ví tiền đề phòng quân hai ngón đã đủ mệt rồi. Khách khứa đông dần, bọn tôi cũng bắt đầu làm việc. Sáu đứa chúng tôi (bốn thằng con trai, Châu và cô bạn em) thay phiên nhau mời chào khách. Thằng Sĩ và thằng Choác được tướng cao to bảnh chọe (thằng Choác cũng bảnh lắm), các em gái như ruồi thấy mật cứ bu tới. Châu và bạn em được cái khéo miệng nên ai cũng hỏi. Tôi thì ăn nói kém cỏi, bộ môn marketing mù tịt nên chẳng ma nào thèm ngó. Tới lượt ông Cuốc thì ông thần này oang oang giữa đường, mồm hắn gào to, hai chiếc răng to tổ bố lồ lộ:

    -Mua giùm em các anh chị ơi! Hàng ngon, bổ, rẻ, chưa qua sử dụng! Giá cả phải chăng! Hợp với đôi lứa, anh mua chị thích! Mua giùm em với!

    Nghe nó quảng cáo, cả lũ bọn tôi lẫn dân buôn bán xung quanh cười sặc. Cơ mà thằng Cuốc chẳng ngại gì, cứ bô bô mời chào. Ấy thế mà cũng có tóm được hai, ba khách; vẫn tốt hơn tôi nhiều!

    Nhưng buôn bán kinh doanh là một lĩnh vực quá sức với lũ học sinh. Nhiều khách hỏi nhưng chẳng ai mua đồ của bọn tôi. Người chê đắt (mỗi miếng xốp giá hai mươi nghìn), người tần ngần định mua rồi lại thôi, người nói ở ngoài kia có nhiều đồ đẹp hơn (dù họ khoái mấy miếng xốp vẽ màu nước của tôi chết cha); bọn tôi quá tốn thời gian vào những người thờ ơ mà lại dành ít sự quan tâm cho người có nhu cầu. Trong ngày đầu tiên, chúng tôi chẳng bán được cái nào, tâm trạng cả lũ khá hụt hẫng. Không hụt hẫng sao được khi chẳng ai trả giá cho công sức của mình? Nhưng với tinh thần “cọ xát là chính”, chúng tôi cũng không quá nặng nề tiền bạc. Châu cười:

    -Thôi không sao, bán được thì bán, không được thì thôi, bọn mình qua đây vui chơi là chủ yếu!

    Sang ngày thứ hai, chúng tôi không quá tập trung bán hàng mà dành thời gian vui chơi nhiều hơn. Bốn đứa ở lại còn hai đứa đi chơi thoải mái trong nửa tiếng, hết thời gian lại về trông hàng. Châu và bạn em lượn trước, lúc về hai nàng mang theo mấy con thú bông móc vào chìa khóa. Thằng Sĩ và thằng Cuốc đều sở hữu tâm hồn ăn uống mạnh nên vác về bản doanh một lô một lốc quà vặt đủ đánh chén qua đêm. Tôi và thằng Choác thì chẳng có nhu cầu ăn hay chơi gì nên chỉ tản bộ loanh quanh, hết qua khu hát xẩm lại vòng về khu vui chơi có thưởng xem dân tình đốt tiền. Tuy nhiên, lúc đi qua cửa hàng lưu niệm, thằng Choác bỗng hỏi một câu:

    -Thế hôm Valentine, mày có định tặng con Linh cái gì không?

    Tôi gãi gãi đầu rồi nói:

    -Đập Muỗi ông hỏi khó tôi! Tao tặng nó quà sinh nhật rồi, ngày nào cũng tặng nó tranh, chưa đủ chắc? Với cả Valentine là con gái tặng con trai chớ!

    -Thế mày nghĩ bọn con gái chịu hiểu chắc? – Thằng Choác cười phớ lớ – Ông tặng nó cả năm mà không tặng ngày Valentine thì chúng nó sút ông luôn và ngay! Đầu óc con gái thế mà! Cơ mà tao thấy mày nên mua quà tặng đứa khác thì tốt hơn! Đừng chối, tao biết thừa mày đang thích ai! Mày không qua mặt được lãnh tụ đâu!

    Tôi chột dạ. Thằng Choác trông vậy mà mắt nhìn đời của nó cũng sắc sảo ra trò. Quả thực, nếu bắt tôi tặng quà cho một cô gái, tôi sẽ tặng cho Châu. Nói thế không có nghĩa là tôi bỏ quên Hoa Ngọc Linh, nhưng vì Linh ở xa quá, vì suốt mấy năm nay tôi chưa gặp Linh, vì Linh không trả lời tin nhắn Yahoo!, vì… nhiều thứ khác. Trong tâm tưởng, tôi đã cố gắng ngụy biện mọi lý do, nhưng chẳng thể chống lại một sự thật: nếu phải tặng quà, tôi sẽ tặng cho Châu.

    Đương mải suy nghĩ, thằng Choác bỗng khoác vai tôi, bản mặt khắm bẹn hơn bao giờ hết:

    -Tao biết là mày yêu tao, cho nên mua hộ tao cái móc chìa khóa! Đi, Đập Muỗi, bố chỉ còn mười cành thôi, không đủ tiền! Đi mà, anh Tóp ơi em yêu anh! Mua cho em đi! Con bà mày!

    Chúng tôi vừa cười ngặt nghẽo vừa chửi nhau trên suốt đường về. Thằng Choác không tinh tế như tôi tưởng, nhưng câu hỏi của nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

    Suốt ngày thứ hai, bọn tôi chỉ bán được một cái, tình hình kinh doanh vẫn tệ. Nhưng sang ngày thứ ba, mọi chuyện đổi khác sau một biến cố nhỏ. Số là gần hàng tụi tôi có một bà cô bán đĩa lậu. Tầm tối tối, bả lại mang cả sọt đĩa tới, bày ra hàng đống trên cái bạt to tổ bố. Thời đó, Internet chưa mạnh như bây giờ nên đĩa vẫn được ưa chuộng, hàng của bả bán rất chạy. Đúng hôm ấy, đội trật tự gì đó của khu chợ đi bắt những người bán hàng lậu. Nhác thấy đám trật tự đằng xa, bà cô vội vàng vén đĩa vào sọt song không xuể, bả quay sang gọi bọn tôi:

    -Giúp cô với các con ơi! Giúp cô với!

    Bốn thằng con trai thấy vậy cũng giúp bả thu dọn đống băng đĩa vào sọt. Bà cô ôm sọt chạy huỳnh huỵch, đám con buôn gần đấy cũng tách ra cho bả thoát thân. Lát sau, đợi đội trật tự đi rồi, bà cô bán đĩa quay trở lại và không ngớt lời cảm ơn bốn thằng bọn tôi cộng thêm mấy câu chửi bới dành cho đội trật tự chợ đêm. Từ đấy về sau, hễ thấy đôi nào đi qua là bả lại quảng cáo hàng giúp bọn tôi. Bả là dân buôn, chửi như hát hay mà mời chào cũng khéo:

    -Mấy em ơi mua hàng đi này! Va len tin mua cái gì tặng người yêu đi em ơi, hàng của bọn trẻ con này đẹp lắm! Mua đi em, rẻ lắm!

    Dân buôn lâu năm có sức hút đặc biệt mà bọn học sinh chúng tôi không hề có. Nghe bà cô mời chào, nhiều người đứng lại xem và hỏi mua hàng của tụi tôi. Có anh chàng chê đắt, bà cô nói luôn:

    -Hai mươi nghìn là rẻ rồi em ơi! Mua tặng người yêu thì hào phóng chút đi chứ! Em trả ít thế thì ai làm cho em nữa?

    Nhờ bà cô quái chiêu này, ngay tối hôm đó, chúng tôi bán được mười hai chiếc. Sang ngày thứ tư, cũng nhờ bả mà chúng tôi bán thêm mười chiếc nữa. Tôi từng nghe thương trường như chiến trường, nhưng qua lần ấy, tôi nhận ra rằng giúp đỡ người khác đúng lúc sẽ mang lại nhiều lợi ích. Mấy ngày ở khu chợ đêm, tôi đã học được nhiều điều mà trường học hay cha mẹ không dạy cho mình. Châu nói đúng, chợ đêm vui hơn mấy quán điện tử nhiều!

    Hai mươi lăm miếng xốp trái tim, chúng tôi bán được hai mươi ba chiếc, thu được gần năm lít, tính ra cũng gọi là lãi. Song nếu tính chi phí đi lại, rồi số tiền bọn tôi bỏ ra lúc vui chơi chợ đêm thì phải gọi là lỗ nặng. Nhưng chẳng sao, tuổi trẻ chúng tôi chỉ cần vui, không cần tiền. Đúng hôm Valentine, tức ngày thứ năm, bọn tôi vẫn tới chợ đêm bán nốt hai miếng xốp cộng thêm mấy cái thiệp giấy do thằng Choác làm (con vẹo này khéo tay kinh). Thằng Sĩ có mang theo bộ bài, thế là mấy đứa châu đầu vào đánh tá lả, không chú ý bán hàng nữa, ai hỏi thì mới chịu đứng dậy. Như một sự sắp xếp, ba thằng kia cùng cô bé Hà – bạn Châu mê tít trò này, còn tôi và Châu lại chẳng ham. Tôi bảo Châu:

    -Đi dạo không cô?

    Em đồng ý và cùng tôi dạo quanh chợ đêm. Ngày Valentine năm ấy hơi mưa, cái mưa lây phây buốt giá mà nhẹ nhàng đặc trưng của Hà Nội. Trong dòng tình nhân tay ôm vai ấp, tôi và em như hai người xa lạ. Chúng tôi chỉ đi gần nhau, chẳng có một cử chỉ hay động thái để người ta nhìn vào và nghĩ chúng tôi có quan hệ. Tôi nhớ rõ hôm ấy Châu vẫn mặc áo đồng phục, trên cổ cuốn chiếc khăn màu hồng nhạt – màu em yêu thích, em đeo đôi găng tay có thêu hình con gấu. Nhìn chiếc găng tay, tôi cười:

    -Học lớp mấy rồi còn trẻ con thế cô ơi?

    Châu không cãi tôi như mọi khi mà chỉ cười. Chúng tôi vừa đi vừa bàn luận khá nhiều phi vụ kinh doanh nọ. Kiếm được tiền nên hai đứa bàn luận hăng say, thậm chí tính cả mùa Valentine năm sau. Hết chuyện buôn bán, Châu bỗng chuyển chủ đề:

    -Tùng có mua quà Valentine cho ai không?

    -Không, mẹ bảo “xấu như mày chó nó yêu”!

    Em cười rũ. Tôi thầm mong em hãy nói rằng “tặng cho tớ”, tôi sẽ mua tặng em liền. Nhưng thay vì nói một lời có cánh nào đấy, tôi lại hỏi:

    -Thế cô có tặng ai không?

    -Không! – Châu lắc đầu – Có tìm được ai đâu?

    -Thế ngày xưa, hồi cấp hai ấy, cô có tặng ai không?

    Châu mím môi, gương mặt hơi ngửa lên, ánh mắt tìm lại hoài niệm giữa cơn mưa lạnh:

    -Ờm… có! Ngày xưa, hồi lớp 9, tớ có thích một anh học lớp trên. Trường ấy có cấp hai lẫn cấp ba mà! Ừ, tại hắn hát hay nên tớ thích. Hôm Valentine, tớ có tặng hắn thanh sô co la, đúng chuẩn luôn!

    -Vậy là yêu luôn hả?

    -Không. Hắn chê tớ trẻ con quá, hắn bảo “trông em như học sinh lớp 6” ấy!

    Tôi bật cười, cười không phải vì chuyện của em buồn cười hay vóc dáng nhỏ nhắn của em. Tôi cười vì anh chàng ngốc nghếch kia không nhận ra em là một cô gái tuyệt vời. Giả như anh ta chấp nhận tình cảm của em, có lẽ tôi sẽ không gặp được Châu và câu chuyện này sẽ khác, khác rất nhiều.

    -Vậy còn cái người mà Tùng tặng tranh ấy… – Châu hỏi – …có phải là người Tùng thích không?

    Em nói đúng. Hoa Ngọc Linh là người tôi thích, thậm chí hơn thế. Tôi ậm ừ:

    -Chuyện lâu rồi. Cũng lâu rồi tôi không gặp. Cũng chả biết còn nhớ gì không nữa…

    -Thế Tùng có định tặng quà bạn ấy không?

    Hỏi khó vãi bà cố! – Tôi rủa thầm rồi trả lời:

    -Ờm… chắc là không. Bảo rồi mà, lâu quá rồi chẳng gặp nữa!

    Tôi ước mong Châu đưa ra đề nghị tôi tặng quà em. Nhưng sau câu trả lời ấy, em chẳng nói gì nữa, chỉ im lặng bước cùng tôi. Tôi đã nghĩ nếu trả lời rằng mình chẳng còn chút tình cảm gì với Hoa Ngọc Linh nữa, khéo chừng Châu sẽ nói khác. Song tôi không dám nói thế bởi tôi không thể dối lừa trái tim mình được.

    Hai đứa đi tới khu bán hàng linh tinh thì Châu chạy đi đâu đó và bảo tôi đứng chờ. Tôi đoán em đã trông thấy kẹo mút hoặc mấy con thú nhồi bông chi đó. Nhưng lạ thay, khi quay trở lại, em mang trên tay một hộp chì màu rồi dúi vào tay tôi. Tôi ngạc nhiên:

    -Cái gì đây?

    -Cho Tùng đó! – Em cười – Quà Valentine!

    -Hả?

    -Ngày Valentine thì con gái phải tặng quà con trai chứ, đúng không

    -Nhưng sao cô tặng tôi?

    Và cô bé bắt đầu bắn như súng liên thanh:

    -Ngày Valentine thì ai tặng quà cho nhau cũng được, miễn là người đó quan trọng với mình. Nếu yêu nhau thì tặng sô cô la. Tùng là bạn tớ nên tớ tặng cho Tùng, có thế thôi! Nhưng đừng nói cho ai biết nhé! Tớ hết tiền rồi, không mua cho ai được nữa đâu! Tớ…

    Em nói không nghỉ, nói tới đâu, má đỏ tới đó. Rồi cuối cùng, em nói thật chậm, từng lời từng chữ như gió lướt qua tai tôi:

    -Trở thành họa sĩ giỏi nhé! Tớ mong Tùng làm được!

    Đây không phải lần đầu tiên tôi được con gái tặng quà. Tôi cũng không thiếu chì màu mà thèm khát món quà này. Nhưng lần đầu tiên có người chúc tôi hoàn thành ước mơ của mình. Lúc ấy, tâm trạng tôi vui khó tả, vui tới nỗi mồm miệng chỉ thốt được vài câu ngắn ngủn:

    -Rồi! Biết thế! Cảm ơn!

    Tôi cười, em cũng cười, và rồi chúng tôi tiếp tục đi dạo. Dòng người đổ về chợ đêm ngày càng đông, khó khăn chúng tôi mới bám sát được nhau. Trông thấy Châu bị tụt lại phía sau, tôi định nắm tay em, nhưng nghĩ sao lại giơ tay áo ra:

    -Bám lấy, kẻo mẹ mìn bắt sang Trung Quốc bây giờ!

    Em cười, bàn tay nhỏ bé thụi vào lưng tôi. Nhưng chẳng biết em đấm thế nào mà tôi chỉ cảm giác nó như một lời trách móc đáng yêu. Em nắm lấy tay áo của tôi mà đi. Tới khi rời khỏi chỗ đông người rồi, em vẫn nắm tay áo chưa buông. Tôi cũng để yên như thế, chứ chẳng phàn nàn hay bảo em thả ra. Tôi không muốn làm thằng ngu của thế kỷ đâu!

    Đột nhiên, Châu dừng bước. Em lôi ra chiếc MP3 đoạn nhét một phone vào tai tôi, một phone vào tai em, giống hệt như cách tôi dỗ dành em lúc đi ăn kem. Nghe tiếng nhạc, tôi “à” một tiếng rồi nói:

    -Cái bài này nghe quen lắm, của Savage Garden đúng không? Tên là…

    -Truly Madly Deeply. – Châu cười – Tưởng Tùng toàn nghe rock chứ cũng nghe bài này à?

    -Hồi tiểu học nghe suốt mà! – Tôi đáp.

    Và sau đó, chúng tôi vừa đi vừa nghe nhạc. Đi một quãng, em bỗng vươn tay lên nắm lấy tay tôi, bàn tay ấy không còn đeo chiếc găng thêu hình con gấu nữa. Cũng chẳng phải lần đầu tiên nắm tay con gái, nhưng trong tôi vẫn trào dâng những cảm xúc kỳ lạ, hệt như lần đầu tiên vậy. Tôi nhớ tay em không mềm lắm, mà hơi ráp, có chút gì đấy tương tự bàn tay của mẹ tôi – người phụ nữ hay chăm lo việc nhà. Tôi hỏi:

    -Không lạnh à?

    Châu rụt đầu trong khăn quàng cổ như cố giấu hai má đỏ bừng còn đôi mắt lảng đi nơi khác:

    -Thế này cho ấm!

    Tôi không hỏi gì thêm, tay tôi dắt tay em đi trên con đường chợ đêm rực rỡ sắc màu. Chiếc hộp chì màu đã nằm gọn trong túi tôi, trong trái tim tôi. Tôi đã nghĩ phải quyết định dứt khoát mình nên theo ai. Nhưng cuối cùng, Châu lại đánh cắp tâm hồn tôi thêm lần nữa trong cơn mưa tháng hai – một cơn mưa nhẹ nhàng như chính bài hát của Savage Garden vậy.

    I want to lay like this forever
    Until the sky falls down on me




    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 03-01-2014 lúc 00:26.

  8. Bài viết được 7 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    haininh118,Lạc Thiên,ngocnghechvn,NguyenHoang,quangheo,Thiên Lôi,Vân Tiên Khách,
  9. #15
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    746
    Xu
    0

    Mặc định

    Chương 15





    Câu chuyện ở chợ đêm tính đến giờ đã bảy năm. Suốt bảy năm đó, tôi không bao giờ quay lại chợ đêm nữa. Nhưng những ký ức ngày ấy như mới xảy ra hôm qua. Tôi nhớ từng chi tiết và kể khá hào hứng, đến nỗi sự hào hứng ấy lây sang cả Hoa Ngọc Linh. Từ lúc tôi kể chuyện cấp ba, Linh không hề chen ngang lời tôi, chỉ thi thoảng cười, thi thoảng nhấp ngụm café rồi tiếp tục lắng nghe như đang thưởng thức một bộ phim. Nhưng nghe đến chuyện chợ đêm, em không thể im lặng nữa mà phải nhổm người lên, vẻ mặt tràn đầy sự thích thú:

    -Nghe giống phim Hàn Quốc ấy nhỉ? Thật không thế?

    -Chém gió đấy! – Tôi đáp.

    Linh cười rồi lắc đầu trước thói chớt nhả của tôi. Thay vì tìm hiểu lời tôi nói là thật hay bốc phét, em lại hỏi tiếp:

    -Thế sau đó hai người hẹn hò hả?

    -Không! – Tôi lắc đầu – Vẫn chỉ là bạn thôi.

    Linh ngạc nhiên, đôi mắt em phạt một đường sắc lẻm thẳng mặt tôi (thực ra chỉ là lườm, nhưng mắt em sắc nên mỗi cái lườm là mỗi nhát dao):

    -Con gái đã nắm tay người khác là chỉ có thích. Thế mà cuối cùng lại chẳng có gì là sao?

    Châu nắm tay tôi không có nghĩa là em thích tôi hoặc em đã “đổ” hay cái vẹo gì lãng mạn như thế; con trai con gái ngày ấy nắm tay nhau đầy rồi! Nhưng nó cũng có nghĩa là cô bé đã mở lòng và cho tôi cơ hội tiến xa hơn nữa. Song tôi chẳng tiến, chẳng lui, chỉ giữ quan hệ bạn bè với em suốt năm lớp 11. Lý do vẫn chỉ một và duy nhất, nhưng tôi không muốn trả lời thẳng trước mặt Linh, đành ậm ừ:

    -Ờ thì… tại ham điện tử quá, hổng nghĩ chuyện gái gú luôn!

    Linh nói:

    -Thật hả? Không chém gió chứ?

    -Thật “chăm phần chăm”! – Tôi trả lời.

    Em lại cười và cũng giống lần trước, chẳng hề truy vấn tôi nói thật hay góp gió tạo bão. Tôi hơi bị hẫng, lưng nóng bừng. Nói chuyện với một cô gái mà cổ cứ gật đầu, ừ hữ trước mọi lời lẽ của bạn và chẳng quan tâm chúng logic hay không, thực tình rất khó chịu. Tôi thầm trách ông trời không ban cho mình bộ mặt bảnh như thằng Sĩ, dáng người cao ráo như thằng Choác. Được vậy, Linh sẽ không bao giờ nghĩ tôi ba hoa. Con gái yêu vẻ bề ngoài mà! He he!

    -Vậy… Châu hiện giờ thế nào? – Linh chợt hỏi.

    Tôi ngạc nhiên:

    -Sao tự nhiên hỏi thế? Linh quen biết Châu à?

    -Không, không hề. – Linh lắc đầu – Chỉ là muốn biết thôi. Châu là cô gái tốt, đúng không? Phải biết người tốt kết cục ra sao chứ? Thông cảm, độ này xem phim Hàn nhiều nên lậm!

    Hai đứa chúng tôi cùng cười vì sở thích của em. Rồi đợi tiếng cười qua đi, tôi trả lời:

    -Châu sống rất tốt. Công việc ổn, gia đình hạnh phúc.

    -Tùng có nói chuyện lại với Châu chứ?

    -Không! Hồi năm trước, mình dò facebook của mấy đứa bạn cấp ba thì thấy facebook của Châu. Mutual friends ấy! Ờ, cũng chỉ vào xem mấy cái ảnh, thế thôi! Cũng chẳng add friend làm gì. Ờ… đại khái thế.

    -Sao không add? Ngại à?

    -Ờ… nhát gái khổ thế! – Tôi gãi đầu.

    Tôi nhấp ngụm café rồi hỏi:

    -Quà sinh nhật hồi năm lớp 10 mình tặng cho Linh, Linh nhận được không?

    Lần này, tới lượt Linh im lặng. Em vuốt tóc, môi nở nụ cười bí ẩn như thách thức sự tò mò của tôi. Tôi đã biết trước kết quả, song vẫn mong chờ một điều kỳ diệu từ câu trả lời của em.

    *
    * *

    Sau buổi tối đáng nhớ ở chợ đêm, tôi vẫn duy trì mối quan hệ bạn bè với Châu, chẳng dám tiến xa hơn. Lý do duy nhất và muôn thuở là Hoa Ngọc Linh. Nửa cuối năm lớp 11, tôi tiếp tục vẽ, đạp xe tới con phố nọ và tặng tranh trước cửa nhà Linh. Kể cả những hôm không có tranh, tôi vẫn tạt qua. Lặp đi lặp lại như thế hàng chục lần nên mặt tiền nhà em ra sao, tôi nhớ từng chi tiết một. Từ cái cửa sắt màu xanh, ô cửa sổ treo chiếc chuông gió cho tới khoảng sân vương lá khô, tôi nhớ cả. Linh chẳng bao giờ xuất hiện, cũng không trả lời tin nhắn Yahoo!, nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng rằng tình cảm của mình sẽ được em đáp lại – một thứ hy vọng mong manh mơ hồ.

    Trong khi đó cuộc sống ở lớp của tôi vẫn bình thường. Học, chơi điện tử, ăn uống nhậu nhẹt cùng ba thằng bạn, loanh quanh luẩn quẩn mấy thứ vậy thôi. Nhưng mỗi thứ lại thêm tí sắc màu khi Châu xuất hiện. Nhờ em, bọn tôi biết được nhiều chỗ ăn vặt hay ho, những món mới lạ và cả những hàng quán kỳ lạ, như cửa hàng xôi treo biển “Xôi hơi bị ngon” là ví dụ (khá hài hước, tôi không rõ quán đó còn tồn tại không). Em cũng chẳng khuyên tôi bớt chơi điện tử, chỉ hỏi xem tôi biến những ý tưởng từ game ra tranh vẽ thế nào. Từ trước tới nay, Châu khá thích thú với những tranh vẽ nhân vật game của tôi, nhưng bỗng một ngày nọ, em bảo tôi thế này:

    -Tùng vẽ đẹp thật! Nhưng có bao giờ Tùng tự tạo ra nhân vật cho chính mình không? Copy lại tranh thế này không chán à?

    Tôi có sở trường vẽ tranh fantasy, song các nhân vật trong tranh của tôi đều xuất phát từ những hình tượng có sẵn. Tôi vốn không nghĩ nó sẽ là vấn đề trên con đường trở thành họa sĩ của tôi. Tôi nói:

    -Tôi muốn làm họa sĩ tạo hình game mà, nên giờ phải vẽ theo game thôi! Có gì sai à?

    Cô bé lập tức bắn chữ tía lia (chơi với em nhiều nên tôi cũng quen kiểu nói nhanh kinh hồn này):

    -Không sai, nhưng mà Tùng không nghĩ một nhân vật riêng cho mình à? Tớ không biết game, nhưng mỗi game có một nhân vật khác nhau, đúng không? Mỗi họa sĩ phải tạo ra nhân vật khác so với người khác. Giả sử Tùng thiết kế một nhân vật, chẳng lẽ nhân vật đó lại giống nhân vật của người khác à?

    Tôi ngẩn người. Châu hơi dài dòng, nhưng đại ý của em đề cập chuyện cốt lõi nhất trong việc làm nghệ thuật: sự sáng tạo. Tôi nhận ra mình đang đi vào lối mòn của sao chép và ỷ lại người khác. Tôi vẽ nhiều, nhưng chưa bức tranh nào thực sự mang dấu ấn của riêng mình. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi gật gù:

    -Ờ, cô nói nghe hay đấy! Để tôi vẽ thử!

    -Thế chứ, vẽ xong rồi cho tớ xem nhé!

    Kể từ ấy, tôi gần như bỏ việc sao chép hình tượng có sẵn, thi thoảng lắm mới vẽ lại để kiểm tra độ khó tạo hình hoặc tìm ý tưởng mới. Người ta nói “bạn là duy nhất, là một” – đúng, chẳng ai giống ai, nhưng người ta không hề nói “muốn thành công, bạn phải đặc biệt”. Nhờ Châu, tôi may mắn tìm ra chân lý ấy từ sớm. Những buổi đầu định hình phong cách riêng thực khó khăn; mỗi lần đặt bút vẽ, những hình ảnh cũ lại hiện lên và điều khiển đôi tay của tôi. Một lần nọ, tôi thiết kế một nhân vật chiến binh viễn tưởng và đưa cho Châu đánh giá. Em ngắm nghía rất kỹ rồi nói:

    -Vẫn giống mấy bức vẽ cũ lắm! Mà sao nhân vật viễn tưởng cứ cầm súng hoài? Cầm cả súng lẫn kiếm không được à?

    Ờ nhỉ? – Tôi tự nhủ. Thời đại viễn tưởng mà, ai cấm mình không được xài cái nọ cái kia? Nghe lời Châu, tôi bắt đầu vẽ lại bức tranh. Cứ thế, mỗi ngày tôi cố gắng từng chút một, sáng tạo hết mức có thể. Sau hai tháng, khi nhìn tranh tôi vẽ, Châu nở nụ cười:

    -Tiến bộ rồi đấy! Trông khác hẳn!

    Lời khen của em làm tôi rất vui. Tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng trên con đường trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Tôi đã mơ như thế. Tôi không phải đứa duy nhất muốn đi trên con đường của riêng mình. Rất nhiều những con người thế hệ 90 đã mơ ước, thậm chí nhiều hoài bão hơn thế.

    Lớp 11 nhanh chóng trôi về ngày bế giảng. Sau lễ bế giảng, tôi và Châu nán lại trên chiếc ghế đá dưới cây phượng vĩ, hai đứa chúng tôi thấy các anh chị cuối cấp trao nhau những dòng lưu bút, họ tạm biệt nhau và tiếp tục bước vào chặng đường cam go khác: kỳ thi đại học. Trông đám lớp 12, lòng tôi hơi lợn cợn bởi một năm nữa thôi, tôi cũng sẽ như họ. Tôi sẽ rời trường cấp ba và bước theo con đường riêng. Châu có cảm xúc giống tôi, em nói:

    -Tùng đã định vào trường nào chưa?

    -Trường… (xin phép không nêu tên), ở đó họ dạy môn thiết kế đồ họa. Hoặc không thì trường mỹ thuật. Một trong hai chỗ đó thôi! Thế còn cô?

    -Tớ cũng muốn thi vào ngành mỹ thuật. Nhớ tớ bảo gì chứ? Tớ muốn trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh!

    -Vẽ hentai chứ gì? – Tôi cười khả ố.

    Châu đấm tôi vài phát rồi nói nghiêm túc:

    -Nếu sau này tớ trở thành mangaka (người sáng tác truyện tranh), Tùng có mua truyện của tớ không?

    Ánh mắt của Châu rực cháy niềm tin kiên định rằng cô bé sẽ trở thành một mangaka thành công. Em có thực tài và không có gì phải nghi ngờ rằng một ngày kia, em sẽ thành công sớm hơn tôi. Tôi gật đầu động viên em:

    -Yên tâm, tôi sẽ mua! Lúc ấy đừng quên thằng này nhé! Nếu tôi đang thất nghiệp mà cô cần trợ lý, tôi làm liền!

    Em cười, hai bờ má ửng đỏ nhảy múa cùng nắng tháng năm. Sự vô tư hồn nhiên của em tiếp thêm sức mạnh cho tôi, khiến tôi tin rằng con đường mình đi là đúng.

    Ba thằng bạn của tôi cũng có những ước mơ của riêng chúng nó. Chiều hôm ấy, tôi và bọn nó đạp xe ra Hồ Tây hóng mát. Ở nơi ấy, chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn những dãy nhà bé tí ở bờ hồ bên kia, có thể ngắm những người câu cá kiên nhẫn cả ngày trên cây cầu lắt lẻo dẫn ra hồ. Ngày đó, người ta đã cải tạo xong con đường mới xung quanh hồ nên lũ trẻ con thường ra chơi và hò hét ầm trời. Bốn thằng chúng tôi thì chơi trò chơi của riêng mình: lia đá trên nước. Hồ Tây rộng lắm, rộng như cuộc đời, còn mỗi hòn đá chúng tôi lia ra như ước mơ của mỗi đứa. Đứa nào cũng ném hết sức để xem hòn đá bay được bao xa, để xem ước mơ đi được đến đâu giữa cuộc đời vô tận. Tôi vừa lia đá vừa hỏi:

    -Chúng mày đã tính theo ngành nào chưa?

    Thằng Sĩ phi đá. Đá đập khoảng bốn năm lần trên mặt nước rồi chìm xuống. Nó nói:

    -Tôi muốn theo ngành marketing. Chắc tôi sẽ thi vào mấy trường kinh tế. Để xem lớp 12 thế nào đã, nhưng tôi chắc chắn theo ngành này.

    Ông thần bảnh và chảnh này nói năng khá dứt khoát. Tới lượt thằng Cuốc, nó chọn hòn đá tròn vo, lia xuống nước chưa đập được phát nào đã chìm nghỉm. Nó trả lời bâng quơ:

    -Tôi thế nào cũng được, miễn sao có bằng đại học. Cứ có bằng đại học đã, việc làm gì tính sau!

    Thằng Cuốc nói hơi lưỡng lự, tính nó ba phải, xưa nay chỉ chúi mũi vào game nên cũng chẳng mơ ước gì to tát. Với nó, chỉ cần mỗi ngày được chơi game là hạnh phúc. Tới lượt thằng Choác, thằng này chọn mảnh đá dẹt, lia một cái, đá bay đập năm sáu lần trên nước. Nó cười:

    -Ông già cứ bắt tao theo ngành kiểm toán của ổng. Nhưng tao đếch thích! Tao muốn theo học công nghệ thông tin. Cái đó hợp với tao hơn!

    -Cơ mà ông già không cho mày đăng ký ngành công nghệ thông tin thì sao? – Tôi hỏi.

    -Kệ mẹ! Ông già là ông già, tao là tao chứ!

    Thằng Choác thuộc dạng đã nói là làm, họa trời mới cản nổi nó. Tôi tin rằng nó sẽ đi theo con đường đã chọn mặc cho bố mẹ phản đối thế nào chăng nữa.

    Tới lượt tôi lia đá, ba thằng còn lại chẳng thèm hỏi tôi ước mơ làm gì bởi chúng nó đã biết quá rõ. Nhưng thằng Choác lại hỏi thế này:

    -Nếu không được vẽ nữa thì mày làm gì?

    Tôi lặng thinh trước câu hỏi của nó. Quả thực tôi đã giao phó cuộc đời mình cho nghiệp vẽ. Tôi tin rằng ngoài vẽ ra, mình chẳng làm gì nên hồn. Mỗi con người sinh ra có một biệt tài khác nhau, sẽ thật phí hoài nếu tôi chôn vùi khả năng của mình. Lúc ấy, tôi đã lia đá và trả lời thế này:

    -Tao chẳng biết làm gì hết. Vì thế tao sẽ theo nghiệp vẽ!

    Tôi chẳng nhớ hòn đá của mình đập nước bao nhiêu lần. Chỉ nhớ hôm đó tôi là người ném được xa nhất. Tôi mong ước mơ của mình cũng có thể bay xa như vậy.

    Nhưng cuộc sống khắc nghiệt hơn tôi tưởng tượng. Chẳng có đam mê của đứa trẻ nào đủ sức chống chọi chiếc bánh xe khổng lồ mang tên “đại học”.

    Hè năm ấy nóng kinh hồn, sức nóng của kỳ thi đại học cũng khủng khiếp chẳng kém. Thời tiết nóng bức làm con người ta nóng đầu hơn bao giờ hết. Bố mẹ tôi lại càng nóng nực hơn khi thấy thằng con mình suốt ngày chúi mũi vào vẽ vời. Tôi nói mình muốn trở thành họa sĩ tạo hình nhân vật game. Bố mẹ cười vào suy nghĩ đó của tôi. Và không riêng gì bố mẹ tôi, tất cả những bậc cha mẹ khác – những con người của thế hệ cũ – sẽ cười vào mặt đứa con mình nếu chúng có ước mơ giống tôi. Hai cụ quyết định can thiệp vào cuộc sống của tôi và không muốn tôi vẽ nữa. Các cụ gọi đó là “uốn nắn”, tôi gọi đó là “gò ép”. Tôi muốn thi ngành mỹ thuật, còn bố mẹ lại hướng tôi vào ngành tài chính – ngân hàng.

    Phải nói rằng những năm đó, cả xã hội điên đảo với chứng khoán và ngân hàng. Đâu đâu cũng nghe “cổ” và “trứng”, ai ai cũng kháo nhau làm ngân hàng tài chính dễ kiếm tiền lắm. Mà đúng là hồi đó, những người làm việc trong ngành này kiếm được rất nhiều tiền, mà với xã hội đương thời, thằng nào kiếm được nhiều tiền bất kể tiền từ đâu ra, thằng đó được tôn trọng. Tự nhiên đám chứng khoán – tài chính – ngân hàng “lên đời” hẳn. Một cơ số phụ huynh vì thế dồn con cái đi học cái ngành dính mùi tiền nong. Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Bằng mọi phương pháp, từ mắng chửi thần tốc, khuyên răn du kích đến lựa lời kiểu “đánh chậm thắng chắc”, bố mẹ cố gắng thay đổi suy nghĩ của tôi. Nhưng tâm tư thằng chọi con mười bảy tuổi rắn chắc hơn cả cứ điểm Điện Biên Phủ, các cụ nặng nhẹ thế nào, tôi vẫn không nghe. Sau cùng, mẹ buông một câu bực dọc:

    -Đấy, mày thích thì vẽ! Nhưng mày sống được với vẽ không? Tao hỏi mày thế thôi! Nếu mày vẽ mà kiếm đủ tiền nuôi mồm mày thì tao cho mày học vẽ!

    Lời của mẹ khiến tôi phải suy nghĩ. Và đến tận bây giờ, nhiều khi tôi vẫn mất ngủ vì câu nói đó. Ừ thì tôi có đam mê, ừ thì tôi vẽ đẹp, nhưng tôi sẽ làm gì với nó? Ngày ấy, tôi không thể nhìn ra bất cứ cơ hội nào cho mình. Giả như tôi có thể ra nước ngoài, hẳn tôi sẽ có nhiều điều kiện hơn. Nhưng ở nơi đây, hoàn – toàn – không – có. Tôi chưa tiếp xúc với cuộc đời, nhưng tôi nhận ra sẽ chẳng ai trả công cho những bức vẽ tưởng tượng của tôi cả.

    Dù vậy, tôi vẫn phản kháng lại bố mẹ theo cách riêng. Bố mẹ ép tôi học thêm, tôi học lấy lệ; cấm tôi vẽ, tôi lén lút vẽ ở lớp học thêm. Có lúc họ cấm tôi chơi điện tử, tôi bèn ăn cắp tiền – một hành động đáng xấu hổ. Cho đến khi phát hiện ra tôi chôm chỉa, các cụ thất vọng vô cùng. Mẹ tôi thì khóc lóc than vãn, còn bố chẳng nói câu nào. Bố chẳng đánh tôi như hồi cấp hai nữa, nhưng đôi mắt ông cụ lộ rõ sự thất vọng, ông nói:

    -Mày làm sao thế con? Mười bảy tuổi rồi, ít ỏi gì nữa? Sống phải có trách nhiệm với gia đình chứ! Có mỗi việc học mà chẳng nên cơm nên cháo gì cả!

    Bố cho tôi hai lựa chọn: một là tiếp tục học, hai là biến khỏi nhà cùng với thứ ước mơ vẽ vời vớ vẩn. Phải nói rằng cha tôi là người cứng rắn, hoặc có con hoặc không cần đứa nào hết. Tôi đã định bỏ nhà đi thật, nhưng nghĩ lại, tôi thấy nó chẳng ích gì. Bỏ nhà đi rồi ba ngày sau phải mò về vì không có tiền, vì đói thì đi làm gì? Mà bỏ đi, tôi lấy đâu bút giấy để vẽ? Cuối cùng, tôi đầu hàng trước sự cứng rắn của bố. Tôi học thêm trở lại và cố sức học. Học không phải vì trách nhiệm hay danh dự của bố mẹ, tôi học chỉ vì muốn đỗ đại học. Đỗ đại học không phải vì tôi thích ngành tài chính ngân hàng, mà bởi bố mẹ nói rằng không đỗ đại học là cuộc đời bế mạc. Tôi gắng sức không phải vì niềm vui truy cầu kiến thức mà vì sợ hãi viễn cảnh không công ăn việc làm do không có bằng đại học.

    Ngừng vẽ, tôi trở về hình dạng của một thằng học sinh điển hình: học, ăn và ngủ – một cỗ máy không hơn không kém. Ngày nghỉ, tôi không dám đụng đến bút vẽ, tôi sợ cơn thèm khát vẽ sẽ khiến mình tiếp tục con đường trốn học. Những lúc như thế, tôi uất ức phát khóc, chỉ biết trốn trong rock và metal. Tôi tự an ủi sẽ có ngày mình được vẽ, được thỏa sức thực hiện giấc mơ, giống như bài hát “Another day” của ban nhạc Dream Theater vậy.

    You won’t find it here, look another way, you won’t find it here, so try another day! – Nếu không thể vào hôm nay, hãy tìm con đường khác, nếu không thể vào hôm nay, hãy thử vào một ngày khác!”.

    Những thằng bạn của tôi cũng gặp khó khăn với bố mẹ trong việc chọn ngành nghề. Bố mẹ thằng Sĩ muốn nó vào mấy trường hành chính, sau này nhét nó vào cơ quan nhà nước. Nhưng thằng Sĩ không chịu nghe và nhất quyết chọn ngành marketing. Sau nhiều ngày tranh cãi, cuối cùng bố mẹ thằng Sĩ đành phải chiều theo ý nó. Nó là đứa duy nhất trong bốn đứa chúng tôi thực hiện được nguyện vọng của mình. Tôi vừa vui vừa ghen tị với nó:

    -Nhất mẹ mày luôn! Được lựa chọn theo ý mình nhé!

    -He he! Cảm ơn! Tôi sẽ đỗ cho ông xem! – Thằng Sĩ cười phớ lớ.

    Thằng Choác kém may mắn hơn khi phụ huynh nhà nó cứng rắn chẳng kém phụ huynh nhà tôi. Nhưng như đã đề cập, họa trời mới cản được thằng hẹo này. Nó nói với tôi:

    -Tao chẳng thi thố gì hết! Kệ mẹ! Muốn ra sao thì ra!

    -Ý mày là sao?

    -Kệ mẹ thi! Ông bà già bắt tao thi chứ gì? Tao cứ vào rồi đếch làm bài đấy, làm gì được tao?

    -Không thi được đại học thì mày học ở đâu chứ? – Tôi hỏi.

    -Vẫn có trường nhận hồ sơ. Tao sẽ vào đó!

    Tôi thì sống theo ý bố mẹ, thằng Choác và thằng Sĩ có quyết định riêng. Còn thằng Cuốc phó mặc cuộc đời mình trong tay mẹ nó. Nó chẳng biết mình thích gì, muốn gì hay trở thành cái gì. Suốt từ cấp một tới cấp ba, mẹ thằng Cuốc chăm chỉ đi thầy cô để giữ học bạ của nó ở mức chấp nhận được. Nó là con út trong nhà, mọi việc đều phải nghe mẹ, anh trai và những người lớn tuổi hơn. Năm này qua năm khác, sự vâng lời như nhà tù giam hãm đầu óc thằng Cuốc để cuối cùng, nó chẳng hiểu nổi chính mình. Nó cũng biết điều ấy và tâm sự với tôi. Tôi đưa ra nhiều lời khuyên, nhưng với bản tính hay bàn lùi, thằng Cuốc thở dài:

    -Thôi kệ mẹ ông ạ, cứ vào đại học đã rồi tính sau!

    Thằng Cuốc không phải trường hợp cá biệt. Ở lớp học thêm, tôi tiếp xúc kha khá bọn học sinh trường khác. Đa số chúng nó phó mặc cuộc đời cho bố mẹ mình và nghĩ rằng cứ vào đại học là sẽ có việc làm – một suy nghĩ nực cười nhưng phổ biến thời đó. Có thằng chỉ coi học thêm là trò vui vì bố mẹ đã cơ cấu sẵn cho nó một vị trí ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nó tự tin nói:

    -Học hành mẹ gì, sau này thằng nào kiếm được nhiều tiền, thằng ấy là bố!

    Những đứa có chí khí hơn thì xác định rõ ngành nghề mình theo học. Nhưng tôi hỏi mười đứa thì mười một đứa không biết học xong sẽ làm nghề gì, nghề ấy hợp với mình không. Cùng là ngành ngân hàng nhưng giao dịch viên khác kế toán, khác tư vấn viên nhiều lắm. Song chẳng đứa học sinh nào biết điều ấy. Tôi nghe nói bây giờ, ở các trường cấp ba, người ta đang áp dụng mô hình hướng nghiệp cho học sinh. Tôi cảm thấy ghen tỵ với các em, bởi ít nhất các em được hướng dẫn. Còn ở thời của tôi, mỗi đứa học sinh phải tự vật lộn giữa sở thích, mong muốn của phụ huynh cùng tương lai bất định. Ở lớp tôi, có một đứa đã bỏ ngang học hồi lớp 11 để đi theo ước mơ làm ca sĩ. Nó rất nghiêm túc trong vấn đề này và dấn thân vào con đường gian khổ ấy, bất chấp sự can ngăn của cha mẹ. Đến bây giờ, sau nhiều năm cố gắng, thằng đó đã gặt hái được những thành công nhất định. Nhưng những trường hợp như nó thực sự hiếm, rất hiếm.

    Vào năm học mới, chủ đề được bàn tán nhiều nhất là đại học. Đâu đâu cũng nghe tiếng bàn tán chọn trường này trường kia, nghe mà phát nản. Tôi bèn tới bên Châu. Chỉ cần tưởng tượng gương mặt hồn nhiên của em, tôi thấy đời vui hơn một tí. Nhưng sự tình không hề như tôi mong đợi.

    -Cô vẽ đến đâu rồi? Có tranh mới không, cho tôi xem!

    -À… ừ… tớ đang vẽ. Lúc nào vẽ xong tớ đưa cho!

    -Tập vẽ tĩnh vật với vẽ bố cục chưa? Ngành mỹ thuật sẽ hỏi đó!

    -Ừ, tớ đang tập vẽ.

    Em nói chậm lắm, không còn kiểu xả chữ như bắn súng nữa. Em cũng chẳng cãi cọ mỗi khi tôi trêu em là “Trâu điên”, hai bờ má không ửng đỏ như mọi khi. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đôi mắt em – đôi mắt khiến tôi trở thành gã trai khờ dại – đã đổi khác, nó lặng lẽ một cách khó hiểu. Nhận ra em thay đổi, tôi bèn hỏi:

    -Cô có chuyện gì à? Kể tôi nghe xem nào?

    -Không có gì đâu mà! – Em cười.

    Em cười mà đôi mắt em chẳng có lấy một tia vui vẻ. Em nói “không” song thực chất em đang có vấn đề. Nhưng hỡi ôi, thằng con trai mười bảy tuổi sao hiểu nổi thứ tâm lý phức tạp ấy? Em trả lời “không” và tôi nghĩ em không muốn bị làm phiền.

    Và giá như ngày đó, tôi tiếp tục gặng hỏi và quan tâm đến em nhiều hơn.

    Kể từ ấy, những cuộc trò chuyện giữa tôi và Châu ngày càng ngắn lại. Em dường như chẳng hứng thú với giấc mơ vẽ vời của tôi nữa. Em dần kết thân với những đứa con gái ưa trang điểm và coi trường học là sàn catwalk. Ngày đó, bọn con gái khoái ép tóc, đi đâu cũng gặp vài ba cô tóc thẳng đuột khô nhếch như tóc ma nơ canh. Và Châu cũng ép tóc; em bắt đầu làm đẹp làm dáng như bao thiếu nữ khác. Có những hôm em tới lớp với đôi môi đỏ tươi, gương mặt trang điểm rất khéo hút hồn bao thằng con trai khác. Thằng Sĩ chảnh là thế cũng không kìm nổi, phải thốt lên:

    -Đập Muỗi, Châu xinh vãi chúng mày ạ!

    -Đóng Muối, xinh nhất lớp, à không nhất khối luôn!

    Tôi lắc đầu:

    -Nhưng mà tao thấy…

    Chưa để tôi nói hết câu, thằng Sĩ lẫn thằng Cuốc băm bổ vào mặt tôi:

    -Ông không ngắm thì để bọn tôi ngắm! Không thấy nó xinh à, thằng mù! Grào…

    -Thằng họa sĩ như ông về ôm ấp mấy đứa con gái tưởng tượng đi! Gréc…

    Khó ai tưởng tượng ra cô bé “Trâu điên” ấy một khi trang điểm lại đẹp đến vậy. Không chỉ bọn trai cùng lớp mà nhiều thằng trong khối cũng để ý tới em. Châu càng lúc càng lắm vệ tinh hơn bao giờ hết, dường như mọi thằng con trai đều tiến bước về phía em. Nhưng tôi thì không, tôi lùi bước, mỗi lúc một xa em hơn. Đó không phải là Châu mà tôi biết, không phải cô bé đem lại niềm hứng khởi cho bất cứ ai, không phải cô bé vô tư làm tôi ngây dại. Nhưng cuộc sống là thế, sẽ có lúc con người thay đổi và tôi buộc phải chấp nhận điều đó.

    Vì không còn vẽ tranh nên tôi bớt tiếp xúc với Châu hơn. Dần dần, hai đứa không nói chuyện cùng nhau nữa. Em vui vẻ với bạn mới, còn tôi chỉ đứng từ nơi xa mà trông em vui đùa. Con gái trưởng thành sớm hơn con trai, và họ sẽ nhanh chóng quên hết những hoài niệm thời thơ bé. Còn tôi chỉ là một thằng lớn xác mà chưa lớn suy nghĩ, tôi vẫn giữ hoài niệm về buổi tối chợ đêm, vẫn giữ hình bóng em một cách ích kỷ. Chỉ có điều, em thay đổi nhanh quá, đến nỗi tôi không kịp thích ứng. Suốt một thời gian dài, tôi không hề tìm hiểu tại sao em lại thành ra như thế.

    Khoảng giữa học kỳ I, nhà trường tổ chức họp phụ huynh khối 12. Vì sắp thi đại học, trường muốn cha mẹ nắm chắc tình hình học tập của con cái, nên một học kỳ có hai lần họp. Thành tích học tập ba môn khối A của tôi không tệ, toán lý đều khá (tôi học khá nhất lý – môn tử thần của đại đa số học sinh), riêng hóa vẫn ngu, ngu thành bản sắc và thương hiệu luôn! Ngoài việc chửi tôi một trận tơi bời về môn hóa, mẹ còn dặn dò:

    -Hôm nay mấy đứa bị bêu tên đấy! Con bé gì tên Châu học hành sa sút vì dính vào yêu đương, mày cứ liệu hồn!

    Mẹ lo hơi xa vì mặt tôi thuộc dạng “chó nó yêu”. Nhưng cái tin Châu yêu đương làm tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi vội:

    -Thế là sao hả mẹ?

    -Con bé yêu thằng nào ở lớp khác, suốt ngày chơi bời đú đởn, chẳng chịu học hành gì cả. Mà mày tránh xa mấy đứa như vậy hộ tao!

    Tôi thực sự đố kỵ với thằng ôn con giành được tình cảm của Châu. Mấy ngày sau, tôi tìm cách gặp riêng em để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng em luôn tránh mặt, hoặc trả lời một cách gượng gạo, thậm chí cáu gắt mỗi khi tôi bắt chuyện. Không phải chứ? Em ghét tôi vậy sao? Có lẽ tôi trêu em là “Trâu điên” hoặc “họa sĩ hentai” hơi nhiều, nhưng mấy tháng gần đây, chúng tôi còn không nói chuyện với nhau, nói gì trêu chọc?

    Một ngày nọ, lúc đang mải đá bóng trong giờ thể dục, thầy giáo bộ môn bảo tôi lên lớp lấy sổ đầu bài để thầy ký (thầy khá dễ tính nên không dạy nhiều lắm, ổng nói cho bọn tôi đá bóng còn hơn là tập mấy động tác vớ vẩn). Tôi quay lại lớp thì thấy Châu ngồi thu lu một góc cuối lớp, hai mắt đỏ hoe vì khóc. Lớp chẳng có ai, bóng hình em bỗng chốc nhỏ bé khôn tả. Tôi làm như không thấy gì, nhưng lúc quay ra, thấy em vẫn khóc, tôi chịu không nổi bèn bước tới ngồi đối diện em rồi hỏi:

    -Sao thế cô?

    Em lắc đầu không nói. Nhưng lần này tôi không bỏ đi như trước mà ngồi lại, gặng hỏi cho tới khi em phát cáu:

    -Tớ đã bảo là không có gì, sao Tùng nhiều chuyện thế?

    Tôi tặc lưỡi:

    -Không có gì mà khóc thế kia à? Phải nói thì tôi mới biết chứ?

    -Chuyện riêng của tớ, Tùng không cần phải biết! – Châu nói xẵng.

    -Nếu thế thì còn gọi là bạn bè làm gì chứ? – Tôi đáp lời.

    Châu im lặng. Trông em có vẻ xuôi xuôi, tôi không nói gì thêm, chỉ im lặng và kiên nhẫn chờ đợi. Và rồi Châu cũng lên tiếng:

    -Mấy hôm trước họp phụ huynh, tớ bị nêu tên, chắc ai cũng biết nhỉ?

    -Có, bà già đi họp về có nói với tôi. Bà chủ nhiệm bảo cô yêu đương cái gì đấy nên học hành sa sút. Vậy là… thật hả?

    Em gật đầu, môi nở nụ cười trong nước mắt. Tôi hỏi:

    -Vậy là đang yêu thằng nào thế?

    -Chỉ là vớ vẩn thôi! Mới gặp nhau một buổi mà mấy đứa chơi cùng cứ gán ghép tớ! Chứ đã có gì đâu? Mà chẳng hiểu đứa nào mách cô chủ nhiệm nữa?

    Tôi cứ ngỡ Châu khóc vì vấn đề gì ghê gớm lắm, hóa ra là chuyện con gái với nhau. Mấy chuyện kiểu này chẳng thích hợp với tôi chút nào. Tôi vỗ vai em an ủi:

    -Thôi kệ mẹ chúng nó! Khóc lóc làm chi cho mệt đời! Bà già bảo tôi không được chơi với cô nhưng yên tâm đê, khi nào cô trở thành mangaka nổi tiếng, tôi sẽ chụp hình với cô trước!

    Châu không cười trước lời an ủi nhạt nhẽo của tôi. Em lặng lẽ trông ra bầu trời qua song cửa sắt, trông như con chim bị nhốt trong lồng. Lát sau em tiếp lời:

    -Không phải vì chuyện bạn bè.

    -Thế là vì cái gì?

    Nói đến đây, em bật khóc, hai má đỏ ửng, đôi môi mếu máo:

    -Tớ… tớ không được vẽ nữa!

    Em nấc liên hồi, sau nói:

    -Tớ muốn thi mỹ thuật, nhưng mẹ… cấm! Mẹ nói không vẽ vời… vẽ gì hết! Mẹ bảo tớ thi ngành báo chí, mẹ bảo… thi cái đó rồi bố xin vào làm chỗ bố, nhưng tớ đâu… có muốn làm báo chí! Mẹ bảo dính vào mấy cái nghệ thuật là hỏng người! Mẹ bảo vẽ chẳng… giàu được!

    Giọng em đứt quãng như một bản nhạc buồn có quá nhiều khoảng lặng. Tôi cứ tưởng rằng Châu đã cạn niềm thích thú với vẽ. Không, em vẫn yêu vẽ, thậm chí niềm khát khao vẽ của em còn cháy bỏng hơn cả tôi. Và khi bị cấm vẽ, em phản kháng lại người mẹ theo cách của mình. Châu thay đổi, trở thành một con người không phải chính em. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều ấy ngay từ đầu, nhưng tôi bỏ qua, để giờ đây em phải khóc. Tôi chưa bao giờ thấy Châu khóc nhiều như thế. Dòng lệ từ khóe mắt em cứ chảy ra, cuốn trôi những lớp son phấn và hiện ra một cô bé đáng yêu thuở nào. Em nghèn nghẹn:

    -Tại sao mẹ không cho tớ vẽ? Tại sao tớ phải học những thứ tớ không thích? Những cái đó đâu thể làm tớ tốt hơn, đúng không? Sao tớ có thể làm tốt một việc mà tớ không thích chứ?

    Khi ấy, tôi chẳng đủ lớn để nói ra một câu đủ sức an ủi em, cũng chẳng đưa tay ra để đỡ lấy bờ vai yếu đuối của em. Tôi chỉ thấy mình quá nhỏ bé trước hiện thực. Năm ấy, những giấc mơ đã bị bánh xe đại học nghiền nát như thế.

    Bực dọc vì cuộc sống cấp ba, tôi trút hết phiền muộn vào những tin nhắn cho Hoa Ngọc Linh. Em luôn offline khi tôi online và cũng chẳng trả lời tin nhắn, nhưng tôi vẫn mong đợi em thông cảm (hoặc tỏ ra thông cảm cũng được).

    Mày dạo này thế nào? Học hành tốt chứ? Đã chọn được trường nào chưa? :))
    Tao bị cấm vẽ, chán lắm! :(
    Ông bà già cứ bắt tao vào ngành tài chính ngân hàng! :-<
    Các cụ nhà tao cứ làm sao ấy!
    Thấy mọi người đồn ngành này kiếm tiền dữ lắm, thế là ép tao học luôn!
    Mà tao biết cái mẹ gì về tài chính đâu? @@
    Bố mẹ mày có thế không? :-?
    À quên, tao chưa hỏi, mày định theo ngành gì?
    Có thích ngành đó không?
    Nhớ trả lời tao sớm nhé! :D
    À quên, năm nay tao sẽ tặng quà sinh nhật cho mày đấy, nhớ để ý nhé!
    ”.

    Khi mọi giấc mơ tan vỡ, tôi lại tìm về con phố nhỏ và đợi chờ trước căn nhà của Linh. Ít nhất, những kỷ niệm vẫn cho tôi hy vọng, vẫn cho tôi thấy rằng cuộc sống này chẳng quá tệ hại. Kỷ niệm là thứ đã qua, nhưng đôi khi là động lực để ta sống tiếp. Chỉ cần những kỷ niệm sống mãi, tôi sẽ nhịn nhục mà sống, nhịn nhục tới ngày cầm bút vẽ trở lại. Nếu phải chờ đợi để được vẽ, tôi sẽ chờ đợi.

    Nhưng một bản nhạc buồn không bao giờ có những nốt nhạc chạy theo nhịp điệu vui tươi. Bản nhạc buồn của tôi vẫn chưa kết thúc.

    Một buổi tối ngày cuối thu chớm đông, lúc đi học thêm về, tôi lại tạt qua nhà Linh như một thói quen cố hữu. Lúc cách nhà khoảng chục mét, tôi chợt nhận ra cánh cửa sắt màu xanh mở toang. Nó vốn không bao giờ mở khi tôi có mặt ở đó. Vui mừng quá đỗi, tôi liền đạp xe như bay lao tới. Nhưng lúc đến nơi, tôi thấy một cơn ác mộng: một bà đồng nát đang tống những bức tranh của tôi lên giỏ xe đạp. Hơn một trăm bức, kể cả bức tranh đóng khung gỗ mà tôi tặng Linh hồi sinh nhật năm ngoái. Tôi vội vã dựng xe rồi hỏi bà bán đồng nát:

    -Người ta bán cái này hả cô?

    -Ờ, nhiều quá nên bán. Mà cháu là ai, sao lại hỏi thế?

    Vừa lúc ấy, bà chủ nhà từ trong bước ra. Người phụ nữ đó tầm tuổi 50, ngỡ đó là mẹ của Linh, tôi hỏi:

    -Bác là mẹ của Linh ạ?

    -Không! Linh nào ở đây? – Người phụ nữ ngạc nhiên – Cháu là ai?

    Tôi hấp tấp nói:

    -Cháu là bạn của Linh, Hoa Ngọc Linh ấy ạ!

    -À… à! Có phải con bé Hoa Ngọc Linh cao cao, mắt hơi xếch, trông khá xinh xắn, đúng không? Bác gặp nó một lần, chỉ nhớ thế!

    -Vâng, vâng! Đúng thế! Bạn ấy đâu ạ?

    -Nó chuyển đi rồi cháu ơi! – Người phụ nữ cười – Người ta (ý chỉ bố mẹ Linh) bán lại căn nhà này cho vợ chồng bác rồi chuyển đi lâu rồi!

    -Chuyển đi lúc nào hả bác?

    -Một năm trước! Bác mua nhà này tầm tháng 2 tháng 3 năm ngoái mà!

    Thời gian chuyển nhà tương ứng lúc tôi học lớp 10. Tôi từng nói rằng vì quá mải mê điện tử nên không để ý tin nhắn của Linh. Tôi không biết rằng trong số những tin nhắn đó có tin em sắp chuyển nhà và đổi nick Yahoo!. Như một thằng mất trí, tôi lục đống tranh của bà đồng nát. Sau một hồi tìm kiếm, tôi không tìm thấy bức tranh đầu tiên đã tặng em. Có thể em đã nhận được chăng? Không, tôi phải đối diện sự thật rằng em không hề nhận được bức tranh nào cả. Tôi tặng bức tranh đó khoảng tháng 4 mà trước đó em đã chuyển nhà từ lâu. Tất cả những bức tranh ở đây, chúng chẳng có ý nghĩa gì với Linh hết, bởi em chưa từng thấy chúng, chưa từng biết chúng tồn tại.

    Tôi đạp xe về nhà, đầu óc gần như trống rỗng, con đường phía trước trải dài như vô tận. Để đỡ chán, tôi mở máy nghe nhạc MP3. Nhưng bao nhiêu bài hát cứ lọt từ tai trái qua tai phải, tôi chẳng nhớ mình đã nghe những gì. Cho tới khi trời đổ mưa, bụi bay với lá xào xạc, tôi mới nhận ra mình đã tới phố Phan Đình Phùng – con phố của những hàng cây. Tôi trú chân dưới một gốc cây, đôi mắt chán nản nhìn dòng người vun vút trên con phố vắng tanh. Phố Phan Đình Phùng là thế, ban ngày tấp nập, nhưng hễ đêm tối xuống lại có những khoảng lặng đến mức cô độc. Tôi cũng thế, đứng dưới con đường vắng lặng này và cô độc như nó.

    Mưa rơi qua lá, rơi xuống mặt tôi. Mưa cuối thu lạnh ngắt, lạnh xuyên thấu tâm hồn. Tôi cố gắng không nghĩ tới Linh nữa và tập trung nghe nhạc. Khốn nạn thay, nhạc mở đúng bài “Carnival of Rust” của Poets of the Fall. Và tôi chợt nhận ra mắt mình đã nhòe đi, không biết nhòe do nước mưa hay khóc nữa.

    Tôi đã mất Linh. Tôi cảm giác sự mất mát này là vĩnh viễn. Em không ở đây nữa, vậy tôi vẽ làm chi nữa?

    Em đang ở đâu?

    Thành phố Hà Nội chẳng lớn lắm, nhưng tìm em nơi đâu?

    Biết tìm em nơi đâu giữa thành phố này?

    Tìm em ở đâu dưới cơn mưa này?

    Giá như tôi không đến, cứ để tôi ảo tưởng trong hy vọng sẽ tốt hơn là thế này.

    Và cơn mưa mùa thu cứ trút xuống người tôi. Tôi chia sẻ với mọi người về nỗi buồn của họ, nhưng nỗi buồn của tôi, tôi ôm lấy nó và khóc trong cô độc. Mọi giấc mơ của tôi, chúng tan nát như bọt nước mùa thu lạnh lẽo và ngả màu hoang tàn – như “Carnival of Rust” vậy.

    Come feed the rain
    ‘Cause I’m thirsty for your love
    Dancing underneath the skies of lust
    Yeah feed the rain
    ‘Cause without your love my life ain’t nothing, but this carnival of rust…


    TTV Translate - Ứng dụng convert truyện trên mobile

    Lần sửa cuối bởi Get_Backer, ngày 09-01-2014 lúc 11:47.

    ---QC---


  10. Bài viết được 7 thành viên cảm ơn::   [Hiện ra]
    haininh118,Lạc Thiên,ngocnghechvn,NguyenHoang,quangheo,Thiên Lôi,Vân Tiên Khách,
Trang 3 của 6 Đầu tiênĐầu tiên 12345 ... CuốiCuối

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

DMCA.com Protection Status